Đáp chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Bangkok - Thái Lan vào ngày 27-10, tôi thực sự thú vị, vì lúc khởi hành chỉ có một mình, nhưng khi đến sân bay Bangkok, tôi lại được tháp tùng cùng đoàn hành hương gần 50 người từ TP. Quảng Ninh sang, do ĐĐ. Thích Thái Cang dẫn đầu.
Tại Bangkok, đoàn được ĐĐ. Thích Hạnh Chơn, là du học tăng Việt Nam tại Thái Lan hướng dẫn tham quan - hành hương. Ngày đầu tiên ở Thái Lan, chúng tôi nghỉ tại khách sạn RatChaDa - Bangkok và bắt đầu cuộc hành trình chiêm bái những ngôi chùa nổi tiếng tại thủ đô Bangkok.
1. Tham quan WAT PHO
Sau khi đoàn dùng điểm tâm sáng, chúng tôi khởi hành bằng xe bus 52 chỗ ngồi để đến chiêm bái các ngôi chùa tại Bangkok. Ngôi chùa đầu tiên đoàn đặt chân đến là Wat Pho, cũng gọi là Wat Phra Chetuphon hay Chùa Đức Phật ngồi tựa lưng, là một đền thờ Phật giáo ở quận Phra Nakhon, Bangkok, Thái Lan, tọa lạc trên đảo Rattanakosin gần với Đại Cung. Tên chính thức của chùa là Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararm Rajwaramahaviharn.
Wat Pho là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất Bangkok (với diện tích 80.000m²) và có tượng Phật lớn hơn bất cứ chùa nào ở Thái Lan. Chùa này cũng có bức tượng Đức Phật Niết bàn. Tượng này được tạc như một phần của đợt phục dựng thời vua Rama III. Bức tượng Phật này dài 46m và cao 15m, được bọc vàng trên thân tượng và ngọc mẫu trên đôi mắt và bàn chân. Trên bàn chân trang trí 108 cảnh điềm lành theo phong cách Trung Hoa và Ấn Độ.
Theo lịch sử, Wat Pho được phục dựng trên nền của một ngôi chùa trước đó là Wat Phodharam, và công việc đã bắt đầu từ năm 1788, được trùng tu vào năm 1982. Năm 1962, một trường y học cổ truyền và massage đã được thành lập tại đây.
Trong khuôn viên chùa còn có một tháp chuông nằm giữa một khoảng sân rộng thênh thang, trên nền cao khoảng 5m được sơn màu trắng thanh khiết, có 12 bậc cấp đi lên. Phần tường bao quanh quả chuông cũng được khảm sành sứ với màu sắc thật hài hòa. Ngoài ra, du khách sẽ bắt gặp một tòa bảo tàng lớn nằm giữa bốn tòa điện, là nơi gìn giữ và trưng bày triển lãm những tượng Phật, kinh thư, thư tịch, bích họa, pháp cụ pháp khí có niên đại xưa cổ, trong đó đáng kể nhất là trên 349 bức tượng Phật mạ vàng ngồi xếp hàng đều nhau trông thật uy nghi và tuyệt đẹp.
Đặc biệt, nơi thu hút bao khách thập phương vãn cảnh chùa là pho tượng Phật nhập Niết bàn khổng lồ nằm trong một gian điện thờ rất cao và rộng. Tượng Phật nằm đồ sộ này có chiều dài đến 46m, chiều cao 15m, được đổ bằng thạch cao, phủ lên phần gạch bên trong, còn bên ngoài được phủ kín bằng vàng lá, và nằm trên một chiếc bệ cũng được dát vàng sáng chói, chung quanh có chạm khắc trang trí công phu, sắc sảo. Phần mắt và chân của tượng Phật được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Hai lòng bàn chân Phật có chiều cao 5,5m, với những hình tượng hoa văn được khảm ngọc mô tả 108 tướng tốt của Phật Thích Ca Mâu Ni. Các bức tường xung quanh và cả bên trên trần của ngôi điện thờ cũng được trang trí tỉ mỉ, màu sắc hòa hợp với pho tượng Phật, tạo nên một không khí ấm cúng và trang nghiêm.
2. Tham quan WAT ARUN
Cách chùa Pho khoảng 200m, đoàn chúng tôi đi phà qua sông Chai Phraya để đến thăm chùa Arun. Chùa Arun nằm trên bờ tây sông Chao Phraya, Thonburi. Chùa có tên tiếng Việt là chùa Bình Minh. Đây là ngôi chùa cổ nhất của Bangkok.
Khi vua Thakssin quyết định xây dựng kinh đô mới tại Thonburi, ông đã tới đây vào một buổi bình minh. Vì vậy ông đổi tên chùa thành Wat Jang, “Wat” là ngôi đền - chùa, còn "Jang" có nghĩa là sạch sẽ, sáng sủa của buổi bình minh. Người thừa kế ông, vua Rama I, khi rời kinh đô về Bangkok đã mang theo tượng Phật ngọc và xây dựng đền Emerald, ông đã mang thần tượng về đặt cạnh đền Phật ngọc. Vua Rama II đã mở rộng ngôi đền Wat Arun, mời các nhà sư tới tu tập và xây dựng nhiều tòa bảo tháp, ông còn cho chạm khắc thần tượng riêng của mình.
Đền có các bậc bằng đá dẫn tới sân thứ nhất có những hình tượng thần hung dữ canh gác. Mỗi góc đền còn được xây dựng những ngôi đền nhỏ kiểu Khmer. Xung quanh phần chân đền được trang trí bằng những bức tượng thần khỉ và các vị thần Thái Lan. Đỉnh đền được trang trí bởi đinh ba của thần Shiva.
Mỗi phía của sân thứ hai là các cổng rất đẹp với những mái hình xoáy và những bức tượng mô tả về 4 sự kiện chính trong cuộc đời của Phật. Những cổng này được sơn màu vàng da cam và nâu, nhưng mái lại có màu vàng chanh và xanh da trời.
Nếu leo theo những bậc thang đá tới ban công, du khách có thể nhìn thấy rõ hơn những vòm cổng và các bức tượng khác. Một cầu thang hẹp dẫn tới ban công cao nhất, nơi du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh sông Chao Phraya và Bangkok từ cầu Rama I đến Hoàng cung và đền Phật Ngọc. Điều thú vị nhất của đền là hình thức trang trí những cổng đền. Nó được xây bằng gạch và được phủ bên ngoài bằng sứ Trung Quốc nhiều màu sắc.
Ngôi đền thật sự trở thành một trong những điểm tham quan tuyệt vời tại thủ đô này, nằm cạnh bờ sông, nên việc tham quan đền thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy. Nó là biểu tượng của du lịch Bangkok với kiến trúc mang đậm phong cách Thái.
3. Thăm chùa Khánh Vân - ngôi chùa Việt trên đất Thái
Được sự hướng dẫn của ĐĐ. Thích Hạnh Chơn, chúng tôi đến thăm chùa Khánh Vân và chiêm bái nhục thân xá lợi của Hòa thượng Phổ Sái (vị Hòa thượng gốc Việt sinh tại Thái Lan).
Chùa Khánh Vân, tiếng Thái là Wat Upairadbamrung (thuộc tông Annam tại Thái Lan) tọa lại tại khu Taladnoi, quận Sampanthavong, thủ đô Bangkok. Theo tài liệu còn lưu lại, Chùa do Hòa thượng Thích Chân Hưng khai sơn vào thời vua Mongkut - Rama IV. Đến năm PL.2420 tức năm DL.1878, Chùa được vua Chulalongkorn - Rama V ban sắc tứ cho chùa với tên là ‘Sắc Tứ Trấn Quốc Khánh Vân Thiền Tự’. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua 6 đời trụ trì, là: HT. Thích Chân Hưng, HT. Thích Tịnh (Thanh) Khiết, HT. Thích A Nan, HT. Thích Phổ Sái (HT còn để lại nhục thân hiện được thờ tại Tổ đường), vị trụ trì hiện nay là HT. Thích Minh Ân.
Theo chư Tăng trong chùa kể rằng, trước khi HT. Phổ Sái viên tịch, Ngài di huấn cho các đệ tử rằng, sau khi Ngài viên tịch, nhục thân Ngài lưu giữ trong vòng 100 ngày, nếu sau 100 ngày, toàn thân còn nguyên thì nên lưu lại thờ tại chùa. Sau 100 ngày, chư Tăng, Phật tử khi mở nắp áo quan thì nhục thân Ngài vẫn còn nguyên vẹn. Đồ chúng theo đó mà phụng thờ. Hòa thượng Phổ Sái viên tịch vào năm 1958, đến nay đã gần 52 năm nhưng nhục thân của Ngài vẫn còn lưu lại tại chốn nhân gian.
4. Tham quan PHẬT VÀNG (Golden Buddha)
Chùa Phật Vàng (Golden Buddha) là nơi có bức tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới. Người dân Thái Lan nghĩ rằng bức tượng Phật này là biểu tượng cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. Tượng Phật Vàng ngồi đúc bằng vàng khối, cao 3m, nặng 5,5 tấn, được làm khoảng thế kỷ 13 - 15, triều đại Sukhothai. Chùa Phật Vàng mở cửa đón du khách từ 9h sáng đến 5h chiều.
Kết thúc chuyến tham quan chiêm bái các ngôi chùa nổi tiếng tại thủ đô Bangkok, chúng tôi trở về lại khách sạn để chuẩn bị cho cuộc dạo phố ban đêm tại Bangkok và tiếp tục cuộc hành hương về thành phố Chiang Mai vào ngày hôm sau…
GIANG PHONG (tại Bangkok – Thái Lan)