Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

180. Kinh Cù-đàm-di[1]

31 Tháng Năm 201100:00(Xem: 4775)
180. Kinh Cù-đàm-di[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Thích-ki-sấu, ở tại Gia-bệ-la-vệ, trong vườn Ni-câu-loại[2].

Bấy giờ, Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di[3] đem một chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến, đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho. 

Đức Thế Tôn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đại Sanh Chủ[4] Cù-đàm-di vẫn thưa:

“Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn. Mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn nói:

“Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau Đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời”.

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, thật sự như vậy. Này A-nan, thật sự như vậy. Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, ta cũng đem lại cho Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh Chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ Ba ngôi tôn quý, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. A-nan, nếu có người nhờ ngưới mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo, không nghi ngờ ba ngôi tôn quý, không nghi ngờ Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu, thì người này cúng dường lại người kia, dù cho đến suốt đời, uống ăn, áo chăn, giường chõng, thuốc thang và đủ các thứ vật dụng cho đời sống, vẫn chưa thể đền ơn.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy loại bố thí cho Tăng chúng, và có mười loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ đượïc đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhântín tâm[5] khi Phật còn tại thế, Phật là vị đứng đầu, mà bố thí cho Phật và chúng Tỳ-kheo, như vậy gọi là loại bố thí thứ nhất cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Thiện nam tử hay thiện nữ nhântín tâm, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng, bố thí cho chúng Tỳ-kheo, bố thí cho chúng Tỳ-kheo-ni; đi vào tinh xá Tỳ-kheo bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí’; đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, trong thời tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh[6], khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự[7], thành tựu trừ sự[8], thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trựcnhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du[9], thành tựu cả oai nghi và hành lai du[10], thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ. Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.

“Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, quả báo rộng lớn?

“Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.

“Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn.

“Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn.

“Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn.

“Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc a-na-hàm được phước vô lượng

“Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng.

“Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng.

“Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.

“Lại nữa, này A-nan, có bốn loại bố thí và chỉ ba loại được thanh tịnh.

“Những gì là bốn? Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, chứ không phải do thí chủ. Có loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận. Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo[11]. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhậïn.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng không tinh tấn, tu hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.

“Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Và người thọ nhận cũng tinh tấn, tu hành diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo. Do thấy như vậy nên nói như vậy, rằng ‘Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí’. Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.”

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:

Người tinh tấn thí người không tinh tấn
Thí đúng pháp được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này thí chủ thanh tịnh.
Không tinh tấn thí người tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này người nhận thanh tịnh.
Người giải đãi thí không tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này không được quảng báo
Người tinh tấn thí người tinh tấn
Là đúng pháp, được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này đạt được quảng báo.
Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùng
Hoan hỷ tự mình làm bố thí
Vì tin có nghiệp, có quả báo
Bố thí như vậy thiên nhân khen.
Khéo léo giữ gìn cả thân miệng
Đưa tay cầu xin đúng Chánh pháp
Người ly dục thí người ly dục
Đó chính là tài thí đệ nhất.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.



 
 

[1]Tương đương Pāli, M.142 Dakkhiṇāvibhaṅga-sutta. Hán, biệt dịch, No.84 Phật Thuyết Phân Biệt Bố Thí Kinh, Tống Thi Hộ dịch.

[2]Thích-ki-sấu, Ca-bệ-la-vệ, Ni-câu-loại thọ viên 釋羈瘦, 加鞞羅衛, 尼拘顃樹園. Pāli: Sakkesu viharati Kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme, sống những người họ Thích, trong tinh xá (vườn) Nigrodha, Ca-tì-la-vệ.

[3]Ma-ha Bá-la-xà-bát-đề Cù-đàm-di 摩訶簸邏闍鉢提瞿曇彌. Thường đọc theo phiên âm là Ma-ha Ba-xà-ba-đề, dịch là Đại Ái Đạo; đoạn dưới dịch là Đại Sanh Chủ. Xem kinh 116. Pāli: Mahā-Pajāpati Gotamī.

[4]Đại Sanh Chủ 大生主, xem cht. trên.

[5]Tín tộc tánh nam, tộc tánh nữ.

[6]Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.

[7]Tức bốn hành: không an ổn, an ổn, điều phụctịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā: akkhamā paṇipadā (không kham nhẫn), khamā paṭipadā (kham nhẫn), damā paṭipadā (điều phục), samā paṭipadā (tịch tĩnh).

[8]Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành (xem kinh số 215 ở sau).

[9]Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537, Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong đó.

[10] Mười sự thành tựu trên đây, trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫnlạc, còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp hành”.

[11]Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang 402): hữu y kiến, hữu quả kiến.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant