Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Bài Mới Nhất trang Văn Học
Điền Email để nhận bài mới

62. Kinh Tần-bệ-sa-la Vương Nghinh Phật[1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 4798)
62. Kinh Tần-bệ-sa-la Vương Nghinh Phật[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn[2], trước vốn là những đạo sĩ bện tóc[3]. Ngài đi đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá.

Bấy giờ vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-bệ-sa-la[4] nghe Đức Thế Tôn du hóa tại nước Ma-kiệt-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo, gồm một nghìn vị, đều là những Bậc Vô Trước, Chí Chơn, trước vốn là những đạo sĩ bện tóc, đến ấp Ma-kiệt-đà ở thành Vương xá này. Sau khi nghe vậy, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà liền cho sắp đặt bốn loại quân, là quân voi, quân ngựa, quân xe, và bộ quân. Sau khi sắp đặt bốn loại quân xong, nhà vua với đông đủ vô số thuộc hạ, kéo dài trên một do-diên, cùng đi đến chỗ Phật.

Bấy giờ từ xa, Đức Phật thấy vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà đi đến, bèn theo đường tắt đến dưới gốc cây chúa Thiện trụ Ni-câu-loại[5], trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già cùng với chúng Tỳ-kheo.

Từ xa, vua Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà thấy Thế Tôn ở giữa cây rừng, trang nghiêm đẹp đẽ như vầng trăng ở giữa vòm sao, chói lọi, sáng ngời như núi vàng, tướng tốt vẹn toàn, oai thần lồng lộng, các căn vắng lặng, không bị ngăn che, thành tựu tự chế ngự, tâm tư yên tĩnh. Sau khi thấy Phật, vua cùng tùy tùng xuống xe.

Nếu các vua Sát-lợi được rưới nước lên đỉnh đầu để làm bậc Nhân chủ, chỉnh trị cõi đất, có năm loại nghi trượng, một là kiếm, hai là lọng, ba là mũ thiên quan, bốn là phất trần cán ngọc, năm là giầy thêu. Nhưng đến đây nhà vua cởi bỏ tất cả, cùng với bốn loại quân. Vua đi bộ đến trước Phật, đảnh lễ rồi tự xưng danh tánh ba lần rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, tôi là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la[6], vua nước Ma-kiệt-đà.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Đại vương, đúng vậy, đúng vậy. Đại vương là Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà.”

Sau khi vua Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la nước Ma-kiệt-đà ba lần tự xưng danh tánh rồi, đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Có người chào hỏi Phật rồi ngồi qua một bên. Có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi qua một bên. Có người ở xa thấy Phật rồi lặng lẽ ngồi xuống.

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp[7] cùng ngồi trong chúng. Tôn giả là vị mà những người nước Ma-kiệt-đà đều chú ý đến và cho rằng, đó là bậc Đại tôn sư, bậc Chân nhân vô trước. Bấy giờ những người xứ Ma-kiệt-đà đều nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh chăng? Hay là Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm người xứ Ma-kiệt-đà, liền hướng về Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp mà nói bài tụng:

Ca-diếp, thấy những gì,

Bỏ lửa mà đến đây?

Ca-diếp, nói Ta biết,

Lý do không thờ lửa?

Ăn uống đủ các vị,

Do dục nên thờ lửa;

Trong đời thấy như vậy,

Cho nên không ưa thờ.

Ý Ca-diếp không ưa,

Ăn uống đủ các vị,

Sao không ưa Trời, Người?

Ca-diếp, nói Ta rõ.

Thấy tịch tĩnh, diệt tận,

Vô vi, không dục hữu;

Không thấy Trời cao quý,

Cho nên không thờ lửa.

Thế Tôntối thắng;

Thế Tôn không tà tư;

Thấy các pháp rõ ràng,

Con nhận pháp tối thắng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ca-diếp, ông hãy hiển hiện như ý túc cho chúng hội này được vui lòngtin tưởng.”

Lúc đó Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp, bằng như ý túc như thế, biến mất khỏi chỗ đang ngồi, từ phương Đông xuất hiện, bay lên hư không, hiện bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Cũng vậy, từ các phương Nam, Tây, Bắc bay lên hư không, hiện ra bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tôn giả lại nhập hỏa định. Sau khi Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp nhập hỏa định, trong thân liền phát ra vô số tia lửa đủ màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, màu hòa hợp, màu thủy tinh. Phần thân dưới phóng ra lửa thì phần thân trên phóng ra nước; phần thân trên phóng ra lửa thì phần thân dưới phun ra nước. Sau khi hiển hiện như ý túc, Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp đảnh lễ dưới chân Phật và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con; con là đệ tử của Phật. Phật có đủ nhất thiết trí; con không có nhất thiết trí.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Đúng vậy, Ca-diếp, đúng vậy, Ca-diếp. Ta có nhất thiết trí, ông không có nhất thiết trí.”

Bấy giờ Tôn giả Uất-tỳ-la Ca-diếp vì chính mình mà nói bài tụng:

Ngày xưa, lúc chưa rõ,

Thờ lửa, cầu giải thoát,

Tuy già vẫn đui mù,

Tà, không thấy chân tế.

Nay con thấy Thượng Tích,

Rồng Vô Thượng đã dạy:

Vô vi, thoát hết khổ,

Thấy rồi, sanh tử dứt.

Những người xứ Ma-kiệt-đà, sau khi thấy như vậy, liền nghĩ: “Không phải Sa-môn Cù-đàm theo Uất-tỳ-la Ca-diếp học phạm hạnh mà chính Uất-tỳ-la Ca-diếp theo Sa-môn Cù-đàm để học phạm hạnh.” Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm của người xứ Ma-kiệt-đà, liền thuyết pháp cho Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi ngài đã dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho vua nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Ngài theo đúng pháp của chư Phật, trước tiên thuyết pháp đoan chánh, khiến người nghe vui mừng, ấy là thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về pháp sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế, khen ngợi vô dục là diệu đạo phẩm, bạch tịnh.

Đức Thế Tôn đã nói cho vị đại vương ấy nghe những pháp như vậy. Ngài biết nhà vua có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm chuyên nhất, tâm vô nghi, tâm vô tận, có khả năng, có sức lực thọ nhận Chánh pháp. Tức là, như các pháp yếu mà chư Phật đã giảng thuyết, Đức Thế Tôn nói cho nhà vua nghe về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài dạy:

“Này Đại vương, sắc là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, giống như mưa lớn thì bọt trên mặt nước hoặc sanh hoặc diệt. Này Đại vương, sắc sanh diệt cũng như vậy. Đại vương nên biết sắc là pháp sanh diệt. Này Đại vương, giác, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Đại vương nên biết, thức là pháp sanh diệt.

“Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc sanh diệt thì biết rằng sắc không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào biết giác, tưởng, hành, thức sanh diệt thì liền biết rằng thức không sanh lại ở tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết sắc đúng như thật thì không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không trụ nơi sắc, không hoan lạc rằng ‘sắc là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử biết giác, tưởng, hành, thức đúng như thật thì không trước thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ nơi thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử không trước sắc, không kế sắc, không nhiễm sắc, không an trụ nơi sắc, không hoan lạc cho rằng ‘sắc là ta’, thì người ấy không thọ nhận sắc tương lai. Này Đại vương, nếu một thiện nam tử nào không trước giác, tưởng, hành, thức, không kế thức, không nhiễm thức, không trụ thức, không hoan lạc rằng ‘thức là ta’, thì người ấy không thọ nhận thức tương lai. Này Đại vương, thiện nam tử ấy vô lượng, không thể kể xiết, vô hạn, chứng đắc tịch tịnh, nếu xả bỏ thân ngũ ấm này thì không còn thọ ấm thân khác nữa.”

Bấy giờ, những người xứ Ma-kiệt-đà nghĩ rằng: “Nếu như sắc là vô thường; giác, tưởng, hành, thức là vô thường, thì ai làm, ai thọ nhận khổ, lạc?”

Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của những người xứ Ma-kiệt-đà, liền bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp sanh thì sanh, pháp diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu khôngnhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy đúng như thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật.

“Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh nơi thân, ác hạnh nơi khẩu, ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiếnthành tựu nghiệp tà kiến, thì do nhân duyên kia, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu thiện hạnh nơi thân, thiện hạnh nơi khẩu, ý, không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến; thì do nhân duyên đó, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi lên chỗ thiện, cho đến cõi trời. Ta biết chúng sanh kia như vậy nhưng không nói rằng: Đó là ngã, có thể cảm giác, có thể nói năng, làm và sai làm, đứng dậy và khiến đứng dậy, ở nơi này hay nơi kia thọ nhận nghiệp báo thiện ác. Ở đây, hoặc có suy nghĩ như vầy: Điều đó không hợp lý, điều đó không đứng vững, việc làm ấy đúng như pháp; nhân cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Tức là duyên vô minh có hành cho đến duyên sanh mà có già, chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt.

“Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao, sắc là vô thường hay thường?”

Nhà vua đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường thì khổ hay không khổ?

“Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.”

“Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’?”

“Bạch Thế Tôn, không nên.”

“Này Đại vương, Đại vương nên học như vầy: Những gì có sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật.

“Này Đại vương, những gì có giác, tưởng, hành, thức nào, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật. Ngã của ta, chẳng phải là của ta. Nên dùng trí tuệ quán biết đúng như thật.

“Này Đại vương, nếu Đa văn Thánh đệ tử quán đúng như vậy, thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác, tưởng, hành, thức. Nhàm chán rồi liền vô dục, vô dục rồi, liền được giải thoát, đã giải thoát liền có tri kiến giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa".

Lúc Đức Phật nói pháp này xong, Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi và tám vạn chư thiên, một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp sanh khởi. Bấy giờ Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt khỏi mê hoặc, không còn tôn thờ ai, không theo ai nữa, không còn do dự, đã an trụ nơi quả chứng, đối với pháp của Thế Tônchứng đắc vô sở úy; liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời con xin tự quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy. Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la, vua nước Ma-kiệt-đà và tám vạn chư Thiên, và một vạn hai ngàn người xứ Ma-kiệt-đà cùng một ngàn Tỳ-kheo, sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
 

Chú thích

[1] Bản kinh tường thuật lần đầu tiên vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) gặp Phật và trở thành đệ tử của Phật. Tương đương Pāli: Luật tạng, Mv. I. 22. Hán biệt dịch: No.41 Phật Thuyết Tần-bà-sa-la Vương Kinh, Tống Pháp Hiền dịch; No.99 (1074) Tạp 38, kinh 1074; No.100(13) Biệt Dịch Tạp A-hàm, kinh số 13. Tham chiếu, No.200 Soạn Tập Bách Duyên Kinh quyển 2; No.1421 Ngũ Phần Luật quyển 16; No.1428 Tứ Phần Luật quyển 33; No.1435 Thập Tụng Luật quyển 24.

[2] Tất cả đều là A-la-hán.

[3] Biên phát 編髮. Pāli: jaṭilaka, đây chỉ ba anh em Uruvelakassapa cùng với các đệ tử, sau khi quy y Phật.

[4] Ma-kiệt-đà vương Tần-bệ-sa-la 摩竭 陀 王 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Bimbisāra Magadha-rāja.

[5] Thiện trụ Ni-câu-loại thọ vương 善住 尼 拘 類 樹 王.

[6] Tẩy-ni Tần-bệ-sa-la 洗尼 頻 鞞 娑 邏. Pāli: Seniya Bimbisāra.

[7] Uất-tỳ-la Ca-diếp 鬱毗 羅 迦 葉. Pāli: Uruvela-Kassapa, anh cả trong ba anh em, thuộc hàng tông sư của ngoại đạo bện tóc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant