MỘT THÓI TỤC MÊ TÍN CẦN HUỶ BỎ
Hoàng Liên Tâm
Trong một dịp đi hành hương các chùa nhân dịp đầu năm, chúng tôi có cơ hội chứng kiến việc đốt vàng mã để cúng lễ tại các chùa đền khắp nước Việt Nam, điển hình, tại lễ hội chùa Hương cảnh hai lò đốt vàng mã đặt tại chùa Thiên Trù và Động Hương Tích hoạt động không ngừng nghỉ, đốt suốt ngày đêm mà không đáp ứng kịp nhu cầu của người hành lễ. Nay trong một dịp dự tang lễ người thân quen tại một nhà quàn ở thành phố Westminster Hoa Kỳ, chúng tôi cũng chứng kiến việc đốt vàng mã cúng tế người quá vãng. Thật không ngờ tục lệ này lại có thể được thực hiện nơi một xứ được gọi là văn minh tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được cho biết là ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và một vài nước khác trên thế giới, vẫn còn việc đốt sớ và vàng mã cho những người đã khuất nhân dịp họ cúng giỗ và cầu siêu tại gia đình hay tại một số chùa.Vì có một số ít Phật tử cho rằng đốt vàng mã cúng người chết giúp cho người sống được an tâm, nên trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc của tục lệ đốt vàng mã và quan điểm của nhà Phật về việc này.
Thật ra, tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Nhiều người cho tục lệ đó là một trong những nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày hoá vàng, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà hay dọn nhà, giải hạn, lập bàn thờ, bốc bát hương... đều phải có ít nhất vài bó vàng tiền để đốt như là một sự gửi gắm và chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc ở cõi âm, hoặc mong được thứ lỗi, hay có được sự thanh thản trong tâm hồn. Với suy nghĩ, càng mua nhiều đồ hàng mã càng tốt, đồ càng đắt tiền càng có nhiều lộc và càng được bình an, người ta không ngần ngại lấy tiền thật để đổi lấy tiền giả là những tờ giấy xanh đỏ hay những vật dụng bằng giấy mầu.
Hiện nay tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các công ty xí nghiệp, các cơ quan công quyền quốc doanh, trở thành một nghi thức mới không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện, trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình do nhà nước giao phó. Theo thống kê cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã (năm 2003). Tại tiểu bang California và Texas, nơi có đông người Việt cư ngụ, không có con số thống kê nhưng tất cả các siêu thị Việt Nam và Trung Hoa đều bày bán vàng mã, chứng tỏ có nhu cầu tiêu thụ.
Trong nước, đã có nhiều vị Sư kêu gọi bà con nên bỏ thói tục mê tín này. Một vị Hoà Thượng lớn ở tỉnh Lâm Đồng Đà Lạt cho biết lỗi lầm mê tín này là do quý Sư không giáo dục Tăng Ni Phật tử. Gần đây, một vị Hoà Thượng khác tại Hà Nội cũng lên tiếng chỉ trích việc đốt vàng mã. Sư cho biết “nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi, đánh đập. Thế mà đến ngày lễ Vu Lan thì những người con ấy lại đốt vàng mã thật nhiều để báo hiếu cha mẹ. Hành vi ngược đãi cha mẹ, luật pháp cũng không dung tha, Phật cũng không chấp nhận lễ của những đứa con bất hiếu đó. Phật dạy, con cái phải thờ phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Không nên biến ngày lễ Vu Lan trở thành ngày mê tín dị đoan, lãng phí.”
Tuy nhiên, cũng có một vị Sư trụ trì một ngôi chùa ở ngoại ô Hà Nội, từng tu học ở Trung Quốc, khi được hỏi về việc này lại cho biết “… Hết thảy mọi pháp đều là Phật pháp. Nếu chúng ta nhận thức được thì việc đó cũng không hề sai. Khi tâm mình chưa thanh thản thì cũng nên làm bất cứ một điều gì (như đốt vàng mã) để cho tâm được thanh thản. Khi đó, việc học đạo, làm việc đều thành tựu. Nếu cứ chấp trước cái này là của Phật pháp, cái kia không phải thì sẽ sinh tâm phân biệt như vậy càng xa với Phật pháp.”
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe lời dạy này từ một vị tu sĩ Phật giáo. Câu nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp” chỉ là một nửa câu, nửa câu sau là: “Phật pháp là pháp bất nhị”. Toàn cả câu là: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị” cốt để hiển thị tính chất bao hàm của “Tự Tánh bất nhị” đối với toàn thể thế giới hiện tượng tương đối. Nếu hiểu lầm rằng “tất cả các pháp đều là Phật pháp”, cho nên bất cứ chuyện hay, dở gì trong thế gian cũng đều như nhau, đều có thể làm được, không phân biệt tốt, xấu, vì đều “là Phật pháp”, thì không đúng rồi.
Bất Nhị là cảnh giới Chân Tâm tuyệt đối. Nói về đời sống nhị biên, tương đối, thì Đức Phật đã dạy rằng “Không làm điều xấu, ác và siêng làm điều thiện, lành”. Người học Phật cần biết cái gì là xấu, ác, để tránh và cái gì là thiện, lành, để làm. Không thể nói rằng: “Nếu cứ chấp trước cái này là của Phật pháp, cái kia không phải thì sẽ sinh tâm phân biệt như vậy càng xa với Phật pháp”. Không phân biệt được thiện và ác thì làm sao mà tu hành để chuyển nghiệp xấu, ác thành thiện, lành được?
***
Kinh Phật dạy con cái phải tận hiếu với cha mẹ khi các người còn sống, và cho là sau khi chết một thời gian ngắn, Thần Thức đã theo nghiệp thiện hoặc ác mà đi đầu thai vào một đời sống mới. Thần Thức cũng không thể ở trong cái nhà hoặc dùng đồ đạc bằng giấy tùy theo ý kiến của nhà sản xuất vàng mã chế ra.
Sự kiện đốt vàng mã chỉ tạo nên ảo tưởng, hoặc sự khoe khoang về báo hiếu. Ngoài ra, nó còn có thể khiến cho những người con bất hiếu tha hồ xử tệ với cha mẹ khi các người còn sống, thí dụ tống cha mẹ ra ở góc vườn với ý nghĩ: “Ui da, mai mốt ông bà ấy chết ta đốt cho họ cái lâu đài đầy đồ đạc, xe cộ ê hề, tiền bạc vài trăm tỷ, cho tha hồ mà ăn ở, tiêu xài rộng rãi, sướng nhé”.
Ðã thế, sự kiện báo hiếu bằng vàng mã sẽ có thể khiến cho những người mê tín thi đua nhau, ai nhà nghèo không đốt được lâu đài cho cha mẹ thì lại tủi thân : “Tội nghiệp cha mẹ mình, sống đã phải ở chui rúc, chết cũng không có được cái nhà cao cửa rộng”. Thế là lại vay công mượn nợ để đốt cho cha mẹ cái building, xe Mercedes, vài ngàn thỏi vàng hồ, cho hồn ma cha mẹ vênh vang với các ma hàng xóm và mình thì cũng nở mày nở mặt với bà con.
Như vậy, chúng ta cũng nên xét lại vấn đề đem tiền thật mua những đồ vàng mã như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc giả và các vật dụng trong gia đình hoàn toàn bằng giấy rồi đem đốt đi nhằm mục đích để ông bà và người thân nơi âm phủ có đủ vật dụng để tiêu dùng.
Theo sử sách của người Trung Hoa, tục đốt vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn và cho rằng người mất sống nơi cõi âm vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống như tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm v.v... Nên khi nhà vua băng hà, phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 (738 DL), đời Đường Huyền Tông, nhà vua ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu do quan tế tự Vương Du phụ trách. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đấy.
Không bao lâu, dân chúng chán bỏ vì thấy việc đốt vàng mã không hiệu nghiệm, họ đốt đủ thứ cần dùng để người quá cố tiêu dùng mà không thấy được báo mộng hay có một hiện tượng gì chứng tỏ người chết được hưởng dụng, nhất là đối với những người nghèo không đủ tiền mua sắm đồ mã nên họ bảo nhau không đốt nữa, thế là nghề làm đồ mã bị ế ẩm. Sách Trực Ngôn Cảnh Giác của Trung Hoa kể lại rằng Vương Luân là dòng dõi của Vương Du, vì không muốn nghề nghiệp gia truyền làm vàng mã bị mai một, nên cố gắng hết sức để chấn hưng nghề làm đồ mã, bèn lập mưu với người bạn thân, lên kế hoạch bí mật chết giả, bằng cách để người bạn thân đó giả vờ đau ốm cho mọi người biết, khoảng vài ngày sau Vương Luân loan tin người bạn thân đã qua đời, sau đó khâm liệm bỏ vào quan tài chờ ngày an táng. Nhưng sự thật thì người bạn của Vương Luân vẫn còn sống, tuy ở trong quan tài nhưng vẫn có lỗ trống ở dưới đáy để thở và đưa thức ăn vào. Đến ngày đưa đám tang, trong khi lễ nhạc linh đình, phúng điếu rộn rịp, Vương Luân đem giấy tiền vàng mã và những đồ dùng bằng giấy như nhà cửa, áo quần và hình nhân thế mạng, đích thân làm lễ cúng tế để cầu nguyện cho người bạn thân. Sau đó ông ta đốt hết giấy tiền vàng mã và hình nhân thế mạng.
Khi đốt xong thì quan tài tự nhiên rung động, ai nấy đều mục kích rõ ràng, vội cùng nhau mở nắp quan tài ra. Người bạn thân của Vương Luân quả nhiên sống lại, đến trước mặt Vương Luân phủ phục xuống đất cảm tạ và thuật lại cho mọi người nghe rằng chư vị thần dưới âm đã nhận được vàng mã và hình nhân thế mạng nên thả hồn ông ta trở về cõi trần, nên ông ta mới được sống lại.
Mọi người đều tin là thật và tin tức được loan truyền rộng rãi trong dân gian, nên đồ mã của Vương Luân sau đó lại được hưng thịnh như xưa. Nhờ thế các nhà buôn đồ mã lại làm giầu một cách nhanh chóng và phổ biến sang các nước chư hầu để tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Sau này do sự cạnh tranh nghề nghiệp, nên người bạn thân đã tiết lộ mưu kế gian xảo của Vương Luân và vì thế ngày nay chúng ta mới biết lai lịch việc này.
Tục lệ đốt vàng mã này ảnh hưởng sâu đậm vào nước ta, từ vua chúa đến thứ dân. Vụ đốt vàng mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là trong đám tang của Vua Khải Định, băng hà vào ngày 25 tháng 11, năm 1925, triều đình Huế đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn vànhiều loại đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu, v.v... để đốt theo vua.
"Con xin cúng ông bà chiếc xe ô tô này để ông bà dùng"
(ảnh Reuters chụp tại Hà Nội )Ngày nay, dưới ánh sáng văn minh, ai cũng biết người chết không thể nào tiêu xài số tiền vàng và các thứ cần dùng chôn theo ấy. Như có người ở Hà Nội cúng người chết cả máy điện thoại Nokia cầm tay bằng giấy, Honda Dream bằng giấy và máy vi tính bằng giấy nữa. Khi còn sống không hiểu người chết ấy có biết sử dụng máy vi tính, điện thoại cầm tay hay xe Honda không? Xin kính gửi tới quý vị đoạn phóng sự viết vào thời gian ngày Vu Lan vừa qua tại Hà Nội:
“Tại phố Hàng Mã, điểm "phân phối" hàng mã cho những người bán rong trên các đường phố luôn đông nghịt người mua sắm, bộ cúng thần linh rẻ nhất cũng 15.000 đồng, cúng chúng sinh giá tương tự. Chúng tôi chen chân hỏi mua đồ cúng với giá "bình dân" đã không được các chủ hàng bán. Tôi chứng kiến một phụ nữ trung niên cùng cô con gái đến mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, tivi, xe máy, quần áo, tiền dollars Mỹ. Họ còn mua thêm một cô gái bằng giấy như búp bê, mang giày cao gót, mặc váy ngắn, áo lửng. Khi bà mẹ cầm "cô gái" trong tay thì cô con gái cầm ngay chiếc kéo nhỏ đâm lia lịa vào mặt hình nhân thế mạng. Giải thích cho những người hiếu kỳ xung quanh về việc làm kỳ quặc của cô con gái, người phụ nữ trung niên nói: "Bố cháu làm tổng giám đốc, nay xuống dưới ấy cũng phải gửi cho ông ấy cô thư ký, nhưng phải làm cho nó xấu xí để khỏi trở thành bồ của bố cháu".
Theo sự nghiên cứu, chúng tôi không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết được ghi trong tam tạng kinh điển của nhà Phật. Đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Quan niệm sống chết đối với Phật Giáo chỉ là hai mắt xích trong một chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy, cho tới ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử. Do đó, Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho những người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay là âm phủ. Có thể đây là những từ ngữ của tín ngưỡng dân gian.
Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm, trong một bài giảng Phật Pháp, nói rằng:
“Rất đáng tiếc là hiện nay, đa số tăng ni cũng không hiểu đạo lý ấy, thậm chí Phật tử ở Trung Hoa lục địa sang Đài Loan còn phát minh ra loại tiền giấy đặc biệt gọi là "tiền giấy vãng sinh", tức là trên một tờ giấy màu vàng, dùng mực đỏ in bài chú vãng sinh bằng chữ Phạn. Thực ra, công dụng tụng chú và tác dụng đốt tiền giấy là hai chuyện căn bản khác nhau…” Hơn nữa, các tăng ni tụng kinh, lễ sám, cầu đảo v.v…đều có viết sớ. Đọc sớ xong rồi đốt sớ đi. Đó là bắt chước đạo gia đọc sớ cho quỷ thần nghe, đó là mê tín, hoàn toàn không có căn cứ gì trong giáo lý đạo Phật cả. Trong mọi việc, Phật giáo đều chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi, là có linh nghiệm, chứ không cần phải đốt lá sớ.”
Nếu cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn, thì chỉ là một cách nói, một cách đánh lừa tâm thức, nếu có chăng chỉ là an lạc tạm thời như người dùng thuốc phiện. Muốn tâm thảnh thơi an lạc, không có gì hay hơn là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thực hiện lời Phật dạy:
Không làm điều xấu, ác
Siêng làm điều thiện, lành
Tự thanh tịnh tâm ýCòn chuyện hoang đường như đốt vàng mã, thì ngoài việc đã làm tổn hại tài nguyên, còn mâu thuẫn cả về mặt tâm tư. Trong khi chúng ta cầu nguyện cho người thân quá vãng được tái sanh vào cõi an lành, như sanh cõi trời hay cõi người hay về cảnh giới Tây phương cực lạc hay một cảnh giới thanh tịnh nào đó mà lại đi đốt giấy tiền vàng mã và đồ dùng bằng giấy xuống âm phủ cho người thân tiêu dùng trong các lễ tang, lễ giỗ, thì như vậy có phải chúng ta cầu cho người thân ở mãi cảnh giới âm u tối tăm đó để xài tiền ma, đồ dùng ma hay sao. Thậm chí có người, khi đốt xong còn lo lắng không biết người thân có nhận được không? …
Hoàng Liên Tâm
Vu Lan 2003Source: thuvienhoasen