Đôi mắt đêm Rằm tháng Bảy
Trời đã về khuya. Trăng lên cao sáng vằng vặc trên bầu trời đen thẳm. Triều lẳng lặng bước vào bên trong phòng vẽ chưa đóng cửa, mặt buồn một đống, đưa đôi mắt còn đẫm nhoè nước mắt nhìn tìm anh Hữu. Anh hoạ sĩ đang ngồi chồm hổm, cắm cúi vạch ngang sổ dọc từng nét cọ tươm rướm mực đen lên trên những trang giấy báo chi chít chữ trải giăng trên nền gạch hoa.Anh đang tập trung luyện thư pháp nên không biết có khách vào nhà. Triều quệt nước mắt, bước mấy bước thật nhẹ nhàng đến đứng sau lưng anh hoạ sĩ. Im lặng. Chỉ nghe tiếng sột soạt của giấy và tiếng chép miệng không hài lòng của anh Hữu. Đứng lâu mỏi chân, Triều cố ý tằng hắng một tiếng nho nhỏ. Chỉ một tiếng nho nhỏ của nó, vậy mà cũng đủ làm cho anh hoạ sĩ giật nẩy mình một cái. Anh quay đầu nhìn sau, trợn mắt lên ngó Triều từ đầu đến chân, hỏi thân thiện:
- Vô hồi nào mà tao không nghe tiếng động? Gì mà giống ma le vậy mày, nhóc?Triều buồn bã, cất giọng mệt nhọc:
- Em vô lâu rồi… Thấy anh đang say mê nên không dám làm ồn…
Anh Hữu đặt cây bút lông xuống đĩa mực, đan những ngón tay vào nhau rồi bẻ vặn kêu rôm rốp, đưa mắt nhìn Triều. Uể oải, nặng nhọc ngồi bệt xuống nền nhà, Triều cười gượng gạo:
- Sao anh không vẽ tiếp đi?
- Tao đâu có vẽ. Đang luyện viết mà!
- Viết chữ Tàu phải không anh?
- Chữ Việt. Thư pháp tiếng Việt.
- Sao em thấy anh luyện lâu quá vậy?
- Thì phải lâu mới kêu là khổ luyện. Viết thư pháp không được nôn nóng.
- Anh là hoạ sĩ mà còn tập luyện lâu lắc, huống hồ người không có hoa tay như em!
- Đừng nghĩ vậy mà nản lòng. Không biết thì tập. Tao tuy là hoạ sĩ đã thành danh, nhưng về thư pháp thì tao chưa hề học, chưa hề biết, nên cà ngơ cà ngác cũng giống như mày thôi, chớ không hơn gì. Nếu mày muốn học môn này thì qua đây những lúc rỗi rãnh, tao tập tới đâu chỉ tới đó cho! Muốn không?
- Không. Chán lắm!
- Chán gì?
- Chán ba em quá. Tinh thần đâu mà tập luyện thư pháp?
- Mới ăn đòn của ổng nữa rồi phải không?
- Sao anh biết?
- Nhìn cái mặt buồn so của mày là biết ngay mà. Sao ăn đòn vậy?
- Ổng say, ổng kiếm chuyện chửi mắng đánh đập như mọi khi chớ có gì lạ đâu?
- Ăn đòn sao còn mò qua đây làm gì, lỡ ổng không thấy, ổng nện một trận nữa thì sao?
- Ổng say mèm, ngủ như chết rồi anh à. Bây giờ mà có cháy nhà thì ổng cũng chẳng biết đường mà chạy nữa kìa! Em buồn quá, không biết tâm sự với ai ngoài anh…
- Đánh có đau không?
- Rêm rêm thôi. Em cũng quen đòn rồi, chịu đựng được.
- Chán ba của mày thiệt. Nhưng tao chán thì được, vì tao không phải là con của ổng, tao chỉ là một người dưng láng giềng, chớ mày không được chán ba của mình!
- Sao vậy?
- Vì mày không còn mẹ. Ba của mày là người duy nhất nuôi dưỡng mày, mày phải biết quý trọng ổng. Điều đáng phải kính trọng hơn nữa là ổng đã làm gà trống nuôi con, nuôi mày và hai đứa em mày, nên ổng vất vả khổ nhọc lắm. Ổng quanh năm còng lưng đạp xích lô để nuôi ba đứa con thơ mồ côi mẹ, đó là một thành tích phi thường rồi!
- Nhưng em chỉ thấy chán, chớ em đâu có thù hận ba em bao giờ?
- Không được chán. Mày phải giữ phận làm con, và phải thông cảm cho ba mày. Chỉ vì lâm hoàn cảnh nghèo túng khó nhọc nên ổng mới trở thành người cáu kỉnh, sinh tật uống rượu cho vơi nỗi sầu, chớ nếu nhà giàu có thì ổng đâu có như vậy. Hiểu không?
- Dạ, em hiểu… nhưng mà…
- Nhưng nhụy gì?
- Lúc say xỉn, ổng muốn em nghỉ học để đi bán vé số. Nhưng lúc tỉnh táo thì ổng lại bắt em phải học siêng chăm, phải có nhiều điểm10. Em không biết đường đâu mà mò…
Anh Hữu xoa đầu tóc Triều, rồi bóp nắn vai nó, động viên:
- Thôi kệ ổng, ráng chịu đựng đi. Đừng bỏ học mà thành đứa ngu si dốt nát đó nhóc!
- Em đâu có muốn bỏ học. Em cũng không sợ chuyện đi bán vé số để kiếm tiền phụ thêm với ba em. Nhưng em sợ bị ảnh hưởng việc học tập…
Anh hoạ sĩ lắc đầu ngao ngán, cười:
- Nghĩ cũng căng thiệt. Hoàn cảnh gia đình mày bi đát quá, không thấy không biết thì thôi, chớ đã biết đã thấy rồi thì không ai không xao lòng…
- Em mà không chịu đi bán vé số thì ba em bắt con Liên, với thằng Tiến nghỉ học đi bán… Em không muốn thấy hai đứa nó bị thất học…
- Chà, gay dữ. Nhưng thôi, mày đừng than rên thảm thiết nữa. Tao sẽ giúp mày…
- Anh giúp em sao?
- Ừ. Mỗi tháng tao phụ giúp nhà mày chừng… hai trăm ngàn đồng được không?
- Hai trăm ngàn đồng? Anh nói thiệt hay chơi đó?
- Thiệt mà. Cỡ đó thì tao dư sức. Có điều… tao chỉ giúp đến khi nào hết giúp được, không thể hứa trước là đến khi nào…
- Vậy cũng quá sướng cho em rồi! Ba em mà biết được thì ổng mừng lắm đó!
- Chưa chắc.
- Sao chưa chắc? Được cho tiền, ai lại không vui mừng hả anh?
- Nhưng với ba mày thì khác. Tao nghe tiếng ổng rồi. Ổng tự trọng lắm. Không phải ai muốn cho tiền ổng thì cho được đâu!
- Sao kỳ vậy?
- Ổng không muốn ai xen vô chuyện ổng nuôi dạy con cái. Chính vì vậy mà hàng xóm láng giềng muốn giúp cũng thấy ngại ngại, tao cũng vậy, đã từ lâu muốn giúp gia đình mày, theo nhà Phật gọi là thực hành hạnh bố thí, nhưng tao không dám hành cái hạnh đó với ba mày đâu!
- Vậy bây giờ phải làm sao, anh?
- Để tao qua nhà nói chuyện, dò thử ý ổng cái đã. Nếu ổng vui vẻ thì mình làm tới luôn, nếu ổng từ chối thì mình tính cách khác… Thiếu gì cách?
- Anh giúp như vậy… có hết tiền của anh không?
- Mày khéo lo. Tao bán được nhiều tranh sao chép cho mấy khách sạn lớn, mấy biệt thự sang trọng, có thu nhập rất cao, lại chưa có vợ con, thì làm gì hết tiền được?
- Còn gia đình của anh ở quê thì sao?
- Mẹ và mấy anh mấy chị của tao, hay thằng em út của tao, đều có cuộc sống sung túc, có của ăn của để rồi, tao đâu phải lo, chỉ thỉnh thoảng mua quà gửi về cho mọi người vui thôi…
- Anh… sướng thiệt!
- Tao sướng nên tao muốn muốn chia sớt cái sướng đó sang cho nhà mày đỡ khổ phần nào. Sống, phải biết san sẻ buồn vui với người khác chớ mày!
- Anh thiệt … tuyệt vời!
- Đừng có khen coi chừng tao té hen ra ngoài đó! Chằng qua mấy thầy, mấy sư cô ở chùa thường giảng dạy những điều tốt đẹp đó, tao nghe được, nhớ được nên làm thử đó mà…
- Nhưng… tại sao anh lại giúp em?
- Vì tao thương, tao mến mày. Tao cũng thương và mến ba và mấy đứa em của mày!
- Anh không đòi hỏi điều kiện gì nữa sao?
- Vô điều kiện!
- Thôi, em về kẻo ba em thức dậy. Anh luyện thư pháp tiếp đi…
- Ừ. Luyện chớ. Mày về đi, để ngày mai tao qua nói chuyện với ba mày. Hi vọng…
Triều chồm đến, hôn lên trán anh Hữu với lòng rộn ràng niềm vui và xúc động, nói:
- Em cảm ơn anh. Cảm ơn anh nhiều lắm!
- Đừng nói đến ơn nghĩa mà mất đạo nghĩa. Mày hun tao như vậy là đủ cho tao sướng cả đời rồi, nhóc con à!
- Thiệt không anh?
- Thiệt!
- Sao vậy?
- Lâu rồi tao không được ai hun!
- Anh xạo!
- Sao xạo?
- Anh có nhiều bồ hun anh mà!
- Bồ nào?
- Mấy chị bạn anh đó. Ở xóm này ai không biết anh là một người đào hoa? Bữa nay anh đi với chị này, qua ngày mai anh đi với chị khác, thay bồ như thay áo…
- Chuyện người lớn, mày đừng nên để ý đến làm gì!- Hoạ sĩ véo tai Triều- Nhớ chưa?
- Dạ nhớ. Nhưng em nói có đúng không?
- Đúng. Nhưng tao không tính mấy cái hun của những người đó!
- Sao vậy?
- Những người đó hun tao vì thích tiền của tao. Tao thèm được người thân hun kìa!
- Em đâu phải là người thân của anh?
- Nhưng mày làm tao nhớ đến thằng thằng Toàn em tao, nó bằng tuổi mày đó!
- Bộ em hun anh không phải vì thương tiền của anh sao?
- Tao hiểu mày. Nếu tao không cho mày tiền, mày vẫn hun tao những cái hun như vậy. Mày là một thằng nhóc thật thà, có chí khí, nên không thể có những cái hun giả đối đãi bôi!
- Sao anh không về quê thăm người thân cho thoả thích?
- Tao dở cái chỗ đó. Tao bị công việc cuốn hút đến quên cả đường về quê. Tao mải mê vẽ tranh để kiếm ra tiền cho nhiều, cũng như tạo dựng danh tiếng cho vang, cho lớn. Tao chạy theo danh lợi nên trở thành một kẻ vô tình bạc nghĩa lúc nào không hay…
- Tại anh tự nghĩ vậy, chớ đâu có ai dám nói như vậy!
- Tự biết mình mới là điều đáng quý, chớ đâu cần người khác nói cho mình biết?
- Vậy sao anh không sửa chữa?
- Tao sẽ sửa chữa. Có thể trong ngày mai, hoặc ngày mốt tao sẽ cuốn gói về quê thăm gia đình ít ngày, vì đã hơn một năm rồi tao không về…
- Sao bây giờ anh mới quyết định như vậy?
- Vì tao nhờ có mày một bên. Mày đã nhắc cho tao nhớ điều đó!
- Em sao? Em có nhắc gì đâu?
- Đâu cần phải nói lên thành tiếng mới gọi là nhắc nhở? Tấm lòng của mày luôn nghĩ đến em út, đến người thân đã làm cho tao tỉnh hồn tỉnh trí. Vậy cho nên, người cảm ơn phải là tao chớ không phải là mày, nhóc con à!
Triều nín lăng, đứng trố mắt nhìn anh hoạ sĩ. Đôi mắt của anh đang ướt nhoè, đỏ kè. Nó bước lại nắm lấy bàn tay anh Hữu, nghẹn ngào: “Thôi, em về…”.
- Ừ, về đi. Tao sẽ vẽ cho hoàn tất bức tranh kia.
Anh hoạ sĩ chỉ về phía góc phòng. Triều nhìn theo. Nơi đó đang có treo một bức tranh chân dung. Chân dung của một người phụ nữ đẹp tuyệt trần, nhưng chưa được vẽ đôi mắt. Triều tò mò:
- Đã từ lâu rồi em thắc mắc nhưng không dám hỏi anh… Sao anh chừa lại đôi mắt, không vẽ cho xong luôn bức tranh tuyệt tác này?
- Đã có nhiều người hỏi tao câu đó rồi. Nhưng tao không có câu trả lời.
- Tranh đó anh vẽ chân dung ai vậy?
- Chân dung của nhiều người.
- Sao lại của nhiều người?
- Vì tóc là của cô giáo dạy tao những nét vẽ căn bản đầu tiên. Khuôn mặt trái xoan là khuôn mặt của người yêu đầu đời của tao. Mũi là mũi của người bạn gái thân nhất khi tao còn là sinh viên trường Mỹ thuật. Miệng là của người phụ nữ đỡ đầu cho tao kinh phí để mở phòng vẽ riêng khi tao mới ra trường. Đôi tai là của người yêu hiện giờ của tao. Chỉ có đôi mắt là tao chưa biết phải vẽ mắt của ai, nên tao bỏ trống đã hơn một năm nay…
- Bây giờ anh tính vẽ cho xong bức tranh này sao? Anh tính vẽ đôi mắt ai?
- Tao sẽ vẽ ngay bây giờ. Vẽ … đôi mắt của mẹ tao!
Triều rúng động, chợt thấy gai ốc nổi đầy người. Anh Hữu trầm giọng:
- Đêm nay, tao nhớ không lầm thì đã là đêm Rằm Tháng Bảy, đúng ngày sinh nhật của mẹ tao. Tao vừa thấy đôi mắt mẹ già. Một đôi mắt đượm buồn, long lanh và tràn trề nỗi nhớ thương mong đợi về một đữa con trai bỏ quê đi biền biệt lên chốn thị thành đã bao năm rồi không về… Tao sẽ vẽ đôi mắt đó. Tao có mẹ mà không biết quý, trong khi mày đang mất mẹ, nếu mày mà còn mẹ thì cuộc đời của mày đỡ khổ biết bao!
Triều không kềm được lòng, bật khóc. Anh hoạ sĩ cũng bật khóc. Và, anh đã bước lại góc phòng, đặt bức tranh lên giá vẽ, lặng lẽ pha màu… Triều xúc động, bước lại đứng phía sau anh. Nó quyết định không về nhà, vì nó không thể bỏ qua cơ hội được chứng kiến những giây phút nhập tâm xuất thần của người hoạ sĩ trẻ đang thực hiện một sự nối tiếp hoàn hảo. Đó là những giây phút thiêng liêng mà Triều phải nín thở để dõi mắt trông theo…