Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

69. Thiền sư Ỷ Ngộ ở Pháp Xương

03 Tháng Chín 201100:00(Xem: 25470)
69. Thiền sư Ỷ Ngộ ở Pháp Xương

THIỀN SƯ TRUNG HOA 
HT Thích Thanh Từ

TẬP 2
ĐỜI THỨ MƯỜI MỘT SAU LỤC TỔ

69. THIỀN SƯ Ỷ NGỘ Ở Pháp Xương

Sư họ Lâm quê ở Chương Châu. Thuở nhỏ, Sư đến chùa Sùng Phước ở quận nhà xuất gia, có ý chí siêu phàm. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư đi du phương

Sư đến Phù Sơn yết kiến Hòa thượng Viễn, Viễn thường chỉ Sư nói với mọi người: Kẻ hậu học này sẽ làm mô phạm trong giới hành khước. Đến Bắc Thiền, Sư yết kiến Thiền sư Trí Hiền. Trí Hiền hỏi: Vừa rồi ở đâu? Sư thưa: Phước Nghiêm. Trí liền hỏi: Hòa thượng Tư Đại lỗ mũi dài bao nhiêu? Sư thưa: Cùng Hòa thượng hiện giờ thấy một loại. Trí Hiền bảo: Hãy nói Lão tăng khi thấy dài bao nhiêu? Sư thưa: Hòa thượng in tuồng chưa từng đến Phước Nghiêm. Trí Hiền cười, nói: Cái loại học ngữ. Lại hỏi: Khi ông đến đây Mã Tổ mạnh chăng? Sư thưa: Mạnh. Trí Hiền bảo: Vừa nói với ngươi cái gì? Sư thưa: Xin Bắc Thiền chớ loạn lắm vậy. Trí Hiền bảo: Nghĩ ngươi mới đến chẳng nỡ đánh ngươi. Sư thưa: Ỷ Ngộ cũng tha lỗi Hòa thượng.

Uống trà xong, Trí Hiền lại hỏi: Quê hương ở đâu? Sư thưa: Chương Châu. Trí Hiền bảo: Tam Bình ở đó làm gì? Sư thưa: Nói thiền nói đạo. Trí Hiền hỏi: Tuổi bao nhiêu? Sư thưa: Cùng cột cái đồng tuổi. Trí Hiền bảo: Có cột cái có thể so sánh, không cột cái tuổi bao nhiêu? Sư thưa: Không cột cái một tuổi cũng chẳng ít. Trí Hiền bảo: Nửa đêm thả gà đen. Nhân đây, Sư kính trọng làm thầy và ở lại rất lâu.

*

Sau, Sư lên ngọn Song Lãnh ở Tây Sơn chọn chỗ sâu vắng cất am dừng ở ba năm với Thượng tọa Anh Thiệu Võ Thắng. Khi Sư nhận thỉnh trụ trì Pháp Xương, từ biệt nhau, Sư nói: ba năm chung họp không việc gì chẳng biết, kiểm điểm sau này ắt có rỉ chảy. Sư cầm gậy vẽ một gạch, nói: Cái ấy gác lại, việc tông phong thế nào? Anh Thắng đáp: Tu-di để trong lỗ mũi. Sư nói: Đến bờ xem mé mắt, chợt đến một trường sầu. Anh Thắng đáp: Cát sâu nổ tròng mắt. Sư nói: Sao chẳng thánh phàm không hai đường, phương tiện có nhiều cửa? Anh Thắng đáp: Rắn sắt dùi chẳng thủng. Sư nói: Có chỗ nào chung bàn. Anh Thắng đáp: Tự duyên căn lực cạn, chớ giận mặt trời xuân. Lại vẽ một gạch nói: Tông phong gác lại, cái ấy việc thế nào? Sư cho một tát tai. Anh Thắng nắm đứng lại, nói: Cái kẻ Chương Châu này đâu không bỏ đi. Sư nói: Anh khởi một loại kiến giải ấy, chẳng đánh lại đợi khi nào. Sư lại đánh thêm một tát tai. Anh Thắng nói: Cũng là ta đến được.

*

Chùa Phước Xương ở phía bắc Phần Ninh, có cả ngàn gộp núi cả muôn cái hồ, mấy gian nhà xưa. Sư đến sống trong cảnh rất đạm bạc, trồng rau cải lấy mà ăn. Tăng chúng các nơi đến, đều không kham chịu nổi nếp sống cơ cực này. Ở đây thật là cô độc.

*

Ngày khai đường, Sư lên tòa nói:

- Ngày nay Pháp Xương khai lô, Tăng hành khước chẳng có một người, chỉ có mười tám vị cao nhân ngồi vây quanh lò làm thinh. Chẳng phải là qui củ thật khó khỏi thấy các người nói lầm. Dù cho miệng giống như cân dùi, chưa khỏi bị lồng đèn khám phá. Chẳng biết đao bặt công huân luống dụng tu nhân chứng quả.

Sư hét một tiếng, nói:

- Chỉ hay một niệm hồi tâm, liền khỏi Nhị thừa ràng buộc.

*

Sư dạy chúng:

- Ở thành Tỳ-da im lặng (Duy-ma-cật lặng thinh) phỏng theo tông thừa, Thứu Lãnh giở cành hoa trở thành thuốc độc, chín năm xây mặt vào vách làm ngu độn tông tổ tiên, nửa đêm truyền y là gạt kẻ hậu học, Mã Tổ tức tâm là Phật in tuồng ôm gốc cây đợi thỏ, Bàn Sơn phi tâm phi Phật có thể gọi là hòa bùn hợp nước. Những tri kiến như thế là bại hoại Tổ phong diệt dòng họ Thích. Nương nơi rỗng tiếp tiếng vang, dối thánh gạt hiền. Hậu học không tội gặp người chỉ chú. Nếu luận về việc này thì chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người. Tổ Đạt-ma chẳng Tây sang, Nhị Tổ chẳng được tủy, liền được gió lành bát ngát, lão quê gõ nhịp ca vang, tâm không chỗ tựa, hạnh không chỗ nương, nghe thiền cùng đạo dường thấy oan gia, nói sắc với tâm như gặp cọp dữ. Nhiên hậu, Pháp Xương cho ông chọn rau rừng giã gạo thái làm cơm hòa la nấu canh cốt đổng, đói thì ăn mệt thì ngủ, không do các vị mà tự sùng cao, chớ học tam thừa mà lập ra thời khóa.

*

Thiền sư Huệ Nam ở Hoàng Long nhắc lại đã dạy Đại Khanh Công khán sanh duyên. Sư nói: Sao chẳng liền đó cho y bặt dứt hết? Huệ Nam nói: Cũng từng vì rắn vẽ chân, bởi y tự chẳng nhìn tới. Sư nói: Hòa thượng vì y thế nào? Huệ Nam đáp: Nhai hết gừng hút sạch giấm. Sư nói: Ông thầy quê theo thế tục lại thế ấy. Huệ Nam hỏi: Hòa thượng làm sao? Sư cầm phất tử liền đánh. Huệ Nam nói: Cái lão già không có nhân tình.

*

Từ Công Hy lúc còn áo vải thường làm bạn với Sư. Trước một ngày sắp tịch, Sư làm kệ gởi cho ông, kệ:

 Kim niên thất thập thất

 Xuất hành tu trạch nhật

 Tạc dạ vấn qui ca

 Báo đạo kim triêu kiết.
 
 

 Năm nay tuổi bảy bảy 

 Ra đi chọn ngày kiết

 Đêm qua hỏi quẻ rùa

 Nói rằng sáng nay tốt.

Từ Hy xem xong hoảng hốt, mời Thiền sư Thanh ở Linh Nguyên cùng đến. Sư đang ngồi trong thất đem việc trong chùa dặn dò Tri sự: Ta ở núi này đã hai mươi ba năm, gìn giữ của thường trụ không cho sai sót. Nay ta đi vậy. Các ngươi phải cố gắng tu hành.

Nói xong, Sư cầm gậy nói: Hãy nói cái này trao lại cho ai? Từ Hy cùng Linh Nguyên đều lắng lặng. Sư ném cây gậy, nằm trên giường lấy tay gối đầu liền tịch.





8. THIỀN SƯ ÐẠO NHẤT
Mã Tổ - (709 - 788)

Vì người đời sau quá kính trọng Sư nên nhân Sư họ Mã gọi là Mã Tổ: ông Tổ họ Mã.

Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương, Hán Châu. Thuở nhỏ, Sư dung mạo lạ thường: đi như trâu, nhìn như cọp, lưỡi dài khỏi mũi, dưới chân có hai khu ốc. Lúc bé, Sư đến chùa La-hán xin xuất gia với Hòa thượng Ðường ở Từ Châu. Sau Sư thọ giới cụ túc nơi Luật sư Viên ở Du Châu.

Ðời Ðường khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-742 T.L.), Sư tập thiền định ở Viện truyền pháp tại Hoành Nhạc, nhân Thiền sư Hoài Nhượng giáo hóa được giải ngộ. Bạn đồng tham học với Sư có sáu người, chỉ riêng Sư được truyền tâm ấn

Sau khi tạm biệt thầy, Sư đến Kiến Dương ở ngọn núi Phật Tích, kế dời sang Lâm Xuyên, sau lại đến núi Cung Công Nam Dương. Niên hiệu Ðại Lịch (765 T.L.) Liên soái Lộ Từ Cung và Linh Phong, Cảnh Mộ thỉnh Sư khai đường để truyền bá tông phong. Từ đây học giả bốn phương tụ hội về rất đông. Có thể nói Giang Tây là một trường thi Phật.

*

Một hôm Sư dạy chúng: 

- Các ngươi mỗi người tin tâm mình là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Tổ Ðạt-ma từ Nam Ấn sang Trung Hoa truyền pháp Thượng thừa nhất tâm, khiến các ngươi khai ngộ. Tổ lại dẫn kinh Lăng-già để ấn tâm địa chúng sanh. Sợ e các ngươi điên đảo không tự tin pháp tâm này mỗi người tự có, nên kinh Lăng-già nói: "Phật nói tâm là chủ, cửa không là cửa pháp." (Phật ngữ tâm vi tông, vô môn vi pháp môn.) 

Phàm người cầu pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật không riêng có tâm, không lấy thiện chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm đều không thật, vì không có tự tánh nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng đều là cái bóng của một pháp, thấy sắc tức là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc mới có.

Các ngươi chỉ tùy thời nói năng tức sự là lý, trọn không có chỗ ngại, đạo quả Bồ-đề cũng như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc, vì biết sắc không, nên sanh tức chẳng sanh. Nếu nhận rõ tâm này, mới có thể tùy thời ăn cơm mặc áo nuôi lớn thai thánh, mặc tình tháng ngày trôi qua, đâu còn có việc gì.

Các ngươi nhận ta dạy hãy nghe bài kệ này:

 Tâm địa tùy thời thuyết

 Bồ-đề diệc chỉ ninh

 Sự lý câu vô ngại

 Ðương sanh tức bất sanh.

Dịch:

 Ðất tâm tùy thời nói

 Bồ-đề cũng thế thôi

 Sự lý đều không ngại

 Chính sanh là chẳng sanh.

*

Có vị Tăng hỏi:- Hòa thượng vì cái gì nói tức tâm tức Phật?

Sư đáp:- Vì vỗ con nít khóc.

- Con nít nín rồi thì thế nào?

- Phi tâm phi Phật.

- Người trừ được hai thứ này rồi, phải dạy thế nào?

- Nói với y là "phi vật".

- Khi chợt gặp người thế ấy đến thì phải làm sao?

- Hãy dạy y thể hội đại đạo

*

Có vị Tăng hỏi:

- Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Sư đáp:

- Hôm nay ta mệt nhọc không thể vì ngươi nói, ngươi đến hỏi Trí Tạng. Vị Tăng ấy đến hỏi Trí Tạng

Trí Tạng bảo:- Sao không hỏi Hòa thượng?

Tăng đáp:- Hòa thượng dạy đến hỏi Thầy.

Trí Tạng hỏi:

- Hôm nay tôi đau đầu, không thể vì ông nói, đến hỏi Sư huynh Hải.

Tăng đến hỏi Hoài Hải, Hoài Hải bảo:- Ðến chỗ ấy tôi cũng chẳng hội.

Tăng trở lại trình Sư, Sư bảo:- Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc.

*

Cư sĩ Long Uẩn đến hỏi:

- Nước không gân xương hay thắng chiếc thuyền muôn hộc, lý này thế nào?

Sư đáp:- Trong ấy không nước cũng không thuyền, nói gì là gân xương?

Uẩn bảo:- Người không lầm xưa nay, thỉnh Thầy để mắt nhìn lên! 

Sư liền nhìn thẳng xuống.

Uẩn nói:- Một cây đàn cầm không dây, mà Thầy đàn rất hay.

Sư liền nhìn thẳng lên. Uẩn lễ bái. Sư trở về phương trượng. Uẩn theo sau thưa:- Vừa rồi muốn làm khéo trở thành vụng.

*

Một đêm, Trí Tạng, Hoài Hải, Phổ Nguyện theo hầu Sư xem trăng.

Sư hỏi:- Ngay bây giờ nên làm gì?

Trí Tạng thưa:- Nên cúng dường.

Hoài Hải thưa:- Nên tu hành

Phổ Nguyện phủi áo ra đi. 

Sư bảo:- Kinh vào Tạng, Thiền về Hải, chỉ có Phổ Nguyện vượt ngoài sự vật.

*

Hoài Hải hỏi:- Thế nào là chỉ thú Phật pháp? 

Sư đáp:- Chính là chỗ ngươi bỏ thân mạng.

Sư lại hỏi Hoài Hải:- Ngươi lấy pháp gì chỉ dạy người?

Hoài Hải dựng đứng cây phất tử.

Sư bảo:- Chỉ thế thôi hay còn gì khác?

Hoài Hải ném cây phất tử xuống.

*

Tăng hỏi:- Thế nào được hiệp đạo?

Sư đáp:- Ta sớm chẳng hiệp đạo.

Tăng hỏi:- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang? 

Sư liền đánh và nói:- Ta nếu không đánh ngươi, các nơi sẽ cười ta.

*

Ðặng Ẩn Phong từ biệt Sư đi nơi khác, Sư hỏi:- Ði đến đâu?

Ẩn Phong thưa:- Ði đến Thạch Ðầu.

- Ðường Thạch Ðầu trơn.

- Có cây gậy tùy thân, gặp trường thì đùa.

Ẩn Phong vừa đi đến Thạch Ðầu đi nhiễu giường thiền một vòng, dựng tích trượng động đất một tiếng, hỏi:

- Ấy là tông chỉ gì?

Thạch Ðầu nói:- Trời xanh! trời xanh!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thưa với Sư. Sư bảo:

- Ngươi nên đi lại bên ấy, nếu Thạch Ðầu nói "trời xanh!" ngươi "hư! hư!"

Ẩn Phong lại đi đến Thạch Ðầu làm như trước.

Thạch Ðầu bèn: Hư! hư!

Ẩn Phong không đáp được, lại trở về trình với Sư. Sư bảo:

- Ta đã nói với ngươi "đường Thạch Ðầu trơn".

*

Có vị Giảng sư đến hỏi:- Thiền tông truyền giữ pháp gì?

Sư hỏi lại:- Tọa chủ truyền giữ pháp gì?

- Tôi giảng được hơn hai mươi bản kinh luận. 

- Ðâu không phải là sư tử con?

- Không dám.

Sư thốt ra tiếng: Hư! hư!

Giảng sư nói:- Ðây là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ra khỏi hang.

Sư bèn im lặng.

Giảng sư nói:- Ðây cũng là pháp.

- Là pháp gì?

- Pháp sư tử ở trong hang. 

- Không ra không vào là pháp gì?

Giảng sư không đáp được, bèn từ giã đi ra đến cửa, Sư gọi:

- Chủ tọa!

Giảng sư xoay đầu lại.

Sư hỏi:- Là pháp gì?

Giảng sư cũng không đáp được.

Sư bảo:- Ông thầy độn căn.

*

Một hôm Sư dạy chúng:

- Ðạo không dụng tu, chỉ đừng ô nhiễm. Sao là ô nhiễm? - Có tâm sanh tử, tạo tác, thú hướng đều là ô nhiễm. Nếu muốn hội thẳng đạo ấy, tâm bình thường là đạo. Sao gọi là tâm bình thường? -Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh. Kinh nói: "Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh thánh hiền, là hạnh Bồ-tát." Chỉ như hiện nay đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật đều là đạo. Ðạo tức là pháp giới, cho đến diệu dụng như hà sa đều không ngoài pháp giới. Nếu chẳng phải vậy, tại sao nói "pháp môn tăng địa", tại sao nói "vô tận đăng"? Tất cả pháp đều là pháp của tâm, tất cả tên đều là tên của tâm. Muôn pháp đều từ tâm sanh, tâm là cội gốc của muôn pháp. Kinh nói: "Biết tâm đạt cội nguồn nên hiệu là Sa-môn." Tên đồng nghĩa đồng, tất cả pháp đều đồng thuần nhất không lẫn lộn.

Nếu ở trong giáo môn được tùy thời tự tại thì dựng lập pháp giới trọn là pháp giới, lập chân nhưchân như, lập lý tất cả pháp trọn là lý, lập sự tất cả pháp trọn là sự, nắm giở một thì ngàn theo, sự lý không khác, toàn là diệu dụng. Lại không có lý riêng, đều do xoay lại của tâm. Ví như bao nhiêu bóng mặt trăng thì có, mà bao nhiêu mặt trăng thật thì không, bao nhiêu nguồn nước thì có, mà bao nhiêu tánh nước thì không, bao nhiêu sum la vạn tượng thì có, mà bao nhiêu hư không thì không, bao nhiêu lời nói đạo lý thì có, mà bao nhiêu Tuệ vô ngại thì không; bao nhiêu các thứ thành lập đều do một tâm. Dựng lập cũng được, dẹp hết cũng được, thảy là diệu dụng. Diệu dụng trọn là nhà mình, chẳng phải lìa chân mà có, nơi nơi đều chân, thảy đều là thể của nhà mình. 

Nếu chẳng vậy, lại là người nào? Tất cả pháp đều là Phật pháp, các pháp tức là giải thoát, giải thoát tức là chân như, các pháp không ngoài chân như, đi đứng ngồi nằm thảy là dụng bất tư nghì, không đợi thời tiết. Kinh nói: "Chỗ chỗ nơi nơi đều có Phật." Phật là năng nhân, có trí tuệ khéo hợp lòng người, hay phá lưới nghi cho tất cả chúng sanh, vượt ra vòng trói buộc của có và không v.v... tình chấp phàm thánh hết, nhân pháp đều không, chuyển bánh xe không gì hơn, vượt các số lượng, việc làm không ngại, sự lý đều thông, như trời hiện mây, chợt có lại không, chẳng để dấu vết. Ví như vẽ nước thành lằn, không sanh không diệt. Ðại tịch diệt tại triền gọi là Như lai tàng, xuất triền gọi là Pháp thân thanh tịnh. Thể không tăng giảm, hay lớn hay nhỏ, hay vuông hay tròn, hợp vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng mênh mông, không lập mầm gốc chẳng hết hữu vi, không trụ vô vi. Hữu vi là dụng của vô vi, vô vi là chỗ nương của hữu vi, chẳng trụ chỗ nương, nên nói: "Như không chẳng chỗ nương." Nghĩa tâm sanh diệt, nghĩa tâm chân như: Tâm chân như dụ như gương sáng soi vật tượng. Gương dụ tâm, vật tượng dụ pháp. Nếu tâm chấp pháp là dính với cái nhân bên ngoài, tức là nghĩa sanh diệt. Tâm không chấp pháp tức là nghĩa chân như. 

Thanh văn tai nghe Phật tánh. Bồ-tát mắt thấy Phật tánh. Liễu đạt không hai gọi là bình đẳng tánh. Tánh không có khác, dụng thì chẳng đồng. Tại mê là thức, tại ngộ là trí. Thuận lý là ngộ, theo sự là mê. Mê tức là mê bản tâm mình, ngộ là ngộ bản tánh mình. Một phen ngộ là hằng ngộ chẳng trở lại mê. Như đang khi mặt trời mọc lên không trở lại tối. Mặt trời trí tuệ xuất hiện, không chung cùng cái tối phiền não. Liễu đạt cảnh giới của tâm liền trừ vọng tưởng. Vọng tưởng đã trừ tức là vô sanh. Pháp tánh sẵn có, có chẳng nhờ tu. Thiền không thuộc ngồi, ngồi tức có chấp trước. Nếu thấy lý này là chân chánh hiệp đạo, tùy duyên qua ngày, đứng ngồi theo nhau, giới hạnh huân thêm, nhóm nơi tịnh nghiệp. Chỉ hay như thế, lo gì chẳng thông.

Ðệ tử của Sư được nhập thất (được vào thiền thất, là đã ngộ đạo) có đến tám mươi bốn vị, mỗi người làm chủ một phương truyền hóa vô cùng.

Ðời Ðường niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ tư (788 T.L.) khoảng tháng giêng, Sư lên núi Thạch Môn, Kiến Xương, đi kinh hành trong rừng thấy chỗ hang động bằng phẳng, bèn bảo thị giả:

- Thân cũ mục của ta sẽ ở tháng sau và trở về nơi này. Nói xong, Sư trở về.

Ðến ngày mùng bốn tháng hai, Sư có chút bệnh, tắm gội xong, ngồi kiết già nhập diệt, thọ tám mươi tuổi, được sáu mươi tuổi hạ.

Sau vua sắc ban hiệu Ðại Tịch.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant