Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Xuống núi

21 Tháng Mười 201000:00(Xem: 12834)
Xuống núi


I.

Tịnh thất nằm bên triền núi, quanh năm vắng lặng, ít người lui tới. Cái quang cảnh vắng vẻ heo hút tạo cảm giác rờn rợn khi tôi đặt chân đến. Vị thầy già nhìn tôi dò xét, ái ngại buông một câu kiểu độc thoại, “Ta nghĩ nó không thể nào sống được nơi đây”.

Tôi dạo một vòng quanh tịnh thất, dừng lại trước sân, nhìn về phía đồng bằng. Một vùng bát ngát xanh với những xóm làng ẩn hiện trong màn sương khói lờ mờ. Nơi này cách dưới kia bao xa nhỉ? Tôi tự hỏi và quay lại chỗ vị thầy già. “Đã muốn lên núi sống sao còn hỏi nó cách dưới kia bao xa? Ta nghĩ nó sợ tách rời đời sống dưới kia”. Ông lại nói theo kiểu độc thoại.

Tôi bước vào bên trong tịnh thất. Mùi ẩm móc ngai ngái xông lên ngàn ngạt khiến hơi khó thở. Cây đèn dầu leo lét trên bệ thờ hắt một chút ánh sáng nhàn nhạt lên bức tượng Phật, chập chờn bí ẩn. Tôi chắp tay xá theo thói quen, rồi đảo mắt nhìn quanh. Chẳng có vật dụngđáng kể bên trong. Một chiếc giường nhỏ kê sát vách. Một chiếc bàn cũ chất đầy những kinh sách rách tươm. Và một vài vật dụng cá nhân móc ở gốc nhà. Đơn giản. Hơn cả đơn giản.

“Con quyết định ở lại đây”, tôi nói với vị thầy già khi bước ra. Ông không nhìn tôi, bước vào tịnh thấtđáp lại chỉ có một chữ “tốt”. Mười phút sau ông quay ra với chiếc đảy xách, nhìn tôi, bảo, “Cứ sống ở đây. Lúc nào không muốn nữa thì xuống núi. Không nên có bất cứ sự ràng buộc nào”. Nói rồi ông xách đảy xuống núi. Tôi bước theo, muốn tiễn ông một đoạn, nhưng ông khoát tay bảo, “không cần”. Và chợt nhớ ra mình chưa hỏi ông tại sao lại quyết định xuống núi, tôi hỏi với theo, “nhưng sao thầy không sống ở đây nữa? Thầy định đi đâu?” Ông dừng lại, nhưng không quay mặt lên, lại bước đi mà không trả lời. Chả biết ông ấy đã đắc đạo hay chán tu ở đây? Tôi ngẫm nghĩ và nhìn về phía đồng bằng. Nếu thấy không thích hợp thì có thể về lại dưới kia. Không nên có bất cứ sự ràng buộc nào. Lời vị thấy già đang tan vào rừng núi.

Việc đầu tiên của tôi là quét dọn lại am thất. Lục lọi một lúc, tìm được mấy cây bạch lạp, tôi đốt hết lên để xua đi cái không khí ẩm thấp có phần dơ bẩn. Mạng nhện dăng đầy trên mái nhà, giăng đến cả bức tượng Phật tróc sơn. Lũ chuột hôi đuổi nhau kêu chin chít, kết hợp với tiếng tắc lưỡi của đám thằn lằn tạo nên một thứ âm thanh nghe ghê ghê. Thằn lằn con nào cũng mập ú, to một cách khác thường, chả biết sao chúng lại to đến vậy, lẽ nào côn trùng ở đây bổ dưỡng hơn?

Đêm đầu tiên tôi không thể nào chớp mắt được. Tất cả đều do sợ. Sợ gì? Đủ thứ. Nhất vẫn là rắn, thứ mà vị thầy già nhắc tôi phải cần thận khi sống ở đây. Nhưng sâu thẳm vẫn có những nỗi sợ khác, tôi không thể gọi tên. Tiếng gió đập vào những tàn cây bên ngoài, tiếng nhành cây gãy, tiếng con mang tác, tiếng chim cú kêu đều khiến tôi rùng mình. Âm thanh đều hư vọng, tôi cố nghĩ như vậy để xua đi sự sợ hãi. Rồi tôi nhớ đến một bài kinh trong Kinh Trung Bộ, đề cập đến những vấn đề của một tỳ kheo độc cư trong rừng sâu. Khi người ta nhớ đến cài này sẽ tạm thời quên đi cái kia.

Ngày tiếp theo công việc của tôi là nhổ cỏ quanh am thất, cố gắng làm cho quang cảnh thoáng đảng hơn, sửa lại nguồn nước mà vị thầy già dùng ống tre dẫn từ một khe nước nhỏ trên cao về. Nước trong và mát lạnh, chảy suốt ngày lên một phiến đá, nấu ăn hay tắm rửa đều dùng nguồn nước ấy, không lọc cũng không có thùng chứa. Đêm thứ hai tôi bắt đầu ngủ được, cảm giác sợ sệt có phần giảm, xét ra cũng dễ thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Sau vài ngày đã thấy ngôi thảo am trở nên thân thuộc. Thỉnh thoảng tôi nhìn về phía đồng bằng, nhơ nhớ một chút gì đó rồi cũng dễ dàng quên đi. Sau cái màn xanh xanh của những cánh đồng ấy, sau những ngôi nhà ẩn hiện trong sương khói êm đềm ấy có rất nhiều điều không hề phẳng lặng.

Bố tôi hay tin tôi bỏ lên núi thì rối lên, như thể tôi đã quay gót và biến mất khỏi cuộc đời này. Ông đón xe về chùa, lân la hỏi thăm rồi nhờ người dẫn đường lên núi tìm tôi. Gặp tôi ông bàng hoàng sững sốt, run run tay chân như chừng muốn té ngã. Ông nằng nặc buộc tôi phải trở về chùa, với lý do sống ở núi nguy hiểm, bệnh nặng ai biết đâu mà cứu giúp, bố mẹ có trở gió trái trời làm sao biết để về. Ông lý lẽ, tu thì ở nơi nào chả tu, đâu phải cứ lên núi; thời buổi bây giờ tách rời xã hội vài hôm đã trở nên lạc hậu; ở núi học hỏi được điều gì để sau này giảng dạy làm lợi ích chúng sanh. Xưa người ta ở núi ba mươi năm, quay trở về cuốc sống không có gì thay đổi nhiều. Thời đại bây giờ thay đổi chống mặt, sống với nó còn chưa bắt kịp huống hồ xa rời nó. Tôi không biện minh gì, chỉ nói, “con thấy thích sống nơi này. Khi nào không còn thích hợp con sẽ trở về.”

Nói một thôi một hồi thấy không thuyết phục được tôi, ông thở dài thườn thượt, tỏ ra thất vọng. Bước quanh thảo am, ông lắc đầu ái ngại, “Cuộc sống dưới kia lẽ nào không tốt hơn sao?”. Bố nói với tôi bằng chất giọng có vị mặn của nước mắt. Tôi tảng lờ quay mặt sang hướng khác. Tôi không nghĩ cuộc sống dưới kia không tốt hơn, nhưng cuộc sống đó khiến tôi có nhiều mệt mõi. Tôi phải vật lộn với nhiều thứ, từ sách vỡ chữ nghĩa cho đến những vấn đề trong đời sống hàng ngày, và rồi cuối cùng tôi cũng chỉ là một gã tu sĩ không hơn không kém. Giá trị của một tu sĩ hình như ngày càng được định giá khác đi, qua bằng cấp, một chức vụ gì đó trong giáo hội, khôn ngoan lợi khẩu, đôi lúc cả bằng việc cúng đám hay dở. Việc tu học nhiều khi trở thành khẩu hiệu trống rỗng. Bên cạnh, các vấn đề mới của xã hội đã len vào tận thiền môn mà những giới luật của hơn hai ngàn năm trước không có để ngăn chặn (mà có cũng chưa biết có mấy người giữ), và người ta mặc sức làm những điều chướng tai gai mắt một cách công khai, vì cho là không phạm giới luật. Không ít tăng sĩ xe xua hợm hĩnh, đang sống đời sống của tầng lớp thượng lưu. Các mối quan hệ sư phụ đệ tử, chùa chiền môn phong, tổ đình tông phái đã trở thành đầu mối của những phân rẽ, thiếu đi sự chia sẽ cần thiết của những người mang chí hướng thoát ly tam giới. Đi tìm một ngôi chùa trú học điều được hỏi đầu tiên là đệ tử ai, ở đâu. Bảo rằng đệ tử của một thầy A ở trên một ngọn núi B tại một tỉnh C hẻo lánh nào đó, hoàn toàn không có chút quan hệ nào với ngôi chùa sở tại thì bị từ chối là chuyện chắc, đôi khi lịch sự, đôi khi khinh bỉ, dù có trình ra giấy chứng minh và tăng điệp để xác chứng thân phận của mình…

Bố đưa một số tiền cho người dẫn đường và dặn với anh ta một vài điều gì đó. Người kia đi xuống núi sau một cái gật đầu chào. Tôi nói với anh ta, “Hôm sau làm phiền anh lên lại đây đưa giúp bố tôi về. Không biết có được không?”. Người kia nhìn bố tôi, không nói năng gì và đi xuống núi. Hôm sau anh ta trở lại, cùng thêm một người nữa và mang theo một vài vật dụng. Thì ra do bố tôi dặn anh ta mua. Người đàn ông lên sau là một thợ mộc. Theo hướng dẫn của bố, anh ta đã sửa sang lại am thất, trổ thêm cửa sổ cho thoáng đãng, nêm đinh lại những chỗ đã sổ ván.

Bố ở lại thêm vài hôm nữa thì trở về. Trông ông có vẻ yên tâm hơn lúc hôm mới đặt chân lên. Vã lại ông cũng biết rằng khó mà thay đổi được tôi, đứa con trông hiền lành những tính tình bướng bỉnh, ngay từ hồi còn nhỏ. Bố dặn tôi nhiều điều. Tôi chăm chú lắng nghe cho bố yên tâm, chứ thực sự không biết có nhớ để mà thực hiện hay không.

Sau dạo đó cứ vài tháng bố lên thăm tôi một lần, mang theo những thứ mà bố nghĩ là cần thiết. Tôi nói rằng bố không phải lên núi hoài như vậy, nếu cần gì tôi có thể về dưới kia mua được, thời gian cả đi lẫn về chỉ hơn nửa ngày. Nhưng hẳn là bố không nghĩ việc đem lên cho tôi một ít thực phẩm hay vật dùng là điều cần thiết, mà xem tôi sống ra sao, sức khoẻ thế nào mới là điều quan trọng. Nhiều khi tôi thật áy náy, thấy mình chẳng ra sao cả. Bố hiểu tâm trạng của tôi nên an ủi, “Thầy đừng nghĩ ngợi gì. Bố mẹ nào mà không thương con. Thầy sống an ổn là tốt rồi”. Đôi lần thấy bố vất vã quá, muốn trở về lại dưới kia cho xong, nhưng vẫn không thực hiện được.

Trăng mấy độ qua núi, cây mấy lần vàng lá rồi xanh, tôi nếm trãi những ngày tháng thật cô quạnh nơi ngôi am thất heo hút này. Nhưng trong cái cô quạnh ấy tôi có được sự an bình. Cây bằng lăng trước sân lại nở bông biêng biếc. Tôi rất thích bằng lăng. Hồi còn ở dưới kia có trồng hai gốc, nhưng ở trong chậu. Chúng luôn bị câu thúc bởi sự nhỏ hẹp của chiếc chậu lẫn sự uốn ép của con người để tạo nên những hình dạng khác hơn, đáp ứng nhu cầu “thẩm mỹ”. Còi cọc với hình dáng được cho là đẹp, nó vẫn trổ bông khi đến mùa. Những chiếc bông tim tím, cống hiến cái đẹp cho cõi sống này dầu khi bị vắt ép thân xác. Những cây bằng lăng ở trước tịnh thất chúng mọc tự do, nhưng đang là đối tượng của đám người đi đào cây, nếu không có tôi chắc cũng đã nằm trong những chiếc chậu nào đó.

Ngày càng có nhiều người đi qua am thất. Họ lên núi với nhiều mục đích. Người thì đi đốn chặt cây, kẻ thì đốt than, bẻ măng. Đôi khi một người, đôi khi vài người. Đôi khi im lặng, đôi khi ồn ào huyên náo bàn tán chuyện trò. Thỉnh thoảng có người vào thất xin nước, nghỉ ngơi. Có người nhìn tôi với sự thiện cảm, xem như một vị chân tu, dám náu thân đơn độc trên núi để thực hiện lý tưởng. Có người xoay xoáy nhìn, đầy dò xét, như thể tôi là một kẻ đầy bí ẩn. Có kẻ nhìn tôi khinh khỉnh, bán tàn với nhau rằng “gã kia còn trẻ thế sao lại bỏ lên đây ở nhỉ? Ẩn tu hay tu hú không biết. Mấy ông thầy chùa cũng rắc rối lắm đấy”. Đủ cách nhìn, đủ lời bàn tán về một con người.

Tiếng đốn cây ngày một gần am thất hơn. Những người đốt than trước đó chỉ chặt cây bên kia triền núi, nhưng dần dần đã tiến sát qua phía am thất. Tôi bảo họ đừng nên chặt cây ở phía này, họ gật đầu nhưng không thể thực hiện lời đề nghị, bởi vì triền bên kia cây đã bị đốn sạch. Nhìn những vạt cậy bị đốn xuống, những hố than củi lửa khói hừng hực bóc lên, tôi nhận ra thảm hoạ đang giáng lên ngọn núi và cái am thất nhỏ bé này. Bảo vệ môi trường sinh thái ư? Người ta có thể rêu rao được những từ ngữ đó với cái bụng xẹp lép không nhỉ? Rõ ràng nghề đốt than không phải là nghề đáng giá, không phải thứ người ta muốn bám giữ, nhưng người ta không có sự chọn lựa nào khác. Ai có thể cho họ một cơ hội nghề nghiệp mới? Khẩu hiệu chống tàn phá môi sinh, bảo vệ rừng thường được phát đi từ những toà nhà cao ốc, từ những ngôi biệt thự, chứ không phải từ những túp lều tranh dột nát. Tôi nhìn khu rừng càng lúc càng trơ trụi, thấy ngậm ngùi mà không trách móc ai.

Người đi ngang qua tịnh thất để băng qua bên kia núi ngày càng đông hơn, không chỉ những người lên đây để chặt cây đốt than mà còn cả những người phương phi tốt tướng, trông giàu có sang trọng. Tôi thắc mắc không biết những người ấy qua bên núi để làm gì, hỏi những người đi rừng thì họ bảo, bên kia có một hang núi linh lắm, người ta đồn nhau nên lên đó để cầu may. Thì ra vậy. Mình sống ở đây đã bao năm nay mà không hề hay biết gì cả. Sự tình là do những người đi rừng phát hiện ra một hang động, trong có một khối đá giống tượng Bồ tát Quan Âm, rồi đem điều đó về dưới kia kể lại, một số người tò mò muốn biết nên tìm lên. Có người thấy không tin, nhưng có người thì báo rằng đúng thế, lại còn dựng chuyện bảo rằng trước đây có một vị tu sĩ ẩn tu và đắc đạo ở đấy. Hang đá vì thể trở nên cuốn hút lạ thường.

Tôi cũng mon men tìm sang, xem vấn đề hư thực thế nào. Đúng là có hang động thật. Hang tối om và khó đi vào. Nước ở trên nhỏ xuống làm cho hang động luôn ẩm ướt. Đốt nến lên, tôi thấy bên vách hang có một khối đá, mang dáng dấp một người phụ nữ, nhưng bảo đó là tượng Bồ tát Quan Âm thì phải là người thật sự giàu sức tưởng tượng. Phía cuối hang có một phiến đá phẳng mà người ta nói trước đây vị tổ sư dùng làm nơi thiền toạ. Không biết họ có được thông tin ấy ở đâu? Người ta đặt mấy bát nhang trong hang, không biết từ bao giờ mà chân nhang đã dày kín. Trước cửa hang cũng có người mang nhang bày bán và cũng có cả người ăn xin.

Con đường dẫn lên núi ngày càng rộng ra bởi do người lên về đông hơn trước. Ngôi am thất không còn vắng vẽ như xưa, hầu như ngày nào cũng có người ghé vào. Cuộc sống vắng lặng mấy năm nay bắt đầu xáo trộn. Nguồn nước suối trong vắt giờ đây luôn bị vẩn đục bởi người ta rửa ráy giẫm đạp trên nguồn. Rác rưỡi bị xả đầy triền núi, mùi uế tạp xông lên dọc con đường mòn. Vài người không biết từ đâu kéo đến, cạo trọc đầu, mặc áo vàng, đặt bàn chuông mỏ bên vệ đường, thấy có người đi ngang thì gõ chuông, kêu gọi sự bố thí. Có người im lặng bỏ đi, nhưng có người dừng lại bỏ tiền vào chuông. Hoạt động từ dưới chân núi cho đến hang động ngày càng tấp nập. Các dịch vụ ăn theo như bãi giữ xe, quán nước, người khiêng vác hành lý… cũng theo đó hình thành. Người ăn xin thì la lết dọc theo con đường ngày càng đông hơn. Chính quyền địa phương bao năm chẳng màng gì đến ngọn núi cô quạnh, nay bổng chóc quy nó thành một địa điểm quan trọng của địa phương, lại gắn lên cho nó một cái tên nghe thật kêu “điểm du lịch tâm linh”. Dưới chân núi đã hình thành một địa điểm bán vé cho người lên núi. Tiền thu được nghe mấy ông cán bộ nói là để xây dựng ngọn núi thành một điểm du lịch tâm linh đúng mức!

Họ cũng tìm đến tôi hỏi han về am thất và cả lý lịch bản thân. Biết tôi không phải người địa phương, họ yêu cầu tôi phải đăng ký tạm trú và bảo rằng trong tương lai sẽ xây dựng nơi đây một ngôi chùa. Để làm gì, tôi hỏi lại thì họ bảo để đáp ứng nhu cầu tâm linh của quần chúng. Thật là những cán bộ hết sức vì dân! Họ bảo tôi phải quyết tâm ngăn chặn những người phá rừng; phải góp công giữ gìn cảnh quan cho sạch sẽ; phải giúp họ giữ gìn an ninh ở núi, và phải và phải. Tôi chỉ biết làm thinh trước những gì họ yêu cầu.

Mấy cây bằng lăng trước sân lại trổ hoa, vẫn cái màu tim tím run run buồn buồn thẩn thờ ngơ ngẩn. Đã mấy lần rồi nó ra hoa? Tôi không nhớ. Không phải vì “trong núi năm tàn không có lịch” mà chỉ vì trí nhớ kém cõi. Xóm làng dưới kia vẫn ẩn hiện trong sương khói mờ ảo. Nó không còn gợi lên ít nhiều quyến luyến như những năm đầu tôi lên núi, nhưng sâu thẳm nó khơi lên những gì đó khiến tôi luôn nghĩ ngợi. Ngày về lại dưới ấy có lẽ không còn xa. Không phải vì tôi sắp chứng đạo, mà bởi vì ngọn núi này giờ đây không còn khác gì dưới kia. Tôi lại nhớ đến lời vị thầy già trước đây. Không rõ giờ ông đang ở nơi nào.

II.

Định hình một lúc tôi mới nhận ra con đường dẫn vào chùa. Dù có tấm bảng ghi “Chùa Thiền Đức” treo ở cột điện nhưng tôi vẫn ngờ ngợ, nghi có một ngôi chùa nào đó cùng tên được hình thành ở vùng này. Con đường này trước đây một bên là khu nghĩa địa cỗ, một bên có vài nhà dân nghèo thưa thớt, nay trở thành một con đường nhựa khá lớn, nhà cửa, hàng quán hai bên mọc lên san sát kéo dài cho đến tận cổng chùa. Nhìn sang hai bên, thấy đủ các loại quầy quán, từ café, karaoke, hớt tóc thanh lịch cho đến cửa hàng tạp hoá, quán phở quán nhậu quán cầy bảy món. Tiếng xe máy gầm rú, tiếng tranh cãi, tiếng la hét, tiếng nhạc xập xình từ các quán xá trộn lẫn với nhau tạo nên một thứ âm thanh nhờn nhờn hỗn tạp. Khu này đã được quy hoạch lại, và chiếc cồng đầu đường ghi là “khu phố văn hoá”. Văn hoá là gì nhỉ? Không biết người cho treo tấm bảng có biết được một định nghĩa nào đó trong hàng chục định nghĩa gán cho thuật ngữ này không? Hai từ văn hoá nghe hay hay nên người ta ưa mượn nó để gắn kèm với một cái gì đó: gia đình văn hoá, ấp văn hoá, thôn văn hoá, khu phố văn hoá, công viên văn hoá, khách sạn văn hoá, nhà hát văn hoá, nhà nghỉ văn hoá; và đảo ngược lại hai từ văn hoá lên trên người ta cũng kết ghép được khối từ: văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, cho đến văn hoá ứng xử, văn hoá ẩm thực; có người còn nói văn hoá zrượu, văn hoá ăn chơi, văn hoá sex….

Bước chân về chùa của tôi cứ như muốn rã ra, như chừng rụng rơi trong cái âm thanh hỗn độn nghe chưa quen tai kia, như sắp tan nát trong dòng người chen lấn vượt lên nhau kia. Thời buổi này sống cách ly xã hội vài hôm đã trở thành lạc hậu. Tôi nhớ lại lời bố khi lần đầu ông lên núi thăm tôi. Lẽ nào tôi đã bị “đứt đoạn xã hội hoá”?. Không chừng lại thế. Mấy năm rồi nhỉ? Có lẽ trên mười năm. Vậy người ta bị cầm tù mười hai mươi năm rồi sẽ ra sao? Chắc trong tù có những phương tiện truyền thông như báo đài để tù nhân biết được thế giới bên ngoài. Tôi đoán vậy.

Ngôi chùa hai tầng bề thế đập vào tôi sự sững sốt. Đây là chùa Thiền Đức? Biết mình không nhầm nhưng tôi vẫn tự hỏi. Chùa vươn cao với những trụ cột bê tông vững chãi, ngất ngưỡng kiêu ngạo trên những đám cây cối trước đây một thời từng ôm ấp tiền thân của nó. Khuôn viên chùa bị hẹp lại, do ngôi chùa được nới rộng ra và những khu nhà được xây dựng nhiều thêm. Nối liền chùa và những khu nhà là những con đường lát xi măng sạch sẽ, ngay hàng thẳng lối đến cứng cỏi. Trước sân chưng bày nhiều loại cây cảnh, cây nào cũng đẹp cũng đầy dáng dấp, nhưng hai gốc bằng lăng mà trước đây tôi trồng đã không còn nữa. Mọi thứ hình như đã hoàn toàn thay đổi, khang trang hơn, hiện đại hơn, nhưng cũng rã rời đỗ vỡ hơn.

Thầy tôi đã già đi nhiều. Trông ông từ tốn và trầm ngâm hơn xưa. Sự quay về của tôi không khiến ông bất ngờ. Ông chỉ hỏi thăm một vài chuyện qua loa, không hỏi là tôi về chùa luôn hay sẽ lên núi lại. Những vấn đề mà tôi định thưa với thầy tự dưng lại không nói được khi ngồi với thấy. Tôi nhận ra có một khoảng cách đã hình thành, không biết từ khi nào. Ngồi im lặng một lúc, tôi chào thầy và đi ra ngoài. Bước lên tầng trên của chùa, tôi nhìn về phía biển. Chùa cách biển chưa đến hai cây số nên nghe tiếng sống vỗ rất rõ và có thể nhìn thấy những chiếc thuyền lớn nhỏ nhấp nhô ngoài khơi. Biển bao la quá. Nó ôm ấp nhiều thứ nhưng cũng nhấn chìm không ít thứ. Tâm con người cũng như biển, ôm ấp và nhấn chìm. Làm điểm tựa và gây tai hoạ, hai mặt của biển cả, nhưng người ta luôn cám ơn biển chứ chẳng hề trách móc. Người ta không ghét được cái vô tình. Còn con người thì sao?

Bước vào chánh điện, tôi thấy một sự trống trãi bao trùm. Bức tượng Phật bằng đồng to lớn ngồi trên bệ không che lấp đi được khoảng trống còn lại. Chắc khi có lễ lược hay khoá tu thì chánh điện rộng như vậy sẽ thích hợp, tôi nghĩ để an ủi. Ở nơi bệ tượng Phật, tôi đọc thấy tên của người hiến cúng, và nghe nói vị này đang ở trong tù. Hai bên thành lan can tôi cũng nhìn thấy những mảnh nhựa nhỏ khắc tên người đống góp xây chùa gắn lên đó. Phía trước chánh điện là hai lầu chuông trống, bên trong có hai chiếc chuông trống rất lớn. “Cái này sanh thì cái kia sanh”, chùa lớn thì mọi cái đi theo cũng phải làm sao cho cân xứng. Tôi thấy nhớ núi rừng. Kỳ quặc!

Thấy tôi đứng cả giờ đồng hồ trước lan can, một chú đi đến, nói, “thầy xuống dười phòng em nghỉ đi. Trông thầy không được khoẻ.” Tôi cười, gật đầu.

Tôi theo chân chú về phòng. Một căn phòng nhỏ vuông vức, đủ cho một cá nhân sinh hoạt. Căn phòng được trưng bày đơn giản: chiếc giường nhỏ, một chiếc bàn học trên có chiếc máy vi tính và một kệ sách. Sở hữu căn phòng là một người sống cởi mở, nhanh nhẹn hoạt bát. Chú rót một ly nước đặt trước mặt tôi, mời một cách lễ phép. Tôi hỏi chú bao nhiêu tuổi và tu được bao lâu thì chú đáp mười sáu tuổi và tu được sáu năm. Hỏi chú thấy sống có an lạc không thì chú gật đầu đáp có. Tôi tin lời chú, bởi trông chú thánh thiện quá. Chú hỏi tôi từ đâu đến, thấy giọng nói lơ lớ nên không nhận ra người miền nào. Tôi người miền nào nhỉ? Cha Bắc mẹ Nam và sinh ở miền Trung. Bởi vậy khi thấy người ta kỳ thị vùng miền thì lòng nhoi nhói, vì miền nào mình cũng trúng hết. “Hơn mười năm trước tôi tu ở đây. Lúc đó chưa có chú”, dù không muốn nói ra điều này nhưng không thể không trả lời. Chú trố mắt nhìn tôi, “Vậy thầy cũng là đệ tử của sư phụ? Sao hồi giờ em không nghe ai nhắc đến thầy nhỉ? Quý thầy xuất thân từ chùa này em đều biết hết. Giờ thầy trụ trì ở đâu?” “Tôi không có chùa. Chú xem tôi đâu có dáng dấp của ông thầy trụ trì”. Chú cười hề hề vì nghĩ tôi nói đùa. Mà cứ để chú nghĩ tôi nói đùa ấy vậy lại hay. Tôi hỏi chú học lớp mấy, chú đáp học lớp mười, rồi kể ra những dự định mà chú nghĩ sẽ thực hiện cho chuỗi học vấn tiếp theo của mình. Chú nói rất hồn nhiên, tự tin. Tôi không có được cái tự tin đó vào độ tuổi của chú, cũng không có được cái vô tư thoải mái kia thời học trung học. Trò chuyện một lát, chú bảo đi dọn một phòng khác để tôi nghỉ. Trước khi ra khỏi phòng, chú nói, “Thầy có muốn đọc bài hay xem tin tức gì trên mạng không để em mở máy tính? Bây giờ cái gì cũng tiện thầy a”. “Mạng à? Tôi nghe nói mà chưa hề dùng đến nên chắc không biết cách sử dụng. Thôi chú khỏi cần bật máy. Mà sư phụ cho sử dụng à?” Chú nhìn tôi, và nghĩ tôi lại đang nói đùa. Thấy vậy nên tôi nói tiếp, “Tôi nói thật đó chú. Tôi chưa bao giờ dùng đến máy tính, nói chi mạng”. “Vậy chứ chùa thầy ở không có vi tính hả? Ở lớp em nghe các thầy cô nói, trước đây mù chữ là không biết đọc biết viết, còn bây giờ không biết vi tính cũng kể như mù chữ. Lúc đầu mấy đứa em xin kết nối mạng, sư phụ không cho, sợ mất thời gian, bỏ bê tu học, nhưng thuyết phục nhiều lần sư phụ cũng chịu”. Chú nói hồn nhiên vô tư. Có lẽ tôi đang mù chữ thật rồi. Bằng tuổi chú tôi chẳng biết gì về vi tính. Giờ gần gấp đôi độ tuổi tôi cũng không biết.

Mấy ngày trôi qua tôi vẫn chưa thưa được với thầy tôi những điều định thưa. Thầy bận rộn nhiều việc, chỉ công việc coi ngày tốt xấu và cúng đám cũng chiếm hết thì giờ của thầy. Và hình như người ta đến chùa phần lớn chỉ với mục đích ấy. Tôi cảm thấy lúng túng, không làm được một việc gì ra trò để giúp thầy. Mấy chú mấy điệu thì ngoài giờ đến trường ra, về chùa chỉ có quét dọn và tụng vài thời kinh lấy lệ, rồi chơi thể thao, lên mạng chát chít, game ghiếc. Hải, chú sa di đã dọn phòng cho tôi trong ngày đầu tiên tôi về chùa, vẫn thường sang phòng tôi trò chuyện. Hoà nhã và hoạt bát là vậy, nhưng xem ra chú vẫn sống biệt lập với các chú còn lại, cũng tại sở thích khác nhau. Hải là người sống nề nếp, sắp xếp thời gian trong ngày và thực hiện một cách nghiêm túc. Chú hỏi tôi có ở lại chùa luôn không, tôi hỏi lại “chú xem tôi sẽ làm được công việc gì ở ngôi chùa này?” Chú cười đáp, “em nghĩ sau một thời gian khi quen rồi thầy sẽ làm được nhiều việc”.

III.

Những tia nắng vàng rộm len qua tàn cây, hắt những gợn sóng lăn tăn trên thềm hiên. Mấy con chim sâu kêu chin chít liên hồi, không hề mệt mõi. Nhiệm vụ của chúng phải kêu như vậy khi đi kiếm mồi hay do bản năng? Chắc do bản năng, chứ có ai buộc chúng phải kêu như vậy.

Mẹ tôi bận rộn suốt ngày với cửa tiệm của mình. Bố tôi nhàn hạ hơn. Ông đã thôi nghề dạy học, hàng ngày chỉ chăm sóc mảnh vườn nhỏ và lo công việc ở chùa. Ông làm trưởng ban hộ tự. Các anh tôi đều ở riêng và có công việc ổn định. Đứa em út tốt nghiệp báo chí, ra trường cộng tác cho một tờ báo nhỏ của địa phương. Nó chả mấy khi ở nhà, hết việc ở cơ quan là tụm năm tụm bảy với đám bạn bè mà nó quen gọi là “những trí thức tỉnh lẻ”. Mẹ tôi lấy việc buốn bán làm vui. Bố tôi coi công việc ở chùa quan trọng và ý nghĩa hơn cả. Thằng em lấy thú thơ văn làm lý tưởng sống.

Tôi ngồi một mình trước hiên với chiếc ấm trà đã khô cạn từ lâu. Về nhà mấy hôm những chẳng biết đi đâu. Tối hôm trước bố bảo ra chùa giảng một thời pháp. Các Phật tử nghe pháp cứ ngáp ngắn ngáp dài, chẳng có chút hứng thú với lời lẽ đều đều mang hơi thở rừng núi. Thời pháp kết thúc nhanh chống và nhận được một tràng pháo tay nồng nhiệt, chắc để an ủi, dù gì tôi cũng là con của trưởng ban hộ tự. Trên đường từ chùa về bố nói với tôi, “Bây giờ kinh sách nhiều, băng đĩa giảng cũng nhiều, phải giảng hay hơn các băng đĩa may ra mới thu hút được sự chú ý ”. Tôi im lặng, không buồn, nhưng thấy mình trở nên thừa thải. Bố nói rằm đến chùa có một buổi lễ cầu siêu, hỏi tôi có còn thuộc nghi thức cúng cô hồn và cúng linh không. Tôi đáp, “hơn mười năm rồi con ở trên núi và không dùng đến các nghi lễ này”. Bố tôi thinh lặng, khi gần về đến nhà ông nói, “Những nghi lễ căn bản đó thầy không biết thì Phật tử họ không chịu đâu. Cả tán tụng nữa, thầy cũng cần phải học, dù thầy thích hay không thích.”

Những ngày tôi về mẹ bán buôn không yên, cứ nghĩ tôi ở nhà một mình buồn, đứa cháu nấu đồ ăn chay không quen sợ tôi ăn không được. Cứ vài giờ mẹ điện về nhà hỏi thăm một lần. Tôi nói mẹ đừng quá lo lắng như vậy, tôi không còn thơ dại và sống một mình đã quen. Mẹ chỉ nói chuyện được với tôi sau chín giờ tối, khi đã dọn hàng và đống cửa tiệm. Trước đây chỉ bố thôi, còn mẹ không thích tôi đi tu, sợ tôi ăn chay không được và không đủ sức khoẻ để thức khuya dậy sớm. Nhưng sau vài năm thì bà lại sợ tôi hoàn tục, chẳng hiểu lý do vì sao. Mỗi lần về thăm nhà cứ nghe bà nói tu hànhcon đường tốt nhất, không có con đường nào tốt hơn thế. Tôi nói với mẹ rằng mỗi người có một sự lựa chọn hướng đi cho mình, vấn đề tốt hay không còn tuỳ thuộc vào mỗi người nữa. Mẹ không thích cái kiểu nói chuyện như vậy của tôi. Nói chuyện với tôi khi nào bà cũng phải chiều ý. Trong những năm tôi ở núi, vì bận việc nên mẹ ít khi lên thăm, nhưng lần nào lên cũng khóc lóc năn nỉ bảo về. Lần này thấy tôi về bà vui mừng. Việc người ta phá vỡ đi sự bình yên của ngọn núi, dù không nói ra nhưng tôi biết như vậy là tốt với mẹ, bởi có thế tôi mới chịu trở về.

Mẹ ngồi với tôi cho đến mười một giờ, dù tôi chẳng có chuyện gì để nói. Những năm ở núi tôi không có gì đặc biệt để kể với mẹ, chả lẽ đem mấy câu chuyện người ta đốt than phá rừng, chuyện phát hiện hang động ra kể. Sự thực những chuyện này mẹ cũng đã biết, do bố tôi kể lại trong lần sau cùng ông lên thăm tôi trở về. Vậy nên tôi cứ ngồi nghe mẹ kể chuyện: chuyện mấy anh mấy chị; chuyện thằng em tiền lương lẫn nhuận bút viết lách không đủ uống cà phê, phải xin thêm tiền nhà; chuyện đám thanh niên ngày càng hư hỏng; chuyện thời buổi bây giờ đi đâu cũng thấy người say rượu; chuyện con ông này bà kia nghiện ma tuý, đang chết dần chết mòn trong trại cai nghiện; chuyện gã nọ cô kia tham ô hối lộ bị tống nhà giam; chuyện Phật tử bỏ đạo vì được những người khác đạo hứa giúp đỡ; chuyện Việt kiều cúng dường tiền xây dựng lại chùa; chuyện người kia gặp may vì có con đi xuất khẩu lao động; chuyện một vài người ăn nên làm ra. v.v..

Tôi kiên nhẫn ngồi nghe mẹ kể, vừa chìu mẹ và cũng để xem cuộc đời này nó phức tạp đến đâu. Sau mỗi chuyện mẹ đều có lời bình, rồi liên hệ đến lời Phật dạy để rút ra bài học. Ở cửa tiệm mẹ thường nghe băng giảng mỗi khi vắng khách. Kiến thức Phật pháp và những bài học đều có được từ đó. Có lẽ do nghe băng giảng nên bà có cái kết luận “đi tu là con đường tốt nhất”. Trước khi tắt đèn đi nghỉ, mẹ dặn tôi sáng hôm sau nên đi thăm một vài nhà bà con, về mà không đến thăm, các cô các chú biết được sẽ trách. Tôi chẳng muốn đi đâu cả, nhưng chiều ý mẹ nên làm thinh.

Bố tôi rời nhà từ sáng sớm. Chùa đang sửa lại nhà tổ nên ông phải suốt ngày ở đó. Mẹ pha một ấm trà cho tôi, rồi ngồi xuống một bên nhìn tôi ra chiều hài lòng. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi nghe lời mẹ một cách tuyệt đối. Đứa cháu dựng xe máy ngoài sân, vào nhà cúi đầu vòng tay chào đầy lễ phép, “Dạ, con chào cậu”. Mẹ tôi quở, “Ngoại dặn bao nhiêu lần rồi mà con không nhớ hả? Không được gọi cậu. Phải gọi thầy. Ngoại cũng phải gọi thầy huống là con. Chắp tay chào lại.” Tôi ngăn lại nhưng mẹ không chịu, bảo rằng tập cho nó quen. Thằng nhỏ chắp tay chào lại, “Mô Phật, con chào thầy”. Mẹ tôi nói, “Ừ, phải vậy chớ. Con nhà Phật mà không biết phép Phật là không được”. Tôi cười, nói, “Người ta bảo làm thầy đất ta, làm ma đất mình. Con thì chắc chỉ được làm thầy ở nhà này thôi.” Mẹ tôi cười, rồi bà dặn đứa cháu, “Sáng nay trước hết con chở thầy ra chùa. Có các bác các chú đang làm ngoài đó. Mình ra thăm cho có tình có nghĩa. Rồi con chở thầy về bệnh viện thăm chú Tư. Chú ấy nằm liệt ở đó cả tháng nay. Con nhớ mua quà để thầy thăm bệnh. Xong con chở thầy đến thăm bà Vui. Bà ấy đơn chiếc nghèo khó. Tội nghiệp, cứ hễ gặp ngoại là hỏi thăm thầy. Con nhớ mua cho bà ấy một ít sữa và trái cây. Sau đó con ghé nhà ông Mùi, mượn ông chìa khoá nhà thờ họ để thầy ghé thắp nhang. Rồi …” Mẹ tôi nói đến đó thì đứa cháu ngắt lời, “Ngoại ơi, ngoại nói như vậy làm sao con nhớ được. Ngoại ghi ra giấy đi. Mà chắc không kịp thời gian đâu ngoại à.” Tôi cười, bảo nó, “Thầy nhớ rồi. Thôi minh đi”. “Vậy lát nữa thấy quên về nhà ngoại rầy con thầy phái đứng ra chịu đó nha”. “Ừ, thầy chịu”, tôi nói. Mẹ tôi cười.

Thằng cháu chạy xe vun vút. Nó làm tôi điếng cả người. Bảo nó chạy chậm lại thì nó bảo quen rồi. Vừa chạy nó vừa kể chuyện đứa bạn của nó vừa bị chết vì tai nạn xe cách đó mấy tuần. Đứa bạn là con trai độc nhất của một gia đình giàu có, đua xe lạng lách rồi tan mạng. Nó kể tỉnh bơ, không chút xúc cảm. Kể về cái chết của một người bạn mà như thể kể về cái chết của con sâu cái kiến. Tôi thấy buồn buồn, hỏi nó, “con và đứa bạn thân đến mức nào?” Nó hiểu ý tôi nên lảng tránh qua chuyện khác.

Chạy qua khu trường học, một nhóm học sinh nam ăn bận chỉnh tề đang đứng trước cổng trường. Một đứa trong nhóm nhìn thấy tôi thì nói, “Ê thầy chùa. Thầy chùa ăn thịt chó”. Đám bạn còn lại nghe vậy thì cưới ồ lên. Đứa cháu có vẻ bực tức, dừng xe lại. Mấy cậu học sinh thấy vậy thì bỏ chạy vào trong trường. Tôi hỏi đứa cháu, “Con định dừng xe lại làm gì?” “Phải cho tụi này một bài học về tội hổn xược.” “Con đánh tụi nó à. Cái lỗi không phải tại chúng mà tại giáo dục, từ gia đình đến trường học và xã hội. Thầy đã từng bị gọi như vậy nhiều lần. Lúc đầu thấy khó chịu nhưng rồi nghĩ cũng không nên chấp làm gì”. Nó im lặng. Từ lúc ấy cho đến khi tới chùa nó không nói gì cả. Sau khi ở chùa ra, nó nói với tôi giọng buồn buồn, “Đến chùa con thấy thầy được người ta kính. Mỗi khi đi sinh hoạt gia đình Phật tử, các anh chị huynh trưởng bảo phải kính trọng tăng, nói về hạnh nguyệnphước đức của việc xuất gia, con thấy hay hay. Nhưng khi ở trường học, tiếp xúc ngoài xã hội, thấy người ta bảo các thầy thế nọ thế kia con lại thấy buồn. Mà thực tế có nhiều thầy nhiều cô cũng sao sao ấy. Đôi khi con nghĩ thầy không đi xuất gia lại tốt hơn. Sống như các cậu khác lại khoẻ, tự do thoải mái”. “Vậy khi con thấy các anh chị huynh trưởng nói về điểm tốt của người xuất gia con có muốn thầy sống đời thế tục không?” Nó im lặng không trả lời. “Cuộc sống này không thể tránh được thị phi. Vấn đề là mình sống như thế nào và có đem lại được lợi ích gì cho mình và xã hội trong vai trò của mình không. Đâu thể sống theo khen chê của dư luận được”. Tôi nói với nó mà cũng để nói với mình. “Suy nghĩ của con về cuộc sống có lẽ khác thầy.” Nó nói với tôi khi xe đến bệnh viện.

Chúng tôi trở về khi trời đã chiều, sau một vòng thăm viếng các địa chỉ mà mẹ tôi đã dặn, không bỏ sót nơi nào. Bố đang ở nhà, ông nhờ người coi việc ở chùa và về nhà từ trưa. Đứa cháu nói, “Hôm nay con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày mai con có còn chở thầy đi đâu nữa không ông ngoại?”. “Chắc không còn đâu. Ngày mai thầy ở nhà một ngày và ngày kia sẽ về lại chùa”, tôi nói với nó. Bố đang đặt mấy trái cây vào đĩa, nghe tôi nói vậy thì dừng lại, “Thầy về lại chùa sớm thế à? Lần này về thầy sẽ không đi đâu nữa chứ?”. Tôi biết đi đâu nữa nhỉ? Ngọn núi giờ đã biến thành một khu du lịch gắn tên “tâm linh” nhưng dưới sự quản lý của những con người rất đỗi thế tục có đầu óc đầy toan tính lợi nhuận. Tôi không muốn trở thành một kẻ coi ngó khu du lịch. Trở về lại chùa, tôi biết mình cần cố gắng rất nhiều mới thích ứng được, nhưng vẫn là điều tốt nhất. “Con sẽ không đi đâu nữa”, tôi trả lời sau một lúc im lặng. Bố thở phào nhẹ nhỏm. Ông lại tiếp tục đặt trái cây vào đĩa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 7934)
Bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau chiếc xe hơi bỏ mui màu đỏ sậm đang rẽ quặt xuống xa lộ.
(Xem: 11206)
Vào ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh tôi vội vã tới siêu thị để mua các món quà tặng còn sót lại mà trước đó chưa kịp mua.
(Xem: 8384)
Nếu chúng ta cứ tiếp tục hành hạ quả đất cách nầy, chắc chắn nền văn minh của chúng ta sẽ bị hủy diệt.
(Xem: 8198)
Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng Giám Mục Desmond Tutu có một lúc yên tĩnh trước buổi sáng đầu tiên của Hội Nghị Chuyên Đề Một Trăm Năm.
(Xem: 8388)
Chính Phật Pháp đặt trước chúng ta những lý tưởng lớn của lòng từ và bi đối với tất cả loài có sự sống và hơi thở, và điều này...
(Xem: 9339)
Ngay hôm nay và về sau người dân Miền Trung sẽ sống trong hoang mang vì biển chết, cá nhiễm độc. Người dân cả nước sẽ nơm nớp lo âu...
(Xem: 8712)
Là nhân viên hiện công tác tại Bộ Môi sinh cho một tiểu bang tại Hoa Kỳ, người viết theo dõi tin tức trong tâm trạng hết sức lo âu về...
(Xem: 9045)
Mỗi người, ở giữa sóng trần cuồn cuộn, đều là những con thuyền có hành trình xa thẳm, gặp được Phật Pháp thì thật đáng trân quý biết bao.
(Xem: 9057)
Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế, đó là những niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.
(Xem: 8218)
Con người sau khi chết, nghiệp không bao giờ mất. Trừ phi, những người hiện đời đã dứt sạch ý nghiệp. Nói rõ ra, là những người đã đạt đạo, thì mới thấy được: “nghiệp tánh bổn lai không”.
(Xem: 8261)
Tỳ-kheo có một nghĩa là bố ma, làm cho ma phải khiếp sợ. Ma chướng trong đường tu rất nhiều, bên trong và bên ngoài, thường gọi là nội ma ngoại chướng.
(Xem: 10783)
Chỉ có Phật giáo lại được một vinh danh vô cùng cao quý là giải thưởng “Tôn giáo tốt nhất thế giới”.
(Xem: 8836)
Cổ nhân cho rằng con người làm việc gì cũng đều có nhân quả báo ứng, thiếu nợ cái gì phải hoàn trả cái đó.
(Xem: 27633)
Hành thiện sẽ tích được phúc báo. Nhưng trong cuộc sống, có rất nhiều việc mà chúng ta vô ý làm sẽ không những không tích được phúc báo mà còn...
(Xem: 9035)
Ôi, thử tưởng tượng đời sống này không có Cha! Một khi trôi lăn, biết đâu nẻo về! Bầu trời sẽ tăm tối hơn.
(Xem: 8796)
Nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sinh tử là gì? Là sự chấp ngã bám víu vào sắc thân năm bảy chục ký lô này là ta, là của ta...
(Xem: 11316)
Các giới văn học Việt Nam xưa nay, thường nói : “Là thi sĩ, ai cũng có tâm hồn rất lãng mạn, đa tình trước trăng, sao, núi non, sông, hồ...
(Xem: 10047)
Việc làm rất thiện, rất lành, Nếu làm xong thấy lòng mình thảnh thơi, Chẳng ăn năn, lại mừng vui, Tương lai quả báo đẹp tươi tốt lành.
(Xem: 11674)
Dưới đây là 12 đường nhân quả báo ứngảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của mỗi người. Đó là gì, hãy cùng xem nhé!
(Xem: 8862)
Ta bà vốn cõi mộng, do thức biến. Người đang tu chưa thể hiểu thấu, chỉ biết tin theo lời Phật để mong một lần tỉnh mộng.
(Xem: 8810)
Người xưa có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”, ý muốn dạy chúng ta rằng làm gì thì cũng phải coi trọng đức, tích đức và đề cao tầm quan trọng của đức.
(Xem: 9614)
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn...
(Xem: 9274)
Được xuất gia là điều khó, nhưng gia nhập hội chúng xuất gia rồi, từng bước tiến tu để đi đến thành tựu giải thoát lại càng khó hơn.
(Xem: 17363)
Hôm đó là một ngày lịch sử của tiểu bang rộng nhất nhì nước Mỹ nầy và đặc biệt là vùng Houston, nơi có chùa Trúc Lâm đang hiện hữu với một rừng trúc bạt ngàn...
(Xem: 27444)
Năm xưa tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã qua đời! Lần đầu tiên tôi hiểu, thân phận trẻ mồ côi...
(Xem: 15557)
Nói một cách đơn giản, Thiện-tri-thức tức là người có trí huệ, ác tri thức tức là người ngu si.
(Xem: 8985)
Cơn giận của con người hiển hiện khắp mọi nơi trên thế giới, là nguồn cơn của cái ác, bất hạnh và khổ đau.
(Xem: 8793)
Nếu ta kháng cự với giây phút-hiện tại là ta đang làm sai— là ta đang khích trương cái ý-chí và càng làm nó mạnh bạo hơn.
(Xem: 10709)
Chưa hoàn mỹ là cơ hội để bạn cố gắng, ước mơ, hy vọng chứ không phải là lý do để bạn tự dằn vặt về sự thiếu kém hay thất bại của mình.
(Xem: 8512)
Một câu trong kinh Hoa Nghiêm: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (một là tất cả, tất cả là một).
(Xem: 9428)
Trong trái tim triết lý hòa bình của Đức Đạt Lai Lạt Manăng lực nuôi dưỡng sự tha thứ.
(Xem: 8396)
Rất khó khuyến khích và truyền cảm hứng cho người khác mà không làm họ thất vọng ít nhiều.
(Xem: 7894)
Sự tự lừa phỉnh mình có nhiều lớp chồng lên nhau. Càng tu tập lâu dài và càng tìm hiểu mọi sự vật thì ...
(Xem: 9205)
Nói nghiệp là quyền năng trong tay mình định đoạt. Cuộc sống đời này và đời sau do mình an bài lấy.
(Xem: 8857)
Tất cả chúng ta dù lớn, dù nhỏ có mặt trên trần gian này, ai cũng thấy bản ngã của mình là quan trọng...
(Xem: 8366)
thế gian có những sự việc xảy ra, người mê lấy làm vui thích, người tỉnh không tán thán. Ngược lại có những việc người mê cho là khổ, người tỉnh lại vui vẻ thực hành.
(Xem: 8373)
Ai cũng biết Thế Tôn là bậc Phước trí nhị nghiêm, viên mãn phước đứctrí tuệ. Ấy vậy mà suốt cả cuộc đời, Ngài vẫn tiếp tục
(Xem: 9218)
Biết rõ quả hẳn từ nhân mà có, không có chuyện ngẫu nhiên. Hiên tại khổ hay vui đều do nhân quá khứ đã tạo, muốn không khổ , muốn được an vui, phải tránh nhân xấu.
(Xem: 9034)
Vô thường và cái chết giống như bóng tối trải dài của buổi hoàng hôn ở cửa đèo. Nó đến gần không hề ngơi nghỉ ngay cả trong chốc lát.
(Xem: 9107)
Ai đã từng trải qua nhiều khắc khoải, khổ đau trong cuộc sống mà vẫn có lòng tốt và sự nhiệt tình, là nấc thang thăng tiến của các bậc hiền Thánh trong dòng đời nghiệt ngã.
(Xem: 9016)
Để không đánh mất chính mình chúng ta phải sống tỉnh giác, là khi làm việc gì ta phải biết rõ việc đó; khi đi biết mình đang đi, khi...
(Xem: 10693)
Thực hành Phật pháp là học cách sống, và đó là con đường vừa đầy niềm vui vừa đầy thách thức.
(Xem: 14592)
Đau khổ là một phần của cuộc sống đối với tất cả chúng sinh có tình thức. Nếu chúng ta biết tìm ra nguyên nhânphương cách để thoát khổ, chúng ta sẽ bớt khổ hơn.
(Xem: 10091)
Khi bạn phân tích triết lý này từ quan điểm của y học Trung Quốc cổ đại, sinh lý học và tâm lý học hiện đại, bạn có thể thấy rằng “tướng do tâm sinh” là có thể lý giải.
(Xem: 8876)
Mở bất kỳ Kinh Nhật Tụng nào trong các chùa Bắc Tông, chúng ta đều thấy có các nghi thức cầu an, cầu siêu. Nhiều người nghĩ rằng...
(Xem: 8967)
Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không.
(Xem: 21845)
Tính từ đêm nhìn ngắm trời sao Paris qua khung cửa sổ Linh Sơn, hơn ba mươi năm đã qua còn nhanh hơn bóng câu qua cửa.
(Xem: 8762)
Theo quan điểm Phật Giáo, đau khổsự thật mà không ai có thể trốn tránh được. Chúng ta ai rồi cũng phải đối mặt với sự già nua, sự đau ốm...
(Xem: 8665)
Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da sắc tộc, tính nết của con người hoặc đẹp hay xấu đều ảnh hưởng nửa đời trước của chính mình,
(Xem: 8396)
Phòng hành thiền của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tắm trong ánh nắng dịu dàng của buổi sáng.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant