- Lời Giới Thiệu
- Chương I: Hóa Thân của Bồ Tát Văn Thù
- Chương II: Vị Tỳ Kheo Nghiêm Trì Giới Luật Cẩn Mật và Đại Hành Giả Lỗi Lạc Chân Tu Thật Chứng Có Trí Huệ Quảng Đại, Bác Học Đa Văn
- Chương III: Hóa Độ Vua Chúa & Tổ Chức Pháp Hội Cúng Dường
- Chương IV: Nhà Cách Mạng Tôn Giáo Vĩ Ðại Ở Tây Tạng
- Chương V: Vị Tổ Sư của Phái Hoàng Giáo
- Chương VI: Hoàng giáo lan truyền khắp nơi
- Chương VII: Lược Thuật về Những Tông Phái Chính của Phật Giáo Tây Tạng
- Chương VIII: Kết Luận
- Chú Thích
Chương III
Hóa Độ
Vua Chúa & Tổ Chức Pháp Hội Cúng Dường
A. Hóa độ vua
chúa.
B. Tổ chức
pháp hội cúng dường cầu nguyện.
A. Hóa độ vua chúa
Lúc trú tại chùa Lạp Đảnh, Đại Sư viết thơ gởi đến cho vua Tây Tạng là Trát Ba Kiên Tham, để khuyên ông ta nên dùng Phật pháp trị dân (1). Tương truyền, vua Trát Ba Kiên Tham (2) chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù.
Vào mùa thu năm 1399, đại thần Nam Khách Tang Bố (Namkha Zangapo) cùng đại a xà lê Duyện Kiếp Thô Trì (dkon-mchog tshul-khrims) của hạ viện chùa Tang Phác (3), v.v... nhờ người cung thỉnh Đại Sư vào Lạp Tát. Bấy giờ, Đại Sư cũng muốn đến đó để lễ bái thánh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, nên chấp thuận lời thỉnh cầu.
Đến Lạp Tát, Đại Sư trú tại chùa Bố Đạt Lạp (Potala; bấy giờ chưa có cung điện Bố Đạt Lạp trang nghiêm vĩ đại như ngày nay, mà chỉ là một ngôi chùa thường) và giảng thuyết Trung Quán Quang Minh Luận, Bồ Đề Đạo Thứ Đệ, Tỳ Kheo Giới Kinh, v.v... cho hàng trăm tăng chúng tại các chùa Tang Phác, Đệ Ngõa Cẩn, Cống Đường, Cát Ngõa Đống, Giác Địa Lũng, v.v...
Nam Khách Tang Bố vốn là đại thần đắc lực nhất của vua Trát Ba Kiên Tham, và cũng là đại thí chủ của Đại Sư. Tất cả nhu yếu vật dụng trong kỳ pháp hội giảng kinh đó, đều do đại thần Nam Khách Tang Bố chu cấp.
Mùa xuân năm 1406, Đại Sư dẫn đồ chúng đến vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh để chuyên tu. Một hôm, bất chợt Đại Sư bảo hai vị đệ tử thượng thủ:
- Chúng ta sẽ gặp chút ít nạn, nên phải đến những nơi khác để ẩn mật tạm cư trong vài tháng, bằng ngược lại sẽ gặp bao điều chẳng kiết tường.
Họ liền hỏi:
- Chúng ta phải đến đâu để lánh nạn?
- Hiện tại Ta không thể nói được. Đến ngày đó, các ông nghe theo lời dặn dò của Ta là được rồi!
Đêm nọ, thấy đại chúng đều nghỉ ngơi hết, Đại Sư đột nhiên lặng lẽ dẫn hai đại đệ tử leo lên ngọn núi Nhạ Khách (Raka-Drag) phía sau vùng Sắc Nhạ Kiếp Đảnh, ẩn cư nhập thất tĩnh tu trong một hang động.
Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù thường hiện thân giảng yếu nghĩa của Trung Quán và Duy Thức Học, cùng biện biệt về sự đồng dị và mối quan hệ giữa hai tông này. Cuối cùng, Bồ Tát phó chúc:
- Hiện tại, ông có thể dùng nghĩa lý thâm sâu của hai cổ xe lớn là tông Vô Tự Tánh của Bồ Tát Long Thọ, cùng tướng tông Duy Thức của đại sĩ Vô Trước, để trước tác, hầu mong hiển minh lý lẽ liễu nghĩa và bất liễu nghĩa trong kinh điển.
Đại Sư y chiếu theo pháp nghĩa của Bồ Tát, viết thành văn thư, gọi là "Biện Liễu Bất Liễu Nghĩa Thiện Thuyết Tạng Luận" (4).
Đối với giáo lý Hiển-Mật, Đại Sư tự thân tu chứng, đạt đến cảnh giới vô thượng thừa, nên thanh danh ngày càng vang xa, khiến đại chúng ở bốn phương đều ngưỡng mộ. Bấy giờ, Minh Thành Tổ (vua Vĩnh Lạc) xa nghe danh đức, nên sai sứ đến cung nghinh về triều, nhưng Đại Sư từ chối. Năm 1408, để làm lợi ích cho dân chúng Trung Quốc, vua Minh Thành Tổ phát tâm thâm tín, phái bốn sứ thần khâm sai cùng hàng trăm danh sĩ tùy viên, mang rất nhiều cúng phẩm, ân cần đến Tây Tạng phụng thỉnh Đại Sư. Trên đường đi, vì sợ rằng nếu biết được, Đại Sư sẽ ẩn lánh, nên họ bí mật tiến vào Tây Tạng, chỉ bảo là đến lễ bái chư thánh giả mà thôi. Lúc đi ngang qua Bồn Vũ, họ đi vào ban đêm, rồi bất chợt đến Sắc Nhạ Kiếp Đảnh vào ban ngày. Nào ngờ, lúc họ đến nơi, tăng chúng trong chùa bảo:
- Thật cáo lỗi cùng quý vị thí chủ! Đại Sư không có ở trong chùa. Vài tháng trước, Đại Sư bỗng nhiên không cáo từ mà đi mất. Hiện tại chúng tôi cũng không biết Đại Sư đi đâu.
Nghe qua lời này, bốn sứ thần khâm sai như bị côn đánh vào đầu, khiến khởi tâm phiền não oán giận, nên bắt tội Đại Sư có ý lẫn tránh. Cuối cùng, vua Trát Ba Kiên Tham xác nhận rằng vào vài tháng trước Đại Sư đã đi ẩn tích mà không ai biết. Nhờ thế, bốn sứ thần khâm sai tạm thời tín nhận.
Về sau, các tông phái ở Tây Tạng sai hàng trăm đồ chúng đi tìm Đại Sư khắp nơi. Chẳng bao lâu, họ mới phát hiện là Đại Sư đang ở trong hang núi Nhạ Khách nhập thất tĩnh tu. Ban đầu, Đại Sư kiên trì không muốn tiếp khách. Sau này, bốn sứ thần khâm sai nhờ vua Trát Ba Kiên Tham và đại thần Nam Khách Tang Bố chuyển lời cầu thỉnh của họ cả ba lần, Đại Sư mới trở về Sắc Nhạ Kiếp Đảnh mà gặp họ, cùng tiếp thọ sự cúng dường. Lúc gặp bốn sứ thần khâm sai, Đại Sư từ tốn bảo họ rằng nếu vào nội địa (Trung Quốc) thuận duyên thì ít, còn nghịch duyên thì nhiều. Đồng thời, Đại Sư cũng viết thơ gởi đến vua Vĩnh Lạc, bày tỏ rằng đối với sự cung ngưỡng lần này, tự tri ân vô vàn, và cảm thấy muôn phần thiếu sót, cùng nêu rõ lý do không đến Trung Quốc được, chẳng phải do coi thường sắc lịnh của nhà vua, mà vì có các lý do khác (5).
Ngoài việc này ra, Đại Sư chấp thuận tiếp thọ rất nhiều lễ vật trân quý do vua Vĩnh Lạc cúng dường như vàng, bạc, ngọc thạch, v.v... Bấy giờ, đại chúng ai ai cũng đều tán thán Đại Sư, do có thần thông biết trước nên lánh mặt; Đại Sư thi thiết phương tiện thiện xảo, nên giữ được mối hòa khí giữa Tây Tạng và Trung Quốc.
Do Đại Sư dùng lời nhu hòa thiện xảo từ chối không đi, nên bốn sứ thần khâm sai khẩn thỉnh Đại Sư hãy phái đệ tử thượng thủ đại diện vào kinh để an ủi nhà vua, nếu không họ chẳng dám trở về triều phụng mạng. Thấy đệ tử thượng thủ là Thích Ca Dã Hiệp (6) cơ duyên đã thành thục, nên Đại Sư phái vị này làm đại diện để vào kinh đô.
Vua Minh Vĩnh Lạc thấy Thích Ca Dã Hiệp học thức và oai đức thâm cao, tướng mạo phi phàm, nên tâm rất vui mừng, và ban hiệu là "Diệu Giác Viên Thông Tây Thiên Phật Tử Đại Quốc Sư", cùng thỉnh cầu rất nhiều pháp nghĩa.
Năm 1434, vua Minh Tuyên Tông cũng ban cho Thích Ca Dã Hiệp danh hiệu là "Đại Từ Pháp Vương". Sau này Thích Ca Dã Hiệp hoằng dương chánh pháp tại Trung Quốc và Mông Cổ. Trải qua bao đời, dân chúng đều biết đến danh hiệu "Cảnh Gia Quốc Sư" của Thích Ca Dã Hiệp (7).
B. Tổ chức pháp hội cúng dường và cầu nguyện
Đầu tháng giêng năm 1399, từ A Khách, Đại Sư đến Tinh Kỳ. Y theo truyện Phật Thích Ca Mâu Ni hiện đại thần thông suốt nửa tháng (1) trong kinh Hiền Ngu Nhân Duyên, Đại Sư cử hành pháp hội cúng dường cầu nguyện trước thánh tượng Di Lặc.
Trong kỳ pháp hội nầy, Đại Sư chí tâm khẩn cầu mười phương chư Như Lai mở lòng nạp thọ, và nguyện hồi hướng tất cả công đức cho thánh giáo được mãi mãi trụ tại thế gian, để cứu độ chúng sanh, khiến họ được giải thoát an lạc. Vừa dứt lời cầu nguyện, Đại Sư chợt thấy chư Phật hiện thân biến mãn đầy khắp vùng trời phương đông; mỗi vị hiện thân tướng hảo trắng trong, quang minh chiếu khắp, đồng như Phật Tỳ Lô Giá Na. Kế đến vô lượng chư Phật ở phía nam, tây, bắc cùng thượng phương, cũng theo thứ lớp hiện thân sắc vàng, đỏ, đen, xanh da trời; các ngài đồng với Phật Bảo Sanh, Phật Vô Lượng Quang, Phật Bất Không Thành Tựu, Phật Bất Động, v.v... không khác.
Lúc ấy, Đại Sư tuyên giảng vô lượng giáo nghĩa Hiển-Mật cho hơn hai trăm vị tam tạng pháp sư (đại A Xà Lê Đạt Mã Nhân Cần làm thượng thủ), khiến họ đều an trú nơi hợp nhất của giáo pháp Hiển-Mật.
Lúc còn ở tại Sắc Nhạ Kiếp Đảnh (1407), Đại Sư dự định vào đầu năm 1409 sẽ tổ chức pháp hội cầu nguyện tại chùa Đại Chiêu ở Lạp Tát. Bấy giờ, Đại Sư đã từng phó chúc cho đại thần Nam Khách Tang Bố lo việc hộ trì pháp hội.
Đại thần Nam Khách Tang Bố y chiếu theo lời dạy của Đại Sư, lập tức chuẩn bị tất cả vật dụng nhu yếu cho pháp hội, cùng tu sửa chùa Đại Chiêu. Thấy có hư ở đâu, ông đều chân thành xuất tiền tài và sức lực ra để tu bổ mà không nệ hà. Mùa thu năm 1408, mái ngói của chùa Đại Chiêu hoàn toàn được sửa chữa tu bổ.
Đầu mùa thu năm 1408, vua Trát Ba Kiên Tham cung thỉnh Đại Sư đến Chủng Bất Lũng (2), vì tăng chúng cùng hàng ngàn người Phật tử ở khắp nơi mà giảng pháp nghĩa Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận. Khi ấy, Đại Sư cũng khuyến tấn vua Trát Kiên Ba Tham hộ trì pháp hội đó.
Vua Trát Ba Kiên Tham cũng có danh hiệu là Hộ Pháp Đại Vương. Từ khi lên ngôi, nhà vua thường tạo mối giao hảo với các nước láng giềng, dạy dân chúng làm lành, xây dựng chùa tháp, khắc kinh tạo luận, cùng hộ trì chư đại đức giảng kinh thuyết pháp. Được biết Đại Sư định tổ chức đại pháp hội cầu nguyện trùng hưng cúng dường với nhiều ý nghĩa hệ trọng, nên nhà vua chẳng đắn đo mà chấp thuận làm vị đại hộ pháp.
Lúc tới Chủng Bất Lũng, Đại Sư phái các đại đệ tử đến các vùng Chỉ Công, Nhạ Trân, Văn Địa, A Khách, v.v... giáo hóa tất cả tăng chúng trong các tự viện lớn nhỏ, cùng các quan lại thí chủ và môn đồ, để khiến họ tăng trưởng tín tâm và tu phước lành.
Vùng Vệ Tạng tuy dân chúng sống thưa thớt, nhưng nhờ bi nguyện của Đại Sư chiêu cảm, khiến long thần hộ trì, nên người người ở các nơi đua nhau đem đồ vật đến cúng dường không dứt. Đại Sư và các đệ tử trong các pháp hội cúng dường vào mùa xuân, thường hồi hướng công đức, cùng cầu nguyện cho đàn na tín thí đều đạt được mọi việc thuận lợi viên mãn.
Y cứ theo kinh Hiền Ngu, phẩm Hàng Phục Lục Sư Ngoại Đạo viết:
- Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia từ mồng một cho đến rằm tháng giêng, tại nước Xá Vệ hiển hiện các đại thần thông, hàng phục sáu loại tà sư tà ma ngoại đạo, cùng các tín đồ u mê, khiến đoạn đứt thân quyến ma vương, kiến lập đàn tràng chánh pháp. Đức Thế Tôn hóa thân biến khắp cõi trời Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Sắc Cứu Cánh Thiên, cho đến ba ngàn đại thiên thế giới. Thân Phật trang nghiêm oai đức cao hiển, phóng hào quang rộng lớn, thuyết pháp cho đại chúng đang vây nhiễu xung quanh. Do thần biến thiện xảo của đức Như Lai, nên giải trừ cứu khổ cho vô lượng chúng sanh, xa lìa những nơi tội ác nhuận sanh bất thiện. Người chưa đủ thiện căn, thì khiến cho họ trồng thiện căn. Người đã có thiện căn đầy đủ, thì khiến cho thiện căn tăng trưởng. Người thiện căn chưa thành thục, thì khiến cho họ mau chóng được thành thục; người có thiện căn thành thục, thì khiến cho họ hoàn toàn đắc được giải thoát. Lại có chúng sanh nhân đó mà phát tâm Bồ Đề rộng lớn, đạt đến nơi bất thối chuyển. Lại có chúng sanh nhân đó mà chứng đắc quả A La Hán. Đó gọi là pháp hội 'Như Lai Hiện Đại Thần Biến'.
Chư đại pháp sư ở Ấn Độ vào thuở xưa, mỗi khi gặp những pháp hội thù thắng này, đều thi thiết bao loại cúng phẩm vật thượng diệu, để cúng dường Tam Bảo, tụng kinh phát nguyện, ban phước cho chúng sanh. Từ khi Phật pháp được truyền vào Tây Tạng, chư đại thiện tri thức cũng y chiếu quy củ ở Ấn Độ, theo như pháp mà cử hành đại pháp hội cúng dường. Giờ đây, nhằm thời mạt pháp, Phật pháp suy vi, pháp hội cúng dường cũng từ từ mai một. Đại Sư do đại nguyện trong tiền kiếp, trên vì muốn pháp luân thường chuyển thánh giáo mãi trụ tại thế gian, và dưới vì khiến chúng sanh tu tập phước huệ, đạt được lợi ích vô tận, nên phát tâm rộng lớn, trù lượng trùng hưng pháp hội cúng dường Phật Hiện Đại Thần Biến.
Cuối mùa thu năm 1408, để trang nghiêm pháp hội, Đại Sư đặc biệt cho vời họa sĩ đến chùa Đại Chiêu, tu bổ thếp phấn vàng lên các thánh tượng. Trong thời gian ngắn, các thánh tượng đều được tu bổ trang nghiêm như xưa. Ngoài ra, Đại Sư nhờ tất cả thợ thủ công thiện xảo ở toàn Tây Tạng dùng những vải lụa của các thí chủ cúng dường, may lại hết tất cả y ca sa trên các thánh tượng Phật và Bồ Tát, cùng các tràng phan bảo cái khiến trang nghiêm lộng lẫy.
Cuối tháng chạp, công tác chuẩn bị cho pháp hội vừa được hoàn tất, Đại Sư mới rời Chủng Bất Lũng để đến Lạp Tát (Lhasa).
Vào đêm trù tịch, Đại Sư vân tập hơn tám ngàn đại danh tăng, lên chánh điện chùa Đại Chiêu, để làm lễ cúng dường. Vào ngày đó, Đại Sư cùng đồ chúng cúng dường hết tất cả vật dụng cho tăng chúng.
Mười lăm ngày đầu tháng giêng chính là thời gian hành pháp hội Hiện Đại Thần Thông của Phật Thích Ca. Chư Phật trong đời quá khứ cũng hiển hiện bao loại thần thông khác nhau trong khoảng thời gian này; các vị đại thí chủ lần lượt thay nhau cúng dường trong mỗi ngày. Pháp hội cúng dường hôm nay cũng y chiếu theo pháp thức đó. Mỗi ngày đều có một thí chủ cúng dường các phẩm vật khác nhau.
Trong kỳ pháp hội, Đại Sư cúng dường thánh tượng Phật Thích Ca (3) một cái mũ có năm tượng Phật bằng vàng kim. Trên chiếc mũ có gắn rất nhiều ngọc trai, ngọc quý cùng đá quý; điêu khắc rất tinh vi, hình lượng cao quý trang nghiêm. Cúng dường các chiếc mũ có năm tượng Phật vàng kim cho tượng Phật Bất Động Kim Cang (do công chúa nước Ni Bạc Nhĩ (Nepal) mang sang), cùng tượng Quán Thế Âm mười sáu mặt (4). Trên các chiếc mũ đó cũng dùng rất nhiều bảo vật trân quý để trang sức.
Trong hai ngày mồng tám và rằm tháng giêng, Đại Sư mời các thợ đắp tượng thiện xảo, đến phết phấn vàng lên trên thân của thánh tượng Phật Thích Ca, Phật Bất Động Kim Cang, Bồ Tát Quán Thế Âm mười sáu mặt. Vào giữa trưa của những ngày khác, họ đều chuyên tô đắp những thánh tượng khác.
Ngoài ra, Đại Sư còn cúng dường lên thánh tượng Phật Thích Ca một bình bát bằng vàng ròng, cùng một tấm đà la ni bằng bạc; cúng dường y ca sa và bình bát cho các tôn tượng Phật Bồ Tát có hình tướng xuất gia; cúng dường bảo y và pháp khí cho tôn tượng Phật hiện báo thân, Bồ Tát, Minh Vương, Hộ Pháp, v.v...
Các chánh điện trong chùa Đại Chiêu đều được trang nghiêm và sắp đặt y chiếu theo các bộ kinh điển Hiển-Mật. Phía trên treo những màn dây báu; bên dưới giăng những cờ hiệu, phất linh, tràng hoa anh lạc, cùng các phẩm vật trang nghiêm. Dọc theo những con đường lớn vây quanh ngôi chùa có đặt các cột trụ cao. Trên mỗi cột trụ đều giăng tràng phan lớn. Trên đỉnh năm trụ chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc, và chính giữa đều được an trí tôn tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, Phật Bảo Sanh, Phật Vô Lượng Quang, Phật Bất Không Thành Tựu, Phật Bất Động, v.v... Đồng thời, trên các tràng phan của mười lăm trụ khác có vẽ các tấm Đà La Ni dài ngắn của Phật. Vào mỗi buổi tối, đều y theo nghi thức tu pháp mà cúng dường các phẩm vật bên dưới các cờ hiệu ở trên đàn tràng. Ngoài ra, trên các con đường lớn dẫn vào chùa, đều dựng những tràng phan bảo cái, cùng các cây dù màu trắng to lớn. Vào mỗi buổi tối, cũng y chiếu theo nghi thức mà dâng phẩm vật cúng dường. Nơi các cây tràng phan, đều y chiếu theo kinh Bát Nhã mà giăng treo những sợi dây lụa năm màu. Nhìn xa xa, hội trường của pháp hội nổi bậc sáng chói rực rỡ, khiến ai ai cũng đều sanh tâm hoan hỶ.
Tại chánh điện có ba vòng đường là trong, ngoài và chính giữa. Trong kỳ pháp hội, luôn cúng bốn trăm ngọn đèn ở vòng trong, một trăm ngọn đèn ở vòng giữa, không kể ngày đêm. Vòng ngoài, đối diện với tôn tượng Phật Thích Ca đặt một trụ đèn hình vuông lớn bằng đá, chiều cao hơn mười thước; trên đỉnh trụ đặt một ngọn đèn thật lớn chứa đầy dầu tô lạc. Ngọn đèn vừa thắp bèn tỏa sáng cả một vùng trời chiếu xa hàng dặm. Ngoài ra, dọc theo vòng này còn có vô số trụ đèn nhỏ dài ngắn khác nhau như cánh tay. Ngọn đèn trên chánh điện Phật, ngày đêm cháy sáng không tắt, khiến ánh sáng vàng tỏa chiếu, tựa như vầng mặt trời và mặt trăng.
Nước cúng trong chánh điện Phật, toàn là nước hoa hồng màu vàng kim. Mỗi ngày thay nước cả một trăm lần, với màu sắc của hoa hồng. Bốn bên chung quanh chánh điện Phật đều dùng nước hương mà rải, và có các tràng hoa, dù hoa, cùng trầm hương; trong chánh điện suốt ngày tỏa xông khói hương không dứt.
Bên cạnh các cây đèn dầu tô lạc ở hai bên trái phải, đều có an trí một trăm đấu phẩm vật bằng đồ trân báu. Bên trên được trang nghiêm bằng rất nhiều tô dầu hoa. Ngoài ra, các phẩm vật cúng dường được sắp chồng lên cao hơn ba thước, mà cả thảy là 108 chỗ; tất cả đều được trang nghiêm bằng các loại hoa và tô dầu. Ngày ngày, cúng phẩm đều được thay đổi. Những cúng phẩm đã được cúng dường và thay đổi, đều được đem bố thí cho những người đói khổ, hoặc những người bịnh hoạn tàn tật, v.v...
Các cúng phẩm thanh tịnh viên mãn đều do chú ấn tam muội của Đại Sư gia trì, khiến thành đại lạc cam lộ. Về sau, chư đại tam tạng pháp sư, tỳ kheo trì giới thanh tịnh, y theo nghi thức được thuyết trong các bộ kinh điển Hiển-Mật mà chí thành lễ bái tụng kinh cúng dường. Trong mười lăm ngày của pháp hội, mười phương chư Phật và Bồ Tát cùng chư thánh chúng hải hội, đều giáng lâm nạp thọ.
Trong pháp hội 'Cúng Dường Phật Hiện Đại Thần Biến', trên đảnh đầu của Đại Sư có hiện ba tôn bộ chủ như Bồ Tát Văn Thù (Phật bộ), Bồ Tát Quán Thế Âm (Liên Hoa Bộ), Bồ Tát Kim Cang Quyền Thủ (Kim Cang Bộ). Bốn bên bộ chủ lại có vô lượng thiện thần hộ pháp vây nhiễu xung quanh, để phòng hộ sự gia nạn của yêu ma quỶ quái.
Bấy giờ có một vị đạt đại thành tựu, tên là Cô Quyết, hiệu Vô Lượng Quang Kim Cang, vừa ra khỏi thất, từ núi Nhạ Khách ở vùng phụ cận của Lạp Tát đến. Trên đường đi ngang qua Lãng Cần Đống, vị này gặp ngài Hà Ngõa Nhật Ba (5). Vị này bèn hỏi:
- Xin hỏi Tôn Giả! Ngài vội đi đâu vậy?
Tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba đáp:
- Chúng ta, tám mươi bốn nhà đại thành tựu, ứng theo lời cầu thỉnh của pháp vương Hiền Huệ (6), đi đến chùa Đại Chiêu. Chư vị có đại thần thông đã đi trước, còn Ta đi chậm một chút, nên muốn đuổi kịp theo!
Nghe lời này, ngài Cô Quyết cũng đi theo tôn giả Hà Ngõa Nhật Ba để tham dự pháp hội.
Trong kỳ pháp hội, đang lúc đại chúng tụng danh hiệu ba mươi lăm vị Phật, thì ngài Cô Quyết thấy trên hư không, mười phương chư Phật hiện thân đầy khắp. Ở hạ phương, có ba mươi lăm vị như Dược Sư Thất Phật, Di Lặc Bồ Tát, Vô Lượng Thọ Phật, Độ Mẫu, Bạch Tản Cái, Diệu Âm Thiên Nữ, tám mươi vị đại thần thông thành tựu, v.v... hiển hiện những điềm lành hy hữu.
Trong mười lăm ngày đó, Đại Sư diễn giảng bộ kinh luận Phật Bổn Sanh (7) do Bồ Tát Mã Minh trước tác, liên tục không gián đoạn. Lần đó, chư tăng kẻ tục đến tham gia pháp hội cúng dường có cả trăm ngàn người. Ai ai cũng đều rất mực tinh tấn. Trừ việc nghe giảng kinh, tụng kinh, còn có hàng chục ngàn người phát nguyện không ăn sáng, cho đến ít ngủ nghỉ, mà lễ Phật liên tiếp. Nhờ cộng lực tinh tấn tu hành của pháp hội cùng sự gia trì của chư Phật và Bồ Tát mà vô hình chung chuyển hóa được nhiều kẻ có tâm tánh hung dữ tàn ác.
Vào đêm nọ, Đại Sư mộng thấy một người phụ nữ thân hình to lớn, dùng hai tay ôm chầm lấy ngôi chùa như muốn che lại. Đại Sư thấy vậy bèn hỏi:
- Bà làm gì vậy?
Bà ta đáp:
- Vì muốn phòng hộ tai nạn hỏa hoạn!
Tối hôm sau, dầu tô trong trụ đèn đá to trước cửa chánh điện cạn rất mau; vị thầy tri sự quên đổ thêm dầu vào. Bỗng nhiên, tim đèn cháy phựt dữ dội, chiếu sáng một góc trời. Những người trong đạo tràng đều run sợ vô vàn. Thấy vậy, Đại Sư liền vào thất ngay trước mật đàn, mà nhập tam ma địa. Chốc lát sau, bên ngoài gió ngừng thổi, nên đại chúng lập tức hạ trụ đèn xuống dập tắt ngọn lửa để tránh hỏa hoạn cho chùa.
Ngày nọ, Đại Sư mộng thấy tại vùng phụ cận của Lạp Tát có vô số chúng sanh bay đi trên hư không. Đại Sư hỏi họ:
- Quý vị bay đi đâu vậy?
Họ đáp:
- Trong pháp hội cúng dường, nhờ cúng dường chư Phật mà chúng con đạt được vô lượng công đức, nên nay được vãng sanh lên cõi Phạm Thiên!
Những điềm lành trong kỳ pháp hội đó, nhiều không kể hết. Điều này cho thấy rằng công đức của kỳ pháp hội cúng dường cầu nguyện do Đại Sư tổ chức, thật rộng lớn vô biên, mà người phàm phu không tài nào nghĩ thấu.
Lúc ấy, đại thần Nam Khách Tang Bố cùng với người cháu họ là Ban Giác Kết Bố (Dpal-'byor rgyol-po) nhận trách nhiệm tiếp đãi quan khách cùng chư tăng từ xa đến, và quán xuyến mọi việc trong pháp hội. Vua Trát Ba Kiên Tham là đại thí chủ chính của kỳ pháp hội này.