Cứ mỗi độ trăng tròn tháng tư, những người con Phật ở khắp thế gian này lại hân hoan cử hành lễ tưởng niệm đức bổn sư. Đức Phật thị hiện đản sanh ở cõi này để đem giáo pháp giải thoát đến cho loài người. Ngài vì lòng bi mẫn thương chúng sanh như đàn con nên mới đến, đến để khuyến dụ, sách tấn, dẫn dắt chúng ta ra khỏi nhà lửa; ngoài mục đích này ra, ngài chẳng có bất cứ một yêu cầu nào khác. Ngài đến để “ Khai hóa chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến...” - kinh Pháp Hoa.
Tương truyền đức phật được sanh vào ngày tám tháng tư âm lịch, ấy là theo Phật giáo Bắc truyền, còn Phật giáo Nam truyền thì cho rằng ngài sanh vào ngày rằm trăng tròn tháng tư; giữa hai quan điểm có sự khác biệt về mốc thời gian, tuy nhiên cũng dễ hiểu là bởi vì thời ấy chưa có lịch, chưa có giấy hay chữ viết để ghi chép lại. Tuy điều quan trọng là ý nghĩa của việc thị hiện đản sanh thì chẳng có gì sai biệt. Đây là một sự kiện vĩ đại và hy hữu, một vị Phật xuất hiện ở nhân gian. Loài người từ mông mội sơ khai đến giờ vẫn mày mò trong đêm trường, trồi sụt trong thăng đọa, tiến thoái trong phước tội, sướng khổ trong cuộc sống, lăn lộn trong tử sanh… Giáo pháp của đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni như một cơn mưa lớn dập tắt lửa phiền não, sân hận; lại như một phương thuốc trị tam độc; lại như cam lộ làm dịu ngọt cay đắng khổ đau…
Thế gian cũng có không ít người nghi ngờ, thắc mắc:” Tại sao có Phật ra đời, có giáo pháp giải thoát, thế mà đến bây giờ con người vẫn khổ đau, vẫn bị trói buộc trong phiền não, vẫn sanh tử luân hồi không dứt?”. Vấn đề là ở con người chứ không phải ở Phật hay giáp pháp, thuốc đã có mà không chịu uống thì sao hết bệnh? Khát đã lâu mà không uống cam lộ sao hết khát? Mưa pháp chan hòa mà cứ một mực chui rúc trong hang hay bó mình trong cái “tôi” kiên cố thì mà sao tắm được mưa?
Đức Phật thị hiện ở thế gian với thân phận một ông hoàng, ngài có tất cả danh vọng và tiền của, có tất cả những thứ mà người thế gian mong ước, mưu cầu và tranh đoạt. Thế mà ngài buông bỏ tất cả để tu hành và rồi thành bậc chánh đẳng chánh giác. Chúng ta ngày nay thì làm ngược lại, cứ vơ lấy ôm vào thật nhiều, càng nhiều càng muốn hơn nữa.
Hoa ưu đàm đẹp, nhưng không phải ai cũng thấy được cái đẹp; hương ưu đàm thơm nhưng không phải ai cũng ngửi được hương, ấy là chưa nói những người không chấp nhận cả hoa lẫn hương. Đây là cái bi kịch của con người, chính vì điều này đã khiến chư Phật, chư Bồ tát đau lòng, thương xót chúng sanh, tìm mọi phương tiện để hóa độ chúng sanh.
Hoa ưu đàm đẹp, hương ưu đàm thơm, hương bay ngược gió tỏa khắp mười phương. Chỉ có giáo pháp của đức Phật mới có thể giúp người giảm khổ, hết khổ và giải thoát ( nếu y giáo phụng hành). Thế gian này có rất nhiều tôn giáo nhưng mục đích của các giáo chủ và các tôn giáo ấy hòan toàn không vì sự giải thoát con người, thậm chí cố ràng buộc và trói chặt con người, nô lệ hóa con người. Các tôn giáo ấy dùng mọi phương tiện quyền lực để giữ con người, kiềm tỏa con người trong sự sai xử của tôn giáo. Ở thế gian này chỉ có mỗi đức Phật tuyên bố:” ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Đây là một tinh thần dân chủ, bình đẳng tuyệt đối, không có ai là giáo chủ cũng không có ai là kẻ phục tùng, tất cả đều có tánh giác như nhau, tất cả đều có khả năng thành Phật! Trong khi ấy, tất cả các tôn giáo ở thế gian đều khẳng định giáo chủ là tuyệt đối cao, tín đồ phải tuyệt đối trung thành và vĩnh viễn phải phục tùng. Điều này cho thấy sự vĩ đại không thể đo lường hay nghĩ tưởng được. Điều này cho thấy sự tuyệt vời không sao lý giải nổi của gíao pháp Như Lai.
Giáo pháp của Thế Tôn tuyên nói sự thật về khổ, tại sao khổ, cách thoát khổ, giải thoát. Giáo pháp có đến muôn kinh vạn quyển, có Bắc truyền, Nam truyền, Tạng truyền… nhưng tựu trung vẫn là chỉ dạy con đường đi đến giải thoát, đây cũng là mục đích tối cao, mục đích duy nhất của đức Phật và giáo pháp.
Mùa Phật đản năm nay trong bối cảnh cơn đại dịch chưa kết thúc mà một cuộc chiến tàn bạo và dã man lại xảy ra. Bạo chúa xua quân xâm lăng Ukraine, bom đạn, hỏa tiễn, thuốc nổ… đã san bằng thành bình địa nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc… đội quân khát máu đã giết hàng chục ngàn dân vô tội, những địa điểm thảm sát mới có tên: Kyev, Maripul, Odessa, Bucha… Cả thế gian phẫn nộ và lên án cuộc xâm lăng vô cớ, vô lý và vô nhân này! Người đau lòng vẫn cứ đau, bom đạn, hỏa tiễn vẫn cứ tới tấp giáng xuống, cái ác vẫn đang hoành hành.
Thế gian này quả thật là một ngôi nhà lửa, thế gian này đích thực là vô thường, những cuộc chiến liên miên bất tận, con người đánh nhau vì vô số lý do, thậm chí đánh nhau chẳng có lý do như cuộc xâm lăng Ukriane chẳng hạn; nay bên tây mai lại bên đông, những cuộc chiến nối tiếp cuộc chiến; rồi những trận thiên tai: Động đất, sóng thần, núi lửa, cuồng phong, bão tuyết, lũ lụt, đất chuồi...Mạng sống con người thật mong manh, mong manh hơn sự hoang tưởng của chính mình. Chỉ có đức Phật mới nhìn thấy sự thật và chỉ dạy cho chúng ta về lẽ thật:” Mạng sống con người mong manh giữa hai làn hơi thở vào hoặc ra”. Nhân mùa Phật đản, chúng ta tưởng niệm, tưởng nhớ đức Phật, tạ thâm ân Phật, hàng tứ chúng khắp thế gian này cử hành lễ Phật đản sanh, trùng tuyên lại cuộc đời đức Phật, nhắc nhở chúng ta về sự vô thường, khuyến tấn chúng ta siêng năng trên con đường giải thoát. Việc tu học và hiệu quả được bao nhiêu phụ thuộc ở bản lãnh và phước đức của chính mỗi người. Đức Phật không thể đi giúp được cho ai. Đức phật có đại hùng, đại lực, đại từ bi, đại trí… nhưng không thể cứu độ chúng sanh bằng cách xìa tay vớt ta lên. Trí huệ và từ bi của đức Phật ở chỗ khai phá con đường giải thoát và chỉ đường cho chúng ta đi.
Tiểu Lục Thần Phong
- Tag :
- Tiểu Lục Thần Phong