Thượng thừa Phật Tổ chấn tôn phong
Phó kệ truyền đăng pháp pháp đồng
Thiện quả viên thành tăng Phước Huệ
Tương kỳ đạo đức vĩnh Hưng Long.
Tổ Phước Huệ, Tăng cang Hòa thượng húy thượng Ngộ hạ Tánh, tự Hưng Long, hiệu Phước Huệ. Thế danh Nguyễn Văn Cự, sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1875) tại làng Trung Kiên, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều đời kính tín Tam bảo.
Thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Văn Khanh, từng được triều đình bổ làm quan Bố Chánh tỉnh Bình Thuận. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Từ, người làng Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Ngài mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Năm 16 tuổi Ngài theo thân phụ (quan Chánh Bát phẩm) vào Bình Thuận nhậm chức Bố chánh tỉnh Bình Thuận. Khi đi ngang qua Khánh Hòa, thân phụ lâm trọng bệnh qua đời.
Ngài được Tổ Đạt Khương Viên Giác (trụ trì chùa Hải Đức, Nha Trang) mở rộng cửa thiền thâu làm đệ tử, được Tổ ban pháp danh là Ngộ Tánh.
Vốn có căn bản Nho học từ thuở nhỏ và được gia đình hướng dẫn cách tiếp cận những tinh hoa Phật Đà, trong thời gian hành Điệu, chấp tác Ngài đã vượt trội các bạn đồng sư nên sớm được Bổn sư ban cho pháp tự là Hưng Long.
Năm 20 tuổi được bổn sư gửi ra Huế học đạo và thọ đại giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc, do Tổ Hải Thuận, Tăng Cang chùa Diệu Đế làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm 25 tuổi, Ngài lập thảo am để tu trì đồng thời có nơi phụng thờ song thân, tại làng Bình An cách chùa Từ Đàm về phía Đông gần một cây số. Lấy hiệu là Hải Đức Am, đó chính là tiền thân của tổ đình Hải Đức - Huế.
Năm 30 tuổi (1904), Ngài đắc pháp với Hòa thượng Thanh Minh Tâm Truyền (trụ trì Tổ đình Báo Quốc - Huế), được ban đạo hiệu Phước Huệ với bài phú kệ:
Thượng thừa Phật Tổ chấn tôn phong
Phó kệ truyền đăng pháp pháp đồng
Thiện quả viên thành tăng Phước Huệ
Tương kỳ đạo đức vĩnh Hưng Long.
Và trong năm này, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Kim Quang do bà Từ Minh, Hoàng Thái Hậu sáng lập.
Năm 1909, sau khi bổn sư viên tịch, Ngài trở lại Nha Trang kế thế trụ trì và đại trùng tu tổ đình Hải Đức. Năm Giáp Tý (1924) được Chư sơn tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn Nha Trang (Khánh Hòa).
Năm 1934 Hòa thượng trở về Quảng Trị trùng tu Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang. Năm 1940 được triều đình Bảo Đại sắc cử làm Tăng Cang Tổ đình Báo Quốc.
Thời gian từ năm 1941 đến 1945, Ngài giữ chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Thừa Thiên.
Từ năm 1943 đến năm 1945, cùng với đệ tử là Thượng tọa Thích Bích Không, Hòa thượng đã cho di dời chùa Hải Đức Nha Trang từ trung tâm thị xã lên tọa lạc trên đồi Trại Thủy như hiện nay.
Năm 1951, cùng Hòa thượng Thích Phổ Nhãn, đang trụ trì Tổ đình Thiên Bửu. Ngài đã đứng ra vận động trùng tu Tổ đình Thiên Bửu ở Ninh Hòa, và vận động tông môn cúng chùa Thiên Bửu cho giáo hội Phật giáo Ninh Hòa làm trụ sở hoằng pháp.
Năm 1954, Giáo hội Tăng già Ninh Hòa khai Đại giới đàn tại tổ đình Thiên Bửu, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng,.
Năm 1956, khi biết Giáo hội Phật giáo Trung phần chọn Nha Trang làm nơi mở Phật Học Viện Hòa thượng đã quyết định cúng chùa Hải Dức (Nha Trang) cho hai Tổng trị sự (Giáo hội Tăng Già và Hội Phật học Trung Việt) làm nơi đào tạo tăng tài.
Hòa thượng lui về chuyên tu pháp môn Tịnh độ tại Tổ đình Hải Đức – Huế.
Năm 1962, Hòa thượng đứng ra vận động xây dựng Quan Âm Các tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị.
Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, tiếp dẫn hậu lai, Ngài đã đào tạo được một tầng lớp đệ tử tiêu biểu sau:
-Hòa thượng Thích Bích Phong (1900-1968), trụ trì chùa Quy Thiện và kế thừa Tổ đình Báo Quốc.
-Hòa thượng Thích Bích Không (1894-1954), nguyên trụ trì chùa Hải Đức (1943).
-Hòa thượng Thích Bích Lâm (1924-1972), nguyên Phó Viện trưởng Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương (Nha Trang).
-Hòa thượng Thích Chánh Kế, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, viện chủ chùa Kỳ Viên (Lâm Đồng)
-Sư bà Thích Nữ Chánh Lượng, Tổ Khai sơn chùa Hải Ấn, (chùa Hang), Nha Trang, Khánh Hòa…
Ngoài ra, Ngài còn có các đệ tử hành đạo tại nước ngoài, các vị đệ tử của Ngài là người nước ngoài, đủ thành phần quốc tịch, đặc biệt trong đó, có một kỹ sư người Mỹ tên Frank M. Balk, ông thường nằm mộng thấy một người đàn bà mặc áo trắng đến bên giường bảo rằng: “người hãy mau mau đến một đất nước có tên là Việt Nam để gặp lại cha mình, người ấy giống ngươi như tạc, đó chính là người cha tiền kiếp…” Sau nhiều ngày kỹ sư Frank M. Balkđã tìm nhiều nơi và ngày 27-4-1958, kỹ sư Frank M. Balk đến chùa Hải Đức Nha Trang xin nhận Tổ làm cha và xin được quy y được Tổ ban cho pháp danh Chơn Trí.
Tổ thường hay nói trong những ngày trước khi viên tịch: “Ta ra đời nhằm ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ thì sau ta cũng chọn ngày ấy mà viên tịch”. Ngày mồng 8 năm Quý Mão (1963), Ngài không thấy trang hoàng cờ phướn để đón mừng Phật Đản như mọi khi và khi biết Giáo Hội chủ trương dời ngày lễ Phật Đản vào đúng ngày rằm, Tổ nói: “Rứa thì ta cũng đợi đến ngày rằm...”.
Và quả đúng như lời của bậc thánh giả, lúc 11 giờ 30 ngày rằm tháng 4 năm Quý Mão 1963 ). Ngài thị tịch, thọ 89 tuổi, với 69 hạ lạp, Ngài là Tổ Khai sơn tổ đình Hải Đức – Huế. Bảo tháp của Ngài được tôn trí trong khuôn viên tổ đình Hải Đức - Huế.
Đệ tử Trí Bửu khể thủ lược soạn theo thư tịch Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức – Nha Trang
Tưởng niệm 50 năm Tổ Phước Huệ (Hải Đức) viên tịch (1963-2013)
Vài hình về HT Phước Huệ & Chùa Hải Đức Nha Trang
Hải Đức xưa
Hải Đức nay
Gác Chuông Hải Đức
Tổ Sư Hải Đức còn một đệ tử nữa là Ngài thích bích Nguyên.
Kính mong quý báo bổ sung cho đầy đủ