Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Mười Điều Hạnh Phúc Của Tôi

16 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 13585)
Mười Điều Hạnh Phúc Của Tôi


MƯỜI ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA TÔI


Thích Như Điển


Trước tiên xin định nghĩa hạnh phúc là gì ? Dĩ nhiên là có nhiều cách định nghĩa và cách nhìn cũng như cách chấp nhận về hạnh phúc đối với mỗi người khác nhau, vì chẳng ai trên đời nầy giống nhau hoàn toàn một trăm phần trăm cả. Tục ngữ Nga nói rằng: "Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm". Với tôi, câu nầy có rất nhiều ý nghĩa. Vì đa phần con người hay đi tìm hạnh phúc¸nhưng hạnh phúc thật sự đâu có mà phải tìm. Tất cả đều biến đổi, tất cả đều không thường hằng, tất cả đều tạm bợ. Có những điều ta nghĩ là hạnh phúc thật sự; nhưng đến ngày hôm sau vì lòng người thay đổi, thời tiết đổi thay, thời gian giới hạn v.v... nên con người chẳng nắm bắt được hạnh phúc ấy một cách lâu dài. Do vậy, người Nga cũng rất là thực tế; nên họ mới cho rằng: "Cái gì mình đang có, ấy là hạnh phúc".

Còn người Pháp thì bảo rằng: "Hạnh phúc là sự an ổn của tâm hồn". Điều ấy hẳn đúng. Vì khi tâm hồn mình không bị chướng duyên quấy phá, sống trong sự tỉnh thức, an lạc. Ấy chính là hạnh phúc. Nó không nhất thiết phải là tiền nhiều mới có hạnh phúc. Ngược lại, tiền nhiều quá, nhiều khi bị mang họa vào thân nữa. Tình yêu nam nữ cũng chẳng phải là hạnh phúc thật sự. Vì nó chỉ có tính cách ham muốn, đòi hỏi. Một khi sự ham muốn, đòi hỏi ấy của một trong hai người không đồng thuận, thì sẽ có sự phân ly, chắp nối. Như vậy hạnh phúc lứa đôi, cũng chẳng phải là hạnh phúc thật sự của cuộc sống con người. Danh vọng thật cao cũng chẳng phải là hạnh phúc. Ông bà ta vẫn thường hay nói: "Trèo cao, té nặng". Nghĩa là: "Càng cao danh vọng, càng giàu gian nan". Thế thôi! Cho nên người Pháp có lý khi họ nói rằng sự an ổn của tâm hồn là một hạnh phúc chân thật.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, người lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Tây Tạng và có ảnh hưởng rất lớn đối với những dân tộc phương Tây vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21 nầy, Ngài lại cho rằng: „Hạnh phúc, người ta chẳng thể mua nó ngoài siêu thị được, mà bạn phải tìm nơi nội tâm của bạn“. Vậy thì cái hạnh phúc chơn thật phải do tự nơi tâm mà do chính mình làm chủ; chứ không phải dùng tiền để mua được hạnh phúc ấy. Lại càng chẳng thể dùng thế lực để tìm lấy hạnh phúc từ kẻ khác. Tiền không là tất cả. Tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống, chứ không phải là mục đích của cuộc sống.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "an bần, lạc đạo". Nghĩa là: "an phận với cảnh nghèo khó, vui thích với đạo nghĩa". Đây có thể là cái đạo làm nguời của Khổng Giáo, không nhất thiết là của Đạo Phật hay của Lão Giáo; nhưng trong 3 nền Đạo học Đông Phương ấy, có nhiều điểm giống nhau về cách sống cũng như cách tu thânquan niệm về cuộc đời. Qua câu định nghĩa trên ta hiểu rằng: nếu biết an phận thủ thường, thì mặc dầu nghèo, tâm ta vẫn an ổn. Ngược lại, nếu chẳng biết đủ thì dầu cho có làm đến Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng cảm thấy không đủ một chút nào, lại càng muốn đòi hỏi thêm nhiều thứ nữa, để hưởng được những phú quý vinh hoa trong cuộc sống. Từ đó tâm thức rong chơi ở mọi phương trời, không quan tâm đến thị phi, nhân nghĩa, bỉ thử của thế trần. Đây chính là con đường dẫn đến niềm vui miên viễn của người xưa, khi xuất thế phải ra tài kinh bang tế thế, khi về già phải biết xử sự với chính bản thân mình như thế nào, để đừng cho lỗi đạo của Thánh Hiền.

Còn tôi, vốn xuất thân từ nông dân của xứ Quảng Nam nghèo khổ, năm nay 2011 đã ở vào tuổi 63 và hơn 47 năm đã xuất gia học đạo, tại sao có lắm nhiều điều hạnh phúc như thế ? Tôi xin kể để hầu quý vị vậy.

Điều thứ nhất – khi cha mẹ sinh tôi ra trong đời nầy, tôi có đầy đủ vóc hình. Đây là một điều hạnh phúc. Chẳng có cha mẹ nào mà không mong được điều đó; nhưng vì nghiệp duyên của bao đời kết tụ, chồng chéo với nhau; nên kết quả là nhiều đứa bé khi sinh ra đời đã không có đầy đủ vóc hình. Ví dụ như thiếu tay chân, sứt môi, tai điếc, mắt đui, lưỡi thụt vào, khiến bị câm ngọng v.v... Nhưng tôi được một điều, không thuộc vào dạng người như thế. Nên đây là một hạnh phúc trên đời khó có được. Cho nên với tôi, cha mẹ là một nhân duyên hy hữu đã mang mình ra đời với một đứa bé với đầy đủ vóc hình nầy.

chúng ta không bị các chướng nạn như mắt mù, tai điếc, ngọng câm v.v... nên chúng ta ít cảm thông với những người có cảnh ngộ như thế; nhưng nếu rủi một ngày nào đó ta đang được nói mà bị mất giọng nói, không thể nói chừng 2 đến 3 ngày thì quý vị sẽ thấy sự khổ sở như thế nào. Khi ta được ăn, được nói, ít ai để ý đến vấn đề nầy. Rồi một hôm bỗng dưng mắt mình bị mờ dần đi, rồi chẳng thấy gì cả. Nhưng trong khoảng đời sống được 50 hay 70 năm ấy, đâu có ai quý ánh sáng của chính mình đã do cha mẹ mình tạo thành đâu, mà cứ mãi buông lung, phóng ngoại, chứ rất hiếm người biết đến ân đức sanh thành của mẹ cha, đã dưỡng dục chúng ta thành người.

Điều hạnh phúc thứ hai là khi tôi lớn lên trong một môi trường thiên nhiên thích hợp, được cắp sách đến trường để đi học cùng bạn bè để biết chữ và biết lắp ráp vần bằng những chữ cái đầu đời, để sau nầy chừng ấy chữ, đã tạo thành cho tôi có được hơn 60 tác phẩm và dịch phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; nếu chẳng có được những ngày đầu tiên đến trường ấy. Tôi là một đứa trẻ sinh ra tại nơi thôn dã; chốn đồng quê mộc mạc; nhưng có được một môi trường thiên nhiên rất trong lành. Chung quanh mình là ruộng vườn, trâu bò, heo gà và cảnh nông trang. Do vậy tôi rất yêu thú vật. Cho nên những ngày nghỉ hè ở trường là chúng tôi gồm những bạn trẻ tụm năm tụm ba lại để đánh đu, đánh đáo, cỡi bò, cỡi trâu rong ruổi khắp thôn cùng, ngõ hẻm. Đồng cỏ nào cũng có mặt của bọn trẻ con chúng tôi. Chúng tôi thích nhất là mùa lụt lội. Vì có cơ hội dầm nước và bắt dế hay đi thuyền. Đó là những thú vui của trẻ thơ. Thân phụ tôi sinh năm 1898 và đến năm 1949 tôi mới được ra đời. Nghĩa là người mang tôi vào đời ở tuổi gần 52. Cho nên giữa tôi và thân phụ ít có cơ hội gần gũi nhau. Vì tuổi cha con quá chênh lệch, không học hỏi trực tiếp được từ người nhiều; nhưng gần mẹ để được nũng nịu và học hỏi nhiều hơn. Mặc dầu mẹ tôi là người đàn bà không biết chữ. Nhưng cái tình thương người của tôi có được ngày hôm nay, tất cả đều từ mẹ mà có được. Do vậy khi đi học mẫu giáo vào năm 1956 cho đến khi tốt nghiệp Tiểu Học vào năm 1961, tôi ít được sự giúp đỡ của cha mẹanh chị em; nên học rất dốt. Cuối năm Tiểu Học, tôi đội sổ, đứng thứ 35 trên 36 học sinh Tiểu Học trường Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên lúc bấy giờ; nhưng tôi rất vui. Vì tôi đã được đi học. So ra với những đứa trẻ trong làng thuở ấy, tôi rất hạnh phúc. Vì có không biết bao nhiêu đứa phải bỏ học để đi giữ trâu, bò giúp cha mẹ làm việc đồng áng, nông trang. Còn tôi, tuy dốt về việc học thuở ấy; nhưng được một cái là có cha mẹ anh em sống quây quần đầy đủ với nhau dưới một mái nhà.

Thân phụ tôi mất vào năm 1986 ở tuổi 89 và thân mẫu tôi mất vào năm 1966 ở vào tuổi 58. Bây giờ tôi còn tất cả 5 anh em, gồm 3 trai 2 gái. Bà chị cả năm nay (2011) đã 85 tuổi rồi. Vì sinh ra tại nhà quê; nên ai cũng sống rất thọ. Mẹ tôi vì chiến tranh thuở ấy; nên đã ra đi lúc ấy dưới 60 tuổi; nếu không chắc bà cũng thọ lắm. Vì tôi chẳng hề thấy cha mẹ tôi uống thuốc gì cả, ngay cả thuốc đau đầu. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho họ.

Điều hạnh phúc thứ ba là có cơ hội theo mẹ đi chùa từ thuở bé; nên mới có cơ hội xuất gia về sau nầy. Làng tôi nghèo; nhưng thuở ấy cũng đã có một vài ngôi chùa để cho quý Cụ, quý Bác đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mồng một; hoặc những ngày Vu Lan, Tết nhứt. Còn bọn trẻ chúng tôi lúc đầu theo mẹ đi chùa để được ăn chay và sau đó hòa nhập vào môi trường của Gia Đình Phật Tử. Vào những năm 1957, 1958 tại các vùng thôn quê Việt Nam vẫn chưa có điện; nên vào những đêm trăng 14 hay rằm là những tháng ngày tuyệt diệu. Vì lẽ ánh điện ngày nay không thể so sánh với ánh trăng rằm của những miền quê thôn dã thuở ấy được. Ngày xưa cái gì cũng nhàn nhã, còn ngày nay cái gì cũng vội vàng mà kết quả lại chẳng được bao nhiêu.

Nếu không có mẹ, chắc là tôi buồn lắm. Vì ai sẽ chăm sóc cho mình khi tuổi còn thơ? Ai lo cho mình đi học, ai đỡ đòn cho mình, khi người cha thịnh nộ xung thiên. Chỉ chừng ấy việc thôi, mẹ đã là hình bóng của một từ mẫu rồi. Dầu cho bà mẹ dân giả, thôn quê không biết chữ, so với bà mẹ có học ở chốn thị thành, thì tình mẹ chắc chẳng có gì thay đổi.Vì ai cũng phải thương và lo cho con mình. Cho nên tục ngữ Việt Nam mới có câu:

"Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"

Đi chùa thuở bé, tôi thích nhất là ăn rau luộc chấm nước tương, ăn cùng với gạo ba trăng hay gạo nàng hương thì thật là tuyệt diệu. Tôi thèm nghe tiếng kinh, lời kệ và thích màu áo nâu sồng từ khi lên 8 tuổi; nghĩa là vào năm 1957. Thuở ấy mền quê còn thanh bình lắm. Ai ai cũng lo nông trang cày cấy và xây dựng nhà cửa ruộng vườn. Một thuở tuổi thơ của tôi với tròn đầy những mộng ước nhỏ nhoi như những chú chim non mới tập bay, muốn nhón bước bay xa và lìa tổ ấm kia để hòa tan vào đám nhóc tì đang tung tăng nơi cửa chùa cũng như nơi trường học.

Đến năm 1957, bào huynh tôi, tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc ngày nay đang là Phương Trượng của chùa Pháp Bảo tại Sydney, Úc Châu đã lên đường xuất gia học đạo. Thế là tôi có cơ hội để cùng gia đình đi thăm Thầy ấy tại chùa Linh Ứng, thuộc núi Ngũ Hành Sơn, Non Nước tại Đà Nẵng. Đi xe đò thuở ấy là một thú vui; nhưng tôi ngồi cách nào thì cũng thấy người đi dưới vệ đường đi ngược lại mình. Đây là một ảo giác chưa quen khi bị say sóng; hoặc giả biểu hiện bản chất nhà quê lên tỉnh chăng? Sau khi leo lên hằng trăm thang cấp để đến chùa thì bụng dạ đã đói meo. Cho nên cơm, tương ở trên núi nầy là một hạnh phúc rất to lớn đối với tôi thuở bấy giờ. Rồi chẳng biết từ khi nào, ý niệm xuất gia đã len lõi vào hồn tôi; nên đã có một chút gì đó muốn gần gũi cửa chùa nhiều hơn nữa.

Tôi tham gia Gia Đình Phật Tử Hà Linh từ lúc còn Oanh Vũ cho đến hết ngành Thiếu thì đi xuất gia. Lẽ ra tôi được đi tu trước khi xong Tiểu Học vào năm 1961; nhưng cha mẹ cứ trù trừ, bảo rằng con út trong gia đình, hãy ở lại cho đến lúc lớn khôn rồi hãy tính; nhưng đây là cái kế của cha mẹ để trói buộc con cái vào chuyện đời; nên bằng mọi cách, tôi đã xin phép cha mẹ để đi xuất gia. Cuối cùng thì ông bà đã đồng ý và hôm đó là ngày giỗ của Nội tôi vào ngày rằm tháng năm năm 1964. Thấm thoát mà cũng đã gần 50 năm chay tịnh rồi. Đúng là thời gian! thời gian rất vô tình, chẳng đợi chờ ai cả; nhưng ta sẽ già và sẽ chết, sẽ tàn lụi tuổi thanh xuân.

Cái tuổi thanh xuân 15, chưa nhiễm mùi trần, với một tâm hồn trong trắng, tôi đã từ bỏ gia đình, để lại phía sau lưng và mặt hướng tới, sung sướng đạp xe đạp về chùa Viên Giác tại Hội An, trong khi cha mẹ, anh chị đều khóc sa nước mắt để đoái nhìn đứa em út đã từ bỏ gia đình dấn thân vào con đường cao xa vời vợi. Lo toan, mừng vui, đau đớn v.v... có lẽ là những tâm tư, tình cảm của những người còn ở lại. Riêng tôi thì hạnh phúc vô ngần. Vì có được một chân trời cao rộng.

Điều hạnh phúc thứ tư được đi xuất gia tu học là một hạnh phúc. Khi tôi vào chùa Viên Giác Hội An vào ngày 15.5 âm lịch năm 1964, Thầy tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí viết một giấy giới thiệu cho cố Hòa Thượng Thích Như Vạn, trụ trì Tổ Đình Phước Lâm lúc bấy giờ, cho tôi tạm trú tại đó để chờ ngày xuất gia. Vì Thầy tôi sau cuộc tranh đấu năm 1963 với chế độ Ngô Đình Diệm đã bị tra tấn nặng nề; nên cần phải đi Sàigòn để được chữa trị. Đến ngày 19 tháng 6 năm 1964 nhân lễ Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, tôi được Thầy tôi cho người ra chùa Phước Lâm kêu về chùa Viên Giác để xuống tóc và chính thức xuất gia vào ngày ấy. Sau đó trở lại chùa Phước Lâm liền để tùng chúng tu học.

Chùa Phước Lân thuở ấy đang thời kỳ trùng tu; nên ban ngày chúng điệu đi học và chiều, tối về hay phụ các thợ công quả đến từ Đại Lộc, Điện Bàn đi đẩy gạch ngói trên Thanh Hà, để cho các thợ ấy xây chùa. Thuở ấy chùa Phước Lâm thịnh lắm. Các chú rất đông, học rất giỏi; nhưng sau 1975 hình như đã ra đời hơn phân nửa. Bây giờ thì còn lại Hòa Thượng Hạnh Đức, Thượng Tọa Hạnh Hoa và một số quý vị khác, tôi không còn liên lạc được. Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Thiền, trụ trì chùa Vạn Đức, vốn là người xuất thân từ nhóm thợ nói trên và lúc đến chùa Phước Lâmpháp danh là Thị Quảng; sau khi chùa Phước Lâm khánh thành vào năm 1966 thì Thầy ấy xuất gia cùng với Thầy Thị Tập (chú Huân); bây giờ cũng đã là Hòa Thượng đang trụ trì chùa Ân Triêm ở trạm Nam Phước, Duy Xuyên.

Cái tuổi hồn nhiên ấy tôi đã dâng hiến đời mình cho Đạo, để cho đến bây giờ chẳng có một chút gì ân hận cả. Vì tôi biết rằng: ân Tam Bảo to lớn lắm; nếu tôi không nhờ có Tam Bảo dẫn dắt, che chở, gia hộ, thì tôi đã chẳng có ngày nay. Ngày ấy khi Thầy tôi bảo rằng: ông hãy lo chuẩn bị sách vở để đi học. Tôi trả lời Thầy rằng: Bạch Thầy! Đi tu rồi còn học làm gì nữa. Nó hồn nhiên và ngớ nghếch như vậy. Bây giờ ở vào tuổi cuối đời, mới thấy tuổi thơ là đáng quý. Vì chỉ nghĩ rằng: Tu là bước cuối của cuộc đời, đóng cửa chùa lại, lim dim đọc kinh, niệm Phật; chứ đâu có ai ngờ là phải đi vào đời để độ sanh cả mấy chục năm nay và thấy rằng: học bao nhiêu cũng chẳng đủ và tu bao nhiêu cũng chưa trọn vẹn hạnh nguyện của mình.

Điều hạnh phúc thứ năm là được tu và được học; được che chở và hướng dẫn bởi Thầy lành bạn tốt. Đây là cái phước mà không phải ai cũng có được. Có nhiều người đi tu bị những chướng duyên khảo đảo, thối chí xuất trần. Có nhiều vị đã hoàn tụctuổi thanh xuân, mà cũng có nhiều người khi đến tuổi trung niên vẫn còn khổ lụy vì đường trần, bởi nghiệp duyên chưa dứt hẳn. Tuy Sư Phụ tôi không trực tiếp hướng dẫn cho tôi tu học từ thuở sơ cơ từ năm 1964-1966 mà nhờ cố Hòa Thượng Thích Như Vạn có một tấm lòng độ lượng như một người mẹ và từ năm 1966-1968 tôi về lại chùa Viên Giác ở Hội An với Thầy tôi; nhưng giữa Thầy trò hình như có một bức tường vô hình cản ngăn tình Thầy trò. Cho đến năm 1968 tôi đã đi Sàigòn và xa Sư Phụ tôi từ dạo ấy để năm 1991 mới gặp lại Người tại Đức và chừng mấy năm sau thì Thầy tôi đã viên tịch. Tình nghĩa Thầy trò chỉ có cảm nhận chứ không có việc trực tiếp chỉ bày và tôi học được từ Thầy cách tổ chức, tính năng động và việc đi vào xã hội quần chúng.

Thuở ấy cứ mỗi mùa an cư kiết hạ, tôi được lên chùa Long Tuyền hay chùa Tỉnh Hội (bây giờ là Pháp Bảo) để tùng hạ, tập sự an cư. Quý chú Giải Trọng, Như Phẩm, Như Hoàng là những bạn thân học cùng lớp tại trường Trung Học Diên Hồng, Bồ Đề, Trần Quý Cáp Hội An có những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm cảm của mình. Họ là những người bạn tốt.Bây giờ có vị đã lên Hòa Thượng, có người ra đời được mấy con; tất cả chỉ là kỷ niệm.

Chúng Viên Giác không đông; thuở ấy có chú Tùng, chú Đồng, chú Ngô v.v... Nhưng bây giờ không còn một ai nữa ở lại với Thiền Môn, mà đã trở lại vòng luân hồi để nối vòng dây sanh tử. Ôi! đời là vậy! mới đó ngày nào tiếng kinh cầu, tiếng tang mõ, nhịp linh đều đặn tụng kinh bên nhau vào mỗi buổi sáng tại chùa xưa, mà bây giờ chỉ còn là những âm thanh dội lại từ một cõi xa xăm nào đó, dường như khó nắm bắt lại được.

Từ giã Hội An để vào Sàigòn một thành phố phồn hoa, ồn náo. Tôi như con chim nhỏ mới tập sãi cánh vào đời, thấy muôn ánh đèn màu và muôn vạn điều cám dỗ; nhưng nhờ cái chân quê của xứ Quảng đã giữ gìn và bảo bọc tôi cho đến ngày nay. Chùa Hưng Long ở đường Minh Mạng thuở ấy là chốn dung thân của những người xuất gia ly hương Quảng Nam vào đây trú ngụ. Cố Hòa Thượng Thích Pháp Ý trụ trì chùa thuở ấy rất từ bi; nhưng Thầy Phó thì hay gắt gỏng với Tăng Chúng; chẳng biết tại sao? Nhưng tôi vẫn thản nhiên; ngày đêm hai buổi công phu sáng chiều để trả nợ đàn na tín thíhọc hành thi cử. Phải nói cho ngay rằng: Nếu tôi không vào Sàigòn để học và thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2 thì đã chẳng có cơ hội để đi ngoại quốc được.

Ở đời có cha mẹ, lúc vào chùa có Thầy Bổn Sư, Thầy Y Chỉ thay thế cho cha mẹ để chăm sóc đời sống tinh thần của người Tăng sĩ, quả là một hạnh phúc vô cùng. Bên cạnh đó còn có những huynh đệ đồng song, cùng tu, cùng học dưới mái chùa. Hình ảnh nầy thay thế cho anh em ruột thịt ở trong gia đình. Cứ như thế, tôi đã ăn cơm góp của Đàn na Tín thíở chung dưới nhiều mái chùa khác nhau; thế mà cũng đã gần 50 năm rồi, còn gì nữa? Có gì để nói hết được hai tiếng tạ ơn với cha mẹ, Thầy Tổ, Tam Bảo, Đàn na Tín thí, quốc gia xã hội cho đủ đầy đây! Nếu có cũng chỉ là sự mặc niệm những thâm ân ấy; chứ chẳng có lời nào và hình thức nào khác để tạ ân những công đức cao dày ấy được.

Điều hạnh phúc thứ sáu là tôi có cơ hội ra ngoại quốc tu học và đi đây đi đó để hiểu biết thêm về nhân tình thế thái cũng như cuộc đời. Hồi còn học Tiểu Học, tôi nhớ mỗi sáng thứ hai, Thầy, Cô giáo thường chép lên trên bảng đen một câu cách ngôn bằng chữ Pháp hay Hán Việt và trong tuần lễ ấy học trò phải học thuộc lòng một bài có tính cách lịch sử hay văn học v.v... Ví dụ như câu: „Ấu bất học, lão hà vi - Nhân bất học, bất tri lý - Ngọc bất trác, bất thành khí“. Nghĩa là: „Nhỏ chẳng học, lớn làm gì - Người không học, chẳng rõ biết - Ngọc không dùi, không sáng sủa“. Chữ Nho ngắn gọn; nhưng ý nghĩa lại thâm sâu. Còn ngày nay đâu có ai học những câu nầy làm gì nữa. Bài học thuộc lòng có nhan đề là: Đi ngày đàng học sàng khôn.

Đi cho biết đó biết đây

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn

Kìa thế giới năm châu quanh quốc

Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu

Sông to núi lớn cũng nhiều

Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang

Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng

Trời bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây

Mênh mông nước nước mây mây

Chẳng đi sao biết thông nầy thảo kia.

 (Khuyết danh)

Tác giả là ai, ngày nay chẳng ai còn nhớ nữa; nhưng tư tưởng ấy, cái nhìn ấy, sự thực hành ấy đã in sâu vào tim mạch của trẻ thơ từ cái thuở ban đầu và mãi cho đến ngàn sau cũng chẳng thể nào dễ quên đi được.

Đến Nhật du học vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 đến nay cũng gần tròn 40 năm rồi. Trong gần 40 năm ấy tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, đến không biết bao nhiêu chỗ; viết hết không biết bao nhiêu gấy, nói không biết bao nhiêu lời, học không biết bao nhiêu điều hay, gặp không biết bao nhiêu là người, nói không biết bao nhiêu là ngôn ngữ... chỉ chừng ấy thôi, tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Vì lẽ tôi có cơ hội để được học. Khi tôi ở trong chùa Nhật, dĩ nhiên là tôi được tu rồi; nhưng cũng nhờ họ, mà tôi đã giữ thăng bằng cuộc sống của một Tu sĩ Việt Nam tại xứ người. Ai trước khi ra đi khỏi nước, cũng mong rằng đời mình có một cái gì đó thay đổi khác hơn; nhưng khi đến Nhật rồi, tôi thấy đường tu tại đó không thích hợp với mình; nên đã cố giữ lại cái tốt đẹp của truyền thống Phật Giáo Việt Nam và lấy đó làm chất liệu dưỡng sinh cho đời mình. Nhờ vậy mà tôi đã giữ thân, giữ tâm của một Tăng sĩ Việt Nam theo truyền thống tại ngoại quốc cho đến ngày nay; nếu tôi tự dễ dãi với chính mình, thì tôi chẳng còn là tôi nữa.

Tôi học được của người Nhật cái tính đúng giờ, sạch sẽ, chăm chỉ, siêng năng, tự trọng, thành tín và tôi học được của người Đức tánh sáng tạo, tự quyết, trách nhiệm... Chỉ chừng ấy việc thôi, có thể thực hành suốt cả cuộc đời của mình cũng chưa hết nữa. Đi được một nơi, đến được một chỗ, gặp được một người. Tất cả là những bài học quý giá vô cùng. Vì tất cả mọi người là Thầy của mình, kể cả hai mặt tốt và xấu; dở cũng như hay. Muốn dẹp tự ái, bản ngã, phải cúi thấp mình xuống để cái ngã không có cơ hiện hữu cao hơn, vốn như cái chào của người Nhật, thì ta sẽ học hỏi được thật nhiều từ người đối diện của mình.

Điều hạnh phúc thứ bảy của tôi là có sức trì chí, nhẫn nại, không nản lòng để nghe những tiếng khen chê ở đời. Đây là một thử thách lớn, mà ai đã trải qua trong cuộc đời nầy đều gặp phải cả. Đây là một trong tám loại gió của 4 cặp đối đãi, trong ấy có lời khen và tiếng chê. Tục ngữ Pháp có câu: "Kẻ nào chê ta là bạn ta, kẻ nào khen ta là kẻ thù của ta“. Vậy chê cũng là một cách để mình sửa lại những điều sai; còn khen mà dối trá, dua nịnh thì nó cũng chỉ là một cơn gió độc thoảng qua vậy. Họ khen mình vì để lấy điểm, dầu cho mình có thật có đi nữa, mà dẫu có chê mình thật thậm tệ, thì đó là những bài học ý chí cần phải nằm lòng. Hãy đừng để cho sự thị, phi, khen, chê chi phối tâm mình. Đó mới là sự tu học đúng nghĩa. Vì những lời nầy nó không thật. Tất cả đều không có tướng chân thật, mà sự thật của nó là một cái không to tướng. Cần phải thấy sâu và thấy được bản chất giả hợp của nó. Vì mới ngày hôm qua gắt gỏng, hôm nay đã thương hại và ngày mai lại giận hờn. Tất cả chỉ là một hiện tượng, mà đã là một hiện tượng thì đâu có thật tướng của nó. Tại sao ta phải đau buồn than khóc cho một cử chỉ, một hành động, một lời nói dầu cho có lợi hay có hại đến mình. Nếu ta hiểu rằng: Cái ta là cái đáng ghét, thì đâu có gì phải qụy lụy nó mà rước khổ vào thân. Nó với ta như hình với bóng. Thật và giả nó cũng chỉ là hiện tượng. Hãy đừng vin vào hiện tượng để buồn vui thì mình sẽ được hạnh phúc, an nhiên tự tại dầu cho giông tố phủ phàng có đến với mình từ mọi hướng ở bên ngoài. Khi nào giông tố bên trong nổi lên mới đáng sợ. Vì đó chính là sự yếu kém của mình. Vì mình muốn được khen, không muốn bị chê. Khi nào bảo hòa được sự khen chê, ấy là người có chí.

Tôi xin cảm ơn tất cả những lời khen lẫn tiếng chê xưa nay. Vì đó là những bài học cần thiết cho tôi trong cuộc đời nầy. Tôi không hãnh diện khi được quý vị khen tặng, dầu cho đó là tiền tài, danh vọng, địa vị, tiếng tăm, lợi dưỡng và tôi cũng chẳng buồn khi quý vị cố nhận tôi xuống tận dưới đáy bùn và có nói xấu tôi thậm tệ đi nữa. Tôi nghĩ rằng đó là những cơn gió thoảng của tâm thức của mình. Tôi phải dừng lại để quán chiếu. Dừng lại để nghe ngóng, tin tưởngchịu đựng để gạn lọc, phân tích thử việc ấy đúng sai chăng? Nếu đúng với điều mình làm sai thì mình sẽ âm thầm sửa đổi; nếu sai với điều mình đã làm đúng thì đó cũng chỉ là một sự phán đoán sai lầm của đối phương. Thật ra ít có ai làm cho tôi giận dữ, bởi vì người ấy không làm thỏa mãn tự ngã của mình cả. Vì cái ngã của mỗi người cũng chỉ là một cái tôi đáng ghét mà thôi. Tôi hay ta là cái gì nhỉ? Nó chỉ là cái để tạm gọi về con người đó, chứ có gì đâu mà phải sống chết, tranh đấu với nó để cho mình khổ cả đời và sẽ mang cái khổ ấy đi tiếp mãi trong kiếp luân hồi nữa. Đây chính là thái độ và cách hành xử của mình trong cuộc sống; nên tôi không vui khi được người khác khen và tôi không buồn khi người khác chê mình. Đây chính là sự an lạc, là hạnh phúc khi tôi đối diện với vấn đề nầy. Nhiều khi cũng không cần thanh minhgiải oan nữa. Vì cải chính để chỉ càng sai thêm. Điều ấy chỉ để chứng minh cho cái tự ngã của mình là đúng và giải oan vì nghĩ rằng mình bị oan ức; nhưng trong luận Bảo Vương Tam Muội, Phật đã dạy rằng: „Oan ức không cần biện bạch, vì còn biện bạchnhân ngã chưa xả“. Muốn xả đi oan ức mà cứ biện bạch hoài, thì oan ức càng tăng thêm, làm sao có thể xả được. Đây là cách hành xử của riêng tôi đã dựa theo lời Phật dạy, còn ai sao đó thì tôi chẳng rõ và tôi cũng chẳng khuyên người khác làm giống theo mình. Vì mỗi người có cách sống khác nhau.

Tôi là con người bình thường, có đầy đủ cái xấu và cái tốt. Họ cũng là con người; cho nên tốt và xấu cũng là chuyện thường tình, đâu có gì phải ganh tị và đố kỵ, mà chúng ta phải tha thứ cho nhau những lỗi lầm và cùng nhau phục thiện. Có như thế tâm ta mới được an và đời nầy mới có ý nghĩa. Nếu sống mà cứ soi bói cái xấu của kẻ khác, nói xấu người nầy kẻ nọ; trong khi đó chẳng biết mình là ai, thì đó là một điều thiếu sót vô cùng.

Điều hạnh phúc thứ tám là tôi có được một sức khỏe rất tốt, vô cùng hiếm quý. Đây có lẽ là sự di truyền. Do cha mẹ tôi có đời sống với ruộng đồng, không dùng thuốc, vì ít khi đau ốm. Cho nên tôi đã hấp thụ được sự di truyền nầy. Người Pháp nói: "Sức khỏe là vàng". Đúng là như vậy, có thể hơn vàng nữa là đằng khác. Vì nếu có vàng chất đống mà không có sức khỏe, cũng chẳng làm gì được cả. Người Hoa nói: "Nếu anh có tiền, anh có thể mua một ông Bác sĩ; nhưng anh không thể mua sức khỏe được". Ông Bác sĩ có thể chữa cho bệnh nhân lành bệnh; nhưng bịnh nan ynghiệp bịnh, thì Bác sĩ cũng sẽ bó tay. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thì nói rằng: "Khi người ta còn trẻ người ta hay dùng nhiều sức lực để người ta đi tìm cho ra thật nhiều tiền. Khi về già, người ta dùng rất nhiều tiền để người ta đi mua lấy sức khỏe". Quả là con người tự mâu thuẫn với mình đấy! nhưng đâu ai có biết và có ngờ đâu sức khỏe lại mau sa sút như vậy! Đời - mấy ai hiểu được chữ ngờ là vậy.

Lúc còn trẻ ta xài rất nhiều sức khỏe cho việc thức thâu đêm suốt sáng, không thấy mỏi mệt; đến khi cái già qua mau, lúc ấy mình mới thấy tại sao làm mất tuổi thanh xuân quá sớm. Nếu cái gì đó mang tiền đến nhiều, ai cũng ham làm giàu; nhưng chẳng ai để ý đến sức khỏe. Do vậy những người già sống lâu trên thế giới nầy khi được phỏng vấn, họ thường hay bảo rằng: "Cái gì cũng phải điều độ là tốt nhất". Ví dụ như ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, sống cuộc đời thường, thể thao, âm nhạc, đọc sách v.v... nghĩa là tất cả mọi thứ trên đời đều phải nên điều độ thì tuổi thọ sẽ được dài lâu và ít bịnh hoạn.

Từ khi đi xuất gia đến nay cũng đã gần 50 năm rồi. Có lẽ năm 2014 tôi sẽ kỷ niệm ngày trọng đại nầy. Sẽ không có một lễ nghi nào to lớn cả; nhưng là một ngày trọng đại. Vì trong suốt 50 năm ấy, tôi chưa hề bỏ một buổi công phu nào, ngoại trừ mấy ngày cảm bịnh. Nếu tôi đi du hành đây đó, không có mặt trước bàn thờ Phật tại chùa hay tại bất cứ nơi đâu, thì tôi hành trì phần công phu của mình ở trên máy bay hoặc xe lửa. Điều nầy tôi muốn trao trọn niềm tin yêu ấy về lại cho những thế hệ đệ tử của tôi, cả tại gia lẫn xuất gia. Muốn được vậy phải có ý chí kiên nhẫn vô cùng và phải có một sức khỏe thật là tốt. Dĩ nhiên sau ngày 50 năm ấy, tôi chẳng biết sức khỏe của mình sẽ ra sao nữa; nên bây giờ chưa hứa gì được hết cả. "Cái gì đến, sẽ đến".

Lạy Phật cũng là một phương pháp sám hối tội lỗi trong bao đời. Đây cũng là cách làm cho thân tâm mình được gạn lọc sạch sẽ qua thân nghiệpý nghiệp. Tôi chẳng phải khoe khoang; nhưng đây là những sự thật, xin kể lại cho những người đời sau theo đó mà hành trì. Khi tôi ở vào tuổi 35, 36; thấy quý Cụ lớn tuổi đi chùa, muốn lạy Phật một lạy theo lối 5 vóc gieo xuống đất cũng không thể thực hiện được. Tôi tự thấy mình còn trẻ khỏe; nên mới tự phát nguyện lạy 500 danh hiệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; rồi 3.000 lạy của 3.000 vị Phật trong quá khứ, hiện tạivị lai. Sau đó phát nguyện lạy kinh Vạn Phật, trên 10.000 lạy. Rồi những mùa an cư kiết hạ sau, tôi phát nguyện lạy kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy. Lạy xong kinh, độ trên 70.000 lạy trong nhiều mùa an cư kiết hạ như thế. Kế tiếp, tôi thấy sức khỏe còn cho phép; nên tôi đã phát tâm lạy kinh Đại Bát Niết Bàn gồm 2 quyển. Tôi và Tăng Chúng chùa Viê Giác Hannover cho đến năm 2011 nầy đã lạy hơn nửa quyển thứ hai, mỗi chữ mỗi lạy và đang ở vào phẩm "Sư Tử Hống". Muốn lạy xong kinh nầy chắc còn 5 đến 6 năm nữa. Như vậy, nếu năm 2014 tôi làm lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia học đạo, 50 năm không bỏ tụng công phu khuya và năm ấy cũng đúng 30 năm trong mỗi mùa an cư kiết hạ từ 1984 đến năm 2014, mỗi đêm lạy từ 250 đến 300 lạy. Đây là kết quả của bao nhiêu năm tháng miệt mài; nếu khôngsức khỏe, sẽ chẳng có ai thực hiện được điều ấy cả. Nên tôi phải tạ ân Tam Bảocha mẹ là vậy.

Điều hạnh phúc thứ chín của tôi là có một môi trường tu học tốt. Việc hoằng pháp, dịch kinh, viết sách rất thuận lợi. Điều nầy sở dĩ tôi có được là do các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của tôi đã tạo ra thời gian cho tôi, để tôi có thể làm được việc ấy. Ngôi chùa Viên Giác Hannover; nơi thư phòng ấy tôi đã viết và dịch không biết bao nhiêu tác phẩm, viết không biết bao nhiêu lá thư trả lời, nghe không biết bao nhiêu lần điện thoại. Mười năm, mỗi năm hơn 2 tháng từ năm 2003 đến 2012 tôi đã được ẩn tu nhập thất tại Úc Châu, trên núi đồi Đa Bảo; nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi đang trú ngụ tại đó. Nơi ấy cũng là một nơi lý tưởng để hành trì kinh Kim Cang vào mỗi tối, kinh Lăng Nghiêm vào buổi sáng và chính nơi yên tịnh kia đã giúp tôi trong 10 năm ấy hoàn thành ít nhất là 12 tác phẩm bằng tiếng Việt và dịch từ các ngôn ngữ khác nhau như chữ Hán, tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Đức ra ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hai năm đầu dịch chữ Hán sang tiếng Việt; 5 năm kế tiếp dịch tiếng Nhật; năm sau dịch tiếng Anh, kế tiếp dịch tiếng Đức và năm sau cùng có lẽ sẽ hoàn thành một tác phẩm Hán văn đặc biệt. Trong những năm tháng ấy các tác phẩm như: Giai Nhân và Hòa Thượng; Chuyện Tình của Liên Hoa Hòa Thượng; Tư Tưởng Tịnh Độ Tông v.v... cũng đã được viết tại thất Đa Bảo ấy.

Từ năm 2013 trở về cuối đời, tôi sẽ ở Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức nhiều hơn để tịnh tu, nhập thấttiếp tục công việc dịch kinh, viết sách nầy. Đây cũng là nơi chốn tốt để tôi thực hiện hoài bão của mình khi tuổi đã ngoài 60.

Song song đó, công việc hoằng pháp tại Đức và các nơi, tôi vẫn thực hiện. Vì chư Tổ dạy rằng: "Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài". Nghĩa là: Hoằng pháp là việc nhà, làm lợi lạc cho chúng sanh, chính là bổn phận vậy. Bổn phận của người xuất gia thật ra không phải cất chùa to, Phật lớn, mà cốt làm sao cho người Phật Tử hiểu được đạo. Đây mới chính là lý do mà chư Phật ra đời.

Tôi không giỏi; nhưng phương diện nào cũng có thể thực hiện được. Ví dụ như: viết sách, dịch thuật, ngoại giao, hoằng pháp, cúng kiến v.v... nghĩa là cái gì người khác làm được thì mình cũng có thể phụ họa theo. Khi nhỏ học rất dốt vào lúc chưa đi xuất gia; nhưng kể từ năm 1964 trở về sau nầy sau khi tốt nghiệp Trung Học và Đại Học, hầu như chẳng có tháng nào tôi đứng ra khỏi vị trí của 10 người đầu lớp. Không nhất thì nhì, không nhì thì ba; hoặc tệ lắm cũng đứng thứ 7, 8. Đây là nhờ sự cố gắng miệt mài trong những năm đèn sách và phải nói là nhờ ân đức của Tam Bảo. Nếu khôngcông phu thiền định, chay tịnh muối dưa, thì tôi đã chẳng có gần 50 năm như sống trọn vẹn với chính mình. Đây là một hạnh phúc rất to lớn. Dầu mai nầy tôi có mất đi và ở một cõi xa xăm nào đó nơi cảnh Phật, tôi ngoái mắt nhìn về quê hương tạm dung nầy, sẽ mỉm cười một cách tự tại, không ân hận, không phiền trách ai và cũng chẳng nuối tiếc một điều gì. Vì tất cả đã bỏ lại sau lưng và việc trần thế, xin gởi lại cho người trần thế.

Điều hạnh phúc thứ mười của tôi là có những đệ tử xuất giatại gia tu học tinh tấn, thành tựu các pháp tu, dầu cho ở truyền thống nào. Cái lỗi lớn nhất của con người là làm Thầy thiên hạ. Đôi khi mình nghĩ thiên hạ là của mình, thuộc về mình nên la lối khi giận dữ, hành xử thiếu công minh, thương đệ tử không đều vì thiên vị người nầy học giỏi, kẻ kia dở hay vì cố chấp thiển cận. Đây là cái bịnh của người làm Thầy. Tôi xin lỗi tất cả. Chính vì muốn bảo vệ quan niệm của mình là đúng và bảo thủ cho truyền thống là hay; nên mới có những việc ấy xảy ra và khiến cho nhiều người đệ tử đã không vui; nhưng được một điều; có lẽ vì tôi còn có một cái phước ẩn tàng nào đó, cho nên đến giờ nầy hơn 45 vị đệ tử xuất gia và hơn 7.000 đệ tử tại gia đã quy y với tôi, chưa có người nào quay mặt lại 180 độ. Dĩ nhiên là rất nhiều người không thích tôi, vì tôi quá khó. Khó ở mọi tình huống; nên nhiều người mong tôi buông xảthư thả với những ngày còn lại với cuộc đời. Bởi vì đâu có ai sống được 100 năm và dĩ nhiên khi mình ra đi rồi thì cây cỏ vẫn còn sống sót lại với thời gian nầy; chẳng có ai theo mình nửa bước. Đó là loài vô tình. Còn những loài hữu tình khác thì cũng tương tự như vậy thôi. Bây giờ mình phải tự lo cho mình là chính. Tôi cũng đã không chờ đợi ai cả; nhưng tôi rất vui khi các đệ tử xuất gia chỉ muốn tu học, dầu cho đó là pháp môn nào. Họ hành trì đa dạng; dầu ở hình thức xuất gia hay là tại gia. Do vậy, không còn niềm vui nào mang đến cho tôi hơn thế nữa. Tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Cho nên ở bất cứ vào thời điểm nào, nếu tôi có thuận thế vô thường để ra đi, theo Phật về Tây, thì tôi cũng vô cùng hạnh phúc. Vì những gì khi tôi đến đây đã chẳng mang theo được gì, thì khi ra đi cũng chẳng mang theo cái gì cả, xin trả lại cho đời, cho Đạo những hình ảnh thân thương kia về lại nơi trần thế. Còn tôi, với bổn phận và trách nhiệm đã xong.

Mười điều hạnh phúc đang có nơi tôi ấy có thể nhiều người nghĩ nó là chuyện đương nhiên, ai cũng làm được và tìm ra phương pháp để tạo dựng nên; cũng như đối phó với hoàn cảnh; nhưng với tôi là một phước đức, một sự gia trì của chư Phật, một bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, một ân đức lâu đời của gia đình, của chúng sanh trong 10 phương vô biên thế giới, kể cả loài hữu tình cũng như vô tình.

Con xin chắp lại hai tay, xin đảnh lễ dưới chân Phật. Vì con đã có được hạnh phúc thực sự. Con muốn trao truyền và gởi gắm đời sau tâm sự nầy; nếu có ai đó được duyên may thì có thể ứng dụng một phần trong cuộc sống để được lợi lạc ở nhiều mặt và khiến cho cuộc đời nầy càng có giá trị hơn.

Tôi xin tạ ơn đời, niệm ân người và cây cỏ, hữu tình cũng như vô tình đã trợ duyên cho tôi trong một khoảng không gianthời gian lâu xa như vậy ở cõi Ta Bà nầy. Xin là bạn lữ ở chốn Lạc Bangđời đời luôn hộ trì Phật Pháp.

Viết xong vào ngày 27 tháng 9 năm 2011

tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg - Đức quốc

nhằm ngày mồng một tháng 9 năm Tân Mão.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1282)
Sáu pháp môn mầu nhiệm, Hán gọi là Lục diệu pháp môn. Nghĩa sáu phương pháp thực tập thiền quán, giúp ta đi vào cửa ngõ của định và tuệ, cửa ngõ giải thoát hay Niết bàn.
(Xem: 1352)
Câu hỏi là làm thế nào để đem lại sự an tĩnhan lạc nội tâm trong đời sống hằng ngày của bạn và quan trọng hơn nữa là ...
(Xem: 1185)
Thân thể đau nhức mỏi nhừ, từng đốt xương rã rời như rụng rơi, những sợi cơ dường đã xơ cứng vô dụng,
(Xem: 1297)
Căn cơ của một người bình thường không thể nào biết được có kiếp trước hay kiếp sau.
(Xem: 1206)
Khi tâm thanh tịnh, người ta sẽ thấy thế giới thanh tịnh. Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc thứ nhất, Đức Phật nói với trưởng giả Bảo Tích:
(Xem: 1187)
Cái ta trong đạo Phật gọi là ngã, trong triết học gọi là bản ngã, còn cái của ta gọi là ngã sở, tức là những sở hữu của cái ta.
(Xem: 1267)
rong hệ thống triết học và lề lối suy nghĩ của Tây Phương thì thế giới này có thật, sơn hà đại địa, con người và cái Tôi hay cái Ngã
(Xem: 1182)
Lần giở từng trang kinh Trung bộ - một trong 5 bộ kinh thuộc Kinh tạng Pāli, người đọc có thể dõi theo những bước chân của Đức Phật
(Xem: 1339)
Trong kiếp sống nhân sinh đầy gió bụi này, ai cũng mang trên người một chữ NGHIỆP.
(Xem: 1567)
Thế gian này đang quá nhiều bi thương, bởi con người còn đầy dẫy tham sân si, sống ích kỷ, đố kỵ, chỉ biết lo thâu tóm cho riêng mình,
(Xem: 1298)
Của báu thế gian chỉ tồn tại khi ta còn thở. Ngay khi chúng ta nằm xuống, chúng sẽ thuộc về người khác.
(Xem: 1573)
“Phật Pháp cao siêu rất nhiệm mầu Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu Nay con nghe thấy chuyên trì tụng Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu”
(Xem: 1212)
Đôi khi những điều hữu ích nhất mà chúng ta học được không đến từ những người thầy mà từ những người như chúng ta, chỉ đang cố gắng để làm tốt nhất có thể với cuộc sống này.
(Xem: 1122)
Việt Nam cũng như cộng đồng Phật giáo Việt Nam hải ngoại, Phật giáo bắc truyền chiếm đa số, phần lớn tu sĩcư sĩ đều tu học theo truyền thống bắc tông.
(Xem: 1339)
Phật pháp lớn như biển, tin là con người có khả năng, nghi là khả năng chướng ngại.
(Xem: 1208)
Của báu thế gian chỉ tồn tại khi ta còn thở. Ngay khi chúng ta nằm xuống, chúng sẽ thuộc về người khác.
(Xem: 1281)
Trong câu chuyện hằng ngày, thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài thiền sinh nhắc đến cụm từ “Vạn pháp tùy duyên”,
(Xem: 1391)
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là ...
(Xem: 1620)
Nhiều người hôm nay đang mạnh khỏe, rồi bỗng dưng ngã bệnh và chết ngay hôm sau.
(Xem: 1575)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất.
(Xem: 1440)
Vô sanh là một từ được nói trong kinh điển cả hệ Pali và hệ Sanskrit, và trong mọi tông phái, để chỉ giải thoátgiác ngộ.
(Xem: 1624)
Sự sợ hãi là tập tính của con người khi mà những gì bất lợi xảy ra thì kéo theo sự sợ hãi bị ảnh hưởng liên lụy tác động đến mình.
(Xem: 1327)
Trong cuộc sống thì sự vật hiện tượng luôn thay đổi không ngừng, trong sự biến chuyển vô thường không cố định thì bất cứ hiện tượng sự vật...
(Xem: 1296)
Đức Phật dạy chúng ta phát triển giá trị nội tại bằng cách thiền quán về thiện ý, nhưng bạn phải có ý định thực hiện điều đó thì mới thực sự có kết quả
(Xem: 1822)
Mục tiêu của Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka, Gandavyuha) là giúp ta có được cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ…
(Xem: 1401)
Có hai loại Bồ Đề Tâm: Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh.
(Xem: 1338)
Một thời đức Thế Tôn trú ở Nālandā, tại rừng Pāvārikaṁba. Lúc ấy, thôn trưởng Asibandhakaputta đến gặp Đức Thế Tôn;
(Xem: 1319)
Quá nửa đời người rong ruổi giữa dòng đời, một ngày kia y soi kiếng chợt nhận thấy...
(Xem: 1272)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80).
(Xem: 1358)
Giới luật là nền tảng căn bản của đạo giải thoát. Người tu nếu không tuân giữ đúng theo giới luật mà Phật đã răn cấm, thì ...
(Xem: 1233)
Thông thường, người thực hành đạo Phật tìm cách tránh thoát cái vô thường, cái sanh diệt để chứng nhập cái không vô thường, cái không sanh không diệt.
(Xem: 1440)
Ở đời có người quan niệm rằng, mình sống làm người, sau khi chết mình cũng sẽ tái sinh làm người ở một cõi nào đó, thậm chí có người còn nghĩ mình về sống dưới suối vàng.
(Xem: 1476)
Con người thường có quan điểm: “mạng sống, sự sống của con ngườivô giá, là giá trị nhất so với sự sống của muôn ngàn loài khác”
(Xem: 1335)
Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng và nghe radio hoặc đọc báo, chúng ta phải đối mặt với những tin buồn: bạo lực, tội ác, chiến tranh và thiên tai.
(Xem: 1333)
Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo
(Xem: 1202)
Xuyên qua các nguyên tắc để tạo điều kiện hưng thịnh cho một quốc giathiết lập một xã hội thanh bình, đức Phật cũng có những bài thuyết pháp rất rõ ràng về các lãnh vực chính trị, chiến tranh, hòa bình, điểm này đã được phổ cập hóa trong cộng đồng xã hội. Đức Phật luôn chủ trương bất bạo động, xóa bỏ hận thù, tái lập tình thươngkiến thiết hòa bình chân chánh.
(Xem: 1617)
Bản Ngã Càng Lớn, Sĩ Diện Càng Nhiều, Càng Dễ Bị Tổn Thương.
(Xem: 1362)
Thân mạng chúng tachúng ta không biết yêu thương thì làm sao chúng ta có đủ yêu thương để gửi đến người khác.
(Xem: 1154)
Mỗ là quan chức thường thường bậc trung, tuy chưa phải là đại gia nhưng cũng có thể gọi là gìau sang có máu mặt.
(Xem: 1445)
Trong rất nhiều phương pháp tu tập thì phòng hộ các căn (bảo vệ các giác quan) được Đức Phật giảng dạy rất chi tiết.
(Xem: 1869)
Quán tưởngphương pháp Phật tử áp dụng hằng ngày, luyện cả thân tâm, đem lại sự hòa hợp giữa tinh thầnvật chất, giữa con ngườithiên nhiên.
(Xem: 1689)
Hành động phản ánh được ý thức, tính cách của mỗi người, lời nói, suy nghĩ thế nào sẽ biểu hiện ra hành động như thế đó,
(Xem: 1083)
Hôm ra mắt đợt đầu 29 cuốn của Thanh Văn Tạng trong công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Hoằng PhápHội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời tổ chức tại Little Saigon, Miền Nam California, Hoa Kỳ, vào ngày 19 tháng 3 năm 2023
(Xem: 1240)
Đạo Phật được biết đến như một tôn giáo hiền hòa nhất và điều đặc biệtcuộc đời vị lãnh đạo tinh thần tối cao của đạo Phật gắn liền với những cái cây.
(Xem: 1315)
Là một tiến trình tự nhiên của con người và muôn loài, bệnh vốn là một giai đoạn của vòng luân hồi sanh tử, là một phần của quy luật thành - trụ - hoại - không.
(Xem: 1533)
Dĩ nhiên là người phàm chúng ta không ai thấy được địa ngục, trừ Đức Phật và các bậc Thánh La-hán.
(Xem: 1302)
ghiệp là tất cả những hành động có tác ý, biểu hiện thường xuyên bằng thân, khẩu, hay ý.
(Xem: 1151)
Phật giáo không chỉ chủ trương từ bi đối với con người, tôn trọng đối với mọi sinh mệnh mà còn phải bảo vệ môi trường sống thiên nhiên,
(Xem: 1291)
Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm, tìm đọc và tìm hiểu những lời Phật dạy thật sự là những lời dạy của đức Phật,
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant