THIỀN LÀ GÌ?
Thích Thông Huệ
Nhà xuất bản Phương Đông TP. HCM 2002
CHƯƠNG NĂM. VÔ SƯ TRÍ
I. TRÍ TUỆ HỮU SƯ VÀ VÔ SƯ
Con người từ lúc mới sinh ra đến khi mất đi, mỗi ngày mỗi tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm để tồn tại và phát triển. Do học hỏi từ bên ngoài phát sinh trí tuệ, nhà Phật gọi là Hữu sư trí, tức trí tuệ nhờ có Thầy dạy. Vì vận dụng chất xám mà hiểu biết, nên Hữu sư trí có tính cách phân tích lý luận theo tinh thần tiền nhân hậu quả: nghe giảng dạy là nhân, suy tư để hiểu là quả. Trong Tam huệ học, văn và tư huệ thuộc phạm trù Hữu sư, chung quy chỉ nhờ vay mượn huân tập từ người khác, không phải thật của mình, nên giới hạn và không ngừng biến đổi. Hành giả có công phu Thiền định, quét sạch mọi tạo tác của tâm, trở về trạng thái bổn tịch bổn tri, một lúc nào đó xảy ra đột biến, tự nhiên phát khởi trí tuệ. Đây là cái biết của trực giác không qua trung gian ý thức phân biệt, cái bổn tri khi hồi phục chức năng ban sơ của tâm, cái biết giải trừ và vượt qua Hữu sư trí, chính là Tu huệ, tức Vô sư trí.
Vô sư trí còn được gọi bằng nhiều tên: Căn bản trí, Bát-Nhã trí, Vô phân biệt trí, Chơn trí, Thật trí, Trực Giác Bát Nhã... Từ thường dùng nhất là Trí tuệ Bát Nhã. Mỗi người có hoàn cảnh chánh báo và y báo khác nhau, nhưng tất cả đều bình đẳng ở trí tuệ này. Nhà Thiền diễn tả bằng hình ảnh “từ hông ngực lưu xuất” hoặc bằng từ “Thời trí”, nghĩa là vốn sẵn đủ, là diệu dụng của tự tánh. Khi cần, các vị Thiền sư ngộ đạo sử dụng ngay vốn sẵn đủ ấy một cách linh hoạt và khế cơ khế lý, nên tùy duyên mà có muôn vàn phương pháp khai thị cho người.
Vị Bồ tát tượng trưng cho Vô sư trí là Ngài Văn Thù. Nhà Phật nói: “Bát Nhã vô tri nhi vô bất tri” (Bát Nhã không biết nhưng không có gì là chẳng biết). Gương không có ý soi rọi, nhưng mọi vật để trước gương đều hiện ảnh một cách trung thực. Bát-Nhã cũng thế, không tác ý hiển lộ các pháp, vì vậy soi thấu các pháp đến tận cùng bản thể. Bình thường khi nhìn một vật, tự nhiên chúng ta khởi tâm phân biệt cái thấy và cái bị thấy. Sự phân biệt là hành vi của thức, nhìn các pháp chỉ ở một khía cạnh, lại thêm phân tích tưởng tượng, nên chỉ phản ảnh các pháp một cách phiến diện hời hợt. Khi tâm thanh tịnh rỗng rang, dứt bặt vọng tưởng suy lường, đột nhiên trực giác phát sinh, chủ thể và đối tượng nhận thức hòa nhập, ta chợt thấy rúng động toàn thân, chợt nhận ra mọi vấn đề một cách toàn diện toàn triệt. Đây là cái biết bất nhị, kết quả của một quá trình thiền tập miên mật và lâu dài, không do tư duy hay thức tình sinh khởi, không mang tính cách học thuật kinh viện thế gian. Bài Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán có câu: “Phi tư lương xứ, thức tình nan trắc” (Chỗ chẳng thuộc suy lường, thức tình khó đo được). Trạng thái “Phi tư lương xứ” chính là trạng thái của Thiền, là hành vi của Vô sư trí.
Hệ Pàli phân biệt 5 cấp độ hiểu biết từ thấp đến cao:
1. Tưởng tri: Cái biết do tưởng tượng, như mây bay thấy trăng dời, thuyền đi thấy bờ chạy.
2. Thức tri: Biết do phân biệt so sánh. Nhìn một vật, con người khởi ngay niệm phân biệt đẹp - xấu, từ đó lôi cuốn theo một loạt ý nghĩ khác như khen - chê, ưa - ghét...
Tưởng tri và thức tri là hai cấp độ hiểu biết của phàm phu, nhìn các pháp một cách phiến diện và chủ quan nên thường nông cạn, sai lầm.
3. Tuệï tri: Cái biết bằng trí tuệ nhờ công phu thiền tập.
4. Thắng tri: Cái biết thù thắng trong trạng thái tâm lặng lẽ, không dấy niệm dính mắc hai bên.
Tuệ tri và Thắng tri là trí tuệ của các bậc Hữu học từ Sơ quả đến Tam quả. Tuy nhiên, vẫn còn những niệm vi tế làm chướng ngại mà Đức Phật ví như sóng nắng.
5. Liễu tri: “Liễu” là hoàn toàn, tột cùng. Liễu tri hay Liễu liễu thường tri là trí tuệ của các bậc Vô học đã quét sạch mọi phàm tình thánh giải, đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN VÔ SƯ TRÍ
A. Kiến thức góp nhặt từ trường lớp sách vở không giúp ta hiểu rõ chính mình. Khoa học ngày nay đã tiến bộ vượt bực, đã khám phá nhiều bí mật từ những chi tiết vi mô đến các tầng cấp vĩ mô, nhưng rốt cuộc cũng chỉ nghiên cứu những cái bên ngoài. Công trình nghiên cứu nào cũng có sự phân cách rõ ràng giữa chủ thể và đối tượng, vì vậy không sao thấu triệt thật tướng của chính mình và của vũ trụ vạn pháp. Ngược lại, bằng công phu phản quan tự kỷ, chánh niệm tỉnh giác trong từng biến dịch của thân tâm, hành giả tu Thiền có nhiều cơ hội kiến chiếu tự nội thể, quán chiếu vào tận cùng những ngõ ngách sâu thẳm của tâm thức. Vị ấy có nhiều cơ hội giải quyết mối nghi “Ta là ai? ”, lúc ấy tự nhiên có sự hòa điệu giữa mình và người. Khi một con sóng nhận ra mình là nước, chung cùng bản thể với những con sóng khác dù hình tướng sai thù, nó tự nhiên có một tình thương bao la bình đẳng đối với tất cả. Nhứt tức nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt. Một niệm bao gồm muôn năm, mười phương thế giới nằm trong hạt cải. Cho nên, trong tịnh thất của Ngài Duy Ma Cật có thể dung chứa ba muôn hai ngàn tòa sư tử mà không có sự ngăn ngại. Đây là việc bất khả tư nghì, mà chỉ có những bậc trụ bất tư nghì giải thoát, bằng trí tuệ vô sư, mới hoàn toàn thẩm thấu.
B. Có hành giả công phu một thời gian, đạt được trạng thái vắng lặng. Đây là Định, sự ngủ yên của ý thức, nhưng nếu mãi an trú trong ấy thì không thể phát Huệ. Biển lặng sóng là biểu hiện Định, biển dậy sóng đục ngầu là thức tưởng của phàm phu, biển có sóng trong vắt là Vô sư trí. Biển không thể không có sóng, nên công phu dẹp trừ đè nén vọng tưởng có thể đưa hành giả vào trầm không trệ tịch, không đúng với chủ trương của Thiền tông là Định-Huệ đồng thời. Khi ý thức ngủ yên mà ánh sáng giác ngộ đột nhiên bừng sáng, hành giả thấy được lẽ thật rồi không bao giờ quên nữa, đó mới là biểu hiện của Vô sư trí. Không còn vô minh, hành giả thật sự cắt đứt và đảo ngược vòng luân chuyển của mười hai nhân duyên, mặc nhiên cắt đứt sự vận hành tương tục muôn kiếp lôi mình vào sinh tử. Nhà Phật gọi đây là trạng thái Chuyển y (Asrayaparàvritti).
Như vậy, Vô sư trí là sự sống động ngay trong từng Sát-na sinh diệt của tâm, là phút giây vĩnh cửu ngay trong lòng các pháp đang biến chuyển không cùng, vận dụng sự sống-động-bất-biến này nhiêu ích quần sanh. Từ chủ trương tu hành khác biệt giữa Nhị thừa và Đại thừa, nên tác phong của các Ngài cũng khác nhau. Những vị tu Nhị thừa có vẻ điềm đạm tề chỉnh, xem trọng oai nghi tế hạnh; còn các Bồ-tát Đại thừa lại thể hiện rất nhiều hình tướng, nhân cách khác nhau, thuận hạnh nghịch hạnh khó lường. Từ đó, đạo Phật uyển chuyển hòa quyện vào mọi lĩnh vực của đời sống, mọi sinh hoạt của từng dân tộc mà không chống trái, cũng không đánh mất nguồn cội và những nét đặc thù độc đáo của mình.
C. Đọc hành trạng và thuật khai tâm của các Thiền sư, chúng ta thấy nhiều khi các Ngài có những lời nói hành động thật kỳ quặc, khó hiểu. Các Ngài có thể thăng tòa thuyết pháp một cách biện chứng, sư phạm, nhưng những lời dạy ấy thường chỉ giúp môn đệ nắm vững đường lối tu hành, hoặc thêm kiến giải. Lại nữa, những từ Phật học trau chuốt bóng bẩy là điều kiện tốt cho ý thức hoạt động mạnh mẽ, dễ đưa người nghe sa vào mê cung của khái niệm. Do đó, đối với người tham vấn riêng rẽ, các Ngài thường sử dụng thủ thuật kỳ đặc để đương cơ bặt đường suy nghĩ, dứt hết mối manh, có cơ hội trực nhận con người thật xưa nay của mình.
Tăng hỏi Thiền sư Tuệ Tĩnh: “Thế nào là Phật? ”. Sư đáp: “Con mèo trèo lên cây cột”. Tăng thưa: “Bạch Hòa thượng, con không hội”. Sư bảo: “Đến hỏi cây cột đi!”. Không có từ ngữ nào mang tính chất đạo lý ở đây cả, nhưng thật sự diễn tả một hiện tượng sống động mà nhà Thiền gọi “thực tại đang là”. Tăng không hội ý nghĩa Phật pháp tại thế gian, nên Sư chấm dứt câu chuyện bằng lời bảo đến hỏi cây cột. Đó là trước mắt lầm qua, Phật tại nhãn tiền mà tăng bỏ lỡ cơ hội nhận thấy.
Một thiền khách đến hỏi Ngài Triệu Châu:
- Con chó có Phật tánh không?
Ngài Triệu Châu đáp:
- Có.
- Hòa thượng có Phật tánh không?
- Không.
- Chúng sanh đều có Phật tánh, sao Hòa thượng lại không?
- Ta chẳng phải chúng sanh.
- Không phải chúng sanh, là Phật chăng?
- Cũng chẳng phải.
- Vậy Hòa thượng là gì?
- Ta không là gì cả.
- Có thể thấy biết được chăng?
- Vượt khỏi nghĩ ngợi, thoát khỏi lý luận, thế nên gọi là bất tư nghì.
Câu chuyện này tương đối dễ hiểu. Trở về bản tâm gọi là Phật, quên mất bản tâm là chúng sanh. Phật và chúng sanh chỉ là ngôn từ, không phải thực thể. Ngài Triệu Châu muốn giúp khách vượt thoát mọi khái niệm lý luận để trực nhận sự hiện hữu nội tại tự thân. “Ta không là gì cả” có nghĩa không sở thủ sở đắc, nhưng chẳng có gì là không thấy biết. Lời giải đáp ở nơi mỗi người, Thiền sư không cho đáp án rõ ràng, thật đó là tâm lão bà tha thiết!
Trong pháp hội của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, có hai môn đồ xuất cách, sau này xiển dương hai đường hướng khác nhau. Thượng tọa Thần Tú là bậc chân tu thực học, làm giáo thọ hướng dẫn 500 đồ chúng. Cư sĩ Huệ Năng không biết chữ, làm việc dưới nhà trù, thân phận thấp hèn thường bị chúng bắt nạt khinh khi. Đường đi của Ngài Thần Tú là thiền định, tâm ví như gương, có gương thật lấm bụi thật nên hàng ngày phải lau chùi. Con đường của cư sĩ Huệ Năng là kiến tánh, không chạy theo hình tướng mà y cứ bản thể, thấy thật tướng của các pháp là Vô tướng. “Xưa nay không một vật” thì chỗ nào dính bụi mà phải dụng công lau? Kiến tánh tức sống bằng Vô sư trí, khế hợp với yếu chỉ Thiền tông, nên cư sĩ được Tổ truyền y bát.
D. Sống ở đời, ai cũng theo đuổi một mục đích, một lý tưởng, một sự nghiệp. Tùy quan niệm của mỗi người mà sự nghiệp mong muốn to hay nhỏ, thuộc thế gian hay xuất thế. Người tu cũng có sự nghiệp chung thân. Sự nghiệp chung thân ấy là gì?
Một số người cho rằng, xây nhiều chùa to, đúc nhiều tượng lớn, làm nhiều công tác từ thiện... là mục đích của đời tu. Thật ra, ấy là những Phật sự nên làm nếu có điều kiện, nhưng hoàn toàn không phải là cứu cánh. Làm Phật sự chu toàn là tạo phước; phước đức giúp người tu dễ vượt qua khó khăn ma chướng, nhưng trí tuệ mới là quan trọng nhất. Nếu không có trí tuệ, người tu dễ rơi vào tà tín và cũng không thể hướng dẫn người khác theo đúng chánh pháp. Một số ngôi Già-lam biến thành chỗ buôn Thần bán Thánh, xin xăm bói quẻ, cũng do người tu không có chánh kiến và chánh tín. Nơi ấy, Đức Phật biến thành thần linh ra oai tác phúc, đạo Phật mất đi ý nghĩa của một đạo giác ngộ giải thoát. Đây là một thực trạng rất đáng buồn, có thể xem là một pháp nạn của Phật giáo. Cho nên, phước đức và trí tuệ được xem như hai cánh của một con chim, muốn bay xa, bay cao, chim phải có đầy đủ hai cánh mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực.
Một số người khác lại quan niệm, phải có nhiều kiến thức mới đúng nghĩa người tu trong thời đại khoa học. Vì thế, bằng mọi cách, họ phải đạt được những bằng cấp cao về Phật học và thế học, xem đó là mục đích của đời mình. Thật ra, kiến thức nội - ngoại điển rất cần thiết trong giai đoạn đầu của tự lợi, và hỗ trợ rất nhiều trong việc lợi tha. Một vị Bồ tát đầy đủ ngũ minh rất dễ nhiếp phục chúng sinh, từ đó dễ hướng dẫn họ tu đúng theo chánh pháp. Tuy nhiên, kiến thức góp nhặt từ bên ngoài chỉ là Trí hữu sư, chưa phải sự nghiệp chung thân. Bởi vì trí tuệ ấy do vay mượn mà được, có tính cách tương đối, tạm bợ và hữu hạn; đôi khi chấp vào đó, tự cho mình học cao hơn người, vô tình tô bồi cho bản ngã, gây thêm chướng ngại trên đường tu. Một điều không thể phủ nhận là, người có trình độ tri thức dễ tiếp thu những điều kinh sách muốn truyền đạt, kể cả những ý nghĩa thâm sâu uyên áo. Họ cũng dễ có chánh kiến chánh tín, biết rõ đường hướng tu hành đúng đắn theo Phật và chư Tổ. Nhưng khi đi vào thực hành, nhất là đối với chủ trương của Thiền Tông “chặt hết sắn bìm”, thì vốn kiến thức bác lãm ấy, thói quen phân tích lý luận ấy làm họ bị vướng mắc, nếu không biết buông bỏ tháo gỡ. Ví như người bộ hành phải vượt qua quãng đường rất dài và gian nan; trước tiên họ cần bản đồ và nhiều lời chỉ dẫn để hiểu rõ đường đi cùng những tình huống có thể xảy ra, tiên liệu những trở ngại để có biện pháp khắc phục. Nhưng khi bắt đầu xuất phát, hành trang của họ phải càng gọn nhẹ càng tốt; và lúc đến nơi rồi, có đầy đủ gia tài châu báu rồi, họ phải bỏ hết gánh nặng trên vai hay cứ khư khư mang mãi? Gia tài châu báu ấy là Vô sư trí, mới là cứu cánh của đời tu, là trí tuệ nhắc đến trong câu “Duy tuệ thị nghiệp”. Những bậc giác ngộ dù học không nhiều, dù không xây chùa đúc tượng, nhưng đi đến đâu, làm việc gì, các Ngài cũng mang lợi ích cho mọi người. Bởi vì toàn thân các ngài là Đạo, nên bằng thân giáo, khẩu giáo, thậm chí cả lúc ngồi yên, các Ngài cũng toát ra một sự an lạc thanh lương cho những người hữu duyên kề cận.
E. Trả lời câu hỏi “Thế nào là Đạo? ”, có Thiền sư nói: “Như người cỡi trâu đi tìm trâu”; vị khác lại bảo: “Ngay tại đó”. Nhiều cách nói khác nhau, nhưng chung quy đều nhằm chỉ thẳng cái chân thật. Vốn từ vô thủy, chúng sinh đã là Phật, nhưng một niệm mê khởi lên chợt sanh sơn hà đại địa. Nếu không có sẵn tánh giác, ai biết hỏi, ai biết nghe, ai biết tất cả mọi sự vật hiện tượng diễn biến quanh mình? Có phải tánh giác luôn hiện diện nơi đương xứ, nhưng do chúng ta mãi hướng ngoại tìm cầu, nên vác Phật đi tìm Phật, cỡi trâu tìm trâu? Cứ như thế mà tạo nghiệp thiện ác, mãi quẩn quanh trong vòng sanh tử không có ngày cùng.
Do lòng hướng ngoại tìm cầu, nên chúng ta thường mong thấy một kết quả cụ thể, xem như mốc đánh đấu từng chặng đường mình đã đi qua. Đây là tâm trạng thường gặp và đáng thông cảm, vì đường tu quá gian nan vất vả, luôn luôn phải thúc liễm thân tâm, nếu không có chút kết quả nào thì khó động viên mình tiếp tục gắng bước. Tuy nhiên, sự mong muốn có sở đắc là chướng ngại trong công phu, ở nhiều mặt: Thứ nhất, khi tọa thiền có đôi chút thanh tịnh lặng lẽ, do lòng mong cầu kết quả nên thường khởi hiện những cảnh lạ, như thấy ánh sáng, thấy chư Phật xoa đầu thọ ký, nghe tiếng Phật thuyết pháp... Người tu khởi niệm mừng, chấp cho là thật, dính mắc vào đó, có thể lầm lạc đường tu. Thứ hai, nếu ước muốn không được thỏa mãn, người tu dễ bất an rồi chán nản, nghi ngờ pháp tu, nghi ngờ khả năng thầy dạy và nghi cả chính mình. Thứ ba, nếu đạt được một kết quả nào đó, lại muốn kể cho người khác nghe. Đây là hành vi của bản ngã, không hợp với lý Đạo. Trong nhà Thiền, thầy trò chỉ hiểu nhau thầm kín; ngay đến lời khen, Thầy cũng ít khi dùng vì ngại trò tự mãn, khó tiến tu. Thứ tư, tự tánh vốn tự thanh tịnh sẵn đủ, nếu khởi niệm tìm cầu thì kết quả có được cũng chỉ là vật bên ngoài, không phải thật mình.
Vậy cuối cùng, chúng ta tu để làm gì, để được gì?
Lúc mới phát tâm, ta muốn dứt bỏ khổ đau tìm cầu an lạc, muốn bỏ bờ mê để qua bến giác. Nhưng đâu là ranh giới giữa hai bờ vức khổ đau và an lạc, giữa si mê và giác ngộ? Khi đèn bật lên, bóng tối ngàn năm tự nhiên tan biến, chứ không phải ánh đèn đẩy bóng tối đi nơi khác. Khi ánh sáng giác ngộ bừng lên, vô minh tự bao đời kiếp tự nhiên không còn hiện hữu. Tu chỉ có nghĩa là Dừng. Khi ta dừng mọi vọng tưởng lăng xăng, tự nhiên ta có an lạc. Biết mà loạn động là thức tâm phân biệt, bất động mà thường biết là Vô sư trí. Luôn luôn nó hiện tiền nơi đương xứ, làm nền móng cho những cuộc vận hành của tâm, những đổi thay của toàn pháp giới. Các pháp đủ duyên thì sinh-hiện, hết duyên lại diệt-tàn; nhưng dù sinh hay diệt vẫn ở trong bản thể bất sinh bất diệt, dù luân chuyển biến thiên nhưng vẫn luôn định vị trong thể chân thường bất biến. Các bậc giác ngộ thẩm thấu tự thể tịch lặng và hằng tri ở ngay tại đây và bây giờ, nên các Ngài tự tại trước sóng gió của cuộc đời và an nhiên trước sinh tử.
Hiểu rõ sinh tử không hề dính dáng đến tự thể chân thật hằng hữu, mà chỉ là chuyện còn mất tạm thời của biểu tướng, chúng ta thấy đời tu của mình rất có ý nghĩa. Biết đường hướng và mục đích cuối cùng, chúng ta cứ vững lòng tiến bước. Đường chúng ta đi có rất nhiều chông gai trở ngại, chướng duyên thường xuất hiện từ bên ngoài và có cả trong nội tâm, nhưng đó là những thử thách cần có để trui rèn nghị lực và ý chí của mình. Chúng ta không tự mãn với một vài kết quả có được, cũng không mang mặc cảm mình phước mỏng nghiệp dày. Nhà Thiền độc đáo ở chỗ không chú trọng nghiệp nặng hay nhẹ lúc phát tâm, vì tất cả chúng sinh đều bình đẳng ở tánh giác. Khi liễu ngộ, không thấy có nghiệp thật để trả và mình là người thật trả nghiệp, vì tánh của nghiệp vốn không. Nhưng nếu chưa liễu ngộ thì vẫn phải thọ lãnh mọi oan trái đúng lý nhân quả ba thời. Thiền sư Huyền Giác nói :
Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không
Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.
Trúc Thiên dịch:
Tỏ rồi, nghiệp chướng hóa thành không
Chưa tỏ, nợ xưa đành trang trải.
F. Trong Truyền Đăng Lục, Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài kệ như sau:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Nhạn bay qua dòng sông, bóng chìm dưới nước; nhạn không có ý lưu bóng mà sông cũng chẳng có tâm lưu ảnh. Dù cả hai đều vô tâm vô ý, nhưng thực tế vẫn có bóng nhạn dưới dòng sông. Điều này có ý nghĩa gì? - Không tâm ý mà cảnh nào hiện rõ cảnh ấy, đặc tính “phân biệt mà không phải ý” chính là sự kỳ diệu của trí tuệ Vô sư. Có phải đôi khi ngồi hóng mát, trí óc ta không suy nghĩ điều gì nhưng mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe rõ ràng hay không? Mặt nước lặng là Định, bóng nhạn hiện là Huệ; không suy nghĩ lăng xăng là Định, nghe thấy rõ ràng là Huệ. Thiền chính là Định - Huệ đồng thời.
Một số Đạo sư ngoại đạo cùng thời với Đức Phật cũng có lắm thần thông, đôi vị thấy đến 20 - 40 thành kiếp hoại kiếp về trước. Đó là nhờ sức định sâu, nhưng vì không phát huệ nên chưa phải Bảo sở. Nếu chấp vào định và an trú trong đó, hành giả có thể rơi vào trạng thái “Si định” mà nhà Thiền gọi là Tử thủy. Thiền sư Triệu Châu dạy: “Chỗ có Phật chớ trụ lại, chỗ không Phật phải khéo vượt qua”. Lời dạy của Ngài mang tính liễu nghĩa của Tối thượng thừa Thiền. Lúc công phu, thấy tâm hoàn toàn lặng lẽ thanh tịnh (chỗ có Phật) ta không nên chấp trụ vào đó. Nếu khởi niệm “ta không còn chấp trước” (vừa khởi niệm là đã ở chỗ không Phật), cũng phải biết là vọng mà buông bỏ. Khéo hiểu lời dạy của chư Tổ, ta không vướng mắc vào sự thủ đắc thủ chứng trong công phu, vào các tầng Thiền định Hóa thành, tiếp tục đột phá vào tận cùng sâu thẳm bổn tịch bổn tri. Bổn tịch vốn thường tịch lặng nên không miễn cưỡng vào định, bổn tri vốn hằng giác nên không miễn cưỡng thêm hiểu biết. Quán triệt những điều khó nói khó hiểu trên đây, chúng ta sẽ tiến nhanh trên đường Đạo, dù chưa hoàn toàn sống với bản tâm, nhưng tự nhiên có sự khế hợp trong lối sống và phong cách. Phiền não kiết sử ta vẫn còn như mọi người , nhưng khi hiểu lẽ thật rồi, ta thấy phiền não tự tánh vốn là không; và gương tâm ta tuy bị bụi bám đầy, nhưng tánh lặng lẽ sáng soi vẫn hằng hiện hữu. Từ đó, ta có sự an lạc nội tại, để khi gặp cơn nguy biến hay nghịch cảnh chướng duyên, thậm chí ngay cơn hấp hối, ta vẫn giữ chánh niệm, tỉnh giác nhận diện và chuyển hóa từng động thái của thân tâm.
Tổ Lâm Tế nói: “Ngoài chẳng nhận phàm Thánh, trong chẳng trụ căn bản”. Đây là lối phá chấp triệt để của Bát-Nhã. Chúng ta thường có tâm phân biệt tốt-xấu, thiện-ác, Thánh-phàm..., trụ trước vào đó nên khó bề giải thoát. Tổ dạy, không những bên ngoài đừng vướng mắc hai bên, mà cảnh giới thanh tịnh bên trong cũng không để bị lôi dẫn. Như thế mới là Đạo nhân vô y, hoàn toàn không nương tựa vào điều gì, kể cả vào sự chứng đạt của chính mình. Quét sạch tạo tác đến tận căn để, tâm hoàn toàn vắng lặng nhưng rõ ràng thường biết - đây là chỗ bất khả tư nghì chỉ tự mình thầm nhận. Và từ tâm thể bất tư nghì ấy, khởi phát diệu dụng là Vô sư trí. Diệu dụng, tức mặt trăng thứ hai nói theo kinh Lăng Nghiêm, được nhà Thiền diễn đạt bằng những hình ảnh lạ lùng: sáo không lỗ, đàn không dây, tiếng vỗ của một bàn tay... Lúc chưa đủ duyên thì ẩn tàng, khi đủ duyên sẽ phát ra “âm thanh”, lưu nhuận lưu ích cho muôn loài. Cũng như Đức Phật ứng hóa thân là vị Thái tử xuất gia tu hành thành đạo, suốt 49 năm giáo hóa chúng sinh, nhờ đó chánh pháp lưu truyền mãi đến ngàn sau. Đây là Sanh thân, thuộc Tích môn. Còn Đức Phật Pháp thân xuất ly sinh tử thì chưa từng xuất hiện ở đời, chưa từng giáo hóa, chưa từng nhập diệt, không từ đâu đến cũng chẳng về đâu. Đây là Pháp thân, tức lý tánh tuyệt đối, thuộc Chân như môn, Bản môn.
Hiểu như thế, ta mới thấy rõ hình tượng của tạo chủ (người sáng thế) và tạo vật (vũ trụ vạn pháp) muốn diễn tả điều gì. Ta cũng hiểu những hình ảnh lung linh huyền diệu dùng nhân cách hóa lý tánh tuyệt đối. Ví như biểu tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn: Quan Âm là Phản văn văn tự tánh. Trở về với Tánh thấy là thấy cùng khắp pháp giới, tức có đại trí thấu rõ lẽ thật (thiên nhãn); từ đó phát đại nguyện cứu độ muôn loài chúng sinh (thiên thủ). Sau khi viên mãn công phu Nhĩ căn viên thông, thể nhập Tánh nghe vượt qua năm ấm, Bồ tát Quan Âm thị hiện 32 ứng hóa thân đi vào cuộc đời.
Nhà Thiền có câu: “Thủy lưu qui đại hải, Nguyệt lạc bất ly thiên”. Nước dù chảy đi đâu, cuối cùng cũng về biển cả; trăng lặn ở đâu, cũng không ra khỏi bầu trời. Thân năm uẩn của chúng ta là hình tướng báo thân tùy nghiệp thọ sanh, nhưng sanh tử bao lần vẫn không ngoài thể tánh chân như bất biến. Các bậc Bồ tát sống trong thể tánh chân như ấy, nhưng do hạnh nguyện độ sanh mà vào thế giới sai biệt, giáo hóa muôn loài.
Chúng ta tu Thiền, học theo hạnh nguyện Bồ tát, muốn có sự bình ổn nội tâm và chan rải sự bình ổn ấy cho người. Nhưng đi tìm bình ổn ở đâu? Nhiều người gặp cảnh bất như ý, đi tìm quên lãng trong các thú vui thế tục; người có đạo tâm tìm nguồn an ủi nơi cảnh chùa. Nhưng hạt giống khổ đau nằm sẵn trong tàng thức, gặp dịp lại trồi lên, nên đến nơi nào cũng vẫn thấy khổ đau phiền não. Bởi vì, chúng ta có thể chạy trốn hoàn cảnh hiện thời, chạy trốn mọi người, chứ không thể chạy trốn bản thân. Vì thế, điều thiết yếu là phải trực diện với phiền não bằng chánh niệm tỉnh giác. Khi lắng sâu tâm thức để trực nhận chính mình, vọng tưởng không còn cơ hội lẫy lừng, ta có thể thấu suốt tận cùng bản chất của phiền não, và cuối cùng chuyển hóa chúng. Hạnh phúc đích thực chỉ hiện hữu khi ta trọn vẹn có bình an tự nội, mà sự bình an ấy là do trí tuệ trong công phu, nhận ra mọi khổ đau đều không có thật. Nói cách khác, nhờ Vô sư trí quán triệt vạn pháp đều không, hành giả vượt thoát tất cả mọi khổ nạn.
Lão tử nói: “Học thì ngày càng thêm, Đạo thì ngày càng bớt”. Học hỏi kinh nghiệm tri thức bên ngoài là trí tuệ hữu sư, càng học càng nặng thêm kiến giải. Ngược lại, càng có công phu tu hành thì càng bớt phân tích lý luận, bớt phiền não kiết sử, bớt nhân ngã thị phi. Khi hành trì, nếu có vài kết quả, cũng phải buông xả để tâm hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh, đó mới khế hợp đạo lý. Cuộc đời nhiều khổ hơn vui, nhưng người có định lực thì dù thân khổ mà tâm không khổ, dù bị dập vùi vẫn hiên ngang đi tới. Với khí lực ấy, với sức mạnh tinh thần ấy, hành giả vững bước trên đường đạo và đường đời, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho những người chung quanh. Hình ảnh Địa Tạng Vương nơi địa ngục, Diệm Nhiên Vương (hóa thân của Bồ tát Quan Ââm) nơi cõi Ngạ quỷ... là những hình ảnh huyền nhiệm và tấm gương sáng chói nhất về hạnh nguyện trục loại tùy hình làm lợi ích cho chúng sinh.