Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Trở Về Tây Tạng

Friday, October 8, 201000:00(View: 4409)
Trở Về Tây Tạng

TRỞ VỀ TÂY TẠNG

htdtgiacngo-shechen-khamtibetRốt cuộc thì Khyentse Rinpoche cũng trở về Shechen vào năm 1985. Tại nơi ngài sẽ đến, trên độ cao mười hai ngàn phút (khoảng 3.600 m) so với mặt biển, trong ánh sáng chói lọi của miền Đông Tây Tạng, ba trăm kỵ sĩ với khuôn mặt đen sạm, đội mũ trắng và cầm những lá cờ nhiều màu bay phần phật trong gió. Họ không phải là những chiến sĩ mà là các tu sĩ tới chào mừng ngài trở về quê hương sau ba mươi năm lưu lạc ở hải ngoại. Khi xe hơi của Rinpoche tới nơi, họ cưỡi ngựa chầm chậm quanh chiếc xe làm thành một vòng tròn rộng, bỏ mũ ra khi đi qua mặt ngài, và sau đó phi ngựa tới tu viện để sẵn sàng đón tiếp ngài ở đó. Không chỉ có những tu sĩ tới đó; tất cả những người du cư trong vùng bỏ mặc những chiếc lều bằng lông bò yak đen của họ và vội vã từ những sườn đồi đi xuống đứng bên đường. Trong khi đốt những cành cây bách xù và cây thông để tạo nên làn khói hương trắng thơm phức, mỗi nhóm nhỏ hy vọng chặn được xe hơi của Khyentse Rinpoche và nhận sự ban phước của Ngài. Ở đây, nơi nhiệt độ thường là âm bốn mươi độ, những người du cư mặc áo da cừu dày để chống lại sự khắc nghiệt của mùa đông. Những phụ nữ đeo những món trang sức bằng san hô, lam ngọc, và hổ phách trên tóc, và trong những túi gấp của áo choàng, họ mang những đứa con có đôi má đỏ ửng đỏ vì gió đông. Giây lưng của họ có đeo những viên đá đánh lửa cùng với bùi nhùi làm bằng những cánh hoa nhung tuyết mọc trong những bãi cỏ trên núi. 

Tu viện chỉ còn là đống đổ nát. Khi Rinpoche tiến lại gần, âm nhạc phát ra từ những chiếc kèn ô boa nghe inh tai, những chiếc xập xõa lanh lảnh, và tiếng gầm sâu thẳm của những chiếc kèn trum-pét dài mười lăm phút (khoảng 4,5m) bất ngờ bật lên từ mái đại học tu viện – toà nhà duy nhất còn đứng vững giữa những đống đổ nát – làm thung lũng tràn ngập âm vang tráng lệ. Một đoàn diễu hành gồm các tu sĩ và nhạc sĩ đưa Khyentse Rinpoche tới ngôi chùa. Ngay khi ngài an tọa, một đám đông các nhà sưcư sĩ sắp thành hàng đi qua, nhìn ngài với một vẻ tha thiết tuôn trào từ tận xương tủy của họ. Khi họ nhận sự ban phước và ngước lên nhìn ngài, một số người, đặc biệt là những người già, đã không thể ngăn dòng nước mắt. Một vài người thì thầm vài lời, hay nói cho ngài biết tên của họ. Khyentse Rinpoche mỉm cười với họ mỗi khi ngài thỉnh thoảng nhận ra một khuôn mặt trong quá khứ. Sau vài giờ, khi cuối cùng thì dòng người tưởng như vô tận cũng đã thưa dần, ngài ngồi trò chuyện với những bậc trưởng lão của tu viện quanh một bình trà bơ sôi sục. Họ có quá nhiều điều để nói với ngài – về sự thử thách không tả xiết mà họ phải chịu trong tay những người chiếm đóng, về những người đã chết và những người còn sống sót – nhưng vào ngày hôm đó ưu tiên hàng đầu là niềm vui được tái ngộ. Đối với họ, điều ấy giống như thể một buổi bình minh rực rỡ thình lình xuất hiện sau một đêm dài tăm tối. 

Ngay ngày hôm sau, một lễ hội kéo dài hai ngày được bắt đầu với những vũ điệu thiêng liêng được tiến hành để tỏ lòng tôn kính sự trở về của Khyentse Rinpoche. Hơn một trăm vũ công và nhạc sĩ, tất cả tu sĩ của tu viện đã tham dự. Vũ hội thường là một nét đặc trưng truyền thống trong năm của tu viện, nhưng trong nhiều năm dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc một sự kiện như thế là điều không thể tưởng tượng nổi. Chỉ trước đó một năm, lần đầu tiên các vị sư già mới dám làm sống lại truyền thống, và những bộ y phục sáng ngời cùng những mặt nạ tuyệt đẹp của các vũ công - tất cả những thứ ấy đã bị tiêu hủy - đã được sắm sửa lại.

Vào cuối vũ hội, Khyentse Rinpoche đã ban phước và giảng dạy cho các tu sĩcư sĩ từ khắp miền Đông Tây Tạng tới gặp ngài. Giữa những thính giả chăm chú nổi bật lên những khuôn mặt có cá tính kỳ lạ và tuyệt đẹp, cứng rắn như đá, ánh mắt của họ trong trẻo như bầu trời. Những tu sĩ già quay không chán những bánh xe cầu nguyện khổng lồ. Khắp trong thung lũng, ngựa và bò yak của những người khách tạo thành những vết lốm đốm nâu, đen và trắng trên các sườn núi.

Khyentse Rinpoche yêu cầu được trải qua một đêm ở mãi tận trên cao so với tu viện, nơi trước đây có ẩn thất của Shechen Gyaltsap, vị Thầy chính của ngài. Ngài không thể tự đi mà không cần giúp đỡ và phải được khiêng lên đồi. Khó có thể tìm được dấu vết nào của ẩn thất, nhưng ngài đã dựng trại trên cái nền nhỏ dưới những vì sao và những người khác nằm ngủ đó dây trong rừng và trong những hang động gần đó. Trên sườn dốc đứng, một vài người sợ rằng họ có thể lăn xuống đồi trong khi ngủ. Sau này một ẩn thất nhỏ đã được xây dựng lại tại địa điểm này.

Những tu viện khác thỉnh mời Khyentse Rinpoche tới thăm, và ngài đồng ý đi bất cứ nơi nào ngài có thể. Những nơi không có đường đi, ngài được khiêng trên một chiếc kiệu hay trong một ghế kiệu. Trong vài ngày, nhóm người đã vượt qua những ngọn đèo cao hơn mười lăm ngàn phút, băng qua những vách núi, và vượt những con sông. Mọi người đều muốn được vinh dự khiêng vị Lạt Ma, và với một nhóm mới và nhiệt tâm thay phiên nhau mỗi mười lăm phút, những đoạn đường dài đã được vượt qua nhanh chóng. Ở tu viện nào cũng vậy, một sự đón tiếp công phu và trang trọng tương tự cũng đang chờ đợi. Cùng với toàn thể dân chúng địa phương, các tu sĩ với chiếc nón trắng là một dấu hiệu của sự ân cần chào đón đã tạo thành một đoàn diễu hành theo hàng một, dẫn đầu là những nhạc sĩ trong bộ y phục lễ hội sặc sỡ của họ. Khi đám rước đi tới chân Tu viện Dzongsar, thình lình mọi người nhìn lên trời. Một quầng ánh sáng chói ngời đã hình thành xung quanh mặt trời, một dấu hiệu mà những người Tây Tạng cho là rất tốt lành. Ngày hôm trước đã có một cầu vồng đôi xuất hiện trên mái của Tu viện Palpung đón chào Khyentse Rinpoche khi ngài tới đó.

Bất kỳ tới nơi đâu, Rinpoche đều giảng dạy, an ủi và gây hứng khởi cho tất cả những ai tới thăm ngài. Giáo lý của đạo Phật không đặt nền trên một vài triết học ngoại lai, khó hiểu. Nó đối phó với những cơ cấu căn bản nhất của hạnh phúcđau khổ, và cho thấy hạnh phúc chân thựcvĩnh cửu chỉ có thể đến từ sự an bình nội tâm ra sao. Sự an bình như thế chỉ có thể đạt được bằng việc nuôi dưỡng lòng vị tha, từ ái, bi mẫn và bằng cách tiệt trừ sự chấp ngã, sân hậntham muốn.

Trong lần thăm viếng đầu tiên này và hai lần sau đó tại miền Đông và Trung Tây Tạng, ở mọi nơi Khyentse Rinpoche cũng được chào đón bằng một nhiệt tình đáng kinh ngạc. Đối với người Tây Tạng, những cuộc viếng thăm này có một ý nghĩa to lớn, và họ khó có thể tin được ở đôi mắt mình. Nhiều người đã kêu lên: “Hẳn là chúng tôi đang mơ!” Trong hơn ba mươi năm họ đã giữ vững sự kiên định bất chấp bao nhiêu đau khổ. Niềm tin và sự quyết tâm của họ không chịu nhượng bộ một chút nào.

Khi đang ở miền Trung Tây Tạng vào năm 1985, Khyentse Rinpoche đã gởi một kiến nghị cho chính quyền Trung Quốc xin tái thiết Tu viện Samye và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của di sản văn hóa thế giới. Samye là tu viện đầu tiên của Phật Giáo Tây Tạng, được Guru Padmasambhava và tu viện trưởng Shantarakshita sáng lập vào thế kỷ thứ tám dưới sự bảo trợ của Vua Trisong Detsen. Điều kỳ lạ là chính quyền Trung Quốc đã đồng ý. Được truyền hứng khởi từ Khyentse Rinpoche, đức vua Bhutan đã góp một khoản cúng dường to lớn cho công việc này. Nhờ đó mà năm 1990, ngôi chùa chính của Samye đã được trùng tu tới những mái vàng chói lọi của nó. Khyentse Rinpoche được mời để hiến cúng lại tu việnlại du hành tới Tây Tạng. Tại Samye ngài đã cử hành một buổi lễ hiến cúng ba ngày, đồng thời ban Pháp và những nhập môn cho sáu mươi tu sĩ của tu viện và tất cả những người tụ hội trong cơ hội duy nhất này, kể cả một nhóm đệ tử người Tây phương. Vẫn còn nhiều công trình phải trùng tu – tám ngôi chùa phụ ở tám hướng quanh dinh thự chính, bốn chiếc tháp khổng lồ, và một trăm lẻ tám tháp nhỏ hơn mà xưa kia đã làm tăng vẻ hoàn hảo cho bức tường bao quanh. Tại Lhasa, Rinpoche đã cúng dường hai trăm ngọn đèn bơ trong ngôi chùa có tượng Đức Phật Cao Qúy nổi tiếng - Jowo Rinpoche - trước khi viếng thăm một số thánh địatrung tâm tu viện ở miền Trung Tây Tạng. Đây chính là chuyến du hành Tây Tạng cuối cùng của ngài. 

Mặc dù vào lúc này Khyentse Rinpoche đã bước qua tuổi tám mươi, khả năng chịu đựng đặc biệt của ngài đường như ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vào đầu năm 1991 lần đầu tiên ngài bắt đầu có những dấu hiệu suy kém sức khoẻ trong khi đang giảng dạy tại Bodh Gaya. Tuy nhiên, khi hoàn tất chương trình ở đó, ngài du hành tới Dharamsala và trải qua một tháng thật nhẹ nhàng để ban những quán đảnh và truyền dạy cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, những sự trao truyền ấy đã được thỉnh cầu trong nhiều năm.

Khi trở về Nepal vào mùa xuân thì rõ ràng là sức khoẻ của ngài đã suy yếu dần. Ngài sụt cân và càng lúc càng cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngài dùng nhiều thời giờ để cầu nguyệnthiền định trong sự yên lặng, chỉ dành vài giờ mỗi ngày để tiếp những người rất cần gặp ngài. Ngài bị bắt buộc phải hủy bỏ chuyến du hành Tây Tạng lần thứ tư mà ngài đã dự định viếng thăm Tu viện Shechen một lần nữa. Thay vào đó, ngài đã chọn trải qua ba tháng rưỡi trong ẩn thất đối diện Hang Cọp, Paro Taktsang, ở Bhutan, là một trong những địa điểm linh thiêng nhất được Đức Padmasambhava ban phước.

Sau cuộc nhập thất, sức khỏe của Rinpoche có vẻ khả quan hơn. Ngài đã viếng thăm một vài đệ tử của ngài đang nhập thất và nói với họ về vị Thầy vô thượng, siêu vượt sinh tử hay mọi sự hiển lộ vật lý nào. Nhưng không lâu sau đó ngài lại có những dấu hiệu đau yếu, và hầu như ngài hòan tòan không thể ăn hay uống trong suốt mười hai ngày. Vào lúc chập tối ngày 27 tháng 9 năm 1991, ngài yêu cầu các thị giả giúp ngài ngồi trong tư thế thẳng lưng và đi vào một giấc ngủ an bình. Lúc sáng sớm, ngài ngừng thở và tâm ngài tan hòa trong Pháp giới tuyệt đối.

Như thế cuộc đời phi thường của Khyentse Rinpoche đã chấm dứt, một cuộc đời mà từ thủa thiếu thới đã hoàn toàn được sử dụng để nghiên cứu, thực hành và giảng dạy. Bất kỳ ngài ở đâu, đêm hay ngày, vẫn với một lòng tốt, sự hài hước, trí tuệ và phẩm cách như nhau, mọi nỗ lực của ngài luôn luôn hướng về việc bảo tồnbiểu lộ mọi hình thức của Phật Pháp.

Theo thỉnh cầu của những đệ tửTây Tạngmọi nơi trên thế giới, di hài của ngài được giữ gìn trong một năm bằng những phương pháp ướp theo truyền thống. Di hài cũng được mang từ Bhutan tới Tu viện Shechen ở Nepal trong vài tháng để nhiều người có thể tới kính viếng. Mỗi ngày thứ Sáu (ngày ngài mất) trong bảy tuần đầu tiên, một trăm ngàn ngọn đèn bơ được cúng dường trên tháp Bodhnath gần Tu viện Shechen. Toàn thể cộng đồng Tây Tạng đã kết hợp với các tu sĩ để giúp chuẩn bị và thắp sáng những ngọn đèn.

Cuối cùng, di hài của ngài được hỏa thiêu gần Paro tại Bhutan vào tháng Mười Một năm 1992, trong một buổi lễ ba ngày có sự tham dự của hơn một trăm Lạt Ma quan trọng, Hoàng gia và các Bộ trưởng của Bhutan, năm trăm đệ tử Tây phương, và một đám đông khổng lồ gồm khoảng năm mươi ngàn người sùng mộ – một cuộc tập hợp chưa từng có trong lịch sử xứ Bhutan.

Nếu bạn chinh phục bản tánh nguyên thuỷ nhờ phân biệt tâm với Giác tánh,
Cái thấy về sự tuyệt đối sẽ dần dần trở nên rõ ràng.
Cho dù ngay giờ đây trong thâm sâu Giác tánh còn chưa rõ ràng,
Hãy chỉ đừng để tâm lang thang bên ngoài;
Điều này sẽ xảy ra, bởi Giác tánh nằm tận đáy sâu tâm thức
Như có nói, chúng như nước và băng:
Nước và băng không giống hệt nhau,
Bởi băng thì rắn và có thể cầm nắm.
Nhưng băng tan thì không khác gì nước,
Vì thế, thực ra, nước và băng không phải là hai, mà là một.
Cũng thế, khi mê lầm, tâm khôngGiác tánh,
Nhưng khi chứng ngộ, bản tánh tâm không khác gì Giác tánh.
Mặc dù tâm và Giác tánh không khác biệt về ý nghĩa,
Nhưng không thể phân biệt chúng bằng suy luận rạch ròi.
Ngày nào đó, khi sự xác tín của bạn nơi Giác tánh phát triển, 
Tâm sẽ xuất hiện ngây ngô như một đứa trẻ 
Giác tánh minh triết như một hiền giả già tôn kính.
Giác tánh sẽ không chạy theo tâm, nhưng làm lu mờ nó;
Trong một trạng thái thư thản, trong trẻo, hãy nghỉ ngơi thoải mái.
Khyentse Rinpoche

Tâm khônghình tướng, không màu sắc, và không thực chất; đây là phương diện trống không của nó. Tuy nhiên tâm có thể hiểu biết các sự việc và nhận thức vô số hiện tượng. Đây là khía cạnh quang minh của nó. Sự bất khả phân của hai phương diện này, tánh Không và sự quang minh, là bản tánh nguyên sơ, không ngừng dứt của tâm.

Hiện nay, sự quang minh tự nhiên của tâm bạn bị những mê lầm ngăn che. Nhưng khi sự che chướng được tiệt trừ bạn sẽ bắt đầu khám phá ra sự chói lọi của Giác tánh, cho tới khi bạn đạt tới chỗ, giống như một đường kẻ được vạch trên mặt nước biến mất ngay khi được vẽ ra, những tư tưởng của bạn được giải thoát ngay khi chúng xuất hiện. Kinh nghiệm tâm theo phương cách này là gặp gỡ nguồn mạch đích thực của Phật Quả. Khi bản tánh tâm được nhận ra, điều đó được gọi là Niết Bàn; khi nó bị mê lầm ngăn che, điều đó được gọi là sinh tử. Tuy nhiên cả sinh tử lẫn Niết Bàn chưa từng xa lìa sự tương tục của tuyệt đối. Khi Giác tánh đạt được phạm vi viên mãn của nó, những phòng tuyến của mê lầm sẽ bị chọc thủng và thành trì của sự tuyệt đối, siêu vượt thiền định, có thể được chiếm giữ một lần cho mãi mãi.
Khyentse Rinpoche

Sự chứng ngộ xuất hiện trong ba giai đoạn: sự hiểu biết, những kinh nghiệm, và sự chứng ngộ thực sự. Giai đoạn đầu tiên là sự hiểu biếttính chất lý thuyết và đến từ việc nghiên cứu những giáo lý. Dĩ nhiên là điều đó cần thiết, nhưng nó không thật vững chắc. Nó giống như một miếng vá được khâu vào tấm vải, cuối cùng sẽ bung ra. Sự hiểu biếttính chất lý thuyết không đủ mạnh mẽ để vượt qua những điều tốt hay xấu xảy ra trong đời bạn. Khi những khó khăn xuất hiện, không có sự hiểu biết lý thuyết nào giúp cho bạn chiến thắng được chúng. 

Đối với những kinh nghiệm trong thiền định, thì giống như sương mù, chúng bắt buộc phải biến mất. Nếu bạn tập trung vào sự thực hành ở một nơi hẻo lánh thì chắc chắn là bạn sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Nhưng những kinh nghiệm như thế không đáng tin, và có câu nói rằng: “Những thiền giả theo đuổi những kinh nghiệm sẽ bị lạc lối giống như một đứa trẻ chạy theo một cầu vồng tuyệt đẹp,.” Khi bạn thực hành mãnh liệt, bạn có thể có những tia chớp thấu thị và những dấu hiệu khác nhau của sự thành tựu, nhưng tất cả những gì mà những điều đó làm là để nuôi dưỡng những sự mong cầu và kiêu ngạo – chúng chỉ là những trò bịp bợm hiểm độc và là nguồn gốc của các chướng ngại

Ta được dạy rằng đối phó với những hoàn cảnh tốt thì còn khó khăn hơn việc xử sự với những hoàn cảnh xấu, bởi chúng làm ta thêm xao lãng. Nếu bạn có mọi thứ bạn muốn – của cải, một căn nhà tiện nghi, quần áo – bạn nên nhìn hết thảy chúng như sự huyễn hóa, giống như những tài sản có được trong giấc mơ, hơn là cảm thấy tham luyến thái quá vào chúng. Nếu có ai nổi giận với bạn hay đe dọa bạn, thì nhờ đó bạn khá dễ dàng khi thiền định về sự nhẫn nhục; hay nếu bạn bị bệnh thì nó giúp bạn dễ dàng đương đầu với bệnh tật. Bởi những điều như thế là nguyên nhân của đau khổ, và đau khổ khiến chúng ta nhớ tới Pháp một cách tự nhiên, trong chừng mực là dễ hòa nhập những hoàn cảnh khó khăn này vào con đường của bạn. Nhưng khi những sự việc đang tiến triển tốt đẹp và bạn cảm thấy hạnh phúc, tâm bạn chấp nhận tình huống đó không chút khó khăn. Giống như chất dầu lan khắp da bạn, sự tham luyến dễ dàng lưu lại và trộn lẫn vào tâm bạn; nó trở thành một bộ phận của những tư tưởng của bạn. Một khi có sự hiện diện của sự tham luyến với những hoàn cảnh thuận lợi như thế, bạn sẽ gần như trở nên mê đắm với những thành tựu, thanh danhcủa cải của bạn. Đó là cái gì rất khó thoát ra khỏi.

Nhưng những người có sự chứng ngộ thực sự thì như một ngọn núi hùng vĩ không thể bị lay chuyển bởi bất kỳ ngọn gió nào, hay giống như một bầu trời xanh bất biến. Những thuận cảnh hay nghịch cảnh, cho dù nhiều tới đâu chăng nữa, cũng không thể gây ra sự tham luyến hay ganh ghét nào, không kích động chút mong cầu hay hoài nghi nào. Trong Kinh điển có nói rằng một người như thế được người bên cạnh quạt mát bằng chiếc quạt đàn hương cũng chẳng hài lòng gì hơn khi sợ hãi vì một người ở bên kia sẵn sàng đánh anh ta bằng một chiếc rìu. Đối với người như thế, mọi tri giác mê lầm đã bị cạn kiệt. Kết quả là mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch, sẽ làm người ấy tiến bộ hơn nữa trên con đường.
Khyentse Rinpoche

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Là những hang động vừa ý để ở và thực hành.

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Bè bạn ủi an ta là thú muông hoang dã.

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Thực phẩm của ta là rễ cây và những trái mọng hoang.

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Là chợ búa nơi sinh tử được đổi lấy Niết Bàn.

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Là những điều kiện thuận lợi cho sự chứng ngộ.

Trong những chốn hoang vu không người sinh sống,
Là vẻ đẹp tự nhiên khiến ta ngắm nhìn thích ý.

Chẳng có cách nào để diễn tả
Bao nhiêu điều tốt lành khi sống trong những nơi hẻo lánh và quạnh hiu 
Khác xa lối cư trú của con người.

Vì thế, kẻ kế thừa của các Đấng Chiến Thắng,
Hãy đi tới một nơi hẻo lánh và thực hành!
Shabkar

Trong lâu đài đá núi
Dưới bóng cây rừng mát mẻ,
Trong những túp lều con bằng cỏ xanh,
Dưới những chiếc lều vải trắng,
Ta, một yogi thảnh thơi,
Sống theo ý thích.

Đây là một bài ca vui tươi
Xuất phát từ một tâm an bình.

Guru linh thánh đích thực,
Lòng tốt của ngài đối với con 
Vượt xa thiện tâm của chư Phật!

Khi phó thác bản thân cho ngài,
Con hiểu rằng mọi sắc tướng
Là trò phô diễn thần diệu của tâm;
Các hiện tượng sinh tửNiết Bàn
Hiển nhiên nhưng không thực có.

Con đã chứng ngộ rằng bản tánh của tâm này,
Cội gốc của sinh tửNiết Bàn,
Là một sự trống không chói lọi không cách nào diễn tả
Bởi chẳng có gì để bám chấp.

Ta đã sống trong một nơi cô tịch
Trong sự tương tục của trang thái tự nhiên
Giống như thả một nắm bông len,
Ta để tâm thức thư thản,
Và nó lại tiếp tục trạng thái tự nhiên của nó.

Khi bóng tối vô minh
Tự nhiên bị quét sạch,
Xuất hiện bầu trời bao la
Của Pháp giới tuyệt đối.

Không một nghi ngờ, không chút do dự nào
Xuất hiện trong tâm ta
Rằng đây có phải là bản tánh tuyệt đối hay không
Cho dù tất cả chư Phật có xuất hiện trước mặt ta,
Ta sẽ chẳng nghi ngờ gì về việc các ngài sẽ làm sáng tỏ điều đó.
Shabkar

Vị Thầy như một con tàu vĩ đại đưa chúng ta vượt qua đại dương hiểm nghèo của luân hồi sinh tử, là một hoa tiêu không lầm lẫn dẫn dắt chúng ta tới miền đất khô ráo của tự do, một trận mưa cam lồ làm tiêu tan địa ngục của những cảm xúc và hành động tiêu cực, một mặt trờimặt trăng chói lọi xua tan bóng tối vô minh, mặt đất vững chắc chịu đựng một cách kiên nhẫn sức nặng của cả điều tốt lẫn điều xấu, một cây như ý ban tặng hạnh phúc hiện tạitối hậu, một kho tàng những giáo huấn bao lasâu xa, một viên ngọc như ý cung cấp bất kỳ điều gì chúng sinh cần tới trên con đường của họ, một người cha và người mẹ yêu thương tất cả chúng sinh ngang bằng nhau, một con sông vĩ đại của lòng bi mẫn rộng lớn và linh hoạt, một ngọn núi vĩ đại của sự hỉ lạc vượt lên những bận tâm thế tục và không bị lay chuyển bởi những trận gió cảm xúc, và một đám mây lớn đổ xuống khắp mọi nơi những lợi lạc của nó không chút phân biệt, không bị ảnh hưởng bởi yêu hay ghét. Việc thực hiện bất kỳ sự nối kết nào với ngài, dù là nhìn thấy ngài, nghe giọng ngài nói, nhớ tưởng tới ngài, hay được bàn tay ngài xúc chạm, sẽ đưa dẫn chúng ta tới sự giải thoát. Có niềm tin trọn vẹn nơi ngài là cách thức chắc chắn nhất để tiến tới Giác ngộ. Sự nồng ấm của trí tuệlòng bi mẫn của ngài sẽ làm tan chảy quặng mỏ của đời sống chúng ta để lấy ra được chất vàng của Phật tánh tiềm ẩn trong đó.
Khyentse Rinpoche

Ở bình diện tương đối vị Thầy xuất hiện trong thân tướng con người, ban những giáo lý, và chỉ cho ta con đường. Nhờ những giáo huấn và sự ban phước của ngài, sẽ tới lúc sự chứng ngộ của ngài và của chúng ta trở thành một. Vào lúc đó chúng ta sẽ chứng ngộ rằng vị Thầy nội tại tuyệt đối luôn luôn hiện diện như bản tánh của tâm ta.
Jamgon Kongtrul

Trừ phi mặt trời của lòng sùng mộ chiếu soi
Trên đỉnh núi tuyết của bốn kaya (thân) của vị Thầy,
Dòng ân phước của ngài sẽ không bao giờ chảy.
Vì thế hãy thiết tha khơi dậy lòng sùng mộ trong tâm bạn!
Drikung Kyobpa

Nghĩ tưởng tới vị Thầy của ta chỉ trong chốc lát,
Thì tốt hơn việc thiền định về một trăm ngàn Bổn Tôn
Trong mười triệu kalpa (kiếp).
Tantra Hiện thân Quý báu

Giống như màn sương bạc xuất hiện
Trong bầu trời bao la, trống không,
Vì sao thân tướng của guru
Sẽ không xuất hiện trong sự bao la của không gian trùm khắp?

Giống như trận mưa dịu dàng nhẹ nhàng đổ xuống,
Trong cầu vồng tuyệt đẹp,
Vì sao guru sẽ không trút xuống những giáo lý sâu xa?
Trong một vòm ánh sáng năm màu?

Giống như nước mưa còn đọng lại
Trên mặt đất bằng của một bãi cỏ rộng,
Những giáo lý này sẽ không tồn tại trong tâm
Trưởng tử trung thành và sùng mộ của ngươi?

Giống như những bông hoa rực rỡ chói lọi
Xuất hiện bên kia miền đồng hoang tươi tốt, mềm mại,
Những kinh nghiệmchứng ngộ tâm linh
Sẽ không xuất hiện trong dòng tâm thức của trưởng tử của ngươi?
Shabkar

Ta đã chỉ cho các con những phương pháp
Dẫõn tới sự giải thoát.
Nhưng các con nên hiểu rằng
Sự giải thoát ấy tuỳ thuộc vào bản thân các con.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Khi phân chia kinh nghiệm thành chủ thể và đối tượng, trước tiên tâm thức đồng nhất với chủ thể, “ta,” sau đó với ý niệm “của ta,” và bắt đầu bám chấp vào “thân ta,” “tâm ta,” và “tên ta.” Khi sự bám luyến của ta đối với ba ý niệm này càng lúc càng mạnh mẽ, chúng ta chỉ lo âu hơn nữa về hạnh phúc của riêng ta. Việc ta nỗ lực để được an nhàn, việc ta không nhân nhượng với những tình huống trái ý của cuộc sống, việc ta bận tâm với sự được và mất, sướng và khổ, vinh và nhục, khen và chê, tất cả đều là do ý niệm về cái “ta.”

Chúng ta thường bị ám ảnh về bản thân tới nỗi ta khó có thể làm được ngay cả việc nghĩ tới hạnh phúc của người khác - trong thực tế, chúng ta không quan tâm tới người khác nhiều hơn một con cọp chăm chú ăn cỏ. Điều này hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của Bồ Tát. Thực ra bản ngã chỉ là một sự tạo tác của tư tưởng, và khi bạn nhận ra rằng cả đối tượng được bám chấp lẫn tâm bám chấp đều trống không, khi ấy bạn dễ thấy được rằng những người khác không khác biệt với bản thân bạn. Thường thì chúng ta dồn mọi năng lực vào việc chăm sóc chính mình, chư vị Bồ Tát thì đặt nó vào việc chăm sóc chúng sinh. Nếu một Bồ Tát thấy rằng việc ngài lao mình vào lửa địa ngục sẽ có thể cứu giúp ngay cả một chúng sinh duy nhất, ngài sẽ làm điều đó không chút do dự, giống như một con thiên nga bơi vào một hồ nước lạnh lẽo.
Khyentse Rinpoche

vào thế kỷ thứ tám, Đức Vua Tây Tạng Trisong Detsen đã quyết định xây dựng một ngôi chùa tại địa điểm đã được chọn lựa. Khi tìm kiếm một thầy tế lễ hiến cúng mặt đất, ngài hỏi ý kiến Nyang Tingdzin Zangpo, vị Thầy được nhà vua tôn kính nhất. Bằng sự quán chiếu, Tingdzin Zangpo biết rằng tại Zahor miền Đông Ấn Độ có một vị tu viện trưởng tên là Shantarakshita đang ở đó. Ngài truyền đạt thông tin này cho nhà vua, và vị tu viện trưởng được mời sang Tây Tạng. Sau đó Shantarakshita nỗ lực hiến cúng địa điểm ngôi chùa. Nhưng một tinh linh sống trong nước biết rằng bụi cây mà ông ta đang sống trong đó sắp bị đốn hạ, ông kêu gọi tất cả các tinh linh tới trợ giúp. Họ cùng hợp lại thành một đội quân, cứ khi đêm xuống là họ phá hủy tất cả những gì con người xây dựng trong ngày và đem tất cả đất đá trở lại chỗ cũ.

Nhà Vua đi gặp tu viện trưởng và xin được giải thích. “Có phải đó là bởi những che chướng của trẫm quá sâu dày? Hay tại ngài không ban phước cho địa điểm? Chắc hẳn những chương trình của trẫm chưa thực hiện được?”

“Tôi đã quán triệt lòng từ và bi,” tu viện trưởng trả lời, “nhưng chư thiên và quỷ ma không thể bị khuất phục bởi những phương pháp an bình như thế. Chỉ có những phương pháp phẫn nộ là có hiệu quả. Hiện nay, tại Bodhgaya ở Ấn Độ có một vị Thầy tên là Padmasambhava xứ Uddiyana. Ngài xuất hiện trong thế giới này bằng một cách thế kỳ diệu. Ngài tinh thông năm khoa học (ngũ minh) và làm chủ được năng lực của sự tuyệt đối. Ngài đã đạt được những thành tựu thông thường và siêu việt. Ngài làm cho tất cả những vị trời và quỷ ma phải run sợ, và chinh phục những tinh linh thuộc các đại. Nếu Đức Vua thỉnh mời ngài tới đây, sẽ không có tinh linh nào kháng cự được ngài và tất cả những điều Đức Vua ước muốn sẽ được thực hiện.”

Vì thế nhà vua cử Ba Trisher, Dorje Dudjom, Chim Shakyaprabha và Shubu Palgyi Senge tới Ấn Độ, mỗi vị mang theo một khối lượng bụi vàng và một nút vĩnh cửu bằng vàng. Các ngài giải thích cho Đạo Sư rằng xứ Tây Tạng cần có ngài để ban phước cho địa điểm của một ngôi chùa. Đạo Sư hứa sẽ tới. Ngài bắt đầu lên đường, dừng lại dọc đường để buộc mười hai tenma, mười hai vị nữ bảo hộ, hai mươi mốt genyen, và tất cả những vị trời và tinh linh của Tây Tạng phải tuyên thệ. Cuối cùng ngài tới Trakmar để an định địa điểm, và Ngôi Chùa Xuất Hiện Tự Nhiên Samye được xây dựng. Nó có một dinh thự chính ba tầng, bao quanh là những toà nhà tượng trưng cho bốn đại lục và những tiểu đại lục. Hai điện Yaksha (Dạ Xoa) trên và dưới, tượng trưng cho mặt trờimặt trăng. Toàn bộ quần thể được bao bọc trong một búc tường có một trăm lẻ tám stupa (tháp). Tu viện trưởng Shantarakshita, acharya (Đạo Sư) Padmasambhava và pandita (học giả) Vimalamitra ném những bông hoa để hiến cúng nó ba lần, và người ta thấy có nhiều dấu hiệu cùng những sự kỳ diệu phi thường.
Paltrul Rinpoche 

Trong mọi lúc, chúng ta nên liên tục thực hiện những lời cầu nguyện rộng lớn cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh. Khi rơi vào giấc ngủ chúng ta nên nghĩ tưởng: “Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu trạng thái tuyệt đối”; khi thức dậy: “Cầu mong tất cả chúng sinh tỉnh thức trong trạng thái giác ngộ”; khi đứng dậy: “ Cầu mong tất cả chúng sinh đạt được thân Phật”; khi mặc quần áo: “Cầu mong tất cả chúng sinh có sự khiêm tốn và một cảm thức xấu hổ”; khi đốt lửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh đốt cháy củi của những cảm xúc rối loạn”; khi ăn: “Cầu mong tất cả chúng sinh dùng thực phẩm của sự thiền định”; khi mở cửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh mở cánh cửa của kinh thành giải thoát”; khi đóng cửa: “Cầu mong tất cả chúng sinh đóng cánh cửa đi tới những cõi thấp”; khi đi ra ngoài: “Cầu mong tôi bắt đầu lên đường để giải thoát tất cả chúng sinh”; khi đi lên đồi: “Cầu mong tôi đưa tất cả chúng sinh lên những cõi cao”; khi xuống đồi: “Cầu mong tôi đi giải thoát tất cả chúng sinh khỏi những cõi thấp”; khi cảm nhận hạnh phúc: “Cầu mong tất cả chúng sinh thành tựu hạnh phúc của Phật Quả”; khi trải nghiệm đau khổ: “Cầu mong nỗi khổ của tất cả chúng sinh được an dịu.”
Khyentse Rinpoche

Vào lúc đầu, bạn nên được dẫn dắt bởi một nỗi sợ hãi sinh và tử giống như một con nai đực trốn thoát khỏi một cái bẫy. Vào lúc giữa, bạn nên không có gì để hối tiếc cho dù bạn phải chết, giống như một nông dân đã làm việc chu đáo trong cánh đồng. Vào lúc cuối, bạn nên cảm thấy thanh thảnsung sướng, giống như một người hoàn toàn làm xong một công việckhủng khiếp.

Vào lúc đầu, bạn nên hiểu rằng không có thời gian để phí phạm, giống như một người bị một vết thương nguy hiểm do một mũi tên. Vào lúc giữa, bạn nên thiền định về cái chết mà không nghĩ tưởng điều gì khác, giống như người mẹ có đứa con trai duy nhất đã chết. Vào lúc cuối, bạn nên hiểu rằng không còn điều gì để làm, giống như một người chăn cừu mà bầy thú của anh ta bị kẻ thù lấy đi mất. 
Gampopa

Có câu nói rằng: “Biểu hiện của trí tuệ là sự tự chủ, và biểu hiện của kinh nghiệm tâm linh chín mùi là không có những cảm xúc mâu thuẫn.” Điều này có nghĩa là nếu bạn trở nên minh triết và uyên bác, thì cùng mức độ đó, bạn cũng trở nên thanh thản, an bìnhdịu dàng – không lo lắng và đầy ắp sự tự phụ và kiêu ngạo. Năm này sang năm khác, dù việc thực hành của bạn tiến bộ tới đâu chăng nữa, bạn sẽ chẳng quan tâm tới sự tiện nghi an nhàn hay điều bực dọc, và sẽ chẳng có chút kiêu mạn nào. Bạn sẽ luôn luôn thuận thảo, không bị phiền não bởi những sự kiện bên ngoài, với một tâm nhún nhường, vượt lên mọi hy vọnghoài nghi, và dửng dưng với tám mối bận tâm thế tục – được và mất, sướng và khổ, khen và chê, vinh và nhục. Có một câu tục ngữ nói rằng: “Trong thực hành tâm linh, sự khó khăn xuất hiện vào lúc đầu, trong những công việc thế gian, sự khó khăn xuất hiện vào lúc cuối.” Điều này có nghĩa là khi từ bỏ những hoạt động bình thườnghoàn toàn hiến mình cho việc thực hành, bạn có thể gặp một vài trở ngại bên ngoài và bên trong; nhưng bạn càng kiên nhẫn thì bạn càng trở nên hạnh phúc. Ngược lại, những hoạt động thế gian mang lại một vài sự mãn nguyện phù du và nông cạn vào lúc đầu; nhưng rốt cuộc chúng dẫn tới sự thất vọng cay đắng.

Hãy vứt bỏ mọi tư tưởng khác, chỉ quan tâm tới sự chuyển hóa nội tâm mà việc thực hành của bạn tạo nên. Đừng lo âu về của cải, thanh danh, và năng lực, mà hãy nuôi dưỡng sự khiêm tốn – không chỉ trong vài tháng mà trong toàn bộ cuộc đời của bạn.

Hãy thường xuyên kiểm soát xem bạn có đang thành công trong việc sử dụng giáo lý để điều phục những cảm xúc mâu thuẫn của bạn hay không. Nếu bất kỳ thực hành nào dẫn tới kết quả trái ngược – làm tăng trưởng những cảm xúc tiêu cực và tánh vị kỷ của bạn - thì thực hành ấy không thích hợp với bạn và bạn nên từ bỏ nó thì hơn. Một khi đã bắt đầu thực hành, bạn đừng chạy theo lời khuyên của bất kỳ ai. Hãy như một con thú hoang thoát khỏi một cái bẫy, nó phóng chạy càng xa càng tốt. Bạn phải hoàn toàn thoát khỏi sinh tử, đừng nửa nạc nửa mỡ. 

Khi bạn thấy mình ở giữa một tập hội rộng lớn, đứng bao giờ đánh mất sự chánh niệm. Hãy giữ gìn trạng thái của sự đơn giản không bị tạo tác và nhớ tới những giáo huấn của vị Thầy.

Hãy như một người mẹ bị chia cách với đứa con mới sinh của bà. Một người mẹ cực kỳ ân cần và tận tụy với đứa con, và nếu có ai tách lìa nó với bà ngay cả trong một thời gian rất ngắn, bà không thể thôi không nghĩ về nó. Cũng thế, bạn đừng bao giờ buông lỏng sự chánh niệm và tỉnh giác của bạn.

Cho dù ngày hôm nay cái chết tấn công bạn như một tia chớp, hãy sẵn sàng chết mà không có bất kỳ sự đau buồn hay hối tiếc nào, không còn sót lại bất kỳ sự bám chấp nào đối với những gì bỏ lại sau lưng. Khi an trụ trong sự nhận ra cái thấy (kiến), hãy từ bỏ cuộc đời này giống như một con chim đại bàng bay vút lên bầu trời xanh. Khi một con chim đại bàng bay vào khoảng không gian bao la, nó chẳâng bao giờ nghĩ: “Đôi cánh của ta không đủ sức nâng đỡ ta; ta không thể bay xa.” Cũng thế, khi chết, hãy nhớ tới vị Thầy của bạn và những giáo huấn của ngài và bám chặt vào đó với sự xác quyết tuyệt đối.
Khyentse Rinpoche 

Vị Thầy tối hậu, sự tuyệt đối, không bao giờ xa lìa chúng con,
Nhưng chúng sinh non nớt không nhận ra điều đó, hướng mắt ra ngoài và tìm kiếm ngài ở nơi xa.
Vị cha duy nhất, với lòng từ bi bao la ngài đã chỉ cho con sự giàu có của riêng con;
Con, một kẻ cùng khổ, thường xuyên cảm thấy sự hiện diện của ngài tận đáy lòng con.

Vị Thầy-trí tuệ thấm đẫm toàn thể thế giớichúng sinh, sinh tửNiết Bàn,
Ngài chỉ dạy các hiện tượng có thể xuất hiện như những giáo lý ra sao,
Làm cho con tin rằng mọi sự là vị Thầy tuyệt đối;
Con khao khát sự chứng ngộ vô thượng, và cảm thấy sự hiện diện của ngài tận đáy lòng con.
Khyentse Rinpoche

 

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant