PHẦN BA
NHỮNG THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠO PHẬT :
CON ĐƯỜNG ĐẾN RỘNG MỞ, RỖNG RANG
12
NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHỈ VÀ QUÁN
Những bài tập chữa bệnh trong quyển sách này có nghĩa giúp chúng ta hạnh phúc và an bình hơn trong đời sống hằng ngày. Đây là mục tiêu hoàn toàn tốt, nhưng có lẽ là một mục tiêu giới hạn vì đạo Phật tin rằng sự chữa lành tối hậu là vượt lên hạnh phúc “của tôi”, để chứng ngộ trí huệ chân thật và giải thoát, siêu vượt khỏi sự bám chấp vào những tư tưởng và cảm xúc. Những chương cuối cùng này phác thảo một số thiền định căn bản có thể mở ra cho chúng ta sự chứng ngộ này.
Mô tả thiền định luôn luôn là một sự khó khăn, vì từ ngữ chỉ phỏng chừng kinh nghiệm thực tế của một cá nhân. Rồi nữa, sự chứng ngộ có nhiều giai đoạn. Là dễ dàng cho bất kỳ thiền giả nào, thậm chí một người với nhiều kinh nghiệm và sùng mộ, đi lòng vòng trong bám chấp vào loại này hay loại khác. Bởi thế tại sao, ở một điểm nào đó, cẩn thận tìm ra một vị thầy hướng dẫn là điều rất quan trọng.
Với một số người thông tuệ, bất kỳ bài tập chữa lành hay kinh nghiệm nào cũng có thể dẫn đến giác ngộ. Ở Tây Tạng, có những câu chuyện về những người sơ học thiền định về “những thực hành tiên khởi” và đã kinh nghiệm sự chứng ngộ cao nhất, trong khi những người khác thực hành những tu tập cấp cao nhất và mong muốn trí huệ có thể không có một manh mối về ý nghĩa thật sự của những giáo lý.
Những thực hành Chỉ và Quán (hay An định và Quán chiếu) phổ thông với tất cả trường phái của đạo Phật, là những phương pháp đã từng được nhiều người đi qua và chứng nghiệm. Những phương pháp đó có mục tiêu tối hậu là rỗng rang và “vô ngã” – tức là sự giải thoát khỏi đau khổ gây ra bởi chấp ngã.
Mặc dù những thực hành này có thể dẫn đến chứng ngộ cao hơn, chúng có thể lợi ích cho bất kỳ ai bất kể tình trạng tâm thức hay cấp độ tâm linh của y. Tất cả những thiền định trong chương cuối này có thể cung cấp hạnh phúc và chữa bệnh “thông thường”, cũng như những bài tập chữa bệnh được mô tả ở phần trước, trong một số trường hợp chúng có thể dẫn đến chứng ngộ.
Mặc dù chúng ta có thể tu tập tâm thức trong thiền chỉ, bằng cách đem tất cả sự chú ý tới bất kỳ hiện tượng nào, nhưng ở đây là sự chú tâm vào hơi thở. Hơi thở của chúng ta là đối tượng đơn giản của sự chú ý, không có màu sắc và hình dáng. Hơn nữa, hơi thở gắn chặt thân thiết với tâm và thân, đến độ việc đem tỉnh giác của chúng ta vào nó sẽ tự nhiên làm chúng ta vững chắc trong chánh niệm, và như thế mở rộng con đường đến nhất thể.
Thêm vào sự tham thiền về hơi thở, nhiều trường phái Phật giáo cũng dựa trên những thực hành thiền quán mạnh mẽ. Nhưng không nghi ngờ gì, thiền định đơn giản về hơi thở chứa đựng hạt giống giác ngộ. Sự nhấn mạnh vào chánh niệm và tỉnh giác về hơi thở là con đường đi đến chỉ và quán.
Thiền chỉ là sự vững chắc của tâm, phương tiện đến nhất thể, sự tẩy sạch bùn nhơ thành sự rộng mở. Thiền quán là tỉnh giác và nhất thể, bản thân sự rộng mở, không có khái niệm hay phân biệt giữa “bản ngã” và đối tượng đang được kinh nghiệm.
Với những người sơ học, có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rèn luyện thiền chỉ trước khi thích hợp với thực hành thiền quán, thì những ranh giới giữa những thiền định này có thể rất không rõ ràng. Vậy, đừng lo nghĩ quá nhiều về những định nghĩa. Đơn giản hãy ngồi, trong một tư thế tốt và thực hành tỉnh giác về hơi thở.
Đặc biệt vào lúc đầu, tâm trí chúng ta có thể giống như nơi chốn tả tơi và hỗn loạn, bị quấy phá bởi những âm thanh, tư tưởng hay sự kích thích nhẹ nhất. Nhìn thấy tính chất chuyển động, không ngưng nghỉ của tâm là bước đầu hướng đến sự tập trung. Bằng cách đem tâm bạn trở lại với hơi thở của mình, dần dần nó có thể trở thành vững chắc hơn.
THIỀN CHỈ
Tập trung vào một đối tượng mà không có bất kỳ sự xao động nào là tu tập thiền chỉ. Khi nói chúng ta tập trung vào một điểm là một cách để mô tả điều này, có nghĩa là chúng ta tập trung tỉnh giác của mình chỉ trên một đối tượng, trong trường hợp này là hơi thở của chúng ta. Nhẹ nhàng mà chắc chắn lập lại nhiều lần hãy đem tỉnh giác của bạn vào hơi thở.
Nhiều người sơ học được ích lợi khi chú tâm trên hơi thở tại một điểm đặc biệt như đầu mũi, hay nhân trung là chỗ có thể cảm thấy hơi thở. Tuy nhiên bạn không cần thiết xác định vị trí hơi thở bạn theo cách này, miễn là bạn cảm thấy thoải mái và có thể tập trung sự chú ý của mình.
Một cách áp dụng thông dụng khác là đếm hơi thở. Đếm trong tâm bạn “một” khi hít vào, “hai” lúc thở ra, ...cho đến “mười” tiếp tục nhưng không được gián đoạn những chuỗi này, đếm từ một đến mười, lập lại tiến trình này càng lâu nếu có thể được.
Buông lỏng vùng bụng có thể giúp bạn thở bình lặng. Một số người có khuynh hướng thở cao trong vùng ngực, nhất là khi họ căng thẳng, chúng ta nên thở tự nhiên, khi hít vào bụng phình ra nhẹ nhàng, hơi thở trở nên đầy và thoải mái.
Trong lúc tập trung vào hơi thở, nếu cảm thấy khó chịu – như thể hơi thở trở nên ngắn hơn hay co thắt – hãy tập trung nhiều hơn trên hơi thở ra trong một lúc. Thở ra vào khoảng không vô tận giải phóng áp lực của sự tập trung. Nhìn chung, sự hít vào ngắn hơn sự thở ra. Sau một lúc, thời gian kéo dài của hơi thở bạn sẽ tự nhiên trở nên dài hơn, nhưng bạn phải không có bất cứ cố gắng nào làm hơi thở dài hơn.
Khi tâm bạn vững chắc và cảm thấy ít xao lãng, hãy đem sự nhận biết đến hơi thở vào và ra, không đếm. Hãy nhận biết hơi thở bạn khi nó khởi lên, trụ lại và tan biến. Sự thực hành thiền chỉ này tạo dễ dàng hơn trong việc đem một chánh niệm thư giãn đến bất cứ những gì chúng ta làm, ngoài lúc thiền định.
Ngay khi chúng ta cảm thấy như muốn tự chúc mừng vì sự thực hành thiền chỉ tuyệt vời, có thể đột ngột chúng ta gần như rơi vào giấc ngủ. Hôn trầm là tác dụng phụ tự nhiên của sự yên tĩnh dễ chịu. Không nên chán nản mà nên tỉnh thức ! Có thể là một cuộc đấu tranh để đem tâm ý mơ mộng, lan man trở lại hơi thở của mình. Nhưng, không khô cứng hay hùng hổ, chúng ta phải trở về với hơi thở của mình. Bấy giờ chúng ta có thể tĩnh lặng và trong sáng.
Trong khi thiền định, có thể có những kinh nghiệm an bình và vi tế khác nhau. Bạn có thể cảm thấy ánh sáng nhẹ như một cọng lông. Toàn thân bạn có thể được tắm trong phúc lạc, sinh động với một cảm giác như một làn gió mát mềm mại, mơn trớn tiếp xúc thân bạn. Một số người thấy những hình ảnh đáng yêu trong con mắt tâm của họ như những tinh tú, mặt trời, mặt trăng, ngọc ngà, châu báu, tràng hoa... Nếu có bất cứ những gì giống như vậy xảy ra, hãy xem đó như sự tiến bộ của tập trung. Sự thiền định của bạn có thể thực sự hoan hỷ, nhưng đừng cố gắng bám giữ hay nắm lấy hỷ lạc. Cố gắng nắm giữ, “đóng băng” hay nhân đôi những kinh nghiệm hỷ lạc này có thể trở thành một chướng ngại cho sự tăng trưởng tâm linh.
THIỀN QUÁN
Để kinh nghiệm bản tánh chân thật của bất cứ đối tượng nào của sự tham thiền, đúng y như nó là, là sự rèn luyện của quán. Qua sự tham thiền về hơi thở, chúng ta trở nên nhận biết được những vận động và vi tế của hơi thở như nó là.
Trong tỉnh giác, hãy trở thành một với hơi thở. Trong sự hợp nhất của tâm và hơi thở, không có bản ngã để bám chấp. Sự thấu hiểu đơn giản này về bản tánh thật sự của hơi thở có thể giúp chúng ta chứng ngộ bản tánh tuyệt đối của tất cả hiện tượng là không có bản ngã (vô ngã).
Trong thiền chỉ, chúng ta theo dõi và phải thực hành tập trung vào hơi thở. Trong thực hành quán sát, chúng ta ở trong tỉnh giác về hơi thở mà không suy nghĩ tại sao hay nó ở đâu hoặc bất cứ những ý niệm nào khác, chẳng hạn “cảm thấy sự an bình của hơi thở.”
Quán là thực hành sự sáng tỏ trong nhất thể. Ví dụ chúng ta có thể nhận biết hơi thở dài, ngắn, lúc bắt đầu, khoảng giữa, và chấm dứt hay sự tĩnh lặng của hơi thở. Hơi thở chúng ta đến, đi và thay đổi, thoát khỏi mọi vướng mắc hay bám chấp. Trong tỉnh giác không cần một cái ‘Tôi” để nghĩ và nhận xét về điều này. Đơn giản là ở trong tỉnh giác về nhất thể.
Một tiếp cận với thiền quán là bắt đầu với sự nhìn ngắm hơi thở, và tới một điểm nào đó buông bỏ sự tập trung hay kỹ thuật. Đối tượng của thiền định sau đó là bất kỳ đối tượng nào khởi lên, hay hoàn toàn không có đối tượng. Chúng ta có thể nhận biết hơi thở, hoặc có thể đơn giản an trú trong khoảng không gian bắt đầu mở rộng ra giữa những tư tưởng.
Trong việc thực hành quán chiếu rỗng rang này, hãy để bất cứ gì khởi lên trong tâm đến và đi, không bám víu. Tất cả những loại tư tưởng, cảm giác, hình ảnh, cảm nhận và kinh nghiệm có thể khởi lên. Không xua được chúng đi và cũng không chạy theo chúng. Chúng ta có thể cảm thấy sự len lỏi của một “cái tôi” đang theo dõi sự thiền định. Tuy nhiên, không cần thấy điều này như một sự len lỏi ; đơn giản hãy để nó khởi lên và tan biến đi. Hãy để mọi sự như vậy, tích cực hay tiêu cực, không vướng mắc. Sự yên lặng giữa những tư tưởng là bản tánh rỗng rang của chúng ta. Những tư tưởng như chúng khởi lên là hoàn toàn lành mạnh, nhưng không nên chấp vào chúng.
Trong khi thiền định, chúng ta có thể kinh nghiệm những làn sóng cảm giác đau khổ, nhưng khi chúng ta để cho chúng đến, không nắm bắt, bấy giờ chúng có thể trở nên an bình. Sự không hoàn hảo không phải là một vấn đề khi chúng ta rỗng rang, nó tốt đẹp đúng như nó là. Với tỉnh giác của thiền quán, những cảm nhận không phải là dễ chịu hay khó chịu mà được kinh nghiệm một cách rỗng rang và như thế được siêu thoát.
Thực hành thiền định về quán đem lại khả năng nhìn thấy tính cách của khoảnh khắc thoáng qua, vô ngã, của sự khác nhau vô tận và những hình dạng của hiện tượng, tại điểm chúng khởi lên và tan biến đi. Một chứng ngộ như vậy vén lên bức màn của những ảo giác tâm thức và của những giả tạo thuộc cảm xúc để bày lộ khuôn mặt của bản tánh bổn nguyên của sự vật như chúng vốn là. Thèm khát khoái lạc hay ghét sợ đau khổ, đã mọc rễ trong sự chấp ngã, bấy giờ sẽ tự nhiên tan biến giống như những hình vẽ trên mặt nước.
Trong thiền định, có thể thấy thân thể không phải thanh tịnh mà cũng không phải không thanh tịnh, mà chỉ như sự mở trống bao la. Tâm không phải vĩnh cửu mà cũng không phải không hiện hữu, mà chỉ là sự rỗng rang thanh tịnh. Tất cả hiện tượng không phải có ngã tính mà cũng không phải không có ngã tính, một hiện hữu thực sự, mà là rỗng rang, an bình và thoát khỏi tạo tác.
Bất cứ một thoáng thấy rỗng rang nào cũng có thể giúp chúng ta trong cuộc sống. Nếu chúng ta có một hiểu biết và kinh nghiệm nào đó về sự rỗng rang, sẽ khôn ngoan khi làm cho sự thực hành của chúng ta sâu và rộng hơn, trong thiền định và trong đời sống.
Có thể những mô tả về thiền quán và sự rỗng rang khiến cho chứng ngộ có vẻ là không thể đạt được. Suy nghĩ điều này có thể là tốt. Sau đó chúng ta có thể buông xả ý niệm sở đắc một số “kinh nghiệm” như đã mô tả theo một cách nào đó, và điều này tự thân nó có thể giúp chúng ta thiền định một cách rỗng rang.
13
THIỀN ĐỊNH SÙNG TÍN CHỮA BỆNH
Tất cả mọi sự là một trong Phật tánh : tâm, trái đất, tinh tú, thời gian và không gian. Mọi thứ đều hoàn thiện trong cái nhất thể này, ngay cả những gì ta thường thấy như không hoàn hảo. Phật tánh đang hiện hữu trong tất cả chúng sanh, và trong những sự kiện của cuộc sống hàng ngày. Rốt lại, Phật tánh vượt khỏi những hình ảnh ngôn từ, hay khái niệm được tạo tác bởi tâm phân biệt, nhị nguyên.
Đây là điều đạo Phật tin tưởng. Khi một số người phương Tây quan tâm đến Phật giáo, họ có thể thất vọng với việc thực hành sùng tín. Họ nói đại loại như : “Cầu nguyện một quyền năng cao ở ngoài chúng ta, đây là điều chúng tôi đã muốn bỏ lại.” Thật là một hoàn cảnh buồn cười, chạy trốn sùng tín, chỉ để tìm thấy niềm tin và cầu nguyện chờ đợi ở góc kế tiếp !
Vâng, thực sự là tất cả vũ trụ là Phật tánh và an bình nằm ngay trong chúng ta. Vậy tại sao phải thực hành sùng tín ? Nó là một cách chúng ta buông bỏ ý niệm về bản ngã. Tin tưởng giúp chúng ta rộng mở. Nó là sự thoát khỏi những nghi ngờ và sợ hãi. Rộng mở và tiếp thu là một cách cầu khẩn sự giúp đỡ mà chúng ta cần.
Một số trường phái Phật giáo nhấn mạnh hành động lễ lạy như một thực hành sùng tín. Đây là một cách đơn giản để từ bỏ bản ngã. Nó chấp nhận niềm tin rằng việc bám chấp và cố gắng chế ngự mọi sự sẽ dẫn chúng ta xa cách khỏi trí huệ. Niềm tin cũng có thể ở ngoài hệ thống tôn giáo. Ví dụ, chương trình Mười Hai Bước của Alcoholic Anonymous nhấn mạnh từ bỏ cái ngã bé nhỏ và trói buộc đang cố gắng để kiểm soát. Nó công nhận sự cần thiết được giúp đỡ từ một “năng lực cao hơn” trong bất cứ cách nào mà cá nhân hiểu được.
Trong đạo Phật, sự sùng tín là phát triển niềm tin vào Phật như vị Đạo sư, tin vào Pháp, những giáo lý của đạo Phật, như con đường đạo, và tin vào Tăng Đoàn, cộng đồng Phật tử như sự nương dựa trên hành trình tâm linh.
Sùng tín nghĩa là cầu khẩn sức mạnh trên đường đạo. Sự đáp ứng những nhu cầu tâm linh của chúng ta có thể không luôn luôn ở dạng chúng ta ước muốn hay mong đợi hoặc phù hợp với thời khóa biểu của chúng ta. Điểm quan trọng của niềm tin là sự rộng mở, đó là cách tiếp nhận những ban phước và giảm nhẹ đau khổ. Trích dẫn Đạo sư Liên Hoa Sanh (Padma-sambhava), Ngài Patrušl Rinpoche viết :
Nếu tâm bạn thoát khỏi những nghi ngờ, những ước muốn sẽ đạt được.
Nếu bạn hoàn toàn tin vào sự sùng tín, gia hộ ban phước sẽ vào trong bạn.
Sự sùng tín giống như mặt trời, làm chảy tan sự chấp ngã và để thật tánh của chúng ta chiếu rọi. Trích dẫn Ngài Drigung Kyobpa Rinpoche, Ngài Patrušl Ripoche viết :
Từ vị thầy, giống như ngọn núi tuyết...,
Mà không có sự chạm xúc của những tia sáng mặt trời của
lòng sùng tín
Sự ban phước như dòng suối sẽ không tuôn chảy.
Thế nên hãy nỗ lực đưa tâm bạn vào việc tu tập sùng tín.
Nếu chúng ta không có lòng tin hay sự sùng tín, cho dù đức Phật đứng ngay trước mắt chúng ta bằng xương bằng thịt, chúng ta sẽ khó tiếp nhận được bất cứ lợi lạc nào cho tâm mình, mà những lợi lạc đó là chìa khóa duy nhất cho việc tăng trưởng tâm linh của chúng ta, lại không được sẵn sàng khi có cơ hội. Đó là việc tại sao một ngạn ngữ Tây Tạng nói :
Từ bất cứ ai mà người ta thấy như một đức Phật
Những ban phước sẽ được tiếp nhận như từ một vị Phật.
Từ bất kỳ ai mà người ta thấy như một người ngu si
Những hiệu quả sẽ đến như từ một người ngu si.
Như vậy Phật tánh ở khắp nơi, nhưng cũng có thể rèn luyện lòng sùng tín bằng việc thiền quán đức Phật, chẳng hạn ở dạng tượng hay một hình ảnh tâm thức. Tự thân tượng sẽ không thay đổi cuộc sống chúng ta, chính tâm chúng ta có thể mở rộng ra qua hành động sùng tín. Điều này là tinh túy của phương tiện thiện xảo. Những đối tượng tâm linh có thể tạo cảm hứng cho chúng ta, nhưng yếu tố chánh không phải là ở đối tượng mà là cách chúng ta nhìn nó, một cách tích cực, và cách chúng ta cảm nhận, với sùng tín và niềm tin, chúng giúp chúng ta trên con đường đạo.
Dựa vào một đối tượng tâm linh hay hình ảnh tâm thức nào là một cách tự quán đảnh cho mình với hoan hỷ phát sinh từ vị Phật bên trong tất cả chúng ta.
Cho đến bây giờ, tôi nhấn mạnh người ta có thể thiền quán về một nguồn sức mạnh mà họ lựa chọn như mặt trời, mặt trăng hay một vài hình ảnh cá nhân. Nhưng ở đây, tôi sẽ mô tả một nguồn sức mạnh đặc biệt Phật giáo, một sự thiền định sùng mộ về đấng Đạo sư Rinpoche Padmasambhava, Người đặt nền tảng cho Phật giáo Tây Tạng ở thế kỷ thứ chín, Người là hiện thân của tất cả các bậc giác ngộ – chư Phật, chư Bổn tôn, các vị thánh và các nhà hiền triết.
Có nhiều biểu tượng tâm linh có thể tạo hứng khởi cho chúng ta như nguồn sức mạnh. Ví dụ, chúng ta có thể thiền quán đức Phật Thích Ca Mâu Ni để giúp chúng ta có được trí huệ, hay đức Phật Dược Sư để chữa bệnh, hoặc đức Tara, đức Phật trong thân người nữ, làm lặng tất cả sợ hãi và nguy hiểm. Tôi đã chọn Guru Rinpoche (được biết như đức Padmasambhava) vì lòng bi vô biên của Ngài, đã giúp nhiều người cầu khẩn Ngài qua nhiều thế kỷ và vì tôi được tu tập trong dòng truyền thừa của Ngài. Sự hiện diện oai nghiêm của Guru Rinpoche là sự biểu hiện kim cương của Phật tánh tuyệt đối, một sức mạnh và phúc lạc tràn ngập của vũ trụ làm an lặng tất cả phiền não.
Để làm nền cho của sự thiền định này, tôi sẽ đi vào một cách khá chi tiết về việc chúng ta có thể quán tưởng hình ảnh Guru Rinpoche như thế nào. Mỗi một chi tiết của hình tượng thánh kết hợp với một hình ảnh thiêng liêng cho chúng ta một lời dạy, và những dấu hiệu, biểu tượng, màu sắc và tư thế có thể khởi dậy những cảm nhận tích cực trong chúng ta như tấm gương phản chiếu những lời dạy đó, từng cái một, như chúng được thấy và cảm nhận như một phần của toàn thể.
Những chi tiết có thể giúp cho một thiền giả có kinh nghiệm an trú trong tỉnh giác về một hình ảnh tâm thức trọn vẹn và phong phú. Nhưng đừng lo nghĩ nếu bạn thiếu kinh nghiệm và khéo léo thiện xảo ; hãy đơn giản quán tưởng như thế nào mà bạn cảm thấy thoải mái. Trong sự thiền định được hướng dẫn sau đây, vấn đề thật sự là những cảm nhận mà ngôn từ nỗ lực để truyền đạt. Hãy dùng những cảm nhận để cầu gọi trong tâm thức bạn một hình ảnh của Ngài Padmasambhava đơn giản nhưng cảm thông sâu sắc. Nếu bạn chỉ cảm nhận sự ấm áp và sự hiện diện của Đức Padmasambhava, thì trong bản thân sự ấm áp và hiện diện này có thể là sự chữa lành rất hiệu quả.
Cũng nên nhớ rằng những hình ảnh thể hiện trong sách này có nghĩa như một trợ giúp. Một bức hình hay bức tượng có thể tạo cảm hứng, dạy bảo hay giúp đỡ bạn như một điểm khởi đầu cho thiền định, nhưng đừng cảm thấy bị giới hạn bởi nó. Điều cốt yếu trong quán tưởng là hình ảnh trong tâm thức bạn, và sự nhiệt thành, rộng mở có thể đến qua sự sùng tín.
CẦU KHẨN HÌNH ẢNH UY NGHI CỦA
ĐỨC PADMASAMBHAVA
Giống như một bông hoa nở rộ từ tánh không, sự hiện diện y nghi của Đức Padmasambhava hiển lộ từ sự quán tưởng. Trong ánh sáng hào quang đẹp đẽ, Ngài Guru Rinpoche trẻ trung và rựïc rỡ ngồi trên một mặt trăng chiếu sáng trong trẻo, ở trên một vầng mặt trời sáng chói. Mặt trăng và mặt trời ở ngay trên một hoa sen khổng lồ, tỏa hương thơm ngát, tươi mát với hơi nước. Hoa sen có ngàn cánh hoa chiếu sáng đầy màu sắc.
Mặt trời, mặt trăng và hoa sen là biểu tượng sinh ra của Ngài. Ngài được sinh ra bởi “sự sanh vô nhiễm” trong “Liên hoa Phật bộ”, từ sự hợp nhất giữa trí huệ (mặt trời) và đại bi (mặt trăng).
Đức Padmasambhava
Mặt của Ngài Guru Rinpoche trắng hơi hồng luôn luôn trẻ trung và minh triết, vượt khỏi phạm trù thay đổi và tuổi tác. Nụ cười hoan hỷ của Ngài vượt lên đau khổ. Đôi mắt từ ái, trong sáng không chớp đem lại phúc lạc cho vũ trụ, chữa lành tâm chúng ta trong mỗi một vận động và mỗi trạng thái của nó và thân thể chúng ta trong từng tế bào và nguyên tử.
Áo choàng của Ngài tỏa chiếu ánh sáng. Áo choàng trắng bên trong và áo phủ bên trong màu đỏ biểu hiện sự giác ngộ của một Bồ tát, người giúp đỡ tất cả mọi người đau khổ trong thế giới này. Áo phủ bên ngoài màu xanh dương của Ngài biểu hiện sự hoàn thiện trong những chứng đắc mật truyền, và Ngài mang một cái y của một vị tăng đã thọ đại giới. Áo choàng ngoài không tay thêu kim tuyến là một biểu tượng rằng tất cả những tu tập tôn giáo đều là một trong chân lý của vũ trụ. Áo choàng này, nón và giầy của Ngài cũng nhắc nhở thần lực huyền diệu của Ngài. Chúng là tặng phẩm từ vị vua của Zahora đã ngạc nhiên trước những thần lực của Ngài. Vị vua cố gắng thiêu cháy Ngài, nhưng Guru Rinpoche đơn giản chuyển hóa ngọn lửa thành nước, bây giờ được biết là hồ Rewalsar ở Ấn Độ.
Guru Rinpoche nắm giữ những biểu tượng của giáo lý. Một chày kim cương (vajra) bằng vàng trong tay phải Ngài biểu tượng cho sự khéo léo thiện xảo không thể hủy hoại và thần lực, nguyên lý của nam. Trong tay trái Ngài cầm một sọ người, giữ một bình đầy nước cam lồ của sự bất tử. Sọ người biểu tượng sự hợp nhất giữa tánh không và phúc lạc (bliss) là nguyên lý của nữ. Cái bình và nước cam lồ biểu tượng sự trường thọ và chân lý vô thời gian của Phật tánh.
Trong đạo Phật, những vị thầy mật truyền thường kết hợp một cách tâm linh với một người nữ phối ngẫu. Trí huệ của nữ tính được tượng trưng ở đây là một cây đinh ba, dựa vào khuỷu tay trái của Ngài Guru Rinpoche. Ba mũi sắc bén của cây đinh ba biểu hiện ba bản tánh chân thật của tâm : sự rỗng rang, trong sáng và sức mạnh của đại bi. Ba trang hoàng cho cây đinh ba đại diện cho ba thân Phật : bộ xương đầu là toàn thể sự rỗng rang, hình ảnh trưởng thành sung mãn là hình tướng thanh tịnh của Phật, và sự trẻ trung là hình ảnh không thanh tịnh của đức Phật dưới cái thấy của tâm thức bình thường.
Giữa những biểu hiện khác là lọn tóc treo ở cây đinh ba. Đây là sự nhắc nhở việc thực hành trong nghĩa trang việc thiền định về sự tan biến của thân xác và sự giải thoát do chứng ngộ chân lý của sống và chết.
Trong trí huệ vô hạn của Ngài, Guru Rinpoche biết một cách đồng thời từng sự việc xảy ra trong vũ trụ, mà không rời lìa khỏi bản tánh rỗng rang, tuyệt đối của Ngài. Lòng đại bi vô biên của Ngài mở rộng tới toàn pháp giới và đến tận mỗi một chúng sanh, như một người mẹ gieo rắc tình thương yêu cho đứa con duy nhất.
Bây giờ chúng ta đã khá quen thuộc với hình ảnh này, đây là một thiền định sùng mộ mở rộng.
CẦU KHẨN SỨC MẠNH VÀ LÒNG ĐẠI BI CỦA
ĐỨC PADMASAMBHAVA
Hãy quán tưởng rằng bạn đang ngồi ở một nơi cao ráo như một đỉnh núi, nhìn vào bầu trời trong xanh bao la. Thưởng thức cái nhìn trong vài phút, an trú trong sự rộng mở. Hình ảnh đang ở tại một điểm cao nâng tâm thức bạn lên trên sự ồn náo của mình. Bầu trời rộng mở làm sạch những hình ảnh, cảm xúc và tư tưởng ồn ào khỏi tâm bạn.
Từ sự rộng mở này, đầu tiên hình dung một chỗ ngồi trên hoa sen với những cánh hoa đẹp đẽ, sau đó là một đĩa mặt trời và phía trên nó là đĩa mặt trăng. Cuối cùng, Guru Rinpoche hiện ra rực rỡ.
Hãy cảm nhận sự an bình và ấm áp vô biên của bổn tôn rất thương yêu linh thánh này và an trú thoải mái trong những cảm nhận này một lúc. Hãy để sự sùng mộ tan vào trái tim bạn. Khi bạn đem tỉnh giác của bạn đến hình ảnh, hãy hoàn toàn hiến mình vào nó, không phải chỉ như một hình tướng do tâm thức bạn tạo ra, mà như là vị Guru thật sự và chữa lành, thuần khiết.
Bây giờ tưởng tượng toàn trái đất đầy những khuôn mặt hoan hỷ, những đôi mắt hạnh phúc tràn đầy những tấm lòng sùng mộ của tất cả các loại sinh linh. Tất cả đều nhìn chăm chú vào khuôn mặt thương yêu, đẹp đẽ và đầy sức mạnh của Ngài Guru Rinpoche, nguồn của tất cả sự chữa lành. Hãy tưởng tượng rằng bạn nghe tất cả họ cùng tụng thần chú trong cùng một giọng với một âm điệu dịu dàng và mạnh mẽ như sấm sét. Thần chú (mantra) là một lời cầu nguyện đến Ngài Guru Rinpoche, một phương tiện chữa lành cho những vấn đề của chúng ta, một biểu lộ hân hoan của những năng lực tinh thần và thân xác, một tôn vinh sự hiện diện của bậc thiêng liêng này, một sự thiền định về âm thanh thanh tịnh mà bản thân nó là bản tánh của nhất thể.
Từ những chiều sâu của lòng mình, hãy hát chân ngôn của Ngài Guru Rinpoche, hoặc một trong hai dạng dưới đây :
Trong âm Sanskrit được Tây Tạng hóa
OM AH HUNG BEDZAR GURU PEMA SIDDHI HUNG
Trong Phạn ngữ
OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM
Một phiên dịch của mật chú này là : “Hiện thân của thân, ngữ, tâm của chư Phật, Ôi Padma(sambhava), mong Ngài ban cho tất cả sự gia hộ ban phước.”
Như một kết quả của lời cầu nguyện và sự rộng mở là những tia sáng của ánh sáng ban phước nhiều màu sắc từ Guru Rinpoche chạm đến bạn đem đến sự ấm áp và rộng mở trong thân và tâm. Những ánh sáng này không chỉ đẹp đẽ, thanh tịnh mà còn là năng lực của sự an bình, ấm áp, phúc lạc và rỗng rang. Hãy để cảm nhận này thấm nhập vào bạn qua mỗi một lỗ chân lông và khiếu, xua tan tất cả lo nghĩ và phiền não, như ánh sáng mặt trời xua tan bóng tối. Hãy cảm nhận toàn thân bạn chuyển hóa thành ánh sáng và năng lượng chữa lành.
Lập lại chân ngôn nhiều lần, đem toàn bộ con người bạn vào âm thanh. Hình dung rằng những lời cầu nguyện của bạn làm mở rộng tâm thức của tất cả chúng sanh vào niềm vui sùng mộ và ánh sáng từ Guru Rinpoche tỏa chiếu trong mọi hướng, xua tan tất cả đau khổ, phiền muộn và mê lầm. Tất cả chúng sanh được giải thoát trong một dàn đồng ca hùng lực. Lời hát tràn đầy vũ trụ, trở thành một trong âm thanh, ánh sáng và hoan hỷ.
Hãy hoan hỷ trong sự ấm áp và rộng mở này. Để cho tất cả ý niệm và cảm giác tan vào một đại dương của sự an bình sùng mộ, trong đó không có những phân biệt hay ranh giới, vượt trên đau khổ và kích động, xấu và tốt, đây và kia, anh và tôi, mà nơi đó tất cả là một và cùng như nhau.
Mặc dù mục đích cao hơn của sự thiền định này là chứng ngộ tâm linh, bạn cũng có thể thiền định về Đức Guru Padma-sambhava như một nguồn sức mạnh cho sự chữa lành thông thường những vấn đề cảm xúc hay thân xác, bằng việc quán tưởng bất cứ dạng năng lượng chữa lành nào đều bắt nguồn từ hình ảnh, giống như tia sáng laser. Hoặc tưởng tượng cam lồ chữa lành từ cái bình của Ngài Guru Rinpoche chảy vào trong bạn, thoạt tiên tẩy sạch tất cả đau khổ của tâm thức, cảm xúc và thân thể, rồi làm tràn đầy toàn thân, tâm bạn với an bình và sức mạnh. Ngài Guru Rinpoche cũng có thể là nguồn năng lực trong khi thiền định, trong đó Ngài hoạt động như là người chữa lành cho bạn.
Bất cứ sự quán tưởng nào, bạn có thể lập lại nó trong một thời khóa cho đến khi cảm thấy thích hợp thoải mái. Khi bạn tụng ca hàng ngày, thỉnh thoảng đem cảm giác rộng mở của thiền định vào trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể tụng ca chân ngôn lớn tiếng hoặc niệm thầm khi bạn ở nơi công cộng.
THIỀN ĐỊNH TRONG SỰ RỘNG MỞ RỖNG RANG
Trong quan điểm cao hơn của đạo Phật, những hình tướng xuất hiện khởi lên từ tánh không, và tan biến trở lại trong tánh không. Vậy chúng ta bắt đầu sự thiền định sùng tín này bằng cách đi vào trạng thái rỗng rang, để cho sự quán tưởng khởi lên giống như một sự phản chiếu trong một tấm gương trong sáng. Sau khi an trú trong tĩnh lặng trên sự quán tưởng, chúng ta lại kết thúc trong sự rỗng rang và nhất thể. Nó là một tiến trình giống như việc sinh ra, sống và chết đi, một cách tốt để thực hành việc để cho mọi sự đến và đi. Tại mỗi buổi thiền định, đơn giản hãy luôn luôn ở trong trạng thái rộng mở rỗng rang của tâm bạn đúng như nó là vậy, mà không bám chấp.
Tùy thuộc vào trạng thái của tâm bạn, chúng ta có thể an trú lâu hơn trong khoảng không của sự rỗng rang. Chúng ta có thể bắt đầu với một quán tưởng, và sau đó buông kỹ thuật và đơn giản thiền định trong một cách rỗng rang. Bấy giờ không kể gì đến kinh nghiệm của sự thiền định là sao. Nó có thể hòa tan tất cả sự kinh nghiệm, người kinh nghiệm và những cách thức để kinh nghiệm vào nhất thể.
Đừng cố gắng định dạng sự rộng mở rỗng rang, hay thấy nó như một cái này hay cái kia hay đạt được bất cứ điều gì trong nó. Hãy chỉ để sự vật là vậy. Điều này là cách để tìm thấy trung tâm của bạn. Nếu bạn tin vào thật tánh của mình, bạn không cần phải tìm kiếm trung tâm nào khác. Hãy chỉ rỗng rang và tỉnh thức.
Chừng nào mà chúng ta còn lệ thuộc vào khả năng khổ đau, việc thiền định có thể làm chúng ta sâu xa và mạnh mẽ. Khi chúng ta chứng ngộ bản tánh của sự rỗng rang, thiền định hòa tan vào đời sống hàng ngày.
Dựa vào những nguồn chữa lành bên ngoài cũng ích lợi và thậm chí rất cần thiết, khi nào chúng ta còn chịu dưới sự kiểm soát của những khái niệm nhị nguyên và tùy thuộc vào những đối tượng bên ngoài. Tuy nhiên điều quan trọng là hiểu rằng sự chữa lành rốt ráo thì vượt lên sự phụ thuộc vào những lực bên ngoài. Nó là sự bảo đảm cho bản tánh rỗng rang, an bình của chúng ta khiến chúng ta có thể đạt đến trọn suốt sự rỗng rang và an bình đó.
14
ĐÁNH THỨC NHỮNG NĂNG LỰC VÔ BIÊN BÊN
TRONG CỦA SỰ CHỮA LÀNH
Thở một hay hai hơi thở sâu, buông xả tất cả căng thẳng lo nghĩ và hưởng thụ cảm giác buông lỏng trong thân và tâm bạn. Sau đó từ từ và bình thản đi qua những bài tập sau đây trong vòng một hay hai phút cho mỗi bước.
1. Khi bạn thức giấc vào buổi sáng, hay bất cứ lúc nào trong ngày, hãy cảm nhận sự sùng mộ đến nguồn sức mạnh. (có thể là đức Phật, Guru Rinpoche, hay bất cứ nguồn sức mạnh nào khác.) Sự sùng tín đem đến ấm áp, hỷ lạc, sức mạnh và rộng mở.
2. Hãy quán tưởng và cảm nhận rằng trái tim bạn, trung tâm của thân bạn trong dạng một bông hoa ánh sáng lạ thường, nở rộ trong sự nhiệt thành sùng tín. Như một kết quả, từ đóa hoa lòng sùng tín đó khởi lên trí huệ, tâm bi, năng lực, và những phẩm tính giác ngộ của bạn trong dạng nguồn sức mạnh. Nguồn sức mạnh, trong dạng một thân ánh sáng với sức nóng và phúc lạc, bốc lên qua kinh mạch trung ương – một kinh mạch trống không được làm bởi ánh sáng trong suốt và thanh tịnh – của cơ thể bạn. Bấy giờ nguồn sức mạnh tô điểm bầu trời không vết nhơ và vô hạn, như thể hàng ngàn mặt trời khởi lên với một thân.
3. Hãy tin tưởng rằng nguồn sức mạnh là hiện thân của trí huệ, lòng bi và năng lực của tất cả những bậc linh thánh và của chân lý vũ trụ. Cảm nhận toàn thể thân và tâm bạn tràn đầy sức nóng, hỷ lạc, và năng lượng vô biên do ở trong sự hiện diện của nguồn sức mạnh.
4. Bấy giờ hãy thấy rằng toàn thể trái đất đầy những chúng sanh khác nhau. Trái tim họ tràn đầy sự sùng tín và khuôn mặt họ nở hoa với những nụ cười hoan hỷ. Cặp mắt mở rộng của họ nhìn nhất tâm vào nguồn sức mạnh với sự tán thán. Cùng với bạn, tất cả họ biểu lộ sức mạnh sùng tín của họ trong lời cầu nguyện, ca hát một cách du dương với những âm vang khác nhau, giống như một bản giao hưởng vĩ đại. Hãy tụng ca lời cầu nguyện với sự tán thán lớn lao trong đó không có những giới hạn hay bó hẹp hạn chế nào.
5. Hát những lời cầu nguyện, tưởng tượng những lời cầu nguyện kêu cầu tâm bi của nguồn sức mạnh. Từ nguồn sức mạnh, trí huệ, lòng bi và sức mạnh của nó đến với bạn dưới dạng vô số tia sáng ban phước đầy màu sắc (hay những dòng cam lồ). Những tia sáng này chạm đến từng lỗ chân lông của thân bạn. Hãy cảm nhận sức nóng khi chúng tiếp xúc. Hãy cảm nhận bản tánh phúc lạc của sức nóng. Và cảm nhận sức mạnh của sức nóng phúc lạc này.
6. Sau đó những tia sáng đi vào trong thân bạn. Hãy quán tưởng và cảm nhận rằng tất cả những thói quen tiêu cực, những yếu đuối tinh thần, những xung đột phiền não, thiếu hài lòng, sợ hãi, những bệnh tật hay những bế tắc lưu thông hay năng lực của bạn đều ở trong dạng bóng tối trong cơ thể. Chỉ việc tiếp xúc với ánh sáng ban phước, tất cả bóng tối đều hoàn toàn tan biến, không còn bất cứ dấu vết nào trong thân và tâm bạn. Thân thể bạn tràn đầy ánh sáng rực rỡ lạ lùng, với cảm giác sức nóng, phúc lạc và sức mạnh. Sau đó thấy và cảm nhận rằng toàn thân bạn chuyển hóa thành thân ánh sáng ban phước. Hãy cảm thấy mỗi một tế bào trong thân bạn được chuyển hóa thành tế bào của ánh sáng ban phước với sức nóng, phúc lạc và sức mạnh.
7. Sau đó hãy nghĩ về một tế bào ở trán bạn (hay bất cứ nơi nào khác trong thân thể). Tế bào được làm bởi ánh sáng rực rỡ ban phước. Nó đẹp đẽ và bao la. Hãy đi vào tế bào một cách từ từ. Nó vô biên và vô hạn như bầu trời. Hãy cảm nhận sự bao la của tế bào trong một lúc.
8. Sau đó hãy thấy và cảm nhận thân bạn được cấu tạo bởi hàng tỷ tế bào bao la, đẹp đẽ và phúc lạc như vậy. Mỗi một tế bào được trang hoàng với sự hiện diện của nguồn sức mạnh. Hãy nhận biết sự hiển bày và năng lực lạ lùng của thân thể kỳ diệu của bạn. Tất cả tế bào ở trong tình thương và hòa hợp với mỗi một tế bào khác. Cảm nhận sức mạnh của hàng tỷ tế bào phúc lạc trong thân bạn được trang hoàng bởi những nguồn sức mạnh.
9. Tất cả tế bào của những kinh mạch, bộ phận và cơ bắp của thân ánh sáng ban phước của bạn đang thở. Chúng đang thở bằng sức nóng và phúc lạc một cách rỗng rang và tự nhiên như những ngọn sóng của đại dương. Hãy cảm nhận sự chuyển động phúc lạc của những ngọn sóng. Những cơn sóng vuốt ve, thư giãn và hòa tan bất cứ nơi nào mà chúng ta bị chai cứng hay khó khăn, mọi bám trụ của những cảm xúc không giải quyết và những vết thương chưa lành với những vết tích của nó. Hãy cảm nhận hào quang của năng lượng. Hãy cảm thấy sự cảm nhận. Hãy là một với sự cảm nhận.
10. Rồi bạn có thể hát OM AH HUNG (xem trang 183) như một chuyển động chữa lành để phát sinh sức mạnh, sự rỗng rang và hợp nhất với chúng. Bạn có thể hát lớn, nhẹ nhàng, hay thầm lặng trong tâm trí bạn.
Khi bạn hát lập lại chủng tự OM chậm chậm và liên tục, hãy nhận biết những làn sóng âm thanh vang dội mạnh mẽ như thế nào trong mỗi một tế bào, từ những dây thanh quản xuyên qua toàn thân bạn giống như những làn sóng của đại dương. Hãy vui thích trong sự cảm nhận năng lực và sức mạnh, những phẩm tính của thân Phật.
Khi hát chủng tự AH trong cùng một cách như vậy, hãy nhận biết những năng lực làm rỗng rang, giải phóng và làm nở rộ, những phẩm tánh của ngữ Phật.
Khi hát chủng tự HUNG, hãy nhận biết sự hòa nhập của bạn với sự hợp nhất của sức mạnh và rỗng rang, là sức mạnh vô biên, những phẩm tánh của tâm Phật.
11. Bạn cũng có thể kiết thủ ấn như những vận động chữa lành để phát sinh sức mạnh và rỗng rang rồi hợp nhất với chúng.
Rất chậm chạp và liên tục, nắm những ngón tay bạn thành kim cang quyền ấn đặt tại trái tim bạn (đặt đầu ngón tay cái vào dưới lóng thứ ba của ngón đeo nhẫn, sau đó ngón giữa và ngón đeo nhẫn nắm lại đè trên ngón cái, ngón trỏ và ngón út duỗi ra ngửa mặt lên). Đặt bàn chân bạn tại điểm nối giữa hông và đùi. Hãy nhận biết sự vận động vang dội liên tiếp từ mỗi một tế bào của bàn tay qua thân bạn giống như dòng chảy của một con sông. Hãy hoan hỷ trong sự cảm nhận năng lực và sức mạnh là những phẩm tính của thân Phật.
Trong cùng một cách, tạo một cử chỉ hoa nở tại trái tim bạn. Giữ nắm tay hướng lên, mở những ngón tay (từng ngón một, bắt đầu từ ngón út) và mở rộng bàn tay và cánh tay và nhận biết cảm giác hoan hỷ của sự rộng mở, giải thoát, và nở hoa, những phẩm tánh của ngữ Phật.
Kiết ấn thiền định, đặt hai lòng bàn tay ngửa lên trong lòng bạn, bàn tay phải trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái vừa chạm nhau, và hãy nhận biết sự tự hòa tan mình với sự hợp nhất của rộng mở và sức mạnh, là sức mạnh vô biên, những phẩm tánh của tâm Phật.
Bạn cũng có thể thực hiện những thủ ấn (cử chỉ) này trong lúc tụng ca OM, AH và HUNG.
12. Bạn có thể thấy hào quang bao la lạ lùng của ánh sáng ban phước sáng ngời tràn đầy sức mạnh năng lực chung quanh thân bạn. Nó là một hào quang bảo hộ ngăn ngừa bất cứ những tác động tiêu cực nào xảy đến. Nó cũng có thể là một hào quang của sự chuyển biến khiến chuyển hóa mọi thứ trong hào quang năng lực thành ánh sáng ban phước, giống như những bông tuyết rơi vào nước nóng.
Hãy chia xẻ những ban phước với tất cả những chúng sanh là những bà mẹ của chúng ta.
15
SỰ THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM ĐẠI BI
Nếu chúng ta phát triển tâm bi, những kinh nghiệm tâm linh khác sẽ tự nhiên khởi lên trong chúng ta. Tâm bi là gốc của tất cả đức hạnh. Nó giúp chúng ta thoát khỏi sự chấp ngã.
Vì Phật tánh luôn luôn hiện diện trong chúng ta, tất cả chúng ta đều có khả năng khai mở tâm bi to lớn, hào phóng và rộng lượng. Tâm bi mở rộng tâm thức khép kín và đông cứng của chúng ta. Nó làm an bình tâm thái hoang dã và chuyển hóa tính khí lạnh lẽo, mục nát và tiêu cực của chúng ta. Nó đem chúng ta ra khỏi tối tăm, những tù ngục ngăn che được tạo tác bởi tính ích kỷ và sự chán nản để trở thành ánh sáng ban ngày. Thay vì lôi cuốn người khác phục vụ cho bản ngã hoang dã của chúng ta, chúng ta có thể tìm ra trung tâm thật sự của mình nhờ lòng bi mẫn đối với những người khác. Tâm bi là bản tánh chữa lành của tâm ta, qua đó chúng ta có thể tìm thấy an bình.
Dù nếu chúng ta hiểu rằng lòng bi mẫn đặt chúng ta trực tiếp trên con đường đúng, chúng ta vẫn thấy khó ngừng sự bám chấp ích kỷ vào những mối quan tâm của mình, chừng nào chúng ta không kinh nghiệm được tâm rộng mở với người khác. Cách tiếp cận căn bản của đạo Phật là bắt đầu từ một cách đơn giản và mở rộng vòng của tâm bi ra ngoài.
Vì vậy chúng ta nên cảm thấy một cảm giác lành mạnh của tình thương cho chính mình, thận trọng với những nhu cầu và tiện ích thật sự của mình và hoan hỷ đón nhận niềm vui khi nó khởi lên trong chúng ta. Chúng ta nên cảm kích những ai gần mình và quan tâm chăm sóc họ, đạt được kinh nghiệm trực tiếp của thái độ nồng nhiệt, hơn là chỉ dựa vào những ngôn từ hay những cảm giác mơ hồ. Dần dần, chúng ta có thể mở rộng việc thực hành tâm bi của mình.
Tâm bi không có nghĩa là lo lắng. Nó là trí huệ chân thật cởi mở và là sự quan tâm chăm sóc. Sự lo lắng, trái lại bị mọc rễ trong sự bám chấp. Nó làm hao mòn sức mạnh của chúng ta và khả năng giúp đỡ người khác.
Thường thường, khi chúng ta quan tâm đến một ai, chúng ta lo nghĩ. Điều này là phản ứng không thể tránh được của một tâm thức bình thường. Vậy, nếu bạn có thể, hãy quan tâm, nhưng không lo nghĩ. Nếu dù sao những lo nghĩ cũng nổi lên, đừng lo lắng về sự lo nghĩ. Hơn nữa, hãy nhìn điều này như một sự tích cực, và nghĩ : “Tôi lo nghĩ vì tình thương với người này. Quan tâm là thái độ tốt nhất.” Bằng việc thấy sự lo nghĩ trong ánh sáng tích cực này và hoan hỷ vượt qua nó, sự tác động tiêu cực sẽ được chuyển hóa thành năng lực xây dựng.
Chúng ta có thể cảm nhận tâm bi hướng đến kẻ thù hay những người ta không thích như thế nào ? Sự tiếp cận có hiệu quả là thấy họ như những người mẹ, trên thực tế họ nhân từ, tử tế và có tình thương, ngoại trừ việc thật tánh của họ bị che lấp ; hay có lẽ chúng ta thấy khó khăn trong việc nhận ra Phật tánh trong họ vì cái nhìn của chúng ta bị ngăn che.
Trong thiền định, chúng ta có thể bắt đầu phá vỡ bức tường ngăn cách chúng ta với những người khác. Đức Tsongkhapa nói điều này về tâm bi và thiền định :
Đặc tính của tâm bi là ý tưởng “Cầu cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi đau khổ” và “Tôi sẽ dẫn họ đến giải thoát.” Những giai đoạn của tâm bi là trước tiên người ta thiền quán trên những người mình thương, sau đó trên người không thương, không ghét, và kế tiếp là trên những kẻ thù. Khi một người có tâm bi nhìn người thương và kẻ địch cũng như nhau, hãy thiền định tiếp trên tất cả chúng sanh trong vũ trụ.”
Tôi sắp diễn tả một thực tập tinh thần nhắm vào sự thống khổ của người khác một cách sinh động. Một số người lo lắng rằng thiền định trên những đau khổ khủng khiếp có thể làm cho tinh thần yếu đuối, nhưng trên thực tế nó chữa lành chúng ta bằng việc giải thoát sự chấp chặt bản ngã của mình. Vậy hãy mở rộng trái tim bạn, và để cho cảm giác của tâm bi lớn lên.
Hãy quán tưởng một cách sinh động và đồng cảm với một người bị hành hạ vô hy vọng, kinh hoàng, đang cầu cứu. Bạn cũng có thể dùng hình ảnh của một người đang hấp hối đơn độc với những đau đớn nhức nhối không còn hy vọng sống sót, từng giây treo trên niềm hy vọng được sống, đang kêu gọi giúp đỡ và nhìn chăm chú vào thế giới của những người đang sống với những dòng nước mắt. Hoặc bạn có thể quán tưởng một ai đó đang bị những người hành hình kéo lê đến cái chết bằng những bàn tay thô bạo trước đôi mắt sợ hãi, đầy nước mắt vô vọng của những người thân. Hay thấy một con vật vô hại, hiền lành đang bị giết thịt bởi con dao bén nhọn của những người đồ tể giữa những tiếng cười sấm sét hãi hùng. Hoặc hình dung một người bị kẹt trong lửa, lũ lụt hay động đất liếc nhìn thế giới yêu dấu lần cuối cùng qua những giọt nước mắt lẫn máu.
Sau đó, hiểu rằng sinh linh đau khổ đó không ai khác hơn là cha mẹ, con hay người thân của bạn. Đạo Phật tin rằng, tất cả chúng sanh đã từng là người thân của chúng ta, tại lúc này hay lúc khác trong rất nhiều kiếp quá khứ của chúng ta. Và rồi hãy nghĩ, “Lúc bà ấy là mẹ tôi, bà đã cho tôi tất cả tình thương và chăm sóc lúc tôi cần, sưởi ấm trái tim tôi với lòng từ ái và hy sinh hạnh phúc, giấc ngủ vì lợi ích cho tôi. Nhưng hôm nay không ai giúp bà ấy thoát khỏi nguy hiểm này. Bà không có cơ hội phát triển trí huệ và sức mạnh cần có tại lúc cuối cùng này. Tôi là đứa con duy nhất làm sao có thể tiêu tốn tất cả sinh lực vào những trò tiêu khiển ngớ ngẩn của cuộc sống này, thờ ơ với nỗi đau khổ và sợ hãi của bà ?” Bây giờ hãy quyết định đi theo con đường của tâm bi, suy nghĩ rằng, “Ngay từ khoảnh khắc này, tôi nguyện trước toàn thể thế giới, hồi hướng từng phút của đời sống tôi để phát triển tâm linh nhằm chữa lành tất cả chúng sanh những người mẹ đang đau khổ của tôi.”
Bạn cũng có thể bắt đầu tu tập tâm bi bằng việc an trú vào những hình ảnh tích cực. Nghĩ về lòng nhân từ và bi mẫn của một bậc cha mẹ, một người bạn hay một cố vấn tinh thần đã bộc lộ cho bạn, và gợi lên cảm giác tuyệt diệu của những ký ức ấm áp đó với bạn. Sau đó tự bảo mình phải chuyển tặng phẩm lớn lao đó của lòng đại bi đến những người khác, và cho không một cách rộng rãi, giống như ánh sáng sưởi ấm toàn thể thế giới và vũ trụ.
Hoặc bạn có thể dùng cảm giác đau khổ và sợ hãi sâu xa của mình để phát sinh tâm bi. Đa số chúng ta cố gắng che dấu một cách vô ích khi đau khổ đến với chúng ta, nhưng nó có thể là một tài nguyên vô giá. Với thái độ đúng đắn, mùi vị cay đắng của đau khổ khiến dễ dàng hiểu hơn sự đau khổ của người khác.
Thấy và cảm nhận đau khổ đem lại một sự hiểu biết mạnh mẽ về sanh tử luân hồi, hiện hữu trần thế ngắn ngủi của chúng ta. Điều này có thể phát sinh một năng lực đầy sức mạnh, không chỉ thương xót hay mong muốn tốt cho người khác, mà là một nguyện vọng và cam kết hết lòng nhận trách nhiệm giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi hầm lửa của sanh tử.
Bằng việc phát triển tâm bi mạnh mẽ cho tất cả chúng sanh là người mẹ, chúng ta sẽ mất đi sự thù hận, ghen tỵ, đố kỵ và thèm khát. Tâm bi làm tiêu tan bức tường phân cách bạn bè và kẻ thù, anh và tôi, tốt và xấu. Nó cung cấp khoảng không cho hạnh phúc và an bình.
Ngài Asanga (Vô Trước) một triết gia Đại thừa vĩ đại của Ấn Độ thời xưa, đã thiền định về Đức Phật Di Lặc (Maitreya) vị Phật của lòng từ ái, trong một hang động mười hai năm. Tuy nhiên Ngài đã thất bại để thấy bất cứ dấu hiệu của thành tựu thực sự nào cho đến ngày rời hang động, và thấy một con chó rên rỉ gần chết trên đường. Khi Ngài cố gắng giúp đỡ con vật, đột nhiên tâm bi vô biên bùng mạnh và con chó chuyển thành thân chói lọi của Đức Di Lặc. Ngài Asanga than khóc, “Đức Phật Ngài ít lòng bi với con, tại sao đã lâu Ngài không cho con thấy mặt.” Đức Di Lặc nói : “Ta luôn luôn ở cùng với con không ngăn cách. Nhưng con không thể thấy ta vì những chướng ngại tâm thức của con. Tâm bi đã tịnh hóa tất cả chúng.”
Khi tâm bi của ta tăng trưởng, nó dễ dàng buông bỏ hơn sự vật lộn của tâm phân biệt liên tục của chúng ta. Trong sự rộng mở của tâm bi, chúng ta có thể chuyển hóa những mê lầm của mình thành tri giác thanh tịnh, trí huệ bổn nguyên của tâm. Phần lớn chúng ta khó quan niệm về sự chứng ngộ sự rỗng rang trường cửu, toàn triệt. Tuy nhiên nếu chúng ta thực hành tâm bi, những ảo giác, bám chấp, và những thói quen của nghiệp xấu sẽ bắt đầu rơi rụng.
Khi chúng ta thành Phật, tâm bi tự nhiên khởi lên trong chúng ta như một sức mạnh tỏa khắp, hiện diện khắp của Phật tánh. Như Ngài Longchen Rabjampa nói :
Từ bản tánh chân thật (Phật tánh),
Trong tất cả mọi hướng, khởi dậy sức mạnh của đại bi,
Hoàn thành sự lợi lạc cho mọi người qua sự hiển bày của nó.
CẦU KHẨN ĐỨC PHẬT CỦA TÂM ĐẠI BI ĐỂ
MỞ RỘNG TRÁI TIM TA
Thiền định trên bất cứ nguồn sức mạnh nào cũng có thể giúp chúng ta rộng mở tâm bi, giống như gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ. Đặc biệt mạnh mẽ là thiền định về một vị thiêng liêng, như hình ảnh của sự cảm hứng. Bài tập đặc biệt tôi sẽ mô tả việc cầu khẩn Ngài Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), đức Phật của tâm đại bi. Sự tiếp cận và nội dung của sự quán tưởng này tương tự với những bài tập khác có thể dẫn chúng ta đến sự rộng mở. Điều then chốt ở đây là ý định mở rộng tâm chúng ta. Dù đôi khi chúng ta khó cảm nhận tâm bi trong cuộc sống hàng ngày, thì tự thân ý định đã là sự chữa lành hiệu quả.
Khởi dậy quán tưởng này với càng nhiều chi tiết nếu bạn có khả năng, thiền quán về hình ảnh với một sự thư giãn nhưng tập trung nhiệt thành. Hiến mình vào thiền định, sao cho tỉnh giác và hình ảnh là một.
Hãy tưởng tượng bạn ở một chỗ cao như là ngọn núi, nhìn vào bầu trời vô hạn. Hít một hơi thở sâu, và an trú với sự rộng mở này trong bao nhiêu lâu tùy bạn muốn, giải thoát khỏi tất cả những căng thẳng tâm lý và lo nghĩ.
Đức Quán Thế Âm hiện ra từ bầu trời rộng mở trước bạn, trong sự an bình và tạo cảm hứng nhất, và trong một hình dạng đẹp đẽ cho bạn có thể tưởng tượng được. Thân Ngài màu trắng, chiếu sáng rực rỡ, giống như một núi tuyết hay pha lê chiếu sáng hàng ngàn tia sáng mặt trời.
Ngài trang hoàng bằng lụa và châu ngọc, ngồi trên một đĩa mặt trăng giữa một hoa sen đẹp đẽ. Đức Phật ngồi vững chãi, biểu tượng trạng thái bất động của Phật tánh.
Trong sự thiền quán này, đức Phật có bốn tay, rải từ bi vô biên cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Hai bàn tay thứ nhất của Ngài chấp lại ở ngực trong một cử chỉ biểu tượng nhất thể của niết bàn và luân hồi – sự hợp nhất giữa giác ngộ và đau khổ của thế gian, sự hoàn thiện của mọi sự vốn như vậy, bao gồm những đấu tranh và sự vô thường thế gian. Trong hai bàn tay chắp lại Ngài giữ một viên ngọc như ý, tượng trưng cho “những phương tiện thiện xảo” thỏa mãn những nhu cầu cho tất cả chúng sanh rộng mở với cơ hội. Bàn tay phải thứ hai cầm một tràng hạt pha lê biểu tượng tính kiên định của tâm đại bi của Ngài với tất cả. Tay trái thứ hai của Ngài cầm một bông sen trắng biểu tượng trí huệ và hiểu biết vô biên, vô nhiễm của Ngài.
Đôi mắt Ngài tràn đầy lòng quan tâm và từ ái vô biên, nhìn chăm chăm không nháy mắt vào mọi người trong một tình thương vô điều kiện và không ngừng nghỉ, Ngài là cả hai sự trẻ trung và không tuổi tác, vượt trên tất cả đau khổ, và khuôn mặt đang mỉm cười đầy hoan hỷ giải thoát đau khổ cho mọi người.
Hãy phát triển cảm nhận trong tâm bạn rằng điều này không chỉ là một hình tướng do tâm thức tạo ra, mà là hình tướng thanh tịnh, chân thật của đức Phật đại bi, hiện thân của tất cả chư Phật và những bậc giác ngộ. Hãy tin tưởng vào hình ảnh này như là sự phản chiếu của bản tánh thanh tịnh của tự tâm bạn, xuất hiện như đức Phật. Hãy cảm nhận sự hiện diện của Ngài trong trái tim, thân và tâm bạn. Hoan hỷ với những ban phước Ngài đem đến nơi bạn đang sống, đến những người đang sống với bạn, và toàn thể vũ trụ.
Trên mặt đất đối diện Đức Quán Thế Âm, hãy quán tưởng tất cả mọi loại chúng sanh vui mừng khôn xiết được hiện hữu trong sự hiện diện của đức Phật. Bây giờ, với một cảm nhận nồng nhiệt, hãy nghĩ rằng tất cả chúng sanh trên trái đất hợp cùng với bạn tụng ca chân ngôn sau đây :
OM MANI PADME HUNG HRI
hay
OM MANI PADME HUNG
Chân ngôn này có thể dịch là “Đức Phật của ngọc báu và hoa sen, chúng con cầu khẩn Ngài”, hoặc rộng hơn là “Ôi, đức Phật nắm giữ ngọc báu và hoa sen của đại bi và trí huệ, mong Ngài ban cho chúng con những ban phước.”
Đức Quán Thế Âm
Hãy hiến mình trọn vẹn vào âm thanh của sự tụng ca ; nói hay hát chân ngôn nhiều lần, trong một cách mà bạn tìm thấy sự hứng khởi. Khi bạn làm như vậy, hãy làm tươi mới lại sự quán tưởng của bạn. Với lòng nhiệt thành và sùng mộ, hãy hình dung tất cả chúng sanh ở mọi nơi đều nhìn chăm chú vào đức Phật với đôi mắt mở rộng và hoan hỷ. Âm thanh êm dịu của chân ngôn tràn đầy trong vũ trụ như một bản giao hưởng làm chuyển hóa mọi sắc tướng, âm thanh và ý niệm trở thành sự tán thán đức Phật Đại Bi.
Bây giờ, trong tâm bạn nghe giọng nói êm dịu của đức Phật lập đi lập lại rằng : “Tất cả những hành vi và cảm nhận độc hại của con đều hoàn toàn được chữa lành. Bây giờ con thanh tịnh và hoàn thiện. Hãy cảm nhận hạnh phúc và an bình.” Hãy để cho ý nghĩa của những lời này thấm sâu vào lòng bạn, không chỉ như là ngôn từ đến và đi mà là một quán đảnh và ban phước thật sự và được cảm nhận sâu sắc.
Bây giờ những tia sáng rực rỡ của ánh sáng chữa lành chiếu ra từ đức Quán Thế Âm và khi tia sáng chạm vào bạn, lòng bạn hoàn toàn rộng mở tới những người mẹ-chúng sanh chung quanh đức Phật. Những ánh sáng không những có sắc tướng đẹp đẽ, thanh tịnh mà còn là năng lực an bình, ấm áp, phúc lạc và rỗng rang. Ánh sáng từ đức Phật tuôn chảy qua bạn, tới tất cả chúng sanh, xua tan tất cả đau đớn, khổ sở. Hãy để cảm nhận về tĩnh lặng và rỗng rang lan tràn qua bạn. Cảm nhận rằng toàn thể thế gian trở thành một trong tâm đại bi. Sự rắn chắc và lạnh lẽo như băng giá trong tâm thức chưa thuần hóa của bạn được tan chảy, và bằng sức mạnh ánh sáng của Phật Đại Bi, thân bạn được chuyển hóa thành ánh sáng thanh tịnh. Ánh sáng của đức Phật giống như một ngàn mặt trời, nhưng không bao giờ làm tổn thương cặp mắt của bất cứ ai ; trái lại còn đem đến một cảm giác an bình và giải thoát. Khi ánh sáng vô tận chiếu sáng rực rỡ trong tất cả các phương, vũ trụ hòa tan trong an bình nhất thể.
Hãy cảm nhận sự bao la và rỗng rang của vũ trụ. Để cho tất cả tư tưởng và cảm nhận của bạn tan biến vào trong an bình và ấm áp vô tận của đức Phật, trong tâm bi của Ngài không có phân biệt đau khổ và hạnh phúc, xấu hay tốt, đây hay kia, anh hay tôi. Tất cả là một và như nhau trong an bình vĩ đại. Hãy an trú trong sự rỗng rang của tâm chữa lành của bạn. Sau đó bạn có thể lập lại sự thiền định này nhiều lần khi thích hợp.
Sự thiền định này có thể đổi khác bằng việc sử dụng những dạng của năng lượng chữa lành khác như đã thảo luận trong phần đầu sách này. Ngài Karma Chakme, một đại sư về nghi lễ, cô đọng nhiều thực hành của và những kinh điển phổ thông và thiêng liêng, cũng như những lời dạy bí truyền, trong cách thiền định về đức Phật Đại Bi có thể dùng để chữa lành những bệnh tật thông thường.
Hãy quán tưởng đức Phật ở trên đầu của người bệnh, có thể là bạn hay người nào khác. Đức Phật Đại Bi có hai tay, tay phải đưa ra trong cử chỉ che chở, tay trái nắm một hoa sen trắng tại trái tim. Trong nhiều khía cạnh xuất hiện kỳ diệu của Ngài là hình ảnh chân ngôn, OM MANI PADME HUNG, chuyển động trong một vòng tròn quanh trái tim Ngài. Từ chân ngôn, ánh sáng quang vinh chiếu ra rực rỡ.
Hãy cầu nguyện đức Phật Đại Bi, vị Đại Bồ tát ban cho vô úy. Cầu cho được giải thoát khỏi bệnh tật, và tin tưởng rằng lời cầu nguyện này sẽ được đáp lại.
Phần sau của sự thiền định được Ngài Karma Chakme mô tả như sau :
Từ thân của đức Phật, một dòng cam lồ chảy xuống và cuốn trôi đi mọi bệnh tật và những ảnh hưởng xấu của người bệnh và sau đó cam lồ phúc lạc tràn đầy thân thể người bệnh.
Sau đó lập lại nhiều lần chân ngôn sau đây càng tốt : “OM MANI PADME HUNG SARVA SHANTING KURUYE SOHA.” (Có nghĩa : Đức Phật của đại bi và trí huệ, mong sao tất cả (bệnh tật đó) được bình lặng.)
Bấy giờ đức Phật ở trên đầu người đó tan biến thành ánh sáng và hòa tan vào người bệnh.
Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể đem cảm nhận và năng lực từ bất cứ sự thiền định về đại bi nào vào trong đời sống hàng ngày của bạn ; nó là một ban phước luôn luôn sẵn sàng cho chúng ta. Hãy chào đón tất cả mọi sự mà đời sống đem lại cho bạn – tất cả là một cơ hội để chúng ta chứng ngộ thật tánh của mình.
Khi bạn hạnh phúc, hãy cảm nhận nó trọn vẹn như năng lực ban phước của đức Phật, mà không bám chấp vào nó. Khi bạn đau khổ, hãy nghĩ : “Mong sao sự đau khổ này là một vật chuộc để giảm nhẹ đau khổ cho tất cả những người mẹ-chúng sanh”, và xem sự đau khổ như một lực tích cực đem lại nguồn cảm hứng và tỉnh giác tâm linh, mục đích tối thượng của đời người.
Send comment