Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

3. Lời Tựa

07 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 5367)
3. Lời Tựa


VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP

THIỀN SƯ VĨNH MINH - Thích Minh Thành dịch

LỜI TỰA


Bốn biển rộng lớn, nếu không do tích tụ các dòng thì không đầy; bước lên Thập địa tôn quý, nếu không do tích lũy điều lành thì chẳng đủ. Thế nên sâu xa chẳng thể dò là do dung nạp lâu dài, chỗ linh diệu không thể lường là nhờ sự ra công tu tập cần mẫnđạt đến. Huống chi bậc Diệu Giác chỉ dạy, hàng Thông Huyền lập giáo bảo rằng, dầu cho một việc lành nhỏ cũng có thể giúp ở nơi ba cõi mà vượt khỏi trần lao.
 

Phải nên lúc thức khi ngủ thường an trụ nơi lẽ thật, nêu cao con đường giác ngộ. Thế mới mong mài dũa dần dần trở thành thuần thục, luôn chuyên tâm nghiên tầm tinh tấn tiến lên. 
 

Song mà, vốn chẳng phải Thánh cũng chẳng phải phàm, chỉ do nơi mê và ngộ. Muốn tiến sâu vào cõi Thánh cần phải nhanh chóng sửa đổi tâm phàm. Đâu thể chỉ dùng một việc để hun đúc, cần phải luyện tập nhiều môn. Hoặc dùng ngôn giáo uyển chuyển khéo léo, nêu lên đạo cao đẹp của Thiên Thai; hoặc thâm nhập Thiền lý, truyền rộng tiếng tốt Tào Khê.
 

Không thể chấp Không bỏ Có, không nên trái với chân thật mà theo Không. Cần phải giải thích chỗ quyền nghi trở về Thật tướng. Quyền và Thật đã rõ, chỉ còn rỗng rang. Người thấu suốt ắt xoay chuyển sự vật làm sáng rõ tâm, đáng gọi là diệu dụng. Kẻ mê muội xét theo danh, ngưng trệ nơi giáo pháp, đâu xứng để gọi là bậc thông đạt?
 

Hoặc quyết tâm thông suốt kinh điển.

Hoặc giữ vững giới luật; hoặc chân thành kính lễ trước tượng Phật.

Hoặc kinh hành siêng năng trong tịnh thất.

Hoặc miệng tụng Tôn danh.

Hoặc tâm quán tưởng Lạc Bang.

Hoặc không trọng giàu sang cũng chẳng xem thường nghèo khó mà sống đời đơn giản.

Hoặc bố thí rốt ráo, không thêm điều tốt chẳng bớt việc xấu.
 

Sự việc nếu bình đẳng, lợi ích cũng rộng lớn. Phàm người nương theo Giới luật, Thiền định nên vun bồi phước đức to lớn, những việc in kinh, tạo tượng cần phải cố gắng ra công. Chớ bảo rằng ta vốn đã là Hiền Thánh, tâm chính là Phật.
 

Từ phàm vượt lên bậc Thánh, Phật Thích Ca xưa kia lẽ nào chẳng tu hành; từ vọng vào nơi chân, Tổ Đạt Ma há không do chứng ngộ.
 

Do người tôn sùng đạo, Phật Pháp chẳng phải có đường riêng khác; thường gắng siêng năng tinh tấn, đừng nên lười biếng dễ duôi, thời gian mau chóng phải cứu xét căn nguyên của đại đạo. Nếu thiếu một sọt đất, sao có thể trở thành ngọn núi ngất cao; phế bỏ Tam thừa tất khó bước lên cửa Từ nhẫn. Thế thì tự mình không kiêu căng nên chẳng xả bỏ việc lành kia, nhất định phải cầu đức vẹn toàn, thế mới có thể đặt nghi vấn: Tâm chẳng phải chẳng có tâm, pháp chẳng phải chẳng có pháp.
 

Cốt yếu ở chỗ tâm truyền tâm mà ấn khả, pháp trao pháp giữa thầy với trò. Chớ nên khư khư giỏi một mặt, cần phải gắng sức thực hành vạn hạnh mới có thể gieo trồng hạt giống Bồ đề, tu tập Pháp môn Tịnh độ.
 

Thấu rõ thì siêu thăng cõi trời Đâu Suất, mê muội thì trầm luân nơi địa ngục A Tỳ. Nếu câu nệ nơi ngôn ngữ giống như chèo thuyền trên cạn, nếu thông suốt bản tánh cũng như dùng bè sang sông.
 

Thánh trước Thánh sau đều từ nơi tâm, thuở xưa thời nay đâu từng có pháp khác.
 

Ôi! Pháp tồn tại mà chẳng tồn tại, tâm rỗng không mà chẳng rỗng không. Không tu mà không pháp nào chẳng tu, sự chân tu cũng dứt hẳn; vô trụ mà không nơi nào chẳng trụ, chân trụ cũng không.
 

Thương xót muôn loài đều có cùng một bản tánh. Vốn không thiện ác, chỉ vì bị ngoại vật làm đổi dời; nếu không tu tập tỏ sáng thì sao có thể ngăn chận?
 

Vun bồi các điều thiện vi diệu mới đáng gọi là chân thật trở về.
 

Thế nên, các bậc tiên triết dạy bảo cặn kẽ vì muốn khiến cho người sau tu học nên mới trưng dẫn nhiều giáo pháp để chỉ dạy những người mê mờ. Thiền sư Trí Giác tâm tánh sáng suốt, căn cơ viên đốn, tài học rộng sâu, nhiều đời tích tập tu hành phù hợp với các pháp, đời nay truyền bá lưu thông khế hợp với chư Phật. Ngài nghĩ về người khác như chính mình, xét tâm người như tâm mình. Từng soạn thuật Vạn Thiện Đồng Quy Tập ba quyển để khuyên bảo những người có duyên.
 

Hoặc các quan lại danh gia, đạo sĩ tăng sĩ, thiện nam thiện nữ, hạnh cao tài giỏi, hễ một mực cung kính chuyên cần thì không có ai là kẻ quý trọng hay thấp hèn.
 

Sách này thật là thuốc hay làm lợi ích chúng sanh, chỉ rõ điểm chính yếu thành Phật. Chỗ nào cũng bao quát những lời pháp của mọi Kinh Luận làm khuôn phép học đạo cho những kẻ chưa biết chưa hay. Trong đó khuyên bảo cặn kẽ cẩn mật tu trì. Quyển sách này mãi mãi sẽ là khuôn mẫu cho Phật giáo Ấn Hoa, xứng đáng làm mực thước cho Tông môn.
 

Nay Tạng chủ Trí Như ở viện Pháp Tuệ từ lâu đã vun bồi tánh đức nhân từ, thực hành Thánh đạo. Thấy sự hiền tài của người xem như sự hiền tài của mình, thấy điều lành của người coi như điều lành của mình.
 

Tạng chủ gom luận thư của bậc minh sư soạn thuật, hưng khởi khuôn phép của đời trước. Phước lợi sâu dày, phương tiện không ít. Ngài còn tự đem tiền của mà khởi xướng, lại nhờ sự hỗ trợ của các bậc cao minh. Duyên thù thắng đã đủ, công việc nhất định hoàn thành. Nhờ khắc bản mà được thành quyển, quý ở chỗ có nơi soi xét để tu thân. Định trao truyền bất hủ mãi đến đời sau nhưng lại nhầm phó thác cho kẻ bất tài này.
 

Thẩm Chấn tôi, tâm tính mê muội chẳng thấu rõ lẽ huyền vi, ngôn ngữ e trái ngược với chỗ chính yếu. Kẻ hèn này do lời mời chân thành thật khó từ chối, nên mới trình bày sơ lược kỷ cương, đâu dám trốn tránh những lời chê trách.
 

Ngày bảy tháng bảy nhuần,
Năm thứ năm niên hiệu Hy Ninh
Thời Bắc Tống (Công nguyên 1072)
Thẩm Chấn
Kính ghi.
 
 
 

11-25-2008 11:23:46

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant