Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

5 - Ngoi Lên Từ Nỗi Bất Mãn

29 Tháng Chín 201000:00(Xem: 4912)
5 - Ngoi Lên Từ Nỗi Bất Mãn

5 - NGOI LÊN TỪ NỖI BẤT MÃN

Những điều kiện tiên quyết để thực hành mật tôngtừ bỏ, bồ đề tâmchính kiến về tính không. Kinh thừa gọi đấy là ba khía cạnh chính để đạt giác ngộ. Ở đây, ta sẽ thảo luận ba khía cạnh ấy dưới những chương mang tựa đề Ngoi lên, Mở ra và Tan vào, cốt nhấn mạnh việc tu tập ba tâm thái ấy là điều kiện cho sự chuyển hóa của mật tông,

Trước hết, từ bỏ chính là để cho tâm thức ngoi lên khỏi những mối lo hạn cuộc thường tình, mà chú trọng đến việc nhận ra tiềm năng vô hạn của nó.

TỪ BỎ LÀ GÌ 

Chúng ta đã nói đến vài phương pháp chuẩn bị để tạo không gian trong tâm ta. Ví dụ, ta chỉ có thể thực hành mật tông hữu hiệu khi đã chấm dứt ảo tưởng đối với các dục vọng. Ta phải nhận thức sâu xa từ đáy lòng rằng, sự bám víu không bao giờ đưa đến thỏa mãn, mà chỉ đem lại khổ đau thất vọng. Nếu không thấy được rằng sự bám víu khoái lạc giác quan buộc chặt chúng ta vào bánh xe sinh tử, thì khi tu mật tông ta sẽ lặp lại lỗi lầm ta đã phạm khi theo đuổi khoái lạc: Mỗi khi được một cảm giác phúc lạc, ta sẽ bám lấy nó như một cái gì thực hữu nội tại, có thể đem lại cho ta niềm vui bất tận. Như một con nhện chờ ruồi, ta sẽ tham lam chộp lấy bất kỳ kinh nghiệm hấp dẫn nào xảy đến. Cố mà vắt ép cho ra khoái lạc từ mọi sự như thế quả là hoàn toàn mê muội. Nếu còn thái độ thiếu thực tiễn ấy, ta sẽ không bao giờ biết đến hạnh phúc chân thực là gì. Nếu không buông bỏ thái độ bám víu, vô tình ta đã biến việc tu mật tông của mình thành ra một hành trình lòng vòng vô nghĩa

Vậy trước hết ta cần phải phát triển một mức độ từ bỏ nào đó. Vì người ta thường lầm lẫn sự từ bỏ với tâm trạng sợ hãi khước từ mà tôi đã chỉ trích trước đây, nên có lẽ tôi nên khởi sự bằng cách mô tả cái gì không phải là từ bỏ

Khi gặp một điều rắc rối, ta có thể từ chối nó bằng cách gạt bỏ hoặc tránh né. Đây có thể gọi là từ bỏ, song không phải là từ bỏ vòng lẩn quẩn. Hoặc khi tim ta tan nát vì gây gổ với bạn, ta bèn dời đi thành phố khác để tránh đau khổ thêm. Đây cũng không phải là từ bỏ. Hoặc vì chịu hết nổi đời sống tụ hội, ta trốn vào rừng rồi tuyên bố "tôi ngao ngán chốn bụi hồng!" Khi sống như một con thú rừng, không một tiện nghi nào của nền văn minh, đương nhiên ta cũng từ bỏ một cái gì, song đấy vẫn chưa phải là sự từ bỏ chân thực

Ta có thể tưởng rằng từ bỏliên quan đến sự tuân thủ giới luật, rằng khi học pháp và thực hành thiền quán là ta trở thành một người từ bỏ chính hiệu. Nhưng chưa hẳn thế, bởi vì khi bị ai chế nhạo, bị cho là quái gở lập dị, mà tâm ta còn giao động thì điều ấy chứng tỏ ta chưa từ bỏ gì hết. Nó chứng tỏ ta còn bám víu tập quán thế tục như bám víu một đối tượng giác quan thông thường. Nói cách khác, do thái độ chấp thủ, ta đã biến sự tu tập thành một thứ bám víu dưới hình thức khác. 

Từ bỏ chân chính có nghĩa là ta không còn nương vào khoái lạc giác quan để được hạnh phúc, vì thấy rõ không mong gì có được thỏa mãn sâu xa từ nơi những hiện tượng phù du hạn cuộc. Điều quan trọng là cần hiểu rõ điểm này. Từ bỏ không phải đồng nghĩa với khước từ lạc thú hay chối bỏ hạnh phúc, mà có nghĩa "không còn mong đợi gì nơi những lạc thú thông thường." Chính những mong đợi ấy đã biến lạc thú thành đau khổ. Cần nhắc lại, lạc thú không có gì sai quấy, mà chính thái độ bám víu, thổi phồng, bóp méoô nhiễm của ta đối với lạc thú mới là cái cần từ bỏ

TU TẬP GIẢI THOÁT 

Danh từ "từ bỏ" theo Tạng ngữ có nghĩa đen là sự "quyết định ngoi lên." Nó ám chỉ một quyết tâm sâu xa nhất định ngoi lên khỏi những bất mãn thất vọng triền miên của đời sống tầm thường. Nói đơn giản, từ bỏ là cái cảm giác hoàn toàn ngấy chán trước những vấn đề không ngừng tái diễn, đến nỗi cuối cùng ta hết khát khao ham muốn thứ này thứ nọ, và khởi sự tìm cách làm cho đời ta có ý nghĩa, thỏa lòng. Vậy đào luyện sự từ bỏ, hay quyết định ngoi lên, cũng chính là tự giải thoát khỏi những thói dính mắc đã làm trì trệ chúng ta, khiến ta không thực nghiệm được tiềm năng con người viên mãn nhất trong mình. 

Trong đời có những lúc các giác quan ta tự động rút lui khỏi những đối tượng, khiến ta cảm nghiệm được một cái gì có thể gọi là giải thoát tự nhiên, một sự từ bỏ không cần cố gắng. Vào những lúc như vậy, không có gì để cho ta bám víu chấp thủ, và ngay cả đối tượng giác quan hấp dẫn nhất cũng vô hiệu, không thể lôi cuốn hay làm xao lãng tâm ta. Nhưng thường thì chúng ta không thể nào tự tại giải thoát mỗi khi gặp những đối tượng thuộc kinh nghiệm giác quan. Ta luôn luôn bị dính mắc, bị thôi miên bởi một dòng thác bất tận những ấn tượng giác quan, và mãi mãi đi tìm cái gì khác hơn, mới lạ hơn, khả dĩ kích động tâm ta, làm ta lưu ý. Có một chiếc xe hơi chưa đủ, ta cần hai chiếc. Khi đã có hai chiếc xe, ta cũng chưa vừa lòng: ta cần thêm một chiếc thuyền. Rồi có chiếc thuyền này chưa đủ, ta muốn một chiếc lớn hơn. Cứ thế tiếp tục cho đến vô tận. Đấy là sự bất mãn không bao giờ chán đủ, cái hoàn toàn ngược với tâm từ bỏ hay thực sự ngoi lên. 

Có lẽ chúng ta cần tập sống đơn giản tự nhiên hơn, giải thoát hơn đối với những tiện nghi vật chất, giải thoát sự bám víu hết cái này tới cái khác. Không phải tôi nói vậy vì ganh tị với những người khá giả. Tôi cũng không nói các bạn thật không tốt vì quá giàu trong khi người khác quá nghèo. Tôi chỉ muốn tìm ra giải đáp cho câu hỏi: "Tại sao chúng ta bất mãn?" 

Chúng ta luôn luôn có thể tìm một lý do nào đó bên ngoài để đổ thừa nó đã gây nên bất mãn cho ta. "Vì thiếu cái này, cái nọ" nhưng đấy không bao giờ là lý do thực thụ của nỗi bất an, thất vọng trong ta. Cái thực sự thiếu thốn nằm ngay trong tâm ta, và tất cả chúng ta cần phải nhận ra điều ấy. 

Sự toại ý hài lòng không tùy thuộc vào đối tượng vật chất, mà do tính giản đơn bình dị trong tâm.

Giải thoát có nghĩa là sống giản dị hơn, thoải mái hơn. Nó không có nghĩa hoàn toàn khước từ mọi sự; mà chỉ có nghĩa là buông lơi sự bám chặt của ta, thư dãn hơn một chút. Có rất nhiều niềm vui trên đời, nhưng nếu tâm đầy lo âu chấp thủ, bám lấy của cải bạc tiền, thì tài sản chỉ có làm cho ta càng ngày càng bất hạnh. Nếu bạn không biết buông thư và hài lòng với những gì mình có, không biết thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của vạn vật, không biết sống giản dị, thì dù sở hữu tất cả tiền của trên thế giới bạn vẫn khốn khổ như thường. 

Vậy, từ bỏ không có nghĩa là bỏ những lạc thú. Hoàn toàn không phải thế! Toàn bộ triết lý Phật nói chung và mật tông nói riêng là, vì con người có tiềm năng hầu như vô hạn, nên phải làm sao đạt đến lạc thú tột đỉnh mà ta có thể đạt. Sự từ bỏ chân thực căn cứ trên nhận thức rằng, những lạc thú thông thường của chúng ta thực không đáng, chỉ thuộc hạng nhì. Chúng trở thành vô nghĩa khi sánh với hỉ lạc phi thường mà ta có được sau khi đánh thức những năng lượng tiềm ẩn trong ta, để hoàn thành tiềm năng cao cả nhất. 

Lạc thú giác quan chẳng những chỉ thuộc hạng nhì, mà nếu bám lấy chúng, ta lại còn không thể nào cảm thụ hạnh phúc thù thắng của Giác ngộ. Thái độ giữ chặt, vắt ép cho có được lạc thú, là một độc tố làm cùn nhụt tính trong sáng nguyên ủy của ta, làm ta ngày càng sa lầy trong thế giới giác quan, và càng cách xa bản lai diện mục. Phát triển sự từ bỏ có nghĩa là nhận chân được rằng, chính sự đam mê lạc thú giác quan đã ngăn cản ta thưởng thức hạnh phúc thù thắng viên mãn

Nhờ phát triển sự từ bỏ đúng cách, ta sẽ nghỉ ngơi, không còn cố theo đuổi những khoái lạc giác quan như thường lệ. Càng hiểu rõ chúng không thể đem cho ta hạnh phúc bền lâu như ta mong mỏi, ta càng buông thư không chờ đợi gì, và trở nên thực tiễn. Thay vì có thái độ quá khích như theo đuổi hoặc chạy trốn dục lạcmặc cảm phạm tội, ta sẽ có cảm giác thoải mái hơn. Những tình huống khó chịu không còn phiền nhiễu ta lắm. Nếu cảm thụ một điều dễ chịu, ta đón nhận nó một cách tự nhiên, thưởng thức niềm vui nó mang lại mà không đòi hỏi chờ đợi gì thêm từ nơi nó. Ta có thể buông thư kiểu ấy không phải chỉ vì ta hiểu được rằng những lạc thú ấy thực phù du, mà hơn nữa, vì ta còn bận để mắt đến một hình thái cao hơn về hạnh phúc, đó là sự đạt đến bản tính nguyên ủy của mình. Khi có một mục đích siêu việt như thế trong tâm, ta sẽ không còn háo hức với những lạc thú thoáng qua, cũng không quá buồn khổ khi mọi sự đang tuột giốc. Nói cách khác, thay vì quay về nương tựa các đối tượng giác quan để giải quyết nỗi bất hạnh của mình, ta sẽ đặt hết niềm tin tưởng vào tiềm năng nội tâm ta. 

TỪ BỎ QUY Y SAI LẠC 

Thuật ngữ Phật giáo dùng tiếng "quy y" để chỉ sự công bố niềm tin đối với bậc đạo sư, với Pháp và Tăng: "Con quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng". Ở đây tôi mượn từ ngữ này để nêu lên một điều rằng, sự "quy y" những lạc thú tạm bợ, nhất thời, chính là việc mà tất cả chúng ta đang làm vào mọi lúc, với một niềm sùng tín không khác gì tín ngưỡng tôn giáo. Ví dụ, ta có ý nghĩ "Ôi buồn quá, có lẽ tôi nên đi tắm biển." Thế là ta lái xe ra biển, nhào xuống nước bơi lội như một con cá rồi nằm phơi nắng trên bãi cát. Khi đã chán, ta nghĩ: "Bây giờ đói quá, không biết quày giải khát ở đâu?" Ta độn càng nhiều thực phẩm càng hay, ngốn ngấu những cốc cô ca, kem lạnh, sô cô la... với hi vọng tìm thỏa mãn. Ta "quy y" những thứ ấy xem như một lối thoát ra khỏi tình trạng chán chường buồn bã của mình, chỉ để cuối cùng trở thành mập phì và cháy da vì nắng. 

Khi nói đến quy y, đạo Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoạn tuyệt với cái lối đi tìm thỏa mãn một cách vô vọng ấy. Quy y chân thật là một sự thay đổi thái độ, do thấy những chuyện phù phiếm ta thường bám víu, rốt cuộc chẳng có chút giá trị nào. Khi thấy rõ bản chất "không khả ý" nơi những sự vật ta hằng theo đuổi, thì nỗi hăm hở của ta để có được chúng sẽ tự động giảm bớt, sự chấp thủ của ta cũng rút dần. Ta hết bị tung qua ném lại bởi những cơ hội chuyển biến trên đời. Ta có được khoảng trống để khởi sự động tới cái tiềm năng trong ta.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant