Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Đường Về Minh Triết

19 Tháng Tư 201400:00(Xem: 9217)
Đường Về Minh Triết


Đường Về Minh Triết


* Thơ  

* Truyện ngắn, tản bút  

* Tư tưởng, kinh nghiệm Thiền…  

* (Viết từ 1989 đến 2005)
Nhà xuất bản Văn Nghệ 2007

duong_ve_minh_triet

 LỜI NÓI ĐẦU

 

* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ,

là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền;

mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ,

cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.

 

* “Đường về minh triết” là con đường vô cùng

 tận; con đường của khát vọng muốn thấy rõ“vầng

 trăng và đám mây”…

* Ước mong cuốn sách này mang lại ít nhiều thiện

 ích cho bạn đọc.

* Chân thành cảm ơn những tấm lòng đã góp phần

 để tác phẩm được xuất bản.

 

TUỆ THIỀN (Lê Bá Bôn)

 PHẦN I

 

 THƠ

(Thơ & thi kệ)

 

Bài Toán Cuộc Đời

 

Đáp số là Hạnh Phúc, ai cũng biết

Nhưng bài toán cuộc đời nát óc những tài hoa!…

Bao Nguyễn Du sợ hồng trần oan nghiệt

Khuyên tình yêu về nương bóng cà sa

 

Anh may mắn giải được bài toán khó

Đã biết đem hữu hạn chứa Vô Cùng

Lóng vị Thiền từ sắc màu trần tục

Giữa vô thường, lấp lánh tâm xuân.

 

(Trang 7)

-----------

 

Gặp Lại Vầng Trăng

 

Chen lấn mười năm quên ngắm trăng

Về quê gặp lại giữa đêm rằm

Trăng ngoài ấy, trăng trong ta hội ngộ

Lợi danh nào đổi được ánh trăng tâm?

 

(Báo Giác ngộ, 12/02/2004)

(Trang 8)

------------

 

Một Nét Quê Em

 

Tôi về Bà Rịa mùa Noel

Mùa trời đất thanh thản nhân từ

Nơi đây ngày đông quên giá rét

Nên lũ cò nhẹ cánh nhàn du

 

Bà Rịa có em thêm yêu thương

Thêm tâm hồn phai nhạt nhiễm ô

Cơm áo không lấp vần thơ cũ

Li chanh đường mát ngọt ước mơ

 

Nét đồng nội dịu hiền ánh mắt

Phố thay dáng mới vẫn hương xưa

Chân tình nên nối dài yêu mến

Đường ngoại ô hoa nắng đong đưa

 

Những cánh hồng cùng em khoe thắm

Những nụ cười nửa lạ nửa quen

Tôi cứ để lòng tôi lãng đãng

Điểm xuyết tha phương một nét tình.

 

(Trang 9)

-----------

 

Trầm Tư Hi Mã

(Gửi người bạn nhà giáo)

 

Thời thực dụng, thế tình đầy khom cúi

Chỉ trầm tư Hi Mã cứu nhau thôi

Chắn bão táp những mái đầu thơ dại

Để nghìn sau còn gặp gỡ Con Người.

 

(Trang 10)

-------------

 

Thiên Chức Thi Ca

 

Kẻ vô sỉ đang khoác danh trí thức

Hối lộ, tham ô… cười cợt thánh hiền!...

Ai có thể ung dung Chân-Thiện-Mĩ

Nếu thiếu vần thơ thanh khiết trái tim?

Nên em ơi đừng ghép thơ với thẩn

Kẻo mai sau nát hết cháu con mình

Dù hồn thơ không chức quyền phú quý

Giữa xô bồ, lan toả ánh tâm minh.

 

(Trang 11)

-------------

 

Tình Yêu Cúc Vàng

 

Ánh mắt em mang mùa xuân đến sớm

Trái tim tôi Thượng Đế cấy tình yêu

Tôi trân trọng - thôi gian tham trái cấm

Để sắc hương đọng mãi giữa vô cùng

 

Đã si dại tìm tình trong dục lạc

Bao ghét ghen đóng bít cửa thiên đường!

(Thượng-Đế-trong-ta muôn đời có mặt

Khi cõi lòng biết tỉnh thức-yêu thương)

 

Những cay đắng giờ hoá thân minh triết

Tôi yêu em như yêu nét cúc vàng

Quên rét mướt, gọi mùa xuân đến sớm

Sắc dịu hiền cứu rỗi trái đất đau.

 

(Báo Công giáo & Dân tộc, tháng 01/2003)

 

(Trang 12)

-------------

 

Tôi Nghe…

 

Tôi nghe dưới cơn địa chấn

Có lòng đen tối của mình

Nghe chút nhân từ hoà ái

Sáng trong thánh thót tiếng chim

 

Nghe nhành hoàng mai điểm nụ

Động hồn xuân triệu thiên hà

Nghe thiền tâm vừa tỉnh thức

Thật biết yêu người - yêu ta

 

Nghe bước luân hồi thăng hoa

Tạm cư vì sao Minh Triết

Nghe giữa bất sinh - bất diệt

Hoá thân Bồ tát đi - về…

 

(Trang 13)

-------------

 

Tĩnh Tâm Ở Quán

 

Trầm tư quán cóc ven đồi

Hương cà phê sớm quyện lời tâm kinh

Thương người tất bật vô minh

Chút vui xanh xám bên nghìn đắng cay.

 

(Trang 14)

-------------

 

Không Đề

 

Chất chứa những cằn nhằn

Hồn lô nhô sỏi đá!...

Chút lặng thầm hỉ xả

Sỏi đá dậy hồn thơ…

 

(Trang 15)

-------------

 

Hồn Quê

 

Cha đem chôn xác con chim nhỏ

Không để nanh mèo xé tuổi thơ…

Bốn mươi năm, tôi còn nhớ rõ

Hồn quê ngày ấy thắm nhân từ.

 

(Báo Giáo dục & Thời đại, 01/02/2001)

(Trang 16)

-------------

 

Đêm Ở Núi

 

Đêm ở núi tâm hồn thành hiền triết

Quên nhỏ nhen để thấy ánh trăng sao

Gió đại ngàn ngấm vào từng suy tưởng

Hương lan rừng xoa dịu những thương đau

 

Đêm ở núi chợt đáy lòng an định

Tiếng chuông khuya ngân từ cõi vô tâm

Và lời kinh đến từ miền vĩnh tịch

Trái tim đập từng khoảnh khắc nghìn năm…

 

Về phố chợ mang theo đêm ở núi

Giữa bon chen, cười nói bỗng nhân từ

Đã cung thỉnh Vô Cùng vào hữu hạn

Thì sá gì những được mất hơn thua.

 

(Trang 17)

-------------

 

Đau Buồn Của Chị

 

Hồn phong kiến vấn vương

Chị thâm quầng ánh mắt

Cái thằng-cu-tông-đường

Vào giấc mơ nát ruột!

(Trang 18)

-------------

 

Về Từ Biển Chiều

 

Quên mình giữa bãi chiều hôm

Tan hoà bọt sóng nghìn trùng biển xanh…

Trở về với thị với thành

Nao nao thương cảm những thân nghêu sò.

(Trang 19)

-------------

 

Bước Chân Hiền Triết

 

Áo bồng bềnh đời du tăng khất sĩ

Mắt bình yên nhìn thế sự phù vân

Trao thức giả lời ngọc vàng minh triết

Tặng hiền nhân niềm cảm hứng nhân văn

 

Từng bước nhẹ vô danh cùng hoa cỏ

Bình bát bao dung đón nhận khen-chê

Trí siêu việt giữa tâm hồn khiêm hạ

Thấy Đạo rồi: tình thắm đượm từ bi.

 

(Báo Giác Ngộ, 14/10/2004)

(Trang 20)


Nỗi Đau

 

Hôm đưa bạn tôi vào phòng mổ

Mới thấu nỗi đau cái cuốc cái cày

Tưởng to lắm mấy trăm nghìn thắt lưng ngô lúa

Nào ngờ chưa đủ… lót tay!

 (Trang 21)

-------------

 

Tiếng Chuông Chùa Quê Tôi

 

Tôi nhớ mãi làng quê tôi thuở ấy

Có mái chùa xưa che chở tâm linh

Ngày mưa nắng bao nẻo đường cơm áo

Tiếng chuông chùa khêu sáng ánh tâm minh

 

Chúng tôi lớn khôn theo tiếng chuông chùa

Tuổi thanh xuân sống quyện hoà ánh đạo

Xoá tự ti, bỏ gian tham, kiêu ngạo

Người gặp người trong đạo lí từ bi

 

Bùng chiến tranh, làng tôi thành tang trắng

Khói lửa đạn bom cày nát quê hương

Kể từ ấy tiếng chuông chùa biệt xứ!…

Mấy chục năm trời nhớ thương nhớ thương

 

Ôi mơ ước tiếng chuông xưa trở lại

Thức tỉnh nguồn xuân trí tuệ-tâm linh

Để làng tôi sống mãi tình quê cũ

Để trao nhau trọn vẹn ánh thanh bình.

 (Trang 22-23)

----------------

 

Nỗi Buồn Lấm Đất

 

Trút hơi thở sau một ngày kiệt lực

Bác nông dân chưa kịp giã từ con

Vết nứt nẻ trên tay bùn chân lấm

Nhìn lũ chúng tôi, thầm lặng tủi hờn

 

chúng tôi những hình nhân trí thức

Lánh ruộng đồng và coi rẻ nông dân

Bưng bát cơm - quên tâm hồn đất nước

Lòng đen ngòm danh lợi kẻ vong ân!...

 

Nhìn mặt bác, nỗi buồn tôi lấm đất

Thói tự hào bật khóc trước quê hương

Tôi quỳ xuống hôn cuộc đời chất phác

Nhớ những đắng cay - nhớ những bát cơm…

 (Trang 24)

-------------

 

Phục Sinh

(Độc ẩm đón thiên niên kỉ mới)

 

Thiên niên kỉ mới

Nhú lên dưới gốc mai già

Tôi độc ẩm

Trầm tư ngày-tận-thế-của-chính-mình

 

Sự Sống không có kết thúc

Tỉnh thức chết cái xám xịt tâm hồn

Phục sinh nhịp đời vô nhiễm

(Những hôm qua chưa sống thực

Chuỗi mộng mị quá khứ-tương lai ám bóng mắt nhìn)

 

Từng khoảnh khắc cái-chết-thiên-tài

Nhú lên nõn nà thanh xuân.

 

(Báo Công giáo & dân tộc, tháng 4/2003)

 (Trang 25)

------------

 

Dấn Thân

 

Từ khi lộ ánh trăng thiền

Tri ân sâu nặng cơ duyên cuộc đời

Vô ngôn sáng giữa muôn lời

Dấn thân thế sự, chẳng rời Tánh Không.

 (Trang 26)

------------

 

Em Về

 

Con đợi em về ngọt thơm mứt bánh

Anh đợi em về tươi đẹp nhành hoa…

Em về mang cằn nhằn cau có!

Xuân

Xuân ơi

Sao vội bỏ quê nhà?

 (Trang 27)

-------------

 

Ánh Mắt Em

 

Ánh mắt dịu hiền: dây tơ bền chắc

Cha mẹ cho em làm của hồi môn

Dù lòng anh giữa trăm hoa đua sắc

Vẫn nghiêng tình về một nét thân thương.

 (Trang 28)

-------------

 

 

Thương Và Nhớ

 

Chuối bên hè treo buồng như thạch nhũ

Hai con thơ náo nức gói quà nghèo…

Rưng rưng nhớ mái nhà xưa quê cũ

Xin ơn trời cha mẹ bớt gieo neo.

 (T/chí Thế giới trong ta, số 157 năm 2002)

 (Trang 29)

-------------

 

Xuân Về Từ Ánh Sáng Trời Cao

 

Khi tôi quán chiếu lòng mình

Hồn xuân âm thầm nảy lộc

Nhớ đến Chúa, trái tim thổn thức

Tình yêu sưởi ấm khóm cúc vàng

 

Tự tri: con đường ngắn nhất để trở về với Chúa

Trở về với Mùa Xuân Vĩnh Hằng

Sự thanh tẩy gieo bình yên trần thế

Thượng Đế trên cao - Thượng Đế quanh đây

 

Chúa ra đời trong hang đá…

Nhớ vậy thôi, đã héo úa những đen tối tự hào

Gánh nặng tự ti gẫy đổ

Đã ló dạng lương tri minh triết

Và nghe giữa biếc xanh hồn lá

Ríu rít xuân về từ ánh sáng trời cao.

 (Trang 30)

-------------

 

Viếng Nghĩa Trang Cuối Năm

 

Thấm nghĩa vô thường: tình bớt hẹp

Nén hương lòng xin tưởng nhớ chung…

Sợi khói vấn vương chân mộ chí

Đám mạ ven cồn thấp thoáng xuân.

 (Trang 31)

------------

 

Gặp Lại Ta-Vô-Ngã

 

Thiền định hai mươi năm

Gặp lại Ta-Muôn-Thuở

Vô niệm giữa vầng trăng

Mộng mị chừ tan vỡ.

 (Trang 32)

-------------

 

 

Nhớ Học Trò Cũ

 

Sửa được bao lỗi lầm quá khứ

Đáy lòng tôi thấp thoáng niềm vui

Chợt nỗi buồn rưng rưng cửa lớp

Vết thương em ngày ấy, bây giờ…?

 (Báo Giáo dụcThời đại, 01/02/2001)

 (Trang 33)

-------------

 

Buồn Cùng Taher Madrasswalla

 

Cọc cạch nhọc nhằn vòng quanh thế giới

Ông muốn trao thông điệp hoà bình

Nhưng trải qua mấy nghìn năm

Cái bản năng quyền lực

Đã ngấm sâu vào hành tinh

Và bom đạn bất nhân đang đi tìm

Niềm vui lấn lướt!

Và UNESCO còn mập mờ lúng túng

Giữa “con” và “người”!

 

(T. Madrasswalla là một người Ấn Độ; UNESCO là Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hoá quốc tế).

 (Trang 34)

-------------

 

Li Hôn

 

Trái tim hoá thạch đã trừ nhau

Tuổi thơ ngồi cộng nỗi buồn đau

Nhân hoài điên đảo: trần thêm tục

Cha mẹ chia…, lòng con ở đâu?

 (Trang 35)

------------

 

Dáng Núi

 

Ánh mắt khoả thân che khuất biển

Hàng cây nghe da thịt réo gào

Sáng chủ nhật biển trơ phàm tục

Hồn đại dương ẩn náu nơi đâu?

 

Từ giã biển, ta tìm đến núi

Cả đất trời một nét vô ngôn

Cánh chim cảm tạ tình che chở

Ta mang ơn khe suối cội nguồn…

 

Về phố thị… chợt như cổ thụ

Vô danh toả bóng giữa xô bồ

Đã đem dáng núi vào tâm thức

Cát bụi chợ đời không lấp nổi tiếng thơ.

 (Trang 36)

------------

 

Đi Tới Hiện Tại

 

Từng bước với đường chiều

Dưới hàng cây xanh mát

Giữa tâm hồn bát ngát

Sáng nụ cười tin yêu

 

Tôi đi trong tỉnh thức

Quá khứ? Đã qua rồi

Tương lai? Tuỳ duyên khởi

Tâm vô ngôn chiếu soi…

 

Em hỏi tôi đi đâu?

Tôi trở về hiện tại

Thiên đường không xa ngái

Dừng tâm: đã đến nhà.

 

(Báo Giác ngộ, 10/6/2004)

 (Trang 37)

------------

 

Đắm Say

 

Thuở đắm say em

Nặng ánh mắt tình nên quá tải

Chiếc thuyền đời chao đảo

Bến hạnh phúc xa tít cõi sương mù

 

Thời đắm say danh lợi

Gai lửa đầy lối đi

Hồn rát bỏng quẩn quanh ngõ cụt

Bãi chiến trường giữa trái tim si…

 

Chân phúc đến: vui trong Chánh Đạo

Tâm Xuân Bất Diệt gọi tôi về

Lòng-say-đắm neo thuyền bến giác

Vỡ chén phong trần - tỉnh cơn mê.

 (Trang 38)

------------

 

Trên Con Đường Tối Thượng

 

Tự tri: toả duyên lành cùng khắp

Giữa vầng trăng một niệm vô ngôn

Ta - người gợi sóng, nghe tức thấy

Tức lí đương nhiên, thôi nói năng…

 

Việc nói năng?

Phó thác ngày xuân muôn hoa nở…

 

Hết nghi rồi

“Chẳng dùng cầu chơn

Chỉ dứt sở kiến”

Chẳng sợ, chẳng nôn nao

Ung dung tự tỉnh…

 

Nếu kiếp này sinh tử còn vương

Kiếp sau nguyện sinh miền Đại Giác

Đồng hành bạn lữ Vô Sư Trí

Sự nghiệp muôn đời: Tâm Vô Sự

Cứu khổ chúng sinh - sự, vô tâm.

 

(Thiền viện Thường Chiếu có ghi âm bài thi kệ này, ngày 26/7/1998).

 (Trang 39-40)
----------------

 

Nhận ThứcThực Tại

 

Nhận thức là tâm ngôn

Cũng gọi là tâm hành

Diêu động mờ tâm trí

Làm sao thấy toàn chân?

 

Thực tại ví con voi

Nhận thức như gã mù

Quờ quạng theo “nhị tướng” (*)

Tưởng voi giống… quạt mo…!

 

Khi ý thức dừng lại

Ý căn thôi nói năng

Thức chuyển thành diệu trí

Thực tại tức Chân Tâm.

 

(*):Nhãn quan nhị nguyên luôn luôn bị khuôn định theo tinh thần quy ngã, theo sự hạn chế tất yếu của kinh nghiệm-kiến thức, theo bộ não bị ảnh hưởng bởi tâm lí bất bình thường.

 (Trang 41)

------------

 

Đọc Kinh “Trí Tuệ Siêu Việt” (*)

 

Kinh ví như tấm gương

Soi gương thấy tâm mình

Nếu đọc nhưng chưa thấy:

Thiếu công phu tham thiền

 

Đọc-hiểu: chỉ biết đường

Đọc-thấy: đang đi đường

Có đi thì mới đến

Hiểu cách Thấy nghìn trùng

 

 

Không nhắm Trí Bát Nhã

Tu hành chưa chính tâm

Nên Tâm Kinh Bát Nhã

Là thước đo trí nhân.

 

(*): Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh. Đọc kinh này cần nhìn lại tâm để thấy biết các trạng thái: quán tự tại, chiếu kiến, thọ, tưởng,hành, thức, vô sở đắc…

(Trang 42)

------------

 

Một Ngày Không Mất

 

Lên chùa đàm đạo cùng sư cụ

Về phố nhâm nhi chén rượu nồng

Bạn ép uống nhiều, ta chẳng uống

Sợ rồi chuếnh choáng một ngày xuân.

 

(Báo Giác ngộ, 12/2/2004)

 (Trang 43)

------------

 

Em

 

Em cười rất mực vợ hiền

Tình em xanh lại một triền đất khô

Đời anh từ thuở khoai ngô

Đến nay vẫn sáng nhịp thơ đại ngàn.

 (Trang 44)

-------------

 

Điểm Hẹn

 

Mai bỏ thân này, tạm cư Đâu Suất

Thăm ngài Di Lặc uống trà chơi

Chẳng đạo chẳng đời – vô sở trụ

Hành trình cứu khổ… ánh trăng soi.

 (Trang 45)

------------

 

Khi Ngọn-Đuốc-Đáy-Lòng-Em Thắp Sáng 

 

Khi ngọn-đuốc-đáy-lòng-em thắp sáng

Cả bao la tỉnh thức giữa mùa vui

Em bên Chúa giữa Niết-Bàn-Cuộc-Sống

Nhạc trần gian hoà điệu nhạc cung trời…

 

Em nhớ lại cái thời tăm tối ấy

Thành-quách-em dựng lập nhốt tình em

Rồi một buổi bướm vương tơ quằn quại

Đổi trao đời tiết hạnh, hoá sâu đêm

 

Lòng điên đảo: niềm vui không chân thực

Em mất em trong men đắng cuộc đời

Chút lợm ngọt ru hồn vào ảo tưởng

Những điệu màu dua mị đắm mê say…

 

Khi ngọn-đuốc-đáy-lòng-em thắp sáng

Lũ chim yêu cây lá gọi xuân về

Em gọi anh giữa Niết-Bàn-Cuộc-Sống

Hạnh phúc về ngăn lối ánh xuân đi.

 (Trang 46)

------------

 

Tự Do

 

Khi tâm hồn vút lên Hi Mã

Ta ung dung vào giữa chợ đời

Lòng mở cửa – yêu thương không vị ngã

Thì cần chi kích thích tố dựng niềm vui

 

Mọi nhãn hiệu đeo mang chừ vứt bỏ

Ta tự do tự tại giữa vô thường

Sáng chủ nhật lên đồi cao hóng gió

Trải giấc nồng ngoài tiếng hát trùng dương.

 

(Báo Giác ngộ, 17/01/1998)

 (Trang 47)

------------

 

Tan Vỡ

 

Lọ hoa sững sờ

Chén li tức tối

Lũ trẻ nhà thút thít…

Chín chẳng làm mười, tan nát nhau!

 (Trang 48)

------------

 

Nhà Thơ Đạp Xích Lô

 

Thơ thanh khiết nên chẳng thành cơm áo

Xe loanh quanh - sống đạm bạc tương dưa

Sang trọng bẩn chẳng xao lòng thi sĩ

Vầng trăng tâm soi sáng cả tư mùa.

 (Trang 49)

------------

 

Nhành Hoa Bể Khổ

 

Cái ung thư đang giày vò thân chị

Nó di căn trên khắp nẻo tâm hồn

Bà con, bạn bè ngày đêm thăm viếng

Chị vẫn nằm giữa hiu hắt cô đơn!

 

Cảm thương chị, sư cô trao tuệ quán

Kể chị nghe chuyện Bồ tát xả thân

Giảng chị nghe về luân hồi, Phật tính

Về từ bi, vô ngã, cõi bình an…

 

Rồi ánh xuân cũng ghé vào bể khổ

Góc giường thiền thầm lặng một nhành hoa

Giữa cơn đau, sáng niềm-tin-Bồ-tát:

Vạn nẻo tâm linh đâu cũng quê nhà. (*)

 

(*): Nhớ câu thơ danh tiếng của một thiền sư: Trong ba nghìn cõi ấy / Nơi đâu cũng là nhà.

 (Trang 50)

------------

Hoa Cỏ

 

Cỏ dại ven đường

Hồn nhiên điểm nụ

Giữa chút tầm thường

Bao la hội tụ.

 

(T/chí Tài Hoa Trẻ, Xuân 2001)

 (Trang 51)

------------

 

Tìm Lại Chính Mình

(“Khuôn mặt thật muôn đời” của sự sống chúng ta là gì? Làm sao để ngộ?)

 

Đừng khẳng định “tôi”

Là thân xác này

(Xác thân tan rã

Luân hồi còn đây)

 

Đừng khẳng định “tôi”:

Cảm giác, nghĩ suy…

(Huyễn tướng duyên hợp

Càng chấp càng si)

 

Sống tức “tôi là …”

Vậy Chân Ngã đâu?

Giác tâm vô trụ

Tịch Chiếu nhiệm mầu…

 

Lời xưa thánh triết

Minh sư trao truyền

Thành tâm tự ngộ

Xa dần đảo điên.

 

(Trang 52)

------------

 

Ốc Biển

 

Điểm xuyết hoa văn hồn cát trắng

Lặng lẽ quên mình giữa cuộc vui

Tay ngà thiếu nữ tung nát vỏ

Ruột ứa buồn đau của đất trời!

 (Trang 53)

------------

 

Gặp Hoa Bụt Sáng Nay

 

Hoa trước cửa bao năm

Ôm đa đoan: chẳng thấy

Sáng nay lòng tự tại:

Đỏ thắm một màu dâng!

 (Trang 54)

------------

 

Bài Ca Vì Hoà Bình

 

Chúng tôi yêu hoà bình

Chúng tôi ghét chiến tranh

Đừng si mê quyền lực

Đừng tham vọng tối đen

 

tuổi thơ nơi đâu

Niềm ước mơ vẫn thế:

Hạnh phúc trong tổ ấm

Bình yên trong tiếng cười

 

Sự thật ở trên đời:

Hạnh phúc là muốn sống

Ở đâu cũng con người…

Đừng nhân danh sáo rỗng

 

Hãy dừng tay bom đạn!

Dừng cái “tôi” điên cuồng!

Hãy hát lời chân lí:

Lương TriTình Thương.

 

(Báo Giác ngộ, 10/4/2003)

 (Trang 55)

------------

 

Sóng Tình Yêu

 

Ta yêu nhau: cây đời xanh hơn

Tầng ô-dôn bớt những vết thương

Lũ chim gọi nhau về đất hứa

Gã bụi đời giũ áo bất lương

 

Ta yêu nhau: niềm tin ló dạng

Rét nứt mùa, xuân đã nhú lên

Kẻ ô trọc theo đàn sâu nhỏ

Cởi tối đen hoá cánh bướm vàng

 

Ta yêu nhau: đất trời độ lượng

Rớt hận thù khỏi ánh mắt đau

Sóng tình yêu toả lan vô tận

Tim bình yên, quên thuở nát nhàu

 

Ta yêu nhau: lòng ta trong hơn

Không để tình yêu hoá oán hờn

Nụ hôn thương nỗi đau trái cấm

Người gặp người giữa cõi bán buôn.

 

(Trang 56)

------------

 

Nghe Chim Hót

 

Nếu chẳng đất lành chim không hót

Quên Chân Thiện Mĩ: tâm lưu đày…

Vườn ta tỉnh thức cùng đất nước

Ríu rít hồn xuân ngập sáng nay.

 

(Trang 57)

------------

 

Mái Ấm

 

Chưa tan vỡ cũng đầy nứt rạn

Khi tâm hồn không chốn yêu thương

Khi nỗi nhớ không nơi an trú

Khi thuyền đời lênh đênh trùng dương

 

Nên khát khao mái ấm gia đình

Để vơi bớt muộn phiền đua chen

Để lòng còn vần thơ liêm khiết

Thắm chân tình - phai nhạt ghét ganh

 

Nên khát khao mái ấm trăm năm

Nhưng… Cõi đời là những phù vân!

Nhìn lại: bao vô thường tiếp nối

Níu chặt?... Buông lơi?... Thấy bàng hoàng!...

 

Chợt tỉnh ngộ (bao đời lưu lãng)

Tìm về Phật tính - mái nhà xưa

Dừng chân giữa quê hương tâm thức

Thanh thản vầng trăng rọi bốn mùa.

 

(Trang 58)

------------

 

Cảm Tác Về Tiếng Cười Báo Chí

 

Văn chương báo chí khéo cười

Cười buồn, cười nhộn, cười ruồi, cười đau…

Tiếng cười rửa sạch lòng nhau

Cây đời rồi sẽ thắm màu lương tri.

 

(Báo BR-VT, 23/10/2004)

 (Trang 59)

------------

 

Nghe Hoạ Mi Hót

 

Hoạ mi ơi

Nghe sao mà thánh thót!

Ta đang thất nghiệp vì không quen đút lót

Chim hót nhẹ thênh

Ta nặng trĩu nỗi buồn

 

Hoạ mi ơi

Nghe sao mà vui thế!

Ta đang đau tấm thân đời nổi ghẻ

Xảo quyệt, tham ô, trí thức rởm lúc nhúc trong từng nứt nẻ

Chim đang xuân

Ta còn hạ oi nồng

 

Hoạ mi ơi

Ta yêu, yêu lắm

Mà lòng ta chưa một với tình em!

 

(Trang 60)

------------

 

Kể Từ Có Đôi Ta

 

Ađam gặp Êva

Cuộc đời thành oan nghiệt!

Kể từ có đôi ta

Xin… như là hiền triết

 

Cứ như là hiền triết

Để anh còn tiếng thơ

Cứ như là hiền triết

Để em còn ước mơ

Cứ như là hiền triết

Để con không bơ vơ.

 

(Trang 61)

------------

 

Bạn Tôi

 

Chợt tỉnh chợt say

Chợt đời chợt đạo…

Đêm nay buông nốt men hư ảo

Vỡ tháng ngày qua giữa biển trăng.

 

(Trang 62)

------------

 

Ánh Mắt Thầy

 

Con nhớ buổi lên thăm cảnh Bụt

Thầy cho con mấy quyển sách Thiền

Phút im lặng hơn nghìn lời dạy

Ánh mắt thầy… con mãi không quên

 

Những ánh mắt phàm trần yêu-ghét

Nửa đời thêm gánh nặng lao đao

Loay hoay mãi giữa vòng kiềm toả

Khuôn mặt đầy mệt mỏi hằn sâu!

 

Ánh mắt thầy nới bao trói buộc

Rọi cho con vào cửa Tâm Kinh

Từ ấy dù còn mang nghiệp chướng

Vẫn kính yêu vô hạn đời mình.

 

(Báo Giác ngộ, 18/11/2004)

 (Trang 63)

------------

 

Sống Thiền

 

Cơm áo nhạt màu đố kị

Bài thơ lỏng nhịp bon chen

Trăng khuya đối ẩm thiền thi sĩ

Chia sẻ niềm vui với đất trời.

 

(Trang 64)

------------

 

Tình Quê

 

Tiếng chuông thấm đượm tình nương rẫy

Cứu vớt hồn ta giữa chợ đời…

Phố chật lao xao lời với lỗ

Mai về quê cũ uống trà chơi.

 

(Trang 65)

------------

 

Loà

 

Bắn rụng tiếng chim

Chú bé cười vui sướng

Mắt chú bị loà

Đâu thấy tình chim sớm!

 

(Trang 66)

------------

 

Soi Gương

 

Soi gương thấy mặt mình xinh đẹp

Dậy cả hồn xuân ánh mắt hiền

Sáng trưa chiều tối gương thành bạn

Em ngỡ cõi đời hoá cõi tiên

 

Dòng thời gian bỗng dưng khúc khuỷu

Vô thường không vị nể hồng nhan

Soi gương không gặp mùa xuân nữa

Chỉ thấy hằn sâu nỗi bất an!...

 

Rồi một buổi vâng lời sư cụ

Quán chiếu vô minh tận đáy lòng

Gương tâm hiển lộ xuân bất diệt

Từ ấy thanh bình giữa sắc-không.

 

(Báo Giác ngộ, 26/02/2004)

 (Trang 67)

------------

 

Được Tặng Chân Kinh

 

Chiều lên chùa núi trầm tư

Chim chao biếc lá hát ru cuộc đời

Sáng về thăm rẫy bên đồi

Thấy nghe vô niệm: ngộ lời Tâm Kinh.

 

(Trang 68)

------------

 

Tình Yêu

 

Quá oi nồng danh lợi

Trái tim sẽ cằn khô

Vì tình yêu cũng như hoa cỏ

Chỉ đọng sắc màu trong minh triết hồn thơ.

 

(Trang 69)

------------

 

Nghĩa Trang Quê Tôi

 

Thuở ngô khoai vai kề vai thân thiện

Nay lô nhô lớn bé nghèo giàu

Mồ mả bỗng nhiên thành giai cấp

Đã chết rồi cũng chẳng được thương nhau!

 

(Trang 70)

------------

 

Cảm Tác Đầu Xuân

(Mùa xuân đầu tiên của Thiên kỉ 3)

 

Nghe đàn chim én giục nhau

Xanh non thế kỉ nôn nao đâm chồi

Phút giây hoà hội đất trời

Cõi tâm tỉnh thức: yêu người - yêu ta…

Chén xuân chúc Thiên kỉ ba

Nghìn năm trí đức tài hoa dâng đời!

 

(T/chí Tài Hoa Trẻ, 16/5/2001-thơ phỏng hoạ; có chỉnh sửa)

 (Trang 71)

------------

 

Hải Đảo Tâm Linh

 

Hải đảo ở trong ta

Đã có tự muôn đời

Lâu rồi ta quên lãng…

Phiền não tận trùng khơi

 

Hải đảo ở trong ta

Kho báu của vĩnh hằng…

Ngây thơ ôm bọt sóng

Ta nửa đời đi hoang

 

Ôi! Hải đảo tâm linh

Ta tỉnh thức quay về

Dừng tâm là thấy bến

Thôi rong ruổi si mê

 

Ôi! Hải đảo tâm linh

Như mùa xuân thanh bình

Như tình thương của mẹ

Xin hãy về chốn xưa!

 

(Trang 72)

------------

 

Tâm Đối Xứng

 

Một bên là Thượng Đế

Một bên là cuộc đời

Biết làm tâm đối xứng:

Tỉnh Thức giữa An Vui.

 

(Thượng ĐếChân Lí Tối Thượng, là Bản Thể Vũ Trụ, là Viên Giác) (Trang 73)

------------

 

Cứu Rỗi

 

Nhận ở cửa Thiền ước mơ Phật tính

Đem lí sắc-không cứu rỗi uyên ương

Thêm hỉ xả cho cõi trần bớt tục

Cho Thị Mầu thành Bồ tát Tình Thương.

 

(Trang 74)

------------

 

Tỉnh Thức

 

Đi trên mặt đất

Với tâm-đang-là

Bỗng nhiên Tịnh độ

Xanh chồi trổ hoa

 

Một ngày lao tác

Với lời-vô-ngôn

Gặp Phật, Bồ tát

Hoá thân đời thường

 

Đêm về cô tịch

Đối ẩm cùng trăng

Đượm tình bạn lữ

Khắp cả vĩnh hằng

 

Cái “tôi” chuyển hoá

Phiền não lụi tàn

Thái dương hiển lộ

Mây đen dần tan.

 

(Báo Giác ngộ, 17/6/2004)

 (Trang 75)

------------

 

Xuân Bất Diệt

 

Ngắm mây trắng hành hương về huyễn mộng

Nghe cây xanh… xanh tận đáy lương tâm…

Xuân bất diệt bởi lòng ta trải rộng

Ta thương nhau nên yêu cả đất trời.

 

(Trang 76)

------------

 

Nhịp Sống Thăng Hoa

 

Ta cày xới gieo mầm xuân cõi tạm

Để kể công kể trạng với đất trời

“Tận nhân lực” nhưng biết “tri thiên mệnh” (*)

Nên đa đoan mà như thể rong chơi

 

Em đừng sợ nõn nà rồi héo úa

Bọt sóng vỡ tan, biển vẫn bao la

Tận nhân lực gieo mầm xuân cõi tạm…

Bên tử thần, nhịp tâm thức thăng hoa.

 

(*):Thiên mệnh: đại luật vận hành của vũ trụ).

 (Trang 77)

------------

 

Chủ Nhật Nhiệm Mầu

 

Tạm quên máy móc chen nhau

Khoanh chân thiền định - nhiệm mầu cõi xuân

Ngày mai trở lại công trường

Đem hồn xuân mới góp thương cho đời.

 

(Trang 78)

------------

 

Tri Túc

 

Chức không cao, nhưng anh biết đủ

Vầng trăng tâm soi sáng kiếp người…

Em chê dại, già nua, bảo thủ

Phải bon chen bành trướng cái “tôi” (!)

 

Của không nhiều, nhưng anh tri túc

Sáng lương tri: kho báu vĩnh hằng…

Em chê dở, kém tài, chậm tiến

Phải học khôn ô lại, quan tham (!)

 

Em không đẹp, nhưng anh an phận

Năm tháng trôi qua giữa thanh bình…

Em … mỉm cười khen anh hiền triết:

Tri túc rồi, đời hoá tươi xinh!

 

(Báo Giáo dục & thời đại, 06/3/2005)

 (Trang 79)

------------

 

Câu Kinh Thắp Sáng Cuộc Đời

 

“Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” (*)

Câu kinh đã làm nên nhân cách vĩ đại Huệ Năng

Từ đó nước nguồn Tào chảy mãi

Thế sự thăng trầm… lặng lẽ một vầng trăng…

 

Không thể có tư duy độc lập

Khi tâm thức không trong sạch - tự do

Uy lực của vô minh trên linh hồn còm cõi

Sống vong thân tha hoá giữa xô bồ!…

 

“Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”

Tuệ giác siêu việt thắp sáng trần gian

Một sớm bên chung trà độc ẩm

Thấy nguồn Tào thấp thoáng giữa vô ngôn.

 

(*): “Nên không trụ vào đâu để sinh tâm kia”-Kinh Kim Cương.

 (Trang 80)

------------

 

Ngày Xuân Lễ Chùa

 

Ở nơi đâu hoa xuân rồi cũng úa

Chỉ sắc Thiền tươi thắm đoá nghìn năm

Niềm vui nào lòng người rồi cũng nhạt

Chỉ hương Thiền vương vấn mãi trong tâm

 

Nên ngày xuân em đến chùa lễ Phật

Để gặp lại mình trọn vẹn nguyên sơ

Uống ngụm nước tận đầu nguồn chân phúc

Nghe thời gian biêng biếc buổi khai mùa

 

Nên ngày xuân em đến chùa lễ Phật

Để biết kính yêu tâm nguyện hoà bình

Biết chào nhau lời búp sen vô ngã

Dâng tặng cõi đời năng lượng tâm minh.

 

(Trang 81)

------------

 

Vu Lan Trong Tôi

 

Cha đã sống như loài cây đứng thẳng

Không tham ô, không luồn cúi đảo điên

Thì ắt hẳn linh hồn xa nẻo ác

Bầu bạn chính nhân, gần gũi thánh hiền

 

Mẹ tháng ngày chắt chiu từng miếng sống

Nuôi đàn con, lòng mẹ cảm đất trời

Mai nhẹ bước mùa vui dâng trước mắt

Chốn thần tiên chắc đón mẹ về chơi

 

Lũ chúng con có đứa đi đứa ở

Mùa Vu Lan: mùa hội tụ tình thâm…

Tháng bảy qua rồi, niềm tin ở lại:

Vu Lan vĩnh hằng giữa cõi thiện tâm.

 

(Trang 82)

------------

 

Dòng Thương

 

Qua trăm ngược nghìn xuôi

Chưa nơi nào như thế:

Đá cũng đẫm mồ hôi

Nghỉ lưng bờ Thạch Hãn (*)

 

Nên chẳng có gì lạ

Khi chúng mình hơi khô

Lạ: giữa đời ô trọc

Vẫn trong xanh dòng thơ…

 

Nụ cười em lắng đọng

Những nỗi niềm quê hương

Mười năm ta thiền định

Còn bâng khuâng dòng thương.

 

(*): Tên một con sông lớn ở Quảng Trị.“Thạch” là “đá”, “hãn” là “mồ hôi”.

 (Trang 83)

------------

 

Trà Thiền

 

Hương trà thanh thoát

Dứt bặt tâm ngôn

Tuệ giác siêu việt

Thắm hoa cõi Thường

 

Trời đất bao la

Về trong một niệm

Quên người, quên ta

Vầng trăng tịch chiếu

 

Vị trà thoát tục

Dứt bặt tâm hành

“Chúng sinh tức Phật” (*)

Pháp giới thanh xuân

 

Tâm Không - diệu dụng

Bất lập nhị nguyên

Duyên lành toả khắp

Rong chơi cõi Thiền.

 

(*): “Phàm phu tức Phật/Phiền não tức Bồ đề”- một thiền thoại cho trực giác tâm linh.

 (Báo Giác ngộ, 13/01/2005)

 (Trang 84)

------------

 

Những Chiếc Thùng Từ Thiện

 

Chất chứa lỗi lầm của tất cả chúng sinh

Trời đất quặn lên cơn đau lũ lụt

Nước mắt phố làng chảy xuôi chảy ngược

Những chiếc thùng từ thiện đến an ủi sẻ chia…

 

Tận đáy lòng từ bi

Có lời sám hối

Trong bàn tay thân ái

In hằn thao thức về sự công bằng…

 

Những chiếc thùng từ thiện-nhân văn

Chắt chiu chân tình hiếu nghĩa.

 

(Trang 85)

------------

 

Chợ Đình Bích La

 

Gìn giữ sắc hương xuân tiên tổ

Vui Tết, mồng ba nhóm chợ Đình (*)

Đến đây hội ngộ tình muôn thuở

Ước mơ nào cũng hoá thân quen

 

Nhộn nhịp bao ngả đường phô sắc

Ánh mắt bừng lên nét xuân tươi

Ra chợ mà lòng quên mua bán

Chỉ nhớ trao nhau những tiếng cười.

 

(*): Ở làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Chợ này mỗi năm chỉ nhóm một lần).

 (Trang 86)

------------

 

Khi Lòng An Định

 

Khi lòng an định

Xuân về xanh non

Tâm thiền tỉnh thức

Buông nhịp sống mòn

 

Nhẹ nhàng quán chiếu

Ngũ uẩn thanh bình

Từ bi thấp thoáng

Quên điều nhục vinh

 

Chung trà tịch lặng

Thay chén rượu nồng

Đất trời đối ẩm

Chan hoà vô ngôn

 

Phút giây “bất nhị”

Tri ân cuộc đời

Công trình tuệ quán

Muôn thuở chia vui…

 

Khi lòng an định

Xuân về xanh non

Tâm thiền tỉnh thức

Buông nhịp sống mòn.

 

(Trang 87)

------------

 

PHẦN II

 

*Truyện ngắn, tản bút

*Tư tưởng, kinh nghiệm Thiền…

 

***********

 

GIÁ TRỊ CỦA LÍ DUYÊN KHỞI TRONG ĐỜI SỐNG THIỀN TUỆ

 

Tôi không phải là một Phật tử. Do khát vọng muốn sống một cuộc sống khế hợp với chân lí như thực, thật sự có ý nghĩa cho mình và tất cả, tôi đã tìm đọc, suy nghĩ, rồi thực nghiệm giáo lí trong vài tôn giáo.

 

Phật giáo đã giúp tôi vốn liếng khá lớn để phát hiện sự hư dối của bản ngã. Sau đó tôi đã biết rằng, muốn phát hiện thật tướng của bản ngã, của vô minh thì cần phải có sự im lặng tư tưởng. Với những ý tưởng luôn chằng chịt trong tâm trí thì không có tuệ quán như thực, cũng như không thể có tri giác tự do tự tại.

 

Hơn mười năm sống thiền bằng pháp Quán Tâm, tôi đã vận dụng vào cuộc sống hằng ngày qua nhiều nghề: làm rẫy, dạy học, phụ trách công tác thư viện, sáng tác… Một hôm nhân đọc công án của các thiền sư, tôi chợt nhớ đến lí Duyên Khởi. Thì ra tâm trí tôi không có những giây phút tỉnh thứclặng lẽ, là do toàn bộ sự sống của tôi không chịu công nhận chân lí duyên sinh-vô ngã. Xưa nay tôi cứ chìm đắm mãi trong những phê phán, nhận xét, quan niệm, ước muốn…, chúng âm thầm phát xuất từ quy định của bản ngã huyễn ảo. Với sự tỉnh ngộ đó, tôi bắt đầu có những giây phút sống với Tâm Vô Ngôn Tịch Chiếu. Những ý tưởng chằng chịt trong tâm trí (một thứ mộng mị lúc không ngủ ở con người) dần vơi bớt…

 

Bây giờ tôi đã biết niềm hạnh phúc của cuộc sống trở về với Chân Tâm, của sự tự tin vào năng lượng thiền định tự tri.

 

(Nguyệt san Giác ngộ, tháng 10/1996).

 (Trang 91-93)

-----------------

 

CẦN BIẾT KÍNH YÊU NHÂN CÁCH

 

Trí thân mến,

 

Tôi đã đọc kĩ thư của em. Em đang chán đời vì không có điều kiện để học đại học. Em đang mang nặng mặc cảm tự ti.

 

Tôi viết thư này không nhằm an ủi em, mà để trách em. Tôi trách em vì em quá kém nhận thức về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị làm người.

 

Vì tôi đã tốt nghiệp đại học nên tôi hiểu rằng, mục đích chính của việc học đại học là để sau này có năng lực làm công việc mình chọn. Học về chuyên môn là để tạo tác, để lao động. Vậy thì nếu em không có điều kiện để học đại học, em vẫn có thể học một nghề nào đó ở tư nhân, hoặc ở các trường chuyên nghiệp trung cấp, hoặc tự học để sau này có năng lực làm công việc gì đó, để lao động sản xuất… Tại sao lại chán đời, lại ôm ấp mặc cảm tự ti?! Thật đáng trách.

 

Mọi năng lực tạo tác đều chỉ có ý nghĩa công cụ. Trí lực để tạo tác là trí-công-cụ. Công cụ dù “đắt tiền” hay “rẻ tiền” cũng chỉ là công cụ. Người thật sự hiểu biết sâu rộng thì không đánh giá con người qua công cụ. Cái tạo nên giá trị làm người ở trong xã hội là nhân cách. Có nhân cách lớn (nhân cách tự-do-tinh-thần) là do có trí-tuệ-nhân-văn cao, có trí-lương-tri trong sáng, có năng lực học hỏi để tự giáo dục-đào tạo, tự chuyển hoá nhằm hướng thiện hướng thượng.

 

Không có người chân chính nào lại kính trọng một bộ trưởng nặng óc bè phái ích kỉ, một giám đốc tham ô, một giáo sư nhận hối lộ, một bác sĩ vô lương tâm, một nhà thơ đồi truỵ, một sĩ quan hách dịch…

 

Không có người chân chính nào lại coi rẻ một y tá giàu y đức, một công nhân xây dựngtinh thần trách nhiệm cao, một nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định (vì biết tôn trọng sức khoẻ người tiêu dùng)…

 

Tâm trí trong sáng mang năng lượng tích cực có lợi cho bản thân và toàn vũ trụ. Tâm trí đen tối thì tạo ảnh hưởng xấu…

 

Trí thân mến,

 

Tôi hi vọng, qua trình bày trên, em nhận thức được những sai lầm trong tư tưởng của em.

 

Tôi biết rằng, hiện nay trong xã hội có một bộ phận lớn đang sống theo thứ nhân sinh quan lệch lạc. Trong số đó cũng có nhiều người có học vấn cao, có chức vị cao. Mặc dù vậy, em phải tỉnh táo, đừng dại gì hạ thấp nhân cách để chạy theo quan niệm sống tầm thường của họ.

 

Em phải ngẩng cao đầu để thắp sáng lương tri, lương tâm, nhân cách. Những phẩm chất cao quý này sẽ là người thầy quan trọng hướng dẫn em chọn lựa một nghề nghiệp, một việc làm thích hợp với điều kiện thực tế của em. Những phẩm chất này cũng sẽ làm nảy sinh nhu cầu học hỏi, tự học để nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực nghiệp vụ. Rất nhiều tài năng lớn do tự học mà nên…

 

Có ai đó đã nói rất đúng rằng, không có công việc (hợp pháp) nào thấp hèn hơn công việc nào; chỉ có sự yếu kém nhân cách là thấp hèn.

 

Mong em biết kính yêu nhân cách, biết nâng cao lòng tự trọng tự tin để sống lạc quan minh triết.

 

Mong em luôn nhớ rằng, giá trị làm người là ở nhân cách tự-do-tinh-thần, chứ không phải ở “công cụ”. Có nhân cách đó, ta luôn sống khế hợp thiện-ích-mĩ.

 

Thân ái chào em.

 (Trang 94-98)

-----------------

 

CÁI LƯỠI CÂU

 

Bạn tôi làm ở một xí nghiệp nọ, gặp tôi anh than thở:

 

- Tớ chán cái xí nghiệp nổi tiếng này quá, cậu ạ. Tay nhà báo nào đó thổi phồng thành tích của nó hết cỡ. Trong khi ấy, bao nhiêu thối tha lại không đụng đến một chữ!... Càng nổi tiếng, công nhân càng khổ!

 

Dù ở ngành giáo dục nhưng tôi cũng không lạ gì vấn đề này. Ung nhọt đang mọc khắp cơ thể xã hội… Tôi vỗ vai bạn, khích lệ:

 

- Hãy đấu tranh! Có tổ chức công đoàn mà.

 

Bạn tôi nhếch mép nhìn tôi. Một lúc sau anh ấy nói:

 

- Khi người ta có quan hệ thân thiết với cậu, đối xử tốt với cậu, dù cậu không thật biết lòng dạ người ta như thế nào, cậu vẫn có thiện cảm với người ta chứ?

 

Tôi nghĩ bạn tôi đã chuyển đề tài, nhanh miệng nói:

 

- Dĩ nhiên là có. Ai lại không vậy.

 

- Đã có thiện cảm, cậu có nỡ làm người ta đau lòng, buồn lòng không?

 

Tôi dè dặt không trả lời. Bạn tôi trầm giọng:

 

- Trở lại vấn đề ở xí nghiệp tớ. Tớ đang suy nghĩ nát óc để tìm một biện pháp hữu hiệu nhưng vẫn chưa ra. Phải làm sao loại trừ cái lưỡi câu.

 

Tôi ngạc nhiên:

 

- Cái lưỡi câu?

 

- Vâng. Đó là những cái bắt tay quá thân thiện, những chầu cà phê, những buổi nhậu, những cuộc thăm viếng, những ưu đãi mà ban giám đốc dành cho ban chấp hành công đoàn. Với cái lưỡi câu đó, kẻ tham mồi chạy đâu cho thoát!

 

Tôi giật mình, chợt thấy sợ những cái lưỡi câu đang hiện ra chỗ này chỗ nọ…

 

(Báo Giáo dục-thời đại, 07/09/2002).

 (Trang 99-101)

------------------

 

SUY NGHĨ VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI

 

Cốt lõi của cảm thức về ý nghĩa cuộc sống, là cảm thức về giá trị của cái “tôi”, tức là “giá trị làm người”.

 

Cốt lõi của giá trị làm người có văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) là nhân cách.

 

Cốt lõi của nhân cách là đạo đức.

 

Cốt lõi của đạo đức là khuynh hướng thiện ích cho nhân loại, cho môi trường chung.

 

Kim chỉ nam của khuynh hướng thiện ích là tâm trí tỉnh thức-vô ngã.

 

Điều kiện để đạt được ít nhiều sự tỉnh thức-vô ngã là tự tri tự giác (tức quán tâm, biết tâm ý trọn vẹn), là thiền định.

Muốn tự tri tự giác phải có khát vọng lớn, phải có sự liêm khiết trí thức, phải có nhãn quan minh triết. (Những điều này không lệ thuộc ở học vấn nhiều hay ít, vì có nhiều phương cách để bồi dưỡng văn hoá).

Tóm lại, “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống.

 (Trang 102-103)

-------------------

 

TÌM NGƯỜI HẠNH PHÚC

(Truyện ngắn chính luận)

 

Cô gái đẹp và dịu hiền ấy có tuổi thiếu niên thật ảm đạm. Cha mẹ cô rất giàu có nhưng lại chia tay nhau lúc cô ở vào tuổi mười lăm. Từ ấy cô sống trong sự yêu thương của người cha. Cha cô muốn rằng sau này cô có đời sống lứa đôi may mắn hơn ông. Ông thường nói với cô về điều đó.

 

Một hôm cô thưa với người cha rằng:

 

- Thưa cha, con chỉ lấy chồng khi nào gặp được một người đàn ông thật hiểu thế nào là hạnh phúc, và người ấy phải đang sống trong hạnh phúc. Vì chỉ người nào biết sống hạnh phúc đích thực mới có khả năng giúp người khác sống hạnh phúc.

 

Cô nói tiếp:

 

- Qua kinh nghiệm sống ở gia đình chúng ta, con đã hiểu rằng tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, sức khoẻ, tình cảm, học vấn không phải là những điều kiện quyết định hạnh phúc cuộc sống. Nhưng con cũng không biết đâu là chân lí, không biết điều gì đem lại hạnh phúc. Vì thế con phải chờ đợi…

 

Vừa thương con, lại vừa muốn học hỏi minh triết ở trường đời, người cha khăn gói đi tìm chàng rể tương lai.

 

Sau khi tiêu tốn nhiều tiền bạc và thời gian, ông đã gặp được một người đúng như mơ ước của con ông. Đó là một giáo viên còn trẻ, goá vợ, cha một bé gái mười tuổi. Bà con chòm xóm và bạn bè đồng nghiệp khẳng định với ông rằng chàng là một người hạnh phúc, thiết tha mến yêu cuộc sống, mến thương con và mọi người.

 

Chàng nói với ông:

 

- Muốn có hạnh phúc đích thực, theo cháu, trước hết chúng ta phải luôn nhớ rằng mọi sự đều vô thường. Có như vậy, chúng ta mới can đảm, bình thản và sáng suốt giáp mặt, ứng xử với mọi biến động của dòng đời… Điều cần thiết nữa là, chúng ta phải biết ý thức trọn vẹn về nội tâm, về bản ngã của mình để lương tritrí tuệ tâm linh luôn tỉnh sáng. Như vậy sẽ sống với năng lượng tinh thần tự do, trong sạch. Tinh thần đó luôn mang tính chất an vui, nhân hậu và đầy cảm hứng sáng tạo… Có đủ hai điều này, chúng ta sẽ sống trọn vẹn những năm tháng có ý nghĩa cho mình, cho đời.

 

Ông thấy cảm mến chàng. Ông bày tỏ ước muốn với chàng, nhưng chàng từ chối. Lí do là chàng sợ con gái của mình phải gặp những đau buồn vì cảnh “mẹ ghẻ con chồng”.

 

Ông ra về, buồn rầu kể lại cho con gái nghe về chàng giáo viên trường làng nọ. Cô gái an ủi ông:

 

- Mình phải vui mừng khi biết trên đời này có những người giàu trí tuệ như vậy, cha ạ. Giờ thì con hiểu rằng, chỉ với tâm linh trong sáng mới có an vui và tình thương đích thực… Con hi vọng là sẽ có nhiều người khác như thầy ấy.

 

Người cha lại khăn gói ra đi. Qua một thời gian dài trèo đèo lội suối lên chợ xuống đồng, ông mỏi gối trở lại quê nhà.

 

Cô gái săn sóc người cha khả kính. Nàng dịu hiền hỏi ông:

 

- Chuyến viễn du này, cha có gặp được người nào thông đạt những giá trị làm người, biết sống hạnh phúc không, thưa cha?

 

- Có… có… một thầy.

 

- Thưa cha, thầy ấy có bị ràng buộc gì về vợ con hay tình ái không?

 

- Không. Thầy ấy đang hướng đến mặt vĩnh hằng bất diệt trong cuộc sống.

 

Cô gái lộ vẻ vui mừng. Nhưng nàng e thẹn, không nói gì thêm. Nàng nhìn cha dò hỏi. Người cha xoa đầu con gái, nói nhỏ với nàng:

 

- Đó là… một thầy… tu.

 

(Tạp chí Tài Hoa Trẻ, 15/12/1998).

 (Trang 104-108)

-------------------

LỜI DÂNG

 

Nghề nghiệp, công việc chỉ có tính chất quan trọng (nhiều hay ít), chứ không có tính chất cao quý. Sự cao quý thuộc về nhân cách, lương tâm.

 

Không thật lòng tôn trọng sự lao động chân tay thì không biết yêu nhân dân; không biết yêu nhân dân thì không thể có lương tri trong sáng, không thể có nhân cách cao.

 

Không ghét thói hối lộ thì không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân; không yêu dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thậttinh thần cách mạng.

 

Xây và chống, mà không chống thói hối lộ-thói nhận hối lộ, là không chân chính.

 (Trang 109)

--------------

Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.

 

Không có sự liêm khiết trí thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.

 

Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.

 

Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.

 

Cái “tôi” càng lớn thì tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ cái “tôi, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.

 

(Trang110)
--------------

Theo cách nói của nhiều nhà vật lí thì vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chấttâm linh tương quan với nhau. Hiểu như vậy, sẽ thấy toàn vũ trụ là một cơ thể bất khả phân.

 

Con người cần có sự định tâm tỉnh trí để thấy biết trọn vẹn tâm hồn mình. Không tự tri thì không tự chủ, không có sự liêm khiếttự do tinh thần, không có Thiền.

 

Tham cứu Thiền là tham cứu sự sống và ý nghĩa cuộc sống.

 

Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.

 (Trang 111)

--------------

 

Thiền là tự tri, là siêu vượt tín ngưỡng, hình tướng, khái niệm…, là sống tỉnh thức toàn diện với trí vô sư, với trí tuệ siêu vượt quy định nhị nguyên (tức là sống với trí bát-nhã).

 

Về tôn giáo cũng như về các lĩnh vực khác, rất nhiều người đạt đến đỉnh cao bằng con đường tự học, tự đào tạo, bằng cách sống thông thường. Khát vọng lớn thì thành công lớn.

 

Có thể có tinh thần tôn giáo mà không theo tôn giáo nào, tín ngưỡng nào. 

 

Một người ngoại đạo có thể sống khế hợp giác ngộ nếu có khát vọng. Ngộ đạo không khó, cái khó là có khát vọng.

 

 (Trang 112)

---------------

Một nguyên thủ quốc gia, một nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư... nếu mang nặng thói tham ô, hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng một người ăn xin lương thiện.

 

Người đảng viên không thật lòng kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỉ. 

 

Không phải “danh ngôn” nào, “lễ nghĩa” nào, “truyền thống” nào cũng giá trị, cũng đáng theo.

 

Tinh thần càng tự do thì trí tuệ-lương tri càng sáng.

 

Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.

 

Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.

 

(Trang 113)

 

--------------

 

Đồng tiền nhà nước là mồ hôi của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là có tội với toàn dân.

 

Không ai là không có tâm xấu ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là trách nhiệm của mọi người

 

Có những thứ “vinh quang” dính đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người không minh mẫn, không biết chính tà.

 

Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi") thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.

 

Không biết phục thiện thì không thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chi là kẻ ấu trĩ về trí tuệ.

 

(Trang 114)

 

--------------

 

Muốn giác ngộ chân lí tuyệt đối, phải biết “đạt lí, quên lời”, không chấp thủ ngôn từ, hình tướng - dù hình tướng thánh nhân.

 

Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”. 

 

Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.

 

Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, là làm thế nào để xây dựng vững chắc cảm hứng sống có đạo đức nhân văn ở con người.

 

(Trang 115)

--------------

LỜI DÂNG

(Tiếp theo)

 

Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo nào hay nền văn hoá giáo dục nào; đó là tài sản cực kì quý giá của nhân loại muôn đời, của vũ trụ.

 

Tu viện lớn, lễ lược nhiều không có ý nghĩa bằng chăm lo chu đáo và khoa học cho sự tu tậpđời sống vật chất của tu sĩ.

 

Bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều là bóc lột tuổi trẻ.

 

Một tinh thần thật sự trẻ trung và đầy sinh lực là một tinh thần trong sạch. Tinh thần đó ít lệ thuộc vào thể trạng và hoàn cảnh.

 

Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.

 

Sách báo là thầy, là bạn, là nguồn cảm hứng.

 

(Trang 116)

--------------

 

Trái đất đang nóng dần lên; tâm hồn nhân loại đang nóng bỏng. Nhà khoa học nỗ lực vá tầng ô-dôn; thiền gia nỗ lực thiền định để góp phần chuyển hoá tâm trí nhân loại bằng năng lượng tỉnh thức, an lạc, thanh thoát, từ bi. (Nên thấu hiểu rằng, lòng tự hào tôn giáo cũng là cái “tôi” hiếu chiến vô minh).

 

Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” là tư tưởng của hạng người yếu kém văn hoá (dù có bằng cấp cao, địa vị cao), là tư tưởng của hạng người vong ân bội nghĩa đối với nhân dân lao động, là tư tưởng phản giáo dục (dù đang làm nghề dạy học, lãnh đạo giáo dục).

 

Nhà tâm lí học không thể hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí nếu không thiền định tự tri. Nhà giáo dục học, nhà chính trị học sẽ không có tầm nhìn minh triết về giáo dục, về chính trị nếu không hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí con người. Nhà truyền bá tôn giáo sẽ hạ thấp giá trị tôn giáo nếu thiếu quan tâm vấn đề này.

 

(Trang 117)

--------------

 

Tham quyền cố vị thì không yêu dân, không yêu nước.

 

Làm chính trị chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.

 

Cái đầu tham ô làm tổn thất hơn một nửa chất xám cho công việc thuộc trách nhiệm của nó.

 

Nếu các cơ quan, các nơi công cộng, các phương tiện truyền thông thường xuyên dùng khẩu hiệu để chống tham ô, hối lộ, bè phái… thì các tệ nạn này sẽ giảm nhanh.

 

Phải thấy rằng nạn hối lộ là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại, của đất nước.

 

(Trang 118)

--------------

Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt.

 

Có đức mà không có tài, không phải là vô dụng, vì vẫn có tác dụng giáo dục lớn lao đối với xã hội (qua lối sống), vì vẫn mang năng lượng tinh thần (thiện ích) ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng (có cả giá trị giáo dục). Có tài mà không có đức, không chỉ có hại cho xã hội về hành vi xấu, mà còn mang năng lượng tâm thức độc hại cho môi trường (và cho bản thân mình). (Vấn đề này Phật giáo gọi là tạo nghiệp tốt xấu; nghiệp cũng mang năng lượng; toàn vũ trụ là những dòng chảy năng lượng).

 (Trang 119)

--------------

Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.

 

Thiền chân chính, tôn giáo chân chính không thể không lấy “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” làm lí tưởng, làm mục đích. Đó là cốt tuỷ của Thiền học chân truyền, của hành trạng Đại thừa.

 

Tâm hồn không thanh bình thì cuộc sống kém chất lượng, hiệu quả công tác không cao, không có kinh nghiệm về niềm an vui tự phát, không thể ngộ nhập Tánh Viên Giác vốn có ở chúng sinhtrùm khắp mười phương.

 

Truyền bá minh triết thiền “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là góp phần xây dựng nền văn hoá hoà bình, nền văn hóa tiên tiến

 

(Trang 120)

---------------

 

Nền văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém

 

Óc địa vị là biểu hiện của bản năng quyền lực đậm nét thú tính; nó không biết quý trọng giá trị nhân cách.

 

Tuyên truyền quá nhiều về giá trị của kinh tế, của văn minh vật chất sẽ làm cho giá trị của nhân cách, của đạo đức, của văn minh tinh thần bị coi thường.

 

Từ năng lượng quán tâm (tự tri) xuất sinh tình thương, niềm vui, năng lực sáng tạo có chất lượng cao, xuất sinh nhãn quan minh triết, tác dụng giáo dục.

 

(Trang 121)

--------------

Tâm thái vô ngã là tâm thái hòa bình, bao dung, minh triết, thông minh.

 

Khi đã biết sống với tâm vô ngôn thì tuỳ duyên ứng xử, không bị quy định bởi bất cứ gì; đó là sự tự do tự tại đích thực của tâm trí. Tâm Thiền là Chân-Thiện-Mĩ. Minh triết tối thượng là biết dừng tâm và tịch chiếu.

 

Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho toàn vũ trụ (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân.

 

“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.

 

Sự tĩnh tâm tự tri có công năng giữ gìn lương tri, sự tự chủ, sức khoẻ tinh thần, giá trị làm người .

 

(Trang 122)

--------------

 

Người biết yêu nét đẹp của tâm hồn là người trưởng thành tâm trí, là người có tinh thần dũng cảm, biết sống với hạnh phúc chân chính.

 

Càng hướng đến lí tưởng vô ngã thì cái “tôi” càng giàu thiện ích mĩ.

 

“Vô ngã” là bản ngã (cái “tôi”) chuyển thành trạng thái tâm trí hòa bình, tỉnh sáng, “vô ngôn giữa muôn lời”.

 

 Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mĩ.

 

“Vô ngã” là Sự Sống bất sinh bất diệt. “Vô ngã” là chân ngã, là giải thoát.

 

(Trang 123)

--------------
Tâm hồn không tự do thì không có năng lực tư duy độc lập, không cảm thụ được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống, nghèo nàn tinh thần sáng tạo, kém nhân cách.

 

Nặng óc cục bộ thì không yêu dân, không yêu nhân loại; chỉ yêu cái “tôi”, luôn bao che những xấu ác.

 

Tâm ý xấu ác không chỉ có hại cho thế giới, mà còn rất hại cho môi trường năng lượng của mình. 

 

Tư tưởng xuất thế góp phần làm trong sạch sự nhập thế.

 

Muốn chữa cơn bệnh nặng, không thể chỉ uống vài lần thuốc. Muốn rèn luyện cơ thể, không thể chỉ cần một vài buổi tập. Cũng vậy, muốn cải tạo những tính xấu thì phải có chương trình học tập, rèn luyện lâu bền. Đây là điều mà ngành giáo dục cần quan tâm đúng mức khi bàn đến chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục, đào tạo cán bộ...(Giúp cho mọi ngườicảm hứng tự hoàn thiện nhân cách, đó là vấn đề cực kì quan trọng của giáo dục, của văn hóa).

 

(Trang 124)

--------------
Tâm trí không tĩnh lặng thì không thể giáp mặt thực-tại-đúng-như-thực, không thể giáp mặt chân lí cuộc sống.

 

Thượng Đế (hay Chân-Thiện-Mĩ) không thuộc về phe này hay nhóm kia, không thuộc về hình tướng nào; mà thuộc về những tâm hồn trong sạch, bình đẳng, bác ái, từ bi. Đó là Tánh Viên Giác.

 

Khi sống muốn bao la cùng trời đất thì khi chết sẽ không bị trói buộc vào chốn phiền não.

 

(Trang 125)

--------------

LỜI DÂNG

(Tiếp theo)

 

Tự tri là, bằng trí tuệ nội quán, nhận biết trọn vẹn mọi cảm giác, tư tưởng, ý muốn, nhận thức phân biệt v. v…đang xảy ra trong tâm trí. Đây là sự nhận biết (kiến chiếu) một cách tự nhiên, không phê phán, không lấy-bỏ (thủ-xả), không dụng công. Có năng lực kiến chiếu này thì tâm trí sẽ tĩnh lặng (tỉnh thức) và thấy rõ bản chất của bản ngã (cái “tôi”). Bản ngã sẽ được chuyển hoá thành trạng thái tâm vô ngã - tức là tâm thái hoà bình, từ bi đích thực, mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn “mạng lưới vật chất và tâm linh” của vũ trụ.

 

Khi ngồi định tâm mà vẫn nhớ nghĩ đủ chuyện (tức nói năng bên trong) thì giống như khi ngồi một mình mà nói đủ điều. Đó là tình trạng bất bình thường của tâm trí, của bộ não và hệ thần kinh.

 

“Tỉnh thức” là “có mặt” trong giây phút hiện tại với những gì đang xảy ra.

 

“Có mặt” tức là tâm trí không còn vọng tưởng lang thang.

 

(Trang 126)

---------------

 

Người biết yêu điều tốt ghét điều xấu là người biết phục thiện; người biết phục thiện thì dễ tiếp thu đạo lí giác ngộ; người biết tiếp thu đạo lí giác ngộ thì dễ thực hành tự tri; người biết thực hành tự tri thì dễ thực chứng chân lí tuyệt đối, siêu vượt khái niệm-tướng trạng.

 

Khí kẻ ác tấn công ta, ta sử dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn là sử dụng lòng căm thù.

 

Vô ngã là tâm thái tịch tri, tịch chiếu, thường tịch quang. Vô ngãChân ngã.

 

Đừng coi thường việc chữa trị các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.

 

(Trang 127)

--------------

 

Những người yếu kém văn hoá (có thể có học vị cao, tri thức dày) thường coi khinh dân quê, coi khinh những nghề lao động vất vả, thu nhập thấp. Tâm hồn họ bị xơ hoá, vô cảm, vong ân.

 

Cái nhìn khách quan không thể đánh giá được nhân cách minh triết; chỉ họ tự biết. Nhân cách minh triết tối cao chính là nhân cách tự-do-tinh-thần. Đó là giá trị cao nhất.

 

Tâm bất bình thường thì não bất bình thường. Tâm não bất bình thường tác động bất bình thường đến sự vật và ảnh hưởng xấu đến nhận thức của ta, đến cuộc sống của ta (kể cả hoàn cảnh).

 

Được lên thiên đường bởi niềm vui: niềm vui mang tính chất nhân từ. Bị xuống địa ngục cũng bởi “niềm vui”: niềm vui mang tính chất gian ác.

 

(Trang 128)

--------------

 

Không quan tâm đến sự sống sau khi thể xác chết là quá thờ ơ với tương lai.

 

Trong ta có “tấm gương” “nghe và thấy” được tư tưởng, cảm giác, ý muốn... Tĩnh tâm một thời gian thì tấm gương này sẽ lộ rõ. Nó càng sáng, ta càng dễ thấy cái “tôi” và cái “tôi” dễ dàng được chuyển hoá thành “vô ngã”.

 

Mọi tài năng đều có giá trị về mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.

 

Tôn giáoý nghĩa lớn về đạo đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái .

 

(Trang 129)

--------------

Gọi là “Thiền” hay từ nào khác cũng được, điều quan trọng là cái nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.

 

Thiền học không nên chỉ dạy hạn chế ở một vài ngành đại học, mà nên phổ cập ở mọi cấp học để có nền tảng vững chắc trong giáo dục-đào tạo nhân cách.

 

Cái “tôi” làm cho tâm hồn nặng trĩuuy lực, còng xuống vì nô lệ, đen tối vì tự ti, tự phụ, tự ái…

 

Thiền định tự tri càng cao thì càng minh mẫn hơn, chủ động hơn với cuộc sống, với công việc; năng lượng phiền não được chuyển hoá thành năng lượng an lạc, thiện ích .

 

(Trang 130)

--------------

 

Niệm (nhớ-nghĩ) luôn xuất hiện trong tâm. Chúng là ngôn từ (tiếng nói bên trong) và có hình tướng (sóng tâm thức). Trong thiền định (tự tri), ai thấy rõ niệm sinh diệt liên tục, thấy rõ chỗ niệm xuất hiệnchấm dứt (tức là khoảng trống giữa hai niệm) thì sẽ nhận ra (ngộ) tâm vô niệm, “vô ngôn”. Đó là tâm thể “một niệm vô ngôn" như vầng trăng toả sáng. (“Niệm” trong “niệm vô ngôn" có huyền nghĩa khác hẳn với “niệm” trong “vọng niệm”. Phải ngộ mới thấy, mới biết). Vô ngôn đó khi đã “an định”, sẽ soi sáng muôn lời (tức là soi sáng trí phân biệt tương đối), sẽ là tri giác tự do tự tại, thoát tình trạng vọng động vô minh. Đó là “tánh sáng” bất sinh bất diệt.

 

Phải biết “ghét” bệnh phong, nhưng đừng ghét người mang bệnh phong; cũng vậy, phải biết ghét thói xấu nhưng đừng ghét người đang có thói xấu. Sự xấu ác là bệnh tinh thần .

 

(Trang 131)

--------------

 

Nếu chưa quán tâm (tự tri) để thấy rõ tướng trạng như huyễn của bản ngã thì chưa biết “đọc kinh bằng tâm”, chưa biết đọc công án Thiền.

 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là giúp người khác biết sống với hạnh phúc trong sáng - thứ hạnh phúc mà người văn nghệchân chính phải có, nhà văn hoá chân chính phải có, con người biết tự tin-tự trọng phải có.

 

Thỉnh thoảng có được một vài phút sống với tâm vô ngôn cũng có công đứcphước đức rất lớn.

 

Giới hạnhvấn đề khoa học, vấn đề nhân quả. Chí hướng giác ngộ biết tôn trọng nhân quả, nhưng muốn siêu vượt nhân quả, luân hồi.

 

Muốn có hiệu qủa cao trong việc chống hối lộ-tham ô-bè phái, một đại nạn của thế giới, thì tôn giáo phải vào cuộc với giới luật rõ ràng về vấn đề này.

 

(Trang 132)

--------------

 

Thói hối lộ sinh ra nhiều tội ác nghiêm trọng.

 

Thấy-biết khác với hiểu. Nếu thấy-biết của tâm chưa khế hợp với Bát Nhã Tâm Kinh thì chưa có Trí Bát Nhã.

 

Một trong những phương cách giúp duy trì cảm hứng sống thiền là tọa thiền mỗi ngày. Không nên bỏ trắng ngày nào cả (vì lí do gì đó cũng nên duy trì vài phút).

 

Tâm vô ngôn là sự tỉnh thức toàn diện của sự sống.

 

Khoác lác, tự đại, tự ti, khiêm tốn đều không có lợi cho Đạo.

 

Muốn đi sâu vào kinh sách về Thiền, phải có năng lực đọc-hiểu và đọc-thấy. Thiền định tự tri làm xuất sinh năng lực đọc-thấy. Đó là cái thấy nội tại.

 

(Trang 133)

--------------

 

Khi tâm hồn không có lí tưởng thánh thiện và minh triết thì con người rất dễ bị cái xấu lôi cuốn, rất dễ bị tha hóa biến chất.

 

Chưa thật thấy chúng sinhân nhân của mình thì chưa có phẩm chất Bồ tát, chưa tỉnh thức.

 

Tâm Đại thừa là tâm khiêm hạ, hiểu rằng tội lỗi của mình từ vô lượng kiếp đã ảnh hưởng xấu đến tất cả chúng sinh.

 

Tâm Đại thừa khởi phát từ sự nhận thức sâu sắc rằng, tội lỗi của cá thể ảnh hưởng đến toàn thể, qua thân khẩu ý.

 

(Trang 134)

--------------

 

Thể xác thì tất nhiên có sở trụ, nhưng tinh thần thì cần “hướng đến” vô sở trụ.

 

Làm cho con người biết yêu quý nét đẹp tâm hồn mình, đó là nhiệm vụ cao cả của văn hoá, của giáo dục, của tôn giáo.

 

Thiền định tự tri là sống tận nền tảng, tận cội nguồn sự sống.

 

Giá trị giác ngộ, giá trị Đại thừa không nằm ở hành vi, hình tướng bên ngoài, mà ở thực chất của tâm. Nếu thật sự có giác ngộ, có tâm Đại thừa thì dù sống ẩn dật vô danh vẫn có thiện ích lớn cho chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.

 

Có duyên lành với nền văn hoá giác ngộ là có diễm phúc cực kì lớn lao.

 

Không tôn trọng phương tiện thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình, tỉnh thức.

 

(Trang135)
--------------

LỜI DÂNG

 (Tiếp theo)


Khi ta suy nghĩ, ta chỉ tiếp xúc với một vài khía cạnh cuộc sống. Nhưng nếu muốn giáp mặt thực tại toàn diện của cuộc sống thì phải im lặng tâm trí.

 

Tâm giải thoát phiền não mang ý nghĩa hiếu nghĩa lớn nhất, mang ý nghĩa nghĩa vụ và trách nhiệm cao quý nhất, vì đó là hành động thuận đạo lí, thuận hợp đại luật vận hành của vũ trụ.

 

Nếu đã thật sự phát khởi tâm nguyện lớn (tâm Đại thừa) thì dù chưa triệt ngộvẫn có thể tuỳ duyên sử dụng nghịch hạnh.

 

Khi triết lí giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu lương tri ở người cán bộ.

 

Càng tôn vinh quá độ các gíá trị bản năng và công cụ (nhất là công cụ trí óc) thì thế giới càng đảo điên, khốn đốn.

 

(Trang 136)

--------------

Vắng mặt năng lực tự tri tự chủ, vắng mặt trí-lương-tri thì trí-công-cụ sẽ trở thành tôi tớ cho trí-chó-sói.

 

Cái “tôi" càng lớn, càng bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức càng suy yếu, tư tưởnghành vi “người bóc lột người” càng đa dạng .


Người có tâm Đại thừa thì vui mừng vì nhiều người biết hướng thượng, chứ không cố chấp “hơn thua" về khái niệm, về từ ngữ.

 

Giáo dục “toạ thiền-quán hơi thở-tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế giới.

 

(Trang 137)

--------------

Thiền là sống tỉnh thức, thực tế và minh triết.

 

“Vô niệm” để chấm dứt trí nhớ tâm lí - thứ trí nhớ lấy cái “tôi”, cái chấp ngã làm trọng tâm.

 

Niềm tin nếu đi đôi với sự chấp ngã nặng nề thì nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo sân si.

 

Không biết tu tâm thì không thể phát triển nhân cách. Sự tu tâm chân chínhviệc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với xã hội, vũ trụ.

 

Không tự tri, tức quán tâm, thì không thể thấy huyễn tướng cái “tôi”, tức bản ngã.

 

Sự giác ngộ đích thực thì đi đôi với lòng từ bi, bao dung.


(Trang 138)

--------------

 “Tự tri” là quán chiếu tâm thức, là biết rõ tâm trí. “Tỉnh thức” là tâm không vọng tưởng. “Vô ngã” là tâm thái hoà bình, an lạc, yêu thương, thiện ích, tự do tự tại, diệu dụng, bất sinh bất diệt, tịch tri, tịch chiếu.

 

Truyền bá minh triết Thiền Định Tự Tri là góp phần cải tạo xã hội.

 

Khi dục vọng vô mình và sự chấp ngã ngự trị thì không có tự do tinh thần.

 

Vô minhtrạng thái tâm trí trụ vào kiến chấp nhị nguyên (nhị tướng).

 

Tự tri là hồi quang phản chiếu, là nội quán.

 

Giá trị làm người thể hiệnhiệu quả thiện ích, ít tác hại (nhất là ở mặt “tiềm ẩn” là năng lượng tâm thần) đối với xã hội , đối với vận hành của vũ trụ.

 

(Trang 139)

--------------

Thấu triệt lí duyên sinh-vô ngã thì tâm dễ tĩnh lặng, não dễ chuyển hóa, dễ ngộ nhập chân lí tuyệt đối.

 

(Trang 140)

 

 

VIẾT THÊM VỀ THIỀN

 

 (CÁC BÀI VIẾT Ở VANDANVIET.NET, HOALINHTHOAI.COM, DAOPHATNGAYNAY.COM, HOAVOUU.COM, 4PHUONG.NET, PHAPBAO.ORG , VANCHUONGVIET.ORG, QUANGDUC.COM…)

 

ĐÀM ĐẠO VỀ THIỀN

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

1.

HỎI: Thiền là gì?

 

ĐÁP: Có người cho rằng, vì siêu vượt mọi tổ chức và hình thức quy định, vì siêu vượt mọi ngôn từ, mọi khái niệm và tướng trạng nên không thể nói được Thiền là gì. Nhưng, nếu không thể nói gì được thì đạo lí Thiền đã không có mặt ở cõi đời.

Thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri; là tâm trí thấu hiểu chính nó, thấy biết chính nó, soi sáng chính nó để giải thoát khỏi tình trạng vô minh. Trạng thái vô minh của tâm trí tức là trạng thái vô minh của ý chí, tức là trạng thái vô minh của ông chủ sự sống.

Tâm trí vô minh mang năng lượng khuôn đúc, quy định trạng thái óc não. Trạng thái óc não bị khuôn đúc chính là trạng thái chấp thủ, chấp ngã (khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Một óc não bị khuôn đúc thì không thể có tự do và minh triết trong nhận thức, trong tư duy.

Tâm trí vô minh, vì sống không minh triết, nên tích tụ năng lượng gây hậu quả đau khổ phiền não cho chính cuộc sống của nó (một cấu trúc thân-tâm-cảnh), trong vòng sinh hoá luân hồi.

Tâm trí vô minh góp phần gây ô nhiễm cho tổng thể; góp phần gây hỗn loạn đảo điên cho vô thức của nhân loại, của chúng sinh, của toàn thể vũ trụ.

Tâm trí vô minh, vì sự chấp thủ-chấp ngã ngự trị, nên lương tri bị che mờ; vì thế không có đạo đức nhân văn đích thực, không có tâm thái hoà bình.

 

Tâm trí vô minh không thể ngộ nhập Chân Lí Tối Thượng (Thượng Đế, Chân Tâm, Viên Giác…); không thể biết đến tâm linh vĩnh hằng (tri giác phi thời gian tâm lí); không thể giác ngộ thực tại cuộc sống; không thể có cái-nhìn-như-thực (tuệ nhãn).

Một tâm trí không thấu hiểu chính nó, không thấy biết chính nó, thì chắc chắn đó là một tâm trí đầy ngã chấp si mê, vô minh tăm tối. Tâm trí đó dù học nhiều, biết rộng, giàu tài năng (kể cả tài năng hoạt động tôn giáo), lừng danh về trí-công-cụ, vẫn không phải là có trí tuệ đích thực (vô sư trí); vẫn không phải là tâm trí tỉnh thức đích thực.

Thiền là sống với những giây phút “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” (đạt viên mãn rất khó). Thiền là những giây phút sống với tâm vô trụ, với nhân cách tự-do-tinh-thần. Vì thế, trong Đường Về Minh Triết (Tuệ Thiền; NXB Văn Nghệ, 2007) có viết: “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả”.

Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là quán tâm. Học Thiền, tức học đạogiác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để thấy biết trạng thái tâm trí. Tâm trí có sự thấy biết chính nó, đó là có sự giác ngộ, có sự tỉnh thức.

Thiền là sự tỉnh thức của ý chí cuộc sống. Thiền là giá trị tối thượng của nhân loại muôn đời, của vũ trụ. Có thể gọi “Thiền” bằng nhiều tên gọi khác, nhưng nội hàm là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”. Dù áp dụng phương cách nào để chuyển hoá tâm thức, nhưng nếu có nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là có Thiền, là có giác ngộ. Không có sự soi sáng cái “tôi” thì không thể có giác ngộ chân thực, không thể có Thiền chân chính; không thể có phẩm chất khế hợp Chân-Thiện-Mĩ.

2.

HỎI: Phải đọc văn bản có giá trị giác ngộ tự tâm (tức là giác ngộ cội nguồn cuộc sống) như thế nào?

ĐÁP: Nếu đọc mà dùng nhận thức suy luận để hiểu, đó là đọc bằng trí-công-cụ, bằng tâm ngôn-tâm hành; tức là đọc bằng vọng tưởng, bằng kiến thức bị quy định. Tâm ngôn-tâm hành là sự nói năng trong tâm, là sự diêu động trong tâm; là vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì thực tại của tâm, mặt thật của tâm trí càng bị che mờ. Sự hiểu bằng cách đọc này chỉ có giá trị định hướng, đánh thức khát vọng giác ngộ, chứ không có sự giác ngộ đích thực.

Phải vừa đọc, vừa nghiệm, vừa đối chiếu với trạng thái tâm trí đang hiện hữu (đang là). Văn bản như tấm gương soi để thấy rõ mặt tâm trí, để ấn chứng.

Không quán tâm, không tự tri thì không biết đọc Thiền, không biết học Thiền. Cốt tuỷ của việc học Thiền là trực quan, tức là thấy rõ (nghe rõ, biết rõ) trạng thái tâm trí bằng tri giác nội tại. Giống như học giải phẫu cơ thể, không thể học được nếu không tận mắt thấy rõ các bộ phận trong cơ thể.

Biết đọc văn bản giác ngộ là có giác ngộ.

3.

HỎI: Vọng tưởng là gì?

ĐÁP: Vọng tưởng là những hoạt động của tâm trí gắn chặt với trạng thái tâm lí si mê chấp ngã (quy ngã, khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Hoạt động của vọng tưởng hàm chứa hai chiều hướng đồng thời: một chiều thì hướng về đối tượng, một chiều thì hướng về chủ thể vô minh. Chủ thể (tức là cái “tôi” huyễn ảo) vô minhbản thể không có sự soi sáng, không có sự tỉnh giác. Vì chủ thể là sự vô minh nên mọi hoạt động của tâm trí được gọi chung là vọng tưởng.

Nói khái quát thì vọng tưởng còn có những tên gọi khác là: vọng niệm, vọng tâm, vọng thức, nghĩ tưởng, niệm tưởng, suy nghĩ, suy tưởng, tư tưởng, nhớ nghĩ, tưởng nhớ, tâm ngôn, tâm hành, tâm sinh diệt, kiến chấp, chấp thủ…Tức là mọi hoạt động của tâm trí trong trạng thái vô minh.

Vọng tưởng hàm chứa sự phân biệt mang tính chất vị ngã (sự vị ngã có thể rất khó nhận biết). Tâm phân biệt (nhị nguyên) thì có ngôn từ, vì thế, rất cụ thể, vọng tưởng là những nói năng trong tâm trí. Vọng tưởng là những nói năng trong tâm trí, nên những nói năng trong tâm trí (tâm ngôn) là biểu hiện của cái “tôi”, của sự chấp ngã.

Biết vọng tưởng trọn vẹn (tức biết lắng nghe sâu sát và tự nhiên những nói năng trong tâm trí) là biết nhắm vào gốc rễ của cấu trúc vô minh, phiền não. Thấy rõ, biết rõ điều này rất quan trọng cho Thiền, cho sự đột chuyển (chuyển y) nội tâm, cho sự nghiệp giác ngộ.

Vọng tưởnghuyễn tướng. “Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác” (Kinh Viên Giác). Thấy biết rõ vọng tưởng thì tướng vọng tưởng tự lìa, tánh Viên Giác hiện tiền (cũng chính là vô niệm hiện tiền, tánh Không hiện tiền, chân tâm hiện tiền, vô ngã hiện tiền).

Những lúc có sự tỉnh thức thật sự (vô niệm hiện tiền, tịch quang hiện tiền), thì khởi niệm khởi tưởng tuỳ duyên được gọi là chánh trí, chơn thức…

Với trạng thái vô minh chấp ngã, với trạng thái vọng tưởng, sự tôn vinh trí-công-cụ làm cho nhiều vấn đề càng ngày càng nan giải là: siêu thiên taibiến đổi khí hậu, lan tràn bạo lực và chiến tranh, bành trướng vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm chứa đầy độc hại, tai nạn giao thông tràn lan, gia tăng nhiều bệnh tật hiểm nghèo, dân đen bị trí-chó-sói bóc lột đa dạng, đói khát, tranh giành quyền lực quyền lợi khốc liệt, bịp bợm xảo quyệt, sa đoạ lương tri, sa đoạ tinh thần, tâm bệnh…

Rất cần có Ngày Quốc tế “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” để định hướng cho văn hoá-giáo dục, để nhắc nhở tâm ý con người.

4.

HỎI: Thế nào là giác ngộ?

ĐÁP: Ý chí sự sống là động lực chủ hướng của sự sống, là ông chủ cuộc sống, là cái tâm của dòng sinh mệnh. Khi nói cuộc sống vô minh, tâm trí vô minh tức là muốn nói rằng, ý chí sự sống đang trong trạng thái không tự thấy, không tự biết… Tâm không tự thấy không tự biết tâm, vì đang dồn năng lực cho sự hướng ngoại (mê trần cảnh), kể cả hướng ngoại ở nội tâm (mê ý trần).

Dồn năng lực cho ngoại cảnh (lục trần) nên tâm si mê theo ngoại cảnh, luôn nhớ nghĩ đến ngoại cảnh (vọng niệm). Trong trạng thái này, tâm không tự thấy không tự biết, không “nhớ” chính mình (thất niệm chân như). Tâm không tự thấy không tự biết nên quên chân ngã (chân tâm); quên chân ngã nên âm thầm khẳng định huyễn ngã (cái “tôi”) theo sự đeo bám ngoại cảnh. Ngoại cảnh thì vô thường vô ngã, nên trạng thái tâm chấp ngã si mê luôn bất an phiền não.

con người, tâm ý hướng ngoại (vọng tâm, vọng tưởng) có biểu hiện là ngôn từnội tâm (tâm ngôn), tức là sự nói năng trong tâm trí. Nhận ra sự kiện này là vô cùng quan trọng cho sự nghiệp giác ngộ.

Muốn giác ngộ, phải chuyển ngược động lực chủ hướng để thấy nghe, để nhận biết tự tâm tự tánh. Với khát vọng chuyển ngược động lực chủ hướng thì vô sư trí hiện tiền. Khác với hữu sư trí - một diễn trình nhận thức (tâm ngôn-tâm hành), vô sư trínăng lực (là tấm gương bên trong) đang thấy biết vọng tưởng (vọng niệm). Đó là năng lực nghe rõ mọi nói năng trong tâm trí (quán thế âm) một cách tự nhiên, không dụng công (quán tự tại).

Vọng niệm có sự nghe lại, tức có sự tự thấy tự biết (tự tri), tức tỉnh giác thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y), vọng niệm dừng lại (im lặng).

Vọng niệm dừng lại (im lặng) thì đồng thời, vô niệm hiện tiền với ánh sáng thanh tịnh (tịch quang). Vô niệmvô tâm. Vô tâm là tâm vô ngôn. Tâm vô ngônTâm Không. Tâm KhôngTánh Không. Tánh Khôngvô ngã. Vô ngãchân ngã. Chân ngã là Tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác là “bổn lai diện mục”…

Thấy-biết-vô-niệm hiện tiền tức là Viên Giác hiện tiền. Đó là giác ngộ (sơ ngộ) đích thực. Vô niệm hiện tiềnmở mắt sự sống (tuệ nhãn), là ấn chứng cho sự nghiệp “trưởng dưỡng thánh thai” - tức sinh mệnh tuệ giác.

Sinh mệnh tuệ giác (huệ mạng) không chỉ là sinh mệnh cá nhân, vì tâm linh vừa mang tính chất cá thể (tâm trí cá nhân), vừa mang tính chất tổng thể (tinh thần vũ trụ). Sự nghiệp Thiền (tự tri, quán tâm) không chỉ có ý nghĩa cá nhân, mà còn có ý nghĩa đại thừa vô lượng.

5.

HỎI: Bát-Nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan trọng, đâu là chìa khoá của kinh?

ĐÁP: Khi học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm đến cụm từ “chiếu kiến”. “Chiếu kiến” là “soi thấy”.

Câu kinh có cụm từ này là: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la- mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Thầy Tuệ Sỹ dịch là: “Bồ-tát Quán Tự Tại trong khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt qua tất cả mọi khổ ách”.

Dùng trí óc phân tích rồi kết luận rằng năm uẩn do duyên sinh – không có tự tính, đó là suy luận trừu tượng. Phân tích và suy luận chỉ giúp hiểu đối tượng bằng vốn liếng tri thức trong tâm trí bị quy định, để góp phần tăng khát vọng giác ngộ, chứ không thể thấy-biết-như-thực thực tại.

 “Soi thấy” (chiếu kiến) là cụm từ chỉ sự kiện hiện tiền cụ thể, chứ không phải chỉ sự suy luận trừu tượng. Thấy-biết-như-thực là chiếu kiến.

Chiếu kiến (soi thấy) là giáp mặt đối tượng; một sự giáp mặt không còn ngăn cách nào, không còn chủ thể phân cách với đối tượng. “Quán tâm nơi tâm” trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ cũng hàm ý ấy.

Nhưng làm sao để trạng thái chiếu kiến hiện tiền ở tâm?

Trạng thái chiếu kiếntrạng thái vô sư trí. Trí này hiện tiền do có ý định chủ hướng, do có khát vọng giác ngộ đích thực – giác ngộ vì tự lợi-lợi tha tối thượng.

Ý định chủ hướng nhắm vào đâu? Nhắm vào sự lắng nghe vọng tưởng; tức là lắng nghe mọi nói năng trong tâm trí; tức là lắng nghe ông chủ vô minh của ngũ uẩn; tức là quán thế âm. Phải lắng nghe một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, không dụng công gắng sức; tức là quán tự tại. (Bồ-tát Quán Tự Tại chính là Bồ-tát Quán Thế Âm).

Với tri giác nội tại, khi biết nghe-như-thực thì cũng chính là thấy-như-thực, biết-như-thực. Đó là trạng thái chiếu kiến (soi thấy). 

Khi biết chiếu kiến ngũ uẩn, khi thật sự soi thấy năm uẩn thì vọng tưởng dừng lại, tức là tâm im lặng. Nói cho dễ nhận, khi thật sự biết nghe lại mọi nói năng trong tâm trí thì tâm trí có sự đột chuyển (chuyển y), vô niệm hiện tiền (tức là Tánh Không hiện tiền).

Vô niệm hiện tiền chính là mở con mắt Tâm – con mắt của sự sống bất sinh bất diệt. Mắt mở sáng thì tuỳ duyên khởi tác dụng. Vô niệm hiện tiềntuệ nhãn. (Thỉnh thoảng có được vài phút vô niệm cũng có công đứcphước đức rất lớn, nghiệp chướng vơi bớt).

Vô niệmTâm Không; là tâm vô ngôn phi thời gian; Tâm KhôngTánh Không. Tánh Không là Tánh Viên Giác.

Như thế, thật sự soi thấy ngũ uẩn, thật sự giáp mặt ngũ uẩn thì Tánh Không hiện tiền, Viên Giác hiện tiền. (Ta hiểu tại sao các minh sư khi Việt dịch chữ “không” thường viết hoa là “Không”).

 “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” chính là “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Vọng tưởngtrạng thái tâm trí si mê theo kiến chấp nhị nguyên đầy phiền não; Tâm Không hiện tiền thì cực lạc hiện tiền…

Học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm cụm từ “chiếu kiến”. Đó là chìa khoá mở cửa giác ngộ đích thực.

4/2011

************

 

 

 

 

HƠI THỞ MINH TRIẾT

 (Bài thực hành)

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

 

Thở vào, cảm nhận hơi vào

Thở ra, cảm nhận hơi ra

Chú tâm lắng nghe hơi thở

Vọng tâm vọng tưởng dần xa

 

Toạ thiền hoặc không toạ thiền

Miễn sao ngồi thật an nhiên

Thở đều, hơi dài và nhẹ

Vơi bao nghiệp chướng ưu phiền

 

An định: dễ thấy cái “tôi”

Cái khuôn tâm não tháo lơi

Tự tri là gốc minh triết

Tỉnh thức vô ngã chiếu soi

 

Thở vào, cảm nhận hơi vào

Thở ra, cảm nhận hơi ra

Chú tâm lắng nghe hơi thở

Trí tuệ tâm linh thăng hoa

 

Y học có nhiều chứng minh

Công năng của hơi-thở-thiền

Nhân điện điều hoà cơ thể

Năng lượng vũ trụ diệu huyền

 

Vật lí có nhiều chứng minh

Tâm năng của hơi-thở-thiền

Lan toả duyên lành vô tận

Thiện ích khắp nẻo chúng sinh

 

Thở vào, lắng nghe hơi vào

Thở ra, lắng nghe hơi ra

Dần dần biết nghe vọng tưởng

Chân Tâm cực lạc khai hoa…

 

01/3/2012

 

 “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn); Doko.vn).

Phần đọc thêm: ĐỌC MỘT SỐ TRANG SÁCH QUÝ GIÁ CỦA NHÀ KHOA HỌC NÓI VỀ TÂM LINH

 

*(Những chỗ làm đậm là do người đọc nhấn mạnh; những chỗ chữ nghiêng do người đọc thêm cho rõ nghĩa).

  1) Đọc trong Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu (E-rơ-nơ Mun-đa-sep; giáo sư tiến sĩ y học (Nga), nhà bác học lớn quốc tế. Dịch giả: Hoàng Giang; NXB Thế Giới, 2009):

 

 * Người cổ xưa cho rằng, vật chất sinh ra từ khoảng không. Nhà vật lí thiên tài Nga Ghên-na-đi Si-pốp, người đã lập được phương trình (A. Anh-xtanh đã không lập được) mô tả vật lí chân không, tức Tịnh vô tuyệt đối hoặc Tuyệt đối, cũng cho như vậy. Cùng quan niệm này có cả thành viên đoàn thám hiểm chúng tôi, chuyên gia vật lí trường, phó tiến sĩ khoa học kĩ thuật Va-lê-ri Lô-ban-cốp.

 

 Tôi và Va-lê-ri Lô-ban-cốp thảo luận nhiều về đề tài này. Dưới đây tôi xin trình bày kết quả của những cuộc thảo luận đó.

 

 Tuyệt đối đó không đơn thuần là tịnh vô; đó là Khoảng Không có Cái gì đó. Trước mắt, khoa học chưa biết Cái gì đó. Theo G. Si-pốp, nguyên tử và phản nguyên tử phát sinh từ Tuyệt đối. Chúng sinh ra, đụng độ nhau và huỷ diệt nhau. Nhưng có một lần, cách đây nhiều tỉ năm, vào một thời điểm các nguyên tử và phản nguyên tử sau khi tạo thành trong không gian, đã tản đi. Vật chất phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

 

 Các trường xoắn và phản xoắn (xoắn theo cách khác) siêu tần số cùng phát sinh từ Tuyệt đối, chúng cùng huỷ diệt lẫn nhau và hỗ trợ Tuyệt đối. Nhưng cũng có thể xuất hiện thời điểm, khi các trường xoắn huỷ diệt nhau tản đi. Thế giới tế vi phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

 

 Theo giả thuyết của G. Sipốp: giữa các trường xoắn của thế giới tế vi và ý thức có mối liên hệ trực tiếp, bởi các trường xoắn là những chất chứa đu-sa và đu-khơ.

 

 Từ đó suy ra từ Tuyệt Đối đã phát sinh hai thế giới - thế giới vật thể và thế giới tế vi.

 

 Thế giới vật thể phức tạp dần. Xuất hiện sao, hành tinh, các hệ ngân hà v.v…

 

 Thế giới tế vi bao gồm các trường xoắn khác nhau cũng phức tạp dần. Khó nói thế giới tế vi phức tạphoàn thiện dần bằng cách nào. Nhưng có thể nghĩ các trường xoắn của không gian-thời gian ngày một tích lượng thông tin nhiều hơn, tức có khả năng chứa đựng trong mình ngày một nhiều thông tin hơn. Có thể, đã xuất hiện những trường xoắn nhiều tầng, nhiều lớp hơn (nếu suy nghĩ trên quan điểm hình học), có thể quá trình phức tạp hoá các trường xoắn có tính chất khác nhau. Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ - khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…). 

 

 (…) Cùng với sự tạo ra con người bằng nỗ lực của thế giới tế vi (Cõi kia), các dạng sự sống đơn giản hơn cũng được tạo nên ở thế giới vật thể - con vật, côn trùng, cây cỏ v.v… Nguyên lí tạo thế giới thực vậtthế giới động vật vẫn như vậy - bằng cách cô đặc dần các dạng trường xoắn đơn giản hơn của Cõi kia.

 

 Liệu con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu. Trong quan niệm tôn giáo, khi đứa bé chào đời đu-khơ nhập vào đứa trẻ và ấn định những năng lực tư duy chủ yếu của con người. Nghĩa là, chúng ta suy nghĩ chủ yếu nhờ vào đu-khơ sống ở thế giới tế vi. Nhờ năng lượng thế giới vật thể (ăn uống) não người có khả năng vặn các trường xoắn của thế giới tế vi và như vậy hỗ trợ đu-khơ trong quá trình tư duy. Ngoài ra, não còn tạo các trường xoắn phụ hình thành đu-sa (sinh trường) ở dạng các thể thanh bai và các thể khác hỗ trợ cơ thể người hoạt động. Sau khi xác thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ, còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi để rồi lúc nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.

 

 Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thếthế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Chính con người khác biệt với con vật ở chỗ: bộ máy tư duy của con ngườinhiệm vụ hoàn thiện đu-khơ (đưa vào đó nhiều thông tin xây dựng) và bằng cách đó, hoàn thiện hình thái sự sống ở thế giới tế vi. Nói cách khác, là đứa con thể xác của sự sống nơi thế giới tế vi, con người có sứ mệnh thông qua thế giới vật thể thúc đẩy sự tiến bộ nơi thế giới tế vi. Con người được tạo ra cũng là bởi lẽ đó.

 

 Rõ ràng là, về tầm mức, hình thái sự sống nơi thế giới tế vi (Cõi kia) cao hơn đáng kể so với sự sống ở thế giới vật thể. Đu-khơ bất tử là một xác nhận. Nếu thể xác có thể sống không phải 70-80 năm mà là 1000-2000 năm và lâu hơn thế, thì khả năng hoàn thiện đu-khơ thông qua thế giới vật thể nhiều hơn, bởi quá trình rời bỏ thân xác này và nhập vào thân thể khác gắn với thời kì tư duy ít năng động kéo dài (tuổi ấu thơ và già nua). (…).

 

 Có cách nào để tăng tưổi thọ? Câu trả lời có vẻ như kì quặc - bằng cách tôn vinh điều thiện, bác áitri thức.

 

 (…) Sự sống và cái chết thay đổi luôn là để nhanh chóng thay con người độc ác, ích kỉ và hám danh bằng một người khác với hi vọng, sau khi con người ở Cõi kia bị thần linh “trừng phạt” sẽ đầu thai tái sinh trở thành người tốt hơn, thiện hơn. Vì vậy có lẽ huyền thoại về địa ngụcthiên đường có cơ sở.

--------

 

 * Khi nghiên cứu vấn đề này tôi chưa biết là cơ sở chữa bệnh của các phương pháp đông y cổ đại (bằng “nội năng”) là giải phóng cơ thể khỏi tâm năng tiêu cực. Lúc đó tôi đâu đã phỏng đoán được rằng tình yêu thươngcảm thông, vẫn được tuyên truyền ở phương Đông, là thuốc giải độc không chỉ đối với các tính chất hung dữ và hèn nhát, mà còn phòng ngừa được bệnh tật. Và tất nhiên khi đó, ngay trong giấc mơ huyền thoại tôi cũng chẳng hình dung được việc giải thoát cơ thể khỏi tâm năng xấu còn có thể dẫn đến kì quan đại địnhthân thể khô cứng mà vẫn bảo toàn được sự sống hằng nghìn và hằng triệu năm (trạng thái xô-ma-chi).

 

 (…) Không còn hoài nghi gì nữa về ảnh hưởng to lớn của năng lượng tâm thần tới cơ thể con người; mà có được trạng thái xô-ma-chi chính là nhờ tham thiền đấy thôi.

 

 (…) Thoạt nghe những từ ngữ “tình cảm trong sáng”, “tâm hồn trong sạch” như những khái niệm mờ mờ ảo ảo. Song chúng ta cùng nhớ lại, để nhập định sâu cần phải “thanh lọc tâm hồn”, tức phải giải phóng khỏi những trường xoắn tiêu cực. Hiệu quả của sự thanh lọc tâm hồn cực kì lớn lao – thân thể con người có khả năng bảo toàn hàng nghìn và hàng triệu năm ở dạng sống.

 

 (…) Cụ thể là, nhờ tham thiền, sinh trường của tu sĩtrạng thái áp đảo quá trình tái sinh bệnh hoạn (ung thư), ổn định chức năng của các tế bào bệnh và kích thích các tế bào bình thường của cơ thể tái sinh. Nói một cách khác, bí quyết trường thọ ở các môn đồ không phải vì chu kì sống của các tế bào gia tăng, mà là sự thay thế các tế bào già nua bằng các tế bào mới và phòng ngừa suy biến thành ung thư.

 

 (…) Trên bước đường khoa học của mình, tôi luôn luôn đi theo cách thứ hai, nghĩa là từ cái chung đến cái riêng. Vì đã nhằm mục đíchgiải quyết những vấn đề y học cụ thể, trước tiên là bệnh ung thư, muốn hay không chúng tôi cũng phải nghiên cứu năng lượng tâm thần và những vấn đề liên can là nguồn gốc loài ngườivũ trụ.

 

--------

 

 * Thế giới vi tế tức thế giới năng lượng tâm thần (thế giới tần số siêu cao) phải có sự chuyển đổi qua lại, và có mối quan hệ tương hỗ với thế giới vật thể theo kiểu năng lượng sóng chuyển sang dạng vật chất và ngược lại. Nói một cách khác, phải có vật chất hoá ý nghĩ và phi vật chất hoá vật thể thành ý nghĩ. Các nhà vật lí thường nhấn mạnh ý nghĩ có tính vật chất, và hình như điều đó đúng.

 

 (…) Nền khoa học hiện đại đã đạt tới tầm mức nhận thức được tôn giáo và hiểu rằng, học thuyết con người phát sinh từ con khỉ của Đác-uyn quá thô thiển, còn tôn giáo chẳng là cái gì khác ngoài một cách trình bày phóng dụ tri thức của các nền văn minh cổ đại.

 

 (…) Tôi tuyệt đối tin rằng sự sống vật thể trên trái đất đã được tạo ra bằng cách hồn cô đặc dần. Mọi học lí cho rằng, sự sống trên trái đất xuất hiện do những phân tử phức tạp tự phát sinh và cô đọng thành những cơ thể sống, không vững vàng, xét cả trên quan niệm tôn giáo lẫn quan điểm vật lí học và hoá học hiện đại.

 

 (…) Trước mắt, nền văn minh của chúng ta còn chưa biết sử dụng năng lượng vũ trụ. Mà năng lượng đó lại rất to lớn. Một số nhà vật lí học hiện đại cho rằng, một mét khối Tuyệt đốitiềm lực năng lượng bằng công suất 40.000 tỉ quả bom hạt nhân.(…) Mà chỉ có con người mới nắm được năng lượng này, bởi con người chính là tiểu vũ trụ của đại vũ trụ.

 

 Để nắm được năng lượng vũ trụ, người Lê-mu-ri đã sử dụng các phương pháp vốn có ở Cõi kia. Cơ sở của các phương pháp đó (thời nay nghe thật lạ tai) là các khái niệm giản đơn: “thiện” và “yêu thương”.

 

 (…) Vì vậy, để có một tâm hồn trong sạch, như lời các đạo sư, chỉ có thể tu thân - một công việc lớn lao, tự thể hiện mình và thậm chí hi sinh, nhưng… nhất thiết phải để đạt mục tiêu chung nào đó của nhân loại, chứ không đơn giản chỉ để tự khẳng định mình.

 

 (…) Vì vậy, trong cuộc sống cần lắng nghe lương tâm của mình. Cái cảm giác sâu lắng đó luôn luôn nói sự thật, còn nếu đã có lần xử sự trái với lương tâm, thì vét nhơ còn mãi trong tâm hồn.

 

 (…) (Thầy Đa-ram nói: ) Năng lượng linh hồnnăng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch…

 

 (…) Chúng ta cần nhớ rằng, lòng thiện và tri thức sẽ thúc đẩy quá trình hiện thực hoá dự báo tích cực về sự phát triển của loài người; còn cái ác và thói hám quyền có thể dẫn đến thảm hoạ toàn cầu trong tương lai, kể cả ngày tận thế, hoặc tạo điều kiện phát triển yếu tố thụt lùi, dẫn đến hoá hoang.

 

 (…) Tôi tin rằng, trong tương lai, những lực lượng tích cực trên Trái đất sẽ áp đảo lực lượng tiêu cực và sẽ không có thảm hoạ toàn cầu.

 

*******

 2) Đọc trong Đạo Của Vật Lí (Fritjof Capra; giáo sư vật lí ở các đại học danh tiếng Anh, Mĩ. Dịch giả: Nguyễn Tường Bách; NXB Trẻ, 1999):

 

 * Hồi tôi khám phá ra những điều song hành giữa thế giới quan vật lí và đạo học, những điều đã được nhiều người mơ hồ cảm thấy nhưng chưa bao giờ được nghiên cứu cặn kẽ, tôi đã thấy rõ mình chỉ là người phát hiện một điều vốn đã rất rõ ràng, và điều đó sẽ thành kiến thức chung trong tương lai; và thỉnh thoảng, khi viết Đạo Của Vật Lí, thậm chí tôi có cảm giác những gì được viết là thông qua tôi, chứ không phải do tôi viết ra. Những biến cố sau này đã khẳng định cảm nhận này.

 

 (…) May mắn thay thái độ đó đang được thay đổi. Vì tư tưởng phương Đông đang bắt đầu tạo được mối quan tâm nơi một số lớn người và thiền định không còn bị nhìn với sự nghi ngờ, đạo học đã được coi trọng, ngay cả trong cộng đồng khoa học.

 

 (…) Các đóng góp của Heisenberg (Nobel vật lí 1932) trong thuyết lượng tử mà tôi sẽ nói đến nhiều trong tác phẩm này, sẽ cho thấy rõ là ý niệm cổ điển về tính khách quan trong khoa học sẽ không còn được duy trì lâu hơn nữa, và vì thế mà vật lí hiện đại cũng đang xét lại huyền thoại của một nền khoa học siêu giá trị. Những cấu trúc mà nhà khoa học quan sát được trong thiên nhiên thực ra liên hệ rất chặt chẽ với cấu trúc của tâm ý họ; với khái niệm, tư tưởng và hệ giá trị của họ. Do đó, kết quả khoa học mà họ thu được và sự ứng dụng kĩ thuật mà họ tìm hiểu sẽ rất tuỳ thuộc vào khuôn khổ tâm thức của họ. Dù nhiều nghiên cứu đơn lẻ có thể không phụ thuộc rõ rệt vào hệ thống giá trị của họ, nhưng khung cảnh rộng lớn trong đó các nghiên cứu được thực hiện cũng không bao giờ siêu giá trị. Thế nên, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình, không những chỉ về tri thức, mà cả về mặt đạo lí.

 

 Từ cái nhìn này, mối liên hệ giữa vật lí và đạo học không những rất thú vị mà còn hết sức quan trọng. Nó chỉ ra rằng, kết quả của nền vật lí hiện đại đã mở ra hai con đường khác nhau để nhà khoa học đi theo. Chúng có thể đưa ta - dùng những từ cực đoan - đến với đức Phật hay trái bom, và điều này đặt ra cho mỗi nhà khoa học quyết định chọn lấy con đường.

 

 (…) Hơn thế nữa, bây giờ tôi thấy có cơ sở vững hơn nhiều với những luận điểm của mình, vì sự song hành giữa đạo học phương Đông không những chỉ xuất hiện trong vật lí mà cả trong sinh học, tâm lí học và các ngành khoa học khác.

 

 (…) Đối với tôi lúc nào cũng rõ, và tôi đã nói trong Đạo Của Vật Lí, rằng sự tương đồng theo cách tôi thấy giữa vật lí và đạo học phương Đông cũng có thể rút ra từ các truyền thống đạo học phương Tây.

 

--------

 

 * (…) Mặc dù các trường phái đạo học phương Đông khác nhau về nhiều chi tiết, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến tính nhất thể của vũ trụ, đó là điểm trung tâm của mọi giáo pháp. Mục đích cao nhất của kẻ tầm đạo - không kể Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Lão giáo - là luôn luôn tỉnh giác về sự nhất thể và về mối tương quan của mọi pháp, vượt lên khái niệm về một cái ngã độc lập, và tự hoà mình vào “thực tại cuối cùng” đó. Sự tỉnh giác này - có khi gọi là “giác ngộ” - không phải chỉ là một tiến trình hiểu biết mà là một kinh nghiệm tự nếm trải, kinh nghiệm này chiếm toàn bộ thân tâm hành giả và vì thế có tính chất tôn giáo

 

 (…) Điều mà chúng ta nghe và thấy không bao giờ là bản thân hiện tượng, mà chỉ là hệ quả của nó. Bản thân thế giới của nguyên tử và của các hạt hạ nguyên tử thì nằm bên kia khả năng nhận biết của chúng ta (nhà khoa học).

 

 (…) Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng, với thuộc tính hai mặt. Tuỳ theo chúng ta nhìn nó như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt, khi khác là sóng; ánh sáng cũng xuất hiện hai mặt, khi là sóng điện từ, khi thì xuất hiện như hạt.

 

 Tính chất này của vật chất và ánh sáng thật là kì dị. Xem ra không thể chấp nhận được một cái gì đó vừa là hạt, tức là một cơ cấu có kích thước rất nhỏ, đồng thời vừa là sóng, là một cái gì có thể toả rộng trong không gian. Đối với nhiều người, mâu thuẫn này là một sự nghịch lí, tương tự như công án, cuối cùng nó dẫn đến sự phát biểu thuyết lượng tử.

 

 (…) Thế nên thuyết lượng tử trình bày cho thấy thể thống nhất của vũ trụ. Nó cho ta thấy rằng không thể chia chẻ thế giới ra từng hạt nhỏ rời rạc độc lập với nhau. Khi nghiên cứu sâu về vật chất, ta sẽ biết thiên nhiên không cho thấy những “hạt cơ bản” riêng lẻ, mà nó xuất hiện như một tấm lưới phức tạp chứa toàn những mối liên hệ của những phần tử trong một toàn thể. Những mối liên hệ này gồm luôn cả người quan sát. Con người quan sát chính là mắt xích cuối cùng của một chuỗi quá trình quan sát, và tính chất của một vật thể nguyên tử chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ giữa vật được quan sát và người quan sát. Điều đó có nghĩa là hình dung cổ điển về một sự mô tả khách quan thế giới tự nhiên không còn giá trị nữa.

 

 (…) Trong nền vật lí hiện đại, vũ trụ được thấy như một cái toàn thể năng động, tự tính của nó là luôn luôn bao gồm cả người quan sát. Nơi đây thì những khái niệm truyền thống như không gian, thời gian, vật thể độc lập, nguyên nhân-kết quả đã mất ý nghĩa. Kinh nghiệm này rất tương tự với kinh nghiệm của đạo học phương Đông.

 

--------

 

 * Mặc dù với trình độ tri thức cao của nền triết lí, Đại thừa Phật giáo không bao giờ đánh mất mình trong tư duy trừu tượng. Như trong mọi hệ thống đạo học phương Đông, óc suy luận chỉ được xem là một phương tiện mở đường đi đến những thực chứng siêu hình, điều mà tín đồ Phật giáo gọi là giác ngộ. Tính chất của kinh nghiệm này là ở chỗ, phải vượt qua biên giới của trí suy luận phân biệt và những đối cực, để đạt tới thế giới của bất khả tư nghì, không thể dùng tư duy mà tới, trong đó thực tại hiện ra bất khả phân, một thế giới như-nó-là.

 

 (…) Nội dung trung tâm của Hoa Nghiêmsự nhất thể và mối quan hệ nội tại của mọi sự và mọi biến cố, một quan niệm không chỉ là cốt tuỷ của thế giới quan phương Đông mà còn là một trong những yếu tố chủ chốt của thế giới quan ngành vật lí hiện đại. Do đó người ta sẽ thấy Kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh tôn giáo cổ này, cống hiến những mối tương đồng nổi bật nhất với các mô hình và lí thuyết của vật lí hiện đại

--------

 

 * Tri kiến tâm linh không bao giờ nhờ quan sátđạt được; mà là nhờ sự tham gia toàn vẹn với tất cả tính chất của mình. (…).

 

 Tất nhiên nền vật lí hiện đại làm việc trong khuôn khổ hoàn toàn khác và không thể đi xa như thế trong việc chứng thực tính nhất thể của mọi sự. Nhưng trong vật lí nguyên tử, nó đã đi một bước dài về hướng của thế giới quan phương Đông. (…).

 

 Nền vật lí này bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới với những liên quan vật chấttâm linh chằng chịt, mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể.

 

 (…) Ngày nay vật lí hiện đại đã phát triển một thái độ rất khác. Nhà vật lí đã nhìn nhận rằng, tất cả lí thuyết của họ về hiện tượng tự nhiên, kể cả những quy luật mà họ mô tả, tất cả đều do đầu óc con người sáng tạo ra; tất cả là tính chất của hình dung của chính chúng ta về thực tại, chứ không phải bản thân thực tại.

 

 (…) Trong vật lí lượng tử, người quan sát và vật bị quan sát không thể chia cắt, nhưng hai cái đó tiếp tục bị phân biệt. Còn trong đạo học, trong sự thiền định sâu xa thì sự phân biệt giữa người quan sát và vật bị quan sát hoàn toàn xoá nhoà, trong đó người và vật hoà nhập làm một.

 

 (…) Sự thay đổi thế giới quan đang diễn ra sẽ chứa đựng một sự thay đổi sâu sắc về giá trị; thực tế là sự thay đổi từ tâm can - từ ý định ngự trị và điều khiển thiên nhiên đến một thái độ hợp tácbất bạo động

 

 (…) Nền y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đặt cơ sở trên sự điều hoà của Âm-Dương trong thân thể con người, và mỗi căn bệnh có nghĩa là thế cân bằng đó bị lung lay. Thân người gồm có các phần thuộc âm và dương. Nhìn chung thì các phần nội tạng thuộc dương, phần bên ngoài thuộc âm; lưng là dương, ngực là âm. Thế cân bằng giữa các phần đó được một luồng khí chạy luân lưu giữ vững, khí đó chạy dọc theo một hệ thống kinh lạc, trên đó là các huyệt. Mỗi đường kinh liên hệ với mỗi cơ quan thân thể nhất định theo nguyên lí kinh dương thì nối với cơ quan âm và ngược lại. Mỗi khi mối luân lưu giữa âm dương bị gián đoạn thì thân thể bị đau ốm. (…).

 

*******

 

 3) Đọc trong Trí Tuệ Nổi Trội (Karen Nesbitt Shanor; tiến sĩ sinh học. Dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt; NXB Tri Thức, 2007):

 

 * Các nghiên cứu tại trường Đại học Stanford đã chỉ ra rằng thông qua suy nghĩ, chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp và nhịp tim của một người ở cách xa chúng ta. Còn các nhà khoa học tại trường Đại học Princeton đã chứng minh được quá trình trao đổi thông tin giữa hai người ở cách xa nhau hàng nghìn dặm.

 

 (…) Khoảng không gian rộng lớn chiếm trên 99% diện tích mỗi nguyên tử hầu như khôngý nghĩa gì. Tuy nhiên, một số nhà khoa học hiện đại lại tin rằng khoảng không gian đó, khoảng không mà trong thế giới phương Tây chúng ta coi là một mớ vô dụng, lại rất có ý nghĩa. Nó chính là năng lượng, sự hiểu biết và trên thực tế nó có thể là bản chất của ý thức.

 

 (…) Và bởi vì phần sâu trong tâm hồn được coi là nguồn chữa bệnh, nên một trong những người khởi xướng ra Phòng y học thay thế tại viện Y học Quốc gia, Tiến sĩ John Spencer và tôi đã khám phá ra mối liên hệ giữa trí tuệ và cơ thể - ý thức và y học.

 

 (…) Thông qua cuốn sách này, chúng tôi phát hiện ra được năng lực của ý thức sâu kín và cách khai thác nguồn năng lượng khổng lồ, tình yêu thương và sự thông thái. Ý thức sâu kín được mọi người biết đến là phần trí tuệ sâu nhất. Nó được gọi với nhiều tên: quan sát viên giấu mặt, nhà tư tưởng phía sau những suy nghĩ, trí tuệ điều hành, người chỉ huy, chứng nhân, khoảng không gian giữa những suy nghĩ (…). 

 

 (…) Những phát hiện khoa học mới đây và những kinh nghiệm tâm linh đã từng có lúc hoà hợp với nhau. Đây là điều tốt cho kỉ nguyên mới. Khoa học có sự liên hệ với bản chất tâm linh của nhân loại sẽ có thể bỏ xa khoa học công nghệ của quá khứ trong việc đóng góp vào sự phồn vinh của nhân loại.

 

 (…) Các nghiên cứu đang được tiến hành, về cách thức suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng tới thế giới xung quanh hay tới một nơi xa xôi nào đó, sẽ có thể khẳng định rằng suy nghĩ của chúng ta không chỉ thể hiện mà còn tạo ra được thực tế vật chất.

 

 (…) Các nhà khoa học cũng đang quay lại và hướng sự tập trung vào việc tìm hiểu cách thức suy nghĩtrạng thái của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến lực từ trường bên trong và xung quanh chúng ta. (…) Những phát hiện này có thể chứng minh cho tuyên bố từ lâu của những người luyện thiền và những người tập luyện yoga, rằng những sự rèn luyện này thực sự làm tăng sinh khí cho chúng ta và tiếp thêm năng lượng cho ta.

 

 (…) Nhiều nghiên cứu khoa học đã khiến cho melatonin ngày càng được biết đến với giá trị như một phân tử chống ung thư. (…) Thú vị là việc luyện thiền được coi là một hành động kích thích tuyến tùng và giúp tạo ra được đủ lượng melatonin cần thiết.

--------

 

 * (Viết chung với John Spencer, tiến sĩ y học danh tiếng): Các phương pháp thiền khuyến khích sự thở sâu từ cơ hoành, được biết đến với chức năng nuôi dưỡng các cơ quan cần thiết và làm tăng các mức độ năng lượng, tăng tỉ lệ trao đổi chất và tái sinh các khu vực trì trệ của cơ thể.

 

 (…) Trong bài báo “Bí mật bệnh ung thư” đăng trên tờ Newsday xuất bản năm 1998, Delthia Ricks đã đưa ra khả năng về năng lực chữa bệnh ung thư của những lời cầu nguyện. (…) 

 

 Cũng khoảng thời gian đó, tạp chí Forbes đã cho xuất bản một bài báo của John Christy với tiêu đềLời cầu nguyện là một phương thuốc”. Christy đã cung cấp bằng chứng cho thấy “những người hay cầu nguyệnchú tâm vào các buổi lễ tôn giáo thì sống khoẻ mạnh hơn những người ở cùng độ tuổi nhưng có thái độ hoài nghi”, dựa trên sự xác nhận rằng sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi trạng thái trí não, mà trạng thái trí não lại có thể bị ảnh hưởng bởi các tín ngưỡng tôn giáo. Ta có thể thấy một ví dụ trong các tỉ lệ sống sót cao hơn ở những ca phẫu thuật tim và huyết áp tâm trương thấp liên tục ở những bệnh nhân có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ.

 

 (…) Một nghiên cứu xuất sắc đánh giá vai trò của sự cầu nguyện (cho người khác) trong việc chữa bệnh do bác sĩ chuyên khoa tim Randolph Byrd tiến hành đã khích lệ rất nhiều các nghiên cứu sau đó. (…) Các nhóm tôn giáo khác nhau được cử đến để cầu nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện (bệnh nhân không biết). (…) Các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện ở một số khu vực so sánh với những người trong nhóm không cầu nguyện: Họ dùng thuốc kháng sinh ít hơn năm lần; họ ít bị mắc chứng phù ở phổi hơn ba lần; không ai trong số họ cần đến ống thở (…); và có rất ít bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện bị chết.

 

 (…) Chúng ta chỉ mới đang bắt đầu giáo dục về điều này cho những bác sĩ. Mới đây Hội đồng giáo dục y tế chính thức thực hiện hai yêu cầu đặc biệt liên quan đến tôn giáo.

 

 (…) 20 năm trước khi chúng tôi đề nghị các bệnh nhân tập thiền để có sức khoẻ, chúng tôi thường gặp phải những thái độ hoài nghi. Giờ đây người ta đến các khoá học thiền ngày càng đông. Một công trình nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Benson và Wallace cũng như hàng nghìn các nghiên cứu khoa học đã cho thấy các lợi ích vật chấttinh thần của thiền và đặt nó ở một vị trí tuyệt vời, như một câu nói của người Scotland như sau “nó tốt cho những gì làm bạn đau đớn” mà không có tác dụng phụ nào cả. Bên cạnh đó, sự thiền định còn cung cấp cho người ta thêm năng lượng và khiến họ suy nghĩ tốt hơn, tăng cường khả năng ghi nhớ, tập trung và nâng cao tính sáng tạo.

 

*******

 

 4) Đọc trong Sự Sống Sau Cái Chết: Gánh Nặng Chứng Minh (Deepak Chopra; tiến sĩ y học; được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 anh hùngbiểu tượng của thế kỉ XX. Dịch giả: Trần Quang Hưng; NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2010):

 

 * Sự biến hoá là điều thần kì nhất trong thời thơ ấu của tôi. Bản thân cái chết được xem như một điểm dừng ngắn ngủi trên hành trình vô tận của linh hồn, có thể biến anh nông dân thành một ông hoàng và ngược lại. Với khả năng có vô vàn kiếp sống, linh hồn có thể chứng nghiệm hàng trăm cõi thiên đường và chốn địa ngục.

 

 (…) Vũ trụ mà tôi và bạn thể nghiệm bây giờ, với cây cối, nhà máy, con người, nhà cửa, xe cộ, hành tinh và các thiên hà, chính là ý thức biểu hiện ở một tần số đặc biệt nào đó. Đâu đó trong thời không có những bình diện khác nhau đồng thời tồn tại. (…) Các bình diện tồn tại khác nhau tương ứng với các tần số ý thức khác nhau. Thế giới vật chất chỉ là biểu hiện của một tần số nhất định. (…) Thế kỉ 20, khoa học phương Tây tìm hiểu ra rằng mọi vật thể rắn thực ra đều được tạo nên bởi những rung động vô hình. (…) Cũng đúng như các bình diện khác nhau của vật chất, tinh thần cũng có những bình diện khác nhau. (…) Nếu Trái đất là bình diện tinh thần đậm đặc, thì chắc chắn phải có những bình diện tinh thần cao hơn, chúng tôi gọi là Loka, mà giới thần bí học phương Tây biết đến như “bình diện siêu hình”. Các bình diện siêu hình có số lượng dường như vô tận này chia ra thành các thế giới siêu hình cao hơn và thấp hơn, và thậm chí thế giới thấp nhất cũng rung động với tần số cao hơn thế giới vật chất.

 

 (…) Vì nhục thể rữa nát khi chết, linh hồn rời đi nhập vào giới siêu hình tương ứng với sự tồn tại của nó ở bình diện vật chất, vào tần số tương ứng với cuộc sống cũ của nó nhất. (…) Quá trình biến đổi sau cái chết không phải là sự di chuyển đến một nơi chốn khác hay thời gian khác; nó chỉ là sự thay đổi về chất sự chú tâm của chúng ta. Bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì có rung động tương ứng với bạn.

 

 (…) Khi những tri giác thông thường trở nên mờ nhạt thì những tri giác tinh tế lại trở nên thính nhạy hơn. Chúng ta vẫn nhìn và nghe được sau khi chết, nhưng lúc đó đối tượng không còn là vật chất nữa. Chúng bao gồm bất kể cái gì ta muốn thấy trong cõi siêu hình: nào thiên cảnh, thiên âm, nào quần tiên, nào hào quang chói lọi. Ở trạng thái sắp chết, mặt, giọng nói, hoặc một biểu cảm khác là những biểu hiện đặc trưng nhất. Trong các nền văn hoá khác người ta có thể chờ đợi cuộc chạm trán với ma quỷ hoặc súc vật. Người đang chết thường cảm thấy cái gì đó phảng phất quanh mình - một hơi ấm, một hình ảnh mờ nhạt hoặc âm thanh nào đó trước khi rời khỏi thể xác. Bằng cách nào đó những điều này liên thông với tần số rung động của người đang chết. (…) Một khao khát bất thành hoặc không được phép, trở nên tiêu cực. Một ham muốn hưởng thụ cũng khiến hồn khó siêu thoát.

 

 (…) Các bậc thánh nhânhiền nhânđặc quyền hiện diện đi đó đây tự do trong các cõi siêu hình mà không bị hạn chế bởi các ham muốn. Những linh hồn bấn loạn mắc kẹt giữa hai thế giới, và nếu những người thương yêu bị bỏ lại cứ cầu nguyện gọi hồn, cứ đau khổ, hoặc toan tính tiếp xúc với người đã mất, linh hồn sẽ tiếp tục xốn xang.

 

 (…) Cuối cùng câu hỏi “Cái gì xảy ra sau khi chúng ta chết?” trở thành “Cái gì xảy ra sau khi tôi chết?”. Vấn đề thành ra có tính cá nhân, duy cảm và không thể phớt lờ.

--------

 

 * Bất kể chuyện gì xảy ra lúc chết, tôi tin rằng nó xứng đáng được gọi là phép mầu. phép mầu, trớ trêu thay, chính là ở chỗ chúng ta không chết. Sự dừng lại của cơ thể là ảo ảnh, và giống như nhà ảo thuật vén lên một bức màn, linh hồn khám phá ra điều gì nằm ở bên kia. Các nhà tu thần bí đã biết nỗi vui sướng của khoảnh khắc này từ lâu.

 (…) Vì là phép mầu vô hình, cái chết cực kì khó nẳm bắt. Nhưng chúng ta có những manh mối hấp dẫn là những gì nằm “phía bên kia” thực ra cực kì gần gũi với chúng ta bây giờ. (…).

 

 (…) Trước Big Bang thời gian chưa trôi: mỗi giây tương ứng với vĩnh cửu. Chúng ta ước đoán thế vì vật lí lượng tử xuyên qua ảo ảnh thời gian, tách khỏi đồng hồ nguyên tử để đi sâu hơn vào nhà máy Tự nhiên. Rung động dừng lại tại mức độ sâu nhất. Đáy của vũ trụ giống như bộ não chết. Tuy nhiên biểu hiện của cái chết là ảo giác, vì biên giới nơi mọi hoạt động chấm dứt đánh dấu sự bắt đầu một vùng mới, gọi là thực tại ảo – nơi vật chấtnăng lượng tồn tại dưới dạng tiềm năng thuân tuý. Cơ sở của thực tại ảo rất phức tạp nhưng nói một cách đơn giản nhất, vùng phi vật chất phải tồn tại để sinh ra vũ trụ vật chất. Vùng này trống rỗng nhưng không hề hư vô. Như khi bạn ngủ gật trên giường, trí óc bạn trống nhưng có thể tỉnh ngay cho vô số lựa chọn của ý nghĩ, thực tại ảo tỉnh giấc cho vô số thực tại của các sự kiện mới. Sáng tạo nhảy vọt từ trống rỗng lên đầy tràn, cũng như vĩnh cửu nhảy vọt từ phi thời gian sang đầy tràn thời gian.

 

 Nếu vĩnh hằng đang cùng với ta bây giờ, làm cơ sở cho toàn bộ tồn tại vật chất, nó phải làm cơ sở cho tôi và bạn. Ảo giác thời gian nói rằng bạn và tôi bị phóng theo đường thẳng từ Sinh đến Diệt, trong khi thực ra chúng ta ở trong cái bong bóng bị vĩnh cửu buông xuôi.

 

 Thực ra sự kiện chết chưa bao giờ xa xôi thế, và biên giới cố định giữa sống và chết không phải là không thể vượt qua. (…) Sai lầm không phải ở chỗ ta sợ chết mà là ta không tôn trọng nó như một phép mầu.

 

 (…) Tiến sĩ Lommel, người lãnh đạo chương trình kinh nghiệm cận tử (…) thẩm tra 344 người bệnh loạn tim trong bệnh viện (tim đáng lẽ đập bình thường thì lại co thắt hỗn loạn). Tiến sĩ Lommel nói chuyện với họ trong vòng vài ngày trong khi họ sống lại và phát hiện ra việc gây mê và các loại thuốc không gây ảnh hưởng kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên ông kinh ngạc hơn cả với các báo cáo về ý thức trong khi não không hoạt động. Nhiều năm sau nghịch lí này vẫn khiến ông sợ hãi: “Vào thời điểm đó những người này không chỉ có ý thức; ý thức của họ thậm chí bao quát hơn lúc nào hết. Họ có thể tư duy hết sức sáng suốt, có trí nhớ về tuổi thơ xa nhất và thể nghiệm sự liên kết chặt chẽ với mọi người, mọi vật xung quanh. Và bộ não hoàn toàn không có một chút biểu hiện hoạt động nào”. (…) Có thể là ý thức không nằm trong bộ não. Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại nhất thế giới.

 

 (…) Khoa học trong thời đại vật lí lượng tử không phủ nhận sự tồn tại của các thế giới vô hình. Hoàn toàn ngược lại.

 

 (…) Không thể nắm bắt Vĩnh hằng bằng trí óc trong trạng thái tỉnh thức thông thường của chúng ta. Trạng thái tỉnh thức của chúng ta bị thời gian khống chế trong khi Vĩnh hằng thì không.

 

 (…) Tiếp theo, như người chết đuối nhìn thấy cả cuộc đời mình trôi qua trước mắt, nghiệp của một người bung ra như chỉ gỡ khỏi suốt, và các sự kiện của cuộc đời này diễu ngược lại qua màn ảnh của tâm trí. Bạn thể nghiệm lại tất cả các thời điểm trọng đại từ khi sinh ra, chỉ có điều lúc này rất sinh độngrõ ràng khiến bạn nhìn thấy chính xác từng thời điểm có nghĩa gì. Cái đúng và sai cũng hiển hiện rõ ràng, không có sự tha thứ hay những giải thích duy lí. Bạn chịu trách nhiệm cho mọi điều đã làm.

 

 (…) Những người nghi ngờ khả năng tâm linh đặc dị làm ngơ trước vô số những nghiên cứu cho thấy ý nghĩ thông thường có thể thực sự tác động đến thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tâm trí là trường.

 

 (…) Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong tự nhiên bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện.

Xem thêm cả Tác phẩm bản PDF


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 4151)
Đoàn ca kịch nọ nổi danh Kiếm ăn đi khắp tỉnh thành làng thôn Diễn tuồng ác quỷ kinh hồn Tuồng "Quỷ La Sát" luôn luôn hãi hùng
(Xem: 2994)
Một buổi sáng, Trời Mây trong xanh ngắt, Nắng tung tăng chào đón một ngày vui... Gió êm đưa tia nắng rộn niềm vui, Mặt Trời lên tỏa hào quang rực sáng...
(Xem: 3058)
Hôm nay vào trước Cổng Chùa, Nhận Cành Hoa Trắng cài lên áo mình. Tâm Hương một nén ân tình, Kính dâng lên Mẹ muôn phần nhớ thương !
(Xem: 3850)
Thi Hoá Kinh Trung Bộ 4 tập - Giới Lạc Mai Lạc Hồng
(Xem: 3690)
Tuy là thầy của Nhật Hoàng Thiền sư vẫn thích lang thang du hành Ngài tuy đã rất nổi danh Vẫn làm khất sĩ dạo quanh khắp vùng.
(Xem: 3921)
Cỏ cây, sinh vật thời xưa Đều cùng biết nói, lại vừa biết nghe Riêng loài người giỏi mọi bề Được tôn chúa tể chính vì trí khôn,
(Xem: 4066)
Nguồn sức mạnh của trẻ thơ Chính là tiếng khóc bất ngờ kêu la. Nguồn sức mạnh của đàn bà Là cơn phẫn nộ bùng ra tức thời.
(Xem: 5536)
Một thiền sư rất nổi danh Lãng du theo đám mây xanh cuối trời Chân ông in dấu khắp nơi
(Xem: 3374)
Tất cả Pháp Thế Gian, Ta cần phải buông bỏ, Tín- Hạnh- Nguyện ghi nhớ. Thu nhiếp các Lục Căn, Giữ Tâm luôn thanh tịnh.
(Xem: 4027)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
(Xem: 4567)
Mẹ mà nở những nụ cười Lúc nào cũng chiếu sáng ngời đẹp thay, Mẹ ôm ấp trong vòng tay Mang niềm vui tới bao ngày trong ta.
(Xem: 3255)
Có hai phương cách thông thường Thực thi tôn giáo cõi dương trần này Một là hãy sống xa đây Xa nơi trần tục như thầy tu thôi
(Xem: 2862)
Trời rạng muôn phương với trăng sao, Đất rung bảy lần cùng núi rừng, Người về rực rỡ vườn tuệ giác, Thiên nhạc dặt dìu khúc xưng dương.
(Xem: 3428)
Một người giàu có thuở xưa Tác phong đứng đắn lại thừa thông minh Cho nên các kẻ chung quanh Tỏ lòng thán phục, tỏ tình kính yêu
(Xem: 8435)
Cuộc đời ảo giác giấc mộng dài, Lao đao chuốc khổ để làm chi? Suốt ngày say khướt bên chén rượu, Mình ta ngất ngưỡng mái hiên ngoài.
(Xem: 4618)
Cầu mong đại dịch chóng qua thôi Thế giới giờ đây điêu đứng rồi Phố xá đìu hiu đều đóng cửa Thôn quê lặng lẽ thảy im hơi
(Xem: 2995)
Lời Kinh Đêm càng vút cao cao mãi, Tỏa lan vào ánh sáng khắp Không Gian... Mỗi Câu Kinh tràn ý nghĩa Ngọc Vàng, Bây cao mãi, hòa tan vào Vũ Trụ....
(Xem: 3572)
Thiền sư tinh tấn tu hành Cho nên đạo hạnh nổi danh khắp vùng Bà con ca tụng vô cùng Ngài nêu gương sáng soi chung cho đời.
(Xem: 4607)
Trong một viện dưỡng lão ở nước Úc, cụ ông Mak Filise, 86 tuổi, không có thân nhân nào thăm viếng trong nhiều năm.
(Xem: 3866)
Nước kia có một ông vua Nghe lời đồn đãi khó ưa về mình Ngoài đời có kẻ phê bình Rằng mình bạo ngược, tính tình tàn hung
(Xem: 4167)
Lại thêm một ngày cho cuộc đời. Lại thêm một ngày cho em, Lại thêm một ngày cho anh, Lại thêm một ngày cho những người còn sống trên cõi đời này.
(Xem: 4338)
Nợ nước thù chồng nặng cả hai Cùng em chia sẻ bước chông gai Sơn hà dựng lại, dân ghi đức Vương bá xây nền quốc chính ngôi
(Xem: 4127)
Nguyện Cầu Đức Phật Dược Sư, Chữa cho Thế Giới bớt dần dịch căn,
(Xem: 3209)
Một năm Thầy Hư Vân về Kê Túc, Để tịnh tu, giao Hội cho Cao Tăng... Tại đây, Thầy tu sửa Chùa Hưng Vân... Chùa La Thuyên, tỉnh Hạ Dương cho hoàn chỉnh
(Xem: 4783)
Ta cứ ngỡ tuổi già toàn tẻ nhạt, Ngại bốn mùa năm tháng lướt qua nhanh,
(Xem: 3194)
Nơi miền bắc Ấn Độ xưa Trong vương quốc nọ có vua trị vì Giúp vua là vị quan kia Có tài định giá những gì bán buôn
(Xem: 4512)
Bạn ơi, Muốn sống hạnh phúc thì xin bạn: Đừng đem chuyện hàng xóm vào gia đình. Đừng đem chuyện đường phố vào nhà. Đừng đem chuyện cộng đồng vào những bữa cơm.
(Xem: 4857)
Tuyển tập song ngữ “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” đã góp một phần rất tuyệt vời khi đưa ra ánh sáng một phương diện khác của ảnh hưởng Thiền tại Việt Nam...
(Xem: 4876)
Xuân về khắp chốn rộn tin vui Mở cửa mừng Xuân rạng ánh cười Phú quý Xuân sang nguồn cội thắm Vinh hoa Tết đến nghĩa tình tươi
(Xem: 3646)
Kỷ Hợi qua, Canh Tý đến nhanh, Ba Mươi Tết, thanh thản, yên bình, Bánh chưng xanh, quả, hoa bầy sẵn, Chuẩn bị dâng cúng Phật đầu năm.
(Xem: 3965)
Thêm một mùa Xuân chốn viễn phương. Nhớ về quê cũ trắng canh trường!
(Xem: 3696)
Thức chờ năm mới gió đượm hương trà nửa khuya tóc trắng một đời sắp qua.
(Xem: 4335)
Rừng Sala giữa cây Song Thọ, Lúc nửa đêm, Phật sắp Niết Bàn, Không khí quá trang nghiêm yên tịnh, Các Đệ Tử ngồi kín chung quanh.
(Xem: 3731)
Trong chuyến đi, Hành Hương Thăm Đất Phật. Đến Sông Hằng rồi Lộc Uyển xanh tươi, Tiếp theo là Thánh Tích Phật xa xôi... Rồi sau đến Nalanda hoang phế!
(Xem: 4354)
Nhân vào ngày Lễ Tạ Ơn Chúng ta cảm tạ vô vàn thành tâm Những lời cầu nguyện quanh năm, Tạ ơn gia cảnh muôn phần yêu thương,
(Xem: 3993)
Tờ mờ sáng tinh sương, Gậy, nón lá, lên đường, Ai không khỏe ở lại ! Vì Leo núi đường trường,
(Xem: 3405)
Một ngày mới tôi về thăm Phật Tích. Bao lâu rồi trông đợi đến hôm nay. Thời gian qua tâm tư ngóng từng ngày. Đủ duyên lành cùng nhau thăm Đất Phật
(Xem: 3999)
Ở Ba La Nại thời xưa Có nhà giàu nọ rất ưa bạc bài Ông thường chơi với một người Cũng mê bài bạc, tứ thời ăn thua
(Xem: 4031)
Thuở xưa có kẻ đi đường Rất là khát nước nên dừng chốn đây Kiếm tìm nước khắp Đông Tây Thấy sương lóng lánh giăng đầy phía xa
(Xem: 4466)
Tu Bồ Đề sinh ra đời Một ngày đặc biết đất trời lạ sao Trong nhà của cải biết bao Tự nhiên biến mất đường nào ai hay.
(Xem: 5360)
Dốc đá ven đường tiến thẳng non, Sương chùng suối róc cảnh chon von. Qui chơn thấy lẽ không tìm ngọn, Lập hạnh vun đời vẫn nguyện con.
(Xem: 3842)
Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt... Boat People hoá thành “Load People”. Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
(Xem: 3930)
Hè nhau báng bổ chốn thiền môn Kẻ xướng người hô phang dập dồn Bắt bóng toang mồm rao báo nóng Trông hình ngoác mỏ động làng ồn
(Xem: 4517)
Lắng lòng nghe một chiếc lá rơi Mùa Thu vừa đến nhẹ bên đời Chiều phai, giọt nắng còn vương đọng Như thầm tiếc nuối một ngày trôi..
(Xem: 4019)
Trước khi câu chuyện xảy ra Ở bên châu Á người ta nói rằng Voi và chó chẳng kết thân Chẳng bao giờ có thể gần gũi nhau,
(Xem: 4827)
Cội Bồ đề lá cành xanh thắm Bám đất sâu in đậm bóng từ Bao năm chẳng quản hoại hư Chở che muôn loại thân như diệu kỳ
(Xem: 4575)
Duyên trần thúc đẩy đến nơi này, Khổ luỵ sầu đau cứ mãi quay Lận đận bơ vơ bao mộng mị Lênh đênh lạc lõng bấy mơ lay
(Xem: 3996)
Bồ tát tự tại cứ đi, Chúng sanh theo gót những gì ngài qua, Để cùng thoát khổ Ta Bà, Tây phương tịnh độ một nhà an vui.
(Xem: 3659)
Có chàng giàu có kể chi Tiền nhiều nhưng lại ngu si tức cười Không hề biết đến việc đời, Một hôm chàng chợt dạo chơi trong vùng
(Xem: 4040)
Căn bản của sự tha thứ là quên đi những gì đã xảy ra, nhưng nhớ những gì đã xảy ra rồi và cần tha thứ cho sự bình an của tâm hồn.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant