Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Gió Mây Hóa Kiếp

30 Tháng Mười 201413:57(Xem: 10899)
Gió Mây Hóa Kiếp
Gió Mây Hóa Kiếp


 Thích Liễu Nguyên

Xem bản PDF


DUYÊN KHỞI SÁNG TÁC TẬP THƠ

Kính thưa quý vị đọc giả, những triết lý và tư tưởng trong tập thơ này đều chuyển tải một phần những chân lý: Vô thường, Duyên sanh, Vô ngã… và nhiều pháp môn tu đạo giải thoátĐức Phật Thích Ca đã từng dạy. Bên cạnh đó còn mang nhiều  tư tưởng pháp quán: Không, Giả, Trung (Trung Đạo) của Bồ Tát Long Thọ (vị tổ sư thứ 14 của Tây Thiên Đông Độ: Thế kỷ 1 và 2) cũng như tư tưởng tổng hợp Đại thừa của Tổ sư Trí Giả (538 – 597), Ngài sáng lập Thiên Thai Tông ở Trung Hoa.

Thêm vào đó còn mang đậm nhiều sắc thái của các thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay như: Thiền sư Pháp Thuận (914 – 990), Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025), Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715), Tổ sư Liễu Quán (1667 – 1742)… và các  thi hào Phật tử Việt Nam như: Nguyễn Trãi (1380 – 1442), Nguyễn Du (1765 – 1820)… mà Liễu Nguyên thường thích đọc những thi phẩm thiền của Tản Đà (1899 – 1939), Thiền sư Mật Thể (1913 – 1961) và HT. Thích Tuệ Sỹ…dịch nghĩa. Đặc biệt Liễu Nguyên cũng thường sớm đam mê thọ trì những bộ kinh Đại Thừa do HT. Thích Trí Tịnh (1917 – 2014) và Thượng Nhân HT. Thích Trí Quang dịch hay bộ Phật học phổ thông của HT. Thích Thiện Hoa (1918 – 1973), tạng kinh Nikàya và Pàli do HT. Thích Minh Châu (1918 – 2012) dịch, các bộ luận của HT. Thích Thiện Siêu (1921 – 2001) dịch  nên đã thấm nhuần được lời dạy năm xưa của Thế Tôn và chư Tổ sư Bồ Tát.

Như vậy, cơ duyên sâu xa có thể là do túc duyên nhiều đời gần gủi Phật pháp, và kiếp nầy làm người đã được thân phụ hướng dẫn theo anh trai TT. Thích Khánh Chơn xuất gia từ tuổi niên thiếu lúc 11 tuổi. Do trong chùa Phật Học Quảng Trị lúc bấy giờ (1990) có phát hành kinh sách, vốn dĩ đam mê những mẫu chuyện thiền và nguyên cứu Phật pháp nên Liễu Nguyên gần như đã chăm chú đọc hết nhiều sách đó vào những lúc rảnh rỗi hay lúc ngồi trong coi quầy kinh sách. Sau đó được học Trung Cấp Phật Học 7 năm tại chùa Báo Quốc và 4 năm Cao Cấp Phật Học tại Học Viện PGVN tại Hồng Đức – Huế.

Nguyên nhân gần là lúc qua Mỹ, về tu học nhiều năm tại chùa Việt Nam Los Angeles. Nơi đây có một thiền sư thi sĩ nỗi tiếng hiệu Huyền Không (Cố Hội Chủ HT. Thích Mãn Giác: 1929 – 2006) nên Liễu Nguyên thường được đọc các áng thơ thiền trong tập: Mây Trắng Thong Dong của Ngài, và tập thơ Ngàn Năm Còn Đó của thi sĩ Thuyền Ấn (1929 – 2010). Đặc biệt nhân một đêm cao hứng đọc lại tập thơ Mưa Nguồn của nhà thơ Bùi Giáng (1926 – 1998) nên đã khơi dậy bao kỷ niệm, cảm xúc mà viết ra tập thơ Gió Mây Hóa Kiếp nầy.

Có thể người đọc xem là thơ hay những dòng tư tưởng, tâm tình về triết lý sống, triết lý nhân sinh….được hòa quyện vào nhau cũng để chỉ đến cõi lòng của Liễu Nguyên trong muôn cõi lòng vậy.


 

 

LỜI GIỚI THIỆU

HT.Thích Như Minh

---------

Bình bát cơm ngàn nhà

Thân chơi muôn dặm xa

Mắt xanh xem người thế

Mây trắng hỏi đường qua

(Thiền Thi)

 

Thơ ca trong nền văn học Việt Nam là nét đẹp trong nếp sống của người dân.Thơ ca dong ruỗi cùng người trong suốt chặng đường đời vui buồn. Nhưng cao thượng hơn, có những hồn thơ đạo tình mênh mông, chuyển tải những ý tưởng tao nhã của người đạo sĩ mang trong tâm hồn nghệ sĩ. Dân tộc Việt vốn có sẵn trong dòng máu nghệ sĩ, khi vui khi buồn vẫn có thơ bên cạnh: khi trong tâm cảnh vui thì tụng ca cuộc đời với muôn hồng ngàn tía; khi tâm cảnh buồn thì thơ ca vỗ về an ủy. Do thế, thơ có mặt với người trong cách ứng xử với đời, trong từng ý tưởng và trong ước mơ tuyệt đẹp của người. Đẹp như dòng Cửu long giang trôi chảy đêm ngày, là trường ca của thể thơ lục bát. Thế giới đã phải nghiêng mình trước thi hào Nguyễn Du qua những vần lục bát tài hoa trong Truyện Kiều. Cũng trong dòng thơ ca này, thơ thiền của những Thiền sư khi xưa đã để lại cho lịch sử thơ ca dân tộc một gia tài thơ ca không những chỉ chuyển tải Đạo mà còn hàm ẩn ý tưởng cao cả về tư tưởng, về lòng yêu nước thương dân. Những vần thơ như vậy, vốn dĩ có quyền năng nâng người từ nơi tối tăm lầm than ra nơi tươi sáng tràn đầy ước mơ hy vọng hoặc có thể đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.

 

Đó là hồn thơ của những Thiền Sư từ Đinh Lê Lý Trần Lê trở về sau hay của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đã quyện trong tâm hồn yêu thơ ca và sáng tạo của người dân việt. Tự bao giờ, thơ ca đã chuyển tải tình dân tộc, tình Đạo Pháp, tình người:

 

Nước tôi là nước Việt Nam

Năm ngàn năm trước Lạc Hồng hóa sanh

Âu Cơ là Mẹ chung sanh

Lạc Long Rồng thánh Cha lành sanh ra

 

Rồi:

Trên sách sử Việt hát ca

Ngàn đời oanh liệt ông cha rạng ngời

Hùng Vương vang bóng một thời

Bà Trưng Bà Triệu ngàn đời còn vang.

Việt Nam tiếp bước hiên ngang....

(Nước Việt Nam, Thích Liễu Nguyên)

Vần thơ đẹp trên như tiếp nối những vần điệu ca dao mà ta đã từng nghe tiếng mẹ ru ầu ơ từ thuở còn nằm nôi.

Thầy Liễu Nguyên – một Tăng sĩ trẻ – từ bé thơ đã sống và có những tháng ngày thơ mộng ở chốn thiền môn sớm chiều được ươm mầm trong khung trời mà ở đó vang vọng âm điệu thiền thi siêu thoát. Phải chăng nhờ có quãng đời cao đẹp của một chú tiểu từ thuở ấu thơ mà tâm hồn nghệ sĩ của một Đạo Sĩ cũng đã trưởng thành trong Thầy. Thơ quả thật đã thành hơi thở của Thầy. Ta đọc trong tuyển tập thơ Gió Mây Hóa Kiếp với 9 thi tập có 108 bài thơ và trường ca Phật sử đã trãi rộng tâm hồn của thi nhân.

Thi tập Phật Thích Ca Ánh Đạo, Thầy đã thi hóa cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi đản sanh trong khu vườn khả ái Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ đến khi nhập Niết bàn tại khu rừng song thọ ở Câu Thi Na. Lịch sử của Đức Phật qua những vần điệu của thi ca xưng tán Đức Phật đầy lòng từ bi, trí tuệ. Ngài là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn mà được trời người tôn kính. Ở đây ta bắt gặp những vần thơ:

Hôm nay Phật đản trở về

Ta bà hiện cảnh hoàng quê năm nào

Từ trời Đâu Suất trên cao

Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân

 

Và đây là những vần thơ tỏ rõ niềm hân hoan của thần dân khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh:

Lâm Tỳ Ni Thánh nhân

Vua Tịnh Phạn cùng muôn dân hoan chào

Ta Bà khải nhạc trời cao

Ca Tỳ La Vệ ngọt ngào chim ca

(Mừng Phật Đản Sanh)

Nhưng khi Thái tử trưởng thành, văn võ song toàn, thì:

Thế gian nghiệp quả dập dùi

Sanh, Già, Bệnh, Chết chôn vùi xác thân

Trần gian tình nặng Ái ân

Yêu nhau Ly biệt muôn phần khổ đau

(Thái tử xuất gia)

Cho nên Thái Tử quyết chí xuất gia tầm đạo, đem ánh đạo vàng để cứu độ muôn dân:

A Nô Ma, Ngài xuống tóc

Kiền Trắc, Sa Nặc van khóc cũng đành

Một mình lặn lội rừng xanh

Tầm sư học đạo bao lần sử ghi

(Phật Thành Đạo)

 

Và đây ánh Đạo vàng được Đấng Đại Giác tuyên dương cách nay hai thiên niên kỷ rưỡi qua:

Ngũ thời bát giáo bao la

Hoa nghiêm, A hàm tiếp là Phương đẳng

Bát nhã Bồ tát một đằng

Pháp hoa thuyết tại trăng vàng Linh sơn

Niết bàn giác ngộ Thiên Nhơn

Bao năm hóa độ Thánh nhơn vô vàn.

(Phật chuyển Pháp luân)

 

tiếp theo là nơi Đức Phật khi xưa an nhiên tự tại an trú trong tứ thiền rồi xuất khỏi tứ thiền, đi vào thiền tứ không và xuất thiền tứ không trước khi nhập Vô Dư Y Niết Bàn dưới tán song thọ, nơi rừng Ta La xứ Câu Thi NaẤn Độ là những vần thơ chứa đầy cảm xúc cho những đệ tử Phật khi xưa và cho đến ngày hôm nay khi người Phật tử duyên lành về thăm để đảnh lễ Đại tháp Niết bàn đều cảm xúc rơi lệ về sự thiêng liêng ở chốn này, nơi mà cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí, Đại Đức trước giờ Thị Tịch Niết Bàn đã ân cần phó chúc cho Tăng Đoàn không nương tựa một ai mà hãy nương tựa nơi Giới Pháp và lấy Giới Luật làm thầy được ghi lại trong kinh Di Giáokinh Đại Bát Niết Bàn. Đây là những vần thơ chứa đựng nhiều cảm xúc của thi nhân:

Xứ Câu Thi ba tháng sớm trưa

Thế Tôn di giáo Đại thừa kinh ghi

Ta la rừng như mọi khi

Mà sao lá rụng cây thì vấn vương

 

Song thọ dừng chân dặm trường

Xuất nhập thiền định Thiên đường loan tin

Ta bà chấn động giật mình

Thích Tôn đã nhập Vô dư Niết Bàn.

Trong cõi Tam thiên đại thiên trời người khóc than rơi lệ:

Đại thiên thế giới ba ngàn

Hữu tình tuôn lệ Thánh an trong thiền.

(Phật nhập Niết bàn)

 

Bạn thơ cũng chợt bắt gặp trong thi phẩm Gió Mây hóa kiếp những thi kệ về Nguyện lớn của chư Phật, hạnh nguyện cao cả của chư vị Bồ Tát, truyền đăng tục diệm của chư Tổ. Đọc những vần thi kệ này, bạn như nghe đâu đây tiếng hò mái nhì trên dòng sông Hương trầm mặc ở đất Thần kinh:

Ngược dòng sanh tử mãi gọi đò

Thuyền ai thấp thoáng trên sông đó

Có phải Quan Âm đang chèo đò

Chở con qua bến Tây phương đó

(Hò gọi đò Quan Âm)

 

Hay tụng ca ân đức sâu dầy của cha mẹ:

 

Ngàn hoa đẹp nhất đóa hồng

Dâng lên Cha Mẹ muôn lòng thiết tha

Thế gian hai chữ tình Cha

Trên đôi vai ấy biết bao la tình.

(Ân Cha Nghĩa Mẹ)

 

Và đây là những vần điệu tụng ca vẻ đẹp an bình chốn thiền môn, những mái chùa Việt thân thương để vỗ về xoa dịu kiếp đau thương cõi nhân gian:

Những khi lòng thấy xốn xao

Buâng khuâng buồn giận ngán ngao sự đời

Nhằm lúc chuông vẳng thảnh thơi

Chợt người tĩnh giấc nghe lời chuông ngân.

(Tiếng chuông Thiên Mụ)

 

hay thiên nhiên phong cảnh thiền chốn già lam mà thi nhân đã đối cảnh sanh tình thơ:

Suối nguồn hóa kiếp từ mây

Ngàn thu mây tận nước đầy trong xanh

Gió về hóa kiếp bao lần

Đất ra hơi ấm trở thành gió bay.

(Gió mây hóa kiếp)

 

Giữa thành phố Thiên Thần nơi Mỹ quốc, ngự nơi đây ngôi chùa quê hương, trãi qua nắng sương năm tháng, nuôi dưỡng hồn quê hương cho đàn con dân xa xứ. Nơi đây nhiều thế hệ đến rồi ra đi mang theo bao vui buồn trong ký ức. Còn mãi đây ngôi chùa nơi phố thị ồn ào dưới nắng ấm như phảng phất nụ cười từ bi của Đức Phật. Nụ cười của Đức Phật sống mãi trong trái tim người Phật tử:

Và Nơi đây cũng sẽ còn mãi ngôi chùa, nắng ấm Mùa Xuân và nụ cười của hai vị Thầy đã có công truyền đăng Phật giáo Việt vào quê hương mới này - Thiền sư Thiên ÂnThiền sư Mãn Giác:

Con đến đây người đã ra đi

Ngôi chùa còn đó đâu khác gì

 

Bên cạnh dòng chảy cuộc đời, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Mỹ với sứ mệnh cao cả:

Đến nay nối tiếp ba thế hệ

Phật giáo truyền thừa đất xứ người

Sáng chiều tiếng kinh ngay giữa phố

Chim kêu ríu rít nhường muốn nghe

(Chùa Việt Nam Los Angeles)

 

Giữa dòng đời xuôi ngược tất bật, phố thị ồn ào nhưng ngôi chùa muôn đời vẫn tĩnh lặng.

Giở lần cho đến trang cuối tập thơ của Thầy Liễu Nguyên, thì cái dụng tâm của Thầy cũng là để thi hóa con đường hạnh nguyện tưởng là lắm gian truân thử thách của người Phật tử, nhưng con đường đó là hạnh phúc cũng đầy thi vị.

Hơn nữa, có thể rằng vần điệu thi ca theo thể lục bát của dân tộc đã làm cho thi nhân dễ dàng lướt bay qua bầu trời thơ ca hơn các thể loại thơ ca khác như trong thể thơ Haiku của người Nhật thì trong sáng tác của thi nhân chỉ sử dụng vài âm tiết nhưng có gợi ra cả một bức tranh thi ca lớn, do vậy, thi nhân mặc khách và thơ ca cần cùng hòa nhập làm một.

Trân trọng giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc.

Los Angeles mùa hoa phượng tím 2014.

VUBC

Thích Như Minh

 

 

 

 

MỞ TRANG THƠ GIÓ MÂY HÓA KIẾP

 

Như giọt sương long lanh đọng trên ngọn lá
mong manh, trong ánh nắng ban mai mà chứa
đựng đủ cả pháp giới Hoa Nghiêm từ muôn
thủa.

 

Giọt sương long lanh đọng trên cành
Nắng mai rọi chiếu sáng long lanh
Hững hờ một lúc tan trong gió
Kiếp người mấy giọt sương mong manh…?
(Giọt Sương Long Lanh, Liễu Nguyên)

 

Gió Mây Hóa Kiếp là ánh nắng mùa Xuân
tỏa chiếu cùng muôn hoa sắc thắm... Là cơn gió
mát mùa hạ gọi mưa nguồn cho đồng lúa trổ
bông…  

Là mây, mây phủ khắp cùng.
Mưa rào pháp vũ, muôn trùng lạc an.
Là mưa, mưa hạ ban ân
Khắp đồng lúa chín ngập tràn trổ bông.
(Là Hương Là Hoa Là Tình…Liễu Nguyên)

Là ánh trăng mùa Thu sáng tận cõi lòng ai từ
muôn kiếp…Là đêm Đông vọng tiếng kinh bất chợt đón Xuân về…Là tiếng chuông ngân vọng xoa dịu lòng ai cùng năm tháng….

Những khi lòng thấy xốn xao
Buâng khuâng buồn giận ngán ngao sự đời
Nhằm lúc chuông vẳng thảnh thơi
Chợt người tĩnh giấc nghe lời chuông ngân.
(Tiếng Chuông Thiên Mụ, Liễu Nguyên)

Gió Mây Hóa Kiếp theo lẽ tự nhiên của pháp
giới mà chợt tĩnh cõi vô thường  trong nhân thế, ngộ rõ lẽ chơn thường của pháp giới vô chung…

Bắt đầu là đưa Hành Giả trở về với khởi
nguồn chánh pháp  cõi Ta bà qua thơ tập 1:
Phật Thích Ca Ánh Đạo. Để rồi thấy
được pháp giới chư Phật, Bồ Tát qua  thơ tập 2: Chư Phật Tát Hạnh Nguyện.

Noi theo hạnh Nguyện đó, bằng thực hành đạo hiếu vi tiên trong thơ tập 3: Đôi Mắt Hiếu Đạo. Đến với Gió Mây Hóa Kiếp là cùng
Liễu Nguyên cỡi  mây theo gió vui với trăng
 sao… Với suối nguồn bao la… đưa tâm hồn
 vào thơ tập 4: Gió Mây Hóa Kiếp. Hòa quyện với trăng với gió là tiếng chuông
ngân vọng bao chiều với bao mái chùa thân
thương trải khắp mọi miền đất nước Việt Nam
yêu dấu, lan tận đến khắp năm châu bốn biển
qua thơ tập 5: Mái Chùa Dòng Sông Quê
Hương. Đến với Gió Mây Hóa Kiếp,
đọc giả cũng sẽ đến với cõi thiền nhẹ nhàng
thanh thoát mà nhập vào cõi tâm hoan hỷ trong thơ tập 6: Thơ Hỏi Đạo Thiền.

Chín năm nói pháp không lời
Như pháp vẫn chảy khắp trời mười phương
Giới hương vốn sẵn miên trường
Bổn lai vô tướng không lường diệu tâm.

(Chín Năm Diện Tường, Liễu Nguyên)

Bên cạnh đó, là những câu Pháp Ngữ trong thơ
tập 7, kế đến là những vần thơ của Liễu
Nguyên đã được phổ nhạc.

Sau cùng Gió Mây Hóa Kiếp có thể sẽ động lại  những triết lý sống trong tâm hồn mỗi người và lóe lên một tia sáng cho sự thăng hoa trong cuộc sống hiện tạimiên viễn cùng với Gió Mây
Hóa Kiếp…

 

 

THƠ TẬP 1

 

PHẬT THÍCH CA ÁNH  ĐẠO

THƠ: LIỄU NGUYÊN


 

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

 

MỪNG PHẬT ĐẢN SANH
Mừng ngày Phật Đản 15/04 – PL: 2557

Hôm nay Phật Đản trở về
Ta Bà hiện cảnh hoàng quê năm nào
Từ trời Đâu Suất trên cao
Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân.

Ma Gia mộng ứng điềm lành
Voi ngà sáu chiếc hóa sanh Thánh hiền
Bảy đóa sen quý kim liên
Ưu đàm một đóa Ngài liền đản sanh.

Đủ ba hai tướng tốt lành
Tám mươi vẽ đẹp tinh anh sáng ngời
Mười phương chấn động khắp nơi
Ta Bà mở hội mừng Người đản sanh.

Lâm Tỳ Ni đón Thánh nhân
Vua Tịnh Phạn cùng muôn dân hoan chào
Ta Bà khải nhạc trời cao
Ca Tỳ La Vệ ngọt ngào chim ca.

Từ Đâu Xuất đến Tà Bà
Trời đất rung chuyển Thích Ca giáng trần
Đại thiên thế giới phước ân
Thích Tôn sẽ Chuyển Pháp Luân cõi nầy.

Ngộ từ Tám khổ đắng cay                  
Dục trần quyết đoạn hăng say tu hành
Sáu năm khổ hạnh rừng xanh
Bồ Đề thiền tọa chứng thành Phật thân.

Vườn Lộc Uyển Chuyển Pháp Luân
Tiên nhân hóa độ Thánh nhân vô vàn
Bốn chín năm dấu chân vàng
Giới Hương Định Tuệ rọi đàng chúng sanh.

 

Nhất Tâm Đảnh Lễ:  Đâu Xuất Giáng Trần, Dưới Cây Vô Ưu, Vườn Lâm Tỳ Ni, Thị Hiện Đản Sanh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

THÁI TỬ XUẤT GIA
Cảm thơ nhân ngày 8/2 – PL: 2557

Sau khi thấy rõ tám sự khổ đau của cuộc đời, Thái Tử Tát Đạt Đa thường rơi nước mắt và suy tư. Ngài đã xuất gia (08/02) đi tìm nguyên nhânphương pháp để giúp bản thân, loài ngườichúng sanh thoát khỏi những khổ đau mà đến được chổ an vui giải thoát.

Ra cung dạo bốn cửa thành
Trần gian Tám Khổ bao lần bày phơi
Cửa Đông Sanh (1) khổ à ơi
Cửa Nam hiện cảnh thân người Già (2) nua.

Cửa Tây Bệnh (3) tật chẳng trừa
Cửa Bắc bóng xế Chết (4) đừa người ra
Lòng đau sanh tử thoát ra
Muốn cho thế giới Ta bà an vui.

Thế gian nghiệp quả dập dùi
Sanh, Già, Bệnh, Chết, chôn vùi xác thân
Trần gian tình nặng Ái  ân
Yêu nhau Ly biệt (5) muôn phần khổ đau.

 

Oán thù (6) cứ mãi gặp nhau
Cầu mà không được (7) thì đau quặn lòng
Làm người trong kiếp phiêu bồng
Sang hèn Ngũ Uẩn (8) một tròng khác chi.

Nhận chân Tám Khổ tức thì
Nước mắt Thánh chảy quyết đi lên đường
Sa Nặc, Kiền Trắc dặm trường
Hoàng cung khuất bóng đêm trường rừng sâu.

A Nô Ma đợi đã lâu
Đến nơi trời mới bắt đầu nắng mai
Áo bào trao lại Hầu sai (Sa Nặc)
Thoát gươm cạo hết tóc dài, sa môn.

Tháng hai mồng tám trường tồn
Khắc ghi dấu ấn ThíchTôn xuất trần
Sáu năm khổ hạnh rừng xanh
Bồ Đề thiền tọa đạo thành Phật thân.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dạo Bốn Cửa Thành, Thấy Tám Cảnh Khổ, Từ Bi Thương Xót, Vượt Rừng Xuất Gia, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ghi chú: Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong bài thơ, tác giả tượng trưng cho bốn cảnh khổ. Còn theo đúng trong lịch sử ghi lại thì hướng Đông Ngài gặp người già, hướng Tây gặp người bệnh, hướng Nam gặp người chết và hướng Bắc thì gặp vị Khất Sĩ.PHẬT THÀNH ĐẠO
Mừng ngày Phật thành đạo 8 /12 – PL: 2557

A Nô Ma, Ngài xuống tóc
Kiền Trắc, Sa Nặc thương khóc cũng đành
Một mình lặn lội rừng xanh
Tầm sư học đạo bao lần sử ghi.

Không Vô Biên Xứ đã đi
Thức Vô Biên Xứ cũng chỉ vậy thôi
Phi Tưởng cũng đã từng ngồi
Phi Phi Tưởng Xứ cõi trời còn xoay.

Thấy không thỏa chí từ đây
Sáu năm khổ hạnh thân gầy bọc xương
Vẫn chưa chứng đạo tỏ tường
Ngược dòng Liên Thuyền lên đường rừng sâu.

Bồ Đề lập thệ nguyện sâu
Nguyện rằng thành Phật bao lâu chẳng màng
Susata thiếu nữ thôn làng
Cúng Ngài bát sữa thân Ngài khỏe ra.

Bốn chín ngày ngồi thiền tọa
Nội ma ngoại chướng ham dọa liên miên
Tâm tư Ngài định trong thiền
Canh năm trời sáng thoát nhiên Phật thành.

Thấy được mọi khổ nguyên nhân
Thấy hết duyên khởi kiếp trần ngàn xưa
Thấy được phương pháp đoạn trừ
Sanh ba phương tiện như như Pháp truyền.

 Ghi chú: Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật dạy rằng: Chư Phật vì lòng Từ Bi thương xót chúng sanh, nên đã dùng Trí Tuệphương tiện Phật thừa ra thành ba thừa: Thanh Văn (A La Hán) Duyên Giác (Bích Chi Phật) Bồ Tát thừa (Thập Địa Bồ Tát) để cho trời người và chúng sanh dễ tu tậpthành Phật quả như  Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Nimười phương chư Phật vậy.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dưới Cội Bồ Đề, Bốn Chín Ngày Đêm, Ngài Ngồi Thiền Tọa, Hàng Phục Ma Quân, Một Sáng Tinh Sương, Đạo Thành Chánh Giác, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 


PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN

Ba tuần tắm biển Hoa Nghiêm
Bao la duyên khởi căn nguyên trùng trùng
Phạm Thiên thay mặt muôn trùng
Xin Phật phương tiện chuyển cùng Pháp Luân.

Ta bà vui nhận phước ân
Thích Tôn sẽ chuyển Pháp luân cõi này
Trong vườn Lộc Uyển dưới cây
Tứ Đế Ngài dạy từ đây an nhàn.

Năm người bạn cũ hỷ hoan
Lần lượt chứng được quả A La Hán
Phật Pháp Tăng đã truyền lan
Vâng lời Phật dạy Pháp tràn bốn phương.

Thánh chúng  có đến muôn ngàn
Sáng ngày khất thực chiều an trong thiền
Phật tử  đắc pháp lạc nhiên
Phát tâm xây dựng thật nhiều tùng lâm

Nào là tinh xá Trúc Lâm…
Kỳ Viên Tinh Xá pháp âm Ngài truyền
Ba tháng an cư lạc nhiên
Những thời kinh lớn Ngài truyền giảng ra.

Ngũ thời bát giáo bao la
Hoa Nghiêm (3 tuần), A Hàm (12 năm) tiếp là Phương đẵng (12 năm).
Bát Nhã (22 năm)  Bồ Tát một đằng
Pháp Hoa (8 năm) thuyết tại trăng vàng Linh sơn.

Niết bàn giác ngộ Thiên Nhơn
Bao năm hóa độ Thánh Nhơn vô vàn
Một thân muôn dặm phương ngàn
Tam thừa phổ độ muôn vàn hóa sanh.

Ta bà thắm đượm pháp âm
Đến nay chánh pháp in lần Chuyển Luân.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Trí Tuệ Từ Bi, Đại Thừa Phương Tiện, Ta Bà Lộc Uyển, Ngài Chuyển Pháp Luân, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Ghi chú: Nương theo tư tưởng trong kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, ngài Trí Di (Trí Khải)  đã hệ thống toàn bộ giáo nghĩa Phật pháp, thì sau khi chứng Phật quả dưới cội Bồ đề, Thế Tôn đã  an định, tắm trong cảnh giới Hoa Nghiêm suốt ba tuần lễ. Ngài thấy Phật pháp quá thâm sâu, sợ trời người, chúng sanh khó lãnh hội hết, nên Ngài đã Từ Bi thương xót mà dùng Trí Tuệ phương tiện Phật thừa thành ba thừa : Thanh Văn, Duyên GiácBồ Tát thừa. Thế rồi, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên và chuyển vận bánh xe chánh Pháp.

Mười hai năm đầu Ngài thuyết về giáo lý A Hàm tức Tứ ĐếThập Nhị Nhân Duyên, Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã…, những người tu theo đã chứng đắc Tứ Quả của Thanh VănBích Chi Phật.

Mười hai năm tiếp theo, đức Phật thuyết các kinh Phương Đẳng để khuyến khích, hướng dẫn chư vị Thanh Văn, Duyên Giác…  phát đại bồ đề tâm tiến lên quả vị Bồ Tát để tự lợi ích cho mình và cứu độ chúng sanh.

Hai mươi hai năm tiếp theo, đức Phật thuyết về Kinh Bát Nhã, Kim Cang… mang chân lý Tánh Không, Trung Đạo… giúp cho hàng Bồ Tát và các vị đã phát tâm đại thừa tiến sâu và vững chắc trên mười cảnh giới (địa) của Bồ Tát để tự lợi ích cho mình và hết thảy muôn loài chúng sanh bằng thực hành Lục Độ Ba La MậtBố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tin Tấn, Thiền ĐịnhTrí Tuệ (Giải Thoát).

Tám năm cuối cùng, Đức Phật thuyết về Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Pháp Liên HoaKinh Đại Niết Bàn để các Bồ Tát lớn biết được cảnh giới tối thượnggia tài Phật pháp của mười  phương chư Phật. Ngài đã thọ ký quả Phật cho Bồ Tát Di Lặc là vị Phật kế tiếp của cõi Ta bàthọ ký cho vô số Bồ TátThanh Văn khác và những ai có duyên với Phật pháp.

Cũng trên đỉnh núi Linh Sơn, Ngài mật ý (niêm hoa vi tiếu) trao chánh pháptăng đoàn cho Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Sơ tổ Tây Thiên Đông Độ) lãnh đạo.

Sau đó, trong 3 tháng cuối đời đức Phật dừng chân tại xứ Câu Thi Na, ở rừng Ta La, Thế Tôn dạy lời tối hậu (trong kinh Di Giáo) cho những ai chưa chứng Thánh quả thì Ngài dạy hãy tự thân thắp sáng ngọn đuốc Tuệ giác nơi chính mình. Hãy luôn luôn tin tấn, y  theo giới luậtchánh pháp để tu tập thì sớm thoát được cảnh khổ luân hồi. Thế rồi đức Phật đã an định nhập vào Vô Dư Niết Bàn làm chấn động đến cả mười phương thế giới.

 

 

PHẬT NHẬP NIẾT BÀN
Cảm thơ ngày 15/2 – PL: 2557

Nhớ lần đầu tiên Chuyển Pháp
Lộc Uyển khởi nguồn Phật Pháp bao la
Lần cuối độ ông Thuần Đà
Thời gian thấm thoát Ngài đã tám mươi.

Suốt bốn chín năm rạng ngời
Đôi chân lưu dấu vạn lời vàng son
Thế gian dù có hao mòn
Pháp Phật chẳng đổi mãi còn như xưa.

Xứ Câu Thi (Ly) ba tháng sớm trưa
Thế Tôn Di Giáo đại thừa kinh ghi
Ta La rừng như mọi khi
Mà sao lá rụng cây thì vấn vương.

Song Thọ dừng chân dặm trường
Xuất nhập thiền tọa Thiên đường loan tin
Ta bà chấn động giật mình
Thích Tôn đã nhập Vô Dư Niết Bàn.

Đại Thiên thế giới ba ngàn
Hữu tình tuôn lệ Thánh an trong thiền
Ca Diếp nối pháp Phật truyền
Y tam thừa giáo chèo thuyền độ tha.

Trà Tì một tháng trôi qua
Lưu bố Xá Lợi gần xa tôn thờ
Chánh pháp chúng sanh nương nhờ
Tương lai Di Lặc rạng ngời Pháp xưa.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dưới Hai Góc Cây, Ở Rừng Ta La, Tại Xứ Câu Thi, Thị Hiện Niết Bàn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (lạy)

 

 

Ghi chú: Trong kinh đức Phật từng dạy: Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, nếu có người nào đến viếng thăm Tứ Động Tâm: Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh. Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo. Vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên. Rừng Ta La xứ Câu Thi (Ly) Na nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn  mà khởi niệm hoan hỷ, lòng trào cảm xúc thì được phước lành sanh lên cõi Trời một kiếp.

 

 

THĂM NÚI LINH SƠN

Nhớ lần Liễu Nguyên lên thăm núi Linh Sơn (2006) cùng với PT. Hà Lan nhờ nữ PT người làng An Bằng:  Diệu Quyên biếu 1.500 usd mới có cơ duyên du học Ấn Độ và được đảnh lễ Phật tích. Khi đến nơi này lòng  cảm động, nước mắt cứ rơi rơi, vì cảm niệm công đức vô biên của đức Phật Thích Ca và chư Thánh giả Bồ Tát đã nhiều năm tu tập nơi đây. Thế Tôn đã thuyết kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa trên đỉnh núi này, nên Linh Sơn đã  trở thành Hải Hội Thánh Chúng của cõi Ta bà là vậy.

Ta bà có núi Linh Sơn
Là đất Phật ở, Thánh nhơn xum vầy
Trải qua ngàn kiếp năm nay
Linh sơn sừng sững chẳng thay muôn đời.

Cho dù vật đổi sao dời
Tà bà mãi nhớ Hội thời Linh Sơn
Ngàn năm lưu bóng Thánh nhơn
Nơi đây năm ấy, Thánh nhơn muôn ngàn.

Thích Ca Phật thuyết tám vàn
Pháp môn tu chứng muôn ngàn hóa thân
Chúng sanh nhớ mãi Phật ân
Ân soi sáu nẻo chúng sanh thoát trần.

Trùng trùng nối kiếp Kim Thân
Chúng sanh theo gót Thánh nhân tu hành
Thời gian thấm thoát qua nhanh
Linh sơn chuyển hiện mây ngần Long Hoa.

Di Lặc thừa ấn Thích Ca
Nơi đây Phật hiện hàng sa thoát trần
Cũng là ba tạng mấy lần
Ngũ thời, Bát Giáo làm nhân tu trì.

Đại thừa Phật thuyết mọi khi
Trước thời Bát Nhã là thì Hoa Nghiêm
Pháp Hoa sau chót Phật tuyên
Gom Tam thừa giáo uyên nguyên Phật thừa.

Nhất Tâm Đảnh Lễ:  Linh Sơn Hải Hội, Vô Lượng Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư  Hiền Thánh Tăng.


THƠ TẬP 2

 

CHƯ PHẬT BỒ TÁT HẠNH NGUYỆN

THƠ: LIỄU NGUYÊN


Nhất Tâm Đảnh Lễ: Nam Mô Đông Phương
Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.


 

MƯỜI HAI ĐẠI NGUYỆN CỦA
ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Việt nghĩa: HT. Thích Huyền Dung
Phổ thơ: TK. Thích Liễu Nguyên

Nghĩa:

Đại nguyện thứ nhất, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng
rực rở, chiếu soi vố số thế giới hệ. Thân ấy lại
được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng tốt
của bậc đại trượng phu và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Thơ:

Khi được tuệ giác vô thượng
Bản thân rực sáng muôn phương thế giới
Ba mươi hai tướng sáng ngời
Tám mươi vẽ đẹp, trời người… giống con.

Nghĩa:

Đại nguyện thứ hai, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu
ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẫn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức


đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ,
dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn
nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng cao sơn
Lưu ly thân ngọc ngoài trong sáng ngần
Tỏa khắp mọi nẻo xa gần
Tối tăm rõ thấy tin cần hướng theo.

Nghĩa:

Đại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệphương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để
cho ai thiếu thốn gì.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng ứng theo
Muôn ngàn phương tiện, người nghèo ấm no
Trí tuệ hướng dẫn thí cho
Vô vàn vật dụng chẳng lo thiếu gì.


Nghĩa:

Đại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo
đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ,
những người tu theo Thanh Văn, Duyên Giác
đều được xây dựng bằng pháp đại thừa.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng mọi khi
Soi đường kẻ ác quay đi đúng đường
Bỏ tà, hành thiện miên trường
Thanh văn, Duyên Giác theo gương đại thừa.

Nghĩa:

Đại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu
hành phạm hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả, được giới thể không thiếu sót,
trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi
nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh
tịnh, không rơi vào đường dữ.

 

Thơ:

Tuệ giác vô thượng Phật thừa
Vô biên phạm hạnh tam thừa vững tu
Ba loại giới pháp đầy đủ
Nếu có kẻ phạm nghe Danh phục hồi.         

Nghĩa:

Đại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình
thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng đủ thử bịnh khổ, nhưng
nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng đủ rồi
Thấp hèn nghe thấy được ngồi cùng con
Mù, điếc…bệnh khổ ngập non
Nghe Danh hết bệnh chẳng còn khổ đau.

Nghĩa:

Đại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ
bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không


nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược
liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa,
nghèo nàn lắm khổ, thì nghe danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ
tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được
tuệ giác vô thượng.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng đồng nhau
Bao người bệnh khổ ốm đau nghèo nàn
Thiếu cả bác sĩ thuốc thang
Nghe tên con đến bình an phước đầy (mau
chống thành Phật).

Nghĩa:

Đại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân,
nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân
nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng
phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

 

 

Thơ:

Tuệ giác vô thượng tròn đầy
Nữ nhân khổ ải từ đây nương nhờ
Khổ cùng cực chán thân cơ
Nghe Danh thoát kiếp, bây giờ trượng phu.
(mau chống thành Phật).

Nghĩa:

Đại nguyện thứ chín, nguyện con sau này, khi
được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cởi mở thắt buộc ngoại đạo. Ra khỏi rừng rậm tà kiến, và
dần dần làm cho họ thực tập các hạnh Bồ tát, để thực hiện một cách mau chống tuệ giác
thượng.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng pháp
Rừng rậm tà kiến thoát mù mà ra
Tà ma lưới phủ Ta bà
Nghe Danh dứt hết sanh nhà Tuệ soi (mau
chống thành Phật).


 

Nghĩa:

Đại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép
vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao 
ngục, sắp bị hành hình, cộng với vô lượng tai
nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa,
ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm
trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu
của con, thì vì năng lực phước đứcuy thần
của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng sáng ngời
Tù nhân ngục tối nương nơi an lành
Xiềng xích đánh đập muôn lần
Nghe Danh thoát hết mọi phần bình yên.


Nghĩa:

Đại nguyện thứ mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói
khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác
nghiệp, nhưng nghe được danh hiệu của con,
nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây
dựng cho họ.

 

Thơ:

Tuệ giác vô thượng rỏ liền
Tham ăn tấc lưỡi triền miên tạo ác
Hôm nay thân nghèo đọa lạc
Niệm Danh, no đủ, con ban pháp mầu.


Nghĩa:

Đại nguyện thứ mười hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo
thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng
lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những y phục tuyệt diệu, lại được những đồ
trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng hương
xoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích con làm cho đầy đủ tất cả.

Thơ:

Tuệ giác vô thượng thâm sâu
Nghèo hèn nghe tiếng tin cầu được ngay
Đói khổ bệnh hoạn hàng ngày
Nhất tâm trì niệm phước đầy giàu sang.

Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật thùy từ chứng minh gia hộ.

--- ooo ---


Đôi Dòng Cảm Niệm: Con kính lạy Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, là vị Phật
giáo chủ cõi Đông Phương. Không chỉ riêng
mình con mà nhiều người, vô lượng chúng sanh ở cõi Tà Bà nhờ có phước duyên mới  sanh kiếp người gặp được Phật pháp và được đức Phật
Thích Ca Mâu Ni giới thiệu đến hạnh nguyện
của Ngài trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa
kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh…
và từ đó, mỗi lẫn chúng con gặp nghịch duyên
hay những cảnh tai ương liền nhớ trì niệm danh hiệu của Ngài thì được Ngài ứng hiện che chở, đem đến chổ an lành.

Đặc biệt, thân phụ của con vào những thập niên 80 gặp căn bệnh ung thư hiểm nghèo may nhờ
quý Hòa Thượng chỉ dẫn trì tụng kinh Dược Sưtrì niệm danh hiệu của Ngài: Nam Mô
Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, kết hợp
với phương pháp dưỡng sinh Ăn Gạo Lứt Muối Mè và uống nước chè xanh mà được lành bệnh, rồi giác ngộ giáo lý đại thừa. Chính ngay bản
thân của con cũng vậy. Kính thưa quý Thiện
Hữu Tri Thức và quý Phật tử, đúng ra Liễu
Nguyên đăng bài Tổng Hợp Dưỡng Sinh Phật
Giáo trong dịp này nhưng vì chưa đủ duyên nên hẹn đăng trong một thời gian sớm nhất. Kính
mong quý vị hoan hỷ. Trong kinh Dược Sư đức Phật dạy, nếu có người chưa phát nguyện sanh về cõi Tây phương, mà phát nguyện sanh về cõi Đông phương thì cũng được đức Phật Dược Sư, Bồ Tát Dược VươngBồ Tát Dược Thượng
tiếp dẫn về cõi Đông phương sống và tu tập rất hạnh phúc, không khác gì ở cõi Tây phương
Tịnh độ.

Kính chúc quý vị và thân quyến có nhiều sức
khỏe, vạn sự cát tường và luôn sống trong ánh
từ quang của mười phương chư Phật.

 

ĐÔNG PHƯƠNG PHẬT CẢNH

Trí Phật là Tuệ sáng soi
Tâm Phật biển lớn Từ bi ngất trời
Thân Phật lưu ly sáng ngời
Đông phương Phật cảnh trời người lạc bang.

Ta bà cũng được phước ân
Thích Ca Phật dạy nhớ ân đức Ngài


Mỗi khi có bệnh trong ngoài
Niệm danh một tiếng hết ngay não phiền.

Ai bị nghiệp xấu triền miên
Nghe danh là hết sanh liền bình an
Niệm ngài sanh phước giàu sang
Mau thành Phật quả tịnh bang một nhà.

Địa ngục ngạ quỷ thoát ra
Tam đồ vắng bóng chính là Đông phương
Dược Sư, người khổ nhớ nương
Nghèo hèn, bệnh tật, tai ương dứt liền.

Được Ngài dạy pháp bình yên
Sanh thân Bồ Tát nối liền pháp thân
Lục độ gió mát trăng ngần
Trên đầu hiện Phật dưới chân sen vàng.

 

 

ĐƯƠNG LAI DI LẶC TÔN PHẬT

Khuôn mặt rạng rở nụ cười
Bụng đầy hỷ xã thấy người hỷ hoan
Lục căn thanh tịnh phước tràn
Nhiều đời gần Phật bảo ban tu hành.

Quá khứ Bồ Tát Cầu Danh
Nhiên Đăng Phật Tổ nêu danh của Ngài
Pháp Hoa hải hội liên đài
Liễu tri thấu rỏ chẳng sai mọi thời.

Linh Sơn Hải Hội sáng ngời
Pháp Hoa Phật thuyết vang trời mười phương
Bất Khinh thơm ngát giới hương
Dật Đa Bồ Tát danh phương của Ngài.

Đâu Xuất nội viện liên đài
Hằng sa Bồ Tát cùng Ngài tiến tu.
Thích Ca thọ ký pháp vũ
Tương Lai Di Lặc pháp trụ Ta Bà.

Đại thừa phương tiện bao la
Di Lặc thừa ấn Thích Ca pháp truyền
Tam thừa như pháp uyên nguyên
Đương Lai Di Lặc Phật tuyên pháp mầu.

Chúng sanh thoát khỏi khổ đau
Trời người đắc pháp chẳng cầu thoát ra
Thanh Văn, Bồ Tát hằng sa
Người người hoan lạc Ta bà an vui.

Ghi chú: Trong phẩm Tựa đầu tiên của kinh
Diệu Pháp Liên Hoa (HT. Thích Trí Tịnh dịch) có ghi rằng, trong quá khứ rất lâu xa, có 20
ngàn vị Phật cùng một tên, hiệu Nhật Nguyệt
Đăng Minh lần lượt ra đời. Vị Phật sau cùng
trong 60 tiểu kiếp (1 tiểu kiếp = 16. 800.00
năm) đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa
(Trong thánh chúng lúc ấy có ngài Diệu Quang Bồ Tát). Sau đó Phật đã thọ ký cho ngài Đức
Tạng Bồ Tát rồi vào Vô Dư Niết Bàn. Kế đó,
Bồ Tát Diệu Quang trì kinh Diệu Pháp Liên
Hoa suốt 80 tiểu kiếp, vì trời người mà diễn nói.
Trong Thánh chúng có Tám vị Pháp tử là con
của Phật Nhật Nguyên Đăng Minh lúc Ngài
chưa xuất gia. Tám vị Pháp tử nầy trong quá
khứ đã gần gủicúng dường vô lượng chư
Phật và sau khi được Bồ Tát Diệu Quang dạy
kinh Pháp Hoa đã lần lượt thọ ký nhau thành
Phật, vị sau cùng hiệu là Nhiên Đăng. (Thời ấy Đức Thích Ca là vị Chuyển Luân Thánh Vương đã được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký thành
Phật ở cỏi Ta bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi Ngài đã dùng thân mình nằm lên vũng
bùn lầy để cúng dường đức Phật Nhiên Đăng
đang đi khất thực).

Thủa đó Bồ Tát Diệu Quang có 800 người đệ
tử, trong đó có vị tên là Cầu Danh Bồ Tát: “…
Người này tham ưa danh lợi, dầu cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất, nên gọi là cầu Cầu Danh. Người này cũng do có trồng các nhơn duyên căn lành nên đặng
gặp vô lượng trăm nghìn muôn ức Đức Phậtcúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi. Di Lặc nên biết! Lúc đó Diệu Quang Bồ Tát đâu
phải người nào lạ, chính là ta đấy (Văn Thù Bồ Tát). Còn Cầu Danh Bồ tát là Ngài đấy (Di Lặc hoặc A Dật Đa Bồ Tát).

Lại đến phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng
chính là Bồ Tát Di Lặc. Ngài đã được Đức Phật Thích Ca thọ ký thành Phậtcõi Ta Bà tiếp sau đức Phật Thích Ca.

Hiện tại Ngài thống lĩnh hằng sa Bồ Tát ở nội
viện cung trời Đâu Xuất. Ngài cũng thường hóa thân xuống cõi Ta Bà để hoằng hóa. Khi thì hóa thân làm Bồ Tát, khi thì Tổ Sư, khi thì Tỷ Kheo Bố Đại hòa thượng…hoặc có khi thì hóa thân
Tiên nhân như Thần Tài…Vị Tổ sáng lập ra
Duy Thức TôngTổ sư Vô Trước (Tk thứ 4)
và em Ngài là tổ Thế Thân cũng đã từng nhập
định lên cõi trời Đâu Suất để Bồ Tát Di Lặc
dạy. Đến đời nhà Đường bên Trung Hoa có ngài
Huyền Trang (602 – 664) sáng lập Pháp Tướng Tông.  Khi đang du hành qua Thiên Trúc thỉnh kinh, trên đường gặp hoạn nạn, Ngài đã niệm
danh Bồ Tát Di Lặc, liền được Bồ Tát Di Lặc
dùng hóa thân hộ trợ và chỉ  dạy, nên Pháp Sư
đã phát nguyện thác sanh về cõi trời Đâu Suất
để chầu Ngài Di Lặc. Trong thời cận đại, ở Việt Nam chúng ta cũng có một luận sư về Duy
Thức là HT. Thích Thiện Siêu (1921 – 2001)
người đã dịch ra Việt nghĩa và dạy rất nhiều bộ luận nổi tiếng trong đó có Duy Thức luận
Liễu Nguyên đã được phước duyên thường
đãnh lễ và thọ giáo. (Ngài cũng là vị Đàn Đầu
Hòa Thượng đã trao truyền giới Tỷ KheoBồ Tát cho con trong Đại giới đàn Tịnh Khiết tại tổ đình Tường Vân - Huế).

Các hành giả hành trì theo Duy Thức Tông hay Pháp Tướng Tông thì nên nguyên cứu kỷ tông
chỉ của Ngài Vô TrướcPháp sư Huyền
Trang. Tông chỉ này trong kinh Pháp Hoa sẽ
nằm ở phẩm: “Pháp Sư Công Đức” và phẩm
“Thường Bất Kinh”. Hành giả gắng công tinh
tấn thọ trì 2 phẩm này thì sẽ liễu ngộ đến chổ an
vui. Nếu Hành giả hành trì liễu ngộ Kinh Pháp Hoa thì sẽ được 8 vị Đại Bồ Tát: 1. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, 2. Quán Thế Âm Bồ Tát, 3. Đắc
Đại Thế Chí Bồ Tát, 4. Vô Tận Ý Bồ Tát.
5. Bảo Đàn Hoa Bồ Tát, 6. Dược Vương Bồ
Tát, 7. Dược Thượng Bồ Tát, 8. Di Lặc Bồ Tát. Tám Vị Đại Bồ Tát này sẽ đến rước Hành giả,
tùy theo sở nguyện của Hành giả muốn vãng
sanh về đâu. Hoặc vãng sanh về cỏi Tây
Phương Tịnh Độ (theo kinh Pháp Hoa), hoặc
cõi Đông Phương Tịnh Độ (theo Kinh Dược
Sư) hoặc nội viện cung trời Đâu Suất… (theo
kinh Pháp Hoa).

Trong tương lai (8.108.000 năm kể từ Phật
Thích Ca ra đời) nhằm lúc cõi Ta Bà hội đủ
duyên lành thì Bồ Tát Di Lặc từ cõi trời Đâu
Suất sẽ đản sanh và thành Phậtcõi Ta Bà
hiệu là Di Lặc Tôn Phật. Ngài cũng đem ba
thừa giáo, ở dưới cây Long Hoa mà vì chúng
sanh thuyết pháp, trời người chứng quả vô số.
Ngài trụ thế 60 ngàn tuổi thì nhập Niết Bàn.
Chánh pháp trụ 60 ngàn năm, Tượng pháp cũng trụ 60 ngàn năm . Con người lúc ấy có tuổi thọ 80 ngàn tuổi (theo Di Lặc Hạ Sanh kinh).

Cứ mỗi độ Xuân về vào đúng ngày mồng một tết, người người nghinh đón Khánh Xuân Di Lặc để lễ vía Ngài và cầu nguyện sự an lànhhạnh phúc cho bản thângia quyến, cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Kính chúc chư Hành giả thuận duyên trên bước đường tu học và có mặt trong hội Long Hoa để được đức Phật Di Lặc  thọ ký.

 

Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

 

ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

Ngài thường cỡi lưng sư tử
Cầm gươm Trí Tuệ sáng như mặt trời
Giữ gìn Tạng pháp ba đời
Là thầy Bồ Tát bao thời kinh ghi.

Pháp Hoa kinh tụng mỗi khi
Phẩm tựa Ngài hiện khắc ghi trong lòng
Diệu Quang cũng tên Ngài đồng
Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật  ông Niết Bàn.

Tám mươi tiểu kiếp pháp đàn
Pháp Hoa Ngài thuyết chỉ đàng Phật thân.
Tám vị Pháp tử phước ân
Nối nhau thành Phật cuối Phật Nhiên Đăng.

Đến phẩm Đề Bà Đạt Đa
Trí Tích Bồ Tát thấu ra trí Ngài
Long cung Pháp Hoa liên đài
Trùng trùng Bồ Tát là Ngài độ tha.

Long Nữ Bồ Tát kinh qua
Lập tức thành Phật chính là Pháp Hoa
Văn Thù Trí Tuệ bao la
Là nhà Bồ Tát, Ta bà sáng soi.

Tạng pháp Ngài giữ muôn đời
Chỉ dạy Bồ Tát sáng ngời Phật thân
Ở đâu Ngài hiện Pháp thân
Kết đài Bồ Tát Phật thân đến cùng.

Bồ tát pháp lữ muôn trùng
Rồi đây thành Phật khắp cùng mọi nơi
Văn Thù Đại Trí sáng ngời
Chúng sanh, Bồ Tát đời đời nương theo.

Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma
Ha Hát.

 

 

MẶT TRỜI TRÍ TUỆ

Mặt  trời chiếu rọi xóa đêm đông
Trí Tuệ cắt đứt vạn kiếp bồng
Bình minh nắng rọi ngàn tia sáng
Chân tâm Trí Tuệ bừng ánh hồng.

Theo phẩm Tựa trong kinh Pháp Hoa, Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ vô lượng kiếp
xưa đã là vị Đại Bồ Tát, được Đức Phật Nhật
Nguyện Đăng Minh dạy kinh Pháp Hoa suốt 60 tiểu kiếp. Sau khi Phật vào Niết Bàn thì ngài
Văn Thù lại thuyết dạy kinh Pháp Hoa cho trời người, thánh chúng suốt 80 tiểu kiếp (1 tiểu
kiếp = 16. 800.00 năm). Trong thánh chúng có Tám vị Pháp Tử (Vương Tử con của Phật lúc
Ngài chưa xuất gia) đã thọ ký nối nhau thành
Phật. Vị sau cùng hiệu là Phật Nhiên Đăng.
Thời ấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hiệu là Diệu
Quang Bồ Tát nghĩa là ánh sáng của Trí Tuệ
vi diệu, đó cũng là đại nguyện vĩ đại của Ngài. Đại nguyện ấy chỉ có chư Phật mười phương
mới thấu rỏ nên được xếp vào ý nghĩa bất khả
tư nghì.


Ở đâu Ngài hiện pháp thân là ở đó có Phật quả. Chư Bồ Tát được ngài dạy đã thành Phật vô số, quả vị Nhất Sanh Bổ Xứ cũng vô số, hàng Bồ
Tát không sao đếm hết. Điển hình trong phẩm Đề Bà Đạt Đa lúc Long Nữ thành Phật thì một
lần nữa mới thấy sức Trí Tuệ của Ngài. Chư
Phật trong mười Phương trước lúc thuyết kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa đều trú trong Vô Lượng Nghĩa Xứ Định mà phát ra một luồng
hào quang ở giữa long trắng chặng mày.

Ánh sáng đó rọi khắp, trên thấu cõi trời Sắc
Cứu Cánh dưới đến địa ngục A Tỳ….dấu hiệu
đó chỉ có chư Phật và Ngài Đại Trí Văn Thù
Lợi mới hiểu rỏ. Ngài là ánh sáng là Trí Tuệ
cho hết thảy Bồ Tátchúng sanh nương tựa. Ngài cũng là Người nắm giữ kho tàng chánh
pháp của mười phương chư Phật.

Ngài cũng thường hóa thân để trợ duyên cho
chư Phật hóa độ chúng sanh khắp mười phương pháp giới. Theo kinh điển Đại thừa lúc Thế Tôn
còn trụ thế ở cõi Ta bà thì Ngài đã hóa thân làm cư sĩ Duy Ma Cật. Nhiều lần trưởng lão Xá Lợi Phất đã tham vấn học đạo với Ngài là vậy.


 

MƯỜI HẠNH NGUYỆN CỦA ĐỨC
ĐẠI HẠNH PHỔ HIỀN VƯƠNG BỒ TÁT

Một thường lễ kính chư Phật
Lễ Phật, tâm Phật dung Phật tuệ sanh
Kính Phật phước đức an lành
Nguyện làm Bồ Tát dưới chân Phật đài.

Hai thường xưng tán Như lai
Xưng đủ mười hiệu Như Lai tuyệt vời
Tán thán công đức biển trời
Nguyện làm Bồ Tát đời đời mười phương.

Ba thường rộng tu cúng dường
Cúng Phật, phát nguyện lên đường độ sanh
Dường là bố thí quần sanh
Nguyện làm Bồ Tát tu hạnh cúng dường.

Bốn thường sám hối nghiệp chướng
Sám xấu hổ lỗi lầm trước đã tạo
Hối quay đầu theo chánh đạo
Nguyện làm Bồ Tát thường tạo phước đức.

Năm thường tùy hỷ công đức
Tùy duyên hóa độ muôn ức nẻo đường
Hỷ xã Tâm Phật hằng nương
Nguyện làm Bồ Tát thuận đường chuyển luân.

Sáu thường  thỉnh chuyển pháp luân
Thỉnh thay cả trời người ân cần thỉnh Phật
Chuyển rộng bánh xe pháp Phật
Nguyện làm Bồ Tát dựng đất Bồ đề.

Bảy thường thỉnh Phật trụ thế
Phật tại thế gian mọi bề sáng lạng
Trụ pháp vương hướng Phật đàng
Nguyện làm Bồ tát phát quang pháp ngọc.

Tám thường theo Phật tu học
Bồ Tát nối gót thân tộc Như Lai
Được Phật truyền pháp không hai
Nguyện làm Bồ tát tương lai Phật thành.

Chín thường hằng thuận chúng sanh
Hằng luôn dõi mắt từ ân phổ độ
Thuận theo Phật pháp giác ngộ
Nguyện làm Bồ Tát cứu độ muôn phương.

Mười thường đều cùng hồi hướng
Hồi quy về cùng chung đường Phật quả
Hướng đến chổ pháp vô ngã
Nguyện làm Bồ Tát thuận đà thượng sanh.

Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

THEO CHÂN PHỔ HIỀN

Thầm lặng tu hạnh Phổ Hiền
Nguyện lớn đã phát Thánh liền từ đây
Vun tròng đạo quả vững xây
Tu Di có đổi nguyện này chẳng phai.

Trên thừa chánh Pháp Như Lai
Chúng sanh phổ độ tương lai Phật thành
Bát Nhã Lục Độ chuyên cần
Chúng sanh mọi nẻo xa gần noi theo.

Ngàn sông ngàn núi cũng trèo
Phân thân hóa độ khắp nẻo gần xa
Vâng theo lời Phật Thích Ca
Phổ Hiền hạnh nguyện sáng cả Ta bà.

Tịnh độ xây đắp một nhà
Tôn thờ Phổ Hiền sáng ra Tông này
Hoa sen ngát nở từ đây
Tây phương sen nở chốn này mà ra.

Khắp cả thế giới Ta Bà
Theo chân Phổ Hiền thoát ra luân hồi
Hoa sen nâng chổ tòa ngồi
Mười phương pháp giới muôn đời Tuệ soi.

Kính thưa chư Hành Giả, những  Hành Giả
đang tu theo tông phái Mật tông, đặc biệt
Tịnh Độ Tông. Bên cận phải học và liễu ngộ 48 Đại nguyện của của Đức Phật A Di Đà, 12
Hạnh Nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Quý Vị cần phải học và liễu ngộ 10 Đại Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.


Bồ Tát Phổ Hiền được thờ là sáng tổ của Tông phái Tịnh ĐộMật Tông. Khi quý vị tu học
liễu ngộ được như vậy mà phát lên Tín,
Hạnh, Nguyện thâm sâu và vững chải thì lập tức đã được chiêu cảm vào trong những đại nguyện đó. Được nhập vào pháp giới Phổ Hiền, từ đây
trở thành Bồ Tát nhiêu ích cho bản thân và cho muôi loài chúng sanh. Đó chính là công đứcthành quả giải thoát của Hành Giả Bồ Tát vậy.
(Bên tông phái Mật tông cũng tôn thờ Ngài như khởi tổ).

Trong kinh Pháp Hoa có phẩm Phổ Hiền nói về công hạnh của Ngài. Nếu ai hành trì tu tập kinh Pháp Hoa viên mãn đắc Pháp Hoa Tam Muội
cũng chính là Phổ Hiền Tam Muội sẽ được
Ngài cỡi voi trắng sáu ngà cùng các Đại Bồ Tát
đến đón rước về cảnh giới Phật tùy theo bản
nguyện của Hành Giả. Ngài đã chứng quả đại
Bồ Tát từ rất lâu xa nhưng vì lòng từ bi và hạnh
nguyện của Ngài nên mỗi lần có vị Phật nào ra đời Ngài đều hóa sanh làm đệ tử Phật để trợ
giúp chư Phật hoằng hóa độ sanh.

Kính chúc Quý vị và thân thuộc thân tâm
thường an lạc, mau tiến lên trên những quả vị
Bồ Tát trong Pháp Giới Phổ Hiền Bồ Tát để phổ độ chúng sanh và chóng thành Phật quả.

 

ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

Trời Đao Lợi, Phật tuyên pháp mầu
Địa Tạng Từ Tôn đức rộng sâu
Vô lượng kiếp xưa tâm hiếu đạo
Ngài vì thân mẫu phát nguyện cầu.

Cầu cho thân mẫu thoát khổ đau
Rồi Ngài phát lên đại nguyện sau
Địa ngục nếu có người còn  khổ
Phật quả Con sẽ nguyện vào sau.

Chúng sanh sáu nẻo quen nghiệp củ
Triền miên tạo nghiệp núi chất đầy
Thiên đường muôn lối không tìm đến
Địa ngục bít cửa cứ chui vào.

Muôn cảnh khổ đau thêm ảo não
Địa Tạng Bồ Tát khởi từ tâm
Đạo Lợi hóa thân xuống địa ngục
Lặn lội hóa độ cứu sinh linh.

Chỉ lối chúng sanh về nẻo thiện
Vô lượng sanh vào kiếp nhơn thiên
Hằng hà sa số chứng Phật quả
Ân từ công đức cao ngất trời.

Từ bi hóa hiện khắp muôn lối
Chấn khai tích trượng Tuệ sáng ngời
Sáu nẻo còn nhớ ân đức trước
Phật đạo nương theo chớ lui về.

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ
Tát Ma Ha Tát.

Theo Địa Tạng Bổn Nguyện Công Đức kinh, ngài Địa Tạng Bồ Tát từ vô lượng kiếp
xưa, vì báo hiếu, muốn cứu độ thân mẫu
thoát khỏi cảnh Tam Đồ (Địa ngục, Ngạ quỷ,
Súc sanh) nên Ngài phát nguyện làm Bồ Tát.
Ngài nguyện rằng:

“Xin chư Phật thương xót chứng minh cho tôi,
vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vậy:
Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng
của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện rằng: từ ngày nay nhẫn về sau
đến trăm nghìn ức kiếp, trong những thế giới
nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa
ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo:
Địa ngục, súc sanh, và ngạ quỷ…” (Trích: Kinh Địa Tạng, phẩm thứ tư, HT. Thích Trí Tịnh dịch nghĩa)

Ngài nguyện rằng: Chúng sanh hóa độ hết mới chứng quả Bồ Đề, Địa ngục nếu còn một chúng sanh thì Ngài chưa vào Phật quả. Cũng vì đại
nguyện lớn lao này mà Ngài thường hóa thân
xuống địa ngục… để cứu độ muôn loài chúng
sanh. Đức Phật Thích Ca cũng vì báo hiếu thân mẫuthuyết kinh Địa Tạng cho Thánh Mẫu Ma Gia  và Chư Thiên...  tại cung trời Đao  Lợi. Nghe xong Thánh Mẫu Ma Gia đã chứng quả A La Hán. Đức Phật tán thán công đức vô biên,
bất khả tư nghì của Bồ Tát Địa Tạng. Ngài nói
cho dù thọ mạng của chư Phật vô cùng cũng
không thể nói hết công đức vô biên của Bồ Tát Địa Tạng. Đức Phật cũng dạy người đời sau
muốn báo hiếu song thân hiện tại hay quá cố
phụ mẫu thì nên thọ trì Kinh Địa Tạng, trì giới, cúng dường, phóng sanh, bố thí và đem công
đức đó hồi hướng cho Cha Mẹ thì Cha Mẹ hiện
đời được an lành, sống lâu và Cha Mẹ nếu đã
quá vãng thì sẽ thoát khỏi cảnh Tam Đồ
sanh về cõi  Tịnh  Độ như sở nguyện. Chúng
sanh ở cõi Ta Bà rất có duyên với Bồ Tát Địa
Tạng. Ngài Địa Tạng Bồ Tát thường hóa thân
để trợ duyên cho chư Phật hóa độ chúng sanhcõi Ta bà

Đức Phật Thích Ca  vô lượng kiếp xưa lúc chưa thành Phật cũng từng được Ngài cứu độ huống gì chúng ta? Ngài là ân nhân và muôn đời là ân
nhân của hết thảy chúng sanh.

Công ơn vô biên không sao mà tả hết và
đền đáp được. Con chỉ biết noi theo và thắp
sáng hạnh nguyện của Ngài để cho con và muôn loài chúng sanh sớm thoát khỏi cảnh khổ...như vô lượng kiếp xưa Ngài đã phát nguyện.

 

 

 

MƯỜI HAI ĐẠI NGUYỆN
BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Thích Liễu Nguyên dịch nghĩa & hóa thơ
--------000--------

     

  1. Nam mô hiệu Viên Thông, danh Tự Tại, Quán Âm Như Lai, quảng phát hoằng thệ nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Đức Viên Thông Tự Tại,
Quán Âm Như Lai, Ngài đã phát ra, mười hai
nguyện lớn, cứu độ chúng sanh.

Thơ:

Tu thành Bồ Tát Quán Âm
Viên Thông, Tự Tại, Diệu Âm cứu đời
Mười hai nguyện lớn sáng ngời
Từ bi, Trí Tuệ, độ người an vui.

  1. Nam môquái ngại, Quán Âm Như Lai, thường cư Nam (Đông) Hải nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai,
thường ở biển Nam (Đông) Hải, Tự Tại
Ngại cứu độ chúng sanh.

Thơ:

Không ngại sống gió dập vùi
Quán Âm Tự Tại, đẩy lùi bão giông
Bao thuyền gặp nạn biển Đông
Quán Âm cứu khổ, thong dong thoát nàn.

  1. Nam mô trú Ta Bà U Minh giới, Quán Âm Như Lai, tầm thanh cứu khổ nguyện.

 

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai,
thường ở cõi Ta Bà –  U Minh,  tìm tiếng kêu
cứu của chúng sanh, mà liền đến cứu giúp.

Thơ:                                                                                                                 

Ta Bà bao chốn nguy nan
Quán Âm nghe tiếng, bình an trở về
U Minh lắm chuyện não nề
Quán Âm niệm niệm, bốn bề bình yên.

 

  1. Nam mô hằng tà ma, trừ  yêu quái, Quán Âm Như Lai, năng trừ nguy hiểm nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, Ngài
thường hàng phục, tà ma quỷ quái, đem lại
bình yên, hạnh phúc cho mọi người.

Thơ:

Gặp lúc  ma quái, chẳng yên
Niệm danh Bồ Tát, chúng liền tránh xa
Tà ma, quỷ quái quậy phá
Quán Âm Bồ Tát, độ tha quy hàng.

  1. Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai, cam lộ sái tâm nguyện.

 

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, tay
cầm dương liễu, tay cầm tịnh bình, rưới khắp
thế gian, chúng sanh mát mẽ, tâm liền hỷ hoan.

Thơ:

Tình thương Mẹ trải muôn ngàn
Tay cầm tịnh thủy, muôn vàn từ bi
Tay cầm nhành liễu dương chi
Cam hồ rưới khắp, Tâm si rạng ngời.

  1. Nam mô Đại Từ bi, năng hỷ xã, Quán Âm Như Lai, thường hành bình đẵng nguyện.

Nghĩa: Kính lạy  Đức Quán Âm Như Lai, Đại Từ Đại Bi, Đại Hỷ Đại Xã, bình đẵng cứu giúp chúng sanh.

Thơ:

Bình đẵng cứu giúp bao người
Từ bi thương xót muôn nơi nương nhờ
Hỷ xã trải rộng vô bờ
Quán Âm hiện khắp mê mờ xoá tan.

  1. Nam mô trú dạ tuần vô tổn hại, Quán Âm Như Lai, thệ diệt tam đồ nguyện.

 

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, đêm
ngày đi khắp, cứu giúp chúng sanh khỏi bị sự
tổn hại và thoát cảnh tam đồ: địa ngục, ngạ quỷ. súc sanh.


Thơ:

Tam Đồ cảnh khổ muôn vàn
Niệm danh Bồ Tát xóa tan ngục trần
Cọp beo, thú giữ vây quanh
Quán Âm thị hiện, liền nhanh thoát nàn.

  1. Nam mô vọng Nam (Đông) nham cầu lễ bái, Quán Âm Như Lai, giả tỏa giải thoát nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, khi
người nào gặp lúc bị gong cùm xiềng xích mà
hướng về hướng Nam (Đông) lễ bái Quán Âm Như Lai thì lập tức thoát được nạn gong cùm.

Thơ:

Gặp lúc xiềng xích muôn vàn
Hướng Nam (Đông) vọng bái, bình an đến liền
Bị tù, đánh đập liên miên
Quán Âm nhớ niệm, bình yên tức thời.

  1. Nam mô tạo pháp thuyền du khổ hải, Quán Âm Như Lai, độ tận chúng sanh nguyện.

 

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, chèo
thuyền Bát Nhã, trong biển khổ muôn trùng, để cứu vớt hết thảy chúng sanh.

Thơ:

Chúng sanh khổ hải ngập trời
Quán Âm thương cứu mãnh đời khổ đau
Nương thuyền Bát Nhã trước sau
Theo chân Bồ Tát, cùng nhau an lành.

  1.  Nam mô tiền tràng phan hậu bảo cái, Quán Âm Như Lai, tiếp dẫn Tây Phương nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, trước dùng tràng phàn, sau dùng báo cái, tiếp dẫn
những ai phát nguyện tu theo ngài, đều được
vãng sanh về cõi Tây Phương tịnh độ.

Thơ:

Quán Âm tiếp dẫn vãng sanh
Tràng hoa, kỷ nhạc xung quanh hương ngàn
Có đủ bảo cái, tràng phan
Quán Âm hướng dẫn chỉ đàng về Tây.

  1. Nam mô vô lượng thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai, Di Đà Thọ ký nguyện.

Nghĩa: Kính lạy Quán Âm Như Lai, Ngài được Phật Di Đà Thọ ký thành Phật ở cõi Tây
phương tiếp sau Phật A Di Đà.

Thơ:

Phương tây phước báo tròn đầy
Vô biên thọ mạng chốn này không sai
Di Đà thọ ký Như Lai
Quán Âm thành Phật tương lai cõi nầy.

  1. Nam mô đoan nghiêm thân vô tỉ trại, Quán Âm Như Lai, quả tu thập nhị nguyện.

 

Nghĩa: Kính lạy Đức Quán Âm Như Lai, khi
mãn mười hai đại nguyện, thân Ngài đoan trang không ai sánh bằng, là kết tinh của sự thực hành tròn đầy mười hai nguyện rộng lớn nầy.

Thơ:
Mười hai nguyện lớn tròn đầy
Đoan nghiêm thân Phật đó đây ai bằng
Từ Bi sáng tợ vầng Trăng
Bao la Trí Tuệ ngập tràn ánh Dương.

 

Nam mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ
Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.

 

Đôi Dòng Cảm Niệm: Con kính lạy Đức Mẹ
Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát!

Kính thưa quý Thiện Hữu Tri Thức! Kính thưa quý Phật tử, cứ mỗi lần Liễu Nguyên nghĩ về
Đức Mẹ Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát, là mỗi lần nước mắt cứ rơi rơi. Vì cảm niệm biết bao công ơn trời biển của Ngài. Bao lần đã chết đi cũng
nhờ đức Từ Bi Trí Tuệ, từ 12 Nguyện Lực của Ngài mà sống lại đến hôm nay.

Một lần bị nước cuối trôi, quằn quạy trong cõi
chết vậy mà chỉ cần nhớ đến Ngài thì Ngài liền hiện thân cứu giúp, cho con có lại sự sống, và
sự bình an nầy.

Lại có lần, gặp tai nạn gần như cụt tay máu
chảy như nước đổ đến chết ngất, cũng nhờ nghĩniệm đến tên Ngài, liền có người đến cứu giúp, tưởng chừng như không lành lại được, mà nay
đã hồi phục gần như lúc ban đầu, giúp con có
thể tự lái xe hay đánh máy… những dòng cảm
niệm nầy. Hay những lúc con bị Tham, Sân, Si
trổi dậy, chỉ cần nhớ niệm đến tên Ngài thì
niệm an vui, hỷ lạc dâng trào trong tâm. Con
nghĩ, không những chỉ riêng mình con, mà có
nhiều Phật tử, nhiều người, vô lượng chúng
sanh cũng từng đã được Ngài cứu khổ, khi  gặp những cảnh khổ nguy nan mà nhớ niệm đến
danh hiệu của Ngài: Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát, thì Ngài liền hiện thân cứu giúp đến chổ an
lành. Qua đó con mới cảm nhận được đức Từ
Bi, Hỷ Xã và nguyện lực rộng lớn của 12 Đại
Nguyện nầy.

Thiết nghĩ, công ơn bao la trời biển nầy, con
làm sao đền đáp được? Con chỉ biết noi theo
bước chân Ngài, học và tu tập theo 12 Đại
Nguyện của Ngài để tự cứu khổ cho bản thân và những ai còn nhiều nghiệp chướng khổ đau như con.

Kính chúc quý Thiện Hữu Tri Thức và quý Phật tử và tất cả những người thân luôn luôn được
nhiều an lạc và ngày càng tiến sâu vào biển trời Từ BiTrí Tuệ của mười phương chư Phật
trên con đường giác ngộ của tự thân.

 

NHỚ ÂN MẸ HIỀN QUÁN THẾ ÂM                              

Con từ sanh tử bình an
Mang ơn Mẹ đã bao lần cứu con
Cứu từ nước cuốn, sống còn
Cứu từ máu chảy, thân con năm nào.

Bao lần con khổ xiết bao
Niệm danh Mẹ đến cùng bao an bình
Chúng sanh trong chốn hữu tình
Ở đâu gặp nạn, có hình Mẹ ngay.

Nhành dương liễu sẵn trên tay
Cam lồ tịnh thủy trong tay nhẹ nhàng
Từ bi trải rộng muôn ngàn
Trí tuệ rọi khắp Quán Âm cứu nàn

Công ơn Mẹ lớn vô vàn
Ngàn thơ không hết tình tràn Mẹ trao
Cho dù bốn biển mực đào,
Cũng không tả hết công lao Mẹ hiền.

Nam mô! Mẹ đã đến liền
Tâm luôn có Mẹ bình yên tháng ngày
Noi theo hạnh nguyện hăng say
Để con bên Mẹ đêm ngày bình yên.

Quán Âm niệm niệm tinh chuyên
Diệu Âm cùng khắp, Mẹ truyền pháp thân
Con thật duyên được phước ân
Muôn vàn kính lạy, nhớ ân đời đời.

Kính lạy Đức Mẹ Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát thùy từ gia hộ.

 

                    Mẹ Hiền:
                               Quán Thế Âm Bồ Tát.

 

 

HÒ GỌI ĐÒ QUÁN ÂM
Sáng tácgiả gạo & thơ: Liễu Nguyên

Ngược dòng sanh tử mãi gọi đò
Thuyền ai thấp thoáng trên sông đó
Có phải Quán Âm đang chèo đò
Chở con qua bến Tây phương đó!
(Là hò là khoan ơ khoan mà hò khoan 2 lần)

Để con nghe mãi tiếng câu hò
Hát bài Bát Nhã sắc không đó
Ngâm khúc Ngũ Căn, Tâm liền rỏ
Tấu đoạn Ngũ Lực càng sáng tỏ.
(Là hò là khoan ơ khoan mà hò khoan 2 lần)

Thất Bồ Đề phần pháp đã có
Bát Thánh Đạo phần đâu có nhỏ
Tĩnh giấc nhập hội Liên trì đó
Cùng  Phật, Bồ Tát trong câu hò.
(Là hò là khoan ơ khoan mà hò khoan 2 lần)

Người người cõi ấy vui lắm đó
Quanh năm suốt tháng vẳng câu hò
Niệm Phật, niệm Pháp niệm Tăng đó
Để cho Thánh giả thuộc câu hò.
(Là hò là khoan ơ khoan mà hò khoan 2 lần)

Thuộc rồi cũng hát câu hò đó
Để người đi sau biết câu hò
Biết rồi gọi đò Quán Âm đó
Lên thuyền Bát Nhã vang câu hò
(Là hò là khoan ơ khoan mà hò khoan 3 lần)

Kính thưa Quý Thiện Hữu Tri Thức, do vì giới hạn của tập thơ này, nên Bốn Tám Đại Nguyện của đức Phật A Di Đàhạnh nguyện của Bồ
Tát Đại Thế Chí…sẽ được xuất bản trong tập
thơ khác. Kính mong Quý Vị hoan hỷ và góp
lời cầu nguyện. Thành kính niệm ân.

Trong kinh Địa Tạng và nhiều kinh khác đức
Phật dạy, chúng sanh nếu kết duyên, học
đạo và noi theo hạnh nguyện của một vị Thánh
Tăng hoặc một vị Bồ Tát thì sẽ có công đức
vô lượng, rồi sẽ vào ngôi chánh đẳng giác,
huống gì học đạo nhiều vị Phật và Bồ Tát như
Thiện Tài Đồng Tử thì càng có vô lượng công
đức và mau chứng Phật quả!

 

THƠ TẬP 3

 

ĐÔI MẮT HIẾU ĐẠO

THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

 

Mục Liên nối gót Tam Thừa
Thần thông cứu Mẹ không vừa lệ rơi…

HIẾU TÂM ĐỘNG THẤU ĐẤT TRỜI

Noi theo Địa Tạng Bồ Tát
Phát lời đại nguyện bát ngát từ bi
Mẫu thân nay biết đường đi
Tam đồ thoát khổ  khắc ghi Đại thừa.

Mục Liên nối gót Tam Thừa
Thần thông cứu Mẹ không vừa lệ rơi
Hiếu tâm động thấu đất trời
Phật cùng thương xót dạy lời vàng son.

Thế gian dù có hao mòn
Ơn Cha nghĩa Mẹ vẫn còn nguyên trinh
Vu Lan kinh Phật khắc in
Truyền trao đạo hiếu như kinh vu lan.

Phụng dưỡng Cha Mẹ mọi đàng
Hướng dẫn Cha Mẹ một đằng chuyên tu
Niệm Phật tinh tấn công phu
Cầu cho Cha Mẹ duyên đủ Tịnh bang.

Bỏ thân ngũ uẩn được sang
Tây phương tịnh độ hào quang an lành
Bố thí, trì giới, phóng sanh
Hồi hướng Cha Mẹ phước lành an vui.

 

 

ĐÔI MẮT LIỄU NGUYÊN

………

Thấy Cha Mẹ tươi cười như  áng mây
Thấy ánh dương ban mai nắng rực hồng
Thấy từng ngọn lá, ngàn hoa trổ bông
Nước mắt vơi chảy, tình thương ngập lòng.

                                      Thơ: Liễu Nguyên

 

Công  lao núi bể nghĩa tình
Biển Đông mực cạn khó trình tả nên
Ơn Cha nghĩa Mẹ, hai bên
Suốt đời báo hiếu mới nên thân người.

                                                Thơ: Liễu Nguyên

 

ĐÔI MẮT LIỄU NGUYÊN

Tôi sinh ra đôi mắt chẳng bình thường
Mỗi sáng sớm mặt trời mới tinh sương
Người người mở mắt nhìn được ánh dương
Riêng mình tôi nước mắt ướt lệ nhòa.

Khóc cả tiếng đôi mắt mới hé mở
Càng muốn mở nước mắt càng ứa nhòa
Đau buốt lắm nhưng không muốn mù lòa
Mở được mắt Mẹ mừng cũng muốn khóc.

Tôi cảm nhận tình thương khi Mẹ khóc
Mẹ muốn thay nỗi đau, tình mẫu tử
Muốn cho con mắt sáng mãi không từ
Nhưng kiếp người nghiệp quả có ai hiểu.

Cũng may gặp phước Ba thường biểu
Con theo Ba lau đèn cúng Phật nhiều
Chăm bò xong, chiều lễ Phật kính yêu
Suốt hai năm phước lành rồi cũng đến.

Một bà lão trong làng thật trìu mến
Nhận chít lễ đôi mắt thật êm đềm
Dăm ba bữa mắt sáng như sao đêm
Ngủ một giấc mặt trời thức liền thấy.

Thấy Ba Mẹ tươi cười như  áng mây
Thấy ánh dương ban mai nắng rực hồng
Thấy từng ngọn lá, ngàn hoa trổ bông
Nước mắt vơi chảy, tình thương ngập lòng.

Nguyện cầu: Những ai đang bị như tôi từng bị, hãy thường phát tâm lau đèn cúng Phật, sẽ được rất nhiều phước đức. Rồi gặp được bác sĩ giỏi và thuốc tốt thì bệnh lành và có lại đôi mắt sáng. Cầu mong mọi người, mọi loài không ai bị cảnh mù lòa, để được nhìn thấy nhau trong tình yêu thương.

 

 

CON HỎI MẸ

Sinh ra Cha Mẹ trao tình thương
Ra đi chỉ nhường đó lên đường
Hỏi Mẹ loài người từ đâu đến
Lúc chết  cái gì động miên trường?

 

ÂN CHA NGHĨA MẸ
Rằm tháng 7 mùa Vu Lan: 2013
Kính dâng Cha ở cõi Phật, Mẹ ở phương trời xa

 

 
Ngàn hoa đẹp nhất đóa hồng
Dâng lên Cha Mẹ muôn lòng thiết tha
Thế gian hai chử tình Cha
Trên đôi vai ấy biết bao la tình…..

ÂN CHA NGHĨA MẸ
Rằm tháng 7 mùa Vu Lan: 2013
Kính dâng Cha ở cõi Phật, Mẹ ở phương trời xa

Ngàn hoa đẹp nhất đóa hồng
Dâng lên Cha Mẹ muôn lòng thiết tha
Thế gian hai chữ tình Cha
Trên đôi vai ấy biết bao la tình.

Công  lao núi bể nghĩa tình
Biển Đông mực cạn khó trình tả nên
Ơn Cha nghĩa Mẹ, hai bên
Suốt đời báo hiếu mới nên thân người.

Trong dòng máu đỏ, hai người
Tình thương là Mẹ, trí ngời là Cha
Lời ru tiếng hát khúc ca
Nuôi con khôn lớn bao la biển trời.

Công lao sánh tợ biển khơi
Ngàn năm đạo hiếu sách trời có ghi
Phật đã dạy đạo từ bi
Lời ru Mẹ kể hài nhi năm nào!

Núi cao khó vượt công lao
Bao la biển rộng không sao sánh bằng
Hiếu đạo Phật pháp một đằng
Là nhân Thánh quả, phước đẳng hà sa.

 

ƠN NGHĨA SINH THÀNH

Ngàn năm một bóng hình Cha
Trên đôi vai ấy bao la tình người
Công ơn vượt cả núi trời
Biển đông mực cạn không lời tả nên.

Muôn đời hiếu đạo trước tiên
Công danh sự nghiệp xây trên thân nầy
Mang thai giọt máu chưa đầy
Là duyên mẫu tử từ đây bắt đầu.

Chín tháng thai nghén quá lâu
Bên ngoài Cha Mẹ bao lâu cũng chờ
Chờ khi sanh được ước mơ
Hoe hoe tiếng khóc, Cha mừng Mẹ mong.

Cuộc đời chưa phải thong dong
Niềm vui có đó nổi lo càng nhiều
Lo toan đủ cả muôn điều
Lo sao kiếm đủ nhiều tiền nuôi con.

Lo từng giọt sữa cỏn con
Lo từng áo lạnh khi đông gió về.
Lo sao cho đủ mọi bề
Đêm nằm thao thức bảo bề con thơ.

Đến khi biết nói ngu ngơ
Dõi mắt Cha dạy nhớ ơn thành người
Công danh sự nghiệp với đời
Là lúc Cha Mẹ dặm trời chiều thu.

Tóc sương mưa nắng bạc đầu
Lá vàng lác đác tóc sương hai màu
Thân khô lá rụng đông sầu
Tình Cha Nghĩa Mẹ biển đâu sánh bằng.

 

NHỚ MÃI LỜI CHA

Theo cha học đạo tổ sư
Những lời cha dạy in như ngày nào
Thân người khó được biết bao
Gắng siêng học đạo, đạo cao sau này.

Trên chiếc xe đạp trăm cây
Chở thêm bao gạo đó đây khắp cùng
Mùa đông mưa lạnh muôn trùng
Hè về nắng cháy miền Trung gió Lào.

Thương con chẳng ngại núi cao
Ngàn cây cũng vượt để vào thăm con
Dành tiền mua sách cho con.
Xe đò từ chối chút tiền vẫn còn.

Biết Cha mê sách giống con
Đại thừa kinh tụng cha con cùng đọc.
Cha đã mướn hết sách học
Chép rồi trả lại cho con ngày nào.

Trên trời sáng muôn vì sao
Cha là sáng nhất bao la ngập lòng
Thế gian vô vàn ước mong
Riêng con  Cha được thong dong  Liên trì.

Nhớ về những năm ở Tổ đình Kim Tiên, theo
học cơ bản Phật học ở chùa Báo Quốc -  Huế
sau khi Ân sư viên tịch (1995). Ngày ấy, Ba
Liễu Nguyên thường đạp xe chở một bao gạo từ
Quảng Trị vào Huế  cúng dường chùa và thăm Liễu Nguyên, ôi! Thương và nhớ Ba quá. Xin
lạy mười phương Phật giờ Chơn linh Ba con
đang ở nơi phương trời nào…?

 

THẮP SÁNG

Vu Lan thắp sáng đèn hiếu hạnh
Quá cố Phụ Mẫu vãng Tây phương.

 

CHIM OANH VŨ HIẾU THẢO

Ngày xưa trên núi tuyết sơn
Có chim Oanh Vũ nhớ ơn sinh thành
Phụng dưỡng Cha Mẹ ân cần
Bởi vì Cha Mẹ mắt lần mù đôi.

Thương Cha thương Mẹ không lời
Trên đôi cánh nhỏ dặm trời kiếm ăn
Tuổi thơ muôn vàn khó khăn
May gặp Trưởng Giả lòng sẳn thí cho.

 

Cảm động hiếu đạo Chim Nhỏ
Trưởng Giả phát tâm chăm lo cúng dường
Oanh Vũ Bồ Tát tấm gương
Tiền thân Phật Tổ sáng đường hiếu tâm.

Hiếu đạo Phật đạo pháp âm
Lập nên hạnh lớn hiếu tâm sáng ngời
Truyền trao đạo hiếu muôn đời
Hoa hồng luôn nở khắp trời mười phương.

Vu lan thắp nén tâm hương 
Nguyện cho tất cả biết thương Cha Mẹ
Đại Hiếu Kiền Liên thường nghe
Vạn loài noi hướng cùng Ngài hóa thân.

Bài thơ này phỏng theo mẫu chuyện về tiền
thân của đức Phật Thích Ca, lúc Ngài còn hành Bồ Tát đạo. Trong bài thơ Chim Oanh Vũ Hiếu Thảotiền thân của đức Phật, vị Trưởng Giả bố thí thức ănđệ tử đức Phật… Ngày nay những Phật tử nhỏ tuổi vào học đạo cũng được khoác trên mình chiếc áo Oanh Vũ của GĐPT
trong thật dễ thương là để noi  theo hạnh hiếu
của chư Phật vậy. (Liễu  Nguyên cũng nhiều
năm được khoác chiếc áo Oanh Vũ rất hạnh
phúc trước khi chưa xuất gia. Tri ân những anh chị Huynh trưởng GĐPT khuôn An Giạ đã
nhiều năm hướng dẫn).

 

HỒN TÔI MỘT ĐẠO SĨ

Hồn tôi phảng chút thơ ca
Người ta ngỡ tưởng tôi là thi nhân
Đồi thông thổi sáo thơ ngâm
Có người thầm nghĩ tôi là nghệ nhân.

Lúc đi dạy học ân cần
Học trò tinh nghịch nhiều lần thầy la
Nhớ Bố hát khúc tình Cha
Nhiều phen thông cảm cùng ca tình người.

Mỗi khi có người qua đời
Hai tay chuông mõ tán lời Phật kinh
Bao kỷ niệm mới như in
Hôm nay nhìn lại giật mình thời gian.

Đường đời gió tuyết mưa ngàn
Tả tơi chiếc áo vẫn an trong lòng
Thân mang chiếc áo nâu sồng
Tâm luôn có Phật lòng còn như xưa.

Kinh văn sáng tối sớm trưa
Gió mây Lục Độ hương đưa khắp cùng
Tùy duyên hóa độ muôn trùng
Một thân muôn dặm ung dung nẻo về.

 

 

THƠ TẶNG BÒ VÀNG NĂM XƯA

Tám tuổi làm kiếp chăn bò
Hạnh phúc có được chẳng so bây giờ
Người ta thường nói bò khờ
Sao tôi không thấy bò ngơ chút nào.

Bò Vàng cống hiến công lao
Ngày thì cày ruộng đêm bảo con thơ
Có lần Vàng đẻ bé thơ
Không may chú nghé ngây thơ qua đời.

Thương con không nói nên lời
Nước mắt Vàng chảy có trời mới hay
Buồn bả không ăn mấy ngày
Ai hay mẫu tử tình này thiêng liêng.

Bò vàng không những rất siêng
Mà còn che chở chủ riêng thân người
Có lần sét đánh vang trời
Cả đàn bỏ chạy Vàng thời bình an.

Dùng thân che chở chủ nhân
Hôm nay thơ tặng nhớ ân ngày nào
Bò Vàng chắc đã lên cao
Nguyện cho Vàng được sanh vào Tịnh bang.

Bài thơ viết về một chú Bò Vàng khác thường
gần như có được tình người, đã từng che chở
cứu mang Tác giả (Liễu Nguyên)  khi một cơn
sét đánh giữ dội vào thập niên 80 làm nhiều
người dân nơi đây chết và bị thương…
Liễu Nguyên cũng bị té ngã xuống từ trên lưng nó. Cả đàn tán loạn bỏ chạy hoảng hốt, riêng
Vàng đứng bình tĩnh che chắn cho chủ nhân, có
thể nó sợ những con bò khác dập đạp lên
Liễu Nguyên.

Ân tình đó hôm nay Liễu Nguyên xin làm tặng Vàng bài thơ này. Bò Vàng  sau đó sống  đến
già yếu nên qua đời, cầu cho Vàng được
sanh vào cảnh giới an lành.

 

 

THƠ TẬP 4

 

GIÓ MÂY HÓA KIẾP
THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

GIÓ MÂY HÓA KIẾP

Suối nguồn hóa kiếp từ mây
Ngàn thu mây tận nước đầy trong xanh
Gió về hóa kiếp bao lần
Đất ra hơi ấm trở thành gió bay…

 

 

PHẦN 1

 

MÂY GIÓ TRĂNG SAO

THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

GIÓ MÂY HÓA KIẾP

Suối nguồn hóa kiếp từ mây
Ngàn thu mây tận nước đầy trong xanh
Gió về hóa kiếp bao lần
Đất ra hơi ấm trở thành gió bay.

Cuộc đời nay đổi mai thay
Vô thường hóa kiếp đổi ngay từng giờ
Kiếp người tợ ảnh sương mờ
Phút giây tan biến lững lờ hư không.

Trải qua bao kiếp long bong?
Lúc là mây nước,  lúc không một mình
Chúng sanh trong chốn hữu tình
Vô thường chấp lấy như hình như  thân.

 

 

Bản lai vạn pháp vô sanh
Mà sao bao kiếp muôn lần đắng cay
Sáng nay tĩnh giấc ngủ say
Vô thường chợt thấy bản lai Là (Thị) Thường.

Là  (Thị) thường khoác áo kim cương
Vân du tự tại tận tường đó đây
Trùng trùng biến hóa ngàn thay
Một thân muôn kiếp gió mây cũng đồng.

  

DƯỚI ÁNH TRĂNG

Lý Bạch say trăng với nghĩa gì?
Mà đắm theo trăng dưới dòng sông
Thế nhân ca ngợi thơ Lý Bạch
Có đắm cùng trăng như thủa nào.

Hàn Mặc Tử, cũng có duyên trăng
Khổ nổi trăng lên, xót thân cùi
Trăng đẹp cơn đau thêm quặn quẻ
Ước bán trăng đi, thoát đêm dài.

Tình nhân bao lần cùng ngắm trăng?
Chỉ muốn trăng thâu suốt cuộc đời
Bình minh nắng rọi tình đôi ngã
Khổ đau chia phôi kiếp đoạn trường.

Thiền sư một mình dưới ánh trăng
Trăng sáng lung linh bổng giật mình
Kiếp xưa thấu rọi, cùng trăng tỏ
Một mình cười vui với ánh trăng.

Người nay, ai vui dưới ánh trăng?
Vui theo Lý Bạch hay Mặc Tử?
Hay theo Thiền Sư rọi muôn kiếp
Chớ để trăng phai kiếp lỡ làng!

 PHẦN 2

 

 VÔ THƯỜNG XUÂN HẠ THU ĐÔNG

THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

 

TIẾT BỐN MÙA

Thu sang cuốn hết lá vàng
Để cho đông đến muôn ngàn tuyết rơi
Tiết trời muôn thủa ngàn đời
Thu qua, đông đến, tuyết vơi xuân về….

 

Ảnh: mùa Thu lá rụng
Thơ: Liễu Nguyên

 

 

 

TIẾT BỐN MÙA

Thu sang cuốn hết lá vàng
Để cho đông đến muôn ngàn tuyết rơi
Tiết trời muôn thủa ngàn đời
Thu qua, đông đến, tuyết vơi xuân về.

Xuân này hoa nở tràn trề
Muôn ngàn chim hót bốn bề trời xanh
Biển trong gió mát trăng thanh
Cho làn nắng ấm tinh anh vui vầy.

 

TUYẾT RƠI
Nhớ lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, tri ân TT. Thích  Phước Toàn, trú trì chùa Phước Huệ, TP. Tacoma đã gởi thư mời chứng minh lễ đặt đá xây cách chánh điện trong mùa Đông tuyết lạnh.

Tuyết đẹp quá ôi trời! tuyết rơi
Chơi suốt cả ngày tuyết còn rơi
Ngày sau ngủ dậy tuyết ngập trời
Tháng sau một cõi tuyết vẫn rơi.

Cái đẹp bây giờ thay chơi vơi
Lạnh lẻo suốt ngày bên lồ sởi
Ngàn cây trơ trọi trong băng giá
Hồ nước sân chùa đóng băng rồi.

Ôi tuyết đẹp sao giờ khổ thế
Xe chảy dín nhau nghẽn cả đoàn
Sáng ra khổ nổi xe chẳng thấy
Xăn tay cào tuyết ước nắng hè.

Cào xong mới hoảng chẳng phải xe
Xe ai đã đậu cận xe mình
Ngập tuyết một mình xe không thấy
Lần này quyết phải tìm thấy xe.

Hỏi tuyết đẹp không trong cõi tuyết
Ai có ai chăng những đêm tuyết
Đóng băng tất cả vùi trong tuyết
Chỉ ước nắng hồng thoát đêm đông.

BỐN MÙA CHUYỂN THAY                     

Xuân về hoa nở khắp nơi
Muôn ngàn chim hót biển trời xanh xanh
Biển trong gió mát trăng thanh
Cho làn nắng ấm tinh anh ngập tràn.

Bình minh mây ngủ chưa tan
Xuân sang hạ đến mây ngàn gió lay
Hạ về mây trắng tung bay
Nhìn hoa phượng nở ô hay sắc hồng!

Ngàn mây nước lặng lắng trong
Lúc mùa thu đến trời trong mát dần
Nước thu lộng lộng trời xanh
Lá vàng lác đác trên cành hoa rơi.

Hết thu đông đến tuyết rơi
Nhìn cây xơ xác ngoài trời lạnh căm
Tuyết mùa đông lạnh gió săn
Ngàn cây trơ trọi khó khăn ngập tràn.

Mùa đông tuyết phủ mây ngàn
Bỗng tia nắng ấm xóa tan đêm nào
Báo mùa xuân đẹp xiết bao
Ngàn cây trổi lá muôn hoa đón chào.

 

LÁ RỤNG

Lá rụng ngàn thu lá rụng
Gió thổi ngàn mây tung bay

 

 

 

 

 TRĂM NĂM

Trăm năm là kiếp đoạn đường
Ngàn năm xa vắng thiên trường mây bay
Hỏi người bao kiếp ai hay
Ngàn thu một thoáng mây bay muôn đời.

 

 

TỬ SINH BAO KIẾP

Tử sinh  bao kiếp qua rồi
Luân hồi sáu nẻo nhiều đời đắng cay
Sáng nay tĩnh giấc ngủ say
Chân trời ló dạng biết ngay nẻo về.

 

LẠC HỒN

Lạc hồn trong kiếp phù sương
Mấy ai thấu rõ tận tường kiếp mê?

 

 

 

TÌNH LÀ CHI

Tình là chi khi không còn mộng
Phật là gì Tâm rõ sắc không
Hỏi thế gian bao tình oan trái
Cõi sắc không, mau tĩnh kiếp bồng.

 

KIẾP NGƯỜI

Kiếp người tợ ảnh sương mai
Tà dường là kiếp một ngày thoáng qua
Nắng mai soi cảnh phồn hoa
Trăm năm, ngàn kiếp chỉ là mông mênh.

 

BỤI TRẦN

Bụi trần lấp lấm bụi trần
Mây mờ che phủ muôn lần gió sương
Trần gian bao kiếp đoạn trường
Bụi trần thủa trước vấn vương ích gì?

 

 

 

SÁNG TỢ CHIỀU TAN

Ngàn sương, sáng tợ chiều tan
Ngàn mây, theo gió biến thành hư không
Ngàn năm, như một kiếp bồng
Ngàn đi, ngàn ở, ngàn trong chẳng về!

 

HỎI TRĂM NĂM                      

Hỏi trăm năm,
Mấy ai sống được trăm năm?
Hỏi ngàn năm,
Ngàn năm xa vắng đã là mây bay.

 

ĐÓNG TRO TÀN

Ta thấy hoa kia sớm rụng tàn
Một mai thân này cũng hóa tan
Chỉ còn động lại bao tội phước
Theo nghiệp, bỏ lại đống tro tàn.

 

 

 

DÕI BÓNG LUÂN HỒI

Trải qua bao kiếp luân hồi
Mà sao mất dấu lần hồi chưa ra
Kiếp nay sống ở Tà bà
Nghe lời kinh Phật chợt ra luân hồi.

 

KIẾP TIÊN

Ta từng là áng mây trôi
Hằng nga chín cõi luân hồi chuyển sanh
Trải qua bao kiếp tiên ngần
Khi làm Thiên soái lúc gần bồng lai.

Có lúc sống mãi bình yên
Phạm tiên một cõi, phước tiên vô cùng
Lầu ca điện gác muôn trùng
Hằng sa tiên nữ trùng trùng đài tiên.

Trải qua bao kiếp thần tiên
Phước tiên vui sướng quên hay đoạn trường
Lúc vui không biết chọn đường
Để  nay đọa kiếp ngục trường khổ thay.

 

 

 

KIẾP ĐỊA NGỤC

Mười tám tầng địa ngục quay
Ngục thì sương tủy nghiền say rơi đầy
Ngục thì đói rét xương gầy
Ngục thì lửa đỏ chứa đầy đồng sôi.

Muôn vàn khổ quá than ôi!
Trả bao nhiêu kiếp thân tôi mới đành
Duyên may gặp áng mây lành
Địa Tạng Bồ Tát dỗ dành hóa sanh….

(Đây là tập thơ về câu chuyện luân hồi ngộ từ giáo nghĩa trong kinh Địa Tạng được đức Phật thuyết tại cung trời Đao Lợi, còn tếp sẽ được xuất bản trong tập thơ tới…)

 

 

 

PHẦN 3

 

THƠ GỌI NGÀN HOA XUÂN

THƠ: LIỄU NGUYÊN

LÒNG NỞ HOA

Để thơ gọi xuân về
Với gió mát trăng thanh
Bốn mùa vang tiếng hát
Vui muôn lòng nở hoa.

Thơ: Liễu Nguyên

 

XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI
Xuân đến xuân đi xuân lại về
Một năm thấm thoát thật nhanh ghê
Hỏi xuân có gì khác xuân trước
Xuân vẫn nở hoa khắp bốn bề.

 

 

 

XUÂN TIỄN BƯỚC

Xuân sang tiễn bước chân lên đường
Một năm xa nhớ nặng tình thương
Xuân về thiếu vắng người bạn cũ
Một mình hoa nở lòng vấn vương.

 

LÒNG NỞ HOA

Để thơ gọi xuân về
Với gió mát trăng thanh
Bốn mùa trong tiếng hát
Vui muôn lòng nở hoa.

 

XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI

Xuân đến xuân đi xuân lại về
Một năm thấm thoát thật nhanh ghê
Hỏi xuân có gì khác xuân trước?
Xuân vẫn nở hoa khắp bốn bề.

 

 

XUÂN XA NHÀ

Biết bao nhiêu tết đã xa nhà
Xuân nay hoa nở lòng xót xa
Có phải én bay về phương ấy
Cho gởi lòng ta đến mẹ già.

 

 

XUÂN XƯA NAY ĐÃ TRỞ VỀ

Xuân về hoa nở khắp nơi
Chấp tay niệm Phật muôn đời không tan
Xuân sang hạ đến hoa tàn
Trên tay vẫn nắm hạt tràng niệm Tâm.

Hạ về chuông vẳng Tùng Lâm
Câu kinh tiếng mõ vang rầm đó đây
Hạ sang thu đến trong mây
Ta – bà hiện cảnh phương tây sáng ngần.

Thu phong rọi nguyệt trong ngần
Trăng theo thuyền khách cùng lần hạt châu
Thu qua đông đến bấy lâu
Mãi mê niệm Phật mấy câu không màng.

Đông sang gió lạnh mây ngàn
Miệng luôn niệm Phật thân choàng áo thêm
Đông tàn hoa nở rạng đêm
Gọi người tĩnh giấc cùng xem Xuân về.

Xuân xưa nay đã trở về
Hỏi người năm ấy bây giờ ở đâu?
Niệm Phật vào định thâm sâu
Biết hoa xuân nở bấy lâu mĩm cười!

 

MAI VÀNG TRƯỚC NGÕ

Nhà ai có mai vàng trước ngõ
Đêm đến xuân về trăng sáng tỏ
Canh vắng đêm khuya trời lọng gió
Vãng vãng đâu đây phải câu hò?

 

MUÔN MÀU

Mỗi người có mỗi cái hay
Vẽ nên vũ trụ đẹp thay! Muôn màu.

 

HOA RƠI MỘT MÌNH

Mấy lần xuân đến hoa cười
Có lần xuân lỡ, hoa rơi một mình
Chúng sanh sáu cõi hữu tình
Cũng vì cười lỡ lâm nghìn tử sanh.

Chẳng cười, chẳng lỡ, chẳng sanh
Là hoa muôn kiếp là xuân muôn đời
Bản lai diệm mục không rời
Tử sanh bao kiếp hiện thời hết ngay.

Từ nay xuân đến xuân hay
Hôm nay hoa nở hoa thay không màng
Mấy đời bao kiếp lỡ làng
Kiếp này rõ tận một đàng vững tu.

Biết tu thì thoát kiếp ngu
Liền sanh kiếp Tuệ vân du tu hành
Thuyền Bát Nhã áo kim thân
Ra vào sanh tử tu hành thảnh thơi.

Từ nay muôn kiếp rong chơi
Chèo thuyền Lục Độ lợi người lợi ta
Tương lai ở chốn Ta – bà
Long Hoa pháp hội sanh ra một nhà.

 

 

PHÁP HOA NGÀN THƠ

Pháp Hoa kinh tụng tỏ tường
Mười phương Phật hiện chỉ đường hóa sanh
Từ nay khoác áo kim thân
Tu hành Lục Độ chúng sanh nương nhờ.

Tùy duyên hóa độ vô bờ
Mười phương sáu nẻo mê mờ hóa sanh
Đương Lai Di Lặc đản sanh
Long Hoa mở hội in lần Linh Sơn.

Tà bà duyên khởi sáng hơn
Pháp luân thường chuyển muôn ngàn Pháp Hoa
Ta - bà có Phật Thích Ca
Ngũ thời, Bát Giáo tu là vô sanh.

Chu du sáu nẻo tu hành
Chúng sanh vô số độ về Tây phương!
Muôn loài sáu nẻo hằng nương
Phổ Hiền hạnh nguyện noi gương trở về.

Xa bể khổ thoát trầm mê
Tây phương chín phẩm làm quê một nhà
Trên thì có Phật Di Đà
Dưới hiện vô số hằng hà Pháp thân.

 

THƠ TẶNG LOÀI CHIM VẸT

Không biết chúng ở phương nào
Mỗi lúc chúng đến ngọt ngào tiếng kêu
Thân to chúng bay lêu kêu
Hai trăm con đậu cây đều trĩu luôn.

Cali xe chạy ngược xuôi
Cũng ngơ ngác trước bao đôi thiên thần
Thân chúng màu sắc sáng ngần
Đỏ xanh vàng tía mấy lần rõ hay.

Đậu khoảng nửa tiếng thì bay
Đi đâu chẳng biết ô hay tuyệt vời
Tôi từng chứng kiến trên đời
Những lần chúng đến thời thời tin vui.

Thơ này thân tặng Vẹt yêu
Bay đi đâu đó nhớ tui bay về
Về với niềm vui tràn trề
Cho thơ thêm đượm tặng nè Vẹt yêu.

Cứ mỗi dịp Liễu Nguyên phổ thơ về hạnh nguyện của một vị Phật hoặc mỗi vị Bồ Tát thì không biết từ phương trời nào, hàng trăm con chim vẹt thật to và đáng yêu rũ nhau đến đậu cạnh phòng chùa Việt Nam hót khoảng 15 phút thì rũ nhau bay đi như muốn góp phần cúng dường lên chư Phật, chư Bồ Tát kiến cho người qua đường ở thành phố Los Angeles cũng phải ngẩn ngơ trước vẽ đẹp thiên thần của chúng. Cảm hứngđáp lại những tấm lòng của chim Vẹt nên Liễu Nguyên đã viết bài thơ này để tặng.

 

 PHẦN 4

 

BIỂN SỐNG VỔ VỀ CÁT BỤI

THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

BIỂN MẶN

Biển mặn có từ bao giờ?
Bao la biển mặn nối bờ đại dương
Biển mặn tràn ngập tình thương
Biển dung mọi thứ nhiễu nhương trên đời…

Ảnh: vịnh Hạ Long
Thơ: Liễu Nguyên

 

 

BIỂN MẶN

Biển mặn có từ bao giờ?
Bao la biển mặn nối bờ đại dương
Biển mặn tràn ngập tình thương
Biển dung mọi thứ nhiễu nhương trên đời.

Biển mặn sống vổ tuyệt vời
Biển làm trong sạch bao thời rác trôi
Biển như máy lọc dung trời
Thoát hơi biển mặn vòng đời đổ mưa.

Suối nguồn mát ngọt đông đưa
Có ai biết được Biển đừa hơi mây
Rừng xanh cũng có từ đây
Biển như mẹ cả tràn đầy bao dung.

Biển cho muối mặn vô cùng
Biển sinh tôm cá…muôn trùng sinh sôi
Biển nương trăng sáng trên trời
Làm nên thủy triều tắm đời đất yêu.

Thủy triều hợp lẽ tự nhiên
Tưới ngập lòng đất mát yên tháng ngày
Biển cho hải đảo đó đây
Muôn lời không hết biển đầy dụng công.

 

DẤU CHÂN TRÊN CÁT

Dấu chân trên cát năm xưa
Bao lần sóng vỗ gió đưa mất rồi
Gió về sống vỗ khắp nơi
Dấu chân trên cát sống đời mây bay.

 

HẠT BỤI

Hạt bụi bay trong gió
Bất cẩn đâm vào mắt
Ôi! hạt bụi quá quắt
Xốn mắt! nước mắt chảy.

Cũng may gặp nước mát
Đã rửa sạch hạt bụi
Hạt bụi theo dòng nước
Trả lại đôi mắt thương.

Vẫy tay chào lên đường
Không hẹn gặp nữa nhé!

Từng ngọn gió thổi về
Mang theo bao hạt bụi
Như muốn bay vào mắt
Như hạt bui quá quắt.

Lần này nhờ đeo kính
Làm lá chắn an toàn
Từng hạt bụi rơi rụng
Đôi mắt vẫn bình thường.

Đó là bụi của gió
Mà nước mắt đầm đìa
Còn vướng bụi trần thế
Khổ đau gấp vạn lần.

Bụi nầy làm sao đây
Để rửa sạch bụi nầy
Chỉ có nước Hỷ Xã
Ly hết thảy sắc không.

 

CHỈ MỘT TẤM LÒNG

Ngàn mây mưa đổ trên nguồn
Suối trong gộp lại dòng tuôn  lững lờ
Muôn sông chảy tận bến bờ
Làm nên biển cả xa mờ trùng khơi.

Gió về sống vỗ mây trôi
Trong làn nắng ấm thoát trồi hơi mây
Biển cho hơi ấm mây bay
Đem mưa về lại biển đầy trong xanh.

Ngàn năm biển mãi trong xanh
Khi làn nắng ấm tinh anh mây thành
Vòng luân hồi mãi chuyển sanh
Lúc là mây nước, lúc thành biển khơi.

Ngàn đời luôn vậy người ơi
Ngàn năm lưu chuyển, biển trời manh mong
Khác chăng chỉ một tấm lòng
Kiếp xưa nay hiện cõi lòng nầy đây.

Tấm lòng kết thiện duyên may
Như làn gió mát ban mai ngập tràn
Hay cơn mưa hạ ban ân
Tắm đồng lúa trổ muôn dân hoan chào.

                                                              

THƠ VỀ CON NGỰA

Con ngựa bao năm đã trở về
Mười hai con giáp thật nhanh ghê
Hỏi ngựa năm nay có gì mới?
Lên ngựa phi nhanh đón rồng về.

THƠ TẬP 5

 

MÁI CHÙA
DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG

THƠ: LIỄU NGUYÊN

           

 

 

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ
………….

Sông Hương nước chảy trong lành
Đưa chuông Thiên Mụ ngân ngân nhẹ lòng
Từ bên núi Ngự ngó mong
Xa xa Thiên Mụ hiện trong tiên trần….
Thơ: Liễu Nguyên

 

DÒNG THƠ QUÊ HƯƠNG

Quê hương yêu dấu ngàn thơ
Lời ru mẹ kể à ơ năm nào
Quê hương muôn thủa ngọt ngào
Ca Dao nước Việt tuôn trào ngàn sau .

 

TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ
Nhớ năm 1996 vào học tại Báo Quốc – Huế
thường đạp xe lên đây viếng cảnh chùa.

Sông hương vẽ dáng Huế thương
Tiếng Chuông Thiên Mụ du dương thoát trần
Trăng sao thoát hiện bao lần
Tiếng chuông xa vọng mây ngần tùng lâm.

Từ ngày Chúa Nguyễn phát tâm
Đến nay chuông vẳng thoát âm tháng ngày
Lúc thì xuân đến hạ thay
Lúc thì thu tận đông say chuông ngần.

Sông Hương nước chảy trong lành
Đưa chuông Thiên Mụ ngân ngân nhẹ lòng
Từ bên núi Ngự ngó mong
Xa xa Thiên Mụ hiện trong tiên trần.

Lữ khách ghé Huế bao lần?
Ngẩn ngơ nhìn thấy trăng ngần sông Hương
Huế mơ trong ánh tà dương
In màu  tím Huế dáng thương hiện về.

Hay khi sương sớm gió quê
Nhớ Hàn Mặc Tử lần về Huế xưa
Mờ mờ thấp thoáng hương đưa
Như sương, như ảnh, sớm trưa hôm nào.

Những khi lòng thấy xốn xao
Buâng khuâng buồn giận ngán ngao sự đời
Nhằm lúc chuông vẳng thảnh thơi
Chợt người tĩnh giấc nghe lời chuông ngân.

 

LÀNG TÔI

An Giạ, một ngôi làng nhỏ  nằm trên ngã ba
khúc sông Gia Độ, nơi dòng sông Hiếu – Đông
Hà  và dòng sông Thạch Hãn – Quảng Trị giao nhau êm đềm chảy ra biển cửa Việt, nơi đây
lần đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng vào đằng
Trong đã từng ngự đến.

Làng tôi bên một dòng sông
Có con đò nhỏ xuôi  dòng ra khơi
Gió nam thổi tiếng à ơi
Tiếng hò năm ấy bao thời còn vang.

Làng tôi bên một con đàng
Hè về gió thổi qua hàng cây reo
Câu hò giã gạo mái chèo
Khi mùa lúa chín thoát nghèo nổi lo.

Làng tôi có một bến đò
Ngày ngày qua phố học trò sang sông
Những lúc nổi ngọn gió giong
Cầu phao cách trở đêm đông khó về.

Làng tôi trước một đồng quê
Cò bay sải cánh bốn bề hết ngay
Ngày nay thôn sóm đổi thay
Như là đô thị điện đài sáng đêm.

Làng tôi chuông vẳng êm đềm
Ba mươi rằm đến vọng rền tiếng kinh
Mái chùa lưu giữ niềm tin
Ngàn năm còn đó văn minh đời đời.

Làng tôi An Giạ muôn đời
Thanh Liêm, Gia Độ, An Lợi, Trung Yên
Xa xa là làng Giáo Liêm…
Quê tôi Triệu Độ bình yên tháng ngày.

 

 

 

CHÉN TRÀ THƠM

Chén trà thơm ngát quê hương
Trên tay đang giữ tình thương muôn đời
Trà này ngọt lắm ai ơi
Uống vào tĩnh giấc ngàn lời  khó quên.

 

TIẾNG CHUÔNG KHUYA
Nhớ những năm 1990 xuất gia tại chùa
Phật Học Tỉnh Hội TX Quảng Trị.


Quảng Trị đêm đông càng thêm lạnh
Gió bấc đêm mưa suốt mấy canh
Sư phụ dậy trước  ba giờ sáng
Đánh thức điệu Như dậy pha trà.

Nước sôi hợp với trà Bắc Thái
Phảng phất trà thơm tĩnh đêm dài
Sư phụ hít sâu và thưởng thức
Ngồi bên Sư Phụ hỏi đạo thiền.

Uống trà nửa tiếng, tiền đường thượng
Cái rét đêm khuya lạnh thấu xương
Tiếng chuông vang vọng trong đêm vắng
Thạch Hãn sông dài bao nhớ thương.

Tiếng gà gáy sáng ai đã tĩnh
Chuông khuya vang vọng tận U Minh
Gọi nhau tĩnh giấc đón trời sáng
Văng vẳng đã nghe tiếng đò ngang.

Nửa tiếng chuông dứt, công phu sáng
Lời kinh tiếng mõ kệ râm vang
Lăng Nghiêm thập chú Mười Phương hiện
Vừa dứt lời kinh trời ửng hồng.

 

NƯỚC VIỆT NAM

Nước tôi là nước Việt nam
Năm ngàn năm trước Lạc Hồng hóa sanh
Âu Cơ là Mẹ chung sanh
Lạc Long Rồng Thánh Cha lành sanh ra.

Nam Bắc non nước một nhà
Cùng con Rồng Thánh vạn lần nhớ ân
Từ ngày Thánh tổ lập danh
Nước non vạn dặm mây ngần bao la.

Trên sách  sử Việt hát ca
Ngàn đời oanh liệt ông cha rạng ngời
Hùng Vương vang bóng một thời.
Bà Trưng Bà Triệu ngàn đời còn vang.

Việt Nam tiếp bước hiên ngang…
Tiên Hoàng Bộ Lĩnh vững vang đế triều
Lập nền đế nghiệp Đinh triều
Tạo nền độc lập bao triều tiếp theo.

Lê, Lý, Trần, Trịnh – Hậu Lê…
Đàng trong triều Nguyễn lập quê cùng nhà.
Để cùng viết bản hùng ca
Nhớ ơn người trước chúng ta hát cùng.

Hát cùng Tiên Tổ sanh chung
Hát cùng Hưng Đạo quân trung tướng hùng
Hát cùng Tiền Thánh anh hùng
Hát cùng nước Việt trùng trùng Nước non!

 

CHÙA VIỆT NAM  LOS ANGELES
Liễu Nguyên cảm thơ tại đây, Hạ  năm 2012.

Con đến đây Người mới ra đi
Ngôi chùa còn đó đâu khác gì
Trước sân trúc lay khi gió thoảng
Sau hè khóm chuối gợi nhớ quê.

Đến nay nối tiếp ba thế hệ
Phật giáo truyền thừa đất xứ người
Sáng chiều tiếng kinh ngay giữa phố
Chim kêu ríu rít nhường muốn nghe.

Xe chạy ngược xuôi giữa trưa hè
Nhưng không nghe thấy tiếng con ve
Hiên thềm cây phượng hoa nở rộ
Lòng ai sen nở, nước cam lồ.

Sân chùa Mẹ hiền Quán Âm lộ
Người xa kẻ gần xin hết khổ
Nhành dương tịnh thủy Ngài hoan hỷ
Tai qua nạn khỏi, bất tư nghì.

Ra về vẳng nhớ thầm khắc ghi
Huyền Không nơi đây thơ từng nói:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

 

MỘT MÌNH HOÀI QUÊ

Trăm năm duyên kiếp hữu tình
Lanh đanh đây đó một mình hoài quê
Kiếp người ngày tháng lê thê
Nhiều năm xa vắng chốn quê năm nào.

Xa xăm cách trở biết bao
Tình quê lưu dấu ngọt ngào lời ru
Nhớ xưa khúc hát lời ru
À ơ mẹ kể chiều thu hôm nào.

Quê hương nước Việt đẹp sao
Công công chử Ét ngọt ngào Mẹ yêu
Tiếng chuông vang vọng bao chiều
Đưa lời kinh Phật thấm siêu cõi lòng.

Hôm nay hoài niệm ngóng trong
Muôn vàn thương nhớ mỏi mong ngày về
Ngàn trùng xa nhớ chốn quê
Tha phương nỗi nhớ nhớ về năm xưa.

Tiếng ve kêu giữa hè trưa
Hay khi đông đến giọt mưa rên đều
Ngàn thơ vẽ cảnh mây chiều
Quê hương thủa ấy muôn điều nhớ thương.

 

HUẾ TRĂNG THƠ
Kỷ niệm 10 năm ở Huế, 10 năm xa Huế

Nam giao ngó xuống kinh thành
Vân lâu rọi bóng mây vần sông hương
Trường tiền mấy nhịp vấn vương
Áo dài thiếu nữ dáng thương đến trường.

Xa Huế còn động nhớ thương
Ngự Bình mây phủ khói sương chiều tà
Trăng Vỹ Dạ sáng xa xa
Cồn Hến đồng vọng Đông Ba tiếng cười.

Đế Đố sách sử bao đời
Rêu phong cổ kính nhớ người ngàn xưa
Tiếng ve kêu giữa hè trưa
Hai hàng phượng đỏ đôi bờ Hương Giang.

Chuông Thiên Mụ vọng ngân vang
Hồn ai chợt tĩnh lạc đàng về ngay
Tịnh độ hiện cảnh nơi đây
Đem tâm niệm Phật vầng mây an lành.

Cầu cho sáu nẻo hóa sanh
Người người an lạc thắm nhuần lời kinh
Cùng nhau ngắm ánh bình minh
Ánh Dương rọi khắp như hình pha lê.

 

HỎI XUÂN QUÊ MẸ

Xa quê mấy độ xuân rồi
Hôm nay xuân đến phương trời xa xôi
Hỏi xuân quê mẹ đôi lời
Xuân nầy khác mấy xuân rồi hay không?

Từ phương trời xa ngóng trong
Nhớ bánh chưng nếp mỏi mong ngày về
Xuân nay đã đến cận kề
Nhớ mứt gừng quá, não nề xa quê.

Một năm, ngày tháng lê thê
Xuân nay lại đến chốn quê hiện về
Dù cho bận việc bốn bề
Mỗi khi xuân đến ngóng về quê hương.

Xuân về nơi chốn tha phương
Nhớ xuân năm ấy quê hương ta cùng
Xuân nay hoa nở muôn trùng
Mà sao lòng thấy lạnh lùng bơ vơ.

Xuân về hoa nở ngẩn ngơ
Muôn người xa lạ, thẩn thơ một mình
Là người trong kiếp hữu tình
Xa quê mới hiểu một mình buồn xuân.

 

LÀ HOA LÀ HƯƠNG LÀ TÌNH…

Là hoa, Hoa Mạn Đà La
Tâm thường hỷ lạc nở ra hoa nầy
Là hương, hương giới tròn đầy
Hương bay ngược gió, đó đây thơm lừng.

Là mây, mây phủ khắp cùng.
Mưa rào pháp vũ, muôn trùng lạc an.
Là mưa, mưa hạ ban ân
Khắp đồng lúa chín ngập tràn trổ bông.

Là trăng, trăng sáng ngập đồng
Bao la sáng tỏ, trăng lòng gió quê
Là gió, gió lộng đồng quê
Quyện mùi lúa chín đê mê cõi lòng.

Là sông, nước chảy suôi dòng
Xanh xanh uốn lượn, nước trong cùng thuyền
Là thuyền, thuyền chở luôn phiên
Chở người sang bến bình yên bến bờ.

Là bến,   bến đợi bến chờ
Khi thuyền rời bến, bến chờ bến mong.
Là cây, mát mẽ ven sông
Lũy tre nắng hạ, mát trong  yên bình.

Là người, người trọng chữ tình
Tình cha, tình mẹ, ân tình nước non
Tình quê khắp nước cùng non
Muôn dân nước Việt sắt son nghĩa tình.

 

GIỮA LƯNG TRỜI

Mây bay qua đầu núi
Xe chạy giữa lưng trời
Suối chảy từ khe đá
Hải vân núi cheo veo.

Đường công theo mây lượn
Chân núi sống rầm rì
Biển Lăng Cô xanh ngắt
Cát trắng một dãi dài.

Thuyền ai đó ra khơi
Tô điểm cảnh mây trời
Vẽ bức hình non nước
Ôi Việt Nam quê hương.

Cảnh đẹp như thiên đường
Sáng sớm hiện trong sương
Chiều tịch dương sáng chiếu
Xây nên cảnh tiên bồng.

Ở đây cõi sắc không
Thấy cảnh đẹp sắc không
Chiều xuống nắng lửa hồng
Bình minh dậy sắc không.

Kỷ niệm một thời đã dạy học và hóa đạo nơi
đây. (Cuối 2005, khi trú trì chùa Thừa Lưu –
Huế)  nơi đây sông núi hữu tình, có rất nhiều
cảnh tuyệt đẹp và người dân rất hiền lành. Có
đèo Hải Vân, biển Lăng Cô, biển Cảnh Dương… suối Voi, suối Tiên…xa xa bên kia là núi
Bạch Mã, Túy Vân…tạo nên chốn cảnh bồng
lai khiến nhiều thi nhân Việt Nam đã vịnh thơ
phú cảnh:

Bạch Mã, Túy Vân tựa lưng trời
Suốt Tiên trong suốt chảy ra khơi
Lăng Cô biển đẹp in tiên cảnh
Cảnh Dương bồng lai hiện sáng ngời.
Thơ: Liễu Nguyên

Theo lịch sử ghi lại thì ngày xưa Tổ sư Hương
Hải dưới đời các chúa Nguyễn cũng một thời
hóa đạo nơi đây cho đến tận Quãng Nam và đã
ra lập chùa ở tận các hải đảo xa xuôi của tổ
quốc…

 

 VỌNG NƯỚC NON

Ta đứng đây lặng nhìn mây nước
Cảnh đẹp một mình ngắm nước non!

 

TRÊN NÚI CAO

Từ xa trong thấy ngàn mây hiện
Đến gần mây tỏa gió mù sương
Trên đỉnh núi cao một mình đứng
Phóng mắt xa tận vọng nước non.

 

 

 

ĐÊM DÀI KHÉP LẠI

Đêm dài khép lại đón bình minh
Vạn vật ngủ say đã hiện hình
Vầng dương tỏa chiếu lòng chợt tĩnh
Giọt sương vũ trụ ánh lung linh.

Nắng mai gió mát từ trên đỉnh
Hơi nước bay cao vẽ muôn hình
Bồng lai tiên cảnh không cần chỉnh
Cảnh đẹp tự nhiên cứ chuyển sinh.

Non nước đắm say cảnh hữu tình
Mặt trời rọi bóng sáng như in
Vạn vật thấy nhau trong tấm kính
Một mình liễu ngộ hết một mình.

Gió nhẹ hương đưa quyện tiếng kinh
Bát nhã không lời Tâm với minh
Phiền não rụng rơi trong thầm kín
Vô tâm ngắm cảnh nắng bình minh.

Trang kinh tụng đến Thường Bất Khinh
Nụ cười hỷ xã đóa hoa nhìn
Vườn tâm sen nở lòng cung kính
Mười phương Phật hiện lối vô sinh.

Liễu Nguyên mỗi sáng sớm hay khi ánh tịch dương xuống, thường lái xe máy ra đây một mình thiền hành và ngắm cảnh sông núi hữu tình tuyệt đẹp nên mới cảm lên những vầng thơ trên…..

 

 

THƠ TẬP 6

 

THƠ HỎI ĐẠO THỀN

THƠ: LIỄU NGUYÊN


PHẦN 1

 

THƠ KỆ  TỔ SƯ LIỄU QUÁN (1667 – 1742)
               Thích Liễu Nguyên thi hóa

 

THƠ  SỬ TỔ LIỄU QUÁN

THÂN THẾ

Phú Yên, Bạch Mã, Đồng Xuân
Địa linh, đất ấy đã sanh Thánh hiền
Vào năm Đinh Mùi (1667) thiện duyên
Thánh nhân Thiệt Diệu sanh tiền họ Lê.

 

Lúc lên sáu tuổi ở quê
Mẹ hiền quá vãng, muôn bề nhớ thương
Thấy rõ, vạn pháp vô thường
Xuất trần thượng sĩ, lên đường tiến tu.

XUẤT GIA

Theo cha học đạo Tổ sư (lúc 12 tuổi)
Tế Viên Hòa thượng, ở chùa Hội Tông
Sau ra cầu pháp Giác Phong
Hàm Long, Báo Quốc, đằng Trong kinh thành.

 

 

BÁO HIẾU

Theo chân Lão Tổ tu hành
Năm sau (1691) thân phụ bệnh đành về quê
Phụng dưỡng thân phụ ở quê
Ngày ngày gánh củi miền quê qua ngày.

 

Bốn năm báo hiếu tháng ngày
Đến khi thân phụ sanh ngày Lạc Bang
Một thân một bóng phương ngàn
Trèo đèo vượt suối trở về Huế đô. (1695)

 

THỌ GIỚI

Nhằm năm Đinh Sửu (1697) Huế đô
Thọ Cụ Túc giới ở chùa Từ Lâm
Thạchh Liêm lão tổ quang lâm
Đàn đầu hòa thượng truyền tâm giới điều.

Từ đây thân y giới điều
Vân du vấn đạo ở nhiều bốn phương.
Năm Nhâm Ngọ (1702) tại Long Sơn.
Tử Dung truyền ấn Tâm ngời Tuệ soi.

 

ĐẮC PHÁP
Ý: Tổ Tử Dung & Tổ Liễu Quán
Thơ: Liễu Nguyên

 

Kỷ mão (1699) đi khắp đó đây
Tìm thầy học đạo thoát ngay luân hồi.
Năm Nhâm Ngọ (1702) gặp Thầy rồi.
Tử Dung hòa thượng, đổi đời từ đây.

 

Tử Dung hỏi chổ hiển bày
“Muôn pháp về một, một về nơi đâu?”
Hãy luôn tu quán thật sâu
Thì ngươi thấy rõ trước sau ngọn ngành.

 

Vâng lời Tổ ấn tu hành
Bao năm khổ quán chưa thành, thẹn đau
Truyền Đăng Lục đọc đến câu
“Chỉ vật truyền Tâm, nhân bất hội xứ”

 

Nghĩa rằng ứng vật tỏ Tâm
Người ngoài không thấy khi Tâm rõ vật.
Tâm ngộ pháp lạc tịnh mật
Muốn mang pháp chứng cẩn bạch Tử Dung.

 

Nhưng vì cách trở muôn trùng
Đến năm Mậu tý (1708) mới cùng tổ xem
Tử Dung hoan hỷ xét xem
Sau rồi Tổ dạy cho thêm pháp mầu.

 

Tử Dung hỏi tiếp mấy câu
“Bờ thắm buông tay, một mình cam chịu”
Tiếp tục Tử Dung dắt dìu
“Chết rồi sống lại, chê mình ai dám?”

 

Liễu Quán vổ tay! trình đáp:
Trái cân là sắt,  hợp pháp chưa thầy?
Tử Dung đám lại chưa đầy
Hôm sau gọi lại Tổ bày hỏi thêm.

 

Hôm qua việc vẫn chưa êm
Hôm nay Ngươi hãy trình thêm rõ ràng
Biết đèn là lửa, đằng đằng
Cơm chín từ lâu, thưa rằng  được chưa?

 

Nghe xong lời kệ trình thưa
Tử Dung hoan hỷ quá ưa, gật đầu
Nhâm Thìn (1712) vào hạ không lâu
Quảng Nam, lễ hội cùng nhau tắm Phật.

Tử Dung hỏi Sư ý Phật
“Tổ Tổ truyền trao, Phật Phật dung nhau”
“Chẳng biết truyền nhau cái gì?”
Nghe lời tổ hỏi những gì, Sư thưa.

 

Liễu Quán cung kính trình thưa
Búp măng mộc trên đá vừa muôn trượng
Chưa hết Sư tiếp kiên cường
Mai rùa long mọc nặng nhường ba cân.

 

Tử Dung đáp lại ân cần
Ngựa đua dưới nước thuyền vần trên non
Nghe lời Tổ dạy sắt son
Liễu Quán đáp lại, Con còn mấy câu.

 

Đứt dây, đàn vọng đêm thâu
Gãy sừng trâu rống đâu đâu chốn cùng
Nghe xong tổ thấy ung dung
Từ nay pháp Phật dung dung tổ truyền.

 

NGUYÊN TÁC

Nhâm Ngọ (1702) Minh Hoàng Tử Dung dạy
Sư quán yếu chỉ sau:

Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ? (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?)

Gần 8 năm tham cứu mà chưa lãnh hội, trong
lòng Sư tự lấy làm hổ thẹn.  Một hôm, nhân đọc sách Truyền Đăng Lục đến câu:

“Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ
(Chỉ vật truyền tâm, người ngoài không hiểu rõ được)”,
thoạt nhiên Sư tỏ ngộ được yếu chỉ của Thiền. Vì núi sông cách trở, Sư chưa thể đến

trình kệ với Tổ Tử Dung được.

Mãi đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), 42 tuổi, Sư Liễu Quán lại trở ra chùa Ấn Tôn (Từ Đàm – Huế) cầu Thiền sư Tử Dung ấn chứng.

Sư đem hiểu biết của mình trình bày ra, đoạn
nói đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội
 xứ”
, thì nghe Thiền sư đọc:

“Huyền nhai tán thủ,
tự khẳng thừa đương,
Tuyệt hậu tái tô,
khi quân bất đắc.”

(Hố thẳm buông tay,
Một mình cam chịu
Chết rồi sống lại,
Ai dám chê mình ?)

Minh Hoằng Tử Dung: Vậy là thế nào, nói
nghe?

Thiệt Diệu Liễu Quán: Không đáp, chỉ vỗ tay
cười ha ha.

Minh Hoằng Tử Dung: Chưa phải.

Thiệt Diệu Liễu Quán: Bình thùy nguyên thị
thiết
(Trái cân vốn là sắt).

Minh Hoằng Tử Dung: Chưa nhằm.

Minh Hoằng Tử Dung: Hôm qua việc đã chưa
xong, nói lại xem!

Thiệt Diệu Liễu Quán:

“Tảo tri đăng thị hỏa,
Thực thục dĩ đa thì!”

(Sớm biết đèn là lửa,
Cơm chín đã lâu rồi!)

Minh Hoằng Tử Dung: Thầm khen gật đầu.

Mùa hạ, Nhâm Thìn (1712), Thiền sư Tử Dung vào Quảng Nam dự lễ "Toàn viện" (theo văn
bia). Nhân đó, Sư Liễu Quán đem trình bài kệ
"Dục Phật" (Tắm Phật). Minh Hoằng Tử Dung
hỏi:

“Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật truyền nhau;
chẳng hay truyền trao nhau cái gì?”

Thiệt Diệu Liễu Quán:

“Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Quy mao phủ phất trọng tam cân.”

(Búp măng trên đá dài một trượng,
Cây chổi lông rùa nặng ba cân)

Minh Hoằng Tử Dung:

Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã.”

(Chèo thuyền trên núi cao,
Phi ngựa dưới đáy bể)

Rồi hỏi: Là sao?”

Thiệt Diệu Liễu Quán:

“Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn.”

(Trâu đất gãy sừng rống suốt đêm.
Đàn tranh đứt dây gẩy trọn ngày)

Trích dẫn từ: http://vi.wikipedia.org

 

 

HOẰNG HÓA

Kế thừa tổ ấn trao truyền
Y Tam Thừa giáo, chèo thuyền độ tha
Đằng Trong nước Việt bao la
Chánh hưng Phật giáo sáng ra năm nào.

Thiền Tôn khai trụ nương vào (Nhâm Dần)
Quí sửu (1733), Giáp Dần (1734), Ất Mão
(1735) thiện duyên
Bốn Đại Giới Đàn dự truyền
Tiếp tăng độ chúng hưng thiền Phật Tông.

Ngồi tòa Bát Nhã Tánh Không
Canh Thân (1740) Đại Giới Long Hoa,
Ngài truyền.
Chánh pháp tỏa khắp mọi miền
Võ Vương – Chúa Nguyễn (1738 – 1756) nghe tiếng ban truyền .

 

Chúa sai quan đến thỉnh liền
Mời Ngài vào phủ, dịp chiêm bái Ngài.
Nhưng vì thích cảnh liên đài (lâm tuyền)
Ngài xin ở lại thiên nhai Viên Thông.

Dưới chân núi Ngự thong dong
Nhiều lúc Chúa ngự vào trong vấn Thiền.
Mùa thu lá rụng trước hiên
Báo tin nhập diệt mặc nhiên trở về.

Viên Thông chốn tịnh thanh khê
Ngài phó chúc kệ mọi bề bảo ban
Ngài dạy đồ chúng nên làm
Y theo giới luật tu hành tinh chuyên.

 

Chúng tăng vâng lời Ngài truyền.
Kế thừa chánh pháp, lan truyền thịnh hưng
Năm Nhâm Tuất (22/11/1742) hiệu Cảnh Hưng
Sau thời cúng ngọ bổng dưng Ngài truyền.

 

Giờ Mùi đồ chúng kính tuyên
Ngài ngồi kiết tọa an nhiên Niết bàn
Đồ chúng tiếp độ muôn ngàn
Bốn chín đệ tử nối truyền pháp Tông.

 

Hay tin chúa Nguyễn ban phong
Hiệu là:  Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng
Quý hợi (19/2/1743) nhập tháp một phương
Thiên Thai Thiền Tôn giới hương ngất trời.

THƠ KỆ PHÚ CHÚC NIẾT BÀN
 Kệ phó chúc: Tổ Sư Liễu Quán

 

Hán Việt:

Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc duyệt dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn tổ tông.

 

Việt Dịch:         

Hơn bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay mãn nguyện về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông

Trích nguồn: Web Tosuthien.net

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Tháp Tổ Liễu Quán tại núi
         Thiên Thai Thiền Tôn (Huế)

DÒNG KỆ TRUYỀN THỪA
THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN
Sáng kệ: Lâm Tế đời 35 Tổ sư Liễu Quán

 

Hán Việt:

Thật Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận
Đức Bổn Từ Phong.

Giới Định Phước Huệ
Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả
Mật Khế Thành Công.

 

Truyền Trì Diệu Lý
Diễn Xướng Chánh Tông
Hạnh Giải Tương Ưng
Đạt Ngộ Chân Không.

 

Việt dịch:

Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng.

Giới định phước tuệ
Thể dụng viên thông
Quả trí siêu việt
Hiểu thấu nên công.

 

Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chánh tông
Hành giải song song
Đạt ngộ chân không.

Thiền sư Nhất Hạnh dịch)

 

DÒNG THÁNH KỆ TỔ SƯ LIỄU QUÁN
Dòng kệ: Tổ sư Liễu Quán
Thơ hóa: Thích Liễu Nguyên

 

Thật: Chơn Không – Bát Nhã hằng nương
Tế: Từ Bi cứu độ muôn phương nương nhờ
Đại: Hoa Nghiêm cùng khắp vô bờ
Đạo: Sanh Phương Tiện giải, tu thời thoát ly.

 

Tánh: Phật tánh chiếu khắp mọi khi
Hải: Bao la biển Tuệ đến đi không còn
Thanh: Thanh tịnh ba nghiệp vuông tròn
Trừng: Rỏ Tâm thấy pháp, chẳng còn tâm si

 

Tâm: Dụng Tâm hợp pháp mọi khi.
Nguyên: Bản lai vạn pháp không hai khắp cùng
Quảng: Bao la phổ độ muôn trùng
Nhuận: Thấm nhuần pháp Phật trùng trùng hóa sanh.

 

Đức: Từ Bi tánh đức Phật ân
Bổn: Góc Tâm có Phật diệu chân rạng ngời
Từ: Từ BiTrí Tuệ muôn đời
Phong: Trụ nhân cốt cách thảnh thơi tu trì.

 

Giới: Chiếc áo lành mặc mọi khi
Định: Luôn theo chánh pháp tu trì bình an.
Phước: Quả thiện hưởng phước lạc bang
Huệ: Sáng soi thường chiếu xóa tan mê mờ.

 

Thể: Nơi chổ hoạt dụng nương nhờ
Dụng: Hợp cùng Thể Tướng sờ sờ khắp nơi
Viên: Cả ba hợp nhất muôn đời
Thông: Chẳng ai cản được Pháp thời
duyên sanh.

 

Vĩnh: Từ vô thỉ, pháp vô sanh
Siêu: Vượt lên Tam giới thấy chân nẻo về
Trí: Thấu rõ vạn pháp mọi bề
Quả: Sanh từ Phước Trí đề huề lạc bang.

 

Mật: Trong pháp mật hiện muôn vàn
Khế: Tam thời khế hợp vượt ngoài thời gian
Thành: Quả thiện nay đã viên mãn
Công: Làm nhiều công quả thiện an sau này.

 

Truyền: Thừa truyền chánh pháp lý đầy
Trì: Tu trì pháp Phật, truyền đầy thế nhân.
Diệu: Đầy đủ lý của pháp chân

Lý: Khế hợp Diệu ấy thiện nhân tu hành.

 

Diễn: Xiển bày chánh pháp rành rành
Xướng: Ngợi ca pháp Phật thực hành đồng tu
Chánh: Nẻo đúng hướng dẫn kẻ ngu
Tông: Chính là Tông Phật vân du truyền thừa.

 

Hạnh: Thực hành hạnh nguyện Tam thừa.
Giải: Liễu tri vạn pháp Ba Thừa  đồng quy
Tương: Tâm hợp chánh pháp mọi khi
Ứng: Ứng theo phương tiện tức thì ngộ ra.

 

Đạt: Đạt đến chổ vốn Vô Ngã
Ngộ: Thấy rỏ Ngũ Uẩn thoát ra luân hồi
Chơn: Có ngay trong pháp luân hồi
Không: Thiệt, không, thường, có ba thời chẳng sai.

 

KHỞI NGUỒN LIỄU QUÁN THẬT TÔNG
Thơ: Liễu Nguyên

 

Một chữ nối Pháp một đời
Pháp Phật truyền thừa bao thời Tổ trao
Bốn Mươi Tám chữ 82 đời
Xuất gia, Phật tử rạng ngời chánh Tông.

 

Thiệt Diệu Liễu Quán thật Tông
Đời sau Không kệ, cùng Tông Niết bàn
Trùng trùng đắc pháp muôn ngàn
Thân y giới luật, lạc bang hướng về.

 

Pháp Phật là cánh đồng quê
Bao la pháp lạc bốn bề đồng tu
Lục độ, Bồ Tát vân du
Rộng truyền Phật pháp nẻo cùng chốn mê.

 

Nhớ núi Linh Thứu Thánh quê
Phật trao Ca Diếp khởi bề ấn tông
Chánh pháp Phật tổ dung thông
Đến nay nhân loại rõ Không  bao thời.

 

Muôn đời chánh pháp rạng ngời
Phật Phật hạo hạo, vạn đời truyền trao
Pháp luân thường chuyển đẹp sao
Đương lai Di Lặc tiếp trao Pháp thiền.

Nam mô Tà Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca
Mâu Ni Phật chứng minh.

 

Mam mô Tây Thiên Đông Độ, Việt Nam
Du Hóa, Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát chứng minh.

 

Nam mô Lâm Tế Chánh Tông, Tam Thập Ngũ
Thế Viên ThôngThiên Thai Thiền Tôn Tự
Thiệt Diệu Liễu Quán Tổ Sư chứng minh.

 

Ghi chú: Ý nghĩa câu thơ "Bốn Mươi Tám chữ 82 đời" nhân vì Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán là đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế. Ngài tiếp nối dòng
thiền Lâm Tế và phú kệ 48 chử cho đời sau nối tiếp. Trong đó Ngài dùng chữ Thiệt (Thiệt
Diệu)  đầu tiên trong bài kệ 48 chử được Ngài
truyền. Như vậy: 82 = 35 + 48 - 1. Hiện tại
(2014) dòng thiền Lâm Tế đã phát triển,  lan
truyền khắp nước Việt Nam và ra tận hải ngoại và khắp năm châu, đã truyền đến chử Đức là
đời thứ 47 dòng thiền Lâm Tế, theo thiền sư
Nhất Hạnh thì từ đời Tổ Sư Liễu Quán dòng
Lâm Tế đã mang đậm nét Thiền đặc trưng của
người Việt Nam và tỏa sáng đến tận mai hậu…

 

NHỚ ÂN TỔ SƯ LIỄU QUÁN

Bao năm thiền tọa núi cao
Ăn rong nước suối trăng sao bạn hiền
Đến khi đắc pháp lạc nhiên
Móng tay dài đến như Tiên phương nào.

Núi cao không  hết công lao
Ân sư biển rộng tổ trao pháp mầu
Ngài là Bát Nhã bắc cầu
Nối dòng  Phật Thánh người sau nương về.

Thiền Tôn chốn tịnh thanh khê
Thiệt Diệu hưng pháp bốn bề lạc nhiên
Khắp cùng thôn giả mọi miền
Đến cả chúa Nguyễn cũng truyền ban phong.

Quan dân khắp chốn đằng trong
Theo ngài học đạo sắc không pháp thiền
Xuất gia đắc pháp rất nhiều
Tại gia không kém cũng điều rõ không.

Ngài truyền pháp Phật chánh Tông
Giới hương tỏa khắp hư không bốn biển
Nhập diệt tự tại mặc nhiên
Hương thiền tiếp chảy lan truyền hậu nhân.

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN 2

THƠ HỎI ĐẠO THIỀN

Thơ: Liễu Nguyên – Đầu Xuân 2014
Nhân dịp thơ hóa  thi kệ tổ sư Liễu Quán.

 

THƠ HỎI ĐẠO THIỀN

 

Phật tử cầu Sư, hỏi đạo Thiền
Sư ngồi tịnh tọa cười an nhiên
Chưa hiểu Phật tử liền gặng hỏi
đứng dậy đi với ý Thiền.

 

Ngày sau gặp lại Phật tử hỏi
Sư cũng ung dung miệng mĩm cười
Phật tử chấp tay xin đảnh lễ
Tâm Tâm dung hội Sư gật đầu.

 

Từ bi không chỉ nói qua  miệng
Hỷ xã Tâm kia chính là Thiền
Chỉ vật truyền Tâm ai có biết
Không vào Hỷ xã hỏi chi Thiền.

 

Từ đây đối cảnh sống với Thiền
Mây trôi nước chảy Tâm an nhiên
Lá thu chuyển mùa Tâm rỏ biết
Từ bi muôn kiếp  sống với Thiền.

 

CHÍN NĂM DIỆN TƯỜNG

Chín năm nói pháp không lời
Như pháp vẫn chảy khắp trời mười phương
Giới hương vốn sẵn miên trường
Bổn lai vô tướng không lường diệu tâm.

 

Thơ: Liễu Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả
Tranh: của Sesshu Tôyô (1420 – 1506)

 

Tổ sư Đạt Ma (vị tổ 28 của Tây Thiên Đông
Độ) khi qua truyền giáo ở Trung Hoa, vua
Lương Võ Đế và thần dân chưa đủ căn cơ để
lãnh thọ Giáo pháp của Như Lai bằng lời nói
(ngôn ngữ) nên Ngài đã ngồi Thiền bất động
xoay mặt vào tường đến chín năm (Cửu Niên
Diện Bích nghĩa Chín Năm Diện Tường).

 

Người ta cứ tưởng Ngài ngồi vô nghĩa không
thuyết giáo, mà ngỡ đâu pháp Phật vẫn chảy
khắp trời mười phương cho đến tận hôm nay và mai sau. Đó là ý nghĩa thân giáo và ý giáo của
chư Phật và chư Bồ Tát hay:


“giáo ngoại biệt truyền,
trực chỉ chân tâm kiến tánh thành Phật”

 

Mà Ngài từng dạy đến hôm nay con mới hiểu:

 

Chín năm nói pháp không lời
Như pháp vẫn chảy khắp trời mười phương
Giới hương vốn sẵn miên trường
Bổn lai vô tướng không lường diệu tâm.

(Chín Năm Diện Tường, Liễu Nguyên)

 

 

 

 

NGÀY MAI…

 

Tối qua ngủ ngon
Sáng nay thức dậy
Mặt trời sáng tròn
Chim hót líu lo.

Mọi người vui vẽ
Ai theo việc ấy
Theo thiện pháp làm
Mặt trời xuống rồi.

Đêm nay ngủ ngon
Ngày mai cũng vậy…

 

XUÂN XƯA NAY ĐÃ TRỞ VỀ

 

Xuân nầy hoa nở khắp nơi
Chấp tay niệm Phật muôn đời không tan
Xuân sang Hạ đến hoa tàn
Trên tay vẫn nắm hạt tràng niệm Tâm.

 

Hạ về chuông vãng Tùng Lâm
Câu kinh tiếng mõ vang rầm đó đây
Hạ sang Thu đến trong mây
Ta – bà hiện cảnh Phương Tây sáng ngần.

 

Thu phong rọi nguyệt trong ngần
Trăng theo thuyền khách cùng lần hạt châu
Thu qua đông đến bấy lâu
Mãi mê niệm Phật mấy câu không màng.

 

Đông sang gió lạnh mây ngàn
Miệng luôn niệm Phật thân choàng áo thêm
Đông tàn hoa nở rạng đêm
Gọi người tĩnh giấc cùng xem Xuân về.

 

Xuân xưa nay đã trở về
Hỏi người năm ấy bây giờ ở đâu?
Niệm Phật vào định thâm sâu
Biết hoa xuân nở, bấy lâu mĩm cười!

 

TÂM VẬT

 

Lấy Tâm ứng cảnh
Tâm không cảnh
Không Tâm không cảnh
Có Tâm có cảnh.

Vật vật Tâm Tâm
Ngày xưa sẵn vậy
Ngày nay khác gì
Tâm tịnh biết ngay.

 

NHƯ CHIM CÁNH NHẠN
Ngộ từ bài Nhạn Quá Trường Không
của Tổ sư Hương Hải.

 

Vào đây chỉ một tấm thân
Ra đi tứ đại kiếp trần ngày xưa
Kiếp người tợ thoáng hương đưa
Như chim cánh nhạn chẳng ưa lưu hình.

 

 

BIỂN KHƠI PHÁP MẦU

 

Ta từng sáu nẻo chơi vơi
Kiếp này tắm giữa biển khơi pháp mầu.

 

 

TÂM NGƯỜI Ở ĐÂU?
Ngộ từ một câu chuyện Thiền
của Lục tổ  Huệ Năng.

 

Pháp vốn hữu duyên
Pháp vốn không duyên
Không ai cản được
Như nước tuôn chảy
Như mây thường trôi
Như gió nhẹ thổi
Ngu gì cản nó?
Gió vốn không động
Mây cũng chẳng động
Tâm ngươi ở đâu?

 

TỰ TẠI

 

Nghiệp đến thì gánh
Nghiệp hết không vui
Ngày tháng tự tại
Không hỏi tương lai.

                          

HỎI TÂM

 

Hỏi trăng, trăng sáng trên trời
Hỏi mây, mây cũng không lời bay đi
Hỏi người, người lại hỏi chi?
Hỏi Tâm rỏ biết, Tâm mình ở đây.

 

BỤI TRẦN

 

Bụi trần lấp lấm bụi trần
Mây mờ che phủ muôn lần gió sương
Trần gian bao kiếp đoạn trường
Bụi trần thủa trước vấn vương ích gì?

 

 

 

GIỌT SƯƠNG LONG LANH

 

Giọt sương long lanh đọng trên cành
Nắng mai rọi chiếu sáng long lanh
Hửng hờ một lúc tan trong gió
Kiếp người mấy giọt sương mong manh…?

 

Ô HAY NIẾT BÀN

 

Thuyết pháp  chỉ biết làm thơ
Bởi vì pháp ấy như thơ khác nào
Cũng như trăng sáng trên cao
Cũng như dòng suối tuôn trào ngàn sau.

 

Pháp Hỷ Xã đẹp xiết bao
Đẹp hơn tất cả vì sao trên trời
Từ Bi Trí Tuệ sáng ngời
Nghe lời kinh Phật tu thời thảnh thơi.

 

Cuộc đời hay cuộc rong chơi
Sống theo pháp Phật suốt đời bình an
Biết rỏ nghiệp quả muôn vàn
Chẳng sanh ham muốn chổ an đây rồi.

 

Sân si gốc rể tỏ rồi
Mỗi khi duyên pháp, chẳng trồi mê Tâm
Niết bàn rõ hết chẳng lầm
Vô minh vốn giả, si Tâm mất rồi.

 

Vạn pháp rõ biết tuyệt vời
Vô tâm ứng cảnh ô hay! Niết bàn.

 

TRONG HƠI THỞ

 

Hiện tại chứa trọn tương lai
Ngàn mây ngàn nước chẳng sai thân này
Trong hơi thở sẵn có đầy
Lúc không hơi thở gió mây cũng đồng.

 

ÁNH TRĂNG

Trăng treo lơ lững trên cành
Gió mang mây đến ở quanh trăng tròn
Phút giây gió thoảng không còn
Một mình trăng sáng vẽ hòn nguyệt nga.

 

Ánh trăng sáng ngợp bao la
Biển mơ màng với sóng qua rì rào
Đêm về ngọn gió lao xao
Bao làn sương nhẹ trên cao tỏa ngàn.

 

Đêm khuya mây phủ muôn ngàn
Trăng như muốn ngủ sau làn mây bay

Người người trong cơn ngủ say
Dế kêu đâu đó, gà gáy canh gì?

 

Gió lạnh từng đợt mỗi khi
Trăng theo mây ngủ đôi khi mờ dần
Một mình lạnh lạnh trước sân
Vào phòng đánh giấc ngoài sân, sáng rồi!

 

 

SUỐI THƠ

 

Xuất khẩu, suối chảy thành thơ
Suối thì trong mát thơ thời buồn thiu
Suối gặp thác đổ khúc khĩu
Thơ cũng nương đó điu hiu nặng tình.

Mơ mơ sương thấm giật mình
Tinh anh nắng ấm gọi mình làm thơ
Cuộc đời lúc tĩnh lúc mơ
Lúc mơ không tĩnh là thơ nỗi gì?

Suối xưa vẫn chảy rầm rì
Làm người tĩnh giấc tức thì thơ tuôn
Tuôn theo dòng suối trên nguồn
Tuôn ra biển cả, chảy cùng bốn phương.

Thơ cũng nương gió trào luôn
Cùng dòng suối ấy đại dương bạt ngàn
Là thơ là suối muôn vàn

Chảy vào pháp giới ngập tràn Hoa Nghiêm.

 

TẮM TRONG PHÁP MẦU

Tắm trong biển tuệ pháp mầu
Thơ ca chỉ để cắt sầu thoát lên!
Nắng mai rọi thấu từ muôn kiếp
Cuộc sống trải dài trong tình thương.

 

ĐỒNG ĐĂNG

Dưới chân sen nở hoa vàng
Trên đầu Trí tuệ hào quang sáng ngời
Trong tim (Tâm) tràn ngập mây trời
Tình thương nhân loại ước gì đồng đăng.

 

 

 

 

TÁCH TRÀ BỐN MÙA

Uống tách trà mùa Xuân
Ngắm vạn hoa hé nở
Từng đàn chim én bay
Ôi! giọt nắng mùa Xuân.

Uống tách trà mùa Hạ
Trời xanh ngắt một màu

Ao sen hương thơm ngát
Chiều xuống biển rực hồng.

Uống tách trà mùa Thu
Ánh trăng trong mặt hồ
Đêm thu gió nhẹ thổi
Lá vàng khẻ rơi rơi.

Uống tách trà mùa Đông
Bên bếp cháy lửa hồng
Ấm lòng cơn gió lạnh
Ngoài kia hạt mưa rơi.

 

 

VÃNG SANH TỊNH ĐỘ ĐÃ LÂU

Thuận nước đẩy thuyền càng thêm mạnh
Hành Giả rõ duyên dễ tu hành
Lục Độ xưa nay không trái nghịch
Bát nhã rọi duyên trăng sáng ngần.

Tịnh độ chổ an người dừng chân
Từ nay kiếp sống luôn tinh cần
Bồ Tát vây quanh tình pháp lữ
Di Đà Phật hiện trao pháp chân.

Cõi nầy bình đẳng sống tu hành
Vắng bóng Tam Đồ nhiều Thánh nhân
Trời người hỷ lạc chung một cõi
Đất vàng hồ báu khỏi tìm cầu.

Ta bà muốn được nhớ một câu
A Di Đà Phật niệm bao lâu
Chỉ cần một niệm cùng Phật niệm
Tịnh độ hiện ngay khỏi tìm cầu.

Ngộ rồi Bồ Tát chẳng ở đâu
Tấm thân ngũ uẩn phát dụng mầu
Y theo Lục Độ hành Lục Độ
Vãng sanh Tịnh Độ đã từ lâu.

 

THƠ GỞI NGUYỄN DU
Thơ: Nguyễn Du

 

Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm chỉ động chữ Tình mà thôi.

 

Liễu Nguyên kính tiếp đôi lời:

Trăm năm trước ta từng đã có
Trăm năm sau có cũng là không
Đời đời sắc sắc không không
Hôm nay còn động tấm lòng kiếp xưa.

 

Kính! Nguyễn Du ơi! Tố Như hởi!
Trăm năm trước, bây giờ là đây
Trăm năm sau, hiện chổ này
Trước sau chỉ hiện Tâm Phật nơi đây

 

Đôi dòng cảm niệm cùng cố Phật Tử Thi Hào Nguyễn Du (1766 – 1820)

Kính cảm niệm Người với bao ân đức vô vàn.
Người không chỉ là một Đại Thi Hào của dân
tộc Việt Nam mà là ngôi sao sáng lớn trên diễn đàn thơ văn thế giới.

 

Không chỉ Liễu Nguyên hay người Việt Nam, mà cả nhân loại biết Người qua kiệt tác thi
phẩm: Truyện Kiều… Riêng đối với Liễu
Nguyên thì còn cảm nhận nhiều hơn qua: “Văn
Tế Thập Loại Cô Hồn
” của Người và những thi

phẩm mang đậm tính Thiền sắc sắc, không
không trong tư tưởng Bát Nhã của đạo Phật.
Cũng nhờ đó, và nương vào Từ Bi Trí Tuệ của
thập phương chư Phật mà Liễu Nguyên đã thấy được bao cảnh khổ trầm luân của địa ngục, ngạ quỷ, cô hồn… từ đó, không ít lần đã dùng đến
 “Văn Tế Thập Loại Cô Hồn” của Người để
mời thỉnh họ về nghe kinh Phật và thọ hưởng
cam lồ pháp vị trong các đại trai đàn chẩn tế.
Nhờ vậy mà không biết bao nhiêu sinh linh nhỏ bé đã được thác sanh về miền Tịnh cảnh.

 

Thật ra, đó là công đức trời biển, mà không thế viết nên lời. Ôi! thật đúng như Người từng nói: “Trăm năm chỉ động chử Tình mà thôi”
Liễu Nguyên thì nghĩ: “Hôm nay còn động Tấm Lòng kiếp xưa.”

 


THƠ TẬP 7

 

PHÁP NGỮ  THI TẬP
THƠ: LIỄU NGUYÊN

 

THƠ PHẬT PHÁP

Tứ đế hành thâm đắc tứ quả
Lục độ viên dung quả Phật thành!

NHẤT TÂM

Nhất Tâm niệm Phật Di Đà
Thắng duyên ba cõi sanh nhà Tây phương.

 

 NGŨ THỜI BÁT GIÁO         

Ngũ thời, Bát giáo liễu tri
Rọi đường sáu nẻo liên trì hóa sanh!

 

 

 

TAM QUY

Tam quy ngũ giới vững tu
Là nhân lành đến mai sau quả tròn.

 

THẬP THIỆN

Thập thiện hành thâm tam đồ thoát
Tiên cảnh hiện tiền tại nhân thân.

 

BÁT QUAN TRAI GIỚI

Bát quan trai giới tu hành
Di Đà lục tự niệm thành đài sen.

 

TỊNH ĐỘ PHÁP MÔN

Tịnh Độ pháp môn hành quả mãn
Di Đà thọ ký liên hoa sanh
Cửu phẩm liên đài hành Lục Độ
Chúng sanh tam giới biết nẻo về.


 

NIỆM PHẬT A DI ĐÀ

Niệm Phật Di Đà bao lâu?
Vãng sanh tịnh cảnh lúc nào không hay
Tĩnh giấc trong thiền định say
Thấy mình niệm Phật trên tay hạt tràng.

 

TÍN HẠNH NGUYỆN

Tín, Nguyện, Hạnh  kim vàng y
Làm thuyền Bát Nhã thoát ly luân hồi
Liên đài hoa đã nở rồi
Di Đà Phật cảnh  hiện đời vô sanh.

 

TÂY PHƯƠNG

Tây Phương có Phật Di Đà
Tà Bà có Phật Thích Ca hiện thời
Tam quy ngũ giới ba đời
Tấn tu tịnh giới sáu thời an vui.

Pháp môn tịnh độ không lui.
Di Đà niệm mãi tối mai chẳng màng
Gặp lúc sen nở hoa vàng
Là duyên cửu phẩm từ quang hóa thành.

 

NĂM HẠ PHẦN

Năm Hạ Phần Kết đoạn xong
Tam quả đắc sanh dòng thánh nhân
Một mai đoạn hết thượng phần
Đắc La Hán quả vô sanh nẻo về.

RÕ BỐN PHÁP          

“Đây là chổ sở ngộ của bậc Thanh Văn cũng là bốn pháp căn bản nhất cho những hành giả học và tu Phật, ngộ rõ bốn pháp nầy là đặt chân vàở đất Phật, khoác chiếc áo: Không, Vô Tướng, Vô Tác của bậc Thanh Văn.”

Vô Thường: vạn hữu đổi thay
Khổ: vì nhân thế chấp say vô thường
Không: chổ vạn pháp hằng nương
Ngã Không, Thường Có: thoát đường khổ đau.


 

SỐNG CHẾT

Sống, chết, vô thường định
Niệm Phật hạnh nguyện theo
Vô thường muôn đời kiếp
Thành Phật hết nghiệp qua.

THEO GÓT  VỀ

Quán sắc liền thấy không
Quán không liền thấy sắc
Cả hai chổ không nương
Tuệ chiếu Trung Đạo nghĩa
Bồ Tát hành Lục Độ
Chúng sanh theo gót về.

TRONG HƠI THỞ

Hiện tại chứa trọn tương lai
Ngàn mây ngàn nước chẳng sai thân này
Trong hơi thở sẵn có đầy
Lúc không hơi thở gió mây cũng đồng.

 

 

 


 

BIẾT NGHIỆP

Biết nghiệp ác chưa sanh
Hãy đừng làm cho sanh
Biết nghiệp ác đã sanh
Hãy mau mau đoạn tận.

Biết nghiệp thiện chưa sanh
Hãy mau làm cho sanh
Biết nghiệp thiện đã sanh
Mau mau làm  phát triển.

Chư Phật thường dạy thế
Bậc Thánh thường làm thế
Ai theo gióng Phật sanh
Hãy thường làm như Thế.

KIẾP NÀY

Ta từng sáu nẻo chơi vơi
Kiếp này tắm giữa biển khơi Niết bàn.

 

 

 

TĨNH THỨC HIỆN TẠI

Không hỏi người từ đâu
Hỏi ta đến làm gì?
Nếu đến trong tình thương
Ta đến từ tình thương
Tương lai gặp tình thương.
Nếu đến từ thù hận
Hiện tại trong thù hận
Tương lai quả thù hận
Hãy tĩnh thức hiện tại
Để mãi mãi bình an.

 

 


BÁT NHÃ TÂM KINH

Kinh văn viết chữ vô tâm
Lời kinh không tiếng từ tâm hiện đầy
Trí tuệ chiếu khắp đó đây
Không ta cùng khắp vầng mây sáng ngần.

 

 

 

 

 

THAM LAM

Tham lam muốn diệt tham lam
Vốn người keo kiệt cũng phàm như nhau.

VÔ THAM

Vô tham vắng bóng tham lam
Xã tâm rộng khắp liễu phàm chứng tri.

Người tham lam nhiều thì nên quán các pháp là vô thường, duyên sanh vô ngã, dần dần tham lam, ích kỷ… sẽ rơi rụng và thay vào đó là tâm hỷ xã, rộng lượng sanh khởi….và được tâm an lạc giải thoát.

 

SÂN SI

Sân si giận đốt sân si
Như dầu thêm lửa mỗi khi cháy bùng.

VÔ SÂN

Vô sân hỷ lạc dâng trào
Tâm sân nay đã thay vào từ bi.

 

Người sân si nhiều thì nên quán pháp Từ bi: Hết thảy chúng sanh vốn dĩ là Cha Mẹ Anh Em…nhưng do nghiệp cảm nên mới luân hồi cách biệt…ai cũng có gia đình cha mẹ an em, ham sống sợ chết, sao nở hại người hại vật…Nhờ phép quán Từ bi nầy mọi người sẽ dần dần hiểu thương nhau hơn. Có lại được tình thương thì  Tâm sân si sẽ tự nhiên rơi rụng thay vào đó là tình thươngtâm Từ bi của Bồ Tát  là được tâm an lạc giải thoát.

 

SI MÊ (VÔ MINH)

Vô minh quyết đoạn vô minh
Khác nào mù điếc một mình trong đêm.

MINH (TRÍ TUỆ)

Không có cái hết vô minh
Bổn lai Phật tánh tâm mình tuệ soi.

Người còn bị nhiều si mê thì thường xuyên quán vạn pháp đều do trùng trùng duyên khởi: cái nầy sanh thì cái kia sanh, cái nầy diệt thì cái kia diệt, hoặc cái nầy diệt thì cái kia sanh….hoặc quán ngũ uẩn giai không, vạn pháp vô ngã tướng…thường quán như vậy thì Phật tánh vốn có trong Tâm sẽ hiện lộ và Vô minh sẽ tự biến mất. Ví như trong phòng tối thắp lên một ngọn đèn sáng thì bóng tối liền biến mất, trả lại căn phòng sáng ngời.


NĂM THÁNG PHÙ SINH

Năm tháng phù sinh dệt kiếp người
Cuộc đời như thể áng mây trôi
Trăm năm một thoáng về theo Phật
Chân tâm duyên thiện nở sen vàng.

 

 

BIỂN KHƠI HOA NGHIÊM

           Thích Liễu Nguyên

Tôi yêu biển khơi Hoa Nghiêm, là biển khơi chân lý giải thoát. Biển khởi ấy  bát ngát bao la như biển rộng manh mông, nơi trùng trùng duyên khởi, muôn vạn pháp đang sinh diệt.

Nơi biển khơi Hoa Nghiêm ấy, nghe sống vỗ dạt dào hằng đêm, ngày ngày khi gió về, tung cách buồm xa khơi, để hằng sa Bồ Tát chèo thuyền Lục Độ Ba La Mật dưới ánh trăng Trí Tuệ Bát Nhã, chỉ lối bao thuyền ai đang vượt muôn gặm trùng khơi, đến được bến bờ an vui.

Nơi biển khơi Hoa Nghiêm ấy, thấy ánh trăng rằm sáng vằng vặc giữa biển khơi Hoa Nghiêm manh mong, là  chư Phật đang tùy duyên, dùng thuyền Phương tiện, chỉ đường Thập Thiện Nghiệp cho bao chúng sanh lạc lối, quy hướng Nhơn Thiên, rồi từ bến bờ Nhân Thiên, Ngài lại tiếp tục chỉ lối chúng sanh chèo  lên bến Tam Thừa an vui. Từ đó, thong dong thả thuyền theo làn gió mát Lục Độ Ba La Mật, dưới ánh trăng sáng Bát Nhã, trong đêm khuya thanh vắng, để thuyền xuôi về bến giác Nhất Thừa chính là Phật Thừa hay Đại Thừa Bồ Tát.

Nơi biển khơi Hoa Nghiêm ấy, khi ánh tà Dương buông xuống, thấy muôn ngàn vì sao lấp lánh như hàng hà sa  Bồ Tát đang chèo Thuyền Lục Độ Ba La Mật. Ôi! đẹp làm sao trong cảnh hằng hà sa vị Bồ Tát như:  “Tùng Địa Dõng Xuất”.

Nơi biển khơi Hoa Nghiêm ấy, ngắm  ánh Bình Minh ửng hồng vào những sáng mai thức dậy, giữa gió lộng manh mang, thổi buồm ai xa xa về miền anh vui giải thoát.

Đẹp và thơ mộng quá! Tôi yêu biển khơi Hoa
Nghiêm ấy, ngày ngày khi ánh bình minh lên,
trong xa xa  thấp thoáng có chiếc thuyền ai đang thuận gió Lục Độ Ba La Mật ra khơi, để xuôi 
thuyền ra tận bến bờ Hoa Nghiêm giải thoát.

 

CA TỤNG TAM QUY NGŨ GIỚI

Tam quy ngũ giới tuyệt vời
Ai mà quy hướng sáng ngời từ đây
Hiện tại nhân tốt vững xây
Tương lai an ổn tràn đầy bình yên.

Phật luôn dạy đạo từ bi
Pháp là phương tiện giới ghi rõ ràng
Tăng y giới pháp Phật ban
Làm nơi nương tựa pháp tràn bốn phương.

Ngũ giới tu trì ngát hương
Sát sanh từ bỏ, tâm thương mọi loài
Trộm cắp thói xấu bỏ rồi
Từ nay bố thí mọi nơi khi cần.

Tà dâm dứt đoạn ái ân
Vợ chồng chung thủy lành nhân kiếp người
Vọng ngữ gốc khổ rõ rồi
Từ đây chân thật nói lời hỷ hoan.

Rượu chè tâm trí bất an
Hôm nay quyết đoạn bình an trở về
Ta bà nay chốn thanh quê
Hóa thành con Phật sau về Tây phương.



Thầy Liễu Nguyên, NS. Chơn Đạo, Quý Sư Cô cùng Đạo Tràng Phật Tử chùa Thiền Quang, Midway City, California, USA trong đàn tràng Địa Tạng mùa Vu Lan PL: 2558 – DL 2014.

 

Như những đứa trẻ thơ rất cần bàn tay che chở, bao bọc của người Mẹ. Cũng vậy, Tam Quy ngũ giới là chổ về nương tựa an ổn nhất cho hết thảy chúng sanh mà hơn ai hết đó là loài người chúng ta. Trong kinh A Di Đà chư Phật mười phương ca ngợi tán thán công hạnh lớn lao của Đức Phật Thích Ca. Ngài vì thương chúng sanhcõi Ta Bà sống quá khổ đau trong cuộc đời đầy năm trược (kiếp trược, kiến trược, phiền nảo trược, chúng sanh trược, mạng trược) nên Ngài đã thị hiện vào đời để cứu lấy chúng sanh ra khỏi nhà lửa của 3 cõi (Dục giới, sắc giớivô sắc giới) Vậy mà Đức Thích Ca đã chứng được ngôi Bất Thối Chuyểnhóa độ vô lượng chúng sanh chứng Thanh Văn, Duyên giácBồ Tát, vô lượng chúng sanh vào được chánh đạo bằng thực hành Tam QuyNgũ Giới.

Sau khi chứng đạo Bồ Đề, vì thấy giáo Pháp quá cao siêu nên đức Phật đã phương tiện Phật thừa thành ba thừa: Thanh Văn Thừa, Duyên Giác ThừaBồ Tát Thừa. Lần đầu tiên thuyết pháp Tứ Đế cho 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển thì Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng được hình thành. Từ ba Thừa này Đức Phật còn phương tiện thêm hai thừa nữa là Thiên ThừaNhân Thừa. Thiên Thừa là những người phát tâm quy y Phật, Pháp và Tăng, luôn làm 10 điều thiện thì hiện tại tuy là thân người nhưng tâm và việc làm là của Tiên Nhân nên Liễu Nguyên mới có câu thơ:

 

HÀNH THẬP THIỆN

Thập thiện hành thâm tam đồ thoát
Tiên cảnh hiện tiền tại nhân thân.

Người hành thập thiện sẽ không bị đọa vào ba đường ác: địa ngục ngã quỷsúc sanh. Hiện tại tuy là thân người nhưng Tâm ý và việc làm của họ là Tiên Nhơn. Tương lai họ sẽ thác sanh về những tiên cảnh an lành. Đối với những người hành Thập Thiện nếu tin vào cõi Tây Phương Tịnh Độ có Phật A Di Đà mà phát lên Tín, Hạnh, Nguyện và luôn trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật để cầu vãng sanh thì họ cũng được vãng sanh làm Tiên ở cõi Tịnh Độ.

Đối với Nhân Thừa là nền tảng của việc tu tập. Đức Phật vốn là thân người như chúng ta mà nay đã vào ngôi Phật quả. Trong kinh Dược Sư đức Phật từng dạy làm được thân người rất khó, gặp chánh pháp lại khó hơn. Đức Phật còn dạy rằng, trong vô lượng cõi thì con người là dễ tu tập nhất, vì không quá khổ đau như cõi địa ngục và cũng vì không quá vui sướng như cõi trời đều rất khó tu để thành chánh quả. Trải qua gần 26 thế kỷ, từ Nhân ThừaTam Quy Ngũ Giới mà không biết bao nhiều người, vô số Phật Tử đã từ đây mà vào các quả vị Thanh Văn, Bồ Tát…Đây là nền tảng của chánh đạo mà từ thủa ban đầu lúc đức Phật còn tại thế đã thiết lập và ngày cuối cùng tại vườn Ta La dưới hai cây Song Thọ trước lúc vào Niết Bàn đức Phật cũng đã di giáo lần cuối: Sau khi Như Lai vào Niết Bàn, những ai chưa chứng Thánh quả thì hãy lấy giới luật làm thầy. Hãy luôn luôn tin tấn y vào chánh phápgiới luật tin tấn hành trì thì sẽ thoát khỏi khổ đau như  chư Phật. Giới Luậtthọ mạng của Phật Pháp. Một ngày còn có người biết giữ Tam Quy Ngũ Giới thì ngày đó chánh pháp vẫn còn trong nhân thế.

TAM QUY NGŨ GIỚI

Tam quy ngũ giới vững tu
Là nhân lành đến mai sau quả tròn.

Tam Quy ngũ giới luôn hợp với mọi hoàn cảnh ở mọi quốc gia, mọi xã hội. Người hành trì Tam Quy Ngũ Giới là người mẫu mục giữa xã hội ở bất kỳ quốc gia nào. Hiện tại là người mẫu mực, được người người tôn kính, gia đình hạnh phúc, tương lai không bị đọa vào ba đường khổ mà sẽ sanh làm người ở những cảnh giới an vui. Nếu Phật tử thọ trì Tam Quy Ngũ Giới phát nguyện sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ của Phật A Di Đà thì phát lên Tín, Hạnh, Nguyện và luôn trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật để cầu vãng sanh. Sau khi thọ mạng hết, Phật tử đó sẽ được vãng sanh làm người ở cõi Tịnh Độ. (theo kinh A Di Đà) Hoặc muốn phát nguyện sanh về cõi Đông Phương Tịnh Độ của đức Phật Dược Sư thì cũng mãn nguyện (theo kinh Dược Sư)

Quy Tam Bảo: Phát nguyện quay về nương tựa ba ngôi tôn quý: Phật, Pháp và Tăng.

Phật: là người đã giác ngộ về sự khổ đau của con ngườichúng sanh. Trong đó căn bản có 8 sự khổ: 1. Sanh là khổ, 2. Lão là khổ, 3. Bệnh là Khổ, 4. Chết là khổ, 5. Cầu không được là khổ, 6. Oán thù gặp nhau là khổ, 7. Thương nhau xa cách là khổ, 8. Tóm lại có thân ngũ uẩn này là khổ.

Phật là Người giác ngộ nguồn gốc của khổ đau (Tập Đế) do tham, sân, si…mà tham áiđứng đầu.

Phật là Người giác ngộ phương pháp đoạn trừ khổ đau cho bản thânchúng sanh bằng thực hành (Đạo đế: 37 Phẩm Trợ ĐạoLục Độ Ba La Mật)

Phật là Người đã thực hành viên mãn Đạo Đế và những ai cần độ thì Ngài đã hóa độ, những ai chưa có duyên với Phật pháp thì Ngài đã hóa duyên nên Ngài đã viên mãn đạo quả gọi là Diệt Đế hay Niết Bàn của chư Phật.

Pháp: Là tất cả những giáo pháp giúp chúng sanh thoát ra khỏi luân hồi lục đạo bằng nhiều phương tiện (Tam thừa: Phật vì chúng sanh muốn cầu quả Bồ Tát mà nói rõ Lục Độ Ba La Mật. Phật vì chúng sanh cầu quả Duyên Giác mà nói rỏ 12 Nhân Duyên. Phật vì chúng sanh cầu quả Thanh Văn mà nói rõ Tứ Diệu Đế hoặc ngũ thừa là thêm Thiên ThừaNhân Thừa: Trong đó Phật vì chúng sanh cầu làm Tiên nên nói rỏ Thập Thiện Giới, Phật vì chúng sanh cầu sanh làm người nên thuyết rõ về Tam Quy Ngũ Giới) trong đó giới luậtphương tiện căn bản nhất.

Tăng: Là những người thực hành tất cả những giáo Pháp của chư Phật và hướng dẫn cho mọi người  và hết thảy chúng sanh cùng thực hành theo giới pháp ấy.

Ngũ Giới: 5 Giới cấm của người Phật Tử tại gia

  1. Không sát sanh mà luôn có tình thương với muôn loài chúng sanh, phát tâm cứu giúp chúng sanh (phóng sanh) khi chúng sanh bị bức bách trước cái chết.
  2. Không trộm cắpphát tâm cúng dường, bố thí cho muôn loài, những người khó khăn (bằng pháp thí, nội tài thí, ngoại tài thí…)
  3. Không tà dâm đó là không làm chuyện dâm với người không phải vợ hoặc chồng của mình, phải luôn thương yêu chung thủy với vợ chồng của mình.
  4. Không nói dối, không nói thô ác, không nói thêm bớt mà nên nói đúng sự thật và nói lời hay ý đẹp đem lại sự an hòa cho mọi người.
  5. Không uống rượu và không dùng những thứ làm tâm trí bất an, điên loạn, không tĩnh táo. Giữ cho tâm luôn trong sáng, thanh tịnh.

Người Phật tử thọ trì Tam Quy Ngũ Giới thì hiện tại sống an vui, gia đình hạnh phúc, được người người kính trọng. Tương lai không đọa ba đường giữ mà sẽ sanh vào những cảnh giới an lành.

 

 

THƠ TẬP 8

 

KHÉP LẠI TRANG THƠ

Khép lại trang thơ mà bao ân tình vẫn còn đó… Ân đức vô biên của chư Phật vì thương chúng
sanh mà thị hiệncõi Ta bà để hóa độ. Ân Cha nghĩa Mẹ trao cho tâm thân này. Ân
Thầy Tổ Từ Bi dạy đạo giải thoát chỉ đường
hóa sanh…Ân Thầy dạy chữ vở lòng…Ân trời, ân biển, bao ân tình nước non…

 

 

LÁ THƯ TRI ÂN

Con xin cúi lạy Mẹ Hiền Quán Thế Âm Bồ Tát,
Ngài đã nhiều lần cứu sống  con, cho con lại
tấm thân này để học Phật và tu đạo…con xin
nguyện noi theo hạnh nguyện của Ngài…

Nhất tâm đảnh lễ Giác Linh Tôn Sư: HT. Thích Chánh Trực, Ngài đã phú pháp cho con xuất gia học đạo tại chùa Phật Học Quảng Trị và giáo
dưỡng con trong nhiều năm.

Nhất tâm đảnh lễ Giác Linh Trưởng Lão:
HT. Thích Thiện Siêu, Ngài là Hòa Thượng
Đàn Đầu đã trao truyền Tỷ KheoBồ Tát giới cho con trong Đại giới đàn Tịnh Khiết ở tổ đình
Tường Vân – Huế.

Con thành kính đảnh lễ Hòa Thượng Bổn Sư:
Thích Giác Quả, trú trì chùa Hồng Đức - Huế
Thầy đã nhiều năm giáo dưỡng và dạy
Tam Tạng kinh điển Đại Thừa cho con.

Con kính đảnh lễ tri ân HT. Thích Như Minh,
trú trì: Chùa Việt Nam Los Angeles Thầy đã
giúp con viết Lời Giới Thiệu cho tập thơ  Gió Mây Hóa Kiếp nầy, và đã tạo thiện duyên cho
con tu học tại nơi đây để sớm hoàn thành tập
thơ nầy.

Thành kính tri ân NS. Thích Nữ Chơn Đạo, trú
trì chùa Thiền Quang, Tp Midway đã tạo duyên
lành để Liễu Nguyên nhiều năm qua giảng giải Phật pháp, tổ chức các khóa tu cho quý Phật tử
nơi đây hàng tháng tu tập, cũng là duyên lành
để Liễu Nguyên cảm tác nên những vần thơ nầy

Thành kính tri ân PT. Diệp Hoàng Nga đã phát
tâm ấn hành 1.000 cuốn tập thơ nầy tại Hoa Kỳ.

Liễu Nguyên cũng xin tri ân tất cả tác giả của
một số hình ảnh và thơ văn… được trích dẫn
trong tập thơ nầy. Liễu Nguyên xin tri ân hết
thảy những thiện duyên để hoàn thành tập thơ
Gió Mây Hóa Kiếp.

Cuối cùng và trên hết con cúi lạy chơn linh Ba ở cõi Phật và Mẹ hiền ở phương trời xa đã cho
con tấm thân quý báu nầy để học Phật và tu đạo, có bao nhiêu phước đức con làm được, con xin hồi hướng nguyện cầu Tam Bảo tiếp dẫn chơn
linh Ba con vãng sanh về cõi Phậthồi hướng cho Mẹ con nhiều sức khỏe và ngày càng tin
sâu vào Phật pháp….và xin

Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tửchúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 24504)
Có lần tôi đi ngang Qua vỉa hè Ðồng Khởi Một bà ôm chiếc gối Ðứng hát như người say
(Xem: 25240)
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng Mười năm dài mộ mẹ chẳng ai trông Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng Đất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ
(Xem: 21217)
Chị ơi nếu chị đã yêu Ðã từng lỡ hái ít nhiều đau thương Ðã xa hẳn quãng đời hương Ðã đem lòng gởi gió sương mịt mù
(Xem: 34786)
Thế gian bể khổ trầm luân, Ðạo thuyền sẵn đón Thiện nhân hữu phần, Ðưa qua bến giác ngộ chân, Tây phương cực lạc, Ðắc thân Bồ Ðề
(Xem: 13742)
Nhìn ra trăng nước vơi đầy, Nhìn đời một giấc mộng dài ngắn thôi! Đáy lòng vằng vặc gương soi, Thăng hoa nhân quả đón người thăng hoa!
(Xem: 16475)
Trời vẫn xanh, mây vẫn trôi, Chờn vờn hoa nắng lượn ven đồi. Rung rinh cánh gió ru hồn nhạc, Róc rách nguồn khe nước chảy xuôi.
(Xem: 26554)
Người hạnh phúc và người đau khổ Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may
(Xem: 16140)
Mười con nhạn trắng về tha Như Lai thường trụ trên tà áo xuân Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm
(Xem: 20710)
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant