Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Chương 14: Hạnh Phúc Bền Vững

20 Tháng Tám 201000:00(Xem: 4635)
Chương 14: Hạnh Phúc Bền Vững

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT
Về Sự Thành Tựu Trong Gia Đình, Nơi Công Sở, Ngoài Xã Hội

Tỳ Kheo Tiến Sĩ Basnagoda Rahula
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh 2010

CHƯƠNG 14

 HẠNH PHÚC VỮNG BỀN

Vui thay chúng ta sống hạnh phúc.

Giữa những người rộn ràng,

Chúng ta sống không rộn ràng....

Hạnh phúc, sự giàu sang tối thượng.[1]

Kinh Pháp Cú

 Hành trình xuyên qua mười ba chương sách mang chúng ta đến với chủ đề quan trọng hơn hết: hạnh phúc bền vững. Sự quan trọng không thể đo lường của chủ đề này nằm trong một sự thật rất đơn giản: những gì đã đóng góp vào sự thành công của chúng tacủa cải, gia đình, nghề nghiệp, hoặc bất cứ thắng lợi nào – sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng không mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Trong nỗ lực đạt đến thành công, hạnh phúc là sự thắng lợi to tát nhất. Như Đức Phật đã nói, “Ta không thấy thành công nào quan trọng hơn cho con người bằng hạnh phúc”.[2]

TÀI SẢN TỐI THƯỢNG 

 Đức Phật luôn thúc giục chúng ta tìm lấy thứ hạnh phúc sâu sắc, vững chắc - và gìn giữ nó để sự thành công của chúng ta thật sự có ý nghĩa.

 Có nhiều lý do để chúng ta tin tưởng vào khả năng dìu dắt ta đến mục đích cuối cùng này của Đức Phật. Vì nỗ lực duy nhất trong suốt cuộc đời của Ngài là tìm được hạnh phúc bền vững; và, sau bao thử tháchlầm lạc, Đức Phật đã tuyên bố rằng Ngài đã đạt được ý nguyện. Những tài liệu đáng tin cậy nhất cho ta thấy lời nói, việc làm, và ý nghĩ của Đức Phật, tất cả đều phản ảnh một hạnh phúc sâu sắc và kiên định.

 Khi quan sát cuộc sống đơn giản của Đức Phật, có người đã hỏi rằng chẳng lẽ Đức Phật khước từ hạnh phúcĐức Phật trả lời rằng, “Nếu có bất cứ ai trên thế gian này đang thụ hưởng hạnh phúc, thì ta là một trong những người ấy”.[3] Trong cùng một bản kinh, Đức Phật tuyên bố rằng Ngài hạnh phúc hơn những người đang sở hữu sự giàu sang vật chấtquyền lực.

 Hơn nữa, không giống như một số người cùng thời lúc đó, Đức Phật không chịu khổ đau để đạt được hạnh phúc về sau trong cuộc sống. Suốt cuộc đời mình, Đức Phật luôn hạnh phúc – điều đó càng khiến Ngài đáng tín nhiệm hơn trong vai trò làm người hướng dẫn chúng ta đến hạnh phúc

 Hơn thế nữa, tâm hoan hỷ của các vị đệ tử Đức Phật càng chứng minh khả năng dẫn dắt ta đến hạnh phúc của Đức Phật. Trong hai quyển sách cổ xưa, Thi Kệ Của Các Vị Trưởng Lão Tăng (Theragatha) và Thi Kệ Của Các Vị Trưởng Lão Ni (Therigatha), đều tràn ngập đề tài hạnh phúc. Các vị đệ tử này không sống trong nhung lụa hoặc thụ hưởng các thứ vật chất xa hoa, nhưng họ đều sở hữu chung một thứ: hạnh phúc tối thượng.

 Đức Phật đã thành công trong việc hướng dẫn hàng ngàn đệ tử của Ngài tìm được hạnh phúc, và chúng ta có thể tin tưởng rằng giáo lý của Ngài cũng sẽ giúp chúng ta được như thế – nếu ta thực hành theo chúng. Đức Phật đã khuyên những vị tỳ kheo đầu tiên của Ngài rằng:

 Hãy sốt sắng đi từ nơi này đến nơi khác vì lợi ích của nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người, giải thích cho họ về giáo lý tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa, và tốt đẹp ở đoạn cuối.[4]

 Từ “hạnh phúc” ở đây cho ta thấy mục đích tối thượng của Đức Phật khi yêu cầu các vị đệ tử mang thông điệp của Ngài đến với “nhiều người”. Ngài hết lòng muốn giúp chúng sanh được hạnh phúc, và Ngài biết rằng giáo lý của Ngài có thể giúp họ đạt được điều đó.

 Hơn thế nữa, khoa học hiện đại có thể minh chứng cho điều này. Trong một thông tin được phổ biến rộng rãi, các đài truyền thông toàn cầu như BBC và CNN đã báo cáo về hai nghiên cứu độc lập được thực hiện vào cuối năm 2003 ở các trường đại học Mỹ, có liên quan đến hạnh phúc nơi những người theo Phật giáo. Và theo các báo cáo này, các nhà nghiên cứu tìm thấy chứng cớ rằng những người hành theo giáo lý của Đức Phật thực sự hạnh phúc – thật ra, họ hạnh phúc hơn nhiều người khác.

 Những kỹ thuật soi rọi hiện đại phát hiện “ánh sáng ở một số vùng trên não” của những người hành thiền Phật giáo[5]chúng dường như kết hợp với các cảm xúc tích cựctrạng thái dễ chịu. Các nhà nghiên cứu ở trường Đại Học Y Khoa San Francisco, bang California, nói rằng các Phật tử “thường ít khi bị sốc, bối rối, ngạc nhiên, hoặc giận dữ so với người khác”.[6] Paul Ekman, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng: “Giả thuyết hợp lý nhất là có một cái gì đó trong việc thực tập hết mình của các Phật tử, mà kết quả là thứ hạnh phúc mà tất cả chúng ta đang kiếm tìm”.[7]

Tuy nhiên, tất cả sự nghiên cứu này, ở một mức độ nào đó, vẫn là thứ yếu so với việc mỗi người chúng ta có thể tự xác minh giá trị của giáo lý của Đức Phật cho bản thân, trong cuộc đời mình.

CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO HẠNH PHÚC

 Để bước vào con đường đến hạnh phúc, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ bản thân. Câu hỏi “Tôi là ai?” cần có một câu trả lời chính xác. Các câu trả lời sai lạc từ các bậc tiền bối đối với câu hỏi này đã góp phần vào việc cản trở bao thế hệ nhận rõ con đường phải đi.

 Đức Phật đã xác định Tôi là một cá nhân tự do, hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của riêng mình. Lại nữa, cái Tôi này hàm chứa tiềm lực và khả năng để tạo ra hạnh phúc cho tôi; không ai ngoài bản thân tôi có thể đem lại hạnh phúc cho mình. “Tự cải thiện hay tự hại mình là chọn lựa của cá nhân; không ai có thể cải thiện được cho mình”.[8] Ngay cả Đức Phật cũng không thể ban cho ta hạnh phúc, mà Ngài “chỉ có thể hướng ta đến con đường hạnh phúc”.[9]

 Trong cuộc hành trình tìm đến hạnh phúc, điều quan trọng là chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình. Vì thế, sự tự tin – lòng tin mạnh mẽ nơi khả năng tự đem lại hạnh phúc cho bản thân – giữ vai trò thiết yếu trong giai đoạn khởi đầu này.

 Kế đến, như đã nói qua trước đây, chúng ta phải thực hành theo lời Phật dạy trong việc loại bỏ ba quan điểm cực đoan về hạnh phúc và khổ đau:

  1. Hạnh phúc và khổ đau của chúng ta trong kiếp sống hiện tại được định đoạt chỉ dựa vào những việc làm trong các kiếp sống đã qua.
  2. Hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta chỉ do các quyền lực siêu nhiên định đoạt.
  3. Hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta chỉ là chuyện may rủi.[10]

 Chấp vào những định kiến như thế là chối bỏ khả năng đem lại an lạctự tại cho bản thânĐức Phật đã bác bỏ các định kiến này. Và Ngài quảng bá quan niệm rằng cái tôi này có thể làm cho tôi hạnh phúc: tất cả chúng ta đều sở hữu khả năng tạo ra hạnh phúc cho bản thân, cho dù chúng ta có những dị biệt cá nhân.

 Lần nữa, các nghiên cứu khoa học lại minh chứng rằng chúng ta có thể vung trồng các khả năng đem lại hạnh phúcCuối năm 2004, một nhóm nghiên cứuĐại Học Wisconsin-Madison kiểm tra hoạt động não bộ của các vị hành thiền lâu năm. Richard Davidson, trưởng nhóm nghiên cứu kết luận: “Sự hành thiền của họ có ảnh hưởng đến não bộ giống như người chơi golf hay quần vợt lâu ngày thì thành tích sẽ tốt hơn”.[11]

 Một thí nghiệm khác diễn ra ở Tây Tạng vào đầu năm 2005 với sự tham gia của các vị thiền tăng đã xác chứng lời tuyên bố sau đây. Các nhà nghiên cứu thấy rằng “thiền thật sự có thể thay đổi cái nhìn của các tu sĩ Phật giáo về vũ trụ”.[12] Họ kết luận như thế sau khi khám phá ra các vị tu sĩ này có khả năng kích thích não bộ bên trái, là phần não bộ có liên quan đến cảm giác hạnh phúc, dầu họ chứng kiến những cảnh đau khổ xảy ra trước mắt.

 Các thí nghiệm này cho ta thấy, đặc biệt, qua việc hành thiền, ta có thể thay đổi cấu trúc và hoạt động của não bộ. Với tiềm năng để phát triển tâm linh này, chúng ta ở trong vị thế phải lãnh trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình – và chỉ cần thay đổi một vài hành vi thì chắc chắn chúng ta sẽ có được sự tự tin để thực hiện điều đó.

BẮT ĐẦU NGAY BÂY GIỜ

 Một phạm trù cần lưu ý trong vấn đề này là ký ức về những trải nghiệm đau buồn hay lỗi lầm trong quá khứ. Khi quá khứ vẫn tiếp tục quấy nhiễu sự an bình nội tâm, thì hạnh phúc sẽ vẫn xa tầm với của chúng taĐức Phật khuyên không nên để những suy tư như thế quấy rối chúng ta: “Hãy để quá khứ qua đi”. Ngay hiện tại là thời điểm để bắt đầu cuộc sống.[13] Bất cứ lỗi lầm gì đã phạm trong quá khứ, chúng không gây trở ngại nếu chúng ta quyết tâm bắt đầu tìm kiếm hạnh phúc ngay bây giờ:

 Trong quá khứ chễnh mãn,

 Giờ trở nên cần mẫn

 Kẻ ấy làm thế gian bừng sáng

 Như mặt trăng ló rạng sau áng mây.[14]

 Ánh trăng dịu dànghạnh phúc nội tại mà chúng ta cảm nhận được sau khi bỏ lại sau lưng quá khứ đau khổ. Ánh sáng nội tại đó không chỉ mang cho chúng ta hạnh phúc mà cũng giúp người chung quanh hạnh phúc. Vì thế trong nỗ lực để khám phá chân hạnh phúc, trước hết chúng ta phải tẩy sạch ký ức nhơ bẩn. Hãy để những kỷ niệm buồn qua đi, quyết tâm tiến về phía trước, và bắt đầu làm mới trở lại.

 Đức Phật cũng nhận thấy rằng – giống như sự âu lo cho quá khứ - sự sợ hãi về tương lai cũng làm giảm cơ hội trải nghiệm hạnh phúc của chúng ta. Để chuẩn bị cho một hiện tại tươi sáng, chúng ta cần phải giải thoát bản thân khỏi những cảm giác này. Tóm lại, khi Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài hãy để quá khứ đau buồn sang một bên, thì Ngài cũng yêu cầu họ đừng lo nghĩ đến tương lai:

 Lo lắng đến tương lai

 Đau buồn về quá khứ,

 Kẻ dại dột đó tàn úa như sậy non

 Bị cắt xuống và phơi khô.[15]

 Mấy câu thơ trên diễn tả tâm trạng chúng ta thường ôm ấp khổ đau trong quá khứlo lắng cho tương lai như thế nào. Kết quả là chúng ta trở nên tột cùng đau khổ, giống như cây sậy bị bứng gốc đang khô héo dưới ánh mặt trời. Đúng hơn, cây sậy được nói đến ở đây là cây nala, một loại tre trúc mọc ở những nơi có nước và bóng mát. Bị tách khỏi thân cây và phơi nắng, hình ảnh cây sậy lúc đó thật tồi tệ, thảm thươngTương tự, chúng ta, những người lo lắng một cách vô ích về tương lai, sẽ khó thể đạt được sự bình an trong nội tâm.

 Đức Phật rõ ràng đã dạy rằng “quá khứ [đau buồn] đã chết và đã qua, tương lai thì chưa đến”.[16] Gặm nhấm mãi về quá khứ đau buồn và lo sợ cho tương lai không mang lại lợi ích gì cho người đang cố gắng sống hạnh phúcĐức Phật khuyên, hãy bắt đầu ngay bây giờ, và hãy biết rằng cái tôi có thể sống hạnh phúc nếu cái tôi ngay bây giờ thực hành những bước quan trọng tiến đến hạnh phúc.

 Câu nói của Đức Phật “an trú trong hạnh phúc” hàm ý đó là một mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất trong cuộc sống. Do đó – khi biết rằng “tôi yêu quý bản thân nhất” – thì kẻ trí phải hành động cẩn trọng để tự bảo vệ.[17]

 Từ “bảo vệ” ở đây có nghĩa là che chắn khỏi những sự quấy nhiễu có thể ảnh hưởng đến sự an bình nội tại của chúng ta. Ai là người che chắn cho tâm của tôi khỏi bị quấy nhiễu? Đó chính là tôi. Ở đây sự chánh niệm liên tục giữ một vai trò quan trọng: chánh niệm liên tục về quyết tâm tạo hạnh phúc cho tôi.

 Đây là lời Đức Phật khuyên các đệ tử xuất gia của Ngài, nhưng nó cũng hữu ích cho người tại gia. Hãy chánh niệm khi đi, đứng, ngồi, nằm. Và để gìn giữ hạnh phúc được vẹn toàn, hãy luôn canh chừng những ý nghĩ lan tràn có thể cản trở sự bình an trong tâm.

BẢY BƯỚC GIẢI THOÁT KHỎI PHIỀN NÃO

 Giờ chúng ta bắt tay thực hành bảy phương cách rất dễ thực hiệnDĩ nhiên, cũng giống như mọi thiện nghiệp khác, muốn giải thoát khỏi phiền não đòi hỏi nhiều nỗ lựcTuy nhiên, những người đã dày công tập luyện đều đồng ý rằng, sau giai đoạn khởi đầu khó khăn, nỗ lực của họ đã được đền bù.

 Nghiên cứu kỹ kinh tạng, chúng ta sẽ tìm thấy bảy phương cách giúp chúng ta đạt đến hạnh phúc bền vững.

Phương cách 1: Tránh Các Phản Ứng Do Tâm Tạo

 Theo Đức Phật, việc chấp vào các phản ứng do tâm tạo đối với những việc xảy ra hằng ngày là một chướng ngại lớn cho hạnh phúc.

 Trong Kinh Mật Hoàn (Madhupindika Sutta), ngài Xá-lợi-phất đã giải thích tiến trình tâm linh này rất rõ ràng. Khi bám vào những ý nghĩa ta tự gán cho các xúc chạm giác quan, ta tạo ra khổ đau. Đức Phật nhận xét: “Ta tự tạo và khuếch tán những suy nghĩ của mình. Kết quả là ta bị chính những sự suy nghĩ đó làm hại bản thân”.[18]

 Bài kinh này giải thích về tiến trình tâm lý bình thường nhưng khó lường khiến hạnh phúc của ta bị đe dọaBản chất tự nhiên của con người khiến chúng ta thường suy diễn các xúc chạm giác quan, nhưng sự suy diễn đó thường dựa trên định kiến, chứ không có bằng chứng. Từ Pali dành cho sự suy diễn này được gọi là papanceti,  có nghĩa là “phát triển ở bên trong” hay “khuếch tán tâm thức” – một tiến trình tâm lý gây ra tai hại hơn là đem lại lợi ích cho chúng ta. Như vậy các tư duy “tự tấn công” này nhằm chỉ sự tán loạn nội tâm.

 Thí dụ: “Anh ấy chẳng mỉm cười vì anh ấy không thích tôi”. Câu khẳng định (anh ấy chẳng mỉm cười) là một trải nghiệm thị giác thật sự; nhưng lý do đưa ra rõ ràng lại là một suy diễn của tâm thức – và ngay sau đó là đau khổ. Với chánh niệm, chúng ta có thể nhận thấy trạng thái tâm vui vẻ chuyển biến một cách nhanh chóng như thế nào khi có sự suy diễn tiêu cực xen vào.

 Tệ hại hơn, tâm thức không dừng lại ở đây; nó tiếp tục tạo ra nhiều câu hỏi “tại sao” với những câu trả lời “bởi vì” như: “Tại sao anh ấy không thích tôi?”. Và lập thức câu trả lời có thể là “Vì anh ấy nghĩ tôi ngu”. Tiến trình này cứ thế mà tiếp tục, chỉ để làm tăng thêm nỗi thống khổ đã có mặt trong tâm.

 Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta cần suy đoán để tìm ra câu trả lời chính xác cho một nghi vấnTuy nhiên, theo Đức Phật, sự tin tưởng rằng các suy đoán đều chính xác sẽ không giúp chúng ta tìm được câu trả lời chính xác hay làm cho chúng ta hạnh phúc. Trong thí dụ vừa nêu trên, lý do thật sự khiến “anh ấy không mỉm cười” có thể hoàn toàn khác biệt với suy đoán. Có thể anh ấy đang suy tưởng điều gì nên không để ý đến chung quanh; có thể anh ấy có chuyện buồn nên không thể tỏ ra vui vẻ. Đó có thể là lý do thực sự khiến anh ấy không cười. Ngày hôm sau khi nhìn thấy anh ta với dáng vẻ tươi cười, ta biết rằng mình đã suy đoán sai – nhưng phiền não do suy đoán sai lầm cũng đã xảy ra.

 Ngài Xá-lợi-phất giải thích thêm rằng chúng ta cũng gán ghép ý nghĩa cho các trải nghiệm của mình để rồi sinh ra khổ sở, dầu đối tượng không hiện diện trước mặt ta. Tùy vào những trải nghiệm quá khứ được lưu giữ trong ký ức, chúng ta tạo ra những hình ảnh tưởng tượng chỉ để khiến ta khổ đau. Ngài Xá-lợi-phất đã nhận xét về sự tương quan giữa giác quan và đối tượng giác quan rằng, “Vọng tưởng [cũng] có thể phát khởi từ tâm thức và đối tượng tâm”.[19] Các vọng tưởng này cũng trải qua quá trình đánh giá và để rồi cuối cùng ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta một cách tiêu cực.

 Chúng ta có thể tự quán chiếu bản thân để thấy rằng điều sau đây chính xác tới đâu. Vào một ngày bình thường, chúng ta có thể tự dưng thấy mình bị vây bủa bởi những ý tưởng đau buồn không biết từ đâu tới. Các vọng tưởng này xuất hiện khi chúng ta chợt nghĩ về những trải nghiệm trong quá khứ và đang đánh giá lại những điều đau buồn ta đã gán chặt với các trải nghiệm đó. Kết quả là chúng ta đánh mất sự an lạc nội tâm mà ta đã có từ ban sáng. Tuy nhiên, trong thực tế thì các trải nghiệm này cũng như ý nghĩa của chúng không hiện diện nơi đâu ngoài tâm ta. Thật là vô lý khi ta để một điều không thật sự hiện hữu hủy hoại hạnh phúc, thứ quý giá nhất trong cuộc đời ta!

 Giáo lý của Đức Phật khuyến khích chúng ta kiềm chế không bám víu vào các vọng tưởng tự tạo đối với các đối tượng giác quan. Nhất là khi chúng ta chợt nhận ra một âm thanh hay một hình ảnh hoặc nhớ lại một trải nghiệm tương tự trong quá khứ, chúng ta cần nhìn điều đó như nó là, chứ không phải một thứ gì đó đã được khuếch trương ra với các nguyên nhân tự tạo. Sự rèn luyện này sẽ đóng góp rất lớn cho thứ hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm.

Phương cách 2: Buông Bỏ Tham và Sân

 Chúng ta đã thảo luận khá chi tiết về tham và sân, ở đây chúng ta quay lại đề tài này để làm sáng tỏ thêm liên hệ của chúng đối với hạnh phúcĐức Phật không thấy gì gây tổn hại cho hạnh phúc bằng hai loại phản ứng tâm này. Đức Phật nói, “Tham dung dưỡng khổ đau; tham dung dưỡng sợ hãi. Khi tham không có mặt, khổ đau hay sợ hãi cũng không có mặt”.[20] Về sân, Đức Phật nói rằng những người đã diệt trừ được sân“, họ “sống hạnh phúcan lành giữa những người thù oán”.[21] Đức Phật luôn nhắc nhở trong các kinh tạng rằng loại trừ được tham và sân trong tâm thức, sẽ mang lại cho chúng ta vô vàn hạnh phúc.

 Vậy mà chúng ta vẫn thất bại, hay đúng hơn không thực sự nỗ lực để kiềm chế tham và sân trong cuộc sống thực tếChúng ta luôn bị khuất phục trước hai bản năng này. Theo Đức Phật, tâm thức con người cơ bản là rất sáng suốt, nhưng nó bị ô nhiễm khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.[22] Không gì có thể ô nhiễm tâm con người và che phủ hạnh phúc tự nhiên của nó cho bằng tham và sân.

 Nhận thức được các khuynh hướng tâm là bước đầu trong việc đạt đến tâm an bìnhĐức Phật dạy rằng, “Khi một tà ý khởi lên, ta phải biết đó là tà ý”.[23] Tương tự, chúng ta cũng phải cảnh giác với các tư tưởng, cảm thọ và tình cảm khác khởi lên trong tâm.[24]

 Lý do tại sao phần đông chúng ta thất bại trong việc kiềm chế tham và sân là vì chúng ta thiếu khả năng để nhận diện sự có mặt của chúng trong tâm. Bị các bản năng này lôi kéo, chúng ta vô tình để cho các cảm thọ và tình cảm chế ngự ta. Ngược lại, khi chúng ta nhận biết được sự hiện diện của các tâm bất thiện bên trong, chúng ta biết rõ mình phải làm gì tiếp theo đó.

 Không có nỗ lực chân chánh, chúng ta sẽ để cho các cảm thọ nội tại điều khiển ta, thay vì ta điều khiển chúng. Tuy nhiên, những ai có cố gắng với một mục tiêu thì nỗ lực của họ sẽ được đền đáp và họ đã bước một bước nhảy vọt về phía trước: họ tự ngăn không để cho mình bị đau khổ. Họ hiểu rằng việc xa rời được những ham muốn cháy bỏng và những ý nghĩ đầy hằn thù thật sự xoa dịu tâm họ.

Phương cách 3: Theo Đuổi Một Mục Đích & Hưởng Thụ Thành Quả

 Dầu Đức Phật dạy rằng hành động tham sẽ là tiền đề của đau khổ nội tâm, Ngài vẫn nhìn nhận việc có một mục tiêuthành công tiếp theo đó là một nền tảng vững chãi cho hạnh phúc của một cá nhân. Cụm từ atthi sukha ám chỉ suối nguồn hạnh phúc này. Theo định nghĩa trong Tăng Chi Bộ Kinh, atthi sukha cảm giác hạnh phúc từ sự đạt được những thành công vật chất bằng phương tiện chân chính. Theo Đức Phật, nói rộng ra, bất cứ thành công nào đạt được bằng phương tiện chính đáng đều là nguồn hạnh phúc.

 Để phân biệt rõ hơn giữa một hành động bị thúc giục bởi lòng tham và một mục đích, chúng ta cần đánh giá tiêu chí của cả hai hành động. Cơ bản, một hành động do tham xem thường ích lợi của người khác trong khi lại quá chú trọng đến sự thỏa mãn dục vọng cá nhânTrái lại, một hành động có mục đích dựa trên tiềm năng cá nhân, và sự thành công mang lại lợi ích cho bản thântha nhânĐức Phật nhấn mạnh rõ ràng rằng một sự thành công như thế mới làm cho chúng ta hạnh phúc.

 Chúng ta có thể quán sát chính cuộc đời của Đức Phật để hiểu được chân lý của lời tuyên bố trên. Suốt bảy năm, Đức Phật phấn đấu để đạt được Giác Ngộ, mục đích cao cả nhất trong cuộc đời của Ngài. Sau những nỗ lực cùng cực của Ngài, biểu trưng cho thành quả của nỗ lực cá nhân, Ngài đạt được mục đích của mình. Ngay sau đó Ngài đã làm gì? Ngài vẫn một mình giữ tâm thanh tịnh, và thụ hưởng thành quả của mình suốt ba tuần

 Lúc cuối đời, trong một bài Pháp, Đức Phật cũng nhìn lại và quán chiếu về một thành tựu khác đã mang lại cho Ngài bao hạnh phúc. Đó là những những thành tựu Ngài đã đạt được trong bốn mươi lăm năm sau Giác ngộ:

 Giờ ta đã già... Ta đã đi đến cuối cuộc hành trình của mình. Tuy nhiên, ta đã có các vị tỳ khưu, những cư sĩ nam, nữ, lớn tuổi, kinh nghiệm, thiện xảo.... Xã hội này thành công, phát triển, cởi mở, được nhiều người biết đến.... Ta không thấy bất cứ vị thầy nào đạt được vị trí danh tiếng như ta.[25]

 Những gì mà Đức Phật đạt được từ sau khi giác ngộ và trước khi ra đi có thể là một trong những thành tựu to tác nhất mà một cá nhânthể đạt được trong một kiếp sống. Không chỉ thành lập được một xã hội tiến bộ, hiện đại trong một xã hội theo truyền thống Vệ-Đà cứng ngắc, mà Đức Phật còn thuyết phục hầu hết các nhà truyền thống này từ bỏ quan điểm, phương cách tu hành của họ và tin theo Ngài. Đức Phật ảnh hưởng một cách sâu sắc đến tư duy của con người và mang lại những cuộc cách mạng xã hội. Đoạn văn trích ở trên cho ta thấy sự đánh giá cao của Đức Phật về những sự thành tựu to tác của bản thân. Ngài hoan hỷ hình dung lại những gì Ngài đã bắt đầu trong độ tuổi ba mươi lăm, và những gì Ngài đã đạt được nhiều năm sau đó.

 Từ “thành tựu” không nhằm chỉ sự hoàn thành một trọng trách to tác gì mà chỉ một số ít người có khả năng thực hiện. Theo Đức Phật, “thành tựu” nhằm chỉ bất cứ thành quả nào có liên quan đến sự phát triển nội tại hoặc thành đạt trong xã hội. Hầu hết các đệ tử xuất gia của Đức Phật xem sự phát triển tâm linh của mình – khả năng chế ngự tham, sân và si – là thành tựu cao tột nhất của mình. Sự thành tựu này mang lại cho họ hạnh phúc bền vững suốt cuộc đời. Các vị cư sĩ cũng có thể đạt được hạnh phúc giống như thế bằng cách quán tưởng về cuộc sống đầy ý nghĩa mà theo Đức Phật, đó là một sự thành công đáng kể.

 Đặc biệt đối với cộng đồng cư sĩ, Đức Phật bảo rằng sự thành công về tài chính là một thành tựu mà khi nghĩ đến người cư sĩ sẽ tràn đầy hạnh phúc. Như đã nói ở trên, atthi sukha có nghĩa là “hạnh phúc bắt nguồn từ sự quán tưởng đến các thành tựu về mặt tiền tài và của cải”. Thành tựu này bao gồm không chỉ là của cải mà người đó tích lũy được bằng sự nỗ lực chân chính mà cả tri thức và khả năng mà người đó phát triển để đạt được sức mạnh tài chính. Thí dụ, trình độ học vấn chuyên môn để nâng cao sự ổn định tài chính. Chúng ta có thể coi các dấu mốc quan trọng trên con đường tiến đến sức mạnh tài chính như là một nguồn hạnh phúc.

 Chúng ta nhận thấy rằng khi quán tưởng lại một hành động do tham thúc đẩy trong quá khứ, ít khi ta cảm thấy hạnh phúc, trong khi hình dung lại thành quả của một hành động có mục đích hiếm khi ta không vui lòng. Một hành vi do tham – thí dụ sự thỏa mãn dục lạc quá độ - đã qua, và sự cố gắng để khơi dậy điều đó trong tâm chỉ mang lại sự trống trải băn khoăn mà thôi. Trái lại, thành quả của một mục đích cao cả sẽ luôn tồn tại trong ta và nó trở thành nguồn hĩ lạc.

Phương cách 4: Hãy Thông Cảm Với Lỗi Của Người

 Đức Phật cũng khẳng định rằng chính thái độ cảm thông của chúng ta đối với người có hành vi bất thiện cũng giúp chúng ta ổn định sự bình an nội tâm của mình. Khi bản năng muốn phá hoại từ từ xa lìa chúng ta, thì có hai sự thay đổi đáng kể xuất hiện bên trong ta. Thứ nhất, sự giận dữ, thù hằn và các cảm thọ, tình cảm liên quan cũng không còn ảnh hưởng đến ta. Tiếp đến, tâm ta dường như mở cửa cho sự cảm thông, lòng bi mẫn tràn vàoChúng ta sẽ nhận ra rằng những người từng làm ta khó chịu, giờ họ cũng đáng được thọ hưởng sự cảm thông, lòng bi mẫn của chúng taNhận thức này sẽ củng cố thêm cho sự an bình nội tâm cho ta.

 Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải bao dung đối với những kẻ hành động vô nhân tính, và hậu quả tội lỗi của họ phải được bỏ qua. Không thể chối cãi được rằng Đức Phật đã phấn đấu suốt cuộc đời để chuyển hóa những hành động bất tịnh hảo của con người. Những vấn đề như sự phân chia giai cấp và bạo lực luôn là mối quan tâm của Ngài. Đức Phật tranh luận một cách quả quyết và đầy thuyết phục chống lại những hành vi như thế, và đã thành công trong việc phát động một chiến dịch rầm rộ để thay đổi các tập tục này. Đức Phật chẳng bao giờ khuyên ta khoan nhượng đối với những hành vi đem lại tai hại cho con người như là một cách để giữ tâm an bình.

 Tuy nhiên, chúng ta quán sát thấy rằng trong cuộc sống hằng ngày, không phải tội ác, tham nhũng hay những sự sai phạm trong xã hội phá hoại sự an bình nơi tâm ta mà chính là những điều bình thường, đơn giản trong sinh hoạt đời thường. Thí dụ, một người lái xe tốc độ lạng lách, cắt đầu xe ta; một đồng nghiệp hiếm khi vui vẻ, hoặc ông chồng/bà vợ để chén bát bừa bãi… có thể phiền nhiễu chúng ta còn hơn những tội ác ghê gớm vừa xảy ra ngoài phố. Dĩ nhiên, những người như thế cũng cần phải tự cải thiện. Họ cần thay đổi những thái độ khó thương của mình, dù chúng có nhỏ nhặt đến đâu. Nhưng nhiếp vào tâm các hành động khá vụn vặt đó của họ chỉ làm não hại niềm hạnh phúcchúng ta đáng được hưởng.

 Vì vậy, muốn làm theo lời Phật dạy, chúng ta phải biết cảm thông với việc làm của những người chung quanh, thay vì để hành động của họ gây não phiền cho ta. Phương cách hữu hiệu nhất là hiểu rõ các hành vi khó chịu bất thường của người khác, rồi từ đó cảm thông với họ, xem như họ là những chúng sinh không hoàn hảo, cũng như tất cả chúng ta vậy. Đức Phật đã dạy rằng “tâm mất quân bình” là một trong những đặc tính đáng lưu tâm của chúng sanh. Theo Đức Phật, mỗi cá nhân đều sở hữu một số cá tính bất thường. Do không nắm rõ điều này chúng ta thường sai lầm khi cố gắng giải mã những hành động kỳ quặc của người khác: chúng ta cho rằng hành động của họ là cố tình, có chủ đích.

 Dĩ nhiên, những người này cũng cần tu sửa để có thái độ ứng xử tốt đẹpĐức Phật đã khẳng định rằng ai cũng có thể sửa đổi – nhưng nếu họ không thể hay không muốn sửa đổi thì ta cũng đừng để điều ấy cướp đi sự an bình của tâm mình. Rõ ràng, phương cách này nhằm để bảo vệ cho tâm bình an của chúng ta.

 Pháp hành thiền tâm từ bi là một phương cách phù hợp cho mục đích này. Chánh kiến thường làm phát khởi tâm từ bi. Chúng ta biết rằng không có thái độ nào phù hợp hơn bằng sự cảm thông, lòng bi mẫn đối với những kẻ có hành vi trái khoáy. Vì thế, chúng ta hướng tâm đến những người này và thầm nhủ rằng, “Nguyện cho bạn được mạnh khỏe, hạnh phúc, và an lành!”

 Không ai có thể đảm bảo rằng chúng ta có thể thay đổi được người khác và làm cho họ hạnh phúc. Nhưng, chúng ta lại sở hữu một năng lực mạnh mẽ để cải thiện và mang lại hạnh phúc cho chính bản thân. Điều đó là chắc chắnĐức Phật đã tóm tắt quan điểm này trong bài kệ sau đây:

Chúng ta sống hạnh phúc

Giữa những người âu lo

Chúng ta sống an lành

Giữa những người bất an.[26]

Phương cách 5: Phục Vụ Tha Nhân

 Đức Phật khẳng định rằng nhiều người vẫn còn có tà kiến rằng: càng được thỏa mãn các dục vọng, họ càng hạnh phúc. Trong khi sự thật là trái ngược lại. Theo Đức Phật, những người phụng sự, làm dịu nỗi đau khổ của người khác, và đóng góp vào tiến bộ xã hội mới thật sự là những người hạnh phúc.

 Trong khi đó, nhiều vị học giả, đạo sư cùng thời với Đức Phật lại quảng bá quan điểm sai lầm rằng được thỏa mãn các dục vọng càng nhiều càng có hạnh phúc. Một số “đạo sư” còn thản nhiên xem thường đạo đức xã hội. Họ tuyên bố rằng sự thỏa mãn dục vọng là tương đồng với hạnh phúc, nhưng lời dạy của Đức Phật bhoga sukha (“hạnh phúc đạt được qua việc sử dụng tài sản”) minh chứng cho quan điểm đối ngược lại của Ngài. Theo Đức Phật, ta có thể đạt được hạnh phúc bằng cách sử dụng tài sản của mình không chỉ cho bản thân mà còn cho người xung quanh.

 Theo lời dạy này của Đức Phật, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong việc hoàn thành bổn phận của mình đối với cha mẹ, con cái, bằng hữu, và người xung quanhTuy nhiên, Đức Phật cũng nhắc nhở chúng ta không nên quên lo cho bản thân, dầu sự lo lắng, quan tâm đến tha nhân là một nguồn gốc hạnh phúc lớn lao.

 Cha mẹ có thể hạnh phúc vì họ đã dìu dắt con cái đến thành công. Con cái sau khi trưởng thành hạnh phúc vì đã làm tròn bổn phận đối với cha mẹ già. Tất cả chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp đỡ người hoạn nạn, tham gia vào công tác thiện nguyện, hoặc đóng góp cho một mục đích đầy ý nghĩa. Những gì mà chúng ta làm được cho người khác mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc thật sự.

 Đức Phật dạy rằng cả hai, bhavana dana, là những việc làm tịnh hảo sẽ mang lại cho ta hạnh phúc. Như đã định nghĩa ở trên, bhavana là “sự phát triển nội tâm” mà điều kiện tất yếu của nó là vung trồng lòng từ bi. Khi lòng từ bi lớn dần nơi tâm thức, hạnh phúc sẽ rạng ngời. Dana (bố thí) là sự biểu hiện ra bên ngoài của lòng từ ở bên trong. Nếu chúng talòng từ bi, chắc chắnchúng ta sẽ hành hạnh bố thíHạnh lành đó sẽ mang hạnh phúc đến cho chúng ta cũng như lòng từ bi vậy.

Phương cách 6: Sống Có Giới Hạnh

 Đức Phật đã mô tả chi tiết rằng một cuộc sống có giới hạnh sẽ tạo cơ hội cho ta tìm được sự bình an nội tâm. Ngài sử dụng cụm từ anavajja sukha nhằm chỉ nguyên nhân chính yếu của sự bình an nội tại. Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải đợi đến những kiếp sống sau mới được hưởng quả lành từ các hành động thiện hảo trong hiện tại. Sống chân chánh, giới hạnhchúng ta có thể tìm được sự bình an nội tại ngay nơi kiếp sống này. Câu Pali sau đây đã tóm tắt quan điểm này: kathapunno idha nandati. Kathapunno là người có cuộc sống nguyên tắc đạo đức, một người như thế tìm thấy hạnh phúc ngay trong đời này (idha nandati).

 Nhưng trước hết, chúng ta thử trả lời hai câu hỏi sau: “Người sống có nguyên tắc đạo đức” có những đặc điểm gì? Làm thế nào để một người như thế đạt được hạnh phúc?

 Có ba từ Pali – punna, kusala, dhamma – cơ bản truyền đạt cùng một ý nghĩa: cuộc sống có giới hạnh và chân chánh. Suốt đời, Đức Phật luôn cố gắng để dẫn dắt con người tiến đến với punna, kusala, hoặc dhamma và để ngăn ngừa họ sống theo những điều ngược lại: papa, akusala,  or adhamma. Một vị đệ tử của Đức Phật đã nói những câu sau đây để chuyển tải lời khuyên của ông về việc sống có giới hạnh:

Tránh những hành động xấu ác,

Làm những việc lành,

Phát triển tâm thức:

Đây là điều Phật dạy.[27]

 Như thế, sống có nguyên tắc, bao gồm hành vi chân chínhý nghĩ thiện. Với sự đánh giá đúng, chúng ta có thể kiềm chế không làm điều bất thiện và nói lời thô tụcChúng ta cẩn thận chọn lựa hành động đúng và lời nói dễ nghe. Để phù hợp với sự thay đổi của các hành vi bên ngoài, chúng ta phải phấn đấu để phát triển tư duy của mình. Sự nỗ lực này là dấu hiệu của một đời sống có nguyên tắc, đạo đức.

 Một cách sống như thế dường như dễ mang hạnh phúc đến cho ta hơn ta tưởng. Thật ra, cách sống đó khiến cho tinh thần ta rất thỏa mái. Đức Phật giải thích rằng, “Người cư sĩ sống với thân, khẩu và ý đầy giới hạnh, người ấy sẽ nhận được hạnh phúc và sự bình an nội tại”.[28] Có thể việc làm thiện không mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp ngay tức thời, nhưng về lâu về dài các ảnh hưởng tích cực của chúng đối với sức khỏe tinh thần của ta sẽ trở nên rõ ràng hơn.

 Đức Phật đã giải thích thêm rằng một hành động có chủ đích cần thời gian để thấm nhuần trong tâm thức ta. Đức Phật đã sử dụng từ paccati. Cụm từ punnam, paccati papam paccati có nghĩa là cả hai, hành động thiện và bất thiện, với thời gian đều tích tụ trong tâm. Đức Phật nói, “Khi những hành động bất thiện đã làm trong quá khứ dần dà thấm nhuần trong tâm, ta sẽ trải nghiệm thêm khổ đau”.[29] Ngược lại, khi một hành động tốt lành thấm nhuần sẽ khiến ta vô vàn hạnh phúc.

 Sự thấm nhuần ở đây nhằm chỉ sự phát triển và sự thiết lập vững chắc của các hành động này trong ta. Khi chúng ta quán tưởng về các hành động này, chúng sẽ tăng trưởng và trú ngụ lâu dài trong ta. Khi đó các hành động bất thiện sẽ bắt đầu ám ảnh chúng ta, và hành động thiện tiếp tục tưới tẩm ta. Nhiều người nhận thấy các phẩm hạnh như chân thật, độ lượng, bất bạo động… giúp họ được tự tại. Như thế, các nguyên tắc đạo đức cao thượng của chúng ta là một nguồn hạnh phúc đáng tin cậy.

Phương cách 7: Chấp Nhận Vô Thường

 Đức Phật nhấn mạnh đến tiềm năng con người như là một yếu tố hữu hiệu trong việc đem lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống con người. Ngài nói rằng chúng ta sở hữu khả năng thay đổi thế giới vật chấtcải thiện phẩm chất cuộc sống. Việc Đức Phật khuyên vua Kosala tiết chế trong ăn uống vì điều đó mang lại cuộc sống lâu dài, mạnh khỏe,[30] là một thí dụTuy nhiên, Đức Phật không khái quát hóa mọi thứ. Ngài biết rằng chúng ta không thể thay đổi mọi thứ, nhất là tiến trình tự nhiên trong đời sống con người. Ngài giải thích rằng sự bình an nội tại, có thể đạt được, không phải bằng sự chối bỏ các định luật tự nhiên, mà là chấp nhận rằng chúng không thể tách rời khỏi cuộc sống.

 Cốt lõi của triết lý Phật giáo là lý thuyết vô thường, hoặc anicca. “Tất cả các hiện tượng vật chất đều biến đổi”.[31] Nhận thức được chân lý này rất quan trọng vì nó giúp chúng ta tự chủ, không bấn loạn trước những sự kiện tự nhiên xảy ra trong đời sống. Đức Phật nói, “Người nhận thức được sự vô thường của tất cả các hiện tượng tự nhiên sẽ tìm được sự an bình nội tại”.[32]

 Những tình trạng như bịnh tật, thân thể suy yếu, chết, và sự ly biệt giữa những người thân yêu, theo Đức Phật, là một phần của các định luật tự nhiênDĩ nhiên, chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc trì hoãn các sự kiện này trong cuộc sống, nhưng không bao giờ chúng ta có thể hoàn toàn chặn đứng chúng lại. Phát triển trí tuệ để bình tĩnh chấp nhận những sự thay đổi không thể tránh được này là thái độ hợp lý duy nhất.

 Đặc biệt, Đức Phật khuyên các đệ tử tại gia phải tự xem mình là một phần của thiên nhiên, thay vì xem thân là đối tượng để bám víuQuan điểm này được phát triển thành một pháp hành trong thiền. Nó giúp ta nhận thứcchấp nhận sự thay đổi không thể tránh về thể chất.

 Đức Phật không bao giờ khuyên các đệ tử tại gia có cái nhìn tiêu cực trong cuộc sống. Giữa những điều không thể tránh được như bịnh tật và thân thể suy yếu, Đức Phật đã hướng chúng ta đến con đường của bình an nội tại và hạnh phúc.

 Ý nghĩ và hành động thuộc về lòng từ bi, độ lượng, trách nhiệm, và giới hạnh là những phương cách nổi bật để giúp tâm thỏai mái. Và trí tuệ để chấp nhận sự thay đổi không thể tránh giúp cho hạnh phúc và sự an bình nội tại của chúng ta được hoàn hảo và lâu bền. Đây thật sự là một giáo lý “tối thượng ở đoạn đầu, tối thượng ở đoạn giữa, và tối thượng ở đoạn cuối”.[33]

Hiệu Đính & Tài Liệu Tham Khảo

Xin Chân thành cảm ơn các Tác giả/Dịch giả của các sách và các tài liệuchúng tôi đã tham khảo, sử dụng. 

(1) Thư Viện Điện Tử Phật Học – Buddha Sasana – Binh Anson: Toàn Bộ Các Trích Dẫn Trong Đại Tạng Kinh, Hòa Thượng Thích Minh Châu, NXB Tôn Giáo, 2005.

(2) Danh Từ Phật Học Thực Dụng, Tâm Tuệ Hỷ Biên Soạn, NXB Tôn Giáo, 2004

(3) Ý, Tình, Thân, Đại Đức Thích Trí Siêu, Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay, NXB Phương Đông, 2007

(4) Thư Viện Điện Tử Phật Học –Thư Viện Hoa Sen.



[1] Câu trích từ: Kinh Pháp Cú Kệ 199 & 204

[2] Tăng Chi Bộ Kinh I: Phẩm Pamada: 9

[3] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Devaduta; Kinh Hatthaka

[4] Luật Tạng: Phẩm Maha: 1.11

[5] Bản Điện Tử của CNN News (Health), 22-5-2003

[6] Bản Điện Tử của BBC News, 21-5-2003

[7] Như trên

[8] Kinh Pháp Cú: Kệ 165

[9] Kinh Pháp Cú: Kệ 276

[10] Tăng Chi Bộ Kinh III: Phẩm Maha: Kinh Titthayatana

[11] Tạp Chí Proceedings of the National Academy of Sciences, 16-11-2004

[12] Discoverychannel.com: “Study: Meditation Changes Monks’ Outlook”,

 Anna Salleh, 7-6-2005

[13] Trung Bộ Kinh II: 79: Kinh Culasakuludayi; 654-662

[14] Trung Bộ Kinh III: 86: Kinh Angulimala, 710-717

[15] Tương Ưng Bộ Kinh I: Devata Samyutta: Kinh Aranna; 93

[16] Trung Bộ Kinh III: 132: Kinh Anandabhaddekaratta; 523-526

[17] Kinh Pháp Cú: Kệ 157

[18] Trung Bộ Kinh I: 18 Kinh Madhupindika; 201-206

[19] Như trên

[20] Kinh Pháp Cú: Kệ 216

[21] Kinh Pháp Cú: Kệ 216

[22] Tăng Chi Bộ Kinh I: Phẩm Pabhassara: Kinh Pabhassara

[23] Trung Bộ Kinh III 118: Kinh Anapanasati; 941-948

[24] Như trên

[25] Trường Bộ Kinh III: 29: Kinh Pasadika: 427-439

[26] Kinh Pháp Cú: Kệ 198

[27] Kinh Pháp Cú: Kệ 183

[28] Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Pattakamma: Kinh Anana

[29] Kinh Pháp Cú: Kệ 69

[30] Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: Kinh Donapaka: 176-177

[31] Kinh Pháp Cú: Kệ 216

[32] Như trên

[33] Luật Tạng: Phẩm Maha: 1.11

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant