Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Tuyết Lan

20 Tháng Mười 201000:00(Xem: 13518)
Tuyết Lan


TUYẾT LAN

Một ngày mùa đông năm Dân quốc thứ 25, trên tòa giảng trong chùa Cổ Lâm tại Nam Kinh, Hòa thượng Tuệ Học đang giảng kinh “Bát Đại Nhân Giác”. Ngôi giảng đường chìm ngập trong bầu không khí yên lặng hoàn toàn. Người ta chỉ còn nghe thấy pháp âm của vị Hòa thượng như một tiếng hồng chung ngân nga, tràn lan rồi vang dội vào lòng thính chúng.

TUYẾT LAN

Sau khi tan buổi giảng, mọi người chen lấn nhau để vào lễ tạ Hòa thượng. Tuyết Lan nghĩ thầm: “Vạ gì mà phải chen lấn thế kia cho khổ thân, hãy vào thư viện đọc sách một lát, chờ cho họ về hết thì mình vào lễ tạ Hòa thượng cũng được ”. Bởi thế, nàng tiến vào thư viện. Tòa thư viện được xây hai tầng: Tầng trên tàng trữ ba Tạng kinh điển và chỉ dành riêng cho các sư, còn tầng dưới bày đủ các loại sách dành cho công chúng vào xem.

Tuyết Lan vô ý đẩy cửa đánh rầm một cái, làm cho Đức đang vùi đầu vào quyển sách ở bàn bên kia phải giật mình. Chàng ngẩng lên nhìn nàng, Tuyết Lan cảm thấy hơi thẹn vì cử chỉ thô bạo của mình nên cặp má nàng ửng hồng. Nàng khẽ cúi đầu bẽn lẽn, nói câu “xin lỗi “rồi lướt qua mặt Đức, đến ngồi ở một chiếc bàn gần đấy. Nhưng lòng nàng cứ rạo rực, hình ảnh của Đức đang ngồi ở bàn bên kia cứ quay cuồng trong đầu óc nàng, nên tuy đọc sách, song tâm nàng lại nghĩ vẩn vơ và tự hỏi: “Lạ thật! Sao từ trước đến giờ, mình không thấy anh ta? Hay lần này anh ta mới đến lần một?”.

Rồi thỉnh thoảng nàng lại liếc trộm Đức. Diện mạo của Đức khôi ngô tuấn tú, cặp lông mày đen và dài, vầng trán cao rộng và chiếc mũi thẳng tỏ ra là một thanh niên thông minh, trầm mặc và ít nói. Tuyết Lan thấy ngồi đọc sách không yên.

Mọi người lũ lượt kéo nhau ra về. Tuyết Lan thấy có thể vào bái kiến Hòa thượng được rồi, nên nàng lại lướt qua mặt Đức và mở cửa bước ra. Song Đức vẫn cứ cặm cụi đọc sách, chàng đọc như say mê và không hề để ý đến Tuyết Lan khi nàng đi qua.

Lúc đến trước Hòa thượng, Tuyết Lan vái ba vái, Hòa thượng vừa vẫy tay vừa mỉm cười nói:

- Thế nào, con nghe có hiểu không?

Tuyết Lan đứng bên cạnh, nhìn Hòa thượng và đáp:

- Bạch Hòa thượng, Hòa thượng giảng dễ hiểu lắm. Theo con, tất cả mọi người đều nên đọc tụng kinh “Bát Đại Nhân Giác”.

Tuyết Lan vừa dứt lời, lúc đó Đức bỗng đi vào. Chàng cung kính vái Hòa thượng rồi đứng sang một bên. Thấy hai người có vẻ lúng túng, Hòa thượng tươi cười nói:

- Ơ kìa! Các con không quen nhau à?

Thế rồi Hòa thượng giới thiệu họ với nhau:

- Đây là Tuyết Lan, vừa thi vào Đại học Trung ương. Còn đây là Chu Đức, sinh viên năm thứ ba Đại học Trung ương. Các con sẽ cùng học một trường. Từ nay, các con hãy coi nhau như anh em, phải giúp đỡ và khích lệ nhau cả về phương diện học vấn lẫn đạo đức.

Hòa thượng nói xong, Chu Đức hơi cúi đầu chào Tuyết Lan. Cặp mắt sáng quắc của chàng làm cho Tuyết Lan ngây ngất. Nàng khẽ hỏi Hòa thượng Tuệ Học:

- Bạch Hòa thượng, anh ấy quy y đã lâu chưa ạ?

- Lâu rồi, chừng mười năm nay. Sức học Phật pháp của anh ấy khá lắm, lòng tin cũng vững chắc và lại chịu khó tu niệm. Người rất có chí.

Tuyết Lan nhìn Chu Đức, nói:

- Sau này, xin anh chỉ dẫn cho em.

- Không dám! Không dám!

Trước mặt con gái, xưa nay Đức vốn nói năng vụng về, cho nên hiện giờ đứng trước Tuyết Lan, người thiếu nữ vừa mỹ lệ vừa hoạt bát, chàng lại càng cảm thấy bối rối, cứ lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ biết khiêm tốn vâng vâng dạ dạ và gật đầu lia lịa. Hòa thượng Tuệ Học bảo họ ở lại dùng cơm trưa. Mãi xế chiều, họ mới cáo biệt Hòa thượng ra về.

Từ đó, ngày nghỉ nào, họ cũng gặp nhau ở thư viện. Đôi khi có nhiều điểm về Phật học, Tuyết Lan không hiểu, lại đem hỏi Đức, mà Đức thì rất giỏi về Phật học. Chàng giảng thao thao bất tuyệt, hình như ngoài việc giảng về Phật học, chàng không biết nói chuyện gì khác. Cứ như thế, họ gần gũi nhau, nên dần dần họ đã hiểu nhau và cảm tình giữa họ càng tăng thêm. Mỗi ngày nghỉ học, họ cùng đến chùa thăm Hòa thượng, rồi dắt nhau vào thư viện. Sau khi đọc sách xong, họ lại cùng đưa nhau về.

Thời gian đi như bay, thấm thoắt đã hết đông sang xuân. Một hôm, Tuyết Lan hỏi thử Đức:

- Anh Đức ạ, có người nói mùa xuân là mùa đọc sách. Theo anh, câu nói ấy có đúng không?

- Rất đúng! Theo tôi, đời người quá ngắn ngủi. Không những chỉ đọc sách trong mùa xuân mà mùa nào cũng cần phải đọc cả!

Cái học của Đức đã ảnh hưởng sâu xa đến tính tình của chàng. Về phương diện ái tình, chàng rất vụng về. Thời gian qua, tuy chàng mến Tuyết Lan và chàng cũng biết Tuyết Lan thật mến chàng, song chàng cứ thản nhiên và vô tình như không biết gì cả! Có lẽ nào chàng không hiểu ý nghĩa thầm kín trong câu hỏi của Tuyết Lan? Thế nhưng, chàng vẫn trả lời một cách đứng đắn đàng hoàng.

- Thật anh chịu khó ghê! Anh muốn trở thành một vị lão tăng hay sao đấy? Em tưởng ngày nào chúng ta cũng cứ vùi đầu vào sách vở, không học bài nhà trường thì lại học Phật, toàn những thứ khô khan thế này thì đến mụ người đi mất! Em đề nghị tuần tới, chúng ta phải đi chơi một hôm. Anh có bằng lòng không nào?

Vừa hỏi, nàng vừa nhìn Đức với ánh mắt khẩn cầu.

- Tôi xin chìu lòng Tuyết Lan, nhưng chúng ta sẽ đi đâu?

- Lên núi Ngũ Đài. Tuyết Lan mỉm cười. Người ta bảo mùa xuân thì vùng ấy toàn là hoa, đi đến đâu cũng chỉ thấy hoa, đủ mầu sắc; hơn nữa trên núi còn có ngôi chùa rất cổ kínhtrang nghiêm. Vậy chúng ta vừa đi xem cảnh vừa được lễ Phật.

- Thế thì chúng ta nhất định đi!

Đức không nói gì thêm, chàng lại bắt đầu nhìn vào quyển sách. Còn Tuyết Lan thì sung sướng và thầm mong chóng đến ngày nghỉ tuần tới như một đứa trẻ mong chóng đến Tết để được mặc áo mới.

Khi lên đến núi Ngũ Đài, họ vào chùa lễ Phật, rồi đi vòng ra phía sau chùa, tới một dòng suối nhỏ, nước trong vắt và chảy róc rách. Tuyết Lan hớn hở nói:

-Thôi, đừng đi nữa anh ạ! Hãy ngồi đây nghỉ chân một lúc!

Vừa nói, nàng vừa trải tấm dạ ra, rồi ngồi xuống. Nàng đưa mắt nhìn trời một lát và nói:

- Chỗ này đẹp quá, anh nhỉ? Trời mây thăm thẳm, non nước một mầu, phong cảnh thật nên thơ, thanh thoát đúng như thế giới Cực Lạc vậy!

- Thế giới Cực Lạc, đất toàn bằng vàng. Còn ở đây hiện giờ, tôi ngồi trên phiến đá và em ngồi trên tấm dạ. Khác xa lắm chứ!

Hai người cùng cười, nụ cười bí ẩn biểu lộ sự giao cảm giữa hai tâm hồn. Không hiểu tại sao ánh mắt của họ chạm nhau như một luồng điện và ánh mắt ấy khó che giấu được tâm tư thầm kín của họ! Họ đều cảm thấy một khích động khác lạ trong lòng. Tuyết Lan sung sướng, nhưng cảm giác sung sướng ấy tiêu tan ngay khi nàng nhận thấy trước mặt nàng chỉ là một thanh niên có thái độ uy nghiêm, đạo mạo và rất vụng về trước việc tán tỉnh. Một nụ cười đâu có thể diễn tả được hết tâm trạng của chàng! Gió xuân đưa đến cho người ta bao tình nồng đượm và gợi lên bao niềm mơ ước trong lòng người. Làm sao Đức có thể tránh khỏi những rạo rựcham muốn của tuổi trẻ? Song chàng đủ năng lực kềm chế tình cảm và tự chủ lòng mình. Chàng không muốn dùng lời nói khéo để chinh phục lòng người. Nói chuyện với một thiếu nữ ngây thơ, thật thà và hiền hậu mà dùng những lời phù phiếm thì đó chỉ là tội ác. Bầu không khí yên lặng bao quanh họ. Một hồi lâu, Đức mới chậm rãi nói:

- Con đường đời chỗ nào cũng đầy chông gai và sỏi đá. Bởi thế, nhân loại mới khổ sở và bất an. Mục đích tin Phật của chúng ta là mong làm thế nào để biến cải thế giới đầy hầm hố hiểm nguy này thành một cảnh giới yên vui và phẳng lặng, trong đó con người không còn tham sân si, chém giết, giành giật và cướp bóc lẫn nhau.

- Vâng, đại nguyện của các bậc Bồ tát bao giờ cũng thế! Các Ngài cứu độ chúng sinh, hóa cõi đời nhơ nhớp thành một nơi trong sạchvĩnh viễn xa lìa mọi phiền muộn.

- Tôi nguyện noi gương của các Ngài, học theo hạnh từ bitrí tuệ của các Ngài.

- Anh đã học được cái phong độ uy nghiêm trang trọng của một vị lão Hòa thượng rồi! Chỉ cần tiến thêm một bước nữa là anh có thể trở thành gỗ đá.

Nghe xong, Đức hơi nhếch mép cười và khẽ nói:

- Đúng rồi! Em nói phải lắm! Tôi là một vị lão tăng ngây ngô như gỗ đá.
Một cảm giác buồn rầu dâng lên trong lòng Tuyết Lan. Tại sao Đức lại không hiểu câu so sánh đầy tình tứ và âu yếm của nàng? Có lẽ chàng không yêu nàng! Rồi nàng lại thấy Đức phóng tầm mắt ra xa và lẩm bẩm như nói một mình:

- Trong lúc tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, một cảnh giới lâng lâng siêu thoát cũng phát hiện và đó mới là sự thụ hưởng vi diệu nhất của con người. Nhưng sự thụ hưởng ấy chỉ có thể tự mình cảm lãnh, chứ không thể dùng lời nói để miêu tả hoặc truyền cảm cho người khác.

Tuyết Lan vờ như không nghe thấy. Nàng cúi đầu yên lặng, đưa tay ngắt mấy ngọn cỏ bên cạnh tấm dạ. Một lát sau, nàng ngẩng đầu nhìn Đức, thấy chàng vẫn đăm chiêu vời vợi như đang thả hồn đến một thế giới cao siêu mầu nhiệm nào với dáng điệu vô cùng thanh thoát. Bất giác, nàng cảm thấy hổ thẹn vì đã có một ý nghĩ không được thanh cao lắm đối với một tâm hồn hoàn toàn trong trắng.

*****

Những trận mưa thu rả rích liên miên mấy ngày đêm không ngớt. Tuyết Lan đứng trong cửa sổ nhìn ra, phía ngoài trời vẫn mưa lất phất, thỉnh thoảng một trận gió lùa qua các cây, mấy chiếc lá vàng quay cuồng trong không khí rồi lả tả rơi xuống đất. Một người đàn ông cao lớn, mặc áo mưa, đang lù lù tiến đến và Tuyết Lan, như một cái máy, chạy vội ra mở cửa.

- Ô, anh Trung! Sao anh lại về vào giờ này? Vào mau, không ướt hết bây giờ! Trung cởi chiếc áo mưa, mắc ngoài cửa rồi đi vào phòng khách. Chàng hỏi vội:

- Má có nhà không?

- Không, đi khỏi rồi!

Thấy Trung về bất thần, Tuyết Lan tỏ vẻ lo ngại:

- Anh, sao anh lại về vào giờ này? Nàng nhắc lại câu hỏi lúc nãy.

- Tình hình càng ngày càng trầm trọng. Lư Câu Kiều đã thất thủ, Thượng Hải cũng rất nguy cấp vì quân Nhật đang tiến tới. Sinh viên trường anh có người xin đầu quân, có người về quê. Bởi thế, anh mới về thăm em, thăm sư phụ và các bạn hữu vì kỳ nghỉ hè vừa rồi anh đã không về.

Dứt lời, Trung cố nở một nụ cười gượng gạo. Trung là bạn chí thân của Tuyết Lan. Từ khi còn thơ ấu, họ đã nô đùa với nhau và luôn luôn gần gũi nhau, đồng thời lại cùng quy y Hòa thượng Tuệ Học, nên họ coi nhau như anh em. Trung vốn xấu trai, vóc người chàng cao lỏng khỏng, cặp mắt ti hí, chiếc mũi hếch, đôi môi dày và cái mồm rộng hoác. Tuy chàng yêu Tuyết Lan tha thiết, song tự biết mình xấu xí, nên không dám hé răng mở miệng để bày tỏ nỗi niềm. Hiện giờ, nụ cười gượng lại càng làm cho bộ mặt của chàng khó coi hơn!

- Thế có nghĩa là anh sẽ không trở về trường nữa?

- Có về cũng không thể yên tâm và cũng không đủ số để học, vì lớp của anh giải tán gần hết, cả giáo sư cũng có mấy vị nghỉ.

- Chao ôi! Sắp mạt kiếp rồi sao đây? Con người cứ chém giết nhau hoài.

Tuyết Lan than thở, rồi cả hai người đều ngồi yên lặng. Ngoài hiên, những giọt mưa rơi tí tách nhịp nhàng, trong lòng họ có bao ý nghĩ thầm kín muốn bộc lộ, nhưng họ không dám nói lên.

Qua mấy phút trầm mặc, Trung nói:

- Thế nào, mọi sự đều như ý cả chứ em? Em có năng lên thăm sư phụ không?

- Cảm ơn anh, em vẫn thường. Sư phụ nhắc đến anh luôn đấy!

- Ồ, hôm nay trời mưa lớn, chắc không đi được! Hơn một năm rồi, chùa Cổ Lâm chắc cũng có thêm nhiều giáo hữu. Mai chúng ta cùng lên thăm sư phụ, em nhé?

- Vâng, nhưng …

Tuyết Lan định nói lại thôi. Nàng muốn đem chuyện của nàng và Đức nói cho Trung nghe, nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Bởi thế, nàng cúi gằm mặt xuống và hai bàn tay cứ mân mê tà áo.

Điều đó khiến Trung hoài nghi tâm sự của nàng, mới gần một năm không gặp mà Tuyết Lan đã thay đổi rồi! Tính ngây thơ của nàng trước kia giờ đã biến thành tính e lệ, chứa đựng một ý nghĩa khó hiểu. Mới mấy tháng trời mà trông Tuyết Lan lớn hẳn lên và cũng đẹp hơn trước. Chàng hạ giọng nói:

- Tuyết Lan, có điều gì em cứ nói. Chúng ta lớn khôn cả rồi và như là anh em, có gì đáng ngại?

Tuyết Lan bẽn lẽn, cặp má hồng hồng và đôi môi khẽ rung rung:

- Em nói, anh đừng cười em cơ!

- Không, anh không cười, nói đi!

- Em biết anh rất thương mến em nên xưa nay có điều gì buồn lòng, em đều nói với anh. Anh thường an ủi và khích lệ em, song hiện giờ em có một tâm sự thấy khó nói quá!

- Tâm sự gì thì cứ nói mau lên!

- Từ khi gặp chàng ở chùa Cổ Lâm, em đã đem lòng yêu chàng.

- Chàng là ai kia chứ? Nói rõ xem nào! Đừng ngại, anh có phải người xa lạ đâu!

- Chàng là Đức, chàng quy y đã lâu hơn chúng ta nhiều, chàng đang học năm thứ ba tại Đại học Trung ương. Chàng đứng đắn lắm, ít cười nói. Phật pháp đã đào tạo cho chàng một tính tình nghiêm khắc. Chàng chẳng hiểu gì về phương diện ái tình cả, rất dè dặt và thường nói yêu là nguồn gốc của mọi khổ não. Chàng đối với em thường tỏ vẻ thờ ơ. Do đó, em thấy buồn khổ. Giờ anh đã về, mong anh giúp em! Nếu sau này lập gia đình, em không lấy được chàng thanh niên ấy thì em quyết ở vậy, chứ nhất định sẽ không lấy ai!

Trung thất vọng, người mà chàng thầm yêu trộm nhớ mấy năm nay giờ đã yêu người khác. Chàng tự biết mình xấu xí nên bấy lâu vẫn không dám thổ lộ tâm tình. Những lời của Tuyết Lan vừa nói như một tiếng sét giáng vào đầu chàng, nhưng nhờ được bồi bổ theo tinh thần Phật giáo nên Trung nghĩ thầm: “Yêu cũng có nhiều thứ khác nhau: Có người yêu hoa lại ngắt hoa, người yêu chim đem nhốt chim trong lồng. Cũng có kẻ muốn hủy hoại vật mình yêu, nhưng tình yêu cao cả nhất là tình yêu không biên giới và không ích kỷ. Con người cao quý bởi nhân cách, đạo đứctư tưởng. Tuy người mình yêu đã yêu người khác, song mình phải khoan thứ, rộng lượng, yêu tất cả, đã yêu Tuyết Lan thì phải yêu cả người tình của nàng ”.

Tuyết Lan đưa đôi mắt trong sáng nhìn chàng, chờ đợi và hy vọng. Trung suy nghĩ một lát rồi mạnh dạn nói:

- Được, anh sẽ cố gắng giúp em, làm cho em sung sướng. Nhưng em muốn anh giúp em bằng cách nào?

Tuyết Lan cảm ơn chàng, rồi bày phương pháp cho chàng. Nghe xong, Trung cương quyết gật đầu.

Từ đấy, Đức và Trung trở thành đôi bạn thâm giao, vì họ cùng một tín ngưỡng và cùng một tư tưởng nên họ rất chóng hiểu nhau. Họ và Tuyết Lan thường đến chùa Cổ Lâm tụng kinh, đọc sách, có lúc họ vào xin Hòa thượng chỉ dạy cho những điều họ không hiểu. Cứ như thế, họ sống qua những ngày tháng êm đềmthích thú.

Một hôm, chỉ có Đức và Trung ngồi với nhau, không biết vô tình hay hữu ý, Trung bỗng hỏi Đức:

- Anh Đức này, tôi xem ý Tuyết Lan đối với anh tốt lắm. Hơn nữa, nó là người có nhân phẩm, có học thức. Sao anh không ngỏ lời đính ước với nó? Có lẽ anh cho là nó không xứng đáng?

Đức suy nghĩ một lát rồi thản nhiên đáp:

- Tuyết Lan là người thiếu nữ ngoan ngoãn ít có. Tôi rất mến nàng.

Trung phá lên cười và thôi thúc:

- Thế thì anh hãy bạo dạn lên một chút nữa. Tôi cứ tưởng anh có ý định xuất gia nên mới thờ ơ. Nếu đã vậy thì từ nay anh phải tỏ ra hoạt bát, linh động và nói những lời tình tứ thắm thiết với nó; chứ đừng nên có thái độ “bát phong xuy bất động “mãi như thế!

- Anh Trung, anh không hiểu nỗi khổ tâm của tôi. Theo tôi, tình bè bạn có thể tùy thời mình cho hay lấy lại được; chứ tình yêu thì không thế! Nói đến tình yêu tất phải có trách nhiệm. Vả lại, chúng taPhật tử, cần phải nhận chân rằng sự sinh tử là việc hệ trọng; ái tình ràng buộc con người và là nguyên nhân của khổ não; người có trí nếu chưa xa lìa hẳn được thì cũng phải dập tắt dần dần, chứ không nên đắm đuối quá!

- Anh nói đúng! Song Đức Phật cũng cho phép những đệ tử tại gia sống cuộc đời yêu đương chính đáng, chứ Ngài không bắt buộc ai cũng phải xuất gia diệt dục. Tôi xem Tuyết Lan thương yêu anh lắm, chỉ còn đợi anh thổ lộ tâm tư mà thôi. Có lẽ nào tim anh không biết rung cảm?

- Tôi rất thâm cảm tấm chân tình của Tuyết Lan đối với tôi, nhưng anh nên biết rằng ở đời không có gì bền vững, con người hợp để mà tan, bông hoa tươi thắm rồi cũng có lúc tàn tạ, hạnh phúc ở đời bao giờ cũng kèm theo đau khổ, tình yêu của thế gian là do động cơ nhục dục và tự tư thúc đẩy. Bởi thế, tình cảm của tôi đối với Tuyết Lan từ trước đến nay là một tình bạn cao quý và thanh khiết.

Trung gật gật đầu, lòng chàng thầm phục và càng kính trọng Đức. Thảo nào mà sư phụ thường khen sức học Phật của Đức. Trung nhìn chàng đăm đăm, cảm thấy thái độ của chàng thật nhu mì và đạo đức khiến cho ai thấy cũng phải kính mến chàng.

- Nếu vì hạnh phúc của Tuyết Lan, sau này giả sử anh không xuất gia thì anh có săn sóc nó không?

Đức mỉm cười:

- Dĩ nhiên! Tôi đã chả nói là tôi mến nàng lắm là gì?

Đức ngừng một lát rồi chậm rãi nói tiếp:

- Song tất cả đều do nhân duyên định đoạt. Chúng ta không thể nói trước.

- Thế thì tôi yên lòng rồi! Tôi hy vọng lúc nào anh cũng lưu tâm đến Tuyết Lan.

- Anh nói gì kỳ vậy? Chúng taPhật tử mà lại sợ không có người lưu tâm săn sóc? Ví phỏng sau này cả anh và tôi đều không thể săn sóc Tuyết Lan thì vẫn có Đức Phật che chở nàng kia mà! Song điều tôi mong muốn nhất là tất cả chúng ta đều có thể thoát ly vòng ân ái để xuất gia học đạo. Đó là lý tưởng cao đẹp hơn cả!

- Tôi thì có hy vọng xuất gia được lắm, vì tướng mạo tôi xấu xí, người con gái nào thèm để ý đến tôi? Xấu người lại càng dễ tu! Sau này chỉ một chiếc bát đi vân du khắp đó đây, há không siêu thoát lắm ru?

Hai người nhìn nhau cùng cười, tiếp đó Đức nói:

- Anh nói coi bộ dễ quá, chưa biết đâu anh lại “quẵm “một cô, rồi vài năm sau là con cái quấn quít ngay đấy mà!

- A Di Đà Phật! Trung chắp hai tay đặt lên chiếc mũi hếch của chàng. Quẵm ai?

- Quẵm Tuyết Lan! Đức thẳng thắn nói. Tôi nhận thấy anh là người chồng tương lai mà Tuyết Lan có thể tin cậy suốt đời. Còn tôi, tôi không hiểu tâm lý đàn bà. Hơn nữa, tâm hồn tôi lại mơ ước một cảnh giới cao siêu khác, một ngôi chùa tịch mịch thanh u để …

- Nói nhảm. Trung cắt ngang câu nói của Đức. Cư sĩ tại gia cũng tu hành được chứ sao? Như ông Duy Ma và bà Thắng Mạn đều là đệ tử tại gia của Đức Phật, nhưng họ cũng thành tựu được hạnh nguyện cao cả của Bồ tát đó thôi!

Đến đây, Trung hạ thấp giọng và nói chậm hơn:

- Vì tôi xấu xí nên Tuyết Lan chỉ coi tôi như anh ruột của nó, còn đối với anh thì lại khác!

- Sao anh lại bắt chước thói đời, chỉ nhận xétphán đoán con người theo hình thức bề ngoài? Riêng tôi, tôi nhận thấy anh là người thanh niên có khí phách, lòng anh cao đẹp lắm và đó mới là vẻ đẹp chân chính. Tôi chắc Tuyết Lan phải hiểu điều ấy.

- Buồn cười chưa! Tôi đến khuyên anh, song lại bị anh khuyên. Nhưng, như anh đã nói, tất cả đều do nhân duyên.

Hôm ấy, Đức và Trung cùng đưa Tuyết Lan lên lễ Phật trên núi Ngũ Đài. Sau khi lễ xong, sắp sửa ra về thì Đức đưa mắt nháy Trung, ý muốn bảo Trung đem quyết định của hai người nói cho Tuyết Lan biết. Trung hiểu ý, nên lúc họ vừa bước ra khỏi cửa chùa, Trung nói với Tuyết Lan:

- Hãy còn sớm, chúng ta đi ra phía sau chùa, ngồi trên bờ suối nghỉ chân và ngắm cảnh một lúc đi!

- Ý kiến anh Đức thế nào? Tuyết Lan hỏi.

Đức gật đầu:

- Cũng được! Anh Trung còn có chuyện muốn nói với em.

Khi tới bờ suối, ba người cùng ngồi trên một phiến đá lớn. Trung bắt đầu:

- Tuyết Lan à, Bình Tân thất thủ, em có thấy chiến sự ở Thượng Hải trở nên khẩn trương lắm không?

- Có, em có đọc tin tức trên báo.

- Trong lúc quốc gia lâm nguy như thế, là thanh niên, các anh phải làm gì?

Tuyết Lan đã linh cảm trước, nên hỏi lại:

- Thế các anh tính sao?

- Các anh đã quyết định mai lên đường tòng quân.

- Thật à? Tuyết Lan vội hỏi Đức.

Đức gật đầu. Tuyết Lan kinh ngạc. Ba người cùng yên lặng. Bầu không khí nặng nề như muốn nghẹt thở. Cuối cùng, Tuyết Lan hỏi qua giọng u uất:

- Sao các anh không cho em biết sớm?

- Sợ em bịn rịn. Đức đáp.

- Em sẽ không ích kỷ, em sẽ không ngăn cản chí nguyện cứu quốc của các anh.

Những giọt lệ tràn ra mí mắt và lăn xuống hai gò má của nàng.

- Thế thì em giỏi lắm! Trung nói. Mong em ở nhà hãy giữ gìn sức khỏe. Khi nào thắng lợi, các anh trở về. Lúc đó, chúng ta sẽ lại gặp nhau.

- Biết bao giờ mới được tái ngộ?

Đức nói an ủi nàng:

- Luật nhân quả của Phật đã dạy: “Kẻ tàn bạo không bền ”. Em cứ yên tâm, quân phiệt Nhật không thể dày xéo đất nước này lâu được!

- Mong các anh sẽ về sớm!

Khi thốt ra những lời ấy, Tuyết Lan đặc biệt nhìn Đức. Đức gật đầu.

Tuyết Lan lau nước mắt rồi theo Đức và Trung đi xuống núi. Khi họ về tới Nam Kinh, mọi nhà đều đã thắp đèn.

Ngay tối hôm ấy, Tuyết Lan tìm đến nhà Đức. Nàng mang theo một bức tượng Đức Quan Âm bằng vàng, trao cho Đức và nói:

- Đây là bức tượng Đức Quan Âm mà em thường mang ở cổ. Em tặng anh để anh mang theo trong người, vừa để cầu Ngài phù hộ cho anh, đồng thời cũng để kỷ niệm nữa.

- Cảm ơn em, anh nhìn thấy hình tượng Bồ tát Quan Âm cũng như nhìn thấy em vậy!

Nói xong, Đức và Tuyết Lan lại đến Trung để cùng lên chùa Cổ Lâm bái biệt Hòa thượng Tuệ Học. Sau khi biết ý định của họ, Hòa thượng nói:

Các con là thanh niên, lúc quốc gia lâm nguy mà biết lập chí cứu nước như thế, thầy cũng khen cho chí nguyện của các con. Dù các con có vì nước mà hy sinh thì đó là sự quang vinh của người thanh niên vậy!

Được Hòa thượng khuyến khích mấy câu, họ lại kiên quyếttin tưởng hơn. Sau đó, vì đêm đã khuya nên họ bái biệt Hòa thượng rồi kéo nhau ra về.

Sáng hôm sau, Đức và Trung lên đường. Giờ phút chia ly mới ai oán làm sao! Tuyết Lan thấy lòng quặn đau và không thể nào ngăn được dòng lệ thảm.

******

Đúng vào lúc Đức và Trung tham chiến trên các mặt trận thì địch quân cũng mở các cuộc tấn công dồn dập và mãnh liệt để chiếm các căn cứ trọng yếu. Tiếng liên thanh, đại bác nổ vang rền; lửa từ mũi súng lóe lên như những lằn chớp giật, đạn bay như mưa, khói đen mù trời. Quân đội hai bên lần lượt xung phong và tiếp nhau ngã gục trước những ngọn súng đang nhả từng loạt đạn. Chiến tranh diễn tiến một cách vô cùng khốc liệt.

Tiếng súng thưa dần và cuối cùng chiến trường đã trở lại bình tĩnh. Từ cạnh một mô đất nhỏ, Trung lóp ngóp bò dậy, toàn thân lấm láp như người vừa dưới nấm mồ chui lên. Quân đội đã rút hết, chàng đưa mắt nhìn tứ phía, nhưng không thấy bóng quốc kỳ tung bay. Chàng thất vọng và biết chắc rằng lát nữa đây thế nào địch quân cũng sẽ đến quan sát và lục soát. Chàng sờ vào mình, bỗng chàng có cảm giác như người vừa tỉnh mộng. Đức, đồng bạn của chàng đâu? Trước mặt chàng như có những bóng đen lờ mờ đang lướt tới. Chàng không thể chạy được, chàng phải đi tìm Đức trong những xác chết nằm ngổn ngang trên mặt đất. Người thì gãy tay đứt chân, kẻ thì vỡ sọ, thủng bụng, máu me lênh láng như một dòng suối đỏ ngầu. Bầu không khí chết chóc bao trùm trên trận địa hoang lương thê thảm. Trung đang vội vàng tìm Đức, bỗng chàng nghe có tiếng rên rỉ ở đâu vang lên. Trung lắng hết sức để nghe, cuối cùng chàng nhận ra tiếng than thở văng vẳng từ một đống thây ma gần đấy. Lập tức, Trung chạy lại và dùng hết sức lực để bới đống xác người chồng chất lên nhau thì thấy một bộ mặt nhợt nhạt bị vùi ở dưới.

- Ô, còn sống, may quá! Trung sung sướng nói một mình. Chỉ bị thương ở đùi thôi, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng máu ra nhiều quá!

Vừa nói, Trung vừa xé một mảnh áo của chàng, rồi buộc vết thương lại để máu khỏi chảy. Lâu lắm, Đức mới hé cặp mắt lờ đờ nhìn Trung, mắt chàng mở to dần và khi chàng nhận ra Trung thì một cảm giác sung sướng tràn ngập lòng chàng. Nhưng chàng cố nói một cách yếu ớt và thương thảm:

- Tôi không có hy vọng sống được đâu, hãy chạy mau đi!

- Không! Hễ về được trạm cứu thương là anh sẽ sống.

- Thôi, xin anh đừng bận bịu vì tôi, mang theo một người bị thương vượt qua khu vực của địch là một việc vô cùng khó khăn. Sư phụ đã nói đem thân đền nợ nước là một vinh quang của chúng ta. Hiện giờ, tôi còn sống để được nhìn anh lần cuối cùng, thế là tôi thỏa mãn lắm rồi!

- Không! Tôi không thể bỏ anh.

- Đi đi! Anh chạy mau đi. Nếu không, chúng ta sẽ chết cả! Đức quả cảm nói. Xin anh về báo cho cha mẹ tôi, báo cho sư phụ và Tuyết Lan, nói là tôi đã đi theo chư Phật. Xin đừng thương xót và đau buồn.

Mấy giọt lệ anh dũng tràn ra mí mắt Đức và chàng nghẹn ngào thổn thức nói:

- Mong anh hãy săn sóc Tuyết Lan, đem bức tượng Đức Quan Âm này trả lại nàng.

- Không! Anh không đi thì tôi cũng không đi. Chúng ta cùng chết với nhau!

Trung lại thúc giục và khuyên giải thêm:

- Nếu ở lại đây, chúng ta sẽ bị quân địch bắt làm tù binh, như thế thì càng tủi nhục hơn! Nào, đứng lên! Tôi cõng anh đi.

Đức cúi đầu yên lặng. Trung bế chàng dậy. Một cảm giác đau đớn nhức nhối chạy khắp người chàng, toàn thân chàng như tan rã. Bám trên lưng Trung, chàng khổ sở nói:

- Anh Trung, xin anh để tôi ở lại đây! Tôi không thể đi được. Hơn nữa, đi như thế này thì nguy hiểm cho anh lắm!

- Thôi, anh đừng nói nhiều.

Trung cặm cụi cõng Đức đi. Khi họ tới bờ sông, trời đã nhá nhem tối. Trung đặt Đức ngồi nghỉ một lát trên bờ sông và để quan sát địa thế. Con sông nhỏ hẹp không sâu lắm và cây cối um tùm hai bên bờ, tạo thành một hàng rào phòng ngự thiên nhiên. Bên kia sông, chắc là ít quân địch.

Trung tìm một khúc nông và hẹp, rồi cõng Đức qua sông. Họ vừa mới lóp ngóp lên được bờ sông bên kia thì bỗng một tràng liên thanh vang lên từ phía bên này sông. Hai người vội nằm sát xuống đất, nín thở để nghe ngóng và họ yên lặng trong một hồi lâu.

Màn đêm đã phủ kín, gió lạnh, sương mờ, bốn bề tịch mịch hoang lương, lòng họ luôn luôn thầm niệm danh hiệu Phật.

- Anh Trung ơi! Địch quân đã biết mục tiêu của ta rồi. Anh hãy bỏ tôi đây, một mình anh chạy mau đi!

-Chỉ cần qua được giai đoạn khó khăn tối hậu này là chúng ta nhất định trở về đến đồng đội.

-Bây giờ, ta đi về phía tay mặt; qua ba cánh đồng thì sẽ tới một hào lũy và qua hào lũy ấy là đến dinh trại, thế là an toàn rồi!

Đường đất gập ghềnh khó đi. Trung cõng Đức mò từng bước trong đêm tối. Thực sự, chàng thấy mệt mỏi vô cùng. Khi họ gần tới hào lũy, lại một loạt liên thanh vang lên, rồi tiếp sau đó là một ngọn đèn pha xanh lè từ một đồn bót nào gần đấy phóng ra, như một ngọn chổi, ánh sáng quét trên cánh đồng rồi dừng lại trên thân hình Đức và Trung. Một nhân viên từ đồn bót chiếu kính viễn vọng theo ánh đèn và thấy hai người mặc y phục quốc quân, liền ra lệnh cho mấy binh sĩ tiến đến để dò xét. Khi họ tới nơi thì phát giác Đức và Trung đang nằm bất tỉnh. Lập tức, họ đưa hai người về dinh trại cứu cấp.

Nhưng liền sau đó, Đức đã tỉnh. Chàng mở mắt tìm Trung thì thấy Trung đang nằm bên cạnh. Mặt Trung tái mét, máu thấm đầy ngực áo. Một cảm giác đau thương đã xâm chiếm cõi lòng Đức, toàn thân chàng run rẩy, nước mắt trào ra, chàng khẽ lay lay người Trung và gọi “Anh Trung! Anh Trung! ”, nhưng không thấy Trung trả lời. Đức ôm lấy Trung, hai hàng lệ ràn rụa ướt đẫm hai gò má hốc hác nhợt nhạt của chàng:

- Anh Trung! Tôi làm khổ anh, tôi đã hại anh, xin anh tha thứ cho tôi!

Dứt lời, Đức đổ người xuống. Một cơn đau đớn kịch liệt bộc phát, máu lại tuôn ra từ vết thương của Đức. Chàng cảm thấy như trăm ngàn mũi dao bén nhọn đang xỉa xói vào tâm can chàng. Chàng quờ quạng một lúc, rồi đôi mắt trợn lên và cũng trút hơi thở cuối cùng.

******

Sau khi Đức và Trung vĩnh biệt cõi đời, trong những di vật của Đức, người ta thấy một phong thư đã viết từ trước, đề gởi cho một người con gái tên Tuyết Lan; ngoài bì thư nói là nhờ viên đội trưởng mở ra xem rồi trao tận tay cho Tuyết Lan.

Bức thư của Đức viết như sau:

Tuyết Lan,

Đêm nay, ngoài tiền tuyến, anh đang ngồi trong một chòi gác nơi đèo heo hút gió để viết bức thư này cho em. Sự sống chết của các anh qua giờ nào biết giờ ấy, được ngày nào hay ngày ấy. Đối với em, anh vẫn còn ôm ấp một tâm sự trong lòng mà chưa bao giờ anh nói ra. Bởi thế, anh viết trước mấy hàng này để lại. Nếu anh được vinh hạnh hiến thân cho tổ quốc, mong rằng anh em đồng đội sẽ hiểu thấu nỗi lòng anh và sau khi thắng lợi sẽ mang bức thư này trao tận tay em.
Tuyết Lan ơi! Con người từ xưa đã ai tránh khỏi cái chết? Nhất là đối với chúng ta, những người Phật tử kiền thành, sự sống chết chẳng khác gì bọt trên mặt nước. Anh thú thật với em rằng khi anh ghi tên tòng quân, anh đã lập chí nguyện là sẽ chiến đấu và bỏ mình trên sa trường để đền nợ nước.

Điều đó không phải là không có lý do. Tuyết Lan ạ, mối tình thắm thiết và thầm kín của em đối với anh, anh đã hiểu từ lâu. Nhưng Tuyết Lan ơi, trước khi anh được quen biết em, cũng đã có một người mang lòng thầm yêu trộm nhớ em rồi! Người ấy tự cho mình xấu xí nên không dám thổ lộ tâm tình cùng em. Trái lại, chàng nuốt khổ, chịu đau và giúp đỡ em để mang lại mối tình khắng khít giữa chúng ta. Tâm hồn chàng cao cả như vậy, lẽ nào anh lại có thể ích kỷ và tự tư?

Tuyết Lan ạ, người ấy chính là Trung, bạn thâm tình của chúng ta.

Trung là một thanh niên có phẩm tính cao thượng. Trong quân ngũ, các anh vui buồn có nhau, hoạn nạn có nhau; các anh đối với nhau như tình ruột thịt. Trung cứ nhắc anh khi nào thắng lợi trở về thì phải kết hôn với em. Còn Trung, chàng nguyện trọn đời hiến thân cho Phật pháp. Tuyết Lan, anh biết nếu anh làm thế thì lương tâm anh sẽ cắn rứt suốt đời. Anh quy y Phật từ lâu, trong gia đình anh còn nhiều anh em, ba má anh đã dạy anh phải thương yêu người khác như thế nào? Anh yêu em và yêu cả Trung, tình yêu không nhất định cứ phải kết hôn. Yêu là hy sinh. Khi còn tu hành, chư Phật và Bồ tát đã thương yêu cả muôn loài, đem thân mệnh bố thí cho cọp đói. Trung và anh cùng một tín ngưỡng, cùng một tôn sư, sướng khổ có nhau, làm sao anh có thể cướp người mà Trung hằng yêu thương?

Tuyết Lan, anh mong em đừng xét người theo bề ngoài. Nếu anh có hy sinh cho tổ quốc và khi quân đội trao bức thư này đến tay em, anh xin em hãy sớm kết duyên với Trung. Nếu được như vậy, anh sẽ ngậm cười nơi chín suối và chúc mừng hạnh phúc của các em.

Ngày 4 tháng 3 năm Dân quốc thứ 29

CHU ĐỨC 

Viên đội trưởng xem xong bức thư, tỏ vẻ rất cảm động. Ông giao phong thư cho một nhân viên tình báo, dặn phải tìm đến trao tận tay Tuyết Lan hiện bị kẹt trong khu vực do địch kiểm soát, đồng thời viết thêm một bức thư gửi kèm theo để báo cho nàng biết là Đức và Trung đều bỏ mình ngoài mặt trận.

Ít lâu sau, trong số các sư nữ ở am Tử Trúc tại Nam Kinh, người ta thấy một ni cô trẻ đẹp đã tốt nghiệp tại Đại học Trung ương và mới xuất gia, trông nàng như một người mẹ hiền. Nàng đã đem tình yêu Đức và Trung dâng lên Đức Phật và hiến cho hết thảy chúng sinh. Nàng lấy công việc từ thiệncứu tế xã hội làm sự nghiệp.

Đáng tiếc là loạn ly lại phát khởi, không biết ngày nay ra sao?


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 8706)
Cổ nhân cho rằng con người làm việc gì cũng đều có nhân quả báo ứng, thiếu nợ cái gì phải hoàn trả cái đó.
(Xem: 27497)
Hành thiện sẽ tích được phúc báo. Nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều việc mà chúng ta vô ý làm sẽ không những không tích được phúc báo mà còn...
(Xem: 8884)
Ôi, thử tưởng tượng đời sống này không có Cha! Một khi trôi lăn, biết đâu nẻo về! Bầu trời sẽ tăm tối hơn.
(Xem: 8663)
Nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sinh tử là gì? Là sự chấp ngã bám víu vào sắc thân năm bảy chục ký lô này là ta, là của ta...
(Xem: 11180)
Các giới văn học Việt Nam xưa nay, thường nói : “Là thi sĩ, ai cũng có tâm hồn rất lãng mạn, đa tình trước trăng, sao, núi non, sông, hồ...
(Xem: 9906)
Việc làm rất thiện, rất lành, Nếu làm xong thấy lòng mình thảnh thơi, Chẳng ăn năn, lại mừng vui, Tương lai quả báo đẹp tươi tốt lành.
(Xem: 11509)
Dưới đây là 12 đường nhân quả báo ứngảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của mỗi người. Đó là gì, hãy cùng xem nhé!
(Xem: 8695)
Ta bà vốn cõi mộng, do thức biến. Người đang tu chưa thể hiểu thấu, chỉ biết tin theo lời Phật để mong một lần tỉnh mộng.
(Xem: 8692)
Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, ý muốn dạy chúng ta rằng làm gì thì cũng phải coi trọng đức, tích đức và đề cao tầm quan trọng của đức.
(Xem: 9490)
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn...
(Xem: 9140)
Được xuất gia là điều khó, nhưng gia nhập hội chúng xuất gia rồi, từng bước tiến tu để đi đến thành tựu giải thoát lại càng khó hơn.
(Xem: 17238)
Hôm đó là một ngày lịch sử của tiểu bang rộng nhất nhì nước Mỹ nầy và đặc biệt là vùng Houston, nơi có chùa Trúc Lâm đang hiện hữu với một rừng trúc bạt ngàn...
(Xem: 27366)
Năm xưa tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã qua đời! Lần đầu tiên tôi hiểu, thân phận trẻ mồ côi...
(Xem: 15364)
Nói một cách đơn giản, Thiện-tri-thức tức là người có trí huệ, ác tri thức tức là người ngu si.
(Xem: 8848)
Cơn giận của con người hiển hiện khắp mọi nơi trên thế giới, là nguồn cơn của cái ác, bất hạnh và khổ đau.
(Xem: 8718)
Nếu ta kháng cự với giây phút-hiện tại là ta đang làm sai— là ta đang khích trương cái ý-chí và càng làm nó mạnh bạo hơn.
(Xem: 10594)
Chưa hoàn mỹ là cơ hội để bạn cố gắng, ước mơ, hy vọng chứ không phải là lý do để bạn tự dằn vặt về sự thiếu kém hay thất bại của mình.
(Xem: 8390)
Một câu trong kinh Hoa Nghiêm: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (một là tất cả, tất cả là một).
(Xem: 9308)
Trong trái tim triết lý hòa bình của Đức Đạt Lai Lạt Manăng lực nuôi dưỡng sự tha thứ.
(Xem: 8329)
Rất khó khuyến khích và truyền cảm hứng cho người khác mà không làm họ thất vọng ít nhiều.
(Xem: 7816)
Sự tự lừa phỉnh mình có nhiều lớp chồng lên nhau. Càng tu tập lâu dài và càng tìm hiểu mọi sự vật thì ...
(Xem: 9094)
Nói nghiệp là quyền năng trong tay mình định đoạt. Cuộc sống đời này và đời sau do mình an bài lấy.
(Xem: 8775)
Tất cả chúng ta dù lớn, dù nhỏ có mặt trên trần gian này, ai cũng thấy bản ngã của mình là quan trọng...
(Xem: 8218)
thế gian có những sự việc xảy ra, người mê lấy làm vui thích, người tỉnh không tán thán. Ngược lại có những việc người mê cho là khổ, người tỉnh lại vui vẻ thực hành.
(Xem: 8299)
Ai cũng biết Thế Tôn là bậc Phước trí nhị nghiêm, viên mãn phước đứctrí tuệ. Ấy vậy mà suốt cả cuộc đời, Ngài vẫn tiếp tục
(Xem: 9042)
Biết rõ quả hẳn từ nhân mà có, không có chuyện ngẫu nhiên. Hiên tại khổ hay vui đều do nhân quá khứ đã tạo, muốn không khổ , muốn được an vui, phải tránh nhân xấu.
(Xem: 8898)
Vô thường và cái chết giống như bóng tối trải dài của buổi hoàng hôn ở cửa đèo. Nó đến gần không hề ngơi nghỉ ngay cả trong chốc lát.
(Xem: 8974)
Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã.
(Xem: 8870)
Để không đánh mất chính mình chúng ta phải sống tỉnh giác, là khi làm việc gì ta phải biết rõ việc đó; khi đi biết mình đang đi, khi...
(Xem: 10532)
Thực hành Phật pháp là học cách sống, và đó là con đường vừa đầy niềm vui vừa đầy thách thức.
(Xem: 14439)
Đau khổ là một phần của cuộc sống đối với tất cả chúng sinh có tình thức. Nếu chúng ta biết tìm ra nguyên nhânphương cách để thoát khổ, chúng ta sẽ bớt khổ hơn.
(Xem: 10009)
Khi bạn phân tích triết lý này từ quan điểm của y học Trung Quốc cổ đại, sinh lý học và tâm lý học hiện đại, bạn có thể thấy rằng “tướng do tâm sinh” là có thể lý giải.
(Xem: 8813)
Mở bất kỳ Kinh Nhật Tụng nào trong các chùa Bắc Tông, chúng ta đều thấy có các nghi thức cầu an, cầu siêu. Nhiều người nghĩ rằng...
(Xem: 8897)
Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không.
(Xem: 21744)
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn, hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa.
(Xem: 8707)
Theo quan điểm Phật Giáo, đau khổsự thật mà không ai có thể trốn tránh được. Chúng ta ai rồi cũng phải đối mặt với sự già nua, sự đau ốm...
(Xem: 8503)
Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da sắc tộc, tính nết của con người hoặc đẹp hay xấu đều ảnh hưởng nửa đời trước của chính mình,
(Xem: 8282)
Phòng hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tắm trong ánh nắng dịu dàng của buổi sáng.
(Xem: 8388)
Đức Phật thành tựu giác ngộ cũng nhờ nương theo tinh thần trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạckhổ hạnh.
(Xem: 8598)
Nếu muốn mang lại cho mình sự bình lặng thì các bạn phải thực hiện được nó trên tất cả mọi mặt.
(Xem: 7553)
Bậc chứng thánh, bậc chân tu thực sự có công phu, sống trong tịnh pháp, phần lớn đều là những người vô bệnh.
(Xem: 11629)
Phải chăng còn tùy vào căn cơ của mỗi chúng ta nhận nhiều hay ít, nhưng dòng sông không biết đợi mà sẽ chảy hoài chảy mãi không thôi...
(Xem: 21634)
Phật dạy: với người không có duyên, ta dù có nói bao nhiêu lời và dùng nhiều phương tiện thiện xão cũng bằng thừa.
(Xem: 7791)
Các pháp hữu vivô thường, có được rồi cũng sẽ mất, có thành thì phải biến hoại, có sinh thì ắt sẽ bị già bệnh chết.
(Xem: 9282)
Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt.
(Xem: 14031)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành thời gian cả cuộc đời mình cho Phật giáo, với mong muốn mang lại hạnh phúc cho mọi người.
(Xem: 9028)
Kinh vô lượng nghĩa. Vô lượng trước hết nên hiểu nghĩa từ cạn đến sâu, từ thấp lên cao.
(Xem: 8792)
Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên.
(Xem: 8191)
Những Thiền sư VN đã sống trọn vẹn đời mình theo những điểm căn bản của Đại thừa như vậy, và một khi phát khởi tâm Bồ đề...
(Xem: 8507)
Lời khuyên của Đức Phật là khi làm từ thiện, chúng ta hãy kêu gọi những người khác cùng chung-sức với mình, như thế ...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant