Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Niết Bàn Vô Danh Luận (Chánh Văn)

15 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 3800)
Niết Bàn Vô Danh Luận (Chánh Văn)

TĂNG TRIỆUTÁNH KHÔNG HỌC ĐÔNG PHƯƠNG
Tuệ Hạnh dịch
BẢN DỊCH VIỆT VĂN

NIẾT BÀN VÔ DANH LUẬN
(Chánh văn)

Vô danh(1) nói rằng: “Kinh điển đề cập đến Hữu dư Niết Bàn, Vô dư Niết Bàn(2), Tần văn(3) dịch theo Phạn nữ Nirvàna là Vô Vi, cũng gọi là Diệt Độ. Vô Vi, là chấp thủ hư vô tịch mặc, diệu tuyệt mọi cảnh hữu vi. Diệt Độ là nói tất cả những lo lắng đều vĩnh viễn diệt tận; Siêu độ bốn cõi, là nơi quy về của tất cả các cảnh tượng, là nơi u trạch tuyệt dứt mọi ngôn từ. Nói có hữu dư, vô dư là để chỉ những danh hiệu khác nhau khi Niết Bàn hoặc xuất hoặc xử(4), là giả danh để ưng đương với các vật dị biệt mà thôi. 

Ta thử bàn về vấn đề này.

Thế nào là Đạo lý vốn là Niết Bàn? Là tịch liêu, hư khoáng, không thể dùng hình danh sắc tướng mà đạt được, là vi diệu vô tướng, không thể dùng hữu tâm(5) mà biết được, siêu tuyệt tất cả những vật hữu thể do vì thăng hoa đến nơi u linh, ôm trọn thái hư nên thường vĩnh cửu. Theo dõi đàng sau, chẳng làm sao đạt được tông tích; nghinh đón ở trước, không thấy đầu nó ở đâu. Lục thú không làm sao có thể nhiếp gồm được nó, thời gian không làm sao biến thể được nó. Hoang mang, hốt hoảng(6), dường như lưu lại đây, dường như đã đi rồi. Ngũ mục(7) không làm sao thấy được nội dung, nhị thinh(8) không làm sao nghe được âm hưởng, minh minh yểu yểu, ai thấy được nào, ai hiểu được nào? Di mãn khắp mọi nơi mà vẫn độc tôn bên ngoài biểu giới hữu vô. Thế nên ai nói về nó tất đánh mất cái chân thật của nó, ai biết về nó tất phản lại sự Ngu(9) của nó, ai cho nó là Hữu tất bẻ ngược thật tính của nó, ai cho nó là Vô tất thương tổn đến bản thể của nó. Sở dĩ do đó mà Đức Thích Ca yểm thất nơi Ma Kiệt Đà(10), Tịnh Danh(11) tịnh khẩu nơi Tỳ Da(12), Tu Bồ Đề đề xướng thuyết hiển dương đạo pháp bằng cách vô thuyết, Đế Thích Phạm Thiên dứt tuyệt nghe thấy mà vẫn mưa hoa(13). Tất cả đều là vì lý tắc đã được thần ngự nên miệng do đó mà mặc nhiên. Nào phải đâu là họ không biện luận, thật ra là họ biện luận điều không thể nói được bằng lời vậy.

Kinh Đại Niết Bàn nói: “Chân giải thoát xa lìa ngôn số, tịch diệt vĩnh an, vô thủy vô chung, không hôn ám, không minh chiếu, không lạnh không nóng, trạm nhiên như hư không, vô danh vô thuyết”. Luận(14) nói: “Niết Bàn phi hữu lại cũng phi vô, ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Ý nghĩa nơi các kinh luận trên, nào đâu là hư cấu, mà là có điều sở dĩ bất hữu cho nên bất khả đắc mà Có, có điều sở dĩ bất vô cho nên bất khả đắc mà Không vậy. Vì sao?

Nếu đặt Niết Bàn vào nơi cảnh Hữu, tất ngũ uẩn phải vĩnh viễn tiêu diệt, nếu đặt Niết Bàn vào nơi Vô tất u linh không bao giờ kiệt quệ. U linh không kiệt, nên ôm trọn cái Một trạm nhiên; ngũ uẩn vĩnh diệt nên ngàn vạn hệ lụy đều bỏ. Vạn lụy đều bỏ nên Niết Bàn cùng Đạo thông suốt; ôm trọn cái Một trạm nhiên nên Thần mà vô công. Thần mà vô công nên chí công thường tồn; cùng Đạo thông suốt nên rỗng không mà bất cải. Rỗng không bất cải nên không thể cho đó là Hữu; chí công thường tồn nên không thể cho đó là Vô. Thế nên Niết Bàn, nội tại tuyệt dứt hữu vô, mà ngoại tại lại xưng là có xao động vậy. Là nơi không thể đạt đến được bằng mắt thấy tai nghe, là điều bị hôn muội bởi tứ không(15). Điềm nhiên mà di mãn, đạm bạcbao la, cữu lưu lấy đó làm nơi giao quy, các thánh do đó mà minh hội. Tuy nhiên, mặc dầuNiết Bàn đã đạt đến cảnh hi di, chốn thái huyền đó, nhưng nếu ta muốn khen ngợi đó là hữu là vô, tán dương vực hạn của nó hay là nói về đạo lý về cái Thần của nó, thì chẳng hóa ra là ta vẫn còn ở xa tít mù đối với nó vậy.

1- Nghiệm xét về Thể của Niết Bàn

Hữu danh nói: Danh hiệu không hư sinh, xưng gọi không tự khởi. Các kinh bàn đến Hữu dư Niết Bàn, Vô dư Niết Bàn, là chân danh của sự trở về với căn bản(16), là diệu xưng của đạo lý về cái Thần(17) vậy. Xin cho tôi điều trần về sự này.

Hữu dư là: cùng với khi Đức Như Lai khởi thủy đại giác thì Pháp thân cũng đồng sơ thời kiến lập, tắm rửa trong giòng sông thanh tịnh của tám bậc thiền giải thoát, nghỉ ngơi trong khu rừng rậm rạp của bảy giác chi. Tích lũy vạn ngàn thiện đức từ muôn kiếp xa vời, Ngài quét sạch mọi vi trần còn lưu lại từ vô thủy. Tám minh(18) soi sáng bên trong, thần quang chiếu rọi bên ngoài; đầu tiên phát tâm đại từ cho đến cuối cùng dùng đại bi mà cứu chúng sinh khi hoạn nạn. Nhìn lên, người vói vịnh huyền căn; ngó xuống, người nâng đỡ kẻ yếu đuối tang bị. Siêu quá tam giới, độc một mình bước vào cõi Đại phương, mở hoát con đường bình phẳng của Bát Chánh, để đắp bằng thản lộ cho chúng sinh. Thẳng rong thần mã của Lục thông, ngự cỡi xe lành của năm thừa, cho chí đến có thể ra vào sinh tử, cùng vạn vật thôi thúc di động. Đạo không thể không thấm nhuần, đức không thể không bố thí cho chúng sinh. Tận cùng đến Hóa Mẫu vốn là bà mẹ sơ thủy của vạn vật(19), cực độ đến diệu dụng của then cửa huyền môn, khuếch trương vũ trụ không hư nơi chốn không còn cương giới, thắp sáng ngọn đuốc u linh khắp mọi nơi. Khi sắp tuyệt đoạn hết mọi điềm triệu hiện hữu nơi chín cõi sinh tử để vĩnh viễn luân lưu trong thái hư, mà duyên hữu dư vẫn còn bất tận, dư tông vẫn chưa tiêu diệt hết. Nghiệp quả còn vướng vít như hồn quỷ, nên Thánh trí mãi tồn tại lâu xa. Đấy là Hữu dư Niết Bàn vậy.

Kinh nói: Đãi bỏ cặn bã vi trần, như luyện vàng thiệt, ngàn vạn hệ lụy đều tận diệt mà Linh giác vẫn độc đáo tồn tại. Vô vi là khi giáo thuyết bậc Thánh nhân về nhân duyên đều xong hết, linh chiếu vĩnh viễn diệt tận, khuếch đại bao la không còn điềm triệu hiện hữu gì nữa, nên gọi đấy là Vô dư. Vì sao? Đại hoạn không gì bằng có thân(20), nên phải diệt xác này để mà trở về với Vô; lao cần không gì bằng trước tiên có trí, nên dứt tuyệt trí tuệ để mà luân nhập vào không hư. Thế nên, trí do vì có hình tướng mà bị mệt mỏi, hình tướng do vì có trí mà lao đao. Bánh xe vì chuyển nên thành ra đường lộ; đau khổ của chúng sinh cũng như thế, không bao giờ dừng nghỉ.

Kinh nói: Trí vì bị tạp độc, hình vì bị gông cùm mà phải xa vời với điều uyên thâm huyền mặc, mà sinh khởi nên hoạn nạn. Sở dĩ do đó mà Chí nhân đốt tuyệt thần tướng, diệt tận tâm trí(21), bỏ hình dứt lo; nội tại không cần chiếu sáng căn cơ, ngoại tại hưu tức gốc rễ đại hoạn, siêu nhiênvĩnh viễn phân lìa cùng quần hữu, di mãn đến đồng thể với thái hư; tịch yên không nghe, đạm bạc không hình, âm thầm đi qua không bao giờ trở lại, chẳng ai biết người đã đến nơi nào; giống như tiêm ngọn đèn tận rồi thì lửa phải diệt, dầu và ánh sáng đều kiệt. Đấy tức là Vô dư Niết Bàn vậy.

Kinh nói: Năm ấm vĩnh viễn cùng tận, tỷ như ngọn đèn tiêu diệt, thế nên Hữu dư Niét Bàn khả dĩ có thể mệnh danh được, Vô dư Niết Bàn khả dĩ vô danh. Khi vô danh đã lập rồi thì người đề xướng tông chỉ về Không, hân hoan nơi lặng lẽ trống không. Mệnh danh sinh rồi thì kẻ hoài bão ân huệ lại càng ngưỡng vọng nơi công đức của Thánh nhân. Đấy là văn từkinh điển truyền dạy chúng ta, là con đườngtiền nhân đã đi qua để dấu lại.

Thế mà ông lại nói nội tại tuyệt dứt hữu vô, mà ngoại tại lại xưng là có dao động, là nơi không thể đạt đến được bằng mắt thấy tai nghe, là điều bị hôn muội bởi tứ không. Như thế chẳng hóa ra là khiến kẻ hoài bão ân đức phải cự tuyệt, người đề xướng tông chỉ về Không lại càng vin theo đó mà chấp giữ. Không có gì khác nhau giữa điều tai mắt bị lấp ngơ nơi thai bào, hay huyễn tượng bị yểm che bởi đám vân tiêu, thế mà lại cầu mong có dị biệt giữa cung thương mấy nhịp hay là biện luận sai thù giữa trắng với đen! Chẳng qua là ông chỉ biết có thôi đẩy bậc Chí nhân ra khỏi vòng hữu vô, ngâm vang bài ca tuyệt diệt khỏi hình danh sắc tướng mà luận bàn, thật ra chẳng biết có chỗ nào là nơi sở quy; con đường u linh(22) do đó mà tự ẩn giấu chưa hiển lộ. Yên lặng mà tư duy, âm thầm tìm kiếm về điều ông đề xướng, tôi thật không tìm thấy nơi đâu để mà ký gởi lòng hoài vọng này. Có phải đấy là điều mà ông gọi là rọi sáng đại minh vào gian phòng u tối, là tấu âm hưởng huyền diệu cho người không biết nghe hay chăng?

2- Lập thể

Vô danh nói: Hữu dư, Vô dư chỉ là danh xưng ngoại tại của Niết Bàn, là giả danh để mà thuận ứng với vạn vật mà thôi. Kẻ nào ôm giữ lấy điều bị xưng gọi mà cho là thực thể của Niết Bàn, thì chỉ tìm thấydanh ngôn; kẻ nào chỉ để tâm xem trong hình tướng thì chỉ đăm đăm có hình tướng mà thôi. Danh, giới hạn vào trong đề mục; hình, cùng tận bởi thể vuông tròn. Mà hình thể vuông tròn thì vẫn có điều không thể diễn tả được; đề mục vẫn có điều không thể chuyển đạt được. Nên làm sao mà ta có thể mệnh danh vật vô danh, tượng hình vật vô hình được?

Lời nạn của ông nói: ông tin hữu dưvô dưquyền biếntịch mặc của cùng một thực thể Niết Bàn, để mà đạt đến cùng tột bản ý của giáo thuyết về Niết Bàn này, và cũng là thành tích ẩn hiện của Như Lai. Thế nhưng đấy chưa phải là sự cùng tột u linh của huyền tịch và tuyệt ngôn, cũng chẳng phải là diệu thuật của bậc Chí nhân vốn là trung tâm của vũ trụ. Độc mình ông là không nghe đến thuyết đàm về Chí nhân!

Duy Ma Cật nói: “Tôi quán Như Lai, vô thủy, vô chung, đã vượt qua lục nhập, đề xuất khỏi tam giới, chẳng tại nơi nào cũng chẳng lìa nơi nào, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không thể dùng ngũ thứcnhận thức được, không thể dùng trí mà biết được, vô ngôn vô thuyết, tâm hành xứ diệt; nếu theo đấy mà quán thì gọi là Chánh Quán; còn như theo những điều khác mà quán Như Lai thì chẳng thấy được Phật”. Kinh Phóng Quang nói: “Phật như hư không, không đi, không đến, ứng theo duyên mà hiện, không có phương sở nơi nào”. Thế nên Thánh nhân, trong thế gian này, tịch mặc hư vô, không cầm giữ không tranh giành, dẫn đạo mà chẳng đi đầu, cảm rồi sau liền ứng, tỷ nhưâm hưởng nơi u cốc, như là hình tướng trong tấm gương sáng. Đối diện với người, chẳng biết là người từ đâu lại, tùng theo dấu chẳng biết là người đã đi về đâu, hốt nhiên mà có, thoáng chốc đâu mất. Càng di động càng tịch tịnh, càng ẩn giấu càng rực rỡ, ra vào u tối, biến hóa vô cùng. Danh xưng về người tạo nên là nhân vì người cảm ứng; khi hiển lộ tông tích thì ta gọi đấy là sinh, khi tông tích ngừng chỉ gọi đấy là diệt. Sinh, danh Hữu dư; Diệt, danh Vô dư. Thế đó, xưng gọi là hữu vôcăn bản cũng chỉ là vô danh. Thế thì làm sao mà có thể mệnh danh cho vô danh được?(23)

Thế nên bậc Chí nhân khi cư nơi hình vuông thì vuông, khi dừng nghỉ nơi hình tròn thì tròn; tại Trời thì tự Trời, trong chốn người thì lại cũng là người. Suy nguyên đến bậc có thể vừa là Trời vừa là người theo như ý, há có phải là Trời hay là người có thể làm được hay sao? Mà quả là vì bậc Chí nhân chẳng phải Trời cũng chẳng phải là người cho nên có thể vừa là Trời vừa là người như vậy. Ngài ngự trị, nên cảm ứng mà bất vi, thuận thông mà không bố thí. Thuận thông mà không bố thí nên không bố thí nào quảng đại hơn; cảm ứng mà bất vi nên không hành vi nào có thể to tát hơn. Không hành vi nào to tát hơn nên vẫn giữ phản phục đến những thành tích vi tiểu(24); không bố thí nào quảng đại hơn nên lại quy về vô danh.

Kinh nói(25): “Lý tắc của Bồ đề, không thể vẽ vời, cao đến chỗ không còn gì cao hơn nữa; quảng rộng không còn chỗ cùng cực hạn cuộc, uyên áo không gì sâu hơn, thâm sâu không thể trắc lượng, to tát đến ôm trọn trời đất, vi tế đến có thể xuyên nhập vào nơi vô gián. Thế nên gọi đó là Đạo. Như thế, lý tắc về Niết Bàn không thể dùng hữu vôđạt được. Nên biết như vậy. Thế mà kẻ nghi hoặc thấy Hóa thân của Chí nhân lại vội cho đó là Hữu, thấy Người diệt độ thì liền cho đó là Vô. Cảnh của hữu vô chẳng qua là địa vực của vọng tưởng mà thôi, làm sao đủ để biểu dương huyền đạo để mà nói về Thánh Tâm cho được?

Ý ông cho là Chí nhân tịch nhiên, đạm bạc, vô quang. Tôi thì cho là ẩn hiện đến cùng một nguồn nên khi Người tồn tại (tôi) không cho là Hữu, Người mất rồi tôi không cho là Vô. Vì sao? Đức Phật nói(26): “Ta không sinh cũng không bất sinh, tuy sinh mà bất sinh; không hình cũng không bất hình, tuy hình mà bất hình”. Theo đó, biết là tuy Người tồn tại mà vẫn không vì đó mà hữu. Kinh nói(27): “Bồ tát nhập vào tam muội vô tận, tường tận nhìn thấy chư Phật thời quá khứ diệt độ”. Lại nói: “Nhập nơi Niết Bàn vẫn không Bát Niết Bàn”. Theo đó, biết là tuy Người mất rồi mà vẫn không vì đó mà vô. Mất, mà không vì đó mà vô nên tuy vô mà vẫn hữu; tồn tại mà không vì đó mà hữu nên tuy hữu mà vẫn vô. Tuy hữu mà vô nên đó là điều gọi là phi hữu; tuy vô mà hữu nên đó là điều gọi là phi vô. Thế nên lý tắc Niết Bàn, quả là xuất phát nơi địa vực hữu vô mà vẫn tuyệt diệt con đường danh ngôn hình tướng. Quyết nhiên như vậy.

Ông lại còn nói: Đại hoạn không gì bằng có thân, nên phải diệt thân xác này để mà trở về với Niết Bàn, lao cần không gì trước tiên bằng có trí nên phải dứt tuyệt trí tuệ để mà luân nhập vào không hư. Nếu mà Vô dư Niết Bàn là như vậy tức là ông đã bẻ ngoặt tông cực về Thần của Thánh nhân và đả thương đến huyền chỉ của Người rồi. Kinh nói: “Pháp thân vô tướng, do hội ứng với vạn vậtthành hình; Bát Nhã vô tri, chỉ vì đối với nhân duyên mà chiếu sáng”. Bôn ba ứng tiếp ngàn vạn cơ hội mà chẳng hề khuấy động đến cái Thần của mình, đối trị trăm ngàn nạn tai sai khác mà không động chạm đến cái Cảm ứng của mình. Khi di động thì như là hành vân, khi dừng nghỉ thì như cốc thần(27b). Há phải đâu là người hữu tâm nơi bỉ thử, và để tình cảm bị hệ lụy bởi động tịnh hay sao? Đã vô tâm nơi động tịnh, cho nên vô hình vô tướng khi đi lại. Đi lại không vì hình tướng cho nên không do nơi tài năng mà không thành hình; động tịnh không vì tâm cho nên không cảm nào mà không ứng. Thế nên, tâm sinh nơi vô tâm, tướng xuất nơi vô tướng, là vậy. Vì tướng không phải do Ngã xuất nên cũng như vàng đã bị nấu chảy mà vẫn không nóng bỏng; tâm chẳng phải do Ngã sinh nên hàng ngày sử dụng đến mà vẫn bất động. Thế thì phân vân bối rối là tự nơi mình, chớ đối với Ngã có làm gì được đâu?

Sở dĩ do đó mà trí Thánh nhân điều hành vạn vật mà vẫn không lao đao, hình đầy khắp tám phương mà vẫn không lo lắng. Thêm vào mãi mà vẫn không thể làm đầy, bớt ra mãi mà vẫn không thể làm thiếu; nên làm sao mà ông lại có thể tin chắcThánh nhân(28) là người trúng bệnh dịch tả trên đường đi đến thành Câu Xá Na(28b) nên phải nằm nghỉ dưới tàng song thọ, để rồi linh thần kiệt quệ nơi tự tháp(29), thể xác tận diệt trong cơn hỏa táng như vậy? Thế mà kẻ mê hoặc sống trong cảnh trí còn có thấy nghe, tìm cầu di tích những công nghiệp sai thù của mình, định nghĩa đại phương bằng cách chấp trì vào quy củ, cho rằng bậc Chí nhân bị lao đao bởi trí tuệ, đấng Đại thánh bị lo lắng bởi hình tướng, rằng Người phải xả hữu để mà nhập vô, và nhân theo đó mà được mệnh danh (hoặc là hữu vi hoặc là vô vi). Có phải là y cho rằng Thánh nhân là người chọn thải lời nói tinh vi bên ngoài sự nghe thấy, bạt xuất huyền căn nơi hư hoại hay sao?

3- Vi xuất

Hữu danh nói: Từ khi hỗn nguyên tách ra làm Trời và Đất, vạn hữu tham dự vào mà phân tán thêm mãi thì vật hiện hữu. Đã là hữu thì vật không thể đạt được bất vô, vật vốn vô thì tự bất vô, do vì dựa trên hữu. Sở dĩ do đó mà cao thấp cùng nhau đối trị, hữu vô tương sinh, đấy là vận số của tự nhiên; vận số vốn cục hạn từ khi hỗn nguyên phân tách ra làm Trời và Đất như thế.

Theo đó mà quan sát, thì điều mà bà mẹ của vũ trụ dưỡng dục, mà lý tắc vốn không u hiển trong đó nảy nở những sinh vật quỷ quái, là Vô và phi Hữu vậy. Khi hữu hóa thành vô, thì vô là phi vô vậy. Theo đó, thì lý tắc về vô trong cảnh giới hữu vô không sung mãn vậy. Kinh nói: “Hai pháp hữu vô nhiếp tất cả các pháp”. Lại còn liệt xưng ba pháp vô vi: hư không, số duyên tận và phi số duyên tận(30). Số duyên tận, tức là Niết Bàn. Thế mà ông lại luận rằng: bên ngoài cảnh hữu vô, đặc biệt còn có một diệu đạo cao siêu tuyệt cả hữu vô, gọi là Niết Bàn. Ta hãy nghiệm xét lại căn bản của diệu đạo này. Nếu quả như hữu, thì là (như ông nói) tuy vi diệu mà phi vô. Nếu như tuy vi diệu mà phi vô, tức là phải nhập vào trong cảnh giới hữu. Nếu quả như vô, thì vô tức là (như ông nói) không sai biệt. Vô mà không sai biệt tức là phải nhập vào cảnh giới vô. Nói tóm lại, mặc cho ông nghiệm cứu cách nào đi nữa, thì vẫn không có điều có thể khác biệt với hữu mà lại phi vô, không có điều có thể khác biệt với vô mà lại phi hữu được. Rõ ràng là vậy. Thế mà ông lại nói bên ngoài hữu vô đặc biệt có một diệu đạo, phi hữu phi vô, gọi là Niết Bàn. Tôi nghe lời ông nói mà chưa thể để vào tâm được.

4- Siêu cảnh

Vô danh nói: Vận số của hữu vô không thể không đầy khắp bởi các pháp, nội thể của các pháp không thể không sung mãn. Thế nhưng cái sung mãn của các pháp này chỉ là tục đế mà thôi. Kinh Ma Ha Bát Nhã nói: “Thế nào là Chân đế? Là Đạo lý của Niết Bàn vậy. Thế nào là tục đế? Là pháp hữu vô vậy”. Vì sao? Hữu, là hữu đối với vô. Vô, là vô đối với hữu. Là vì khi một vật hữu, thì còn có điều sở dĩ gọi là vô; khi một vật vô, thì còn có điều sở dĩ xưng là hữu. Như thế, tất hữu sinh khởi là do đối trị với vô; vô sinh khởi là do đối trị với hữu. Lìa khỏi hữu tất không có vô, ly vô thì không có hữu. Hữu vô tương sinh là cũng như là cao thấp tương đãi nhau. Có cao tất phải có thấp, có thấp tất là phải có cao vậy. Như thế, nên tuy hữu vô sai thù nhau mà thật ra là cả hai đều nhất thiết là phải hữu vậy. Điều tương phản đối trị áp dụng cho chí đến sự thành hình của sắc tướng, sự sinh khởi của thị phi. Thì làm sao mà ta có thể dùng nó để mà sung mãn được u cực, định pháp Thần đạo(31) cho được. Do đó mà khi tôi luận rằng Niết Bàn thoát ngoài hữu vô là chỉ với ý định dùng các pháp hữu vô(32) để mà hạn cuộc vào trong nội thể của sáu cảnh(33). Nội thể của sáu cảnh này chẳng phải là trạch xứ của Niết Bàn, cho nên chỉ mượn tạm từ ngữ “xuất”, thoát ngoài hữu vô, để mà loại trừ hữu vô vậy thôi.

Bọn ông, hy vọng theo trào lưu của Đạo học, lờ mờ trên con đường u linh đưa đến Niết Bàn, gởi tình vào cảnh giới tuyệt đối, khi đạt được rồi thì bỏ mất ngôn từ để đặt mình vào nơi cảnh giới phi hữu phi vô. Làm sao mà tôi có thể đề xướng cùng bọn ông rằng bên ngoài hữu vô đó, còn có một cái Hữu nữa, vốn khả thể xưng định được? Kinh nói ba vô vi, đấy là những rối rắm ưu phiền của chúng sinh trọn kiếp chỉ thuần một nỗi hoạn lo; hoạn lo một nỗi không gì trước tiên bằng hữu; khi diệt tuyệt hữu rồi thì tiếng gọi trước tiên không gì bằng là vô. Cho nên tôi mượn tạm danh từ vô để mà liễu minh rằng nó phi hữu; mượn tạm hữu để liễu minh điều đó phi vô nên không gọi rằng nó là vô vậy.

5- Sưu huyền

Hữu danh nói: Ông luận rằng Niết Bàn thật không thoát ngoài hữu vô, cũng không tại nơi hữu vô. Nếu như không tại nơi hữu vô thì tất không thể do nơi hữu vôđạt được Niết Bàn. Không thoát ngoài hữu vô, tất không thể xa lìa hữu vô mà cầu tìm được. Cầu tìm Niết Bàn, không có chỗ, thế thì cả đến ứng hội của nó cũng đều vô. Thế nhưng Niết Bàn chắc chắn phải là bất vô, bởi vì chỉ có khi bất vô, ta mới có thể tầm cầu được con đường u linh dẫn đến Niết BànSở dĩ do đó mà hàng ngàn Thánh nhân đồng noi theo con đường đó, chưa từng vị nào trở về mà với hai tay trống không. Thế nên biết rằng đạo lý của Niết Bàn phải là Hữu. Vậy mà ông lại nói không thoát ngoài cũng không tại nơi hữu vô, tất là phải có ý chỉ gì khác biệt. Tôi có thể nghe được chăng?

6- Diệu tồn

Vô danh nói: Ngôn từ là do danh nghĩa khơi dậy. Danh nghĩa là do hình tướng mà sinh. Tướng là nhân nơi vật có thể tượng hình được. Vô tướng tất vô danh. Vô danh thì vô thuyết. Vô thuyết quyết phải là không truyền đạt. Kinh Đại Niết Bàn nói: “Niết Bàn chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, không truyền đạt được, không thuyết giải được, chẳng phải là điều sở tri của Tâm”. Làm sao mà tôi dám nói về nó, thế mà ông lại muốn nghe cho được? Tuy nhiên, Thiện Cát(34) có lời nói rằng: “Nếu chúng sinh có thể dùng vô tâmlãnh thọ, vô thinh mà lắng nghe (giáo pháp của ta), thì ta sẽ dùng vô ngôn mà nói về nó”. Nay bọn ông lại noi theo ngôn từ, nên tôi lại phải dùng ngôn từbiện giải vậy.

Tịnh Danh nói: “Không lìa phiền não mà đắc Niết Bàn” và Thiên nữ (35) (trong kinh Tịnh Danh) này nói: “Không thoát ngoài thế giới ma chướngnhập thế giới của Phật”. Thế nên Đạo mà u huyền là do tồn tại nơi chứng ngộ cách vi diệu. Diệu ngộ là do nơi tức chân. Tức Chân do vì quán hữu vô cùng là Một. Quán hữu vô cùng là Một cho nên bỉ thử chẳng phải hai. Sở dĩ do đó mà Trời Đất và Ngã đồng căn(36), vạn vật và Ngã một thể. Cùng đồng với Ngã cho nên vạn vật chẳng còn là hữu vô; (bởi vì) nếu dị biệt với Ngã tức là trái ngược với tính vô sở bất tại của Người. Sở dĩ do đó mà Thánh nhân tuy không thoát ngoài, không tại nơi hữu vô, mà đạo lý vẫn tồn lưu trong đó vậy. Vì sao?

Bậc Chí nhân, hư tâm, mặc chiếu, mà nội thể không thể không sung mãn, ôm trọn lục hợp(37) trong lòng mà kinh giám có dư, chiếu soi vạn hữu trong vũ trụtinh thần vẫn thường hư. Cho chí đến có thể bạt xuất huyền căn nơi thời vị thủy, tiến vào chốn loạn động mà lấy đó làm tịnh tâm, điềm đạm, uyên thâm, tịch mặc, hòa điệu cách vi diệu với tự nhiên. Sở dĩ do đó mà tuy ở trong hữu mà (Thánh nhân) không hữu, cư nơi vô mà bất vô. Cư vô mà bất vô nên bất vô nơi (vạn vật vốn) vô; ở trong hữu mà không hữu nên bất hữu nơi (vạn vật vốn) hữu. Do đó mà có thể không xuất ngoài hữu vô, lại cũng không tại nơi hữu vô vậy. Thế nên pháp không có tướng hữu vô; Thánh nhân không có cái biết về hữu vô. Thánh nhân không có biết về hữu vô nên nội tại thì vô tâm; pháp không tướng hữu vô nên ngoại tại không số. Ngoại tại không số, nội tại vô tâm, bỉ thử tịch diệt, vật và Ngã cùng hòa làm một, đạm bạc không điềm triệu, đấy gọi là Niết Bàn. Niết Bàn nếu được như thế thì hình đồ nó lượng đo đều tuyệt dứt. Nên làm sao mà có thể dễ dàng cho ông tìm cầu Niết Bàn trong nội thể của hữu vô hay là có thể vạch ranh chia nó bên ngoài hữu vô cho được?

7- Nạn sai

Hữu danh nói: Niết Bàn đã tuyệt dứt cảnh vực có thể đo lường được bởi hình đồ tất phải siêu vượt ngoài sáu cảnh. Không xuất ngoài, không nội tại, mà huyền đạo độc nhất tồn tại, như thế tất phải cùng lý tận tánh(38), cứu cánhvi diệu bậc nhất không sai biệt. Theo lý thuyết, lẽ tất nhiên là phải như thế.

Thế mà kinh Phóng Quang lại nói(39): “Đạo lý của ba thừa đều nhân vì nơi vô mà có sai biệt”. Phật nói(40): “Một thời, ta là Bồ tát danh gọi là Nhu Đồng ở vào thời Đức Phật Nhiên Đăng; ta nhập Niết Bàn. Là Nhu Đồng Bồ tát, bấy giờ ở Thất Trụ Địa(41) ta vừa thâu hoạch được Vô Sanh Pháp Nhẫn, và tiếp tiến đạt thêm ba địa(42) nữa”. Như thế, nếu Niết Bàn chỉ là một, tất chẳng phải đạo lý cứu cánh rồi. Đạo lý cứu cánh, thì làm sao mà có sai thù cao thấp? Nếu như các kinh thuyết dị biệt nhau, thì làm sao mà ta có thể chọn lựa (kinh nào là đúng) cho được?

8- Biện sai

Vô danh nói: Quả nhiên là đạo lý cứu cánh không sai biệt. Kinh Pháp Hoa nói: “Đệ nhất Đại Đạo không có tới hai chánh lý. Nhưng ta vì người giải đãi chậm chạp dùng phương tiện nơi đạo lý nhất thừaphân biệt thuyết là có ba”. Như là ba chiếc xe chạy ra khỏi căn nhà phát hỏa(42b). Do vì tất cả đều thoát khỏi sinh tử nên đồng gọi là Vô Vi, nên tuy là các thừa bất nhất, có tới ba tên, nhưng mà cùng thâu hội về chung một lối, tức là Một mà thôi.

Thế mà ông lại nạn rằng: ba thừa đều nhân đó mà có sai biệt. Điều đó do vì là có tới ba hạng người cho nên Vô Vi phải có tới ba tên (để đối trị với ba hạng người này), chớ chẳng phải là Vô Vi có tới ba đâu. Cho nên kinh Phóng Quang nói: “Niết Bàn có sai biệt không? Đáp rằng không có sai biệt. Nhưng, ở Đức Như Lai thì tất cả kết tập đều diệt tận, còn ở bậc Thanh văn thì kết tập chưa tận diệt hết”. Cho phép tôi dùng lời thiển cận giải thích ý chỉ xa vời này. Như người đốn củi, đốn qua một xích thì không còn một xích củi nào để đốn, đốn qua một tấc thì không còn một tấc; nên ông phải biết là củi mà còn để đốn là tại nơi không còn mấy xích tấc, chứ không phải tại nơi không còn xích tấc nào nữa. Chúng sinh vạn đoan, thức căn không đồng nhất, trí tuệ có cạn có sâu, đức hạnh có người sâu dày có người bạc mỏng; sở dĩ do đó mà tuy tất cả đều qua đến bờ bên kia, nhưng mà cấp bậc giải thoát có thấp có cao không đồng. Há phải là bỉ ngạn sai dị đâu, mà sai dị là do tự nơi ta mà thôi. Thế nên tuy các kinh biện luận sai thù nhưng mà ý chỉ thì vẫn không trái ngược nhau vậy.

9- Trách dị

Hữu danh nói: Cùng đồng thoát khỏi nhà lửa, tất chỉ có một điều là không còn hoạn nạn; đồng thoát khỏi sinh tử tất chỉ có một Vô Vi mà thôi. Thế mà ông luận rằng bờ bên kia không khác (với bờ bên này), khác là tự chúng ta. Bờ bên kia, tức là bờ Vô Vi; còn chúng ta tức là bọn người nhập thể vào Vô Vi. Vậy xin hỏi rằng, chúng ta cùng Vô Vi, là một hay khác? Nếu mà ta là Vô Vi thì Vô Vi cũng lại là ta; ông không thể nói được là Vô Vi không khác mà khác là tự nơi ta. Còn nếu như ta khác với Vô Vi, thì ta chẳng phải là Vô Vi, tức Vô Vi tự thường là Vô Vi, còn ta thì tự thường là hữu vi vậy. Như thế, đạt đến minh hội về điều này tất phải, không thể thông qua được. Cho nên tất nhiên là ta cùng Vô Vi; nếu là một, cũng không có đến ba; mà nếu là khác thì cũng không có đến ba thừa được. Vậy thì danh gọi tam thừa, do đâu mà phát sinh?

10- Hội dị

Vô danh nói: “Như chúng ta ngừng lại (ở bờ) bên này tức chúng ta đang ở bờ bên này, (nếu) đi qua đến bờ bên kia tức là chúng tabờ bên kia. Sở dĩ do đó mà sự thành công cũng lại là thành công cho người thành công; sự thất bại cũng là thất bại cho người thất bại. Khi ta đạt đến Vô Vi, thì ta tức là Vô Vi. Nên Vô Vi duy chỉ là một, sao ông lại nói ngược là Vô Vi không là một? Tỷ như ba con chim bay thoát khỏi lưới, đồng vượt qua khỏi cảnh vực không còn hoạn nạn nữa. Vô hoạn đồng nhất mà mỗi mỗi chim trời tên gọi khác nhau mà cho là vô hoạn cũng lại khác nhau; lại cũng không thể vì vô hoạn là một mà lại cho là các con chim cũng chỉ là một. Như thế, tức nhiên là chim (khi thoát khỏi lưới rồi) tức là vô hoạn, vô hoạn tức là chim. Vô hoạn làm sao sai khác được, sai khác chăng là các chim trời mà thôi.

Theo vậy, ba thừa của chúng sinh đều cùng siêu việt khỏi lồng vọng tưởng, đồng đưa đến cảnh giới Vô Vi. Vô Vi duy là đồng nhất mà mỗi mỗi thừa đều khác nhau. Ta không thể vì mỗi mỗi thừa sai khác nhau mà cho là Vô Vi cũng có khác, lại cũng không thể vì Vô Vi là một mà cho là ba thừa cũng là một vậy. Như thế, tất nhiên là ta tức là Vô Vi, Vô Vi tức là ta. Vô Vi làm sao sai khác, khác sai chăng là do tự nơi ta mà thôi. Vô hoạn duy nhất là đồng nhất, nhưng mà (khi chim vượt khỏi lưới) bay lên hư không thì có (con bay) xa có con bay gần. Cũng vậy, Vô Vi duy là đồng nhất mà tấm gương huyền thì còn có cạn có sâu. Vô Vi tức là Thừa. Thừa tức là Vô Vi. Như thế, chẳng phải là ta khác biệt với Vô Vi, mà là vì ta chưa đạt đến tận cùng Vô Vi cho nên trình độ đạt đến Vô Vi có đến ba, là vậy.

11- Cật tiệm

Hữu danh nói: Ngàn vạn hệ lụy càng sinh thêm mãi, căn bản nơi vọng tưởng. Vọng tưởng một khi trừ khử rồi thì vạn lụy tất cũng phải ngừng nghỉ. Hai thừa trước đạt đến Tận Trí, Bồ tát thừa đạt đến Vô Sanh Trí; lúc đó thì tất cả vọng tưởng đều diệt tận, các trói buộc đều vĩnh viễn tiêu trừ. Kiết phược đã tiêu trừ tất tâm trở nên vô vi. Tâm đã vô vi, tức không còn màng (vô vi) chướng mắt nữa(43).

Kinh nói: “Các Thánh trí không lìa mặt trái (là Hữu vi), không thoát khỏi ngoài cũng không tại nơi Niết Bàn; thực thể của các Thánh trí đều không”. Lại nói: “Đại Đạo vô vi, bình đẳng bất nhị”(44). Đã gọi là không hai, tất không thể dung chứa tâm sai biệt. Thánh trí cũng không thể nhập (vào Vô Vi), tất chỉ có vậy mà thôi. Thực thể của Thánh trí hội ứng đến tận cùng vi diệu, thế mà ông lại nói là thể nhập mà vẫn chưa tận cùng, đấy là điều mà tôi chưa ngộ hiểu được.

12- Minh tiệm

Vô danh nói: Vô Vi không hai, đấy là tất nhiên rồi. Còn kết hoặc thì cứ chồng chất mãi lên, có thể gọi đó là phải được diệt tận cấp kỳ ngay; thế nhưng tôi chưa giải thích tới. Vậy nay xin giải thích tường tận vậy.

Kinh nói: “Ba mũi tên đều trúng đích(45)”; “ba con thú độ hà(46). Trúng đích và độ hà không khác, mà sai thù là có cạn có sâu, do vì sức lực của người bắn tên và của mỗi con thú, không đồng vậy. Ba thừa đều đưa chúng sinh qua đến bến đò duyên khởi, đều chiếu soi mục đích của Tứ đế, dứt tuyệt Tợ để mà hiển Chân(47), đồng đưa lên đến Vô Vi. Tuy nhiên, chúng sinh không ngồi cùng trên một thừa là do vì trí tuệ không đồng vậy. Quần hữu tuy nhiều mà số lượng thì có hạn. Thí như một người trí tuệ bằng như Thân Tử(48), biện luận như Mãn Nguyện(48), mà cho đến cùng cực tài trí tư lự của y vẫn không nhìn được bờ bến trí tuệbiện luận của hai người trên. Huống hồ là vận số của hư vô, cảnh vực của huyền diệu, mà đạo lý vốn không bờ bến; lại muốn diệt tận cấp kỳ thì làm sao cho được? Sách(49) chẳng là nói, người tham học mỗi ngày mỗi gia ích thêm sự học của mình, người cầu tìm Đạo mỗi ngày một tổn bớt ra (cái biết hạn cuộc của mình) đó hay sao? Người cầu tìm Đạo tức là người cầu tìm Vô Vi vậy. Vì cầu tìm Vô Vi mà mỗi ngày phải mỗi tổn bớt ra, chứ làm sao mà có thể đạt đến Vô Vi cấp kỳ cho được? Cần phải tổn bớt mỗi ngày một chút, cứ tổn bớt như thế mãi cho đến không còn gì có thể tổn bớt nữa được. Kinh Phóng Quang Bát Nhã dùng thí dụ về con đom đóm và ánh mặt trời để chỉ cho cái dụng (sai khác nhau của) trí tuệ. Nên biết như vậy.

13- Cơ động

Hữu danh nói: Kinh đề cập đến Pháp thân, khi đạt đến rồi thì (Bồ tát) nhập cảnh giới Vô Vi. Không thể dùng trí mà biết được tâm của Người, không thể dùng tướng mà đo lường hình của Người, thân thể không còn bị các ấm xâm nhập nữa; tâm và trí đều tịch diệt. Thế mà (kinh) lại nói là (Nhu Đồng Bồ tát) phải tiến tu thêm ba trụ nữa, tích đức cho đầy rộng thêm (là nghĩa làm sao?). Còn tiến tu, căn bản là còn phải chuộng đến hoàn hảo; phải tích đức là do sinh nơi cầu tìm được sang sông (qua bờ Vô Vi). Còn ưa chuộng hoàn hảo tức là tính chấp thù hoặc xả bỏ phải xuất hiện; còn cầu tìm sang sông là thất bại hay thành công vẫn còn chờ đợi. Tức là còn lấy chấp thủ hay xả bỏ làm tâm, thất bại hay thành công làm thể. Thế mà ông lại nói là thể không còn bị các ấm xâm nhập, tâm trí đã tịch diệt, văn nghĩa này trái ngược đến độ sai thù nhau mà lại chỉ về Một Người, không khác nào là chỉ về hướng Nam mà nói là phương Bắc để chỉ đường dẫn lối cho kẻ lạc đường vậy(50).

14- Động tịch

Vô danh nói: Kinh Phóng Quang nói rằng Thánh nhân vô vivô sở bất vi. Vô vi, nên tuy động mà vẫn thường tịch mà thường động nên vật không thể nào là một; tuy động mà thường tịch nên vật không thể nào là hai. Vật không thể là hai nên càng động thì càng tịch; vật không thể nào là một nên càng tịch thì càng động. Sở dĩ do đó mà vi tức là vô vi. Động và tịch tuy thù biệt mà không thể nào có thể là sai khác được.

Kinh Đạo Hành Bát Nhã ghi rằng: “Tâm bất hữu cũng bất vô”. Bất hữu, không phải như là cái hữu của hữu tâm; bất vô, không phải như là cái vô của vô tâm. Vì sao? Hữu tâm, tức là chúng sinh vạn vật đều hiện hữu; vô tâm tức chỉ còn là thái hư. Vọng tưởng dứt thì vạn vật không còn; thái hư tuyệt mất nơi linh chiếu. Làm sao mà ta có thể dùng (hình ảnh) ngừng dứt nơi vọng tưởng, tuyệt mất nơi linh chiếu để mà tiêu biểu cho đạo lý về Thần Khí, để mà nói về Thánh Tâm cho được? Như thế, do vì Thánh Tâm bất hữu, nên không thể gọi đó là vô; Thánh Tâm bất vô nên không thể gọi đó là hữu. Bất hữu, nên tâm trí tư tưởng đều diệt; bất vô nên lý tắc khế hợp. Lý tắc không thể không khế hợp nên vạn đức đều biểu lộ; tâm tưởng đều diệt nên (Thánh Tâm) thành công chẳng phải là do nơi ta vậy.

Sở dĩ do đó mà Thánh Tâm tuy ứng hóa vô phương mà chưa từng là hữu vi; tịch nhiên bất động mà chưa từng là bất vi. Kinh Ma Ha Bát Nhã nói: “Tâm vô sở hành, vô sở bất hành”. Nên tin vào lời đó. Nhu Đồng Bồ tát nói: “Ta từ vô số kiếp ngày xưa bố thí tài vật của nước ta, ngay cả đến thân mệnh ta, cho vô số chúng sinh. Nhưng do vì ta bố thí với tâm vọng tưởng, nên đấy không phải là bố thí. Nay do vô sinh tâm mà cúng dường Đức Phật năm đóa hoa nên đấy mới gọi là bố thí vậy”. Bồ tát Không Hành(51) khi nhập Không Giải Thoát Môn(52), nói rằng đây chỉ là lúc hành đạo, chưa phải là chứng được đạo rồi vậy. Như thế tất tâm càng không hư thì càng rộng lớn; trọn ngày hành đạo mà không trái ngược với điều vô hành, là vậy.

Cho nên Hiền Kiếp kinh nói về hạnh đàn na (tức bố thí) vô xả; kinh Thành Cụ ca ngợi hành động của bất vi; Tọa Thiền Tam Muội kinh đề xướng hạnh từ bi của vô duyên; kinh Tư Ích diễn đạt cái trí vô tri. Ý chỉ của Thánh nhân hư huyền, nên tuy văn nghĩa sai thù mà cùng đồng một biện luận. Há có thể vì văn nghĩa cho là hữu vi là ta vội phải cho đó là hữu vi, cho là vô vi liền cho đó là vô vi hay sao? Bồ tát (Duy Ma Cật) trụ nơi pháp môn bình đẳng, vốn diệt tận và đồng thời không diệt tận (vạn hữu), không diệt tận hữu vi cũng không trụ nơi vô vi; đấy là sự này vậy. Thế nên dùng thí dụ về Nam Bắc (như ông nói ở trên) là sai lầm, chẳng lĩnh hội được ý nghĩa tôi nói ở đây.

15- Cùng nguyên

Hữu danh nói: Nếu chẳng có chúng sinh thì lấy ai mà ngự cỡi trên ba thừa? Chẳng có ba thừa thì lấy gì mà đạt được Niết Bàn? Tất nhiên, trước tiên là phải có chúng sinh, sau nữa phải có Niết Bàn. Như thế, tất Niết Bàn phải có khởi điểm; có khởi điểm tất có chung cuộc. Thế mà kinh Đại Bát Niết Bàn lại nói: “Niết Bàn vô thủy vô chung, trạm nhiên như hư không”. Như thế, tất Niết Bàn phải hiện hữu trước tiên; nên chẳng phải là ta phải học hỏi về Niết Bàn lần nữa rồi sau mới có thể hiểu được nó vậy.

16- Thông cổ

Vô danh nói: Chí nhân trống rỗng không hình tướng, nhưng vạn vật không gì là không bị Ngã tạo nên. Trong khi thành hình nên vạn vật như thế, Người tự tạo thành. Điều đó duy chỉ có Thánh nhân là làm được mà thôi. Vì sao?

Chẳng có Lý tắc thì không thể có Thánh nhân; chẳng có Thánh nhân thì không thể có Lý tắc. Lý tắc tựu thành Thánh nhân; Thánh nhân không sai dị Lý tắc. Cho nên Thiên đế nói: “Cần tìm cầu Bát Nhã nơi đâu? Thiện Cát nói: Không thể trong sắc tướng mà tìm Bát Nhã, cũng không xa lìa khỏi sắc tướng mà tìm cầu Bát Nhã”. Lại nói(53): “Thấy duyên khởi là thấy Pháp; thấy Pháp là thấy Phật”. Điều đó có nghĩa là vật và Ngã không dị biệt theo hiệu lực vậy. Sở dĩ do đó mà bậc Chí nhân che giấu huyền cơ khi trời đất chưa có điềm triệu gì, tàng ẩn vận số u minh khi di động theo biến hóa, ôm trọn lục hợp mà làm cảnh tâm, hợp nhất quá khứ vị lai mà làm thành thể. Cổ và kim thông, thủy và chung đồng, cùng bản cực mạt, không gì còn có thể là hai. Hạo nhiên, khuôn trời đất rộng lớn này, gọi là Niết Bàn vậy.

Kinh Duy Ma Cật nói: “Không lìa các pháp mà đắc Niết Bàn”. Lại nói (trong kinh Phóng Quang): “Vì các pháp vô biên nên Bồ đề vô biên”. Thế đó, ta biết rằng đạo lý của Niết Bàn tại nơi khế hợp vi diệu (với vạn hữu); đạt đến tận khế hợp vi diệu thì căn bản là hợp nhất (Niết Bànvạn hữu) cách u u minh minh. Tất nhiên theo đó thì vật không khác Ngã, Ngã cũng không khác vật; vật và Ngã đồng hội thông cách diệu huyền và cùng quy về vô cực. Tiến đến trước, chẳng thấy đầu; thối ra sau, chẳng thấy đuôi (của Bát Nhã) nơi đâu. Làm sao mà ông lại có thể hạch hỏi về thủy chung của nó cho được? Cho nên Thiên nữ (trong Duy Ma Cật kinh) hỏi (Xá Lợi Phất) rằng: “Trưởng lão, giải thoát từ bao giờ vậy?” là vậy.

17- Khảo đắc

Hữu danh nói: Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Tánh của chúng sinh cực hạn bên trong ngũ ấm”. Lại nói: “Người đạt đến Niết Bàn thì ngũ ấm đều diệt tận, giống như ngọn đèn tàn”. Như thế tất tánh của chúng sinhthể diệt cấp kỳ trong vòng ngũ ấm, và đạo lý của Niết Bàn kiến lập bên ngoài tam hữu(54). Cả hai hoàn toàn thuộc hai cảnh giới sai thù nhau, nên chẳng có chúng sinh nào có thể đạt được Niết Bàn. Vì, nếu quả như có thể đạt được Niết Bàn, tất tánh của chúng sinh không dừng nghỉ theo ngũ ấm. Nếu ông cứ cho rằng tánh của chúng sinh quả dừng nghỉ theo ngũ ấm thì ngũ ấm tất không hoàn toàn diệt tận. Bởi vì nếu ngũ ấm đều diệt tận thì còn ai đây để mà đạt đến Niết Bàn?

18- Huyền đắc

Vô danh nói: Chân đế hiện hữu là nơi xa lìa duyên khởi; tợ phát sinh nhânchấp trước. Chấp trước nên (thấy) có đắc; xa lìa cho nên là vô danh. Thế nên người cầu chân (khi đạt được Chân rồi) tất đồng thể với Chân; người nào xem pháp là tợ tất đồng thể với tợ. Nay ông cho Hữu Đắc là đắc, nên ông cố cầu tìm hữu đắc; còn tôi cho Vô Đắc là đắc cho nên đắc được (Niết Bàn) nơi vô đắc vậy.

Vả, khi đàm luận tất phải san định căn bản (của vấn đề) trước tiên. Như thế, đã luận bàn về Niết Bàn, tất không thể lìa khỏi Niết Bàn, mà nói về Niết Bàn được. Nếu như nói về Niết Bàn là ta đang ở trong Niết Bàn thì ai độc nhất chẳng phải ở trong Niết Bàn mà lại còn muốn cầu đắc được Niết Bàn? Vì sao? Đạo lý Niết Bàn, diệu tận thường số, dung trị trời đất, rửa sạch vạn hữu, quân bình trời và người, đồng nhất những dị biệt. Trong đó, nhìn mà không tự thấy mình; dội tiếng lại mà không nghe mình nói; chưa từng là hữu đắc, chưa từng là vô đắc.

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Niết Bàn chẳng phải là chúng sinh, cũng chẳng khác dị với chúng sinh”. Duy Ma Cật nói: “Nếu Di Lặc đắc được diệt độ, thì tất cả chúng sinh lại cũng đắc được diệt độ. Vì sao? Nhất thiết chúng sinh, bản tánh thường diệt, nên không cần phải được diệt độ lần nữa”. Điều này minh chứng rằng diệt độ là tại nơi bọn người chưa diệt độ vậy. Như thế, nếu chúng sinh chẳng phải là chúng sinh, thì ai là người đắc được diệt độ? Niết Bàn chẳng phải là Niết Bàn thì là cái gì có thể đắc được? Kinh Phóng Quang nói: “Có thể dùng Hữu mà đắc được Niết Bàn không?”. (Đức Phật) đáp rằng: “Không”. “Thế thì theo Vô mà đắc được chăng? Đáp rằng: “Không”. “Như thế là nghĩa làm sao?”. “Không có gì là sở đắc mới thật danh là đắc vậy”. Như thế, tức là đắc vô sở đắc vậy. Vô sở đắc nên gọi là đắc; nên ai mà không là như vậy?

Tất nhiên, huyền đạo là tại nơi diệt tuyệt hết cảnh vực, nên không đắc mà lại đắc được (Niết Bàn), diệu trì tồn nơi bên ngoài vạn vật nên không tri mà là tri vậy. Đại tượng ẩn nơi vô hình, nên không thấy nó mới là thấy; đại thanh giấu trong im lặng, nên không nghe mới là nghe được nó.

Cho nên (Niết Bàn) có thể bao quát mọi quá khứ, dẫn đạo chúng sinh vượt quá quần phương, ngăn chặn các độc đả thương đến chúng sinh; thông suốt (vạn vật) mà không (để vật nào) rơi lọt; sâu rộng như biển cả, có gì mà chẳng do từ đó mà không thành được? Do đó, Phạm chí (trong kinh Phật ThuyếtDược Sư) nói: “Tôi nghe ý nghĩa đạo Phật, thật rộng sâu như biển cả không bờ, không có gì mà đạo Phật không tựu thành được, không chúng sinh nào mà không đạt đến được”.

Thế nên, nay tôi viết Luận Niết Bàn Vô Danh này là để khai lộ cho ba thừa, biện lối về chân tợ, bảo tồn đạo lý của Thánh nhânhiển lộ chỗ đạt đến của Vô Danh vậy.
 
 

Chú thích: PHẦN CHÁNH VĂN

1 Độc giả để ý đến các điều học giả nghi ngờ rằng “Niết Bàn Vô Danh luận” này không phải do chính Tăng Triệu sáng tác. Một lý do quan trọng về nghi vấn này là văn thể và dụng từ đều có khác biệt với các bản luận trước. Có thể là chính Tăng Triệu thay đổi? Hay thật ra bản luận này giả mạo? Ở đây, tác giả luận này (tạm cho là Tăng Triệu) vì chủ trương Niết BànVô Danh nên tự xưng mình là Vô Danh và gọi đối phương là Hữu Danh. Nguyên văn: Vô Danh viết. Người dịch cứ tạm theo đấy mà dịch. Phần phê phán xin dành cho độc giả.

2 Sopadhisesa và Nirùpadhisesa.

3 Tức Hán văn.

Hán văn có đến ba danh từ dịch Nirvàna: Nê Viết , Nê HoànNiết Bàn, vì vào thời kỳ dịch giải kinh điển sơ thời ở Trung Hoa, những cách dịch phiên âm này chưa được thống nhất. Lại nữa, vì văn ngôn sử dụng nơi Trung Nguyên (gia) và vùng biên cương (Sở, nơi còn bị xem là man rợ) không đồng. Sau này, Niết Bàn được chính thức nhìn nhận. Tăng TriệuHuệ Viễn trước sử dụng phiên âm Nê Hoàn, sau này, trong Duy Ma Cật sở thuyết kinh chú, Tăng Triệu lại dùng Niết Bàn.

4 Huệ Từ: Quân tử chi đạo hoặc xuất hoặc xử.

5 Hữu tâm đối trị với vô tâm. Xem những phần trước, khi Tăng Triệu bàn về tâm của Thánh nhân vốn vô tâm, tâm thế gianhữu tâm.

6 Lão Tử, ch. 21. “Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hốt hềø hoảng hề kỳ trung hữu tượng, hoảng hề hốt hề kỳ trung hữu vật”.

7 Nhân, thiên, tuệ, Bồ tátPhật nhãn.

8 Nhân và thiên nhĩ.

9 Lão Tử, ch. 20. “Ngã ngu nhơn chi tâm dã tai, độn độn hề” (Tuyệt học vô ưu).

10 Phổ Diệu kinh, q. 7. Đức Phật nhập thiền định bảy tuần lễ dưới cội bồ đề tại thành Ma Kiệt Đà (Magadha) và chỉ khi Phạm Thiên đến thỉnh cầu thuyết pháp cứu độ chúng sinh mới xả thiền bắt đầu chuyển pháp luân.

Đại Trí Độ luận, q. 7, Tùng Phật thổ nguyện thích phẩm 23, cũng ghi: “Đắc đạo hậu ngũ thập thất nhập tịch bất thuyết pháp”.

11 Tức Duy Ma Cật, Vimalakirti, nín lặng không trả lời câu hỏi của Văn Thù về vấn đề làm sao đạt được Trung đạo.

12 Vaisali.

13 Bản Đại Tạng in lầm là ước, phải đọc là tuyệt. Ma Ha Bát Nhã nói: “Tu Bồ Đề, xướng vô thuyết dĩ thích đạo, Thích Phạm Thiên tuyệt thinh vũ hoa”.

14 Theo Nguyên Khương, trích Trung luận, Quán Niết Bàn phẩm, q. 25: “ Như Phật kinh trung thuyết, đoạn hữu đoạn phi hữu, thị cố tri Niết Bàn, phi hữu diệc phi vô”.

15 Bốn bậc Vô Sắc Giới Thiền của Nam Thiền tông.

16 Lão Tử, ch. 25: “Thệ viết viễn, viễn viết phản”. Luật phản phục của Lão Tử, đây chỉ cho Vô dư Niết Bàn.

17 Thần đạo, Hữu dư Niết Bàn.

18 Năng lực nhìn thấy ba đời quá khứ, hiện tạivị lai của chúng sinh.

19 Lão Tử: Hữu danh vạn vật chi mẫu.

20 Lão Tử, ch. 13. “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vi ngô hữu thân, cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn?”.

21 Đại Trí Độ luận, ch. Đế Nghĩa: “Tích nhật hôi thân diệt trí vi Vô dư Niết Bàn, kim nhật diệu hữu bất không”.

22 Tức Niết Bàn.

23 Đọc: ư hà khả danh; thay vì “ư hà bất danh”, như trong Đại Tạng.

24 Trang Tử: “Đạo ẩn ư tiểu thành” với lời chú “tiểu thành giả, vi nhân nghĩa ngũ đức”.

25 Thái tử Đoan Ứng Bản Khởi kinh.

26 Duy Ma kinh sớ có một câu hỏi tương tự: “Pháp thân giả hư không thân dã; vô sinh nhi vô bất sinh, vô hình nhi vô bất hình”.

27 Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh; và trong Quang Tán Bát Nhã kinh.

27b Lão Tử: Cốc thần bất tử.

28 Chỉ Hóa thân Đức Phật, tức Đức Phật lịch sử Thích Ca Cù Đàm khi Bát Niết Bàn.

28b Thành Kusanagàra.

29 Tự tháp, makùtabandhana, nơi xá lợi Đức Phật được thờ. Trủng Bản Thiện Long theo ý kiến Nguyên Khương đọc là thiên quan, quan tài, như in trong Đại Tạng. Thực tế, dân Ấn Độ không dùng quan tài chôn người chết mà chỉ hỏa táng.

30 Àkàsa, pratisamkhyànirodha, apratisamkhyànirodha.

31 Hệ từ: Âm dương bất trắc chi vị thần.

32 Hữu vô chi số. Ở đây, số đồng nghĩa với pháp, dharma. Theo Phật giáo Ấn Độ, thế gian gồm có 80 hay 100 pháp. Theo Dịch Kinh Trung Hoa, thế gian được hình dung bởi 54 quẻ.

33 6 căn, 6 trần và 6 cảnh thuộc Sắc giới.

34 Tức Tu Bồ Đề, Subhùti, trong Ma Ha Bát Nhã.

35 Triệu luận lược sớ của Đức Thanh đời Minh lại dẫn chứng một đoạn khác trong Bảo Nữ Sở Vấn kinh, nhưng không sát nghĩa. Thiên nữ này chắc chắn là người trả lời những câu hỏi của Xá Lợi Phất trong phẩm 7 của kinh Tịnh Danh.

36 Ngã, chỉ cho Thánh nhân.

37 Trời, đất, đông, nam, tây, bắc là lục hợp.

38 Dịch Kinh, quẻ Thuyết Khuê.

39 Phóng Quang Bát Nhã kinh: “Vân hà thuyết ngôn, thị Tu đà hoàn, thị A la hán, thị Bích chi Phật, thị Tam Da Tam Phật hồ? Phật ngôn: thị giai nhân vô vi nhi hữu danh”.

40 Kinh Tự Tại Vương Bồ Tát.

Nguyên Khương dẫn chứng cho là trong kinh Pháp Hoa, nhưng trong kinh này chỉ là vấn đề thuộc Nhiên Đăng, chứ không phải thuộc Nhu Đồng.

41 Thất Trụ địa, tức Sở Tác địa, krtavi.

42 Giai đoạn A la hán thiền.

42b Chỉ cho phiền não, nghiệp của chúng sinh.

43 Ế, bệnh mắt bị màng mây che. Chỉ cho chúng sinh vô minh không nhìn thấy được Niết Bàn.

44 Đạo Sanh nổi tiếng qua biện luận “lý bất khả phân” đương thời.

45 Có thể không phải là trích dẫn trong kinh mà là trong luận Tỳ Bà Sa.

46 Voi, ngựa và thỏ. Xem chú thích 18 cho Bát Nhã Vô Tri.

47 Tuyệt tợ tức chân. Một lý do khác cho ta thấy tác giả luận này không phải là Tăng Triệu vốn đề xướng thuyết “tức tợ tức chân”.

48 Tức Xá Lợi Phất (Sàriputta) và Pùrna Maitràyaniputra. 

49 Lão Tử, ch. 48. Vi học nhật tích, vi đạo nhật tổn.

50 Huệ Đạt trong Triệu luận sớ dẫn chứng Biện Tông luận của Tạ Linh Vận, vốn dùng thí dụ về Nam Bắc để mà biện giải Đốn Ngộ tông của Đạo Sanh. Thí dụ này sau được Huệ Quán sử dụng và thay đổi. Trong nhân gian, tục ngữ nói: Nam viên Bắc triệt, càng xe ở Nam mà bánh xe quay về Bắc.

51 Đạo Hành Bát Nhã kinh.

52 Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, giải thoát môn, thuộc Câu Xá tông: “sùnyatà, animitta, apranihita, vimoksammukhàni.

53 Kinh Đại Bát Niết Bàn, và trong Liễu Bản Sinh Tử kinh.

54 Nghiệp, Sắc và Vô Sắc Giới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant