- Mục Lục
- Lời Giới Thiệu
- Đôi Nét Về Ngài Pabongka Rinpoche
- Lời Dẫn Nhập Của Trijang Rinpoche
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Nhất
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Hai
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Ba
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Tư
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Năm
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Sáu
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Bảy
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Tám
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Chín
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Mười
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Một
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Hai
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Ba
- Phần Bốn Phạm Vi Trung Bình Ngày Mười Bốn
- Phần Bốn Phạm Vi Trung Bình Ngày Mười Lăm
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Sáu
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Bảy
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Tám
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Chín
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Mốt
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Hai
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Ba
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Bốn
- Lời Cuối Trang Sách Của Trijang Rinpoche
- Phụ Lục 3 Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ
- Phụ Lục 4 Trang Hoàng Yết Hầu Những Người May Mắn
- Phụ Lục 5 Pháp Luyện Tâm Bảy Điểm
PHẦN BA
NỀN TẢNG
CỦA ĐẠO LỘ
NGÀY MƯỜI BA
(Kyabje Pabongka Rinpoche trích dẫn Tsongkapa, vị Pháp vương vĩ đại)
Bạn không bảo đảm được
rằng
Sau khi
chết ta không rơi vào đọa xứ…
Sau lời dẫn nhập ngắn gọn này, ngài nhắc lại những đề mục đã bàn, và ôn lại phần đầu của tiêu đề “Dạy những phương pháp để được hạnh phúc trong đời sau.” Phần đầu này nói đến sự quy y. Rồi ngài dạy vắn tắt làm cách nào để hành trì:
Khi người ta dạy những giáo lý truyền khẩu, thì có những tiêu đề riêng cho sự quán khổ ở đọa xứ và tiêu đề riêng cho sự quy y. Tuy nhiên theo lối “giảng dạy thực tiễn” thì ta phải thiền quán tổng hợp hai đề mục này, như được giải thích sau đây.
Cách làm như sau. Sau khi bạn cầu khẩn với bậc thầy ở trên đỉnh đầu bạn (bằng phép quán), bậc thầy phóng ra từ nơi tim của ông một đồ hình quy y toàn vẹn, ví dụ ruộng phước, và hình ảnh này đứng trước bạn giữa hư không. Hãy suy nghĩ sâu xa về những thống khổ của súc sinh và ngạ quỷ; khi bạn đâm ra kinh hoàng trước mỗi đọa xứ ấy, hãy quy y Tam Bảo. Đây gọi là sự hội nhập. Một ví dụ: Nếu trong thế gian có một tên tội phạm được một ông lớn bao che, y sẽ được an tâm và nghĩ rằng: “Tự mình ta, ta không làm gì được, nhưng ta đã có thế dựa.” Đấy là lý do kẻ ấy tìm sự bảo trợ của ông ta. Cũng thế nếu bạn kinh hoàng vì những đọa xứ, bạn sẽ muốn quy y và được an tâm vì nghĩ: “Ta đã được sự che chở của Tam Bảo, một nơi nương tựa không lừa dối ta.”
Nếu bạn quy y nhiều lần, thì chỉ cần lập lại phần đầu của nghi thức chuẩn bị. Tuy nhiên trong phần này của Lam-rim, bạn nên phối hợp ba đề tài thiền quán của Lam-rim, mặc dù chỉ cần nhẩm câu: “Con xin quy y bậc thầy, chư thần bảo hộ, và ba ngôi báu” một số lần. Ta hãy lấy ví dụ phần “Nghĩ về nỗi khổ của địa ngục Sống lại liên tục. Ba đề tài thiền quán như sau:
Trước hết một khi bạn đã tuệ quán đi sâu vào việc tái sinh ở địa ngục, bạn nên nghĩ điều ấy sẽ khó chịu như thế nào. Ở điểm này bạn sẽ nghĩ: “Bây giờ ta chưa bị tái sinh vào đấy,” Đề tài thiền quán thứ hai xảy ra ở điểm này. Nghĩ rằng mặc dù bây giờ bạn chưa bị sinh vào địa ngục này, song bạn đã tích lũy nhiều nghiệp nặng để sinh vào đấy; nghiệp ấy vẫn chưa thối giảm, và bạn không thể nào tịnh hóa nổi trước khi chết. Và khi bạn chưa thể tịnh hóa ác nghiệp thì chắn chắn bạn sẽ sinh vào địa ngục. Điều này sẽ làm cho bạn kinh hoàng.
Khi ấy đến đề tài thiền quán thứ ba. Bạn nghĩ: “Chỗ quy y có thể che chở tôi khỏi đọa xứ này phải có vô lượng thiện đức như toàn trí, từ bi, năng lực v.v… Thật may mắn làm sao tôi đã ìm được một chỗ quy y như thế!” Và khi ấy bạn quy y.
Hãy theo một tiến trình như vậy đối với các đọa xứ thấp hơn.
(Sau khi cho ba bài giáo lý thù thắng về sự quy y - một bài dài, một bài trung bình và một bài ngắn - Rinpoche nói.)
b. Phát triển lòng tin vào luật nhân quả - gốc rễ của mọi sức khỏe và hạnh phúc.
Vì bạn đã quy y Tam Bảo, bạn có thể chắc chắn rằng mình đã ngăn được một hay hai lần tái sinh vào đọa xứ, nhưng không phải là sẽ mãi mãi thoát khỏi đọa xứ. Nếu bạn muốn bảo đảm không bao giờ đi đến các đọa xứ, thì bạn phải cố tuân theo lời khuyên kèm theo sự quy y (xem Ngày 12, trang…) Sau đây là ví dụ. Khi một tội nhân tìm sự che chở của một ông lớn, ông ta có thể bảo y: “Từ nay trở đi ngươi phải làm điều này, không được làm điều kia.” Nếu kẻ tội nhân không nghe lời mà chỉ phạm thêm nhiều tội khác, thì ngay cả ông lớn ấy cũng không có cách nào che chở y, và y lại phải sa vào lưới pháp luật.
Cũng thế nếu chúng ta không giữ lời khuyên kèm theo sự quy y Tam Bảo không thể làm gì được cho ta. Đó là lý do đấng đạo sư của chúng ta dạy rằng Pháp là nơi quy y chân thực duy nhất để che chở ta khỏi các đọa xứ. Pháp chính là hành động thay đổi lối sống của ta cho phù hợp với luật nhân quả.
Nếu bạn không phát triển niềm tin ở luật nhân quả thì bạn chỉ muốn làm một ít điều lành và bỏ đi một ít điều ác. Bao lâu bạn chưa thay đổi những hành vi của mình cho phù hợp với luật nhân quả thì bạn đi đến địa ngục, dù bạn có thông ba tạng hay là một hành giả tu thiền vĩ đại đi nữa cũng mặc kệ. Một lần bậc thầy Avadhutipa ngoái nhìn Atìsha đi sau lưng trong khi họ đang qua một chiếc cầu mà bảo: “Cho đến khi ông từ bỏ chấp thủ vào một bản ngã, và khi ông còn coi thường luật nhân quả, thì hãy luôn luôn nhớ rằng, học giả nọ với hành giả kia đã tái sinh trong địa ngục. Người ta bảo rằng ngay cả vị dịch giả vĩ đại tên Ra cũng đã vài tháng trong địa ngục. Một hành giả về mật điển Yamàtaka tái sinh làm một quỷ đói có hình thù rất giống vị thần bảo hộ này; quỷ du hành từ Ấn Độ sang Tây Tạng. Đức Atìsha nói: “Nếu quỷ ở lại thì Tây Tạng sẽ nguy khốn,” bởi thế ngài cúng những bánh lễ cho quỷ và khiến nó đi xa.
Đề bà đạt đa biết rất nhiều pháp nhưng điều này không giúp gì khi ông bị tái sinh vào địa ngục Rất Nóng. Một bà la môn tên Chanakya đã thành tựu phép quán về thần Yamataka và đã giết nhiều người bằng thần thông. Người ta bảo ông ta tái sinh vào địa ngục Vô gián.
Nếu bạn không tuân theo luật nhân quả thì sự nhập thất tu mật tông không ăn thua gì. Một hành giả về mật điển Yamantaka ở miền hạ Paenpo cũng bị sinh làm quỷ đói, có hình dáng giống như vị thần ấy, một vài người bạn đồng tu làm lễ đốt thức ăn cho người chết và hành giả ấy đi đến xin ăn.
(Khi ấy Kyabje Pabongka Rinpoche kể chuyện một vị trưởng lão ở tu viện Vikramashila tái sinh làm quỷ đói có bàn tay dị dạng.)
Vậy nếu bạn không thể thay đổi lối hành xử của mình do tin tưởng vào luật nhân quả, thì dù bạn là học giả hay hành giả cũng không ăn thua gì. Có câu nói: “Nghiệp chín mùi bằng những cách bất khả tư nghì - ngay cả những chúa tể của từ bi cũng bị sinh làm thú vật.” Nói cách khác, người ta bảo rằng ngay cả những vị Bồ tát Ma ha tát cũng đã tái sinh vào các đọa xứ khi họ tảng lờ luật nhân quả. Đây là lý do khởi dầu mọi thời thiền định, ta đều phải xác định động lực tu hành và xem được tái sinh làm người là quý báu; và lại phải xem định luật nhân quả là bước đầu của sự hành trì Phật pháp. Định luật nhân quả đã từng được gọi là “Chánh kiến thế gian.” Ở đây “thế gian” có nghĩa là những người thường: toàn thể câu ấy có nghĩa những người thường trước hết cần phải hành xử đúng theo định luật ấy. Rất nhiều người ngày nay làm bộ xem tri kiến là rất quan trọng, nhưng trước hết ta cần phải phát triển lòng tin vào luật nhân quả rồi thay đổi lối hành xử cho thích hợp cái đã. Nếu bạn không làm điều này, bạn có thể lẩm bẩm những lời đọc tụng và làm như mình đang nhớ lại Pháp hay nổ lực để bắt chước trạng thái tịnh chỉ thiền quán và giả vờ đây là thiền về chánh kiến. Nhưng đây chỉ là những dấu hiệu chứng tỏ bạn không hiểu “Pháp” có nghĩa gì.
Một vài người phạm tội suốt ngày đêm và còn lệnh cho những người khác, tôi tớ và học trò, làm nhiều hành vi tội lỗi khắp nơi. Những người này có thể sáng dậy sớm, tối ngủ trể sau khi đọc các bài kinh, nhưng đây là một cách tu tập sai lầm.
Bạn phải nghĩ về luật nhân quả để phát triển đức tin vào luật ấy. Có ba phần ở đây: (1) Nghĩ về nhân quả nói chung; (2) Nghĩ về những trường hợp đặc biệt; (3) Sau khi nghĩ điều này, tìm cách thay đổi lối hành xử.
b-1. Nghĩ về nhân quả nói chung.
Có hai tiêu đề phụ: (1) Nghĩ về nhân quả cách tổng quát và (2) Nghĩ về một vài điểm đặc biệt.
b-1.1. Nghĩ về nhân quả một cách tổng quát
Có bốn tiêu đề phụ: (1) Nghiệp cố định như thế nào; (2) Nghiệp tăng trưởng mạnh; (3) Ta sẽ không gặp một điều gì nếu ta không tạo nghiệp cho điều ấy xảy ra; (4) Nghiệp khi đã được tạo thì sẽ không tự nhiên mà biến mất được. Đức Thế Tôn đã nói về nghiệp theo bốn cách ấy, bởi vậy nó rất quan trọng.
b-1.1.1. Thế nào là nghiệp cố định.
“Sự Truyền Thừa Luật Tạng” nói: “Bất cứ nghiệp nào đã được tạo ra sẽ đem lại một hậu quả tương ứng.” Nói cách khác, hậu quả của một vài thiện hành làm nhân thì chỉ có thể là hạnh phúc; nhân ấy không đem lại đau khổ. Hậu quả của một vài bất thiện hành làm nhân thì có thể đem lại đau khổ; nhân này không đem lại hạnh phúc. Đây là khía cạnh cố định của nhân và quả. Ví dụ, điều cố định là từ hột của một cây cay sẽ có trái cay. Hột của một cây đắng sẽ sinh ra trái đắng; hột của một cây ngọt sẽ sinh ra trái ngọt. Và “Hiện tại” chính là thời gian mà chúng ta đang tạo những những nhân của nghiệp, bởi thế ta phải hết sức cẩn thận, vì không thể nào điều chỉnh lại một khi nhân đã phát sinh ra quả.
Khi chúng ta đau ốm chẳng hạn, sự cúng bái đôi khi có thể không ăn thua gì; nghi lễ và cơn bệnh đi hai đường khác nhau. Nếu bạn gieo hột giống của một cây cay như cây ớt, rồi khi nó bắt đầu lớn bạn lại trồng những cây nho và mận xung quanh cây ớt để làm cho nó ngọt, thì những cây ấy sẽ mọc riêng rẽ, không thể cho kết quả như bạn muốn.
Nhân và quả hết sức vi tế, bởi vì bất cứ một nhân nào mà người ta tích lũy sẽ đem đến hậu quả tương ứng của nó. Tỳ kheo Priyabhadra có một thân hình xấu xí mà giọng nói thanh tao. Cả hai điều này có nhân như sau. Trong một đời quá khứ ông ta được sinh làm một người cu li; khi ấy có vị vua đang xây một bảo tháp khổng lồ. Anh ta nói: “Xây tháp gì mà lớn dữ vậy? Sẽ không bao giờ xong.” Về sau khi bảo tháp được hoàn tất, anh ta đã dâng cúng một cái chuông để sám hối điều mình nói.
Lúc Atìsha ở Tây Tạng, có một người ngang nhiên phạm một vài tội nhỏ nhặt trước mặt ngài. Atìsha thấy điều ấy thật quá đáng, và ngài bảo: “Than ôi, bạn không nên chai lì như thế, nhân quả rất tế nhị! Nhân quả rất sâu xa!”
Một lần có một vị tỳ kheo đã làm vấy một tít mỡ trên tọa cụ của chư tăng trong buổi lễ công cộng. Khi tái sinh ông làm một người có cái lưng đen.
Một lần khác khi một vị tỳ kheo nhuộm y, những cái y biến thành những miếng thịt bò; ông ta bị buộc tội đã ăn trộm một con bò tơ và ở tù 6 tháng. Điều này được xem là hậu quả của một hành vi đời trước. Trong một đời trước ông ta đã buộc tội một vị Độc giác là ăn trộm bò. Vị Độc giác bị ở tù 6 ngày.
Sagama bà mẹ của một ông bộ trưởng ở trong thành Xá vệ có 32 người con trai, tất cả đều là những người đô vật. Một ông bộ trưởng khác của vua Ba tư nặc làm cho chúng bị thất sủng; vua bắt tử hình tất cả những người con trai ấy và những cái đầu của chúng được đem đến cho mẹ chúng. Điều này là hậu quả của việc trong quá khứ 32 tên trộm đã trộm và giết một con bò đực. Còn bà Sagama là chủ nhà của những tên trộm trong lúc chúng sát sinh.
(Ngài kể những chuyện này với đầy đủ chi tiết)
Như thế gọi là nghiệp cố định.
b-1.1.2. Nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn
Những nguyên nhân bên trong phát sinh những hậu quả lớn hơn những nhân bên ngoài. Tuy thế, cũng có trường hợp nhân ngoài có hậu quả, như một cây đại thụ mọc lên từ một hột nhân rất nhỏ bé, và hàng năm nó có cho hàng trăm ngàn thứ như lá và quả. Như vậy đây là một tăng trưởng to lớn. Nhân nội tâm còn cho những hậu quả lớn hơn nhiều.
Khi đức Thế Tôn viếng thăm thành Nyagrodhikà, có một người phụ nữ dâng cúng ngài một nắm kẹo mè. Ngài tiên đoán trong tương lai bà sẽ tái sinh làm một vị Phật hiệu là Susvasti. Người chồng nói một cách bất kính: “Yêu cầu ông đừng nói như vậy chỉ vì bà ấy cúng ông một ít thực phẩm, này ông Phật.” Đức Phật lấy hình ảnh hột cây đa nhỏ xíu nhưng mọc thành một cây khổng lồ ngã bóng xuống che rợp năm trăm chiếc xe bò đặt không đụng nhau. Phật dạy rằng những nghiệp nhỏ có những hậu quả lớn. Khi ấy người chồng mới chịu tin.
Có lần một tỳ kheo bảo một người khác: “Giọng anh như chó sủa, hay như cóc kêu, hay như khỉ lải nhải,” và ông ta đã tái sinh năm trăm kiếp làm mỗi loài vật mà ông dùng để mắng nhiếc.
Ở Trung Hoa, có lần một người viết: “Những học giả ngày nay giống như rắn.” Nên quyển sách ông ta được đặt tên là Luận Xà Dụ. Thân thể tác giả về sau đau đớn quằn quại, tay chân co quắp vào trong mình, trở thành thân một con rắn. Rồi một cái đầu rắn chui ra từ một chỗ nứt trên đầu ông. Trong tái sinh ấy tác giả thực sự biến thành một con rắn.
Ở Ấn, năm trăm người chài lưới có lần bắt được một con giống như cá mà có 18 cái đầu. Phật dạy đấy là hậu quả của việc như sau. Con vật ấy xưa là Mànavagaura, mẹ ông đã khuyến khích ông nhục mạ những thầy tu khác là “Giống như chó,” vân vân. Nhưng khi đức Thế Tôn đi đến đấy để tuyên bố về nghiệp nhân của sinh vật kia, thì Ngài bị các ngoại đạo chỉ trích là “Cồ Đàm bậc thánh giả mà cũng khoái cảnh tượng thế gian.” Tôi đã kể chuyện này một cách chi tiết trong phần nghi thức chuẩn bị. (Xem Ngày Thứ Tư, trang…)
Những hậu quả ghê gớm ấy đều do những lời mắng nhiếc nhỏ nhặt, chứ không cần phải do những tội lớn lao như giết người cướp của chẳng hạn.
Trước khi xuất gia, tỳ kheo ni Utpalavarna (Liên Hoa Sắc) có hai con trai; một đứa bị chết chìm, một đứa bị chó sói tha mất. Chồng bà bị rắn cắn chết. Cha mẹ bà và nhà cửa bị thiêu cháy rụi trong một cơn hỏa hoạn. Sau đó bà kết hôn với một thầy cúng tế. Trong khi sinh ra một bé trai, người chồng cùng bạn uống rượu say về giết đứa bé và bắt bà ăn thịt con. Bà bỏ nhà chạy đến một gia chủ chết vợ. Người này lấy bà làm vợ nhưng ông ta cũng chết, và bà bị chôn sống theo xác của ông theo phong tục địa phương. Một tên trộm chuyên trộm chỗ mồ mã đào bà lên và bà trở thành vợ y. Về sau người chồng bị vua giết vì là đầu đảng bọn cướp, và bà cũng bị chôn sống theo cái xác. Sở dĩ bà trải qua những đau khổ như vậy là vì trong một đời trước, bà đã làm thứ phi của vua và đã giết con trai của hoàng hậu nhưng lại thề nhiều kiểu để chối.
Còn nhiều chuyện tương tự. Nhân và quả còn tinh tế và mờ mịt hơn cả tánh không: Thanh văn và Độc giác A la hán có thể hiều và giảng dạy những chi tiết vi tế về tánh không, nhưng sự vi tế của luật nhân quả thì chỉ có chư Phật mới phán xét được, và người ta biết được chỉ nhờ sự công bố chân thật của Ngài. Luật ấy quả là vi tế đến nỗi ta phải tránh né dù là tội lỗi nhỏ nhất. Kinh Pháp Cú nói:
Đừng tưởng một tội nhỏ
Tương lai không quả báo.
Như nước nhỏ từng giọt
Làm đầy bình chứa to
Những tội lỗi nhỏ nhặt
Kẻ hạ liệt tích lũy
Sẽ tràn ngập đời y.
Một đức hạnh nhỏ cũng sẽ tăng trưởng thành quả báo lớn. Vua chuyển luân Màbhvàtà cai trị cả bốn châu lục và các cõi trời; tương truyền đấy là hậu quả của việc ông đã ném một nắm đậu để cúng Phật Tỳ Bà Thi. Bốn trái đậu rơi vào bát của Ngài và một trái rớt nơi nhục kế của Ngài.
Khi Phật còn tại thế, có một bà la môn tên Survanavasu. Tay ông thường tuôn ra những đồng vàng không bao giờ hết; đó là hậu quả từ một đời trước khi ông mà một người buôn gỗ. Một lần sau khi nhận được một đồng tiền vàng người ta trả, ông đã cúng dường Phật Ca Diếp bằng cách bỏ vào một bình đất sét đầy nước.
Kanakavatsa là một vị trưởng lão trong tăng đoàn. Vào ngày ngài ra đời, có bảy thớt voi vàng xuất hiện tự nhiên trong kho tàng của gia đình. Tất cả phân tiểu của voi đều là vàng ròng, nên Kanakavatsa được chu cấp rất chu đáo. Bảy lần vua A xá thế sai đến trộm voi, nhưng không thành công vì những con voi ấy biến mất xuống dưới mặt đất và trở về chủ cũ. Điều này được bảo là hậu quả của một đời quá khứ trong đó Kanakavatsa đã khôi phục và thếp vàng một pho tượng đất sét của con voi mà đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni) đã cỡi.
Một tỳ kheo ni Shukla sinh ra từ bụng mẹ, cô đã mặc y phục lụa là. Khi cô thụ đại giới, thì y phục ấy biến mất thành pháp phục. Điều này được nói là do nhân đời trước, cô làm một người ăn xin, hai vợ chồng chỉ có một mảnh y phục nên phải thay phiên nhau để đi ra ngoài ăn xin. Thế mà họ đã cúng dường tấm y cho Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, mặc dù vậy họ có thể chết. Hành vi ấy đã có quả báo ngay tức khắc; vua và hoàng hậu cho họ nhiều y phục.
Người ta không nên xem thường những việc lành nhỏ. Kinh Pháp Cú nói:
Đừng nghĩ việc lành nhỏ
Tương lai không quả báo.
Như nước nhỏ từng giọt
Làm đầy bình chứa to.
Những việc lành rất nhỏ
Người tinh tấn tích lũy
Sẽ tràn ngập đời y.
Hai đoạn này nói về nghiệp có tính cách cố định như thế nào, và tăng trưởng như thế nào, làm cho ta quyết định mình phải làm lành lánh ác, và nên làm việc lành dù rất nhỏ, nên tránh việc ác dù rất nhỏ.
b-1.1.3. Ta không gặp một chuyện gì nếu ta đã không tạo cái nghiệp cho chuyện ấy xảy ra.
Khi có một cuộc chiến tranh hay ấu đả xảy ra, có người bảo: “Tôi không đeo bùa ngăn khí giới, vậy mà ở giữa súng đạn tơi bời tôi vẫn không bị hại.” Bạn có thể xem chuyện này lạ lùng, nhưng đây là trường hợp một người không gặp một sự gì chỉ vị họ không tạo nghiệp cho sự ấy xảy đến.
Một vài người lúc đầu không bị thương tích bởi khí giới nhưng về sau lại bị giết. Thấy vậy người ta bảo, “Chắc lá bùa của họ hết hiệu lực.” Như vậy người ta bảo, “Chắc lá bùa của họ hết hiệu lực.” Như vậy chứng tỏ họ không hiểu nhân quả. Sở dĩ như vậy là vì lúc đầu, họ không gặp hoàn cảnh do nghiệp họ tạo nên, sau đó lại gặp. Khi mà người ta không gặp hoàn cảnh do chính nghiệp họ tạo ra, thì họ sẽ không chết, dù có bị thiêu trong ngọn lửa. Giáo chủ Agnibhu có lần bị thiêu trong lửa cùng với xác bà mẹ, nhưng ông không chết mà về sau còn chứng quả A la hán. A Xà Thế ăn trộm con voi của Kanakavatsa bảy lần, nhưng không ích gì, vì lần nào chúng cũng lún xuống mặt đất.
Thứ phi của vua Udayana là Shyàmavatì đã đắc quả Bất hoàn (nên có thể bay). Năm trăm cung nữ tùy tùng cũng đạt đến địa vị kiến đạo. Nhưng khi bà la môn Akàla châm lửa đốt phòng xá của bà (vì đời trước, họ đã đốt nhà của một người bà la môn) thì họ chỉ bay được một đoạn. Shyàmavatì nói: “Ai cai trị chúng ta nếu không phải chính nghiệp mà ta đã tạo và tích lũy?” Tất cả họ đều lao vào ngọn lửa mà chết thiêu như những con mối. Có một người tớ gái tên Kubjottarà, không có thần thông nào cả nhưng không cùng chung nghiệp ấy, nên thoát được ngọn lửa bằng cách trốn vào một hố nước.
Khi Virùdhaka gây chiến với dòng họ Shàkysa, bảy mươi ngàn người dòng họ Thích Ca đều đã đắc Dự lưu mà vẫn không thoát khỏi bị giết. Một số người không tạo nghiệp đáng bị giết như vậy nên đã trốn thoát được, trong khi đại danh của dòng Thích Ca bị xuống dốc.
Thành Ràvana bị chôn vùi dưới một trận mưa đất. Vua và đình thần đều bị chôn, nhưng có hai bộ trưởng thoát được.
Đấy là vài ví dụ về những người không gặp một sự việc gì vì họ đã không gây cái nghiệp cho sự việc ấy xảy ra.
b-1.1.4. Nghiệp một khi đã làm thì không tự nhiên mà biến mất.
Một kinh nói:
Nghiệp của chúng sinh có thân thể
Không tiêu mất trải qua hàng trăm kiếp.
Khi có điều kiện và đúng thời
Nghiệp sẽ chín thành kết quả.
Nghiệp không bị phai nhạt sau một thời gian dài, cũng không giảm bớt, trở thành không hiện hữu, vân vân. Sớm hay muộn nó sẽ chín thành kết quả, như trong câu chuyện bậc thánh Vibhudatta đã đắc quả A la hán mà vẫn không được bố thí, cho dù có được thì của ấy cũng biến mất vì một lý do nào đó. Trước khi chết ngài nói: “Cháo nấu bằng tro.” Rồi ngài từ giả thân xác.
Trong dòng tâm thức của gia chủ Shrìjàta có quá ít thiện căn, và thiện căn của ông quá nhỏ để góp phần vào việc giải thoát ông, đến nỗi một vị A la hán như Xá Lợi Phất mà cũng không trông thấy được. Những thiện căn mà ông ta có được là như sau. Trong một đời quá khứ, Shrìjàta đã tái sinh làm một con ruồi. Nó bay theo mùi một cục phân trâu đã khô rớt trong cống rãnh, đậu được trên cục phân ấy. Khi nước cuốn cục phân trôi đi, nó bay theo và tình cờ trên đường bay nó có vòng quanh một bảo tháp.
Có lần một con heo bị chó rượt quanh một bảo tháp; về sau nó được tái sinh làm một vị trời.
Khi vua Lưu Ly tàn hại dòng họ Thích Ca, đức Phật Thế Tôn cũng đã bị một cơn đau lưng, theo cái thấy phàm tình. Trong một đời quá khứ khi Ngài còn là một cậu bé, một số dân chài bắt được hai con cá khổng lồ để ăn thịt, và Ngài đã vui mừng trong việc này. Quả báo là sự đau lưng. Chuyện kể rằng chính vua Lưu Ly cũng bị lửa đốt cho đến chết, mặc dù xung quanh ông toàn là nước.
Đức phật tiên đoán rằng một người theo Kỳ na giáo tên Duhkhitaka sẽ chết vì ăn không tiêu. Người ấy bèn nhịn ăn, nhưng vẫn chết vì nước mía và nước mà ông ta uống không tiêu.
Long Thụ đã được trí bất tử, nhưng trong một đời quá khứ khi cắt cỏ ngài đã cắt trúng cổ của một con kiến, do nghiệp ấy ngài chết vì bị mất đầu
Thánh Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông; thế mà một số thầy tu đầu cạo trọc chỉ trừ một nhúm tóc trên đỉnh, đã tìm cách đánh ngài bằng tích trượng của họ. Toàn thân thể Mục Kiền Liên trông như một cây cỏ chỉ. “Thịt xương ngài bị đòn nhừ tử thành một đống bột nhão. “Xá Lợi Phất hỏi tại sao ngài không thi triển thần thông. Mục Kiền Liên đáp rằng ngài hoàn toàn ở dưới năng lực của nghiệp; làm sao thi triển thần thông khi mà ngay cả tìm môt lối thoát ra cũng không xong? Trong một đời quá khứ, ngài đã một điều hỗn xược với mẹ; nghiệp ấy không tự biến mất, nên đây là hậu quả của nó.
Về phần quả báo của ác nghiệp, nếu bạn không tịnh hóa ác nghiệp nhờ bốn năng lực của sám hối và chế ngự, thì ác nghiệp không buông tha bạn dù vào đời cuối cùng của bạn làm Bồ tát. Kinh Hiền Ngu, Kinh Một Trăm Bài Kệ, Một Trăm Mẫu Chuyện Đời, Truyền Thừa Tạng Luật v.v... đều nói, sau khi bạn tích lũy tội hay phúc, thì kết quả sẽ không mất. Không thể nào nghiệp trở thành phi - hữu, chính vì vậy mà bạn phải thay đổi lối hành xử ngay cả ở cấp độ tinh tế nhất.
Hai phần kế tiếp bàn về sự quán xét những kỹ thuật để bảo đảm công đức của bạn sẽ không bị phá hủy vì giận dữ. Thế nào bạn cũng phải quyết định thay đổi hành vi phù hợp với luật nhân quả. Bốn tiêu đề trên cốt là để tăng trưởng đức tin vào nhân quả. Khi bạn muốn thay đổi lối hành xử phù hợp với nhân quả do lòng tin, bạn nên nghĩ về 10 nghiệp đạo - một đồ hình mô tả thiện và ác - vì điều này làm cho công việc thay đổi lối hành xử của bạn trở nên dễ dàng. Tác phẩm Thực Hành Trung Đạo nói:
Ngoài giới, không có nguyên nhân
Cho tái sinh cao hoặc thù thắng:
Của phàm phu và của Thanh văn
Phát sinh do Ngữ giác ngộ.
Cho Độc giác hay cho Bồ tát.
Nói cách khác, mười nghiệp đạo là nền tảng của tái sinh cao cho những người mới bước vào đạo lộ; nó là nền tảng cho loại giác ngộ của Thanh văn và Duyên giác; và cũng là nền tảng cho vô thượng bồ đề của các vị Bồ tát. Bởi thế điều cốt yếu cho phàm phu trong giai đoạn đầu tiên thuộc phần Phạm Vi Nhỏ này, là giữ giới thay đổi lối hành xử của họ theo khía cạnh đen và trắng của nhân quả.
b-1.2. Nghĩ về một vài điều đặc biệt của nhân quả.
Có 3 phần (1) Nghĩ về khía canh đen của nhân quả; (2) Nghĩ về phía cạnh trắng của nhân quả; (3) Dạy về những cửa ngõ vô tình đưa đến nghiệp cường liệt.
b-1.2.1. Nghĩ về khía cạnh đen nhân quả.
Phần này cũng có 3: (1) Tiến trình nghiệp đen thực thụ: (2) Những sự khác nhau làm nên nghiệp nặng hay nhẹ; (3) Dạy về quả báo của những nghiệp này.
(i) Tiến trình nghiệp đen thực thụ.
Nếu luật nhân quả là vô cùng quan trọng dù trên một cấp độ rất vi tế, thì cái gì là căn bản để thay đổi lối hành xử của ta.
Tác phẩm Kho Tàng Vật Lý Siêu Hình nói:
Tiến trình nghiệp gồm 10 phần,
Dù là đen hay trắng
Được chỉ dạy
Để tóm thâu tất cả nghiệp.
Có nghĩa rằng thiện hay bất thiện có thể được tóm tắt dưới 10 loại. Ngay cả những người đã thụ giới, chứ không chỉ những người thế tục cũng phải thay đổi lối hành xử của mình. Đấy là lý do Longdoel Lama Rinpoche rất cẩn thận muốn cho mọi người biết ông đã vi phạm bất cứ điều thiện nào trong 10 điều - quả thế, ông làm cho họ chú ý đến những bất thiện của ông.
Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Mặc dù bạn nghĩ rằng mình muốn tránh đau khổ,
Kỳ thực bạn đang thực sự vội vã đi đến đau khổ.
Bạn có thể mong muốn được hạnh phúc
Nhưng vì vô minh si ám
Bạn phá hủy hạnh phúc như một kẻ thù.
Nói cách khác, chúng ta có thể mong muốn hạnh phúc nhưng không hiểu làm thế nào để tạo việc lành, nguyên nhân để có hạnh phúc. Chúng ta có thể không muốn đau khổ, nhưng lại không hiểu rằng ta phải từ bỏ tội lỗi, nguyên nhân của khổ đau. Bởi thế chúng ta đánh gục hạnh phúc - chính cái điều mà chúng ta cần - làm như thế nó là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta uốn nắn lối hành xử của mình một cách trái ngược hẳn.
Một số người suy nghĩ thấp kém có thể bảo: “Tôi không biết 10 điều bất thiện là gì?” Nhưng nếu ta có thể học 20 hay 30 bài hát thì không thể nào chúng ta lại không biết 10 bất thiện sau khi nghe về chúng. Chúng ta không đi đến các đọa xứ bởi vì ta không biết Pháp hay chưa học Pháp, mà chính vì chúng ta đã biết Pháp nhưng không thực hành. Vậy điều cốt tử là phải thực hành pháp.
Mười bất thiện, những điều cần phải từ bỏ là:
Thân nghiệp có ba
Ngữ nghiệp có bốn, và ý nghiệp có ba.
Hãy sám hối mỗi một nghiệp
Trong mười bất thiện này.
Nói cách khác, giết, lấy của không cho, và tà hạnh về dâm dục là ba bất thiện của thân. Nói dối, nói ly gián, nhiếc mắng, và nói lời phù phiếm là bốn bất thiện của lời. Ba bất thiện của ý là tham, ác ý, và tà kiến.
Mỗi bất thiện này có 4 thành phần: “căn bản,” “ý định,” “hành vi” và “bước cuối cùng”. (CT của DG.- Tức là bốn yếu tố: Nhân, Duyên, Pháp và Nghiệp nói trong kinh Phạm Võng.)
(1) Giết.
“Căn bản” của giết bao hàm một chúng sinh khác với mình, nghĩa là cái vật sẽ bị giết - một con cừu chẳng hạn. “Ý định” chính nó cũng có 3 phần: “sự nhận ra,” “động lực, “ và “vọng tưởng.” Ở đây sự nhận ra có nghĩa là không lầm lẫn về một vật gì. Động lực có nghĩa là là muốn giết. “Vọng tưởng” là một trong ba độc. Một ví dụ về giết do sân là tức giận một kể thù và dùng khí giới đểâ đánh. Một ví dụ giết do tham là giết một con cừu vì tham thịt của nó hay tham bộ lông của nó v.v… Một ví dụ về giết do ngu si là giết một hữu tình để lấy máu thịt của nó mà cúng tế với tư tưởng rằng đó không phải là một tội lỗi. “Hành vi” là sự thi hành việc giết bằng cách dùng độc dược, một trong 5 loại khí giới hay bất cứ gì khác. Sự giết không cần phải là một việc rõ ràng như dùng dao để đâm: nó cũng có thể được làm bằng thuật phù thủy, những bài chú v.v… “Bước cuối cùng” là cái chết của chúng sinh kia.
Khi đầy đủ 4 yếu tố ấy thì tiến trình nghiệp giết thành tựu. Ra lệnh cho người nào khác giết thì cũng không khác gì tự mình giết. Kho Tàng Siêu Vật Lý nói, nếu 8 người giết một con cừu, thì không phải mỗi người “san sẻ” một phần tội, mà mỗi người nhận “trọn vẹn” cái tội giết con cừu. Khi một viên tướng phái nhiều người lính đi giết hại và một ngàn người bị giết, thì mỗi người lính đều phạm tội giết số lượng mà mình đã giết; nhưng viên tướng lại bị cái tội giết tất cả 1000 người.
Chúng ta có thể nêu một ví dụ rõ rệt tại đây ở tỉnh Trung ương, nhưng khắp nơi ở Tây Tạng, tôi tin rằng những người tu đang khiến những người khác giết súc vật cho mình ăn, và tuyên bố “chúng là kẻ tôi tớ.” Những đồ tể và người sai giết, cả hai đều phạm tội giết. Nếu người tu sĩ chính tay mình giết con vật, thì chỉ có một người phạm tội. Vậy sẽ tốt hơn biết bao nếu vị ấy đừng bảo người khác làm mà chính mình làm, như thế nghĩ rằng ta không có tội thực sự giết một chúng sinh, nhưng kỳ thực là chúng ta có tội, vì sai người khác giết cho mình cũng là một trọng tội.
Có một số tỷ kheo và sa di giữ một con dê, một con cừu và một con bò đực trong một cái chuồng. Khi những con vật sắp bị giết, con dê nói với hai con kia: “họ muốn giết chúng ta.” Con bò đực nói: “nhưng ngày nào họ cũng quy y. Họ chắp hai tay lại, nhắm mắt và nói: Mong tất cả hữu tình có được hạnh phúc và nhân của hạnh phúc. Họ sẽ không giết chúng ta đâu.” Con cừu nói: “họ là những đệ tử của Phật. Khi họ bắt đầu học giáo lý họ đã hứa giữ lời khuyến cáo kèm theo sự quy y. Lời khuyên chính yếu là đừng làm hại chúng sanh. Chắc chắn họ sẽ không làm hại chúng ta.”
Ba con vật bàn cãi rất sôi nổi. Rồi buổi sáng hôm ấy, người đồ tể cư sĩ đi đến nhà các thầy tu. Những con vật trông thấy anh ta và lắng nghe. Người đồ tể nói, vẻ hơi bực: “Hôm nay tôi bận. Thầy có thể nhờ người nào khác giúp thầy không?” Một thầy tu năn nỉ: “Tôi không còn gì để ăn trưa, hãy giúp tôi làm thịt cả 3 con ngay hôm nay.”
Người đồ tể phải hứa giết giúp.
Ba con vật nghe chúng chắc chắn phải chết. Hai con đã từng bảo việc này sẽ không xảy ra bấy giờ đang khóc thảm thiết. Ngay khi ấy người tu sĩ đi dến vừa lần chuỗi đọc lời quy y và tụng câu Om Na Ni Padme hum. Ông ta đã đến để xem thử con dê, con cứu và con trâu đực có đủ mập hay không.
Ba con vật nói rằng thật không hợp lý nếu thầy tu mà giết chúng sanh hoặc sai người khác giết. “Tốt nhất là chúng tôi không bị giết. Nếu chúng tôi phải chết thì này thầy tu, thầy nên tự tay giết chúng tôi.”
Vị tu sĩ không làm gì cả, người đồ tể trở lại lấy dây thừng cột chân 3 con vật lại. Anh ta lấy búa đập con bò đực một cú vào đầu bất tỉnh, thọc một cái gươm nhọn vào sườn của con dê và con cừu, và dùng những lưỡi câu bén dể cắt những động mạch chính của chúng. Như thế những con vật trải qua sự đau đớn không thể tưởng tượng. Con bò rống lên với một giọng bi ai thảm thiết: “Nghe tôi đây này, hỡi tất cả chư Phật ở 10 phương. Tôi thấy những điềm xấu. Những tỳ kheo trên đất này chỉ là những hình ảnh mường tượng tỳ kheo, vì họ sai giết những hữu tình đã từng là cha mẹ họ.” Cờ chiến thắng của Pháp đã bị hạ thấp và ngọn cờ của ma quỷ giương cao; tất cả chư Phật và Bồ tát đều buồn bã.
Đây là cuộc đối thoại giữa vị tu sĩ, con dê, con cừu vàcon bò - tất cả chỉ vì bữa ăn trưa của 1 vài tỳ kheo. Tác phẩm Tấm Gương Trong kể chuyện này rất dài.
Những điều như vậy lạc ra ngoài giáo lý; điều cốt yếu là tránh giết chugnsinh. Bậc tôn sư tôi, chỗ nương cậy của tôi, là người có biệt tài làm cho người khác hối hận từ bỏ sát sinh. Khi đến tỉnh Kham tôi cũng đã có thể chấm dứt việc tàn sát súc vật tập thể mà chùa Sog Tsongkapa và những tu viện khác thường làm để gây quỹ. Tôi nghĩ rằng đây là việc tốt nhất mà tôi có thể làm cho chánh pháp trong đời này.
(2) Lấy của không cho
“Căn bản” là vật sở hữu của người khác. “Ý định” gồm ba phần: sự “nhận ra” phải không lầm lẫn, “động lực” là ý muốn lấy một vật, vì người ta sẽ không đem nó mà cho mình, “vọng tưởng” là một trong ba độc. Một ví dụ về ăn cắp do “sân” là lấy tài sản của một kẻ thù; một ví dụ về ăp cắp do “si” là truyền thống của người ngoại đạo Phật theo đó, “khi một người thuộc gia cấp là ba là môn bị tài sản sa sút, thì người đó được phép ăn trộm.” Nghĩa là họ không cho đó là một hành vi quấy.
“Hành vi” không cần phải là sự đi lén lút về đêm. Sự lấy của không cho có thể bao hàm nhiều chuyện như: một người xuất gia lạm dụng của tín thí, một quan tòa xử phạt bất công, cái kiểu bố thí cho ra rất ít với hy vọng nhận lại thật nhiều (“thả tép câu cá”) vân vân. Khi một thầy tu vi phạm học giới, ông ta phải lay sám hối v.v…; với mục đích là để chừa những hành vi quấy như trên.
Tóm lại: bạn muốn có được một thứ sở hữu đặc biệt nào đó, mà khổ chủ của vật ấy không muốn lìa. Bạn dùng nhiều phương tiện lừa bịp để được nó, làm cho người kia không thể nào lấy lại. Không những chúng ta rất dễ phạm vào kiểu ăn trộm này, mà chúng ta còn phạm những kiểu trộm cướp như sau. Hoặc ta để cho người nào lấy của cải hay sở hữu của người khác, dù chỉ đáng giá vài xu. Hoặc ta mượn vật gì của người khác đã lâu rồi chiếm làm sở hữu của mình khi chủ quên đòi. Hoặc ta có thể nghĩ, “Lạy trời cho ông ấy quên,” và nhận ra rằng ông ta đã quên.
“Bước cuối” xảy ra khi bạn nghĩ mình đã nhận được vật - khi ấy bạn thành một kẻ trộm cắp. Nếu bạn còn làm chú tiểu, thì việc ấy cũng gàn như phạm một trọng giới, nếu bạn là tỳ kheo, bạn phạm trọng giới thực.
(3) Tà dâm
Đối với cư sĩ thế tục thì “căn bản” là bất cứ một lỗ nào trừ bộ phận sinh dục; bất cứ thời gian nào không thích hợp, như khi người phụ nữ đang có bầu hoặc đang giữ giới bát quan trai; tại một nơi không thích hợp, như trước bậc thầy hay gần một bảo tháp; bất cứ người nào không thích hợp, như mẹ hay cha mình.
(CT. Nhân, Pháp, Thời, Xứ - Quan niệm về “tà dâm” đói với người Tây Tạng có chỗ khác với VN; ví dụ về “người không thích hợp” thì chỉ kể cha mẹ, chứ không kể vợ hay chồng của kẻ khác. DG)
Đối với người xuất gia thì tất cả mọi hành vi dâm dục đều trở thành tà dâm.
Sự ‘nhận ra’ là: người ta phải không nghi ngờ gì hành vi ấy là tà dâm; nhưng khi bạn là tu sĩ mà phạm hạnh bất tịnh thì không kể bạn lầm hay không.
‘Vọng tưởng’ là một trong ba độc. ‘Động lực’ là muốn làm quấy. ‘Hành vi’ là khi hai căn tiếp xúc, vân vân. Bước cuối thành tựu khi người ta cảm thọ sự khoái thích.
(4) Nói dối
Người ta có thể nói dối về tám điều: (1) một điều gì ta đã thấy bằng nhãn thức, nghe bằng nhĩ thức, cảm nhận bằng tỉ thức, thiệt thức, thân thức một cách riêng rẽ; (2) một điều gì ta đã thấy bằng nhãn thức, v.v. một cách tổng hợp; (3) một điều gì ta đã thấy bằng mắt v.v… một cách riêng rẽ; (4) một điều gì ta đã không thấy bằng mắt, v.v… một cách tổng hợp; (5) một điều gì ta đã kinh nghiệm bằng ý thức ta; (6) một điều gì ta đã không kinh nghiệm bằng ý thức ta; (7) một điều gì ta biết; (8) một điều gì ta không biết;
Bạn phải nói với một chúng sinh hiểu được điều bạn nói bằng tiếng người. Thành phần của “ý định” là như sau. Sự ‘nhận ra’ là nhận ra bạn đang nói (ví dụ) không thấy một điều gì, trong khi thực sự là bạn có thấy. Động lực là muốn nói như vậy. ‘Vọng tưởng’ là một trong ba độc tố.
‘Hành vi’ là nói những lời dối gạt, hoặc dối bằng cử chỉ hay lắc đầu hay gật đầu mà không thốt ra lời. ‘Bước cuối’ là khi người khác hiểu bạn muốn nói gì.
Tuy nhiên, thật không hợp lẽ khi trả lời một cách thật thà cho những câu hỏi của một kẻ có thể giết người: “Nạn nhân của chúng tôi ở đâu?” Tuy nhiên nếu ai còn nghi ngờ về điều này thì nên làm như sau. Khi được hỏi: Hắn đi ngõ này phải không?” thì bạn nên nói một điều gì để đánh trống lấp, làm cho kẻ khác phải bỏ đi.
(5) Nói lời ly gián
‘Căn bản’ có thể là những người đang hợp nhau, hoặc không hợp. Sự ‘nhận ra’ phải là không lầm lẫn; ‘động lực’ là muốn gây chia rẽ; ‘vọng tưởng’ là một trong ba độc. ‘Hành vi’ là như sau: bạn muốn chia rẽ những người đang hòa thuận, hoặc muốn cho những người không hòa đừng hòa giải; không có gì khác nhau nếu lời nói ly gián của bạn là thật hay dối. Một vài người xem việc làm này là một đức tính, nhưng không phải. Lời ly gián gây ra tai hại lớn, nên không thể là điều phải.
‘Bước cuối’ là khi người ta hiểu ý nghĩa lời bạn nói. Nhưng nghiệp nói dối sẽ không thành tựu nếu những lời ly gián mà bạn nói ra có tác dụng ngược lại. Nghiệp ấy không thành nghiệp nói ly gián nếu lời nói không làm người ta chia rẽ - những người đang hòa thuận, vân vân - vì họ không hiểu.
(6) Lời nhục mạ
‘Căn bản’ của lời nhục mạ có thể là một hữu tình dùng làm căn bản cho sự phát triển những ý định tác làm tác hại, hoặc một vật vô tri như một cái gai.
Sự ‘nhận ra’ phải là không lầm lẫn. ‘Vọng tưởng’ là một trong ba độc. ‘Động lực’ là muốn nói những lời như vậy. ‘Hành vi’ là nói về những lỗi trong đạo đức, dòng dõi, thân thể, vân vân. Bạn có thể nói sự thật hay điều dối trá; chẳng hạn bạn nói: “Anh đui rồi” cho một người mù thật hoặc không mù. Khi bạn nói những lỗi lầm về đạo đức, dòng dõi, thân thể, v.v… dù là nói đùa, bạn cũng đã phạm vào hành vi nói lời nhục mạ, nếu lời bạn làm cho người kia bị tổn thương.
‘Bước cuối’ là khi người kia hiểu được ý nghĩa của lời nói. Ngôn ngữ phải được hiểu; bởi thế tiến trình nghiệp không hoàn tất nếu bạn nói lời nhục mạ với một vật vô tri.
(7) Nói phù phiếm
‘Căn bản’ là một lời phù phiếm vô ích. Sự ‘nhận ra’ là điều mà bạn muốn đề cập, là một điều phù phiếm không đáng nói. Đề tài của chuyện phiếm có thể là một vị vua nổi tiếng hoặc không; bất cứ gì cũng có thể làm căn bản thực sự của chuyện phù phiếm. ‘Động lực’ của sự ham nói. ‘Vọng tưởng’ là ba độc. ‘Hành vi’ là nói về vua, về quân đội, hay bất cứ gì.
Ngày nay những tu sĩ chúng ta trong tu viện mỗi khi tụ họp lại là bàn luận đủ thứ chuyện: chuyện chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ, vân vân. Đấy là chuyện phiếm. Chuyện phù phiếm là nghiệp nhẹ nhất trong mười bất thiện, nhưng nó lại là cách tốt nhất để lãng phí cuộc đời chúng ta. Cái thói xấu tán gẫu làm hỏng những cuộc đại lễ công cộng trong tôn giáo và chư tăng liên tục họp ăn trưa nói chuyện quá nhiều. Atìsha nói: ‘Khi ở chung, hãy kiểm soát lời nói. Khi ở một mình, hãy kiểm soát tư duy.’ Nói cách khác bạn phải cẩn thận dù chỉ có một người bạn.
Những câu chuyện và thảo luận về những luận đề không phải Phật giáo đều là chuyện phù phiếm.
Mặc dù với sáu tà hạnh về thân và lời, bạn có thể bảo người khác làm thay bạn (trừ tà hạnh dâm dục), song chính bạn cũng bị vướng vào tiến trình nghiệp.
(8) Tham
‘Căn bản’ là tài sản của một người khác. Giả sử khi đi chợ, bạn trông thấy một món hàng hấp dẫn và nghĩ, “Ước gì ta có được!” và khát khao nó gần muốn ốm.
Sự ‘nhận ra’ là biết được một vật đặc biệt nào đó làm căn bản cho lòng tham của bạn.
‘Động lực,’ ‘hành vi,’ và ‘bước cuối’ phải được xem là những nhiệm vụ của một ý định duy nhất. ‘Động lực’ là ý nghĩ: “Ước gì vật này là của ta!” ‘Vọng tưởng’ là một trong ba độc. ‘Hành vi’ là khi nghĩ càng mãnh liệt, và bạn quyết định mình phải tìm cách nào khiến cho vật ấy biến thành của mình.
Bạn cũng có thể tham ngay cả những sở hữu của bạn.
Khi chúng ta đi chợ ở thủ đô Lhasa chẳng hạn, ta khởi lòng tham hàng trăm ngàn lần, vì bất cứ gì ta làm ở đấy ta đều làm trong sự không chánh niệm. Ta nên áp dụng thuốc chữa bệnh tham là nghĩ tất cả những vật ấy đều hư huyễn không có thực chất.
(9) Ác ý
‘Căn bản,’ ‘vọng tưởng’ vân vân của ác ý cũng giống như của lời nhục mạ. ‘Động lực’ là muốn gieo tai hại bằng cách đánh hoặc giết đối tượng (căn bản) của các ý, hay mong những điều như “Thật là tốt nếu người ấy bị tàn mạt.” ‘Hành vi’ là đặt nhiều nỗ lực vào ý tưởng ấy. ‘Bước cuối’ là quyết định làm hại người kia.
Chúng ta làm những hoạt động mật giáo như cầu sự an lạc, tăng trưởng, năng lực, phẫn nộ; nếu chúng ta không làm với những động lực tốt và bền bĩ, làm vì lợi ích của hữu tình, thì những việc ấy có thể trở thành những hình thái khác nhau của tâm tham, ác ý, vân vân; bởi thế phải cẩn thận.
(10) Tà kiến.
‘Căn bản’ phải là một cái gì hiện hữu: nhân quả, bốn chân lý, Ba ngôi báu, vân vân. Một tà kiến là xem những việc này là phi hữu; chẳng hạn chối bỏ những pháp ấy tức là bảo rằng chúng không có.
Ngoại đạo Akshipàda muốn làm tà hạnh với chính con gái ông, nên đã soạn Một Trăm Ngàn Bài Kệ trong đó ông tuyên bố ngoài cuộc đời này, không còn có đời tái sinh nào khác. Ngoài ra những ví dụ về tà kiến là mười sáu quan niệm sai lầm, tà ác, bịa đặt, vân vân.
Sự ‘nhận ra’ là giống như chín hình thức kia của sự nhận ra, ngoại trừ sự kiện người ta không nhận rằng cái điều mình chối bỏ kỳ thực là đúng. ‘Hành vi’ là ý định chối bỏ cái điều dùng làm căn bản. ‘Bước cuối’ là quyết định rằng điều đó không hiện hữu.
Chúng ta ít có cơ hội thực sự chủ trương những tà kiến, nhưng ta cũng có thể bị bạn xấu lung lạc để có chủ trương như vậy. Bạn xấu nghĩa là những người có rất ít công đức.
Khi ta đã biết rõ mười bất thiện ấy, điều cốt yếu là ta phải cẩn thận tránh làm.
(ii) Cái làm nên nghiệp có nặng nhẹ khác nhau
Có sáu yếu tố:
(1) Nặng do bản chất
Bảy nghiệp của thân và lời xếp hạng từ nặng nhất là giết, cho đến nhẹ nhất là nói phù phiếm. Lý do là thứ tự này phản ảnh mức độ đau khổ mà hữu tình khác nhau phải chịu. Ví dụ: dù chúng ta có thể khác nhau cách mấy, thì cũng có giống nhau một điều là, ai cũng yêu quý mạng sống mình hơn những sở hữu của mình. Do vậy sự giết chết gây nhiều đau khổ cho người khác hơn là trộm cắp. Tuy nhiên, với ba ‘điều bất thiện của tâm ý’, cái nhẹ nhất nằm trước tiên, nặng nhất là cái cuối cùng.
(2) Nặng do ý định
Khi ý định xuất phát từ một vọng tưởng khá mạnh những điều bất thiện, chẳng hạn nhục mạ, bản chất lại nhẹ, nhưng người ta nói: “Anh là con chó già” do vì bản chất tức giận, thì hành vi này khi ấy trở thành nặng.
(3) Nặng do hành vi
Một ví dụ về điều này là giết một cách tàn bạo. Lại nữa giết một con voi chẳng hạn nặng hơn giết một con sâu. Giết những con vật có thân thể khổng lồ và có sức mạnh vật lý lớn thì tội nặng hơn. Vì chúng trải qua nhiều đau đớn nhiều hơn. Ở một vài xứ sở, người ta thiêu sống những con ếch, gà vịt và côn trùng; những hành vi này đều nặng theo cả 2 cách bởi vì bản chất của chúng và do chính hành vi giết hại.
(4) Nặng do căn bản
Một tội được xem là nặng nhất chẳng hạn như có cái nhìn dữ dằn đối với những bậc bề trên như là bổn sư, thầy truyền giới, những vị Bồ tát, những thành phần của tăng chúng, cha mẹ, v.v…
(5) Nặng vì tính cách thường xuyên
Nói phù phiếm chẳng hạn là nặng vì người ta luôn luôn làm.
(6) Nặng vì không có cách cứu chữa
Những tội trong dòng tâm thức của một người không bao giờ làm một thiện hành nào, là rất nặng.
Có từ một đến sáu loại nặng nhất trong bất cứ hành vi nào. Hai ví dụ về hai loại tội nặng là: nhìn một vị Bồ tát một cách tức tối khi ta rất giận dữ, hoặc giết một con vật một cách tàn bạo. Hát múa do tham mạnh là một trường hợp chỉ có một loại nặng. Tất cả 6 loại nặng đều hiện hữu chẳng hạn nơi một người đồ tể luôn luôn phạm tội và không bao giờ làm việc lành, giận dữ với cha mẹ và giết một cách tàn bạo.
Dù tội lỗi của chúng ta nhẹ đến đâu, chúng ta luôn luôn làm cho chúng thêm trầm trọng.
(iii) Dạy về quả báo của những nghiệp ấy
Có 3 loại quả báo: quả báo đã chín, quả báo phù hợp với nguyên nhân và quả báo thuộc về hoàn cảnh (tức là “y báo” - DG).
Khi người ta phạm một điều nào trong bất cứ 10 điều bất thiện, thì ta phải trải qua 4 quả báo chứ không phải 3, vì quả báo liên hệ đến nguyên nhân được chia làm hai loại: Những kinh nghiệm phù hợp với nguyên nhân và hành động phù hợp với nguyên nhân.
Những bất thiện lớn lao sẽ đưa đên tái sinh ở địa ngục, trung bình thì đưa đến tái sinh làm ngạ quỷ, và nhỏ thì đưa đến tái sinh làm súc sinh. Hãy lấy ví dụ giết. Quả báo đã chín có thể là tái sinh ở địa ngục. Về sau người ta thoát khỏi địa ngục và được tái sinh làm người, nhưng mạng sống ngắn ngủi, lại đau bệnh: đây là những kinh nghiệm phù hợp với nguyên nhân. Người ta cũng có thể ưa giết từ tấm bé: đây là hành vi phù hợp với nguyên nhân. Những “quả báo về hoàn cảnh” xảy ra trong môi trường sống: thức ăn, thức uống thuốc men, v.v…, có ít hiệu lực. Sau khi chúng ta tái sinh làm người thích giết. Sự giết hại chúng ta làm cho tiến trình này kéo dài bất tận và chúng ta bị ném vào đọa xứ. Những hậu quả đáng buồn hơn tất cả là những hành động liên hệ đến nguyên nhân; đấy là lý do tại sao chúng ta cần phải nỗ lực ngăn chận những hành động tương ưng với những nguyên nhân bất thiện, và phát sinh những hành động phù hợp với nguyên nhân bất thiện.
Bây giờ chúng ta sẽ đề cập các điều bất thiện khác - lấy của không cho - theo thứ tự. Những kinh nghiệm phù hợp với nguyên nhân là: (đối với trộm cắp) bạn sẽ thiếu vật sở hữu, phải xài chung với những người khác; (đối với tà hạnh) bạn không thể giữ được đệ tử, tôi tớ hay chồng vợ; (đối với nói dối), người khác không ai tin bạn; đối với lời ly gián,bạn sẽ có ít bạn bè, không có tín đồ tôi tớ v.v…; (đối với lời nói nhục mạ) những người khác sẽ nói xấu bạn; (đối với lời nói phù phiếm) lời bạn sẽ ít có hiệu quả vì người khác sẽ xem thường những gì bạn nói; (đối với tham) bạn sẽ không đạt được mục đích; (đối với ác ý), hoàn cảnh xung quanh bạn sẽ đáng sợ; (đối với tà kiến) bạn sẽ đuôi mù trước chánh kiến. Một số người phạm tội được sống lâu, mọi sự đối với họ đều suông sẻ; ngược lại một số người tu hạnh nghiêm chỉnh thì lại bị ốm đau, mạng sống ngắn ngủi, v.v… Có nhiều nguyên nhân cho việc này: những nguyên nhân ấy nằm trong các đời quá khứ. Khi một chuyện gì khó chịu xảy đến cho ta trong đời này, chúng ta cứ nghĩ đấy là một nguyên nhân gần nhất, nhưng sự thật không phải thế. Thông thường những việc ấy được tạo tác bởi nghiệp từ những đời quá khứ.
Những hành động phù hợp với nguyên nhân là như sau. Trong đời này, có những người từ nhỏ đã thích ăn trộm đồ vật; điều này là do trong những đời quá khứ họ đã quen lấy của không cho. Có những trẻ con có tài làm cho những trẻ khác ăn cắp; những trẻ như thế ưa nói chuyện trộm cắp. Những hành vi khác phù hợp với nguyên nhân cũng tương tự như thế và dễ hiểu. Những hành vi phù hợp vói những nguyên nhân là tham, ác ý và tà kiến làm cho tham sân si càng tăng trưởng.
Những quả báo về hoàn cảnh do lấy của không cho là: mất mùa, trồng cây ít kết quả, gặp sương mù, mưa đá, nuôi bò không có sữa v.v… Do tà hạnh bạn phải sống trong những nơi bùn lầy hôi hám; do nói láo xung quanh có nhiều kẻ lường gạt; do nói ly gián bạn phải sống những nơi đất không bằng phẳng; do nói lời nhục mạ bạn phải sống một nơi có nhiều gốc cây bị chặt; do nói lời phù phiếm mùa màng thất bại, mưa trái thời; do tham tất cả những lạc thú của bạn sẽ bị mây ám; do ác ý sẽ có nhiều chiến tranh bệnh tật đói khác; do tà kiến nguồn nước và những gì quý báu của bạn sẽ bị khô cạn.
Như vậy nếu bạn đã biết được những gì sẽ xảy đến do hậu quả của bất thiện mà vẫn còn cố ý làm những điều bất thiện, thì cũng giống như đứng trên một ngọn đá cao mà nhảy xuống với đôi mắt mở lớn.
Đất đai trước kia khá tốt, bây giờ rất xấu, khô cằn v.v… Nghiệp đã làm việc ấy. Trong thời kiếp may mắn này, lúc đầu đất thật kỳ diệu nhưng nó đã dần dần suy đồi và bây giờ đã bị ăn mòn, đầy những chỗ nứt nẻ và vực sâu.
b-1.2.2. Nghĩ về khía cạnh trắng của nhân quả.
Có 2 phần: (1) Dạy tiến trình nghiệp trắng thực sự; (2) Dạy quả báo của nó.
(i) Tiến trình nghiệp trắng thực sự
Chỉ có tránh làm 10 bất thiện mà thôi thì không hoàn thành được tiến trình nghiệp trắng (tức là bạch nghiệp hay nghiệp thiện). Tiến trình đầy đủ như sau: nhận ra 10 điều bất thiện, kiêng làm những điều ấy sau khi thấy những lỗi lầm, và sau khi có ý nghĩ từ bỏ chúng, là sự hoàn toàn chế ngự. Điều thiện không giết hại chẳng hạn, có 4 phần: căn bản, ý định, hành vi và bước cuối. Lấy ví dụ bạch nghiệp là không giết một con cừu. Con cừu là căn bản. Bạn thấy lỗi lầm trong sự giết cừu nên muốn đừng giết nó và nghĩ “điều ấy không nên.” Đây là động lực. Khi tư tưởng này càng mạnh hơn và bạn thấy rằng giết con cừu là một ác hành, bạn cố hoàn toàn kiêng sự giết, nỗ lực này là hành vi của bạch nghiệp từ bỏ giết. Tiến trình nghiệp hoàn tất khi bạn quyết định rằng mình sẽ không giết: bạn thấy rõ lối lầm của sự giết và nghĩ rằng mình sẽ hoàn toàn kiêng sát sinh: điều này cũng tương đương với hành nghiệp của thân. Đây là bước cuối của bạch nghiệp không giết cừu.
Khi bạn sắp ăn trộm một vật gì, thì động lực làm cho bạn không lầy là ý tưởng như sau: “vật này là căn bản của nỗi đau khổ và sa đọa của tôi; ác hành này sẽ là nguyên nhân dưa tôi xuống các đọa xứ, bởi vậy không nên làm.” Hành vi là nỗ lực của bạn để từ bỏ việc việc trộm cắp. Tiến trình nghiệp hoàn tất khi bạn quyết định từ bỏ trộm cắp. Hãy áp dụng cùng một nguyên tắc ấy cho những bất thiện khác, như tà hạnh về dâm dục, v.v…
(ii) Dạy về quả báo của bạch nghiệp
Có ba đoạn.
(1) Quả báo đã thuần thục
Bạn được sinh làm một vị trời ở các cõi cao (nghĩa là ở Sắc giới và Vô sắc giới) do thiện nghiệp rất thù thắng; làm một vị trời Dục giới do thiện nghiệp trung bình; và làm một con người do thiện nghiệp nhỏ.
(2) Quả báo thích hợp với nhân
Có hai loại: ‘Kinh nghiệm’ phù hợp với nhân là: trường thọ, có tài sản lớn, vợ chồng hòa thuận, nói gì người ta cũng chú ý, bạn bè thuận thảo, v.v… ‘Hành vi’ phù hợp với nhân là trường hợp xảy ra ở một vài người - như tái sinh của những bậc thánh chẳng hạn - từ lúc sinh ra đã tự phát ý từ bỏ và tâm đại bi.
(3) Quả báo thuộc hoàn cảnh (y báo)
Điều này dễ hiểu: ngược lại với quả báo hoàn cảnh của mười bất thiện; do là có thức ăn uống, thuốc men nhiều hiệu năng, v.v…
b-1.2.3. Dạy về những cửa vô tình dẫn đến nghiệp cường liệt
Có bốn phần.
(i) Cường liệt đo ruộng phước
Quả báo của bố thí càng tăng lần lượt theo thứ tự sau: bố thí cho người thường, cho cha mẹ, cho người có đức hạnh, cho Bồ tát tại gia hay xuất gia, cho chư Phật, và cho bậc thầy của mình. Nhìn một Bồ tát với cái nhìn khinh bỉ thì tội báo còn nặng hơn là ném tất cả hữu tình trong ba cõi vào ngục rồi móc hai con mắt họ. Chắp tay kính chào vì lòng tin tưởng kính trọng đối với một vị Bồ tát thì có công đức hơn là giải phóng tất cả những hữu tình ấy ra khỏi tù ngục và đem con mắt cho họ. Cũng thế, khi một thầy tu giết một súc vật, thì ông ta chỉ phạm một tiểu giới; nếu giết một con người, thì phạm trọng tội.
(ii) Cường liệt do vì đã thụ giới
Một quyển kinh nói công đức một người hành thiện mà đã thụ giới thì lớn hơn là chưa thụ giới. Cũng vậy đối với phi công đức: một người xuất gia thụ giới mà làm một điều bất thiện nhỏ nhặt thì tội nặng hơn là một người thường phạm cả mười bất thiện. Do vậy mà thật là trọng tội khi người đã thọ bồ đề tâm và thọ giới mật tông mà vi phạm những tà hạnh. Có nhiều người cho rằng vì thụ giới thì bị tội nặng nên tránh thụ giới. Nhưng không cần thiết phải vậy. Quyển Hành Trung Đạo nói: “Không có nhân nào để tái sinh thù thắng trong đời sau ngoài ra nhân giới.” Nghĩa là, muốn tái sinh làm người trong đời sau, thì bạn nhất định phải thụ giới và giữ giới. Nếu bạn không thụ giới, mà chỉ bố thí chẳng hạn, thì bạn có thể tái sinh làm một thú vật như con rồng.
Nếu bạn thụ giới, bạn sẽ liên tục nhận công đức. Và nếu bạn giữ một ác giới thì bạn sẽ liên tục nhận phi công đức: một người đồ tể và một bà bán rượu là những điển hình của người theo ác giới, và tội của họ sẽ liên tục tăng trưởng, dù là khi họ đang ngủ hay khi họ nghỉ mệt.
Giả sử hai người sống chung, một người đã thọ giới không giết, người kia chưa thọ. Cả hai người có thể suốt một thời gian không giết một con gì, nhưng người không thọ giới thì không có công đức do sự từ bỏ sát sinh, trong khi người đã thọ giới thì công đức càng ngày càng tăng. Cũng tương tự, những người thọ giới cư sĩ tại gia, giới sa di hay cụ túc giới có thể không làm nỗ lực đặc biệt gì để tăng thiện căn công đức, nhưng ít nhất họ cũng thấy được sự tăng trưởng trong các loại giới: ngũ giới, 36 giới, 253 giới; ngay cả trong lúc ngủ. Và điều này cũng áp dụng cho những người thọ bồ tát giới, công đức càng tăng hơn bất cứ giới nào ở trên, không thể tính được. Như trong Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Sau đó ngay cả trong giấc ngủ của họ,
Hay trong những lúc không đề phòng,
Công đức của họ sẽ có nhiều năng lực.
Nhiều công đức liên tục đến với họ
Và sẽ trở thành to lớn như hư không.
Những người thọ giới mật tông còn thấy tăng trưởng công đức trăm ngàn lần hơn. Bởi thế một người chưa thọ bất cứ giới nào thì không tạo được những thiện căn đặc biệt này; hãy so với người thọ giới ngày nào cũng thấy công đức mình tăng trưởng và như vậy có lợi lạc lớn. Những người hẹp hòi không nên có tà kiến ngay cả những người thế tục cũng nên thọ giới một ngày, thọ giới nhịn ăn một ngày và thọ Bồ đề tâm.
Có 2 loại cấm chỉ: sự cấm chỉ tự nhiên và sự cấm chỉ có tuyên bố. Loại một là như sau. Một trong những sắc thái của loại cấm giới này là nhân của chúng: những động lực thực thụ của người ta là những động lực bất thiện. Một sắc thái khác của bản chất: bản chất chúng là tội lỗi, và chúng thể hiện sự bất thiện. Nhưng còn một sắc thái khác nữa là hậu quả của chúng: một phần của bản chất chúng là chúng có thể chín thành một hậu quả không vui. Bất kể một người thọ giới hay chưa thọ, nếu những điều căn bản này mà có mặt, thì người ấy sẽ phát sinh một tội thuộc loại cấm chỉ tự nhiên.
Loại hai, sự cấm chỉ có công bố, là một nghiệp hay nghiệp chướng đi ngược lại luật Phật chế. Loại này như sau. Một sắc thái của chúng là nguyên nhân: động lực thực sự là ý định tốt hoặc trung tính. Bản chất của chúng là một sắc thái khác: chúng thể hiện môt bản chất trung tính. Một sắc thái khác nữa là quả báo của chúng: Một phần của bản chất chúng là, chúng không thể chín mùi thành hậu quả bất lạc.
Nếu bạn vi phạm một tiểu giới, và nguyên nhân tức động lực, được liên kết với một cái gì bất thiện, chẳng hạn tư tưởng bất chấp giới luật, khi ấy bạn sẽ phạm một tội và vi phạm một tiểu giới: đấy là một điều cấm chỉ tự nhiên và một điều cấm chỉ được công bố. Nếu bạn phạm một tiểu giới với một động lực trung tính, bạn phạm tiểu giới ấy bằng cách đi ngược lại giới Phật chế nhưng bạn không phạm tội - điều cấm chỉ tự nhiên. Nếu một Tỳ kheo giết một con vật ông ta phạm một tội - điều cấm tự nhiên về giết súc vật - và phạm một tiểu giới - điều cấm có công bố, vì giết một con vật là một vi phạm trong tiểu giới của Tỳ kheo.
Những tội lỗi như thế và những tiểu giới vi phạm có thể có cùng bản chất nhưng chúng vẫn bị hạn chế vào những pháp riêng biệt. Bất kể người ta áp dụng một vài sự giải tội như thế nào, chẳng hạn 4 năng lực, và mặc dù người ta có thể hoàn toàn tịnh hóa tội lỗi có cùng một bản chất, việc này vẫn không phục hồi lại được một cách thích đáng cái tiểu giới đã phạm có cùng một bản chất như tội. Lại nữa mặc dù người ta có thể phục hồi một cách thích đáng tiểu giới đã phạm có cùng một bản chất như tội. Lại nữa mặc dù người ta có thể phục hồi một cách thích đáng tiểu giới đã vi phạm, song nếu người ta không dám hối tội nhờ 4 năng lực thì người ta vẫn chưa tịnh hóa nó.
Người ta thọ giới Tỳ kheo từ nơi tu viện trưởng, thầy truyền giới, và những thành phần của Tăng già; bởi thế người ta phải phục hồi những giới này trước mặt các Tỳ kheo hay thành phần của tăng chúng. Những tà hạnh ngược lại giới Bồ tát thường phải được sám hối và tịnh hóa trước bậc thầy, chư Phật và các Bồ tát; những tà hạnh ngược lại với giới Mật tông cần phải được sám hối và được tịnh hóa trước bộ loại chư thần của Mandala đặc biệt.
Khi tạo công đức lớn, sẽ có lợi ích hơn nhiều nếu ít nhất ta giữ giới đại thừa một ngày bằng cách dâng cúng và xây dựng kho công đức.
(iii) Cường liệt do hành vi đã làm.
Bố thí Pháp tốt hơn bố thí tài vật cúng dường bằng sự tu tập hơn là cúng dường vật chất, v.v…
(iv) Cường liệt do ý định
Nếu kèm với bồ đề tâm mà lập một lời cầu nguyện với Tara hay cúng một cây đèn, thì công đức của ta sẽ rất mạnh, hơn là cúng một trăm ngàn cây đèn mà không có tâm bồ đề.
Những tiêu đề trên dạy cho bạn những phi công đức cần tránh, và những công đức nên thực hành.
Nếu bạn muốn trở nên thiện xảo trong việc tu tập, thì phải biết làm thế nào để xây dựng một kho công đức khổng lồ mà không phải nhọc sức, và làm thế nào để giảm bớt những điều phi công đức. Chẳng hạn nếu một tỳ kheo làm những nghi thức chuẩn bị kèm theo tâm bồ đề, thì phước nghiệp này cường liệt theo cả bốn cách, do lĩnh vực, do ông đã thụ giới, do việc làm, và do ý định.
Lại cũng có sự khác nhau giữa “dẫn nghiệp” và “mãn nghiệp.” “Dẫn nghiệp” là một nghiệp lành ta sinh vào thượng giới, hoặc một nghiệp ác khiến ta sinh vào đọa xứ. “Mãn nghiệp” không có tính cố định như thế: một “dẫn nghiệp” người ta làm có thể thiện. Một “dẫn nghiệp” có thể bất thiện nhưng mãn nghiệp có thể bất thiện. Vậy có bốn khả năng.
Muốn có một tái sinh làm người hạnh phúc, làm chuyển luân vương, thì cả hai loại dẫn nghiệp và mãn nghiệp cần phải đều là thiện. Một tái sinh làm người đầy những đau khổ nhọc nhằn, ví dụ làm người ăn mày, là một trường hợp dẫn nghiệp là thiện nhưng mãn nghiệp bất thiện. Tái sinh vào địa ngục là một điển hình về dẫn nghiệp, mãn ngiệp đều bất thiện. Điển hình về dẫn nghiệp mãn nghiệp bất thiện, mãn nghiệp thiện là làm con ngựa hay con lừa cho Đức Dalai Lama hay Panchen Lama, hoặc làm con chó của các ngài.
Một hành nghiệp duy nhất cũng có thể khiến người ta tái sinh nhiều đời kiếp liên tục, ví dụ nhục mạ người khác “Anh giống như ếch nhái” có thể có quả báo tái sinh năm trăm đời làm con ếch. Hoặc nhiều hành nghiệp có thể có quả báo trong một thân tái sinh duy nhất, vân vân.
Có nhiều loại nghiệp khác: nghiệp ta bắt buộc phải chịu, nghiệp ta không bắt buộc phải chịu, nghiệp ta tích lũy do một hành vi nào đó, những hành vi đã làm nhưng không tích lũy nghiệp, nghiệp đã tích lũy mà không cần làm gì cả.
Quả báo của nghiệp mà ta chắc chắn phải chịu có thể xảy ra trong ba thời gian khác nhau. Với những quả báo cụ thể: do vài động lực đặc biệt hay do ruộng phước đặc biệt, người ta kinh quá những quả báo ngay trong cùng một đời trong đó nghiệp ấy được tích lũy (“hiện báo”). Với nghiệp phải chịu quả báo trong nhiều đời sau, thì người ta kinh quá quả báo của nó trong đời kế tiếp với đời sau, hoặc trong những kiếp tái sinh về sau. Bạn nên tham khảo những tác phẩm như của Tsongkapa Những Giai Đoạn Lớn Hay Trung Bình Của Đạo Lộ để hiểu những điều này một cách chi tiết hơn.
b-2. Nghĩ về một vài điều đặc biệt.
Bởi thế chúng ta nên sợ quả báo của bất thiện và giữ giới từ bỏ mười nghiệp bất thiện. Nếu chúng ta làm mười nghiệp thiện một cách thích đáng, ta sẽ không rơi vào các đọa xứ, thay vì thế sẽ được sinh làm người hay trời. Nhưng chỉ riêng điều này mà thôi thì không đủ cho ta đạt giải thoát và toàn tri. Tuy thế, nếu ta có thể được loại tái sinh thù thắng đặc biệt có tám đức thuần thục, thì ta có thể tiến xa hơn trên đạo lộ. Bởi thế ta nên thành tựu cho được một tái sinh có tám điều thuần thục như thế. Đức Tsongkapa vĩ đại có nói:
Bạn sẽ không tu hành được bao nhiêu
Nếu không có một tái sinh
Có đủ điều kiện để thực hành tối thượng thừa.
Bởi thế hãy luyện tập để tạo nhân
Cho cả tám điều thù thắng ấy.
b-2.1. Những đức tính thuần thục.
Có tám đức thuần thục là: sống lâu, thân thể đẹp, gia tộc thù thắng, tài sản lớn, lời nói đáng tin cậy, có danh tiếng lớn, làm thân nam nhi, thân thể và tâm hồn đều dũng mãnh.
Trên thế gian này, những trái quả tốt trong một thửa ruộng là do hột giống tốt. Chớ lầm lẫn: Sự kiện rằng chúng ta có tài sản, tái sinh thù thắng, vân vân, đều do những hành nghiệp trong đời quá khứ. Và nếu chỉ có những kết quả tốt cho mùa năm nay thì không ích gì lắm; ta cần phải cố gắng gieo trồng những giống tốt cho năm tới. Cũng vậy, không ích gì nếu ta không tò mò chút nào về những đời kiếp tương lai của ta, hoặc chỉ nghĩ về chúng rồi đâm ra hãi sợ. Ta sẽ không được cái gì nếu ta chỉ hoàn tất những cái nhân để có được một loại tái sinh đặc biệt thích hợp để tu tập Pháp. Lại nữa, ta cần phải có tám đức thuần thục - sống lâu, thân thể tốt đẹp, vân vân.
b-2.2. Nhiệm vụ của những đức thuần thục
Đức đầu tiên trong tám đức ấy là sống lâu, vì nó sẽ giúp bạn tiến bộ trong Pháp nhờ có nhiều thì gian tạo công đức cho chính mình và cho người khác.
Do đức thứ hai (thân tướng tốt đẹp), bạn có thể thu hút tín đồ chỉ nhờ dáng vẻ của bạn. Atìsha là một trường hợp điển hình về phương diện này.
Đức thứ ba (dòng họ cao thượng) sẽ làm cho những người khác đặc biệt chú ý đến những mệnh lệnh của bạn.
Đức thứ tư là có tài sản lớn. Vì bạn có nhiều tài sản và đông quyến thuộc, trước hết bạn có thể lôi cuốn hữu tình nhờ những sở hữu vật chất, rồi sau đó lấy Pháp mà làm cho họ thuần thục. Như vậy đức này là một kích thích tố lớn cho việc giúp đỡ chúng sinh.
Đức thứ năm (lời nói đáng tin) khiến cho mọi người hiểu được chân lý về Tánh không.
Đức thứ sáu (có thế lực và danh tiếng) khiến người khác nhanh chóng làm theo lệnh của bạn, như thể là mệnh lệnh vua ban.
Đức thức bảy (làm thân nam nhi) có nghĩa rằng bạn sẽ không bị khiếp nhược trước đám đông, và khi sống những nơi hoang vu bạn cũng ít bị trở ngại trong việc tu tập.
Đức thứ tám (có sức mạnh về thể chất cũng như tinh thần) có ba nhiệm vụ. Bạn cần có một thân thể khỏe mạnh để thực hành những khổ hạnh phi thường như Milarepa; khi ấy bạn mới có thể tu tập trong nghịch cảnh. Với tinh thần mạnh, bạn sẽ không tuyệt vọng, dù có xảy ra bất cứ gì cần thiết. Bạn sẽ có được trí khái niệm mãnh liệt (tục đế?) và điều này sẽ làm nhân cho sự mau đắc thần thông.
b-2.3. Những nguyên nhân để thành tựu những đức thuần thục
Mặc dù thật tốt nếu những hành giả có được tám công đức nói trên, song bạn có thể thắc mắc: “Tôi sẽ có được như vậy chăng?” Dĩ nhiên bạn sẽ có được; đó cũng như một nông phu gieo trồng về mùa xuân biết được ông ta sẽ gặt hái kết quả vào mùa thu. Nếu trong tái sinh này ta tạo nhân để có được tám đức thuần thục ấy và làm những lời nguyện thanh tịnh cho đời vị lai, thì ta sẽ được quả báo là tám điều thù thắng ấy trong những đời vị lai. Đây là vì khi nhân duyên tụ hội đầy đủ thì hậu quả sẽ xảy đến.
Ta hãy xét cả tám đức tính ấy. Nguyên nhân cho đức đầu tiên, sống lâu, là từ bỏ giết hại chúng sinh; cứu sống, tha mạng và cứu những con cá cạn nước chẳng hạn; cho thực phẩm; tha thầy tu làm việc nặng; cấp thuốc cho người bệnh hay điều dưỡng họ, vân vân.
Nhân chính để có thân thể tốt đẹp là thực hành nhẫn nhục. Tuy nhiên còn có những nhân khác, như cúng những cây đèn sáng cho hình tượng Phật; xây dựng những biểu tượng cho thân ngữ ý giác ngộ; sửa sang những vật này; thếp vàng và trang hoàng cho những pho tượng, mặc áo mới cho tượng; bố thì cho người y phục mới và đồ trang sức; vân vân.
Một nhân để được sinh vào gia đình cao sang là không tự cao tự đại về những đức tính của mình, về dòng họ, đạo đức, trí tuệ, quyến thuộc, y phục, v.v… dù bạn là cư sĩ hay xuất gia. Những nguyên nhân khác là hành xử một cách khiêm cung và từ bỏ tất cả kiêu căng và cảm giác tự tôn; và tỏ lòng kính trọng đối với những bậc trên, bổn sư, thầy truyền giới, tu viện trưởng và những phần tử của tăng chúng. Những người tu phải kính trọng người đa văn, cao niên hơn mình. Những học giả cũng phải nhận sự phục vụ hay lễ bái mà những người trẻ làm đối với họ vì kính trọng và khi một người trẻ sắp thọ giới tỳ kheo, phải đối xử với họ như một người ngang hàng. Người ta có thể có tục lệ kính trọng những hành giả hoặc những vị lạt ma tái sinh nhưng bạn nên kính trọng cả những học giả và những người cao niên như thời Phật tại thế.
Chính phủ Tây Tạng, chính phủ trong cung Đâu suất, sử dụng 16 luật của cõi trời và cõi người gồm nhiều điều vô cùng quan trọng: người trẻ phải kính trọng người già, phải kính trọng những người có đức hoặc những người đã từng rất tử tế với mình, chẳng hạn cha mẹ; phải giúp đỡ những người sa sút vì bệnh tật nghèo khó v.v… Nếu những điều này được tuân giữ thì xứ sở sẽ được hạnh phúc. Trong quyển Truyền Thừa Luật Tạng có câu chuyện 4 con thú làm bạn, kính trọng nhau tùy theo tuổi tác. Do đạo đức của những con thú này mà dân chúng ở Kashi thọ hưởng hạnh phúc lớn. Bốn con thú vật mà còn biết chuyện kính trọng những kẻ lớn hơn mình; huống hồ chúng ta những người thực hành pháp, những người tu, điều ấy sẽ đem lại hạnh phúc còn lớn hơn nữa.
Nguyên nhân để được giàu có là bao bọc những lớp vải mới hay sơn lại những biểu tượng của thân ngữ ý giác ngộ: đem y phục thực phẩm đồ uống, châu báu v.v… mà cho những người xin; giúp đỡ người không cầu giúp đỡ và bố thí cúng dường càng nhiều càng tốt cho những người có đức hoặc cho những người đang trong cơn thống khổ.
Những nguyên nhân để có được lời nói đáng tin cậy là nói chính xác và nỗ lực từ bỏ bất thiện.
Những nguyên nhân để có thế lực lớn là: kính trọng và cúng dường những người trên như tu viện trưởng, thầy truyền giới, ba ngôi báu, cha mẹ, người lớn tuổi hơn mình, v.v...; làm những lời cầu nguyện để có được đức tính này.
Những nguyên nhân để được sinh làm nam nhi là thích tái sinh làm người nam, không thích tình trạng nữ nhân vì thấy rõ những khuyết điểm và cảm thấy không nên có một tái sinh như vậy; chấm dứt mong muốn có một thân nữ đáng muốn. Một nguyên nhân khác là tụng danh hiệu của những đại bồ tát như trong câu:
Con kính lễ các đấng
Jnanaguru, Praabhaketu, Pranidhanamati
Shantindviya và Manjushri
Những nguyên nhân để có được thân thể và tâm hồn dũng mãnh là làm những việc vặt mà người khác quá bận không làm được; hoặc quá yếu không thể làm; giúp đỡ người khác; không đánh đập người khác; cho người khác ăn uống v.v…
Nếu bạn làm những lời cầu nguyện để trong kiếp tái sinh bạn có được 8 đức thuần thục này và còn làmột dụng cụ cho đức hạnh, thì bạn có thể là những người giống như Atìsha hay những vị Pháp vương ngày xưa. Nếu bạn không làm những lời nguyện cao cả ấy thì tái sinh của bạn có thể là bất thiện: mặc dù bạn có được một thân thể có 8 đức thần thục, bạn trở thành một năng lực ghê gớm để làm một việc bất thiện chẳng hạn như làm chúa tể một vùng biên địa. Bởi thế điều cốt yếu là phải tha thiết cầu xin chuyện này đừng xảy ra, để ta khỏi có một tái sinh bất thiện như thế.
Mặc dầu giáo lý về vô thường là quan trọng, trước hết, sau cùng và ở giữa, song pháp tu căn bản trong phần này về Phạm Vi Nhỏ là thay đổi lối hành xử cho phù hợp luật nhân quả.
b-3. Sau khi suy nghĩ về những điều này, hãy biết cách thay đổi hành vi
Có hai phần: (1) Giáo lý tổng quát; (2) đặc biệt, làm sao để thanh lọc bản thân bằng bốn năng lực.
b-3.1. Giáo lý tổng quát.
Trong những thời thiền quán, bạn phải luôn luôn nghĩ về những thảo luận về thiện và ác. Giữa các thời thiền, bạn phải tinh tấn, tế nhị thay đổi cách hành xử. Geshe Paen Gung-Gyarl thường dùng những hòn sỏi trắng và đen để tính những phước và tội của ông mỗi ngày, và thay đổi lối hành xử bằng cách ấy. Bạn cũng nên làm như thế.
Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh viết:
Thực đúng là tôi phải suy nghĩ một cách siêng năng
Suốt thời gian cả ngày lẫn đêm
“Từ bất thiện phát sinh đau khổ’
Vậy làm sao để thoát bất thiện?”
Đấng Mâu Ni dạy rằng:
Đức tin là gốc rễ của mọi việc lành
Gốc rễ của đức tin là
Thiền định về nghiệp quả đang chín.
Nói cách khác, khi bạn biết được khía cạnh trắng và đen của nhân quả, bạn sẽ luôn luôn đào luyện đức tinh tấn và thận trọng. Khi bạn sắp gặp dịp sát sinh hay nói láo v.v…, bạn phải chấm dứt ngay.
Nếu thanh lọc bản thân khỏi những tội nhỏ, sám hối và chừa bỏ chúng, thì như ta sẽ thấy trong bức thư của Long Thụ:
Ai lúc đầu buông lung
Về sau trở nên tinh tấn
Những người ấy sẽ sáng chói
Như trăng không mây che
Như Nan Đà, Vô Não
A Xà Thế và Sankara
Tôi đã nói về bài kệ này trong phần nghi thức chuẩn bị (Ngày Thứ Sáu, trang…) Nan Đà bị tham dục khống chế, Vô Não giết 999 người, A Xà Thế giết cha mình là một vị đã chứng quả bất hoàn và Sankara giết mẹ, nhưng họ đã tịnh hóa được những tội lỗi ấy. Những tội lỗi bạn tích lũy trước đây cũng có thể được tịnh hóa. Bởi thế điều cốt yếu là bạn phải phối hợp sự sám hối tội lỗi với việc ngăn chừa tái phạm.
Nói tóm lại trong phần Phạm Vi Nhỏ này bạn nên đánh giá cao luật nhân quả bằng cách thực hành những điểm chính. Ngay cả đức Atìsha cũng đã luyện cho mình thiện xảo về việc này.
Một thời ở Paenpo có một người đàn ông thường tụng Các Dấu Ấn của Pangkong và một người đã đi cầm một bản kinh Một Ngàn Bài Kệ Bát Nhã. Ngay sau khi họ chết, những sứ giả Diêm Vương đưa họ xuống âm phủ đối chất với Diêm Vương. Người thứ hai nói dối những vô ích, người ta đưa cho y một tấm kiếng của Diêm Vương. Trong tấm kiếng ấy hiện ra việc ông ta đã bán kinh, người nào đã mua kinh, những đồng tiền người kia đã dùng để mua và cả đến đứa bé lượm đồng tiền khi rơi xuống. Người kia bị ném vào một cái nồi đồng. Còn người thường tụng quyển kinh Dấu Ấn của Pabongka nhờ quy y Tam Bảo đã được trở lại từ cõi chết.
Geshe Potowa đã bảo anh tay hãy kể lại câu chuyện cho người khác nghe.
(CT: Quyển Dấu Ấn của Pabongka là quyển sách đầu tiên của Tây Tạng; xung quanh nó có nhiều huyền thoại. Người ta bảo nó từ trên trời rơi xuống. Quyển 1000 bài kệ Bát nhã là một trong những kinh điển được tôn quý nhất và thường đặt trên bàn để thờ.)
Bạn có thể nghĩ rằng “trong đời sau, những tội lỗi tôi đã tích lũy sẽ không hại tôi vì tu viện trưởng, thầy truyền giới v.v… không biết những tội ấy.” Nhưng kinh Tam Muội Vương nói:
Nhưng vì sao, trăng và tất cả có thể rơi rụng,
Quả đất, núi và những đô thị có thể tiêu diệt,
Ngay cả hư không cũng có thể biến thành cái gì khác
Nhưng lời Phật nói ra không bao giờ sai.
Nói cách khác, lời của Phật về luật nhân quả là chân lý không bao giờ lừa dối ta.
Ngay cả điều thiện hay ác nhỏ nhất cũng không tự nó biến mất. Bởi thế bạn cần phải thay đổi lối hành xử cho thích đáng. Mặc dù vậy, bởi vì từ vô thủy kiếp đến nay, bạn đã quá quen với tội ác nhỏ nhặt, nên bạn đã bị vấy bẩn. Do vậy bạn cần sám hối và ngăn chừa tội lỗi xảy ra bằng cách sử dụng bốn năng lực đối kháng.
b-3.2. Làm sao thanh lọc bản thân bằng 4 năng lực
Mặc dù tôi đã nói nhiều điều này trong chương nói về những nghi thức chuẩn bị, thật quan trọng để ôn lại những tiêu đề ấy ở đây.
Năng lực thứ nhất là “từ bỏ;” có nghĩa là hết sức ân hận về những tội lỗi của mình trong quá khứ. Điều này là quan trọng nhất trong bốn năng lực tại vì nếu có điều này thì những điều khác sẽ tự nhiên đầy đủ. Năng lực này là hậu quả của lòng tin ở luật nhân quả.
“Năng lực áp dụng mọi thuốc chữa” như tôi đã nói, có 6 thứ, tất cả đều được đề cập trong tác phẩm của Shantideva. Bất cứ một thiện hành nào được làm để thanh lọc tội lỗi đều trở thành một ví dụ về năng lực này.
Năng lực chừa bỏ tà hạnh là quyết định dứt khoát không làm quấy và nghĩ: “Dù có bỏ mạng từ nay trở đi tôi sẽ không làm việc ấy trở lại.” Thật khó trong lúc đầu để có thể từ bỏ vĩnh viễn tất cả các ác hạnh của bạn, nhưng sẽ có vài điều mà bạn sẽ từ bỏ tận gốc rễ. Đối với những điều mà bạn không thể từ bỏ theo cách ấy thì bạn nên đào luyện một quyết định “Tôi sẽ không làm chuyện ấy hôm nay” và lặp lại lời ấy mỗi ngày.
“Năng lực của căn bản” là sự quy y và phát tâm bồ đề. Đây là lý do vì sao phải có hai phần cầu nguyện này ở đầu mỗi thời thiền định về Kim Cương Tát Đỏa và tụng bài thần chú của ngài hay bài “Sám hối những tội phạm giới”.
Chúng ta đã tích lũy đủ thứ nghiệp từ vô thủy đến nay; kho tội lỗi của chúng ta giống như cái kho báu của vua. Tuy nhiên như tôi đã nói trong phần nghi thức chuẩn bị, nếu ta mạnh mẽ sám hối nhờ bốn năng lực, và ngăn ngừa tái phạm, thì ta có thể tịnh hóa được cả những ác nghiệp mà đáng lẽ ta phải chịu quả báo. Tốt nhất là dùng pháp sám hối vi việt, phối hợp với sự lạy dài; hoặc theo kinh sám hối của Suvarnabhasotama, như được bàn trong Tập của Tsongkapa v.v…
Người ta bảo rằng tiến trình thanh lọc là hiệu nghiệm nhất nếu khi kết thúc thời gian sám hối, ta cảm thấy từng mỗi tội lỗi đã được tịnh hóa và nếu ta quán được khoảng không bao la càng nhiều càng tốt.
Một điều không ích gì là chai lỳ trước tội lỗi của mình, hoặc sợ hãi. Điều cốt yếu là những người sơ cơ chúng ta nên sám hối tội lỗi một cách tha thiết trong một thời gian dài cho đến khi nhiều lần xuất hiện những điềm báo rằng tội lỗi chúng ta đã được tịnh hóa, như nói trong quyển Bùa Chú của Kandakari. Như tôi đã nói những tu sĩ thường thể thanh lọc tội lỗi bằng cách tham dự những buổi lễ thanh lọc tập thể hoặc thực tập thảo luận bằng cách học hành, quán tưởng, hoặc bằng cách tham dự vào những cuộc thi thảo luận giữa các trường khác nhau, nếu những việc ấy được làm với mục đích tích lũy công đức và thanh lọc bản thân. Những hành vi này sẽ tích lũy công đức và thanh lọc bản thân. Những hành vi này sẽ tích lũy công đức họ. Phân tích nội dung của kinh điển cũng là một hình thức thiền quán phân tích: “Thiền định” không cần thiết phải có nghĩa là rút lui vào một hang động nào đó để ngồi theo một thế ngồi nhất định nào. Nhưng nếu chúng ta chỉ học trên phương diện tri thức hoặc học để đánh bại người khác trong cuộc tranh luận thì như thế không phải là Pháp.
Khi thảo luận, chúng ta không nên xem việc này như là đứng về phe chống lại người đang bị khảo thí; chúng ta nên xem như mình phải chống lại một phe ở trong dòng tâm thức của chính mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta những người tu hành có thể luôn luôn thực hành pháp. Nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này, thì những việc ấy đều là Phật pháp, không cần phải bỏ đi xa hay làm điều gì khác mới trở thành những hành giả. Ngược lại những người thế tục phải hướng một vài nỗ lực đặc biệt đến Pháp. Tuy nhiên mười thiện nghiệp đặc biệt rất khó thực hành đối với cư sĩ.
Bậc tôn sư tôi nói: “Phần Lam-rim sau đó, nghĩa là Phạm Vi Trung Bình, v.v… là một nối dài của những thực hành liên hệ đến luật nhân quả.
Đây là cách làm thế nào để tu tập. Hãy từ bỏ bất cứ tội lỗi nhỏ nhặt nào bạn có thể. Chẳng hạn khi sắp giết một con muỗi, bạn hãy từ bỏ hành vi ấy với ý nghĩ, “Thật không nên.” Khi bạn định nói dối, hãy nhớ ngậm miệng lại. Bạn phải từ từ tích lũy thiện nghiệp như thế.
Một vài người nghĩ rằng phạm những lỗi nhỏ thì không hại gì, vì có thể sám hối dễ dàng. Nhưng có một sự khác nhau trời vực giữa không phạm tội với phạm rồi sám hối khác nhau cũng như giữa sự không gãy chân và đã gãy rồi mà lại chắp nối lại. Nói cách khác, mặc dù ta không bị lãnh quả của tội lỗi nếu ta tha thiết sám hối và chưa tái phạm,song ta vẫn còn lâu mới đạt được những giai đoạn cao hơn của đạo lộ, và vẫn còn lăn lộn trong sinh tử nhiều kiếp. Bởi thế làm ác nghiệp thật là tai hại lớn.
Đến đây chấm dứt vấn đề. Trong quá khứ bạn xem đời này là trên hết, và tuyệt đối không khao khát một tái sinh tốt. Bây giờ bạn đã học Pháp về thân người là thuận lợi, về vô thường, về những nỗi đau khổ ở các đọa xứ, về quy y và nhân quả. Bây giờ bạn nghĩ, “Tôi phải làm việc cho những đời tương lai của tôi mà thôi,” chỉ mong được tái sinh tốt, mà không còn quan tâm gì đến những việc vặt vãnh của đời này, thì thế là bạn đã phát triển được thực chứng đầu tiên vào Phạm Vi Nhỏ của Lam-rim. Dù bạn đã phát triển được điều ấy, bạn cũng còn phải thiền quán liên tục, như Tsongkapa nói: “Mặc dù đã có được thực chứng này, bạn vẫn còn phải làm cho nó an trú bền bĩ, phải nỗ lực tinh tiến.” Đó là lý do suốt thời giảng dạy, tôi đã làm việc để cho bạn phát triển được loại thực chứng đầu tiên này trong Lam-rim.
(Khi ấy Kyabje Pabongka Rinpoche dạy tài liệu này ở độ dài vừa phải. Kế tiếp ngài dạy cách tu tập.)
Đầu tiên, hãy làm những nghi thức chuẩn bị. Rồi khẩn cầu bậc thầy của bạn bằng cách quán ông ngồi trên đỉnh đầu. Rồi nghĩ về những tính phổ quát và đặc thù của nhân quả như đã đưa ra trong các tiêu đề. Nhưng sự thay đổi lối hành xử là một điều mà bạn nên làm luôn luôn, bởi thế nó không cần được xem như một đề mục thiền quán.
Giữa các thời thiền, bạn phải luôn luôn tham khảo những kinh có luận về nhân quả như: Kinh Hiền Ngu, Một Trăm Bài Kệ Về Nghiệp, Một Trăm Tiểu Sử, Kinh Nói Về Niệm Xứ, bộ sách gồm bốn kinh làm nên quyển Truyền Thừa Luật Tạng, vân vân. Vì tôi chỉ mới dạy rất vắn tắt về quyển này.
Bạn sẽ làm những chuẩn bị cho đời sau.
Nếu bạn nghĩ về nhân và quả
Thì bạn sẽ chấm dứt sống cẩu thả.
Như Gampopa thiền giả vĩ đại đã nói, dấu hiệu chứng tỏ bạn đã thực chứng về chân lý “thân người lợi lạc và rất khó có,” là như khi bị gai đâm vào bắp vế bạn cũng không dừng lại để rút nó ra, mà vẫn tiếp tục thiền quán.