Chương 14: Quán Hiệp

03 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 4348)
Chương 14: Quán Hiệp

LONG THỌ BỒ TÁT Nāgārjuna
TRUNG LUẬN Mādhyamaka-Sāstra

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯU-MA-LA-THẬP Kumārajīva
Việt dịch THÍCH NỮ CHÂN HIỀN
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội PL. 2546 - DL. 2003

CHƯƠNG XIV: QUÁN HIỆP

Trong chương phá căn ở trên[1] nói: sự thấy, cái bị thấy, và người thấy, đều không thành. Vì ba điều này không có pháp dị biệt nên không hiệp. Nay sẽ nói ý nghĩa không hiệp.

Đáp: 

163)Thấy, bị thấy, người thấy,

Cả ba từng đôi một.

Ba dị biệt như thế,

Không khi nào kết hiệp.[2] [1] 

Cái thấy là con mắt, cái bị thấy là sắc trần, người thấy là ngã. Bộ ba mỗi cái đều ở riêng mỗi nơi không khi nào kết hiệp. Ở riêng biệt mỗi nơi nghĩa là mắt thì ở trong thân, sắc thì ở ngoài thân, ngã hoặc nói ở trong thân hoặc nói tất cả chỗ; thế nên không có sự kết hiệp.

Lại nữa, nếu nói có sự kiện thấy là do kết hiệp mà thấy hay là không do kết hiệp mà thấy? Cả hai đều không đúng. Vì sao? Nếu hiệp mà thấy, thì bất cứ chỗ nào có trần cảnh đều phải có căn và ngã, song điều ấy không đúng thế nên không hiệp. Nếu không hiệp mà thấy thì căn, ngã và trần mỗi cái ở riêng mỗi nơi mà vẫn có sự thấy; thế mà không thấy. Vì sao? Như mắt đây, không thấy chiếc bình ở cách xa. Thế nên, cả hai đều không thấy.

Hỏi: Ngã, ý, căn, thân; do bộ tư này có hiệp nên phát sanh cái biết; có thể nhận biết, cái bình, cái áo, vạn vật. Thế nên, có cái thấy, cái bị thấy và người thấy.

Đáp: Điều ấy trong chương “lục tình” đã phá. Nay sẽ nói thêm. Ông nói, do bốn sự thể ấy hiệp, nên cái biết phát sanh. Cái biết đó là do thấy bình, y v.v… các vật rồi mới phát sanh; hay là chưa thấy mà phát sanh? Nếu thấy rồi mới phát sanh thì cái biết vô dụng. Nếu chưa thấy mà phát sanh, tức là chưa hiệp, làm thế nào có cái biết phát sanh? Nếu nói bốn sự thể một lúc hiệp thì cái bị biết phát sanh cũng không đúng. Nếu sanh một lúc thì không có quan hệ đối đãi? Vì sao? Trước có bình; kế đó, thấy; sau nữa, cái biết phát sanh. Cùng một thời thì không có trước sau. Cái biết không có nên cái thấy, cái bị thấy và người thấy cũng không. Như thế các pháp như huyễn như mộng, không có tướng quyết định, làm thế nào mà có hiệp; vì không hiệp nên không.

Lại nữa:

164)Nhiễm với cái bị nhiễm,

Và người nhiễm cũng thế.

Ngoài ra, nhập, phiền não,

Đều cũng như thế cả. [2] 

Cũng như cái thấy, cái bị thấy và người thấy không hiệp. Do đó, cái nhiễm, cái bị nhiễm và người nhiễm cũng không hiệp. Cũng như nói về bộ ba, cái thấy, cái bị thấy, người thấy; nói về các bộ ba khác thuộc về các nhập, như cái nghe, cái bị nghe, và người nghe cũng vậy. Cũng như nói về bộ ba, cái nhiễm, cái bị nhiễm và người nhiễm; nói về các bộ ba thuộc các phiền não như, sân, người sân và bị sân v.v… cũng giống vậy.

Lại nữa:

165)Pháp dị mới có hiệp,

Thấy, vân vân, không dị.

Vì tướng dị không thành,

Thấy, vân vân, sao hiệp. [3] 

Phàm sự vật gì đều do dị biệt mà có hiệp. Nhưng không thể tìm thấy tướng dị biệt của cái thấy v.v…; thế nên không hiệp.

Lại nữa:

166)Không những, những cái thấy.

Tướng dị không thể có.

Mà tất cả các pháp,

Đều không tướng dị biệt. [4] 

Không những tướng dị biệt của bộ ba gồm cái thấy, bị thấy, người thấy v.v… không thể có; mà tất cả các pháp cũng đều không có tướng dị biệt.

Hỏi: vì cớ gì không có tướng dị biệt?

Đáp:

167)Do dị có dị biệt,

Dị lìa dị không dị.

Pháp nào do nhân sanh,

Pháp ấy không khác nhân. [5] 

Cái mà ông nói là dị biệt, cái dị biệt ấy do có sự dị biệt khác mà thành ra dị biệt. Lìa sự thể dị biệt ra không thể nói có dị biệt. Vì sao? Nếu pháp từ các duyên phát sanh, pháp ấy không dị biệt với nhơn của nó. Vì nhơn hoại diệt thì quả cũng hủy diệt. Tỉ như, nhơn kèo, đòn tay v.v…, có nhà. Nhà không khác kèo đòn tay; kèo và đòn tay v.v.. hoại diệt, nhà cũng theo đó hoại diệt.

Hỏi: Nếu có sự thể dị biệt một cách xác định, thì có lỗi gì?

Đáp:

168)Không từ dị mà dị,

Cái khác cũng thành dị.

Không từ dị không dị,

Thế nên không sự dị;2 [6] 

Nếu lìa cái dị biệt xuất xứ mà có sự dị biệt, thì từ bất cứ sự dị biệt nào cũng có thể có sự dị biệt này. Nhưng sự thật thì lìa cái dị biệt làm xuất xứ không có sự dị biệt, do đó không có sự dị biệt nào khác. Cũng như lìa sự dị biệt của năm ngón tay mà có sự dị biệt của nắm tay, thì sự dị biệt của nắm tay có thể có sự dị biệt của nó nơi các vật khác như cái lu chẳng hạn. Nhưng ở đây, lìa sự dị biệt của năm ngón tay, không có sự dị biệt của nắm tay. Thế nên sự dị biệt của nắm tay không có sự kiện dị biệt ở nơi cái lu các thứ.

Hỏi: Trong kinh của tôi[3] nói, tướng dị biệt không từ các duyên phát sanh, nhưng do phân biệt với tướng phổ quát mà có tướng dị biệt. Do bởi tướng dị biệt mà có sự thể dị biệt.

Đáp:

169)Trong dị không tướng dị,

Trong không dị cũng không.

Vì không có tướng dị,

Không dị biệt đây kia. [7] 

Ông nói vì phân biệt với tướng phổ quát nên có tướng dị biệt; do bởi tướng dị biệt mà có sự thể dị biệt. Nếu vậy, tướng dị biệt từ các duyên phát sanh, như thế là chấp nhận nó là pháp do các duyên; vì lìa tướng dị biệt sẽ không có sự thể dị biệt được. Tướng dị biệt nhơn pháp dị biệt mà có, không thể đơn độc mà thành. Nay trong pháp dị biệt cũng có tướng dị biệt. Trong pháp không dị biệt cũng không tướng dị biệt. Vì sao? Nếu tướng dị biệt ở trong pháp không dị biệt thì chẳng gọi là pháp dị biệt. Nếu cả hai trường hợp đều không tức không có tướng dị biệt, vì tướng dị biệt không có, pháp này và pháp kia cũng không. Lại nữa, vì pháp dị biệt không có nên cũng không hiệp.

170)Pháp ấy không tự hiệp,

Pháp khác cũng chẳng hiệp.

Người hiệp cái đang hiệp,

Và pháp hiệp đều không. [8] 

Chính pháp này không kết hợp với tự thể của pháp này, vì là một; cũng như một ngón tay không thể tự hiệp. Pháp khác cũng không hiệp, vì khác. Sự thể khác thành rồi không cần hiệp nữa. Như thế mà suy nghĩ, pháp hiệp không thể có. Thế nên nói, tác giả hiệp, cái đang hiệp, và sự kiện hiệp đều không thể hiện hữu.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tức chương V “Quán lục tình.”

[2] Quán hiệp nghĩa là quán các pháp hòa hiệp nhau, hay không hòa hiệp nhau. Trong câu 179, Long Thọ Bồ tát đưa ra một tỉ dụ: Sự thấy (kiến), vật bị thấy (khả kiến) và người thấy (kiến giả) ba thứ vị trí ở khác nhau, làm thế nào mà hòa hiệp được. Mắt thì ở tại thân, sắc trần ở ngoài thân, người thấy (bản ngã) thì ở trong thân hoặc khắp các chỗ. Vị trí trú xứ khác nhau không thể hiệp lại đươc.

2 Câu 181 nói túng sử như dị pháp, nghĩa là pháp tướng khác nhau, chính nó có thể hiệp. Như vậy khi thấy cũng như lúc nghe, lúc nếm, … không khác nhau. Sự thật thì thấy, nghe và nếm có khác nhau nên dị tướng hiệp không thành. Khác hay không khác, khác khác hay không khác khác, ngoài những thứ này không có gì gọi là khác. Do đó phân biệt mà có khác hay không khác, hiệp hay không hiệp. Nếu biết rằng các pháp là duyên sanh. Cố định một bên một thứ đều là sai lầm thiên kiến; người hiệp, pháp hiệp, lúc hiệp là huyễn hóa. Tất cả đều không. Hợp tan là lý đương nhiên của luật sanh diệt…..

[3] Cát Tạng, Trung quán luận sớ 7: đây là chủ trương của Thành thật luận. TS

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant