VÒNG TRÒN CHUYỂN HOÁ
Một xứ sở đẹp đẽ là một
ảo ảnh như giấc mộng,
Thật vô
nghĩa khi bám chấp vào nó.
Trừ phi
thế lực nội tại của những cảm xúc tiêu cực bị chinh phục,
Cuộc chiến
đầu với những kẻ thù bên ngoài sẽ không bao giờ chấm dứt.
Khyentse
Rinpoche
Cuối những năm 1950, người Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, việc ấy được tiến hành bằng sự thâm nhập từ từ trong thập kỷ trước, đã nhanh chóng biến thành một cuộc xâm lược quân sự toàn bộ – đặc biệt là tại Kham ở miền đông Tây Tạng. Khi những viên chức Trung Quốc tới Denkhok và hỏi về chỗ ở của Rinpoche, vợ ngài đã gởi cho ngài một lá thư mật dặn ngài đừng về nhà. Bà hối thúc ngài đi từ Khampagar, một tu viện khi ấy ngài đang thăm viếng, tới thẳng Lhasa. Bản thân bà cũng thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc những người lính Trung Quốc có mặt khắp nơi để gặp ngài đên đường đi. Họ vội vã tới Lhasa, bỏ lại đằng sau mọi thứ, kể cả những quyển sách quý báu của Rinpoche và hầu hết những tác phẩm của ngài. Chẳng bao lâu những người còn lại của gia đình gặp được ngài. Họ cùng đi hành hương tới miền Trung Tây Tạng. Sau đó, trong sáu tháng, Khyentse Rinpoche ngồi trước pho tượng Đức Phật Cao Qúy nổi tiếng ở Lhasa để tụng một trăm ngàn bài cúng dường mạn đà la thế giới. Một trận dịch đang hoành hành tại Lhasa, vì thế ngài cũng cử hành nhiều buổi lễ và cầu nguyện cho người bệnh và người chết, như thể không biết rằng gia đình ngài lo sợ bản thân ngài sẽ bị nhiễm bệnh. Mẹ ngài và anh cả Shedrup của ngài đều chết trong thời gian bị bệnh dịch.
Khi ấy, có tin là người Trung Quốc đã sung công điền trang của gia đình Dilgo ở Kham và lấy đi tất cả tài sản của họ. Khandro Lhamo, vợ của Rinpoche thuật lại:
“Một hôm tại Lhasa, vài viên chức Trung Quốc tới gặp tôi và hỏi: ‘Vị phối ngẫu tôn kính, bà đang làm gì?’
“Tôi trả lời rằng tôi vừa mới ngồi ở đó, và tặng cho họ ít trái cây. Họ hỏi các cô con gái của tôi đang làm gì và tôi nói chúng đang lễ lạy tại chùa chính của Lhasa. Họ hỏi tôi có nhớ nhà không và có phải Rinpoche và tôi đang dự tính quay về. Tôi nói tôi nhớ nhà, và muốn nhanh chóng trở về. Rồi họ hỏi tại sao chúng tôi tới miền Trung Tây Tạng, và có phải chủ nghĩa Cộng Sản được thiết lập ở Kham vào lúc chúng tôi ra đi. Tôi trả lời là chúng tôi đi hành hương, còn về chủ nghĩa Cộng Sản thì đó là một từ mà trước đây tôi chưa bao giờ nghe. Nhìn thấy ít kẹo đỏ và trắng bày trên bàn, viên chức Trung Quốc hỏi có phải chúng tôi có tục lệ ăn kẹo đỏ và trắng không. Khi tôi trả lời là đúng như thế, họ nói chủ nghĩa Cộng Sản thì hoàn toàn giống như kẹo đỏ và trắng. Tôi hỏi họ mục đích của Cộng Sản là gì, họ nói đó là cái gì rất tốt đẹp, giống như kẹo. Tôi bảo họ rằng nếu nó là cái gì giống như kẹo thì tôi có một dịp may để thấy yêu thích nó.
“Khi ấy tôi đã biết rằng người Trung Quốc đã chiếm toàn bộ của cải và ngựa của chúng tôi ở miền Đông Tây Tạng, nhưng tôi giả vờ không biết. Tôi sợ rằng họ có thể bắt chúng tôi. Họ bảo tôi chuẩn bị trở về Kham, nơi chúng tôi sẽ gặp những người lính Trung Quốc; Rinpoche sẽ phải trả một ngàn yuan, và tôi phải trả năm trăm. Tôi cảm ơn họ rất nhiều và nói chúng tôi sẵn sàng lên đường.
“Mọi người từ Kham tới Lhasa đều bị bắt và đưa trở về. Một số bị buộc phải bỏ lại con cái, và họ rụng rời sửng sốt. Một số nhảy xuống sông để trốn hay tự vận, nhưng hầu hết trong số đó bị trói lại và bị đẩy lên xe vận tải. Vì thế tôi lập tức đi gặp Rinpoche tại Tsurphu, trụ xứ của Karmapa ở tây bắc Lhasa. Bây giờ chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trốn đi. Chúng tôi đã để những con ngựa ăn cỏ gần Tsurphu, nhưng người Trung Quốc đã lấy trộm hết. Vì thế tôi mượn một con ngựa đi tới Lhasa và mua thêm mười hai con ngựa nữa. Tôi trở về đêm đó và tới nơi lúc rạng đông. Pawo Rinpoche cũng cho chúng tôi một con ngựa rất khoẻ. Những con yak mang hành lý của chúng tôi. Rinpoche luôn luôn đi bộ. Khó có thể so sánh Rinpoche với những Lạt Ma khác; ngài luôn luôn khiêm tốn và thường chăm sóc mọi người. Chúng tôi có tất cả mười ba người. Chúng tôi đi bộ khoảng một tháng rưỡi, dựng lều vào ban đêm.
“Khi chỉ còn cách biên giới Bhutan vài ngày đường thì chúng tôi biết rằng quân đội Trung Quốc đang tới gần phía sau chúng tôi. Vì thế không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi đành phải bỏ mọi hành lý, hầu hết sách và những pho tượng quý báu để đi nhanh hơn và không bị chú ý, ẩn núp vào ban ngày và đi vào ban đêm. Nhiều người Tây Tạng chạy trốn và quân Trung Quốc bắn ngay khi nhìn thấy. Chúng tôi leo một đèo núi và kiệt quệ tới nỗi phải ở lại đó ban đêm. Trời lạnh dữ dội. Rinpoche ngồi trên một tảng đá, Nyenpa Rinpoche ngồi bên kia. Tôi ngồi gần đó. Tất cả những con yak vẫn còn thắng yên cương; chúng tôi không có gì cho chúng ăn. Tuyết rơi suốt ba ngày đêm. Chúng tôi không thể đốt lửa để pha trà bởi quân Trung Quốc sẽ nhìn thấy khói. Chẳng có nơi nào để đi, chỉ có vô vàn những sườn núi đầy đá nhỏ.
“Sau cùng khi chúng tôi tới biên giới Bhutan, hầu như chúng tôi không còn gì để ăn, chỉ có một mẩu nhỏ bột lúa mạch, bơ và thịt khô. Chúng tôi phải đợi mười hai ngày trên một ngọn núi cao ở biên giới trong khi lính Bhutan chờ chỉ thị. Cuối cùng, chính phủ Bhutan cho phép chúng tôi vào. Họ rất tử tế với chúng tôi và tặng mọi người lúa mạch và gạo. Một phu nhân già cho mỗi người chúng tôi ít súp. Chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng Bhutan trong màn mưa không dứt, và có quá nhiều đỉa tới nỗi cả người và những con ngựa bị hút máu khắp nơi.
“Khi chúng tôi tới một nơi gọi là Wangdi, có người nghe tin tức trên một radio nhỏ là Khyentse Chokyi Lodro đã mất tại Sikkim.
“Khi chúng tôi tới Ấn Độ, tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những xe hơi và xe lửa. Khi ấy Khyentse Rinpoche bốn mươi chín tuổi. Ngài đi Sikkim để cử hành lễ hoả táng Khyentse Chokyi Lodro. Tại Kalompong và Darjeeling ngài cũng gặp những đại Lạt Ma khác như Dudjom Rinpoche và Kangyur Rinpoche mà ngài trao đổi giáo lý với những vị này.”
Theo khẩn cầu của hoàng gia Bhutan, Khyentse Rinpoche tới sống ở Bhutan. Ngài trở thành thầy giáo gần thủ đô Thimpu. Chẳng bao lâu sự viên mãn nội tại của ngài đã cuốn hút nhiều đệ tử tới với ngài, và năm tháng qua đi, ngài trở thành Đạo Sư Phật Giáo lỗi lạc ở Bhutan, được mọi người từ nhà vua cho tới người nông dân tầm thường nhất tôn kính.
Một buổi tối tại Paro, ngài thình lình yêu cầu một tu sĩ của ngài đi tới thủ đô Thimpu, cách hai giờ lái xe, để đưa một tấm hình nhỏ của nữ bảo hộ Ekajati cho vị vua trẻ, cùng một lá thư nói rằng nhà vua nên mang nó theo người vào ngày hôm sau. Sáng hôm sau, khi nhà vua đùi xe xuống biên giới Ấn Độ, chiếc xe jeep của vua bị lạc tay lái ở khúc quanh trên đường núi, va vào bờ núi dốc và lộn nhào, bật lên vài lần trước khi vỡ tan ở tuốt bên dưới. Mọi người đều chết ngoại trừ nhà vua, người ta tìm được ông bị tống ra ngoài khi xe rơi xuống và bình yên vô sự. Những sự kiện tương tự đã củng cố mạnh mẽ sự trung thành và niềm tin của mọi người nơi Rinpoche.
Từ khi Phật Giáo Kim Cương thừa được Đức Padmasambhava đưa vào Bhutan lần đầu tiên vào thế kỷ thứ tám và sau đó vào thế kỷ mười lăm bởi vị terton Bhutan Pema Lingpa và vị Thầy Tây Tạng thế kỷ mười bảy có ảnh hưởng to lớn Shabdrung Ngawang Namgyal, vương quốc núi non này đã liên tục thành công trong việc duy trì sự độc lập và không bị xâm chiếm. Nền văn hoá Phật Giáo có thể phát triển mà không bị trở ngại, và giá trị của nó được in dấu sâu xa trong tâm thức của người dân. Mỗi ngọn đồi được một ngôi chùa nhỏ che phủ, vây quanh là những lá cờ cầu nguyện bay phần phật trong gió. Những bánh xe cầu nguyện chuyển động suốt ngày đêm nhờ những dòng nước lũ và những con lạch nhỏ. Núi và rừng được tô điểm lấm tấm những ẩn thất trong đó các ẩn sĩ hiến dâng thời gian của họ cho việc thiền định. Mỗi năm một lần, họ đi xuống những thung lũng vào mùa gặt hái để khất thực, và tại mỗi trang trại họ được cúng dường gạo và rau khô. Trong một tháng họ nhận đủ lương thực để trải qua thời gian còn lại của năm trong ẩn thất cô tịch.
Ở Bhutan, dù Khyentse Rinpoche đi tới đâu, mỗi buổi sáng trước rạng đông rất lâu, những người sùng mộ đã bắt đầu nối đuôi trước cửa nhà ngài, chờ ngài chấm dứt bài cầu nguyện buổi sáng. Sau hết, họ đi vào cúng dường ngài những miếng cơm, bột lúa mạch nướng, phó mát không kem, và bơ tươi được chất thành vòng tròn, những giỏ rơm dệt nhiều màu tuyệt đẹp. Họ xin ngài cầu nguyện cho sự an lành của họ, và ngài đặt bàn tay lên đầu họ để ban phước.
Khi Khyentse Rinpoche du hành ở Bhutan, dường như cả xứ đều biết việc đó. Cứ khoảng mười dặm lại có một nhóm dân chúng hay đôi khi với một ít tu sĩ đứng chờ ở bên đường gần một trang trại hay một ngôi làng. Một ngọn lửa lớn chất đầy những cành bách xù ẩm ướt đưa lên trời những cuộn khói thơm phức. Vài tấm thảm len dệt tay được trải ra trước một cái bàn gỗ, được chạm khắc tuyệt đẹp với những con rồng, chim, và hoa sen, bày biện cao lương mỹ vị và những bình trà nóng. Đoàn người dừng lại và được cúng dường thức ăn nhẹ. Đôi khi Khyentse Rinpoche ban phước từ xe hơi, đôi khi ngài bước ra và ngồi một lát để ban sự trường thọ cho hội chúng.
Khi đi tới một tu viện hay ngôi làng lớn hơn, Khyentse được một đoàn dài các tu sĩ và giới chức địa phương chờ đón. Được dẫn dắt bởi những tu sĩ chơi âm nhạc và giơ cao những lá cờ thêu kim tuyến, đôi khi nhảy múa, một đoàn rước chậm rãi đưa ngài về trại. Ở đó, viên thị trưởng, chánh án, và những giới chức khác, trong lễ phục với một thanh gươm trong bao kiếm bạc bên hông, lễ lạy trước mặt ngài và dâng cho ngài trà và thực phẩm. Ngày hôm sau, hàng ngàn người từ khắp nơi xung quanh tụ họp trong sân tu viện và Khyentse Rinpoche ban phước cho họ khi họ đi thành hàng qua ngài trong nhiều giờ. Khi đám đông quá lớn, ngài sẽ được đưa bằng một cái kiệu giữa những hàng người sùng mộ ngồi trong một bãi đất trống, rải lên người họ những hạt gạo đã được hiến cúng.
Sau khi tới nơi định đến, Khyentse Rinpoche thường ở lại đó một tháng hay hơn nữa, ban giáo lý và cử hành những buổi lễ chính. Ngay khi chúng hoàn tất, ngài cho đi tiếp. Ngài du hành suốt năm, mang theo một tá gói lớn gồm sách và những đồ lễ. Năm hay sáu tu sĩ thị giả đi cùng với ngài, có cả những Lạt Ma hoá thân và những hành giả, dù ở nơi đâu thì họ cũng nhận lãnh đều đặn những giáo lý của ngài mỗi ngày một hay hai giờ.
Ba hay bốn lần một năm, Khyentse Rinpoche cử hành những buổi lễ lớn gọi là drupchen, hay những thành tựu vĩ đại, kéo dài từ tám cho tới mười bốn ngày đêm liên tiếp. Toàn thể giáo đoàn tập hợp từ bảy giờ sáng tới bảy giờ tối, và ban đêm thì được chia thành ba nhóm lần lượt duy trì nghi lễ và sự trì tụng các thần chú không gián đoạn. Trong những đền chùa tráng lệ có những cánh đồng và khu rừng vây quanh, những buổi lễ này được ngắt quãng bởi âm nhạc, những vũ điệu thiêng liêng, và những điệu bộ và nghi lễ cúng dường có tính chất tượng trưng.
Có lần Khyente Rinpoche trải qua hai tuần ở Động Hang Cọp tại Paro Taksang. Ở đó ngài cúng dường một trăm ngàn ngọn đèn bơ và ban nhiều giáo lý và lễ quán đảnh. Trong khi ngài ở đó, ngài có một linh kiến về Lạt Ma vĩ đại thế kỷ mười tám Jigme Lingpa, vị Thầy này có một quyển sách trên đầu, tóc được cột lại, và mặc một áo choàng trắng và một khăn choàng có sọc đỏ và trắng. Jigme Lingpa đặt tay lên đầu Khyentse Rinpoche và nói: “Con là người kế thừa những giáo lý của ta, Tâm Yếu của Pháp Giới Bao la (Longchen Nyingthig). Con có thể làm việc với những giáo lý ấy bất kỳ điều gì con muốn.” Jigme Lingpa cũng bảo ngài rằng cần phải xây dựng bốn stupa (tháp) lớn để duy trì nền hòa bình ở Bhutan và bảo đảm sự trường tồn của Phật Pháp. Mỗi tháp nên chứa một trăm ngàn tháp thu nhỏ. Điều này đã được thực hiện thật phù hợp.
Khyentse Rinpoche là một trong những vị Thầy hiếm có với một khả năng đặc biệt, là những vị nổi danh trong truyền thống Nyingma là terton, những vị khám phá những kho tàng tâm linh, nghĩa là các ngài có thể khám phá những giáo lý mà Guru Padmasambhava đã cất dấu vì sự lợi lạc của những thế hệ tương lai. Khi Guru sinh-trong-hoa sen – Đức Padmasambhava - ban những quán đảnh làm thuần thục và những giáo huấn giải thoát cho Vua Trisong Detsen, cho dakini Yeshe Tsogyal, và cho hai mươi lăm đệ tử chính yếu khác, Ngài đã phó thác những giáo lý đặc biệt cho mỗi vị trong số đó và đã cất dấu một cách kỳ diệu những giáo lý này như những “kho tàng” ở những địa điểm khác nhau – những ngôi chùa, những hình ảnh linh thánh, tảng đá, hồ và thậm chí trong không gian. Ngài đã tiên tri rằng những đệ tử đặc biệt này sẽ tái sinh trong tương lai và đưa những giáo lý này ra khỏi nơi cất dấu, sử dụng và trao truyền chúng vì sự lợi lạc của chúng sinh trong thời đại của họ. Khi đã đúng thời, một terton chứng nghiệm những linh kiến hay dấu hiệu cho thấy địa điểm hay cách thức khám phá kho tàng đã được định trước, hay terma. Trong trường hợp của “kho tàng tâm,” những giáo lý không được khai quật một cách tự nhiên nhưng xuất hiện trong tâm vị terton, và đây là phương pháp được chọn lựa đối với hầu hết những giáo lý được Khyentse Rinpoche khám phá. Trải qua nhiều thế kỷ, một số ít gồm một trăm Đạo Sư terton đã xuất hiện. Cách thức truyền dạy này, đôi khi được gọi là dòng truyền thừa “ngắn,” bổ túc cho dòng truyền thừa “dài” của Kinh điển, được truyền dạy từ Đạo Sư tới đệ tử qua những thế hệ từ thời Đức Padmasambhava.
Trong một trong những linh kiến terma này, Khyentse Rinpoche nhìn thấy mạn đà la viên mãn của Đức Phật Amitayus (Vô Lượng Thọ) xuất hiện trên mặt một cái hồ ở miền Đông Tây Tạng. Theo linh kiến này, ngài đã biên soạn cả một quyển sách về giáo lý và những thực hành tâm linh. Nói chung, những kho tàng tâm linh của Khyentse Rinpoche chứa đầy năm quyển sách.
Sau khi thoát khỏi Tây Tạng và tới Ấn Độ, Khyentse Rinpoche đã trở thành một trong những vị Thầy chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Như ngài thuật lại trong tự truyện của ngài, lần đầu tiên ngài gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Lhasa:
“Có lần tôi đang cầu nguyện trong Điện Jokhang ở Lhasa, gần pho tượng mới của Đức Padmasambhava. Bỗng nhiên tôi ngửi thấy mùi hương trầm thơm phức, và một vài viên chức mặc gấm thêu kim tuyến đi vào, theo sau là một tu sĩ mang kính, gương mặt xanh xao. Trông ngài giống những bức hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà tôi từng nhìn thấy. Ngài đang xem pho tượng mới của Guru Padmasambhava và cúng dường một chiếc khăn lễ trước tượng. Khi ngài đi ngang qua tôi, ngài hỏi tôi từ đâu tới, tên tôi là gì, và tôi đang cử hành lễ gì. Ngài bảo tôi hãy cầu nguyện thật thiết tha, và đi tới chùa Đức Phật Cao Qúy, ngài ở đó khoảng một giờ. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Về sau tôi có hai dịp lại được gặp ngài tại cung điện mùa hè của ngài ở Lhasa với anh Sangye Nyenpa Rinpoche của tôi.
“Rốt cuộc sau khi chúng tôi tới Ấn Độ, Nyenpa Rinpoche đi hành hương Varanasi (Ba La Nại) và gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đó. Ngài hỏi người em cao lớn có mái tóc dài của ông đâu, và có phải ông ta đã bị người Trung Quốc hãm hại. Ngài hài lòng khi biết rằng chúng tôi đã trốn thoát an toàn và nói rằng sau này chúng tôi sẽ gặp nhau.”
Không lâu sau này, tất cả các Lạt Ma chính yếu của bốn phái Phật Giáo Tây Tạng đã tập họp tại Dharamsala, trụ xứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ, để cầu nguyện cho sự trường thọ của ngài và thảo luận về việc bảo tồn Phật Giáo Tây Tạng tại hải ngoại. Các phái Nyingma, Sakya, và Kagyu đã được yêu cầu chọn một vị đại diện để cúng dường Đức Đạt Lai Lạt Ma một mạn đà la tượng trưng cho toàn thể thế giới. Trong những dịp như thế, bất kỳ ai thực hiện sự cúng dường theo truyền thống cũng bắt đầu bằng việc đọc một bài diễn văn dài, uyên bác, mô tả thế giới theo vũ trụ học Tây Tạng và những nguyên lý nền tảng của lịch sử và giáo thuyết Phật Giáo. Thông thường thì một đại học giả sẽ biên soạn một bài thuyết trình như thế trong một vài tuần lễ và đọc trong ngày hôm ấy, nhưng Khyentse Rinpoche chỉ được thỉnh cầu đọc một bài diễn văn một ngày trước đó. Tuy thế, ngài chấp nhận không quá câu nệ. Một học giả nghe được những gì xảy ra và cảm thấy tiếc là Khyentse Rinpoche đã được mời đọc một bài diễn văn quan trọng như thế mà không được chuẩn bị. Ông ta mang tới cho ngài một quyển sách có một bài thuyết trình tương tự, và đề nghị Khyentse Rinpoche nên nghiên cứu và đọc nó vào ngày hôm sau. Khyentse lịch sự cảm ơn vị học giả, nhưng đặt quyển sách xuống bàn, tiếp tục cuộc trò chuyện đang diễn ra với những người khách của ngài, và sau đó đi ngủ.
Ngày hôm sau, khi đã tới lúc đọc diễn văn trước sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tập hội uyên bác, Khyentse Rinpoche đứng dậy, mở quyển sách ra lần đầu tiên, và cầm nó – không lật một trang – đọc một bài thuyết trình hết sức uyên thâm dài khoảng hai giờ. Cuối cùng, trong việc cúng dường Tám Món Kiết Tường cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, người ta nghe thấy một tiếng sấm khi ngài cầm một vỏ ốc xà cừ trong tay.
Mọi người kinh ngạc bởi sự uyên bác của Khyentse Rinpoche, mà điều đó về sau nổi tiếng trong cộng đồng Tây Tạng ở Ấn Độ. Ngày hôm sau, khi Khyentse Rinpoche vào từ giã Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Phật Sống nói: “Phải chăng ngày hôm qua có một dấu hiệu tốt lành với tiếng sấm?”
Về sau Đức Đạt Lai Lạt Ma mời Khyentse Rinpoche tới trụ xứ của Ngài ở Dharamsala nhiều lần. Trong nhiều năm, Khyentse Rinpoche đã ban cho Ngài hầu hết những giáo lý chính yếu của truyền thống Nyingma.
Ngọn núi chót vót khoác
lên mình những khu rừng trinh nữ,
Đỉnh đầu
nàng lộng lẫy trong chiếc khăn xếp phủ tuyết, vươn tận bầu trời,
Ngực nàng
choàng những chiếc khăn sương mù óng ánh như bạc:
Hạnh phúc
biết bao những yogi thảnh thơi đã bỏ đi những công việc của đời này!
Khyentse Rinpoche
Khi bạn
nhìn một ngọn núi sừng sững
Hãy nhớ về
cái thấy sâu xa:
Cái thấy là
tâm của vị Thầy,
Bất khả
phân với bản tánh của bổn tâm bạn.
Khi bạn nhìn một khu
rừng đáng yêu,
Hãy nhớ về
những kinh nghiệm và sự chứng ngộ:
Đừng hy
vọng hay hoài nghi về chúng,
Chúng hoàn
toàn là sự phô diễn của vị Thầy.
Khi bạn nhìn một vườn
hoa
Hãy nhớ về
hành động, giải thoát một cách tự nhiên:
Mọi hành
động hòa hợp với Pháp
Là đời sống
toàn hảo của vị Thầy.
Dù những tư tưởng của
bạn có thể lầm lạc,
Chúng không
thể không là những sản phẩm của trí năng của bạn.
Nếu bạn trả
tự do cho tư tưởng của bạn
Nơi không
có sự gì xuất hiện, an trụ, hay chấm dứt,
Chúng sẽ
biến mất vào tánh Không.
Tánh Không
trần trụi ấy là guru:
Trí tuệ
nguyên sơ siêu vượt trí năng.
Khyentse Rinpoche
Không gian mà bản tánh
thì tự do với mọi ý niệm,
Gồm chứa
mọi sự;
Cũng thế,
phạm vi bất nhiễm của chân tánh của tâm
Thấm đẫm
mọi chúng sinh.
Maitreya-Asanga
Cái mà chúng ta thường gọi là tâm chính là tâm mê lầm, một cơn lốc hỗn loạn của những tư tưởng bị tham, sân và si thúc bách. Không giống như Giác tánh giác ngộ, tâm này luôn luôn bị một sự mê lầm cái này sau cái kia thổi bạt đi. Những tư tưởng thù ghét hay tham muốn thình lình xuất hiện không báo trước, được gây nên bởi những hoàn cảnh như thế như một cuộc gặp gỡ không mong đợi với một đối thủ hay một bằng hữu, và trừ phi chúng lập tức bị chế ngự bằng một cách đối trị đúng đắn, chúng sẽ nhanh chóng bắt rễ và phát triển, củng cố ưu thế quen thuộc của sự sân hận và tham muốn trong tâm thức và càng lúc càng làm sâu đậm thêm những dấu vết của nghiệp.
Tuy thế, dù những tư tưởng này có vẻ mạnh mẽ, chúng chỉ là những tư tưởng và sau cùng sẽ biến mất vào tánh Không. Một khi bạn nhận ra bản tánh nội tại của tâm, những tư tưởng này – là những gì dường như luôn luôn xuất hiện và biến mất – không còn đánh lừa bạn được nữa. Giống như những đám mây hình thành, tồn tại một thời gian, và sau đó biến mất trong sự trống không (tánh Không) của tâm; trong thực tế đã chẳng có điều gì xảy ra.
Khi ánh sáng mặt trời
rọi xuống một miếng pha lê, ánh sáng của mọi màu sắc cầu vồng xuất hiện; tuy
thế chúng không có thực chất để bạn có thể nắm bắt. Cũng thế, mọi tư tưởng
trong trạng thái muôn màu muôn vẻ của chúng – lòng sùng mộ, bi mẫn, sự tai hại,
tham muốn – thì hoàn toàn không có thực chất. Đây là tâm của vị Phật. Không tư
tưởng nào không phải là tánh Không; nếu bạn nhận ra bản tánh trống không của
những tư tưởng ngay khi chúng xuất hiện, chúng sẽ biến mất. Sự tham muốn và sân
hận sẽ chẳng bao giờ có thể làm rối loạn tâm thức. Những cảm xúc mê lầm tự
chúng sẽ sụp đổ. Sẽ không có hành động tiêu cực nào được tích tập, vì thế sẽ
chẳng có đau khổ nào tiếp nối theo sau.
Khyentse Rinpoche
Nếu một người có lòng bi
mẫn, người ấy là vị Phật;
Không có
lòng bi mẫn, người ấy là Thần Chết.
Với lòng bi mẫn, cội gốc
của Pháp được vun trồng,
Không có
lòng bi mẫn, cội gốc của Pháp bị mục nát.
Người có lòng bi mẫn tốt
lành ngay khi họ giận dữ,
Người không
có lòng bi mẫn giết hại ngay khi họ mỉm cười.
Đối với người có lòng bi
mẫn, ngay cả kẻ thù cũng trở thành bằng hữu,
Không có
lòng bi mẫn, ngay cả bằng hữu cũng trở thành kẻ thù.
Với lòng bi mẫn, ta có
mọi Pháp,
Không có
lòng bi mẫn, ta chẳng sở hữu Pháp nào.
Với lòng bi mẫn, ta là
Phật tử chân thực,
Không có
lòng bi mẫn, ta tệ hơn kẻ trần tục.
Ngay cả khi thiền định
về tánh Không, ta cần có lòng bi mẫn như cốt tuỷ của nó.
Một hành
giả Giáo Pháp phải có một bản tánh tràn trề bi mẫn.
Lòng đại bi giống như
một viên ngọc như ý.
Lòng đại bi
hoàn thành những hy vọng của bản thân và chúng sinh.
Vì thế, tất cả các bạn,
những người từ bỏ và các gia chủ,
Hãy nuôi
dưỡng lòng bi mẫn và các bạn sẽ thành tựu Phật Quả.
Shabkar
Giống như giữa mặt trời
không có bóng tối,
Với một
yogi, toàn thể vũ trụ và chúng sinh đều xuất hiện như những Bổn Tôn –
Và yogi hài
lòng.
Giống như trong một đảo
vàng không có những hòn đá tầm thường,
Với một
yogi mọi âm thanh lừng vang như những thần chú –
Và yogi hài
lòng.
Giống như một cánh chim
băng qua bầu trời trống không, trong trẻo không để lại dấu vết,
Với một
yogi mọi tư tưởng xuất hiện như cái tuyệt đối –
Và yogi hài
lòng.
Trong Giác tánh bao la
không bị giam hãm trong các thời khóa hình thức,
Với một
yogi mọi thiền định đều thanh thản và thoải mái –
Và yogi hài
lòng.
Thoát khỏi những tạo tác
của tâm,
Ta chứng
ngộ rằng các hiện tượng là trạng thái tuyệt đối.
Ngươi, bạn
ta, cũng nên chứng ngộ điều này.
Đừng tin
vào những giáo lý trí thức –
Hãy nhận ra
tánh nhất như bao la và vô sanh đó.
Shabkar
Nếu hôm nay bạn chiến thắng tánhï chấp ngã, đêm nay bạn sẽ giác ngộ. Nếu bạn chiến thắng nó ngày mai, đêm mai bạn sẽ giác ngộ. Nhưng nếu chẳng bao giờ bạn chiến thắng nó, bạn sẽ chẳng bao giờ giác ngộ. Nhưng “ta” chỉ là một tư tưởng. Những tư tưởng và cảm xúc không có sự vững chắc, sắc tướng, hình dạng, hay màu sắc nội tại. Khi một tư tưởng sân hận xuất hiện trong tâm mạnh mẽ tới nỗi bạn cảm thấy kích động và muốn đập phá, phải chăng sự sân hận đang vung vũ khí? Có phải nó ở trên đầu của kẻ thù? Nó có thể đốt cháy những sự vật như ngọn lửa, đè bẹp chúng như một tảng đá, hay cuốn chúng đi như một giòng sông hung bạo? Không. Giống như tư tưởng hay cảm xúc khác, sân hận không có sự hiện hữu đích thực – không có ngay cả một vị trí rõ ràng trong thân, ngữ, hay tâm của bạn. Nó giống như gió đang gầm rống trong không gian trống trải.
Thay vì để cho những tư
tưởng hoang dại bắt bạn làm nô lệ, hãy chứng ngộ tánh Không cốt tuỷ của chúng.
Nếu bạn điều phục sự thù ghét ở bên trong, bạn sẽ khám phá rằng không có duy
nhất một kẻ thù nào bị bỏ lại ở bên ngoài. Nếu không như thế, cho dù bạn có thể
chế ngự mọi người trong toàn thể thế giới, sự thù ghét của bạn sẽ chỉ phát triển
mạnh mẽ hơn. Việc nuông chiều nó không bao giờ làm nó lắng dịu. Kẻ thù thực sự
duy nhất không thể chịu đựng nổi là chính sự thù ghét. Hãy khảo sát bản tánh của
thù ghét; bạn sẽ nhận ra rằng nó chỉ là một tư tưởng. Khi bạn thấy nó như nó
là, nó sẽ biến mất như một đám mây trong bầu trời.
Khyentse Rinpoche
Bạn và tất cả chúng sinh
đều bình đẳng trong việc ước muốn hạnh phúc;
Bạn và tất
cả chúng sinh đều bình đẳng trong việc không mong muốn đau khổ.
Để trở nên quen thuộc
với việc chăm sóc người khác hơn bản thân bạn,
Bạn nên
quán tưởng sự hoán đổi bản thân bạn và người khác:
Khi bạn thở
vào và thở ra,
Hãy nhận
vào bản thân nỗi khổ đau của họ và gởi cho họ hạnh phúc của bạn.
Hãy chứng ngộ rằng mọi
sự xuất hiện là trò phô diễn của tuyệt đối,
Bản tánh
nguyên sơ, sự giản đơn không bị bẻ gãy.
Nếu bạn
không bám chấp thì bất kỳ điều gì xuất hiện đều tự nhiên giải thoát.
Hãy chỉ an
trụ trong vị bình đẳng vĩ đại, không lấy hay bỏ.
Chúng sinh non nớt,
không thấu hiểu điều này,
Coi các
hiện tượng như thể chúng bền vững và thực có;
Vì thế khởi
đầu một chuỗi những ham muốn và ghét bỏ,
Và những
đau khổ ghê gớm của luân hồi sinh tử – một sự giả dối không hiện hữu!
Những gốc rễ mạnh mẽ là
Sự vô minh
và việc coi chúng sinh và những hiện tượng là thực sự hiện hữu;
Sự hiện hữu
có điều kiện xảy tới
Từ việc trở
nên quen thuộc với những điều này.
Không có gì để soi sáng,
Không có gì
để tiệt trừ,
Khi nhìn
một cách viên mãn tự thân sự viên mãn,
Khi nhận ra
sự viên mãn, ta giải thoát một cách viên mãn.
Shechen Gyaltsap
Mọi niềm vui mà thế gian
gồm chứa
Đến từ việc
ước muốn hạnh phúc cho người khác.
Mọi khổ đau
mà thế gian chất chứa
Đến từ việc
mong muốn lạc thú cho bản thân.
Có cần sự giải thích dài
dòng?
Chúng sinh
non nớt tìm kiếm cho bản thân.
Chư Phật
dốc sức vì hạnh phúc của người khác:
Hãy nhìn sự
khác biệt đã phân chia họ!
Như thế, khi mang lại
niềm vui cho chúng sinh, tôi cũng làm vui lòng chư Phật–
Khi xúc
phạm chúng sinh, tôi cũng xúc phạm chư Phật.
Shantideva
Giống như đất và những
yếu tố (đại) thấm nhập muôn phương,
Nhẫn chịu
như tự thân bầu trời kham nhẫn,
Vì vô lượng
chúng sinh không bờ bến,
Cầu mong
tôi là mặt đất và dưỡng chất của họ.
Như thế vì mọi sinh
loài,
Vô biên như
bầu trời,
Cầu mong
tôi cung cấp cho họ phương kế sinh nhai và thực phẩm
Cho tới khi
họ không còn bị khổ đau trói buộc.
Với tất cả những ai bệnh
hoạn trong thế gian,
Cho tới khi
mọi tật bệnh của họ được chữa lành,
Cầu mong
với họ tôi trở thành
Bác sĩ,
điều dưỡng và thuốc men.
Khi trút xuống một trận
lụt thức ăn và nước uống,
Cầu mong
tôi xua tan những điều bất hạnh của nạn đói khát.
Và trong
những thời đại được biểu thị bởi sự khan hiếm và thiếu thốn,
Cầu mong
bản thân tôi xuất hiện như thức uống và dưỡng chất.
Đối với chúng sinh nghèo
nàn và cơ cực,
Cầu mong
tôi trở thành một kho tàng luôn luôn dồi dào,
Và nằm
trước mặt gần tầm tay họ,
Một suối
nguồn phong phú mọi sự họ có thể cần.
Như thế, thân tôi, và
chưa kể mọi của cải của tôi,
Cùng mọi
công đức đã tích tập và được tích tập,
Tôi hiến
tặng họ tất cả không giữ lại điều gì
Để đem lại
lợi ích của chúng sinh.
Shantideva
Mỗi một
trong vô lượng cuộc đời của chúng ta từ vô thuỷ, chúng ta phải có những bậc cha
mẹ. Vào lúc này hay lúc khác, mỗi một chúng sinh duy nhất hẳn đã từng là mẹ hay
cha của ta. Khi chúng ta nghĩ tưởng tới tất cả chúng sinh này - những người từng
là cha mẹ của chúng ta – đã phải lang thang quá lâu và không người cứu giúp
trong vòng luân hồi sinh tử giống như những người mù lạc đường thì chúng ta
không thể không cảm thấy một lòng bi mẫn lớn lao đối với họ. Tuy nhiên, tự bản
thân lòng bi mẫn thì không đủ; họ cần sự giúp đỡ thực sự. Nhưng chừng nào tâm
ta vẫn còn bị giới hạn bởi sự tham luyến, thì có may mắn lắm việc ban tặng họ
thực phẩm, quần áo, tiền bạc, hay sự yêu thương một cách đơn giản sẽ chỉ mang
lại cho họ một hạnh phúc hạn hẹp và nhất thời. Điều chúng ta phải làm là tìm ra
một phương pháp để hoàn toàn giải thoát họ khỏi sự đau khổ. Điều này chỉ có thể
được thực hiện bằng cách đi theo một con đường tâm linh và tự chuyển hoá bản
thân để chúng ta có thể chuyển hoá những người khác.
Lòng bi mẫn phải được hướng tới tất cả chúng sinh một cách vô tư mà không phân biệt giữa những người là bạn hữu và những người là kẻ thù. Với lòng bi mẫn thường hằng này trong tâm, mọi hành vi tích cực, ngay cả việc cúng dường một bông hoa hay sự trì tụng duy nhất một câu thần chú, chúng ta nên thực hiện với ước muốn là nó có thể mang lại lợi ích tất cả các sinh loài không loại trừ ai.
Những bậc Thầy vĩ đại trong quá khứ đã coi giáo lý quý báu nhất là sự bất khả phân của tánh Không và lòng bi mẫn. Các ngài nuôi dưỡng từ, bi, hỉ và xả – bốn tư tưởng vô lượng (tứ vô lượng tâm) nhờ đó khả năng giúp đỡ những người khác phát khỏi không chút dụng công. Được thúc đẩy bởi lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh, chúng ta nên củng cố một cách vững chắc trong trái tim ta ý hướng đạt được giác ngộ vì sự lợi lạc của chúng sinh. Không có ý hướng này, lòng bi mẫn của chúng ta sẽ là một mô phỏng mờ nhạt của cái gì đích thực. Có câu nói rằng: “Ước muốn hạnh phúc cho người khác, ngay cả đối với những người muốn làm hại chúng ta, là nguồn mạch của hạnh phúc viên mãn.” Cuối cùng, khi chúng ta đạt được cấp độ này, lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sinh tự phát khởi theo một cách thế hoàn toàn tự nhiên.
Điều tối cần là phải tập trung toàn bộ cuộc đời chúng ta vào việc hứa nguyện đạt được Phật Quả vì lợi ích của người khác, cho tới khi điều này trở nên rõ ràng còn thì cuộc đời này hoàn toàn vô nghĩa và đáng thất vọng biết bao. Chúng ta sẽ mủi lòng và đau buồn bởi thân phận bi đát của chúng sinh trong thời đại khó khăn này, và một cảm thức mạnh mẽ về sự quyết định thoát khỏi sinh tử sẽ phát khởi. Nếu những thái độ này thực sự bén rễ, những phẩm tính và sự thành tựu của Đại Thừa chắc chắn sẽ phát triển từ đó. Nhưng nếu quyết định chân thực thoát khỏi luân hồi sinh tử đó không cắm rễ vững chắc trong tâm thức ta, sự thực hành Pháp của ta sẽ không bao giờ phát triển một cách viên mãn.
Tất cả chúng sinh thì
giống nhau trong ước muốn được hạnh phúc và không bị đau khổ. Sự khác biệt to
lớn giữa bản thân ta và những người khác thì vô số – tôi chỉ có một, nhưng
những người khác thì vô vàn. Vì thế, hạnh phúc và đau khổ của tôi thì hoàn toàn
vô nghĩa khi so sánh với hạnh phúc và đau khổ của vô lượng chúng sinh. Vấn đề
thực sự cần quan tâm là chúng sinh hạnh phúc hay đau khổ. Đây là nền tảng của
tâm thức đã quyết định đạt được Giác ngộ. Chúng ta nên ước muốn người khác hạnh
phúc hơn bản thân ta, và ta nên đặc biệt ước mong những người chúng ta coi như
kẻ thù và những người đối xử tệ bạc với ta đều được hạnh phúc. Nếu không thế
thì đâu là mục đích của lòng bi mẫn?
Khyentse Rinpoche