Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử

19 Tháng Ba 201100:00(Xem: 13175)
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử

 

blank

 

MỘT ĐÊM SIÊU HÌNH VỚI HÀN MẶC TỬ

 

Tất cả những gì người ta viết và nói về Hàn Mặc Tử trong vòng sáu chục năm nay đều sai lầm hoàn toàn. Vì sao? Người ta viết và nói đến cái mà Hàn Mặc Tử đã vượt qua trọn vẹn trong mỗi lời và trong mỗi chữ mà Hàn Mặc Tử đã bỏ lại dấu vết trên mặt đất.

Chỉ xin nói lên mười điều chính yếu sau đây về Hàn Mặc Tử, nói mười và thực ra là một và ngay cái một này chỉ là giả danh, vì cái một này vừa hiện ra thì biến mất liền lập tức; cái một này từ có đến không và từ không đến có; không có cái một nào giống y cái một nào, không có cái có nào giống hệt cái có nào, và cũng không có cái không nào giống hẳn cái không nào.

Hàn Mặc Tử đã viết hai câu bí mật đơn giản:

 Con sông này đã đi qua.
 Suốt đời ta thề không trở lại.

Hiểu được hai câu trên của Hàn Mặc Tử thì không còn muốn hiểu nữa, vì tất cả những gì chúng ta hiểu được thì đã đi qua rồi, cái hiểu của quá khứ không thể là cái hiểu của hiện tại và cái hiểu của tương lai không thể hiểu, như vậy cái hiểu của hiện tại không thể nào có được.

Muốn hiểu và muốn được hiểu là hai trở ngại lớn nhất, ngăn chận lại không cho mình nhảy xuống sông để bơi lội như con rồng con, như Long Nữ tám tuổi, như con rắn nước của linh thoại. Tất cả những gì mà người ta khoái trí và khoái chí gọi là hermeneutics, hermeneutic và hermeneutical của giới phê bình gia văn nghệ hiện thời và hậu hiện thời đều sụp đổ ở nơi đây.

Vì sao, và tại sao thế? Vì cái chữ “vì”, vì “vì sao” và vì “ tại sao“. Cái gọi là ”principe de raison suffisante”, La Tinh gọi là “principium reddendoe rationis”, Anh Mỹ gọi là “principle of sufficient reason”, Đức gọi là “Grundsatz vom Grund”, là cái nguyên lý tối thượngtối hậu điều động thống trị toàn thể văn hoá và văn minh Tây phương, thống ngự tất cả triết học, thần học và khoa học, và nhất là thống trị tất cả khuynh hướng phê bình văn nghệ hiện thời và hậu hiện thời (post-modernism).

Chính nguyên lý của lý trí tự túc này đã quay lưng lại với Hố Thẳm (Ab Grund) và đưa đẩy con người lọt vào tất cả những dạng thái khác nhau của chủ nghĩa hư vô (Nihilism, Nihilisme, Nihilismus).

Tất cả chủ nghĩa hư vô là “hý luận” với cái sống và cái chết; tất cả triết học, thần học, khoa học và toán học, tất cả văn hoá và văn minh Tây phương, tất cả phê bình văn học nghệ thuật của Tây phương đều là những trò Hý luận với “hiện tượng” và “bản thể”, “chân lý” và “phi chân lý”, “vật thể”, “hữu thể” và “vô thể”, “tại thế thể” và “siêu việt thể”, “ở trên trời” và “ở dưới đất”, “lý trí” và “phi lý trí”, “nghệ thuật” và “phi nghệ thuật.” Tất cả đều kẹt dính vào nhị biên, nhị tướng, nhị lực, nhị tác, nhị dụng, nhị thể, nhị tánh, nhị nhân, nhị duyên, nhị quả, nhị báo, nhị nguyên, nhị nhị. Dẫu đã tách rời nhị tướng đi nữa để đến Bất Nhị đi nữa thì “để đến” cái Bất Nhị này cũng trở thành hình thể vi tế của cái Nhị bất trị và vô phương giải toả.

Sự điên loạn thần trí và tất cả ma quỉ yêu tinh đều là hậu quả tất nhiên của sự trói buộc vào cái hai cực đoan, hai tướng trạng, hai biên giới, hai chiều hướng đối nghịch, hai nguồn nghịch lưu. Chỉ có sự điên loạn toàn diện mới “chuyển y” được tâm thức bình thường, mới thay đổi trọn vẹn nền tảng cơ sở tầm thường của ý thức phân biệt khả dĩ đưa con người đến sự giải thoát tâm linh hoặc xô con người nhảy xuống hố thẳm của Im Lặng để được giải cứu một cách khác trong cõi Trung Hữu Ấm (Bardo).

Chỉ có Thơ mới là khoa trị liệu thần kinh hữu hiệu nhất để giải cứu nhân loại khỏi điên. Mâu thuẫn thơ mộng nhất là tất cả những nhà thơ thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại đều là những người điên thực sự vĩ đại đúng nghĩa. Những bác sĩ, tất cả những bác sĩ chuyên trị bệnh điên đều là những người điên bình thường, nếu không muốn nói là điên tầm thường, cả Laing và Cooper cũng đều điên bình thường; điên một cách tục tĩu nhất là những bác sĩ phân tâm học, bác sĩ thần kinh trị liệu, bác sĩ thần kinh bệnh học, bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa thần kinh não bộ, bác sĩ giải phẫu não bộ, vân vân. Họ được quyền điên một cách khoa học. Tất cả thế giới và tất cả nhân loại hiện nay đang điên. Chỉ có những người điên thực sự hơn cả những người điên tầm thường hơn cả những người điên bình thường và hơn cả những người điên tục tĩu: đó là những thi sĩ thực sự đúng nghĩa, những nhà thơ trong sạch, những thi nhân thuần tuý.

Hàn Mặc Tử đã nói một câu mà sáu chục năm nay không có ai biết lắng nghe một cách đàng hoàng cho đến độ phải quăng ném tất cả thi ca Việt Nam hiện đại và hiện kim vào cầu tiêu công cộng:

 Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo

Tại sao là khách lạ? Tại sao đi giữa?

Tại sao “nguồn trong trẻo”?

Có cần đọc Trakl và Hölderlin mới hiểu thế nào là “khách lạ”? Đó là chưa nói đến Camus hay chưa nói đến Sophocles? Có cần đọc Kant mới hiểu thế nào là “đi giữa”, đó là chưa nói đến Hegel và Schelling? Có cần đọc Hölderlin và những gì Heidegger viết về những con sông Đức trong thơ của Hölderlin mới biết được thế nào là “nguồn” và thế nào là “trong trẻo”? Tại sao phải đọc?

Đọc Thơ cũng giống như đọc kinh. Phải thọ, trì, đọc, tụng.

Đọc không phải để hiểu mà để biết.

Biết cái thâm mật của một giây phút thoáng qua nhanh chóng hơn ánh sáng và biết cái thâm mật của tam thiên đại thiên thế giới, của vô số hằng hà tỉ tỉ thiên hà trong lòng ta và ngoài kia không gian phiêu dật. Mà lòng ta là tất cả không gian phiêu dật.

Tại sao Nguyễn Du thường sử dụng chữ biết trong Thơ và ít khi dùng chữ hiểu? Đây là một sự việc quảng mật cần nên biết trong tương lai của văn hoá Việt Nam.

Thơ là cái gì mà chỉ nên biết, chứ không thể hiểu.

May ra thì chúng ta có thể biết được cái thâm mật, cái quảng mật và cái thâm quảng mật, có thể biết được sơ sơ qua loa, chứ không thể nào hiểu được. Đó là diệu nghĩa vô lượng của tam mật tam muội trong Thơ Văn của những thiên tài vĩ đại ở thế giới.

Mười điều chính yếu sau đây về Hàn Mặc Tử được thoát ra từ giữa nguồn trong trẻo của tam mật tam muội (quảng mật, thâm mật, thâm quảng mật); mười điều sau đây có thể được coi như là một thứ “Giải Thâm Mật” của cái gọi là Thi Văn Nhân Loại, và nhất là của cái gọi là “sự nghiệp thi văn” của thiên tài Hàn Mặc Tử.

 

I. Điều thứ nhất:

Tất cả lịch sử văn học và tất cả phê bình văn nghệ đều chuyên trang điểm cho cái không bao giờ cần được hay bị trang điểm; đứng sau nguồn hay đứng bên bờ nguồn bên đây hay bờ nguồn bên kia để ba hoa lải nhải một cách buồn cười, thảm hại cho chính bản thân sử gia và cho bản thân của phê bình gia; không có sử gia văn học và không có phê bình gia văn học ở khắp thế giới từ cổ đến kim biết được tư tưởngtơ tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) và sử linh tư tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) là cái gì.

Tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởng, đối với sử gia và phê bình gia, chỉ là tiền tượng, hiện tưởng, tiền hiện tưởng, tiền tượng tưởng (Anh Mỹ gọi là Representation, Tây Pháp gọi là Représentation, Đức gọi là Vorstellung hay Vor-stellung), chính tất cả thể điệu tiền tượng, nhãn tiền tượng, đối diện tượng, hiện tưởng, hiện tượng, tiền hiện tượng, tiền hình tượng, hiện diện tưởng, đối diện tưởng, tưởng tượng, hiện tưởng tượng, nhãn tiền tưởng, đối diện tưởng, vân vân (tóm lại trong một chữ Đức: Vorstellung) đã đưa loài người đảo lộn đầu nguồn với cuối nguồn; đảo ngược tất cả mọi giá trị, đảo lộn trí tưởng tượng sáng tạo thành ra một hệ thống lý luận chặt chẽ; đảo ngược tư tưởngđảo ngược sử linh tư tưởng thành ra khoa học lịch sử, khoa học tôn giáo, khoa học về lịch sử văn học, khoa học về phê bình văn nghệ, vân vân.

Chỉ có tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởngxuất phát từ Hố Thẳm (Tây gọi là Abîme, Tàu gọi là Thâm Uyên, Anh Mỹ gọi là Abyss, Đức gọi là Abgrund; anh bạn ngày xưaViệt Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã cho rằng tôi lấy chữ Hố Thẳm từ Nietzsche, điều này đúng, nhưng chưa đúng đắn hẳn, chính Eckhart, Kant, Hegel, Schelling, Hölderlin và Jacob Boehme mới là những người đầu tiên đã tặng cho tôi hai chữ Abgrund và Ungrund mà tôi đã nhắc trong quyển Im Lặng Hố Thẳm).

Tư tưởng, Tơ tưởng và Sử linh Tư tưởng trú ngụ nơi Hố Thẳm Không Đáy mới mở ra tất cả chân trời cho Triết Học, Khoa Học, Toán Học và Tôn Giáo.

Tất cả nền tảng đều sụp đổ, ngay đến Hố Thẳm Không Đáy cũng sụp đổ, và cả đến Hố Thẳm của Hố Thẳm cũng phải sụp đổ, tất cả mọi sự sụp đổ đều phải sụp đổ ngay lập tức, còn nói chi nữa đến những cái gọi là những kiến trúc ý niệm, những xây dựng lý tưởng, những hệ thống ý thức và những tập đại thành của ý tưởng, tất cả những thứ này chỉ là những trò hý luận của những tên hề tài tử, những tên hề tập sự không còn có khả năng để làm cho nhân loại cười to tiếng hay cười nhỏ tiếng.

Một người hề duy nhất thơ mộng làm cho mình mỉm cười sầu mộng mênh mông siêu việt, một người hề đùa giỡn với Hố Thẳm, nhập một với Hố Thẳm, đó là người hề của truyện Smile at the Foot of the Ladder của Henry Miller, nhưng đây là chuyện khác.

 

II. Điều thứ hai:

Chỉ là lặp lại điều thứ nhất trên một bình diện bất ngờ khác.

Phải viết lại toàn thể lịch sử văn học thế giớitoàn thể văn học thế giớitoàn thể văn học Việt Nam từ khởi thuỷ cho đến hiện nay và cho cả tương lai.

Viết như thế nào? Viết về cái không thể viết được, nói về cái không thể nói được, tư tưởngtơ tưởng về cái gọi tạm là “Bất Khả Tư Nghị.”

Từ cái “bất khả tư nghị” của Hố Thẳm mới xuất hiện ra những hợp thể phức tạp được gọi tên là “thiên tài”, “văn hào”, “thi hào”, và tất cả những gì gọi “tác phẩm”, “nghệ thuật”, “kỹ thuật” là sự “thành tựu”, “hoàn thành”, “toàn thiện”, “toàn chân”, “toàn mỹ”, “nhất thiết chân pháp”, “nhất thiết thiện pháp”, “nhất thiết mỹ pháp”.

Sự im lặng rùng rợn của Thi CaVăn Chương là cái “bất khả tư nghị” của tất cả những đỉnh cao nhất của Thi CaVăn Nghệ Nhân Loại.

Im Lặng là gì? Là sự Lặng Im của tất cả câu hỏi, của tất cả nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, của tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp, của tất cả nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thứcý thức. Đó là sự Lặng Im tinh mật của tất cả hình sắc, tất cả hình tượng, của tất cả màu sắc, của tất cả tình cảm, của tất cả cảm giác, của tất cả xúc động, của tất cả ba động giác quan, của tất cả ba động cực vi tế của một ý tưởng, của bất cứ một sự phân biệt nào đó, của tất cả mọi sự tri nhận và trực nhận; sự Lặng Im của tất cả ý muốný chí, sự im lặng của tất cả ý thức, linh thức, thần thứcvô thức.

Còn lại cái gì?

Hölderlin, một nhà thơ đã điên trong ba bốn chục năm còn lại của đời mình, đã tuyên bố lặng lẽ cho toàn thể loài người rằng:

 Nhà thơ phôi dựng những gì còn lại...

Hölderlin là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Đức và toàn thể lịch sử văn học Tây phương, cũng như Nguyễn Du và Hàn Mặc Tửtiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Việt Namtoàn thể lịch sử văn học Á Đông.

 

III. Điều thứ ba:

Tất cả triết học và thẩm mỹ học Tây phương từ Plato cho đến Hegel đều trở thành sai lầm, nếu mình sống được trên nền tảng không nền tảng của Hố Thẳm Không Đáy mà không rơi lọt vào chủ nghĩa hư vô vũ trụ. Tôi nói gì? Muốn nói một cái gì thì đã kẹt vào những “phạm trù” của logos. Như thế nào? Như vầy: không có một triết gia, một tư tưởng gia, một lý thuyết gia, một con người hành động tích cực hay một phê bình gia vĩ đại nào mà không dính kẹt vào những cái này.

a/ Nói hay viết, viết để nói hay nói để viết để nói hay viết về một cái gì đó; (nói theo điệu Triết Học Hy Lạp là: logos như là logos tinos)

b/ Chính cái được nói hay được viết, chính câu nói hay câu viết lại chính là một cái gì đó;(nói theo điệu Triết Học Hy Lạp là: cái legomenon là một cái ti, tức là một cái hiện thể, cái chữ Triết Hy Lạp: on);

c/ Người nói hay người viết là một cái gì đó.

Con người là một cái gì đó, lời nói hay câu viết là một cái gì đó, cái được viết hay được nói là một cái gì đó: như thế, chúng ta có ba cái.

Thơ có nghĩa là phá vỡ ba cái trên; Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả; Thơ chỉ là Thơ và Thơ tự nói về Thơ từ trong Thơ đến trong Thơ: cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là Thơ.

Thơ là Nguồn Trong Trẻo nuôi dưỡng tất cả “thượng thanh khí” của tất cả mọi sự và của cả Hư vô, vì Hư vô không phải chỉ có nghĩa rằng chẳng có g ì hết.

Nếu quan niệm Thơ là một cái gì đó, nhà thơ (thi sĩ) là một cái gì đó, bài thơ là một cái gì đó, tác phẩm thi ca là một cái gì đó, người thưởng ngoạn thi ca là một cái gì đó, người làm nghề phê bình văn học là một cái gì đó, ngôn ngữ là một cái gì đó, âm nhạc là một cái gì đó, màu sắc là một cái gì đó, sự im lặng là một cái gì đó. Nếu quan niệm như thế, thế thì quan niệm cái gì?

Vậy cái gì đó là cái gì?

Một hữu thể? Một vật thể? Một sự thể? Một hiện thể? Một tánh thể? Hay vô thể? Hay “cái không có gì cả” cũng là một cái gì?

Còn cái gì của cái gì ấy là cái gì?

Phải chăng đây chỉ là những câu hỏi trừu tượng?

Hàn Mặc Tử đã từng nói:

 Triết Lý và Văn Thơ là những danh từ
 chết.

Những chữ đáng lưu ý ở trên là ”những danh từ” và những danh từ, tất cả những danh từ đều đã chết, đang chết và sẽ chết.

Tất cả những trận chiến tranh tàn khốc của nhân loại đã bùng nổ vì những danh từ. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã chết vì “những danh từ đã chết.”

 Triết Lý và Văn Thơ là những danh từ
 chết.

Khi Hàn Mặc Tử nói như trên thì chỉ có nghĩa là Triết Lý và Văn Thơ không phải chỉ là “những danh từ”. Triết Lý và Văn Thơ thì khác hẳn, một cái gì không hẳn là một cái gì, cái gì khác hẳn hoàn toàn tất cả mọi sự vật, mọi sự việc, mọi hữu thểmọi vật thể.

Hàn Mặc Tử: “Tôi không cần ai giảng triết lý.”

Giảng Triết Lý là trói buộc Triết Lý vào những danh từ đã chết.

Hàn Mặc Tử: “Triết Lý là vun trồng, nuôi nấng thi văn, mà Thi Văn là để cắt nghĩa ra Triết Lý.”

Hố Thẳm vun trồng và nuôi nấng thi văn. Phải chăng cái (nghĩa xưa của chữ Mẹ, Má) đã từng “vun trồng nuôi nấng” tất cả thi văn Việt Nam? Không phải Triết Lý cắt nghĩa ra thi văn, như tất cả những lý thuyết gia phê bình văn nghệ lầm tưởng (tất cả lý thuyết gia phê bình văn nghệ đều là những kẻ tập tành hành nghề suy tư qua những ý niệm triết học chưa học hành được đàng hoàng). Hàn Mặc Tử xác nhận rõ ràng: “thi văn là để cắt nghĩa ra triết lý.” Như thế chỉ có nghĩa rằng Thi Văn cắt nghĩa ra tất cả mọi sự việc, vì Triết Lý chính là: Một là Tất cả, và Tất cả là Một (từ Heraclitus đến Kant, Hegel, Nietzsche và tất cả Triết Học Tây Phương chỉ là thế, nếu không muốn nói đến cái gì khác mà cái gì khác cũng vẫn là một cái gì trong nghĩa Triết Học Hy Lạp to on của ta onta).

Văn chỉ là văn vì có Mẹ là Thi.

Chính Thi Ca xây dựng tất cả linh thoại, thần thoại, sử thoại của toàn thể nhân loại. Không có Thi Ca thì chẳng có Lịch Sử; không có THƠ thì loài người đã bị tiêu diệt từ lâu. Thi Ca phôi dựng tất cả Sử Linh Tư Tưởng.

 

IV. Điều thứ tư:

Thơ là cái gì?

Tất cả sự nghiệp thi văn của Hàn Mặc Tử là đã sống trọn vẹn với câu hỏi trên. Cả một cuộc đời hai mươi tám năm của Hàn Mặc Tử là sống hoàn toàn hết mình, xoáy tròn vào cơn bão tố rùng rợn của Thơ và chỉ nhìn thấy Thơ trên trời, Thơ ở dưới đất, Thơ trong tim, Thơ trong óc não, Thơ trong mạch máu, Thơ trong hơi thở, Thơ trong đời sống, Thơ trong cái chết, Thơ trong hiện thể, Thơ trong vô thể, Thơ trong Hư Vô.

Hàn Mặc Tử: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.”

Chúng ta phải nhập tâm, phải để năm tiếng của Hàn Mặc Tử in dấu sâu thẳm vào tận lòng mình:

 “Đến Gần Đứt Sự Sống”

Khi nào “đến gần đứt sự sống” rồi mới biết Thơ là cái gì, mới biết làm thơ, mới biết đọc thơ. Khi mình chưa “đến gần đứt sự sống” rồi thì không được quyền nói bất cứ điều gì về Thơ, về Thi Ca, về Thi Nhân, về Điên Loạn, về Tình Yêu, về Hồn, về Nguyễn Du, về Hàn Mặc Tử hay về bất cứ “một con sông này đã đi qua” trong đời mình.

Hàn Mặc Tử đã sử dụng mấy chữ “cụ tượng” và “trừu tượng” và nhất là câu tuyệt vời: “Cái Thơ Trên Cái Thơ Khác Nữa”.

Thế nào là cụ thể? Hai chữ “cụ tượng” của Hàn Mặc Tử thực là tinh mật, hai chữ “cụ tượng” nói lên tinh tuý rực ngời của tất cả những gì chúng ta vẫn gọi là “cụ thể.” Ở đây, chính Thi Văn đã cắt nghĩa ra Triết Lý; Hàn Mặc Tử chỉ là một nhà thơ mà còn triết lý hơn tất cả các triết gia nhà trường và các triết gia nhà nghề. Không có gì thực sự là “cụ thể” mà chỉ có “cụ tượng”. Dẫu không đọc Kant, nhưng Hàn Mặc Tử đã nhảy vào trung tâm điểm của Triết Học Kant ở đây. (Trước khi chết Hàn Mặc tử thường đọc đi đọc lại Rousseau, một người đã từng ảnh hưởng mãnh liệt đến Kant).

Hàn Mặc Tử đã cho dân tộc Việt Nam một “định nghĩa” phi thường nhất và tuyệt vời nhất về Thể Tính của Thơ: “Màu sắc cụ tượng rất dễ tìm, dễ kiếm, trái lại màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo, vì đây là cái đẹp của thơ, và phải có con mắt của thi nhân, của một kẻ siêu phàm thoát tục mới nhận thấy cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy, và mới thấu triệt hết tinh hoa của nó.”

Và sau đây là định nghĩa về Thiên Tài của Thiên Tài Hàn Mặc Tử: “Bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn là câm nữa. Đấy là tất cả nghệ thuật và trí tưởng tượng phi thường của thi nhân, nếu thi nhân là một thiên tài!”

Cái cụ tượng của Thi Ca, ai cũng hiểu, nhưng cái Trừu Tượng của Thơ thì chỉ có Thiên Tài mới biết được Thiên Tài.

Cái Trừu Tượng ở đây “vượt khỏi ra ngoài hư linh” (Hàn Mặc Tử). Tính Thể và Thể Tính của Trừu Tượng Tính là gì?

Chính là cái gì mình gọi là “cụ thể”, “cụ tượng” lại là “trừu tượng” nhất và cái gì mình gọi là “trừu tượng” lại là “cụ thể”, “cụ tượng” nhất. Nhà thơ, nói một cách khác, là con người thực tế nhất; và tất cả con người khác, những kẻ gọi là thành công nhất trong xã hội, đều là những loài súc sinh biết nói mà không hề biết thế nào là “cụ thể”, thế nào là “cụ tượng”, huống chi đề cập đến bất cứ điều gì liên hệ đến “trừu tượng” .

Thơ là trừu tượng trong cụ tượng, và cụ tượng trong trừu tượng; Thơ vừa cụ vừa trừu để rồi chỉ còn tượng. Sau cùng, tinh tuý của Thơ là chuyển hoá tất cả tượng thành ra vô tượng: chính vô tượng mới đánh thức dậy Vô Tướng của tất cả hình tượng màu sắc. Đây là Vô Tướng của Thực Tướng Thơ Mộng trong tất cả sự “rung rinh một làn ánh sáng” (Hàn Mặc Tử).

Có biết được như trên, chúng ta mới biết được tại sao một người công giáo thuần thành ngoan đạo như Hàn Mặc Tử mà vẫn tư tưởngtơ tưởng được sử linh tư tưởng như câu nói sau đây của Hàn Mặc Tử:

“Và tôi sẽ ký thuyết minh một cách rất nhà Phật là sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực... Những điều phản trái ấy dầu thế nào, cũng có liên lạc mật thiếtthông cảm với nhau.”

Loài người, hạng người phàm phu tục tử, thường bị trói buộc vào cái có và cái không suốt một đời này và vô số kiếp sau nữa; họ điên mà không biết rằng mình điên. Chỉ có thi nhân là tự biết rằng mình điên và được điên thực sự, vì nhà thơ đã trừu tượng hoá tất cả mọi sự: “Tôi vừa thoát ly ra khỏi cực lạc giới, toàn thân tôi rung động như một sợi đường tơ” (Hàn Mặc Tử). Đó cũng là lý do cắt nghĩa tại sao “Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình” (Hàn Mặc Tử)

Vì không có lấy một người hiểu mình, cho nên thi sĩ mới còn được là thi sĩ.

 

V. Điều thứ năm:

Hàn Mặc Tử đã sử dụng ít nhất hai lần trong toàn thể thi văn của mình: “một đêm siêu hình” (Chơi giữa mùa trăng: Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một nguồn khoái lạc chê chán...)

Cái đêm siêu hình ở đây không có dính líu gì với Siêu Hình Học cả mà lại có nghĩa ngược lại tất cả Siêu Hình Học và Siêu Thể Học Tây Phương, vì Siêu Hình Học Tây Phương vẫn chỉ đặt nền tảng trong một căn bản tối thượngtối hậu: Hiện Thể (hay hiện hữu) có tính cách hiện thể nhất, Hiện Thể trong Toàn Thể, Hiện Thể như là Hiện Thể, Hiện Thể như là Hiện Thể cao nhất, hiện thể đầu tiên, hoặc Siêu Việt Thể.

“Bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, đây là ý nghĩa cụ tượng hoá trừu tượng của Hàn Mặc Tử trong mấy chữ “một đêm...” (nếu nhấn mạnh vào mấy chữ “hữu hình” trong câu “bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, hoặc nhấn mạnh mấy chữ “một đêm” trong

“một đêm siêu hình”), ngược lại “Bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, đây là ý nghĩa trừu tượng hoá cụ tượng của Hàn Mặc Tử trong mấy chữ “siêu hình” (nếu nhấn mạnh vào mấy chữ “vô hình” trong câu “bắt cái vô hình trở nên hữu hình” hoặc nhấn mạnh mấy chữ “siêu hình” trong “một đêm siêu hình”).

Thực ra, tất cả đêm tối đều là siêu hình, và tất cả ngày đều hữu hình mà vô hình hoặc đều vô hình mà hữu hình. Nói một cách triết lý thơ mộng như triết gia Đức Kant thì “Đêm tối thì cao siêu, ban ngày thì tuyệt đẹp” (Die Nacht ist erhaben, der Tag is schoen). Đây là câu nói tuyệt đẹp nhất và cao siêu nhất được thốt ra từ miệng của một triết gia đúng nghĩa. Chỉ có một người suốt đời sống thường trực bên bờ Hố Thẳm, bên cạnh cơn điên loạn lúc nào cũng rình rập bùng vỡ trong ý thức, chỉ có một người như thế, như Kant và ngay chính cả Hegel, mới hiểu thế nào là sức mạnh hữu hình của “nguyên lý về lý do tự tại, nguyên lý về lý trí tự túc”, mới hiểu thế nào:

 Đêm cao siêu
 Và Ngày tuyệt sắc.
 (Kant)

Hay dí dỏm hơn như Hegel:

 Ban đêm thì tất cả bò nghé đều đen thui.

Tuy nhiên, có một màu đen khác mà Hegel chưa biết tới hay không chịu biết đến, đó là màu đen sáng ngời lóng lánh của Hölderlin, người bạn thân nhất “tự mùa đầu tiên” của Hegel. Hölderlin đã viết sầu mộng như sau trong cơn loạn: “Phải giải quyết tất cả những mâu thuẫn, những lạc điệu, những lệch lạc, những bất hoà bằng cách khác”. Không thể giải quyết những vấn đề bằng trật tự phân hai hoặc phân ba (bằng Tri Thức Tuyệt Đối, hoặc bằng Kỹ Thuật Cơ Khí Vạn Năng). Nói một cách khác, một cách mơ mộng như Hölderlin:

 Những ai hãy đưa cho tôi
 Tràn trề ánh sáng đen tối,
 Chén rượu thơm ngát.

Cái ánh sáng đầy đen tối, cái hào quang tối tăm ấy, chính là cái “đêm siêu hình” của Hàn Mặc Tử. Cái tối là cái thâm mật của cái sáng, cái tối “vun trồng nuôi duỡng” cái sáng, và cái sáng “cắt nghĩa ra” cái tối. “Đó là lý do tại sao cái tối có được cái sáng chính

yếu của chính nó” (Heidegger, “Những Nguyên Lý của Tư Tưởng” đăng trong Jahrbuch für Psychologie und Psychotherapie, tập 1/3, năm 1958, Verlag Karl Alber, Freiburg và Munich).

“Một đêm siêu hình” của Hàn Mặc Tử chính là một đêm “tràn trề ánh sáng đen tối” của Hölderlin.

Có một thứ ánh sáng rực chiếu một cách tối tăm, cũng như có một đêm tối lóng lánh ánh sáng rực ngời, có một màu đen óng lên ánh sáng lộng lẫy, cũng như có một thứ ánh sáng tràn trề đen tối thâm mật.

 

VI. Điều thứ sáu:

Tất cả ý nghĩa cụ tượng mà trừu tượng, hữu hình mà vô hình, thơ mộng mà triết lý, của tất cả thi nghiệp, tất cả sự nghiệp văn thơ của Hàn Mặc Tử được thu gọn lại trong bốn chữ:

 một đêm siêu hình

Phải nhìn hai chữ siêu hình này trong một chớp mắt thu gọn lại thiên thu vĩnh c ưửu, thu tóm lại tam thiên đại thiên thế giới, phải nhìn hai chữ siêu hình này ngoài tất cả siêu hình học, ngoài tất cả thần học và ngoài tất cả hữu tượng và vô tượng.

 

VII. Điều thứ bảy:

đi vào một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử thì mới biết rằng những bài thơ tình yêu và những bài thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử không phải chỉ là những bài thơ lãng mạn về tình yêu và những bài thơ xuất thần về tôn giáo, vì ở đây những bài thơ chỉ là Thơ, có nghĩa là thơ Thuần Tuý mà Thơ vốn là Nguồn Trong Trẻo cho Tình Yêu và cho Tôn Giáo. Vì Thơ là Nguồn Trong Trẻo cho tất cả, cho nên Hàn Mặc Tử mới có thể nói:

 Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất

 

VIII. Điều thứ tám:

Nếu nói Hàn Mặc Tử là nhà thơ của Lãng Mạn, của Tình Yêu, của Sầu Mộng, của Điên Loạn, của Huyền Bí, của Tôn Giáo, của Triết Học, vân vân, thì chúng ta vẫn có thể ung dung nói và viết một cách tầm thường và bình thường như vậy. Bất cứ nhà thơ nhà nghề nào hiện nay cũng đều là những thi sĩ nhà nghề về Lãng Mạn, Tình Yêu, Sầu Mộng, Điên Loạn, Huyền Bí, Đạo Giáo (kể cả thơ Chúa và thơ Thiền), nhưng chỉ có Hàn Mặc Tử là thi sĩ; tất cả Hàn Mặc Tử đều là thi sĩ, nhưng tất cả thi sĩ không thể nào là Hàn Mặc Tử. Tất cả những thi sĩ thiên tài đều là người điên, nhưng tất cả những người điên không thể nào và không thể là thi sĩ; tất cả những thi sĩ thiên tài đều là người cùi, người hủi, người phung (trong mọi ý nghĩa đen, bóng, xám, trắng) nhưng tất cả những người cùi không thể là thi sĩ được (tất cả mà vẫn có ngoại lệ như thế tất cả mới có ý nghĩa là tất cả; tuy nhiên người bệnh hủi mà thành thi sĩ thì bệnh hủi ấy đã mất ý nghĩa và không còn là bệnh nữa, mà là ơn phúc hay phúc đức nghịch hành của đêm thiêng liêng, đêm vô lượng, đêm siêu hình).

Chính cái đêm siêu hình đã làm cho Hàn Mặc Tử làm thơ tình mà không phải là thơ tình, làm thơ ly biệt mà không phải ly biệt, làm thơ trăng mà không phải là trăng, làm thơ đạo mà không phải chỉ là đạo, làm thơ về hồn mà không phải là hồn, về Chúa mà không phải Chúa, về Đức Mẹ mà không phải Đức Mẹ, về Phật mà không phải Phật, về tất cả những người con gái đẹp mà không phải chỉ là những người con gái đẹp.

Tất cả đều là cụ tượng cho Tính Thể Trừu Tượng Hoá của Thể Tính Thi ca: “Tất cả trong thế gian này, hay cả một cõi xuất thế gian nào nữa, những thứ gì đã trụ trong hai thế gian ấy (cõi hữu hình và cõi vô vi) đều là hình ảnh của Thơ cả” (Hàn Mặc Tử).

Nói tóm lại, Thơ là nguyên lý chuyển động tất cả mọi sự, nguyên lý của nguyên lý này lại chuyển động cả Thượng Đế, chuyển động cả cái gì vượt lên trên Thượng Đế, chuyển động cả “đường ngạ quỷ phơi nhiều trang gấm vóc”: Thơ là nguyên lý chuyển động cả trời và đất, chuyển động cả những gì “vượt khỏi ra ngoài hư linh” (Hàn Mặc Tử).

Nói một cách dễ hiểu theo điệu triết học của Aristotle (Aristote) thì, đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là cái arkhé kinéseos hay arché kinéseos, tức là cái arkhé (arché) cho kinesis (động tính) của tất cả vạn hữu và vạn đại, cho tất cả phusis (physis); cái gọi là “thơ” (poiesis) không còn ý nghĩa “việc làm” “cái làm”, “tác tính”, “tạo tính” hay “kỹ thuật tạo tác” mà “poiesis” lại trở thành “phusis” và không còn đối kháng lại “phusis” (chữ Hy Lạp phusis còn có ý nghĩa sâu rộng hơn cả chữ “nature” của La Tinh, hơn chữ “nature” của Anh, Pháp, và hơn cả “thiên nhiên” của Việt và Tàu; “phusis” có nghĩa: tất cả những gì chuyển động, tất cả những gì mọc lên, tất cả những gì trưởng thànhthành tựu, ngay đến Thượng Đế và tất cả những Thần linh đều lệ thuộc vào “phusis” của Triết Học Hy Lạp tiền thượng cổ. Như vậy, cái gọi là Thơ (poiesis) được thiên tài Việt Nam Hàn Mặc Tử chuyển hoá toàn triệt thành ra phusis; poiesis thường tách biệt ra khỏi phusis, nhưng ở đây poiesis nâng đỡ phusis và trở thành chính phusis (phusis = poiesis). Thơ là nguyên uyên hay uyên nguyên của tất cả động tính (uyên nguyên: arkhé, arché; động tính, chuyển tính, chuyển động tính: kinésis). Arché kinéseos (arkhé kinéseos) có nghĩa là “uyên nguyên của tất cả chuyển động tính”. Đó là ý nghĩa thâm diệu của mấy chữ “Nguồn Trong Trẻo” của Hàn Mặc Tử, nhà thơ được Thơ đưa trở về làm “khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.

 

IX. Điều thứ chín:

Chỉ cần một chữ thôi cũng nói lên được “một đêm siêu hình” là gì, chỉ cần một chữ thôi cũng nói hết tất cả ý nghĩa thâm mật của Thi CaVăn Chương của Hàn Mặc Tử.

Đó là chữ Tây: diaphane (xuyên minh, xuyên quang, thấu minh, thấu quang).

Chữ diaphane đã được Hàn Mặc Tử sử dụng trong một bài văn cuối cùng viết thẳng bằng tiếng Pháp La Pureté de l’Âme (Hồn Trong Veo), bài được viết vào đêm 24 tháng 10 năm 1940 (Hàn Mặc Tử mất vào ngày 11 tháng 11 năm 1940, sống được 28 tuổi trong veo trên đời.)

Trần Thanh Mại dịch “diaphane” là “trong mờ” (lueur diaphane: “ánh sáng trong mờ”, theo cách dịch lờ mờ của Trần Thanh Mại). Trần Thanh Mại dịch đúng theo tự điển Tây và tự điển Tây Việt, nhưng diaphane không phải chỉ có nghĩa tự điển là “trong mờ” mà thôi mà còn mang một ý nghĩa xuyên ngữ, và cái nghĩa tuyệt vời thơ mộng là “xuyên qua ánh sáng, thấu qua ánh sáng, đâm qua ánh sáng, xuyên qua cái hiện, xuyên qua cái chiếu, xuyên qua cái hiện chiếu, thấu qua cái chiếu hiện” (Chữ Hy Lạp: diaphanés: xuyên

minh, đâm qua, thấu qua, xuyên qua: dia; phaínein: hiện, chiếu, chiếu hiện; diaphaínein: xuyên qua, thấu qua, đâm qua cái hiện, cái chiếu, cái chiếu hiện; chữ phaínein có liên hệ trực tiếp với gốc chữ Hy Lạp là phós: ánh sáng). Dịch theo tinh thần Hàn Mặc Tử

thì diaphane có nghĩa là “trong trẻo”; có thể dịch lại “Nguồn Trong Trẻo” của Hàn Mặc Tử ra chữ Pháp là source diaphane hay origine diaphane.

Tất cả Thi Ca Á Đông đều là Hồi Quang, Phản Quang, Phản Chiếu Quang, Tương Phản Quang, Tương Chiếu Quang, Tương Phản Quang Chiếu, Viên Dung Phản Chiếu Quang… Tất cả Thi Ca Tây phương đều là Đăng Quang, cái ánh sáng của bó đuốc hay của cái đèn dầu hay đèn điện, đúng hơn nên gọi là: cốc đăng quang, tức là cái ánh sáng của cái bó đuốc hay của cái đèn dầu trong hang, như cái hang trong triết học của Plato chỉ có Homer, Pindar, và Sophocles là ở ngoài hang. Cái hồi quang, phản quangphản chiếu quang, và tương phản quang chiếu của Thi Ca Đông phương là cái “phản ảnh” và cái “phục chiếu” của mặt trờimặt trăng. Nói theo ngôn ngữ của Hölderlin, Tây phương là chốn mặt trời chìm lặn, do đó, Hölderlin réo gọi trở về “Nguồn Trong Trẻo” là Đông phương (Ấn Độ với dòng sông Indus), sông Indus chảy từ vùng núi miền Tây của Tây Tạng; Hy Mã Lạp Sơn, núi cao nhất của Tây Tạng, sông Cửu Long cũng chảy từ Tây Tạng đến Hố Thẳm không đáy là miền Nam Việt Nam và miền Nam của Đông Nam Á Châu. Hố Thẳm và Núi Cao là một; ánh sáng từ thượng thanh khí đâm thấu xuyên qua từ đỉnh núi cao im lặng đến âm hưởng rì rào bất tận của tất cả con sông Á Đông, tính cách xuyên quang của Núi Cao đã chuyển thành hồi quang, phản chiếu quang của tất cả dòng sông của Thơ ở Hố Thẳm.

 Con sông này đã đi qua
 Suốt đời ta thề không trở lại

Hàn Mặc Tử đã muốn nói khác đi: cái đã đi qua thì đã đi qua rồi và cái không trở lại thì không bao giờ trở lại nữa. Tất cả hồi quang, phản quang, phản chiếu quang, phục chiếu quang, tất cả xuyên quang, thấu quang đều xảy ra chỉ một lần duy nhất. Một lần,

chỉ một lần thôi, một lần duy nhất thôi (R.M.Rilke) Tuy nhiên, tất cả thơ nằm trong hai chữ “tuy nhiên, tuy thế, thế mà”. Tất cả đều đã đi mất, tất cả không bao giờ trở lại, tất cả đều chỉ xảy ra một lần. Dẫu thế, tuy thế, tuy nhiên, dù thế, thế thì… Et pourtant / And yet... Thơ bắt đầu chuyển động sau ba chấm lửng lơ…

 

X. Điều thứ mười:

Tất cả những bài thơ nào của Hàn Mặc Tử cũng vẫn đều là thơ hay, dù bài nào mà thiên hạ cho rằng dở nhất của Hàn Mặc Tử cũng vẫn là thơ hay mà ít người thấy được tính cách “xuyên quang” và “phản chiếu quang” của một thiên tài vĩ đại của Việt Nam trải qua “một đêm siêu hình” ở dương thế. Bây giờ chúng ta hãy xoá đi chín điều trên, và chỉ còn lại điều thứ mười; tất cả những gì đã nói hay đã viết về Hàn Mặc Tử đều sai lầm, kể cả chín đều trên. Chỉ còn lại tiếng thơ của Hàn Mặc Tử, không cần dẫn chứng dài dòng, và không cần phải chọn nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, chỉ cần thọ, trì, đọc, tụng một bài thơ duy nhất này của Hàn Mặc Tử thì đủ thấy “cái thơ trên cái thơ khác nữa”:

 
 I.
 
 Chửa gặp nhau mà đã biệt ly
 Hồn anh theo dõi bóng em đi
 Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
 Lưu luyến bên em chẳng nói gì
 
 II.
 
 Thơ em cũng giống lòng em vậy
 Là nghĩa thơm tho như ánh trăng
 Mềm mại như lời tơ liễu rủ
 Âm thầm trong áng gió băn khoăn
 
 III.
 
 Anh đã ngâm và đã thuộc làu
 Cả người rung động bởi thương đau
 Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
 Anh cắn lời thơ để máu trào
 
 IV.
 
 Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
 Mà máu tim anh vọt láng lai
 Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
 Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi
 
 V.
 
 Em đã nghe qua em đã hay
 Tình anh sao phải chứng mê say
 Anh điên anh nói như người dại
 Vạn lạy không gian xoá những ngày
 
 VI.
 
 Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
 Những áng mây lam cuốn dập dìu
 Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
 Những niềm run rẩy của đêm yêu
 
 VII.
 
 Anh đứng cách xa hàng thế giới
 Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
 Em cười anh cũng cười theo nữa
 Để nhắn hồn em đã tới nơi
 (Hàn Mặc Tử, Lưu Luyến)

 

Ở phần đầu, tôi đã trích dẫn câu của Hàn Mặc Tử:

 Con sông này đã đi qua
 Suốt đời ta thề không trở lại

Đoạn văn của Hàn Mặc Tử trước hai câu trên là: “Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mạng trời đánh ngã. Than ôi! Tài hoa là một điều tai hại!” Hàn Mặc Tử gặp lại Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Hồi quang của Thơ là thế, nhưng xuyên quang vẫn là Nguyễn Du: “Tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” hay thấu quang qua “nguồn trong trẻo” (source diaphane) như Hàn Mặc Tử: “Anh đứng cách xa hàng thế giới, lặng nhìn trong mộng miệng em cười”.

Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử hai người “khách lạ” chỉ cần để lại đời hai câu thơ giản dị như trên thôi thì chúng ta cũng sẵn sàng van lạy thời gian xoá hết tất cả những bài thơ khác trên mặt đất.

 

Long Beach, California
ngày 9 tháng 8 năm 2000

 

---------------------
Nguồn: Phần Thứ Nhất trong cuốn sách của Phạm Công Thiện, Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử và Một Ngày Vô Hình Với Henry Miller, William Carlos Williams và Joseph Brodsky (Nhà Xuất Bản Viên Thông, Long Beach, California U.S.A, 2000).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1253)
Trước đây, vào thời niên thiếu, tôi chưa từng tín ngưỡng bất kỳ một tôn giáo nào. Tôi đang đứng giữa ngã tư đường, không Phật cũng không Đạo.
(Xem: 1564)
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một cái “Tôi” và tính chấp thủ, nhưng có người ý thứcquán chiếu được điều đó
(Xem: 1291)
Cửa vào bất nhị, còn gọi là pháp môn bất nhị, từ xa xưa đã được truyền dạy từ thời Đức Phật, chứ không phải là hậu tác của chư tổ Bắc Tông,
(Xem: 1207)
Nhưng giới khoa học vẫn còn hoang mang trong nhận định thế giới vật chất đời thường là ảo, không có thực thể.
(Xem: 1233)
quan niệm rằng người có danh phận, giàu sang là do phước và cúng dường, hộ trì người có phước thì được phước nhiều hơn?
(Xem: 1322)
Hai từ chiến tranh, không ai trong chúng ta là không nghe đến. Trong quá khứ đã có rất nhiều cuộc chiến tranh xảy ra trên quả địa cầu nầy,
(Xem: 1465)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm có tên gọi đầy đủ là :"Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm",
(Xem: 1390)
Tôi nhớ lần nào gặp Đại sư cũng thấy Ngài mặt mày hồng hào, tinh thần khang kiện.
(Xem: 1350)
Trong rất nhiều phương pháp tu tập thì phương pháp phòng hộ các căn môn được Đức Phật giảng dạy rất chi tiết.
(Xem: 1213)
Kể từ khi con người biết xử dụng tiền bạc làm đơn vị trao đổi mua sắm đến nay, thì không ai là không cần đến tiền!
(Xem: 1319)
Đối trong nhà Phật thì thế gian gồm có khí thế gianchúng sanh thế gian.
(Xem: 1079)
Đây là một trường hợpThiền sư Thích Nhất Hạnhcộng đồng của Thầy đã thay đổi cuộc đời của một người.
(Xem: 1741)
Tam tam-muội là chỉ cho ba loại định, tức là ba loại pháp môn quán hành của Phật giáo, được xem như là nguyên lý thực tiễn của Thiền định. Định có nghĩa là tâm hành giả trụ vào một đối tượng nào đó khiến cho ý không bị tán loạn, dần dần tâm ý trở nên trong sáng và phát sinh trí tuệ.
(Xem: 1302)
Đời tôi gần giống như cuộc đời của cậu bé mồ côi ở Viện Dục Anh trong văn Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi đều sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Từ những ngày còn bé tôi đã không có một cái gì để gọi là riêng tư. Đời tôi gắn liền với tập thể, lớn lên và nương tựa vào tập thể.
(Xem: 1369)
Để giúp người Phật tửđời sống đạo hạnh, đức Thế Tôn đưa ra năm giới căn bản.
(Xem: 2587)
Tinh thần hòa hiệp là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, tinh thần của một khối người biết tôn trọng ý niệm tự tồn, và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng.
(Xem: 1375)
Khi con gái tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường đưa con đến chùa lễ Phật, học tiếng Việt, sinh hoạt văn hóa Việt…
(Xem: 1544)
Điều phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài, thứ nhất đó là đam mê cờ bạc.
(Xem: 1437)
Chu Lợi Bàn ĐặcMa Ha là hai anh em sinh đôi sinh ra trong một gia đình Bà la môn ở thành Xá Vệ (Sravasti - Ấn Độ).
(Xem: 1818)
Nếu có ai đó hỏi Phật Pháp có gì hay thì những người đệ tử Phật sẽ trả lời như thế nào?
(Xem: 1382)
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng cuối thế kỷ 13.
(Xem: 1599)
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng cuối thế kỷ 13.
(Xem: 1805)
Trong suốt cả Pháp Bảo Đàn Kinh, là những lời dạy của Lục Tổ, ngài chỉ hai lần nói đến hai chữ “từ bi”:
(Xem: 2003)
Thông thường, người ta thường nghĩ “làm phước” là phải làm điều gì đó to lớn, mang tính cho và nhận bằng những vật phẩm...
(Xem: 1426)
Từ góc độ văn hóa có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh nói riêng, có những giá trị văn hóa tiêu biểu
(Xem: 2427)
Đối với người thế gian, tài sản quý giá nhất của họ chính là gia đình, của cải vật chất, công danh sự nghiệp, nhưng với người xuất gia thì đó là trí tuệ.
(Xem: 1562)
Phàm có sinh thì có tử, đó là lẽ thường trong cuộc đời. Vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật sinh ra, tồn tại, thay đổi, hoại diệt (gọi là sinh, trụ, dị, diệt)
(Xem: 1737)
Nguyễn Du không những là một thi hào lớn của Việt Nam mà còn là nhà Phật học uyên bác. Ông từng viết trong bài thơ “Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” lúc đi sứ sang Tàu vào triều Nguyễn, đầu thế kỷ 19 rằng,
(Xem: 1682)
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa
(Xem: 1406)
Phật giáo trước hết là một tôn giáo, vì thế những tư tưởng của giáo lý Phật giáo không đề cập nhiều tới những vấn đề triết học...
(Xem: 2181)
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi, thấy tâm tịch lặng không người, không ta, ai hỏi thì nhấc cành hoa, thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …”
(Xem: 1603)
Tôi thường thắc mắc tại sao mình dự tính làm điều này thì có khi lại đổi sang làm chuyện khác mà mình không hề suy tính được.
(Xem: 1653)
Sống trong đời này, chúng ta thường hay nghe những ngôn từ bình dị, than thở rằng: “Trần ai - trong cõi tạm, là gì - ra sao?”
(Xem: 1541)
Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn.
(Xem: 1904)
Khi mới vào đạo, điều đầu tiên chúng ta được dạy là không nhìn lỗi của người khác.
(Xem: 1876)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì?
(Xem: 2025)
Ở đời bất cứ sự kiện nào xảy ra cũng có nguyên do của nó. Như bài kinh “Bát Đại Nhân Giác” xuất hiện trên thế gian này cũng không ngoại lệ.
(Xem: 1520)
Hai chữ vô thường rất quen thuộc với mọi người chúng ta, trong đời sống hàng ngày ai ai cũng nghe và nói.
(Xem: 1857)
Tư tưởng nhân quả Phật giáotư tưởng nổi bật trong nhân sinh quan Phật giáo.
(Xem: 1541)
Chúng ta đang chứng kiến những bất ổn xã hội hay thiên tai trên toàn thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ khi gần đây
(Xem: 1547)
Sống phải có niềm tin, nhưng đừng tin quá vào một người, dù người đó là ai, có địa vị như thế nào trong xã hội.
(Xem: 1691)
Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử về mối tương quan và lợi ích của việc thực hành bốn nhiếp pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ,
(Xem: 1689)
Đức Phật Thích Ca Như Lai của chúng ta, lúc mới phát tâm, đã vì ta mà tu Bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ các thứ khổ cực.
(Xem: 1384)
“Không làm các việc ác Siêng làm các việc lành Thanh tịnh hoá tâm ý…”
(Xem: 1552)
Việc khấn nguyện, cầu nguyện là một vấn đề tâm linh rất phổ biến của tín đồ mọi tôn giáo và không cứ gì mùa xuân mà việc khấn nguyện...
(Xem: 1891)
Hồi sáng, lúc đi thiền hành ở Xóm Thượng, tôi đi xuôi xuống chùa Sơn Hạ. Mỗi bước chân giúp tôi tiếp xúc với sự sống rất sâu sắc
(Xem: 1634)
Chế độ ăn kiêng của bạn có thể giúp dự đoán bạn sống được bao lâu.
(Xem: 2158)
Đức Phật dạy “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Biết điều này, khi được là con Phật, ta sẽ thấy mình thật hạnh phúc vì ...
(Xem: 1529)
Không ít Phật tử đến chùa quy y, học Phật pháp, công quả, tham gia các hoạt động Phật sự, thường theo cảm tình đối với người Thầy ở nơi mình đến hơn là...
(Xem: 1553)
Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant