GIÁO KHOA THƯ
Tác giả: Sa Môn Thích Thiện Nhơn
Thái Hư Đại Sư giám định
Việt dịch: Thích Nguyên Liên
Quyển thứ hai
Bài 41
PHẬT PHÁP BƯỚC ĐẦU TRUYỀN VÀO TRUNG QUỐC
Phật pháp bước đầu truyền vào Trung quốc, theo lịch sử ghi lại vào thời Hậu hán Minh đế năm Vĩnh bình thứ 10 (trước Dân quốc 1978 năm), vua Hán Minh đế do mộng thấy người vàng bèn sai Thái hâm, Vương tuân… cả thảy 18 người sang Thiên trúc cầu Phật pháp. Đến Thiên trúc gặp Ca diếp ma đằng và Trúc pháp lan, vào năm đó thỉnh hai Ngài về Trung quốc, khắp nơi thần dân đều vui mừng. Nhà vua xây chùa Bạch mã ở ngoại thành Lạc dương, thỉnh hai Ngài ở đây phiên dịch kinh điển.
Kinh điển hai Ngài phiên dịch được 14 quyển, hiện còn kinh Tứ thập nhị chương và kinh Phật bản hạnh ngoài ra các bản dịch khác không còn, nhưng thuyết này là do căn cứ vào sự sùng tín của nhà vua, mà nói Phật giáo truyền sang Trung quốc vào thời Hán minh đế, kỳ thật trong nhân gian đã sớm ảnh hưởng Phật giáo, nay lược thuật các sự việc ấy như sau.
1. Trong sách Liệt tử có đoạn: “Khâu này nghe phương tây có bậc thánh không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hoá mà tự làm theo”. Đoạn trên có thể biết được Khổng tử muốn ám chỉ đức Phật và Khổng tử là người xuất hiện cùng thời (Khổng tử sanh sau đức Phật 30 năm).
2. Trong Kinh lục Châu sĩ hành có đoạn: “… Tần vương năm thứ 4, có sa môn Thất lợi phòng người Tây vức cùng với 18 người đem kinh Phật truyền vào Trung quốc, Tần vương cho là quái gở bắt bỏ vào ngục sau đó phóng thích đưa ra nước ngoài…”.
3. Ngụy thư Thích lão chí viết: “ Thuyết đạo Phật nghe trong thời Tiền Hán Võ đế năm Nguyên thú, Hoài khứ đế được vua Côn tà ban tặng cho một người bằng vàng cao hơn một trượng, Võ đế cho là vị thần lớn đem thờ ở cung Cam tuyền sớm tối đốt hương lễ bái, do đây có thể biết được Phật giáo đã lần hồi truyền vào Trung quốc”.
4. Cũng trong Thích lão chí có đoạn: “Vua bang giao các nước Tây vực sai Trương khiêm đi xứ Đại hạ, Trương khiêm trở về thưa: bên xứ Thân độc (Ấn độ) có đạo Phù đồ…”.
5. Thời Tiền Hán Thần đế Lưu hướng hiệu đính sách vở ở Đại lục các, trước tác Liệt tiên truyện có đoạn: “Tôi kiểm tra tàng thư sưu tầm các sử mà soạn Liệt tiên truyện. Xét từ thời Huỳnh đế về sau cho đến nay số người đắc đạo có hơn 700, kiểm tra xem hư thực thì được 146 vị trong số đó đã có hơn 70 vị thấy kinh Phật…”.
6. Ngụy thư Thích lão chí lại nói: “Thời Ái đế Cảnh hiến được vua Đại nhục thị truyền cho kinh phù đồ”.
Sáu thuyết trên chẳng qua là do nghe chút tên Phật của người Trung hoa mà nói, như thế rõ ràng Phật giáo đã sớm truyền vào và đến thời Hán minh đế mới được triều đình tôn sùng, tín ngưỡng và phiên dịch kinh điển. Sau đó hơn 80 năm lần lượt có An thế cao, Chi lâu ca sâm... đến Trung hoa phiên dịch kinh điển.
Bài 42
THỜI KỲ ĐẦU TRUYỀN BÁ VÀ PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
Phật học Trung quốc được truyền từ Ấn độ, việc truyền bá đó không thể không kể đến phiên dịch Kinh điển, tức ảnh hưởng nơi giáo lý giải thích. Nhà đại phiên dịch tức có thể gọi là người khai sáng tông phái. Vì thế lịch sử Phật học Trung quốc cho rằng nhà phiên dịch cũng là người có kiến giải uyên thâm.
Người phiên dịch kinh điển rất nhiều, nhưng trong số đó có ảnh hưởng lớn nhất là Cưu ma la thập, Chân đế, Huyền trang, Bất không, ở phạm vi bài này chỉ nói thời kỳ đầu tức giai đoạn từ La thập kể về trước.
La thập sang Trung hoa vào thời Dao tần năm Hoằng thỉû thứ 3 (Đông tấn An đế năm Long an thứ 5), khoảng sau khi Chi câu la sấm 260 đến 270 năm, trong thời gian này đã có các học giải ngoại quốc đến Trung hoa phiên dịch kinh điển, biết được tên tuổi hơn 60 vị, kỳ thật các nhà phiên dịch không dừng lại ở số này. Ngoài ra còn có các cư sĩ ngoại quốc đến Trung hoa phiên dịch kinh điển, con của các vị đó cũng tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp phiên dịch.
Thời đó việc phiên dịch không có triều đình bảo hộ và vị trí nhất định, chỉ ở những nơi hoằng hoá mà kiêm thêm phiên dịch. Do vậy có nơi thành lập lữ xá, có nơi trong bộ kinh lược dịch một vài phẩm, có nơi không ghi tên dịch giả, có nơi ghi tên thì giống nhưng người lại khác, vì vậy ngoài hơn 60 vị đó ra chúng ta khó biết được số lượng một cách rõ ràng.
Lại các nhà phiên dịch hoằng dương theo giáo nghĩa nào? điều này cũng khó xác định? Đại khái những vị từ Kế tân sang phần lớn đều theo giáo nghĩa Tiểu thừa, như ba quyển Trường a hàm, Trung a hàm và Tăng nhất a hàm do Tăng già đề bà, Phật đà da xá dịch đều là người Kế tân, Phất trước đa la dịch Thập tụng luật, Phật đà dịch Ngũ phần luật cũng là người Kế tân. Ngoài ra Phật đà da xá còn dịch Tứ phần luật, Tăng già đề bà lại dịch Ca chiên diên A tỳ đàm. Người dịch Xá lợi Phật A tỳ đàm là Đàm ma da xá cũng là người Kế tân. Ngoài ra các học giả từ Trung Thiên trúc đến phần lớn đều dịch kinh Đại thừa; các học giả từ An tức, Nguyệt chi, Tây vức, Vu chấn đến cũng đều như vậy.
Nhưng trong số các nhà phiên dịch thời bấy giờ, nổi bật hơn cả phải kể: một là Chi lâu ca sấm, hai là Cảnh thi lê mật đa la, ba là Cưu ma la thập, bốn là Phật đà da xá (Giác hiền), năm là Đàm vô sấm… ngoài ra các học giả từ các nước An tức, Khương cư… đến, dịch kinh điển đủ cả Đại lẫn Tiểu thừa.
Trúc pháp hộ là bậc vĩ nhân truyền bá Đại thừa, được mọi người tôn xưng là Đôn hoàng Bồ tát. Tổ tiên Ngài người Nguyệt chi, di cư đến Đôn hoàng và sanh Pháp hộ, do Pháp hộ xuất gia làm đệ tử Trúc pháp toà nên lấy họ là Trúc. Ngài đã từng sang các nước phương tây tham học Phật pháp, thông suốt cả 30 ngôn ngữ ngoại quốc. Từ thời Tấn Võ đế đến Mẫn đế trong khoảng thời gian hơn 40 năm Ngài đeo đuổi sự nghiệp phiên dịch, tổng cộng dịch hơn 160 bộ ngoài 300 quyển. Trong Tam tạng kí tập nói: “Chăm chăm công việc lấy hoằng dương chánh pháp làm sự nghiệp, suốt đời phiên dịch lao nhọc không hề sanh tâm chán mỏi, kinh pháp sở dĩ truyền rộng Trung quốc phần nhiều nhờ vào công sức của Pháp hộ”.
Xét các khu vực Đôn hoàng, Cao xương phía tây Cam túc trước thời Hán võ đế đều thuộc địa hạt Tây vức, sau mới nhập vào lãnh thổ Trung quốc, thời đại Ngũ hồ Tiền lương, Hậu lương, Bắc lương, Tây lương, Nam lương đều cát cứ và có sự thịnh suy tại đây, khu vực này rất gần Tây vực nên sớm ảnh hưởng Phật giáo. Các học giả ở địa phương này đã từng du học Tây vức, trở về đeo đuổi sự nghiệp phiên dịch rất nhiều như Trúc ma la sát, thời Bắc lương có Trợ cử mông tốn, Trợ cử kinh thanh… đều là những vị dịch kinh nổi tiếng.
Trong đó các nước như Tây vực, Vu chấn, An tức, Khương cư, Nguyệt chi... ngày nay vốn là Tân cương và các vùng phụ cận Tân cương. Thiên trúc là tên riêng Ấn độ, Kế tân cũng thuộc địa hạt Ấn độ.
Lại thời đại này tăng sĩ đa phần họ An như An thế cao… họ Chi như Chi khiêm, Chi lượng… hoặc họ Khương như Khương tăng hội… hoặc họ Trúc như Trúc pháp hộ… Sở dĩ các Ngài có họ như vậy một là muốn nêu tên nước của mình, hai là sau khi xuất gia lấy họ của thầy làm họ mình. Đến thời Dao tần Đạo an nhân đọc kinh Tăng nhất a hàm và phát hiện được câu “Tứ hà nhập hải, vô phục hà danh, tứ tánh xuất gia, đồng xưng Thích tử” (Bốn sông về biển không gọi tên riêng, bốn chúng xuất gia đều xưng họ Thích), từ đó về sau những người xuất gia đều lấy họ Thích làm họ.
Bài 43
BỐN NHÀ ĐẠI PHIÊN DỊCH ĐỜI TẤN
LƯỢC TRUYỆN LA THẬP
1. Cưu ma la thập dịch các kinh Bát nhã cùng các luận như Đại trí độ luận, Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận… đều thuộc hệ thống Chư pháp thật tướng luận của Long thọ, sau này tại Trung hoa hình thành một hệ thống lớn phân ra ba tông là Thiên thai tông, Tam luận tông và Thiền tông. Do đó nay thuật lại việc này.
2. Cưu ma la thập ngoài kinh Bát nhã còn dịch Pháp hoa, Ngài thường cho rằng chủ trương Bát nhã là quét sạch mê vọng, Pháp hoa là hiển thị cứu cánh, các kinh này trước và sau La thập đã có nhiều người dịch nhưng không bằng bản dịch La thập có ảnh hưởng lớn hơn cả.
3. Đàm vô sấm dịch kinh Niết bàn. Phạn bản do Trí mãnh từ Ấn độ mang đến Cao xương, khi Đàm vô sấm đến Bắc lương Lương chủ thỉnh Ngài phiên dịch. Trong đó tông chỉ bản kinh thuyết minh các giáo nghĩa Pháp thân thường trụ, Pháp thân bất diệt, Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh… liên hệ và ảnh hưởng không ít đối với vấn đề Phật hoá. Kinh này trước và sau Đàm vô sấm đã có nhiều người phiên dịch, nhưng không bằng bản dịch Đàm vô sấm có ảnh hưởng lớn hơn cả.
4. Phật đà bạt đà la dịch Lục thập Hoa nghiêm kinh. Từng phẩm bản kinh đã được rút ra dịch rất sớm, sau do Pháp lãnh du học Tây vức gặp toàn bản ở Vu chấn đem về Trung quốc hợp với Phật đà bạt đà la (Giác hiền) dịch thành 60q. Bản dịch này tuy không bằng bản Đường dịch Bát thập Hoa nghiêm, nhưng vì lưu hành sớm nên có ảnh hưởng rất lớn, như Đỗ thuận, Trí nghiêm… đều căn cứ vào bản dịch mà lập thành tông phái, do đó nên thuật lại bản này.
Cưu ma la thập người Cưu tư, tuổi nhỏ xuất gia theo mẹ du hành qua các nước Kế tân, Tây vực học Phật pháp. Lúc đầu Ngài chuyên học kinh điển Tiểu thừa sau chuyển hướng Đại thừa.
Gặp lúc Trung hoa có loạn Ngũ hồ, 16 nước khởi binh đánh chiếm lẫn nhau, Tần phù kiên lập nước ở Trường an, sai Lã quang đem binh chinh phạt Tây vức để bắt La thập về Trung hoa. Nhân gặp lúc chiến tranh Phí thuỷ binh lực Kiên yếu kém nên không chống cự nổi. Hậu tần Dao trành chiếm lãnh Trường an.
Lúc đó Lã quang đang đem binh chinh phạt phía tây diệt Cưu tư bắt được La thập… Lã quang nghe tin phương bắc có đại loạn Phù kiên đã chết, liền chiếm cứ vùng phía tây lập nước đặt tên Hậu lương, La thập phải ở lại đây.
Đến khi Dao trành mất, con là Dao hưng nối ngôi ra sức chấn hưng Phật pháp, sau này Lã quang mất Dao hưng mới đem được La thập về Trung hoa. Dao hưng vô cùng hoan hỷ và kính trọng La thập, lấy Tây minh các và Tiêu dao viên làm đạo tràng cho Thập dịch kinh, thạnh hành việc giảng kinh phiên dịch. Môn đồ vân tập có đến 3000 trong đó người lãnh ngộ là 800 vị, lấy Đạo sanh, Tăng triệu, Đạo dung, Tăng duệ, Đàm ảnh, Huệ nghiêm, Huệ quán, Tăng khiết làm thượng thủ được mọi người tôn xưng là bát kiệt.
Từ năm Hoằng thỉ thứ 3 La thập vào Trường an đến năm thứ 11 thị tịch, trong khoảng thời gian 8 năm kinh luận Ngài phiên dịch hơn 380 q, lâm chung trà tỳ cuống lưỡi không cháy. Phật học phương bắc thời này hùng mạnh hơn 10 năm, thế lực như ánh mặt trời chiếu trên đỉnh không rất được mọi giới kính ngưỡng, mà nền học thuyết thâm diệu thời này đã làm cho văn hoá Trung quốc có sự chuyển biến rất lớn, từ đó về sau mọi người tôn xưng Phật học là không môn, há chẳng phải là do công sức phát huy của La thập sao!
Bài 44
GIÁO NGHĨA LONG THỌ
TRUYỀN VÀO TRUNG QUỐC RẤT SỚM
Không vô tướng luận của Long thọ truyền vào Trung quốc, mặc dầu lấy La thập làm trung tâm nhưng thực tế giáo nghĩa đó đã truyền vào rất sớm. Như Đạo an hoằng dương Đại thừa Phật học, phần nhiều sử dụng thuyết Không vô tướng, chẳng qua thời đó kinh điển truyền sang chưa nhiều nên thỉnh thoảng các nhà truyền giáo phải vay mượn ngôn ngữ Lão trang để giải thích. Như Trúc pháp nhã, Khương pháp lãng đều đề xướng cách nghĩa, bởi phần lớn sử dụng ngôn ngữ Lão trang để thuyết minh kinh Phật, khiến đôi lúc rơi vào sự hoảng hốt khó giải thích; giai đoạn này Không vô tướng của Long thọ có ba thuyết.
1. Thuyết bổn vô.
Tương tợ với thuyết Lão trang, cho rằng điểm khởi đầu của trời đất là hữu vô, do vô sanh hữu mà hình thành thuyết vạn vật tồn tại. Trung luận sớ cho rằng đây là thuyết của Sâm pháp sư, Triệu luận tân sớ cho rằng của Trúc pháp thải. Nhưng Trúc pháp thải và Đạo an là bạn đồng học vì thế e có sự khác biệt. Trung luận sớ cho rằng thuyết Đạo an tuy là bổn vô nhưng khác với thuyết bổn vô của Sâm pháp sư, bởi thuyết Đạo an cùng với lý tất cả các pháp bản tánh không tịch của Không tông Long thọ là giống nhau, điều này mọi học giả đều thừa nhận. Đây là một thiên luận về bổn vô của Trúc pháp thải, cũng khác biệt với thuyết Sâm pháp sư.
2. Thuyết tâm vô.
Không phải nghĩa Phật học, nghĩa là vô tâm với vạn vật nhưng vạn vật chưa từng là không. Tức là không tâm chứ không phải không cảnh. Cao tăng truyện cho rằng Đạo hằng thạnh truyền thuyết này ở Kinh châu. Bấy giờ Đạo an và Trúc pháp thải rời Tương dương đến Kinh châu, nghe tà thuyết này bèn sai đệ tử là Đàm nhất đến thuyết phục nhưng không thuyết phục được. Sau Huệ viễn vâng lịnh Đạo an và Trúc pháp thải đến cật vấn, Đạo hằng không trả lời được do đây thuyết tâm vô chấm dứt từ đó.
3. Thuyết tức sắc.
Nghĩa là sắc tức là không, nếu tâm không chấp thì sắc không thể là sắc vì vậy sắc tức không. Triệu luận tân sớ cho rằng đây là thuyết của Chi độn (Đạo lâm). Nhưng Gia tường cho rằng thuyết tức sắc của Quan nội (Quan nội tức Quan trung, chỉ Hiệp tây Hàm cốc ở vùng này) cùng với thuyết tức sắc Chi độn khác nhau. Chi độn trước tác Tức sắc du huyền luận thuật lại nghĩa tức sắc, Trung luận sớ cho rằng thuyết này thừa nhận sự tồn tại của giả pháp và các pháp. Thật tướng luận bát nhã chánh tông nhất trí quan điểm này. Cao tăng truyện có nói Vu pháp lan, đệ tử Vu pháp khai ở chùa Nguyên hoa núi Diệm thạch thành, sau dời đến chùa Linh thứu Bạch sơn thường cùng Chi đạo lâm tranh luận nghĩa tức sắc không. Vì vậy nếu căn cứ theo Gia tường cho rằng thuyết Chi độn là đúng, thì thuyết của Vu pháp khai đương nhiên là khác nghĩa.
Trong ba thuyết trên, trừ thuyết bổn vô của Đạo an và thuyết tức sắc của Chi độn ra, ở trong Bất không chân luận của Tăng triệu có thuật lại đại yếu và đưa ra lập luận bài xích thuyết tâm vô này.
Tóm lại, khảo sát các thuyết đó đều là cách giải thích khác nhau về nghĩa Không - vô tướng của Long thọ như phần trình bày sau.
* Bổn vô à vạn vật ban đầu là không à do nguồn gốc vạn vật là không à là nghĩa không Phật học (sai lầm).
* Tâm vô à chẳng phải không có vật à do tâm lìa chấp trước nơi vạn vật à là nghĩa không Phật học (sai lầm).
* Tức sắc à tâm không chấp vào sắc à thì vạn vật không có nguồn gốc à là nghĩa không Phật học (tương tợ).
Quán sát biểu đồ trên, chúng ta có thể biết được các thuyết trước La thập, rốt cùng đều nhằm tranh luận về nghĩa “không”, chỉ có thuyết Đạo an, Chi độn cùng với thuyết của La thập truyền bá, không có sự sai khác là bao nhiêu. Điều đó xác quyết thuyết Đạo an, Chi độn chính thuộc giòng hệ thuyết “Chân không - Diệu hữu” của Long thọ và không hẳn là truyền bá sau thời La thập sang Trung hoa vậy.
Bài 45
NGUỒN GỐC THIỀN TÔNG
Người truyền bá định học đầu tiên sang Trung hoa là An thế cao, An thế cao có dịch Đại an ban thủ ý kinh, Thiền hành tam thập thất phẩm kinh. Người thứ hai là Chi sấm, Sấm có dịch Thiền kinh. Người thứ ba là Chi khiêm, Khiêm có dịch Tu hành phương tiện kinh, Thiền bí yếu kinh. Người thứ tư là Khương tăng hội, Hội có dịch Toạ thiền kinh. Người thứ năm là Trúc pháp hộ, Hộ có dịch Pháp quán kinh, Tu hành đạo đức kinh. Năm vị trên đây rất tinh thông về định học, do đó kinh điển các Ngài phiên dịch phần nhiều là thiền kinh. Ngày nay chúng ta muốn tìm cầu định học, cố nhiên đối với các bộ kinh trên cần để tâm nghiên cứu.
Khai sáng thiền học Trung hoa xưa nay đều suy tôn là Đạt ma. Nhưng ngược về cội nguồn thiền học thì Đạo an là người sớm nhất, bởi nguồn gốc Thiền học vốn xuất phát từ kinh Bát nhã, mà Đạo an chú sớ kinh điển được 19 bộ hơn 20q, trong đó đặc biệt chú trọng Bát nhã thiền kinh, Ngài là người có chí nguyện siêu trần thoát tục, tánh thích đạm bạc nhàn tịnh, chí lực nơi Bát nhã thiền hành, điều này ai cũng công nhận.
Trong bài tựa chú giải kinh Bát nhã Đạo an viết: “Bước đầu là, tổn mình lại tổn mình cho đến nơi vô vi. Kế tiếp là, quên mình lại quên mình cho đến nơi vô dục. Vô vi nên vô hình mà không nguyên do, vô dục nên vô sự mà không chạy theo. Vô hình mà không nguyên do nên có thể quên vật, vô sự mà không chạy theo nên có thể thành công việc”. Qua đoạn văn chúng ta có thể biết được tư tưởng Đạo an có ảnh hưởng rất lớn đối với thiền tông.
Truyền bá thiền học sau Đạo an phải kể đến hai người là La thập và Giác hiền. La thập ngoài việc truyền Bát nhã còn truyền bá các thiền kinh, những bản kinh La thập dịch ngoài Pháp hoa, Bát nhã còn dịch các bộ kinh như Thiền bí yếu pháp kinh, Toạ thiền tam muội kinh, Thiền pháp yếu giải, Tư duy lược yếu pháp… đây là khởi nguyên của sự kết hợp giữa Bát nhã và thiền học.
Giác hiền người Kế tân trước theo Phật đại tiên học Đạt ma đa la thiền kinh, sau sang Trung hoa truyền đạo. Ban đầu người theo học với Ngài phần nhiều ở phương bắc như Trí nghiễm… lúc đó Đạo sanh đã rời đồ chúng La thập và sau khi bị các hàng đồng môn tẩn xuất, bèn vào Lô sơn kết hợp với Giác hiền, sau đó trước tác bộ Đốn ngộ thành Phật luận. Đạo sanh có học hỏi được gì nơi Giác hiền? Điều này tuy không rõ ràng, nhưng chắc chắn Ngài có chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Giác hiền đó là lẽ tất nhiên.
Tóm lại, tư tưởng Đốn ngộ thành Phật của Đạo sanh là nhằm tóm lược hệ thống Bát nhã của La thập, Giác hiền mà kết hợp thiền học để hình thành hệ thống thiền Bát nhã, điểm này không còn nghi ngờ. Trong Cao tăng truyện có nói về Đốn ngộ thành Phật luận như sau:
“Mãi sướng nhiên than: xét hình thì phải rõ ý đặng ý thì phải quên hình. Lời nói thì phải rõ được lý đặng lý thì phải quên lời. Kể từ khi kinh điển truyền sang Đông độ, người Trung hoa trong lúc phiên dịch gặp không ít trở ngại, phần nhiều trệ vào văn chương mà ít làm sáng tỏ nghĩa lý, bằng quên nơm đặng cá thì lời nói mới có thể hợp với đạo”. Do đây so duyệt chân tục suy cứu nhân quả, thì lời nói lành không thọ quả báo, đốn ngộ thành Phật.
Thuyết Đốn ngộ thành Phật của Đạo sanh, đương thời bị nhiều người phản đối. Đến sau Đạo sanh mất 23 năm, Tống Văn đế muốn nghe lại tư tưởng Đốn ngộ thành Phật của Đạo sanh, lúc đó các ông như Tăng bật… thảy đều phản đối, Tống Văn đế nói “Nếu Đạo sanh còn thì các ông sẽ bị khuất phục”. Sau Tống Văn đế hỏi người nào kế thừa tư tưởng Đạo sanh với Huệ quán, Huệ quán đáp: “Đó là đệ tử của Đạo sanh tức Đạo hiến”. Nhân đó Tống Văn đế sắc Đạo hiến từ quận Lâm xuyên đến Kiến khang, cùng các môn đồ tập thành giáo học để tranh luận, Đạo hiến nhân đây bẻ gãy các luận điểm đối ngược. Tống Văn đế nghe tin Đạo hiến khuất phục các học thuyết đối ngược, bèn vỗ ghế tỏ ý vui mừng.
Bài 46
HAI ĐẠI TRÀO LƯU ĐỜI TẤN
Phật học Trung quốc trước thời Đông tấn rất ấu trỉ, ngoài việc phiên dịch kinh điển ra không có điểm gì đặc sắc, kể từ Đạo an về sau La thập thạnh truyền phương bắc, Huệ viễn an tịnh phương nam, một bên động một bên tịnh thí như hoa nở rộ lan nức mùi, cả hai đều rực rỡ. Tuy nhiên Huệ viễn vốn chú trọng điềm đạm niệm Phật không khởi sai biệt, mà Giác hiền bạn Huệ viễn lại chấp nhận chủ trương này, nay liệt ra những điểm bất đồng giữa La thập và Giác hiền để thấy rõ được tình hình Phật giáo thời bấy giờ.
1. Liên quan đến giáo nghĩa
La thập tận lực hoằng truyền Không tông của Long thọ, chủ trương vạn pháp trong thế giới đều là không, bởi có nghĩa không nên vạn pháp được lập thành. Ba ngàn đệ tử La thập đều tuân thủ học thuyết trên, tông phong truyền rộng vang khắp mọi nơi. Sau này từ học thuyết Không tông La thập hoằng truyền, hình thành ba tông phái lớn là Thiền tông, Thiên thai tông và Tam luận tông.
Giác hiền dịch kinh Hoa nghiêm, tuy kinh này không phải là tông chỉ hoằng truyền của Ngài, nhưng trong kinh có thuyết Tam giới duy tâm, khế hợp với tâm lý học giả do đích thân Giác hiền dịch ra. Thuyết này được phát triển lưu truyền, cuối cùng hình thành ba tông phái lớn là Hoa nghiêm tông, Duy thức tông và Thiền tông. Một bên không một bên hữu tuy có khác biệt, nhưng nghĩa lý thiền cả hai Ngài không hẹn mà gặp.
2. Liên quan đến luật nghi.
La thập tuy chủ trương bất câu tiểu tiết, nhưng sau này hợp tác với Phất nhã đa la dịch Thập tụng luật và hoằng dương luật này, thời đó hàng tăng lữ đều hành trì theo bộ luật. Lúc đó Giác hiền cũng có dịch Tăng kỳ luật, tuy sự thạnh hành không bằng Thập tụng luật nhưng đối với giới luật giữa La thập và Giác hiền cũng không thể không có mối liên hệ lẫn nhau.
3. Liên quan đến thiền định.
La thập và Giác hiền cả hai Ngài đều có dịch những bộ kinh liên quan đến thiền học như bài trước đã nói. Có điều Giác hiền là chuyên gia thiền học, La thập là chuyên gia huệ học, mỗi Ngài đều có điểm dặc sắc. Vì thế sau này phân ra thành hai phái, trong đó mối quan hệ về thiền giữa hai Ngài chỉ biết được một cách khái lược.
Xét giữa La thập và Giác hiền có mối bằng hữu sâu đậm, nhưng tánh cách của mỗi Ngài mỗi khác. Vì thế chủ trương hoằng hoá cũng có những điểm khác nhau. Ban đầu khi Giác hiền mới sang Trung hoa, gặp lúc Dao tần sùng bái Phật giáo, uy danh La thập vang khắp mọi nơi, Giác hiền thẳng đến Trường an La thập vô cùng hoan hỷ, thường cùng với Giác hiền tham cứu những nghĩa lý thâm sâu không có chút bất đồng. Duy chỉ có cảnh ngộ và tánh cách giữa Giác hiền và La thập hoàn toàn sai biệt, Giác hiền tuân thủ luật nghi ưa lánh chốn phồn hoa đô thị, chỉ chú trọng đến việc dạy dỗ đệ tử. Môn đồ La thập có đến ba ngàn vị thường tới lui chỗ quyền quý thạnh tu nhân sự, còn Giác hiền lại thích tu tập thiền định, không để ý đến những việc làm của môn đồ La thập.
Ngày nọ Giác hiền bảo với đệ tử: “Hôm qua thấy quê hương, năm thuyền đều về” (tạc kiến bổn hương, ngũ bạc câu phát), đệ tử của Ngài lan truyền lời đó khiến môn đồ La thập cho rằng Giác hiền cố tâm làm mê hoặc đại chúng. Lại trong đệ tử Giác hiền có người thêu dệt sai sự thật, Hiền chưa kịp kiểm chứng đã truyền rộng khiến Ngài gặp phải sự kích bác phỉ báng, sự việc xảy ra không lường.
Nhân đây giữa hai đồ chúng nỗ ra tranh cãi, làm cho Giác hiền không được vừa lòng. Tiếp có sự khuyên can của bọn ông Đạo xung… Hiền nói: “Thân tôi tuy có trôi nổi nhưng trước sau vẫn không thay đổi chí nguyện, chỉ tiếc hoài bão chưa thành mà đã xảy ra việc đau lòng”, bèn đem đệ tử Huệ quán cùng hơn 40 người rời Trường an, thần chỉ trong sáng sắc diện không chút thay đổi, kẻ thức giả đều khuyên Ngài ở lại, hàng tăng tục tiễn đưa có đến số ngàn.
Giác hiền rời Trường an vào Lô sơn hợp tác với Huệ viễn như nước hoà với sữa, bởi hai Ngài đều chủ trương xa lánh chốn quyền quý tôn trọng luật nghi, nhân đây kết hợp thành trung tâm Phật giáo ở phương nam.
Mối nhân duyên giữa La thập và Giác hiền không chỉ trên mặt giới luật có sự sai khác, mà trên mặt địa lý giữa hai miền nam bắc cũng có sự cách biệt, nên giáo nghĩa thiền lý cũng theo đó mà chia thành hai phái lớn.
Bài 47
ĐẠO AN VÀ HUỆ VIỄN
Đạo an người Phù tần tuổi nhỏ mồ côi cha mẹ năm 12 tuổi xuất gia, do hình tướng xấu xí nên không được thầy yêu mến, chấp lao phục dịch vài năm nhưng Ngài luôn tinh cần không sanh tâm mệt mỏi, mỗi khi đọc kinh tụng đến vạn lời thầy rất kinh ngạc. Sau khi thọ Cụ túc giới Ngài đến Nghiệp đô, gặp Phật đồ trừng và tôn Phật đồ trừng làm thầy.
Phật đồ trừng giảng kinh bảo Đạo an lên giảng lại, đương thời mọi người đều bảo: “Tất đạo nhân kinh động bốn bang” (Tất đạo nhân kinh tứ bang), sau du phương trải qua các nơi đến Hằng sơn Thái hành lập chùa. Vào thời Tấn Võ đế Ninh khang năm đầu gặp loạn Thạch thị, Ngài đem Huệ viễn cùng hơn 400 người đến Tương dương, dùng nhà do Trường ân cúng lập chùa xây tháp năm tầng, tăng phòng có đến 400 và đặt tên là chùa Đan khê.
Phù kiên chiếm Tương dương được Đạo an bảo rằng: “Ta đem mười vạn quân đánh Tương dương bắt được một người rưỡi, Đạo an là một Tập tạc xỉ là nửa người”.
Tại Trường an Đạo an chú sớ kinh điển được hai mươi hai quyển, Ngài là người chú sớ kinh điển đầu tiên ở Trung hoa. Năm Vĩnh gia thứ sáu thái thú Lô khiêm mời Đạo an giảng kinh thính giả đầy chật cả thành, xem đây có thể biết được sự thạnh hành hoá đạo của Ngài. Nghi quỹ nhà Phật đến thời Đạo an mới hoàn bị. Đạo an nổi tiếng là người trì giới nghiêm khắc, trong bài tựa kinh A hàm Ngài viết:
“Từ nay mãi về sau mong được sức Tam bảo gia hộ, khiến cho mỗi hành động của con đều hợp với giới luật, đó là việc khẩn thiết nhất của người tu, lời nói dặn dò ân cần mong mọi người chớ lơ là để ngoài tai”, lại viết “Hai bộ kinh này nhờ sức gia bị của chư vị Bồ tát, mà có thể thấy được tâm tánh hiện tiền. Như ai có ý xem thường không để tâm đến, thì mong gặp được người đồng chí hướng với tôi, để rống lên tiếng rống vi diệu đánh vang pháp mầu”. Quy củ đời Ngài thật nghiêm chỉnh, Đạo an hưởng thọ 72 tuổi.
Đệ tử của Đạo an là Huệ viễn người Nhạn môn, năm hai mươi tuổi xuất gia theo học với Đạo an mà đạt được áo chỉ Đại thừa. Gặp lúc Tương dương loạn lạc Ngài bèn từ giả Đạo an đến Kinh châu, trên đường qua La phù bèn dừng lại Tầm dương, nhân thấy Lô sơn phong cảnh thanh tịnh bèn trụ ở Sơn âm. Lúc đó bạn đồng môn của Ngài là Huệ vĩnh đang ở chùa Tây lâm, Huệ vĩnh khuyến hoá Thứ sử Hoàn y dựng chùa Đông lâm mời Huệ viễn trụ trì. Nhân đây các ẩn sĩ như Lưu di dân, Lôi thứ tôn… cùng với các sa môn đồng câu hội, Huệ viễn kết hợp tăng tục 123 người sáng lập Bạch liên xã. Ngài trước tác Pháp tánh luận xiển dương thuyết Niết bàn thường trụ, lại trước tác Sa môn bất bái vương giả luận làm giềng mối sanh hoạt cho hàng tăng lữ đương thời.
Huệ viễn trụ Lô sơn ba mươi năm nhưng chưa từng ra khỏi núi, tiễn khách lấy Hổ khê làm giới hạn. Phật pháp ở Trường an thời đó rực rỡ như hoa mùa xuân. Lô sơn thì ngược lại phong cảnh nhàm tịnh, mà Huệ viễn ưa xa lánh quyền quý, chủ trương bất bái vương giả, phát huy điểm đặc thù Phật pháp phương nam. Thí như sự nhàn tịch của cây khô cuối mùa thu, đây chính là điểm sở dĩ dung nạp Giác hiền. Xét giữa Huệ viễn và La thập trình độ tu tập của hai Ngài ngang bằng nhau. Lại nữa Ngài sai đệ tử là Pháp lĩnh… sang Tây trúc cầu pháp theo đuổi sự nghiệp phiên dịch, công cuộc hoằng hoá của Huệ viễn vô cùng hưng thịnh.
Ngày nọ bịnh nặng đệ tử mang thuốc rượu đến, Ngài bảo vi phạm giới nên không dùng, đệ tử lại thỉnh Ngài dùng chút thuốc rượu hoà mật, Ngài cũng sợ trái với luật, sai đệ tử đem luật văn ra kiểm được nửa trang thì tịch. Hưởng thọ 83 tuổi Ngài có lời di chúc: “Sau khi ta thị tịch đem xác bỏ vào rừng xem như cây cỏ”. Vì vậy di phong của Lô sơn về sau lấy sự nghiêm túc làm căn bản, nhân đây chúng ta có thể thấy được Viễn công là con người trì giới tinh nghiêm như thế nào.
Bài 48
ĐẠO SANH VÀ TRÍ NGHIÊM
Đạo sanh họ Ngụy người Cư lộc, trước nương Trúc pháp thải xuất gia kế vào Lô sơn ẩn tu bảy năm chuyên tâm nghiên cứu kinh điển; sau lại cùng Huệ nghiêm, Huệ duệ đồng đến Trường an theo La thập tham học. Kể từ khi đến Kinh đô Ngài ở chùa Thanh sơn trước tác Nhị đế luận, Phật tánh thường trụ luận, Pháp thân vô sắc luận, Phật vô tịnh độ luận. Người đọc chấp vào văn tự khiến phần nhiều sanh hiềm nghi, kinh hãi nhất là bộ Đốn ngộ thành Phật luận. Kế nhân sáu quyển Niết bàn vừa mới truyền đến Kinh đô (Trường an), Đạo sanh đã giải thích nghĩa lý bản kinh, lập nghĩa Xiển đề thành Phật, lúc đó đại bổn (toàn bản Niết bàn) chưa được dịch, khiến các hàng đồng học không chấp nhận thuyết này, cho là tà thuyết khiến Đạo sanh bị tẩn xuất. Đạo sanh đến Bình giang núi Hổ khê giảng kinh Niết bàn dựng đá làm thính giả, đến đoạn Xiển đề có Phật tánh bèn hỏi “Như lời ta nói có khế hợp với tâm Phật hay không?” các tảng đá đều gật đầu.
Sau Ngài trở về Lô sơn trú Toả cảnh nham. Bấy giờ Đàm vô sấm ở Bắc lương đã dịch xong toàn bản Niết bàn. Bản kinh truyền đến phương nam, các học giả phản đối trước kia thảy đều hổ thẹn. Kế tục tư tưởng Đốn ngộ thành Phật của Đạo sanh có Đạo hiến như bài trước đã có nói, ngoài Đạo hiến ra có Trí lâm và đệ tử Pháp bảo ở chùa Long quang cũng đã tổ thuật tư tưởng này.
Ngoài ra Huệ quán cũng có trước tác bộ Đốn ngộ thành Phật nghĩa, đệ tử là Pháp hoàn được Tống Văn đế triệu vào cung giảng thiên này. Tể tướng Hà thượng chi nghe Pháp hoàn giảng xong nói: “Sanh công tuy đã mất lời nói của Ngài không còn, nhưng nay nghe lại lời dạy của Sanh công thì biết Ngài chưa từng mất”. Cuối đời Tống năm Nguyên vi có Đàm võ cũng là người đạt ngộ tông chỉ này, Tống văn đế nghe vui mừng như trên tức có thể đoán định tư tưởng này đã có thời gian truyền đến đời nhà Tề, Lương.
Kế truyền dòng thiền Giác hiền có hai người là Trí nghiêm và Huyền cao, Trí nghiêm từ Kế tân theo Giác hiền trở về Trung hoa, khi Giác hiền đến phương nam thì Trí nghiêm đến Sơn đông tu thiền. Tống Lưu dụ vâng lịnh vua Tấn đem quân đến Trường an diệt Dao tần, trên đường trở về Sơn đông gặp Trí nghiêm, Cao tăng truyện có ghi lại chuyện này “Ở tịnh xá nọ có ba vị tăng đang ngồi trên giường, an nhiên nhập thiền người đến vẫn không hay biết, đi theo Lưu dụ là Vương khôi vào tịnh xá, Vương khôi khảy nhẹ móng tay ba vị hé mắt rồi nhắm lại hỏi không trả lời, Vương khôi lại hỏi lớn muốn thỉnh ba vị đó trở về nhưng họ không đồng ý, sau cùng thỉnh được Trí nghiêm, cùng Lưu dụ trở về Kiến khang, lúc đầu trú ở chùa Thỉ hưng, Vương khôi vì Trí nghiêm xây dựng chùa Chỉ viên mời Ngài trụ trì. Hai người còn lại ở tịnh xá Sơn đông chắc chắn là đệ tử của Giác hiền, tiếc rằng tên tuổi không được ghi lại”.
Trong khi Giác hiền ở chùa Thạch dương Trường an, Huyền cao đến xin làm đệ tử và thọ thiền pháp. Sau Huyền cao đến ẩn tích núi Mạch thiền nước Tây tần tu thiền, đệ tử theo học có hơn 300 vị. Lúc Huyền cao ở Tây tần, có hai vị tăng nhân thấy Huyền cao được nhiều người trọng vọng, bèn sanh tâm tật đố đem lời sàm tấu. Khiến Ngài phải dời đến núi Lâm dương ở Hà bắc.
Đồng chí hướng truyền thiền với Huyền cao là Đàm hoằng ở Mãn thục, nghe tin Huyền cao bị sàm tấu, không quản đường xá xa xôi đích thân đến nước Tần để minh oan. Do đó Huyền cao được tha tội bèn đến Hậu lương. Nguỵ võ đế vào Hậu lương mời Ngài đến Bành thành Bắc nguỵ làm thầy dạy đạo thái tử Hoảng, sau cùng Ngài gặp pháp nạn mà chết, đó cũng là do lỗi gần quyền quý mà rước lấy hoạ.
Môn đồ Huyền cao có hơn vài ngàn vị, trong số hơn trăm vị nổi tiếng Huyền siêu là đứng đầu, do đây có thể biết giòng thiền Giác hiền được truyền bá từ đây, tra cứu không rõ mối nhân duyên như thế nào, mà khởi đầu giòng thiền này lại cùng với Đốn ngộ thành Phật luận của Đạo sanh có sự liên hệ lẫn nhau như thế.
Bài 49
NGUỒN GỐC ĐẠO GIÁO
VÀ NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG TỢ
Khi thuật lại lịch sử Phật giáo Trung hoa, chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc của Đạo giáo, bởi vì giữa Phật giáo và Đạo giáo thường hay xảy ra các cuộc xung đột, do đó không thể không lược thuật cội nguồn của Đạo giáo.
Đạo giáo khởi đầu từ thuyết của Lão tử nhưng thuyết này chỉ là một phương diện, phương diện khác là căn cứ vào sự mê tín của hạ tầng xã hội, tức nương vào học thuyết Hư vô điềm đạm của Lão tử, sản sanh ý tưởng tiên nhân siêu tục thoát trần, cùng với tín ngưỡng các vị thần khác trong thế tục mà kết hợp. Ngoài phương pháp cầu trường sanh bất tử, lại còn sử dụng các pháp chữa bịnh, phù thuỷ, chú thuật… vì vậy có thể nói điểm khởi nguyên của Đạo giáo Trung hoa là bắt đầu từ tư tưởng thần tiên.
Khởi nguyên tư tưởng thần tiên rất khó thuyết minh rõ ràng. Nhưng đây là điểm khởi nguyên phát triển tôn giáo của người Trung hoa. Đại để tư tưởng thần tiên phần nhiều những người bình dân Trung hoa đều tin tưởng. Vả lại từ xa xưa đến nay, Đạo giáo muốn có sự khuếch trương canh cải, bèn cùng với thuyết Lão tử kết hợp, suy tôn Lão tử là vị đệ nhất khai tổ của thần tiên, sau này Lão tử đi về phía tây mà mất, hậu thế cho rằng Lão tử sanh lên trời, đồng thời tin sau một thời gian sẽ giáng xuống hạ giới, để trao truyền cho tín đồ các pháp bí lục… đó gọi là Thái thượng lão quân.
Tư tưởng thần tiên vốn manh nha rất sớm. Thời đại Tam hoàng ngũ đế đã phổ biến, Tần thỉ hoàng người thống nhất lục quốc rất sùng tín thần tiên, từng sai Trù phước vào biển để tìm thuốc trường sanh bất tử. Hán võ đế cũng rất tin tưởng đến nỗi làm việc thất chính mà không hay biết.
Thần tiên đã thạnh hành, nhân đây thế lực của họ ngày càng lớn mạnh, khiến có đôi chút hoàn thành hình thái tôn giáo, e là vào thời Hậu hán, Đạo giáo hình thành cùng thời với Phật giáo truyền sang Trung hoa.
Thật ra khởi nguyên của Đạo giáo phải kể từ thời Trương đạo lăng, Lăng ở núi Kê viên đất Thục, là người khai tổ hình thành Đạo giáo. Đạo lăng quê Trừ châu, sau ẩn cư núi Kê viên tự cho mình được Thái thượng lão quân truyền thọ những bí lục, khiến rất nhiều người ngu si tin tưởng. Thời bấy giờ chính sách cai trị của nhà Hán không được ổn đáng, con Đạo lăng là Trương xung và cháu là Trương ngư nỗ lực truyền bá Đạo giáo, giặc Hoàng cân Trương giác cũng thuộc hệ phái này. Từ đó về sau Đạo giáo tuy có sự biến đổi canh cải, nhưng phần lớn chỉ có tầng lớp nhân gian tín ngưỡng sùng bái.
Phật giáo truyền vào Trung quốc, xảy ra sự xung đột đầu tiên là do từ Lão giáo, nhưng Phật có nhiều điểm tương đồng với Lão giáo. Do Phật học cùng học thuyết Lão trang đều cùng tông chỉ siêu phàm thoát tục. Lại những người học Phật thời Tấn, phần nhiều đã học qua tư tưởng Lão trang, nên văn từ ngữ khí… cũng có nhiều điểm tương tợ với Lão giáo.
Đời Tấn có đại loạn, mọi người đều sanh lòng oán ghét buồn phiền, nên họ hướng đến học thuyết Lão trang để tìm cầu sự bình an. Đến khi Đạo an, Huệ viễn xuất hiện, mà La thập lại truyền bá lý Không- vô tướng, ngôn ngữ có phần tương tợ với thuyết Tự nhiên vô vi, nhưng tổ chức giáo nghĩa, thuyết minh kinh điển, phương pháp tu tập đều khác với lập thuyết vọng cầu bờ mé của Lão trang, nên đã tập hợp các học giả bỏ Đạo giáo chuyển sang Phật giáo.
Nhân sự kiện này Đạo giáo ra sức mô phỏng theo giáo lý Phật giáo, ví như trong Phật giáo có thuyết Tam thân, họ bèn lập nghĩa Nhất khí hoá tam thanh, thậm chí còn tạo ra bộ Lão tử hoá hồ kinh (bộ này bị thiêu huỷ ở thời Minh). Trong Hoằng minh tập có thiên Chánh cuồng luận nói rõ sự kiện này, lại trong Nguỵ biện lục cũng từng đề cập. Xét Lão tử hoá hồ kinh là do Vương phù đời Tây tấn soạn, do giữa Vương phù và Phật tử Từ pháp thường hay xảy ra các cuộc luận chiến về vấn đề tà chánh, Vương phù luôn bị khuất phục sanh lòng phẫn nộ mà tạo ra bộ luận.
Bài 50
ĐẠO GIÁO CHỐNG ĐỐI PHẬT GIÁO.
PHẬT GIÁO BẮC NGỤY
Việc Đạo giáo vận động triều đình, khiến Phật giáo chịu sự đả kích trước sau có hai lần, đó là cuộc phá Phật của Thái võ đế Bắc nguỵ và Võ đế Bắc châu, nay nói lại cuộc phá Phật của Võ đế Bắc nguỵ.
Bắc nguỵ nay là tỉnh Sơn đông, vua Đạo võ rất sùng kính Phật giáo, từng xây dựng chùa chiền ban chức Tăng thống. Đến đời cháu là Thái võ, vì sự vận động phá Phật của tín đồ Đạo giáo, mà sanh tâm trái nghịch với di nghiệp của tiên đại. Nhưng ban sơ do vẫn còn âm hưởng của tổ tiên, Thái võ còn mời các bậc cao tăng thiền đức như Quân cao, Huyền cao làm thầy thái tử Hoảng, thời đó có quan tư đồ Thôi hạo rất sùng kính đạo sĩ Khấu khiêm chi, vua Thái tổ lại thích sách vở Lão trang, sáng tối tham cứu, vì vậy Thôi hạo thường đem những việc tiên hoá đạo giáo thuyết phục, cho rằng thuyết của đạo Phật là mờ mịt, có hại cho mọi người.
Thái võ xưa nay vốn không thông hiểu Phật pháp, do đó tin theo lời sàm tấu của Thôi hạo. Đổi niên hiệu là Thái bình chân quân, gặp lúc Cái ngộ khởi loạn, Thái võ đích thân đem quân đến Trường an, tình cờ thấy trong một ngôi chùa nọ cất chứa dụng cụ nấu rươiï, tích tụ tiền của số đến bạc vạn, sanh hoạt phung phí, Thái tổ liền vu cáo chư tăng làm hang động nhốt phụ nữ, cất chứa cung tên âm mưu để lật đổ triều đình. Lại nhân Thôi hạo thêm lời sàm tấu, Thái võ càng phẩn nộ, hạ lịnh sát hại chư tăng Trường an, thiêu đốt rất nhiều kinh sách Phật tượng.
Sau khi trở về Bành thành, vua hạ chiếu sắc lịnh cả nước áp dụng pháp lịnh như Trường an, đốt chùa phá huỷ kinh tượng giết hại tăng ni. Trong chiếu có đoạn: “Do dân đen không biết, tin theo tà nguỵ yêu hoặc, nuôi dưỡng sư sãi cuồng dối cất chứa sấm ký, những kẻ sa môn xưa nay mượn lời hư dối Tây vức, chẳng phải đem sự giáo hoá chân chánh, ban ân đức thấm nhuần trong thiên hạ. Nay sắc lịnh trên từ vương công dưới đến dân nghèo, nếu ai nuôi dưỡng sa môn hạn cuộc đến ngày 15 tháng 2 năm nay, nếu quá thời hạn không khai báo, sa môn sẽ bị giết, kẻ nuôi dưỡng bị tru di một giòng tộc” (Trích Hoằng minh tập dẫn trong Nguỵ thư).
Thái tử Hoảng rất sùng kính Phật giáo, Thôi hạo sợ còn Thái tử sau này sẽ có hại, bèn vu cáo Thái tử có ý chống lại triều đình khiến vua hạ lịnh giết, Huyền cao thầy của Thái tử bị chém. Sa môn Huệ sùng ở Dương châu thầy của thượng thư Vĩ vạn đức cũng bị xử trảm. Đây là pháp nạn Bắc nguỵ. Vết tích Phật giáo phương bắc một thời do đây dứt tuyệt, thật ra pháp nạn Thái bình chân quân kéo dài đến bảy năm.
Thái võ băng hà Văn thành đế nối vị, ra sắc lịnh chấn hưng Phật giáo, sắc lịnh có đoạn viết: “ Thế tổ Thái võ đức thấm nhuần khắp thiên hạ, sa môn đạo sĩ đông đảo như rừng, nhưng trong một số chùa lại có hung đảng, Tiên triều xét trị tìm ra các tội, có điều bởi các quan làm sai ý vua, từ nay trở đi hạ lịnh cấm hẳn… Đức Thích ca Như lai công đức bủa khắp mọi nơi, nay sắc lịnh các quận xây dựng lại chùa chiền, ai có lòng yêu thích Phật giáo đều chấp nhận cho xuất gia”. Kế sau Hiến văn đế lên ngôi, lại hết lòng bảo hộ Phật giáo, nhà vua triệu đạo sĩ Võ mỹ cùng pháp sư Đàm mưu chùa Dung giác tranh luận, ghét sự dối trá của Võ mỹ hạ lịnh xử tử, sau nhờ Bồ đề lưu chi can ngăn mới khỏi bị chém.
Hiến văn đế sắc lịnh đúc tượng Phật cao hơn một trượng sáu (dùng hết 25 vạn cân đồng đỏ), tạo chùa lớn ở Ngũ cấp. Lại theo lời thỉnh cầu của pháp sư Đàm mưu xây dựng năm thạch động ở Thạch bích Sơn tây (nay là huyện Hệ trỉ phía bắc Sơn tây), đúc tượng Phật ở mỗi động (cao từ 6,7 đến 10 xích), xây chùa Vĩnh ninh ở Trường an, dựng tháp bảy tầng ở Bắc đài, đúc tượng Thích ca đồ sộ ở chùa Thiên cung (cao 43 xích, dùng hết mười vạn cân đồng đỏ, 600 cân vàng), lại dựng tháp đá ba tầng (cao 10 trượng), xây tháp chùa Vĩnh ninh (cao 30 trượng) tương xứng với Hoa trang quán ở Kinh đô.
Đến đời Hiếu võ đế cũng rất tin tưởng bảo hộ Phật giáo, Hồ thái hậu cũng vậy. Vào năm Thiên giám nhà Lương, Hồ thái hậu cho lập 15 cảnh chùa, dựng tháp chuông cao 90 trượng ở chùa Vĩnh ninh, đêm vắng âm thanh một góc chuông vang xa mười dặm. Phật pháp thời Bắc nguỵ lúc thăng lúc trầm đại để là như vậy.