THÁNG BẢY VU LAN
Tỳ Kheo Thích Nguyên Các
Tháng bảy. Gió hiu hắt. Trời âm u. Nghe mùa Thu lại gần.
Chiều nhạt nắng, từng sợi nước lướt thướt nối nhau – mưa ngâu. Mưa làm dịu tiết trời ngày hè oi bức. Những hạt nước trong veo cho mầm xanh dậy sống, cỏ cây tự tình theo mưa. Và, không biết do mưa tưới tẩm những cảm xúc bâng quơ trong lòng người thế tục, hay cảm xúc dâng trào vọng hướng Vu lan.
Lễ Vu Lan là nét đặc biệt của Phật giáo Bắc truyền. Nói cách khác, Vu lan được hình thành và phát triển trong hệ tư tưởng Phật giáo Bắc tông. Vì trong kinh điển của Phật giáo Nam truyền không thấy có ghi chép về lịch sử ngày lễ này. Phật giáo Việt Nam tiếp nhận, truyền thừa truyền thống Bắc tông sâu rộng nhất, nên ý niệm về rằm tháng bảy - Lễ Vu lan đã ghi sâu vào tâm thức mỗi người. Thế nên, Phật giáo Nam tông Việt Nam cũng hòa cùng dòng chảy, mỗi độ thu về, cũng tổ chức lễ rằm tháng bảy.
Mà, tháng nào cũng có rằm, rằm nào trăng chẳng tỏ, mà sao rằm tháng bảy, trăng hình như tròn hơn, có phải Vu lan về, đã làm trăng thêm sáng? Nhìn trăng chợt nhận ra, mình thật là may mắn, thật hạnh phúc biết bao. Hạnh phúc vì còn mẹ có cha. Thân dẫu già nhưng tình thương con chẳng mỏi mòn. Hạnh phúc dâng trào khi hoa hồng cài trên ngực, tâm nguyện cầu cha mẹ mãi an khang.
Ai đang còn cha mẹ hãy nói lời yêu thương, tận câu hiếu kính. Như lời Phật dạy, làm con phải phụng dưỡng mẹ cha, sớm hôm thăm viếng kẻo mẹ cha phiền lòng, nếu mà chưa hiểu đạo màu, thì mau cố gắng hướng cha mẹ vào đường Chánh pháp. Nhớ ơn nghĩa sinh thành, là được đắm mình trong sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc vô biên. Đừng để mai đây cha mẹ mất rồi, ngồi nhìn di ảnh lệ sầu tuôn rơi. Mới tạo cầu công đức khắp nơi, đặng hồi hướng phước lành cho người quá vãng. Đó là chư kể những kẻ, lúc cha mẹ còn sống thì ăn nói bất kính, hiếu nghĩa coi khinh, đến khi cha mẹ qua đời thì lại khóc lóc, cầu trời khấn Phật, để cầu siêu cho cha mẹ. Việc làm ấy có phải từ tâm hiếu?
Vui thay, tháng Bảy mùa Vu lan lại được thấy những hành động hiếu kính thiết thực của con cái đối với đấng sanh thành. Hạnh phúc cùng bậc cha mẹ có người con hiếu đạo. Mỗi năm mỗi độ Vu lan, nhưng dòng cảm xúc vơi đầy khác nhau. Khi đọc “Thư gửi mẹ” – bài văn của cậu học trò lớp 11 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Nguyễn Trung Hiếu, mà lòng trỗi dậy hai dòng cảm xúc, vừa thương cảm vừa mừng vui. Thương và thông cảm với hoàn cảnh gia đình của Trung Hiếu, cũng như bao em học sinh có gia cảnh khó khăn khác. Vui vì nhiều lẽ! Giữa xã hội ngày càng phát triển, đa phần giới trẻ, dùng “thước đo vật chất” để nhìn nhận cuộc đời, với lối sống ích kỷ và luôn đòi hỏi quá đáng từ bố mẹ của mình, thì vẫn còn không ít những bạn trẻ như Hiếu. Dẫu nhà khó khăn, mẹ ốm đau không tiền điều trị, em vẫn nghe lời mẹ không làm gia sư, chẳng đi bán bánh mỳ, chuyên tâm học hành, để mẹ em không buồn, vì đó là ý nguyện, là tấm lòng của người mẹ. “Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng.” (trích lời bài văn). Hiếu thể hiện lòng hiếu thuận rất chân thành mộc mạc, đúng như tên của em vậy – Trung Hiếu. Lúc này, vài mảnh ghép của những câu chuyện về Đổng Vĩnh, một trong hai mươi bốn gương hiếu thảo của xứ người như lại hiển hiện. Mừng khi những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống của dân tộc, trong đó gồm hiếu đạo, đang có nguy cơ bị xói mòn, do lớp trẻ mải cuốn vào cơn lốc làm giàu, thì đâu đó gương hiếu thuận với cha mẹ và sống có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội vẫn thường sáng soi.
Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng theo đúng trật tự, nên chúng ta thường lấy ý thức và cảm nhận về hạnh phúc đồng hóa với hạnh phúc. Cho nên, dẫu bơi trong biển hạnh phúc con người vẫn ít khi thấy mình hạnh phúc, chỉ khi nào hạnh phúc đã vượt khỏi tầm tay mới nhận ra nó đã từng luôn bên mình.
Tháng Bảy, gió ôm trong gió nỗi buồn, hỏi làn mây trắng ngọn nguồn từ đâu?
Tháng Bảy mưa nhiều. Mưa về. Mưa đổ mái liêu xiêu.
Tháng Bảy, những cơn bão bắt đầu xuất hiện. Khi bão về, gió to, mưa lớn gieo mất mát, đau thương. Nhưng mất mát nào cho bằng con mất mẹ. Cha không còn con trọn kiếp thương đau. Buồn cùng ai trên ngực cài hoa trắng. Thương cảm cùng ai cha mẹ chẳng còn. Nỗi buồn chia cách âm dương, nghe mưa tháng Bảy lòng càng tái tê. Người có nhớ, mẹ cha xưa thân gầy giật gió nắng mưa, nuôi ta khôn lớn ngại chừa việc chi. Ấy thế mà, khi mẹ cha còn sống, được tắm được bơi trong biển tình thương yêu dịu mát, ngọt ngào, thì ít ai trong chúng ta cảm nhận được cái hương vị tuyệt vời ấy một cách trọn vẹn. Buồn cho bản thân mình ngu muội chẳng nhận ra:
Khi còn mẹ con còn tất cả
Mẹ đi rồi tất cả đều đi
Mẹ ơi con chẳng còn chi
Bơ vơ đến cả khi đi lúc về (Thanh Thảo)
Cám cảnh gạo châu, củi quế chợ buồn hiu, ngõ vắng đường trơn, quạnh xóm nghèo, cha mẹ già tựa cửa quặn lòng đau. Là do, có những đứa con không thấy được, hay chẳng chịu hiểu nỗi niềm của cha mẹ, thân già đang cô độc, đêm lại qua đêm dài mờ mịt, càng nhớ thương con tim cha mẹ càng đau! Những đứa con không biết ơn sâu nghĩa nặng của mẹ cha, đã chẳng hiếu thuận, kính yêu lại còn vong ân thất đức, nói chi đến xót xa cù lao chín chữ … Buồn thay những kẻ chỉ vì vui thú mà trà đình tửu điểm vào ra, lãng đãng ngao du theo phương cờ bạc, hay chạy theo chút công danh bèo bọt đến quên cha, quên mẹ báng bổ thâm tình, bội nghĩa vong ân, trọng tiền tài khinh tình thân, trở thành bất hiếu bất nhân. Bậc cha mẹ có những đứa con như thế, vào mỗi mùa Vu lan tâm can như ai giày ai xé.
Tháng Bảy mưa dầm ai khắc khoải, thương những mảnh đời như lục bình trôi. Những mảnh đời nổi trôi do ai tạo nên vóc, ai dựng nên hình, sao lỡ đành lòng bỏ khúc ruột cắt ra? Đau lắm người ơi! Dẫu xã hội có muôn vàn thay đổi, loài người có văn minh đến đâu, thì câu mẫu tử tình thâm vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ gì đành đoạn bỏ con thơ? Ấy vậy mà, xã hội nay chẳng hiếm, những hài nhi vô tội, nếu may mắn còn sống, trôi dạt giữa dòng đời nghiệt ngã, bởi chính cha mẹ chúng nhẫn tâm. Sự nhẫn tâm ấy từ đâu ra? Do lối sống buông thả, tại nền giáo dục bất lực, hoặc vì gia đình mất lề lối gia phong, hay sống trong một xã hội mà đạo đức suy đồi... Dẫu từ nguyên nhân nào, việc sanh con ra mà dưỡng dục không tròn, thì sao đủ tư cách làm người trong trời đất. Cũng vậy, phận con cái không biết đền ơn sanh thành, bất hiếu vô nghì, thì chỉ có phần Con, còn phần Người chưa thành. Những kẻ như thế đạo trời khó tha, ác quả sao tránh khỏi.
Tháng Bảy mưa dầm ai cúng quảy
Cô hồn húp cháo lá đa thiu! (Vương Đức Lệ)
Buồn thương cho những vong hồn, khi sống cũng làm cha mẹ, là con cái người, lúc mãn phần chẳng kẻ thờ tự khói hương. Trông chờ bát cháo ai thương, ngày rằm tháng Bảy thí cho cô hồn. Mà ai bắt hồn phải vất vưởng, cô liêu, bị đọa đày trong chốn khổ đau? Chẳng ai cả. Mà là nghiệp quả do những hành động ác, nhân bất thiện mỗi người tự tạo. Phật dạy: Quả báo dị thục của thân khẩu ý ác, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. (Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hình phạt)
Cha mẹ là hiện thân của tình thương bất diệt. Có thể nói, tình thương yêu ấy là cội nguồn của hiếu trung, là xuất phát điểm của tình thương nhân loại. Ta thương mẹ thương cha vì ta là con của cha của mẹ, vì ta sẽ là cha là mẹ của con ta. Thương mẹ kính cha vì là cha mẹ, ấy mới hiếu thảo đích thực.
Tháng Bảy mùa Vu lan, dẫu vui dẫu buồn, tâm luôn cầu nguyện mưa mang mầm hạnh phúc gieo đến mọi nhà. Mưa mang yêu thương trải khắp nẻo đường, để cuộc sống này không ai khổ đau, bất hạnh, để nụ cười hiện hữu khắp muôn nơi…
- Tag :
- Thích Nguyên Các