Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

02 Chương Vii (Tiếp Theo)

Tuesday, October 26, 201000:00(View: 5828)
02 Chương Vii (Tiếp Theo)

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TIỂU BỘ TẬP VII
Khuddhaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (IV) Jàtaka

407. Chuyện Đại Hầu Vương (Tiền thân Mahàkapi)

Chính thân ngài đã bắt ngang cầu khỉ...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về các thiện nghiệp đối với thân quyến. Hoàn cảnh chuyện này sẽ xuất hiện trong tiền thân Bhaddasàla, số 444.

Tăng chúng bắt đầu bàn luận trong Chánh pháp đường, bảo nhau:

- Đức Phật Toàn Giác đã làm nhiều thiện sự đối với thân quyến.

Khi Bậc Đạo Sư hỏi Tăng chúng và được trình bày đề tài trên, Ngài đáp:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai làm thiện nghiệp đối với thân quyến.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai loài khỉ. Khi lớn lên, ngài có vóc dáng oai nghi lực lưỡng và cường tráng, cùng sống với một đàn tám mươi ngàn con khỉ ở Tuyết Sơn.

Gần bờ sông Hằng có một cây xoài (nhiều người khác bảo là cây đa) với nhánh chồi tỏa bóng mát và lá rậm rạp như một đỉnh núi. Trái xoài ngọt có mùi hương và vị tuyệt diệu, to bằng các bình nước. Trái từ một cành rơi xuống đất, từ một nhánh khác rơi xuống sông Hồng, từ hai nhánh khác rơi vào gốc cây.

Trong lúc ăn xoài cùng với loài khỉ, Bồ-tát nghĩ thầm: "Một ngày kia tai họa sẽ xảy đến cho ta do trái xoài rơi xuống nước".

Vì thế không để lại trái xoài nào trên cành cây mọc trên bờ sông, ngài bảo bọn chúng ăn hết hoặc ném bỏ hoa đúng mùa ngay từ khi nụ hoa mới nhú bằng hột đậu.

Tuy thế, một xoài chín nằm kín trong một tổ kiến, nên cả tám mươi ngàn con khỉ không trông thấy, rớt xuống dòng sông và mắc vào cái lưới ở phía trên vua Ba-la-nại lúc ấy đang tắm sông vui đùa với một tấm lưới ở trên và một tấm ở dưới.

Khi vua đã vui đùa suốt ngày và sắp ra về lúc chiều tối, bọn người đánh cá đang kéo lưới lên, trông thấy trái cây, nhưng không biết loại gì, liền đem dâng vua, vua hỏi:

- Trái gì thế?

- Tâu Đại vương, chúng thần không biết.

- Thế ai biết?

- Tâu Đại vương, các người kiểm lâm.

Vua truyền gọi bọn người kiểm lâm và khi nghe họ bảo đó là trái xoài, vua lấy dao cắt nó ra, rồi trước hết bảo bọn kiểm lâm ăn xoài, sau đó chính nhà vua cũng ăn xoài. Hương vị xoài chín thấm nhuần khắp toàn thân vua. Do lòng ham muốn hương vị câu thúc, vua hỏi bọn kiểm lâm cây ấy ở đâu, và khi nghe rằng cây ấy ở trên bờ sông về hướng Tuyết Sơn, vua truyền ráp các chiếc bè lại và chèo ngược lên thượng nguồn của sông theo lộ trình được đám kiểm lâm hướng dẫn. Số ngày đi đường chính xác là bao nhiêu không được nêu ra.

Theo thời gian, họ đến nơi ấy, và bọn kiểm lâm trình vua:

- Tâu Đại vương đó là cây xoài.

Vua dừng bè lại và cùng đám quần thần đông đảo đi bộ đến nơi, rồi truyền trải sàng tọa ngay dưới gốc cây, vua nằm ngủ sau khi đã ăn xoài và hưởng đủ mọi thứ hương vị tuyệt hảo. Khắp mọi phía quân lính canh gác cẩn thận và nhóm lửa lên. Khi mọi người đã ngủ yên, Bồ-tát cùng bầy khỉ đến đó lúc nửa đêm.

Tám mươi ngàn con khỉ chuyền từ cành nọ sang cành kia ăn xoài. Vua tỉnh giấc thấy bầy khỉ, liền đánh thức quân hầu và gọi đám xạ thủ đến bảo:

- Hãy bao vây loài khỉ đang ăn xoài để chúng không thoát được, rồi bắn cả đi. Ngày mai ta muốn ăn xoài với thịt khỉ.

Đám xạ thủ tuân lệnh, đồng đáp:

- Muôn tâu, được lắm.

Rồi họ bao vây cả cây với cung tên sẵn sàng.

Bầy khỉ thấy họ, sợ chết vì chúng không thể trốn được, liền nhảy đến Bồ-tát và thưa:

- Tâu Đại vương, các xạ thủ đang vây quanh cây và bảo: "Ta sẽ bắn chết loài khỉ lang thang trộm cắp này". Chúng con phải làm gì bây giờ?

Chúng vừa đứng vừa run rẩy.

Bồ-tát bảo:

- Đừng sợ, ta sẽ cứu mạng các con.

Vừa an ủi bầy khỉ như vậy xong, ngài leo lên một cành mọc thẳng đứng, rồi đi qua một cành khác dài về phía sông Hằng, xong lại nhảy vọt về cuối cành ấy, vượt qua một trăm tầm cung và hạ xuống một bụi cây trên bờ.

Khi xuống đến nơi, ngài đánh dấu khoảng cách và nói: "Đó là khoảng cách ta đã vượt qua". Rồi cắt một đọt tre sát gốc, lột vỏ và nói:

- Phần này sẽ được buộc vào cây ấy, và phần kia sẽ ở trên không.

Khi tính hai chiều dài như vậy, ngài quên phần buộc vào thắt lưng mình. Ngài cầm đọt tre buộc một đầu vào thân cây trên bờ sông Hằng và phần kia vào thắt lưng, sau đó nhảy vọt qua khoảng cách một trăm tầm cung ấy với tốc độ của mây bay theo gió cuốn.

Do không tính phần tre buộc vào thân mình, ngài không tới tận cây ấy. Vì vậy ngài lấy hai tay nắm chặt cành cây và ra hiệu cho cả đàn khỉ:

- Cầu chúc các con may mắn, qua nhanh lên, bước trên lưng ta mà đi dọc theo cây tre.

Cả tám mươi ngàn con khỉ trốn thoát được theo cách ấy, sau khi cung kính đảnh lễ Bồ-tát, xin phép ngài ra đi.

Thời ấy Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) là một con khỉ trong đàn kia tự nhủ: "Đây là cơ hội để ta thanh toán kẻ thù".

Vì thế vừa trèo lên cây, nó nhảy vọt và ngã trên lưng Bồ-tát. Tim Bồ-tát như muốn vỡ nát, vô cùng đau đớn. Sau khi gây ra nỗi đau khổ thống thiết cho ngài như vậy, nó liền bỏ đi, chỉ còn Bồ-tát một mình.

Lúc ấy vua tỉnh giấc thấy rõ mọi việc bầy khỉ đã làm cùng Bồ-tát, vua lại nằm xuống suy nghĩ: "Con vật này không kể đến tính mạng mình, đã cứu thoát cho cả đàn bình an".

Khi trời sáng, vua hoan hỷ về Bồ-tát, lại suy nghĩ: "Giết hại chúa khỉ này thật không phải đạo, ta muốn đem nó xuống và săn sóc nó". Vì vậy vua quay bè xuống sông Hằng và dựng một cầu cao ở đó để Bồ-tát nhảy xuống nhẹ nhàng, truyền đem tấm y vàng phủ trên lưng ngài và tắm rửa ngài trên sông, cho ngài uống nước đường, lau thân thể ngài thật sạch và tẩm dầu thơm đã lọc kỹ cả ngàn lần, sau đó trải một tấm da đã được thoa dầu lên sàng tọa và đặt ngài nằm ở đó, còn vua ngồi ở một chỗ thấp hơn.

Và vua ngâm vần kệ đầu:

1. Chính thân ngài đã bắt ngang cầu khỉ
Cho cả đàn trốn thoát được bình an,
Này khỉ kia, ngài với chúng họ hàng,
Hay bọn chúng là gì ngài đó vậy?

Nghe lời này, Bồ-tát ngâm các vần kệ khuyến giáo vua:

2. Tâu Đại vương, tôi trông nom bọn ấy,
Là Hầu vương, tôi làm chủ cả đàn,
Khi bọn kia đầy rẫy nỗi kinh hoàng
Vì các vị, lòng lo buồn đau đớn.

3. Tôi nhảy qua một trăm tầm cung lớn
Được trải dài trên vị trí nằm ngang,
Rồi khi tôi đã buộc khúc tre non
Thật vững chắc ở quanh sườn tôi đó,

4. Muốn đến cây như vầng mây bão tố
Được cuồng phong thổi bạt cực kỳ nhanh,
Song mất đà, tôi chỉ đến đầu cành,
Cầm lấy nó, bàn tay tôi thật vững.

5. Khi tôi nằm trên cây treo lơ lửng
Buộc chặt vào cành với khúc tre non,
Bầy khỉ kia đã bước cả lưng còm,
Giờ đây chúng được an toàn thoát nạn.

6. Tôi không sợ nỗi đau vì thiệt mạng,
Dẫu giam cầm tôi cũng chẳng đau buồn.
Khi bình an hạnh phúc với cả đàn,
Xưa bọn chúng, tôi đã từng cai trị.

7. Một ví dụ dành cho ngài, Đại đế,
Nếu ngài mong học Đạo lý Chánh chân:
Niềm an vui hạnh phúc của toàn dân,
Cùng quân đội, và kinh thành, chiến mã,
Đối với ngài đều thiết thân tất cả,
Nếu ngài mong trị nước thật an bình.

Bồ-tát giáo huấn vua như thế xong liền từ trần. Vua gọi các đại thần đến truyền lệnh cho Hầu vương được thọ hưởng tang lễ như một quốc vương. Rồi vua truyền bảo đám phi tần:

- Các nàng hãy đưa Hầu vương ra tận nghĩa địa với tư cách là đoàn tùy tùng của Hầu vương, mặc y đỏ, xõa tóc xuống và cầm đuốc trong tay.

Các đại thần làm dàn hỏa táng với một trăm xe củi.

Sau khi đã chuẩn bị tang lễ của Bồ-tát theo nghi thức vua chúa, họ đem xương sọ của ngài đến trình vua. Vua truyền xây một đền thờ ở tại địa điểm hỏa táng Bồ-tát, làm lễ đốt đuốc và dâng hương hoa cúng dường. Vua lại truyền khảm vàng vào xương sọ, nâng nó lên cao trên đầu ngọn giáo và đặt tại cổng thành rồi cúng dường hương hoa khi vua đến Ba-la-nại. Sau đó truyền lệnh cho cả kinh thành trang hoàng thật trang nghiêm, nhà vua làm lễ suy tôn-xá lợi suốt bảy ngày.

Khi đã nhận phần xá-lợi và dựng đền thờ trong thành, vua đến đó cúng dường hương hoa suốt đời. Được an trú vào lời dạy của Bồ-tát, vua chuyên tâm bố thí cùng làm nhiều thiện sự khác và cai trị chân chánh nên về sau tái sinh thiên giới.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự thậtnhận diện tiền thân:

- Thời ấy vua là Ànanda, đàn khỉ là Hội chúng này và Hầu vương chính là Ta.

-ooOoo-

408. Chuyện Người Thợ Gốm (Tiền thân Kumbhakàra)

Cây xoài ta thấy ở rừng xanh...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Hoàn cảnh câu chuyện xuất hiện trong tiền thân Pàniya, số 459.

Thời ấy tại Xá-vệ có năm trăm người bạn cùng xuất gia tụ tập, an trú tại Tinh xá trên con Đường Lát Vàng (tức Kỳ Viên), lại khởi lên dục tưởng lúc nửa đêm. Bậc Đạo Sư quan sát các đệ tử ba lần ban đêm và ba lần ban ngày, tức sáu lần suốt ngày đêm, như chim dẻ cùi ấp trứng, như bò yak gìn giữ cái đuôi, như bà mẹ chăm sóc đứa con yêu quý, như người chột canh chừng con mắt còn lại. Vì vậy Ngài khiển trách ngay khi lỗi lầm vừa sinh khởi. Nửa đêm hôm ấy Ngài quan sát Kỳ Viên và biết tâm tư của chúng Tăng, Ngài suy nghĩ: "Nếu lỗi lầm này tăng trưởng giữa Tăng chúng, nó sẽ hủy hoại đời Phạm hạnh đưa đến Thánh quả. Ta muốn khiển trách lỗi lầm này ngay bây giờ và nêu rõ đời Phạm hạnh".

Thế rồi Ngài rời Hương Phòng và gọi Tôn giả Àanda, truyền Tôn giả triệu tập chư Tăng tại đó đến họp lại và Ngài ngồi xuống sàng tọa đã soạn sẵn cho đức Phật. Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, sống dưới sức chi phối của các dục tưởng là không chân chánh; nếu tham dục tăng trưởng sẽ gây họa lớn như một địch thủ. Mỗi Tỷ-kheo phải khiển trách một lỗi lầm dù nhỏ nhặt. Các trí nhân ngày xưa thấy rõ ngay cả mọi duyên cớ thật nhỏ, nên đã khiển trách mọi dục tưởng khi vừa mới khởi sinh, do vậy đã đắc quả Độc Giác Phật.

Nói xong, ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình thợ gốm ở ngoại ô Ba-la-nại. Khi lớn lên, ngài thành gia chủ có một con trai, một con gái và nuôi dưỡng vợ con với nghề gốm của ngài.

Thời ấy tại vương quốc Kalinga, trong kinh thành Dantapura, quốc vương mệnh danh Karandu đang dạo chơi với quần thần đông đảo trong ngự viên, chợt thấy ở cổng vườn một cây xoài nặng trĩu quả ngọt.

Từ trên lưng voi, vua đưa tay ra hái một chùm xoài, sau đó vào ngự viên ngồi trên bảo tọa ăn xoài và ban vài trái cho những kẻ được ân sủng. Từ khi vua hái xoài, đám triều thần, Bà-la-môn, gia chủ nghĩ rằng người khác cũng nên làm như thế, họ hái xoài xuống và ăn trái cây ấy. Sau đó họ đến nhiều lần trèo cây lấy gậy đập vào làm gãy cành lá tả tơi, họ ăn xoài và cũng không chừa lại những trái chưa chín.

Vua vui chơi trong ngự viên suốt ngày mãi tận chiều, đi ngang qua trên vương tượng, ngài bước xuống khi thấy cây xoài và đến gốc cây nhìn lên, suy nghĩ: "Sáng này cây tươi đẹp với cành nặng trĩu quả, nhưng đám người ngắm cảnh không thỏa mãn; nay, nó đứng kia không còn tươi đẹp nữa vì trái cây đã bị phá nát và rớt xuống hết rồi".

Vua lại nhìn sang một cây kia không có trái và suy nghĩ: "Cây xoài này tươi tốt vì không sinh trái khác nào núi trọc chứa đầy châu báu. Cây kia vì sinh trái nên đã gặp tai họa: Đời sống tại gia cũng giống như cây có trái, đời xuất gia giống như cây không trái, người giàu tiền hay sợ hãi, người nghèo khó chẳng sợ gì. Ta cũng chỉ muốn như cây không trái kia".

Như vậy lấy cây sinh trái làm chủ đề, ngài đứng dưới gốc cây, quan sát Ba đặc tính: Vô thường, Khổ, Vô ngã và đạt Tuệ giác; ngài đắc quả Độc Giác Phật, liền suy nghĩ: "Từ nay thai tạng đã xa rời ta, tái sinh trong Ba cõi đã đoạn tận, các cấu uế của vòng luân hồi sinh tử đã được thanh tịnh, biển nước mắt đã khô cạn, thành xương khô đã sụp đổ, ta không còn tái sinh nữa". Ngài đứng uy nghi như thể được trang điểm mọi thứ ngọc vàng.

Sau đó các đại thần bảo:

- Tâu Đại vương, ngài đứng đã quá lâu.

- Ta không phải Đại vương, ta là Độc Giác Phật.

- Tâu Đại vương, các Độc Giác Phật không giống ngài.

- Thế thì các vị ấy ra sao?

- Râu tóc các ngài được cạo sạch, các Ngài khoác y vàng, không còn lưu luyến gia đình bộ tộc, các ngài như mây trôi theo gió cuốn hay mặt trăng thoát khỏi thần Ràhu, và các Ngài an trú trên Tuyết Sơn, ở động Nandamùla. Tâu Đại vương, các Ngài Độc Giác Phật là như vậy.

Ngay lúc ấy vua đưa tay lên sờ đầu lập tức các dấu hiệu của một gia chủ biến mất, và các dấu hiệu của một Sa-môn xuất hiện:

Bộ ba y, bình bát, với kim may,
Lưỡi dao cạo, đồ lọc nước, dây đai
Là tám món một Sa-môn cần có.

Tám món cần thiết của một Sa-môn như chúng vẫn thường được gọi, đã dính chặt vào thân Ngài. Đương trên không, Ngài thuyết Pháp cho quần thần rồi bay qua bầu trời đến sơn động Nandamùla trên miền thượng Tuyết Sơn.

Trong quốc độ Candahar ở kinh thành Takkasilà, vị vua mệnh danh Naggaji ngự trên thượng lầu, giữa vương sàng, thấy một nữ nhân đeo vòng ngọc trên một tay, đang xay hương liệu gần đó, vua suy nghĩ: "Các vòng ngọc này không cọ xát hoặc kêu leng keng khi rời nhau", và cứ ngắm nghía nàng ấy mãi. Sau đó, nàng ấy đặt chiếc vòng từ tay phải sang tay trái và dùng tay phải thu góp hương liệu rồi bắt đầu xay tiếp. Chiếc vòng trên tay trái chạm vào chiếc vòng kia gây tiếng động.

Vua quan sát hai chiếc vòng cọ xát vào nhau, gây âm thanh, liền suy nghĩ: "Vòng ấy khi để riêng không chạm vào vật gì cả, nay đụng vào vòng thứ hai gây tiếng động, khi hai ba chiếc vòng chạm nhau tạo thành tiếng ồn lớn. Nay ta trị thần dân ở hai quốc độ Cashmere và Candahar, ta cũng cần phải ở riêng như chiếc vòng độc nhất để tự trị chứ không trị kẻ khác nữa". Như vậy lấy việc cọ xát hai chiếc vòng làm chủ đề, trong lúc ngồi đó, vua nhận thức Ba đặc tính trên và đạt Tuệ giác, đắc quả Độc Giác Phật. Phần cuối câu chuyện cũng như trên.

Trong quốc độ Videha, tại thành Mithilà, quốc vương mệnh danh Nimi, sau buổi điểm tâm, được các triều thần chầu quanh mình, đứng nhìn xuống đường phố qua cửa sổ hoàng cung mở rộng. Một con diều hâu sau khi chụp được miếng thịt từ chợ, đang bay vụt trên không. Một vài con kên kên và các thứ chim khác, vây lấy diều hâu mọi phía, liên tiếp lấy mỏ mổ vào, lấy cánh đập và lấy chân đạp con kia để dành miếng thịt. Không chịu để cho chúng giết, diều hâu đành thả miếng thịt, một chim khác chụp ngay lấy, và bọn chúng lại mổ con kia như trước. Vua thấy bầy chim, suy nghĩ: "Ai lấy miếng thịt, khổ đau đến với kẻ ấy; ai bỏ miếng thịt, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Ai hưởng năm dục lạc, khổ đau đến với kẻ ấy; ai bỏ năm dục lạc, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Nay ta có mười sáu ngàn cung nữ, ta cần phải sống trong hạnh phúc sau khi từ bỏ năm dục lạc như diều hâu bỏ miếng thịt".

Quan sát việc này với trí tuệ, ngay khi đứng tại đó, vua nhận thức ba đặc tính trên, chứng đắc Tuệ giácthành đạt viên trí của quả Độc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.

Trong vương quốc Uttarapãncàla, tại kinh thành Kampilla, vị vua mệnh danh Dummukha, sau buổi điểm tâm, được trang điểm các món châu báu và quần thần vây quanh, đứng nhìn xuống sân chầu qua cửa sổ. Vào lúc ấy, có người mở cửa chuồng bò. Các bò đực từ trong chuồng đang chạy theo một con bò cái, một con bò đực lớn với cái sừng nhọn chợt thấy một con đực khác chạy đến, liền ghen tức lấy sừng nhọn đâm vào hông con kia. Do bị húc quá mạnh, nó đổ ruột ra ngoài chết ngay tại chỗ. Vua thấy cảnh này, suy nghĩ: "Mọi loài từ súc vật trở lên đều chịu khổ đau vì lòng dục, con bò này vì lòng dục phải chịu chết. Mọi loài khác đều bị tham dục gây phiền lụy. Ta cần bỏ hết mọi tham dục làm phiền lụy mọi loài".

Như vậy trong lúc đang đứng, vua nhận thức Ba đặc tính trên, chứng đắc Tuệ giácthành đạt Viên trí của quả Độc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.

Sau đó, một hôm, bốn vị Độc Giác Phật, xét thấy đến thời đi khất thực liền rời động Nandamùla, sau khi chùi sạch răng bằng cách nhai cau tại hồ Anotatta, và sau khi đã hoàn tất mọi nhu cầu vệ sinh xong, các vị mang y bát dùng thần thông bay lên không, lướt qua các đám mây ngũ sắc, rồi hạ xuống không xa một ngoại ô của Ba-la-nại.

Tại một địa điểm tiện lợi, các vị khoác y, cầm bình bát đi vào vùng ngoại ô khất thực cho đến khi dừng lại trước cửa nhà Bồ-tát. Bồ-tát thấy các vị lòng hoan hỷ mời vào nhà ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, ngài rót nước cung nghênh và đãi các món thượng vị đủ loại cứng và mềm. Sau đó ngồi một bên, ngài kính chào vị trưởng thượng và nói:

- Thưa Tôn giả, đời tu hành của ngài quả thật tốt đẹp, các căn của Ngài thật an tịnh, làn da của Ngài thật trong sáng. Chủ đề suy tư gì đã khiến Ngài khởi đầu đời sống tu hành và xuất gia?

Cả bốn vị liền đáp:

- Tôi trước kia có tên như vậy, làm vua ở tại kinh thành nọ trong quốc độ kia...

Đại khái như thế và theo cách này mỗi vị lần lượt ngâm vần kệ nêu nguyên nhân giã từ thế tục của mình:

1. Cây xoài ta thấy ở rừng xanh,
Đen rậm, cao to, trái trĩu cành,
Vì trái, con người đà phá gãy,
Lòng ta chính thế muốn cầm bình.

2. Vòng sáng nhờ tay thợ nổi danh,
Người đeo một chiếc chẳng âm thanh,
Chiếc kia va chạm gây huyên náo,
Vì thế lòng ta muốn chiếc bình.

3. Đàn chim xâu xé vật cô thân,
Đơn độc mang theo miếng thịt ăn,
Chim bị đánh đau vì miếng thịt,
Lòng ta chính thế muốn ly trần.

4. Bò đực kiêu căng giữa đám bò
Vươn lưng, khỏe đẹp, bước chân ra,
Chết vì lòng dục: sườn đâm mạnh,
Do vậy lòng ta muốn xuất gia.

Bồ-tát nghe mỗi vần kệ đều nói:

- Tốt lành thay, thưa Tôn giả, chủ đề của Ngài thật thích hợp.

Và như vậy ngài tán thán mỗi vị Độc Giác Phật. Sau khi nghe các vị thuyết Pháp, ngài trở nên chán ngán đời sống tại gia.

Khi các vị ra đi, sau buổi điểm tâm, ngài ngồi thư thái, gọi vợ lại bảo:

- Này hiền thê, bốn vị Độc Giác Phật rời bỏ vương quốc trở thành Sa-môn nay sống không lỗi lầm, không chướng ngại, hưởng niềm cực lạc của đời tu hành. Trong lúc ấy ta phải tìm kế sinh nhai qua ngày. Ta còn phải làm gì với đời gia chủ nữa? Xin nàng nuôi các con và ở lại nhà.

Rồi ngài ngâm hai vần kệ:

5. Vua Ka-ran-du xứ Ka-lin-ga,
Vua Nag-gà-ji xứ Gan-dhà-ra,
Vua Dum-mu-kha xứ Pan-cà-la,
Đại đế Ni-mi xứ Vi-de-ha,
Tất cả các ngài rời bảo tọa,
Sống không lầm lỗi, giã từ nhà.

6. Các ngài trông dáng tựa Thiên thần,
Chẳng khác nào vầng lửa sáng bừng,
Ta cũng muốn ra đi tiến bước
Xa lìa mọi vật thế nhân mong.

Nghe lời ngài, bà vợ đáp:

- Này phu quân, từ khi thiếp nghe Giáo pháp của các vị Độc Giác Phật, thiếp cũng không muốn ở trong nhà nữa.

Và bà ngâm kệ:

7. Thời cơ thiếp biết chính là đây,
Chẳng có Đạo Sư hơn các ngài,
Chàng hỡi, thiếp mong xuất thế nữa,
Như con chim được thoát bàn tay.

Bồ-tát nghe lời bà nói liền yên lặng, Bà vợ nôn nóng xuất gia tu hành trước ngài, và đang muốn đánh lừa ngài, liền giả vờ nói:

- Này phu quân, thiếp sắp ra hồ nước, chàng hãy chăm nom các con.

Rồi bà cầm chiếc bình như thể đi đến đó và bà đi thẳng đến các vị ẩn sĩ ngoại thành xin truyền giới xuất gia. Bồ-tát không thấy bà trở về, đành phải tự tay chăm sóc các con.

Về sau chúng lớn khôn hơn một chút và tự chúng có thể hiểu biết đôi chút, ngài muốn dạy chúng nấu cơm, nên ngài thường nấu một ngày cơm hơi cứng và sống, một ngày cơm hơi sống, một ngày cơm chín, một ngày cơm nhão, một ngày không có muối, một ngày quá nhiều muối. Bầy trẻ nói:

- Cha ơi, hôm nay cơm chưa chín, hôm nay cơm nhão, hôm nay không có muối, hôm nay quá nhiều muối.

Bồ-tát đáp:

- Đúng vậy, các con thân yêu.

Rồi Ngài suy nghĩ: "Các con nay đã biết cơm nào sống, cơm nào chín, cơm nào có muối, cơm nào không: thế là chúng có thể sống riêng đời chúng rồi. Ta cần phải xuất gia". Sau đó, ngài đưa chúng đến gặp đám thân quyến xong, ngài liền xuất gia tu hành, cư trú ở ngoại thành. Một hôm vị nữ tu khổ hạnh đi khất thực ở Ba-la-nại thấy ngài, liền kính chào và nói:

- Thưa Tôn giả, tôi chắc tôn giả đã giết bầy trẻ rồi.

Bồ-tát đáp:

- Ta không giết bầy trẻ, khi chúng có thể tự mình biết việc, ta mới xuất gia. Còn bà đã không quan tâm đến chúng và vui lòng với việc xuất gia trước ta.

Rồi ngài ngâm vần kệ cuối cùng:

8. Thấy con biết mặn, nhạt khi ăn,
Cơm sống, chín, ta đã bước chân,
Nay để yên ta, người một nẻo,
Ta cùng theo Giáo pháp chân nhân.

Khuyến giáo vị nữ tu khổ hạnh như vậy xong, ngài từ giã bà. Bà nhận lời khuyến giáo ấy, kính bái Bồ-tát và đi đến một nơi vừa ý.

Sau ngày ấy, hai vị không bao giờ gặp lại nhau. Bồ-tát chứng đắc Thắng trí được tái sinh lên Phạm thiên giới.

*

Sau Pháp thoại, Bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự thật. Khi các Sự thật kết thúc, năm trăm Tỷ-kheo đắc Thánh quả (A-la-hán.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy con gái là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), con trai là Ràhula (La-hầu-la), nữ tu sĩmẫu thân Rahula và nhà khổ hạnh ấy chính là Ta.

-ooOoo-

409. Chuyện Vua Dalhadhamma (Tiền thân Dalhadhamma)

Chính con khuân vác tự ngày xanh...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại rừng Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều-thưởng-di) về Bhaddavatika, con voi cái của vua Udena.

Bấy giờ cách con voi này được trang điểm vàng ngọc và dòng họ vua Udena sẽ xuất hiện trong tiền thân Màtanga, số 497. Một hôm con voi này ra ngoại thành sáng sớm gặp đức Phật được Thánh chúng vây quanh, trong vẻ oai nghi tối thượng của một bậc Giác Ngộ, đang vào thành khất thực, nó quỳ xuống chân đức Như Lai, than khóc và cầu khẩn Ngài:

- Bạch Thế Tôn, bậc toàn tri kiến, vị cứu khổ toàn thế giới, khi con còn trẻ và có khả năng làm việc, vua Udena, một vị minh quân đã thương yêu con và bảo: "Đời sống của ta cùng vương quốc và Hoàng hậu đều nhờ nó tất cả". Rồi ngài ban cho con đại vinh hiển bằng cách trang điểm mọi thứ vàng ngọc, ngài truyền trát chuồng voi với đất trộn hương liệu, treo các đồ vật có màu sắc rực rỡ chung quanh, thắp đèn với dầu thơm, đặt dĩa trầm xông tại đó, ngài lại truyền đặt một chậu bằng vàng tại chỗ con đại tiện, cho con đứng trên thảm màu và cho con ăn toàn cao lương thượng vị của vua. Nay con đã già và không làm việc được nữa, nên ngài tước bỏ mọi đặc ân ấy, con sống bơ vơ khốn khổ không ai bảo vệ chăm sóc, chỉ ăn toàn quả ketaka trong rừng, con chẳng có nơi nương tựa nào nữa. Xin Thế Tôn nói cho vua Udena nghĩ lại các công đức của con và phục hồi mọi vinh quang cũ cho con".

Bậc Đạo Sư bảo:

- Con hãy đi về, rồi ta sẽ nói với vua phục hồi mọi vinh quang cũ cho con.

Sau đó ngài đi đến cửa hoàng cung.

Vua mời đức Phật vào, thiết đãi trọng thể tất cả hội chúng theo hầu đức Phật.

Khi buổi thọ thực đã xong, Bậc Đạo Sư nói lời tùy hỷ công đức và hỏi:

- Thưa Đại vương, con voi Bhaddavatikà đâu rồi?

- Bạch Thế Tôn, trẫm không biết.

- Thưa Đại vương, sau khi ban vinh hiển cho đám nô tỳ, ngài tước bỏ mọi ân huệ lúc chúng già là không phải đạo, vậy cần tỏ lòng biết ân chúng. Bhaddavatikà nay đã già, mòn mỏi vì tuổi tác và không được ai bảo vệ, chỉ sống bằng trái cây ketaka trong rừng. Đại vương để cho nó bơ vơ như vậy lúc già yếu là không hợp lý.

Rồi kể các công đức của con voi Bhaddavatikà, Ngài bảo:

- Đại vương hãy phục hồi mọi vinh quang cũ của nó.

Xong Ngài ra đi. Vua làm theo lời Ngài. Cả kinh thành truyền tin rằng vinh quang cũ của con voi đã được phục hồi nhờ đức Phật kể lại mọi công đức của nó.

Việc này được Tăng chúng biết và chư vị bàn luận trong lúc hội họp. Bậc Đạo Sư bước vào và khi nghe đây là đề tài của các vị, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu Như Lai làm cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ bằng cách kể các công đức của nó.

Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa có một vị vua mệnh danh Dalhadhamma cai trị tại Ba-la-nại. Thời ấy Bồ-tát thọ sanh vào gia đình một đại thần, khi lớn lên, ngài phục vụ nhà vua.

Ngài được vua ban nhiều vinh hiển và đứng địa vị một đại thần quan trọng nhất trong triều. Vua có một con voi cái rất dũng mãnh lực lưỡng. Nó đi một trăm dặm một ngày, làm mọi phận sự sứ thần của vua, khi ra trận nó chiến đấu oanh liệt, dẫm nát quân thù. Vua bảo:

- Con voi này thật hữu ích đối với ta.

Rồi vua ban cho nó mọi thứ trang điểm và vinh quang giống như vua Udena ban cho Bhaddavatikà ngày nay. Sau đó khi nó già yếu, vua tước hết mọi đặc ân trên.

Từ đó nó không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng các thứ cỏ lá trong rừng. Một hôm các loại đồ gốm sứ trong cung vua không đủ dùng, vua truyền thợ gốm lại và phán:

- Đồ gốm không đủ dùng.

- Tâu Đại vương, tiểu thần không có bò kéo xe để mang phân bò về nung đất sét.

Vua nghe chuyện, liền phán:

- Con voi cái của ta đâu rồi?

- Tâu Đại vương, nó đang phiêu bạt tùy ý.

Vua bảo đem nó cho người thợ gốm:

- Từ nay ngươi buộc nó vào xe rồi đưa đi chở phân.

Người thợ gốm đáp:

- Tâu Đại vương, tốt quá.

Rồi gã làm theo lời dặn. Một hôm ra ngoại thành, voi cái chợt thấy Bồ-tát đi đến, liền quỳ xuống chân ngài vừa than khóc vừa nói:

- Thưa Tể tướng, thời con còn trẻ, đức vua xem con rất hữu dụng và ban con đại vinh hiển, nay con già yếu, ngài tước bỏ mọi đặc ân và không còn nghĩ đến con nữa, con không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng cỏ lá trong rừng, gặp cảnh khốn cùng thế này ngài lại đem con cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân; trừ Tể tướng ra, con không còn nơi nương tựa nào cả, chính Tể tướng đã biết mọi công lao con phục vụ đức vua, xin ngài cho con được phục hồi mọi vinh hiển đã mất.

Rồi voi cái ngâm ba vần kệ:

1. Chính con khuân vác tự ngày xanh,
Như vậy đức vua đã thỏa tình?
Vũ khí con mang đầy trước ngực
Xông pha chiến trận, bước hùng anh.

2. Con đã lập nên lắm chiến công,
Đức vua giờ hẳn có quên chăng
Bao lần phục vụ nhiều công trạng
Như đã định cho các sứ thần?

3. Nay con cô độc, quá bơ vơ,
Chắc chắn mạng chung đã đến giờ,
Phục vụ cho nhà người thợ gốm,
Con đành làm vật kéo phân dơ!

Bồ-tát nghe chuyện, liền an ủi nó và bảo:

- Thôi đừng buồn khổ nữa, ta sẽ đi trình đức vua và phục hồi vinh dự cho con.

Vì thế khi vào thành, ngài đi đến chầu vua sau buổi điểm tâm và bắt đầu câu chuyện, ngài bảo:

- Tâu Đại vương, có phải con voi cái mang tên kia đã ra trận chiến tại những nơi nọ với các vũ khí buộc đầy ngực; rồi ngày khác nó lại mang quốc thư ở cổ đi cả trăm dặm làm sứ giả cho Đại vương, và Đại vương ban cho nó nhiều vinh hiển chăng, nay nó đâu rồi?

- Trẫm đã giao nó cho người thợ gốm chở phân bò.

Bồ-tát liền đáp:

- Có hợp đạo lý chăng, tâu Đại vương, khi giao nó cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân?

Rồi để khuyến giáo, ngài ngâm bốn vần kệ:

4. Do ích kỷ tham vọng cá nhân,
Người ta ban phát mọi vinh quang,
Như ngài đối với con voi nọ,
Ném bỏ như nô lệ yếu tàn.

5. Khi người quên hết các huân công.
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần,
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn phải suy vong.

6. Khi người ghi nhớ các công ơn
Thiện sự ngày xưa hưởng trọn phần,
Mọi việc mà lòng đang dự tính
Ngày sau chắc hẳn sẽ thành công.

7. Ta nói điều chân lý trọn lành,
Cho thần dân tụ tập chung quanh:
Phải luôn ghi nhớ công ơn cũ,
Thiên giới dành phần sống hiển vinh.

Với lời khởi đầu này, Bồ-tát giáo hóa toàn thể dân chúng đang tụ tập ở đó. Nghe vậy vua ban cho con voi già mọi hiển vinh cũ, và về sau được an trú vào lời dạy của Bồ-tát, vua bố thí cùng thực hành nhiều thiện sự khác nên được sinh lên cõi thiên.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, voi cái là Bhaddavatikà, vua là Ànanda, vị đại thần chính là Ta.

-ooOoo-

410. Chuyện Voi Con Somadatta (Tiền thân Somadatta)

Bước sâu vào tận trong rừng...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên, về một Trưởng lão già cả.

Chuyện kể rằng vị Trưởng lão này truyền giới cho một Sa-di làm đệ tử, phụng sự vị ấy nhưng chẳng bao lâu lâm bệnh nặng qua đời. Trưởng lão đi quanh quẩn khóc than kêu gào vì cái chết của đệ tử.

Thấy vậy Tăng chúng bắt đầu bàn tán trong Chánh pháp đường:

- Này các Hiền giả, vị Trưởng lão già cả này cứ lang thang kêu khóc vì một Sa-di chết, chắc hẳn vị ấy đã quên pháp môn quán tưởng về mạng chung.

Bậc Đạo Sư bước vào và khi nghe đề tài câu chuyện, Ngài bảo:

- Náy các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu người này khóc người kia chết.

Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ. Một Bà-la-môn giàu tiền của, trước sống ở Ba-la-nại, sau giã từ thế tụctrở thành ẩn sĩ khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, nhặt củ quả rừng để ăn.

Một hôm đi tìm quả rừng, ông thấy một chú voi con, liền đem về thảo am. Ông xem nó như thể con mình gọi tên nó là Somadatta, nuôi nấng chăm sóc nó và cho nó ăn cỏ lá. Con voi lớn dần trở thành to lớn, song một hôm nó ăn quá nhiều nên phát bệnh vì bội thực. Vị khổ hạnh đem nó vào thảo am và đi tìm quả rừng. Song trước khi ông trở về, con voi đã chết. Khi đem về mớ quả, vị khổ hạnh suy nghĩ: "Các ngày khác con ta vẫn đón ta, sao không thấy hôm nay? Con ta bị việc gì chăng?". Thế là ông than khóc và ngâm vần kệ đầu:

1. Bước sâu vào tận trong rừng,
Nó thường vẫn đến đón mừng ta ngay,
Nhưng sao chẳng thấy hôm nay,
Voi con đi lạc chẳng hay lối về?

Cùng với lời than khóc này, ông thấy con voi nằm cuối lối đi có mái che, liền ôm ngang cổ nó và ngâm vần kệ thứ hai tiếc thương nó:

2. Chính voi vừa chết nằm kia
Như búp măng bị cắt lìa nát thân,
Voi nằm dưới đất ngã lăn,
Con voi ta đã lìa trần, than ôi!

Ngay lúc ấy Sakka Thiên chủ quan sát cõi trần, suy nghĩ: "Vị khổ hạnh này từ giã vợ con để tu hành, nay lại than khóc con voi mà ông gọi là con, ta muốn đến thức tỉnh ông và làm cho ông suy nghĩ lại".

Vì thế ngài xuất hiện trước thảo am, đứng trên không và ngâm vần kệ thứ ba:

3. Sầu thương vật đã chết rồi,
Hỡi người khổ hạnh sống đời độc cư,
Thoát dây tục lụy, xuất gia,
Giờ đây phát bệnh tâm tư buồn phiền!

Nghe lời này, vị khổ hạnh ngâm vần kệ thứ tư:

4. Nếu người bầu bạn thú hiền,
Thưa ngài Đế Thích ở trên cõi trời,
Buồn phiền vì mất bạn chơi,
Tuôn dòng nước mắt sẽ vơi nỗi sầu!

Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ khuyến giáo ông.

5. Người đời lắm kẻ ước ao
Mỗi khi vật mất, kêu gào tiếc thương,
Thôi đừng khóc nữa, trí nhân,
Thánh hiền vẫn bảo hoài công thôi mà.


6. Nếu nhờ nước mắt tuôn ra
Chúng ta có thể vượt qua tử thần,
Thì ta quyết phải hợp quần
Để mà cứu mọi vật thân nhất đời!

Nghe lời Thiên chủ nói, vị khổ hạnh nghĩ lại và được an ủi, bèn lau nước mắt và ngâm các vần kệ cuối cùng tán thán Thiên chủ:

7. Ví như ngọn lửa sáng ngời
Đổ thêm bỏ sữa cháy hoài thật cao,
Được vòi nước lạnh tưới vào,
Ngài vừa dập tắt nỗi sầu của ta.

8. Lòng ta nhức nhối xót xa
Vì tên sầu não xuyên qua kinh hoàng,
Ngài đà chữa trị vết thương,
Và ngài hồi phục đời thường cho ta.

9. Mũi tên vừa được nhổ ra,
Lòng ta tràn ngập an hòa vui tươi
Lắng nghe Thiên chủ nhủ lời,
Ta không còn phải chơi vơi khổ sầu.

Các vần kệ này đã được ngâm ở tiền thân Migapotaka, số 372.

Sau khi khuyến giáo vị khổ hạnh, Sakka trở lại cõi của ngài.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, voi con là Sa-di, vị khổ hạnhTrưởng lão già cả này và Sakka Thiên chủ chính là Ta.

-ooOoo-

411. Chuyện Vua Susìma (Tiền thân Susìma)

Tóc ta đen nhánh từ ngày xưa...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Đại sự Xuất thế.

Tăng chúng lúc ấy đang ngồi trong Chánh pháp đường tán thán Đại sự Xuất thế của đức Phật. Khi thấy đây là chủ đề của các vị, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không lạ gì ngày nay ta lại làm Đại sự Xuất thế và giã từ thế tục, khi Ta đã thực hành các công hạnh viên mãn (Ba-la-mật) trong hàng trăm ngàn kiếp, mà ngày xưa Ta cũng từ bỏ ngai vàng tại quốc độ Kàsi rộng ba trăm dặm và làm Đại sự Xuất thế.

vì vậy Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai của bà vợ vị tế sư hoàng gia. Trong ngày sinh ra ngài, hoàng hậu cũng sinh một con trai.

Vào ngày lễ đặt tên, bậc Đại Sĩ được gọi là Nam tử Susìma, và hoàng nam được đặt tên Vương tử Brahmadatta.

Vua thấy đôi trẻ cùng sinh ra một ngày nên truyền đưa Bồ-tát giao cho nhũ mẫu cùng nuôi chung với vương tử. Cả hai trẻ lớn lên tươi đẹp như các Thiên tử trên trời.

Cả hai đều học đủ mọi ngành nghệ thuật ở Takkasilà và trở về nhà. Vương tử trở thành phó vương, cùng ăn uống, sống chung với Bồ-tát. Lúc vua cha băng hà, hoàng tử lên làm vua, ban cho Bồ-tát mọi vinh hiển và phong chức tế sư hoàng gia.

Một hôm tân vương truyền trang hoàng cả kinh thành, rồi được tô điểm rực rỡ như Sakka Thiên chủ, vua tham dự đám rước quanh kinh thành, ngự trên vai vương tượng chẳng khác nào bảo tượng Eràvana của Thiên chủ, trong niềm tự hào cùng với Bồ-tát ngồi phía sau trên lưng voi. Mẫu hậu nhìn ra từ cửa sổ trông thấy hoàng nam và chợt thấy vị tế sư sau lưng vua khi ngài từ đám rước trở về. Bà đâm ra si tình ngài, liền đi vào hậu cung nghĩ thầm: "Nếu ta không chiếm được chàng, ta sẽ chết tại đây". Vì thế bà bỏ ăn uống và cứ nằm tại đó.

Vua không thấy mẹ liền hỏi thăm, khi nghe bà bị bệnh, vua đến hỏi thămcung kính hỏi bà bị bệnh gì. Bà không nói vì hổ thẹn. Vua liền ngự lên ngai, truyền chánh cung hoàng hậu đi tìm hiểu xem thái hậu bị bệnh gì.

Hoàng hậu đến, vừa hỏi thăm, vừa vuốt ve lưng mẫu hậu. Nữ nhân thường không dấu nhau các chuyện bí mật, vì thế chuyện bí mật kia được tiết lộ. Hoàng hậu liền đi trình vua. Vua bảo:

- Được rồi, ái khanh đi an ủi mẫu hậu, ta sẽ tôn vị tế sư lên làm vua và mẫu hậu lên làm chánh hậu của ngài.

Hoàng hậu liền đến an ủi thái hậu. Vua truyền mời vị tế sư đến kể lại vấn đề:

- Này Hiền hữu, hãy cứu mạng mẹ ta, khanh sẽ làm vua và mẹ ta sẽ lên làm chánh hậu, còn ta sẽ làm phó vương.

Vị tế sư đáp:

- Không thể được.

Song cứ bị khẩn cầu mãi, ngài bằng lòng và vua tôn ngài lên làm vua, mẫu hậu làm chánh hậu và chính mình làm phó vương. Tất cả mọi người đều sống hòa hợp, song Bồ-tát khô héo dần giữa cuộc sống tại gia. Ngài từ bỏ mọi dục lạc và hướng về đời tu hành.

Chẳng còn màng các lạc thú trần gian, ngài đi đứng nằm ngồi như tù nhân bị giam lỏng hay con gà trống trong lòng son. Chánh hậu suy nghĩ: "Hoàng thượng tránh mặt ta, ngài đi đứng nằm ngồi một mình, giờ đây ngài vẫn tươi trẻ, còn ta đã già và có tóc bạc. Giả sử ta kể cho ngài nghe chuyện ngài đã có tóc bạc, khiến cho ngài tin chuyện ấy và đến bầu bạn với ta chăng?"

Một hôm, làm như thể lau đầu vua, bà nói:

- Hoàng thượng sắp già rồi đấy, có sợi tóc bạc trên đầu hoàng thượng!

- Hãy nhổ nó ra và đặt vào tay trẫm.

Hoàng hậu nhổ một sợi tóc, nhưng lại ném nó đi và đặt vào tay ngài một sợi tóc bạc của bà. Khi thấy nó, nỗi sợ chết khiến mồ hôi đổ ra chảy xuống trán ngài, dù vầng trán bóng láng như một phiến vàng, ngài tự nhủ mình: "Này Susìma, ngươi đã già cỗi ngay tuổi thanh xuân, suốt bấy lâu nay ngươi chìm sâu vào vũng bùn dục lạc như thể con heo vùng quê lặn lội trong đầm lầy dơ bẩn, ngươi không thể xa rời bùn nhơ được. Hãy rời bỏ tham dục, và sống đời khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn. Nay đã đến thời xuất gia rồi". Cùng với ý tưởng này, ngài ngâm vần kệ đầu:

1. Tóc ta đen nhánh tự ngày xưa
Vẫn mọc quanh vần trán của ta,
Bạc trắng giờ đây, lưu ý nhé:
Đến thời tu tập giã từ nhà.

Như thế Bồ-tát ca tụng đời tu hành, nhưng hoàng hậu thấy bà đã làm cho ngài rời bỏ bà chứ không phải yêu thương bà, nên lòng sợ hãi, bà muốn cản trở ngài sống đời xuất gia, bằng cách ngâm hai vần kệ ca tụng dung sắc ngài:

2. Tóc bạc thiếp đây, chẳng phải chàng,
Từ trên đầu thiếp mới đưa sang,
Vì chàng, thiếp nói điều hư vọng,
Xin lượng thứ cho lỗi thiếp làm.

3. Trông chàng tươi đẹp, dáng thanh tân
Như một cây non trẻ giữa xuân,
Hãy trị nước nhà, cười với thiếp,
Đừng tìm việc của tuổi thu đông!

Nhưng Bồ-tát đáp:

- Này hoàng hậu, bà đang nói đến những việc phải xảy đến: Khi tuổi tác chín muồi, tóc đen này phải ngã màu bạc như vôi, ta thấy sự biến hoại của xác thân theo năm tháng lúc đến tuổi lão thành, từ công nương cho đến mọi người khác, dù có dịu mềm như tràng hoa sen xanh, sáng đẹp như vàng ròng, và say sưa với niềm kiêu hãnh về tuổi xuân rực rỡ của mình. Này hoàng hậu, đó là kết thúc đáng sợ của mọi loài hữu tình.

Hơn nữa, muốn trình bày chân lý với oai lực của một vị Phật, ngài ngâm hai vần kệ:

4. Ta thường trông thiếu nữ xuân thì,
Uyển chuyển như cành lả lướt kia,
Kiêu mạnhình dung diễm lệ,
Mọi người say ngắm bước chân đi.

5. Cũng chính nàng kia, ta ngắm trông
(Trải qua đã tám, chín mươi năm)
Run run chân bước, tay cầm gậy,
Thân thể còng như ngọn liễu rung.

Trong vần kệ này bậc Đại Sĩ nêu rõ nỗi khổ đau của dung sắc và giờ đây ngài tuyên bố nỗi bất mãn của ngài với đời tại gia:

6. Những ý tưởng này ta xét luôn,
Tư duy vẫn đến giữa đêm đơn,
Đời người thế tục ta không chuộng,
Đúng lúc tu hành phải bước chân.

7. Dục lạc trong đời sống thế nhân
Là nơi hèn yếu để nương thân,
Trí nhân cắt đứt, theo đường khác,
Bỏ dục lạc đầy đủ lực hùng.

Như vậy trong khi tuyên bố các lạc thú lẫn khổ đau của tham dục, ngài giảng bày chân lý với vẻ kỳ diệu của bậc Giác Ngộ, rồi ngài truyền đi mời thân hữu của ngài đến nhận lại vương quốc: ngài từ giã vinh quangquyền lực giữa tiếng than khóc vang rền của thân bằng quyến thuộc, rồi trở thành bậc hiền nhân khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, và về sau chứng đắc Thiên định, ngài được tái sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự thật và đem lại nguồn nước bất tử cho nhiều người, rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, chánh hậu là mẫu thân Ràhula, vua là Ánanda và vua Susìma chính là Ta.

-ooOoo-

412. Chuyện Thần Cây Bông Vải (Tiền thân Kotisimbalì)

Ta mang thân xác của xà vương...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Hoàn cảnh đưa đến chuyện này sẽ xuất hiện trong tiền thân Pannna (không tìm được).

Vào dịp này Bậc Đạo Sư nhận thấy năm trăm Tỷ-kheo sống trong Tinh xá trên Con Đường Lát Vàng (Kỳ Viên) đang bị dục tưởng chi phối, liền tập hợp Tăng chúng lại và bảo:

- Này các Tỷ-kheo, cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi, lỗi lầm vây phủ con người như rễ cây đa hay những cây tương tự mọc quanh các cây khác. Cũng vậy, ngày xưa một vị thần trú trên đỉnh cây bông vải thấy một con chim thả phân có các hột cây đa nằm giữa các cành cây bông vải, sinh lòng lo sợ rằng nơi trú ẩn của mình sẽ bị tàn phá vì chúng.

Và do vậy Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Thần cây trú trên ngọn cây bông vải. Một chúa chim thần cánh vàng, Kim sí điểu vương, biến hình dài một trăm năm mươi dặm, rồi rẽ nước đại dương bằng trận cuồng phong do đôi cánh đập mạnh, nó chụp lấy đuôi một vua rắn thần Nàga dài một ngàn trượng, khiến cho xà vương phải nhả hết mọi vật đã ngậm trong miệng, xong nó liền bay lên theo các ngọn cây về phía cây bông vải.

Xà vương suy nghĩ: "Ta sẽ làm cho nó thả ta ra để ta đi". Vì vậy rắn thành dán sát đầu vào cây đa và quấn quanh cây thật chặt. Do sức mạnh của chú chim thần và thân xác khổng lồ của xà vương, cây đa bị bật gốc. Song xà vương vẫn không rời cây đa. Chúa chim thần mang cả xà vương lẫn cây đa đến cây bông vải kia, đặt rắn thần lên thân cây, mổ bụng ra ăn thịt mỡ. Sau đó nó ném xác rắn xuống biển.

Bấy giờ trên cây đa có con chim nhỏ bay lên khi cây đa bị ném bỏ, rồi đậu trên một cành cây cao gần cây bông vải. Thấy con chim, Thần cây liền run rẩy toàn thânsợ hãi, và suy nghĩ: "Con chim này sẽ thả phân nó rơi trên thân ta, rồi một cây đa hay cây sung sẽ mọc lên và lan tràn khắp thân cây, thế là nơi trú ẩn của ta sẽ bị phá hoại". Lúc ấy cây bông vải rung chuyển tận gốc vì cơn kinh hãi của Thần cây. Kim sí điểu vương thấy cây rung chuyển như vầy, liền ngâm đôi vần kệ hỏi lý do:

1. Ta mang thân xác của xà vương
Cùng với thân ta lớn dị thường,
Thân rắn kia dài ngàn trượng chẵn,
Song cây không chuyển động kinh hoàng.
2. Nay mang chim nhỏ bé ti ti
So với ta đây chẳng sá chi,
Cây lại run hoài vì sợ hãi,
Hỡi cây bông vải, lý do gì?

Sau đó Thần cây ngâm bốn vần kệ giải thích lý do:

3. Thịt mỡ ngài xơi, hỡi Điểu vương,
Trái cây là thức của chim muông,
Hạt đa, sung, với bồ-đề nữa,
Nếu mọc, toàn thân ta chết luôn!

4. Hạt ấy về sau sẽ mọc cây,
Rồi che phủ cả hết thân này,
Ta không còn có cây nào nữa
Vì bị chúng che kín phủ đầy.

5. Một khi cây đã lớn lên nhanh,
Rễ mạnh quanh thân, rậm rạp cành,
Chứng tỏ hạt do chim tích trữ
Mang mầm hủy hoại đến cho mình.

6. Loại cây mọc bám sẽ chôn thây
Ngay cả cây rừng vĩ đại này,
Vì vậy, Điểu vương, ta rúng động
Khi ta lo sợ thấy như vầy.

Nghe lời thần cây, điểu vương ngâm vần kệ cuối cùng:

7. Phải kinh hãi việc đáng kinh hoàng,
Hiểm họa đến thân phải hộ phòng,
Bậc trí lặng nhìn hai thế giới,
Nếu gây kinh hãi, phải rời chân.

Nói vậy xong, điểu vương dùng sức mạnh đẩy con chim nhỏ ra khỏi cây ấy.

*

Sau Pháp thoại, Bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Sự thật bắt đầu bằng những lời: "Cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi". Khi các Sự thật kết thúc, năm trăm vị Tỷ-kheo được an trú vào Thánh quả (A-la-hán).

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, Sàriputta là Điểu vương và Ta chính là Thần cây.

-ooOoo-

413. Chuyện Người Chăn Dê Dhùmakàri (Tiền thân Dhùmakàri)

Một hôm minh đế Yu-dhi-la...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về đặc ân của Đại vương Kosala đối với một người khách lạ.

Chuyện kể rằng có thời vua không dành đặc ân cho các võ tướng cũ vẫn đến chầu vua như thường lệ, mà lại ban vinh dự và tỏ lòng hiếu khách đối với những người mới yết kiến lần đầu. Thời ấy vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên địa bị quấy phá. Nhưng các võ tướng cũ của vua không muốn giao chiến vì nghĩ rằng những võ tướng mới được hưởng đặc ân sẽ chiến đấu và đám người mới này cũng không muốn chiến đấu vì nghĩ rằng những vị tướng cũ sẽ làm việc ấy. Do vậy quân phiến loạn thắng trận.

Vua biết thất bại của mình là do sai lầm mình đã mắc phải khi ban ân huệ cho bọn người mới, liền trở về thành Xá-vệ. Vua quyết định hỏi đức Thế Tôn Đại Trí xem mình có phải là ông vua duy nhất chịu thất bại vì lý do kia chăng. Bậc Đạo Sư đáp:

- Thưa Đại vương, Đại vương không phải là trường hợp duy nhất, vua chúa ngày xưa cũng bị bại trận vì đã ban đặc ân cho đám người mới.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa tại thành Indapattana, ở quốc độ Kuru, có vị vua ngự trị mệnh danh là Dhananjaya, thuộc dòng họ Yudhithila. Bồ-tát được sinh vào gia đình vị tế sư của vua. Khi lớn lên, ngài học tập mọi nghệ thuật ở Takkasilà. Sau ngài trở về Indapattana và khi thân phụ từ trần, ngài trở thành vị tế sư hoàng gia kiêm cố vấn của vua về thế sự cũng như thánh sự. Danh hiệu của ngài là bậc Trí nhân Vidhùra.

Vua Dhananjaya coi thường các võ tướng cũ của mình và ban đặc ân cho các người mới. Sau đó vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên thùy có loạn; nhưng cả đám võ tướng cũ lẫn võ tướng mới đều không muốn giao chiến, mỗi phe đều nghĩ rằng phe kia sẽ chăm lo việc ấy. Do đó vua bại trận.

Khi trở về Indàpattana, vua nhận xét rằng sự thất bại ấy là do đặc ân mà mình đã dành cho đám người mới. Một hôm vua suy nghĩ: "Có phải ta là vị vua duy nhất từng bại trận vì ban ân huệ cho đám người mới, hay cũng có nhiều kẻ khác cùng chung số phận này trước kia? Ta muốn hỏi bậc Trí nhân Vidhùra". Vì thế vua đưa lời chất vấn Trí nhân Vidhùra khi ngài đến yết kiến vua tại triều đình.

Bậc Đạo Sư ngâm kệ nêu rõ lý do lới chất vấn của vua:

1. Một hôm minh đế Yu-dhi-la,
Hỏi bậc Trí nhân Vi-dhù-ra:
"Hiền hữu Bà-la-môn có biết
Tim ai sầu thống thiết hơn ta?"

*

Nghe vậy, Bồ-tát đáp:

- Tâu Đại vương, nỗi sầu của ngài chỉ là điều nhỏ nhặt. Ngày xưa, một Bà-la-môn chăn dê tên gọi Dhùmakàri nuôi một đàn dê lớn, và làm chuồng cho chúng ở trong rừng. Vị ấy đốt lửa xông khói và sống bằng sữa dê tại đó để chăm sóc đàn dê.

Khi thấy một bầy nai da vàng óng ả chợt đến, ông lại sinh lòng thương mến chúng và xao lãng bầy dê, ông tỏ hết lòng quý trọng bầy nai. Vào mùa thu, bầy nai lại di chuyển về vùng Tuyết Sơn. Trong lúc bầy dê chết dần như thế, bầy nai cũng khuất dạng sau rặng núi. Do quá khổ não, ông mắc bệnh xanh xao võ vàng và từ trần. Ông đã bày tỏ đặc ân với đám nai mới và phải chết vì chịu buồn khổ thống thiết hơn Đại vương cả trăm ngàn lần.

Ngài liền ngâm vần kệ nêu rõ trường hợp này:

2. Bà-la-môn có một bầy dê,
Dòng họ Va-si sang trọng kia,
Đốt lửa ngày đêm luôn bốc khói,
Sống đời an lạc chốn sơn khê.

3. Ngửi mùi khói bốc, một bầy nai
Do bị nhặng đeo quấy rối hoài,
Tìm chỗ trú khi mưa gió đến,
Gần nhà mục tử Dhu-ma-kai.

4. Bầy nai giờ được mọi yêu thương,
Dê chẳng được ai thiết ngó ngàng,
Đi lại tự do không bảo hộ,
Cho nên chúng phải bị suy tàn.

5. Song nay nhặng đã bỏ khu rừng,
Thu đến, mùa mưa chấm dứt luôn,
Nai phải đi tìm bao đỉnh núi,
Cùng khe suối chảy ở trên nguồn.

6. Mục tử thấy nai đã bỏ đi,
Cả bầy dê cũng chết nằm kia,
Bệnh sầu não đến làm mòn mỏi
Da dẻ ngày thêm một tái tê.

7. Vậy người nào bỏ mặc thân bằng,
Lại gọi người xa lạ thân thiết
Như lão Dhu-ma-kai mục tử,
Một mình, dòng lệ đắng cay tuôn.

Đấy là câu chuyện do bậc Đại Sĩ kể lại để an ủi vua. Vua được an ủi, lòng rất hoan hỷ liền ban tặng ngài nhiều châu báu. Từ đó trở đi, vua bày tỏ ân sủng đối với toàn dân, làm nhiều thiện sự công đức nên được sinh lên cõi Thiên.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, vua xứ Kuru là Ànanda, Bà-la-môn Dhùmakàri là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala, và bậc Trí nhân Vidhùra là Ta.

-ooOoo-

414. Chuyện Người Tỉnh Thức (Tiền thân Jàgara)

Ai thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một cư sĩ. Đó là một đệ tử đã đắc Nhập lưu Đạo.

Một hôm ông khởi hành từ Xá-vệ cùng với một đoàn xe đi theo đường rừng. Đến một nơi có cảnh đẹp và nước chảy, người trưởng đoàn buộc xe ngựa lại, sửa soạn thức ăn đủ loại cứng mềm và tạm ở lại đó. Mọi người nằm xuống ngủ rải rác khắp nơi. Còn vị cư sĩ cứ đi vòng quanh gốc thân cây cạnh người trưởng đoàn. Lúc ấy năm trăm tên cướp dự định cướp đoàn xe. Cầm đủ mọi khí giới trong tay, chúng bao vây đoàn xe và chờ đợi. Khi thấy người cư sĩ đang đi dạo, chúng đứng đợi để bắt đầu đánh phá lúc ông đi ngủ. Nhưng ông cứ đi lại suốt đêm. Đến tảng sáng, bọn cướp ném vũ khí cùng gậy đá chúng đã lượm, rồi bỏ đi và bảo:

- Này ông trưởng đoàn lữ khách, ông làm chủ tài sản này vì ông đã được cứu mạng nhờ người kia tỉnh thức thật tinh chuyên: Ông cần phải suy tôn ông ấy.

Mọi lữ khách thức dậy đúng giờ, thấy đám khí giới gậy đá do bọn cướp ném bỏ, liền bày tỏ lòng cung kính, biết ơn vị cư sĩ vì hiểu rằng họ sống được là nhờ ông.

Vị cư sĩ ấy đến nơi đã định, làm công việc xong, trở về Xá-vệ và đến Kỳ Viên: tại đó ông đến yết kiếnđảnh lễ đức Như Lai cung kính và ngồi dưới chân Ngài, rồi do lời Ngài yêu cầu, ông kể mọi chuyện cũ. Bậc Đạo Sư bảo:

- Này cư sĩ, không phải chỉ riêng ông tạo được công đức đặc biệt lớn nhờ tỉnh thức và hộ phòng, mà các bậc trí ngày xưa cũng đã làm như vậy.

Và theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ. Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn . Khi lớn lên ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilà và trở về nhà sống đời gia chủ.

Sau một thời gian, ngài rời bỏ nhàtrở thành ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài đắc các Thiền chứng và sống tại vùng Tuyết Sơn, ngài chuyên tâm đi và đứng, ngài chỉ kinh hành suốt đêm chứ không ngủ.

Một vị Thần cây ở cuối lối đi của ngài hoan hỷ nhìn thấy ngài như vậy và ngâm vần kệ đầu:

1. Ai thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ?
Ai ngủ khi bao người khác dậy rồi?
Ai là người hiểu câu đố của tôi?
Ai có thể giải đáp tôi điều đó?

Bồ-tát nghe lời vị Thần cây, liền ngâm vần kệ này:

2. Ta thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ,
Ta ngủ khi bao người khác dậy rồi,
Ta là người hiểu câu đố của ngài,
Ta có thể giải đáp ngài điều đó.

Vị Thần cây ngâm vần kệ hỏi lại câu này:

3. Sao ngài thức khi nhiều người đang ngủ?
Và ngủ khi bao kẻ khác dậy rồi?
Làm sao ngài hiểu câu đố của tôi?
giải đáp điều này ngay lập tức?

Bồ-tát giải thích vấn đề này:

4. Có nhiều kẻ vẫn quên rằng giới đức
Nằm ở trong sự tiết dục điều thân,
Vậy bao người đang ngủ giấc mơ màng,
Còn ta thức, hỡi Thần cây cổ thụ.

5. Tham, sân, si của số người nào đó
Đã không còn hiện hữu ở trong lòng,
Vậy các người kia đã tỉnh giấc nồng,
Ta còn ngủ, hỡi Thần cây cổ thụ!

6. Vậy ta thức khi nhiều người đang ngủ,
Và ngủ khi bao kẻ khác tỉnh rồi,
Vậy là ta hiểu câu đố của ngài,
giải đáp lại lời ngài rồi đó.

Khi Bậc Đại Sĩ đã giải đáp lời này, vị Thần rất hoan hỷ và ngâm vần kệ tán thán:

7. Lành thay ngài tỉnh thức khi người ngủ,
Và ngủ khi bao người khác tỉnh rồi!
Lành thay ngài hiểu câu đố của tôi,
Lời giải đáp của ngài bao tốt đẹp!

Như vậy sau khi tán thán Bồ-tát, vị Thần cây trở vào nơi an trú của mình trên cây.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, vị thần cây là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và nhà khổ hạnh chính là Ta.

-ooOoo-

415. Chuyện Phần Cháo Cúng Dường (Tiền thân Kummasàpinda)

Cúng dường chư Phật quý cao thay...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về Hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi).

Nàng nguyên là con gái của vị trưởng nghiệp đoàn bán vòng hoa, cực kỳ diễm lệhiền thục. Khi nàng được mười sáu tuổi, trong lúc đi đến vườn hoa cùng các thiếu nữ khác, nàng mang theo ba phần cháo sữa chua trong giỏ hoa. Khi nàng rời thành phố, nàng trông thấy đức Thế Tôn vào thành, tỏa hào quang rực rỡ và được Tăng chúng vây quanh, nàng đem cúng dường Ngài ba phần cháo ấy.

Bậc Đạo Sư đưa bát của ngài ra nhận cháo. Nàng đảnh lễ chân đức Như Lai và lấy niềm hoan hỷ ấy làm chủ đề Thiền quán, nàng đứng sang một bên. Bậc Đạo Sư mỉm cười, nhìn nàng. Tôn giả Ànanda tự hỏi tại sao đức Như Lai mỉm cười và hỏi Ngài vấn đề này. Bậc Đạo Sư nói lý do:

- Này Ànanda, cô gái này hôm nay sẽ trở thành chánh hậu của vua Kosala do phước báo ba phần cháo này.

Còn cô gái tiếp tục bước đến vườn hoa. Ngay chính hôm ấy vua Kosala giao chiến với vua Ajàtasattu (A-xà-thế) và thất bại phải đào tẩu. Trong khi đang đi ngựa, vua nghe tiếng nàng hát rất hấp dẫn liền thúc ngựa vào khu vườn. Công đức của cô gái đã đến thời chín muồi, vì thế khi thấy vua, nàng không chạy trốn mà đi đến cầm lấy dây cương nơi mũi ngựa. Vua ngồi trên lưng ngựa hỏi nàng đã có chồng chưa. Khi nghe nàng đáp chưa, ông xuống ngựa và đang mệt mỏi vì nắng gió, ông nằm nghĩ chốc lát trên đùi nàng. Sau đó ông đưa nàng lên ngựa, cùng đạo quân hùng hậu đi vào thành, đưa nàng đến tận nhà riêng.

Chiều hôm ấy vua phái một vương xa trong cảnh vô cùng vinh quang lộng lẫy đến rước nàng từ nhà nàng về đặt lên một bảo tọa đầy châu báu, làm lễ quán đảnh (rảy nước thánh lên đầu) cho nàng và phong nàng làm chánh hậu. Từ đó trở đi, nàng trở thành hoàng hậu thân thiết tận tụy được vua sủng ái, nàng có đầy đủ năm vẻ yêu kiều của nữ nhi, lại có đủ đám nô tỳ trung thành và nàng lại là một tín nữ được nhiều hồng ân của chư Phật. Cả kinh thành loan tin rằng nàng được mọi vinh hoa ấy là vì nàng cúng dường Bậc Đạo Sư ba phần cháo.

Một hôm Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong Chánh pháp đường:

- Này các Hiền giả, Hoàng hậu Mallikà cúng dường đức Phật ba phần cháo, và do phước báo này, ngay chính hôm ấy bà được làm lễ quán đảnh phong ngôi hoàng hậu: Công đức chư Phật thật vĩ đại dường nào.

Bậc Đạo Sư bước vào, hỏi chuyện và khi được biết đề tài thảo luận của Tăng chúng, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không lạ gì nàng Mallikà trở thành chánh hậu của vua Kosala nhờ cúng dường đức Phật Chánh Đẳng Giác ba phần cháo mà thôi, vì cớ sao? Đó là nhờ đại hồng ân của chư Phật: Các trí nhân ngày xưa cúng dường các vị Độc Giác Phật cháo không có muối hay dầu nữa, song nhờ thế trong đời sau đạt được vinh quang của đế vương tại Kàsi rộng ba trăm dặm.

Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo. Khi lớn lên ngài tìm kế sinh nhai bằng cách làm công cho một nhà giàu. Một hôm ngài mua bốn phần cháo ở cửa tiệm và suy nghĩ: "Cái này vừa đủ để ta ăn sáng". Rồi ngài ra làm việc ngoài đồng. Khi thấy bốn vị Độc Giác Phật đang vào Ba-la-nại khất thực, ngài suy nghĩ: "Ta có bốn phần cháo này, giả sử ta đem cúng dường các vị đang đến Ba-la-nại khất thực?". Vì thế ngài đi đến đảnh lễ các vị và nói:

- Thưa các tôn giả, con hiện đang cầm bốn phần cháo, con xin cúng dường các vị, mong các vị nhận lấy để cho con được phước đức đem lại an lạc lâu dài về sau.

Thấy các vị nhận lời, ngài liền rải cát và sắp đặt bốn chỗ ngồi, đặt các cành khô lên đó và mời chư vị Độc Giác Phật ngồi theo thứ tự. Ngài lấy rổ lá đem nước đến, rót nước cúng dường, và đặt bốn phần cháo vào bốn bình bát vừa đảnh lễ cung kính vừa thưa:

- Thưa các tôn giả, ước mong nhờ phước báo này con sẽ không sinh vào nhà nghèo nữa, ước mong đây sẽ làm nhân duyên cho con đắc quả vị Chánh Giác.

Các vị Độc Giác Phật dùng cháo xong, nói lời tùy hỷ công đứctrở về động Nandamùla. Khi kính chào các vị, Bồ-tát cảm thấy niềm hoan hỷ được tiếp xúc các Độc Giác Phật, và sau khi các vị đã khuất dạng, ngài đã đi làm công việc, ngài vẫn nhớ các vị mãi cho đến lúc mạng chung. Nhờ phước báo này, ngài tái sinh vào mẫu thai của chánh hậu thành Ba-la-nại. Ngài được đặt tên Vương tử Brahmadatta.

Từ lúc mới biết đi chập chững, nhờ năng lực nhớ lại những việc làm trong đời trước, ngài thấy rõ như thể soi bóng mình vào tấm gương sáng, rằng ngài tái sinh vào hoàn cảnh này do ngài đã cúng dường bốn phần cháo lên các vị Độc Giác Phật khi ngài là một tôi tớ đi làm thuê tại chính kinh thành này. Khi lớn lên, ngài học tập mọi môn nghệ thuật ở Takkasilà. Khi ngài trở về nhà, vua cha vô cùng hoan hỷ về các thành tựu của ngài nên phong ngài làm phó vương. Sau đó khi vua cha băng hà, ngài lên ngự trị quốc độ. Rồi kết hôn với công chúa tuyệt sắc của vua Kosala và phong nàng ngôi chánh hậu.

Vào ngày đại hội giương chiếc Lọng trắng che lên ngài, quần thần trang hoàng kinh thành như thể một kinh thành thiên giới. Ngài dự đám rước quanh thành phố rồi ngự lên thượng lầu được trang hoàng lộng lẫy, sau đó bước đến đài cao an tọa trên ngai vàng có lọng trắng giương phía trên.

Khi ngồi đó, ngài nhìn xuống nhìn thần dân đang đứng chầu, một phía là triều thần, phía kia là các Bà-la-môn và gia chủ sáng rực trong vẻ đẹp muôn màu sắc, một phía khác nữa là quần chúng cầm tặng vật đủ loại trong tay, kế đến là đoàn nữ nhạc vũ công gồm cả mười sáu ngàn nàng chẳng khác đoàn tiên tụ tập đông đủ trên Thiên đình.

Nhìn mọi vẻ huy hoàng làm say mê lòng người như thế, ngài nhớ lại đời trước của mình và suy nghĩ: "Chiếc lọng trắng kết tràng hoa bằng vàng và chân trụ bằng vàng khối này, bằng ngàn con voi và cỗ xe này, và cả lãnh thổ rộng lớn của ta đầy ngọc vàng châu báu, tài sản, mễ cốc đủ loại, các nữ nhân như tiên nữ trên trời, mọi cảnh vinh quang này đều thuộc riêng về phần ta thôi, đó là do công đức cúng dường bốn vị Độc Giác Phật bốn phần cháo: Ta hưởng được tất cả mọi sự này nhờ đó".

Như vậy trong khi nhớ lại hồng ân của chư Độc Giác Phật, rõ ràng ngài đã tuyên dương công đức của ngài trong đời trước. Ý tưởng ấy làm toàn thân ngài tràn ngập hoan lạc. Niềm hoan lạc thấm tận tâm can khiến ngài ngâm vang hai vần kệ đầy cảm hứng ngay giữa quần thần:

1. Cúng dường chư Phật quý cao thay,
Người bảo đừng xem rẻ việc này,
Đem tặng cháo dù không có muối
Cho ta phước báo lớn như vầy.

2. Ngựa, voi cùng với đám trâu bò,
Vàng, bạc, thóc ngô, cả nước nhà,
Đám mỹ nữ hình dung yểu điệu,
Cúng dường đem quả đến tay ta.

Như vậy trong niềm hỷ lạc, Bồ-tát ngâm khúc hoan ca gồm hai vần kệ nhân ngày lễ giương chiếc Lọng trắng. Từ đó về sau, chúng được xem là khúc ca được quốc vương ái mộmọi người đều hát điệu ấy, từ các vũ nữ, vũ công, nhạc sĩ, cung nhân, thị vệ, cho đến dân chúng và ngay cả đám quần thần trong triều.

Sau một thời gian, chánh hậu mong muốn biết ý nghĩa bài hát, song bà không dám hỏi bậc Đại Sĩ. Một hôm nhà vua đẹp ý vì một đức tính của bà, liền phán:

- Này ái hậu, ta muốn ban cho nàng một điều ước, hãy nhận đặc ân ấy.

- Tâu hoàng thượng, tốt lành thay thiếp xin nhận đặc ân ấy.

- Ái hậu muốn ta ban gì, voi ngựa hay thứ nào khác?

- Tâu hoàng thượng, nhờ ân sủng của hoàng thượng, thiếp không thiếu gì cả, thiếp không cần các thứ ấy. Song nếu hoàng thương ban cho thiếp một đặc ân, xin hãy nói cho thiếp biết ý nghĩa khúc ca của ngài.

- Này ái hậu, nàng cần gì đặc ân ấy? Hãy nhận thứ khác đi.

- Tâu hoàng thượng, thiếp không cần một thứ nào khác cả. Đó là đặc ân thiếp muốn nhận.

- Được rồi, này ái hậu, ta sẽ nói điều ấy, nhưng không phải đó là điều bí mật nói riêng với nàng, mà ta muốn gióng tiếng trống khắp kinh thành Ba-la-nại rộng mười hai dặm này, ta muốn dựng ngôi đình bằng ngọc ngay tại cung môn và đặt một chiếc ngai bằng ngọc tại đó, rồi ta sẽ ngồi đó giữa quần thần, Bà-la-môn, cùng mọi người khác gồm cả mười sáu ngàn nữ nhân, và kể chuyện ấy.

tuân lệnh. Vua truyền làm mọi việc như trên, rồi ngự lên ngai giữa đại chúng như Sakka Thiên chủ giữa chư Thiên. Hoàng hậu phục sức đủ mọi thứ nữ trang ngọc vàng, đặt một kim đôn, ngồi bên cạnh ở một vị trí thích hợp, rồi đưa mắt nhìn vua, bà thưa:

- Tâu hoàng thượng, xin hãy giảng giải cho thiếp biết ý nghĩa khúc hoan ca mà ngài thường hát trong niềm hỷ lạc, như thể làm cho mặt trăng xuất hiện trên bầu trời.

Rồi bà ngâm vần kệ thứ ba:

3. Hoàng thượng đầy vinh hiển, chánh chân,
Khúc ca ngài hát đã bao lần,
Trong niềm hoan lạc đầy tâm trí,
Cho thiếp đặc ân biết ngọn nguồn.

Bậc Đại Sĩ ngâm bốn vần kệ nêu rõ ý nghĩa khúc ca:

4. Chính tại thành này, kiếp trước đây,
Ở trong hoàn cảnh khác ngày nay,
Ta là tôi tớ cho người khác,
Làm mướn, song đức hạnh thẳng ngay.

5. Một hôm rời tỉnh để làm công,
Bốn Đạo Sư kia, ta chợt trông
Dáng điệu ly tham và tĩnh lặng,
Thiện toàn trong Giới luật tu thân.

6. Tư tưởng ta quy ngưỡng Phật-đà,
Khi chư vị nghỉ dưới cây già,
Chấp tay đảnh lễ, ta đem đến
Thành kính cúng dường món cháo hoa.

7. Thiện nghiệp tạo nên phước đức dày,
Quả thành ta gặt được giờ đây:
Vinh hoa phú quý đời vương giả,
Quốc độ do ta cai trị này.

Khi hoàng hậu nghe bậc Đại Sĩ giảng giải đầy đủ thành quả của thiện nghiệp ngài, bà hân hoan đáp:

- Tâu Đại vương, nếu ngài nhận thấy rõ các thành quả của bố thí như vậy, từ nay về sau xin ngài nhận một phần cơm và đừng ăn cho đến khi nào chính ngài đã cúng dường thực phẩm lên các vị Sa-môn Bà-la-môn chân chánh.

Rồi hoàng hậu ngâm vần kệ tán thán Bồ-tát:

8. Hãy ăn, khi nhớ cúng dường rồi,
Chuyển bánh xe chân chánh khắp nơi:
Hoàng thượng tránh xa điều bất chánh,
Cầm quyền chân chánh nước non ngài.

Bậc Đạo Sĩ ngâm vần kệ chấp nhận lời hoàng hậu:

9. Ta vẫn tạo riêng một lối đường,
Bước theo đạo lộ chánh chân luôn,
Nơi người hiền thiện thường đi đến,
Đẹp mắt ta nhìn các Thánh nhân.

Sau khi nói xong, ngài nhìn dung sắc Hoàng hậu và bảo:

- Này mỹ hậu, ta đã kẻ đủ mọi thiện nghiệp ta làm đời trước, song giữa đám nữ nhân này không ai sánh kịp nàng về dung sắc và vẻ kiều diễm khả ái.

Rồi ngài ngâm vần kệ:

10. Ái hậu như tiên nữ cõi trời,
Trông nàng rực rỡ vượt bao người,
Vậy nhờ thiện nghiệp nào đưa đến
Phước báo dung quang quá tuyệt vời?

Sau đó hoàng hậu ngâm vần kệ nêu phước nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ:

11. Thiếp vốn nô tỳ một quý nương
hoàng cung của Am-ba-vương,
Thiếp chuyên tâm thực hành khiêm tốn,
Đức hạnhtu tập thiện ngôn.

12. Rồi một ngày kia thiếp cúng dường
Phần cơm vào bát một Sa-môn,
Tâm tư thiếp ngập tràn từ ái,
Nghiệp ấy quả này, tâu Đại vương!

Theo đây, hoàng hậu cũng biết chính xác và kể lại đời trước của mình.

Như vậy cả hai vị đã công bố các nghiệp quá khứ xong, từ ngày ấy hai vị truyền lệnh xây sáu bố thí đường tại bốn cổng thành, giữa kinh thành và tại cung môn, rồi để khích lệ toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Độ), hai vị thực hành đại bố thí, giữ các giáo đức và các ngày trai giới, nên lúc mạng chung được tái sinh cõi thiên.

*

Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân:

- Thời ấy, hoàng hậu là mẫu thân Ràhula và vua chính là Ta.

-ooOoo-

416. Chuyện Cận Thần Parantapa (Tiền thân Parantapa)

Lo sợ kinh hoàng trong trí ta...,

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Trúc Lâm về âm mưu của Tỷ-kheo Devadatta định giết Ngài.

Tăng chúng bàn luận tại Chánh pháp đường:

- Này các Hiền giả, Tỷ-kheo Devadatta dự định giết đức Như Lai, vị ấy đã thuê bọn xạ thủ, ném đá trên núi xuống, thả voi say Nàgàgiri và dùng nhiều phương tiện diệt đức Như Lai.

Bậc Đạo Sư bước vào hỏi đề tài thảo luận của các vị lúc ngồi đây. Khi các vị trình bày xong, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu các kẻ ấy dự định mưu sát ta. Song kẻ ấy không đủ khả năng thậm chí làm ta lo sợ, mà chỉ tạo khổ đau cho bản thân mình thôi.

Và do vậy Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm vương tử của chánh hậu. Khi lớn lên, ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilà và biết được thần chú hiểu tiếng kêu của súa vật. Sau khi lời thầy dạy đầy đủ, ngài trở về Ba-la-nại. Phụ vương phong ngài chức phó vương, nhưng dù vua đã làm như vậy, vua lại mong mỏi giết hại ngài và thậm chí không muốn nhìn thấy ngài nữa.

Thời ấy, một chó rừng cái đem hai chó con vào kinh thành theo một đường cống ban đêm, lúc mọi người đều nghỉ ngơi. Trong cung của Bồ Tát cạnh tư thất ngài, có căn phòng dành cho một người khách, kẻ ấy đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà bên chân mình rồi nằm trên tấm ván, nhưng chưa ngủ.

Bầy chó con đói và kêu khóc. Mẹ chúng bảo theo giọng chó rừng:

- Này các con đừng làm ồn, có một người trong phòng kia, có một người trong phòng kia đã cởi giầy ra và đặt trên sàn nhà. Ông ta đang nằm trên tấm ván nhưng chưa ngủ. Khi ông ta ngủ rồi, mẹ sẽ đến lấy đôi giầy cho các con ăn.

Nhờ thần chú, Bồ-tát hiểu tiếng chó rừng và rời phòng mình, mở cửa sổ gọi:

- Ai ở trên đó?

- Tâu Điện hạ, thần là một lữ khách.

- Thế giày của ông đâu?

- Tâu, ở trên sàn.

- Hãy lấy giày treo lên.

Nghe lời này, chó mẹ nổi giận với Bồ-tát. Một hôm nó lại vào thành theo cách trên. Hôm ấy có kẻ say rượu bước xuống nước trong một hồ sen, rồi té vào đó chết chìm. Kẻ ấy có hai chiếc áo đang mặc trên người, một ngàn đồng tiền để ở áo trong và một chiếc nhẫn trên ngón tay.

Bầy chó con lại kêu khóc đòi ăn. Mẹ chúng bảo:

- Im đi các con, có một người chết trong hồ sen này, ông ta có nhiều của cải như vậy mà đang nằm trong hồ sen, mẹ sẽ cho các con ăn thịt ông ta.

Bồ-tát nghe tiếng chó, mở cửa sổ ra hỏi:

- Ai trong phòng kia?

Một người thức dậy thưa:

- Chính tiểu thần.

- Hãy đi lấy bộ áo, ngàn đồng tiền và chiếc nhẫn trên người đang nằm chết ở hồ sen đằng kia và làm cho xác chìm xuống để nó khỏi nổi lên mặt nước.

Người kia tuân lệnh làm theo. Chó rừng liền tức giận ngài:

- Hôm trước ngài cản trở các con tôi ăn đôi giày, hôm nay ngài lại cản chúng tôi ăn xác chết. Được lắm, vào ngày thứ ba kể từ đây, một địch vương sẽ đến bao vây kinh thành, phụ vương ngài sẽ truyền ngài ra trận, họ sẽ chặt đầu ngài. Tôi sẽ uống máu từ cổ ngài cho hả giận: ngài tự biến mình thành kẻ thù của tôi, vậy tôi quyết chí trả thù.

Như vậy chó cái vừa sủa vừa nhục mạ Bồ-tát. Rồi nó đem các con đi.

Vào ngày thứ ba, vị địch vương đến bao vây kinh thành. Vua bảo Bồ-tát:

- Này con thân yêu, hãy ra trận.

- Tâu phụ vương, con đã thấy trước một điềm báo hiệu. Con không thể đi vì sợ rằng con sẽ mất mạng.

- Ngươi sống chết có nghĩa gì đối với ta? Đi ngay!

Bậc Đại Sĩ tuân lệnh. Cùng đem đám gia nhân theo, ngài tránh cổng thành nơi địch vương đang đón quân và đi ra bằng một cổng khác ngài đã mở sẵn. Khi ngài ra đi, cả kinh thành như thể bị bỏ trống vì mọi người cùng theo ngài. Ngài đóng quân ở một khoảng đất rộng và chờ đợi.

Vua suy nghĩ: "Phó vương của ta đã bỏ trống kinh thành và chạy trốn với tất cả quân sĩ của ta, còn kẻ thù đang nằm quanh kinh thành. Ta chỉ là kẻ chết rồi".

Nghe vua cha đã đào tẩu, Bồ-tát vào thành, đánh bại địch vương và chiếm lại quốc độ. Vua cha lúc ấy dựng lều lá bên bờ sông, sống bằng củ quả rừng. Vua và tế sư thường đi tìm trái cây. Còn cận thần Parantapa ở lại với hoàng hậu trong lều. Hoàng hậu lúc ấy đang có thai với vua, nhưng vì thường sống chung với Parantapa nên bà phạm tà hạnh với y.

Một hôm bà bảo với y:

- Nếu đức vua biết, chàng và thiếp đều không sống được đâu. Vậy hãy giết ngài đi.

- Bằng cách nào chứ?

- Ngài thường bảo chàng mang kiếm và áo tắm lúc ngài đi tắm, vậy hãy đem ngài đi xa người hộ vệ tại nơi tắm, rồi chặt đầu ngài và lấy kiếm chặt thân ngài thành nhiều khúc xong chôn xuống đất.

Y đồng ý. Một hôm vị tế sư đã đi ra tìm quả rừng, ông đã trèo lên một cây to gần nơi vua tắm và đang hái trái. Còn vua muốn tắm nên ra bờ suối cùng Parantapa mang thanh kiếm và áo tắm của vua.

Lúc vua sắp tắm, Parantapa muốn giết vua nhân dịp vua không có người hộ vệ, liền nắm cổ vua và nhấc kiếm lên. Vua sợ chết thét lớn. Vị tế sư nghe tiếng kêu và từ trên cây ông thấy rõ Parantapa đang ám sát vua, nhưng ông cũng quá kinh hoàng vội từ cành cây trụt xuống ẩn mình vào bụi rậm.

Parantapa nghe tiếng sột soạt lúc ông trụt xuống, nên sau khi giết vua và chôn xác xong, y suy nghĩ: "Có tiếng gì sột soạt từ cành cây trụt xuống gần đây, kẻ nào vậy?". Nhưng không thấy ai, y tắm rửa và ra về.

Sau đó vị tế sư bước ra khỏi chỗ ẩn. Nay biết vua đã bị chặt khúc và chôn trong cái hố, ông tắm rửa và vì lo cho sinh mạng của mình, ông giả mù khi trở về lều.

Parantapa thấy ông, liền hỏi việc gì đã xảy ra cho ông. Ông giả vờ không nhận biết y và nói:

- Tâu Đại vương, tiểu thần trở về với đôi mắt đã mù. Tiểu nhân đã đứng cạnh một tổ kiến trong rừng đầy rắn và hơi thở của một con rắn độc nào đó đã xông vào người tiểu thần.

Parantapa nghĩ vị tế sư đang nói chuyện với y như thể nói với vua vì ông không biết gì nữa, nên yên tâm bảo:

- Này vị Bà-la-môn, đừng lo, ta sẽ chăm sóc ngài.

Rồi y vừa an ủi ông vừa cho ông nhiều quả rừng.

Từ đó chính Parantapa đi kiếm trái cây. Về sau hoàng hậu sinh được một hoàng tử. Khi hoàng tử lớn lên, một hôm bà nói chuyện với Parantapa vào lúc tảng sáng nhân dịp ngồi nhàn nhã:

- Có ai thấy chàng lúc giết vua chăng?

- Không ai thấy ta cả, nhưng ta nghe tiếng động của vật gì trụt xuống từ bụi cây nọ, ta không biết đó là người hay vật. Tuy thế, bất cứ lúc nào trong lòng ta nổi lên mối lo sợ cũng đều do duyên cớ bụi cây sột soạt kia.

Rồi y ngâm vần kệ đầu nói chuyện với bà:

1. Lo sợ, kinh hoàng trong trí ta
Phát sinh ngay cả chính bây giờ
Đều do thuở ấy người hay vật
Lay động bụi cây ở chốn kia.

Hai người ấy tưởng vị tế sư đã ngủ, nhưng ông đang thức và nghe họ nói chuyện.

Một hôm, khi Parantapa đã đi vào rừng hái trái, vị tế sư nhớ đến bà vợ Bà-la-môn của mình, lại ngâm vần kệ thứ hai để than thân:

2. Nhà vợ thân yêu ở cạnh đây,
Nhớ thương làm dạ tái tê thay,
Như Pa-ran hiện đang gầy ốm
Vì sợ lá cành rung động cây.

Hoàng hậu hỏi ông đang nói gì thế. Ông đáp:

- Thần chỉ suy nghĩ trong dạ mà thôi.

Nhưng một ngày khác, ông lại ngâm vần kệ thứ ba:

3. Nhà vợ ở Ba-la-nại thành,
Thiếu nàng, ta héo hắt thân mình,
Như Pa-ran hiện đang xanh tái
Vì sợ bụi cây rúng rẩy cành.

Một ngày khác nữa ông lại ngâm vần kệ thứ tư:

4. Mắt nàng đen nhánh sáng long lanh,
Giọng nói, nụ cười mỉm tuyệt xinh,
Hồi tưởng làm ta tê tái dạ
Như Pa-ran sợ động cây cành
.

Theo thời gian, hoàng tử ấu thơ lớn dần đến mười sáu tuổi. Lúc ấy vị Bà-la-môn làm một cây gậy, cùng đi với cậu đến chỗ tắm và mở mắt ra nhìn. Hoàng tử hỏi:

- Này vị Bà-la-môn, ông không mù à?

- Ta không mù, nhưng nhờ cách này ta đã cứu mạng mình. Thế cậu có biết ai là thân phụ cậu không?

- Ta biết chứ.

- Người kia không phải là cha cậu đâu. Cha cậu là vua ở Ba-la-nại, người kia chỉ là kẻ hầu cận của hoàng gia, y đã thông gian với mẹ cậu và giết cha cậu tại chỗ này, rồi chôn xác đây.

Nói vậy xong, ông kéo bộ xương lên chỉ cho hoàng tử thấy. Hoàng tử tức giận hỏi:

- Thế ta phải làm gì bây giờ?

- Cứ đối xử với kẻ kia như cách y đối xử với cha cậu.

Rồi ông trình bày mọi việc cho hoàng tử và trong vài ngày, dạy cho hoàng tử cách dùng kiếm. Sau đó, một hôm hoàng tử cầm kiếm và áo tắm, rồi bảo:

- Cha ơi, chúng ta đi tắm nhé.

Parantapa đồng ý ra đi với cậu. Khi y bước xuống nước, hoàng tử cầm chỏm tóc y bằng tay trái và kiếm trong tay phải, bảo:

- Ngay tại đây, ngươi đã nắm chỏm tóc cha ta và giết ngài trong lúc ngài thét lên. Vậy ta cũng sẽ làm thế với ngươi.

Parantapa sợ chết, gào thét lên và ngâm hai vần kệ:

5. Chắc tiếng động kia đến với ngươi
Kể cho ngươi những chuyện xưa rồi:
Chắc người thuở nọ rung cành lá
Đã đến kể ngươi chuyện thiếu thời.

6. Ý tưởng điên rồ đến với ta
Đã cho ngươi biết chuyện bây giờ:
Ngày xưa làm chứng, người hay vật,
Ở đó và rung cổ thụ mà.
Kế tiếp, hoàng tử ngâm vần kệ cuối cùng:

7. Chính ngươi đã giết phụ vương thân
Cùng với lời lừa phản dối gian,
Ngươi dấu thây ngài trong bụi ấy,
Giờ đây ngươi phải chịu kinh hoàng.

Nói vậy xong, cậu đâm y chết tại chỗ, vùi thây vào đó và lấy cành cây phủ lên. Sau đó rửa sạch kiếm và tắm xong, cậu trở lại lều lá. Cậu kể cho vị tế sư nghe cách cậu đã giết Parantapa và khiển trách mẹ cậu xong, cậu lại hỏi khi cả ba trở về Ba-la-nại:

- Chúng ta sẽ phải làm gì bây giờ?

Bồ-tát phong hoàng đệ làm phó vương, rồi thực hành bố thí và nhiều thiện sự khác, về sau mạng chung ngài tái sinh lên Thiên giới.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, Bậc Đạo sư nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Devadatta là vua cha và Ta chính là vua con.

-ooOoo-

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant