Giữa cái nắng giao mùa vẫn còn khá gay gắt, tôi lại trở về Cù Lao Chàm trong một buổi trưa đầy sắc đỏ, cái đỏ của bạt ngàn hoa ngô đồng trên những chỏm núi nối nhau uốn lượn. Chọn cho mình một chỏm núi ngay phía sau chùa Hải Tạng để trèo lên, để khám phá cái sắc đỏ hút hồn những ai thật sự đam mê cái đẹp dù chỉ mới một lần đến với xã đảo này, tôi bắt đầu tìm đường leo lên.
Sắc đỏ ngô đồng ở Cù Lao Chàm Từ cuối tháng 7 âm lịch, hoa ngô đồng bắt đầu rộ đỏ trên toàn đảo, làm cho Cù Lao Chàm thêm một vẻ đẹp vừa sinh động lại vườn huyền hoặc. Chắt chiu nắng gió, khí trời xứ đảo, những cây ngô đồng nở ra những tán hoa ngời ngời một màu đỏ nhạt. Du khách ở xa tới và đứng nhìn từ xa, đôi
lúc dễ lẫn lộn loài hoa này với hoa phượng. Nhưng phượng có lẽ cũng không làm lòng người xao xuyến bằng khi chạm tầm mắt vào màu ngô đồng đầy sức quyến rũ này. Nơi tôi đứng, nhìn xuống và nhìn ra xa, ngoài những ngôi nhà nho nhỏ nằm san sát nhau ở thôn Bãi Làng, ngoài những chiếc ghe nhỏ mỏi mệt sau chuyến đi biển về, ghé đầu vào nhau bên bờ biển thì không thể không nhắc
đến màu hoa ngô đồng đỏ trĩu cả triền núi, men theo xuống cả gần những đám ruộng khum khum dưới chân núi. Ngô đồng không chỉ hát ru ca cùng gió
biển, cùng những loài chim di trú về đây mà còn hòa nhịp với cuộc sống người dân xứ đảo. Điểm sắc trên nền xanh thiên nhiên Hình như đó mới là sự đặc trưng, là niềm mến yêu thật sự của những cư
dân bản địa thật sự có tấm lòng sâu nặng với quê hương. Bởi thế, ngồi nghỉ chân bên một gốc ngô đồng, uống một ngụm nước mang theo, thấy lòng tự nhiên bình yên, ấm áp đến lạ. Ngắt một nhánh hoa ngô đồng ngời sắc đỏ
cầm trên tay, miên man đi giữa núi, chợt thấy mình đang lạc giữa miền vô ưu, mọi lo lắng đời thường cũng tan đi giữa cái màu đỏ thiết tha ấy. Quay trở về chùa Hải Tạng, nhìn lên trên núi, hồn như vẫn còn vướng víu với gió, với cỏ cây hoang mê xứ đảo này. Cụ từ giữ chùa như đợi sẵn với ly nước vừa rót xong. Chính cụ đã chỉ cho tôi đường ngắn nhất để lên
núi ngắm hoa ngô đồng nở. Cụ từ bảo cách đây vài năm, cụ cũng thường cùng những người dân đảo lên núi hái sợi mây về đan lát, hái lá thuốc về
nấu nước uống. Cũng có khi cụ đi một mình. Mà một mình thú vị hơn. Không gì vui và thanh thản bằng khi ngồi giữa núi, giữa màu hoa ngô đồng đỏ rực núi đảo quê nhà. Mấy năm gần đây, công việc chăm nom chùa Hải Tạng mỗi ngày một vất vả vì khách đến ngày càng đông. Cụ cũng không có thời gian lên núi. Nhưng mỗi khi đến mùa ngô đồng nở hoa, hằng ngày, cụ từ vẫn thường ra sân chùa, ngước nhìn lên những chỏm núi bạt ngàn sắc
đỏ, thả hồn càng bình yên hơn về phía gió ngàn kia. Làm phong phú thêm cảnh sắc thiên nhiên Cũng theo lời cụ từ, ngày xưa, cư dân trên đảo Cù Lao Chàm này rất nhiều người làm võng từ vỏ cây ngô đồng. Đó từng là một nghề truyền thống ở nơi đây, thu nhập cũng khá, cũng bán được đi nhiều nơi. Màu đỏ của ngô đồng từng là lời nhắc về một vụ mùa làm võng đầy vất vả nhưng cũng đầy niềm vui của họ. Võng làm từ vỏ ngô đồng phải rất tỉ mỉ nhưng rất bền. Ấy vậy mà vật đổi sao dời, nghề làm võng ấy giờ cũng đã thành vang bóng. Trên đảo Cù Lao Chàm, giờ chỉ còn 2 người giữ được nghề, mà chỉ giữ để làm vui mà thôi. Chứ cạnh tranh sao lại với những mặt hàng võng ngày càng hiện đại, cả hàng nội và hàng nhập ngoại. Mà bản chất người Việt hiện nay lại ưng chuộng theo mốt và theo đồ ngoại. Những chiếc võng bằng vỏ ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm chắc dần dần rồi cũng sẽ đi vào tiềm thức, vào quên lãng mà thôi. Có phải vì thế mà trưa hôm ấy, cùng tôi ngồi ngoài sân chùa Hải Tạng, dưới bóng cây bồ đề để ngắm nhìn sắc đỏ hoa ngô đồng từ xa, cụ từ lại buông một tiếng thở
dài. Duyên dáng hơn giữa núi rừng Nhưng dù sao, tôi tin rằng còn màu đỏ ngô đồng trên núi Cù Lao Chàm là vẫn còn bản sắc của vùng biển đảo nơi đây. Và cũng còn những hy vọng dù là nhỏ nhoi cho việc gìn giữ, bảo vệ những gì thuộc về truyền thống xứ đảo. Rồi đây, với những kế hoạch phát triển du lịch của thành phố Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam,
đảo Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới. Nhưng với tôi, khi nào còn màu hoa ngô đồng chơm chớm đỏ lúc hạ tàn thu tới thì cái chất Cù Lao
Chàm đúng nghĩa mới còn tồn tại. Mong rằng, điều ấy còn được dài giữa những biến cải khôn lường của tạo hóa và nhân tâm này...
Bài, ảnh: Nguyễn Thành Giang