Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Dodrupchen Đệ Tứ Thupten Thrinle Palzang Sinh Năm 1927

03 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 3435)
Dodrupchen Đệ Tứ Thupten Thrinle Palzang Sinh Năm 1927

DODRUPCHEN ĐỆ TỨ
THUPTEN THRINLE PALZANG
Sinh năm 1927

tieusucacdaosu-03-contentKYABJE Thupten Thrinle Palzang, Dodrupchen Rinpoche đệ tứ, là một Đạo sư vĩ đại của Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn), vị hộ trì dòng truyền thừa và người truyền bá chính yếu của giáo lý Longchen Nyingthig.

Rinpoche sinh năm Hỏa Mẹo thuộc Rabjung thứ mười sáu (1927) tại làng Tsi trong Thung lũng Ser (Serta) ở Golok, miền Đông Tây Tạng. Tsi là một ngôi làng nhỏ, bao quanh là những cánh đồng lúa mì, lúa mạch, và đậu Hòa Lan xanh tươi và trù phú. Ngọn núi xanh phủ cỏ ở phía sau lấm chấm cây cối và những tảng đá. Con sông Ser dịu dàng chảy chậm rãi từ phải sang trái. Thân phụ của Rinpoche là Drala thuộc bộ tộc Jekar, và thân mẫu là Kali Kyi thuộc bộ tộc Kazhi.

Trong khoảng thời gian từ lúc thân mẫu mang thai ngài cho tới khi ngài sáu tuổi, Rinpoche đã phô diễn nhiều dấu hiệu kỳ diệu. Lushül Khenpo và Lauthang Tülku đã ghi lại những dấu hiệu này cho tới khi ngài bốn tuổi. Trong thời thơ ấu của tôi, hết sức tò mò, tôi đã đọc về những sự kiện này nhiều lần và dưới đây là một số điều tôi còn nhớ.

Trong khoảng thời gian ngài được hoài thai, thân phụ ngài có một giấc mơ trong đó ông múa một thanh kiếm pha lê, nó dài đến nỗi không thể nhìn thấy đầu ngọn kiếm trên bầu trời. Năm đó hầu như cầu vồng xuất hiện mỗi ngày trên làng Tsi, và các tu sĩ của tu viện đi qua sông thường nói đùa: “Năm nay tất cả những người dân làng Tsi sẽ đạt được thân cầu vồng.”

Khi Rinpoche ở trong bụng mẹ, nhiều lúc mẹ ngài đi vào một chỗ tối tăm nhưng bà có thể nhìn thấy nhờ ánh sáng xuất hiện, đôi khi điều đó làm bà hoảng sợ. Một hôm một con rắn ngậm một vật sáng ngời trong miệng đi vào nhà và sau đó biến mất vào trong tường trước mặt vài người.

Hầu như mỗi đêm một za (xem chú thích 2) xuất hiện trên mái nhà. Ở ngôi làng xa xôi này nhiều lần người ta nhìn thấy một con quạ không có phần trên của cái mỏ sống ở Tu viện Dzogchen. Không có hạt giống nào được gieo nhưng một loài hoa vô danh trong vùng đất đó của xứ sở đã phủ đầy mái nhà.

Khi ngài sinh ra trước bình minh, mặc dù trời vẫn còn tối, nhưng nhờ một ánh sáng nên có thể nhìn thấy mọi vật thật rõ ràng. Đứa trẻ được tìm thấy nhiều lần trên mái nhà mặc dù nó không đi được. Cho rằng hẳn là cậu bé đã leo lên cầu thang, cha mẹ cậu chặn cầu thang lại nhưng họ vẫn tìm thấy cậu bé ở tầng trên nhiều lần.

Có lần một tảng đá mani lớn - tảng đá có khắc những lời cầu nguyện – rơi lên người Rinpoche. Dường như ngài gãy nhiều miếng xương, nhưng sau vài giờ mọi dấu vết của tổn hại này đã biến mất. Nhiều người nghe ngài tụng thần chú siddhi, thần chú cầu nguyện của Guru Rinpoche, nhiều lần.

Một hôm, một đệ tử của Dodrupchen đệ tam được đặt tên là Guru tới thăm ngài. Khi Rinpoche nhìn thấy ông, ngài lập tức nói: “Guru! Guru!” và gia hộ cho ông bằng cách đặt bàn tay lên đầu ông và tụng, OM AH HūM, VAJRA GURU PADMA SIDDHI HūM.

Dzogchen Rinpoche Thupten Chökyi Dorje đệ tam (1872-1935) ban tiên tri sau đây cho Tu viện Dodrupchen để chỉ ra nơi tülku của Dodrupchen đệ tam sẽ được tìm thấy:

 

Suối nguồn chính yếu của sự hiển lộ của Đạo sư kim cương,

Thủ hộ của những dòng truyền thừa của Đức Phật, là Núi Huy hoàng của Lục địa Ngayab.

trung tâm, là cõi tịnh độ vĩ đại của Báo thân,

Có bốn hiện thân của thân, ngữ, tâm, và đức hạnh của ngài.

Hiển lộ hành động của ngài

Đã tái sinh ở miền nam của tu viện,

Tại một nơi giữa những ngọn núi với những tảng đá và cây cối,

Trong gia đình của một phương tiện thiện xảo [cha] và một trí tuệ [mẹ] được gọi tên là Ka và Da

Như một đứa trẻ tốt lành của năm Thổ Mẹo.

Có những dấu hiệu cho thấy ngài sẽ làm lợi lạc Giáo Phápchúng sinh.

Theo khẩn cầu của những người sùng mộ,

Ta, Dzogchen Tülku Dharmavajra đệ ngũ,

Viết tất cả những gì được nhớ lại trong tâm thức mê lầm của ta.

Cầu mong bình minh của những đức hạnh và điều tốt lành tràn ngập trái đất.

 

Yogī Dzogchen Yukhok Chatralwa vĩ đại cũng nói: “Trong một giấc mơ ta nhìn thấy hai cái bình thiêng trên một mạn đà la, vì thế sẽ có hai hóa thân. Nếu thực hiện lễ cúng dường cho các vị bảo trợ, quý vị sẽ tìm thấy các tülku rất sớm.”

Sau đó Dzogchen Rinpoche chỉ thị cho họ để hướng dẫn cuộc tìm kiếm ở miền nam của tu viện cho tới các thung lũng xứ Li và Tsang. Khi nhóm tìm kiếm từ Tu viện Dodrupchen viếng thăm làng Tsi, trước khi cha mẹ ngài biết tin phái đoàn đến nơi, Rinpoche nói với họ: “Hôm nay có khách tới,” và ngài hát thật vui vẻ. Khi đoàn người đến để khảo sát ngài, bày ra trước mặt ngài những quyển sách, chuỗi hạt, và những vật sở hữu khác của Dodrupchen đời trước được để lẫn với pháp khí của những người khác, ngài đã cầm lên những vật của vị tiền nhiệm không chút sai lầm và nói: “Cái này của tôi.”

Sau đó một danh sách các tên người được trình cho Dzogchen Rinpoche để ngài quyết định lần cuối cùng. Ngài đã lựa ra tên của Dodrupchen Rinpoche hiện tạisáng tác một bài nguyện trường thọ cho đứa trẻ, và ban cho cậu tên Thupten Thrinle Palzangpo. Nhiều đại Lạt ma khác cũng chứng thực việc xác nhận về điều mà họ nhất trí.

Khi cậu bé được bốn tuổi, một phái đoàn từ Tu viện Dodrupchen trong làng Tsi đến như buổi đón rước đầu tiên, dẫn đầu là Tülku Pemang Namgyal (mất năm 1957), một tülku của Düdjom Lingpa. Trên đường đi tới tu viện, nhóm người cắm trại vào ban đêm và sáng hôm sau một vài con ngựa bị mất. Mọi người tìm kiếm khắp nơi chung quanh nhưng không thể tìm ra chúng. Họ hỏi Rinpoche là có thể tìm thấy chúng ở đâu. Ngài chỉ ngón tay nhỏ xíu của ngài về hướng một ngọn núi, và họ đã tìm thấy những con ngựa ở đó.

Buổi lễ tiếp đón cuối cùng do Khenpo Könme (1859-1935) hướng dẫn, được tổ chức ở một nơi cách tu viện hai dặm. Vị khenpo già cưỡi một con dzo,[1] đi tới, có khoảng một trăm tu sĩ học viên đi cùng. Các học viên đi bộ thành một hàng sau vị khenpo. Họ đắp y tu sĩ màu cam và cầm những quyển sách trong sholaki (những cái hộp) như một biểu tượng của việc họ là những người nghiên cứu Kinh điển

Ngoài ra tại nơi này Rinpoche gặp Rigdzin Tenpe Gyaltsen (1927-1961), người cũng được xác nhận là Dodrupchen đệ tứ và được đưa tới tu viện để được tôn phong đồng thời với ngài.

Các Phật tử tin rằng nếu quý vị là một bậc chứng ngộ cao cấp, quý vị có thể đồng thời hiển lộ chính mình trong thân tướng của nhiều người như những hóa thân để phụng sự chúng sinh. Vì thế có nhiều hóa thân của Dodrupchen, là những vị do Dodrupchen đệ nhất hóa hiện từ lúc đầu.

Hai Rinpoche được các nhóm tu sĩcư sĩ đưa tới Tu viện Dodrupchen và vào đại sảnh của ngôi chùa chính. Nhiều người đã khóc vì sung sướng và tràn ngập niềm tin. Ở đó cả hai Rinpoche cùng được tôn phong, và buổi lễ được cử hành trong bầu không khí vô cùng hoan hỉ.

Tại Tu viện Dodrupchen, ngay sau khi các lễ tôn phong đã hoàn tất, Rinpoche đứng trên Pháp tòa, cười và tụng Bài Cầu nguyện Bảy Dòng và vài câu kệ từ Zheng Shik Pema, trước sự kinh ngạc của mọi người.

Sau đó ngài viếng thăm chùa của các vị Hộ Pháp, và từ quyển sách khổng lồ gồm những bài cầu nguyện các Hộ Pháp, ngài rút ra một bài cầu nguyện ngắn các vị Hộ Pháp do Do Dodrupchen đệ nhất biên soạn và đưa nó cho thân phụ của ngài. Ngài không thể nhận ra các chữ nhưng tụng thuộc lòng bài nguyện, quên mất một dòng. Mặc dù có một dòng bị quên nhưng ý nghĩa vẫn đầy đủ. 

Theo đề nghị của Khenpo Könme, các thị giả của ngài thường cho ngài kẹo và đặt những câu hỏi, và để đáp lại ngài thuật lại cho họ về những linh kiến và hồi ức của ngài trong những đời trước. Ví dụ như:

 

Hỏi: Ngài từ đâu tới?

Đáp: Từ Zangdok Palri (Núi Huy hoàng Màu Đồng Đỏ).

Hỏi: Zangdok Palri ra sao?

Đáp: [Chắp đôi bàn tay nhỏ xíu của ngài trong hình dạng một trái tim/ngọn núi] Nó giống thế này.

Hỏi: Ai sống ở đó?

Đáp: Guru Rinpoche.

Hỏi: Còn ai khác ở đó”

Đáp: Chenrezik (Đức Quán Thế Âm) ở đó.

Hỏi: Ngài biết Sin-gyal Raksha Thötreng không?

Đáp: Biết.

Hỏi: Trông ông ta ra sao?

Đáp: Nhiều miệng, nhiều mắt, nhiều màu sắc. [Ngài cười.]

Một lần khác những câu hỏi và câu trả lời diễn ra như sau: “Trụ xứ của ngài ở đâu?” Ngài chỉ về phía rừng trong đó có ẩn thất trong đời trước của ngài và nói: “Ở đó.” Cố đùa bỡn ngài, họ nói: “Ngoài cây cối ra chẳng có gì ở đó.” Ngài trả lời: “Không! Không! Nhà tôi ở đó!”

Thỉnh thoảng Rinpoche làm những torma bằng tsampa trong những cái tô của họ và khi ném chúng đi, họ nói: “Cầu mong các chướng ngại bị tống xuất.” Người ta có thể nhìn thấy những tia sáng xuất hiện từ các torma.

Một đêm ngài sắp đi ngủ nhưng bắt đầu tụng những bài kệ vô danh bắt đầu bằng: “Con không bao giờ xa lìa sự giác ngộ.” Thị giả của ngài cố gắng ghi lại một số trong những điều ngài nhớ lại. Đó là một bài kệ bảy dòng với ý nghĩa triết họcthiền định sâu xa. Sau này, Kyala Khenpo soạn một bình giảng về những câu kệ đó, giải thích chúng theo ba cách, theo Mahāyoga, Anuyoga, và Atiyoga. Hiện nay chúng ta đã thất lạc cả những câu kệ lẫn bình giảng của Khenpo.

Khenpo Könme đã phát biểu: “Từ bằng chứng của những dấu hiệu được phô diễn trong thời thơ ấu, Rinpoche có thể hiển lộ như một bậc lão thông đầy năng lực với những điều huyền diệu có thể so sánh được với Do Khyentse.” Tuy nhiên, sau khi ngài lớn lên, ngoại trừ một vài trường hợp, ngài không phô diễn dấu hiệu nào về sự thành tựu thần diệu. Thêm vào đó, khi những Lạt ma khác, trong đó có vị Dodrupchen Rinpoche đệ tứ kia (Dodrupchen Rigdzin Tenpe Gyaltsen đệ Tứ), phô diễn các điều huyền diệu hay ban các tiên tri, ngài nhắc đi nhắc lại với họ rằng: “Trong thời đại này việc phô diễn điều huyền diệu không thích hợp. Nó có thể làm hại tới cuộc đời, những hoạt động, hay Phật Pháp của ta. Nó có thể khiến cho những ẩn mật của tantra (Mật điển) bị phân tán.”

Từ năm lên bốn, khi các ngài cùng được tôn phong, cho tới năm hai mươi tuổi, hai vị Hóa thân của Dodrupchen đệ tam sống với nhau và cùng được dạy dỗ. Từ khi lên năm, các ngài bắt đầu đọc các bản văn với các thầy trợ giáo Puchung Rang-rik và Chökor Lotsül. Các tu sĩ nói chung, và đặc biệt là các tülku, được dạy dỗ đã tụng đọc những bản văn thật nhanh, cho tới khi họ có thể tụng ngay khi vừa nhìn thấy một bản văn không được chuẩn bị trước và nhanh như đã thuộc lòng. Các Rinpoche đã hoàn tất việc tập tụng đọc của mình chưa đầy một năm, là một thành tựu tuyệt vời.

Từ năm lên bảy (1933), các ngài bắt đầu nghiên cứu các bản văn Kinh điển. Vị Thầy đầu tiên của các ngài là Lushül Khenpo, Könchok Drönme (Könme, 1859-1936). Các ngài học Manjushrīstotra, Lá Thư cho một người Bạn của Nāgārjuna, Bodhicharyāvatāra (Nhập Bồ Tát Hạnh), và sau đó Yönten Dzö, một bản văn về sự trình bày đầy đủ Kinh điểnMật điển của Jigme Lingpa. Nhưng khi các ngài đang học Yönten Dzö nửa chừng thì Könme Khenpo mất sau một cơn bệnh ngắn ở tuổi bảy mươi bảy, phô diễn nhiều dấu hiệu của sự thành tựu tâm linh cao cấp.

Năm mười một tuổi (1937), hai vị Rinpoche đi tới Tu viện Gekong ở Dzachukha, ở đó các ngài nhận quán đảnh và sự phó chúc Nyingthig YabzhiLongchen Nyingthig từ Khenpo Künzang Chötrak (Khenpo Künpal, 1872-1943), một đệ tử của Paltrül Rinpoche và Dodrupchen đệ tam. Phó chúc cho các ngài dòng truyền thừa, Khenpo nói với các ngài: “Dòng truyền thừa của ta xác thực, ngắn, mạnh mẽ, và được gia hộ; nó phi thường hơn những dòng truyền thừa khác. Nay ta đã trao truyền tài sản của một người cha vào tay con trai.” Khenpo rất vui sướngliên tục khẩn cầu các Rinpoche truyền bá và giữ vững dòng truyền thừa vàng ròng Longchen Nyingthig, không pha trộn nó với những dòng khác. Trong mùa đông năm đó các Rinpoche trở về Tu viện Dodrupchen. 

Năm mười bốn tuổi (1940), Rinpoche bị bệnh nặng. Ngài đi gặp Apang Tertön, Ogyen Thrinle Lingpa (mất năm 1945), người đang ở tại Núi Drong-ri thiêng liêng. Một hôm Apang Tertön ban cho ngài một tô chang, bia lên men, để uống. Nhưng Rinpoche ngập ngừng. Bởi mặc dù không phải là một tu sĩ thọ giới, ngài không có thói quen uống rượu, để trì giữ giới luật của truyền thống tu viện của ngài. Nhưng sau đó ngài nghĩ: “Hẳn đây là một sự gia hộ của Lạt ma,” và ngài uống cạn tô chang mà không lưỡng lự nữa. Kết quả là một sự tỉnh giác kỳ diệu xuất hiện, là điều không thể diễn tả bằng lời hay nhận thức bằng tư tưởng. Ngài có thể trả lời tự nhiên bất kỳ câu hỏi nào của Lạt ma, nhưng ngài không cần nỗ lực khi nói những điều siêu vượt câu trả lời mà câu hỏi gợi ra. Sau này, khi ngài ra khỏi căn nhà và cảm nhận sự va chạm của gió, điều đó mang lại một sự xác tín bẩm sinh rằng mọi sự xuất hiện hay hiện hữu đều không thật như một giấc mơ, và một nỗi chán ngán sinh tử phát khởi tự nhiên trong tâm ngài. Với sự xuất hiện của những cảm xúc không thể diễn tả được này về sự an bìnhchán ngán, một chứng ngộ tự nhiên về giác tánh bẩm sinh đã phát khởi trong ngài. 

Ngày hôm sau ngài tới gặp Lạt ma để trình bày những kinh nghiệm thiền định của ngài. Nhiều năm sau này Rinpoche nói về cuộc gặp gỡ: “Ta cảm thấy rằng ta đang nói chuyện với Lạt ma như một đứa trẻ sơ sinh.” Lạt ma xác nhận sự chứng ngộ của ngài và ban cho ngài một tiên tri chi tiết về những sự kiện của đời ngài cho tới năm ngài hai mươi lăm tuổi. Và Lạt ma cũng nhận ra Dodrupchen Rinpoche là một trong những vị hộ trì giáo lý của các giáo lý terma do chính Lạt ma khám phá. Lạt ma khuyên Rinpoche nhận giáo lý từ Yukhok Chatralwa, bởi Chatralwa là vị Thầy định mệnh của Rinpoche.

Môt hôm trong khi Rinpoche đang nhập thất tại So-thok Gyalwe Wenne, thình lình ngài nói với thị giả của ngài rằng ngài phải tới gặp Yukhok Chatralwa. Với một thị giả và một con ngựa, ngài đi tới ẩn thất của Lạt ma, cách khoảng hai ngày đường. Trên đường đi ngài gặp chị của ngài, nhưng bà không nhận ra ngài bởi bà không nghĩ rằng ngài du hành đơn giản như thế. Khi ngài tới ẩn thất, Lạt ma đang bị bệnh nặng. Lạt ma không dùng thực phẩm trong nhiều ngày và hầu như không thể di chuyển. Rinpoche đã có một cuộc đàm luận bình thường với Lạt ma trong vài giờ, vào lúc đó Lạt ma yêu cầu thị giả mang cho Lạt ma một ít thực phẩm. Trước sự ngạc nhiên của họ Yukhok Chatralwa đã dùng thực phẩm và từ từ hoàn toàn bình phục mà không có dấu vết nào của sự bệnh tật. Do bởi tuổi già, Chatralwa không thể đứng dậy. Nhưng Lạt ma nói: “Người ta nói rằng ta là một đệ tử cũ của Dodrupchen, vì thế đích thân ta phải dọn trà cho Rinpoche,” ngài cầm bình trà và rót vào tách của Rinpoche. Mọi người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Yukhok Chatralwa chấp nhận niềm tin của đại chúng nơi nhân thân của ngài là tülku của Dola Jigme Kalzang, một đệ tử chính yếu của Dodrupchen đệ nhất.

Mùa xuân năm Dodrupchen mười lăm tuổi (1941), Rinpoche ban toàn bộ quán đảnh và Lung của Longchen Nyingthig cho khoảng một ngàn tăng và ni tại Tu viện Dodrupchen.

Từ năm lên mười cho tới mười tám tuổi, Rinpoche thực hiện hầu hết những việc nghiên cứu thông tuệ của ngài tại Tu viện Dodrupchen. Các vị Thầy của ngài gồm có Chökor Khenpo Kün-ga Lodrö, Kyala Khenpo Chöchok, Shorwak Khenpo Sherap Trakpa, Kephan Khenpo Thuksung, và Garwa Tülku Dorchok. Việc học tập của ngài bao gồm các bản văn Kinh điển về việc tu tập chuẩn bị tâm thức (Blo sByong), Madhyamaka (Trung Đạo), Abhidharma (A tỳ đàm), và Vinaya (Luật); và các bản văn Mật điển chẳng hạn như Guhyagarbha-tantra, các Sādhana của Ba GốcVajrakīla của Longchen Nyingthig, một vài quyển trong Bảy Kho tàng của Longchen Rabjam, và Yeshe Lama.

Ngài được dạy hát tụng, âm nhạc, và những cử chỉ huyền bí (mudrā, ấn), chuẩn bị các mạn đà la và torma, và v.v.. – mọi trách nhiệm của một vajra acharya (Đại Đạo sư). Ngoài thực hành ngöndro, ngài đã hoàn tất việc tu tập nhập thất trì tụng Rigdzin Düpa, Yumka Dechen Gyalmo, Palchen Düpa, Vajrakīla, và Guhyagarbha-tantra.

Trong mùa xuân năm ngài mười chín tuổi (1945), phù hợp với tiên tri của Apang Tertön, hai vị Dodrupchen Rinpoche đi hành hương miền Trung Tây Tạng với một đoàn hàng trăm người. Ngoài ra, theo những chỉ dẫn của Apang Tertön, họ giữ bí mật nhân thân, ngoại trừ tại Tu viện Mindroling và Ni viện Tsering Jong. Ở mọi nơi khác, người ta nói rằng thủ quỹ của Dodrupchen đang du hành tới những thánh địa để cúng dường nhân danh hai vị Rinpoche. Họ đã viếng thăm nhiều địa điểm hành hươngtu viện, trong đó có Radreng, Lhasa; ba đại tu viện Drepung, Sera, và Ganden; Kangri Thökar; Drak Yangdzong; Dorje Trak; Mindroling; Samye; Tsering Jong; và thánh địa Yarlung.

Rinpoche đã thực hiện một khóa nhập thất thực hành sādhana của Yumka Dechen Gyalmo (Nữ Hoàng Đại Lạc) trong phòng của Jigme Lingpa tại Ni viện Tsering Jong. Trong khóa nhập thất đó ngài đã liên tục kinh nghiệm trong những thời gian dài sự tận diệt của mọi tư tưởng tầm thường và sự rộng khắp của một trạng thái chói ngời tối thượng (Don Gyi Od gSal) thoát khỏi sự khái niệm hóa. Tại Kodrzö Ling, chùa của các vị Hộ Pháp của Tu viện Samye, vị vấn linh đi vào trạng thái xuất thần một cách tự nhiên và bị Hộ Pháp Tsiu Marpo nhập vào. Ông ta chạy tới Rinpoche và tỏ lòng tôn kính, cúng dường ngài cái “móc” trong tay ông ta, là pháp khí dùng trong nghi lễ. Cuối cùng, mùa thu năm ngài hai mươi tuổi, vào ngày hai mươi lăm tháng chín năm Hỏa Tuất (1946), các ngài trở về Dodrupchen. 

Chẳng bao lâu sau khi ngài đi hành hương về, Tülku Jigme Phuntsok, vị lãnh đạo việc hành chánh của Tu viện Dodrupchen, được hỗ trợ bởi hầu hết các tu sĩcư sĩ, đã khẩn cầu Rinpoche đảm nhận việc hành chánh của tu viện cùng những tu viện nhánh và các khu vực thuộc tu viện (Lha sDe), mặc dù nhiều người, chẳng hạn như vị Thầy của tôi là Kyala Khenpo hết sức e dè và nói: “Rinpoche không nên gánh vác các trách nhiệm thuộc về hành chánh, như vị tiền nhiệm của ngài đã không bao giờ làm, bởi công việc đó làm ngài xao lãng việc tu họcgiải quyết những nhu cầu tâm linh của mọi người.” Trong khi Dodrupchen đệ tam còn hiện diện, Tu viện Dodrupchen đã trở thành một trong những tổ chức tu học phát triển nhất ở miền Đông Tây Tạng, nhưng sau khi Könme Khenpo mất, tu viện nhanh chóng suy tàn và xuống đến tận cùng trong lịch sử của nó khi Rinpoche được thúc giục kế tục công việc đó. Rinpoche đã nhận lãnh trách nhiệm. Từ lúc đó cho tới năm ba mươi tuổi, khi ngài bị bắt buộc phải trốn thoát, Rinpoche đã hoàn thành cả hai trách nhiệm lãnh đạo tâm linhhành chánh của tu viện.

Khoảng năm Rinpoche hai mươi hai tuổi, ngài viếng thăm Tu viện Joro, trong lãnh địa Trokyab thuộc Tỉnh Gyarong. Các tu sĩ của tu viện đã làm một cây giáo có treo bức tranh của Hộ Pháp Tsiu Marpo. Họ khẩn cầu Rinpoche gia hộ và đưa ra cho mọi người thấy một dấu hiệu là lá cờ bị Hộ Pháp thâm nhập. Rinpoche từ chối yêu cầu của họ. Nhưng dân chúng ở Gyarong nổi tiếng về sự kiên trì, và khi buổi lễ của vị bảo trợ đang diễn ra, một nhà sư mang lá cờ vào và đứng trước mặt Rinpoche ở giữa khoảng năm mươi tu sĩ. Rinpoche, rõ ràng là bị bực mình bởi sự kiên trì của họ, đã ném vào lá cờ một nắm hạt, và rồi thì cây giáo rung lắc dữ dội. Kéo người cầm cờ đi và nhiễu quanh ngôi chùa một lần, lá cờ rút lên gác và đi vào phòng thờ của các vị bảo trợ.

Năm hai mươi bốn tuổi, ngài đi tới gặp Yukhok Chatralwa, người được tin là một hiển lộ của Vimalamitra, để nhận giáo lý. Vị Lạt ma dạy ngài toàn bộ thực hành Trekchö và Thögal của Dzopa Chenpo, “giống như rót đầy một cái bình từ một bình khác.” Lạt ma là một học giả vĩ đại, nhưng ngài đã ngừng ban giáo lý hay những giảng dạy bản văn cho đại chúng. Ngài chỉ truyền riêng các giáo huấn cho các đệ tử, phù hợp với căn cơ, nhu cầu, và kinh nghiệm của mỗi người. Loại giảng dạy này được gọi là Nyamtri hay Nyongtri, những giáo huấn tùy theo kinh nghiệm tiến bộ của thiền giả. Yukhok Chatralwa có khả năng thấu suốt tâm của người khác. Khi mọi người đến thăm ngài, họ sợ tâm họ xuất hiện những tư tưởng xấu.

Rinpoche xây dựng một quần thể shedra (Học viện Kinh điển) với một ngôi chùa và một chỗ ở cho các khenpo, bao bọc chung quanh là phòng cho các đệ tử. Khi tôi đang tu học trong shedra, có hai mươi lăm học viên thường xuyên và khoảng số đó các học viên dự thính. Tất cả những học viên thường xuyên được học bổng của các quỹ tu viện do Rinpoche cung cấp. Các khóa học chính tại shedra là Pramana (luận lý), Prajnāpāramitā (Bát nhã ba la mật, trí tuệ siêu việt), Madhyamaka (triết học Trung đạo), Abhidharma (Triết họcsiêu hình học Phật giáo), và Vinaya (các giới luật tu sĩcư sĩ) của kinh điểnYizhin Dzö, Yonten Dzö, và Guhyagarbha-tantra của Mật điển. Tuy nhiên, các giáo lý về các sādhana ba gốc, và v.v.. và giáo lý Dzopa Chenpo không được ban một cách dễ dàng, mà trong một môi trường hẻo lánh cho những học viên cao cấp được tuyển chọn.

Mùa xuân năm ngài hai mươi lăm tuổi (1951), Rinpoche đi tới Tỉnh Dege để nhận những trao truyền theo dòng truyền thừa. Từ Khyentse Chökyi Lodrö (1893-1959) của Tu viện Dzongsar, Rinpoche nhận những quán đảnh (dBang) và những trao truyền văn bản (Lung) của Semde Adön Chogye, Longde Dorje Zampa, Me-ngagde, mười ba phần của Kama, Düpa Do, Gongpa Zangthal, Trölthik, Longchen Nyingthig,Sungbum của Khyentse Wangpo cũng như những quán đảnh Kālachakra, Guhyasamāja, Chakrasamvara, Hevajra, và Vajrabhairava. Từ Kongtrül Pema Tri-me Lodrö (1901-1959?) của Tu viện Zhechen, Rinpoche nhận những quán đảnh và trao truyền văn bản của giáo khóa Changter (Kho tàng phương Bắc) của Rigdzin Gödem, mười ba quyển sách của giáo khóa Minling, ba truyền thống chính của Kagye, và Kagyü Ngagdzö. Từ Namtrül Drodül Karkyi Dorje của Tu viện Gyarong, Rinpoche nhận những quán đảnh và trao truyền văn bản của Rinchen Terdzö, Kagye Deshek Düpa, Lama Gongdü, sáu quyển của Jatsön, Terchö của Namchö, Terchö của Nyima Trakpa, chín quyển của Jigme Lingpa. Ngài cũng nghiên cứu thi caGuhyagarbha-tantra với Khenpo Thup-nyen của Tu viện Dzogchen.

Khi trở về Rinpoche ban quán đảnh Khandro Nyingthig cho Khyentse Chökyi Lodrö và nhiều trao truyền cho các vị Thầy của ngài.

Trong số những vị Thầy mà từ họ ngài đã nhận những giáo huấn uyên áo có Khenpo Könchok Drönme, Khenpo Kang-nam, Khenpo Chöchok, Tülku Dorchok, và Khenpo Thup-nyen. Ngài đã nhận những trao truyền theo dòng truyền thừa của những giáo lý khác nhau của Dzogchen Rinpoche đệ ngũ, Gekong Khenpo, Khyentse Chökyi Lodrö, Zhechen Kongtul, và Gyarong Namtrül. Ngài đã nhận những giáo huấn sâu xagiáo huấn đối với sự chứng ngộ Dzogpa Chenpo từ Apang Tertön và Yukhok Chatralwa.

Ngài đã ban những quán đảnh và lung của mười ba quyển của bộ Lama Gongdü, và mười ba bản văn của Kama cho một ngàn tới hai ngàn tu sĩ tại Tu viện Dodrupchen. Một hôm, trong khi ngài đang phân phát nước được gia hộ từ một cái bình, nước đã cạn mà không có ai chờ đợi để rót đầy lại bình nước, như thường được làm. Cáu tiết, ngài lắc cái bình một lát và sau đó tiếp tục phân phát nước gia hộ cho những người còn lại của hội chúng, mặc dù không ai rót đầy cái bình.

Với khả năng biết trước tình hình chuyển biến, ngài đã xây dựng một ngôi chùa lớn, đẹp nhưng chắc chắn, bằng gạch với một mái ngói, mà khi ấy là một loại kiến trúc mới ở Golok và nói rằng: “Nó có thể ích lợi nếu dân chúng phải từ bỏ tu viện trong một vài năm.”

 Rinpoche đã đặt làm những những bản khắc gỗ của Dzödün gồm bảy quyển của Longchen Rabjam. Chẳng bao lâu hầu như Golok tràn ngập những bản sao Dzodün. Ngài xây dựng một pho tượng lớn của Guru Rinpoche và những tượng của các vị Thầy của các dòng truyền thừa Vima Nyingthig, Khandro Nyingthig,Longchen Nyingthig. Những pho tượng được làm bằng đồng đỏ mạ vàng. Ngài đã thâu thập một thư viện lớn, trong đó ngoài nhiều pho Kinh điểnMật điển còn có những ấn bản mới của Kanjur, Tenjur, Kama,Rinchen Terdzö. Rinpoche cũng chuẩn bị một số tặng vật cho các buổi lễ và việc nghiên cứu cho Dodrupchen và những tu viện khác.

Theo lời khẩn cầu của những người sùng mộ ngài đã viếng thăm những khu vực khác nhau của Golok, Serta, Amdo, Rekong, Gyarong, và Minyak, ở đó ngài ban những lễ nhập môn và những giáo huấn cho hàng chục ngàn người.

Trong mùa hạ của năm Hỏa Thân (1956), ngài ban quán đảnh Rinchen Terdzö tại Tu viện Dodrupchen. Ngài cũng truyền riêng những giáo huấn về thiền định Dzopa Chenpo cho nhiều người hữu duyên, theo truyền thống Nyongtri.

Chẳng bao lâu, bởi những nguy hiểm của sự chuyển biến tình hình chính trị ở Tây Tạng, Rinpoche quyết định rời khỏi xứ sở thân yêu của ngài. Nhiều thập kỷ trước, Dodrupchen đệ tam đã khảo sát những giấc mơ của ngài về những nguy hiểm chính trị trong tương lai. Một đêm ngài mơ thấy có người mang một thông điệp được viết trên một viên đá phiến, nói rằng: “Khyentse Wangpo gởi thư cho ngài.” Trên viên đá ngài thấy những dòng chữ dưới đây:

 

Con sông lớn sẽ chảy từ mạnh mẽ [có nghĩa là miền tây hay màu đỏ] sang yên bình [có nghĩa là miền đông hay màu trắng].

Hai con côn trùng sẽ di chuyển xuyên qua cả miền trên lẫn miền dưới.

Bởi nhịp điệu phù hợp [của những sự hòa âm] của sáo,

Xứ sở Lạnh lẽo [Tây Tạng] sẽ bị chìm sâu trong bóng tối.

Vào lúc đó, khi đỉnh cao nhất [Lạt ma]

Nghe nói rằng ngài nên đi về phương bắc trong mười, mười,

Mười sáu, và bốn,

Ngài sẽ trở nên hoảng sợ và sẽ đi tới Xứ Cao quý [Ấn Độ].

Trong một nơi dễ chịu, giữa một rừng rậm,

Trong khi an trụ trong một thiền định an bình, trước mặt ngài,

Nhiều người mặc y phục-không trung[2] sẽ tụ hội

[Và] sẽ đi vào con đường Đại thừa.

Con đường tuyệt hảo sâu xabao la sẽ chói ngời như ánh nắng ban ngày.

Rinpoche bí mật tổ chức một nhóm mười ba người ra đi, chia họ thành ba nhóm nhỏ. Năm người chúng tôi – vị thầy trợ giáo Kyala Khenpo của tôi, mẹ của Rinpoche, Thupten Jorgye và Rigdzin Phüntsok (hai người cháu của Rinpoche), và tôi – đi Lhasa trước, như ngài đã khuyên chúng tôi vào ngày mồng một tháng mười hai năm Hỏa Thân (1957). Lama Sangye, chú của Rinpoche và Sönam, cháu của ngài, được dự tính ở lại phía sau và đến như nhóm cuối cùng. Nhưng bản thân Rinpoche, cùng với một thị giả trẻ của Rinpoche tên là Jamyang, hai người cháu của Rinpoche tên là Dechen Dorje và Künden, và mẹ của những người cháu, dự tính ra đi trong nhóm thứ hai.

Trong khi Rinpoche đang thăm viếng Tu viện Panchen trong Thung lũng Mar, cách Tu viện Dodrupchen hai ngày đường theo hướng bắc, một đêm ngài và những người trong đoàn của ngài bí mật bỏ trốn, cải trang làm những cư sĩ hành hương.

Mang theo rất ít tiền và đeo vật dụng cá nhân trên lưng, họ đi bộ mười ngày cho tới khi đến thị trấn Kardze. Đây là kinh nghiệm đầu tiên cho Rinpoche và những người đồng hành của ngài, không chỉ về việc du hành bằng chân mà còn về việc mang những chiếc túi trên lưng khiến họ kiệt sức và đau nhức. Trong hầu hết cuộc hành trình, ban ngày họ lẩn trốn trong những hang động, trong rừng hay những ngọn đồi và vượt qua những ngọn núi cao và thung lũng sâu vào ban đêm. Tại Katdze, họ thật may mắn bởi có thể bị tống vào một chiếc xe vận tải Trung quốc đi tới Lhasa.

Theo dự định lúc ban đầu, nhóm chúng tôinhiệm vụ chờ Rinpoche ở Drak Yangdzong, nơi Guru Rinpoche và nhiều hiền giả đã thiền định trong quá khứ, và cách Lhasa hai ngày đường theo hướng nam. Nhưng Rinpoche đã đi lâu hơn là chúng tôi nghĩ, và vào ngày mồng hai tháng hai năm Hỏa Dậu (1957), Kyala Khenpo mất do bởi tuổi già và sự gian khổ của chuyến đi. Lo rằng Rinpoche và đoàn của ngài không thể trốn thoát, chúng tôi bắt đầu quay lại Lhasa, và thật may mắn, chúng tôi ngẫu nhiên gặp Rinpoche và những người đồng hành của ngài ở giữa đường, và tất cả chúng tôi cùng tiến về Lhasa.

Ở Lhasa, Rinpoche có nhiều người sùng mộ quý pháibình thường lâu năm, nhưng ngài quyết định không tiếp xúc với bất kỳ ai trong số đó. Tuy nhiên, ngài đã gặp Zhechen Kongtrül Rinpoche (1901-1959?), một trong những vị Thầy của ngài, và Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991). Kongtrül Rinpoche khuyên ngài đi Kongpo bởi đó là một nơi dễ chịuthuận lợi hơn Lhasa. Rinpoche đáp lại bằng sự im lặng.

Chính bởi bản tánh của Rinpoche mà ngài hầu như không nói trước những dự tính của ngài, trừ phi cần thiết. Vì thế khi chúng tôi đi Golok, chúng tôi nghĩ là mình đang đi Lhasa. Nhưng sau khi thực hiện những lễ cúng dường đơn giản cho các thánh địa ở Lhasa, ngài nói: “Chúng ta đi Zhigatse,” một thị trấn ở miền Tây Tây Tạng. Sau khi trải qua vài ngày ở Zhigatse, ngài nói: “Bây giờ chúng ta đi Ấn Độ.” Nhưng tại biên giới, bởi chúng tôi không có tiền để khẳng định mình là các thương nhân, chúng tôi không thể xin một giấy thông hành của nhà cầm quyền để đi Ấn Độ. Cho dù chúng tôi có thể tránh những người lính canh phòng biên giới, Ấn Độ sẽ không để cho chúng tôi vào bởi vào thời gian đó không có sự thừa nhận tình trạng tị nạn cho người Tây Tạng. Sau khi chờ đợi nhiều tháng, Rinpoche nhận một lá thư từ Hoàng tử Palden Thöndrup Namgyal (người về sau trở thành Chögyal) của Sikkim, chỉ thị những người canh giữ biên giới cho ngài vào Sikkim, một bang ở biên giới Ấn ĐộTây Tạng, sau này thuộc về Ấn Độ.

Năm ba mươi mốt tuổi, vào ngày mười chín tháng tám năm Hỏa Dậu (12 tháng Mười, 1957). Rinpoche tới Gangtok, thủ phủ của Sikkim. Một lần nữa, ngài được tô điểm bằng những chiếc y của một Lạt ma với sự xác nhận là Dodrupchen. Từ khi đó trở đi, ngài coi Sikkim, xứ sở được Guru Rinpoche gia hộ là một trong những “xứ sở ẩn dấu,”[3] là trụ xứ thường trực của ngài. Việc ngài đến Sikkim không chỉ là một việc tình cờ, mà là một sứ mệnh phải được hoàn thành. Apang Tertön Ogyen Thrinle Lingpa (mất năm 1945), một trong những vị Thầy của Rinpoche, đã tiên tri điều này nhiều thập niên trước và nói rằng:

 

Một yogī ẩn dấu từ thung lũng Kongpo[4]

Sẽ đến Thung lũng Gạo [Sikkim] khi những biến chuyển xảy ra.

Và một hóa thân của [Thái tử] Murum Tsepo và Sangye Lingpa[5]

Sẽ hiển lộ những hoạt động bí mật của một yogī Mật thừa.

Những người nhìn thấy, nghe, nghĩ tưởng về ngài, hay tiếp xúc với ngài sẽ được giải thoát khỏi những cõi thấp.

Năm 1958, tại Sikkim và Darjeeling, Rinpoche cử hành một số buổi lễ tại Sikkim và Darjeeling cho vị Thầy Khyentse Chökyi Lodrö của ngài đang bị bệnh. Trong buổi lễ “phụng tống các dākinī,” Khyentse Rinpoche có một linh kiến về các Lạt ma trong đó có Jigme Lingpa trong một không gian bao la trong trẻo. Trong số các ngài cũng có một Lạt ma vô danh với khuôn mặt tròn và râu cằm ngắn, có mái tóc dài phủ quanh đầu.

Năm ba mươi ba tuổi, vào mùa đông năm 1959, Rinpoche đi hành hương những thánh địa chính yếuẤn Độ và Nepal. Năm 1959 và 1960 là hai năm khó khăn nhất, không phải chỉ vì ngài là một người tị nạn trong một đất nước có nền văn hóangôn ngữ dị biệt, mà cũng bởi Khyentse Chökyi Lodrö đệ nhất, một trong những vị Thầy gốc của Rinpoche, đã thị tịch ở Sikkim vào mùa xuân năm 1959, và sau đó Trülzhik Pawo Dorje của Minyak, một Lạt ma khổ hạnh khác và là bạn thân của Rinpoche qua đời ở Sikkim năm 1960. Định mệnh của toàn thể xứ Tây Tạng và của những người Tây Tạng bị kẹt lại trong quê hương đang bốc cháy của họ đã không được biết tới. Rinpoche viết:

Toàn thể thế giới đang chuyển biến trước mắt chúng ta như một trò ảo thuật.

Những hiện hữu không đáng tin cậy như bong bóng nước.

Những tu viện, người thân yêu, và họ hàng thân thích

Tất cả chỉ còn là ký ức.

Mặc dù ta không thể nhìn thấy họ, định mệnh của họ thật hiển nhiên.

Nghĩ tới điều đó, ta đau buồn.

Ta sẽ hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm tinh túy của Giáo Pháp.

Những bậc Thầy linh thánh và bạn bè tốt lành

Vừa mới hiện diện ở đây nhưng, giống như sự tụ hội trong một phiên chợ,

Đã biến mất, và ta thấy mình trơ trọi, bị bỏ lại.

Nghĩ tới điều này, ta đau buồn..

Đặt những khái niệm hạnh phúc và đau buồn trong Pháp giới rỗng rang, và

Tung lên không trung những việc vụn vặt của thế gian như long não,

Ta ghì chặt con đường nhanh chóng linh thánh vô song,

tâm yếu của các dāka và dākinī, và

Huyết mạch trọng yếu của Pháp thân, là cái không có điểm quy chiếu hay nền tảng.

Namgyal Institute of Tibetology - Viện Namgyal về khoa Tây Tạng học (sau này được đặt lại tên là Sikkim Research Institute of Tibetology - Viện Nghiên cứu Sikkim về khoa Tây Tạng học), một học viện nghiên cứu về Tây Tạng, được mở cửa gần Gangtok do những nỗ lực chung của chính phủ Ấn Độ và Sikkim. Từ tháng Tư năm 1960, Rinpoche đã giữ chức vụ đại diện phái Nyingma tại học viện này.

Ngài lập gia đình với vị phối ngẫu Khandro Pema Dechen thuộc gia đình Dekyi Khangsar xứ Drukla trong Thung lũng Kongpo. Từ năm mười sáu tuổi, Khandro đã thiền định nhiều năm trong các hang động và túp lều tại nhiều ẩn thất và núi non linh thiêng, thường với rất ít chất bổ dưỡng. Bổ túc cho nhiều thực hành khác, bà đã tích tập mười ba bộ thực hành ngöndro – mỗi bộ gồm năm trăm ngàn các thực hành chuẩn bị.

Bởi các hoạt động của chư vị Bồ Tát luôn luôn mở rộng và mang lại lợi lạc cho chúng sinhGiáo Pháp, không suy nghĩ về những giới hạn và khó khăn của cuộc sống của riêng ngài như một người tị nạn mới, Rinpoche vẫn sử dụng mọi sự ngài có thể sắp xếp để hỗ trợ cho những đề án thuộc về Pháp. Ngài đặt làm những bản khắc kẽm để in lại Longchen Dzödün, gồm bảy quyển, của Longchen Rabjam. Sau nhiều năm việc in ấn đã hoàn tất với sự phụng sự tận tụy của Lama Sangye, một trong những thị giả tận tâm của Rinpoche, mặc dù sức khỏe kém và cái nóng mùa hè lên tới 100 độ Fahrenheit ở Vārānasī. Rinpoche cũng đặt những bản khắc gỗ được chạm khắc để in nhiều bản văn nghi lễ của Longchen Nyingthig. Kết quả là những bản văn này, là những gì được coi là rất hiếm có ở hải ngoại, đã có thể tìm thấy dễ dàng, và điều đó giúp cho những giáo lý đó được truyền bá trong cả Đông và Tây bán cầu. Từ giữa thập niên 1960 việc in ấn các bản văn Tây Tạng đã dễ dàng và thậm chí thuận lợi, nhưng vào những năm đầu của thập niên 1960, việc in ấn gặp những khó khăn và phí tổn to lớn mà không có giá trị thương mại.

Sau khi Dzödün được in ra, ngài đã hiến tặng những bản khắc cho vị vua Bhutan quá cố, bởi quốc gia này từng là một trong những trụ xứ của ngài Longchen Rabjam, và cho tới nay đã có một số lượng đáng kể người Bhutan theo truyền thống Nyingthig. Ngài hy vọng rằng sẽ có thêm những ấn bản được in ra từ các bản khắc dưới sự bảo trợ của chính phủ hoàng gia Bhutan.

Từ lần xuất bản đầu tiên của Dzödün, ngài đã xuất bản nhiều bản văn nữa, trong đó có một ấn bản thứ hai của Dzödün gồm bảy cuốn, Ngalso Korsum ba cuốn, Sungbum của Jigme Lingpa chín cuốn, Sungbum của Dodrupchen đệ Tam năm cuốn, nhiều bài cầu nguyện và các bản văn là một phần giáo trình của Chöten Gompa.

Năm 1972, Rinpoche xác nhận Jigme Losal Wangpo, Dzogchen Rinpoche đệ thất, (sinh năm 1964) là Dzogchen Rinpoche đệ ngũ – Lạt ma đã xác nhận bản thân Rinpoche. Lễ tôn phong của Dzogchen Rinpoche đệ thất đã được tổ chức tại ngôi chùa của hoàng gia tại Gangtok ngày 8 tháng Mười, 1972, và Rinpoche hành lễ ở đó.

Năm bốn mươi bảy tuổi, vào mùa hè năm 1973, Rinpoche viếng thăm bờ biển miền Tây và Đông Hoa Kỳ. Ngài ban giáo lýthiết lập một Trung tâm Giáo Pháp tên là Mahasiddha Nyingma Center (Trung tâm Đại thành tựu giả Nyingma) ở Massachusetts. Vài năm sau, trung tâm xây dựng một ngôi chùa với một bảo tháp và vài phòng thiền định trên một mảnh đất nhỏ ở South Hawley ở miền tây Massachusetts. Trung tâm này vẫn còn nhỏ và đơn sơ. Rinpoche luôn luôn khuyên các thành viên: “Chúng ta nên hết sức tránh sử dụng Giáo Pháp hay trung tâm Giáo Pháp để có được những quyền lực tầm thường, những tham vọng đầy xúc cảm, hay những danh hiệu vô dụng. Mục đích của chúng ta là không phải là làm cho trung tâm trở thành một tổ chức nổi tiếng, mà làm cho nó trở thành một trụ xứ đơn sơ, an bìnhtự nhiên. Chỉ khi đó trung tâm mới có thể trở thành một nguồn mạch mang lại lợi ích chân thực cho tâm thức của mọi người, bất kỳ ai được liên kết với nó.”

Từ năm 1973, hai năm một lần, Rinpoche viếng thăm Mahasiddha Center (Trung tâm Đại Thành tựu giả) và Buddhayana ở Hoa Kỳ để dạy Pháp, và ngài đã truyền nhiều giáo lý, trong đó có Nyingthig Yabzhi, Longchen Nyingthig, và những giáo lý ngöndro, Rigdzin Düpa, Yumka, và Dzopa Chenpo. Ngài cũng viếng thăm một số nước Âu châu và Nam Á nhiều lần để truyền dạy và ban những quán đảnh.

Theo như tôi biết, Rinpoche đã trao truyền quán đảnh, văn bản, và các giáo lý chính yếu Longchen Nyingthig bảy lần, quán đảnh và lung của Ninghthig Yabzhi mười hai lần, quán đảnh và lung của Nyingma Kama ba lần, quán đảnh Lama Gongdü hai lần, quán đảnh sáu quyển sách của Jatsön ba lần, và quán đảnh Rinchen Terzdö ba lần. Ngài cũng ban những trao truyền văn bản của Dzodün và những tác phẩm của Dodrupchen Rinpoche đệ tam nhiều lần.

Rinpoche là một trong những Đạo sư vĩ đại của thiền định Dzopa Chenpo, và ngài giảng dạy nó cho nhiều đệ tử trong truyền thống Nyongtri, giáo lý phù hợp với kinh nghiệm của cá nhân các thiền giả. Truyền thống Nyongtri đến với ngài chủ yếu từ vị Thầy Yukhok Chatralwa của ngài, nhưng lúc ban đầuxuất phát từ Longchen Rabjam và Jigme Lingpa qua dòng truyền thừa của Dodrupchen đệ nhất, Paltrül Rinpoche, và Dodrupchen đệ tam.

Từ năm 1960, phần lớn Rinpoche sống ở Chöten Gompa gần Gangtok tại Sikkim. Vào ngày 31 tháng Năm, 1979, Rinpoche đã mở một drupdra, một trường thiền định, tại Chöten Gompa, và đặt tên cho nó là Drubde Pema Öling. Các tu sĩ ở đó luân phiên thực hiện việc tu tập thiền định ba năm ba tháng trong những ẩn thất nghiêm nhặt. Chẳng bao lâu ngài bắt đầu thâu nhận nhiều học viên thường trú tại Chöten Gompa. Hiện nay ngài có khoảng năm trăm tu sĩsa di thường trú tại gompa. Hầu hết họ là những thanh thiếu niên từ Bhutan, Sikkim, và Nepal, hay con trai của những di dân Tây Tạng. Một mình Rinpoche trông nom việc ăn uống, nơi ăn ở, việc giáo dục, và chăm sóc y tế cho họ. Nhiều học viên đã hoàn tất sự giáo dục của họ và được gởi trở về quê hương của họ để truyền bá Giáo Pháp.

Trong nhiều năm, Rinpoche thường xuyên thăm viếng Bhutan để phụng sự Giáo Pháp và những môn đồ ở nhiều nơi, trong đó có Yongla Gon. Dòng Nyingthig có một mối liên hệ lâu đời với Bhutan, bởi Longchen Rabjam đã sống và truyền bá Giáo Pháp ở đó trong một thời gian dài. Longchen Rabjam đã xây dựng Tu viện Tharpa Ling ở miền Đông Bhutan. Cùng với Kyipa, vị phối ngẫu người Bhutan, ngài có con trai là Tülku Trakpa Özer. Ngoài ra, một trong những đệ tử chính của Jigme Lingpa là Jigme Küntröl xứ Bhutan, người đã xây Tu viện Yongla Gon ở miền Đông Bhutan.

Bắt đầu từ năm 1984, Rinpoche đã nhiều lần viếng thăm Golok, thung lũng quê hương của ngài, và đã ban những quán đảnh Longchen Nyingthig, Nyingthig Yabzhi, và nhiều sự trao truyền và giáo lý khác tại Tu viện Dodrupchen đã được xây dựng lại. Ngài cũng mở lại học viện Kinh điển tại Tu viện Dodrupchen. Mùa hè năm 1994, trong chuyến trở về Tu viện Dodrupchen lần thứ sáu, ngài đã ban những quán đảnh Rinchen Terdzö. Dân chúng chỉ được thông báo trong vài tuần về các trao truyền Rinchen Terdzö, nhưng trên bảy ngàn tăng và ni, trong đó có khoảng ba trăm tülku và các khenpo, từ Golok, Serta, Amdo, Gyarong, Minyak, và những vùng khác đã tụ họp để nhận sự trao truyền. 

Rinpoche luôn luôn tham gia vào những hoạt động trầm lặng có thể là đơn giản trong bản chất hay có ý nghĩa lớn lao. Ngài luôn luôn dâng hiến đời mình cho một chu kỳ phụng sự vô tận. Mục đích mọi nỗ lực của ngài là phụng sự người khác, gây một tác động, làm cho Pháp có thể chấp nhận được, mà không có bất kỳ hy vọng riêng tư hay quan tâm tới tiếng tăm hay sự vinh quang nào. Ngài nhắc lại: “Tôi đang làm mọi sự trong khả năng của tôi để phụng sự Giáo Phápchúng sinh. Tôi xin lỗi nếu có người nào đó trông chờ tôi làm những điều vì những sự vụn vặt hay mê hoặc, nhưng tôi không quan tâm tới điều đó.” Tuy nhiên ngài luôn luôn nhận thức về nhu cầu và những quan tâm của người khác mà không để ý tới địa vị cao hay thấp của họ, và ngài hỗ trợ họ bằng lòng tốt phù hợp với nhu cầu và ước nguyện của họ, mà không bận tâm tới những lợi lạc của riêng ngài.

Ngài không bị phấn khích bởi những thuận cảnh mà cũng không thất vọng bởi nghịch cảnh, bởi ngài chấp nhận tất cả với sự thanh thản (xả bỏ), ngài nói: “Cuộc đời ngắn ngủi và quý báu đến nỗi không thể lãng phí trong việc lo nghĩ về những chuyện tầm phào.” Ngài thận trọng không can thiệp vào mọi đầu mối của sự bất hòa, tranh cãi, và những vấn đề chính trị thế tục hay tôn giáo để bảo vệ sự nguyên vẹn và thuần khiết của truyền thống Giáo Pháp. Mặc dù có nhiều cơ hội để làm thế, ngài không bao giờ hành động để cải thiện địa vị của riêng ngài mà chỉ làm việc cho sự lợi lạc của mọi ngườiphụng sự Giáo Pháp. Ngài duy trì sự liêm chính trong việc không thỏa mãn những hy vọng và ước muốn của những người khác khi chúng không thực sự mang lại lợi ích cho họ, mà luôn luôn cho họ những gì họ cần, cho dù đó không phải là điều họ nghĩ là họ cần trong lúc này. Ngài sợ nhất là những người xu nịnh. Ngài nói: “Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ trước những người đến với tôi và nói những điều đẹp đẽ nhất trong khi suy nghĩ những điều trái ngược.” Ngài là người khoan dung nhất, không bao giờ chê trách người khác về những ác hạnh hay sự vô ơn của họ. Ngài nói: “Mọi sự xảy ra do nghiệp. Ta hay họ có thể làm được điều gì khác ngoại trừ cố gắng cải thiện nghiệp?” Ngài rất thận trọng trong từng giai đoạn của công việc nhưng sau đó buông bỏ mọi sự thành công hay thất bại của những đề án của ngài. Phẩm tính gây ấn tượng sâu sắc nhất của Rinpoche là: điều quan trọng không nằm ở chỗ trông ngài ra sao, ngài nói những gì, hay thậm chí ngài làm điều gì, mà điều quan trọng là ngài là gì. Ngài là một người mạnh mẽ và đáng tin cậy mà sự hiện diện thì vô cùng đơn giản, sâu xa nhất và thật vô hạn. Tuy thế ngài không muốn bất kỳ ai trở nên dính mắc hay lệ thuộc vào ngài. Và ngài không áp đặt uy quyền của ngài lên những người khác, bởi ngài rất bình thường và khiêm tốn – một sự phô diễn tự nhiên của chân tánh.

Trong hai Dodrupchen Rinpoche đệ tứ, Thupten Thrinle Palzang Rinpoche không bao giờ nói về những nguy hiểm sắp tới. Nhưng ngài biết rõ và thình lình ra đi và đào thoát tới Ấn Độ. Ngài dâng hiến đời mình không chỉ để bảo tồn truyền thống mà còn để truyền bá truyền thống siêu việt nhất của Longchen Nyingthig tại Ấn Độ và ngoại quốc. Từ khoảng năm 1950, Rigdzin Tenpe Gyaltsen Rinpoche đã luôn luôn cảnh báo chúng tôi: “Sẽ tới ngày chúng ta không được quyền có ngay cả một tách trà để thưởng thức. Nếu các ông có thể, hãy dâng hiến đời mình cho việc tu tập Giáo Pháp, và sử dụng của cải của mình cho một nguyên nhân xứng đáng. Ít nhất hãy vui hưởng cuộc đờicủa cải của các ông khi các ông có sự tự do.” Ngài cũng thường kể cho chúng tôi về những con đường đào thoát xuyên qua xứ-không-người ở miền bắc, nhưng bản thân ngài thì không bao giờ muốn ra đi. Số phận của ngài là vào tù và chết với những người đang sống trong cảnh đau khổ khủng khiếp. Cả hai vị Rinpoche đều biết rõ hoàn cảnh và có sự chọn lựa của riêng mình; những mục đích bảo tồn và giúp đỡ người khác của hai ngài thì như nhau, nhưng vai trò mà các ngài phải phô diễn thì khác biệt. 

[1] Một con vật lai giống giữa một con bò đực và một con dri (bò yak cái).

[2] Khó có thể xác quyết được ý nghĩa thực sự của những dòng này là gì, nhưng chúng có thể được biểu thị: Dòng đầu tiên - nói về việc từ phương nam, các lực lượng cách mạng đến tu viện. Dòng thứ hai – nói về việc xây dựng hai con đường mới chạy về hướng Lhasa: một dọc theo cao nguyên phía bắc của miền Đông Tây Tạng, và con đường kia chạy dọc hẻm núi phía nam của nó. Dòng thứ ba – nói về những giọng điệu thay đổi của sự tuyên truyền chính trị. Mười dòng cuối cùng – nói về việc Dodrupchen cư trú ở Sikkim, Ấn Độ.

 Nói chung, “mặc y phục-không trung” có nghĩa là hoặc mặc y phục màu xanh dương hoặc trần trụi. Ở đây thuật ngữ có thể ám chỉ Drukpa (người Bhutan). Druk có nghĩa là “rồng,” trong truyền thống Đông phươngmột sinh vật huyền bí sống giữa những đám mây trong không trung và vì thế “mặc y phục-không trung, ” và Rinpoche có hàng trăm đệ tử người Bhutan tại tu viện của ngài ở Sikkim.

 

 

 

 

[3] Hơn một ngàn năm trước, Guru Rinpoche đã tiên đoán các nguy hiểm mà những người Tây Tạng phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây và khuyên họ đào thoát tới những nơi nào đó, “những xứ sở ẩn dấu.” Sikkim (Dremo Jong, Thung lũng Gạo) là một trong những địa điểm chính yếu mà ngài nói rõ trong những tiên tri đó.

 

[4] Kyabje Düdjom Rinpoche (1903-1987) đến từ Kongpo tới Sikkim và ban nhiều giáo lý. Kyabje Trulzhik Pawo ở Minyak đến từ Kongpo, sống nhiều năm và mất tại Sikkim năm 1960. Vì thế nó có thể ám chỉ một trong hai ngài.

 

[5] Các Dodrupchen là những hóa thân của Thái tử Murum Tsepo và Sangye Lingpa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant