Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Chương 10: Quán Nhiên, Khả Nhiên

Saturday, July 3, 201000:00(View: 4545)
Chương 10: Quán Nhiên, Khả Nhiên

LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội PL. 2546 - DL. 2003

CHƯƠNG X: QUÁN NHIÊN, KHẢ NHIÊN[1]

Hỏi: Nên có thọ và thọ giả; cũng như lửa và củi. Lửa là thọ giả, củi là thọ; tức là năm ấm.

Đáp: Điều ấy không đúng. Vì sao? Cái đốt (nhiên) và cái bị đốt (khả nhiên) đều bất thành. Cái đốt và Cái bị đốt được chứng thành bằng pháp một hay bằng pháp hai? Nhưng cả hai trường hợp đều bất thành.

Hỏi: Hãy gác qua vấn đề nhất thể hay dị thể. Nếu nói rằng không có cái đốt và cái bị đốt nay tại sao lại bác bỏ chúng bằng tính chất nhất thể và dị thể? Như lông rùa, sừng thỏ, không hiện thực nên chẳng bị phá hủy. Cứ như sự thấy của thế gian, trước hết phải có sự thể thực hữu, sau đó mới có thể tư duy. Tỉ dụ như có vàng sau đó mới có sự thiêu đốt và trui luyện. Cũng thế, nếu không thừa nhận lửa và củi thì vấn đề nhất thể và dị thể của chúng được đặt ra làm gì? Nếu ông cho rằng có nhất, dị thể thì phải biết có lửa và củi. Nếu chấp nhận có tức là đã có.

Đáp: Vấn đề được đặt ra là căn cứ vào tập quán ngôn ngữ của thế tục cho nên không có lỗi. Đặt vấn đề lửa và củi vào nguyên lý nhất dị không phải là đã thừa nhận chúng. Nếu lìa ngôn ngữ thế tục thì không có y cứ để luận bàn. Nếu không nói đến cái đốt và cái bị đốt, thì làm sao có cái để phá. Nếu chẳng có cái gì được nói, thì nghĩa không được sáng tỏ. Như các luận gia muốn phá về cái có và không tất phải nói đến chúng; chứ không phải vì nói đến có và không mà cho là chấp nhận có. Ấy là tùy theo ngôn thuyết của thế gian nên không có lỗi. Nếu cho rằng có thể miệng nói là có thể chấp nhận, vậy thì lời bác bẻ của ông chính là từ bác bỏ. Lửa và củi cũng như thế. Tuy có nói đến, nhưng không phải thừa nhận. Thế nên, dùng nhất thể hay dị thể để tư duy về lửa và củi, cả hai đều không tựu thành. Tại sao?

119)Nếu lửa tức là củi,

Tác, tác giả là một.

Nếu lửa khác với củi,

Lìa củi ra có lửa.[2] [1] 

Cái đốt là lửa; cái bị đốt là củi. Tác giả là người, tác là nghiệp. Nếu lửa và củi là nhất thể, thì tác, tác giả cũng thế. Nếu tác và tác giảnhất thể thì ông thợ gốm và chiếc bình cũng là một. Tác giả là ông thợ gốm, tác là chiếc bình. Ông thợ gốm không phải bình, bình chẳng phải ông thợ gốm, làm sao được nhất thể? Tác, tác giả không phải một thì lửa và củi cũng chẳng phải một. Nếu nói rằng nhất thể chẳng được thì dị thể cũng không đúng. Vì sao? Nếu lửa và củi khác thì lìa củi ra, riêng có lửa. Phân biệt rằng đây là củi, đây là lửa thì bất cứ đâu không củi tự có lửa bốc cháy, nhưng thật không phải vậy, thế nên dị thể chẳng được.

Lại nữa:

120)Như thế lửa thường cháy,

Không cần dùng đến củi.

Chẳng cần công đốt lửa,

Cũng là lửa vô tác. [2] 

Nếu lửa và củi khác biệt thì lửa không cần củi mà thường tự bốc cháy. Nếu thường bốc cháy, lửa sẽ tồn tại với tự thể của nó, không cần nhơn duyên; và công của người trở thành vô ích. Công của người là người giúp cho lửa cháy. Nhưng công tác ấy hiện có, thế nên biết lửa và củi không phải hai dị thể biệt lập.

Lại nữa, nếu lửa và củi dị biệt, thì lửa không do tạo tác. Lửa mà không củi thì đốt cái gì? Nếu thế lửa sẽ là cái không do tạo tác. Không có điều ấy.

Hỏi: Tại sao nếu lửa chẳng từ nhơn duyên sanh thì công của người sẽ vô ích?

Đáp: 

121)Lửa không cần đến củi,

Thì chẳng từ duyên sanh.

Lửa nếu thường bốc cháy,

Công ngườisẽ vô ích. [3] 

Nếu lửa và củi là hai dị thể biệt lập. Không cần có củi mà vẫn có lửa. Nếu không cần củi mà có lửa, sẽ không có sự hỗ tương quan hệ. Thế thì, lửa không từ nhân duyên phát sanh. 

Lại nữa, nếu lửa khác với củi, lẽ ra lửa thường cháy. Nếu thường xuyên bốc cháy thì không cần có củi mà vẫn thấy có lửa riêng biệt và không cần công người. Vì sao?

122)Nếu nói rằng khi đốt,

Gọi là vật bị đốt.

Bấy giờ chỉ có củi,

Vật gì đốt, bị đốt.[3] [4] 

Nếu nói trước có củi, lúc bốc cháy gọi là vật bị cháy (khả nhiên); điều ấy không đúng. Nếu lìa lửa riêng có củi, tại sao lại nói khi bốc cháy thì được gọi là cái bị đốt (khả nhiên)?

Lại nữa:

123)Khác thì không tiếp xúc,

Không tiếp xúc chẳng cháy.

Không cháy thì không tắt,

Không tắt thì thường trụ. [5] 

Nếu lửa và củi là hai dị thể biệt lập thì lửa không đi đến với củi để đốt cháy củi. Tại sao? Vì chúng không quan hệ nhau để thành tựu. Nếu lửa không do tương quan mà thành tựu, thì tự nó trụ ở bản vị của nó, cần gì đến củi? Thế nên, nó chẳng đến tiếp xúc. Nếu không đến thì sẽ không đốt cái bị đốt. Tại sao? Vì không có trường hợp không tiếp xúc mà có thể đốt cháy. Nếu không cháy, chẳng có tắt, nên thường trụ tự tướng. Điều ấy không đúng.

Hỏi: 

124)Lửa và củi dị biệt,

Mà có thể đến củi.

Như người này đến kia,

Người kia đến người này. [6] 

Lửa và củi dị biệt mà lửa có thể đến với củi, cũng như người nam đến với người nữ, người nữ đến người nam.

Đáp: 

125)Nếu nói lửa và củi,

Cả hai tách rời nhau.

Như thế lửa có thể,

Đi đến đốt củi kia. [7] 

Nếu lìa lửa có củi, hoặc lìa củi có lửa cháy, mỗi cái tự thành, như thế lửa mới có thể đến đốt củi; mà sự thật không phải vậy. Vì sao? Lìa lửa không có củi, lìa củi không thể có lửa. Nhưng nay lìa người nam có nữ, lìa người nữ có nam, thế nên dụ của ông bất thành. Lửa chẳng thể đến với củi.

Hỏi: Lửa và củi nương nhau mà có. Nhân củi có lửa; nhân lửa có củi. Hai sự kiện ấy quan hệ nhau mà thành.

Đáp: 

126)Nhơn củi mà có lửa,

Nhơn lửa mà có củi.

Trước định có pháp gì,

Mà có lửa và củi? [8] 

Nếu nói do có củi mà có lửa, thì ngược lại, do có lửa mà có củi, vậy cái nào có trước và cái náo có sau? Nếu do có củi mà có lửa, thì tất củi có trước. Nếu do có lửa mà có củi, tất lửa có trước. Nay nếu nhân củi tạo thành lửa thì trước có củi sau mới có lửa. Không cần đợi lửa, vẫn có củi. Tại sao? Vì củi có trước, lửa có sau. Nếu lửa không đốt được củi, thì củi không thành. Lại, củi không hiện hữu ở nơi không có lửa. Nếu củi không thành, lửa cũng chẳng thành. Nếu trước có lửa sau có củi, lửa cũng có lỗi như vậy. Thế nên, lửa và củi đều bất thành.

Lại nữa:

127)Nếu do củi có lửa,

Lửa thành rồi thành nữa.

Như thế là trong củi,

Không có lửa hiện hữu. [9] 

Nếu cho rằng do có củi mà lửa thành tựu. Lửa tựu thành rồi lại thành nữa. Vì sao? Lửa tự trụ bản vị của nó. Nếu lửa không tồn tại với tự thể của nó mà lại thành tựu từ củi, chẳng có đều ấy. Thế nên có lửa từ củi mà tựu thành thì nay lửa thành rồi, lại tựu thành nữa, như thế có lỗi. Lại có lỗi, củi không có lửa. Tại sao? Vì lìa củi, lửa tự trụ thể của nó. Thế nên, nói lửa và củi làm nhơn cho nhau, điều ấy không đúng.

Lại nữa:

128)Nếu pháp do nhân thành,

Pháp ấy lại thành nhân.

Nay không có nhân thành,

Cũng chẳng pháp được thành. [10] 

Nếu pháp nào cần có nhân để thành tựu, thì ngược lại cái nhân gốc đó cũng cần đến pháp này để thành tựu. Một cách quyết định như vậy, thế thì không có hai sự kiện. Như nhân bởi cái bị đốt mà cái đốt được chứng thành. Rồi lại nhân bởi cái đốt mà cái bị đốt được chứng thành. Thế thì cả hai đều bất định. Bất định, cho nên không thể nhận thức được. Vì sao?

129)Nếu thành do quan hệ;

Chưa thành, quan hệ gì?

Đã thành mới quan hệ;

Đã thành, quan hệ gì? [11]

Nếu cho rắng pháp được chứng thành nhân bởi quan hệ đối đãi; nhưng tự thể đó trước chưa tựu thành thì không có tự thể; không tự thể làm thế nào để có đối tượng đối đãi? Nếu tự thể ấy, trước đã tựu thành; thành không cần tương quan đối đãi. Cả hai đều chẳng có sự tương nhân. Thế nên, trước ông nói, “Lửa và củi do đối đãi nhau tựu thành,” điều ấy không đúng. Thế nên:

130)Do củi thì không lửa,

Không do cũng chẵng lửa.

Do lửa không có củi.

Không do cũng không củi. [12] 

Nay, do quan hệ củi, thì lửa không tựu thành; không do quan hệ củi, lửa cũng không tựu thành. Củi cũng như thế. Do lửa hay không do lửa, đều không thành. Lỗi ấy trước đã nói.

Lại nữa:

131)Lửa không chỗ khác đến,

Chỗ đốt cũng chẳng lửa.

Củi cũng giống như thế,

Ngoài ra như khứ, lai. [13] 

Lửa không từ chỗ củi; trong củi cũng không có lửa. Vì chẻ củi tìm lửa, không thể có. Củi cũng như thế, không từ chỗ nào đến với lửa; trong lửa cũng không củi. Như đã đốt thì không có đốt; chưa đốt không có đốt, đang đốt cũng không đốt, nghĩa ấy trong chương “Khứ lai” đã nói.

Thế nên:

132)Củi không phải là lửa,[4]

Lìa củi cũng không lửa.

Lửa mà không có củi[5],

Trong lửa không có củi,

133)Trong củi không có lửa.[6] [13] 

Củi không phải là lửa, tại sao? Vì cùng lỗi như tác và tác giả là một đã nói trước. Ngoài củi không có lửa, vì có những lỗi là nó thường cháy. Lửa không có củi, trong lửa không có củi, trong củi không có lửa; vì có sự sai lầm về dị thể. Do đó, cả ba trường hợp đều bất thành.

Hỏi: Vì sao lại bàn đến lửa và củi?

Đáp: Cũng như do củi mới có lửa. Như thế, do thọ mới có thọ giả. Thọ, tức là năm ấm. Thọ giảcon người. Vì lửa và củi không tựu thành thì thọ và thọ giả cũng bất thành. Vì sao?

134)Với trường hợp lửa củi,

Mà nói thọ, thọ giả.

Và nói đến bình, áo,

Và tất cả các pháp. [14] 

Cũng như củi không phải lửa. Cũng thế, thọ chẳng phải thọ giả, vì đồng lỗi như tác và tác giả là một. Lại lìa thọ không có thọ giả vì chúng không thể dị biệt và vì có sai lầm về dị thể cho nên cả ba trường hợp đều bất thành. Cũng như thọ và thọ giả, tất cả các pháp ngoại giới như cái bình và cái áo v.v. đều đồng như trên đã nói. Chúng không sanh khởi, rốt ráo là không.

Thế nên: 

135)Người nào nói có nga,

Và các pháp dị biệt;

Nên biết người như thế,

Không thấm nhuần Phật Pháp. [15] 

Các pháp từ xưa đến nay vốn không sanh; rốt ráo là tướng tịch diệt. Thế nên ở cuối chương nói bài tụng này. “Người nào nói có tướng ngã,” đó là chỉ các nhà Độc tử bộ nói rằng, không thể nói sắc tức là ngã, không thể nói lìa sắc có ngã. Ngã thuộc về nhóm thứ năm gọi là “bất khả thuyết tang.” Như các nhà Tát-bà-đa chủ trương tướng trạng sai biệt của các pháp rằng, đây là thiện, đây là bất thiện, đây là vô ký, đây là hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v.. sai biệt. Những người như thế chẳng chứng được tịch diệt tướng của các pháp; đem lời Phật dạy tạo thành những hí luận.



--------------------------------------------------------------------------------

[1] Nguyên tiếng Phạn, Agnìndhana, lửa và củi (hay nhiên liệu). Những từ lửa và củi trong bản Việt; trong bản Hán đều là nhiên và khả nhiên, đốt và bị đốt. TS

[2] Đốt là chỉ lửa cháy, "đốt, khả đốt" là chỉ vật bị đốt như củi. Đoạn này giống như đoạn trước nói về tác và tác giả, thọ và thọ giả (lãnh thọ và người lãnh thọ) lửa đốt ví dụ cho người thọ, khả đốt ví dụ cho vật lãnh thọ. Và tác giả, tác nghiệp.

[3] Lửa đốt và củi vật bị đốt không phải một, cũng không phải khác. Nếu một; tức lửa với củi không khác. nếu là khác thì lửa và củi không liên hệ nhau, lửa không thể làm cháy củi. Cũng như người tạo tác và vật tạo là một thì người ta có thể nói người làm bình với cái bình là một. Như vậy khi gọi cái bình, thì người làm bình cũng có thể được gọi là người bình… Trong tác giả có bình, trong bình có tác giả… Còn vọng chấp là chưa nhận chân được pháp vi diệu của Phật pháp vậy.

[4] Để bản: khả nhiên tức phi nhiên. Các bản Tống-Nguyên-Minh: Nhược khả nhiên vô nhiên. Đối chiếu bản Phạn: indhanaư punar agnir na, nàgnir anyatra cendhanàt, lại nữa, củi không phải là lửa; nhưng ngoài củi không có lửa.

[5] Để bản: nhiên vô hữu khả nhiên. Các bản Tống-Nguyên-Minh: nhiên diệc vô khả nhiên. Bản Phạn nói: nàgnir indhanavàn, “lửa không là cái có-củi” ; trong đó, indhanvat (có-củi) là tính từ phát xuất của danh từ indhana (củi), ở đây được hiểu là thuật từ (tức vị ngữ) làm chức năng phẩm định cho danh từ agni (lửa). Quan hệ danh từ và tính từ như ở đây là căn cứ ngữ pháp để phân tích quan hệ thể và tướng. Đây cũng là điều cần lưu ý. TS

[6] Trong bản Hán, bài tụng cũng gồm 5 câu.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant