Rong ruổi trên những nẻo đường quê tháng 8, chợt tiếng trống múa lân trong ngõ nhà ai rộn lên từng hồi làm lòng tôi chợt thấy xuyến xao bao nỗi niềm nhớ...
Đầu tháng 8 âm lịch, trẻ con rục rịch chuẩn bị những buổi
tập đầu tiên cho những “tiết mục” múa lân Trung thu. Nơi nào muộn thì lúc này
cũng hoàn thành xong việc đúc đầu lân. Trung thu bây giờ không còn được như xưa - Ảnh minh họa Là trẻ con, mà trẻ con quê nữa thì Trung thu thật là một cái
Tết theo đúng nghĩa. Cuối tháng 7 âm lịch, đã lon ton chạy theo anh, theo chị,
tìm đất sét, tìm giấy vở cũ để làm đầu lân. Một xóm hồi đó chỉ có một cái đầu
lân duy nhất mà thôi. Cả bọn trẻ con háo hức tập trung vào khoảng sân rộng để
xem các anh lớn làm đầu lân lúc rảnh. Ba mẹ nào lúc đầu cũng la nhưng rồi cũng
xí xóa cho những đứa con thơ trong cuộc vui mỗi năm chỉ có một lần. Vậy là không
kể trưa nắng hay đêm tối, cứ xong bài vở, xong cơm nước là lại háo hức chạy qua
xem đầu lân làm tới đâu rồi. Đến lúc múa, tôi hồi nào cũng chạy theo xem. Vào nhà nào,
các chú, các bác, các dì cũng vui mừng ra mặt. Tiền thì không có cho nhiều
nhưng họ xem, họ cổ vũ trong lúc những “nghệ sỹ” múa lân nghiệp dư nhí đang
nhảy, đang huơ chân múa tay theo từng nhịp trống dồn. “Tùng tùng cắc cắc tùng
tùng....”. Càng nghe tiếng trống, lòng trẻ thơ quê nghèo càng rạng rỡ, càng hào
hứng. Khi xong những ngày Trung thu, cả bọn làm cái lễ “Đốt Đầu
Lân”. Đầu lân thường được đem ra ngã 3 để đốt. Rồi chia tiền. Nói chia cho vui
chứ có được mấy đồng đâu. Rốt cục cũng mua bánh kẹo, ngồi lại vui với nhau, hát
hò rồi giải tán trong không khí hào hứng như vừa thành công trong một việc rất
lớn. Vui không kém cũng là lúc được tặng quà. Ngày nhỏ, quà của
chúng tôi là những cái bánh chưng, bánh thuẩn mà các bà, các mẹ, các chị chung
nhau lại, tranh thủ thời gian làm. Bởi vậy, trong buổi tặng quà, tôi cũng như
lũ bạn cùng trang lứa vừa háo hức, vừa thấy thật ý nghĩa. Chúng tôi được quan
tâm từ chính bàn tay của người thân, của bà con hàng xóm. Món quà chúng tôi
được tặng có một phần mồ hôi, công sức trực tiếp của bà, của mẹ, của chị. Điều
ấy không thể nào quên được! Giờ, Trung thu về, mỗi nhà kha khá đều mua cho con mình một
cái đầu lân nho nhỏ để vui, mua thật nhiều kẹo bánh ở chợ về để thưởng. Nhưng
không thể nào tìm lại được cái không khí ngày cũ. Lũ trẻ nửa quê nửa phố giờ không thèm đến nhận quà Trung thu
bởi nhận cũng là bánh kẹo mua ngoài chợ. Chúng sợ mất khoảng thời gian dành cho
game, cho chat, cho những cuộc vui dưới phố quay cuồng. Ba mẹ chúng thì cứ
quăng vài chục ngàn, có người cả trăm ngàn vào cho ban tổ chức để mong mua một
niềm vui cho con mình, để hoàn thành cái phần trách nhiệm, để khỏi thua kém bà
con hàng xóm. Cuộc sống ngày càng hiện đại thì những món quà Trung thu cho con
trẻ ngày càng mất dần ý nghĩa. Nó chỉ là những cây kẹo, những gói bánh vô hồn
cho dù ngon hơn, xịn hơn những cái bánh chưng, bánh thuẩn ngày xưa rất nhiều
lần. Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được tình
yêu thương và sự quan tâm thật sự của những người thân.
Nguyễn Thành Giang