- Lời Của Dịch Giả
- Chương 01: Quán Nhân Duyên
- Chương 02: Quán Khứ Lai
- Chương 03: Quán Lục Tình
- Chương 04: Quán Ngũ Ấm
- Chương 05: Quán Lục Chủng
- Chương 06: Quán Pháp Nhiễm Người Nhiễm
- Chương 07: Quán Ba Tướng
- Chương 08: Quán Tác, Tác Giả
- Chương 09: Quán Bổn Trụ
- Chương 10: Quán Nhiên, Khả Nhiên
- Chương 11: Quán Bổn Tế
- Chương 12: Quán Khổ
- Chương 13: Quán Hành
- Chương 14: Quán Hiệp
- Chương 15: Quán Hữu Vô
- Chương 16: Quán Phược Giải
- Chương 17: Quán Nghiệp
- Chương 18: Quán Pháp
- Chương 19: Quán Thời
- Chương 20: Quán Nhơn Quả
- Chương 21: Quán Thành, Họai
- Chương 22: Quán Như Lai
- Chương 23: Quán Điên Đảo
- Chương 24: Quán Tứ Đế
- Chương 25: Quán Niết-bàn
- Chương 26: Quán Thập Nhị Nhơn Duyên
- Chương 27: Quán Tà Kiến
LONG THỌ BỒ
TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo -
CHƯƠNG IX: QUÁN BỔN TRỤ[1]
Hỏi:
Có người nói:
107)Các căn như mắt, tai;
Các pháp như khổ, lạc;
Cái gì sở hữu chúng,
Cái đó là bổn trụ. [1]
108)Nếu không có bổn trụ,
Cái gì làm chủ mắt?
Vì thế nên phải biết,
Trước đã có bổn trụ. [2]
(Bài tụng nói:) “Các căn như mắt, tai” là chỉ cho các căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và mạng. (Bài tụng nói:) “Các pháp như khổ, lạc” là chỉ cho cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ, không lạc, và các tâm và tâm sở như tưởng, tư, ức, niệm v.v…
Có luận sư nói: “Trước khi chưa có các pháp như mắt v.v.. đã có bổn trụ. Do bởi bổn trụ ấy mà các căn như mắt v.v.. được tăng trưởng. Nếu không có bổn trụ, thì các căn như thân, mắt v.v... do nguyên nhân nào phát sanh mà được tăng trưởng?”
Đáp:
109)Nếu lìa căn con mắt,
Pháp khổ, lạc vân vân,
Mà bổn trụ có trước,
Do đâu mà biết có? [3]
Nếu lìa các căn mắt, tai, v.v. và những pháp khổ, lạc mà trước đã có bổn trụ, thì do đâu để nói? làm thế nào được biết? Những pháp ngoại tại như cái bình, cái áo v.v.. do các căn như mắt v.v.. mà được biết. Những pháp nội tại, do các căn khổ lạc v.v.. tri nhận.
Như kinh nói: “Có thể bị hoại diệt là tướng của sắc; có khả năng lãnh thọ là tướng của thọ; có khả năng nhận thức, đó là tướng của thức. Ông nói, lìa mắt, tai, khổ, lạc v.v… mà trước đã có bổn trụ, thì do đâu mà biết và để nói rằng có pháp đó?
Hỏi: Có Luận sư nói, “Hơi thở ra vào; nhìn ngắm, nháy liếc; thọ mạng, suy nghĩ, khổ, vui, yêu, ghét, cử động, phát khởi v.v.. là tướng của thần ngã. Nếu chẳng có thần ngã, làm thế nào có các hiện tượng hơi thở ra vào v.v.. Thế nên biết rằng, ngoài các căn mắt, tai v.v.. và những pháp khổ, lạc, trước có bổn trụ.
Đáp: Thần ngã nếu có, thì phải ở trong thân, như trong vách nhà có cột trụ; hay ở ngoài, thì như người mặc áo giáp. Nếu ở trong thân, thì thân chẳng thể hoại diệt, vì thần ngã luôn luôn hiện hữu. Thế nên, thần ngã ở trong thân, chỉ là ngôn thuyết hư vọng không thật. Nếu ở ngoài thân, che phủ thân như cái áo giáp, thì thân không thể thấy được vì bị thần ngã che phủ kín, và cũng chẳng thể hủy diệt. Nhưng nay hiện thấy thân có hoại diệt. Thế nên phải biết lìa khổ, lạc v.v.. trước chẳng có pháp nào. Nếu nói rằng khi chặt tay, Thần ngã co rút lại ở trong đó nên không thể bị chặt; thế thì khi chặt đầu, thần ngã cũng co rút lại vào trong để không thể chết. Nhưng thật sự có chết. Thế nên biết, mà lìa khổ vui v.v.. trước có thần ngã chỉ là ngôn ngữ hư dối không thật.
Lại nữa, nếu nói thân lớn thì thần ngã lớn, thân nhỏ thì thần ngã cũng nhỏ. Như ngọn đèn lớn thì ánh sáng lớn. Ngọn đèn nhỏ thì ánh sáng cũng nhỏ. Thế là thần ngã tùy theo thân, chẳng phải thường. Nếu theo thân, thân không, thần ngã chẳng có. Như ngọn đèn tắt thì ánh sáng hủy diệt. Nếu thần ngã là vô thường tức đồng với mắt, tai, khổ vui v.v.. Thế nên biết, lìa mắt, tai v.v. trước chẳng riêng có thần ngã.
Lại nữa, như người bị bịnh phong cuồng, chẳng được tự tại đối những việc không nên làm mà làm. Nếu có thần ngã làm chủ các hành động thì sao nói là chẳng được tự tại? Nếu bịnh cuồng loạn không làm não hại thần ngã thì lẽ ra lìa thần ngã riêng có sự hành động. Như thế mỗi mỗi xét kỹ, lìa mắt, tai v.v.. và những pháp khổ, lạc v.v.. trước chẳng có bổn trụ. Nếu quả quyết nói rằng lìa các căn mắt, tai v.v.. và các pháp khổ lạc v.v.. mà trước có bổn trụ, thì không có lẽ ấy. Tại sao? Như đây nói:
110)Lìa các căn mắt, tai ,
Mà nói có bổn trụ;
Cũng nên lìa bổn trụ,
Có mắt, tai vân vân.[2] [4]
Nếu lìa các cơ quan mắt, tai v.v.. và những pháp khổ lạc v..v… mà trước có bổn trụ, thì nay những con mắt, tai v.v… và cái khổ, lạc v.v… cũng nên lìa bổn trụ mà có.
Hỏi: Hai sự kiện ấy có thể tách rời nhau. Song giả sử có bổn trụ thì sao?
Đáp:
111)Do pháp biết có người,
Do người nhìn thấy pháp.
Lìa pháp đâu có người,
Ngoài người đâu có pháp?[3] [5]
Pháp là mắt, tai, khổ, lạc v.v.. Người là bổn trụ. Ông nói, “Do có pháp nên biết người, và nhận thấy người nên biết có pháp.” Nay lìa những pháp mắt, tai v.v.. làm thế nào có người? Ngoài người ra làm sao có các pháp mắt, tai v.v..
Lại nữa:
112)Các căn như mắt, tai,
Thật chẳng có bổn trụ.
Các căn như mắt, tai.
Do dị tướng phân biệt. [6]
Như các con mắt, tai v.v…, những pháp khổ, lạc v.v.. thật chẳng có bổn trụ. Nhơn mắt duyên sắc, phát khởi sự nhận thức của con mắt, do nhân duyên hòa hợp biết rằng có những căn mắt, tai v.v…; chẳng phải do bổn trụ mà nhận biết, thế nên bài tụng nói, “Các căn mắt, tai v.v… thật chẳng có bổn trụ. Những căn mắt, tai v.v… mỗi cái có thể tự phân biệt.”
Hỏi:
113)Mắt vân vân các căn,
Đã không có bổn trụ.
Mắt vân vân mỗi căn,
Làm sao nhận biết trần? [8]
Nếu tất cả các căn mắt, tai v.v. và những pháp khổ, lạc v.v.. không có bổn trụ, thì ở đây mỗi một căn làm thế nào phân biệt các trần? Các căn mắt, tai v.v.. chẳng có suy tư, không thể có sự nhận biết, khi thật sự chúng có khả năng biết các trần nên biết lìa các căn mắt, tai v.v… còn cái khác có khả năng nhận thức các trần.
Đáp: Nếu vậy trong mỗi một căn đều có chủ thể nhận thức hay là chỉ một chủ thể nhận thức chung cho các căn có lỗi, Vì sao?
114)Người thấy tức người nghe,
Người nghe tức người thọ.
Các căn mà như thế,
Thì mới có bổn trụ. [9]
Nếu người thấy tức người nghe, người nghe tức người thọ, thì có một thần ngã. Các căn mắt, tai v.v.. như thế mới có thể đã có sẵn bổn trụ. Thế thì sắc, thanh, hương v.v.. không có chủ thể nhận thức nhất định; hoặc có thể dùng mắt nghe tiếng, như người đứng giữa sáu hướng tùy ý thấy hay nghe. Nếu người nghe, người thấy cùng là một thì có thể tùy ý thấy hay nghe bằng con mắt được cả. Song điều ấy không đúng.
115)Nếu thấy nghe đều khác,
Người cảm thọ cũng khác.
Khi thấy cũng là nghe,
Thế thì nhiều thần ngã. [10]
Nếu người thấy được nghe và người cảm thọ đều khác thì khi thấy cũng là nghe. Tại sao? Vì lìa người thấy mà có người nghe. Như thế, thần ngã trong một lúc phải đủ khắp trong tai, mũi, lưỡi, thân. Nếu vậy người chỉ một mà thần ngã thì nhiều vì tất cả căn cùng một lúc nhận biết các trần. Nhưng thật chẳng phải. Thế nên người thấy, người nghe và người cảm giác không thể sử dụng lẫn lộn.
Lại nữa:
116)Các căn như mắt, tai,
Các pháp như khổ lạc,
Đều sinh từ đại chủng;
Đại chủng cũng không ngã. [11]
Nếu nói rằng lìa những căn mắt, tai v.v.. và các pháp khổ vui v.v.. riêng có bổn trụ, điều ấy trước đã phá. Nay đối với nguyên nhân của mắt, tức bốn đại. Trong bốn đại ấy cũng không có bổn trụ.
Hỏi: Có thể không có bổn trụ của các căn mắt, tai v.v… và các pháp khổ vui v.v… Nhưng phải có các căn mắt, tai v.v… những pháp khổ vui v.v…
Đáp:
117)Các căn như mắt, tai,
Các pháp như khổ, lạc v.v..
Nếu chẳng có bổn trụ,
Thì mắt tại cũng không. [12]
Nếu mắt, tai, khổ, lạc v.v… các pháp không có bổn trụ thì cái gì làm chủ mắt, tai các thứ? Do duyên gì mà chúng có? Thế nên mắt tai v.v.. cũng không.
Lại nữa:
118)Mắt, tai… không bản trụ,
Nay và sau cũng không.
Vì ba thời chẳng có,
Không có, chẳng phân biệt. [13]
Suy nghĩ cùng
tận, bổn trụ không có trước mắt, tai v.v..; nay và sau này cũng không. Nếu ba
thời chẳng có tức là tịch diệt vô sanh, không nên có nạn vấn rằng, “Nếu không
bổn trụ làm sao có mắt, tai v.v…” Vấn đáp như thế, hí luận liền hủy diệt. Hí
luận chấm dứt các pháp tức không.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Bản trụ, nguyên tiếng Phạn pùrva, nguyên thủy, khởi thủy, cái có trước. Cát Tạng chú giải: Thần Ngã, Phật tánh, Như Lai tạng, A-lại-da thức, đều là những từ đồng nghĩa của bản trụ.
[2] Bổn trụ là chỉ thần ngã thông thường gọi linh hồn. Câu 124-125 nói một số luận sư ngoại đạo quan niệm rằng: Con người có cái tính Bổn trụ, do có bổn trụ nên có các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi v.v.. và các căn xúc, lãnh thọ sự vui buồn… nếu trước không có bổn trụ thì ai là sở hữu các việc đó. Cho nên biết rằng trước có bản ngã.
[3] Từ câu 126-129, có ý nghĩa phản lại quan niệm trên và nhấn mạnh rằng, không có thần ngã trước hoặc tách rời các căn trần… Nhờ có pháp biết có người, nhờ có người biết có pháp. Mắt, tai v.v…. những căn tiếp xúc các trần cảnh mà phát sanh sự nhận thức. Nhờ nhân duyên hòa hiệp căn cảnh mà có thức, sự thật không có thần ngã nào đứng ngoài căn trần nhận thức. Vì thế, xưa nay không có thần ngã, chỉ do vọng tâm phân biệt chấp trước. Tất cả do tứ đại hòa hiệp hình thành nó là giả hữu mà thôi.