NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000
PHẦN BA:
SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC MỘNG1 Cái Nhìn Thấy, Hành Động,
Giấc Mộng, cái ChếtTantra Mẹ nói rằng nếu người ta không tỉnh thức trong cái nhìn thấy, không chắc chắn người ta sẽ tỉnh thức trong hành xử. Nếu người ta không tỉnh thức trong hành xử, không chắc chắn người ta tỉnh thức trong giấc mộng. Và nếu người ta không tỉnh thức trong giấc mộng, bấy giờ người ta không chắc chắn tỉnh thức trong trung ấm sau khi chết.
Điều này có nghĩa là gì ? “Cái nhìn thấy” trong bối cảnh này không chỉ có nghĩa là những hiện tượng thuộc thị giác, mà hơn nữa, toàn thể kinh nghiệm. Nó bao gồm mọi tri giác, cảm giác và biến cố tâm trí và tình cảm, cũng như mọi thứ có vẻ như ở ngoài chúng ta. Cái nhìn thấy là cái chúng ta “thấy” như kinh nghiệm ; nó là kinh nghiệm của chúng ta. Không tỉnh thức trong cái thấy nghĩa là không thể thấy chân lý của cái khởi lên trong kinh nghiệm và thay vì thế, bị mê lầm bởi những hiểu sai của tâm thức nhị nguyên, sai lầm với những phóng chiếu và tưởng tượng của tâm thức ấy đối với thực tại.
Khi chúng ta không tỉnh giác về hoàn cảnh thực chúng ta đang hiện hữu, thật khó đáp ứng một cách khéo léo thiện xảo với cái chúng ta gặp gỡ trong đời sống cả trong lẫn ngoài. Thay vào đó, chúng ta phản ứng theo thói quen nghiệp lực của bám lấy và ghét bỏ, bị dẫn dắt theo cách này bởi những bất hạnh và hy vọng hão huyền. Hành động căn cứ trên những mê lầm này nghĩa là không tỉnh giác trong hành xử. Kết quả của hành động như vậy là sự củng cố thêm tham, sân, si và tạo thêm những dấu vết nghiệp xấu.
Những giấc mộng khởi từ cùng những dấu vết nghiệp ấy cai quản những kinh nghiệm khi thức của chúng ta. Nếu chúng ta cũng phóng dật để thâm nhập vào những tưởng tượng và vọng tưởng của tâm thức vọng động lúc ban ngày, chúng ta sẽ hầu như bị trói buộc bởi cùng những giới hạn trong khi mộng. Đây là “không tỉnh thức trong giấc mộng”. Những hiện tượng mộng chúng ta gặp sẽ gọi dậy trong chúng ta cùng những phiền não và phản ứng nhị nguyên mà chúng ta đã bị chìm đắm vào khi thức, và khó khăn để khai triển sự sáng sủa hay đi vào những thực hành xa hơn.
Chúng ta đi vào bardo, trung ấm sau cái chết, đúng như chúng ta đi vào giấc mộng sau khi rơi vào giấc ngủ. Nếu kinh nghiệm giấc mộng của chúng ta thiếu sự sáng tỏ và thuộc những trạng thái phiền não mê mờ và phản ứng thói quen, chúng ta sẽ kinh nghiệm tiến trình cái chết theo cùng cách đó. Chúng ta sẽ bị dẫn dắt vào sự trói buộc thuộc nghiệp lực hơn nữa bằng cách phản ứng một cách nhị nguyên với những cái nhìn thấy trong trạng thái trung ấm, và sự tái sanh tương lai của chúng ta sẽ được xác định bởi những khuynh hướng nghiệp nào chúng ta đã từng trau dồi trong cuộc sống. Đây là “không tỉnh giác trong trung ấm.”
Ngược lại, khi chúng ta tiếp tục đem sự tỉnh giác vào lúc trung gian, khả năng này sẽ sớm được tìm thấy trong giấc mộng. Khi chúng ta trau dồi sự hiện diện trong giấc mộng, chúng ta tự chuẩn bị cho cái chết. Sự thực hành giấc mộng có tương quan với sự tiến bộ này.
Để tiến bộ chúng ta phải khai triển một sự an định nào đó trong tâm thức để chúng ta có thể giữ gìn tỉnh giác lớn lơn trong kinh nghiệm, trong “cái nhìn thấy” và khai triển khả năng đáp ứng khéo léo thiện xảo. Bởi thế sự thực hành đầu tiên là an định (samatha), trong đó tâm thức được huấn luyện cho tĩnh lặng, tập chú và lanh lợi cảnh giác.
Khi chúng ta đem sự tỉnh giác lớn hơn vào kinh nghiệm, chúng ta có thể chiến thắng những thói quen phản ứng đặt nền trên những vọng tưởng của tâm thức quy ước. Bốn sự thực hành căn bản làm cho tính linh hoạt mềm dẻo này tiến xa hơn bằng cách tu tập tâm thức sử dụng bất kỳ đối tượng nào trong kinh nghiệm khi thức như là một nguyên nhân để tăng thêm sáng tỏ và hiện diện. Vì chúng ta nới lỏng sự trói buộc của phản ứng theo nghiệp, chúng ta có thể chọn lựa hành động một cách tích cực, tốt đẹp. Điều này là sự đem tỉnh giác vào trong hành xử.
Sự tỉnh giác chúng ta đã làm vững chắc trong kinh nghiệm khi thức và làm cho biểu lộ trong những hành xử của chúng ta sẽ tự nhiên bắt đầu khởi sanh trong giấc mộng. Những thực hành ban đầu dùng sự hiểu biết về khí, những luân xa và tâm thức để hỗ trợ cho sự làm vững mạnh sự tỉnh giác trong giấc mộng. Chúng được làm trước khi rơi vào giấc mộng và trong ba thời thức trải qua đêm. Một khi sự sáng tỏ đã được khai triển, có những thực hành nữa trong suốt chính giấc mộng để khai triển tính linh hoạt của tâm thức, để bẻ gãy những giới hạn và hiểu sai chúng cột trói chúng ta vào sanh tử.
Cũng như sự sáng tỏ và hiện diện đã trau dồi trong đời sống, khi thức được đem vào trong giấc mộng, sự sáng tỏ và hiện diện đã trau dồi trong giấc mộng được đem vào trong cái chết. Nếu người ta hoàn thành đầy đủ yoga giấc mộng, thì người ta được chuẩn bị để đi vào trạng thái trung ấm sau khi chết với tri kiến đúng đắn và sự vững chắc trong sự hiện diện bất nhị cần thiết để đạt đến giải thoát.
Đây là chuỗi liên hoàn : cái tỉnh giác trong khoảnh khắc đầu của kinh nghiệm, trong sự đáp ứng, trong giấc mộng và rồi trong cái chết. Người ta không thể bắt đầu ở chỗ chấm dứt. Bạn có thể xác định cho chính bạn sự thực hành của bạn trưởng thành được bao nhiêu : khi bạn gặp gỡ những hiện tượng của kinh nghiệm, hãy xem xét những cảm giác của bạn và những phản ứng với những cảm giác. Bạn bị những phản ứng của bạn với những đối tượng của kinh nghiệm điều khiển hay bạn điều khiển những phản ứng của bạn đối với chúng ? Bạn có bị ném vào những phản ứng phiền não do những thích và ghét của bạn hay bạn có thể ở trong sự hiện diện kiên cố trong những tình huống khác nhau ? Nếu là cái trước, sự thực hành sẽ trau dồi sự hiện diện cần để giải thoát bạn khỏi sự bị điều kiện hóa và hoạt động nghiệp lực. Nếu là cái sau, bạn sẽ khai triển tăng cường sự vững chắc trong tánh giác và những giấc mộng của bạn sẽ thay đổi theo những cách phi thường.
2 An định : Samatha Một thiền giả giấc mộng thành công phải vững vàng đủ trong hiện diện để không bị cuốn theo những gió của phiền não nghiệp lực và chìm mất trong giấc mộng. Khi tâm thức an vững, những giấc mộng trở nên dài hơn, ít manh mún hơn và dễ dàng nhớ lại hơn, và sự sáng sủa được phát triển. Đời sống lúc thức cũng được nâng cấp vì chúng ta thấy rằng chúng ta được bảo vệ thêm khỏi bị trôi dạt bởi những phản ứng xúc tình thói quen, chúng kéo chúng ta vào phóng dật và bất hạnh, và thay vào đó chúng ta có thể phát triển những nét tích cực đưa đến hạnh phúc và nâng đỡ chúng ta trên hành trình tâm linh.
Mọi kỷ luật thiền và tâm linh đều bao gồm một số hình thức thực hành nhằm khai triển sự tập trung và bình lặng của tâm thức. Trong truyền thống Tây Tạng, sự thực hành này được gọi là an định (Skt : samatha, TT : Zhiné). Chúng ta biết ba giai đoạn trong sự khai triển sự vững chắc : samatha cưỡng bách, samatha tự nhiên và samatha tối hậu. Samatha bắt đầu với sự định tâm vào một đối tượng, và khi tập trung đã đủ mạnh, chuyển thành sự định tâm không có một đối tượng nào.
Hãy bắt đầu sự thực hành bằng cách ngồi theo tư thế thiền định năm điểm : hai chân xếp lại, hai tay đặt lên nhau ở phần trên, xương sống thẳng nhưng không cứng ngắc, đầu hơi cúi để làm thẳng cổ, và hai mắt mở. Mắt cần buông xả, không quá mở lớn và không quá khép kín. Đối tượng tập trung cần được đặt để cho mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, không ngước lên cũng không cúi xuống. Trong khi thực hành cố gắng không cử động, thậm chí không nuốt nước miếng hay chớp mắt, vẫn giữ tâm thức gom vào đối tượng. Dù cho nước mắt có chảy trên mặt bạn, chớ cử động. Hãy để cho hơi thở tự nhiên.
Tổng quát, để thực hành với một đối tượng, chúng ta dùng chữ A của Tây Tạng như là đối tượng tập trung. Chữ này có nhiều ý nghĩa tượng trưng nhưng ở đây chỉ được dùng như một điểm tựa cho sự phát triển chú tâm. Những đối tượng khác cũng có thể được dùng – chữ A của vần tiếng Anh, một hình ảnh, âm thanh của một thần chú, hơi thở – hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, tốt hơn là dùng cái gì có tính chất thiêng liêng để gây cảm ứng nơi bạn. Cũng thế, hãy cố gắng dùng cùng một đối tượng mỗi khi bạn thực hành, hơn là thay đổi nhiều đối tượng, bởi vì sự liên tục tác động như một điểm tựa cho thực hành. Một đối tượng vật chất ngoài thân thể cũng thích hợp hơn, vì mục tiêu phát triển sự vững chắc trong khi tri giác đối tượng bên ngoài và sau đó là những đối tượng trong giấc mộng.
Nếu bạn muốn dùng chữ A Tây Tạng, bạn có thể viết nó lên một miếng giấy khoảng một inch (25,4 mm). Theo truyền thống, chữ màu trắng và được bao trong năm vòng tròn có màu đồng tâm : vòng trung tâm là nền cho chữ A có màu chàm ; xung quanh nó là vòng màu xanh, rồi lục, đỏ, vàng và trắng. Dán miếng giấy lên một cây gậy dài đủ để nâng đỡ miếng giấy ở tầm con mắt khi bạn ngồi thực hành, và làm một cái đế giữ cho cột đứng thẳng. Đặt nó để cho chữ A cách bạn một foot (30,48 cm) rưỡi trước mặt bạn.
Chữ A Tây Tạng
Nhiều dấu hiệu tiến bộ có thể khởi ra trong sự thực hành. Khi sự tập trung mạnh lên và những thời thực hành kéo dài ra, những cảm giác lạ lùng khởi lên trong thân thể và nhiều hình tướng lạ lùng thuộc về cái thấy xuất hiện. Bạn cũng có thể thấy tâm thức làm những việc lạ lùng ! Thế là tốt. Những kinh nghiệm này là một phần tự nhiên của việc phát triển tập trung ; chúng khởi lên vì tâm thức ổn định, thế nên chớ bị nhiễu loạn hay kích động vì chúng. SAMATHA CƯỠNG BÁCH
Giai đoạn đầu của thực hành được gọi là “cưỡng bách” và nó đòi hỏi cố gắng. Tâm thức phóng dật nhanh chóng và dễ dàng, và có vẻ không thể tập chú vào đối tượng dù chỉ một phút. Lúc bắt đầu, nên thực hành trong nhiều thời ngắn tiếp nhau với những khoảng nghỉ. Chớ để tâm thức lang thang khi nghỉ, thay vì vậy, hãy tụng chú, hay làm việc với quán tưởng, hay làm việc với thực hành khác bạn biết, như khai triển lòng bi. Sau khoảng nghỉ, trở lại thực hành định tâm. Nếu bạn sẵn sàng thực hành nhưng không có đối tượng nào để dùng, hãy quán tưởng một khối ánh sáng tròn trên đầu bạn và tập trung vào đó. Sự thực hành cần được làm một hay hai lần mỗi ngày, và có thể làm nhiều hơn nếu bạn có thời giờ. Phát triển tập trung giống như tập cho bắp thịt của thân được mạnh mẽ : sự tập luyện phải đều đặn và thường xuyên. Trở nên mạnh mẽ hơn tức là đẩy lùi những giới hạn của bạn.
Hãy giữ tâm thức trên đối tượng. Không cho phép những tư tưởng về quá khứ hay tương lai. Chớ cho phép sự chú ý bị đem đi xa bởi tưởng tượng, âm thanh, cảm giác thân thể hay phóng dật nào khác. Chỉ ở yên trong sự hưởng thụ phút giây hiện tại, và với toàn bộ sức mạnh và sáng tỏ hãy chú tâm vào đối tượng bằng con mắt. Chớ mất sự tỉnh giác về đối tượng dù chỉ một giây. Thở nhẹ nhàng, rồi nhẹ nhàng hơn nữa, cho đến khi cảm giác thở biến mất. Từ từ cho phép chính bạn đi sâu hơn vào sự tĩnh lặng và bình an. Hãy chắc chắn rằng thân thể được thư giãn ; chớ căng thẳng trong tập trung. Chớ nên để cho bạn rơi vào mê muội, hôn trầm hay xuất thần.
Chớ nghĩ về đối tượng, chỉ để nó hiện diện trong tỉnh giác. Đây là một phân biệt quan trọng cần làm. Nghĩ về đối tượng không phải là loại tập trung chúng ta đang khai triển. Điểm cốt yếu là chỉ giữ tâm thức đặt lên đối tượng, trên tri giác cảm giác về đối tượng, tỉnh thức không phóng dật về sự hiện diện của đối tượng. Khi tâm thức phóng dật – điều này thường xảy ra lúc đầu – hãy nhẹ nhàng đem nó lại đối tượng.
SAMATHA TỰ NHIÊN
Khi sự vững chắc ổn định được phát triển, người ta đi vào giai đoạn thứ hai của thực hành : samatha tự nhiên. Trong giai đoạn đầu, tập trung được phát triển bằng cách liên tục hướng sự chú ý vào đối tượng và phát triển sự kiểm soát trên tâm thức ương ngạnh. Trong giai đoạn thứ hai, tâm thức chìm trong thiền quán về đối tượng và không cần sức mạnh nữa để duy trì cho nó yên tĩnh. Một sự thanh tĩnh thư giãn và thích thú được an lập, trong đó tâm thức tĩnh lặng và những tư tưởng khởi sanh mà không làm tâm thức lơ là khỏi đối tượng. Những nguyên tố của thân thể (các đại) trở nên hài hòa và khí di chuyển trơn tru và nhẹ nhàng suốt khắp thân thể. Đây là thời gian thích hợp để đi vào sự an trụ không có một đối tượng.
Bỏ qua đối tượng vật chất, chỉ chú tâm vào không gian bao la, như bầu trời, nhưng sự thực hành có thể được làm thậm chí trong một căn phòng nhỏ bằng cách an trụ vào khoảng không gian giữa thân thể bạn và vách tường. Hãy kiên cố và bình an. Hãy để thân thể thư giãn. Hơn là tập chú vào một điểm tưởng tượng trong không gian, hãy cho phép tâm thức, trong khi ở yên trong sự hiện diện mạnh mẽ, được phân tán. Chúng ta gọi điều này là “làm tan biến tâm thức” trong không gian, hay “hòa lẫn tâm thức với không gian”. Nó sẽ dẫn đến sự thanh tĩnh vững chắc và đến giai đoạn thứ ba của sự thực hành samatha.
SAMATHA TỐI HẬU
Trong giai đoạn thứ hai, vẫn còn một số sức nặng được đưa vào trong sự trầm tư vào đối tượng, còn giai đoạn thứ ba có đặc trưng là một tâm thức thanh tĩnh mà nhẹ nhàng, thư giãn và linh hoạt. Những tư tưởng khởi lên và tan biến một cách tự nhiên và không cố gắng. Tâm thức hòa nhập trọn vẹn với chuyển động của chính nó.
Trong truyền thống Đại Toàn Thiện Dzogchen, đây là khi vị thầy đưa đệ tử vào trạng thái tự nhiên của tâm. Bởi vì học trò đã phát triển samatha, vị thầy có thể chỉ ra cái mà đệ tử kinh nghiệm hơn là diễn tả một trạng thái mới là nào cần đạt đến. Sự giải thích, được biết như là giáo huấn “chỉ thẳng ra” có nghĩa là dẫn dắt đệ tử đến chỗ nhận biết cái đã vốn sẵn ở đó, đến chỗ phân biệt tâm thức chuyển động trong tư tưởng và ý niệm với bản tánh của tâm thức, nó chính là tánh giác thanh tịnh và bất nhị. Đây là giai đoạn tối hậu của thực hành samatha, an trụ trong sự hiện diện bất nhị, trong chính tánh giác rigpa.
NHỮNG CHƯỚNG NGẠI
Trong phát triển thực hành samatha, có ba chướng ngại phải vượt qua : dao động (trạo cử), hôn trầm và giải đãi.
Dao động
Dao động làm cho tâm thức không ngừng nhảy từ một tư tưởng này qua một tư tưởng khác và khiến sự tập trung thành khó khăn. Để ngăn ngừa điều này, hãy tự làm bình lặng trước thời thực hành bằng cách tránh quá nhiều hoạt động thể xác hoặc tinh thần. Những duỗi ra chậm chạp có thể giúp cho thư giãn thân thể và làm bình yên tâm thức. Một khi bạn ngồi, hãy hít vào vài hơi thở chậm và sâu. Hãy làm cho chuyện đó thành một thực hành chú tâm tức thời khi bạn bắt đầu sự thực hành hầu tránh phát triển thói quen để tâm thức lang thang khi ngồi thiền.
Hôn trầm
Chướng ngại thứ hai là hôn trầm hay buồn ngủ, nó vào tâm thức như đám sương mù, một sức nặng hay mê muội làm cùn nhụt tỉnh giác. Khi điều này xảy ra, hãy cố gắng làm mạnh sự chú tâm trên đối tượng để thâm nhập cơn hôn trầm. Bạn sẽ thấy rằng hôn trầm thực sự là một loại chuyển động của tâm thức mà bạn có thể dừng dứt bằng tập trung mạnh mẽ. Nếu không hiệu quả, hãy nghỉ một lát, thư giãn và có thể làm một thực hành nào đó khi đang đứng.
Giải đãi
Chướng ngại thứ ba là giải đãi, lười biếng. Khi gặp phải chướng ngại này bạn cảm thấy rằng tâm thức bạn bình lặng nhưng trong một trạng thái tinh thần thụ dộng, yếu ớt, sự tập trung không có sức mạnh. Quan trọng là phải nhận biết trạng thái này thực sự là gì. Nó có thể là một kinh nghiệm thích thú và thư giãn, và nếu bị lầm cho là thiền định đúng, nó khiến cho hành giả tiêu phí hàng năm để trau dồi nó một cách sai lầm, để rồi không có sự thay đổi nào đáng kể trong tâm thức. Nếu sự chú tâm của bạn mất sức mạnh và sự thực hành của bạn trở nên giải đãi, hãy chấn chỉnh tư thế và đánh thức tâm thức bạn. Củng cố lại sự chú ý và canh chừng sự vững chắc của sự hiện diện. Hãy nhìn thực hành như là cái gì thực sự quý báu, và như là cái gì chắc chắn sẽ dẫn đến chứng ngộ cao nhất. Hãy làm mạnh ý định và tự động sự thức tỉnh của tâm thức sẽ được làm cho mạnh mẽ một cách tự động.
Thực hành samatha cần làm mỗi ngày cho đến khi tâm thức bình lặng và vững chắc. Nó không chỉ là một thực hành sơ bộ, mà còn ích lợi vào bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời hành giả ; ngay cả những thiền giả rất cao cấp cũng thực hành samatha. Sự vững chắc của tâm thức được phát triển qua samatha là nền tảng của yoga giấc mộng và tất cả những thực hành thiền định khác. Một khi chúng ta đã thành tựu một sự vững vàng, ổn cố mạnh mẽ và xác thực trong sự hiện diện bình an, chúng ta có thể phát triển sự ổn cố này trong mọi mặt của đời sống. Khi vững chắc, sự hiện diện này luôn luôn có thể được tìm thấy, và chúng ta không bị những tư tưởng và những phiền não lôi đi xa. Bấy giờ, dù cho những dấu vết của nghiệp tiếp tục tạo ra những hình ảnh giấc mộng sau khi rơi vào giấc ngủ, chúng ta vẫn ở trong tỉnh giác. Điều này mở cánh cửa cho những thực hành xa hơn của cả yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ.
3 Bốn Thực Hành Căn Bản Có bốn thực hành căn bản chính yếu trong yoga giấc mộng. Dầu chúng được gọi theo truyền thống là Bốn Chuẩn Bị, điều này không có nghĩa là chúng kém quan trọng và phải được tiếp theo bởi những thực hành “thật sự”. Chúng chuẩn bị trong cái nghĩa chúng là những nền tảng mà thành công trong sự thực hành ban đầu phải nương tựa vào.
Yoga giấc mộng được nuôi dưỡng theo cách thức tâm thức được sử dụng trong đời sống lúc thức, và đây là điều bốn thực hành căn bản nhắm đến. Tâm thức được sử dụng như thế nào sẽ xác định những loại giấc mộng nào khởi sanh trong giấc ngủ cũng như phẩm tính của đời sống lúc thức. Hãy thay đổi cách thức bạn liên hệ với những đối tượng sự vật và con người lúc thức và bạn sẽ thay đổi kinh nghiệm giấc mộng. Rốt cuộc, “con người bạn” sống giấc mộng của đời sống lúc thức cũng là cùng một “con người bạn” sống giấc mộng của đời sống lúc ngủ. Nếu bạn tiêu phí suốt ngày trong sự bị đứt đoạn và bị cầm giữ bởi những tạo tác của tâm thức ý niệm, bạn cũng làm đúng y như vậy trong giấc mộng. Và nếu bạn nhiều hiện diện hơn khi thức, bạn cũng sẽ tìm thấy hiện diện đó trong mộng.
MỘT : THAY ĐỔI NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP
Một giải thích của sự thực hành thứ nhất được biết đến nhiều hơn ở Tây phương, bởi vì những nhà nghiên cứu giấc mộng và những người quan tâm đến giấc mộng đã thấy ra rằng nó giúp đỡ cho việc phát sanh giấc mộng sáng sủa minh bạch. Nó như sau : suốt ngày, hãy thực hành sự nhận biết tánh chất như mộng của đời sống cho đến khi cùng sự nhận biết đó bắt đầu biểu lộ trong giấc mộng.
Vừa thức dậy buổi sáng, bạn hãy tự nghĩ, “Tôi đang thức dậy trong một giấc mộng”. Khi bạn vào nhà bếp, hãy nhận biết nó là một nhà bếp trong mộng. Hãy đổ sữa mộng vào cà phê mộng. “Tất cả là một giấc mộng”, bạn tự nghĩ, “đây là một giấc mộng”. Hãy nhắc nhở bạn về điều này suốt ngày.
Sự nhấn mạnh cần hiện thực trên chính bạn, hơn là trên những đối tượng mà bạn kinh nghiệm. Hãy giữ sự nhắc nhở chính bạn rằng bạn đang mộng ra những kinh nghiệm của bạn : cơn tức giận bạn cảm nghiệm, hạnh phúc, mệt mỏi, lo âu – tất cả đều là phần của giấc mộng. Cây sồi bạn thích, xe hơi bạn lái, người mà bạn đang nói chuyện với họ, tất cả là thành phần của giấc mộng. Theo cách này, một khuynh hướng mới được tạo ra trong tâm thức, khuynh hướng nhìn vào kinh nghiệm như là không có bản chất, vô thường và liên hệ mật thiết với những phóng chiếu của tâm thức. Vì những hình tướng được thấy là vụt thoát qua và không bản chất, sự bám chấp giảm đi. Mỗi một cảm giác gặp được và biến cố tâm thức trở thành một sự nhắc nhở bản chất như mộng của kinh nghiệm. Cuối cùng cái hiểu này sẽ sanh ra trong giấc mộng và đưa đến sự nhận biết trạng thái mộng và sự phát triển của sáng sủa, minh bạch.
Có hai cách để hiểu lời tuyên bố rằng mọi sự là một giấc mộng. Cách thứ là xem nó như là một phương pháp để thay đổi những dấu vết nghiệp thức. Làm sự thực hành này như mọi thực hành khác, sẽ thay đổi cách người ta dấn thân vào thế giới. Bằng cách thay đổi những phản ứng thói quen và phần lớn là vô ý thức đối với những hiện tượng, thì những phẩm tính của đời sống và giấc mộng thay đổi. Khi chúng ta nghĩ đến một kinh nghiệm “chỉ là một giấc mộng”, nó sẽ kém “có thực” với chúng ta. Nó mất quyền hành trên chúng ta – quyền hành nó chỉ có bởi vì chúng ta trao cho nó quyền hành đó – và không thể quấy nhiễu chúng ta và dẫn chúng ta đến những phiền não tiêu cực nữa. Thay vào đó, chúng ta bắt đầu đương đầu với mọi kinh nghiệm với sự bình thản lớn lao hơn và sự sáng tỏ tăng trưởng, và thậm chí với sự hân thưởng lớn lao hơn. Theo nghĩa này, sự thực hành tác động một cách tâm lý bằng cách lột bỏ ý nghĩa mà chúng ta phóng chiếu lên cái vốn vượt khỏi mọi nghĩa lý ý niệm. Vì chúng ta nhìn thấy kinh nghiệm theo một cách khác, chúng ta thay đổi phản ứng của chúng ta với nó, điều này thay đổi những tàn dư nghiệp lực của hành động, và gốc rễ của việc mộng thay đổi.
Cách hiểu thứ hai là chứng ngộ rằng đời sống khi thức thực sự là như nhau với giấc mộng, rằng toàn bộ kinh nghiệm bình thường được tạo thành bởi những phóng chiếu của tâm thức, rằng mọi ý nghĩa đều là do gán cho, và rằng bất cứ cái gì chúng ta kinh nghiệm đều do ảnh hưởng của nghiệp. Ở đây chúng ta nói đang đến công việc vi tế và thắm khắp của nghiệp, vòng không cùng của nhân và quả tạo ra cái hiện tại từ những dấu vết nghiệp khí của quá khứ, công việc mà nghiệp làm qua sự quy định, điều kiện hóa liên tục từ mỗi một hành động. Đây là một cách phát biểu rõ ràng sự chứng ngộ rằng mọi hiện tượng đều trống không và rằng tự tánh bề ngoài của người và vật chất đều như huyễn. Không có một “sự vật” thực sự nào ở bất cứ nơi đâu trong đời sống lúc thức – cũng như trong đời sống lúc mộng – mà chỉ là những hình tướng không tự tánh thoáng qua, khởi lên và tự giải thoát trong nền tảng trống không và quang minh của hiện hữu. Chứng ngộ hoàn toàn chân lý của câu nói, “Đây là một giấc mộng”, chúng ta thoát khỏi những thói quen của vọng tưởng sai lầm và nhờ vậy thoát khỏi cuộc sống thấp kém của sanh tử trong đó vọng tưởng được hiểu lầm là thực tại. Chúng ta cần phải hiện diện tỉnh thức khi sự thấu hiểu này xảy ra, vì quả thực bấy giờ nó không xảy ra ở một chỗ nào khác. Và không có phương pháp nào mạnh để đem sự minh bạch vững chắc vào giấc mộng hơn là an trụ liên tục trong sự hiện diện minh bạch suốt ban ngày.
Như đã nói ở trên, một phần quan trọng của sự thực hành này là kinh nghiệm chính bản thân mình là giấc mộng. Hãy tưởng tượng chính bạn là một huyễn tưởng, như một nhân vật trong giấc mộng, với một cơ thể không có sự cứng đặc. Hãy tưởng tượng nhân cách và nhiều bản sắc của bạn là những phóng chiếu của tâm thức. Hãy duy trì sự hiện diện, cùng một sự minh bạch bạn đang cố gắng trau dồi trong giấc mộng, khi cảm giác chính bạn là không có bản chất và thoáng qua, được tạo ra chỉ bằng ánh sáng. Điều này tạo ra một mối tương quan rất khác với chính bạn, tương quan ấy là dễ chịu, linh động và khoáng đạt.
Khi làm những thực hành này, không đủ nếu chỉ đơn giản lập đi lập lại rằng bạn đang ở trong một giấc mộng. Chân lý của câu nói này phải được cảm nghiệm vượt khỏi ngôn từ. Hãy sử dụng trí tưởng tượng, các giác quan và tỉnh giác trong việc hòa nhập trọn vẹn sự thực hành với kinh nghiệm cảm thấy. Khi bạn thực hành thích hợp, mỗi khi bạn nghĩ rằng bạn đang trong một giấc mộng, thì sự hiện diện trở nên mạnh mẽ hơn và kinh nghiệm càng sống động. Nếu không có loại thay đổi tính chất trực tiếp này, hãy chắc chắn sự thực hành không chỉ trở thành một sự lập lại máy móc một câu nói, điều này chỉ có ít lợi ích. Không có huyền thuật nào khi chỉ nghĩ đến một công thức thần chú ; những lời cần được dùng để nhắc nhở chính bạn – bằng cách tăng cường sáng tỏ và hiện diện – lần nữa và lần nữa cho đến lúc việc chỉ nhớ tư tưởng, “Đây là một giấc mộng”, cũng đem lại đồng thời sự làm mạnh thêm và sáng tỏ hơn của tỉnh giác.
Đây là sự chuẩn bị đầu tiên, thấy toàn bộ đời sống là một giấc mộng. Nó được áp dụng vào khoảnh khắc tri giác và trước khi một phản ứng khởi lên. Tự nó là một thực hành hiệu nghiệm và ảnh hưởng mạnh mẽ hành giả. Hãy an trụ trong tánh tỉnh giác này và bạn sẽ kinh nghiệm sự minh bạch cả khi thức và khi mộng.
Có một cảnh cáo về sự thực hành này : quan trọng là cần phải trông nom những trách nhiệm và tuân thủ luận lý và những giới hạn của đời sống quy ước. Khi bạn tự nói với mình rằng đời sống lúc thức của bạn là một giấc mộng, điều ấy đúng, nhưng nếu bay nhảy ra khỏi cái buyn đinh bạn sẽ rơi xuống chứ không bay. Nếu bạn không đi làm, những hóa đơn không được thanh toán. Thọc tay vào lửa thì bạn sẽ bị phỏng. Cần phải đặt nền trên những sự thật của thế giới tương đối, bởi vì bao giờ còn có một cái “anh” và “tôi”, thì còn có một thế giới tương đối trong đó chúng ta sinh sống, những chúng sanh khác đang khổ đau và những hậu quả từ những quyết định chúng ta làm.
HAI : DẸP BỎ BÁM NẮM VÀ GHÉT BỎ
Sự thực hành căn bản thứ hai làm giảm hơn nữa sự bám nắm và ghét bỏ. Trong khi sự chuẩn bị thứ nhất được áp dụng vào khoảnh khắc gặp mặt những hiện tượng và trước khi một phản ứng xảy ra, sự thực hành thứ hai được xúc tiến sau khi một phản ứng đã khởi lên. Về căn bản, chúng đều cùng một thực hành như nhau, chỉ phân biệt bởi tình huống trong đó sự thực hành được áp dụng và bởi đối tượng của sự chú ý. Sự thực hành thứ nhất hướng sự tỉnh giác sáng tỏ và sự nhận biết các hiện tượng là giấc mộng đến mọi sự gặp phải : những đối tượng giác quan, những biến cố bên trong, chính thân thể mình v.v... Sự chuẩn bị thứ hai đặc biệt hướng cùng sự tỉnh giác sáng tỏ ấy đến những phản ứng xúc cảm được tạo hình khi đáp ứng với những yếu tố của kinh nghiệm.
Một cách lý tưởng, sự thực hành cần được áp dụng ngay khi bất kỳ sự bám nắm hay ghét bỏ nào khởi lên trong đáp ứng với một đối tượng hay một tình huống. Tâm thức bám chấp có thể biểu lộ thành tham, sân đố kỵ, kiêu mạn, ghen ghét, sầu khổ, thất vọng, vui vẻ, lo lắng, ngã lòng, sợ hãi, buồn chán hay bất kỳ phản ứng xúc cảm nào khác.
Khi một phản ứng khởi lên, hãy tự nhắc nhở rằng bạn, đối tượng và phản ứng của bạn với đối tượng đều là mộng. Hãy tự nghĩ, “Cơn giận này là một giấc mộng, Tham muốn này là một giấc mộng. Cử chỉ này, sầu khổ này, sự hớn hở này là một giấc mộng”. Chân lý trong câu nói này trở nên rõ ràng khi bạn chú ý đến tiến trình bên trong làm nảy sinh ra những trạng thái phiền não : bạn đang mộng ra chúng qua một sự tương tác phức tạp của những tư tưởng, hình ảnh, trạng thái thân thể và cảm giác. Phản ứng xúc cảm không nảy sinh “ngoài kia” trong những đối tượng. Nó khởi lên, được kinh nghiệm và chấm dứt trong bạn.
Có vô số kích thích khác nhau khiến bạn phản ứng : sự hấp dẫn khởi lên khi thấy một người đàn ông hay đàn bà đẹp, giận dữ với một người lái xe cắt ngang trước mặt bạn, ghê sợ hay buồn rầu nơi một môi trường bị tàn phá, lo âu về một hoàn cảnh hay con người... Chớ chỉ vỗ câu nói lên một mảnh kinh nghiệm của bạn ; hãy cố gắng cảm nghiệm một cách hiện thực tính chất như mộng của đời sống bên trong của bạn. Khi sự xác nhận này đã cảm thấy được, chứ không chỉ nghĩ đến, tương quan với tình huống thay đổi, và sự nắm bám siết chặt, đầy xúc tình với những hiện tượng được buông lỏng. Tình huống trở nên rõ ràng hơn và khoáng đạt hơn, và bám chấp và ghét bỏ được nhận biết trực tiếp thực sự là những trói buộc không thoải mái. Đây là một đối trị mạnh mẽ với trạng thái “sắp” sở hữu và ám ảnh mà phiền não tạo ra. Kinh nghiệm trực tiếp và xác thực khi sử dụng sự thực hành này để cởi mở gút thắt của phiền não là sự bắt đầu của thực hành thực sự về tánh sáng suốt và tánh linh hoạt đưa đến kết quả giải thoát. Với sự thực hành kiên trì và đầy chất lượng, ngay cả những trạng thái mạnh mẽ của giận dữ, chán nản và những bất hạnh khác có thể được mở thoát. Khi chúng có, chúng tan biến mất.
Những lời dạy thường ám chỉ đến thực hành riêng này như một phương pháp để từ bỏ những bám luyến. Có những cách tốt và không tốt để từ bỏ chúng. Đè nén chúng thì tốt ít ; bấy giờ chúng chuyển hóa thành sự huyên náo bên trong hay những kết án và không khoan thứ ở bên ngoài. Và nó cũng chống lại sự phát triển tâm linh bằng cách cố gắng thoát khỏi đau khổ qua sự phóng dật hay bằng cách siết chặt thân thể để bóp chết kinh nghiệm. Tốt là từ bỏ đời sống thế gian và trở thành một tăng hay một ni hay không tốt là tìm cách trốn thoát những kinh nghiệm khó khăn qua đè nén và tránh mặt.
Yoga giấc mộng cắt đứt bám chấp bằng cách tổ chức lại tri giác và hiểu đối tượng hay tình huống, bằng cách thay đổi cái nhìn và như thế cho phép hành giả thấy qua suốt hình tướng giả huyễn của một đối tượng thấu đến thực tại rạng rỡ, như ánh sáng của nó. Khi sự thực hành tiến bộ, những đối tượng và những hoàn cảnh không chỉ được kinh nghiệm với sự trong sáng và sinh động lớn lao hơn mà cũng còn được nhận biết như phù du, vô tự tánh và vụt thoát. Điều này phá sập tầm quan trọng tương đối của những hiện tượng và làm giảm đi sự bám chấp và ghét bỏ căn cứ trên sự yêu chuộng.
BA : LÀM MẠNH Ý ĐỊNH
Sự chuẩn bị thứ ba gồm xem lại ban ngày trước khi đi ngủ, và làm mạnh ý định quyết tâm thực hành qua suốt đêm. Khi bạn sửa soạn ngủ, hãy cho phép những ký ức ban ngày khởi lên. Bất kỳ cái gì đến trong tâm thức hãy nhận biết đó là một giấc mộng. Những ký ức khởi lên hầu hết là những kinh nghiệm đủ mạnh để ảnh hưởng đến những giấc mộng sắp đến. Trong suốt sự xem lại này, hãy thử kinh nghiệm những ký ức khởi lên như là những ký ức của giấc mộng. Ký ức thật sự rất giống với giấc mộng. Lại nữa, điều này không phải như sự đặt tên một cách tự động, một nghi lễ cứ lập đi lập lại “Đây là một giấc mộng”. Hãy cố gắng hiểu thật sự bản chất như mộng của kinh nghiệm của bạn, những phóng chiếu duy trì nó, và cảm thấy sự khác biệt của sự tùy thuộc vào kinh nghiệm là một giấc mộng.
Bấy giờ hãy phát triển quyết tâm mạnh mẽ nhận biết những giấc mộng của ban đêm xem chúng là gì. Hãy có ý định mạnh mẽ nhất có thể biết trực tiếp và sống động, khi đang nằm mộng, rằng bạn đang mộng. Ý định giống như một mũi tên mà tỉnh giác có thể theo suốt đêm, một mũi tên nhắm vào sự minh bạch trong giấc mộng. Câu bằng tiếng Tây Tạng chúng tôi dùng để chỉ sự phát sinh ý định dịch ra là “gởi một ý muốn”. Chúng ta nên có ý nghĩa đó ở đây, rằng chúng ta làm những cầu nguyện và ý định và gởi chúng đến những vị thầy của chúng ta và đến chư Phật và các bổn tôn, hứa cố gắng trụ trong tỉnh giác và cầu xin sự giúp đỡ của các ngài. Có những thực hành khác có thể làm trước khi rơi vào giấc ngủ, nhưng một cái này là đủ cho tất cả.
BỐN : TRAU DỒI TRÍ NHỚ VÀ SỰ NỖ LỰC HOAN HỶ
Thực hành căn bản thứ tư được tiến hành khi thức dậy vào buổi sáng. Nó trau dồi hơn nữa ý định mạnh mẽ và cũng làm mạnh thêm khả năng nhớ lại những biến cố của ban đêm.
Hãy bắt đầu nhìn lại hồi đêm. Chữ Tây Tạng cho sự chuẩn bị này nghĩa đen là “nhớ lại”. Bạn có mơ không ? Bạn có biết rằng bạn đang ở trong giấc mộng ? Nếu bạn đã nằm mộng nhưng không đạt đến sự minh bạch, bạn cần nghĩ, “Tôi đã nằm mộng nhưng không nhận ra giấc mộng là một giấc mộng. Nhưng nó là một giấc mộng.” Quyết định rằng lần sau bạn đi vào một giấc mộng bạn sẽ tỉnh thức về bản chất thật của nó khi còn đang mộng.
Nếu bạn thấy khó nhớ lại những giấc mộng, thì suốt ngày và đặc biệt trước khi ngủ, cần phải phát sanh một ý định mạnh mẽ nhớ lại những giấc mộng. Bạn cũng có thể ghi lại những giấc mộng trong một cuốn sổ hay với một máy thâu băng, vì điều này sẽ làm củng cố thói quen đối xử với những giấc mộng của bạn như cái gì có giá trị. Hành động sửa soạn sổ tay hay máy thu băng vào ban đêm chính là để hỗ trợ cho ý định nhớ lại giấc mộng khi thức dậy. Không khó khăn cho bất kỳ ai nhớ lại những giấc mộng một khi ý định làm điều đó được phát sinh và duy trì, thậm chí chỉ sau ít ngày.
Nếu bạn có một giấc mộng sáng sủa, hãy cảm thấy hoan hỷ với thành tựu đó. Hãy phát triển hạnh phúc liên hệ với sự thực hành và quyết tâm tiếp tục phát triển sự sáng sủa đêm tiếp theo. Hãy giữ vững ý định, dùng cả những thành công và thất bại như những cơ hội để phát triển ý định bao giờ cũng mạnh mẽ hơn để thành tựu sự thực hành. Và hãy biết rằng ngay ý định của bạn cũng là một giấc mộng.
Cuối cùng, trong thời gian buổi sáng, hãy phát sinh một ý định mạnh mẽ duy trì kiên cố trong sự thực hành suốt cả ngày. Và hãy cầu nguyện với cả tấm lòng cho sự thành công ; cầu nguyện giống như một năng lực huyền diệu mà tất cả chúng ta đều có mà thường quên dùng.
Sự thực hành này hòa trong sự thực hành căn bản đầu tiên, nhận biết tất cả kinh nghiệm là một giấc mộng. Theo cách này sự thực hành trở thành không gián đoạn suốt vòng quay ngày và đêm.
KIÊN TRÌ
Sự quan trọng của bốn chuẩn bị cho những giai đoạn sau của yoga giấc mộng không phải là phóng đại. Chúng có nhiều năng lực hơn là chúng có vẻ thế. Hơn nữa, chúng là những thực hành ai cũng có thể làm được. Về phương diện tâm lý chúng được định hướng hơn nhiều thực hành và sẽ hiện diện không khó khăn cho hành giả. Chỉ làm một thực hành trước khi vào giường có thể không hiệu quả, nhưng với sự thực hành kiên trì bốn chuẩn bị suốt cả ngày, sẽ dễ dàng hơn nhiều để đạt được sự sáng suốt trong mộng và bấy giờ tiếp tục những thực hành thêm nữa. Sử dụng những thực hành này làm cho mọi sự xảy ra thành một nguyên nhân để trở lại với sự hiện diện, và điều này đem lại lợi lạc lớn lao cho đời sống hàng ngày cũng như đưa đến thành công trong yoga giấc mộng.
Nếu bạn không có những kết quả tức thời, dù bạn phải thực hành một thời gian dài trước khi hoàn thành sự sáng suốt minh bạch trong mộng, thì cũng không nên ngã lòng. Chớ nghĩ rằng nó là vô ích và bạn không thể hoàn thành sự thực hành. Hãy nghĩ về những khác biệt khi bạn mười tuổi bạn suy nghĩ và hành động thế nào so với bây giờ – có một thay đổi thường trực liên tục. Chớ để cho mình bị kẹt nghẽn khi tin rằng những giới hạn nào bạn có trong thực hành hôm nay sẽ tiếp tục trong tương lai. Biết rằng không có gì cứ y nguyên mãi, bạn không nên tin rằng cách thức sự việc biểu lộ ra hôm nay phải là cách thức chúng vẫn phải tiếp tục.
Kinh nghiệm những phẩm tính sinh động, sáng tỏ, như mộng của đời sống cho phép kinh nghiệm của bạn trở nên rỗng rang, trong sáng hơn. Khi sự sáng suốt được khai triển trong mộng và trong thức, có nhiều tự do lớn lao hơn để kiến lập đời sống một cách tích cực, và cuối cùng để vất bỏ những quý chuộng và nhị nguyên và an trụ trong sự hiện diện bất nhị.
4 Chuẩn Bị cho Ban Đêm Người trung bình không biết những nguyên lý của thiền định, mang những căng thẳng, phiền não, tư tưởng và những rối rắm mê mờ của ban ngày vào ban đêm. Đối với một người như vậy, không có thực hành hay thời gian đặc biệt nào được đặt riêng ra để xử lý ban ngày hay làm bình lặng trước khi vào giấc ngủ. Với họ giấc ngủ đến giữa sự phóng dật, và những tiêu cực được được giữ trong tâm thức suốt đêm. Khi cơn mộng khởi sanh từ những tiêu cực này, không có sự vững vàng ổn định trong hiện diện tỉnh thức và cá nhân bị cuốn theo những hình ảnh và mê lầm của thế giới mộng. Thân thể căng thẳng bởi lo âu hay nặng nề bởi buồn rầu, và khí trong thân thì thô và không trơn tru khi tâm thức phóng đi đây đó. Giấc ngủ bị nhiễu loạn, những giấc mơ đầy căng thẳng hay chỉ là một sự trốn thoát thích thú, và người ngủ khi thức dậy thì mệt mỏi và không được ngơi nghỉ vào buổi sáng hôm sau, thường tiếp tục ban ngày trong một trạng thái tiêu cực.
Ngay cả với người không thực hành những yoga giấc mộng hay giấc ngủ, vẫn có lợi lạc khi chuẩn bị cho giấc ngủ, xem nó là nghiêm túc. Tịnh hóa tâm thức đến mức tốt nhất trước khi ngủ, cũng như trước lúc thiền định, làm phát sanh nhiều sự hiện diện hơn và những phẩm tính tích cực. Hơn là để cho những xúc tình tiêu cực mang đi lúc ban đêm, hãy dùng bất cứ phương tiện thiện xảo nào bạn có để giải thoát bạn khỏi những xúc tình đó. Nếu bạn biết làm thế nào để cho xúc tình tự giải thoát, tan biến vào tánh không, thì hãy làm thế. Nếu bạn biết làm thế nào để chuyển hóa nó hay tạo nên cái đối trị với nó, hãy dùng hiểu biết đó. Hãy cố gắng nối kết với vị lama, yidam, và dakini ; hãy cầu nguyện đến chư Phật và những thần bổn tôn ; hãy phát khởi lòng bi. Hãy làm điều gì bạn có thể làm để gỡ thoát cho bạn căng thẳng trong thân thể và những thái độ tiêu cực trong tâm thức. Thoát khỏi sự quấy nhiễu, với một tâm thức nhẹ tênh và thoải mái, bạn sẽ kinh nghiệm một giấc ngủ yên nghỉ hơn và phục hồi sức khỏe hơn. Dù cho không thể làm phần sau của những thực hành, sự thực hành này là một cái gì tích cực mà ai cũng có thể hòa trộn vào cuộc sống hàng ngày.
Ở trên là vài chuẩn bị tổng quát cho ban đêm, nhưng chớ tự giới hạn trong những cái ấy. Điểm quan trọng là tỉnh thức với cái mà bạn đang làm với tâm thức bạn và nó ảnh hưởng bạn thế nào, và dùng sự hiểu biết của bạn để làm bình an chính bạn, trở nên hiện diện, và mở ra những khả tính của ban đêm.
CHÍN HƠI THỞ TỊNH HÓA
Có lẽ bạn đã ghi nhận sự căng thẳng nhiều biết bao được mang vào trong thân thể và sự căng thẳng ảnh hưởng đến hơi thở như thế nào. Khi có ai mà chúng ta đang có nhiều rắc rối với họ đi vào phòng, thân thể co siết và hơi thở trở nên ngắn hơn và gắt hơn. Khi chúng ta sợ, hơi thở thành nhanh và cạn. Khi buồn, hơi thở thường sâu và điểm thêm những tiếng thở dài. Và nếu người nào chúng ta thích và chăm lo đi vào phòng, thân thể thư giãn và hơi thở rỗng rang và thoải mái.
Hơn là chờ đợi kinh nghiệm để thay đổi hơi thở, chúng ta có thể chủ động thay đổi hơi thở để thay đổi kinh nghiệm của chúng ta. Chín hơi thở của sự tịnh hóa là một thực hành ngắn để làm sạch và tịnh hóa những kinh mạch và để thư giãn tâm thức và thân thể. Hình vẽ những kinh mạch có thể tìm ở trang 69.
Ngồi xếp chân trong thế thiền định. Đặt hai tay dưới bụng, tay trái trên tay phải. Hơi cúi đầu một chút cho cổ thẳng.
Hãy quán tưởng ba kinh mạch năng lực trong thân bạn. Kinh mạch trung ương màu xanh và đứng thẳng qua trung tâm của thân ; nó cỡ bằng một cây mía, và hơi rộng ra từ tim đến chỗ mở ra của nó nơi đỉnh đầu. Hai kinh mạch hai bên đường kính bằng cây bút chì và nối với kinh mạch trung ương ở chót đáy của nó, khoảng bốn inch dưới rốn. Chúng đi thẳng qua thân ở hai bên kinh mạch trung ương, cong lại dưới xương sọ, đi qua sau mắt và mở ra nơi lỗ mũi. Nơi người đàn bà kinh mạch phải màu đỏ và kinh mạch trái màu trắng. Nơi người đàn ông kinh mạch phải màu trắng và kinh mạch trái màu đỏ.
Ba hơi thở đầu
Đàn ông : Đưa bàn tay phải lên với ngón tay cái đè gốc ngón tay đeo nhẫn. Bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn, hít vào ánh sáng màu lục qua lỗ mũi trái. Rồi bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn tay phải, thở ra hết qua lỗ mũi phải. Lập lại như vậy ba lần hơi thở vào và ra.
Đàn bà : Đưa bàn trái lên với ngón cái đè gốc ngón tay đeo nhẫn. Bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn, hít vào ánh sáng màu lục qua lỗ mũi phải. Rồi bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn, thở ra hết qua lỗ mũi trái. Lập lại như vậy ba lần hơi thở vào và ra.
Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng mọi chướng ngại liên hệ với năng lực nam bị trục khỏi kinh mạch màu trắng trong hình dạng không khí màu xanh nhạt. Những cái này gồm những đau yếu thuộc khí cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với quá khứ.
Ba hơi thở thứ hai
Đàn ông và đàn bà : Đổi tay và lỗ mũi và lập lại ba lần hơi thở vào và ra. Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng mọi chướng ngại liên hệ với năng lực nữ bị trục khỏi kinh mạch màu đỏ trong hình dạng không khí màu hồng nhạt. Những cái này gồm những đau yếu thuộc mật cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với tương lai.
Ba hơi thở thứ ba
Đàn ông và đàn bà : Đặt bàn tay trái trên bàn tay phải dưới bụng, bàn tay ngửa lên. Hít vào ánh sáng màu lục có tính cách chữa lành qua cả hai lỗ mũi. Hãy quán tưởng nó đi xuống theo hai kinh mạch hai bên đến chỗ nối kết với kinh mạch chính, khoảng bề rộng bốn ngón tay dưới rốn. Với hơi thở ra, hãy quán tưởng năng lực đi lên theo kinh mạch trung ương và ra đỉnh đầu. Hoàn thành ba hơi thở vào và ra. Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng tất cả mọi thế lực làm cho đau yếu liên hệ với những ma quỷ đối nghịch bị trục khỏi đỉnh đầu trong hình dạng khói màu đen. Những cái ấy gồm những đau yếu thuộc chất niêm dịch. Cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với hiện tại.
GURU YOGA
Guru yoga là một thực hành chính yếu trong mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng và đạo Bošn. Điều này chứng tỏ trong kinh tantra, và Đại Toàn Thiện. Nó phát triển sự nối kết trong lòng với vị thầy. Bằng cách liên tục làm mạnh lòng sùng mộ, chúng ta đến chỗ sùng mộ thuần túy, không lay chuyển, căn cứ thần lực của sự thực hành. Tinh túy của guru yoga là hòa lẫn tâm của hành giả với tâm của đạo sư.
Đạo sư chân thật là gì ? Đó là bản tánh nền tảng, vô tướng của tâm, tánh giác bổn nguyên nền tảng của mọi sự, nhưng vì chúng ta sống trong nhị nguyên, sẽ ích lợi cho chúng ta quán tưởng cái ấy trong một hình tướng. Làm như vậy là sử dụng một cách thiện xảo những nhị nguyên của tâm thức ý niệm để làm mạnh thêm lòng sùng mộ và giúp chúng ta nhắm đến thực hành và sự phát sanh những phẩm tính tích cực.
Trong truyền thống Bošn, chúng tôi thường dùng hoặc Tapihritsa như là đạo sư, hoặc Phật Shenla Odker*, ngài đại diện sự hợp nhất của tất cả chư đạo sư. Nếu bạn đã là một hành giả, bạn có thể có một bổn tôn khác để quán tưởng, như Guru Rinpoche hay một yidam hay dakini. Trong khi điều quan trọng là làm việc với một dòng phái mà bạn có một mối liên kết, bạn cần hiểu rằng đạo sư bạn đang quán tưởng là hiện thân của tất cả các đạo sư bạn đã liên kết, tất cả các vị thầy đã theo học, tất cả các bổn tôn bạn đã có những cam kết. Đạo sư trong guru yoga không chỉ là một cá nhân, mà là tinh túy của giác ngộ, tánh giác bổn nguyên nó là bản tánh chân thật của bạn.
Đạo sư cũng là vị thầy mà bạn nhận những giáo lý từ ngài. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng ta nói rằng đạo sư
Tapihritsacòn quan trọng hơn đức Phật. Vì sao ? Bởi vì đạo sư là sứ giả trực tiếp của những giáo lý, người đem trí huệ của Phật đến cho đệ tử. Không có đạo sư chúng ta không tìm ra con đường của chúng ta đến với Phật. Thế nên chúng ta cần cảm thấy sùng mộ với đạo sư như đối với Phật nếu thình lình Phật xuất hiện trước mặt chúng ta.
Guru yoga không chỉ là phát sinh một cảm giác nào đó đối với một hình ảnh được quán tưởng. Nó được làm để tìm thấy tâm nền tảng trong chính bạn, tâm đó là nhất như với tâm nền tảng của tất cả các vị thầy của bạn, và của tất cả chư Phật và những bậc chứng ngộ đã từng sống ở đời. Khi bạn hòa nhập với vị guru, bạn hòa nhập với thật tánh nguyên sơ của bạn, nó là người hướng dẫn và đạo sư đích thực. Nhưng điều này không nên là một thực hành trừu tượng. Khi bạn làm guru yoga, hãy cố gắng cảm thấy lòng sùng mộ mãnh liệt đến độ tóc gáy dựng đứng, nước mắt bắt đầu rơi trên mặt bạn, và lòng bạn mở ra và tràn đầy tình thương mến lớn lao. Hãy để bạn hòa lẫn hợp nhất với tâm của guru, chính là Phật tánh giác ngộ của bạn. Đây là cách thực hành guru yoga.
Thực hành
Sau chín hơi thở, vẫn ngồi trong tư thế thiền định, hãy quán tưởng đạo sư ở trên và trước mặt bạn. Đó không phải là một bức tranh bằng phẳng, hai chiều – hãy để cho một hiện thể thực sự hiện hữu ở đó, với ba chiều, làm bằng ánh sáng, trong sạch, và với một sự hiện diện mạnh mẽ tác động cảm giác trong thân thể, năng lực, và tâm thức của bạn. Hãy phát sanh sùng mộ mạnh mẽ và suy nghĩ về sự trao tặng vĩ đại những giáo lý và cơ hội tốt đẹp lớn lao bạn đang hưởng khi liên kết với chúng. Dâng lên một lời cầu nguyện chân thành, cầu xin những tiêu cực và che ám của bạn được dẹp bỏ, những phẩm tính tích cực của bạn được phát triển, và bạn hoàn thành được yoga giấc mộng.
Bấy giờ hãy tưởng tượng nhận những ban phước từ đạo sư trong hình thức những ánh sáng ba màu tuôn chảy từ ba cửa trí huệ của ngài – cửa thân, cửa ngữ, cửa tâm – vào ba cửa của bạn. Những ánh sáng được chuyển vào theo trình tự sau : Ánh sáng trắng tuôn chảy từ luân xa đỉnh đầu của đạo sư vào luân xa đỉnh đầu của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn toàn thân thể bạn và phương diện thể xác của bạn. Rồi ánh sáng đỏ từ luân xa cổ họng của đạo sư chảy vào luân xa cổ họng của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn phương diện năng lực của bạn. Cuối cùng, ánh sáng xanh từ luân xa tim của đạo sư chảy vào luân xa tim của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn tâm thức bạn.
Khi những ánh sáng vào thân thể bạn, hãy cảm thấy chúng. Hãy để thân thể, năng lực và tâm thức của bạn thư giãn, tràn ngập trong ánh sáng trí huệ. Hãy dùng tưởng tượng của bạn để làm cho sự ban phước thành ra có thực trong kinh nghiệm trọn vẹn của bạn, trong thân thể và năng lực của bạn cũng như trong những hình ảnh trong tâm thức bạn.
Sau khi nhận sự ban phước gia bị, hãy tưởng tượng đạo sư tan vào trong ánh sáng, ánh sáng này đi vào tim bạn và ở lại đó như tinh túy sâu xa nhất của bạn. Hãy tưởng tượng rằng bạn tan biến trong ánh sáng ấy, và an trụ trong tánh tỉnh giác thanh tịnh, rigpa.
Còn có những giáo huấn tỉ mỉ về guru yoga gồm trong những lễ lạy, dâng cúng, ấn, thần chú và những quán tưởng phức tạp nữa, nhưng tinh túy của sự thực hành là hòa trộn tâm thức bạn với tâm thức của đạo sư, nó chính là tánh giác thanh tịnh, bất nhị. Guru yoga có thể được làm bất kỳ lúc nào trong ngày ; càng nhiều càng tốt. Nhiều đạo sư nói rằng trong tất cả mọi thực hành, guru yoga là cái quan trọng nhất. Nó ban cho sự ban phước của dòng truyền và có thể mở ra và làm mềm dịu tấm lòng và làm bình lặng tâm thức hoang dã. Hoàn thành trọn vẹn guru yoga là hoàn thành con đường.
CHE CHỞ
Đi ngủ hơi giống với chết, một hành trình một mình vào cái không biết. Thông thường chúng ta không lo lắng về giấc ngủ bởi vì chúng ta quen với nó, nhưng hãy nghĩ về điều mà giấc ngủ kéo theo. Chúng ta tự mất mình trong một sự trống không trong một khoảng thời gian, cho đến khi chúng ta khởi lên lại trong một giấc mộng. Khi chúng ta nằm mộng, chúng ta có thể có một bản sắc khác và một thân thể khác. Chúng ta có thể ở trong một nơi chốn xa lạ, với những người chúng ta không biết, dấn thân vào những hoạt động rối rắm có vẻ rất nguy hiểm.
Chỉ ngủ trong một nơi chốn không quen thuộc có thể tạo ra lo âu. Nơi chốn có thể hoàn toàn an ninh và tiện nghi, nhưng chúng ta không ngủ như ở nhà trong môi trường quen thuộc. Có thể năng lực chỗ ấy xấu. Hay có thể chỉ sự không an ninh của riêng chúng ta làm rộn chúng ta, và ngay cả trong những chỗ quen thuộc chúng ta cũng cảm thấy lo âu khi chờ giấc ngủ đến, hay lo sợ bởi cái chúng ta nằm mộng. Khi vào giấc ngủ với sự lo âu, những giấc mộng của chúng ta trộn lẫn với sợ hãi và căng thẳng, giấc ngủ kém yên và, và sự thực hành khó làm hơn. Thế nên là một ý tốt khi tạo ra một cảm thức được che chở trước khi chúng ta ngủ và chuyển hóa nơi chốn ngủ của chúng ta thành một không gian thiêng liêng.
Điều này được làm bằng cách tưởng tượng những dakini bảo vệ khắp chung quanh chỗ ngủ. Hãy tưởng tượng những dakini như những nữ thần đẹp đẽ, những người nữ giác ngộ, màu lục và đày đủ năng lực che chở. Họ ở gần khi bạn ngủ và suốt cả đêm, như những người mẹ trông chừng cho con họ, hay những người bảo vệ bao quanh một ông vua hay hay bà hoàng hậu. Hãy tưởng tượng họ ở khắp nơi, giữ gìn những cửa lớn và cửa sổ, ngồi cạnh bạn trên giường, đi dạo trong vườn hay sân... cho đến khi bạn hoàn toàn cảm thấy được che chở.
Lại nữa, sự thực hành này thì hơn việc chỉ cố gắng quán tưởng điều gì : hãy thấy những dakini với tâm thức bạn nhưng cũng dùng sự tưởng tượng của bạn để cảm thấy sự hiện diện của họ. Tạo ra một môi trường thiêng liêng, che chở theo cách này là làm bình yên, thư giãn và xúc tiến giấc ngủ yên nghỉ. Một nhà thần bí sống như vầy : thấy điều thần bí, thay đổi môi trường với tâm thức, và cho phép những hành động, thậm chí những hành động tưởng tượng, có ý nghĩa.
Bạn có thể nâng thêm cảm thức an bình trong môi trường bằng cách để những vật có tính chất thiêng liêng trong phòng ngủ : những hình ảnh an bình, đáng yêu, những biểu tượng tôn giáo và thiêng liêng, và những vật khác hướng tâm thức bạn đến con đường.
Tantra Mẹ nói cho chúng ta rằng khi chúng ta chuẩn bị cho giấc ngủ chúng ta cần duy trì sự tỉnh giác về những nguyên nhân của giấc mộng, đối tượng để tập trung vào, những vị bảo vệ và về chính chúng ta. Giữ những cái ấy trong sự tỉnh giác, không phải như nhiều cái, mà như một môi trường đơn nhất, và điều này sẽ có một hiệu lực lớn lao trong giấc mộng và giấc ngủ.
5 Thực Hành Chính Để phát triển trọn vẹn yoga giấc mộng, có bốn công việc cần hoàn thành liên tiếp nhau : 1) đưa tỉnh giác vào kinh mạch trung ương, 2) trau dồi cái nhìn thấy và kinh nghiệm sáng rõ, 3) phát triển quyền năng và sức mạnh để chúng ta không bị quên mất và 4) phát triển phương diện hung nộ của chúng ta để chiến thắng sợ hãi. Những công việc này tương quan với bốn phẩm tính của giấc mộng – an bình, hoan hỷ, quyền năng và hung nộ – và với bốn phần đoạn của sự thực hành.
ĐEM TỈNH GIÁC VÀO KINH MẠCH TRUNG ƯƠNG
Sau khi làm việc với những thực hành sơ bộ suốt ngày, và sau khi làm những thực hành trước giấc ngủ – tịnh hóa hơi thở, guru yoga, phát sinh từ bi, quán tưởng những dakini che chở và xác lập ý định cho ban đêm – người ta đi vào sự thực hành chính thứ nhất.
Hãy nằm theo thế sư tử : Đàn ông nằm trên phía phải, đàn bà trên phía trái. Cong đầu gối đủ cho thân vững, cánh tay ở trên duổi thẳng theo bên hông, và đặt bàn tay phía dưới ở dưới má. Bạn có thể có lợi ích trong việc thí nghiệm dùng một cái gối không dầy đỡ cho cổ bạn để giữ giấc ngủ nhẹ nhàng hơn. Hơi thở đầy và rất bình lặng đến độ cả hơi thở vào lẫn hơi thở ra đều không nghe thấy được.
Hãy quán tưởng một hoa sen đẹp, màu đỏ bốn cánh trong luân xa cổ họng nằm ở đáy cổ họng, sát với chỗ cổ gặp ngực hơn là phía trên gần đầu. Trong trung tâm bốn cánh, hướng ra trước, là một chữ A Tây Tạng đứng thẳng, sáng chói, rõ ràng và rực rỡ, như pha lê làm bằng ánh sáng thuần khiết. Cũng như pha lê để trên vải đỏ phản chiếu màu đỏ và hóa thành đỏ, chữ A lấy màu đỏ của những cánh hoa và có màu đỏ. Trên mỗi cánh hoa có một chữ : RA ở trước, LA bên trái, SHA ở sau và SA bên phải. Khi giấc ngủ đến, hãy duy trì sự tập chú nhẹ nhàng, thư giãn trên chữ A.
Phần thực hành này nghĩa là đưa tâm thức và khí prana vào kinh mạch trung ương. Tính chất là an bình, và khi chúng ta hòa lẫn với chữ A màu đỏ đậm chúng ta tìm thấy bình an bên trong chúng ta. Giáo lý dạy rằng chú tâm vào luân xa này tạo ra những giấc mộng nhẹ nhàng. Thí dụ được cho là một giấc mộng trong đó một dakini mời một cách nhẹ nhàng người nằm mộng đi theo vị ấy. Vị ấy giúp người nằm mộng lên một con chim thần bí (chim garuda) hay một con sư tử và dẫn đến một cõi thanh tịnh, một nơi chốn đẹp đẽ thiêng liêng. Nhưng giấc mộng không cần phải đặc biệt như vậy. Nó có thể chỉ là một cuộc đi dạo trong vườn đẹp đẽ hay núi non, được người khác dẫn dắt. Tính chất của những giấc mộng ít nằm trong những hình ảnh riêng biệt mà nằm nhiều trong cảm giác bình an.
TĂNG CƯỜNG SỰ SÁNG TỎ
Sau khi ngủ đôï hai giờ, hãy thức dậy và đi vào phần thứ hai của thực hành. Theo truyền thống sự thực hành này làm khoảng nửa đêm, nhưng bây giờ mỗi người có thời gian biểu khác nhau, thế nên hãy chỉnh sự thực hành cho hợp với đời sống bạn.
Dùng cùng một thế nằm như thực hành thứ nhất, đàn ông nằm phía phải, đàn bà nằm phía trái. Làm một lối thở riêng biệt : Thở vào và giữ lại hơi thở rất nhẹ nhàng. Hơi siết hội âm (khoảng giữa hậu môn và cơ quan sinh dục), những bắp thịt của thành khung chậu, để cho bạn có cảm giác đẩy lên phía trên hơi thở đã được giữ lại. Hãy cố gắng kinh nghiệm hơi thở như được giữ ngang dưới rốn, bị nén bởi sức ép từ bên dưới. Khó tưởng tượng loại hơi thở này, và có thể cần thí nghiệm một ít cho đến khi cảm nhận được tìm thấy. Tuy nhiên tốt hơn là nhận những giáo huấn chi tiết từ một vị thầy.
Sau khi giữ hơi thở vài khoảnh khắc, hãy nhẹ nhàng thở ra. Khi thở ra, buông lõng những bắp thịt vùng khung chậu, vùng ngực và toàn thân. Hoàn toàn thư giãn. Hãy lập lại như vậy bảy lần.
Điểm tập chú là luân xa hơi ở về phía trên và sau chỗ hai lông mày gặp trán. Hãy quán tưởng một quả cầu bằng ánh sáng (tiglé*) chói sáng màu trắng trong luân xa. Đây là điểm của sự rõ ràng, sáng tỏ. Một tiglé hay bindu, có thể là nhiều thứ, và được dịch một cách khác nhau. Trong một bối cảnh, nó là một phẩm tính năng lực có thể tìm thấy trong thân thể, trong khi ở bối cảnh khác nó có thể tượng trưng cho cái toàn thể vô biên. Khi chúng ta dùng nó trong thực hành, tiglé là một khối cầu ánh sáng không thể chất, sáng ngời và nhỏ. Những tiglé màu sắc khác nhau tượng trưng những phẩm tính khác nhau của tâm thức và quán tưởng chúng nghĩa là hành động như một cánh cửa vào trong kinh nghiệm phẩm tính ấy.
Chỉ dẫn về quán tưởng tiglé là bạn không nên vẽ ra một hình ảnh tĩnh đọng về một ánh sáng tròn màu trắng ; thay vì thế, hãy tưởng tượng chính bạn hòa lẫn với một cái gì thực sự ở đó. Hãy cố gắng cảm thấy tiglé với những giác quan tưởng tượng của bạn, và hợp nhất hoàn toàn với nó cho đến khi chỉ có sự rõ ràng và sáng ngời hiện hữu. Một số người sẽ thấy ánh sáng rõ ràng với giác quan thấy nằm bên trong họ (nội nhãn căn), trong khi những người khác sẽ cảm thấy nó hơn là thấy nó. Cảm thấy thì quan trọng hơn là thấy nó. Quan trọng nhất là hòa lẫn với nó hoàn toàn.
Khi nối kết với tiglé sáng rỡ màu trắng trong luân xa giữa hai lông mày, tâm thức giữ trong sáng tỏ và hiện diện. Khi kinh nghiệm sánh sáng tăng trưởng, trở nên sống động hơn và trọn vẹn hơn, hãy để cho bạn trầm mình vào trong ánh sáng khi tâm thức tiếp tục tăng cường thêm trong sự minh bạch. Nếu bạn ngủ trong trạng thái này, tỉnh giác trở nên liên tục. Phát triển sự rõ ràng sáng tỏ và liên tục hiện diện là mục tiêu của phần thực hành này. Đây là cái có nghĩa là “tăng cường quang minh của giấc mơ.” Hãy cố gắng nối kết với ý nghĩa đằng sau chữ “quang minh sáng tỏ”, để đến kinh nghiệm thực tế. Ẩn dụ chỉ nhắm đến một kinh nghiệm sâu xa hơn ngôn ngữ và hình dung về nhãn quan.
Như thế, “tăng cường” là điều chúng ta gọi là phẩm tính của những giấc mộng được biểu lộ qua phần thực hành này. Ở đây, ý nghĩa là phát triển hay lớn lên đến trọn vẹn của sự phát sanh, của sự dồi dào. Thí dụ được đưa ra trong Tantra Mẹ là một giấc mộng trong đó một dakini chơi những nhạc cụ, bài ca, và đem hoa, trái và y phục cho người nằm mộng. Lại nữa, điều này không có nghĩa là những giấc mộng phải gồm một dakini hay hình ảnh đặc biệt nào khác, mà vì hành giả làm mạnh thêm phần thực hành này, những giấc mộng sẽ có tính chất thỏa mãn, nhiều màu sắc.
LÀM MẠNH SỰ HIỆN DIỆN
Phần thứ ba của thực hành được làm khoảng hai giờ sau thực hành thứ ba, khoảng bốn giờ trong thời kỳ ngủ. Theo truyền thống, chúng ta nghĩ đến việc này hai giờ trước lúc bình minh. Cho phần thực hành này, dùng một tư thế khác : Nằm nghỉ trên một cái gối cao. Xếp hai chân lại hơi lỏng, khác với trong tư thế ngồi thiền ; chân phải hay chân trái đặt trên không thành vấn đề. Tư thế hơi giống như ngủ ở chỗ ngồi hạng nhất trên máy bay : bạn nằm tựa nhưng không hoàn toàn ngã hẳn. Dùng một cái gối cao sẽ giúp giữ giấc ngủ nhẹ nhàng và phát sanh sự sáng sủa hơn trong những giấc mộng, nhưng hãy chú ý đến sự thoải mái của cổ bạn. Chớ ở trong một tư thế không thoải mái.
Quan trọng cần chú ý đến những yêu cầu của thân thể. Khi tôi còn là một đứa trẻ tôi ngồi xếp bằng ở trường nhiều giờ mỗi ngày, thế nên tư thế này là rất dễ đối với tôi. Nhưng với hầu hết người Tây phương thì khác. Ý tưởng là không chịu đựng đau đớn cả đêm, mà là duy trì sự liên tục của tỉnh giác. Hãy chỉnh sự thực hành hợp với mục tiêu đó.
Với phần thực hành này, hãy thở hai mươi mốt hơi thở sâu, nhẹ, duy trì sự tỉnh giác đầy đủ về hơi thở.
Chữ HUNG Tây TạngĐiểm chú tâm là luân xa tim, trong đó chữ HUNG màu đen, sáng rỡ được quán tưởng. Nó hướng tới trước theo thân thể. Hãy hòa lẫn với chữ ấy để cho mọi sự là chữ HUNG màu đen. Hãy trở thành HUNG màu đen. Hãy để cho tâm thức yên nghĩ nhẹ nhàng trong chữ HUNG màu đen và đi vào giấc ngủ.
Phẩm tính được phát triển ở đây là quyền năng. Bạn không phải làm gì cả ; chớ có gồng lên để cố gắng cảm thấy đầy quyền năng. Điều này hầu như là tìm thấy quyền năng bạn đã có sẵn bên trong. Cảm thức về quyền năng cũng là một cảm thức an toàn ; những giấc mộng phát sinh trong phần thực hành này phải có cảm thức quyền năng an toàn này. Những thí dụ trong Tantra Mẹ là những giấc mộng trong đó một dakini có quyền năng hướng dẫn người nằm mộng ngồi trên một cái ngai, hay người nằm mộng đi vào một lâu đài an toàn để nhận những giáo lý, hay người nằm mộng được cha hay mẹ ban cho một ưng thuận. Phẩm tính là cái quan trọng, không phải là hình tượng đặc biệt. Thay vì một dakini đặt người nằm mộng trên một cái ngai, có thể một ông chủ cho người nằm mộng một thăng chức, hay bà mẹ tổ chức một buổi tiệc để ăn mừng những thành tựu của người nằm mộng. Cả hai giấc mơ đều đặc trưng cho phần thực hành này. Hơn là một lâu đài, giấc mộng có thể xảy ra trong một hoàn cảnh làm cho người nằm mộng cảm thấy an toàn, và thay vì cha mẹ có thể là một người khác trong giấc mộng đem lại một cảm giác an toàn, chắc chắn là sức mạnh.
PHÁT TRIỂN SỰ KHÔNG SỢ HÃI
Phần thực hành thứ tư là dễ nhất bởi vì không cần thức dậy trở lại cho đến sáng. Không có tư thế riêng biệt ; chỉ làm cho tự bạn thoải mái. Không có hơi thở được chỉ định ; hơi thở được để trong nhịp điệu tự nhiên của nó. Theo truyền thống đây là hai giờ sau lần thức giấc cuối cùng, chỉ trước ánh bình minh.
“Luân xa bí mật” là điểm chú tâm, luân xa đằng sau bộ phận sinh dục. Trong luân xa là một quả cầu ánh sáng, đen, sáng rỡ : một tiglé màu đen. Đây là phương diện tối tăm hơn của trí tưởng tượng ; giáo lý nói rằng những giấc mộng phát sinh ở đây có khả năng gồm những dakini hung nộ, lửa trên núi và trong thung lũng, những dòng sông chảy như thác, hay những cơn gió hủy hoại mọi thứ trên đường đi của chúng. Đấy là những giấc mộng trong đó những nguyên tố phá hủy hình ảnh của bản ngã ; những giấc mộng có thể làm kinh hãi. Hãy khám phá xem thử điều ấy có thật với bạn hay không. Phẩm tính của những giấc mơ trong phần này của đêm rốt cuộc là có tính hung nộ.
Trong phần thực hành này, hãy đi vào tiglé màu đen sáng rỡ trong luân xa bí mật và trở thành tiglé đó. Rồi hãy để cho tâm thức bạn thư giãn và chỉ chú tâm nhẹ nhàng vào ánh sáng đen sáng rỡ ở khắp nơi, nó xuyên thấu qua những giác quan và tâm thức của bạn, và tự cho phép mình ngủ.
Bốn phẩm tính – an bình, thành tựu, quyền năng và hung nộ – là những dãi rất rộng những hình ảnh, cảm giác, xúc tình và kinh nghiệm hòa hợp với nhau. Như đã nhận xét ở trên, không nhất thiết bạn phải có những loại giấc mơ đặc biệt được trình bày như những thí dụ trong giáo lý. Chính phẩm tính là điểm quan trọng : âm sắc tình cảm, cảm thức nhận thấy về giấc mộng, những chiều hướng đa dạng nhưng có thể vi tế trong kinh nghiệm về giấc mộng. Đó là làm cách nào để xác định giấc mộng nối kết với luân xa nào, xác định chiều kích nào của kinh nghiệm ; đó không phải là cố gắng giải mã những nội dung của giấc mộng. Điều này cũng chỉ ra đâu là nơi khí và tâm thức tập chú vào trong hệ thống năng lực của thân thể để sản xuất ra giấc mộng đặc biệt. Giấc mộng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những biến cố và kinh nghiệm của ban ngày trước đó. Bằng cách khảo sát tất cả những thứ nối kết với một giấc mộng, một số lớn thông tin trở nên có thể dùng được.
Không còn thức dậy để thực hành lần nào nữa, nhưng dĩ nhiên bạn sẽ lại thức dậy để bắt đầu ngày mới. Khi thức dậy, hãy cố gắng tỉnh dậy trong sự hiện diện, trong tỉnh giác về sự tỉnh dậy. Mục tiêu của thực hành là phát triển sự liên tục của tỉnh giác qua suốt đêm, trải qua những thời kỳ ngủ và thức, và suốt qua cả ngày.
TƯ THẾ
Những tư thế khác nhau của thân thể mở ra hay đè ép những kinh mạch năng lực riêng biệt và ảnh hưởng dòng chảy của năng lực vi tế. Chúng ta dùng cái hiểu này để hỗ trợ những tiến trình đặc biệt trong sự thực hành. Truyền thống Tây Tạng xem những xúc tình tiêu cực gắn bó mật thiết với kinh mạch căn bản bên phía phải của thân thể nơi đàn ông và bên phía trái nơi đàn bà. Khi một người đàn ông ngủ nằm bên phải, kinh mạch chuyên chở hầu hết khí tiêu cực bị đóng bớt và kinh mạch trái mở ra. Cũng thế, phổi bên phía phải bị nén lại một chút và phổi đối diện chịu trách nhiệm hơn một chút về việc thở. Chắc chắn bạn đã quen thuộc với những hậu quả từ việc nằm bên nào : khi bạn nằm bên phía phải bạn thấy dễ thở hơn qua lỗ mũi trái. Đối với nam giới, chúng ta thấy tư thế này lợi cho sự chuyển động của khí tích cực và trí huệ qua kinh mạch trái. Nữ giới có lợi cho phía ngược lại, mở kinh mạch bên phía phải khi ngủ ngược lại, mở kinh mạch trí huệ bên phía phải khi ngủ nằm bên trái. Điều này ảnh hưởng những giấc mộng theo một cách tích cực và khiến thực hành giấc mộng dễ dàng hơn. Mở dòng chảy của khí trí huệ là một biện pháp tạm thời, vì cuối cùng chúng ta muốn khí đã được cân bằng chảy vào kinh mạch trung ương.
Hơn nữa, do chú ý đến tư thế, tỉnh giác được giữ vững hơn trong suốt giấc ngủ. Ở xứ sở nơi từ đó tôi đến đây, hầu hết dân chúng ngủ trên một tấm thảm Tây Tạng khoảng một hai thước. Nếu người ta cử động quá nhiều, người ta sẽ rớt khỏi giường. Nhưng ít khi điều này xảy ra, vì khi người ta ngủ trên một cái gì hẹp, tư thế thân thể được giữ trong tâm thức đang ngủ suốt cả đêm. Chẳng hạn, nếu người ta ngủ trên một cạnh gờ hẹp, người ta duy trì đủ tỉnh giác để giữ không cho lăn xuống giường. Ở đây, trong những cái giường rộng của Tây phương, người ngủ có thể xoay vòng như kim đồng hồ mà không rớt, nhưng giữ tư thế dầu sao cũng giúp cho duy trì tỉnh giác.
Bạn có thể thí nghiệm điều này khi bạn thấy sự tập trung của bạn bị phân tán. Hãy thay đổi tư thế của bạn và làm bình lặng, êm nhẹ hơi thở ; bạn sẽ thấy bạn tập trung rất tốt. Thở, sự chuyển động của khí, tư thế của thân, những tư tưởng và phẩm tính của tâm thức tất cả đều liên hệ lẫn nhau ; khám phá sự hiểu biết này cho phép hành giả phát sanh một cách có ý thức những kinh nghiệm tích cực.
TẬP CHÚ TÂM THỨC
Cũng như nhiều tư thế thân thể làm thay đổi dòng năng lực và ảnh hưởng đến tính chất của kinh nghiệm, cũng thế là những quán tưởng khác nhau tập chú trong thân. Mỗi một cái trong bốn phần của thực hành chính bao gồm tập chú vào một ánh sáng màu và một tiglé hay chữ trong một của bốn luân xa.
Khi chúng ta quán tưởng một hoa sen, một tiglé hay chữ có màu ở chỗ một luân xa, những vật ấy không thực sự ở đó. Sự quán tưởng giống như một hình vẽ hay biểu tượng tượng trưng cho những kiểu mẫu và phẩm tính của năng lực di chuyển qua chỗ ấy. Dùng những hình ảnh ấy, tâm thức có khả năng hơn để nối kết với những kiểu mẫu năng lực riêng biệt trong những nơi chốn chính xác của chúng trong thân thể, và tâm thức chúng ta chịu ảnh hưởng bởi sự nối kết ấy. Màu sắc cũng có một hiệu quả trên ý thức, như chúng ta biết trong kinh nghiệm hàng ngày : nếu chúng ta vào một căn phòng sơn toàn màu đỏ, kinh nghiệm của chúng ta hoàn toàn khác với khi chúng ta vào một căn phòng màu trắng, màu lục hay màu đen. Màu sắc được dùng trong quán tưởng để giúp thiết lập một phẩm tính riêng biệt trong tâm thức.
Khi chúng ta thiền định, chúng ta có khuynh hướng nghĩ sự tập trung và phóng dật như là một công tắc điện hoặc bật hay đóng, nhưng không phải như vậy. Tỉnh giác có thể được tập chú trong nhiều mức cường độ khác nhau. Chẳng hạn, khi tôi ra khỏi một cuộc nhập thất dài ngày trong bóng tối, mọi hiện tượng thuộc về nhãn quan đều cực kỳ mãnh liệt. Những nhà cửa và cây cối, mỗi màu sắc và mỗi sự vật đều rung động. Khi tôi thấy cũng những hình ảnh đó mỗi ngày, chúng không có gì đáng chú ý, nhưng sau năm mươi ngày hoàn toàn trong tối, sự tập chú vào cái nhìn thấy của tôi mạnh đến nỗi mọi sự đều cực kỳ sống động. Ngày tháng đi qua, những hiện tượng nhãn quan có vẽ mờ đi, nhưng dĩ nhiên những hiện tượng nhãn quan không thay đổi – chính sự tỉnh giác của tôi về chúng đã giảm sút. Dù những trường hợp kinh nghiệm của tôi là không bình thường, chúng cũng minh họa một nguyên tắc tổng quát. Mọi kinh nghiệm của chúng ta sẽ sống động hơn nếu chúng ta có cường độ lớn hơn trong sự tập chú của tỉnh giác của chúng ta.
Trong thực hành cũng có những cấp bực trong mức độ tập chú. Khi mới bắt đầu quán tưởng vào ban đêm, có một sự tập chú rất mạnh mẽ vào tiglé. Khi thân thể thư giãn và giấc ngủ đến, những hình tướng của sự quán tưởng yếu đi. Những giác quan mờ nhạt và nghe ngửi, xúc chạm... kém đi. Sự mờ nhạt của cả những giác quan và sự quán tưởng là do sự tập chú của tỉnh giác giảm cường độ và sắc bén. Tiếp theo, hầu như không có cảm nhận gì nữa, là một mức độ khác của tập chú. Cuối cùng, không có kinh nghiệm giác quan nào cả và không có hình ảnh quán tưởng.
Khó nhận xét những phát biểu tinh vi này, nhưng chúng trở nên rõ ràng khi có nhiều tỉnh giác được đưa vào tiến trình rơi vào giấc ngủ. Dù sau khi những hình ảnh và giác quan hoàn toàn tối, sự hiện diện vẫn có thể duy trì được. Cuối cùng bạn sẽ có thể đi vào giấc ngủ trong khi tập chú vào chữ A và rồi ở suốt đêm trong sự hiện diện thuần túy mà chữ A đại diện. Khi bạn làm thế, ngày cả những khoảnh khắc đầu tiên của tỉnh giác vào buổi sáng sẽ xảy ra trong sự hiện diện thuần túy.
Chắc chắn bạn đã có những kinh nghiệm duy trì một sự tập chú suốt cả đêm. Chẳng hạn khi bạn cần thức dậy sớm theo sắp xếp, một tỉnh giác nào đó đã có trải qua giấc ngủ. Như bạn cần thức dậy vào lúc năm giờ sáng. Bạn đi ngủ nhưng vẫn giữ sự tỉnh giác để coi chừng đồng hồ. Sự tỉnh giác về nhu cầu dậy sớm vẫn duy trì dù bạn không quá ý niệm về nó, không suy nghĩ về nó. Sự tập chú rất vi tế. Đây là loại tập chú để đưa vào thực hành, không phải là sự tập chú mạnh mẽ, mà là một sự dính dáng nhẹ nhàng, dịu dàng mà bền bĩ. Nếu bạn vui vẻ trước khi ngủ vì một cái gì tuyệt diệu xảy ra trong đời bạn, mỗi khi thức dậy, bạn thức dậy với niềm vui. Nó tiếp tục qua giấc ngủ ; bạn không cần bám lấy nó một cách cứng ngắc. Tỉnh giác của bạn chỉ ở lại với nó. Đây là cách với tiglé : hãy ngủ với nó như bạn ngủ với niềm vui.
Có hai tương quan khác biệt với những hiện tượng liên quan đến sự tập chú vào tiglé. Trong một tương quan, những hiện tượng được tâm thức nắm lấy. Trong cái kia, những hiện tượng xuất hiện với tâm thức. Nắm lấy là một hình thức thô của tương tác nhị nguyên. Đối tượng được xử sự như một thực thể tách biệt, độc lập – và tâm thức bám chấp vào nó. Khi sự bám nắm giảm đi, không có nghĩa là nhị nguyên biến mất –những hiện tượng vẫn còn sanh khởi trong kinh nghiệm và được ý niệm hóa như những thực thể tách biệt – mà sự ý niệm hóa là tinh vi hơn. Có thể nói rằng cái thứ nhất là một sự ý niệm hóa hiếu chiến, chủ động hơn, cái thứ hai là một sự ý niệm hóa thụ động và yếu ớt hơn. Vì nó yếu hơn, nó cũng dễ dàng hơn để tan biến vào rigpa bất nhị.
Chúng ta bắt đầu sự thực hành với hình thức nhị nguyên thô. Hãy ý niệm hóa đối tượng và phát triển một kinh nghiệm về nó càng mạnh mẽ càng tốt bằng cách dùng những giác quan tưởng tượng : hãy cố gắng quán tưởng nó rõ ràng và còn quan trọng hơn, hãy cảm thấy nó và để cho nó ảnh hưởng những cảm giác trong thân thể và năng lực, và phẩm tính của tâm thức. Sau khi thiết lập một cách mạnh mẽ đối tượng trong tỉnh giác, hãy nới lỏng sự tập chú. Để cho đối tượng xuất hiện không cố gắng, nghỉ ngơi dưới bề mặt của ý thức, hãy móc nối tâm thức với đối tượng, như tâm thức được nối kết với nhu cầu thức dậy theo một giờ sắp xếp hay với một niềm vui lớn lao. Không cần cố gắng hay tập trung – đối tượng ở đó và bạn ở cùng với nó. Bạn không tạo ra nó nữa, bạn đang thừa nhận nó, quan sát nó. Đây cũng giống như nằm dài trong mặt trời ấm áp với đôi mắt nhắm ; không tập trung vào mặt trời “ngoài kia”, bạn vẫn ấm áp với ánh sáng, mà cũng không lìa khỏi nó. Không phải là bạn có một kinh nghiệm về ấm áp và ánh sáng – bạn không cần cố gắng giữ sự tập trung về chúng – kinh nghiệm của bạn là ấm áp và ánh sáng, bạn hòa lẫn với nó. Đây là cách làm thế nào để ở với sự quán tưởng trong khi thực hành.
Một vấn đề thường gặp lúc bắt đầu thực hành là sự đứt đoạn của giấc mộng xảy ra khi sự tập chú được giữ quá chặt. Sự tập chú cần nhẹ nhàng : nó “ở với” tiglé hơn là cưỡng ép tâm thức vào đó. Sự so sánh với điều này trong giấc ngủ bình thường là sự khác biệt giữa việc có những hình ảnh và tư tưởng trôi dạt qua tâm thức khi bạn ngủ và việc trụ vào một đối tượng một cách xúc động và căng thẳng, điều này dẫn đến chứng mất ngủ. Hãy để kinh nghiệm dạy bạn ; hãy chú ý đến cái gì hiệu quả và cái gì không, và chỉnh đốn. Nếu sự thực hành giữ bạn tỉnh táo mãi, hãy giảm bớt sức mạnh tập chú cho đến khi bạn ngủ được.
Tập chú vào tiglé hay chữ, hoặc bằng bám nắm hay bằng cách để cho nó xuất hiện, chỉ là một bước đầu tiên. Ý định thực sự là trở nên hợp nhất với đối tượng. Chúng ta hãy lấy chữ A chẳng hạn. A là biểu tượng của trạng thái tự nhiên không sanh, không biến đổi của tâm thức ; thay vì tập chú vào nó như một đối tượng, tốt hơn là hòa lẫn với tinh túy toàn khắp mà nó tượng trưng. Thực ra điều này xảy ra mỗi đêm, bởi vì rơi vào giấc ngủ là “rơi vào” rigpa thanh tịnh, thuần túy, nhưng khi người ta bị đồng hóa với tâm thức ý niệm thô kệch – nó sẽ ngừng hoạt động trong giấc ngủ sâu – thì kinh nghiệm là vô thức hơn là rigpa. Rigpa có thể được khám phá trong giấc ngủ bởi vì nó đã có sẵn ở đó.
Vượt khỏi việc để cho đối tượng xuất hiện với tâm thức, có trạng thái bất nhị. Tâm thức vẫn còn tập chú, nhưng không có sự đồng hóa với những ý niệm, và tư tưởng không được dùng để quán tưởng tiglé hoặc chữ A. Tâm thức chỉ đơn giản hiện diện trong tỉnh giác mà không phân chia thành chủ thể và đối tượng. Khi có tỉnh giác tập chú nhưng không có người tập chú và không có đối tượng, bạn có thật nghĩa của tỉnh giác bất nhị. Trong trạng thái bất nhị, A không là “ở kia” và bạn không là “ở đây”. Hình ảnh có thể còn hay không còn, nhưng bất luận trường hợp nào, kinh nghiệm không phân chia thành chủ thể và đối tượng. Chỉ có A và bạn là nó. Đây là ý nghĩa chữ A trong sáng nhuốm màu đỏ bởi ánh sáng của những cánh hoa sen : bạn là tánh giác thuần túy bất nhị tượng trưng bởi chữ A và khi kinh nghiệm khởi lên, nó được tượng trưng bởi màu đỏ của những cánh hoa, nó nhuộm màu chữ A nhưng sự sáng rỡ của hiện diện bất nhị không mất.
Thường thường những hành giả nói họ phải có một thời gian nhọc nhằn để duy trì sự quán tưởng, hay sự quán tưởng ngăn cản giấc ngủ. Hiểu sự tiến bộ này trong thực hành sẽ soi sáng một số những vấn đề này. Sự tiến bộ là thấy nó, cảm thấy nó và rồi là nó. Khi bạn hoàn toàn hòa lẫn với đối tượng, sự quán tưởng có thể ngừng lại, và điều này cũng tốt.
Giáo lý cũng chỉ cho loại tập chú vào lúc chết. Khi sự hiện diện được duy trì trải qua cái chết, toàn thể tiến trình là rất khác. Duy trì sự hiện diện này quả thực là tinh túy của thực hành chuyển di tâm thức vào lúc chết (phowa). Trong sự thực hành này, ý định là chuyển tâm thức trực tiếp vào trong không gian thuần túy của tỉnh giác (dharmakaya*, pháp thân). Nếu thành công, hành giả sẽ không trải nghiệm sự ồn ào và phóng dật của kinh nghiệm sau cái chết mà thay vào đó là được giải thoát trực tiếp vào tịnh quang.
Không có khả năng an trụ trong sự hiện diện thuần túy, chúng ta phóng dật và lang thang vào giấc mộng, vào ảo tưởng, vào sanh tử, vào đời sau, nhưng nếu chúng ta duy trì được sự hiện diện thuần túy chúng ta thấy mình ở trong tịnh quang suốt đêm, chúng ta an trụ trong bản tánh của tâm thức suốt ngày, và chúng ta được giải thoát khi bước vào trung ấm sau cái chết.
Để kinh nghiệm những quán tưởng ảnh hưởng lên ý thức như thế nào, hãy thử làm điều này : hãy tưởng tượng đang ở trong bóng tối hoàn toàn, tối đen toàn diện. Không chỉ là bóng tối quanh bạn, mà bóng tối trong cái nhìn của bạn, trên da bạn, trên và dưới bạn, trong mỗi tế bào của thân thể bạn. Hầu như bạn có thể cảm thấy, ngửi thấy, và nếm được bóng tối.
Bây giờ hãy tưởng tượng bóng tối thình lình tan biến để cho ánh sáng sáng tỏ, toàn khắp chung quanh bạn và trong bạn, ánh sáng toàn khắp chính là bạn.
Bạn sẽ có thể cảm thấy sự khác biệt trong hai quán tưởng này qua những giác quan vi tế tưởng tượng chúng soi sáng thế giới bên trong của bạn, không chỉ phương diện nhãn quan của tưởng tượng. Trong bóng tối bạn có một kinh nghiệm, có lẽ cả một chút sợ hãi hay hung nộ, nhưng trong ánh sáng thì có sự rõ ràng sáng tỏ.
Ở đây là một thí nghiệm khác để cho bạn một kinh nghiệm nào đó về loại tập chú mà sự thực hành đòi hỏi. Hãy thư giãn thân thể bạn. Hãy tưởng tượng một chữ A màu đỏ, sáng rỡ trong luân xa cổ họng của bạn. Ánh sáng đỏ thì đậm, lộng lẫy, lôi cuốn. Hãy dùng trí tưởng tượng của bạn để cảm thấy ánh sáng, để cho nó làm bình an bạn, thư giãn bạn, làm bình lặng thân tâm bạn, chữa lành cho bạn. Ánh sáng rộng ra, tràn đầy luân xa cổ họng và rồi toàn thân bạn. Khi đến đâu, nó làm thư giãn mọi căng thẳng. Mọi thứ nó chạm đến đều biến tan thành ánh sáng đỏ. Toàn thể thân bạn tan vào ánh sáng đỏ. Hãy để cho ánh sáng thấm khắp sự tỉnh giác của bạn để mọi cái bạn thấy đều là ánh sáng đỏ sáng rỡ, mọi cái bạn cảm nhận là ánh sáng đỏ bình an, mọi âm thanh bạn nghe là ánh sáng đỏ thanh bình. Chớ nghĩ về điều này mà hãy kinh nghiệm nó. Để cho tâm thức bạn là ánh sáng đỏ đến độ không có một “cái bạn” nào đang biết về một đối tượng, chỉ có ánh sáng đỏ là chính bản thân tỉnh giác. Hãy cho phép bất kỳ cái gì khởi lên như một chủ thể hay đối tượng tan biến vào ánh sáng đỏ. Mọi sự – thân thể và năng lực, thế giới và biến cố trong tâm – tan biến cho đến khi bạn hoàn toàn hòa lẫn với ánh sáng đó. Không có “trong” hay “ngoài”, chỉ ánh sáng đỏ. Đây là như thế nào hòa lẫn với A và như thế nào tập chú vào ban đêm, hợp nhất với đối tượng của sự quán tưởng.
TRÌNH TỰ
Những thực hành luôn luôn cần làm theo thứ tự. Phần một, tập chú vào chữ A trong cổ họng, được làm trước tiên khi đi ngủ. Lý tưởng là phần hai được làm hai giờ sau, phần ba hai giờ sau đó, và phần bốn sau hai giờ nữa. Thức dậy suốt đêm giữ cho giấc ngủ nhẹ nhàng và làm cho nó dễ hơn để hoàn thành yoga giấc mộng. Không cần chia đêm làm những phần đúng y hai giờ, dù bạn có thể dùng đồng hồ báo thức ; điểm cốt yếu là làm việc với ba khoảng thời gian thức. Chúng ta nghĩ rằng khoảng thời gian là hai giờ bởi vì người ta thường ngủ khoảng tám giờ mỗi đêm. Dù chương trình thức giấc này làm tăng trưởng sự sáng tỏ, cũng quan trọng là được nghỉ ngơi, thế nên chớ lo lắng nếu bạn bỏ qua một khoảng thực hành và chỉ làm ba phần. Hay dù cho bạn bỏ mất ba và chỉ làm có một phần. Hãy làm đến mức tốt nhất của bạn, và cái gì bạn không thể làm, chớ có lo phiền về nó. Đây là một bí mật quan trọng của sự thực hành ! Lo âu sẽ chẳng giúp gì cho sự thực hành của bạn. Nhưng bạn cũng không nên mất sức mạnh của ý định làm cho tốt hơn. Hãy làm đến mức tốt nhất bạn có thể.
Thế nên bạn làm gì nếu sau phần thực hành thứ nhất bạn ngủ luôn và không thức dậy được cho đến sáng ? Bấy giờ hãy thực hành phần thứ hai, không phải phần thứ ba hay thứ tư. Chớ bao giờ nhảy cách quảng một trong bốn thực hành sơ khởi. Có sự nhất quán trong những kết quả của sự thực hành bởi vì mọi yếu tố liên kết : những luân xa, màu sắc, thiền định, thời giờ, nguyên tố, năng lực và tư thế khác nhau, tất cả làm việc chung để sản sanh những kinh nghiệm riêng biệt và phát triển một số khả năng nào đó trong hành giả. Mỗi giai đoạn của thực hành khơi dậy một phẩm tính năng lực riêng biệt của ý thức, nó được hòa hợp với tỉnh giác và mỗi phẩm tính hỗ trợ sự phát triển của cái tiếp theo. Bởi vì có loại phát triển này, quan trọng là bốn thời được làm theo thứ tự.
Phần thứ nhất của sự thực hành thấm nhuần phương diện bình an của những giấc mơ. Nếu bạn chỉ làm một phần thực hành, rất dễ làm việc với phương diện bình an này hơn là chẳng hạn với phương diện hung nộ. Hiện diện trong một hoàn cảnh bình an thì dễ hơn một hoàn cảnh gây sợ hãi. Một nguyên lý tổng quát của thực hành là chúng ta thường làm hơn với hoàn cảnh dễ làm chủ hơn và rồi thực hành với những hoàn cảnh khó khăn hơn khi chúng ta phát triển. Trong trường hợp này, trước tiên chúng ta phát triển sự vững chắc trong hiện diện, và rồi làm việc với những phương diện thách thức hơn của kinh nghiệm : tăng cường sáng tỏ, phát triển quyền năng và rồi sự tưởng tượng hung nộ.
Phần thực hành thứ nhất không phải là cố gắng phát triển một cái gì mà là khám phá lại cái tỉnh giác nghỉ ngơi. Nó ít cố gắng để “làm” và nhiều cho phép được “là”. Như thể sau khi chạy vòng vòng suốt ngày, bạn về nhà và thư giãn trong những giấc mộng an bình hiền lành. Cần một ít thời gian để nghỉ ngơi và được tái tạo. Luân xa được sử dụng là luân xa cổ họng, nó liên kết về mặt năng lực với tiềm năng và sự bành trướng và sự co rút.
Sau hai giờ bạn thức dậy. Bạn cần đi khá sâu vào giấc ngủ để được nghỉ ngơi và thư giãn, và điều này làm thay đổi thái độ và phẩm tính của tâm thức. Trong thời thực hành đầu tiên, sự vững chắc và tập chú được trau dồi, nó như căn cứ của thân thể. Trong thời thứ hai, bạn cần trang sức thân thể, phát triển sự sáng tỏ như một đồ trang sức của hiện diện vững chắc. Bởi thế, điểm tập chú là luân xa trong trán, giữa hai lông mày, nó nối kết với sự mở ra và tăng cường sự sáng tỏ.
Nếu vững chắc được phát triển trong thời thứ nhất và sáng tỏ trong thời thứ hai, bấy giờ quyền năng có thể được phát triển trong thời thứ ba. Điểm tập chú là luân xa hầu như là trung tâm trong thân, luân xa tim, nó nối kết với nguồn của sức mạnh. Điều này không có nghĩa rằng bởi vì bạn mộng trong thời gian này bạn sẽ có quyền năng trong giấc mộng. Quyền năng được phát triển như một kết quả của thực hành và của hai thời trước. Quyền năng được trau dồi ở đây không phải là một quyền năng cứng cỏi và hiếu chiến, mà là quyền năng đối với những tư tưởng và những cái nhìn thấy, quyền năng thoát khỏi phản ứng thói quen khi gặp những hình tướng. Như một ông vua ngồi trên ngai mình – chỗ ngồi của quyền năng vua – bạn ngồi trong căn cứ của quyền năng bạn, trong tánh tỉnh giác thuần túy thanh tịnh.
Trong phần thứ tư của đêm – đặt căn cứ trên sự vững chắc, sáng tỏ và quyền năng – sự không sợ hãi được phát triển. Chúng ta có trong mình những nguyên nhân cho những giấc mơ đáng sợ, và sau một số thành tựu trong ba giai đoạn đầu, chúng ta kêu gọi chúng bằng cách tập chú vào trong tiglé màu đen trong luân xa bí mật, luân xa nối kết nhiều nhất với những dấu vết nghiệp hung nộ. Sự phát sanh những giấc mộng đáng sợ ở đây là một kết quả của thực hành và hành giả được khuyến khích tiếp tục những giấc mơ loại này, để dùng sự thực hành chuyển hóa ngay cả những dấu vết nghiệp hung nộ thành con đường. Chúng ta thử nghiệm sự phát triển của chúng ta trong thực hành theo cách này và làm mạnh hơn nữa sự vững chắc, sáng tỏ và quyền năng mà chúng ta đã trau dồi. Những hình ảnh kinh khủng không gây ra những xúc động đáng sợ nữa mà được chào đón như những cơ hội đểû phát triển thực hành.
Có một cách chọn lựa : bạn có thể, nếu muốn, tập chú chỉ vào một điểm thực hành cho đến khi đạt được những kết quả tương ứng. Những thực hành vẫn phải làm theo thứ tự, nhưng trong trường hợp này bạn làm việc chỉ với phần thứ nhất của sự thực hành mỗi khi bạn thức dậy, lập lại nó nhiều lần suốt ngày, cho đến khi bạn có kinh nghiệm phát sinh những giấc mơ bình an và sự vững chắc của tỉnh giác. Sau khi có một thành tựu nào đó trong phần thứ nhất, bạn có thể chỉ làm với phần thứ hai, tăng cường sự sáng tỏ, nhiều đêm cho đến khi nó phát sanh những giấc mơ có phẩm tính của phần thực hành này và có sự tăng cường nào đó về sự sáng tỏ suốt ban đêm. Bấy giờ thực hành cái thứ ba cho đến khi những kết quả biểu lộ, và cuối cùng thực hành cái thứ tư. Nhưng chớ làm phần thứ hai nếu bạn chưa làm phần thứ nhất, hay phần thứ tư nếu bạn chưa làm phần thứ ba. Xin nói lại : trình tự là quan trọng.
Một số người sẽ cảm thấy chìm ngập bởi sự có vẻ phức tạp của thực hành, nhưng nó chỉ có vẻ như vậy vào lúc bắt đầu. Khi làm chủ được yoga giấc mộng, sự thực hành trở nên càng lúc càng dễ dàng. Khi tỉnh giác được vững chắc, người ta không cần làm bất kỳ hình thức riêng nào của thực hành. Đã đủ khi chỉ an trụ trong hiện diện và những giấc mộng sẽ tự nhiên rõ ràng. Sự thực hành chỉ có vẻ phức tạp bởi vì một số yếu tố khác nhau làm việc hòa điệu để hỗ trợ tốt nhất cho hành giả, và chính riêng trong lúc ban đầu thực hành mà chúng ta cần sự hỗ trợ nhất. Hãy để thời giờ để hiến trọn vẹn mỗi yếu tố trong những chuẩn bị và những thực hành và dùng chúng với nhau. Một khi bạn đã sáng sủa minh bạch trong giấc mộng, bạn có thể thí nghiệm đơn giản hóa sự thực hành.
6 Sáng Sủa Minh Bạch Nếu có ai nói với chúng ta họ đã để nhiều năm nhập thất, chúng ta sẽ có ấn tượng, và đúng như vậy ; loại nỗ lực này cần thiết để đạt giác ngộ. Nhưng trong đời sống bận rộn của chúng ta, một sự việc như vậy xem ra là không thể được. Chúng ta có thể muốn làm một nhập thất ba bốn năm nhưng cảm thấy rằng những hoàn cảnh của chúng ta không bao giờ cho phép điều đó. Nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều có khả năng làm một thực hành như vậy. Trong mười năm tới của đời mình, chúng ta sẽ tiêu hơn ba năm để ngủ. Trong những giấc mơ bình thường chúng ta có thể có những kinh nghiệm đáng yêu, nhưng chúng ta cũng có thể thực hành sự giận dữ, ghen ghét hay sợ hãi. Có lẽ có những kinh nghiệm tình thức chúng ta cần có, nhưng chúng ta không cần tiếp tục theo cách làm cho chúng ta tăng thêm khuynh hướng thói quen bám chấp vào và chìm ngập bởi những xúc động và tưởng tượng. Tại sao thay vào đó chúng ta không thực hành con đường ? Ba năm ngủ này có thể được tiêu dùng cho thực hành. Một khi sự minh bạch đã vững chắc, thực hành nào cũng có thể làm được trong giấc mộng, một số còn hiệu quả hơn và với nhiều kết quả hơn khi chúng được làm ban ngày khi thức.
Yoga giấc mộng phát triển khả năng mà tất cả chúng ta đều có để cho việc nằm mộng sáng sủa minh bạch. Một giấc mộng sáng sủa, trong bối cảnh này, là một giấc mộng trong đó người nằm mộng tỉnh biết suốt giấc mộng mà anh ta hay chị ta mộng ra. Nhiều người, có lẽ hầu hết, đã có ít ra một kinh nghiệm về giấc mộng minh bạch. Có thể là một giấc ác mộng trong đó người ta biết rằng người ta đang trong một giấc mộng và tỉnh dậy để thoát khỏi. Hay đó có thể chỉ là một kinh nghiệm khác thường. Một số người thường hay có những giấc mộng minh bạch mà không có ý định chủ ý nào để làm như thế. Vì những thực hành sơ bộ và chính yếu được hòa nhập vào đời sống của hành giả, những giấc mộng minh bạch sẽ bắt đầu nảy ra thường hơn. Giấc mộng minh bạch tự nó không phải là mục đích của sự thực hành, nhưng nó là một phát triển quan trọng dọc theo con đường yoga này.
Có nhiều mức độ của giấc mộng minh bạch. Ở mức độ cạn, người ta có thể biết rằng người ta đang trong mộng nhưng có một ít sáng tỏ và không có quyền năng ảnh hưởng lên giấc mộng. Minh bạch được tìm thấy nhưng rồi mất, và cái trình tự logic của giấc mộng đánh bại chủ ý của người mộng. Ở cuối đường của sự phát triển, những giấc mộng minh bạch có thể rõ ràng đến phi thường, có vẻ còn thực hơn kinh nghiệm bình thường khi tỉnh thức. Với kinh nghiệm, tự do lớn hơn được phát triển trong mộng và những giới hạn của tâm thức được vượt qua, cho đến khi người ta có thể làm theo nghĩa đen cái gì người ta có thể nghĩ ra để làm.
Rõ ràng, những giấc mộng không xảy ra trong cùng một khía cạnh của thực tại như đời sống lúc thức. Có một chiếc xe hơi trong giấc mộng không có nghĩa là bạn sẽ không dùng xe buýt đi làm việc vào buổi sáng. Trong nghĩa này, chúng ta có thể thấy những giấc mộng là không thỏa mãn : Chúng ta cảm thấy chúng không “thực”. Tuy những công việc chuyển hóa tâm lý chưa hoàn thành, hay những khó khăn về năng lực chưa được vượt qua, những hiệu quả của giấc mộng có thể kéo dài vào đời sống lúc thức. Quan trọng nhất, trong giấc mộng những giới hạn của tâm thức có thể bị thách thức và vượt thắng. Vì như vậy, chúng ta phát triển sự linh hoạt, mềm dẻo của tâm thức, và điều này quan trọng nhất.
Tại sao sự linh hoạt, mềm dẻo của tâm thức thì quan trọng như vậy ? Bởi vì những cứng nhắc của tâm thức, những giới hạn của những quan kiến sai lầm làm che tối trí huệ và bóp nghẹt kinh nghiệm, giữ chúng ta bị mắc bẫy trong những bản sắc huyễn ảo và ngăn chúng ta tìm thấy tự do. Suốt cuốn sách này tôi nhấn mạnh vô minh, bám chấp và ác cảm quy định chúng ta và giữ chúng ta bị giam nhốt trong những khuynh hướng nghiệp lực tiêu cực. Để tiến bộ trên con đường tâm linh chúng ta phải làm nhẹ bám chấp và ác cảm cho đến khi chúng ta có thể thâm nhập vào vô minh tận nền tảng của chúng ta và khám phá trí huệ đằng sau đó. Sự linh hoạt của tâm thức là khả năng mà khi đã được phát triển, cho phép chúng ta đánh bại bám chấp và ác cảm. Nó cho phép chúng ta thấy những sự vật trong một cách mới và đáp ứng một cách tích cực hơn là bị dẫn dắt một cách mù lòa bởi những phản ứng thói quen.
Những người khác nhau chia xẻ cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng sai khác nhau. Một số bám chấp nhiều và một số bám chấp ít. Càng nhiều bám chấp – càng nhiều phản ứng từ sự bị điều kiện hóa theo nghiệp lực – chúng ta càng bị sai sử bởi những kinh nghiệm chúng ta gặp phải. Với sự mềm dẻo khá đủ, chúng ta không bị nghiệp dẫn dắt. Một tấm gương không chọn lựa cái nó phản chiếu ; mọi sự được tiếp đón để đến và đi vào trong bản tánh thanh tịnh của chúng. Tấm gương theo nghĩa này, là linh hoạt mềm dẻo, và nó như vậy bởi vì nó không bám chấp cũng không từ chối. Nó không cố gắng bám lấy một phản chiếu và khước từ một cái khác. Chúng ta thiếu sự linh hoạt này vì chúng ta không hiểu rằng bất cứ cái gì xuất hiện trong tánh tỉnh giác chỉ là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta.
Trong những giấc mộng minh bạch, chúng ta thực hành chuyển hóa bất kỳ cái gì mình gặp. Không có biên giới nào của kinh nghiệm không thể bị phá vỡ trong giấc mộng ; chúng ta có thể làm với bất kỳ cái gì xảy ra cho chúng ta. Khi chúng ta phá vỡ những giới hạn theo thói quen của kinh nghiệm, tâm thức trở nên càng ngày càng mềm dẻo và linh hoạt. Trước tiên chúng ta phát triển sự sáng sủa minh bạch và rồi sự linh hoạt, và rồi chúng ta áp dụng sự linh hoạt của tâm thức cho tất cả đời sống của chúng ta. Chúng ta ít bị ngăn chướng bởi những bản sắc thói quen của chúng ta khi chúng ta có kinh nghiệm về chuyển hóa chúng và để mặc chúng. Chúng ta ít bị bó hẹp bởi những tri giác theo thói quen của chúng ta khi chúng ta có kinh nghiệm về sự tương đối và dễ uốn nắn của chúng.
Cũng như những hình ảnh mộng có thể được chuyển hóa trong giấc mộng, những trạng thái phiền não là những giới hạn của ý niệm có thể được chuyển hóa trong đời sống khi thức. Với kinh nghiệm về bản tánh như mộng và mềm dẻo của kinh nghiệm, chúng ta có thể chuyển hóa đau buồn thành hạnh phúc, sợ hãi thành can đảm, giận dữ thành tình thương, không hy vọng thành niềm tin, phóng dật thành hiện diện. Cái gì không tốt lành chúng ta có thể biến đổi thành tốt lành. Cái gì tối tăm chúng ta có thể thay đổi thành ánh sáng. Cái gì bó buộc chật hẹp và cứng đặc chúng ta có thể thay đổi thành rỗng rang và khoáng đạt. Hãy thách thức những biên giới đang bó buộc bạn. Mục tiêu của những thực hành này là hội nhập sự minh bạch và linh hoạt vào mỗi phút giây của đời sống, và buông bỏ cách thế bị điều kiện hóa nặng nề chúng ta có từ việc áp đặt lên thực tại, tạo ra ý nghĩa và bị mắc bẫy trong vọng tưởng.
PHÁT TRIỂN TÍNH LINH HOẠT MỀM DẺO
Những giáo lý gợi ý nhiều điều để làm trong giấc mộng sau khi sự minh bạch đã được phát triển. Bước đầu tiên trong sự phát triển tính linh hoạt trong giấc mộng, cũng như lúc thức, là nhận ra tiềm năng để làm việc đó. Khi chúng ta nghĩ về những khả năng mà giáo lý gợi ý, tâm thức hội nhập chúng vào tiềm năng của nó. Chúng ta trở nên có khả năng về những kinh nghiệm mà có thể chúng ta chưa từng ý niệm ra trước đó.
Tôi có một máy vi tính xách tay, nó là một trò vui để khám phá. Nếu tôi chọn mở một phần mục trên màn hình, một lô dữ liệu mở ra. Chọn một phần khác, và một cái gì khác xuất hiện trên màn hình. Tâm thức thì như thế. Sự chú ý đi đến cái gì đó và nó giống như chọn mở một phần mục ; thình lình một chuỗi tư tưởng và hình ảnh xuất hiện. Tâm thức nắm giữ sự chọn mở, sự chuyển dịch từ vật này đến vật khác. Đôi khi chúng ta có hai “cửa sổ” được mở, như khi chúng ta đang nói với ai đó và cũng nghĩ đến điều khác. Khi bình thường chúng ta không nghĩ đến điều này là có vô số bản ngã hay vô số bản sắc, chúng ta có thể biểu lộ những bản ngã vô số này trong một giấc mộng. Hơn là chỉ đơn giản có sự chú ý bị phân chia, trong giấc mộng chúng ta có thể phân chia thành những thân thể khác nhau đồng thời hiện hữu trong mộng.
Sau khi chơi với cái máy vi tính của tôi, một ngày nọ tôi mơ thấy mình đang nhìn vào một màn hình trên đó những phần mục xuất hiện mà tôi có thể chọn mở với tâm thức tôi, biến đổi toàn thể môi trường chung quanh. Một đề mục về rừng xuất hiện và khi tôi chọn mở nó, tôi ở trong rừng. Rồi một đề mục về đại dương, và sau khi chọn nó, tôi thình lình ở trong một khung cảnh đại dương. Khả năng làm điều này đã có sẵn trong tâm thức tôi, nhưng cách nó khởi lên như là một khả tính cho kinh nghiệm thì đến từ sự tương tác với cái máy vi tính của tôi. Những tư tưởng và kinh nghiệm của chúng ta ảnh hưởng những tư tưởng và kinh nghiệm khác nữa. Thực hành giấc mộng tác động theo sự kiện này. Những giáo lý trình bày cho chúng ta những ý niệm mới, những khả tính mới, và những dụng cụ để thực hiện những khả tính này, và rồi chúng ta có nhiệm vụ phải biểu lộ chúng trong những giấc mộng và đời sống khi thức.
Chẳng hạn, những giáo lý nói về sự nhân lên thành nhiều những sự vật trong giấc mộng. Có thể chúng ta mộng thấy ba đóa hoa. Vì chúng ta biết mình đang trong một giấc mộng và tính linh hoạt của giấc mộng, nếu chúng ta muốn chúng ta có thể làm ra một trăm đóa hoa, một ngàn đóa hoa, một cơn mưa hoa. Nhưng trước hết chúng ta cần nhận biết khả tính. Nếu chúng ta không biết loại nhân thành nhiều những sự vật này là một quyền chọn lựa, thì bấy giờ với chúng ta sự chọn lựa vẫn không hiện hữu.
Việc nghiên cứu những giấc mộng ở Tây phương đã cho thấy rằng người ta có thể cải tiến những sự khéo léo bằng cách thực hành chúng trong những giấc mộng và những giấc mộng ban ngày. Dùng giấc mộng, chúng ta có thể giảm cái tiêu cực và tăng cái tích cực, thay đổi những cách thức thói quen của chúng ta trong cuộc đời. Và điều này không chỉ cần để huấn luyện những khéo léo giúp ích chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, mà cũng còn được áp dụng ở những mức độ sâu xa nhất của đời sống tâm linh. Luôn luôn hãy nhắm đến mục đích tối thượng, phổ quát nhất, vì cái này sẽ tự động lo liệu cho cái thấp hơn. Sau giác ngộ, hoàn toàn không có vấn đề gì khi tác động đến những hiệu quả tương đối.
Tantra Mẹ kê ra mười một phạm trù kinh nghiệm trong đó tâm thức thường bị hình tướng trói buộc. Tất cả những phạm trù này cần được nhận biết, thách thức và chuyển hóa. Nguyên lý là như nhau trong tất cả, nhưng ích lợi khi để thì giờ suy nghĩ về mỗi cái để giới thiệu những khả tính của sự chuyển hóa tâm thức của chính chúng ta. Những phạm trù là : kích thước ; số lượng ; phẩm chất ; tốc độ ; thành tựu ; chuyển hóa ; lưu xuất ; du hành ; thấy ; gặp gỡ ; và những kinh nghiệm.
Kích thước. Chúng ta hiếm khi nghĩ về kích thước trong những giấc mộng của chúng ta, nhưng chúng ta làm thế trong đời sống lúc thức. Có hai phương diện về kích thước, nhỏ hơn và lớn hơn. Hãy biến đổi kích thước của bạn trong giấc mộng, trở nên nhỏ như một con côn trùng và rồi lớn như một trái núi. Lấy một chủ đề lớn và làm nó thành nhỏ. Lấy một đóa hoa nhỏ, đẹp và làm nó lớn như mặt trời.
Số lượng. Nếu có một vị Phật trong giấc mộng của bạn, hãy tăng trưởng con số lên đến một trăm hay một ngàn. Và nếu có một ngàn chủ đề, hãy biến nó thành một. Trong thực hành giấc mộng, bạn có thể đốt tiêu những hạt giống nghiệp phôi thai. Dùng tỉnh giác, hãy dẫn dắt giấc mộng hơn là để cho giấc mộng dẫn dắt ; hãy mơ hơn là để cho bạn bị mơ.
Phẩm chất. Khi người ta bị sa lầy trong một kinh nghiệm xấu, thường bởi vì họ không biết rằng nó có thể được biến đổi. Bạn phải nghĩ về khả tính của sự thay đổi, và rồi thực hành nó trong giấc mộng. Khi bạn nổi giận trong một giấc mộng, hãy biến đổi xúc động đó thành tình thương. Bạn có thể biến đổi những tính cách sợ hãi, ghen ghét, giận dữ, tham lam, tuyệt vọng, và hôn trầm mờ đục. Không có thứ nào trong những cái ấy là ích lợi. Hãy tự nói với mình rằng chúng có thể bị hàng phục bằng cách chuyển hóa chúng. Thậm chí bạn có thể nói nhỏ điều ấy để làm mạnh sự hiểu biết của bạn. Một khi bạn có kinh nghiệm biến đổi xúc động trong giấc mộng, bạn cũng có thể có nó trong đời sống khi thức. Đây là phát triển sự tự do và linh hoạt ; bạn không bị giam nhốt bởi sự điều kiện hóa trước kia nữa.
Tốc độ. Chỉ trong vài giây của giấc mộng, nhiều việc có thể hoàn thành, vì bạn hoàn toàn ở trong tâm thức. Hãy làm chậm lại kinh nghiệm cho đến khi mỗi một khoảnh khắc là một toàn thể thế giới. Hãy thăm viếng một trăm nơi chốn trong một phút. Những giới hạn duy nhất trong một giấc mộng là những giới hạn trong trí tưởng tượng của bạn.
Thành tựu. Bất cứ điều gì bạn không thể thành tựu trong đời sống, bạn có thể thành tựu trong giấc mộng. Hãy làm những thực hành, viết một cuốn sách, bơi qua đại dương, hoàn tất cái cần hoàn tất.
Một năm sau khi mẹ tôi mất, bà xuất hiện trong giấc mộng của tôi và xin giúp đỡ. Tôi hỏi bà tôi có thể làm gì. Bà đưa cho tôi một bức vẽ một cái tháp và yêu cầu tôi xây cho bà. Tôi biết tôi đang mộng, nhưng tôi chấp nhận công việc như thể có thực. Lúc đó tôi đang ở Ý, nơi có nhiều hạn chế xây cất và luật lệ khu vực. Tôi không biết làm sao có giấy phép, tiền bạc và đất đai. Thế nên tôi hỏi những hộ pháp của tôi. Đây là điều Tantra Mẹ chỉ dạy : hãy cầu những hộ pháp giấc mộng giúp đỡ khi gặp những công việc bạn không thể hoàn thành.
Trả lời cho sự yêu cầu giúp đỡ của tôi, những hộ pháp xuất hiện. Một cây bồ đề khổng lồ sừng sững trong mộng và thình lình những hộ pháp biến nó thành một cái tháp. Trong nền văn hóa của chúng tôi, chúng tôi tin rằng xây một cái tháp cho người nào đã chết giúp cho người đó tốt đẹp trong đời tái sanh tới. Mẹ tôi vui vẻ và hài lòng trong giấc mộng, và tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng tôi đã làm điều gì quan trọng cho bà, một điều có lẽ đã không xảy ra ở nhà tại Ấn Độ nơi mẹ tôi chết. Bây giờ nó đã được hoàn thành và mẹ tôi và tôi đều hoan hỷ. Cảm giác này chuyển qua cả đời sống khi thức của tôi.
Những thành tựu trong giấc mộng ảnh hưởng vào đời sống khi thức. Bằng kinh nghiệm, bạn làm việc với những dấu vết nghiệp. Hãy dùng giấc mộng để hoàn thành điều gì quan trọng cho bạn.
Chuyển hóa. Chuyển hóa là rất quan trọng cho những hành giả tantra, vì nó là nguyên lý nền tảng của thực hành tantra, nhưng nó cũng quan trọng cho tất cả chúng ta. Hãy học cách chuyển hóa chính bạn. Hãy cố gắng trong mọi sự. Tự chuyển hóa bạn thành một con chim, một con chó, một chim garuda, một sư tử, một con rồng. Hãy chuyển hóa bạn từ một người hay nóng giận thành một người bi mẫn, từ một người tham bám, ghen tỵ thành một vị Phật rỗng rang, trong sáng. Hãy tự chuyển hóa bạn thành yidam và thành dakini. Điều này rất uy lực để phát triển tính mềm dẻo và hàng phục những giới hạn của cá tính thói quen của bạn.
Lưu xuất. Điều này tương tự với chuyển hóa. Sau khi chuyển hóa chính bạn thành một yidam hay một vị Phật, hãy lưu xuất càng nhiều thân càng tốt vì lợi lạc cho những chúng sanh khác. Hãy thành hai thân, rồi ba, bốn, nhiều tới mức bạn có thể, và rồi nhiều hơn nữa. Xuyên phá giới hạn của kinh nghiệm bản thân bạn là một bản ngã đơn độc, riêng lẻ.
Du hành. Hãy bắt đầu với những nơi chốn bạn muốn đến. Bạn muốn đi Tây Tạng ? Hãy làm một chuyến đến đó. Đến Paris ? Hãy đi. Bạn thường muốn đi nơi nào ?
Điều này không giống như chỉ đến một nơi nào, điều này gần như cuộc du hành. Hãy hướng dẫn bạn một cách có ý thức đến đó. Bạn có thể du lịch đến một xứ sở khác hay đến một cõi tịnh độ nơi không có nhiễm ô. Hay du lịch đến một hành tinh khác, hay một nơi chốn bạn chưa thấy lại trong nhiều năm, hay đến đáy của đại dương.
Thấy. Hãy cố gắng thấy cái bạn chưa từng thấy trước đó. Bạn đã có bao giờ thấy Guru Rinpoche chưa ? Tapihritsa ? Christ ? Bây giờ bạn có thể. Bạn đã từng thấy Shambhala hay trung tâm mặt trời ? Bạn đã từng thấy những tế bào được phân tích hay trái tim bạn đập hay đỉnh núi Everest hay cái nhìn thấy từ con mắt một con ong ? Hãy phát sanh những ý tưởng cho chính bạn và rồi biến chúng thành thực trong giấc mộng.
Gặp gỡ. Trong truyền thống Tây Tạng, có nhiều câu chuyện những người gặp gỡ các vị thầy và các hộ pháp và các dakini... trong những giấc mộng của họ. Có thể bạn cảm thấy một mối liên hệ với những vị thầy quá khứ ; giờ hãy gặp các vị. Khi bạn gặp, hãy tự hỏi ngay bạn có thể gặp một lần thứ hai không. Điều ấy tạo thêm cơ hội để gặp lại các vị. Rồi hãy thỉnh cầu những giáo lý.
Kinh nghiệm. Hãy dùng giấc mộng để kinh nghiệm cái bạn chưa hề kinh nghiệm. Nếu bạn không chắc về kinh nghiệm của bạn về rigpa, bấy giờ hãy có kinh nghiệm ấy trong giấc mộng. Bạn có thể kinh nghiệm bất cứ trạng thái huyền bí nào hay bất kỳ kinh nghiệm nào của con đường đạo, dù tinh vi hay đơn giản. Bạn có thể thở dưới nước như một con cá, hay đi xuyên qua những bức tường, hay trở thành một đám mây. Bạn có thể đi du lịch vũ trụ như một tia sáng hay rơi thành một cơn mưa từ bầu trời. Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ ra, bạn có thể làm nó.
Hãy vượt khỏi những giới hạn của những phạm trù ở trên ; chúng chỉ là những gợi ý. Chúng ta làm việc với những khuôn khổ trong kinh nghiệm của chúng ta – như tốc độ, kích thước, lưu xuất v.v... – bởi vì chúng ta bị kẹt trong sự tin vào sự có thực của những ý niệm tương đối ấy. Làm tiêu tan những biên giới trong tâm thức dẫn chúng ta đến tự do, nó là nền tảng của tâm thức. Nếu bạn nằm mộng ra một ngọn lửa đáng sợ, hãy chuyển hóa bạn thành lửa ; ra một trận lụt hãy chuyển hóa bạn thành nước. Nếu một con quỷ rượt đuổi bạn, hãy tự chuyển hóa thành ra một con quỷ lớn hơn. Hãy trở thành một trái núi, một con báo, một cái cây gỗ đỏ. Hãy trở thành một ngôi sao hay cả một khu rừng. Hãy chuyển hóa bạn từ đàn ông trở thành đàn bà, và rồi một trăm người đàn bà. Hay chuyển hóa bạn từ một người đàn bà thành một thiên nữ. Hãy chuyển hóa thành những con thú vật, một con diều hâu bay trên trời hay một con nhện giăng mạng lưới tơ. Hãy chuyển hóa thành một bồ tát và biểu lộ chính bạn trong một trăm chỗ cùng một lúc, hay trong tất cả ba mươi ba địa ngục, để làm lợi lạc chúng sanh ở đó. Hãy chuyển hóa thành Siamuhka, thành Padmasam-bhava, hay hóa thần, yidam hay dakini nào khác. Sự thực hành này giống như những thực hành tantra trong đó bạn tự chuyển hóa bạn. Nó có cùng những mục đích và những lý do, nhưng dễ dàng hơn nhiều khi hoàn thành trong một giấc mộng ; bạn thực sự chuyển hóa. Vô số kinh nghiệm chuyển hóa có thể được làm trong mộng.
Hãy du lịch đến bất cứ chỗ nào bạn đã muốn đến : núi Tu Di, trung tâm trái đất, những hành tinh khác, những cõi khác. Hầu như mỗi đêm tôi đều trở về Ấn Độ – một cách du lịch rất rẻ. Hãy đến những cõi chư thiên. Hãy du lịch vào địa ngục, vào cõi ma quỷ. Nó chỉ là một ý tưởng, bạn sẽ không thực sự dự phần vào đó. Nhưng bạn sẽ được nới lỏng những bó buộc cột trói tâm thức bạn.
Hãy tham dự những thực hành và những lễ puja của chư thiên nam và nữ. Hãy tham dự với năm bộ gia đình Phật. Hãy bay xuyên qua đất. Hãy du hành qua bên trong của thân thể chính bạn. Hãy làm bạn lớn như quả đất, rồi lớn hơn nữa. Hãy nhỏ như một nguyên tử, gầy như một cây tre, nhẹ như một phấn hoa.
Nguyên lý phát triển tính linh hoạt thì quan trọng hơn những tính chất riêng biệt của giấc mộng, cũng như phẩm tính sáng rỡ của pha lê thì quan trọng hơn màu của ánh sáng phản chiếu. Những gợi ý từ những giáo lý không nên trở thành những giới hạn. Hãy nghĩ ra những khả tính mới và hãy biểu lộ chúng, cho đến khi bất cứ điều gì có vẻ giới hạn kinh nghiệm của bạn đều được tức thời thấy là dễ vỡ và không trói buộc. Sự minh bạch đem lại nhiều ánh sáng hơn cho tâm thức ý niệm, và thực tập tính linh hoạt mềm dẻo tháo lỏng những nút thắt của sự điều kiện hóa trói buộc tâm thức. Vì chúng ta bị điều kiện hóa bởi những thực thể có vẻ cứng đặc bề ngoài mà chúng ta gặp, chúng cần được chuyển hóa trong kinh nghiệm của chúng ta, làm thành sáng rỡ và trong suốt. Vì chúng ta bị điều kiện hóa bởi tính cứng đặc bề ngoài của những tư tưởng, chúng cần được tan biến vào sự tự do vô hạn của tâm thức.
Có một nguyên lý nền tảng cho sự du hành tâm linh mà chúng ta cần tiếp tục thực tập ngay cả trong sự tự do của giấc mộng. Những khả tính trong giấc mộng là vô biên, chúng ta có thể làm bất cứ sự biến đổi nào chúng ta thích đối với giấc mộng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là chúng ta biến đổi theo hướng tích cực. Đó là hướng đi sẽ giúp chúng ta nhất cho con đường tâm linh của chúng ta. Những hành động trong giấc mộng có một hiệu quả bên trong chúng ta như những hành động trong đời sống khi thức. Có sự tự do lớn lao trong giấc mộng nhưng không có sự tự do khỏi nhân và quả nghiệp lực cho đến khi nào chúng ta tự do với nhị nguyên. Chúng ta cần kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ để phát triển tính linh hoạt mềm dẻo cần thiết để lật đổ sự thống trị của nghiệp tiêu cực.
Hãy làm việc nơi biên giới của kinh nghiệm, những bó buộc của những niềm tin bị điều kiện hóa và giới hạn. Tâm thức thật lạ lùng : nó có thể làm việc này. Bản sắc, nhân dạng của bạn thì mềm dẻo hơn là bạn tưởng tượng. Bạn chỉ cần ý thức khả tính có thể biến đổi được của kinh nghiệm và bản sắc và bấy giờ đó là khả tính thật sự. Nếu bạn tin rằng bạn không thể làm điều gì cả, bấy giờ bạn luôn luôn không thể. Đây là một điểm rất đơn giản và là điểm rất quan trọng. Vào lúc bạn nói bạn có thể làm cái gì đó là bạn đã bắt đầu.
Hãy đối xử những giấc mộng của bạn với sự tôn trọng và hội nhập tất cả những kinh nghiệm của giấc mộng, giống như đời sống khi thức của bạn vào con đường. Dùng giấc mộng để phát triển tự do, giải thoát khỏi những giới hạn, để vượt thắng những chướng ngại trong con đường của bạn, và cuối cùng để nhận biết bản tánh chân thực của bạn và bản tánh chân thực của tất cả hiện tượng, tức là sử dụng giấc mộng một cách khôn ngoan.
7 Những Chướng Ngại Tantra Mẹ diễn tả bốn chướng ngại có thể gặp trong yoga giấc mộng : phóng dật trong ảo tưởng mê vọng, lỏng lẻo, sự không yên dẫn đến thức dậy, và quên. Nó chỉ định những phương thuốc cả trong lẫn ngoài.
MÊ VỌNG
Phóng dật bởi mê vọng xảy ra khi một âm thanh hay hình ảnh bên ngoài hay bên trong đem sự chú ý đi xa. Có thể có một âm thanh từ bên ngoài khi hành giả đang ngủ. Tâm thức chuyển hướng về nó và rồi qua sự hòa hợp, một kỷ niệm hay ảo tưởng khởi lên và hành giả vướng mắc vào nó với một phản ứng xúc tình tương ứng. Hay âm thanh có thể gây tò mò và hành giả mất niệm trong sự suy đoán. Đây là mê vọng, bởi vì chúng ta bị thu hút vào việc đuổi theo những sự vật mà chúng thật ra không hiện hữu theo cách chúng ta nghĩ về chúng.
Cái đối trị bên trong là tập chú vào kinh mạch trung ương. Điều này cảm thấy giống như cái gì ? Hãy cố gắng – bạn sẽ thấy rằng bạn cảm thấy trụ vào trung tâm và hiện diện, bạn thoát khỏi ảo tưởng và trở lại với chính bạn. Ích lợi khi ngủ với sự tỉnh giác về kinh mạch trung ương. Hãy đơn giản trong việc này. Đôi khi chúng ta quá căng thẳng đối với những thực hành đến độ chúng ta làm cho chúng thành phức tạp một cách vô ích. Chỉ cảm thấy kinh mạch trung ương ; điều này sẽ ngăn tâm thức chạy rông. Cũng ích lợi khi thiền định về vô thường và bản chất như huyễn của kinh nghiệm nhị nguyên của chúng ta, vì những thiền định này sẽ làm mạnh thêm ý định an trụ tập chú và không mất niệm trong tưởng tượng giả dối. Cái đối trị bên ngoài là làm một cúng dường hay làm những thực hành sùng mộ như guru yoga.
LỎNG LẺO
Chướng ngại thứ hai là lỏng lẻo, giải đãi. Nó biểu lộ như một sự làm biếng bên trong, một sự thiếu thốn sức mạnh và sáng tỏ bên trong. Khi bạn lỏng lẻo trong thực hành, bạn trôi dạt lòng vòng, bị che phủ và có thể là thoải mái, dù khi đang trông nom đối tượng của sự chú ý. Điều này khác với chướng ngại thứ nhất, trong đó sự chú ý của bạn theo đuổi một phóng dật. Trong trường hợp này sự sắc bén bên trong vắng mặt.
Cái đối trị là quán tưởng khói xanh chuyển lên từ từ trong kinh mạch trung ương từ chỗ tiếp hợp của ba kinh mạch (vài inch dưới rốn và trong trung tâm của thân) đến cổ họng. Chớ vướng mắc vào sự suy nghĩ về những thứ vật chất – khói đi đâu và nó hội tụ thế nào, thuộc loại gì. Chỉ quán tưởng khói từ từ chuyển lên trong kinh mạch trung ương, như đã ở trong một giấc mộng. Ngoài việc này, bạn có thể viếng thăm thầy bạn hay một người chữa bệnh và hỏi một cái gì đại loại như việc trừ tà. Tantra Mẹ gợi ý rằng khi lỏng lẻo xảy ra bạn có thể gặp một vấn đề với một vong hồn hay với một lực lượng trong môi trường bạn ở, dù cho đây không nhất thiết là cách duy nhất để hiểu sự khó khăn.
TỰ PHÓNG DẬT
Chướng ngại thứ ba là tự phóng dật, tự xao lãng. Bạn thức dậy hoài và không yên trong giấc ngủ. Nguyên nhân có thể là một vấn đề về khí, hay bạn có thể bị kích động và giao động. Cái đối trị là tập chú vào bốn dakini trong hình thức bốn chữ nằm trên bốn cánh hoa sen của luân xa cổ họng. Những chữ là RA, màu vàng và ở trước thân. LA màu lục, bên trái bạn. SHA, đằng sau, màu đỏ. Và SA ở bên phải và màu xanh. Nếu có vấn đề với sự tự phóng dật không yên, hãy tập chú vào những chữ, cái này sau cái kia, khi bạn ngủ. Cố gắng cảm thấy những dakini hộ pháp trong mọi hướng. Bên ngoài làm thực hành chošd, một nghi lễ gồm việc cúng những đồ cúng cho ma quỷ, có thể có ích lợi. Cũng hãy xác định xem bạn có phá vỡ những cam kết (samaya*) mà bạn đã làm khi đến với giáo lý hay với thầy bạn. Những tương giao với bạn bè hay người quen biết gây rối nhiễu cũng có thể là nguyên nhân của sự không yên này. Tự sám hối có thể ích lợi.
Làm việc này, hãy quán tưởng thầy bạn như trong guru yoga, và sám hối điều sai. Hãy khảo sát nó, không phải với mặc cảm tội lỗi hay xấu hổ hay thứ cảm giác nào khác, mà với tỉnh giác. Nếu bạn đã làm điều gì không đúng, hãy quyết định không làm nó lại nữa. Có thể cũng có vài hành động nên làm như nói chuyện với người bạn mà bạn bị quấy nhiễu ; bạn có thể quyết định làm một hành động như vậy.
QUÊN
Chướng ngại thứ tư là quên – quên những giấc mơ của bạn và quên thực hành. Dầu nếu bạn có những kinh nghiệm ích lợi chúng cũng có thể bị quên mất. Làm một cuộc nhập thất cá nhân có thể giúp đem lại sáng tỏ hơn cho tâm thức. Quân bình khí bằng cách dùng hơi thở có thể ổn định và làm vững chắc tỉnh giác. Tantra Mẹ chỉ sự thực hành trông chừng đầu tiên trong đêm như một đối trị ; đó là sự thực hành cơ bản thứ nhất được nói đến ở trước, tập chú vào chữ A nơi cổ họng. Hãy giữ tỉnh giác vào chữ A trong khi ngủ và điều này sẽ giúp bạn nhớ lại.
BỐN CHƯỚNG NGẠI THEO SHARDZA RINPOCHE
Shardza Rinpoche cũng viết về bốn chướng ngại có thể có, nhưng phạm trù hóa chúng khác đi : những vấn đề với khí, tâm thức, hồn linh địa phương và bệnh. Những chướng ngại này có thể ngăn cản bạn có được giấc mơ hay nhớ lại chúng cũng như tạo ra những vấn đề trong bản thân giấc mộng.
Nếu bạn bị một vấn đề về khí, năng lực trong thân thể bị bế tắc hay bị ngăn không cho chuyển động thông thoáng theo cách nào đó. Tâm thức và khí nối kết với nhau ; nếu khí bị nhiễu loạn thì tâm thức cũng như vậy. Trong trường hợp này, cái gì giúp bạn thư giãn trước khi ngủ, như một sự xoa bóp hay tắm nước nóng, là một trợ giúp. Cũng cố gắng càng yên bình và thư giãn suốt ngày càng tốt.
Tâm thức có thể quá bận rộn nên khó ngủ. Thí dụ sau một ngày rất bộn bề sôi động đôi khi khó mà thôi nghĩ về nó – tâm thức bạn phân tán theo những vấn đề hay những kích động và bị siết chặt bởi căng thẳng hay lo âu. Nếu bạn thấy khó làm yên tâm thức, đôi khi có ích lợi khi làm việc nặng nhọc, để làm mệt thân thể hay ngay cả làm kiệt sức nó. Thiền định về tánh không cũng có thể làm trong sáng tâm thức. Và như ở trên, làm vài cái gì để thư giãn trước khi ngủ là tốt.
Một quấy nhiễu bởi những hồn linh địa phương có thể dẫn đến giấc ngủ bị phá vỡ và không yên. Tôi biết nhiều người Tây phương không tin những chuyện như vậy – rằng những hồn linh địa phương thực sự là năng lực của nơi chốn hay cảm giác của một môi trường – và trong một cách nào, họ là đúng. Nhưng người Tây Tạng tin rằng thực có ma quỷ, những chúng sanh sống trong một khu vực, và nếu người ta làm cái gì can thiệp một cách mãnh liệt đến những sinh linh này, người ta có thể bị họ ảnh hưởng ngược lại. Tác động của những hồn linh địa phương có thể gây ra những giấc mộng khủng khiếp, hay không có khả năng nhớ lại những giấc mộng, hay bị không yên ngăn cản giấc ngủ.
Trong tình huống này trước tiên chúng ta cần ý thức về bản chất của vấn đề. Với người Tây Tạng có vài phương thuốc cho loại quấy rối này. Họ thường đến một thầy bùa chú và hỏi đoán để khám phá nguồn gốc của vấn đề và làm gì cho thích hợp. Hay họ có thể làm thực hành chošd, cúng cho những ma quỷ. Hay họ đến một vị thầy và thỉnh cầu giúp đỡ, việc này thường trong một hình thức giống như một sự đuổi tà, một nghi lễ cắt đứt sự liên kết của những ma quỷ với họ. Nếu vị thầy làm việc này, ngài thường đòi một cái gì thuộc người cầu xin, một ít tóc hay một cái gì trong bộ áo quần, và đốt nó trong lửa của buổi lễ. Người Tây Tạng có nhiều phương cách như thế, nhưng chúng chỉ ích lợi nếu bạn hiểu vấn đề và tin rằng những ma quỷ chọc phá bạn để bạn có vài bước cần thiết hầu sửa đổi tình hình. Nếu bạn có kinh nghiệm về những ma quỷ theo lối này, hãy cho họ lòng bi. Nếu bạn không tin những việc đó mà nhạy cảm với năng lực của nơi chốn, hãy sửa chữa nó bằng cách đốt hương và phát sanh lòng bi. Và nếu bạn không tin cả điều này, hãy phát sanh lòng bi để thay đổi môi trường bên trong của tâm thức và tình cảm bạn.
Chướng ngại thứ tư là bệnh, và giáo lý yêu cầu bạn đến gặp một y sĩ.
Không có chướng ngại nào bạn sẽ gặp mà không từng được gặp và được vượt qua bởi những người khác trước bạn, thế nên bạn không cần phải nản lòng. Hãy nương dựa vào những giáo lý và vị thầy của bạn để tìm ra những phương thuốc, chúng nằm trong những giáo lý và chỉ cần đọc và áp dụng.
8 Kiểm Soát và Tôn Trọng
những Giấc MộngMột số học phái của tâm lý học Tây phương tin rằng kiểm soát những giấc mộng là có hại, rằng những giấc mộng là một công việc điều chỉnh của vô thức hay một hình thức lưu thông giữa những phần của bản thân chúng ta cần để yên không nên đụng đến. Quan điểm này gợi ý rằng vô thức hiện hữu và nó là một kho chứa bí mật của kinh nghiệm và ý nghĩa. Vô thức được xem là tạo ra giấc mộng và gắn vào giấc mộng ý nghĩa hoặc công khai rõ ràng hoặc tiềm ẩn cần sự giải thích. Trong bối cảnh này, bản ngã thường được cho là được kết tạo bởi những mặt vô thức và ý thức của cá thể, và giấc mộng là một trung gian cần thiết để lưu thông liên lạc giữa hai cái. Bấy giờ bản ngã ý thức cá thể ích lợi bằng cách làm việc với giấc mộng, khai thác nó để có nghĩa lý và quan kiến mà vô thức đã đặt vào đó. Hay có thể ích lợi từ sự gây cảm hứng của giấc mộng hay từ sự quân bình của những tiến trình tâm lý qua hoạt động tạo thành giấc mộng.
Hiểu tánh không sẽ thay đổi một cách căn bản cái hiểu của chúng ta về tiến trình mộng. Ba thực thể này – Vô thức, ý nghĩa và bản ngã ý thức – đều là những thực thể chỉ hiện hữu qua việc gán đặt cho thực tại những cái mà tự nó không có. Hiểu điều này thật là quan trọng. Mối lo sự xâm phạm của tâm thức ý thức lên vô thức là gây hại cho tiến trình tự nhiên chỉ có ý nghĩa nếu bạn thừa nhận những yếu tố của sự việc là những yếu tố bí mật của cá thể. Chúng cộng tác với nhau. Nhưng quan điểm này chỉ hiểu một chiều những động lực bên trong của cá thể, thường làm hại cho một nhận định bao quát hơn.
Như đã nói ở trước, có hai cấp độ làm việc với những giấc mộng. Một cái bao gồm tìm thấy ý nghĩa của giấc mộng. Cái này tốt, và đó là cấp độ của hầu hết tâm lý học Tây phương, chúng đồng ý về giá trị của giấc mộng. Trong cả Đông phương và Tây phương, những giấc mộng được hiểu là một người sáng tạo, những giải pháp cho những vấn đề, chẩn đoán bệnh tật, và vân vân. Nhưng ý nghĩa trong những giấc mộng không nội tại trong giấc mộng ; nó được phóng chiếu lên giấc mộng bởi sự khảo sát cá nhân về giấc mộng và rồi được “đọc” từ giấc mộng. Tiến trình thì rất giống với diễn tả những hình ảnh hình như xuất hiện trong những cuộc thử bằng lọ mực mà các nhà tâm lý học hay dùng. Ý nghĩa thì không hiện hữu một cách độc lập. Ý nghĩa không hiện hữu cho đến khi người nào bắt đầu trông chờ nó. Lỗi lầm của chúng ta là thay vì thấy sự thực của tình huống, chúng ta bắt đầu nghĩ rằng thực có một cái vô thức, một vật, và rằng giấc mộng là thật, như một cuộn giấy với thông điệp bí mật được kết vào thành mật mã mà nếu giải ra ai cũng có thể đọc.
Chúng ta cần một sự hiểu sâu hơn về giấc mộng là gì, về kinh nghiệm là gì, để thực sự sử dụng việc nằm mộng như một tiếp cận đến giác ngộ. Khi chúng ta thực hành sâu xa, nhiều giấc mộng kỳ diệu sẽ sanh khởi, phong phú với những dấu hiệu của tiến bộ. Nhưng rốt ráo, ý nghĩa trong giấc mộng không quan trọng. Tốt nhất là chớ nhìn giấc mộng như một liên lạc từ thực thể nào khác đến với bạn, thậm chí không phải từ một phần nào khác của bạn mà bạn chưa biết đến. Không có ý nghĩa quy ước nào bên ngoài cái nhị nguyên của sanh tử. Quan điểm này không đưa tới hỗn độn : không có hỗn độn hay sự vô nghĩa nào hết, đúng hơn, chúng là những ý niệm. Thế có vẻ lạ lùng, nhưng quan niệm này về ý nghĩa giấc mộng phải được từ bỏ trước khi tâm thức có thể tìm thấy giải thoát trọn vẹn. Và làm điều này chính là mục đích của thực hành giấc mộng.
Chúng ta không phải không biết dùng ý nghĩa trong giấc mộng. Nhưng điều tốt là nhận biết rằng ý nghĩa cũng là mộng. Tại sao trông chờ những thông điệp lớn lao từ một giấc mộng ? Thay vì thế hãy thâm nhập vào cái là ý nghĩa ở trên, cái nền tảng thanh tịnh của kinh nghiệm. Đây là sự thực hành giấc mộng cao hơn – không phải theo tâm lý học, mà tâm linh hơn – liên quan với sự nhận biết và chứng ngộ cái nền tảng của kinh nghiệm, cái không bị điều kiện hóa, cái vô danh. Khi bạn tiến bộ đến điểm này, bạn vô nhiễm với việc có thông điệp trong giấc mộng hay không. Bấy giờ bạn là trọn đủ, kinh nghiệm của bạn là trọn đủ, bạn thoát khỏi mọi sự điều kiện hóa, mọi sự bị quy định khởi từ những trùng trùng nhị nguyên tương tác với những phóng chiếu của tâm thức riêng bạn.
Hầu hết thực hành giấc mộng được làm khi hành giả thức tỉnh để ảnh hưởng đến giấc mộng. Nó không phải chỉ là kiểm soát trực tiếp giấc mộng. Phương diện kiểm soát trực tiếp giấc mộng và là phương diện nhiều người quan tâm, xảy ra trong giấc mộng minh bạch. Tự biến mình thành nhiều trong giấc mộng là một thí dụ, cũng như chuyển hóa hay tạo ra những thực thể trong mộng. Giáo lý nói rằng làm việc ấy là một điều rất tốt vì khả năng làm những việc ấy có nghĩa là tính linh hoạt của tâm thức được phát triển. Hơn nữa, cùng một loại tính linh hoạt và sự kiểm soát phải được đưa vào đời sống khi thức ; không phải để bay như chim, mà để hiểu tính chất được tạo ra của kinh nghiệm và sự tự do nội tại trong cái hiểu ấy. Hơn là bị kiểm soát bởi những cảm giác, bạn có thể biến đổi chính bạn và thay đổi câu chuyện mà bạn kể về chính bạn, và làm điều thực sự quan trọng hơn là cứ bị trói chặt trong một cơn ác mộng hay một giấc mộng biến chuyển không ngừng hay ngay cả một mộng mơ thú vị.
Nó không khác với đời sống thức. Những dấu vết nghiệp gây ra những giấc mộng, và những phản ứng của chúng ta với kinh nghiệm tạo thêm những dấu vết nghiệp mới. Trong một giấc mộng những động lực này vẫn hiện hành. Chúng ta muốn kiểm soát những giấc mộng của chúng ta hơn là bị chúng kiểm soát, cũng như tốt hơn là suốt ngày không bị những tư tưởng và những phiền não kiểm soát mà là đáp ứng với những hoàn cảnh một cách trọn vẹn từ tỉnh giác của chúng ta.
Chúng ta muốn ảnh hưởng đến những giấc mộng của chúng ta. Chúng ta muốn chúng rõ ràng hơn và hội nhập vào hơn sự thực hành của chúng ta, cũng như chúng ta cần muốn có những phẩm tính này cho mỗi khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta. Không có mối lo là phải phá hủy điều gì quan trọng. Tất cả cái chúng ta phá hủy là vô minh của chúng ta.
9 Những Thực Hành Đơn Giản Sự thành tựu yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ dựa vào niềm tin, ý định, cam kết và kiên nhẫn của cá nhân. Không có sự thực hành độc nhất nào thành tựu chứng ngộ trong những nỗ lực của chỉ một đêm. Sự trưởng thành tâm linh đòi hỏi thời gian, và đúng thời mà chúng ta thoát khỏi những cuộc sống tầm thường của chúng ta. Khi chúng ta chiến đấu với thời gian, chúng ta thua cuộc. Nhưng khi chúng ta biết làm thế nào để đúng thời, sự thực hành tự nó hiển lộ một cách tự nhiên.
Toàn bộ yoga giấc mộng có vẻ quá phức tạp và đòi hỏi quá nhiều để thành một sự thực trong đời sống chúng ta. Nhưng chúng ta thực hành nhiều, thêm một chút ở chỗ này chỗ nọ, hội nhập nó vào đời sống chúng ta, cho đến khi dần dần chúng ta làm cho toàn bộ đời sống chúng ta thành sự thực hành. Đây là những sự việc ai cũng có thể làm để đưa đến thành công trong yoga giấc mộng.
TÂM TỈNH THỨC
Phần khi thức của ngày khoảng mười sáu giờ, và tâm thức bận rộn suốt thời gian đó. Thường thường có vẻ không có đủ thời giờ, và cũng có quá nhiều thời giờ bị tiêu phí vào phóng dật, xao lãng và kinh nghiệm không ưng ý. Thế giới hiện đại hình như thường trực tạo ra những đòi hỏi – lo cho công việc và gia đình, xem phim, nhìn vào những cửa hàng, chờ đợi giao thông, nói chuyện với bạn bè – một ngàn thứ vồ lấy sự chú ý và dẫn nó đi, cho đến ngày sự dẫn dắt mù quáng đến kiệt sức và sự đói khát đòi có thêm phóng dật lớn hơn nữa khiến phải trốn thoát. Từng khoảnh khắc chúng ta bị dẫn dắt xa khỏi chúng ta. Sống theo cách ấy không giúp gì cho bất kỳ sự thực hành nào, kể cả yoga giấc mộng. Bởi thế, những thói quen đơn giản và đều đặn để liên hệ với chính chúng ta, để trở nên hiện diện hơn, cần được trau dồi, nuôi dưỡng.
Mỗi hơi thở có thể là một thực hành. Với hơi thở vào, hãy tưởng tượng hút vào những năng lực trong sạch, được tẩy rửa, thư giãn. Và với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng trục xuất mọi chướng ngại, căng thẳng và xúc tình tiêu cực. Điều này không phải là cái gì đòi hỏi một chỗ đặc biệt để ngồi. Nó có thể được làm khi trong xe trên đường đến chỗ làm việc, chờ đèn đỏ, ngồi trước một máy vi tính, sửa soạn một bữa ăn, lau nhà, hay đi bộ.
Một thực hành uy lực nhưng đơn giản là cố gắng duy trì sự hiện diện trong thân thể liên tục suốt ngày. Hãy cảm thấy thân thể như một toàn thể. Tâm thức thì tệ hơn một con khỉ điên, nhảy nhót từ vật này qua vật khác ; nó rất khó có thời giờ tập chú vào một vật. Nhưng thân thể là một nguồn kinh nghiệm vững chắc và thường hằng hơn, và dùng nó như một cái neo cho tỉnh giác sẽ giúp tâm thức yên lặng và tập chú hơn. Cũng như sự tham dự của tâm thức thì thiết yếu trong việc tổ chức và nuôi dưỡng những mặt vật chất của cuộc sống, tâm thức cần thân thể để an vững trong sự hiện diện bình an, cái này là quan trọng một cách căn bản cho mọi thực hành.
Thí dụ, khi đi dạo trong một công viên, thân thể có thể ở trong công viên trong khi tâm thức lại đi làm việc, hay ở nhà, hay nói chuyện với người bạn ở xa hay liệt kê một mớ hàng tạp hóa. Điều này nghĩa là tâm thức tách lìa với thân thể. Nhưng thay vì thế, khi nhìn một cái hoa, hãy thực sự nhìn nó. Hãy hoàn toàn hiện diện. Với sự trợ giúp của một đóa hoa, hãy đem tâm thức trở lại công viên. Sự cảm nhận kinh nghiệm giác quan nối kết lại tâm và thân. Khi kinh nghiệm về đóa hoa được cảm nhận khắp thân thể, một sự làm cho lành mạnh xảy ra ; cũng như vậy khi nhìn một cái cây, ngửi khói, cảm giác về áo quần, nghe tiếng chim kêu hay nếm một trái táo. Bạn hãy tập luyện kinh nghiệm một cách sống động những đối tượng giác quan mà không phê phán. Hãy cố gắng trọn vẹn là con mắt với hình sắc, cái mũi với mùi hương, đôi tai với âm thanh... Hãy cố gắng trọn vẹn trong kinh nghiệm khi ở trong tỉnh giác trần trụi về đối tượng giác quan.
Khi khả năng này phát triển, những phản ứng sẽ còn xảy ra. Nhìn cái hoa, những phê phán về đẹp xấu sẽ khởi lên, hay một mùi hương được cho là khó chịu. Dù thế, với thực hành, sự tiếp thông với kinh nghiệm thanh tịnh thuộc giác quan có thể được duy trì hơn là cứ tiếp tục tiêu mất trong phóng dật của tâm thức. Phóng dật bởi một đám mây của những ý niệm là một thói quen và nó có thể được thay thế bởi một thói quen mới : dùng kinh nghiệm giác quan của thân thể để đem chúng ta vào sự hiện diện, để tiếp thông chúng ta với cái đẹp của thế giới, với kinh nghiệm sống động và bồi bổ của đời sống nằm dưới những phóng dật của chúng ta. Đây là sự củng cố cho thành công của yoga giấc mộng.
Khoảnh khắc đầu tiên của tri giác luôn luôn là trong trẻo và sáng sủa. Chính chỉ sự phóng dật của tâm thức ngăn cản chúng ta không nhận biết được điều này và kinh nghiệm mỗi khoảnh khắc của đời sống với hân thưởng và cảm kích. Dựa trên sự thực hành này dùng sự vững chắc của hình sắc và kinh nghiệm giác quan sống động của thế giới giác quan để hỗ trợ cho những phẩm tính này của tâm thức thì dễ đưa đến sự thành công của thực hành giấc mộng hơn cả.
SỬA SOẠN CHO ĐÊM
Thường thì người ta cảm thấy chết đi một nửa sau một ngày căng thẳng. Rồi chúng ta thả mình xuống giường và trở nên hầu như đã chết. Chúng ta thậm chí không để vài phút để tiếp hợp thân và tâm trong sự hiện diện, mà tiêu phí buổi tối trong phóng dật và ở trong phóng dật ngay cả khi sửa soạn vào giường và trôi dạt đi đâu trong giấc ngủ. Tiếp thông tâm thức, thân thể và cảm giác là một trong những việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để bảo đảm sự tiến bộ của chúng ta trên con đường tâm linh. Chúng ta cần một ít thời giờ để làm điều này mỗi đêm trước khi ngủ.
Khi chúng ta vào giấc ngủ với tâm và thân không nối kết, thì mỗi cái đi theo đường của nó. Thân thể bám vào những căng thẳng tích tụ trong suốt ngày, và tâm thức cũng tiếp tục như ban ngày, chạy từ chỗ này sang chỗ khác, một thời gian này sang thời gian khác, không nền tảng và không có sự vững chắc và bình an nào. Nó hiện hữu trong một trạng thái lo âu hay hôn trầm, với ít hiện diện. Trong hoàn cảnh này, chúng ta mất quyền hành và tỉnh giác, và yoga giấc mộng trở nên rất khó khăn.
Để thay đổi tình trạng này, để có một giấc ngủ lành mạnh hơn và những kết quả mạnh mẽ hơn trong thực hành giấc ngủ, hãy dùng vài phút trước khi ngủ nối kết với hiện diện và bình an. Những việc đơn giản là hiệu quả : tắm một cái, thắp một cây đèn và hương, ngồi trước một bàn thờ hay thậm chí trong giường bạn và nối kết với những bậc giác ngộ hay với thầy của bạn. Bạn có thể phát sanh những cảm thức của lòng bi, chú ý đến cảm giác của thân thể bạn, và trau dồi những kinh nghiệm về hoan hỷ, hạnh phúc và biết ơn. Phát sanh những tư tưởng và cảm giác tích cực, hãy đi vào giấc ngủ. Những cầu nguyện và tình thương sẽ thư giãn thân thể và làm dịu lại tâm thức, và đem niềm vui và thanh bình đến cho cả hai. Như đã gợi ý ở trước, hãy tưởng tượng được bao quanh bởi những bậc giác ngộ che chở, đặc biệt là những dakini. Hãy tưởng tượng họ che chở cho bạn như một người mẹ làm với đứa con, tỏa chiếu tình thương và lòng bi đến bạn. Rồi, cảm thấy an toàn và yên bình, hãy cầu nguyện, “Mong rằng tôi có một giấc mộng trong sáng. Mong tôi có một giấc mộng minh bạch. Mong tôi hiểu chính tôi qua giấc mộng.” Hãy lập lại nhiều lần những câu này, nhỏ giọng hay nghĩ thầm. Điều này rất dễ làm, nhưng nó sẽ thay đổi tính chất của giấc ngủ và những giấc mộng và bạn sẽ nhiều yên nghỉ và ổn định hơn vào buổi sáng.
Nếu bạn cảm thấy rằng bốn giai đoạn thực hành quá rắc rối – tập chú vào luân xa cổ họng, giữa chân mày, tim và luân xa bí mật – thì hãy chỉ tập chú vào luân xa cổ họng. Hãy tưởng tượng một chữ A màu đỏ, sáng chói ở đó, sau khi bạn đã cầu nguyện. Tập chú vào nó, cảm thấy nó, và vào giấc ngủ. Quan trọng là làm yên bình bạn trước đã, cảm thấy nối kết với thân thể. Nếu thậm chí sự tập trung vào chữ A có vẻ quá khó hay phức tạp, bấy giờ chỉ cảm thấy toàn thể thân bạn, và nối kết với sự hiện diện và lòng bi. Đây là cách để làm sạch tâm thức và thân thể, chúng đã trở nên căng thẳng và mù đục qua ban ngày. Mỗi đêm chúng ta đánh răng và tắm rửa, và chúng ta cảm thấy tốt hơn và ngủ tốt hơn. Nếu thay vì thế, chúng ta đi ngủ mà cảm thấy dơ bẩn không sạch sẽ, giấc ngủ và những giấc mơ của chúng ta bị nhiễm ô. Chúng ta đều biết điều này về mức độ vật chất của cuộc sống chúng ta, nhưng chúng ta thường quên việc cũng cảm thấy sự tươi mới và nối kết trong tâm thức chúng ta là quan trọng như thế nào. Có lẽ chúng ta cần viết một câu trên bàn chải đánh răng, “Sau đây, hãy rửa ráy tâm thức của bạn.”
Bạn cũng có thể làm việc với sự thở khi bạn đi ngủ. Hãy cố gắng thở đều nhau cả hai lỗ mũi. Nếu lỗ mũi bên phải bị nghẹt, hãy ngủ yên bên phía trái và ngược lại. Hãy làm dịu hơi thở và để cho nó bình lặng. Như đã gợi ý ở trước, hãy thở ra sự căng thẳng và phiền não tiêu cực, hãy hít vào năng lực thanh tịnh lành mạnh. Hãy làm hơi thở này chín lần, trong tư thế ngồi thiền hay nằm dài, rồi tập chú vào chữ A đỏ trong cuống họng. Cảm thấy chữ A hơn là tập chú vào nó, hòa lẫn với nó hơn là ở tách lìa nó. Khi thức dậy, nếu bạn cảm thấy tốt hơn và yên nghĩ hơn, hãy cảm nhận tốt đẹp về sự thành công của bạn. Hãy cảm thấy những ban phước của những đạo sư và những bậc giác ngộ, sự thích thú của những nỗ lực cá nhân đầy hoan hỷ của bạn, và hạnh phúc đã theo con đường. Hạnh phúc này sẽ khuyến khích sự thực hành vào đêm sau và giúp cho duy trì và phát triển thực hành liên tục.
Không lạ gì khi thấy khó thư giãn hay khó cảm thấy từ bi khi đi ngủ. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, hãy dùng trí sáng tạo của bạn. Hãy tưởng tượng nằm dài trên một bãi biển đẹp, ấm áp hay đi dạo trong không khí sạch sẽ tươi mát trên núi, Hãy tưởng tượng những điều này khiến cho bạn cảm thấy thư giãn, hơn là chỉ rơi vào giấc ngủ, bị lạc khỏi sự hiện diện do những tình cảm và căng thẳng của ban ngày. Dù những thực hành này giản dị, chúng giúp ích lớn lao.
10 Hội Nhập Thực hành giấc mộng không chỉ cho sự tiến bộ cá nhân hay để phát sanh những kinh nghiệm thú vị. Nó tham dự vào con đường tâm linh và những kết quả của nó sẽ ảnh hưởng mọi mặt của đời sống bằng cách thay đổi bản sắc của hành giả và mối tương quan của hành giả và thế giới. Hầu hết những gì bao gồm trong phần này về việc hội nhập thực hành giấc mộng vào đời sống của hành giả đã được đề cập đến, nhưng ở đây chúng được tổng kết lại.
Có hai giai đoạn tổng quát của thực hành giấc mộng : quy ước và không quy ước, hay nhị nguyên và bất nhị. Ban đầu chúng ta đã nhắm vào cái thứ nhất, liên hệ với sự làm việc với những hình ảnh và câu chuyện trong mộng, với những đáp ứng của chúng ta đối với kinh nghiệm và những xúc tình của chúng ta, với những hậu quả của giấc mộng trong chúng ta và những kết quả của sự thực hành trong giấc mộng, và với sự khai triển hơn nữa tỉnh giác và sự kiểm soát.
Mức đôï không quy ước của sự thực hành không bao gồm nội dung của những giấc mộng cũng không những kinh nghiệm của chúng ta về chúng, mà hơn nữa chính là tịnh quang bất nhị. Đây là mục tiêu cứu cánh của thực hành giấc mộng và thực hành giấc ngủ.
Chúng ta không bao giờ nên xem thường sự sử dụng có tính cách nhị nguyên yoga giấc mộng. Cuối cùng, đối với phần đông chúng ta, và hầu hết thời gian, chúng ta sống trong thế giới của nhị nguyên và chính trong đời sống bình thường của chúng ta mà chúng ta phải du hành trên con đường tâm linh của mình. Làm việc với những những thực hành giấc mộng, chúng ta chuyển hóa giận dữ thành tình thương, tuyệt vọng thành hy vọng, cái bị thương trong chúng ta thành cái được chữa lành và mạnh khỏe. Chúng ta khai triển khả năng làm việc một cách thiện xảo với những hoàn cảnh trong đời và giúp đỡ những người khác. Chúng ta có được những thiện xảo này khi chúng ta bắt đầu thực sự hiểu rằng đời sống là như mộng và mềm dẻo linh hoạt có thể chuyển hóa được. Bấy giờ chúng ta có thể thay đổi cuộc đời bình thường thành những kinh nghiệm của sự đẹp đẽ và đầy đủ ý nghĩa vĩ đại, hội nhập mọi sự vào con đường.
Chỉ khi cái ngã quy ước của chúng ta tan biến vào rigpa mà chúng ta thực sự vượt khỏi nhu cầu hy vọng và ý nghĩa, vượt khỏi những phân biệt tích cực và tiêu cực, tốt và xấu. Chân lý không quy ước thì vượt khỏi chữa lành và nhu cầu chữa lành. Đảm đương cái nhìn viễn cảnh này trong khi chúng ta không thực sự sống trong cái thấy bất nhị sẽ dẫn đến một loại xáo trộn tâm linh trong đó chúng ta thực tập sự bị quy định tiêu cực của chúng ta mà lại nghĩ rằng chúng ta đang thực tập tự do. Khi chúng ta trọn vẹn ở trong tịnh quang, những tiêu cực không còn cai trị chúng ta, thế nên thật dễ dàng để thử nghiệm chính mình và thấy chúng ta có ở trong ấy hay không.
Có bốn lãnh vực liên tiếp nhau của sự hội nhập liên hệ với thực hành giấc mộng : nhìn thấy, giấc mộng, trung ấm và tịnh quang. Nhìn thấy ở đây là tất cả những kinh nghiệm của đời sống khi thức, bao gồm tất cả cái gì được gặp gỡ với những giác quan và tất cả biến cố bên trong. Cái nhìn thấy được hội nhập vào giấc mộng khi mọi kinh nghiệm và hiện tượng được thấu hiểu là giấc mộng. Điều này không phải chỉ là một cái hiểu trí thức, nó là một kinh nghiệm rõ ràng và sống động. Nếu khác đi thì nó chỉ là một trò chơi của trí tưởng tượng và không có sự thay đổi đích thực nào đã được thực hiện. Hội nhập đích thực của điểm này tạo ra một thay đổi sâu xa trong sự đáp ứng của cá nhân đối với thế giới. Bám nắm và ác cảm giảm sút lớn lao, và những rối rắm xúc tình trước kia có vẻ bắt buộc sẽ được kinh nghiệm như những câu chuyện mộng, và không thể hơn.
Vì sự thực hành thay đổi những kinh nghiệm của những cái thấy lúc ban ngày, sự thay đổi được hội nhập vào giấc mộng. Sự minh bạch sanh ra trong trạng thái mộng. Có những mức độ liên tiếp của minh bạch, từ những kinh nghiệm ban đầu của việc biết giấc mộng là một giấc mộng khi còn được hướng dẫn bởi logic của giấc mộng, cho đến một minh bạch đầy uy lực trong đó người ta hoàn toàn tự do trong mộng và bản thân giấc mộng trở thành một kinh nghiệm về sự sống động và trong sáng đến sửng sốt.
Sự minh bạch và linh hoạt của tâm thức được phát triển trong giấc mộng bấy giờ được hội nhập vào trạng thái trung ấm sau khi chết. Kinh nghiệm cái chết thì rất giống với việc đi vào giấc mộng. Khả năng an trụ hiện diện trong suốt trung ấm, tỉnh thức và không phóng dật khi những cái nhìn thấy sau khi chết khởi lên, tùy thuộc vào những khả năng đã được phát triển trong yoga giấc mộng. Chúng ta nói rằng giấc mộng là một kiểm tra cho trung ấm. Đây là sự hội nhập của trạng thái giấc mộng với trạng thái trung ấm, hiểu rằng những phản ứng đối với những hiện tượng của giấc mộng sẽ giống cùng những phản ứng đối với những hiện tượng của trung ấm. Sự thành tựu ở điểm này tùy thuộc vào sự phát triển của minh bạch và không bám chấp trong giấc mộng.
Trung ấm được hội nhập với tịnh quang. Đây là phương cách thành tựu giác ngộ. Trong trung ấm, tốt nhất là không vướng vào một cách nhị nguyên với những hiện tượng khởi lên, mà thay vào đó ở trong sự hiện diện bất nhị, trong tỉnh giác tràn đầy không phóng dật. Đây là ở trong tịnh quang, sự hợp nhất của tánh không và tánh tỉnh giác thuần túy. Khả năng làm điều này cũng là giai đoạn cuối của thực hành giấc mộng trước khi chết : khi hành giả hội nhập trọn vẹn với tịnh quang, mộng mị dứt bặt.
Khi kinh nghiệm thức được trực tiếp thấy là một giấc mộng, bám nắm dứt bặt. Sự minh bạch lớn hơn đã được phát triển để tiến bộ đến điểm này được tự nhiên đưa vào trong những giấc mộng của đêm. Khi minh bạch được phát triển và làm vững chắc trong giấc mộng, sau đó nó biểu lộ trong trung ấm. Khi người ta hoàn toàn và một cách bất nhị tỉnh thức trong trung ấm, giải thoát đạt được.
Hãy áp dụng thực hành giấc mộng không ngừng hở và những kết quả sẽ hiển lộ trong mỗi mặt của đời sống. Kết quả của sự hoàn thành trọn vẹn sự thực hành là giải thoát. Nếu sự thực hành không đưa đến những kinh nghiệm được biến đổi của đời sống, nếu người ta không thư giãn hơn với ít căng thẳng và ít phóng dật hơn, bấy giờ những chướng ngại phải được tìm ra và vượt thắng và cần tham vấn vị thầy. Nếu không có kinh nghiệm tiến bộ trên con đường, bấy giờ ý định chứng nghiệm cần được làm mạnh thêm đến mức tốt nhất. Khi những dấu hiệu tiến bộ sanh khởi, hãy chào mừng chúng với niềm vui và để cho chúng tăng sức cho ý định của bạn. Với hiểu biết và thực hành, tiến bộ chắc chắn đến.