- Dẫn Nhập
- Nền tảng Lịch Sử và Lý Thuyết
- 01. Karmapa Dusum Khyenpa
- 02. Karmapa Karma Pakshi
- 03. Karmapa Rangjung Dorje
- 04. Karmapa Rolpe Dorje
- 05. Karmapa Dezhin Shegpa
- 06. Karmapa Thongwa Donden
- 07. Karmapa Chodrag Gyaltsho
- 08. Karmapa Mikyo Dorje
- 09. Karmapa Wangchuk Dorje
- 10. Karmapa Choying Dorje
- 11. Karmapa Yeshe Dorje
- 12. Karmapa Changchub Dorje
- 13. Karmapa Dudul Dorje
- 14. Karmapa Thegchog Dorje
- 15. Karmapa Khakhyab Dorje
- 16. Karmapa Rangjung Rigpe Dorje
- Chú thích
- Phụ Lục (A)
- Phụ Lục (B)
- Phụ Lục (C)
- Phụ Lục (D)
- Phụ Lục (E)
- Phụ Lục (F)
- Phụ Lục (G)
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999
Karmapa Mikyo Dorje
(1507-1554)
Trước cái chết của mình không lâu, Karmapa thứ bảy là Chodrag Gyaltsho đã có một linh kiến về đức Di Lặc, đức Phật tương lai, ngài nói : “Chúng ta đang gần đến sự chấm dứt thời đại của Phật Thích Ca và nhiều người sắp sa vào những cõi giới thấp kém. Bởi thế, con phải lưu xuất nhiều hóa thân của con.” Thêm vào đó, Chodrag Gyaltsho thấy trước hoàn cảnh của kỳ tái sanh tới. Sáng hôm sau, khi đi bộ, ngài viết lại chi tiết mà ngài đã truyền lại cho phụ chính của mình.
Ngày 4 tháng 11 năm 1507, vị Karmapa thứ tám Mikyo Dorje sanh ra ở Damchu phía đông Tây Tạng. Đứa bé sơ sanh mở mắt và nói : “Karmapa.”
Tin tức về đứa bé đáng chú ý lan nhanh và đến tai Situ Rinpoche thứ ba, là Tashi Paljor, ngài nhận ra rằng chỗ đứa bé sanh ra phù hợp với các chi tiết để lại trong lá thư báo trước của Chodrag Gyaltsho. Situ Rinpoche kiểm tra em bé và hỏi cha mẹ em. Ngài hài lòng về sự giống nhau giữa tên cha mẹ hiện tại của Karmapa và tên cha mẹ để lại trong lá thư. Mọi chi tiết khác đều đúng hợp. Situ Rinpoche xác nhận đứa bé quả thật là hậu thân của Karmapa nhưng yêu cầu cha mẹ giữ bí mật trong ba tháng để bảo vệ em bé khỏi những âm mưu xấu. Ngài đưa cho cha mẹ em vài viên thuốc có làm phép ban phước, ít trà, bơ và nhang trầm, và nói với họ : “Cho em bé trà bơ và đốt nhang trước mặt em, nói rằng do Situ Rinpoche gởi tới. Rồi đưa cho em những viên thuốc được ban phước. Nếu em thật là hậu thân của Karmapa em sẽ thốt lên vài lời. Hãy kể lại cho tôi em nói gì.”
Người cha theo lời dặn và em bé Karmapa thốt lên các chữ e, ma, ho và nói : “Chớ nghi ngờ, tôi là Karmapa.” Điều này được thuật lại cho Situ Rinpoche và lúc ba tháng tuổi, em bé theo ngài đến tu viện Karma. Em bé được một đại thiền sư đến thăm, ngài là Ser Phowa, một đệ tử thân thiết của Karmapa thứ bảy. Khi lễ cúng puja được cử hành, em bé dùng trống nhỏ và chuông rất thành thạo. Ser Phowa hỏi em : “Nếu em là Karmapa, em có nhớ đã dạy ta những gì ở Tse Lhakhang không ?” Em bé trả lời : “Tôi đã ban cho ông Đại Ấn và Sáu giáo pháp của Naropa.”
Năm 1512, lúc năm tuổi, Mikyo Dorje đến Riwoche. Em được Lạt ma Sonam Rinchen hỏi em thực sự là ai. Em bé cười và nói: “Đôi khi tôi là Padmasambhava, đôi khi tôi là Saraha và các lúc khác tôi là Karmapa. Tôi có nhiều hóa thân. Ở tỉnh Tsang có mười sáu, còn ở miền tây Tây Tạng có một tộc trưởng là hóa thân của tôi.”
Trong năm đó, có một em bé ở vùng Amdo được xem như là một ứng cử viên có thể là hậu thân của Karmapa. Gyalt-shap Rinpoche lên đường đi kiểm tra em bé ấy nhưng khi gặp Mikyo Dorje, ngài tự nhiên cảm thấy bắt buộc phải lễ lạy em bé này. Biết rằng đây là hậu thân của Karmapa, Gyaltshap Rinpoche gởi những lá thư có thẩm quyền đến mọi tu viện Karma Kagyu tuyên bố rằng, theo sự tiên tri của Padmasam-bhava, tên của vị Karmapa thứ tám là Mikyo Dorje. Năm sau, Gyaltshap Rinpoche làm lễ đăng quang cho đứa bé như là Karmapa thứ tám ở Tse Lhakhang.
Sự giáo dục cho vị Karmapa thứ tám bắt đầu khi em lên bảy tuổi. Vị thầy đầu tiên là Situ Rinpoche, từ ngài em thọ giáo Tám giới(1) và vài giáo lý sơ đẳng phái Kagyu. Rồi Mikyo Dorje bắt đầu đi một vòng các tu viện. Ở chùa Surmang, một linh kiến về dòng Kagyu gợi cho ngài di sản kế thừa phong phú của mình. Ít lâu sau, vị Karmapa trẻ tuổi gặp gỡ thiền sư Sangye Nyenpa, người mà Chodrag Gyaltsho đã chỉ định là người nối dòng trong đời trước của ngài.
Sau đó, Mikyo Dorje và lều trại du hành đến xứ Kham xa xôi. Năng khiếu tiềm ẩn của ngài tiếp tục hiển lộ : trong một linh kiến ngài nhận được những lời dạy từ Phật Thích Ca có hai đại đệ tử cùng theo là Xá Lợi Phất và Ma ha Mục Kiền Liên. Trong khi ở vùng này, vị Karmapa trẻ tuổi có một giấc mơ rất ý nghĩa, các vị Dakini nói với ngài : “Ngài là phương diện hoạt động của chư Phật ba thời.”
Mikyo Dorje và đoàn của ngài trở lại một thời gian ngắn ở Riwoche, ở đó ngài tiến hành công việc tôn giáo và phúc lợi xã hội. Sau đó, Karmapa thăm lại nơi chốn sanh ra trong tỉnh Damchu. Ở đây, ngài có một linh kiến sâu xa, trong đó Guru Padmasambhava phát lộ cho ngài bản chất thật của ngài, nói rằng : “Ta là Padmasambhava và ông là đệ tử chính của ta, Gyalwa Choyang.(2) Sự kết hợp cả hai bản thể chúng ta là Vajradhara.”
Một thời gian ngắn sau, Mikyo Dorje, gợi nhớ đến Dusum Khyenpa, làm một chuyến hành hương đến Kampo Gangra. Người ta nói rằng ngài đã để lại những dấu chân nơi nhiều hang động thiền định nơi ấy.
Năm 1516, Karmapa chín tuổi nhận được lời mời từ nhà vua xứ Jang Sa-tham. Ngài nhận lời và ra đi với đoàn tùy tùng. Đoàn được đón tiếp trọng thể và nhà vua không tiếc sự tôn vinh và quà tặng cho vị Karmapa trẻ tuổi.
Tư cách không thể nghĩ lường của Mikyo Dorje gây một dấu ấn sâu xa lên nhà vua, trước đó không hiểu biết rõ ràng về đạo Phật. Nhà vua cung cấp cho sự nâng đỡ chánh pháp trong lãnh thổ của mình và chấp nhận một thái độ không bạo động trong các vấn đề chính trị. Trước khi rời khỏi, Mikyo Dorje hứa bảy năm nữa sẽ trở lại.
Năm 1517 vị Karmapa trẻ tuổi vào một giai đoạn quan trọng nhất trong việc học của mình. Trong ba năm tiếp theo, ngài nhận được, từ Lạt ma Sanjye Nyenpa, căn bản Phật pháp cùng với toàn bộ sự trao truyền của phái Karma Kagyu. Mặc dầu giàu có, Sanjye Nyenpa là một gương mẫu hoàn thiện của sự khổ hạnh phái Kagyu. Hết thời gian ba năm dạy dỗ này, ngài chết không hối tiếc, biết rằng Mikyo Dorje đã thâu hóa các giáo huấn. Khi hỏa thiêu, Karmapa cảm nhận sự có mặt của vị guru quá cố và nhận được sự minh giải tuyệt đối về những lời dạy của thầy.
Mikyo Dorje giống như Karmapa thứ ba trong ý thích học tập và tính học giả. Ngài là một nhà ngôn ngữ rất tài năng và thông thạo văn phạm Sanskrit dưới sự chỉ dạy của Lotsawa Richen Tashi. Karmapa thứ tám cũng phiêu du vào lĩnh vực thơ ca, hội họa và điêu khắc, và có những thành công đáng kể. Như là một vị tăng, Mikyo Dorje là một kiểu mẫu của khổ hạnh và giản dị. Như là một bậc thầy Đại Ấn, ngài sống trong sự chứng ngộ rằng mọi thứ khởi lên tự nó đều là giải thoát, tự do.
Trong một thị kiến, một vị tăng đến nói với Mikyo Dorje rằng ông là Padmasambhava trong thời của Phật Nhiên Đăng. Ngài trả lời với câu hỏi : “Nếu quả thực thế thì sự “sanh ra trong hoa sen” của ông xảy ra ở đâu và trụ xứ của ông ở đâu ?” Vị tăng trả lời : “Hư không từ đâu tới ?” Rồi biến mất. Suy nghĩ về điều này, Karmapa hiểu rằng mỗi vị Phật trong hàng ngàn vị Phật đều có một Padmasambhava đi theo như là sự biểu lộ tự nhiên của giác ngộ.
Sau đó, Mikyo Dorje và lều trại dần dần du hành xuyên qua xứ Kham, ở đó ngài dạy cho hơn mười ngàn người. Trong chuyến đi này, ngài nhận ra vị Tulku Gyaltshap thứ ba là Drakpa Paljor và Shamar Rinpoche thứ năm là Konchog Yenlag. Ở Mar Kham, ngài tạo một bức tượng của chính ngài bằng đá. Truyền rằng, khi đặt tượng trước mặt mình, ngài hỏi: “Ngươi có giống ta chăng ?” Bức tượng trả lời: “Vâng.” Rồi Karmapa nặn miếng đá như một mẩu bơ, in bàn tay mình lên đó. Hiện giờ cả hai thứ, tượng và miếng đá còn được giữ gìn và cất tại bản doanh của vị Karmapa hiện nay ở chùa Rumtek ở Sikkim.
Khi đến chùa Karma, ngài gặp sứ giả của vua Trung Hoa Wu Tsung, sứ giả trao ngài các quà tặng và nhân danh vua mời ngài sang thăm Trung Hoa. Tuy nhiên, thấy trước cái chết sắp đến của nhà vua, ngài từ chối. Đoàn sứ giả thất vọng trở về Trung Hoa, lúc đó họ mới biết vua và hoàng hậu vừa qua đời.
Từ Kham, Mikyo Dorje du hành đến miền trung Tây Tạng. Ở Samding, Tulku Dorje Phagmo cúng dường ngài một ngôi chùa. Đến Tsurphu, ngài thấy nó đang trong tình trạng hư hỏng và ngài tiến hành sửa sang. Tulku Surmang Trungpa đến thăm ngài, và xem ngài như là hóa thân của Cakrasamvara.
Sau một thời gian cai quản, Mikyo Dorje lại ra đi với đoàn tùy tùng. Ngài đến thăm chùa Kadampa của Radeng. Từ đây, ngài đến Gangri Thokar, nơi ẩn tu của vị đại thánh phái Nyingma là Longchenpa, ở đó ngài để lại dấu chân và dấu ngựa ngài trên mặt đá.
Từ đây, ngài đi đến nơi vị Lạt ma cao tuổi Karma Thinley đang ẩn tu. Karma Thinley ban cho ngài sự thọ pháp về Kuru-kulla, Mahakala và Vaisravana. Rồi họ cùng đi đến học viện của Karma Thinley ở Lekshay Ling. Ở đây, ngài đã ban nhiều thời giáo chỉ dạy.
Năm sau, Karmapa gặp lại Lạt ma Karma Thinley. Vị học giả đáng kính này dạy cho Mikyo Dorje về Sáu giáo pháp của Naropa. Năm hai mươi mốt tuổi Karmapa thọ giới làm tăng với trụ trì Chodrup Senge, vị này là hậu thân của nhà học giả xứ Kashmir là Sakyasri. Vị trụ trì và Lạt ma Karma Thinley đồng cử hành buổi lễ này.
Lúc này, Chodrup Senge dạy cho Mikyo Dorje giáo pháp rất chi tiết về “Kiến giải Tánh Không của tha pháp” (pháp không) (gzhan-stong-lta-ba). Ngài yêu cầu Mikyo Dorje ban hành triết lý trọng yếu này, nó đã thông dụng trong các truyền thống Jonangpa và Nyingma. Nó bị công kích bởi những người theo truyền thống Gelugpa, họ chỉ duy trì quan điểm “Tánh Không của tự ngã” (ngã không) (rang-stong-lta-ba). Quan điểm “pháp không” này đã được truyền xuống suốt dòng phái cho đến Karmapa đời thứ mười năm bởi Jamjon Kongtrul Lodro Thaye. Kongtrul Rinpoche đã xem quan điểm này là hòn đá nền cho đường lối Rime (không biên giới) của mình. Như thế, Mikyo Dorje có thể được xem như một nhà tiền phong quan trọng của sự phục hưng đạo Phật vào thế kỷ thứ mười chín.
Mối liên lạc của ngài với Je Karma Thinleypa rất quan yếu cho sự tu hành của ngài. Ngài ở lại với Thinleypa tất cả là ba năm. Trong thời gian đó, ngài nghiên cứu Năm Luận của Maitreya, các luận nhân minh của Dignaga và Dharma-kirti, A Tỳ Đạt Ma của Vô Trước và A Tỳ Đạt Ma của Thế Thân, Luật tạng, Sáu luận chính yếu của Long Thọ, Nhập Trung Luận của Candrakirti, Hevajra Tantra, Thiên Văn học và nhiều công trình Ấn Độ về Đại thừa và Kim Cương thừa. Cộng thêm vào sự nghiên cứu rộng lớn ấy về Phật giáo Ấn Độ, Karma Thinleypa còn hướng dẫn Mikyo Dorje vào các toàn tập của Ngok Lotsawa(3) và Sakya Pandita.
Mikyo Dorje là một học giả kiểu mẫu, duy trì sự minh mẫn suốt thời gian học tập dài dẳng và mãnh liệt này. Ngài thường xuyên suy tư về ý nghĩa của các bản văn và bất cứ luận điểm nào khởi lên từ chúng. Ngài tham vấn và tranh luận mọi luận điểm khó hiểu và bằng cách ấy có được một sự thông hiểu toàn triệt. Karmapa nghiên cứu đến nỗi có rất ít thì giờ để ăn, và kết quả là sức khỏe thể chất yếu đi. Thinleypa khen ngợi Karmapa là một học giả vĩ đại. Đáp lại, Mikyo Dorje ca ngợi thầy mình, nói rằng: “Thầy ở trên mức đầu tiên của Bồ tát, biên giới giữa sanh tử và Niết Bàn. Đã xa sự liên quan giữa sanh tử, thầy là một vị Bất Lai và thầy có năng lực để tái sanh.”
Khi kết thúc sự học, Mikyo Dorje để thì giờ hướng nhiều đến thiền định. Trong một linh kiến, các dakini đưa ngài đến gặp đại thành tựu giả Savaripa, người đã truyền Đại Ấn cho Maitripa. Savaripa nhập môn cho ngài về bản tánh của tự tâm, nói rằng : “Cả hai sanh tử và Niết Bàn đều khởi từ tâm. Tâm của con chính là Trí Huệ. Bởi thế không có thứ bậc khác nhau. Mọi pháp đều từ tâm sanh.” Rồi vị đại thành tựu giả biến mất.
Mikyo Dorje trở thành một tác giả sáng tác rất nhiều mà tác phẩm vừa tranh luận vừa gây ảnh hưởng. Năm hai mươi ba tuổi ngài viết một luận giải về Abhisamayalankara tựa đề là “Sự buông xả chân thực của bậc thánh.” Rồi ngài mời học giả phái Gelugpa là Sera Jetsun làm một cuộc tranh luận về cuốn sách ấy. Vị học giả tài năng này trả lời bằng cách viết riêng một luận giải khác, trong đó ông viết rằng: “Karmapa là một hậu thân cao cả và là một học giả. Bởi thế, tôi không thể phê bình ngài. Tuy nhiên, vì ngài mời, tôi có làm tiếp theo luận giải của ngài một luận giải khác của riêng tôi, tựa đề là Một sự trả lời cho ngài Karmapa.” Với cách ấy, một cuộc tranh luận nổi tiếng đã thành công do Karmapa sáng chói và vị học giả nổi danh của phái Gelugpa.
Mikyo Dorje là tác giả của trên ba mươi tác phẩm, hơn ngài Karma Pakshi mười bốn cuốn. Những cuốn này bao gồm các luận giải về ngôn ngữ, giới luật, a tỳ đạt ma, tantra, triết lý Trung Quán, nghệ thuật và thơ ca. Ngài tạo ra những luận giải quan trọng về Đại Ấn và gây nguồn cảm hứng cho trường phái Karma Gadri trong nghệ thuật qua công trình ngài trong lĩnh vực này. Ngài biên soạn sự thực hành tâm linh được biết dưới tiêu đề “Guru Yoga của Bốn Thời Khóa” để tôn vinh Guru của ngài là Sangye Nyenpa. Bản văn này trở nên một trong những thực hành quan trọng nhất của phái Kamtshang.
Năm 1546, Mikyo Dorje có một tiên cảm về cái chết của mình. Tuy nhiên, Shamar Rinpoche và Pawo Rinpoche van nài guru của họ ở lại và tiếp tục công việc. Đáp ứng lại yêu cầu này Karmapa chấp nhận kéo dài thêm vài năm. Ngài ra đi với trại trong một vòng du hành lâu dài và cuối cùng các tu viện Karma Kagyupa và các trung tâm Phật pháp. Trong chuyến đi này, ngài bảo các nhân viên giảm bớt các nghi lễ chính thức chặt chẽ xung quanh ngài, ngài muốn cho mọi người dễ dàng hội kiến với ngài.
Trong khi du hành, ngài viết nhiều bài thuật lại theo thể thơ các thị kiến của ngài. Một trong những cái có ý nghĩa nhất là ngài thấy Cakrasamvara ngồi trên đầu của Vajra-yogini. Từ vị Guru, trong hình dáng của Cakrasamvara, tuôn xuống cam lồ của trí huệ, chuyển hóa các ý niệm của sanh tử và Niết Bàn thành trí huệ giác ngộ. Một cái móc kim cang làm trí huệ không lay động. Rồi trong cùng một thị kiến ấy, ngài thấy sanh tử cháy tiêu trong một cái nồi được đặt trên một cái kiềng kim cương. Trong một thị kiến khác, ngài thấy tám vị Padmasambhava và tám vị Karmapa hợp nhau trình bày một giáo lý bí mật.
Trong những năm cuối cùng, sức khỏe ngài xuống, mặc dầu thế, ngài tiếp tục công việc gian lao không giảm sút. Năm 1554 xảy ra một sự bùng nổ của bệnh cùi ở nam Tây Tạng. Karmapa đến đó trong một cố gắng chấm dứt bệnh dịch. Ngài làm một tháp màu đen chung quanh có bốn tháp nhỏ ngay giữa vùng. Tháp trung tâm biểu tượng cho naga (rồng) mà trong thần thoại nói là gây ra bệnh cùi. Bốn tháp nhỏ chung quanh tượng trưng cho những tay và chân. Thế rồi ngài đi vào giữa vùng và bằng năng lực Đại Bi thu hút sự mất cân bằng đã gây ra tật bệnh vào trong mình. Bệnh dịch tức thời bị quét sạch và ngài trở lại chùa Dakpo Shedrup Ling của Shamar Rinpoche.
Không lâu sau đó, ngài bắt đầu có dấu hiệu của bệnh cùi và không thể đi bộ được nữa. Ngài biết cái chết sắp tới và ngài trang phục theo Báo thân, hình thức truyền thông của Phật tánh, và biểu hiện trong hình thức này cho các đệ tử. Sau đó, ngài truyền cho Shamar Rinpoche những bức thư chứa đựng lời tiên tri về sự tái sanh đời sau của ngài, và ra đi vào năm bốn mươi bảy tuổi. Thân ngài hỏa táng tại Tsurphu. Shamar Rinpoche thờ xá lợi ngài trong một tháp bạc.
Karmapa thứ tám có nhiều đệ tử thành tựu và học rộng. Những vị nổi bậc là Shaman Konchog Yenlag, Pawo Tsuglak Tengwa, Gyaltshap Drakpa Paljor, Sitri Chokyi Gocha và Karma Thinley Legdrup. Ngài cũng có nhiều nghệ sĩ, thầy thuốc và thi sĩ trong các đệ tử, mà ngài đã gây một ảnh hưởng sâu xa lên họ.