Nói đến mùa hạ, người ta thường nghĩ về hoa sen. Một loài hoa mang nhiều tố chất đặc thù mà ít loài hoa nào có được. Bởi hoa sen vốn sinh ra không phải dùng để trang điểm cho những vẻ đẹp ủy mị thường tình, mà hoa sen được biết đến bởi tính chất vô nhiễm “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Một loài hoa vừa mang hương thơm lại có sắc đẹp, ẩn chứa diệu mầu hai cõi sắc không. Bình thường ai cũng quý trọng loài hoa trong chốn bùn lầy này. Hoa còn mang ý nghĩa chỉ cho trái tim người (nhục đoàn tâm), biểu thị tâm thể nhứt như thanh tịnh vô ngần.
Là loài hoa sanh trưởng nơi vùng nhiệt đới, nhờ kết hợp nắng mưa vào hạ mà trổ nhụy ra hoa. Do đó sắc hoa sen luôn tươi nhuần, hương hoa thì thanh nhã dịu dàng mà lan tỏa. Sắc hương của sen đã từng ngự trị ở miền quê hương tịnh lạc. Nhưng trong mọi góc cạnh cuộc sống, hoa sen vẫn có chỗ đứng riêng. Mang ảnh tượng từ cõi nhân gian, hoa thanh thoát tự tại vươn lên không chút vướng nhiễm bụi trần.
Đức Thế Tôn khi còn tại thế cũng thường lấy hoa sen làm thí dụ trong những bài thuyết giảng, ngầm ý chỉ cho đời sống thanh cao thoát tục của hàng tăng lữ. Nghĩ về hoa sen, ta liên tưởng đến mùa hạ. Vì đây là mùa an cư kiết hạ. Mùa tu tập định kỳ cho Tăng chúng Phật giáo trên khắp hoàn cầu( trừ các vùng Bắc cực tại các xứ Âu Mỹ, Tăng chúng lại an cư vào mùa đông, mùa cực lạnh lại đầy mưa tuyết. Gọi là mùa kiết đông). Nhìn chung, thì Phật giáo ở hai vùng đông tây có nhiều điểm dị biệt về phương thức tổ chức, cũng như về khái niệm tu tập hoằng dương chánh pháp. Nhưng sự thể hiện chân ý đạo mầu vẫn không nằm ngoài giới luật của Phật, vẫn dựa trên nền tảng tam vô lậu học để khắc chế nội tâm và vun bồi đạo hạnh cho người xuất thế.
Ngoài vẻ đẹp thuần túy, hoa sen còn nêu rõ đặc tính khi hoa nở thì gương hạt nhụy cánh đều đầy đủ trong cùng một lúc. “Nhân quả đồng thời tỏa hiện” là ý ẩn dụ mà đức Thế Tôn thường nêu ra trong các bộ kinh đại thừa, nói lên thể tánh chân như đồng nhất của chư Phật cùng tất cả chúng sanh. Phật đã từ ngôi nhà thế gian tu tập thành chánh giác. Chúng sanh thì còn mãi đắm mê trong nhà lửa tam giới, chẳng khác nào như cánh sen còn nằm sâu nơi chốn bùn lầy, phải chờ nhân duyên hội tụ cùng sự nỗ lực của tự thân. Hình ảnh hoa sen với hương sắc dịu dàng tinh tế, ngầm ý chỉ cho tâm bồ đề thanh tịnh của chúng sanh luôn sẵn có. Dù bị lưu chuyển qua bao kiếp trần nhưng tâm bồ đề ấy không hề bị hoen ố mai một.
Như vậy, hoa sen nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cao đẹp cho hành giả tu tập Phật thừa. Và mùa hạ cũng là mùa trổ hoa phước trí cho người con Phật. “Bao nhiêu công đức vô biên, đều do hạ lạp cần chuyên tháng ngày”. Màu hoa trong mùa hạ lạp được toả sáng trên mỗi mảnh y ca sa, trên những bước chân người tìm về cảnh Phật. Hoa phước trí nở rộ trong đạo tràng qua mỗi mùa hạ lạp đã nói lên được truyền thống tốt đẹp luôn được truyền thừa tiếp nối. Mỗi ngôi trường hạ là một khu vườn trí huệ ươm mầm cho hạt giống bồ đề tăng trưởng. Mỗi mùa hạ là mỗi mùa công đức tuổi lạp được vun bồi. Mùa hạ ở vùng nhiệt đới lại là mùa mưa lũ. Mùa chúng côn trùng sanh sôi nảy nở. Vì thế mà Đức Bổn Sư của chúng ta đã lập ra mùa kiết hạ tạo duyên cho hàng tín chủ làm công đức cúng dường, hộ trì cho chúng Tăng tịnh tu trong ba tháng, tránh đi lại làm di hại đến các loài sanh chủng. Phật giáo nguyên thủy mang đậm hình thức hoà hợp chúng, nêu cao tính đoàn thể tự tu tự chứng. Tăng đoàn hoà hợp nhờ luôn thể hiện tính tự giác cao độ. Và hơn hết là biết lấy giới luật làm áo giáp kiên cố, lấy tinh tấn để huân sâu thêm đạo nghiệp và lấy định huệ để thắp sáng tự tâm.
Mùa hạ.. mùa của những cánh sen hồng trắng đua nở, cũng sẽ đưa chúng ta tìm về bên những ngôi trường hạ. Ở đây ta được tận mắt nhìn thấy những sắc vàng y rực rỡ như những cánh sen tuyệt tác của người tu sĩ. Tất cả dường như đang hiện hữu nơi đây, đang thực sự trở về một thời hoằng hoá nơi Kỳ Viên Tịnh Xá. Những ngôi trường hạ bây giờ, dù không mang đậm sắc thái tu chứng như thời chư vị thánh nhơn, nhưng vẫn giữ được mọi nếp sống trang nghiêm trong một không gian đầy đạo vị. Đây là những môi trường tu học vừa mang tính truyền thống thanh cao, lại vừa khế hợp với Đạo Pháp – Dân tộc ngay thời đương đại hết sức sinh động hài hoà. Chính nhờ giữ được những ý nghĩa đó, mà mỗi năm các ngôi trường hạ lại ra đời, thu hút các tăng ni sinh trẻ nương về tu học. Mỗi năm ba tháng tịnh tu, mỗi mùa hạ là sẽ tạo cơ duyên cho những cành liên hoa đơm bông nở rộ, đem lại bao sức sống diệu kì cho nhân tâm - thế đạo.
Chúng sanh vô biên, pháp môn vô lượng. Sự tu tập của hành giả cũng phải trải qua bao A tăng kỳ kiếp mới thành tựu viên mãn. Trong suốt cuộc hành trình đạo hóa nhân sinh, hành giả đôi khi bỏ quên chính mình, bỏ quên hạt minh châu luôn tỏa sáng trong tâm thức. Ba tháng hạ chính là thời gian thích hợp để Tăng chúng ngồi lại kiểm thúc thân tâm trong mỗi ý tưởng hành động cụ thể. Tránh đi lại và cũng tạo cơ duyên cho chúng sanh cùng tịnh tu phước huệ. Có thể nói đây là giai đoạn tu nhân của Bồ Tát mang tâm hạnh vị tha vô ngã. Hoa sen trong biển lửa khi vươn ra khỏi đầm lầy thì sắc hương càng lan tỏa.
Trong cuộc hành trình tìm lại chính mình, mỗi bông hoa mùa hạ là hiện thân cho một giai đoạn tu chứng nơi tự tâm; Mỗi cánh sen vàng là một hoá thân Phật trụ trì Tam Bảo ở Thế gian. Mùi hương của loài hoa bất nhiễm lan xa như muốn góp sức mình trong công cuộc xây dựng một thế giới Cực Lạc an vui ngay hiện tại.
“Hương của hoa giải thoát,
ngược gió bay khắp nơi”.
Trong cảnh sanh diệt, chỉ có người biết trang trải cho đời bằng những giá trị thanh cao để trở thành những đoá sen vàng rực rỡ không bao giờ mất, không bao giờ tàn. Cành lá vô ưu vươn lên từ nơi mảnh đất bụi trần tăm tối. Trong chốn đầm lầy, những cánh hoa mùa hạ biết trang trải cho đời qua mùi hương bất diệt.
Những cánh hoa mùa hạ, những sắc màu luôn toả sáng trong mỗi mùa kiết hạ an cư. Rồi đây hương của người đức hạnh cũng theo chiều gió ngược bay xa.