Hằng đêm, tịnh tâm vài ba phút. Giây phút rất ngắn. Nhưng để có dịp nghe hơi thở, vào ra, ra vào đều thật đều. Có đôi lần, chợt nghĩ, ừ, thì mình nghe mình thở vậy là mình còn đang sống. Sống khoẻ, sống có tỉnh thức như vầy.
Có
một người bạn, lâu rồi không gặp, bạn nói với tôi là nước và lửa không ghét nhau, nhưng không thể ở cùng nhau được. Nghĩ vậy mà sao thương thân
này quá, bao nhiêu năm nay nước, lửa, gió, và đất cứ ở mãi cùng nhau. Kị nhau ra mặt chứ có vui vẻ gì đâu. Nhưng bù lại, ở giữa những trận chiến tưng bừng của bốn thứ không hạp
tánh nhau, ta còn có hơi thở. Cảm ơn hơi thở nhiều lắm, hơi thở có biết
không? Hơi thở cho ta chỗ đứng tách ra khỏi những cuộc binh đao, để nhìn, ngắm và suy niệm. Chỉ suy niệm thôi, chứ không phân ra bên chánh, bên tà hay bên phải, bên quấy. Suy niệm để thấy thương cho thân này. Có lẽ nó mòn mỏi lắm rồi. Và nghe hơi thở như vậy, nhìn những cuộc chiến, qua đi, diễn lại, qua
đi… bất tận thiên thu. Một hôm hơi thở nắm tay, dẫn ta vào một vùng đất
mới. Vùng đất ấy nằm giữa những cuộc chiến ác liệt, nằm lẩn khuất trong
lớp khói bụi mù mịt của binh đao. Nơi ấy, hơi thở mời ta ngồi vào vị trí của đoá hoa, của ngọn núi, của hồ nước. Ta thấy sao mà tươi mát, vững chãi, và tĩnh lặng đến vô ngần. Vậy là bên dưới những cuộc chiến, luôn có góc khuất, sự ẩn tàng của bình yên. Nếu khéo tay một chút, ta có thể phát huy năng lượng tươi tắn của đóa hoa để làm an dịu binh lửa. Nếu khéo nghĩ một chút, ngọn núi giúp ta an trụ giữa đời này. Bận rộn nhiều thứ quá, nhưng ta vẫn có khả năng nắm tay công việc, dắt dìu, lèo lái công việc theo ý của ta. Ta là ngọn núi sừng sững để tiền bạc, cảm xúc không kéo lôi ta đi xềnh xệch như bấy nhiêu năm đã qua. Ngọn núi làm cho lưng ta thật vững, đầu ta ngẩng cao dù đời có chê cười, trách móc, dỗi hờn. Ta biết, chất liệu của
sự vững chãi đang nằm nơi đây. Nơi hơi thở này. *** Rồi hồ nước. Bao nhiêu ngày tháng ròng rã, ta đi qua bao nhiêu hồ nước, ngắm mình nơi mặt nước tịnh bình an, vậy đó, vậy mà ta quên mất ta
cũng y chang như mặt hồ. Bấy lâu nay ta cứ để chiến tranh, trận mạc làm
mặt nước tâm bị khuấy động, rộn ràng. Bữa nay, nhờ sự dìu dắt của hơi thở. Ta thấy ta có khả năng nhìn mọi vật với lòng không phân biệt. Thấy người kia mặt mày kênh kiệu ta không bực tức, thấy những cảnh hớ hênh tâm không còn ngóc đầu dậy, bò loe nghoe. Không để tâm chạy theo những thứ bên ngoài nữa, mà nơi này, tâm là hồ nước. Ngoại cảnh thay đổi, hình
bóng phản chiếu thay đổi nhưng bản chất tịnh lặng của hồ tâm vẫn ngàn đời là thế. … Ta mải mê với 3 sự kỳ diệu quá đổi kinh ngạc mà hơi thở mang đến. Nhưng hơi thở ghé sát vào tai, và nói nhỏ nhẹ rằng: “Mấy điều trên cũng bình thường mà thôi, còn một điều nữa mới là tuyệt đối”. Ta lặng đi, điều gì ngoài sự tươi mát, vững chải, thảnh thơi nữa? Chỉ cần bấy nhiêu ấy, hành trang vào đời vạn biến đã đủ lắm rồi. Nhưng mà Thở khuyên
như vầy, anh ráng chút xíu nữa đi, để em sẽ dắt anh vào một vùng này. Không có hoa, núi và hồ nước nhưng là có tất cả. Vì tò mò, ta ngồi lại, cho thiệt yên, thiệt tĩnh và bắt đầu thả trôi theo hơi thở có ý thức… Và sự kỳ diệu bắt đầu… Ta không còn cảm giác của cuộc chiến, không thấy binh đao là thật nữa. Chúng hình như là có, mà cũng có vẻ là không.
Hơi thở dẫn ta vào với không gian bên trong. Mênh mông, bao trùm và tràn đầy những bí ẩn. Nơi vùng đất trống không, mênh manh ấy, tự dưng ta thấy những hạt giống trôi lơ lửng. Hạt giống đợi đủ duyên mà nẩy mầm. Trong không gian ấy có sẵn, và đầy đủ những yếu tố mà hạt giống cần. Chút hơi ấm, chút đất, chút nước, chút xíu không khí. Ta không nhìn thấy cây ở đâu hết, vậy mà chớp mắt cây xuất hiện. Chớp mắt cây biến mất. Hơi thở vẫn đều đặn vào ra… Vùng không gian ấy cứ ngỡ là không, nhưng mà bao trùm tất cả. Nói là không cũng đúng, mà có cũng được. Vì nơi đó có đầy đủ những yếu tố để kích hoạt cho sự ra đời, cũng như sự kết thúc. Vùng không gian ấy nở lớn ra đến vô cùng với hơi thở chánh niệm. Khi tiếp xúc với màu nhiệm bông hoa, ta bị vướng vào sự tươi mát. Với
ngọn núi, sự vướng mắc là phải thiệt vững vàng…. Còn sự vô phân biệt thì nơi hồ nước. Còn đối với cảnh giới này, ta thấy rằng ta có thể là bông hoa, cũng có thể là ngọn lửa, là ngọn núi mà cũng có thể là cây cỏ bé nhỏ, là hồ nước tịnh mà cũng là hồ nước động. Miễn là ta có mặt trời chánh niệm, ta biết rằng hình như ta đang là như vậy. Hình như có sự tươi mát Hình như có sự vững chải Hình như có sự thảnh thơi. Tất cả là hình như, người chuyên môn họ gọi là “như”. Có người bảo “như thị “ là hình như tôi nghe như vầy, “Như Lai” là hình như tôi có đến. Không nghe cũng được, không đến cũng chẳng sao. Vì chỉ là “như” thôi mà. Tiếp xúc với màu nhiệm của không gian trong tâm thức, ta như đứa trẻ lần đầu được đi máy bay, ngắm nhìn từ ô cửa kính thấy cả không gian sao mà rộng lớn vô biên đến vậy. Thấy mọi việc rõ như ban ngày, và mỉm cười thật an nhiên khi dòng đời trôi đi bất tận. Ta không dừng lại giữ dòng đời vì ta sẽ bám riết lấy nơi ta đứng. Ta càng không thả trôi theo dòng huyên náo vì ta sẽ tan đi mất. Mà ta phải như là đang đứng, như là đang trôi… Không gian cho ta phép
màu của từ “như”… có vẻ là thế, không cũng được, mà có cũng chẳng sao, chỉ cần ta biết tỉnh thức từng sát na… Từng sát na trôi liên tục, và dòng tỉnh thức cũng tuôn tràn miên mật như một dòng suối pha lê , hay ai
đó thích gọi là lưu ly, xa cừ, mã nảo. Dòng tỉnh thức không cuốn ta đi,
mà làm ta an nhiên, “Như Lai” giữa đời này. Hơi thở giới thiệu ta một cư dân già nhất nơi cõi không gian, vị ấy tên là Quán Tự Tại. Gặp vị ấy, ta cúi đầu chào thật lễ phép vì ta là khách vô tình lạc vào cõi này. Vị mỉm cười thật an nhiên. Hơi thở khẽ nói, vị ấy tài lắm, có thể biến hoá khắp nơi nơi, đi khắp nơi chỗ…. Tự dưng ta cũng mỉm cười, ta thỏ thẻ: “Ừ, nhưng mà tôi cũng làm được như vậy, chỉ cần hơi thở luôn bên tôi…”. Bất chợt, chuông đồng hồ reo vang inh ỏi… ta bước ra khỏi thế giới vi
diệu ấy mà chẳng chút hối tiếc nào mặc dù ta còn muốn ở đó, để nghe cư dân tên Quán Tự Tại kể về không gian vô tận bao la ấy. Bên ô cửa, dòng đời cuồn cuộn chảy và gầm lên như thác. Hôm nay, ta không thấy sợ dòng đời, sợ khói bụi nữa. Ta mỉm cười, khẽ nói nhỏ: Namo Avalokitesvara… Giữa cõi lăng xăng người ta bảo có một Tịnh độ. Thiệt là vô lý. Nhưng
cũng quá chừng hợp lý với những ai thấy mình đương hình như đến, hình như đi giữa đám bụi mù khơi.
Cao Hồng Ân (