Samten Chhosphel[1]
Pema Jyana
Đức Shechen Rabjam thứ nhất – Tenpe Gyaltsen sinh năm 1650, năm Kim Dần của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười một. Cha mẹ Ngài thuộc về một bộ tộc cao quý, quyền uy ở Uru, Penpo tên là Depa Tonpo, những vị cai quản nhiều gia đình trong vùng.
Theo tiểu sử, các tiền thân của Ngài bao gồm nhiều đạo sư Ấn Độ và Tây Tạng, chẳng hạn Tôn giả Văn Thù Hữu (Manjushrimitra)[2], vua Pháp A Dục, Kamalashila (713-763), Lhase Mutik Tsepo, một trong những tu sĩ đầu tiên ở Tây Tạng – Ma Rinchen Chok[3], trưởng lão Kagyu – Milarepa (1040-1123), Rongton Sheja Kunrik (1367-1449)[4] và Drikung Rinchen Phuntsok (1509-1557).
Mười ba tuổi, Ngài trốn khỏi nhà và đến học viện lớn tại Tu viện Ketsel, một trung tâm nổi tiếng về các nghiên cứu biện chứng trong truyền thống Sakya. Vị trụ trì ở đó đã trao cho Ngài các giới luật tu sĩ căn bản (Rabjung Dompa). Ngài đã học thuộc nhiều bản văn quan trọng trong chương trình chính yếu của Tu viện, bao gồm những lời cầu nguyện, nghi thức và đoạn kệ gốc và sau đó, nghiên cứu tuyển tập bảy bản văn Pramana của lô-gic và nhận thức luận Phật giáo. Ngài tiếp tục nghiên cứu với nhiều đạo sư tại các Tu viện Sakya khác nhau, bao gồm Palkhor Chode ở Gyantse, Tanak Thubten Ling, Serdokchen và Ngor. Đức Sakya Gongma, có lẽ là Ducho Labrangpa Jamgon Sonam Wangchuk (1638-1685) đã nhiều lần tán thán Ngài về sự uyên bác trong truyền thống.
Tại Sangphu, Ngài tiếp tục nghiên cứu triết học Pramana trong một giai đoạn dài. Ngài tập trung vào nhận thức luận và cuối cùng, trở thành một học giả có thẩm quyền về chủ đề này. Ngài đã tham gia vào các cuộc thi truyền thống về kỹ năng tranh luận và chứng tỏ kiến thức của bản thân về Pramana tại các Tu viện Sangphu, Rato và Dreyul Ketsel, tất cả đều nổi tiếng về sự nghiên cứu về nhận thức luận. Kết quả là, Ngài nhận được danh hiệu Rabjampa, nghĩa là “vô lượng”.
Ngài cũng nghiên cứu với nhiều đạo sư xuất chúng từ truyền thống Geluk tại ba Tu viện lớn – Sera, Drepung và Ganden, và Ngài đã nghiên cứu các Mật điển theo truyền thống Geluk tại cả Học viện Gyurme và Gyuto ở Lhasa, bao gồm Mật Tập, Thắng Lạc, Đại Oai Đức, và cũng trở nên nổi tiếng trong những học giả Geluk.
Ngài sau đó đóng vai trò là vị hỗ trợ cho Pabongkhapa Jamyang Drakpa, một vị phụ tá thân cận của Đức Dalai Lama thứ Năm – Ngawang Lobzang Gyatso (1617-1682). Ngài thọ nhiều giáo lý từ cả Ngài Jamyang Drakpa và chính Đức Dalai Lama.
Có lần, Ngài Jamyang Drakpa đã tiên đoán rằng mặc dù Ngài Tenpe Gyaltsen vốn đã là một chuyên gia về các Mật điển của Tân Dịch (Sarma) [các bản văn Mật thừa được dịch sang Tạng ngữ từ thế kỷ mười một trở về sau], sự thành công trong tương lai của Ngài phụ thuộc vào việc nghiên cứu và thực hành các Mật điển cổ xưa của trường phái Nyingma (Cựu Dịch) [các bản văn Mật thừa được dịch sang Tạng ngữ từ thế kỷ bảy đến thế kỷ mười), đặc biệt là hệ thống Đại Viên Mãn (Dzogchen).
Khi ấy, Đức Dzogchen Drubwang thứ Nhất – Pema Rigdzin (1625-1697) đang ban những giáo lý Dzogchen cao cấp tại Yerpa Lhari, về phía Bắc, gần Lhasa. Hầu hết các quan chức chính phủ được bổ nhiệm trong chính quyền của Đức Dalai Lama thứ Năm, bao gồm cả Ngài Jamyang Drakpa, đều đang tham dự những giáo lý này. Ngài Tenpe Gyaltsen đã gia nhập cùng họ và chẳng bao lâu, Ngài trở thành học trò đứng đầu về sự hiểu và thành tựu tri kiến và thực hành Đại Viên Mãn. Nhờ đó, Ngài nhận được danh hiệu “Dzogchen Rabjampa” và trở thành một trong những đệ tử thân thiết nhất của Đức Dzogchen Drubwang Pema Rigdzin.
Theo chỉ dẫn từ Đức Dalai Lama thứ năm, Ngài Rabjam Tenpe Gyaltsen đã đồng hành với Ngài Dzogchen Drubwang trong một chuyến du hành đến Kham với tư cách là thị giả. Năm 1685, với sự hỗ trợ của vị vua thứ ba mươi bảy của Derge, Sangye Tenpa (khoảng 1638-1710), Ngài Tenpe Gyaltsen hỗ trợ Đức Pema Rigdzin thiết lập một ẩn thất gọi là Orgyen Samten Choling trong thung lũng Rudam Kyitram, về phía Đông Bắc của thủ phủ Derge. Tu viện dần dần phát triển và sau này trở thành một trong sáu trung tâm tu sĩ chính của truyền thống Nyingma, được biết đến là Tu viện Dzogchen.
Theo một lịch sử tu viện, vào năm 1690, khi bốn mươi mốt tuổi, Ngài Rabjam Tenpe Gyaltsen đã thành lập một Tu viện gọi là Shechen Orgyen Chodzong, bao gồm một nhà tu sĩ và sảnh đường chính, không xa với Dzogchen. Vị trụ trì đầu tiên tên là Pema Wangchuk, với biệt danh là “Lama Cười”. Người ta nói rằng chương trình ở đó nhấn mạnh vào cả nghiên cứu và thực hành. Ngài Rabjam Tenpe Gyaltsen đã giảng dạy trong cả thời khóa mùa đông và mùa hè. Vào mùa hè, các học trò của Ngài thường lắng nghe và quán chiếu giáo lý về các bản văn nền tảng từ Tam Tạng. Vào mùa đông, họ thường thực hành và thiền định về giáo lý Mật thừa. Theo cách này, người ta nói rằng, họ đã noi theo truyền thống trước kia của việc hòa quyện nghiên cứu và thực hành.
Lúc bắt đầu Tu viện, người ta thuật lại rằng Ngài Tenpe Gyaltsen đã tiên đoán rằng một “kho tàng Giáo Pháp” sẽ phát triển ở chính nơi đó; tuy nhiên, giáo lý sẽ đạt đến đỉnh cao nhất ở phía trước của một ngọn núi ở phía bên kia. Đức Rabjam thứ Hai – Gyurme Kunzang Namgyal (1713-1769) đã thành lập một Tu viện mở rộng của Shechen ở phía bên kia từ địa điểm ban đầu vào năm 1734 hay 1735. Chính tại nơi này, Tu viện cuối cùng phát triển thành Tu viện Shechen được biết đến ngày nay, một trong sáu trung tâm tu sĩ Nyingma chính yếu ở Tây Tạng. Dựa trên việc thành lập Tu viện Shechen, Ngài sau này được biết đến là Đức Shechen Rabjam thứ Nhất.
Sau đó, vua của Derge đã cúng dường Ngài Tenpe Gyaltsen Tu viện Trasho Pomdrak, nơi vốn là trụ xứ của Đức Pomdrakpa Sonam Dorje (1170-1249), trưởng lão của truyền thừa Kagyu. Ngài đã sống vài năm trong một thiền thất mới xây dựng ở đó. Tuy nhiên, dường như vài tu sĩ ở đó không thích Ngài, hoài nghi Ngài về ý định biến Tu viện từ truyền thống Kagyu thành Nyingma. Người ta nói rằng bởi điều đó, Ngài Dzogchen Rabjampa rời Tu viện và chuyển đi nơi khác, thích giảng dạy cho các đệ tử bất bộ phái hơn.
Vào một thời điểm nhất định, Ngài Tenpe Gyaltsen quyết định rằng Ngài sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để nhập thất và đã sống tại Ẩn thất Tsangrong Shardzong ở Drikung. Tuy nhiên, trong lúc thực hành, Ngài nghe tin đạo sư Dzogchen Drubwang viên tịch và đã nhanh chóng đến Rudam để gia nhập cùng với một vị khác trong những đệ tử thân thiết của Đức Dzogchen Drubwang – Dzogchen Ponlob Namkha Osel (vị qua đời năm 1726) để hoàn thành những tang lễ mở rộng cho đạo sư quá cố. Sau đấy, Ngài sống tại Tu viện Dzogchen, vô cùng tận tụy trong việc ban giáo lý và quán đỉnh.
Ngài sau đó hỗ trợ Dzogchen Ponlob trong việc lựa chọn và xác định Đức Dzogchen Drubwang thứ Hai – Gyurme Thekchok Tendzin (1699-1758), vị đã sinh vào dòng dõi của những vị vua Mông Cổ Orod. Cùng nhau, họ đã đưa cậu bé về Tu viện Dzogchen, tấn phong, cử hành lễ thế phát và trao các danh hiệu Pema Wangchen và Pema Wangdrak.
Các đệ tử nổi tiếng nhất của Ngài Tenpe Gyaltsen bao gồm Đức Dzogchen Drubwang thứ Hai – Gyurme Thekchok Tendzin và Hor Rongpa Tsawa – Pema Wangchuk. Bên cạnh đó, Ngài được cho là có hai mươi lăm vị trì giữ truyền thừa, những vị chủ yếu tập trung vào Dzogchen, bao gồm Orgyen Samten, Pema Gyaltsen, Lama Dargye từ Luse, một vị Tokden từ Khardo tên Orgyen Tsultrim và Orgyen Kalzang từ Ling Ratak.
Ngài Rabjam Tenpe Gyaltsen viên tịch năm 1704, Mộc Thân của chu kỳ sáu mươi năm thứ mười hai, khi năm mươi lăm tuổi. Một ngôi chùa xá lợi tưởng niệm Ngài đã được xây dựng tại Tu viện Dzogchen bởi các đệ tử. Dòng tái sinh của Ngài được biết đến là Shechen Rabjam.
Nguồn Anh ngữ: https://treasuryoflives.org/biographies/view/First-Shechen-Rabjam-bstan-pai-rgyal-mtshan/9213.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Samten Chhosphel nhận bằng Tiến sĩ từ CIHTS ở Ấn Độ, nơi ông ấy đóng vai trò là người đứng đầu Phòng Xuất Bản trong 26 năm. Ông có bằng Thạc sĩ về Biên Soạn & Xuất Bản từ Đại học Emerson, Boston. Hiện tại, ông là Giáo Sư Hỗ Trợ (Assistant Professor) tại Đại Học Thành Phố New York và Cộng tác viên Ngôn ngữ ở Đại Học Columbia, New York.
[2] Theo Rigpawiki, Manjushrimitra (Tạng: Jampal Shenyen, tức Văn Thù Hữu) – một trong những đạo sư cổ xưa của truyền thừa Dzogchen. Ngài là đệ tử của Tổ Garab Dorje và là đạo sư chính yếu của Ngài Shri Singha. Ngài nổi tiếng vì đã sắp xếp các giáo lý Dzogchen thành ba bộ: bộ Tâm (Semde), bộ Hư Không (Longde) và bộ Chỉ Dẫn Cốt Tủy (Mengakde). Di chúc cuối cùng của Ngài, điều mà Ngài trao cho Shri Sinha trước khi đắc thân cầu vồng, được gọi là Sáu Kinh Nghiệm Thiền Định.
[3] Về Ngài Ma Rinchen Chok, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a36080/2/tieu-su-van-tat-duc-ma-rinchen-chok.
[4] Theo Rigpawiki, Rongton Sheja Kunrik hay Shakya Gyaltsen (1367-1449) – một trong những học giả vĩ đại nhất của trường phái Sakya và thực sự trong cả lịch sử Tây Tạng, vị mà giống như đạo sư chính yếu của Ngài – Đức Yakton Sangye Pal, đặc biệt nổi tiếng về việc làm chủ giáo lý Bát Nhã và bản văn Hiện Quán Trang Nghiêm [Abhisamayalankara]. Ngài đã giảng dạy tại Sangphu Neuthog vĩ đại và thành lập Tu viện Nalendra của mình vào năm 1436. Các đệ tử nổi tiếng nhất của Ngài là Shakya Choden và Gorampa Sonam Senge.
- Tag :
- Samten Chhosphel