Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Liễu Tú Uyên

29 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 6247)
Liễu Tú Uyên


CẢM NIỆM VỀ MẸ

(Kính dâng mẹ cụ bà Nguyễn thị Sáu)
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh


cam_niem_ve_me


LIỄU TÚ UYÊN


Điều hành Sở kiều lộ thành phố Thượng Hải là nhiệm vụ khá gian nan: đường xá hư hỏng liên miên, phương tiện eo hẹp, mà sửa sang chậm trễ là bị kêu rêu, khiếu nại, báo chí bươi móc la ó, thượng cấp xỉ vả, do đó, suốt ngày Lương Quân chỉ vùi đầu vào đống hồ sơ cao nghệu trên bàn, đặt kế hoạch, phân phối công tác, rồi theo dõi các toán kiều lộ thi công. Vào những ngày cuối năm, nhân viên rộn ràng chuẩn bị đón Xuân lơ là công tác, dù chàng cố gắng thúc đẩy, họ cũng ù lì ra, thành thử chàng bất ngờ có những giờ phút nhàn hạ. Quân vội vã đến khu phố hàng hóa Âu Mỹ, nối đuôi theo đám khách hàng sang trọng, ngắm nghía từng món hàng đắt giá, để chọn lựa một món quà đặc biệt cho Tú Uyên, nhưng cân nhắc mãi vẫn chưa tìm được thứ nào vừa ý. Đang thất vọng, Quân chợt thấy quán trà Thái Hưng, chàng nghĩ đến một bộ trà quí, loại đối ẩm cổ kính chưng bày trong tủ, vội vào tiệm đặt mua, dặn gói thật đẹp làm quà tặng đặc biệt. Trong khi chờ đợi, chàng chọn một cái bàn con nhâm nhi ngụm trà, lơ đãng nhìn khách dập dìu trước cửa. Chợt Quân thấy ba chàng trai mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao ồn ào xô cửa bước vào trà gia, bọn họ : Ngọc, Tài và Ngân đều là bạn đồng liêu, là những viên chức chánh quyền cao cấp trong tỉnh Thượng Hải, Quân đã có thời giao du mật thiết với họ, nên chàng đành hớn hở chạy đến chào đón, mời họ ngồi chung bàn đối ẩm. Chưa kịp kéo ghế ngồi, thì Tài đã trách móc:

- Độ rày, Lương huynh bỏ bê anh em quá! Lần nào rủ anh đi nhậu anh cũng tìm lý do né tránh cả! Anh lơ là với bè bạn quá!

- Đường xá hư hỏng liên miên, công việc bù đầu các anh ạ!
Ngọc châm chọc:

- Bận việc! Hay bận rộn với người đẹp a Lương huynh? Anh từ chối đi nhậu với bạn bè, giờ nầy lẻn đến trà gia chắc có hẹn hò với ai phải không? 
Quân ấp úng:

- Không! Không! Tôi... tôi buồn tình đi lang thang, chợt ghé vào đây nhâm nhi tách trà nhìn thiên hạ sắm Tết vậy thôi, chớ nào có hẹn ai!

Đúng lúc đó, người quản lý mang thùng quà gói tươm tất trao cho chàng. Tài và Ngân nhao nhao chất vấn:

- Món quà gì đặc biệt vậy? Giá cả bao nhiêu lận? Anh mua tặng cho thượng cấp hả? 

Lương Quân còn đang ngập ngừng, thì Ngọc bỗng hóm hỉnh:

- Quà tặng cho Tiết cô nương phải không Lương huynh?

Quân không quen nói dối, nên đành từ tốn thú thật:

- Vâng! món quà nầy tôi dự định tặng nàng, và đây chỉ là một bộ bình trà tầm thường mà thôi.

- Ha! ha! - Ngân lè nhè lên tiếng - nghe thiên hạ đồn, người đẹp chỉ thu nhận toàn đồ vật trị giá ngàn vàng, vòng ngọc, kim cương lấp lánh, chứ còn thứ quà kém giá trị như thế nầy thì... hì!hì! chắc nàng vất ngay vào sọt rác quá! 
Quân hơi nóng mặt, nhưng vẫn nhẫn nhịn:

- Tôi nghèo! Khả năng chỉ có từng đó, nếu nàng chê thì đành chịu chớ biết làm sao bây giờ!

Ngọc ranh mãnh lên tiếng:

- Coi bộ anh Ngân chẳng hiểu biết tí nào cả! Lương huynh nhà ta là nhân vật đặc biệt của người đẹp anh ạ! Món quà nào của Lương huynh nàng chẳng nâng niu quí trọng!

Tài và Ngân đồng trố mắt kinh ngạc lên tiếng:

- Thật thế à! Thật thế à!

- Úi chu choa! Chuyện động trời trong giới ăn chơi thượng lưu, không lẽ hai anh lại mù tịt sao?

Quân lúng túng phất tay cản ngăn Ngọc kể chuyện riêng tư của mình, nhưng chàng ta phớt lờ như chẳng hiểu, cứ tiếp tục ngoác mồm òm òm phát ngôn bừa bãi:

- Nè! Đừng thấy Lương huynh lù khù mà lầm nhé! Lù khù vác cái... khu... chạy ngờ ngờ đó nhen!

Đoạn, hắn chăm chăm nhìn Quân, rồi gằng giọng vặn hỏi:

- Nghe nói từ ngày Tiết nương hội ngộ với Lương huynh, nàng mê mệt anh nên đóng kín cửa chẳng còn giao thiệp với ai nữa phải không?

- Đời tư của nàng ra sao tôi không tò mò tìm hiểu, nên việc nàng còn giao thiệp hay ngưng giao thiệp với bất cứ người nào tôi cũng không hề lưu ý. Riêng phần tôi, xưa nay chúng tôi vốn là bạn học thân tình, tình cảm bạn bè vẫn bình thường giữ nguyên như vậy không có gì là đặc biệt cả!

Ngọc ngạo mạn cười hô hố, rồi ra giọng bổ báng:

- Thật vậy sao? Vậy mà, thiên hạ lại đồn rằng “Người đẹp mê tít Lương Quân, nên kể từ khi nàng gặp chàng thì nàng đóng cửa chẳng còn giao thiệp với một ai nữa! Nàng còn cơm nước hầu hạ chàng mới ”ghê” chớ! Hà! Hà!Người ta cũng kháo rằng : “Lương Quân xuất ngoại học được “tài nghề phòng the” gì kỳ đặc hơn người, nên mới được nàng biệt đãi như vậy!”

Chàng vốn hiền lành thường bị bạn bè “bắt nạt”, dẫu họ châm chọc quá trớn như thế nào cũng nhẫn nhịn, không ngờ lần nầy, Ngọc lại đụng chạm đến Liễu Uyên mới khiến Quân nổi giận bừng bừng không kềm hãm được, chàng hùng hổ hét lớn : “Đồ ăn nói mất dạy!”, rồi chàng thộp ngực Ngọc, cung tay định đập vở cái mặt đểu giả của hắn. Ngọc to mồm nhưng rất nhát gan, trước phản ứng dữ dội của Quân, hắn chỉ biết co rúm người lại, cuống quít van xin:

- Xin lỗi! Cho tôi xin lỗi! Tôi chỉ nói giỡn cho vui thôi, xin anh đừng giận!
Tài và Ngân vội vã chen vào can ngăn, họ đồng khuyên giải Quân giảm cơn thịnh nộ buông tha cho Ngọc, khiến chàng nguôi ngoai dần, nới lỏng bàn tay. Ngọc vuột thoát, lấm lét thụt lùi ra xa, rồi lủi đi một nước.
 
 
Đúng ra, Liễu tú Uyên luôn luôn vẫn chỉ là cô em hàng xóm bé nhỏ của Quân. Cả hai cùng sinh trưởng tại một xóm rẫy tại một vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Ôn Châu. Thời xa xưa ấy, nhà nghèo ở kề cận nhau, hai bà mẹ góa chồng phải quần quật làm lụng mưu sinh suốt ngày ở rẻo đất cao trên đồi, bỏ mặc cho đám trẻ con ở nhà tùy tiện nương tựa nhau lây lất sống còn. Ở tuổi lên sáu, Quân đã phải giữ thằng em trai tên Sĩ bốn tuổi, và dầu chỉ lớn hơn bé Uyên mười một tháng, mà Quân vẫn được mẹ của bé tin tưởng gởi gắm trông chừng. Đói thì Quân lục cơm nguội cho chúng ăn, nếu còn cá muối hôm trước để dành thì tuyệt vời, nếu không thì đã có tiêu chuẩn thường nhựt: nước tương, củ cải xấy, kèm theo cà dưa sau hè nếu có. No đủ rồi thì Quân ễnh người sóc nách bồng em, tay kia dắt díu con bé hàng xóm, đưa nhau ra cánh đồng cỏ trước nhà lăn lóc nô đùa: chạy nhảy tung tăng, rượt đuổi chuồn chuồn, bươm bướm, hái những đóa hoa dại, đôi khi Quân may mắn hái được những trái nhãn lồng chua chua ngọt ngọt, chia nhau ăn như bữa tiệc linh đình. Gợi nhớ nhất là vào những cơn mưa rào ngày hè, ba đứa trẻ mặc tình thỏa thích tắm mưa, sau đó lại còn được tự do vọc nước, vọc sình đã đời. Có lần Quân cao hứng móc đất nắn thành những con gà vịt heo bò... xinh xắn khiến cho bé Uyên cứ xăm xoi mãi và khâm phục “quá trời”. Mấy năm sau, Quân lại phải dắt díu con bé đi học trường làng, nắn nót kèm dạy Uyên từng nét chữ, từng câu văn, từng bài toán, thân thương nhau như anh em ruột rà. 

Lên trung học Ôn Châu, Quân cũng hồn nhiên tiếp tục kề cận chăm sóc cô hàng xóm như ngày còn nhỏ bé, dù nay “nàng” đã nhởn nhơ tươi thắm theo lứa tuổi xuân thì. Một hôm Quân vô tình nghe hai bà mẹ vẻ mặt nghiêm trọng đang bí mật thầm thì với nhau, tuy chàng chỉ loáng thoáng nghe: “Ờ! Ờ! Mình phải giữ kín, chờ tụi nó ra trường mới tính!..” “Ờ! Thì mần liền chớ sao...?”, nhưng khi thấy ánh mắt hai bà hướng về chàng với nụ cười hể hả, Quân liền đoán ra âm mưu của hai bà, chàng giả vờ như không nghe thấy gì dầu trong lòng bỗng sôi sục cơn vui bất tận. Từ dạo đó, trước mặt con bé mà bao năm chàng tự tại rầy la răn dạy, Quân bỗng mất vẻ tự nhiên, trở nên dè dặt nói năng lúng túng, lén lút ngắm nhìn, rồi bâng khuâng dệt mộng, trong khi con bé chẳng biết gì, vẫn thơ ngây đùa giỡn, nhỏng nhảnh vòi vĩnh, đôi khi còn thân mật cấu véo, nắm tay nắm chân ông anh chẳng chút thẹn thùng. Một chiều nọ, song đôi rảo bước trên con đường làng, Quân chỉ cây liễu xanh tươi, lúng túng lên tiếng: “Anh yêu thích bóng liễu rũ vô cùng, sau nầy, anh sẽ trồng cây liễu sau nhà, mặc tình chăm sóc và ngắm nghía cho thỏa!” Quân ấp ủ mối tình tha thiết, nghiền ngẫm một lời nhắn gởi, đợi chờ mãi mới có cơ hội trao nàng, ngờ đâu Liễu Uyên ơ hờ chẳng chút lưu tâm. Nàng đỏng đảnh chu miệng: “Liễu rũ buồn thấy mồ à! Em chỉ thích cánh hoa đào rực rỡ bay lác đác theo ngọn gió chiều mà thôi!” Sau một thoáng hụt hẫng bẽ bàng, Quân gượng gạo nói vớt vát: “Cũng được thôi, nếu em thích đào, thì anh sẽ trồng đào, chăm sóc đào anh cũng vui lắm!” Thế nhưng, Uyên đang phóng tầm mắt đuổi theo cánh nhạn bay chập chờn trên khoảng trời xa, nào có chú ý lắng nghe đâu mà thấu rõ lòng chàng. Nàng vẫn thơ ngây hời hợt như vậy đó!

Nhờ học hành xuất sắc Quân được học bổng toàn phần ngành kỹ sư công chánh thuộc Viện Đại Học Thượng Hải. Thân phận sinh viên nghèo, chàng đã phải gánh chịu bao gian khổ trong chuỗi ngày tập tễnh chen chân tìm đất sống chốn thị thành. Thương cảnh bẩn chật của gia đình, Quân không nỡ để mẹ già hi sinh đỡ đần gì cả, chỉ ráng tự xoay xở sống còn bằng mớ tiền học bổng đói rách mà thôi. 

Được nhận vào ký túc xá sinh viên đỡ khoảng tiền thuê phòng trọ, nhưng thời gian đầu có những chi phí đột xuất chẳng thể vay mượn ai được, chàng chới với tưởng chừng phải bỏ học. May là nhờ có người bạn thân hiểu rõ hoàn cảnh bi đát nầy, giới thiệu chàng làm công bán thời cho tiệm bách hóa gần trường, nên những khó khăn tài chánh cuối cùng rồi cũng trôi qua. Chỉ trong thời gian ngắn, Quân tạm sống ổn định, rồi còn có thể tiện tặn gởi chút đỉnh tiền giúp đỡ gia đình, kèm theo một phần quà nho nhỏ cho cô em hàng xóm nữa. 

Hai năm sau đến lượt Uyên tốt nghiệp trung học. Nàng có năng khiếu về văn chương thi phú, nhưng chỉ vào hạng khá về khoa học nên cơ hội được nhận vào đại học với học bổng rất mong manh. Tuy nhiên, hai năm miệt mài trên ngưỡng cửa đại học giúp Quân hiểu biết ít nhiều về các thể thức và ngõ ngách khác nhau để xin trợ cấp. Bấy giờ, Hội Phụ Nữ Thượng Hải vừa thành lập, đang phát động phong trào vận động nam nữ bình quyền, cổ súy nữ giới tự giải phóng khỏi tháp ngà gia tộc cổ lổ, nâng cao trình độ học thức bằng mọi giá. Dĩ nhiên, là Hội cũng khuyến khích giúp đỡ nữ sinh các cấp theo đuổi việc học hành, nhờ vậy khi Quân gõ đúng cửa, nạp đơn cho Uyên, nàng được cấp ngay một học bổng cho ngành sinh ngữ, đại học Văn Khoa. Học bổng nầy so ra có phần ưu đãi hơn học bổng quốc gia của chàng nhiều. 

Khi nàng còn ở quê, Quân ngày đêm nhung nhớ mong chờ nàng sớm nhập học để tiện thăm nom gần gũi. Khi Uyên bước vào phân khoa văn học, thấy cả đội ngũ sinh viên đẹp trai, sang trọng tranh nhau chào đón tán tỉnh nàng, Quân mới choáng váng âu lo trước bao cạm bẫy đang rình rập nàng. Phần Uyên thì lúc nào cũng vô tư lự như con chim sơn ca, nhảy nhót líu lo. Nàng đã có ông anh chu đáo bảo vệ, thì có điều gì cần phải nghi ngại lưu tâm nữa. Cuối tuần, Quân thường đến nữ ký túc xá mang cho nàng vài nhu yếu phẩm cần thiết, rồi đưa nàng đi đây đó trong thành phố, thường thì rủ nhau xem một suất hát, hay lông nhông đi bát phố lướt mắt nhìn thiên hạ dập dìu. Một hôm, bỗng Tú Uyên hứng chí đòi viếng chùa lễ Phật. Quân đề nghị viếng chùa nào nàng cũng lắc đầu, cuối cùng mới khám phá ra rằng nàng nghe bạn bè trầm trồ về màu sắc tuyệt vời của pho tượng cẩm thạch chùa Ngọc Phật (1) nên muốn xem cho biết

 

Tú Uyên vốn là cô bé háo động lăng xăng, nào ngờ khi bước vào cửa chùa lại ra vẻ rất nghiêm trang chững chạc, nàng chân thành lễ Phật rồi lặng yên chiêm ngưỡng pho tượng ngọc thạch diệu tướng trang nghiêm mãi, khiến nhóm thiện tín vừa tục tục bước vào chánh điện lộ vẻ bất bình. Quân mấy lần nhắc nàng dời bước, nhưng dường như nàng đang ngơ ngẩn xuất thần, chẳng nghe thấy gì cả, miệng lẩm bẩm “đẹp quá! đẹp quá!” Chợt xuất phát từ đám đông xúm xít phía sau, có tiếng nửa đùa vui nửa nghiêm túc vặn hỏi: “Phật đẹp hay ngọc đẹp? Ngọc tan vở thì tượng Phật ra sao? vẫn còn đẹp chứ?” Uyên lí nhí đáp như một phản ứng: “không! dĩ nhiên chẳng đẹp tí nào!” rồi nàng dáo dác nhìn đám đông dò tìm xem ai vừa lên tiếng, nhưng chẳng thấy người nào tỏ vẻ gì khác lạ cả. Độ chừng kẻ vô danh nào, vì bực mình nàng đã độc chiếm vị trí lễ bái khá lâu cản trở họ nên đã buông lời phê phán, Tú Uyên bẻn lẻn lủi nhanh khỏi chánh điện

Chẳng ngờ, giọng nói lúc nảy vẫn tiếp tục đuổi theo nàng: “Ngọc Phật cũng là sắc, sắc tức là không. Hà! hà! nếu chưa thấy ngọc tượng là không, thì làm sao thấy được Phật, a cô nương?” Giọng nói lần nầy có phần ngạo nghễ cười cợt, và dù thanh âm phát ra rất rõ mà Quân và Uyên đều chẳng truy tìm ra ai, quả là chuyện bối rối và khó hiểu vô cùng.

Mấy tuần sau, trong khi đang chạy nhảy đuổi theo đàn bướm chập chờn quanh mấy khóm phong lan lủng lẳng bám trên những cành cây ngân hạnh ngoằn ngoèo tại khu cổ thụ Vườn Bách Thảo, Uyên suýt đụng ngã giá vẽ bức tranh phong cảnh dở dang của người lạ, một nghệ sĩ phong trần, với mái tóc bồng bềnh và chiếc áo khoác bạc màu, dường như chẳng chút lưu tâm. Uyên ấp úng xin lỗi, nhưng anh chàng họa sĩ đang chăm chỉ pha trộn một ánh hồng cho nền trời xanh vẫn dửng dưng. Chàng ta ngắm nghía áng mây trôi lơ lửng, rồi gật gù một mình “đẹp quá! đẹp quá!” Thật là lạ lùng, chàng họa sĩ sao có giọng nói tương tợ như kẻ vô danh đã “dạy đời” Uyên tại chùa Ngọc Phật ngày trước. Uyên liếc mắt dọ hỏi Quân, Quân cũng nghi nghi, nhưng sợ nàng “hỏi cho ra lẽ” sanh phiền phức nên ra dấu ngăn cản, nhưng Uyên không nhịn được, nàng cất tiếng châm chọc:

-Mây đẹp hay trời đẹp! nếu mây tan hay mây đen kéo đến thì liệu trời còn đẹp không?

Chẳng ngoảnh mặt nhìn kẻ đối thoại, hắn lừng khừng đáp :

- Dĩ nhiên vẫn đẹp lắm chứ! 

Đáng lẽ, theo phản ứng của Uyên thì nàng phải “phang” liền : “Ủa! vậy mà nảy giờ tôi tưởng ông câm và điếc chứ!”, nhưng đến lúc nầy thì chàng họa sĩ đột ngột quay mặt nhìn lại, khiến Uyên bỗng bàng hoàng xao xuyến cả tâm cang. Anh chàng nầy chỉ có đôi mắt sâu sâu thu hút, ngoài ra chỉ khôi ngô ở mức trên trung bình, nhưng cái dáng dấp dày dạn phong sương gàn gàn bất cần đời của hắn, tạo cho Uyên cảm giác như đã quen thuộc với anh ta tự bao giờ. “Chắc mình đã từng gặp anh ta rồi mà, không ở kiếp nầy, thì cũng ở kiếp xa xưa nào đó?”, Uyên thầm nghĩ. Nàng đang chìm đắm trong suy tư, chưa biết phải đối đáp với hắn ra sao thì hắn đã man man nói tiếp:

- Với tôi, thì hoa nở rồi hoa tàn, trời quang đãng rồi trời mưa bão, mỗi sát na thay đổi là một nhiệm mầu và đều thể hiện vẻ đẹp vô song của nó cô ạ!
Uyên bắt bẻ:

- Mỗi vật mỗi thời đều đẹp, vậy sao ông không quăng cọ đi, bày đặt vẽ tô chi cho phí công!

- Cô nói đúng lắm! Đáng lẽ tôi nên bỏ cái nghiệp vẽ nhố nhăng nầy cho rồi. Vạn vật vô thường biến đổi sống động từng sát na, mà khả năng tôi thì hạn hẹp, thường thường khi phóng bút ra bất quá tôi chỉ phát họa được vài nét cứng động chết ngắt mà thôi.

Uyên mát mẻ:

- Chà! thì ra họa sĩ cũng có những bức tranh thiên thu sống động vượt qua không gian vả thời gian chăng?

- Không dám! không dám! 

Họa sĩ mĩm cười, mở cuộn vải chọn một bức tranh trao cho Uyên, rồi tiếp lời:

- Tôi đã mang tâm huyết ra mô tả lòng chí thành cô gái trước Phật đài nhưng chỉ đạt được đôi phần, hi vọng có kẻ thâm nhập vào tranh và cảm nhận được mối tâm thành vô ngôn kiếp kiếp bất tận nầy... Và nếu như cô thích thưởng thức, thì xin tự nhiên giữ lấy nó.

Tranh chuyên chở nổi tâm thành kiếp kiếp dĩ nhiên là chuyện huyễn hoặc khó tin, nhưng nét vẽ người con gái trong tranh thanh thoát trang nghiêm lễ Phật quả thật rất tuyệt vời. Tuyệt vời nhất là người con gái đó lại là Uyên trong phút giây xuất thần lễ bái tại chùa Ngọc Phật. Uyên xúc động nghẹn ngào ngắm nhìn mãi bức tranh, lắp bắp từng tiếng rời rạc:

- Tôi... tôi... tôi... xin cám.. cám ơn Ông... ông...

- Tên tôi là Thế Như, họ Trần. Rất hân hạnh được quen biết với cô. – chàng họa sĩ đỡ lời –

Sau phút giây xúc động dâng tràn, Uyên bình tỉnh lại, nhanh nhẩu lên tiếng :

- Tôi cũng xin trân trọng giới thiệu: anh họ tôi là Lương Quân và tôi là Liễu tú Uyên, chúng tôi cũng vinh hạnh được quen biết Trần tiên sinh. Và lần nữa tôi xin chân thành cảm tạ tiên sinh về quà tặng vô giá nầy...

Uyên lăn xả theo Thế Như chẳng khác chiếc lá rời cành rối rít cuốn theo con trốt mù mịt. Nàng cũng hội nhập ngay cái nếp sống bất cần đời, với lối lý luận ương gàn “triết lý dỡm” của Thế Như. Anh ta tán tụng thiên nhiên, thích chăm sóc cỏ cây, tôn trọng sự sống mọi loài thì Uyên cũng a tùng theo thương yêu loài vật không nỡ sát sanh... Cuối tuần nào Thế Như cũng đề ra những chuyến du ngoạn leo đồi, vượt suối, bơi thuyền, hành hương tự viện... và dĩ nhiên luôn luôn được Tú Uyên nhiệt tình hưởng ứng. Quân cũng gắng gượng tham gia vài chuyến, nhưng giao thiệp dài lâu càng thấy “họ” khắn khít nhau xốn xang quá, nhất là nhận thấy tính tình không phù hợp với Thế Như nên chàng né tránh lần. Mà càng né tránh, thì sự thật phũ phàng chịu “thua cuộc” càng rõ rệt hơn khiến Lương Quân đau khổ tột cùng. Giả thử chàng vuột mất nàng vào tay một người xứng đáng có sự nghiệp vững chắc tương lai huy hoàng có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho nàng thì nỗi xót xa còn nhỏ, nhưng không đủ sức ngăn cản để cho nàng rơi vào tay của kẻ ương gàn vô tích sự không nghề nghiệp chẳng chút tương lai, mới là nỗi khổ đau khôn nguôi dằn vật tâm cang chàng. Lương Quân ngại mang tiếng dèm siểm kẻ vắng mặt để cạnh tranh người đẹp nên chàng chỉ thường xuyên nhắc nhở Uyên cẩn thận giao du, tìm hiểu lý lịch gốc gác người ta, chọn người yêu phải nghĩ đến tư cách và tương lai sự nghiệp người đó có đủ bảo đảm hạnh phúc gia đình mai hậu không? Thế nhưng nàng theo học thuyết bất cần đời, dám bỏ học theo chàng họa sĩ đi Tô Châu để chỉ nghe một tiếng chuông Hàn sơn(2), thì chẳng lời khuyên nào đáng được nàng lưu tâm cả.
Để tránh tiếp cận với cảnh trái tai gai mắt, Quân quyết định trốn chạy đi thật xa. Chàng vận động xin được một học bổng cao học tại San Francisco, Hoa Kỳ rồi rời nước ngay sau khi vừa tốt nghiệp. 

Du học sinh xứ người, sinh sống chật vật, học hành thi cử bù đầu, nên mối tình si dằn vật nguôi ngoai dần. Mấy tháng sau Quân lại mất liên lạc với Uyên, tin tức về nàng mù tịt, nên sau nầy thỉnh thoảng nhớ đến Uyên chàng cũng chỉ có thể hướng về đất nước thân yêu của mình với chút ngậm ngùi. Cũng may là ở San Francisco có nhiều người Hoa tụ tập về sinh sống, nên chỉ trong một thời gian ngắn, chàng được cộng đồng nhỏ người Tiều Châu khám phá, họ tranh nhau níu kéo chàng về nhà tiếp đãi như bà con ruột rà. Họ gói ghém tình cảm hoài hương mặn nồng trong tô canh cải, tô hủ tiếu, viên há cẩu, viên xíu mại... nâng niu trao cho chàng, nhờ vậy Quân cũng cảm thấy vơi bớt nỗi cô đơn lạc lõng ở xứ người. 

Sau khi tốt nghiệp, Quân hồi hương rồi được phối trí đặc trách ngành kiều lộ thành phố Thượng Hải, một chức vụ béo bổ mà bao kẻ ước mơ. Tuy nhiên, đối với người có tư cách như Quân thì trách vụ nầy nặng nề, công việc ngập lút đầu mà đồng lương công chức giới hạn, nên chàng chỉ biết an phận sống tằn tiện, chớ chẳng dám giao du hào phóng như các bạn đồng liêu

Quân bắt đầu dò tìm tin tức của nàng trong nhóm bạn sinh viên ngày xưa, hầu hết tiết lộ chỉ nghe tin đồn rằng người yêu họa sĩ của nàng lâm bạo bệnh lìa đời khiến nàng thất chí bỏ học, rồi sau đó biệt dạng chẳng còn ai nghe tung tích gì nữa. Mẹ Quân đã xa lìa quê cũ, dọn về ở với Sĩ, đứa con Út đang giữ chức vụ phụ tá Phòng Kinh Tế huyện Ôn Châu. Nhân chuyến về huyện lỵ thăm gia đình, Quân cũng muốn ghé thôn xóm cũ thăm mẹ Uyên dọ hỏi tin tức của nàng, nhưng Quân ngần ngại rồi đổi ý khi nghe chú em kể rằng bà cụ có lần trách móc chàng đã ham du học xa bỏ bê con gái bà bơ vơ chốn thị thành. Nhiều tháng trôi qua, một hôm Quân ép lòng tham dự buổi tiệc sang trọng khoản đãi giới công chức cao cấp thành phố, thờ ơ nghe nhóm bạn đồng liêu tranh nhau kháo chuyện, ai cũng muốn chứng tỏ mình là tay sành sõi nhất trong giới ăn chơi. Câu chuyện xoay quanh kỳ nữ Tiết nương, một giai nhân nổi tiếng về nhan sắc tuyệt trần, văn tài xuất chúng, kỹ thuật cầm ca cũng điêu luyện hơn người... Nàng là thần tượng bậc nhất của tao nhân mặc khách đương thời, nhiều kẻ, đã bỏ ra hàng mươi lượng vàng chỉ mong hội kiến nàng một lần, nghe nàng ngâm một bài thơ Đường, ngắm nàng đàn ca khúc nhạc trữ tình... cũng đủ mãn nguyện rồi, cũng được tiếng là khách phong lưu tao nhã, bởi lẽ biết bao kẻ mang vàng chất đầy mâm dâng hiến bị nàng chê là hạng phàm phu tục tử chẳng xứng đáng giao du

- Hà! Hà! Các anh dám tin không? Tôi không tốn đồng nào mà vẫn hân hạnh được nghe người đẹp ca ngâm đấy! – một anh chàng hơi trọng tuổi hớn hở khoe vang – Đám trẻ tuổi nhao nhao phản đối:

- Bác nói giỡn chắc!

- Chuyện coi bộ khó tin quá!

- Ậy! khó tin mà có thật các cậu ạ! Ngày 14 tháng 7 vừa qua, tôi may mắn được mời dự lễ Độc Lập do Tòa Lãnh sự Pháp khoản đãi. Không ngờ họ mời được nàng. Lúc đó, hội trường đang ồn ào, bỗng lặng yên phăng phắc khi thấy bóng nàng xuất hiện. Nàng đẹp như Tiên giáng trần, khoan thai vẫy tay chào thính giả, rồi bắt đầu thánh thót ngâm bài Đường thi “Tiễn bạn” bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp: 

Sương đêm ướt cỏ bên hồ 
Trăng khuya lạnh lẽo núi mờ mờ xanh 
Người rằng biên ải xa xăm 
Thì xin được gửi theo chân mộng hồn (3)

Sau đó, nàng gảy đàn, cất tiếng oanh vàng hát líu lo bản nhạc “La Parisienne”, cũng bằng cả hai ngôn ngữ. Nghe có kẻ ái mộ xầm xì rằng nàng vốn là cựu sinh viên Văn Khoa thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên hát tiếng Pháp giọng Đầm rặc, khiến mấy thằng Tây mê tít thò lò… 

Vừa nghe người lạ lập lại bài Tiễn bạn của Tiết Đào(3), Quân bỗng xúc động chạnh nhớ đến Uyên, nàng cũng thích Đường thi và thỉnh thoảng cũng ngâm nga bài nầy, rồi đến khi anh ta tiết lộ rằng Tiết nương là cựu sinh viên Khoa Sinh Ngữ bỗng dưng chàng linh cảm cô ta chính là Uyên, nỗi mừng vui chen lẫn với đớn đau chua xót dâng tràn khiến Quân như chết lặng người chẳng còn nghe thấy gì nữa, mãi đến khi thực khách lần lượt chia tay, chàng mới uể oải lủi thủi ra về.

Tiết nương là kỳ nữ nổi tiếng nên việc truy tìm nàng tương đối dễ. Quân chỉ cần hứa thưởng tiền cho người phu xe quen biết, hắn đi loanh quanh vài giờ trở lại báo cáo đã nắm vững địa chỉ, sẵn sàng đưa chàng đến tận nơi. Ngần ngừ trước ngôi biệt thự khang trang khá lâu Quân mới rụt rè gõ cửa. Cô gái giúp việc lanh lợi bước ra nhìn chàng như dò xét. Quân ấp úng lên tiếng :

- Tôi có việc cần, muốn xin gặp Tiết cô nương. 

Cô bé nhìn chàng mấy lượt như không tin lỗ tai mình, rồi lúng túng hỏi : 

- Ông có lễ vật ra mắt cô nương không?

Quân sửng sờ giây phút, cười gượng đáp :

- Xin lỗi! tôi đãng trí lỡ bỏ quên ở nhà rồi. Thôi để bữa khác trở lại tôi sẽ mang quà và xin gặp sau cũng được.

Dợm bước đi, song vẫn Quân ráng gỡ gạc hỏi:

- Cháu ơi cho tôi hỏi thăm chút nhé: “Cô chủ đây có phải tên thật là Liễu tú Uyên không?”

- Không! tôi không nghe ai mang tên đó bao giờ! 

Quân lầm lủi ra về, chàng vô cùng khó chịu trước điều kiện phải có quà quý giá ra mắt, nên lúc đầu quyết định bỏ cuộc chẳng màng tìm kiếm ai nữa, nhưng mỗi ngày mối ray rứt muốn biết rõ sự thực của nàng, muốn gặp lại nàng cứ gia tăng. Cuối cùng, chàng đành gom góp tiền dành dụm mua quà lò dò tìm đến. Cũng cô giúp việc ba tháng trước chạy ra chào đón, nhưng khi Quân trao quà tặng thì cô ta lắc đầu ngầy ngậy nói :

- Giờ thì khác rồi. Cô nương tôi không nhận quà của ai nữa và cũng chẳng thích gặp ai hết!

- Ủa! quả thật có chuyện lạ lùng vậy sao cháu?

- Chuyện thật như vậy đó! Thôi xin ông cảm phiền nhé!

- Tôi không tin đâu! Tôi nghi cháu chê quà nầy kém giá trị nên kiếm cớ ngăn cản tôi phải không?

- Không phải vậy đâu ông! Tự nhiên cô nương đổi tánh vậy hà! Mà cũng tại cái ông sư lỳ lợm đó hết á!

Nhận thấy cô ta tỏ vẻ giận khi nhắc tới ông sư liên quan trong vụ nầy, nên Quân vội vàng khai thác thêm cho rõ :

- Ông sư lỳ lợm đó cử chỉ ra sao? Nói nặng nhẹ như thế nào mà xảy ra cớ sự nầy? Cháu kể tôi nghe được không?

- Chuyện như vầy nè! Một hôm cách nay chừng hai tháng, buổi sáng vừa mở cửa bỗng có ông sư trờ tới yêu cầu cho gặp cô nương. Cháu thầm rủa “tu mà nói chuyện khùng điên!”, rồi khép ngay cửa lại. Nào ngờ, ông sư đó lỳ lợm quá chừng, cứ ôm bình bát đứng suốt ngày. Cháu ái náy mang thức ăn chay mặn đủ loại ra cúng dường, nhưng sư luôn luôn lắc đầu, cứ nhất quyết đòi diện kiến cô nương mới dời bước. Đến sáng hôm sau thấy sư vẫn đứng trơ trơ ở đó, cháu đành nhượng bộ năn nỉ sư hiểu dùm là những bậc cao nhân xin tiếp chuyện với cô nương thường có quà trọng hậu mới mong cô nương cho tiếp kiến, kết luận cháu xin sư thông cảm và rút lui dùm. Sư hăng hái tuyên bố: “Tôi mới chính là bậc cao nhân chính hiệu đây! Còn tưởng chuyện gì khó chớ quà tặng quí giá thì tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng đây nè!” Nói đoạn, sư mở tay nải lôi ra một quả chuông nhỏ kèm với chiếc dùi, bảo cháu mang vào trao cho cô nương. Thấy cháu lơ là không ngó ngàng tới loại quà kỳ dị đó, sư dọa: “Nè! nếu cô biết điều đưa chuông cho cô nương thì tôi hứa chắc sẽ không làm phiền ai nữa, bằng không tôi đứng ở đây hoài đến lúc gặp cô nương để hỏi cho ra lẽ đó mới thôi!” Nghe bùi tai, cháu lỡ dại bưng chuông vào nhà mà gây ra nông nổi nầy... Ôi! cô nương có mệnh hệ gì thì... hởi ôi! hởi ôi!.. 

Bình thường Quân khá bình tỉnh, nhưng trong lòng đang căng thẳng tột độ, mà ả cứ “cà bập hởi ôi hởi ôi” hoài, sốt ruột quá, chàng đành cắt ngang hối thúc

- Cháu có đưa chuông cho cô nương cầm không? Phản ứng cô nương lúc đó như thế nào vậy?

- Dạ cháu bưng chuông vào phòng khách mà chưa đưa và chưa kịp giải thích thì cô nương chợt chụp cái dùi chuông xem xét suy nghĩ lung lắm, đoạn cô nương gõ chuông một tiếng. Thế rồi, chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên cô nương xây xẩm khuỵu xuống suýt té nhào, nếu cháu chậm tay không đỡ ngồi xuống ghế dựa, thì nguy rồi. Lát sau, vừa tỉnh tỉnh cô nương liền bảo: “Con ra mời vị mang chuông vào cho cô đàm đạo”. Cháu mời sư vào, châm trà đãi khách. Cô nương tỏ ra ân cần chào đón sư, hai người bàn chuyện gì chắc quan trọng lắm nên cô nương có vẻ lo lắng nghiêm nghị chớ không cười nói dòn tan như bình thường

- Cháu có nghe ngóng được chút gì không? Có nghe sư hù dọa, làm tiền, hoặc chỉ trích cô nương không?

- Dạ không! cháu đứng xa nên không biết gì. Chỉ có điều là vào ngày hôm đó, hình như có lần cháu chợt thấy cô nương mặt tươi vui rạng rỡ, mà lệ lại rơi lả chả thật là khó hiểu. 

- Chỉ có vậy thôi thì cũng đâu có gì nguy hiểm đáng lo lắm!

- Lúc đầu cháu cũng nghĩ như vậy, nào ngờ, vừa tiển nhà sư ra khỏi cửa, thì chuyện rắc rối phát sanh tức thời! Cô nương bỗng chui rúc trong phòng tuyên bố không gặp ai nữa, cô không màng ăn uống, năn nỉ lắm thì chỉ dùng muối dưa chai lạt qua ngày. Mấy ngày sau cô nương lại trở chứng nữa, cô quăng bỏ đồ nhung gấm lụa là, bảo mua vải thô về tự may mặc. Ôi! cháu lo cho cô nương quá chừng hà! chẳng biết cô nương có bị ác nhân trù ếm gì không mà ra nông nổi như thế nầy?

Quân nghĩ rằng có lẽ nhà sư là người đã từng lo tang lễ cho Thế Như, nay đã vô tình hay hữu ý tìm đến khơi dậy vết thương lòng của Uyên, khiến nàng nhất thời chán đời, muốn sống co rút lại mà thôi. Quân an ủi cô giúp việc :

- Bệnh của cô nương còn chạy chữa được cháu hãy yên tâm. Giờ thì cháu vào thông báo là có người tên là Lương Quân muốn hầu chuyện với cô nương. 

Cô bé vui vẻ bước vào trong lí nhí báo cáo chưa dứt lời, thì Tú Uyên đã hớn hở cuống quít đâm sầm ra cửa đón Quân. 

- Uyên muội!

- Đại ca!

Tuy ăn mặc vải vóc thô sơ, cũng không trang điểm tươm tất, Uyên vẫn xinh đẹp mặn mà. Nàng xúc động nghẹn ngào nhìn Quân, và thân mật như đứa em gái nhỏ ngày xưa, nàng nũng nịu : 

- Sao đến giờ nầy đại ca mới chịu dời gót đến nhà muội. Muội ngỡ đại ca chê trách muội hư hèn chẳng đếm xỉa tới nữa chớ!

- Đừng nói sàm như vậy nè! Uyên muội mất tung tích, lại thay đổi tên họ khiến huynh khốn đốn bao ngày mới dò tìm được. Vừa biết địa chỉ huynh đã tới ngay mà!

- Sao huynh không thăm hỏi mẹ em?

- Ơ! huynh nghe chú Sĩ cho biết bà có lời trách huynh ham du học khiến Uyên muội long đong, nên ngại gặp bà vì chẳng biết giải thích sao cho vẹn toàn. Vã lại, chính huynh cũng ái náy trước nỗi đớn đau của muội về sự ra đi đột ngột của Thế Như, mà lúc đó huynh không kề cận để chăm lo chia sẽ.

Quân thở dài hối tiếc, rồi xót xa tiếp lời :

- Chắc mất mát năm xưa vẫn còn ray rứt muội phải không?

- Huynh yên tâm đi, thuở đó quả thật muội cũng đau khổ lắm, giờ hiểu ra mới hay “tất cả chỉ là ảo ảnh” thì còn vướng bận gì nữa!

- Muội dối lòng rồi! Muội khoe hết khổ mà sao huynh thấy muội chưa bình thường, muội có vẻ lôi thôi thiểu não như thế nào á!

- Không phải đâu! Không phải đâu! Muội chẳng thiểu não tí nào, muội tự chọn nếp sống đơn giảnsở thích, chỉ có vậy thôi! Huynh không nhận thấy muội đang an lạc sao?

- Thật lạ! Muội thay đổi hoàn toàn, muội có nếp sống bất cần đời chẳng có ngày mai! Tại sao vậy?

- Bởi lẽ... giờ nầy thì muội đã nhận chân được rằng không phải chỉ riêng vụ Thế Như là ảo, mà tất cả đều là tuồng ảo hóa huynh ạ! 
Quân đang ngẩn ngơ chưa đối đáp thì nàng lại ngâm nga :

“Pháp giới như không hoa
“Sự vật đều như huyễn
“Thế gian hằng như mộng...(4) 
“Sanh tử tuồng ảo hóa!

Quân trố mắt nhìn Uyên, cất tiếng như than như trách :

- Thôi hỏng to rồi! Tiểu muội bị nhà sư kỳ lạ nào đó mê hoặc rồi! ông ta đầu độc muội cách nào mà muội thay đổi nhanh chóng vậy?

- Chắc con bé Quế xí xọn đã mách cho huynh hết mọi sự rồi phải không?

- Ờ! Ờ!...

- Câu chuyện khá dài, nhưng nếu huynh muốn biết, muội cũng không dấu diếm mảy may, miễn là huynh có thời giờ và lắng lòng nghe mới được!

- Dĩ nhiên là huynh muốn hiểu rõ, nên nếu phải lắng nghe suốt đêm cũng bền lòng mà!

Hôm đó muội đang đọc sách tại thư phòng thì bé Quế rón rén bước vào, tay lo le quả chuông, miệng nhóp nhép như làm trò khỉ, khiến muội phải bật cười. Thoạt nhìn quả chuông muội bỗng cảm thấy có gì gần gũi thân thương nên ưa thích, bèn hứng chí đứng lên cầm dùi thỉnh nhẹ một tiếng. Chao ôi vạn vật bỗng chòng chành đảo lộn khiến muội khuỵu xuống, rồi trước mắt muội hiện ra một ngôi chùa xưa lắt lẻo trên đỉnh Chung Nam. Ngôi chùa khang trang, tổ chức qui cũ, đệ tử xuất gia lẫn tại gia đông đúc và đều nức lòng trau dồi đạo hạnh, quy ngưỡng hòa thượng viện chủ Thiền Lâm. Bấy giờ, ngôi chùa rộn rịp hẳn lên, môn nhân đệ tử tề tựu về long trọng tổ chức lễ thượng thọ 80 tuổi đời 60 tuổi đạo của đại lão hòa thượng. Sau phần nghi lễ chúc thọ cầu kỳ đầy ấp lời tán tụng cao ngất của các phái đoàn tu viện gần xa, sư trụ trì Như Vân thay mặt môn sinh đê đầu đảnh lễ khẩn khoản hòa thượng mở lượng hải hà hứa khả cho chúng đệ tử hiếu thảo xây dựng ngôi đại tháp bát giác chứa nhục thân hòa thượng sau nầy, đặc biệt sẽ tạc khắc tôn xưng sự nghiệp cao ngất của người, để ngàn sau có nơi chiêm bái mà nương tựa tu tập. Hòa thượng xúc động nghẹn ngào, hòa thượng vui quá đổi là vui. Hàng ngày thị giả Như Thế báo cáo diễn tiến từng bước công trình, vì hòa thượng thích duyệt xét mọi kế hoạch, theo dõi thực thi từng chi tiết nhỏ. Công trình xây dựng hoàn thành thì lão hòa thượng cũng mòn mỏi trút tàn hơi. Hai năm qua, suốt ngày đêm hòa thượng một lòng chăm lo nhớ nghĩ đến hậu sự vuông tròn của mình, nên khi lâm chung Người cũng chẳng rời xa tư tưởng nầy. Người lẩn quẩn sung sướng lắng nghe chư tôn đức tăng ni vân tập về, hợp cùng chúng đệ tử thi đua nhau kể lể nỗi thương tiếctán dương công đức như trời như biển của Người. Người theo dõi tận cùng lễ di quan, cho đến khi quan tài đưa vào đại tháp, cửa đóng kín mít, thiên hạ lũ lượt ra về, cuối cùng Lão hòa thượng mới thực sự yên tâm. Bây giờ, Người mới chợt nhớ nghĩ đến cõi về thì bỗng dưng tất cả trở nên mù mịt chẳng biết phương hướng đâu mà tìm.

Nghe tiếng gọi lo sợ của tiểu Quế, muội choàng tỉnh, cảm giác đã hiểu rõ đầu đuôi mọi chuyện nên bảo nó mời khách tặng chuông vào. Sau khi an tọa, nhà sư lên tiếng :

- Đệ tử Như Thế xin vấn an ân sư!

- Không dám! Không dám! Bây giờ Ngài đã là bậc thánh, còn ta là kẻ đang lặn ngụp trong chốn luân hồi, thì làm sao dám nhận là sư phụ của Ngài!

- Đệ tử có được ngày hôm nay là nhờ ân sư chăm sóc và dày công dạy dỗ, nên lúc nào, hoàn cảnh nào đệ tử cũng tạc dạ ghi ơn.

- Hởi ôi! ta hư hèn tu tập không ra gì thì dạy ai? Ngài đã tu như thế nào để thực chứng quả vị bất thối chuyển mới thật đáng tuyên dương, Ngài nên truyền dạy ta mới phải!

- Đệ tử tư chất tầm thường, cứ cẩn mật theo lời dạy dỗ của sư phụ mà tu âm thầm, chết âm thầm, không bị oan gia ràng buộc, nhờ vậy may mắn vãng sanh mà thôi. Còn sư phụ là bậc tăng tài hiếm có, đã hi sinh trọn đời cho đạo pháp, trùng tu tự viện, chấn chỉnh sơn môn, đào luyện tăng tài... công đức rộng sâu khó ước lường, chỉ vì một chút sơ suất nhỏ khi cận tử mà phải lộn lại chốn nầy. 

Đáng tiếc thay!

- Hởi ôi! ta yên chí công phu hàm dưỡng mình cao dày, niệm Phật đã nhất tâm, quê hương Tịnh độ cận kề, nào ngờ vừa mới nghe thiên hạ thổi phồng tán dương công đức đã đắc chí, đệ tử tung hô xây bảo tháp thờ kính đời đời đã mê đắm... thì còn vãng sanh chốn nào cho được?

- Chúng đệ tử ai cũng đinh ninh thầy về cõi Phật, mãi đến khi con được vãng sanh mới khám phá rằng thầy bị trầm luân, mà nguyên nhân chánh là vụ xây dựng tháp do con khởi xướng. Con bèn thành khẩn xin Tam Thánh thương xót gia hộ cho con trở về cõi Ta Bà để tùy duyên nhắc nhở thầy, may mắn là thầy đã từng tận tụy suốt đời lo cho đạo pháp, nên thỉnh cầu được chuẩn y. 

- Ta rất cảm khích thâm tình của Ngài đã bền bĩ xử dụng đủ mọi cách để cứu độ ta! Nghĩ lại, lần đầu tại chùa Ngọc Phật sợ ta mê đắm ngọc mà quên đạo Ngài lên tiếng chỉ điểm mà ta chẳng chút quan tâm, rồi Ngài hiện thân làm họa sĩ nhắc nhở ta bao lần, thậm chí đưa ta đến Hàn Sơn tự nghe chuông, dùng cái chết cảnh cáo cũng vô hiệu, không ngờ lần nầy quả chuông nhỏ ngày xưa mà làm được việc. Ngài đã truy tầm ra quả chuông nầy hay thật là hay! 

- Thưa thầy! Có lẽ lần nầy thì nghiệp cũ thầy vừa trả xong, công đức xưa thành thục, nên tiếng chuông thỉnh đúng lúc đã thức tỉnh được thầy. Giờ đây, con xin từ tạ, hẹn sớm gặp lại nhau ở cõi Cực Lạc phương Tây.
Câu chuyện chưa kết thúc hẳn, Quân đã nôn nóng nêu thắc mắc: 

 - Ơ!.. Ơ! Kiếp trước Hòa thượng tiểu muội...ơ... 

Uyên cười ngất:

- Kiếp nầy biết kiếp nầy. Lương huynh bao giờ vẫn là huynh của tiểu muội. Xin huynh làm ơn bỏ danh xưng hòa thượng tiểu muội kỳ cục đó, cho muội nhờ!

- Kiếp trước muội đâu có làm gì quá đáng mà kiếp nầy phải truân chuyên với nghiệp kỹ nữ nầy?

- Huynh biết không? “Ăn cơm” của thí chủ khó tiêu lắm, phải tu hành chân chính mới mong hóa giải được. Nếu không thì thức cúng dường trở thành món nợ oan gia, mà người thụ hưởng phải gánh vác trả dài dài. Hai năm cuối cùng của kiếp hòa thượng muội đã gom góp tiền cúng dường của thiên hạ không nhằm phục vụ đạo pháp mà chỉ vì cái ngã, ham hố kiến tạo tháp nêu danh với đời, nên phải đọa lạc. Nợ nần nhiều thí chủ mà mong trả nhanh trong một kiếp thì phải lâm cảnh gian truân bầm dập tấm thân như vậy đó, huynh ạ!

- Tiểu muội có dự định gì cho ngày mai chưa?

- Dĩ nhiên đã sắp xếp xong rồi. Muội đã bắt đầu nếp sống cư sĩ chay tịnh hai tháng nay, muội nguyện một lòng tu tập Niệm Phật cho đến khi nhất tâm bất loạn hầu được vãng sanh về cõi Tây Phương. Vài ngày nữa muội sẽ bí mật dọn về căn phố nhỏ ở Hồng Khẩu trốn tránh tiếp xúc với thiên hạ. Còn ngôi biệt thự nầy thì muội đã ngã giá bán rồi, tiền sẽ gởi ngân hàng để có hoa lợi xây xài hàng tháng. 

Quân lo lắng:

- Muội ẩn tu như vậy, chắc huynh khó gặp!

- Đâu được, riêng Lương huynh thì phải thăm muội thường xuyên giúp đỡ muội tu chớ! Muội nhập thất thì huynh phải hộ thất tươm tất nhé!

- Tưởng gì khó, chớ chuyện nầy huynh sẵn sàng tình nguyện mà!

Uyên thiết trí một phòng trên lầu như một chánh điện nhỏ, hàng ngày tinh tấn hành trì sáu thời Niệm Phật lễ bái. Cứ cuối tuần thì Lương Quân đến Hồng Khẩu ăn chaytham gia Niệm Phật. Thời gian đầu, Quân ăn chay Niệm Phật vì Uyên, chàng cũng đọc sách báo Phật giáo cho Uyên vui, thế rồi lần hồi chàng thấm đạo vị mà không hay. Chàng hào hứng sưu tập trọn bộ Phật học tòng báo(5) để tìm hiểu giáo lý Phật giáo đủ mọi đề tài, cũng nhờ tờ báo nầy hướng dẫn, chàng thỉnh được nhiều kinh sách quý báu để nghiên cứu, đặc biệt có bộ Ấn Quang văn sao bốn quyển do Thượng Hải Thương Vụ Ấn thư quán xuất bản năm 1922. Sau khi nghiền ngẫm từng chữ từng câu trong Văn Sao, chàng bỗng phát bồ đề tâm “nguyện một lòng một dạ Niệm Phật A Di Đà hầu được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, sau đó, nguyện sẽ trở lại cõi Ta Bà đời đời kiếp kiếp cứu độ chúng sanh”. Chàng giữ trường chay và thực hành Niệm Phật theo phương pháp “thập niệm sổ tức” do Ngài Từ Vân đời Tống chỉ dạy cho người đa đoan công việc(6). Quân Niệm Phật chân thành tha thiết, càng niệm càng tinh tấn, càng cảm nhận niềm vui đạo vị. Có lẽ Uyên cũng nhận thấy điều nầy nên có lần nàng ca ngợi chàng là bậc thượng căn, Quân liền chối bây bẩy:

- Đừng nói giỡn nà! Huynh lờ khờ chớ đâu có thông minh lanh lợi như người ta! Phải xếp huynh vào hạng hạ căn mới đúng!

- Không hẳn như người ta thường nghĩ đâu huynh! Người bản chất hiền lành thật thà, không tham sân, không tranh hơn thua... nhờ vậy khi tu thì chân chất một lòng một dạ mà tu: Niệm Phật dễ nhất tâm, tọa thiền chóng nhập định, họ đã tu nhiều kiếp mới được tâm nầy. Với đời thì họ bị chê là thằng khờ khạo, nhưng với đạo họ chính là bậc thượng căn

- Còn như thế nào thì kể là hạ căn hả muội?

- Kẻ tự hào thông minh lanh lợixuất gia hay tại gia thường lấn lướt người khác giành thế lãnh tụ cho thỏa mãn cái ngã cao ngạo của mình, nếu lanh lợi mà còn kèm theo tài biện luận ngược xuôi, khéo léo mánh mun thì tai hại chẳng biết đâu mà lường. Hạng “thế trí biện thông”(7) nầy với đời là bậc thượng, nhưng với đạo chắc là hạ hạ căn quá!

Đầu Xuân năm Giáp Tí (1924), Quân đưa Tú Uyên và tiểu Quế – Quế dạo nầy cũng nương theo cô chủ hâm mộ đạo Phật – viếng Phổ Đà sơn, thánh địa của Bồ Tát Quán Thế Âm. Cả ba lần lượt theo phái đoàn hành hương chiêm bái khắp thánh tích, nơi mà theo truyền thuyết vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn từng xuất hiện: Quan âm khiêu (vết chân Bồ Tát trên tảng đá), Quan Âm tử trúc (rừng trúc tím), Phạm Âm Hải Triều âm động, Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ, các chùa Phổ Tế, Pháp Vũ và Huệ Tế, nơi nào cũng phảng phất một bầu không khí mầu nhiệm thiêng liêng, khiến khách hành hương nức lòng quy ngưỡng đạo pháp. Đặc biệt tại chùa Pháp Võ, nhân tháp tùng theo nhóm Phật tử khác viếng Tàng kinh Các lễ hòa thượng Ấn Quang, Quân và tiểu Quế may mắn hiện diện đúng lúc để xin thọ giới quy y với Ngài. Tại chùa Phổ Tế, phái đoàn chiêm bái “Quan Âm tam thập nhị ứng tùy hình”, và nghe thầy tri khách kể truyền thuyết rằng chư lão hòa thượng khi rũ bỏ được muôn duyên thường đến thánh địa khẩn nguyện sớm về cõi Phật trong thời gian ngắn đều toại ý. Lúc ấy, bỗng nhiên Uyên bùi ngùi khẽ thở than

- Muội cũng từng ao ước như thế nầy mà không buông bỏ nổi, phải đợi đến bây giờ mới thực hiện, kể ra quá trễ nhưng cũng phước đức lắm rồi.

Trở về đất liền khoảng năm tuần, sau khóa công phu chiều ngày mùng 10 tháng hai, Uyên bỗng tỏ ra nghiêm trọng cho biết có việc cần ủy thác với chàng. Quân còn đang ngơ ngác thì nàng đã kính cẩn chấp tay thưa: 
- Muội khởi tu trở lại vừa tròn hai năm thì may mắn đã hội đủ phước duyên vãng sanh vào lúc 12 giờ trưa ngày vía Quan Âm, tức 19.02 âm lịch sắp tới. Muội đã làm giấy tờ chuyển hết tài sản cho Lương huynh rồi, xin huynh theo tờ di chúc mà xử lý dùm. Muội muốn ra đi âm thầm chỉ cần huynh và tiểu Quyên hộ niệm là đủ, sau đó đem thiêu rồi rải tro cốt ở cánh rừng nào cũng được, nhằm bón phân cho cây lá thêm tươi...

Vào lúc 11.30 giờ ngày dự trù, Uyên trang nghiêm lễ Phật, đoạn ngồi kiết già Niệm Phật âm thanh vừa đủ nghe. Quân và tiểu Quế ngồi hai bên hộ niệm. Chừng nửa giờ sau, Quân nghe như có tiếng nhạc lưng trời, hương thơm thoang thoảng, nhìn lại thì Uyên đã ra đi thanh thản với nụ cười nhẹ.
Quân cẩn mật xử lý mọi việc đúng y theo di chí của Uyên: chu toàn hậu sự, cúng dường, ấn tống kinh, phát chẩn, rồi lại phải tạo dựng tương lai cho tiểu Quế, rước hai bà mẹ già về sống chung để tiện bề chăm sóc. Hai bà bạn xưa có người hủ hỉ tâm sự, cùng sống cùng tu với nhau nên rất hài lòng. Khi mọi việc sắp xếp hoàn mãn rồi, thì Lương Quân cũng đã ngoài 50 tuổi, chàng từ dịch lui về Phổ Đà ẩn tu với sư phụ, sau đó, ra đi biền biệt, chẳng ai biết đã lưu lạc chốn nào.

Tháng 08.2007
 
 
 

Lời cuối truyện:

Trong quyển “Mấy Điệu Sen Thanh” do hòa thượng T.Thiền Tâm lược dịch các sự tích Vãng Sanh Tịnh Độ, có sự tích nhan đề “MỘT KỲ NỮ”(8), thuật lại chuyện người kỹ nữ xinh đẹp tài hoa thích ngâm vịnh Đường thi của danh kỹ Tiết Đào tức Hiệu Thơ, nên khách phong lưu gọi nàng là Hiệu Thơ. Đang lúc thanh xuân, bỗng một hôm nàng tỉnh ngộ đạo mầu, giữ thân tâm trong sạch, quy y Tam Bảo, tinh tấn Niệm Phật nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ. Nàng ẩn cư tại phố Hồng Khẩu, thiết trí điện thờ Tam Thánh, sớm hôm trì niệm. Nàng gởi tiền vào ngân hàng lấy tiền lời sinh sống, nàng chẳng tiêp xúc ai ngoài người thân tín tên Lương Quân. Vào tháng hai năm Dân Quốc 13(1924), nàng mời Lương Quân đến thông báo trước ngày vãng sanh, sau đó chuyển giao tài sảnủy thác họ Lương lo hậu sự, cúng chùa ấn tống kinh sách, chu cấp mẹ già... Đúng chính xác ngày đã thông báo, nàng Hiệu Thơ không bịnh mà an lành Niệm Phật vãng sanh về cõi Tây Phương. Nhận thấy đây là một trường hợp vô cùng hi hữu

1. tài hoa xinh đẹptuổi thanh xuân mà sớm hiểu đạo. 
2. hiểu đạo là buông bỏ tất cả, một lòng Niệm Phật
3. Niệm Phật trong thời gian ngắn đã biết trước chính xác ngày giờ vãng sanh
4. Không bịnh khổ, an lành Niệm Phậtvãng sanh

Biết trước ngày giờ vãng sanh đã là chuyện hiếm có, không bệnh an lành Niệm Phật vãng sanh ngay trong giới tu sĩ cũng không có nhiều, riêng sự kiện chỉ Niệm Phật ngắn hạn mà đạt được thành quả như trên là trường hợp hy hữu chưa từng nghe nói trong giới cư sĩ

Rất tiếc người xưa không mấy tôn trọng giới kỹ nữ nên lược thuật sự tích quá vắn tắt. Dẫu sao, căn cứ vào lược thuật nầy tác giả cũng đủ tin tưởng cô nương nầy là bậc Bồ Tát vướng chút nghiệp trần, thị hiện Niệm Phật vãng sanh để kiến tạo niềm tin cho mọi giới. 

Tác giả chân thành đảnh lễ vị kỹ nữ Bồ Tát và xin phóng tác sự tích nầy thành truyện ngắn dâng cho bạn đọc.

Ghi chú :

1. Chùa Ngọc Phật: Chùa ở thành phố Thượng Hải do hòa thượng Khả Thành xây dựng năm 1918 để tôn trí tượng Phật Thích Ca bằng ng̣ọc do Ngài Huệ Căn thỉnh từ Miến Điện từ năm 1882.

2. Chuông Hàn Sơn: Chùa Hàn Sơn tại Tô Châu là ngôi chùa cổ nổi tiếng, và tiếng chuông chùa đã được giới văn nhân khắp năm châu hâm mộ, nhờ bài thơ bất hủ nhan đề “Phong Kiều dạ bạc” của thi sĩ Trương Kế:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên 
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. 
(Quạ kêu trăng xế trời sương 
Bến Phong đóm lửa đối buồn mênh mang 
Thành Cô Tô, chùa Hàn San
Nửa đêm chuông vọng đưa sang khách thiền)

3. Tiết Đào: Danh kỹ thời Đường là người đẹp thông tuệtài hoa được Nam Khang Vương tiến cử giữ chức Quân trung Hiệu Thơ, nên được người đời tôn xưng là Hiệu Thơ cô nương. Cô nương có nhiều bài thơ nổi tiếng như 4 bài vịnh: Xuân, Hạ, Thu, Đông (có trích dẫn trong tích Một Kỹ Nữ). Bài Đường thi trong truyện nầy nhan đề “Tiễn bạn”, do Quỳnh Chi phóng dịch, nguyên văn như sau:

Tống hữu nhân
Thuỷ quốc kiêm gia dạ hữu sương 
Nguyệt hàn sơn sắc cộng thương thương 
Thuỳ ngôn thiên lý tự kim tịch 
Ly mộng yểu như quan tái trường 

Quỳnh Chi phóng dịch :

Tiễn bạn
Sương đêm ướt cỏ bên hồ 
Trăng khuya lạnh lẽo núi mờ mờ xanh 
Người rằng biên ải xa xăm 
Thì xin được gửi theo chân mộng hồn 

4. Ba câu trên là kệ trích từ Kinh Lăng Già.

5. Phật học tòng báo: cơ quan truyền giáo của Hội Phật Giáo Thượng từ đầu thế kỹ 20

6. Phép thập niệm sổ tức của Ngài Từ Vân: Sáng tối 2 thời: Nếu có tượng Phật thì lễ 3 lạy, đoạn chấp tay (đứng hoặc quì) niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục cho đến khi hết một hơi thở kể là một niệm, niệm 10 hơi thở là xong phần niệm, kế đó, đến phần sám nguyện lễ Phật vắn tắthoàn tất

7. Thế trí biện thông : Trí thông minh biện bác theo thế sự. Trí nầy là nạn thứ 7 trong bát nạn. (Bát nạn tức 8 thứ chướng nạn chẳng thể tu học thành đạo được, trong đó, ba nạn đầu là sanh chốn địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh...)

8. Mấy Điệu Sen Thanh phần ba : Tứ chúng vãng sanhSự Tích : Một Kỹ Nữ -trang 426.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 714)
Rằm tháng Bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng Bảy có nhiều ý nghĩa:
(Xem: 876)
Bao tao nhân, mặc khách; bao ngôn ngữ của con người đã không tiếc lời ca tụng về Mẹ. Mẹ của tôi. Mẹ của anh. Mẹ của con và Mẹ của tất cả mọi người.
(Xem: 1884)
Trước nhất cha mẹ là những người ân cần nhất đã cho ta thân người Sau đó, đạo sư ân cần nhất trong việc trình bày giáo thiêng liêng.
(Xem: 2000)
Mẹ là cả một trời thương. Mẹ là cả một thiên đường trần gian.
(Xem: 2249)
Tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu. Đó là câu chuyện về một đại đệ tử của Đức Phật.
(Xem: 2498)
Cũng như mọi năm, Vu Lan là ngày mới hồi sinh của một chuỗi dài dấu ấn tinh thần đã cũ. Các bậc tu hành Phật giáo xuống lại cuộc đời sau mùa An Cư Kiết Hạ.
(Xem: 2466)
Mỗi độ tháng bảy âm lịch về, người con phật laị nao nức chuẩn bị cho mùa hiếu hội.
(Xem: 2904)
Hôm nay ngày mẹ nhớ thương Con quỳ lạy Phật dâng hương nguyện cầu Cầu xin cho mẹ sống lâu Mẹ là tất cả nhiệm mầu thiêng liêng
(Xem: 3231)
Cứ mỗi độ Vu Lan lại về với chúng ta, đó cũng chính là mùa Báo Hiếu, không biết bao nhiêu người con Phật, từ khắp bốn phương, nhớ tưởng công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
(Xem: 12440)
Ngày lễ Vu Lan trong Đạo Phật là ngày “Phật Hoan Hỷ”, ngày “Tự Tứ”. Tăng, Ni tập trung vào sự tu niệm và thỉnh cầu những bậc...
(Xem: 5017)
Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà đó còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ.
(Xem: 3619)
Thế là một mùa Vu-lan nữa lại về trên quê hương xứ sở, khi những cánh hoa tâm đang đua nhau nở rộ, lòng người con Phật lại thổn thức một nỗi niềm tri ânbáo ân.
(Xem: 6177)
Bài viết này đã đăng trên Đặc San Kỷ niệm lể Vu Lan 1989, năm Kỷ Tỵ, của chùa Hoa Nghiêm ở Toronto, Canada.
(Xem: 3409)
Ngày lễ Vu lan nói theo nhà đạo là ngày Tự tứ của chúng Tăng. Chữ Tự tứ nói đủ là Tự tứ thỉnh, nghĩa là ...
(Xem: 6908)
Có rất nhiều bạn trên thế giới hiện nay hoặc vì một lý do nào đó, có thể chủ quan hoặc khách quan, đã mang tâm oán hận cha mẹ, người đã rứt ruột sinh ra mình.
(Xem: 5435)
Đọc trong mùa Vu Lan, cũng là đọc trong tất cả mọi thời. Bởi vì Vu Lan, dựa vào tích Ngài Mục Kiền Liên vào cõi ngạ quỷ tìm cứu mẹ, là nơi lửa cháy không ngừng, nơi đói khát không ngừng
(Xem: 6104)
Cũng như Phật Đản, để phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt tại hải ngoại, Vu Lan cũng không còn là ngày mà là mùa. Từ giữa tháng 7 kéo dài cho đến cuối tháng 9 khắp năm châu đâu đâu cũng tưng bừng lễ hội Vu Lan
(Xem: 7022)
Lời Thầy thường dạy, lại bàng bạc không gian “Ta là tiếp nối của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Các Ngài ở trong ta và ta ở trong các Ngài...
(Xem: 6393)
Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ.
(Xem: 5959)
Mỗi người con của Phật xin hãy tinh tấn tu học để báo đáp thâm ân Tam Bảo; báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục; nổ lực góp phần vào xây dựng cộng đồng nhơn loại...
(Xem: 7981)
Không dễ tìm được một chúng sinh nào chưa từng một lần trong quá khứ là mẹ của ngươi…
(Xem: 9930)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có...
(Xem: 6936)
Mùa Vu Lan có muôn ngàn loài hoa nở, mà đẹp nhất là hoa hồng. Bởi đó là màu của tình thương yêu và hiếu hạnh.
(Xem: 10287)
Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua...
(Xem: 10223)
Tôi nhớ mãi một buổi chiều, Mẹ ngồi bên thềm sân, Cúi xuống, thoang thoáng một nét buồn.
(Xem: 28051)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
(Xem: 7546)
Trái tim của mẹ tuyệt vời Bao dung che chở trọn đời vì con Dù cho sức mẹ hao mòn Tháng năm vất vả lo tròn tình thâm
(Xem: 11442)
Tôi đã nhận được một món quà tặng quan trọng nhất từ bố tôi: đó là niềm tin về tôn giáo. Suốt đời tôi, tôi sẽ nhớ ơn bố tôi. Vì, bố là vị Bồ Tát của tôi.
(Xem: 11026)
Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông.
(Xem: 10993)
Đạo Phật dạy về tầm quan trọng của sự kính trọng bố mẹ, và sự báo đáp công ơn bố mẹ.
(Xem: 12103)
Vu lan lại đến.Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.
(Xem: 15222)
Tôi thấy tôi mất mẹ, mất cả môt bầu trời…
(Xem: 10496)
"Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền. Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên…Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…"
(Xem: 11613)
Mẹ ơi tháng Bảy về rồi Là mùa hiếu hạnh tuyệt vời lên ngôi Nhớ ơn mẹ đã một đời Tảo tần mưa nắng tô bồi đời con
(Xem: 10487)
Mùa thu với tháng bảy mưa ngâu, với trăng thu diệu vợi, quê hương Việt nam chúng ta với biết bao vẻ đẹp êm đềm qua ánh trăng rằm tháng bảy Vu lan.
(Xem: 10990)
Sau khi đắc quả A-La-Hán, Tôn giả Mục Kiền Liên vận thần thông đi khắp các cõi tìm người mẹ đã khuất.
(Xem: 9928)
Lễ hội Vu lan bồn hay còn được gọi một cách phổ biếnlễ hội Cô hồn là một sự kiện quan trọng ở Trung Quốc vì nó được nối kết với việc thờ cúng tổ tiên.
(Xem: 10275)
Từ hơn mười năm qua, cũng có thể là xa hơn chút nữa, ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu hằng năm, đặc biệt là lễ cài hoa hồng, đã có sức lan tỏa mạnh mẻ ra ngoài khỏi khuôn viên những mái chùa Phật giáo
(Xem: 11331)
Theo truyền thuyết nhà Phật, Bà mẹ Mục Kiền Liên Là người không mộ đạo Báng bổ cả người hiền.
(Xem: 10889)
Tháng bảy mùa Vu Lan trời buồn âm u mưa sùi sụt trắng xóa con đê quê mẹ. Tháng bảy mùa Vu Lan mây buồn giăng giăng kín lối con về quê mẹ…
(Xem: 12786)
Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ;
(Xem: 24113)
Lòng thương của cha mẹ sẽ pha thêm màu xanh cho bầu trời, tô thêm màu biếc cho đại dương; và gia đình này, trái đất này, với bàn tay chăm sóc của cha mẹ, sẽ là hành tinh xanh, mỹ miều, tươi mát hơn bao giờ.
(Xem: 12507)
Ta còn một dòng sông, dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời.
(Xem: 10203)
Kinh Vu Lan hiện được dịch ra tiếng Việt và được phổ thơ để các Phật tử dễ đọc tụng và dễ nhớ
(Xem: 28365)
Mùa Vu Lan lại về với người con Phật, mang nhiều ý nghĩa thâm diệu, vừa siêu nhiên của lãnh vực tâm linh, vừa hiện thực với văn hóa nhân gian...
(Xem: 9039)
Lễ Vu Lan là nét đặc biệt của Phật giáo Bắc truyền. Nói cách khác, Vu lan được hình thành và phát triển trong hệ tư tưởng Phật giáo Bắc tông.
(Xem: 6487)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
(Xem: 48645)
Hiếu kính Cha Mẹ là một truyền thống rất tốt đẹplâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
(Xem: 10635)
“Chân như Đạo Phật Nhiệm mầu, Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân, Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài…”
(Xem: 9848)
Hoài niệm về tấm lòng yêu thương của cha mẹ nhân mùa Vu Lan.
(Xem: 14746)
Mùa Vu-lan báo hiếu vào tiết Trung Nguyên tháng bảy âm lịch hằng năm, xuất phát từ tích ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ...
(Xem: 17483)
Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắt qua giải Ngân-hà...
(Xem: 17452)
Rằm tháng bảy theo tục lệ nhân gian Việt Nam gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa...
(Xem: 13035)
Phàm là bậc Sa-môn Thích tử, nhất định phải lấy việc hướng thượng làm tông chỉ, lìa bỏ các duyên, sống đời đạm bạc...
(Xem: 30943)
Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha công dưỡng dục, Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao
(Xem: 25480)
Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.
(Xem: 13872)
Con đang ở lại trần gian trong bầu không khí Đạo pháp hơn 2000 năm. Nhưng kinh sách thiên vạn quyển cũng không bằng được sống bên bậc danh Tăng thạc đức trong ngôi nhà Vạn Hạnh.
(Xem: 17377)
cho dù nghiệp quả của thời quá khứ có nghiệt ngã cỡ nào, trong thời hiện tại ta cứ việc làm tốt, bảo đảm tương lai của ta sẽ an lạc...
(Xem: 10865)
Không đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn, biên tế.
(Xem: 10357)
Vu Lan phiên âm từ Phạn ngữ Ullambana, Trung Hoa dịch là “Giải đảo huyền” có nghĩa là cởi mở những cực hình hay giải thoát những khổ đau trong 3 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant