ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN BỐN)
TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN giảng thuật
CHƯƠNG 3
A-NAN CHẤP VÀO NHÂN DUYÊN
Kinh văn:
即時阿難在大眾中。頂禮佛足起立白佛。世尊現說殺盜婬業。三緣斷故三因不生。心中達多狂性自歇,歇即菩提。不從人得。斯則因緣皎然明白。云何如來頓棄因緣?
Tức thời A-nan tại đại chúng trung, đảnh lễ Phật túc, khởi lập bạch Phật. Thế tôn hiện thuyết sát đạo dâm nghiệp, tam duyên đoạn cố, tam nhân bất sanh. Tâm trung Đạt-đa, cuồng tính tự yết, yết tức bồ-đề, bất tùng nhân đắc. Tư tắc nhân duyên hiệu nhiên minh bạch. Vân hà Như Lai đốn khí nhân duyên?
Việt dịch:
Khi ấy, A-nan liền từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch rằng, “Thế tôn giảng rằng khi ba duyên của các nghiệp sát đạo dâm đã dứt trừ, thì các nhân của chúng không còn sinh khởi nữa. Tánh cuồng trong tâm của Diễn-nhã-đạt-đa tự hết, hết tức bồ-đề. Chẳng phải có được do từ người khác. Đây rõ ràng là nghĩa nhân duyên. Tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên?”
Giảng giải:
Khi ấy, A-nan liền từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch rằng, “Thế tôn giảng rằng khi ba duyên của các nghiệp sát đạo dâm đã dứt trừ.”– Đức Phật đã giảng giải vì sao mà tính thích sát hại, thích trộm cắp, thích dâm dục, ba thứ nghiệp nầy, khiến cho thế gian tương tục, chúng sinh tương tục và nghiệp quả tương tục. Khi những duyên nầy dứt trừ sạch, thì các nhân của chúng không còn sinh khởi nữa. Tánh cuồng trong tâm của Diễn-nhã-đạt-đa tự hết, hết tức bồ-đề. Chẳng phải có được do từ người khác. Không phải do từ bên ngoài mà có. Đó là điều Đức Phật muốn nói. Đây rõ ràng là nghĩa nhân duyên. Đạo lý nầy quá hiển nhiên là pháp nhân duyên. Tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên?” Tại sao Như Lai lại bác bỏ nhân duyên, tự nhiên và hòa hợp. Những gì ngài đang nói bây giờ có phải là pháp nhân duyên hay không?
Kinh văn:
我從因緣心得開悟。世尊,此義何獨我等年少有學聲聞。今此會中大目犍連。及舍利弗須菩提等。從老梵志聞佛因緣。發心開悟得成無漏。
Ngã tùng nhân duyên tâm đắc khai ngộ. Thế tôn, thử nghĩa hà độc ngã đẳng niên thiếu hữu học Thanh văn, kim thử hội trung Đại Mục-kiền-liên, cập Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề đẳng, tùng lão Phạm chí, văn Phật nhân duyên, phát tâm khai ngộ, đắc thành vô lậu.
Việt dịch:
Chính con cũng do nhân duyên mà được khai ngộ. Bạch Thế tôn, nghĩa nầy chẳng riêng hàng Thanh văn nhỏ tuổi hữu học như chúng con, mà các vị ngay trong hội nầy như Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề... từ khi theo các vị Bà-la-môn, nghe lý nhân duyên của Phật, liền phát tâm khai ngộ, chứng được quả vô lậu.
Giảng giải:
A-nan thưa, “Chính con cũng do nhân duyên mà được khai ngộ. Bạch Thế tôn, nghĩa nầy chẳng riêng hàng Thanh văn nhỏ tuổi hữu học như chúng con, mà các vị ngay trong hội nầy.” Giai vị thứ tư của hàng A-la-hán mới được gọi là ‘vô học.’ Những người còn trong giai vị sơ quả đến quả vị thứ ba đều được gọi là hữu học. Thanh văn là những vị A-la-hán chứng đạo nhờ nghe Đức Phật giảng pháp.
Đại Mục-kiền-liên là con của dòng họ Thái Thúc thị, Xá-lợi-phất là con của Thu tử, và Tu-bồ-đề là Không sanh, từ khi theo các vị Phạm chí[1]–tức bà-la-môn, theo thuyết tự nhiên–nghe lý nhân duyên của Phật, liền phát tâm khai ngộ, chứng được quả vô lậu. Họ nghe giáo lý thập nhị nhân duyên do Đức Phật giảng mà được chứng ngộ. Họ trở thành A-la-hán vô lậu. Họ không còn vô minh nữa. Đó là:
Chư lậu dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập,
諸 漏 已盡, 梵 行 已 立
Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.
所 作 已 辦, 不 受 後 有.
Khi các lậu hoặc đã diệt trừ sạch, trở thành tứ quả A-la-hán– chứng được quả tỉch diệt vô lậu. Các công hạnh tu tập đã hoàn tất, và không còn phải trải qua luân hồi sinh tử nữa.
Kinh văn:
今說菩提不從因緣。則王舍城拘舍梨等。所說自然,成第一義。惟垂大悲開發迷悶.
Kim thuyết bồ-đề bất tùng nhân duyên. Tắc Vương xá thành đẳng. Sở thuyết tự nhiên, thành đệ nhất nghĩa. Duy thùy đại bi khai phát mê muội.
Việt dịch:
Nay Thế tôn dạy bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu-xá-lê ở thành Vương xá lại thành đệ nhất nghĩa. Cúi mong Đấng đại bi khai mở chỗ mê lầm cho chúng con.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, trước đây ngài đã giảng pháp mười hai nhân duyên, các A-la-hán đã khai ngộ và chứng được các quả vị. Nay Thế tôn dạy bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu-xá-lê ở thành Vương xá lại thành đệ nhất nghĩa!
Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử[2] là thủ lĩnh luận sư ngoại đạo chủ trương thuyết tự nhiên. Tên ông ta có nghĩa là Bất kiến đạo 不見道. Khi giảng giải thuyết nhân duyên, Đức Phật đã phá bỏ thuyết tự nhiên. Nay ngài lại bác bỏ thuyết nhân duyên, theo A-nan, thì thuyết tự nhiên phải thành đệ nhất nghĩa. Cúi mong Đấng đại bi khai mở chỗ mê lầm cho chúng con. Bạch Phật, với tâm đại từ đại bi của ngài, con nguyện xin ngài khai thị để cho chúng con khai mở tâm mê. Chỉ bày cho chúng con, vốn bị quá nhiều vọng tưởng nên chưa nhận ra chân lý.
Kinh văn:
佛告阿難,即如城中演若達多。狂性因緣若得滅除。則不狂性自然而出。因緣自然理窮於是。
Phật cáo A-nan, tức như thành trung Diễn-nhã-đạt-đa. Cuồng tánh nhân duyên nhược đắc diệt trừ, tắc bất cuồng tính tự nhiên nhi xuất. Nhân duyên tự nhiên lý cùng ư thị.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên của tánh cuồng, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên rốt ráo cũng như vậy.”
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan, “Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên của tánh cuồng. Ông có thể giải thích nguyên nhân tánh cuồng của anh ta được chăng? Nếu tánh cuồng ấy dứt hẳn, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên rốt ráo cũng như vậy. Hãy nói cho Như Lai biết, khía cạnh nào trong tình cảnh của anh ta sinh khởi từ nhân duyên, khía cạnh nào sinh khởi do tự nhiên? Đó là những gì đề cập đến hai giáo lý (nhân duyên, tự nhiên), chính là vấn đề Như Lai giảng giải ở đây.”
Kinh văn:
阿難,演若達多頭本自然。本自其然,無然非自。何因緣故,怖頭狂走?
A-nan, Diễn-nhã-đạt-đa đầu bổn tự nhiên. Bổn tự kỳ nhiên, vô nhiên phi tự. Hà nhân duyên cố, bố đầu cuồng tẩu?
Việt dịch:
A-nan, như cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên. Vốn đã tự nhiên như thế thì có lúc nào mà không tự nhiên. Thế vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy?
Giảng giải:
A-nan, ông không nhận ra rằng như cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên hay sao? Anh ta không bao giờ mất cái đầu, và anh ta không có chuyện tìm lại đầu. Vốn đã tự nhiên như thế. Đó chính là điều đang diễn ra đúng với anh. Anh có một cái đầu. Thì có lúc nào mà không tự nhiên. Vốn chưa từng có lúc nào anh ta không có đầu. Thế vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy? Đầu anh ta vẫn còn đó; nó không bao giờ mất. Ông nói xem, tại sao anh ta hoảng hốt và sợ hãi vì mình không có đầu. Anh ta sợ chính mình đã bị mất đầu và chạy quanh như một người điên. Nhân duyên của chuyện nầy là gì? Thuyết tự nhiên nằm ở đâu?
Kinh văn:
若自然頭,因緣故狂,何不自然因緣故失?
Nhược tự nhiên đầu, nhân duyên cố cuồng, hà bất tự nhiên nhân duyên cố thất?
Việt dịch:
Nếu cái đầu vốn là tự nhiên, do nhân duyên mà phát cuồng, vì sao lại không tự nhiên do nhân duyên mà mất?
Giảng giải:
Tại sao anh ta không thực sự mất cái đầu một cách tự nhiên hẳn luôn?
Kinh văn:
本頭不失,狂怖妄出。曾無變易, 何藉因緣。
Bổn đầu bất thất, cuồng bố vọng xuất. Tằng vô biến dị, hà tạ nhân duyên.
Việt dịch:
Đầu vốn không mất, nỗi cuồng sợ hư vọng phát ra. Vốn chưa từng thay đổi gì, đâu cần đến nhân duyên.
Giảng giải:
Đầu vốn không mất, nỗi cuồng sợ hư vọng phát ra. Một buổi sáng, anh ta lấy tấm gương tự soi mình và nói rằng thấy được mắt và lông mày ở trên đầu rất rõ, nhưng băn khoăn vì không thấy được mặt và mắt của mình. Phát khởi cuồng điên và lo sợ, anh ta chạy đi khắp nơi. Nỗi lo sợ và điên cuồng của anh ta phát sinh từ hư vọng. Vốn chưa từng thay đổi gì. Dù anh ta điên cuồng và sợ hãi chạy khắp, lo rằng mình không có đầu, nhưng thực sự chẳng có gì thay đổi nơi anh cả. Thế đâu cần đến nhân duyên. Quý vị định lập nhân duyên gì ở đây? Có liên quan gì với thuyết tự nhiên?
Kinh văn:
本狂自然,本有狂怖, 未狂之際,狂何所潛?
Bổn cuồng tự nhiên, bổn hữu cuồng bố, vị cuồng chi tế, cuồng hà sở tiềm?
Việt dịch:
Nếu tánh cuồng vốn là tự nhiên, vốn sẵn có tánh cuồng sợ, thì khi chưa cuồng, tánh cuồng ở đâu?
Giảng giải:
Nếu tánh cuồng vốn là tự nhiên–nếu quý vị muốn lập luận rằng thực tế tánh cuồng chính nó tự nhiên sinh khởi, vốn sẵn có tánh cuồng sợ–tánh cuồng điên và sợ đã có sẵn ở đó mọi lúc rồi. Vậy thì khi chưa cuồng, tánh cuồng ở đâu? Hãy chỉ cho tôi tánh cuồng sợ ấy ẩn nấp nơi nào. Quý vị không thể nào tìm ra được chỗ ấy.
Kinh văn:
不狂自然,頭本無妄,何為狂走?
Bất cuồng tự nhiên, đầu bổn vô vọng, hà vi cuồng tẩu?
Việt dịch:
Nếu tánh chẳng cuồng là tự nhiên, cái đầu vốn không mất, tại sao lại điên cuồng chạy khắp?
Giảng giải:
Nếu tánh chẳng cuồng là tự nhiên–chúng ta có thể giả sử rằng tự nhiên anh ta vốn chẳng cuồng, cái đầu vốn không mất– cái đầu chẳng có gì hư vọng cả, chẳng có cái đầu nào giả mạo ở chỗ vốn có của nó–tại sao lại điên cuồng chạy khắp? Tại sao anh lại điên cuồng chạy khắp chốn như thế?
Kinh văn:
若悟本頭,識知狂走; 因緣自然俱為戲論。是故我言,三緣斷故,即菩提心。
Nhược ngộ bổn đầu, thức tri cuồng tẩu; nhân duyên tự nhiên câu vi hí luận. Thị cố ngã ngôn, tam duyên đoạn cố, tức bồ-đề tâm.
Việt dịch:
Nếu nhận cái đầu là vốn có, rõ biết vì phát cuồng mà bỏ chạy; thì nhân duyên, tự nhiên đều là hí luận. Thế nên Như Lai nói khi ba duyên đoạn trừ, đó tức là bồ-đề tâm.
Giảng giải:
A-nan, nếu nhận cái đầu là vốn có–nếu ông biết rõ ràng về cái đầu của mình–rõ biết vì phát cuồng mà bỏ chạy: ông biết rằng chính mình là người điên cuồng đang chạy quanh. Khi ông nhận ra rằng mình chẳng bị mất đầu, và chẳng có lý do gì để mình điên cuồng chạy quanh, thì nhân duyên, tự nhiên đều là hí luận. Khi ấy nói nhân duyên hay tự nhiên đều là trò cười. Thế nên Như Lai nói khi ba duyên đoạn trừ, đó tức là bồ-đề tâm. Chỉ khi nào ba nghiệp sát, đạo, dâm dứt sạch trong tâm ông rồi, khi nào ông dứt trừ những nhân duyên nầy, thì ngay đó bồ-đề tâm của ông hiển bày.
Kinh văn:
菩提心生生滅心滅。此但生滅。
Bồ-đề tâm sinh, sinh diệt tâm diệt. Thử đản sanh diệt.
Việt dịch:
Tâm bồ-đề sinh ra, tâm sinh diệt diệt đi. Đó chỉ là sinh diệt.
Giảng giải:
Chúng ta nói tâm bồ-đề sinh ra và tâm sinh diệt diệt mất, nhưng thực sự cả hai đều không có thể tánh chân thực.
Kinh văn:
滅生俱盡,無功用道。若有自然。如是則明,自然心生。生滅心滅,此亦生滅。
Diệt sanh câu tận, vô công dụng đạo. Nhược hữu tự nhiên, như thị tắc minh, tự nhiên tâm sanh. Sanh diệt tâm diệt, thử diệc sinh diệt.
Việt dịch:
Diệt và sanh đều dứt, đó gọi là vô công dụng đạo. Nếu có tự nhiên, như thế rõ ràng tâm tự nhiên sanh. Khi tâm sanh diệt đã diệt, thì đó cũng chỉ là sanh diệt.
Giảng giải:
Diệt và sanh đều dứt, đó gọi là vô công dụng đạo. Đó chính là đại đinh Thủ-lăng-nghiêm. Nếu có tự nhiên, như thế rõ ràng tâm tự nhiên sanh. Ông nên biết rằng nếu đó là tự nhiên, thì đó chính là niệm tưởng tự nhiên sanh khởi, và khi tâm sanh diệt đã diệt, thì ông cũng phải biết rằng, đó cũng chỉ là sanh diệt. Nếu ông nhận ra rằng cái tâm là đối tượng của sinh diệt đã bị diệt mất rồi, thì đó cũng là một trường hợp của sinh diệt. Chứ không phải là do tự nhiên.
Kinh văn:
無生滅者名為自然。猶如世間諸相雜和成一體者,名和合性。
Vô sanh diệt giả danh vi tự nhiên. Do như thế gian chư tướng tạp hòa thành nhất thể giả, danh hòa hợp tánh.
Việt dịch:
Phải không sanh diệt, mới gọi là tự nhiên. Như trong thế gian, các tướng hòa hợp với nhau thành một thể. Đó gọi là tánh hòa hợp.
Giảng giải:
Phải không sanh diệt, mới gọi là tự nhiên. Như trong thế gian, các tướng hòa hợp với nhau thành một thể. Đó gọi là tánh hòa hợp.
Nói rằng tự nhiên là đối nghịch với sanh diệt cũng như thể nói rằng tự nhiên là đối nghịch với các tướng hòa hợp trong thế gian thành một thể. Giống như nói rằng không hòa hợp là tự nhiên. Trong những thuật ngữ nầy, ‘tự nhiên’ là vẫn còn trong phạm trù nhị nguyên.
Kinh văn:
非和合者稱本然性。本然非然,和合非合。合然俱離,離合俱非。此句方名無戲論法。
Phi hòa hợp giả xưng bản nhiên tánh. Bản nhiên phi nhiên, hòa hợp phi hợp. Hợp nhiên câu ly, ly hợp câu phi. Thử cú phương danh vô hí luận pháp.
Việt dịch:
Cái chẳng phải hòa hợp thì gọi là tánh bản nhiên. Bản nhiên chẳng phải là bản nhiên, hòa hợp chẳng phải là hòa hợp. Hòa hợp và bản nhiên đều rời bỏ, ngay cả cái rời bỏ đều chẳng phải. Câu nói nầy mới được gọi là pháp không hí luận.
Giảng giải:
Cái chẳng phải hòa hợp thì gọi là tánh bản nhiên. Bản nhiên chẳng phải là bản nhiên, hòa hợp chẳng phải là hòa hợp.
“Hòa hợp” là chỉ cho nhân duyên. Khi tự nhiên chẳng phải là tự nhiên và hòa hợp không có nhân duyên của hòa hợp, thế là hòa hợp và bản nhiên đều rời bỏ. Hai thuyết tự nhiên và hòa hợp đều được khiển trừ. Ngay cả cái rời bỏ đều chẳng phải. Khi tách rời hẳn nhân duyên và tự nhiên, thì còn nhân duyên và tự nhiên, cả hai pháp đều phải khiển trừ. Câu nói nầy mới được gọi là pháp không hí luận. Chẳng phải nhân duyên cũng chẳng phải tự nhiên. Đó mới là lời giải thích chân thực vì đó không phải là hí luận–đó không phải là lời nói để đánh đố.
Kinh văn:
菩提涅槃尚在遙遠, 非汝歷劫辛勤修證。
Bồ đề niết bàn thượng tại dao viễn, phi nhữ lịch kiếp tân cần tu chứng.
Việt dịch:
Bồ-đề niết-bàn còn cách rất xa, nếu ông không chịu trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ nhọc tu chứng.
Giảng giải:
Bồ-đề niết-bàn, các quả vị nầy, còn cách rất xa, nếu ông không chịu trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ nhọc tu chứng. Nếu các ông thử xem mình hiên đang ở đâu, A-nan, bồ-đề và niết-bàn vẫn còn cách các ông thật là xa. Các ông chắc chắn phải còn trải qua nhiều kiếp, phải chịu nhiều khổ nhọc và nhiều nỗ lực trước khi các ông thành tựu đạo nghiệp và chứng được quả vị bồ-đề niết-bàn.
Kinh văn:
雖復憶持十方如來十二部經清淨妙理如恒河沙,秖益戲論。
Tuy phục ức trì thập phương Như Lai thập nhị bộ kinh thanh tịnh diệu lý như Hằng hà sa, chỉ ích hí luận.
Việt dịch:
Ông tuy ghi nhớ diệu lý thanh tịnh nhiệm mầu trong 12 bộ kinh của các Đức Như Lai trong mười phương như số cát sông Hằng, cũng chỉ càng thêm hí luận.
Giảng giải:
Ông tuy ghi nhớ, ông tuy có thể ghi nhớ rất rõ và không bao gời quên mất điều gì, diệu lý thanh tịnh nhiệm mầu trong mười hai bộ kinh của các Đức Như Lai trong mười phương như số cát sông Hằng.
Tôi đã giải thích về mười hai bộ kinh ngay từ đầu hội kinh nầy, không biết có ai còn nhớ không? Trong nhân duyên bộ kinh chứa trọn giáo lý vi diệu thanh tịnh của các Đức Phật Như Lai trong khắp mười phương nhiều như cát sông Hằng, nhưng đó cũng chỉ càng thêm hí luận. Dù ông có nhớ rất nhiều bộ kinh, cũng chẳng giúp ông gì thêm ngoài sự tăng thêm hí luận. Việc ấy không thiết thực.
Kinh văn:
汝雖談說因緣自然決定明了。人間稱汝多聞第一。 以此積劫多聞熏習。不能免離摩登伽難。
Nhữ tuy đàm thuyết nhân duyên tự nhiên quyết định minh liễu. Nhân gian xưng nhữ đa văn đệ nhất. Dĩ thử tích kiếp đa văn huân tập, bất năng miến li Ma-đăng-già nạn.
Việt dịch:
Ông tuy luận bàn nghĩa nhân duyên tự nhiên dứt khoát rõ ràng. Nhưng ông không thoát khỏi nạn Ma-đăng-già.
Giảng giải:
Tôi sẽ kể lại mười hai bộ kinh cho quý vị:
1. Trường hàng.
2. Trùng tụng.
3. Thọ ký
4. Cô khởi.
5. Tự thuyết.
6. Nhân duyên.
7. Thí dụ.
8. Bổn sự.
9. Bổn sinh.
10. Phương quảng.
11. Vị tằng hữu.
12. Luận nghị.
Khi tôi liệt kê như vậy, tôi không căn cứ hoặc tra cứu đến một cuốn luận nào cả. Tôi chỉ ghi nhớ. Tương tự như vậy, trong quý vị đây ai đến nghe giảng kinh nên nhớ kỹ những gì mình học được. Khi nghe, nên nhắm vào điểm nào để ghi nhớ. Thật là phiền toái khi mình không nhớ rõ được những gì mình đã học, thế nên quý vị phải xem lại kỹ những gì mình sẽ giải thích. Quý vị nên ghi nhớ phần chính yếu của bộ kinh.
Ông tuy luận bàn nghĩa nhân duyên tự nhiên dứt khoát rõ ràng. Ông có thể nhớ những điểm chính yếu rất rõ ràng và giải thích chúng rất mạch lạc. Người đời gọi ông là bậc nhất đa văn. Với tài đa văn huân tập từ nhiều kiếp đó. Ông đã phát huy trí thông minh và sức ghi nhớ giỏi của ông. Ồ! Bây giờ tôi mới biết. Tôi biết tại sao trong quý vị không có ai nhớ được những điều tôi đã giảng. Tôi thì nhận ra ngay mối khi đọc từng đoạn văn trong kinh. Trước đây chuyện ấy không hề xảy ra. Quý vị thấy rằng A-nan nhớ rất nhiều bộ kinh nhưng điều ấy không làm cho A-nan tốt hơn, thế nên quý vị quyết định không thèm ghi nhớ một câu kinh nào cả. Quý vị không muốn như A-nan, người nhờ vào đa văn mà bỏ qua việc tu tập định lực. Vấn đề là ở đó, phải không?
A-nan trở nên mê muội vì việc học và nghiên cứu, như hương trầm tràn ngập không khí trong phòng nầy. Thực vậy, trong quý vị ai có thường đến nghe kinh hằng ngày thì mới mong ghi nhớ được những điều mình nghe, nhưng hãy nghĩ đến sự giúp ích như thế nào trong việc giải trừ các tập khí sai lầm của quý vị. Ít nhất là khi đang nghe kinh, quý vị không hút thuốc và không làm việc gì có hại cho thân tâm. Mỗi ngày càng nghe kinh càng trở nên tốt hơn. Có người nói rằng khi nghe kinh, họ được tiến bộ chút ít và cũng thụt lùi chút ít, nhưng phân tích rốt ráo, thụt lùi do nghe kinh vẫn tốt hơn khi không nghe gì cả. Nếu quý vị không tiến được bước nào cả, làm sao tôi có thể nói về sự tụt hậu?
“Nhưng ông không thoát khỏi nạn Ma-đăng-già. Dù ông nhớ rất giỏi, nhưng ông vẫn không thể nào tránh khỏi những rắc rối từ Ma-đăng-già. Nói cách khác, khi ông gặp phụ nữ, ông dao động. Hãy nói cho Như Lai biết, ông dùng những cái biết ấy vào việc gì? Dù ông có đọc bao nhiêu bộ kinh, dù ông có nhớ được bao nhiêu Phật pháp, những điều ấy có ích gì nếu khi ông gặp phụ nữ là ông liền quên hết? Tại sao ông như vậy?” Đức Phật hỏi A-nan. Chắc chắn lúc ấy A-nan phải đỏ mặt. Mặc dù ngài được công nhận là đã chứng được sơ quả A-la-hán, nhưng chắc hẳn là ngài phải bối rối khi Đức Phật hỏi như vậy.
Kinh văn:
何因待我佛頂神咒。摩登伽心婬火頓歇得阿那含。於我法中成精進林。愛河乾枯,令汝解脫。
Hà nhân đãi ngã Phật đảnh thần chú. Ma-đăng-già tâm, dâm hỏa đốn yết, đắc A-na-hàm. Ư ngã pháp trung thành tinh tấn lâm. Ái hà càn khô, linh nhữ giải thoát.
Việt dịch:
Sao còn phải nhờ Phật đảnh thần chú của Như Lai, khiến cho lửa dâm trong tâm Ma-đăng-già dứt sạch và chứng quả A-na-hàm. Thành rừng tinh tấn trong pháp của Như Lai. Sông ái khô cạn, khiến cho ông được giải thoát.
Giảng giải:
Đức Phật bảo, “Ông học Phật pháp rất nhiều, nhưng tâm ông bối rối khi gặp phụ nữ. Ông mất tự chủ, và theo người phụ nữ vào nhà cô ta, và khi đã đến đó rồi thì ông đã đến bên bờ vực của những việc làm không thể nào tưởng tượng nỗi. Điều gì khiến ông như vậy?” Lúc đó, Đức Phật như một quan toà buộc tội A-nan. Sao còn phải nhờ Phật đảnh thần chú của Như Lai và nhờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi mang đi cứu ông? Chính ông nhớ được rất nhiều về mười hai bộ kinh, tại sao ông không đọc khi gặp cô ta? Tại sao ông mất tự chủ? Ông thấy phụ nữ rồi quên tất cả mọi thứ. Cách ông nhìn như vậy, điều còn lại chăng trên thế gian chỉ là phụ nữ.
Khiến cho lửa dâm trong tâm Ma-đăng-già dứt sạch. Vô minh, lửa dâm dục trong tâm cô ta tức thì dứt sạch, và chứng quả A-na-hàm, quả vị thứ ba của hàng A-la-hán. A-nan trở thành người quan trọng đối với cô hơn là cuộc sống của riêng cô. Cô về nhà nói với bà mẹ rằng bà phải đánh bẫy A-nan cho cô ta. Mẹ cô ta tụng thần chú ‘Tiên Phạm thiên’ và A-nan trở nên tối tăm mặt mũi. Nhưng tà thuật không thể chế ngự A-nan hoàn toàn. Nếu A-nan chẳng có chút nào để ý đến con gái của Ma-đăng-già, thì thần chú ấy chẳng có tác dụng gì. Chắc chắn rằng con gái của Ma-đăng-già đã hớp hồn A-nan. A-nan đã nhìn trộm cô ta vài lần rồi. “Cô gái quá đẹp!” Định không nhìn nữa, A-nan quay đầu đi nơi khác nhưng lại nhìn lui. Sau khi nhìn trộm cô ta vài lần như thế, lòng mơ tưởng về sắc đẹp của cô con gái Ma-đăng-già đã hình thành trong tâm A-nan. Thế nên khi bà mẹ đọc chú, A-nan liền bị mê muội trong nháy mắt. Nếu không có tâm mơ tưởng sắc đẹp con gái Ma-đăng-già, A-nan sẽ không bị đi theo cô gái.
Đức Phật nhận thấy rằng A-nan đang ở bên bờ vực của sự huỷ phạm giới thể, nên ngài liền nói thần chú Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm. Ngài sai Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi mang thần chú đi cứu hộ A-nan. Khi Văn-thù-sư-lợi đến nhà Ma-đăng-già đọc thần chú, tâm A-nan liền sáng rỡ. “Sao ta lại ở đây? A-nan tự hỏi, rồi A-nan liền trở về Kỳ viên của ông Cấp Cô Độc. A-nan đã ở ngay ranh giới sự quan hệ với con gái của Ma-đăng-già. Khi Văn-thù-sư-lợi đến đọc thần chú Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm, A-nan bất thần nhảy lên, cầm lấy y phục và chạy về Kỳ viên. Khi con gái của Ma-đăng-già thấy A-nan đã bỏ chạy, cô ta đuổi theo, hỏi A-nan, “Sao chàng lại bỏ đi vào lúc quan trọng như thế nầy?” Cô ta khóc lóc. Thế là A-nan chạy về Kỳ viên cùng với con gái của Ma-đăng-già đang đuổi theo sau lưng. Khi vừa đến nơi, Đức Phật hỏi cô ta, “Cô đến đây có chuyện gì?”
Cô trả lời, “Con yêu A-nan.”
“A-nan có điều gì khiến cô yêu?” Đức Phật hỏi.
Cô ta đáp, “Con yêu cái mũi của A-nan.”
“Ta sẽ bảo A-nan cắt cái mũi trao cho cô.” Đức Phật liền trả lời.
Cô ta tiếp tục , “Con yêu đôi mắt của A-nan.”
“Ta sẽ bảo A-nan móc đôi mắt ấy trao cho cô.” Đức Phật ngắt lời.
Cô ta đòi tiếp, “Con yêu khuôn mặt của A-nan.”
“Điều ấy rất dễ,” Đức Phật đáp, “Ta sẽ bảo A-nan lạng nó ra và cô có thể mang về.”
“Nhưng nếu ngài cắt nó đi, thì khuôn mặt ấy sẽ không còn vẻ yêu kiều nữa,” cô ta phản đối.
“Nếu nó không còn vẻ yêu kiều nữa, thế tại sao cô thấy được vẻ yêu kiều của nó ngay khi chưa bị thay đổi?”
Ngay lúc cô suy nghĩ tìm cách trả lời thì chứng ngộ, đạt đến quả vị thứ ba của hàng A-la-hán. Vì cô quá yêu A-nan, nên cô ta chứng ngộ ngay tức thì khi Đức Phật khai thị cho cô ta.
Thành rừng tinh tấn trong pháp của Như Lai.
Tôi sẽ nói cho quý vị biết, bây giờ thì quý vị chưa biết sợ việc quan hệ tính phái nam nữ; điều mà tất cả quý vị cần phải làm là tỉnh thức và thực sự nhận ra chung quanh mình hiện là gì? Lúc ấy sẽ có vài tia hy vọng cho quý vị. Chỉ sợ là quý vị không chịu tỉnh thức. Nhưng sẽ hoàn toàn là mê muội và tụt hậu nếu nghĩ rằng đó là nguồn hạnh phúc. Trong thực tế, đó thực sự là điều khổ đau. Nếu quý vị thực sự nhận ra, thì sẽ không bao giờ mắc phải lần nữa. Nếu không, quý vị vẫn nghĩ về điều ấy ngay khi còn thức và mơ tưởng khi ngủ và sẽ không bao giờ dứt bỏ nó được.
Sông ái khô cạn. Ái tình như dòng nước chảy xiết không bao giờ ngừng, xoáy tít quanh mình. Nhưng khi con gái của Ma-đăng-già nghe Đức Phật giảng pháp, trong lòng cô ta, dòng sông ái đó khô mất. Lửa tình ái chuyển thành thân kim cương bất hoại. Khiến cho ông được giải thoát. Vì con gái của Ma-đăng-già đã chứng được quả vị thứ ba của hàng A-la-hán, cô không còn muốn giữ tình yêu ấy với A-nan nữa, nên A-nan bây giờ được tự do.
Đến lúc nầy, A-nan vẫn là người mới chứng được quả vị sơ quả A-la-hán. Chưa được quả vị thứ hai, Nhưng con gái của Ma-đăng-già đã vượt qua A-nan, cô ta đã chứng được quả vị thứ ba của hàng A-la-hán.
Trong 500 đời trước, A-nan và con gái của Ma-đăng-già đã là vợ chồng của nhau. Thế nên khi cô ta thấy A-nan, liền phải lòng–cô ta đã gặp lại chồng mình trong những đời trước. Tình yêu của cô ta đối với A-nan là không thể nào tránh khỏi được. Thực vậy, có lẽ họ đã có lời thề nguyền trong những kiếp trước. Trong kiếp sống sau cùng gần nhất, cô ta có lẽ đã nói với A-nan, “Trong tương lai, chúng ta sẽ làm vợ chồng nhau mãi mãi. Đừng bao giờ xa nhau.” Đó là lý do tại sao tình yêu giữa hai người quá mạnh đến mức họ yêu nhau ngay khi vừa thấy nhau.
Kinh văn:
是故阿難,汝雖歷劫 憶持如來祕密妙嚴, 不如一日修無漏業。遠離世間,憎愛二苦。
Thị cố A-nan, nhữ tuy lịch kiếp ức trì Như Lai bí mật diệu nghiêm, bất như nhất nhật tu vô lậu nghiệp, viễn li tắng ái nhị khổ.
Việt dịch:
Thế nên A-nan, tuy ông trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai, cũng chẳng bằng một ngày tu pháp vô lậu, xa lìa hai cái khổ yêu ghét ở thế gian.
Giảng giải:
Thế nên A-nan, tuy ông trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai–ông có thể ghi nhớ và thuộc lòng các lời dạy của chư Phật. “Bí mật” là những gì không thể diễn bày bằng ngôn từ hoặc hiểu được qua suy nghĩ, có nghĩa là, bất khả tư nghì, không thể diễn tả được. “Bí mật” còn có nghĩa là những gì không thể chia xẻ được giữa hai người. Chẳng hạn, tôi không thể biết được giáo pháp nào đang được giảng nói cho anh, và anh không thể biết được giáo pháp gì đang được giảng nói cho tôi. Có thể là cùng một giáo pháp, nhưng khi một người nghe, thì chỉ là một nguyên lý; trong khi người khác thì nghe được một nghĩa riêng. Một cách giải thích về một đạo lý thì được hiểu khác nhau bởi những người có căn cơ khác nhau. Đó là nghĩa của “Bí mật”; mỗi người nhận được sự lợi lạc cho riêng mình. Diệu nghiêm là chỉ cho giáo lý của Đức Phật giảng nói đều vô cùng cao quý và giá trị.
Nhưng khả năng nhớ được nhiều bộ kinh của quý vị cũng chẳng bằng một ngày tu pháp vô lậu. Cũng chẳng hay bằng tu tập pháp môn không phiền não, pháp môn không vọng tưởng. Đến quả vị thứ tư của hàng A-la-hán mới được gọi là vô lậu. Bồ-tát cũng có quả vị vô lậu. Để được quả vô lậu, quý vị phải dứt trừ sạch mọi tập khí sai lầm, mọi vô minh vọng tưởng, tham lam sân hận si mê. Đức Phật dạy pháp tu vô lậu là để xa lìa hai cái khổ yêu ghét ở thế gian. Con người tưởng rằng yêu là điều kỳ diệu nhất ở thế gian, thế nên có tình yêu giữa trai gái, tình yêu giữa cha con. Nhưng thực ra yêu là khổ. “Tôi biết, dĩ nhiên, xa lìa những gì mình yêu là khổ.” Quý vị nói. Nhưng dù quý vị không xa lìa nó, cũng vẫn khổ như thường.
Khi tình yêu lên đến cực điểm, thì nó trở lại chỗ đối nghịch với nó, đó là ghét. Tại sao cái ghét phát sinh?. Vì có yêu. Vì sao có yêu? Vì có ghét. Và điều gì tiếp tục xảy ra giữa những cặp vợ chồng, cha mẹ và con cái là chuyện của những nhân trong quá khứ đã kết thành quả trong đời hiện tại. Một số vợi chồng ‘tương kính như tân–xem trọng nhau như khách.’ Họ rất tôn trọng lẫn nhau. Phụ nữ Trung Hoa mỗi khi mang thức ăn cho chồng đều dùng hai tay nâng lên ngang lông mày của mình, trong phong thái rất kính trọng. Người chồng cũng rất tôn trọng người vợ mình, họ giống như những người bạn thân thiết. Không có tình cảm thấp hèn nơi họ. Thế nên nếu những cặp vợ chồng vốn đã có quan hệ thân thiết từ nhiều đời trước, thì đời nay họ sẽ rất hợp nhau. Người chồng không được làm điều gì xúc phạm đền người vợ và người vợ cũng không được làm điều gì tổn thương đến người chồng. Khi một cặp vợ chồng có sự thân thiết, hai người đều giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Nếu người vợ bị bệnh, người chồng phải nhanh chóng tìm bác sĩ để chữa trị. Nếu người chồng mệt nhọc, người vợ phải tìm cách để chồng mình được nghỉ ngơi. Có nhiều cặp vợ chồng đến với nhau với những nguyên nhân không thuận. Cũng vậy, đó là do những nhân oán hận nhau trong đời trước, đời nầy họ tìm đến với nhau, bất luận người chồng nói điều gì, người vợ cũng cãi lại. Bất luận người vợ suy nghĩ điều gì, người chồng cũng bác bỏ. Đời sống gia đình trở nên hoàn toàn rối rắm và luôn luôn có sự tranh cãi nhau từ sáng đến tối. Chồng đánh vợ, vợ trả đũa bằng cánh đánh vào đầu chồng, nên người chồng rất ngượng ngùng khi ra ngoài công chúng. Như vậy có phải khổ không? Bắt đầu với tình yêu và chấm dứt bằng sự oán hận. Thế nên người ta nói tình yêu là đồng nhất với đau khổ.
Suốt ngày người ta nói yêu, yêu, yêu. Yêu cái gì? Yêu ngày này qua ngày khác, Yêu cho đến chết. Nhưng nói thử xem, quý vị yêu ai? Nếu hiểu được đạo lý nầy, hai thứ khổ yêu và ghét sẽ không còn nữa. Nếu quý vị không hiểu đạo lý này, thì cả hai thứ khổ ắt vẫn xung khắc nhau. Do vậy, chúng ta tu tập để giác ngộ, để hiểu rõ, để chúng ta không bị xoay chuyển bởi cảnh khổ nầy. Nên đừng yêu và ghét gì cả. Đó chính là Trung đạo.
Kinh văn:
如摩登伽,宿為婬女。由神咒力,鎖其愛欲。法中今名性比丘尼
Như Ma-đăng-già, túc vi dâm nữ, do thần chú lực, tỏa kì ái dục. Pháp trung kim danh, Tánh tỉ-khưu ni.
Việt dịch:
Như Ma-đăng-già trước kia là dâm nữ, do nhờ sức của thần chú mà tiêu trừ ái dục. Nay trong Phật pháp có tên là Tánh tỷ-khưu ni.
Giảng giải:
Như Ma-đăng-già trước kia là dâm nữ, do nhờ sức của thần chú mà tiêu trừ ái dục. Trong đời trước, cô ta là dâm nữ, vốn nhiều ái dục. Tuy vậy, năng lực của thần chú Thủ-lăng-nghiêm đã khiến cho tiêu tan hết ái dục trong cô. Nên bây giờ chúng ta mới biết công dụng thần chú Thủ-lăng-nghiêm là để tiêu trừ ái dục trong lòng mỗi người. “Thế thì tôi chẳng muốn tụng chú Thủ-lăng-nghiêm nữa,” quý vị bác lại. “Tôi không muốn tình yêu của mình bị khô héo. Tôi muốn có tình yêu mãi mãi.”
Giữ mãi tình yêu ấy? Được rồi! Quý vị cứ mặc tình. Nếu quý vị đã thích rồi, thì chẳng ai ngăn cản được. Nhưng quý vị nên nhớ rằng thần chú Thủ-lăng-nghiêm không những chỉ trừ bỏ được nghiệp ái, mà còn có thể khiến cho tăng trưởng năng lực thần thông và trí huệ. Đó là năng lực bất khả tư nghì.
Ái tình là khổ đau. Như tôi vừa nói đến. Yêu và ghét là hai cái khổ. Chẳng hạn, hãy xem tình yêu mà không được đáp lại. Người đang yêu không nghĩ đến gì khác ngoài người mình yêu đến mức không ăn không ngủ được. Họ cứ mơ tưởng đến cách theo đuổi, nhưng cuối cùng họ vẫn không đạt được. Có phải đó là nghĩ mãi đến cái khổ hay không?
Nay trong Phật pháp có tên là Tánh tỷ-khưu ni.
Pháp danh Tánh tỷ-khưu ni của Ma-đăng-già biểu hiện sự nhận ra tự tánh của cô ta. Ngay khi Đức Phật nói pháp cho cô ta nghe, ngay lúc đó cô ta chứng ngộ, đạt được quả vị thứ ba của hàng A-la-hán, không qua các thứ bậc sơ quả đến quả vị thứ hai. Cô ta chứng ngộ ngay quả vị thứ ba. Vì cô nhận ra rằng, thấy rằng ái dục vốn là không. A-nan vẫn còn trong giai vị sơ quả, trong khi người vợ của ông trong 500 kiếp trước đã vượt qua mình quá xa.
Kinh văn:
與羅睺羅母,耶輸陀羅同悟宿因。知歷世因,貪愛為苦。一念薰修無漏善故,或得出纏,或蒙授記。如何自欺,尚留觀聽?
Dữ La-hầu-la mẫu, Da-thâu-đà-la đồng ngộ túc nhân. Tri lịch thế nhân, tham ái vi khổ. Nhất niệm huân tu vô lậu thiện cố, hoặc đắc xuất triền, hoặc mông thọ kí. Như hà tự khi, thượng lưu quán thính?
Việt dịch:
Cô ta với mẹ của La-hầu-la là Da-thâu-đà-la cùng biết được nhân đời trước. Biết trải qua nhiều đời, do vì tham ái mà khổ. Do một niệm huân tu thiện pháp vô lậu, nên người thì ra khỏi sự ràng buộc, người thì được Phật thọ ký. Sao ông còn tự khinh mình, mà lưu ngại trong cái thấy, cái nghe?
Giảng giải:
Cô ta với mẹ của La-hầu-la là Da-thâu-đà-la. La-hầu-la là con trai của Thái tử Tất-đạt-đa, nhưng không được hòai thai bằng tình
cảm ái dục. Thái tử Tất-đạt-đa cưới vợ
năm 17 tuổi và xuất gia năm 19 tuổi. Dù đã lập gia đình, nhưng không có việc
quan hệ phái tính. Trước khi
Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia, Da-thâu-đà-la muốn có một đứa con, Thái tử
Tất-đạt-đa lấy ngón tay chỉ vào bụng bà, từ đó bà có thai. Chuyện nầy nghe như
huyền thoại, nhưng điều nầy thực sự được ghi chép trong nhiều kinh Phật. Có thể
quý vị muốn tìm hiểu sao bà ta có thể mang thai chỉ bằng ngón tay của Thái tử
chỉ vào bụng, nhưng quý vị sẽ nhận ra đó là việc bất khả tư nghì, không thể
diễn tả được.
La-hầu-la có nghĩa là ‘Phú chướng,’ ông ta sống trong thai mẹ đến sáu năm. Đây là chuyện của nhân quả. Trong một đời trước, La-hầu-la đã lấp một hang chuột, phải sáu ngày sau con chuột mới khoét được hang khác để thoát ra. Quả báo là La-hầu-la phải chịu sáu năm nằm trong thai mẹ.
Da-thâu-đà-la[3] là mẹ của La-hầu-la, Hán dịch là Trì xưng, có nghĩa là người nổi tiếng. Mọi người đều khen tặng cô ta là người phụ nữ đoan trang.
Con gái của Ma-đăng-già và tỷ-khưu ni Da-thâu-đà-la đều được giác ngộ, cả hai cùng biết được nhân đời trước. Biết trải qua nhiều đời, do vì tham ái mà khổ. Họ đều có được túc mạng minh, nên không chỉ họ biết được đời trước của mình mà còn biết được nhân quả nhiều đời từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Họ biết được rằng lý do tại sao mình không được chứng ngộ từ đời này qua đời khác là vì tham ái nên phải chịu khổ. Con gái của Ma-đăng-già vốn là dâm nữ trong kiếp trước và lòng ái dục của Da-thâu-đà-la cũng chẳng phải nhỏ. Tuy nhiên, do một niệm huân tu thiện pháp vô lậu–họ đã hồi quang phản chiếu và trở nên thấm nhuần việc tu đạo. Họ dứt khoát không muốn tiếp tục đi trên con đường sanh tử nữa. Họ muốn quay về để tu tập thiện pháp vô lậu, rốt ráo lợi lạc, và do vậy nên người thì ra khỏi sự ràng buộc, người thì được Phật thọ ký. Sợi dây ràng buộc của tham sân si trói người ta quá chặc đến mức không còn được tự do. Và nếu quý vị ở đây khi đọc đến dòng “ra khỏi sự ràng buộc,” nếu quý vị có căn lành, hãy siêng năng tu tập để được giác ngộ, và nên chiêm nghiệm rằng, “Ồ! Tại sao ta vẫn còn bị trói buộc trong nầy?” Và người thì nhận được sự thọ ký của Đức Phật cho biết đến thời gian nào sẽ thành Phật.
Sao ông còn tự khinh mình, mà lưu ngại trong cái thấy, cái nghe? Ông vẫn còn bị chướng ngại trong vòng sắc thanh. Tại sao ông vẫn còn chấp trước vào hình tướng? Tại sao ông không từ bỏ được nó?
Kinh văn:
阿難及諸大眾聞佛示誨, 疑惑銷除,心悟實相。身意輕安,得未曾有。
A-nan cập chư đại chúng văn Phật thị hối, nghi hoặc tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng. Thân ý khinh an, đắc vị tằng hữu.
Việt dịch:
A-nan và đại chúng nghe Phật chỉ dạy, nghi lầm tiêu trừ, thân ý nhẹ nhàng, được điều chưa từng có.
Giảng giải:
A-nan và đại chúng nghe Phật chỉ dạy pháp mô vi diệu, nghi lầm tiêu trừ. Trước đó, Phú-lâu-na và A-nan đã có nghi lầm như thế nầy, như toàn thể đại chúng trong pháp hội. Bây giờ lời chỉ dạy của Đức Phật đã dập tắt mọi nghi ngờ của họ. Tâm ngộ được thật tướng. Họ nhận ra được đạo lý Như Lai tạng vốn là không và bất không, hiểu được chân lý của thực tướng.
Thân ý nhẹ nhàng. Thật khó diễn tả trạng thái ‘nhẹ nhàng’ của thân ý như trong kinh nầy. Cũng vậy, chỉ có người uống nước mới tự biết được nước nóng hay lạnh. Trạng thái ‘nhẹ nhàng’ của thân ý chính là cảnh giới có được khi tu thiền. Gọi đó là phương tiện vốn có lúc ban đầu. Khi hành giả đã có được chút ít công phu đắc lực; hành giả thấy có được niềm vui rất đặc biệt. Tâm đạt được niềm hoan hỷ tối cao và thân cảm thấy rất nhẹ nhàng thanh thản. Hành giả ngồi mà chân không đau và thân không nhức mỏi; không một niệm vọng tưởng nào trong đầu; không còn biết cái đau và vọng tưởng đi đâu mất. Như bây giờ, khi A-nan và Phú-lâu-na cùng đại chúng nghe Đức Phật giảng bày diệu pháp, Đức Phật dùng hào quang của ngài để hộ trì cho đại chúng. Mọi người đều cảm nhận được niềm an vui thư thái nhất. Đối khi chính ngay lúc quý vị đang lắng nghe giảng kinh, quý vị cũng có được cảnh giới như vậy. Càng nghe, càng có được niềm thanh thản, càng thích nghe hơn. Quý vị liền nghĩ rằng, “Phật pháp thật là vi diệu. Trước đây mình thật tệ, không chịu nghe,” và quý vị có được niềm vui chưa từng có bao giờ. Đức Phật đã dùng định lực của ngài để đem niềm an lạc đến cho đại chúng, và đại chúng đều được điều chưa từng có.
Kinh văn:
重復悲淚,頂禮佛足。長跪合掌,而白佛言。無上大悲清淨寶王善開我心。能以如是種種因緣方便提獎,引諸沈冥出於苦海。
Trùng phục bi lệ, đảnh lễ Phật túc. Trường quỵ hợp chưởng, nhi bạch Phật ngôn. Vô Thượng Đại Bi Thanh tịnh Bảo Vương thiện khai ngã tâm. Năng dĩ như thị chủng chủng nhân duyên phương tiện đề tưởng, dẫn chư trầm minh xuất ư khổ hải.
Việt dịch:
Lại thương khóc, đảnh lễ sát dưới chân Phật. Quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng, “Đức Vô Thượng Đại Bi Thanh tịnh Bảo Vương khéo dùng phương tiện khai mở tâm chúng con. Ngài hay dùng các phương tiện nhân duyên như thế để khuyến khích, dẫn dắt các chúng sinh mê mờ ra khỏi biển khổ.”
Giảng giải:
Tôi đoán rằng A-nan không có tài gì khác hơn ngoài khóc–ngoại trừ, dĩ nhiên, tài đa văn, tài năng cầm chắc trong tay, nhưng khóc là tài kế tiếp. Đến lúc nầy, A-nan đã khóc năm lần. Khóc lần nầy, là những giọt nước mắt thống thiết rơi trên khuôn mặt A-nan. Lại thương khóc, đảnh lễ sát dưới chân Phật. A-nan quỳ sát đất như đứa bé, vừa chắp tay lạy vừa khóc. Quỳ gối chắp tay mà bạch Phật rằng, “Đức Vô Thượng Đại Bi Thanh tịnh Bảo Vương–không có ai cao quý hơn ngài, không ai có tâm từ bi rộng lớn như ngài, “Thanh tịnh bảo vương” là chỉ cho Đức Phật.
Đức Phật đã khéo dùng phương tiện khai mở tâm chúng con. Ngài hay dùng các phương tiện nhân duyên như thế để khuyến khích–Ngài đã dùng tất cả pháp phương tiện, mọi loại thí dụ, các phương tiện thiện xảo. Pháp phương tiện là pháp chưa thật rốt ráo, chẳng hạn, giáo lý ngài giảng dạy trong thời gian đầu là nói về nhân duyên để phá trừ thuyết tự nhiên do ngoại đạo chủ trương. Đến bây giờ thì ngài lại phá bỏ giáo lý nhân duyên, vì đó thực sự là một phương tiện, như đã được giải thích, chưa thật sự rốt ráo. Đề tưởng 提獎, có nghĩa là khuyến khích, khích lệ, như khi thầy giáo nói với học trò, “Con viết chữ rất đẹp, có nhiều tiến bộ. Con sẽ rất thành công trong môn chữ Hán.” Hoặc thầy nói, “Mấy ngày hôm nay, con ngồi thiền tiến bộ hơn nhiều. Con thường có nhiều vọng tưởng, nhưng nay chúng đã bị hàng phục khá nhiều. Con đã có được chút ít định lực từ công phu thiền định.”
Dẫn dắt các chúng sinh mê mờ ra khỏi biển khổ. Tất cả chúng ta đều khờ dại không biết phải tìm được hướng đi. Nhưng bây giờ chúng ta đã ra khỏi được biển khổ sinh tử, có nghĩa là, ra khỏi tình cảm tham ái.
Đừng khởi lên nghĩ tưởng sai lầm cho rằng đây là vườn khoái lạc, mà chính là biển khổ. Nay A-nan đã thoát ra khỏi, A-nan đã có được cảm giác nhẹ nhàng thanh thản, không còn rối rắm như thường có. A-nan quá cảm động vì lòng từ bi của Đức Phật đến nỗi rơi nước mắt. . Đối với A-nan, rất đúng khi ngài khóc như vậy, nhưng chúng ta ở đây không nên khóc nhiều. Tại sao vậy? A-nan khóc vì biết ơn giáo pháp, nhưng tôi đã lưu ý quý vị rằng, hầu hết nước mắt mà tôi thấy ở đây đều là biểu hiện của ái tình. Một số người không gặp được bạn trai nên khóc. Tiếng khóc nầy phát ra là vì quý vị chưa thoát ra được biển khổ luân hồi sinh tử, trong khi A-nan khóc lần nầy là do mừng vì đã thoát ra được biển khổ. Bằng năng lực của ai? Chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã đưa A-nan thoát ra. Thế nên bây giờ khi quý vị nghe kinh, chúng ta nên quay lại cái nhìn vào bên trong và nhìn thật kỹ những gì chúng ta quán chiếu được. Với cách đó ta có khác gì với A-nan?
Kinh văn:
世尊,我今雖承如是法音。知如來藏,妙覺明心遍十方界,含育如來十方國土,清淨寶嚴妙覺王剎。如來復責多聞無功,不逮修習。
Thế tôn, ngã kim tuy thừa như thị pháp âm. Tri Như Lai tạng, diệu giác minh tâm biến thập phương giới, hàm dục Như Lai thập phương quốc độ, thanh tịnh bảo nghiêm diệu giác vương sát. Như Lai phục trách đa văn vô công, bất đãi tu tập.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, con nay tuy nghe được pháp âm như thế. Biết tánh Như Lai tạng sáng suốt giác ngộ nhiệm mầu, trùm khắp mười phương, hàm chứa các cõi bảo nghiêm thanh tịnh giác ngộ vi diệu trong mười phương quốc độ của chư Phật. Như Lai còn trách con nghe nhiều không có công đức, không bằng tu tập.
Giảng giải:
A-nan thưa, Bạch Thế tôn, con nay tuy nghe được pháp âm như thế, nhờ lời chỉ dạy của Đức Phật, biết tánh Như Lai tạng sáng suốt giác ngộ nhiệm mầu, trùm khắp mười phương, hàm chứa các cõi bảo nghiêm thanh tịnh giác ngộ vi diệu trong mười phương quốc độ của chư Phật. Nay con biết rằng giáo lý Như Lai tạng trùm khắp pháp giới trong cả mười phương là chân thật. Như Lai còn trách con nghe nhiều không có công đức, không bằng tu tập. Đức Phật quở trách con, dạy rằng dù con có thông minh nhớ giỏi cỡ nào, cũng chỉ là vô dụng nếu không tu tập để đạt được quả vị vô lậu. Con không bao giờ đạt được chỗ tinh tuý của tu đạo và phát huy được công phu.
Kinh văn:
我今猶如旅泊之人。忽蒙天王賜以華屋。雖獲大宅要因門入。
Ngã kim do như lữ bạc chi nhân. Hốt mông thiên vương tứ dĩ hoa ốc. Tuy hoạch đại trạch, yếu nhân môn nhập.
Việt dịch:
Nay con như kẻ lang thang, bỗng được Thiên vương ban cho ngôi nhà đẹp. Tuy được ngôi nhà lớn, phải nhờ có cửa mới vào nhà được.
Giảng giải:
A-nan thưa, Nay con như kẻ lang thang, bỗng được Thiên vương. Kẻ lang thang là người đi bằng đường bộ (lữ 旅), hoặc đường thủy (bạc 泊), là kẻ lữ khách. Họ là người đi từ nơi nầy đến nơi khác, dừng ngủ ở lữ quán. Anh ta không có nhà riêng của mình. Bỗng dưng anh ta gặp được nột vị có thể là vua, hoặc là hoàng đế, ban cho ngôi nhà đẹp. Ông vua biểu tượng cho Đức Phật, Đức Phật dĩ nhiên không thể so sánh với một ông vua, nhưng ở đây A-nan chỉ dùng phép thí dụ. Ngôi nhà đẹp là biểu tượng cho tánh Như Lai tạng. Tuy được ngôi nhà lớn, phải nhờ có cửa mới vào nhà được. Ngôi nhà lớn như cung điện, nhưng nếu không biết cửa ra vào, thì vẫn không thể thấy được những gì đẹp đẽ quý báu bên trong. Điều nầy biểu tượng cho thực tế rằng có thể nhận ra tánh Như Lai tạng, nhưng phải có phương pháp tu tập mới có thể thâm nhập được.
Kinh văn:
唯願如來不捨大悲,示我在會諸蒙暗者,捐捨小乘, 必獲如來,無餘涅槃,本發心路。令有學者,從何攝伏,疇昔攀緣。得陀羅尼,入佛知見。作是語已,五體投地。在會一心,佇佛慈旨 。
Duy nguyện Như Lai bất xả đại bi, thị ngã tại hội chư mông ám giả, quyên xả tiểu thừa, tất hoạch Như Lai, vô dư niết-bàn, bản phát tâm lộ. Linh hữu học giả, tòng hà nhiếp phục trù tích phan duyên. Đắc đà-la-ni, nhập Phật tri kiến. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa. Tại hội nhất tâm, trữ Phật từ chỉ.
Việt dịch:
Cúi mong Như Lai mở lòng đại bi, chỉ dạy cho chúng con và những người còn tối tăm trong hội chúng, từ bỏ pháp Tiểu thừa, nhận được con đường phát tâm tu tập đi đến vô dư niết-bàn của Như Lai. Khiến cho hàng hữu học, biết cách nhiếp phục tâm phan duyên từ trước. Được pháp tổng trì, chứng nhập tri kiến Phật. Thưa lời ấy rồi, năm vóc gieo sát đất. Trong hội chúng một lòng trông chờ lời dạy từ bi của Đức Phật.
Giảng giải:
Cúi mong Như Lai–Con, A-nan, ước nguyện rằng Thế tôn, sẽ không từ bỏ tâm đại bi của ngài mà–chỉ dạy cho chúng con và những người còn tối tăm trong hội chúng–những người còn mê mờ tối tăm, là những ai trong hội chúng chưa chứng ngộ. Từ bỏ pháp Tiểu thừa. Trong đạo Phật có pháp tu Tiểu thừa và pháp tu Đại thừa. Ngày nay những ai ở Miến Điện, Śrī Lanka, và Thái Lan vẫn còn tôn sùng pháp tu Tiểu thừa. Đức Phật giảng pháp Tiểu thừa trong giai đoạn ban đầu. Sau khi thâm nhập pháp nầy, các vị đệ tử đi các nơi để truyền bá giáo pháp. Về sau, khi Đức Phật giảng pháp Đại thừa, họ không có mặt để nghe. Về sau, họ bảo là không nghe không thấy Đức Phật không giảng pháp Đại thừa. Họ tuyên bố, pháp Đại thừa là giả mạo, là do người khác dựng lên chứ không phải Đức Phật. Họ không công nhận. Nhưng ở đây trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, chính A-nan khẩn cầu Đức Phật giảng giải cho họ phương pháp tu tập để họ có thể từ bỏ pháp tu Tiểu thừa.
Để giải thích điều nầy, Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một trường hợp tương tự: Khi tôi còn ở Mãn Châu. Tôi ít khi nói chuyện và tiếp xúc với các đệ tử của tôi. Vì một điều, đó là gốc gác quê hương của tôi, và mọi người đều biết tôi và quê quán của tôi. Họ biết tôi là “Bạch hiếu tử–Người con có hiếu họ Bạch,” vì trước khi xuất gia, tôi đã tu tập hạnh hiếu. Khi tôi ngồi bên cạnh mộ mẹ tôi suốt ba năm, mọi người nhìn tôi với sự nể phục, như là người mẫu mực. Dần dần tiếng tăm đó vượt xa những người đã từng biết tôi. Vì đến khi đó tôi lại có những việc làm kỳ đặc. Vào mùa đông tôi mặc áo bông dày; tôi chỉ mặc hai hay ba lớp áo vải ngày thường vẫn mặc. Tôi không mang vớ trong đôi giày a-la-hán của tôi, và tôi có thể đi chân trần trên tuyết không chút khó khăn. Thế nên khi họ để ý đến tôi, họ muốn xuất gia. Bất kỳ tôi đi qua vùng nào, cũng có vài chục người muốn xin xuất gia, thậm chí trong mỗi làng cách chùa chừng trăm dặm cũng có nhiều đệ tử tôi đang sinh sống. Bởi vậy nên tôi ít nói; tôi chỉ lập hạnh cho thật tốt. Khi họ quy y, là quy y với tánh hạnh của tôi. Bất kỳ ở đâu, tôi cũng ngồi thiền. Ở Mãn Châu cũng thế, mặc dù tôi có thể giảng kinh, nhưng ít khi giảng; hầu như rất ít nói.
Khi sang Hồng Kông, tôi giảng kinh thuyết pháp và ít khi dạy Phật tử ngồi thiền. Cũng chẳng dạy cho họ pháp môn Đại bi Thiên nhủ thiên nhãn.
Nay ở Mỹ, tôi đã truyền những yếu pháp nầy cho những đệ tử ‘nhập thất.’[4] Nếu có ai từ Hồng Kông sang và quý vị nói rằng mình đã học pháp đó với tôi thì họ sẽ nói, “Không, sư phụ đâu có biết pháp Đại bi Thiên nhủ thiên nhãn. Làm sao truyền cho quý vị được?” Họ cũng giống như những đệ tử Tiểu thừa không biết rằng chính Đức Phật đã giảng pháp Đại thừa.
Một số người cho rằng pháp Tiểu thừa là sai; một số lại phê phán rằng pháp Đại thừa là sai. Thực ra, chẳng có gì đúng sai trong Phật pháp cả. Việc mà tất cả quý vị cần phải làm đó là nhất tâm trong khu tu tập, và quý vị có thể thành tựu quả vị Phật trong mọi pháp. Nhưng phải nói rằng pháp Tiểu thừa nặng về phương tiện hơn; pháp Đại thừa còn được gọi là pháp môn thật tướng, là giáo lý viên dung vô ngại. Đó không phải là giáo lý mà đệ tử Tiểu thừa có thể hiểu nỗi.
Nhận được con đường phát tâm tu tập đi đến vô dư niết-bàn của Như Lai. Hàng A-la-hán đạt được niết-bàn hữu dư. Đến quả vị Phật là thể nhập niết-bàn vô dư. Trong cảnh giới vô dư y niết-bàn, các vị đạt được trạng thái bất sanh bất diệt.
Nhận được con đường phát tâm tu tập có nghĩa là, thực tế con đường chúng ta phát tâm tu tập ban đầu cũng chính là con đường dẫn đến cứu cánh bồ-đề mà ta sẽ chứng ngộ. Như vậy, có thể giải thích rằng đó là cả hai con đường phát tâm ban đầu và cứu cánh giác ngộ.
Khiến cho hàng hữu học, tức là các vị A-la-hán chứng được quả vị thứ nhất, quả vị thứ hai, quả vị thứ ba và quả vị thứ tư. biết cách nhiếp phục tâm phan duyên từ trước. Dạy cho chúng ta cách hàng phục vô minh phiền não, nhiếp phục tâm phan duyên nhiều đời. Được pháp tổng trì– tổng trì vốn là gốc tiếng Sanskrit, phiên âm là đà-la-ni. Chứng nhập tri kiến Phật.
Thưa lời ấy rồi, năm vóc gieo sát đất. Trong hội chúng một lòng trông chờ nghe lời dạy từ bi của Đức Phật.
[1] s: brāhmaṇa. Phiên âm Bà-la-môn 婆羅門, Phạm chí 梵志. Chỉ cho những người thuộc dòng dõi Bà-la-môn, thông thạo các bộ kinh Vệ-đà. Ý dịch Tịnh hạnh 淨行, Tịnh duệ 淨裔. Còn gọi Tịnh hạnh giả 淨行者, Tịnh hạnh phạm chí 淨行梵志
[2] S: Maskarī-gośāliputra; p: Makkhali-gosālaputta.
[3]S: Yaśodharā; p: Yaśodharā. Còn gọi Da-thâu-đa-la 耶 輸 多 羅, Da-duy-đàn 耶 惟 檀. Hán dịch Trì xưng 持稱, Trì dự 持譽, Hoa sắc 華 色, La-hầu-la mẫu (s: Rāhula-mātṛ 羅 睺 羅 母). Con gái vua Chấp Trượng (執杖; s: Daṇḍapāṇi) dòng họ Thích thuộc thành Ca-ti-la-vệ trung Ấn Độ. Theo Phật sở hành tán của ngài Mã Minh, thì La-hầu-la sinh ra đời trước khi Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia. Chính bà Da-thâu-đa-la đã nói về việc nầy: Hựu tử sanh vị hài 又子生未骸; Con sanh chưa biết cười). Trong phần giảng giải kinh văn trên đây, Hòa thượng Tuyên Hoá thuật lại đúng như những điều mà đa phần kinh luận đã nói; rõ nét nhất là qua bài tán “Chiên đàn hải ngạn...” Cả hai điều nầy không có gì là mâu thuẫn. Có thể có 2 La-hầu-la, như người đời thường đặt tên cho con là Út anh, Út em vậy.
[4] Chỉ cho các đệ tử được phép vào thất của thầy, đích thân được thầy truyền thụ pháp môn tu tập. Thiền tông chỉ cho các đệ tử đến thất của sư phụ để tham học và hỏi đạo. Chân ngôn tông chỉ cho những đệ tử nhập thất để thọ pháp quán đảnh.