CHÙA HẢI ĐỨC, NHA TRANG
Xin tri ân các tác giả có bài viết và hình ảnh được trích dẫn. Nói theo một nghĩa nào đó, giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp từ những ngôi chùa cổ, từ những Phật học viện hay tự viện, từ những tác phẩm vật thể hoặc phi vật thể có liên quan đến đạo Phật hay nói một cách tổng quát, đó là những sắc thái tâm linh Phật giáo. Cũng chính là việc giữ gìn và phát huy văn hóa Phật giáo. Trong giới hạn ấy, xin trân trọng kính mời quý độc giả vui lòng đi ngược dòng thời gian, trở về một thành phố miền duyên hải để vãn cảnh một ngôi chùa cổ, một danh lam thắng cảnh Phật Giáo được xếp vào hạng bậc nhất ở tỉnh Khánh Hòa và đồng
thời cũng tìm hiểu thêm về quá trình hình thành của một trong những nơi
đào tạo Tăng tài của Phật giáo Việt Nam: Chùa Hải Đức và Phật Học Viện Trung phần tại Nha Trang.
Chùa Hải Đức ở số 51 đường Hải Đức, phường Phương Sơn, phía Tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đường lên chùa là một con dốc dài. Hết con dốc là con đường phía trái khá bằng phẳng dẫn vào chùa với nhiều cây
xanh đối diện một vách đá. Tuy vậy đối với người thường đi chùa thì hay
chọn mốt lối đi khác: đi thẳng lên một dốc cao có bậc thang bằng đá nhỏ
hẹp và ở lối đi này cũng có cả ghế đá giữa dốc để cho ai muốn ngồi nghỉ
để lấy sức đi tiếp đoạn đường còn lại. Thỉnh thoảng cũng có người lớn tuổi phải dừng ở mỗi chặng để nghỉ mệt nhưng hầu như đa số các Phật tử đều thường cố gắng đi thẳng một mạch vào chùa như muốn thử sự kiên trì và sức chịu đựng của mình trước khi bước vào chốn thiền môn. Phải chăng mọi người đều đang có một nguyện lực vô hình để thấy mình đang bước những bước nhẹ tênh khi hướng về cõi Phật?
Chuyện xưa kể rằng cuối triều Tự Đức, vào khoảng năm 1883, lúc thành phố
Nha Trang mới chỉ là một làng chài ven biển, Ngài Viên Giác Thiền sư đã
dựng lên một thảo am lấy tên là Duyên Sanh Tự. Công đức giáo hóa của Ngài đã quy tụ được nhiều dân làng đến xin thọ giới quy y. Cảnh tấp nập rộn rịp của thiện nam tín nữ hằng ngày đến lễ bái cùng “những ngày sóc ngày vọng, các hàng tăng giới và cư sĩ lại thường hội họp để bàn về Phật
sự khiến dân làng mới đặt cho thảo am Ngài ở một cái tên rất đại chúng là chùa Hội để diễn tả cảnh tụ tập đông đảo nơi chùa.” [1] Do con đường này có hai ngôi chùa nằm gần nhau (chùa Hội Phước, tục gọi là Chùa Cát, và Chùa Hội) nên người Pháp đặt tên đường là “Rue des deux pagodes”, đường Hai Chùa.
Đến năm Thành Thái thứ 3 (1891), chùa được mở rộng qui mô, trở thành một
tu viện trang nghiêm thời bấy giờ. Nhân dịp đại trùng tu này, do chùa đóng trên địa bàn của làng Phước Hải và nhận thấy dân chúng trong làng ăn ở hiền đức, Ngài Viên Giác bèn hợp hai chữ cuối lại để đặt cho chùa một tên gọi mới: Hải Đức Tự.
Khi Ngài Viên Giác viên tịch, đệ tử của Ngài là Hòa thượng (HT) Phước Huệ (húy Ngộ Tánh, tục danh Nguyễn Hưng Long, quê ở Quảng Trị) vào kế vị. HT Phước Huệ nguyên trú trì chùa Kim Quang ở Huế “Cho nên năm Khải Định thứ sáu (1921) Hòa thượng lại được triệu thỉnh về Huế để trụ trì chùa Kim Quang và làm Tăng Cang ở chùa Báo Quốc. Chùa Hải Đức phải giao cho đệ tử coi sóc. Thỉnh thoảng Hòa thượng mới vào thăm. Rồi tuổi già sức yếu, việc đi lại khó khăn, năm Bảo Đại thứ 14 (1938) [8], Hòa thượng
bèn giao nhiệm vụ trú trì chùa Hải Đức cho Bích Không Đại sư. Bích Không Đại sư (pháp danh Trừng Đàn, tục danh Hoàng Hữu Đàng, quê quán Quảng Trị) xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Ngài đậu tú tài năm Mậu Ngọ (1918), đắc pháp năm Ất Hợi (1935) trong giới đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị, nên cũng còn được gọi là Giác Phong Đại sư. Khi nhận lãnh chùa Hải Đức thì chùa đã quá cũ, lại thêm thành phố Nha Trang mỗi ngày lại thêm đông đúc, xe ngựa mỗi lúc thêm ồn ào, cảnh thiền
môn khó giữ được không khí trang nghiêm thanh tịnh, đại sư, với sự đồng
ý của HT Phước Huệ, bèn lo chọn một thắng địa thích hợp để dời chùa Hải
Đức. Sau ba năm dấn bước khắp danh sơn thắng địa tỉnh Khánh Hòa, Đại sư
mới tìm được nơi vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hạnh nguyện đại thừa. Đó là: Hòn Trại Thủy.” [1]
Tên nghe sao mà lạ! Có nhiều tên gọi về hòn núi này và đặc biệt là mỗi tên gọi lại gắn với một thời kỳ lịch sử khác nhau. Tên cổ nhất của hòn Trại Thủy là Khố Sơn, tên dân gian là Hòn Kho vì thời Chúa Nguyễn có kho
Phước Sơn ở phía Đông Nam của núi. Khi nhà Tây Sơn lên ngôi, đặt xưởng đóng tàu bè dưới chân núi, dân chúng gọi núi là Hòn Xưởng. Đến khi nhà Nguyễn lấy lại được Diên Khánh, đặt trại thủy quân gần bến Trường Cá (phường Phương Sài hiện nay), dân địa phương gọi núi là Trại Thủy cho đến bây giờ. Quanh núi có nhiều ngôi chùa, trong đó có ba chùa lớn là Hải Đức, Long Sơn và Linh Phong (Bửu Phong). Chùa Hải Đức nổi tiếng nhất
trong giới tăng ni, Phật tử và dân chúng địa phương vì không những đó là Phật Học Viện lớn nhất miền Trung mà còn là một ngôi chùa có cảnh quang tuyệt đẹp.
Đồi Trại Thủy cao hơn 30 mét, dài hơn 500 mét, chạy dọc theo Quốc lộ 1A.
Hình dáng đồi giống một con dơi, nằm xòe đôi cánh. Và nơi đầu đồi có một ao nước hình tròn nên người xưa gọi là "ngọc bức hàm hoàn" (dơi ngọc
ngậm vòng ngọc) Theo các nhà chuyên môn về địa lý học thì đồi Trại Thủy
thuộc hệ thống dãy Trường Sơn. Sơn mạch phát từ hòn Thị ở Diên Khánh, chạy ngầm dưới đất, đến gần cửa sông Cù Giang thì đột khởi thành đồi Trại Thủy
Vậy thì vị trí đồi Trại Thủy có gì đặc biệt trong cái nhìn toàn cảnh của
thành phố Nha Trang để Giác Phong Đại sư đã tâm đắc chọn nơi đây để xây
dựng chùa? Chuyện kể rằng:
“Cuộc đất ở Nha Trang, theo các nhà Phong Thủy tức Thầy Địa, là một đại cuộc: tứ thủy triều quy, tứ thú tụ. Tứ thủy triều quy là bốn mặt có nước
bao bọc. Tứ thú trụ là mượn bốn hòn núi có hình tượng bốn con thú tụ họp lại để giữ gìn anh khí: núi Cảnh Long ở Chụt là Con Rồng, gọi là “Thanh long hý thủy” nghĩa là Rồng xanh giỡn nước. Núi Sinh Trung ở Hà Ra là Con Voi. Vì núi đứng cạnh đầm Xương Huân nên gọi là “Bạch tượng quyện hồ”, nghĩa là Voi trắng cuốn hồ. Hòn Trại Thủy là Con Dơi. Vì trước núi, tại “đầu dơi” có một bàu nước hình tròn như nguyệt nên gọi là
“Ngọc Bức hàm hoàn” nghĩa là Dơi Ngọc ngậm vòng. Hòn Hoa Sơn, tục gọi là Núi Một, là Con Rùa. Vì trên núi có ngọn cổ tháp nên gọi là “Kim quy đới tháp”, nghĩa là Rùa Vàng đội tháp. Cuộc đất phát đại phú đại quý […]
Hòn Trại Thủy giống như hình con dơi nằm xòe đôi cánh, đầu hướng về phía Tây Nam. Chùa Bửu Phong đứng trên đầu con dơi. Phía sau và hai bên tả hữu bị thân dơi và hai cánh che khuất chân mây, song phía trước nào núi nào đồng, nào xóm làng nào phố xá, sân tàu bay, đường xe lửa… sống động nhưng không ồn ào, giăng trùm một vọng cảnh bao la mà thời gian luôn luôn thay đổi màu sắc […] Hiện nay, phía sau lưng chùa, nơi lưng con dơi, đã có Kim thân Phật tổ.” [5]
Về pho tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu: “Từ chùa Hải Đức có đường lớn dẫn lên chùa Long Sơn ở
lưng đồi và lên pho tượng Kim thân Phật Tổ nơi đỉnh đồi. Tượng được xây
dựng bằng bê-tông ngay phía trên chùa Long Sơn. Việc đúc tượng được khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1965, do Thượng tọa (TT) Thích Đức Minh, lúc đó là Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa và điêu khắc gia
Kim Điền thực hiện. Tượng có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m , phần tượng cao 14m, đài sen 7m, đường kính đài sen 10m. Xung quanh
đài là hình bảy vị Thánh tử vì đạo. Trước Phật đài có cặp rồng, chiều dài 7,20m. Du khách từ Bắc vào hay từ Nam ra, đi trên đường ô tô hay đường xe lửa, đều có thể nhìn thấy tượng Kim thân Phật Tổ uy nghi với nụ
cười an lạc trên khuôn mặt đầy vẻ bao dung.” [2]
Chùa Hải Đức được “Khởi công từ đầu năm Quý Mùi (1943) đến đầu năm Ất Dậu (1945) mới cáo thành. Cảnh trí đẹp đẽ, cao sang, tuy gần thành phố mà ly trần thoát tục, tuy dựa chốn đô hội phồn hoa mà vẫn giữ được vẻ thanh u tĩnh mịch. Chùa cất theo kiểu thức Á Đông, trang nghiêm cổ kính.” [1]
Chúng ta hãy cùng nghe các học Tăng tự giới thiệu về vị trí địa lý cùng phong cảnh của ngôi chùa mình đang tu học:
“Hằng ngày mỗi lần xe lửa đi ngang qua Nha Trang, du khách từ trên tàu trông xuống đều được hai lần chứng kiến một dãy đồi núi thoai thoải với nhiều ngôi nhà, cũ có, mới có, lô nhô trên một nửa đỉnh đồi về hướng Bắc. Chòm nhà lổ đổ chỗ nâu, chỗ đỏ như cưỡi lên một nửa lưng rồng, mà cái đầu oai vệ chồm ra bên mép đường sắt, về phía Chùa Ông. Nếu du khách
có dịp dừng lại Nha Trang một vài hôm và chịu khó trèo lên đỉnh đồi nhìn xuống thì đây là một cuộc đất cánh dơi, tiền án ba bên có núi chầu quanh, bên tả có dòng sông lượn lờ uốn khúc, trước mặt có đường thiên lý
xuyên Việt dài tăm tắp, sau lưng có biển muôn trùng với tiếng rì rào bất tuyệt của gió gào sóng vỗ. Ở đây, cây cối im mát xanh tươi, địa cuộc
xinh xắn hữu tình, cảnh trí ra chiều phiêu phiêu thoát tục: Xin giới thiệu, đó là PHẬT HỌC VIỆN Nha Trang, nơi mà hai Tổng trị sự Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Trung phần trong năm 1956 đã chọn làm chỗ đào tạo Tăng tài ra gánh vác Phật sự ngày mai.” [3]
Trân trọng nhìn về quá khứ, các Tăng sinh viết: “Cái thế đất cánh dơi ngày nay của chùa Hải Đức, của Phật Học Viện, chính là do tu sĩ kiêm Địa
lý gia Thích Giác Phong Đại sư đã chọn lựa, sau khi được sự đồng ý của bổn sư. Cách kiến trúc chùa tháp, lối bài trí trong chùa cùng bút tích còn ghi dấu lại trên tường và trên hoành phi liễn đối, đã nói lên được cái phong độ nghệ sĩ của nhà sư uyên thâm kiêm địa lý gia ấy.” [3]
Một nhà nghiên cứu cũng nhận xét: “Vốn nhà khoa bảng xuất thân, Đại sư văn hay chữ tốt. Đến thăm chùa Hải Đức, du khách sẽ nhận thấy tinh thần và cốt cách của Đại sư chẳng những nơi kiểu kiến trúc của ngôi chùa mà còn ở tác phẩm văn chương nơi tự tích của Đại sư khắc chạm trên vách cột
mà mưa nắng vẫn còn nguyên. Có thể nói một cách mạnh dạn rằng đó là những tuyệt phẩm của Thiền môn Khánh Hòa.
Nơi hàng cột ở trước chánh điện, có ba câu đối liên.
Câu chính giữa:
Hải thủy trừng thanh vạn tượng tề hiện;
Đức hương ôn nhã nhất thiết mông huân
Câu kế:
Hạnh thảo tác thân mao đoan hiện sát;
Vi phong thuyết pháp ngoạn thạch điểm đầu
Câu hai bên:
Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu;
Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai
Nơi vách mái hiên ngó ra sân, mỗi vách khắc bốn đại tự mỗi bề rộng đến bốn tấc tây.
Bốn chữ vách tả (vách phía Đông):
Trú bình đẳng hội
Bốn chữ nơi vách hữu (vách phía Tây):
Tác như thị quán
Nơi lầu chuông ở phía Đông khắc 8 chữ:
Thanh siêu Pháp giới, Giai chứng viên thông
Nơi lầu trống ở phía Tây khắc 8 chữ:
Phổ đoạn sanh tử, Hường biến hà sa
Ý nghĩa thâm viễn. Phải thấm đạo thuộc kinh mới thưởng thức nổi những cái hay cái đẹp dưới những nét thanh lão, của ngọn bút tài ba đã được nhuần Chánh Pháp.” [1]
Nói về hoàn cảnh sáng tác của một bài thơ có dáng dấp hình ảnh của ánh đạo vàng, thi sĩ Quách Tấn kể lại:
“Một hôm nhân ngày nghỉ, tôi lên chùa Hải Đức. Một mình thơ thẩn nơi sân
chùa tôi bỗng thấy một vị sư đang đứng lần chuỗi dưới gốc cây bồ đề, nắng đã phai, mây trời ửng hồng năm sắc. Vị sư yên lặng đi lần lên đầu núi, màu áo vàng theo bước chân tràn khắp đó đây. Tôi ngẫu hứng được một
luật:
Lần chuỗi
Chuông ngân chùa sẫm nắng
Hương nguyện áo tràng bay
Trăm tám vì sao mọc
Xoan tròn đôi cánh tay
Mười phương cây lặng gió
Năm sắc hồ trôi mây
Lần bước lên đầu núi
Ánh vàng tràn đó đây
Sau biết được vị sư lần chuỗi đó là TT Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học
Hải Đức, tôi bèn chép bài tặng Thượng tọa, từ ấy chúng tôi trở nên quen
thân. Thượng tọa tuổi Kỷ Dậu, tôi cũng tuổi Kỷ Dậu, Thượng tọa lại thích thơ Đường luật, tôi lại mộ đạo Phật. Cho nên những lúc gặp gỡ thường hay quên thì giờ trôi qua nhanh, lắm lúc cũng quên lửng rằng Đạo cũng như thơ không đứng hẳn ra ngoài vòng thế sự… Đến năm 1963, Pháp nạn
xảy đến, TT Thích Trí Thủ về Huế bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt, lành dữ như thế nào, người Nha Trang không mấy người biết tin. Tháng 9 năm ấy, nhớ cảnh, nhớ người, tôi theo trăng lên đồi Trại Thủy: Chùa vắng lặng, sương không dày mà lạnh thấm sương! Không bóng người, không bóng đèn, nhưng dường có tiếng chuông ngân làm lắng động ánh trăng thành sáng. Tôi rùng mình trở về, lòng bồi hồi bát ngát, tôi ghi vội mấy vần:
Bồi Hồi
Trăng lên đồi Trại Thủy
Chuông khuya ngời âm ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân bồ đề sương sa.
Sau ngày chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ Thượng tọa mới trở về Nha Trang.
Đọc mấy câu thơ của tôi, Thượng tọa rưng rưng nước mắt. “ [7]
Vậy thì nhân duyên nào để chùa trở thành Phật học Viện Trung Phần? Chúng
ta hãy cùng nhẹ tay phủi bụi thời gian trên những trang sách cũ.
“Nguyên năm Bính Thân (1956) hai Tổng Trị Sự Phật Giáo Trung Phần là Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật Giáo quyết định thống nhất các Phật Học Đường thành một tổ chức đại quy mô về phương diện đào tạo tăng tài. Nha Trang được chọn làm địa điểm.” [4] Cùng thời gian này, “Hòa thượng Phước
Huệ tự thấy tuổi già sức yếu, cơn vô thường đến chưa biết ngày nào, và nhân lúc Giáo hội và Hội Phật giáo đương tìm một cơ sở mới để thiết lập Phật Học Viện, Ngài ngỏ ý cùng bổn đạo muốn đem ngôi chùa cúng cho hai Hội Phật Học này. Cử chỉ ấy thật là vô cùng cao đẹp. Chỉ một cử chỉ ấy thôi cũng đủ biện minh cho suốt đời tu hành xả kỷ của Ngài: không bỉ thử, không ngã nhơn. Đối với Ngài, chỉ có đạo pháp ngày mai mới thật là quan trọng. Sau khi giao chùa vào ngày 19 tháng 9 năm Bính Thân, Ngài lui về tịnh dưỡng tại chùa Hải Đức, Huế. Đại diện cho hai Tổng trị sự đã
ký biên bản nhận chùa là TT Thích Trí Thủ, nguyên Giám đốc Phật Học Đường Báo Quốc và đương kiêm Giám viện Phật Học Viện Trung phần.” [3] Sau đó “Lễ nhập tự cử hành vào ngày 22 tháng 8 năm Bính Thân, tức 26 tháng 9 năm 1956. Lễ khánh thành Phật Học Viện được tổ chức vào dịp lễ Thành Đạo 2500 năm, ngày 8 tháng chạp Âm lịch (tháng 1 năm 1957).” [4]
Thành phần Ban Quản trị được thỉnh cử gồm: Viện trưởng: HT Thích Thuyền Tôn, Phó Viện trưởng: TT Thích Trí Quang, Giám Viện: TT Thích Trí Thủ, Giáo thọ trưởng: TT Thích Thiện Siêu, Tổng thủ quỹ: TT Thích Thiện Minh và Tổng Thư ký là TT Thích Huyền Quang.
Khóa đầu tiên quy tụ được 105 học Tăng gồm cả ba cấp Tiểu, Trung và Đại học. Chương trình học gồm cả nội điển và ngoại điển. Dĩ nhiên phần nội điển phải là phần căn bản và được chú trọng hơn nhiều. Riêng trong ba tháng kiết hạ (từ 15-4 đến 15-7 âm lịch) các học Tăng chỉ chuyên lo tu hành và chỉ học phần nội điển. Chương trình giáo khoa học bằng tiếng Việt và Hán văn là cổ ngữ chính. Sinh ngữ phụ là Anh văn, Pháp văn, cổ ngữ Pali và Sancrit. Về thành phần giảng sư, ngoài những bậc cao tăng tinh thông kinh tạng hoặc những vị tài cao học rộng thường xuyên giảng
dạy như quý Thầy Thích Trí Thủ, Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Thích Thiện Ân… thì còn có cả những bậc thức giả là các cư sĩ tại gia có
trình độ uyên thâm cũng được mời thỉnh giảng như học giả Cao Hữu Đính (giảng giải và biên dịch kinh tạng, dạy Pháp văn; thỉnh thoảng cũng còn phụ trách thêm hai môn Sử ký và Địa lý), thi sĩ Quách Tấn (dạy môn Quốc văn), nhà văn Võ Hồng và cả những giáo sư thỉnh giảng được mời từ Saigon
ra như Ngô Trọng Anh, Doãn Quốc Sĩ…
Thời gian tu học ở Phật Học Viện được quy định là 10 năm gồm một năm dự bị, ba năm Tiểu học, ba năm Trung học và ba năm Đại học. Được kể như chính thức vào lớp dự bị là những học Tăng nào đã học xong chương trình ở
các trường Tiểu học và đã đủ 15 tuổi. Khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo,
trình độ ngoại điển của các học Tăng ít nhất là từ Tú tài phần hai trở lên.
“Phật Học Viện, ngoài việc tổ chức giáo dục học Tăng đủ các cấp Tiểu học, Trung học và Đại học, tùy theo nhu cầu hoằng pháp còn tổ chức thêm:
Giảng sư đoàn, phiên dịch kinh tạng, trước tác và xuất bản sách giáo khoa…” [3] Với năm ngành định hướng là giáo thọ, giảng sư, trú trì, giáo
sư tư thục và kinh tài, “Từ năm 1957 đến năm 1968, Phật Học Viện Trung Phần đã đào tạo được trên trăm vị giảng sư, hiệu trưởng trung học, trú trì… đi hoằng pháp khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam.” [3]
Đặc biệt, noi gương HT Thích Quảng Đức, Đại đức Thích Quảng Hương – một cựu học Tăng của Phật Học Viện – đã tự thiêu vào ngày 5-10-63 để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền đương thời. Trước đó, Thầy đã viết bài thơ Đường luật “Lời tâm nguyện” trong đó có hai câu tâm
huyết:
Phát nguyện thiêu thân cầu Tam Bảo
Hộ trì Phật giáo được miên trường.
“Như thế chứng tỏ rằng Phật Học Viện Hải Đức đã đào tạo được nhiều người
biết xả bỏ thân thể để giáo hóa chúng sanh, biết dùng tấm hình hài làm công cụ để đạt đến quả Phật.” [4]
Về cơ sở vật chất và khung cảnh của chùa thì “Mấy dãy học viện, tăng phòng, tịnh thất mới cất thêm gần đây nới rộng phạm vi của chùa. Một con
đường mới trổ, chạy ngang qua lưng đồi Trại Thủy, từ Tây xuống Đông, nối liền chùa Hải Đức và chùa Long Sơn, làm cho cảnh chùa thêm linh động
nhờ bóng tu sĩ hay bóng du khách thấp thoáng trong đá trong cây. Và cây
bồ đề trước sân chùa, những cây mít, cây xoài, cây khế ở chung quanh chùa, ở triền đồi mỗi ngày mỗi cao cội sum cành, giúp cho cảnh chùa thêm
thâm u tĩnh mịch.” [4]
Chùa Hải Đức cũng đã thu hút được một số tao nhân mặc khách đến tu học, tịnh dưỡng, học chữ Hán, tìm hiểu giáo lý nhà Phật hoặc tìm nguồn cảm hứng sáng tác như trường hợp của nhà thơ Phạm Công Thiện là một ví dụ.
“Phạm Công Thiện (sinh 1941) là một nhà thơ, nhà văn, triết gia, dịch giả, giáo sư... Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông
vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và
được bộc phát từ hồi còn rất trẻ… Ông đến với văn chương từ rất sớm. Từ
năm 13 tới 16 tuổi, ông là cộng tác viên của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đã đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây
Ban Nha; ngoài ra còn biết cả tiếng Sancrit và tiếng La Tinh. Năm 1960,
ông khởi sự viết cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học khi chưa được 19 tuổi. Thời kỳ này ông viết nhiều sách về Phật Giáo, dù ông theo đạo Cơ Đốc. Năm 18 tuổi, ông giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Về sau ông còn là giáo sư của nhiều trường đại học khác nữa dù chưa bao giờ đi thi tú tài, cũng chưa học một trường đại học
nào. Năm 23 tuổi, ông cho ra đời cuốn sách Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền Tông, mà sau đó đã trở nên nổi tiếng. Đến năm 26 tuổi, ông đã có hàng chục cuốn sách triết học, tiểu luận và thơ. Ông cũng khởi xướng và tham gia tranh luận nhiều về đề tài Phật giáo trên các báo Sài Gòn.” [6]
Trong thời gian lưu lại chùa Hải Đức, ông đã xuống tóc quy y. Trong số các tác phẩm hình thành cũng có một vài câu thơ có thấp thoáng hình ảnh của chùa:
Mưa chiều tối thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Hoặc:
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bặt gió hai đường âm u
Nhớ chuyện xưa, thi sĩ Quách Tấn kể lại:
“Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho
ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Ðức, Thiện ước được sống trong
cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin Thượng tọa, tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Ðốc giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng tọa cười: “Không hề gì, có
bác Quách bảo đảm.” Nhưng để “đề phòng”, Thượng tọa cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm. Ðược nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi: “Ðể đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.”
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ. Ở Trại Thủy, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và TT Trí Thủ. Một hôm Thượng tọa bảo tôi: “Anh chàng có đạo tâm.” Tôi cười thầm trong bụng: “Ðạo Thiên Chúa hay đạo Phật.” Ba tháng sau, tôi lên Hải Ðức, không thấy
Thiện nơi xưởng hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng TT
Trí Thủ đem anh lên ở nơi cốc của Thượng tọa hơn một tháng rồi. Tôi bèn
leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. TT Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu hàn huyên như thường lệ, Thượng tọa nói: “Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh."
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Ðối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế. Mấy tháng sau - tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Ðức một lần nữa. Cốc đóng - người trong chùa cho biết Thượng tọa
cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc. Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Sau nghe tin Thiện dạy học ở Ðại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn TT Thích Trí Thủ thì trú trì chùa Già Lam, rồi được phong Hòa thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại.” [7]
Như đã nói, “Đối với hàng văn nhân thi sĩ, chùa Hải Đức lại có nhiều nhân duyên. Một phen đến nơi, không mấy ai không tìm thấy cảm hứng, không lưu lại ít nhiều cảm tình. Như: nhà văn Võ Hồng có bài Hoa khế lưng đồi đã đăng ở Hải Triều Âm năm 1964. Nhà văn Tuấn Huy, trong tác phẩm Hương Cỏ May có nhắc đến Phật Học Viện. Thạch Trung Giả, trong hai năm 1960 và 1961, suốt ba tháng hè, lên ở tịnh dưỡng nơi gác trống của chùa. Trong thời gian ấy đã sáng tác được nhiều giai phẩm. Một số thơ đã
đăng tải ở tập san Liên Hoa - Huế. Như bài sau đây là một:
Lần tràng
Hoàng hôn buông xuống
Chiều xanh xanh huyền
Tiếng ai dâng lên
Lầu kinh Bát Nhã
Triều yên sóng cả
Bàn tay lần tràng
Nổi trên mênh mang
Vần xoay hạt hạt
Kim ô chìm tắt
Song nhỏ bừng châu
Bàn tay truyền mau
Vần xoay đỉnh đầu” [1]
Cũng nên có vài dòng về đại hồng chung chùa Hải Đức. Đấy là một quả chuông có kích thước bằng đại hồng chung chùa Linh Mụ, Huế cao 1,7m đường kính 1,1m, nặng 1.010 ký. Chuông được đúc vào ngày 3-1-1961 và được đặt tại đỉnh núi về phía Đông.
Nếu trước đây tiếng chuông chùa Hàn San ở thành phố Tô Châu, Trung Hoa đã làm cho bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
trở thành “thi phẩm ngợi ca đạo Phật hay nhất đời Đường và hậu thế” thì ngày nay tiếng chuông chùa Hải Đức cũng đã làm rung động hồn người qua những câu thơ của thi sĩ Quách Tấn:
Tình cố nhân
Mây nước nhiễm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân.
Thâm u
Thoảng tiếng chuông chùa vọng
Bóng đèn khuya rung rinh
Nao nao lòng giếng quạnh
Hơi thu tràn hư linh.
Âm ba
Sương xuống hồi chuông lặng
Dư âm tràn hư không
Lửng lơ vàng gợi sóng
Trăng hồ thu mênh mông.
Tiếng chuông chùa Hải Đức đã chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống đời thường của người dân ở miền quê hương cát trắng? Chúng ta hãy cùng nghe lại một mẩu chuyện nhỏ.
“Nhân nói chuyện nghe chuông buổi sớm, tôi nói:
- Quả chuông trên đồi Trại Thủy tiếng đã dài lại ấm. Đêm nào, bốn giờ rưỡi sáng, tôi vừa thức dậy là được nghe tiếng chuông đầu tiên. Âm ba vừa lặng vào tâm hồn thì tai tôi lại đón tiếng ngân khác… cứ thế cho đến
sáng… lòng tôi lâng lâng… nhưng cách đây chừng một tháng, một hôm tôi nghe tiếng chuông hơi rè… Kế đó một chiếc xe đò đến đậu ở trước nhà bên cạnh, cứ bốn giờ sáng rồ mấy để lên đường, nên thú nghe chuông bị mất.
Nghe nói tiếng chuông rè, Hòa thượng Trí Thủ cười:
- Đó là do chú điệu còn ngái ngủ, dộng trật dùi chuông ra ngoài thành.
Đại đức Trừng San bạch:
- Bạch Hòa thượng không phải thế. Dây da treo chuông đã cũ quá, con sợ rủi đứt nên đã lấy dây xích sắt thay vào nên tiếng chuông nghe không được thanh như trước.
Một tuần sau, Đại đức Trừng San xuống cho biết:
- Tôi xem kỹ thì ra quả chuông bị nứt một đường ở trên đỉnh, mà lâu nay không ai để ý, tai Bác thính quá!
Cách đó ít lâu, một quả chuông mới thay quả chuông bị nứt. “ [7]
Với những ai đã từng sống ở Nha Trang, đã từng đặt chân đến thành phố biển để tìm hiểu về những di tích lịch sử và văn hóa Phật giáo thì có lẽ
sẽ không thể nào quên được ngôi chùa Hải Đức uy nghiêm và cổ kính như hai câu kết của bài thơ truyền khẩu trong nhân gian khi nói đến một số thắng cảnh của Nha thành:
Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang,
Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà.
Muốn trông trời biển bao la,
Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng.
Muốn xem cá lạ biển Đông,
Xuống tòa Hải Học trong vùng Trường Tây.
Muốn vui non nước cùng mây,
Mây trùm Suối Ngổ, nước đầy Suối Tiên.
Ba Hồ lắm thú thiên nhiên,
Qua Sơn là chốn thần tiên đi về.
Lòng mong nương bóng bồ đề,
Lên chùa Hải Đức gần kề Nha Trang.
Một tác giả đã miêu tả cảnh quang thoáng đãng của chùa: “Đứng nơi chùa nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa; nhà cửa vườn tược dưới thấp; đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc, ở trước mặt. Muôn màu nghìn sắc, càng thêm ưa.” [1]
Đến đây có lẽ chúng ta cũng đã phần nào hiểu được tại sao ngôi chùa này đã được nhiều thi nhân mặc khách chọn làm nơi an dưỡng tinh thần, tại sao dân chúng địa phương đã ưu ái gọi ngọn đồi Trại Thủy là đồi Hải Đức,
tại sao con đường dẫn vào chùa được chính thức đặt tên là đường Hải Đức, tại sao tiếng chuông chùa ngân nga vi diệu mà cư dân của thành phố Nha Trang nghe được lại trở thành niềm vui “nghe chuông buổi sớm” trong cuộc sống hàng ngày, và cũng hiểu được lý do tại sao những người viết địa phương chí đã trân trọng ghi “chùa Hải Đức là một Đại Tùng Lâm trang
nghiêm và đẹp nhất tỉnh Khánh Hòa”. Quả đúng làmộtmiền lạc cảnh như có người đã viết:“Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón gió mát, tưởng chừng mình đã xa
cách hẳn cõi trần tục” [4]
Phật giáo cũng là một phần trong nền văn hóa Việt Nam. Nay một lần nữa, cùng nhau đọc lại vài câu chuyện về ngôi chùa Hải Đức cùng quá trình hình thành Phật Học Viện Trung phần tại Nha Trang qua lời kể được trích dẫn từ các sứ giả của Như Lai, của tác giả Xứ Trầm Hương, và của những người yêu mến đạo Phật để có thể hiểu thêm về những nét chấm phá tuyệt đẹp trong bức tranh tổng thể sắc thái tâm linh Phật giáo và đồng thời để
củng cố thêm niềm tin đạo hạnh trên bước đường tu học.
Tài liệu tham khảo:
• Quách Tấn (2002). Hải Đức Tự. Xứ Trầm Hương. Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, tr. 272-280.
• Danh sách các Chùa, Thiền viện và cơ sở Phật Giáo Việt Nam tên thế giới (2003). Cực Lạc Viện, California, USA. http://www.quangduc.com.
• Phật Học Viện bốn năm qua. Đời sống đạo, PL 2.504, Đặc san kỷ niệm đệ IV chu niên Phật Học Viện Trung Phần tại Nha Trang, Học-Tăng biên soạn.
• Quách Tấn (2002). Phật Học Viện Hải Đức. Xứ Trầm Hương, tr. 389-393.
• Quách Tấn (2002). Thắng cảnh và cổ tích. Xứ Trầm Hương, tr. 146-158.
• http://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Công_Thiện.
• Quách Tấn, Hồi ký về Thượng tọa Thích Trí Thủ, http://www.phatviet.com/vanhoc/vh008.htm.
• http://nguyentl.free.fr/autrefois/famille-royale/photo_famille_royale_1_vn.htm