Chùa Pháp Môn nằm ở thị trấn Pháp Môn huyện Phù Phong, TP Bảo Kê, Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Được xây dựng vào năm Hằng Linh đời Đông Hán cách đây đã hơn 1.800 năm, được xưng là “Quan Trung Tháp Miếu Thủy Tổ”
Năm 268-232 trước công nguyên, sau khi Vua A Dục thống nhất Ấn Độ để truyền bá chánh pháp Đức Vua đã cử nhiều phái đoàn đem xá lợi Đức Phật đến các nước để xây tháp tôn thờ. Tại Trung Quốc có 19 nơi đón nhận tôn thờ xá lợi Phật, Chùa Pháp Môn là nơi thứ 5 trong 19 nơi đó. Chùa Pháp Môn vốn có tên là A Dục Vương Tự, vì có xá lợi nên xây tháp tôn thờ, vì có tháp xá lợi nên mới xây chùa. Năm 558 Đời Bắc Ngụy con cháu Hoàng thất Thát Bạc Dục đã mở rộng quy mô của chùa hơn nữa, đến đời Tùy Văn Đế Khai Hoàng năm thứ 3 (năm 583) đổi tên A Dục Vương Tự thành “Thành Thật Đạo Tràng”. Năm 625 Đường Cao Tổ Lý Uyên ra sắc phong trùng kiến và đổi tên thành “ Pháp Môn Tự ”. Năm Trinh Quán đời Đường Thái Tông đã ba lần mở tháp chiêm lễ xá lợi xương ngón tay Phật, đồng thời xây dựng lại thành tòa tháp bốn tầng bằng gỗ. Thời Đường Cao Tông chùa Pháp môn đã có được qui mô xây dựng to lớn đến 24 cung viện. Trong thời nhà Đường đã có 8 vị Hoàng đế với 8 lần cung nghinh đảnh lễ cúng dường xá lợi với qui mô to lớn, chấn động cả nước. Sử sách ghi chép Địa cung chùa Pháp Môn mỗi 30 năm mở cửa một lần thì “ Tuế phong nhân hòa, Thái Bình Thịnh Trị.“ Năm 874 Vua Đường Hy Tông Lý Huyên lần cuối cùng sau khi nghinh rước Xá Lợi ngón tay Phật về Kinh đô chiêm bái xong đã cử hành nghi thức Phật Giáo đưa xá lợi cùng mấy nghìn văn vật quí giá tôn trí dưới lòng địa cung của Bảo tháp chùa Pháp Môn.
Đời nhà Tống, chùa Pháp Môn phát triển đến qui mô to lớn nhất, theo ghi chép “ Dục Thất Viện” một trong 24 viện của chùa Pháp Môn mỗi ngày có đến nghìn người tắm. Vua Tống Huy Tông từng viết bốn chữ ngoài cổng chùa là “ Hoàng đế Phật Quốc”. Đời nhà Minh Chu Nguyên Chương không tin Phật pháp nên chùa Pháp Môn bị suy vi. Năm 1569 tháp gỗ được xây dựng vào đời nhà Đường bị hư đổ. Năm Vạn Lịch thứ 7 Đời Minh Thần Tông ( 1579 ) Thân sĩ Dương Vũ Thần, Đảng Vạn Lượng… đã vận động khuyên góp tiền tài trùng tu bảo tháp trong suốt thời gian dài 30 năm xây dựng tòa tháp Bảo Bát Giác mười tầng bằng gạch cao 47 mét trang nghiêm. Năm Thuận Trị thứ 11 đời nhà Thanh (1654) vì động đất nên bảo tháp bị nghiêng nứt. Năm 1939 nhà Ái Quốc Chu Tử Kiều đứng ra vận động hoàn thành việc trùng tu to lớn kể từ cuối đời Minh Trở lại.
Vào mùa hè ngày 8/4/1987 khi ban nền trùng tu Bảo tháp đã phát hiện ra địa cung dưới lòng đất Bảo tháp và thế là Xá Lợi Ngón tay Phật cùng 2499 văn vật hy hữu của Phật Giáo lại được xuất hiện lại trên thế gian. Ngày 9 tháng 11 năm 1988 Chùa Pháp Môn long trọng tổ chức nghi lễ Quốc Tế chiêm bái Xá Lợi ngón tay Đức Phật, cư sĩ Triệu Phát Sơ Chủ tịch hiệp hội Phật Giáo Trung Quốc cắt băng khánh thành. Từ đó đến nay xá lợi ngón tay Phật đã được rước đến Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc để cho hàng vạn Phật tử các nơi chiêm bái là biểu trương của sự giao lưu văn hóa Phật Giáo trên thế giới.
Năm 2001 Khu văn hóa Phật Giáo Pháp Môn tự được xây dựng với quy mô to lớn gồm hai bộ phận là khu triển lãm văn hóa Phật Giáo và khu phục vụ tổng hợp. Trong đó khu triển lãm văn hóa Phật Giáo chia thành ba khu nhỏ là Phật, Pháp, Tăng theo bố cục hình chữ Phẩm “品” lấy tháp Hiệp Chưởng nơi thờ xá lợi Ngón tay Phật cao 148 mét làm trung tâm.
Ngày 9 tháng 5 năm 2009 Đại lễ khánh thành Bảo tháp Hiệp Chưởng và an vị xá lợi Ngón tay Phật tại chùa Pháp Môn được long trọng tổ chức, khu văn hóa triển lãm Phật Giáo được chính thức mở cửa đón Phật tử thập phương đến chiêm bái tham quan và Xá Lợi Ngón tay Đức Phật Thích Ca từ đây được an vị vĩnh viễn trong Bảo tháp Hiệp Chưởng.
Ngày 16 tháng 10 năm 2014 lễ Khai mạc Đại hội Liên hữu Phật Giáo Thế giới lần thứ 27 đã được trọng thể khai mạc tại chùa Pháp Môn.
Thích Giải Hiền
Hội trưởng Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức
(Dịch từ tài liệu đại hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới lần thứ 27)
- Tag :
- Thích Giải Hiền