Người trẻ khi va chạm với cuộc sống sẽ tổn thương, suy sụp, hay vững
vàng, mạnh mẽ; điều đó phụ thuộc khá nhiều vào việc người trẻ
nhìn nhận những khó khăn trong cuộc sống như thế nào.
Nếu cuộc sống “đá” bạn một cú…
Thực ra, bạn đã bị cuộc sống “đá” cho rất nhiều cú, từ khi còn bé, mà bạn không hay biết. Là lúc bạn bước những bước đi đầu tiên và… ngã “cú ngã” đầu tiên. Là khi đi học, bạn gặp một bài toán khó, suy nghĩ mãi không tìm ra cách giải. Là lúc bạn tập đi xe đạp và cái xe luôn tỏ ra “bất trị”. Bạn hãy nhớ lại xem, những lúc như vậy, bạn đã làm gì để vượt qua?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng thành công
Người trẻ có nhiều cách nhìn nhận về những khó khăn trong cuộc sống. Có tích cực và tiêu cực. Những người trẻ thuộc thế hệ “công dân thế giới”, thừa tự tin và dám thử thách, thì coi những khó khăn trong cuộc sống như một bước đệm của sự thành công. Rơi rớt lại một bộ phận giới trẻ tụt hậu, họ không dám đối mặt với thử thách, khi thấy khó khăn là chùn bước, cam chịu và trách “ông trời” vì sao quá “bất công” với họ. Và, họ “chấp nhận” luôn cả sự “bất công” ấy! Đó là khi người trẻ chùn bước khi “thành công bị trì hoãn” trong kỳ thi đại học, “cam chịu” trở thành những người thất bại và dần dần sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Đó là khi những người trẻ “cử nhân” đi xin việc ở rất nhiều nơi nhưng không được tuyển dụng. Đó là khó khăn “hòa nhập cộng đồng” của những người nghiện, những người trẻ “cần một lần làm lại”… Với một cuộc sống mà “sinh ra đã khổ”, người trẻ cần có bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua được những khó khăn “như đã được định sẵn” này.
Hãy để nó đá bạn về phía trước!
Hãy nhìn người Nhật, sau cuộc động đất và sóng thần, nước Nhật gần như không còn gì. Các con số thương vong và thiệt hại về vật chất quá to lớn, cùng với đó là ý chí của người Nhật càng vững vàng hơn. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã phát biểu trên đài truyền hình rằng: “Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước từ đầu”. Người dân Nhật Bản trong thời kỳ thảm họa kinh hoàng này, vẫn giữ được sự bình tĩnh, không hoảng loạn. Đứng sau sự bình tĩnh ấy, là một ý chí, nghị lực phi thường khiến cả thế giới phải cúi đầu khâm phục.
Bạn ạ, trong cuộc sống, cái gì cũng có giá trị riêng của nó. Và thành công cũng vậy. Giá trị của thành công được đo bằng thước đo của sự khó khăn, như lời Đức Phật dạy: “Ở đời đừng cầu không khó khăn hoạn nạn, vì không khó khăn hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy”. Mặt khác, mong muốn một thành công mà không có khó khăn, giống như xây nhà mà không cần đào móng. Cái gì có được một cách quá dễ dàng thì mất đi cũng sẽ dễ dàng như vậy và ngược lại.
Mạnh Đức