Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

08 Luận Về Thọ Giới

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 4426)
08 Luận Về Thọ Giới

TRẦN THÁI TÔNG
KHÓA HƯ LỤC
Giảng Giải
THÍCH THANH TỪ
DL 1996 - PL 2540

LUẬN VỀ THỌ GIỚI

Dịch

Tịnh giới tiếng Phạn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài giới. Nên nói: “Người có phá giới, được gọi là Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo.” Đây là chỉ người có thọ giới cùng người không thọ giới vậy. Thọ giới rồi lại phá còn gọi là Tỳ-kheo; huống là người thọ tất cả tịnh giới, lại kiên trì gìn giữ! Cho nên hiện tại Bồ-tát lấy đây (giới) mà độ sanh; vị lai người tu hành do đây (giới) mà giải thoát. Kinh nói: “Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó mà sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm Pháp thân.”

Người có tội phải sám hối, nếu không sám hối thì tội càng sâu. Một phen mất thân này, muôn kiếp chẳng được lại. Ngày nay tuy an, sáng mai khó bảo đảm. Nên giữ giới pháp này, chóng qua sanh tử. Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo giới luật. Cổ đức nói: “Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền.” Đây là cổ nhân dùng giới luật làm thuyền bè. Song người nay chẳng dùng thuyền bè qua sông, mà được đến bờ kia, thật ít thay!


Giảng

Bài này tuy ngắn nhưng rất thiết yếu với cư sĩ tại gia và người xuất gia. Bởi vì người tu theo Phật trước tiên phải thọ giới. Tại gia thì thọ Ngũ giới, xuất gia thì thọ Thập giới hoặc nhiều nhất là hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo tăng, hoặc là Bồ-tát giới. Vậy thọ giới là gì? Cần yếu trên đường tu thế nào? Đây Ngài giải thích cho chúng ta nghe:

Tịnh giới tiếng Phạn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa.

Đây là dịch âm. Ba-la-đề-mộc-xoa là chỉ cho giới luật. Giới luật là những điều răn cấm của đức Phật, từ người cư sĩ đến người xuất gia phải sống thế nào cho đúng, nên gọi đó là giới. Giới là răn cấm. Tại sao đức Phật lại răn cấm những điều đó? Là vì lòng từ bi đức Phật răn cấm cho chúng ta thoát khỏi khổ. Tôi thí dụ như cha mẹ thương con nhỏ dại, sợ con trai hư nên không cho hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, bỏ học v.v... Không cho tức là cấm. Vì thương muốn cho con mai sau trở thành người tốt, người hay trong xã hội, nên cha mẹ cấm không cho làm những điều dở, điều xấu. Đức Phật nhìn chúng ta cũng như cha mẹ nhìn con thơ vậy. Nếu không cấm thì nó không sợ, không sợ thì nó khổ, nên Phật ra lệnh cấm. Người tại gia phải giữ năm điều, còn người xuất gia phải giữ mười điều, hai trăm năm mươi điều chẳng hạn... Cấm tức là bắt buộc, mà bắt buộc để làm gì? Nếu tại gia giữ được năm giới thì bảo đảm có được hai điều tốt là: Nếu tại gia giữ tròn năm giới thì gia đình hạnh phúc, cuộc sống được an tịnh thanh nhàn; mai sau chết đi bảo đảm được trở lại làm người và được hạnh phúc. Như vậy vì muốn cho cuộc sống mình hạnh phúc trong hiện tại và cả mai sau, nên Phật bắt buộc chúng ta phải giữ giới.

Người xuất gia Phật bắt phải giữ mười giới, hai trăm năm mươi giới để chi vậy? Vì người xuất gia không nghĩ, không muốn mình hạnh phúc như người thế gian, mà muốn được giải thoát ngay trong đời này và đời sau. Giải thoát ngay trong đời này tức là đời này sạch hết phiền não, giải thoát đời sau tức là đời sau thoát khỏi sanh tử, cho nên Phật bắt giữ giới nhiều hơn. Tóm lại, vì thấy chúng ta còn mê muội, Phật muốn cho chúng ta an toàn trên con đường tu hành không trở ngại, nên bắt giữ những điều Phật thấy có hại gọi là giới. Giữ được những giới cấm thì cuộc đời mình an lànhmai kia cũng sẽ an lành. Do đó vì lòng từ bi Phật bắt mình phải giữ giới.

Đây Ngài dẫn:

Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài giới.

Ba đời chư Phật được thành đạo đều phải do giới luật mà được thành tựu kết quả giác ngộ viên mãn, chớ không phải ngẫu nhiên mà thành.

Nên nói: “Người có phá giới, được gọi Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo.”

Câu này mới nghe quí vị hoảng hốt. Vì sao người có phá giới được gọi là Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo? Câu sau Ngài giải:

Đây là chỉ người có thọ giới cùng người không thọ giới vậy.

Người có thọ mới có phạm, có phạm mới gọi là phá giới. Người không thọ thì không phạm, không phạm thì không phá giới. Ngài kết luận:

Thọ giới rồi lại phá còn gọi Tỳ-kheo, huống là người thọ tất cả tịnh giới, lại kiên trì gìn giữ.

Nghĩa là thọ giới rồi lỡ phạm còn gọi là Tỳ-kheo thay, huống là thọ giới rồi mà giữ được trong sạch hoàn toàn thì quí biết ngần nào!

Cho nên hiện tại Bồ-tát lấy đây (giới) mà độ sanh; vị lai người tu hành do đây (giới) mà giải thoát.

Nghĩa là Bồ-tát trong thời hiện tại dùng giới pháp mà dạy, mà độ sanh... trong thời vị lai người tu hành cũng nhờ giới mà giải thoát. Như vậy lợi tha hay tự lợi đều phải dùng giới, chớ không cách nào khác. Thí dụ như chúng tôi giảng dạy cho Phật tử nghe, Phật tử hiểu đạo rồi phát tâm tu, thì chúng tôi phải dạy làm sao? Phải qui y Tam Bảo và thọ năm giới. Như vậy dạy Phật tử thọ năm giới để tránh tội lỗi, để thoát khỏi những điều phiền não, mới được an lành, nên nói phải lấy giới để độ sanh. Chính chúng ta tu, muốn giải thoát cũng phải lấy giới làm căn bản.

Đây dẫn kinh:

Kinh nói: “Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó mà sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm Pháp thân.”

Như vậy phương tiện đưa chúng ta đến chỗ an lành, đưa chúng ta thoát khỏi khổ đau đều gốc từ giới. Nghe như thế quí vị thấy có đúng không? Ở đây tôi thí dụ như cư sĩ tại gia chỉ giữ năm giới là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu giữ trọn được năm giới quí vị sẽ thấy bớt khổ nhiều. Vì không sát sanh thì không gây oán thù; không trộm cắp thì không bị người khinh bỉ và khỏi lo tù tội; không nói dối thì đâu có ai sợ mình lừa gạt và không mất uy tín với người khác; không tà dâm thì gia đình hạnh phúc; không uống rượu thì tránh khỏi chuyện say sưa. Người giữ được năm giới là đã thoát khổ rất nhiều. Từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội mình không khổ mà lại tăng thêm uy tín, còn nếu phạm thì mất hết uy tín với mọi người. Tỉ dụ như nếu phạm tội trộm cắp thì sợ bị bắt, sợ bị người đánh... Nếu phạm tội giết người lại càng sợ hơn, thấy ai cũng sợ, sợ người ta giết lại mình, sợ bị tù tội... Như vậy tất cả hành động đó làm cho mình bối rối lo sợ, mất cả uy tín của con người. Người tự cho mình là quân tử, là đứng đắn thì không bao giờ đi ăn trộm hay giết người, vì làm như vậy là giảm giá trị con người của mình, đồng thời bao nhiêu thứ khổ khác sẽ đến nữa. Vì vậy nên nói giới làm cho mình lành hết tất cả gốc bệnh khổ.

Người có tội phải sám hối.

Nếu đã thọ giới rồi lỡ có phạm phải sám hối.

Nếu không sám hối thì tội càng sâu.

Ví như bây giờ quí vị đã thọ giới không nói dối, nhưng vì làm ăn buôn bán, vì quyền lợi nên phải nói dối. Nói dối một lần rồi coi như phương tiện bỏ qua, mai mốt lại phương tiện nữa, phương tiện mãi cho đến chết thôi. Cho nên lỡ nói dối một lần phải ăn năn hối hận, phải thành tâm sám hối, như vậy khả dĩ bệnh nói dối mới hết. Trong giới tu sĩ gần đây hay dùng chữ phương tiện để khi nói điều gì không có sự thật thì bảo “ôi phương tiện mà!” Nói phương tiện là để biện minh, bào chữa bệnh nói dối của mình. Cứ thế mãi, rốt cuộc mình trở thành người chuyên nói dối. Cho nên càng che chở hoặc tỏ ra mình là người không cố chấp, thì tội lỗi càng sâu. Vì vậy, nếu lỡ làm lỗi chúng ta phải ăn năn hối cải, không nên để nó tăng trưởng. Vì chưa là Thánh nên khi hứa trước Phật, chúng ta cũng cố gắng, nhưng gặp hoàn cảnh thúc bách, vì quyền lợi hoặc vì việc gì đó, có khi phải nói dối. Tôi nói thí dụ như ở trong chùa, việc này không phải lớn, nhưng lỡ khi nào mình đi làm bỏ quên cuốc ngoài rẫy, đến tối bị lấy mất. Sáng hôm sau, Tri sự thấy mất cuốc hỏi ai làm mất, vì không ai thấy nên mình nói không biết. Cầm cuốc đi làm mà nói “không biết” là nói dối. Nói không biết là phương tiện để khỏi bị rầy, vậy mai mốt sẽ nói không biết nữa. Mình nói không biết thì người ta sẽ nghi người khác. Nghi người khác là phiền tới người khác, vì vậy lỡ làm thì nhận lỗi, chịu tội, sám hối, để người khỏi bị họa lây, đó mới là người chân thật. Còn làm lỗi rồi chối bỏ để cho người hứng chịu, đó là có ý ác. Cho nên sự việc thấy dường như nhỏ mà không khéo sẽ gây họa lớn. Đây là nói việc nhỏ xíu trong đạo mà nhiều người hay “phương tiện” như thế. Phương tiện tức là che giấu lỗi lầm của mình. Như vậy là yếu đuối, là hèn hạ chớ không phải là phương tiện.

Một phen mất thân này, muôn kiếp chẳng được lại.

Nếu lỡ mất thân này muôn kiếp khó được trở lại làm người. Vì vậy, được thân này là quí, được thân này là phải làm sao có lợi ích cho bản thân mình và cho mọi người.

Ngày nay tuy an, sáng mai khó bảo đảm.

Câu này để nhắc cho những người hay hẹn: “Năm nay bận rộn quá tu không được, thôi hẹn sang năm đi”, hoặc có người nói: “Năm nay tôi bận quá, đang lo chuyện này chuyện kia, để sang năm rảnh việc rồi tôi tu.” Nhưng mà ngày nay sống thì mừng ngày nay, chắc gì ngày mai mình còn sống. Nếu hẹn ngày mai, rủi mai chết rồi thì sao? Làm sao có thì giờ mà tu, vì vậy việc tu không thể hẹn. Việc gì làm được lợi mình lợi người phải làm ngay chớ có chần chờ, mai kia biết mình còn sống hay không?

Nên giữ giới pháp này, chóng qua sanh tử.

Người nào khi thọ giới rồi khéo giữ giới, lần lần sẽ qua được con đường sanh tử.

Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo giới luật.

Ai là đệ tử Phật thì phải y theo giới luật của Phật dạy.

Cổ đức nói: “Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền.”

Qua sông tức là khi cần vượt qua sông phải nhờ thuyền bè, đến lúc lên bờ rồi thì thuyền bè không cần thiết nữa. Nhưng không cần thiết là khi đã lên bờ, còn chưa lên bờ mà nói không cần thuyền bè là nhảy xuống sông tự tử, chớ không đi đến đâu hết. Cho nên tu chưa đến nơi mà không giữ giới luật, cho giới luậtràng buộc, mất tự do v.v... là họa vậy! Chừng nào tới bờ kia là bờ giác ngộ rồi, lúc đó bỏ giới luật được, vì đã giác ngộ đâu còn mê mà phải giữ, còn giữa chừng là còn mê mà không giữ thì tạo tội, phải chìm. Hiện nay có một số tu sĩ đã là Tỳ-kheo nữa, lại ngồi quán nhậu nếu có ai thấy hỏi tại sao thầy tu mà còn uống rượu, bèn nói tôi phá cái chấp của thiên hạ, vì họ cứ khư khư chấp giới mãi, nên tôi phá chấp cho họ. Phá chấp như thế là đúng hay sai? Như vậy là mình làm cho thiên hạ chìm trong sanh tử chớ không phải cứu họ.

Song người nay chẳng dùng thuyền bè qua sông, mà được đến bờ kia, thật ít thay!

Ngài nói thậtchí lý. Người thời nay không dùng thuyền bè (tức giới luật) để qua sông đến bờ kia (bờ giác ngộ) thật là ít lắm thay! Người như vậy rất hiếm, nghĩa là phải nhờ giới luật trước mới đi tới giác ngộ sau. Giới luật không có mà đòi giác ngộ là chuyện không thể được.

Bài này ngài Trần Thái Tông muốn khuyến khích tất cả Tăng NiPhật tử, khi vào đạo đã lãnh thọ giới Phật thì phải ráng gìn giữ cho tròn. Đó là tự cứu mình, là đưa mình đến chỗ an vui hết khổ, không nên xem thường, xem thường là nguy, là tội lỗi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant