- Tuyển tập 01
- Tuyển tập 02
- Tuyển tập 03
- Tuyển tập 04
- Tuyển tập 05
- Tuyển tập 06
- Tuyển tập 07
- Tuyển tập 08
- Tuyển tập 09
- Tuyển tập 10
- Tuyển tập 11
- Tuyển tập 12
- Tuyển tập 13
- Tuyển tập 14
- Tuyển tập 15
- Tuyển tập 16
- Tuyển tập 17
- Tuyển tập 18
- Tuyển tập 19
- Tuyển tập 20
- Tuyển tập 21
- Tuyển tập 22
- Tuyển tập 23
- Tuyển tập 24
- Tuyển tập 25
- Tuyển tập 26
- Tuyển tập 27
- Tuyển tập 28
- Tuyển tập 29
- Tuyển tập 30
- Tuyển tập 31
- Tuyển tập 32
- Tuyển tập 33
- Tuyển tập 34
- Tuyển tập 35
- Tuyển tập 36
- Tuyển tập 37
- Tuyển tập 38
- Tuyển tập 39
- Tuyển tập 40
- Tuyển tập 41
- Tuyển tập 42
- Tuyển tập 43
- Tuyển tập 44
- Tuyển tập 45
- Tuyển tập 46
- Tuyển tập 47
- Tuyển tập 48
- Tuyển tập 49
- Tuyển tập 50
Tuyển tập 10 bài – Tình Tự Quê Hương 27
Thơ Mặc Giang
macgiang@y7mail.com; thnhattan@yahoo.com.au
01. Tình tự mênh mông
02. Đi vào giấc ngủ ngàn năm
03. Tiếng khóc cội nguồn
04. Không thương tiếc
05. Vùi sâu Đất Mẹ
06. Đau lòng Non Nước
07. Hãy vẽ hãy tô
08. Son Sắt tôn thờ
09. Khép lại đôi bờ
10. Mảnh rách nát
Tình Tự mênh mông
Tháng 9 - 2007
Bút nghiên nát mực phong trần
Bụi đường còn tiếc lòng nhân chưa tàn
Luân hồi, từ độ lang thang
Ðến nay, chưa mỏi trên đàng phù sinh
Em ơi, luôn giữ bóng hình
Trong ta, còn có bên mình với ta
Dù cho chỉ một sát na
Hay rong khắp nẻo ta bà xưa nay
“Có, thì có tự mảy may
Không, thì cả thế gian này cũng không”
Nên ta, không có mùa đông
Không nghe hạ nắng, không bồng thu sang
Không trông xuân thắm mơ màng
Không đem trăng, vắt trên ngàn, chờ sao
Em ơi, đừng đợi chiêm bao
Nhìn xem trước mặt, cây đào trổ bông
Ðan tay, mạng mạch khơi dòng
Ðan tâm, trang trải, mở vòng trùng vây
Không chung, mà cũng chẳng tây
Trống không, mà lại đong đầy tâm như
Càn khôn, nhìn, chẳng chỗ dư
Nhét trong hạt cải, thái hư hiện hình
Trông ta thấy cả đến mình
Trơ vơ một cõi, tự tình mênh mông.
Ði vào, Giấc ngủ ngàn năm
Tháng 9 – 2007
Em ở đâu, và làm gì
Chị ở đâu, và làm gì
Anh ở đâu,và làm gì
Ta vẫn còn nhau, và gọi đúng tên nhau
Em ở đâu, và làm gì
Chị ở đâu, và làm gì
Anh ở đâu, và làm gì
Tuy sống khác nhau, nhưng chung một niềm đau
Tôi biết rằng,
Em đã thấy
Chị đã thấy
Và anh đã thấy
Nước trường giang, đã triều dâng, bão thổi
Sóng biển đông, đã bạc trắng Trường Sơn
Không cần lời lẽ thiệt hơn
Tràn ngập lệ buồn đất mẹ
Không cần chôn vùi quạnh quẽ
Cảm rung nhức nhối thiên thu
Thịt da anh,
Thịt da chị,
Thịt da em,
Thịt da tôi,
Ðã nổi những khối u
Ði vào tâm can, cốt tủy
Máu, biết bao lần nghẽn chảy
Tim, biết bao lần tắt ngang
Thẩm thấu tự nguồn cơn
Xuyên qua tế bào, tóc tơ, mạch thở
Phải thế không anh
Phải thế không chị
Phải thế không em
Dù ai có ngủ quên
Vẫn lắng nghe và giật mình trổi dậy
Ðón nhận sâu xa tình tự
Ði vào giấc ngủ ngàn năm.
Tiếng khóc cội nguồn !
Tháng 9 – 2007
Sao tôi khóc, khi không còn nước mắt
Bởi niềm đau, đào mạch lệ khơi dòng
Rồi con tim lại gảy khúc lăn tăn
Tạo thành giọt nối dài tuôn hai lối
Sao tôi khóc, em ơi, đừng có hỏi
Nếu nói ra, giọt lệ sẽ nghe đau
Như tang thương đã tràn ngập biển dâu
Như muối mặn đã mênh mang bốn biển
Nước mắt chảy mà không cần lên tiếng
Chỉ những ai chín rụng nỗi niềm tây
Sẽ biết nghe tiếng khóc phủ trời mây
Tràn lấp cả ruộng đồng, ao hồ, sông núi
Nước mắt đó sẽ tràn lên khắp phố
Sẽ băng lên khắp thân thể châu thành
Sẽ biến thành hồn lệ sử long lanh
Ðốt ngọn lửa soi Ðền Thờ Tổ Quốc
Ta sẽ thấu thuở đầu đời dân tộc
Ta sẽ nhuần đến muôn thuở vị lai
Chữ Việt Nam chỉ có một không hai
Chữ Hồng Lạc chỉ thế ư, bất nhị
Nước mắt ấy, đã chảy từ vô thỉ
Khi Tổ Tiên dạy hai tiếng thương yêu
Khi Cha Ông luôn răn bảo nhiễu điều
Và cháu con phải nâng niu gìn giữ
Nước mắt ấy, không là lời than thở
Không là lời thán oán : nát phân ly
Không là lời cầu nguyện : thắp kinh kỳ
Mà là mạch sống của tình thương, nguồn cội
Tôi không nói, nghĩa là tôi đã nói
Vì tôi nghe tiếng khóc của Ông Cha
Vì tôi nghe tiếng khóc nước non nhà
Hiểu tiếng khóc, mới biết :
Gục đầu, lặng câm, nâng niu, gìn giữ !!!
Không thương tiếc !
Tháng 10 – 2007
Chợt nhớ xưa, thời Vua Hùng mở nước
Lập hoàng thành dinh thự ở Phong Châu
Tới Cổ Loa rồi lại tới Thăng Long
Bao triều đại đã dày công xây dựng
Nay, nền cũ điêu tàn còn đâu móng
Bóng thời gian tàn tạ nét tiêu sơ
Nhớ Ông Cha, nhớ từ thuở dựng cờ
Giống Lạc Hồng trải ngàn năm văn hiến
Thế hệ chúng ta, trăm năm lận đận
Cái móng lỏng chân, chống đỡ cái nền
Thể chưa thành, đã chỏng gọng chênh vênh
Vậy mà cứ lòm khòm khom khú đế
Phết nhũng lạm, đeo tước hàm lễ mễ
Ðội tham ô, đục khoét thấu xương khô
Vẫn ghi công, vẫn tán thưởng, hoan hô
Thân đất Mẹ nát tan đầy thương tích
Tấm thân Cha khép hoàng hôn cô tịch
Thương tiền nhân, mây kéo gởi phù vân
Gió bụi bay tàn tạ, nát phong trần
Mưa nắng gội, rong rêu đan mấy lớp
Thế hệ chúng ta, vàng thau hỗn tạp
Trắng đâu còn mà lại nhắc chi đen
Mang hoang tưởng lò mò trong bóng đêm
Thì thử hỏi làm sao không nông nỗi ???
Thế đạo suy vi điên đảo
Nhân tâm thán oán ly tan
Dân tộc tan tác trăm đàn
Quê hương còn chi để nói
Ðốt ngọn lửa huy hoàng,
Dẹp tan đi hơi khói
Cây rỗng ruột hư hao
Trùng mối đục rã rời
Không lý do đục khoét hết đời
Dòng lịch sử cuốn phăng không thương tiếc !!!
Vùi sâu đất mẹ !
Tháng 10 – 2007
Ðã lâu rồi, đồng khô không lúa chín
Bên bờ dâu, nắng đổ, cháy mạ non
Cỏ lưa thưa, gục ngọn, nép vệ đường
Cây ủ dột, ngả màu, nghiêng bóng núi
Nghe thăm thẳm, lối mòn xưa khẽ nói
Những rong rêu tàn tạ phủ lên màu
Cả bọt bèo cũng thấy thấm niềm đau
Huống chi bãi xát xây mùi tang hải
Lúa vàng vọt trên đồng khô nắng cháy
Mạ gục đầu chưa kịp chớm mầm non
Sắt còn đâu mà xa xót vết son
Lòng đất mẹ tỉ tê, chồng thương tích
Ngay cả, mới đầu hôm cô tịch
Mà canh thâu đã khóc tiếng đêm dài
Ngay cả, chưa dậy nắng ban mai
Mà hoàng hôn đã chực chờ bao phủ
Chiều buông xuống, bờ cây không ủ rũ
Sức còn đâu mà cục cựa loay hoay
Gió thì thầm phe phẩy ngọn heo may
Rung từng nét tải tê tim rỉ máu
Nhốt bóng đêm, đầy hàng rào, hàng giậu
Che vườn không, đã chết đứng tiêu điều
Nhà không nóc, mà cột cũng liu xiu
Chờ ngã gục vùi sâu thêm đất mẹ.
Ðau lòng non nước
Tháng 10 – 2007
Nhìn xem nước đổ về sông
Từ nguồn tới ngọn giữa dòng can qua
Nước đâu có mãi la đà
Khi chạm vỡ óc, khi va vỡ đầu
Khi buồn, con nước rầu rầu
Khi đau, con nước nao nao mấy lần
Trải qua bao độ phù vân
Non xanh nước biếc phong trần ngửa nghiêng
Trải qua bao độ đảo điên
Non long thế núi, nước long thế bờ
Tơi bời, bọt sóng xác xơ
Tan hoang non nước, dại khờ hồn đau
Muốn cho non nước một màu
Bầm gan, tím ruột, nát nhàu như tương
Cũng vì tổ quốc, quê hương
Thịt da nát vóc, máu xương nát hình
Ai nghe non nước quê mình
Thức dậy đi, hay trùm mền mà tru
Một mai về với thiên thu
Khoanh tay, nhắm mắt, gật gù, dạ thưa
Ðau lòng non nước, hay chưa ???
Hãy vẽ, hãy tô
Tháng 10 – 2007
Em hãy vẽ, bức tranh quê hương gấm vóc
Anh hãy tô, bức tranh rạng rỡ dư đồ
Hiện rõ từng đốt xương, da thịt tàn khô
Từng trang sử đi qua, chan từng máu lệ
Máu lệ đó, dù trải qua ngàn năm, vẫn nhớ
Tàn khô kia, dù trải qua muôn đời, vẫn thương
Mỗi thế hệ, xây đắp mọi con đường
Non nước này, núi sông này, lẫm liệt
Thoáng cây rung, ta nghe ngàn da diết
Mắt rưng rưng, ta nghe nhũn tâm tư
Mẹ Việt Nam, ôi đẹp quá, thế ư
Cha Việt Nam, ôi cao ngần, tuyệt mỹ
Tiếng giá gương, bay xa ngàn thiên lý
Tiếng tự tình, lay động vạn mến thương
Chân bước đi, lòng trĩu nặng vấn vương
Bờ núi đá, vết hằn ghi đậm nét
Gió Trường Sơn, lộng rừng, núi thét
Sóng Biển Ðông, triều dậy, bão dâng
Giống Rồng Tiên cao tột như thần
Giòng Hồng Lạc thanh thiên như thánh
Bức tranh đó, vạn niên, vạn thọ, diên khánh
Dư đồ kia, vạn thời, vạn thế, vạn linh
Ta bước chân đi, quê hương non nước của mình
Tình chứa chan tình, non sông muôn đời bất diệt.
Son sắt tôn thờ
Tháng 10 – 2007
Tôi khóc bởi, nước mắt mẹ đã chảy
Tôi đau bởi, mái tóc cha úa màu
Tôi buồn bởi, em, da thấm thịt thau
Tôi thương bởi, người, đeo khối sầu vạn kỷ
Khóc, không có nghĩa gục đầu, rên rỉ
Ðau, không có nghĩa cúi mặt, khoanh tay
Buồn, không có nghĩa ngậm đắng, nuốt cay
Mà xoáy lở những tường thành băng giá
Gia tài của mẹ, không ai có quyền tàn phá
Mảnh đất của cha, không ai có quyền xéo dày
Lịch sử xưa nay, không ai có quyền đổi thay
Non nước ngàn năm, không ai có quyền xúc phạm
Ðẩy tan đi những sắc màu buồn thảm
Quét sạch đi những bóng dáng tối tăm
Xóa tan đi những cặn bã nhục vinh
Tô thắm lại, cái đẹp rạng ngời hồn thiêng sông núi
Con cháu Lạc Hồng, là những con người dời non lấp biển
Giòng giống Rồng Tiên, là những con người đội đá vá trời
Chứ không phải là một phường lang, sói, chồn, dơi
Mà núp, ló, đỡ, khom, đục, chui, rỉa, khoét
Ta đắp lại những hoang tàn đổ nát
Ta xây lại mảnh xơ xác dư đồ
Biết trân trọng những vụn vỡ, tàn khô
Thành tượng đài sáng soi vàng son gấm vóc
Tiếp nối nhau, đời sau qua thuở trước
Non nước này là hậu thế của Văn Lang
Của con cháu Rồng Tiên nước Việt huy hoàng
Hùng dũng hiên ngang, ngẩng đầu đi tới
Nước Việt Nam của người Việt Nam, một cõi
Non Việt Nam của người Việt Nam, một phương
Là người Việt Nam, nắm tay nhau, vững bước lên đường
Quét sạch tất cả những rong rêu, bọt bèo, băng tảng
Những tàn dư rách nát, hãy cúi đầu cội nguồn khói quyện
Những ý hệ lai căn, hãy phủ phục Tiên Tổ uy linh
Từ hôm nay, ta đi trên nước non mình
Vào ngày mai, cháu con truyền trao gìn giữ.
Khép lại đôi bờ
Tháng 10 – 2007
Dòng sông nước chảy đôi bờ
Ai thương ai nhớ ai chờ đợi ai
Sóng xô sợi ngắn sợi dài
Lênh đênh mặt nước, bèo cài hoa trôi
Thuyền ai thấp thoáng xa khơi
Đêm đêm sương lạnh trăng soi lững lờ
Đôi bờ sóng vỗ nhấp nhô
Xa xa cát trắng mịt mờ trời mây
Bên cầu ngọn gió heo may
Bờ mi khép lại niềm tây gợn màu
Sông dài nước chảy về đâu
Lăn tăn hai ngả giọt châu vo tròn
Dấu mờ phủ kín héo hon
Chìm sâu cô lữ, lối mòn nghe đau
Sông trăng mặt nước rầu rầu
Lang thang chiếc bóng đêm thâu lạnh lùng.
Mảnh rách nát
Tháng 11 – 2007
Biển tang thương tha hồ mà tơi tả
Bãi nương dâu tha hồ mà xéo dày
Cho cạn tàu ráo máng, chẳng nương tay
Bao chiêu thức, đánh tan hoang chí tử
Thời tin học, càng tinh vi đấy chứ
Chỉ phút giây, bấm nút thế là xong
Con đường tung, vút cho hết điểm cong
Con đường hoành, vút tận cùng ngằn mé
Bắn tơi tả, không còn đâu giới tuyến
Bắn tơi bời, không còn đâu lằn ranh
Bung ta lông, không còn chút tơ mành
Chừa chỗ hậu mà che manh chiếu rách
Bao chữ nghĩa được dùng, hơn sử sách
Phiếm cứ gõ, đâu có ngại mực khô
Chữ lá cải, chữ ở chợ, chữ tục ô
Thi nhau đổ vào rừng hoang văn hóa
Nhớ câu người xưa : bút sa gà chết
Lại nhớ cổ nhân : uốn lưỡi bảy lần
Người cầm bút, mang danh văn sĩ, văn nhân
Người tế thế, mang danh chính nhân, chính khách
Vậy mà, cái gì cũng đem ra nói tách bạch
Viết tứ tung, viết tán loạn, không còn chữ khen chê
Người có học, giỏi hơn người dân giả, nhà quê
Ăn, nói, viết, giới ít học không thế nào hiểu nổi
Dân nhà quê chỉ biết i tờ mấy chữ
Vần ngược xuôi chưa qua khỏi trường làng
Không khua chiêng những hạ cám thượng vàng
Không đánh trống những đầu môi chót lưỡi
Làm dân quê, chân lấm tay bùn lam lũ
Cuốc đất, trồng khoai, bầu bí ngô đồng
Không biết gì cái mâu, cái thuẫn, cái tang, cái bồng
Mảnh rách nát của thế nhân xâu xé.