Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Lòng Mẹ

20 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13506)
Lòng Mẹ

Lòng Mẹ

blank

Lòng mẹ bao la như biển Thái bình...rạt rào.

Y Vân

Nóng ơi là nóng. Dự báo thời tiết đã cho biết đây là một ngày nóng nhất trong năm, giữa tháng Tám, sức nóng và độ ẩm suýt soát trăm độ F. Quả cầu đỏ treo lơ lửng giữa bầu trời xanh ngắt giận dữ ném tràn xuống trần gian từng vạt lửa, hừng hực. Khoảng 90 độ khí hậu đã nóng bức lắm rồi. Nhiệt độ cả trăm thì ai cũng muốn ở trong nhà và vặn máy điều hoà lên đến tối đạ Tôi vừa về đến văn phòng làm việc sau một cuộc chạy bộ 10 cây số gây quỹ yểm trợ cho việc nghiên cứu những căn bệnh tim trầm kha. Thật đúng là bệnh tim, mạch máu đang chạy rần rần trong cơ thể tôi như muốn nổ tung lên. Chiếc quần cụt và cái áo thun của tôi ướt sũng mồ hôi. Nóng bức quá chịu không nổi. Tôi thèm khát một luồng nước mát lạnh từ vòi sen tuôn xối xả xuống thân hình để làm dịu đi cơn nóng đang chui rúc trong từng thớ thịt. Ôi! Tôi sẽ đứng dưới vòi sen thật lâu cho đã cơn thèm. Vậy mà tôi phải ngồi lại trong văn phòng vì giọng nói của ông cảnh sát trưởng vang bên kia đầu dây:

Luân hả! Về rồi à! Đừng ra khỏi phòng nghe. Có khách đến thăm cậu bây giờ.

Tôi chán nản ngồi phịch xuống chiếc ghế bên cạnh. Không biết ông ta giới thiệu ai đây. Trong người đang nóng bức nên tôi thật chẳng muốn tiếp khách một chút nào. Đang lúi húi cởi dây giày thì cửa phòng bật mở. Mệt quá, tôi để mặc kệ hai mối dây giày lòng thòng hai bên, chẳng buồn cởi tiếp. Ngã người ra sau, tôi nhìn người khách vừa bước vào là một con bé ăn mặc gọn gàng, khá tươm tất. Sau khi cất tiếng chào, con nhỏ tự nhiên ngồi xuống chiếc ghế trước mặt. Nó nghiêng đầu, nheo mắt nhìn chăm chăm vào người tôi rồi buông một câu:

Trông bác giống Hulk Hogan quá...nhưng cái mặt thì không!

Tôi thuộc loại to con, lại năng tập thể dục nên thân thể trông khá nở nang nhưng so tôi với Hulk Hogan (một võ sĩ đô vật nổi tiếng) thì hơi quá. Thật đúng là lối so sánh của con nít. Nghe con bé nói thòng thêm "cái mặt" không giống, tôi bật cười:

Cám ơn cháu.

Con bé tiếp tục so sánh tôi với tay võ sĩ nhà nghề:

Tóc bác cũng khác nữa.

Tôi nhập vào dòng câu chuyện:

Không sao, tôi nhuộm là giống ngay.

Ừ! Cũng được nhưng "cái mặt" thì không thể nào "nhuộm" được. Mặt bác khác xa Hulk Hogan.

Nếu vậy thì đành chịu!

Ông ta nói là bác có thể giúp cháu!

Hulk Hogan nói vậy à?

Con bé sụp ánh mắt, lườm tôi một cái thật dài:

Không, cái ông ở ngoài kia kìa. Ổng nói ổng là cảnh sát trưởng nhưng cháu không tin vì thấy không giống mấy ông cảnh sát trưởng trên TV chút nào hết. Trên TV, mấy ông cảnh sát mặc... ... đồng phục, đúng không?

Uh huh. Còn ông này lại mặc quần jean xanh.

Tại hôm nay nóng quá, thôi mặc vậy cũng được.

Cháu thấy ổng giống mấy tên cao bồi thì đúng hơn, mà mặt ổng nhiều tàn nhang quá, nhiều hơn cả cháu nữa.

Bây giờ tôi mới chú ý đến những vết tàn nhang trên khuôn mặt của con bé. Nó mọc lấm tấm, rải đều chung quanh mũi và trên đôi má hồng hồng như những hạt mè. Hai lọn tóc đen mảnh thả vừa chấm vai, đong đưa theo từng cử điệu của con bé. Những sợi tóc mai xoắn cong tự nhiên vung vẩy hai bên thái dương trông thật dễ thương. Đôi môi chúm chím, đỏ mọng, mở ra giọng nói nghe líu lo như chim hót. Phải nhìn nhận khuôn mặt con bé gần như tuyệt hảo và chỉ cần vài năm nữa thôi khuôn mặt đó sẽ là một biểu tượng cho bàn tay nhào nặn tài tình của tạo hóa. Con bé mặc chiếc áo thun màu hồng có in hình con mèo nhỏ trông đã bạc màu. Chiếc quần jean cụt ngang nửa đùi sờn gấu để lộ những thớ vải trắng thả rơi tua tuả không đồng đều. Đôi giày màu trắng đi lâu ngày cũng ngả sang màu xám xịt. Đột nhiên con bé đứng thẳng dậy, moi trong túi ra một cục kẹo cao su, bẻ làm đôi và chìa một nửa về phía tôi, giọng thân mật:

Bác nhai không?

Tôi đỡ lấy cục kẹo, đã trở nên dẻo quẹo vì nhiệt độ trong người, nói cám ơn rồi quăng tọt vào miệng.

Chúng tôi ngồi đó, lặng lẽ nhai kẹo, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình. Trong trí tôi hiện giờ chỉ nghĩ đến dòng nước mát lạnh phun ra từ vòi sen đổ ào ào xuống thân hình nóng bức. Đang liến thoắng thế mà con bé giờ đây im bặt, ngồi thản nhiên nhai kẹo gần như không biết tôi đang ngồi ngay trước mặt. Khoảng chừng giập bã trầu, tôi phá tan sự yên lặng:

Thế cháu cần giúp gì không?

Con bé không chú ý đến câu hỏi của tôi, đang bận bịu thổi kẹo thành quả bong bóng nhỏ. Có lúc nó thổi không khéo, quả bóng vỡ gây một tiếng bụp nhẹ, để lại chất kẹo nằm vắt ngang đôi môi mọng đỏ. Con bé dùng lưỡi khéo léo đưa hết kẹo vào trong miệng, nhai nhai vài cái, kéo dài miếng kẹo rồi chú tâm thổi. Tôi biểu diễn thổi phồng một quả bóng khá to, giữ cho nó đừng vỡ trên môi rồi há miệng nuốt hết vào bên trong mà không gây một tiếng động nào. Con bé nhìn có vẻ thán phục: Bác làm hay quá, cháu thì chịu.

Cháu bao nhiêu tuổi?

Bảy.

Mãi đến tám tuổi bác mới thổi được kẹo cao su. Cháu thế là giỏi hơn bác nhiều lắm.

Đôi mắt con bé sáng lên rạng rỡ nhưng không nói thêm một lời nào. Nó ngồi lặng yên nhai kẹo một lúc khá lâu rồi đột nhiên lên tiếng:

Bé Ty đi mất rồi.

Tôi hơi khựng nhưng vẫn giữ giọng thản nhiên:

Đi mất rồi à? Thế bé bị mất tích hả?

Uh huh. Bác tìm dùm cháu được không?

Tôi muốn gật đầu nhưng lại hỏi ngược:

Thế lần cuối cháu thấy bé Ty khi nào?

Theo thói quen, hỏi xong tôi lôi vội ra cuốn sổ tay, cầm bút chuẩn bị để ghi lời khai của con bé.

Ngày hôm qua. Cháu để nó sau vườn. Đúng ra là cháu không nên để bé Ty một mình. Mẹ cháu nói là phải lo lắng chăm sóc cho bé Ty nhưng cháu ham chơi quên béng đến khi ra sau vườn thì bé Ty đi đâu mất.

Ra là thế. Bây giờ cháu tả sơ sơ bé Ty cho bác nghe coị

Con bé nắm lấy đuôi tóc bằng hai ngón tay, vẩy vẩy vào má, rồi quệt quệt ngang mũi mà mới nhìn thoáng qua trông giống bộ râu mép. Dáng điệutrầm ngâm như cố nhớ lại hình dáng của bé Ty để diễn tả. Khi hai ngón tay nó thả ra, lọn tóc đánh ngược về vị trí cũ thì con bé nói một hơi như sợ ý nghĩ tan biến mất:

Tóc nó đỏ, không đỏ lắm đâu, màu cam thì đúng hơn nhưng ai cũng nói là đỏ hết. Buồn cười quá bác há!

Tôi ghi ngay vào cuốn sổ:

Tóc đỏ... thế mắt thì sao?

Xanh.

Vậy thì chắc đẹp lắm?

Sao bác biết hay quá vậy? bé Ty đẹp lắm. Mẹ giận cháu lắm vì cháu để mất bé Tỵ Mẹ nói là phải xem chừng vì bé Ty mắc tiền lắm...

Nó lắc lắc đầu, đôi mắt xa xăm:

... mà cháu cũng không biết bao nhiêu tiền nữa.

Thế bé Ty mặc quần áo gì?

Bộ đầm màu xanh làm bằng cái thứ gì mà nhìn thật sáng. Có sợi dây treo ở đây nè...

Con bé chỉ tay vào cổ rồi tiếp tục:

... đi giày trắng mà lại không có vớ. Đôi vớ mất lúc nào cháu cũng không nhớ nữa.

Thế cháu có bé Ty lâu chưa?

Cháu có vào dịp sinh nhật của cháu.

Sinh nhật của cháu khi nào?

Ngày 8 tháng 7. Sinh nhật đó cháu được 7 tuổi đó. Cháu

lên 8 tuổi vào sinh nhật năm sau.

Uh huh. Thế bé Ty bao... lớn? Cỡ này không?

Tôi đưa hai bàn tay ra dấu. Con bé lắc đầu, đưa đôi bàn tay cách nhau khoảng hai gang tay người lớn:

Tên nó là... à, tên thật của nó là An Minh, nhưng cháu thích gọi là bé Tỵ

Tôi gật đầu đồng tình. Con bé vẫn giọng đều đều: Mẹ cháu không muốn...

Con bé ngập ngừng một chút như để lấy hơi rồi tiếp tục:

... không muốn cháu gọi nó là An Minh.

An Minh? Tên đẹp quá đi chứ.

Con nhỏ gật đầu, đôi mắt buồn hẳn. Trong một thoáng, tôi có cảm giác con bé muốn khóc nhưng trong một cố gắng nó mím chặt môi kềm giữ được. Bỗng nhiên con bé đổi giọng:

Ông ta nói là người ta trả tiền cho bác.

Ai? Ông cảnh sát trưởng hả? Cũng đúng nhưng cháu biết cái cân đứng không? Cái cân mà cháu thường thấy trong phòng mạch bác sĩ đó.

À! Cháu có thấy... nhưng cái cân thì làm sao?

Cái cân đứng có cái cần gạt tuỳ theo sức nặng của mỗi người. Bác cũng lấy tiền công tuỳ theo từng người. Nhưng cũng tuỳ người đó có đủ tiền trả hay không nữa kìa.

Con bé suy nghĩ một chút rồi đứng dậy dùng tay moi hết những gì trong túi ra đặt lên bàn. Cả một nhúm bạc lẻ. Hai đồng tiền 25 xu, một đồng tiền 10 xu, bảy đồng tiền 1 xu. Ngồi hẳn xuống ghế, nó ngẩng mặt lên hỏi tôi:

Từng đó đủ chưa bác?

Tôi vui vẻ:

Đủ rồi cháu.

Thế bác sẽ kiếm bé Ty dùm cháu chớ?

Được mà, bác sẽ cố nhưng bác không dám hứa đâu nhá. Nghe tôi nói không dám hứa, con bé nhìn lại đống bạc lẻ đặt trên bàn, ý chừng so sánh việc làm của tôi có xứng đáng với số tiền mà nó bỏ ra hay không. Tôi vội thương lượng:

Hay là như thế này, khi nào bác tìm thấy bé Ty thì cháu mới trả tiền. Nếu không tìm thấy thì bác cháu mình chẳng nợ gì nhau cả. Sao? Cháu thấy thế nào?

Con bé tươi hẳn nét mặt và vơ vội đống bạc lẻ thồn hết vào túi quần.

Bác cần thêm một vài chi tiết nữa. Trước hết, tên cháu là gì?

Hoàng Thiên Kim.

Sợ tôi không ghi đúng, con bé đánh vần từng chữ cho tôi ghi vào sổ. Nó chồm người về phía trước theo dõi từng chữ tôi viết xuống giấy xem có đúng không. Địa chỉ nhà cháu và số điện thoại?

Um... một một bảy South đường 21. Căn H. Ở phía đàng kia kìa.

Nó hất hất tay về hướng đông, tiếp tục:

Nhà cháu không có điện thoại.

Thế cháu cuốc bộ đến đây à?

Dạ, mà trời hôm nay nóng quá, đi mệt muốn chết.

Khu chung cư của con bé cách tòa nhà, nơi văn phòng tôi làm việc, khoảng hai dãy phố về phía đông. Nhiều năm trước đây, khu phố đó tương đối khang trang, yên tịnh.

Con bé chắc đi bộ từ đường Main về hướng downtown gặp đường số 7, nơi sở cảnh sát tọa lạc. Từ văn phòng làm việc của tôi đến trung tâm của thành phố, những khu thương mại sầm uất nằm hẳn trên đường Main nên xe cộ lưu thông như mắc cửi. Toà nhà của tôi nằm cuối khu thương mại nên khi vượt qua đường 19 về hướng đông sẽ gặp những khu ổ chuột nằm san sát nhau cả đến mấy dãy phố. Tôi bỗng thấy con bé thật tội nghiệp:

Thế mẹ cháu có đi làm không?

Um... mẹ cháu không đi làm.

Vậy mẹ cháu thường ở nhà?

Mẹ cháu ngủ hoài à.

Thôi được rồi. Cám ơn cháu nhiều lắm. Để bác đưa cháu về nghen!

Thôi chẳng cần đâu. Cháu nhớ đường về mà.

Để bác đi với cháu cho vui. Đến góc đường 21 thì cháu đi một mình, bác không đưa cháu về đến tận nhà đâu.

Trong khi chờ đợi con bé bằng lòng, tôi buộc vội lại dây giày. Khi tôi đứng lên, nó bỗng đưa tay níu tôi lại, lưỡng lự một chút rồi hỏi tôi có phải là bác Luân không? Tôi gật đầu. Con bé đứng thẳng dậy tiến về phía cửa. Tôi bước theo, đi song đôi với nó qua hai dãy phố đến ngã tư đường 21 và Main. Tôi vẫy tay chào, chờ con bé băng qua đường tiến vào khu chung cư, và nó biến mất sau đám cỏ dại mọc hỗn độn ở phía sân trước.

Trên đường về tôi hỏi Thiên Kim thêm được một vài chi tiết nữa. Hai mẹ con mới dọn đến khu chung cư khoảng lễ Giáng sinh, tính ra mới hơn tám tháng. Ba thì bỏ nhà đi mất biệt. Nó sửa soạn lên lớp hai, rất thích đi học nhưng lại ghét mấy thằng nhóc ở trường mà theo con bé thì bọn chúng ngu dốt không tả được. Tôi bật cười khi Thiên Kim nói mấy thằng nhóc và đàn ông như bác là hai sinh vật khác nhau xa. Con bé đã hỏi mấy đứa nhỏ trong chung cư về con búp bê - An Minh, mà nó thường gọi là bé Ty - nhưng đứa nào cũng lắc đầu, chẳng biết một tí gì về chuyện con búp bệ Thiên Kim lại không nhớ con búp bê đó loại gì nên tôi đành bỏ ý định mua cho nó một con búp bê khác, giống y chang để thay thế.

Trở lại văn phòng, tôi nhả bã kẹo cao su, súc miệng để đánh tan vị chua nằm trong cổ. Tắm rửa qua loa, mặc vội chiếc quần cụt và áo thun, tôi lái xe đến sở cảnh sát. Viên cảnh sát trưởng - Phi - đang ngồi ở bậc thềm cửa, trên tay cầm tấm bìa kẹp giấy. Tôi sà xuống bên cạnh:

ủ?a! Máy điều hoà lại hư nữa à?

Ừ! Nó cứ hư hoài, ngồi đây còn có tí gió mát. Thế con bé Thiên Kim có đến văn phòng của cậu chớ?

Có! Tôi vừa mới dẫn nó về nhà. Ông cứ gởi cho tôi những khách hàng như con bé Kim thì chẳng mấy chốc mà tôi bị phá sản. Thế ông biết gì về mẹ con bé không?

Không! Nghe nó nói thôi chớ biết gì đâu. Mà mẹ nó không hiểu làm gì để cho đứa nhỏ mới bảy tuổi đầu chạy rong khắp khu phố một mình. Cậu cũng biết là khu chung cư đó đâu có yên ổn gì. Tôi có nói nó lên xe để tôi đưa đi nhưng nó nói mẹ dặn là không được bước lên người lạ. Thế nên tôi đành để nó đi bộ đến văn phòng của cậu một mình.

Thế đúng là mẹ con nó sống trong khu chung cư đó hả? Ừ! Không sống ở đó thì sống ở đâu bây giờ. Thú thật tôi chẳng muốn đến khu chung cư đó một chút nào.

Khu lao động, đủ loại hạng người, anh biết không? Tôi nghĩ phải có người trông nom con nhỏ Kim chứ không thể để nó chạy lông bông như vậy được. Tôi tin là mẹ của nó không hay biết một tí gì chuyện con bé cuốc bộ đến sở cảnh sát một mình.

Coi như tôi có trách nhiệm về vụ này, thế ông nghĩ tôi phải làm gì bây giờ?

Dễ quá, mua cho con bé một con búp bê khác.

Nhưng tôi lại không biết con búp bê thuộc loại gì.

Vậy thì...hỏi mẹ nó.

Hơi khó coi đó ông! Nghĩ thử xem tự nhiên có thằng đàn ông lạ mặt hỏi muốn mua cho đứa con gái con búp bê, mẹ nó chắc chắn không nghĩ tốt cho tôi đâu.

Thì giải thích cho mẹ nó hiểu. Nếu bà ta còn nghi ngờ, nói bả gọi cho tôi. À! Cuộc chạy bộ ra sao?

Chạy kiếm tiền cho hội từ thiện ấy mà. Tôi chạy không nhanh nhưng chạy một mạch không nghỉ. Cũng vuị Tôi đứng lên, phủi phủi lớp bụi ở phía sau quần, thở dài:

Chắc phải nói chuyện với mẹ nó quá.

Lái xe trở lại con đường dẫn đến chung cư, khi đến gần tôi thoáng thấy Thiên Kim đang chơi đùa ngay trước cửa nhà với mấy đứa bé gái. Một người đàn bà mở cửa, đứng trên thềm nhìn ngắm chúng nô giỡn. Tôi tin chắc đó là mẹ của Thiên Kim. Người đàn bà trẻ măng, tôi đoán cỡ 22, 23 là cùng. Trời ơi, con nhỏ Kim đã 7 tuổi, vậy là mẹ nó mang bầu khi vừa mới lớn. Tôi chợt nghĩ đến thống kê mới nhất cho biết số trẻ em vị thành niên mang thai ngày càng tăng. Chắc chắn mẹ của Thiên Kim nằm trong số người bước vào đời quá sớm.

Dáng người đàn bà lùn thấp, nhỏ con và tất cả cái chất đàn bà đều thể hiện trên khuôn mặt. Một khuôn mặt nhỏ nhắn, khá quyến rũ, phấn son rực rỡ như đi dự dạ hội. Mười ngón tay sơn đỏ chói, luồn vào trong mái tóc đen nhánh, dài quá vai, cong xoắn, cắt tỉa gọn gàng, trong một cử chỉ làm dáng như đứa con gái mới lớn. Tất cả phí tổn cho những sửa soạn đó đủ để trả hoá đơn điện thoại vài ba tháng dễ dàng. Cánh cửa mở đủ rộng để người ta nhìn thẳng vào phòng khách thấy lỏng chỏng một bộ bàn ghế rẻ tiền.

Tôi tiến đến gần cửa, gật đầu chào:

Chào bà, tôi là...

Chào anh, cứ gọi tôi là Thu Linh, tiếng bà nghe già quá.

Người đàn bà đứng kiễng chân, thân hình đong đưa lả lơi, nheo mắt nhìn tôi, ngón tay trỏ xoắn xoắn lọn tóc một cách nghịch ngợm.

OK. Thu Linh. Tôi là...

Tiền xe phải không? Tôi đã gởi ngân phiếu...để xem...à! hai ngày trước rồi.

Không, tôi đến đây không phải vì tiền xe. Tôi là trinh thám tư và tôi...

Tôi quên nên trả tiền xe trễ... nhưng mà ông nói gì? trinh thám tư hả?

Khuôn mặt Thu Linh hơi đổi sắc. Nàng lùi lại một bước, đôi mắt trợn tròn, giọng lạc hẳn đi:

Ông là cảnh sát?

Không! Tôi làm nghề trinh thám tự Tên tôi là Nguyễn...

Ông muốn gì?

Giọng nói Linh run rẩy, đôi chân lùi dần về phía sau. Vẻ thất thần, lo sợ hiện rõ trên nét mặt nàng.

Tôi mới gặp Thiên Kim sáng nay. Nó nói là đánh mất An Minh nên tôi muốn hỏi...

Cánh cửa đóng sầm lại ngay trước mắt tôi. Âm thanh khô khan của cánh cửa đập vào khung gỗ làm tôi sửng sốt.

Tôi tin chắc là tôi chưa nói một lời nào thất thố. Tôi chưa nói hết câu mà nàng đã thụt người vào trong, đóng mạnh cửa, tránh xa tôi như người sợ lây bệnh truyền nhiễm. Tôi gõ cửa. Không một tiếng trả lời. Gõ lần nữa. Cũng không. Tôi bỗng nghe loáng thoáng tiếng nàng ở phía sau nhà, giọng gay gắt:

Kim...Kim, về nhà ngay, nhanh lên con ơi...

Căn nhà thuê của mẹ con nàng nằm ở phía nam trong dãy chung cư gồm tám căn giống in hệt nhau. Tôi bước vòng ra phía sau nhà. Khi đến gần cửa sau, tôi tựa lưng vào bức tường vôi loang lổ, ngay sát cửa sổ. Tiếng quạt trần cũ quay tròn gây ra một âm thanh lách cách đều đặn. Tôi nhủ thầm chỉ cần nghe tiếng đánh hoặc tiếng khóc của Thiên Kim là tôi tông cửa vào liền, có đủ lý do để chất vấn nàng. Tôi nghe tiếng cánh cửa lưới đập mạnh vào khung gỗ rồi giọng của Linh đanh cứng và sắc:

Mẹ con mình đi xa. Đem hết quần áo lại đây, mau lên... cứ vơ hết đồ trong tủ ra. Trời ơi! nhanh lên Kim, sao ngày thường mầy nhanh tay lắm kia mà. Mau lên Kim... Đi đâu hả mẹ? Con đang chơi với mấy...

Thu Linh hét to:

Lấy hết quần áo ra, nghe không!

Xen lẫn trong tiếng hộc tủ đóng sầm sầm, tôi nghe hình như có tiếng khóc thút thít của bé Kim. Tiếng con bé lạc giữa những tiếng động hỗn độn:

Mẹ ơi! có chuyện gì vậy mẹ?

Không có gì hết, cưng! Nhanh tay lên con... vậy đủ rồi, không cần mang hết quần áo đi. Đợi mẹ nghen. Rồi tất cả bỗng chìm vào yên lặng, không một tiếng động. Không lâu lắm tôi nghe tiếng cửa trước mở ra rồi đóng lại ngay. Một lúc sau, tiếng của Linh vang lên rõ mồn một:

Đi con, nhanh lên... thôi, không cần cái đó đâu...Mẹ sẽ mua cho con cái khác...đi, đi..mau chân lên Kim.

Con muốn mang nó theo mẹ ơi..

Bỏ đị..ừ, thôi được rồi...lấy đi..nhanh lên.

Tôi chạy dọc theo nguyên cả chiều dài của căn chung cư, bọc lên phía trước, núp ngay dưới lùm cây cao lấp xấp của căn nhà đầu tiên ở góc đường theo dõi hành động của hai mẹ con. Linh chạy hấp tấp ra khỏi nhà, hối hả mở cốp xe, quăng vội cái va li quần áo vào bên trong. Thiên Kim đứng bên cạnh chiếc xe Toyota cũ mèm của mẹ nó, một tay vân vê lọn tóc, còn tay kia ôm chặt con gấu nhồi bông vào người.

Lên xe...lên xe mau lên con!

Linh mở cửa, đẩy đẩy con bé phía sau lưng, miệng kêu rối rít nhanh lên con. Thiên Kim vừa lọt vào bên trong thì mẹ nó đóng vội cánh cửa, hấp tấp chạy vòng qua phía bên kia, mở cửa ném mình xuống ghế ngồi. Chỉ một thoáng, chiếc xe Toyota phóng vọt ra đường, tiếng máy rú rền rĩ để lại một vệt khói màu xanh lam ngập mùi xăng cặn. Tôi chồm dậy, chạy nhanh về chiếc xe Camaro, nổ máy theo sát mẹ con Thu Linh.

Trên đường, tôi chụp vội lấy cái phôn cầm tay ở hộp xe. Mắt không rời chiếc Toyota trước mặt, tôi cố bấm số gọi cho sở cảnh sát. Mẹ con Thu Linh đang chạy về hướng đông trên đường Main.

Tôi muốn nói chuyện với ông cảnh sát trưởng. Ông ta mới ngồi ngoài cửa khoảng nửa tiếng trước đây.

Luân hả? Vẫn chưa có điện lại nên không có máy lạnh. Ông ta lại đi ra ngoài rồi.

Kiếm ông ta dùm tôi. Chuyện khẩn cấp.

Ối dào! Lúc nào mà chẳng phải chuyện khẩn cấp. OK, để tôi đi tìm.

Chiếc Toyota vẫn chạy cách tôi một quãng. Thêm một quãng ngắn nữa là mẹ con Thu Linh sẽ ra khỏi thành phố dẫn vào vùng ngoại ô về hướng đông. Nếu nàng cứ chạy thẳng mãi, chắc chắn sẽ đụng xa lộ liên bang 84. Xa lộ này dẫn đến Portland hoặc rẽ sang hướng đông nam để đi về phía tiểu bang Idaho trong khoảng hơn tiếng đồng hồ lái xe.

Tiếng Phi, viên cảnh sát trưởng, vang lên trong máy điện thoại:

Hê! Có chuyện gì không?

Tôi vắn tắt kể lại sự việc. Phi sẵng giọng:

Hôm nay cậu sao vậy? Chuyện con búp bê nhỏ xíu mà sao bây giờ lại thành lớn chuyện rồi. Tôi làm được gì cho cậu bây giờ. Luật pháp đâu có cấm mẹ con nó đi xa đâu?

Tôi cũng không biết tại sao tôi đuổi theo nữa, có lẽ trực giác nghề nghiệp chăng? Nhưng ông có thể giúp tôi bằng cách chận xe lại, gọi là kiểm soát sự an toàn của con bé Kim. Lý do kể cũng chính đáng đấy chớ! Cậu có thấy bà mẹ ngược đãi con bé không?

Không hẳn...nhưng

Có lấy được số xe không?

May mắn trí nhớ tôi cũng không đến nỗi tệ. Mẹ con Thu Linh vừa phóng xe ra khỏi sân thì mắt tôi đã dán chặt lấy bảng số xe. Tôi đọc bảng số xe cho Phi và tả mọi chi tiết về chiếc Toyota của Linh. Giọng Phi đều đều trên điện thoại:

Nếu cứ chạy theo hướng đó thì chắc chắn sẽ leo lên xa lộ liên bang và như thế thuộc về quyền của cảnh sát tiểu bang. Tôi không biết sẽ làm được gì...vì đã ra khỏi phạm vi của cảnh sát quận rồi. Để xem.. tôi sẽ gắng. Cứ bám sát đừng để mất dấu. Tôi sẽ gọi lại liền.

Khi Phi gọi lại thì chúng tôi đã bon bon trên xa lộ 84, về hướng nam, cách nhau khoảng một dặm. Phi hỏi tôi khoảng đường đang chạy:

OK, chốc nữa sẽ có cảnh sát tuần tra tiểu bang chận xe lại để kiểm soát nhưng tôi nghĩ là họ sẽ không có lý do gì để giữ mẹ con nàng cả. Họ muốn thấy tận mắt con bé OK, thế thôi. Tôi không biết làm gì hơn nữa. Cô ta chẳng làm gì trái luật hết. Bằng lái xe của cô ta còn hạn và thuế lưu hành cũng đóng đầy đủ. Khoảng mười phút sau, một chiếc xe cảnh sát tuần tiễu chạy vụt qua tôi. Nó đổi len, giảm tốc độ, theo sát chiếc Toyota một quãng đường. Tôi thấy đèn xanh đỏ trên mui xe cảnh sát nhấp nháy và tiếng còi hụ vang lên lanh lảnh. Chiếc Toyota tấp vào lề, đậu hẳn lại ngay trước xe tuần tiễu. Tôi lái chầm chậm, vượt qua hai chiếc xe đậu bên lề đường. Linh đang đứng ở phía cảng sau, cúi lom khom nhìn vào bánh xe khá xẹp theo hướng chỉ của viên cảnh sát. Nàng gật đầu lia lịa, gần như đồng ý với tất cả những lời của nhân viên công lực.

Tôi đậu xe cùng bên lề đường cách chỗ Linh và viên cảnh sát độ nửa dặm và chăm chú quan sát diễn tiến ở phía sau. Linh vẫn đứng ở phía ngoài, còn viên cảnh sát đang chồm người vào phía trong, chắc chắn là đang hỏi han con bé Kim. Một lúc sau, viên cảnh sát trở về xe mình, Linh cũng ngồi vào xe và trong chốc lát cả hai lái xe vượt qua tôi. Tôi chỉ nghe tiếng xe chạy vượt qua thôi vì tôi phải ngoảnh mặt đi không muốn Linh nhận diện khi nhìn vào chiếc xe Camaro của tôi đang đậu bên lề đường.

Tôi vẫn tiếp tục bám sát Linh. Khoảng được năm dặm thì nghe tiếng Phi trên phôn:

Anh cảnh sát nói con nhỏ Kim trông vẫn bình thường. Nó kể chuyện con gấu đang cầm trên tay, rồi nói năm sau nó lên lớp hai. Nó còn nói mẹ Linh dẫn cháu đi thăm mấy bác ở Idaho. Mọi chuyện coi rất bình thường, không có gì khả nghi cả. Tài xế trông hơi bối rối nhưng ai mà chả thế khi bị cảnh sát chận hỏi giấy tờ.

Vẫn có cái gì không ổn ông ơi!

Cái gì, anh phải nói rõ hơn mới được. Đừng nói theo cảm giác, phải có bằng chứng cụ thể kia. Xe còn nhiều xăng không?

Đổ xăng thường để chạy trong thành phố chứ đâu có chuẩn bị chuyến đi xa như vậy:

Không đủ cũng phải đủ. Đâu đó trên đường nó phải ngừng xe chớ. Lúc đó tôi tính cũng không muộn.

Cứ giữ đường dây liên lạc nghen. Ở đây anh cũng không có việc gì quan trọng. Thôi cứ bám sát mẹ con nó đi rồi tôi tính.

Đến tỉnh Baker, Thu Linh ra khỏi xa lộ và ghé vào trạm đổ xăng. Nàng bơm bánh xe sau lên cho đủ hơi rồi lái xe sang phía bên kia đường, tạt vào tiệm bán thực phẩm lẻ. Đứng ở bên này đường theo dõi hành động của Linh, tôi thấy con bé Kim lếch thếch đi theo mẹ vào tiệm, trên tay vẫn còn ôm con gấu. Cả hai mẹ con mặt đỏ gay, mồ hôi ướt đẫm lưng. Máy điều hoà không khí trong xe còn chạy tốt nên suốt quãng đường dài tôi vẫn cảm thấy thoải mái, chẳng bù với mẹ con Thu Linh, ngồi trong xe nóng nực từ lúc rời khỏi nhà. Thật tội nghiệp con bé! Tôi leo lên xe lánh mặt khi thấy mẹ con Linh bước ra khỏi tiệm. Nàng ôm một túi đồ và bên tay kia, một xắc sáu loong Pepsị

Linh lái xe chầm chậm để tìm đường lên lại xa lộ 84. Chiếc xe vẫn lăn bánh về hướng đông nam với tốc độ 60 dặm một giờ. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã vượt qua biên giới tiểu bang để tiến vào Idaho. Tôi tự hỏi không biết Linh có bao nhiêu tiền? Bé Kim nói mẹ nó không đi làm, lại ở khu chung cư nghèo nàn, tạp lục. Tôi đoan chắc hai mẹ con đang ăn tiền trợ cấp chính phủ và có lẽ chẳng dư dả được mấy. Cứ sửa soạn đầu tóc, sơn móng tay móng chân đỏ choét như Linh thì tiền chính phủ cấp đến mấy cho vừa. Thằng bố vô trách nhiệm chắc cũng không có tiền cấp dưỡng cho con bé Kim.

Mẹ con Linh sống cơ cực là phải, trừ phi nàng dính líu đến chuyện mua bán thuốc cần sa, bạch phiến loại rẻ tiền dành cho những dân nghiền quanh vùng. Nếu đúng như thế thì có thể giải thích được chuyện nàng sợ hãi bỏ chạy không kịp thu vén hành trang.

Thu Linh hốt hoảng khi tưởng tôi là cảnh sát. Đúng là "có tật giật mình", chắc chắn nàng làm một điều gì đó phi pháp. Quá khứ của Linh trong sạch, không liên quan đến một hình tội nào nên tôi tin chắc là nàng đang dính líu đến một chuyện gì đó trong hiện tại - ngay bay giờ - hoặc xảy ra trong khoảng thời gian gần đây mà nàng không muốn nhân viên công lực biết đến.

Độ chừng nửa tiếng sau, tiếng chuông điện thoại réo vang. Tiếng Phi:

Cậu đang ở đâu rồi?

Gần đến Boise.

Tôi vừa nói chuyện với bà chủ chung cự Mẹ con nàng mới sống ở đó được 8 tháng, chẳng bao giờ trả tiền nhà đúng hạn nhưng cũng chỉ có vậy thôi chứ không gây rối gì với ai. Tôi cũng đến căn nhà của hai mẹ con. Đồ đạc trong nhà sơ sài, chẳng có gì đáng giá nhưng tất cả đều hợp pháp. Tôi cứ thắc mắc tại sao Linh lại lôi con lên xe vội vàng chạy khỏi thành phố như thế? Tôi đồng ý với cậu chắc phải có chuyện gì. Thế cậu nói gì với cô ta?

Thì nói về chuyện con búp bê chứ có chuyện nào khác đâu. Mà cũng đâu dễ nói được liền vì cô ta cứ ngắt lời tôi mãi. Ban đầu thì nàng tưởng tôi đến đòi tiền xe, tôi nói tôi là viên trinh thám tư thì nàng lại nghĩ tôi là cảnh sát và bắt đầu hơi bối rối. Tôi nói thêm lý do tôi đến để hỏi về chuyện con búp bê thì Linh hốt hoảng thật sự, đóng sầm cửa lại và năm phút sau nàng vội vàng vơ quần áo rồi dẫn con bỏ chạy. Vô lý quá, thấy không? Chỉ có vậy mà bỏ chạy! Lạ thật! Hay là nàng đã chuẩn bị đi Idaho thì tình cờ cậu dẫn xác đến?

Làm sao có chuyện trùng hợp lạ lùng vậy. Cô ta hét gọi con bé về nhà xếp quần áo làm cho nó sợ khóc thút thít nữa.

Lại vô lý. Chắc cậu phải nói cái gì đó nên nàng mới hốt hoảng như vậy.

Tôi kể hết cho ông nghe rồi. Nói qua nói lại chỉ có ba bốn câu chứ nhiều gì đâu mà lỡ lời. Vừa nói đến con búp bê thì nàng đã đóng cửa lại rồi. Thôi, nhờ ông xem nàng có bà con gì ở Idaho không?

OK, để tôi xem. Lát nữa tôi gọi lại.

Đến tỉnh Boise, Linh lái xe ra khỏi xa lộ kiếm chỗ đổ xăng. Tôi cứ ngỡ nàng dừng xe ở trạm xăng đầu tiên nhưng không, nàng cứ lái loanh quanh tìm chỗ xăng rẻ, tôi đoán thế. Quả đúng như tôi đoán, mãi lúc sau Linh ghé vào một trạm xăng mà giá rẻ hơn được vài xu, nhưng đó là chỗ rẻ nhất. Tôi lái xe vượt qua, đậu ở một trạm xăng phía trên, mắt vẫn không rời mẹ con nàng và thoáng thấy Linh dẫn con đi vào nhà vệ sinh.

Một lúc sau, Linh trở lại và lái xe ra khỏi trạm xăng. Thay vì bắt ngay lên xa lộ, nàng đi về hướng downtown. Tôi vội chạy thêm một quãng đường để vòng trở lại và thật may mắn bắt kịp mẹ con nàng. Chừng mười phút sau thì cả hai xe chúng tôi lạc lối ở khu thị tứ. Tôi nghĩ Linh mất định hướng khi lái xe quanh quẩn tìm chỗ xăng rẻ. Phải mất một lúc nữa nàng mới tìm thấy đường cũ và chạy theo hướng lên xa lộ.

Khi dừng ở ngã tư, để cho an toàn tôi núp sau mẹ con Linh cách một cái xe. Đột nhiên, người tài xế trước mặt bẻ quặt tay lái rẽ vào khu trung tâm thương mại bên phải để lộ một khoảng trống giữa tôi và Linh. Tôi sững người không biết phải xoay sở ra sao vì không muốn Linh biết tôi đang bám sát nàng. Tôi lầm bầm than trời. Tài xế đàng sau lại bóp còi thúc dục tôi tiến lên. Tiếng còi đã gây sự chú ý của Linh. Tôi thấy nàng nghiêng đầu nhìn vào kính bên hông. Tôi thụp đầu xuống, giả vờ tìm kiếm một cái gì đó trong xe để tránh bị nhận diện. Cái thằng tài xế chết tiệt ở đàng sau cứ tiếp tục nhấn còi inh ỏi, vang động cả góc đường. Mọi việc hôm nay có hư sự cũng tại thằng tài xế khốn nạn thiếu kiên nhẫn này. Để cho nó bóp còi mãi thì chắc chắn mua lấy sự chú ý của bàn dân thiên hạ.

Không biết làm sao hơn, tôi đành thở dài lái xe tiến lên. Linh hơi rướn người nhìn vào kính chiếu hậu. Nàng ngờ ngợ, rồi xoay sang nhìn vào kính bên hông lần nữa. Đèn xanh đã bật mà Linh vẫn chưa chịu cho xe chạy. Nàng quay hẳn người, ngoái đầu ra sau để nhìn cho rõ. Tiếng còi xe sốt ruột vang lên dồn dập. Loáng thoáng đã nghe tiếng chưởi thề của những tài xế phía sau. Khoảng cách giữa chúng tôi quá gần để tôi thấy sự kinh hoàng hiện rõ trong ánh mắt và sự sợ hãi hằn trên khuôn mặt trẻ măng của nàng. Thoắt một cái, chiếc xe của nàng chồm lên như con ngựa bất kham, phóng thẳng về phía trước như muốn nuốt chửng đoạn đường còn lại.

Từ chỗ Linh thấy tôi bỏ chạy cho đến đường dốc dẫn lên xa lộ, nhan nhản hai bên đường phố là những khu thương mại sầm uất, rất nhiều trạm điện thoại công cộng; có cả viên cảnh sát đứng chỉ đường ngay tại một ngã tư; và còn có một chiếc xe cảnh sát tuần tiễu đậu sừng sững ngay trước một tiệm ăn. Đó là những cơ hội bằng vàng để Linh chộp lấy, mở miệng cầu cứu khi cảm thấy tính mạng không được an toàn vì có một người đàn ông lạ mặt theo dõi mẹ con nàng trên một đoạn đường dài, quá dài. Thế mà nàng hầu như không biết hoặc cố tình không muốn biết. Một người công dân bình thường chắc chắn sẽ chạy tìm ngay cảnh sát khi biết có người lạ bám sát suốt 200 dặm đường; cho dù đó là một viên trinh thám tự Trừ phị..trừ phi Linh không muốn cảnh sát khám phá ra nguyên nhân nàng dẫn con bỏ chạy. Phải có một chuyện gì đó để nàng sợ hãi nhân viên công lực đến thế. Và tôi phải tìm ra nguyên nhân đó bằng mọi giá.

Nửa tiếng sau, điện thoại reo và tôi nghe tiếng Phi tiếng được tiếng mất:

Cậu đang ở đâu?

Idaho.

Thì ai không biết ở Idaho nhưng ở khúc đường nào?

Nếu biết thì tôi nói liền chớ đâu chờ ông hỏi. Cô ta rời xa lộ 84 ở đoạn đường Mountain Home. Tôi đang theo nàng trên con đường mòn có hai phân lộ mà thôi, đường lên và đường xuống, về phía bắc. Tôi chạy từ nãy giờ mà không thấy một bảng tên đường nào cả. Vùng thôn quê thì cũng phải có tên đường chớ. Cách đây khoảng 10, 15 dặm, lúc chạy qua tôi có thấy cái biển nhỏ tên Route 20.

Route 20 hả?...để xem, tôi đang tìm trên bản đồ đây. À! khúc đường đó sẽ dẫn lên miệng vực Sawtooth Mountain. Vậy hả? Không biết cô ta chạy lên đó làm gì? Linh biết tôi đang theo sát đàng sau. Chắc cùng đường nên nàng chạy liều.

Tôi giải thích cho Phi hiểu là nàng tình cờ phát hiện ra tôi khi dừng lại ở một ngã tư đèn đỏ. Tôi nói thêm mặc dù biết hai mẹ con bị bám sát từ Portland vậy mà Linh vẫn không nhờ cảnh sát chận xe tôi lại. Phi tắc lưỡi:

Lạ quá! Mà tôi lục hồ sơ vẫn không thấy một người bà con nào của nàng cư ngụ tại Idaho. Còn ở đây hầu như không có ai biết rõ quá khứ của Linh. Nếu vậy có thể nàng chạy liều lên Idaho thôi, nghĩa là làm sao chạy thoát khỏi Portland là được chứ không cần biết đi đâu. Mà này, tôi nghĩ là cậu phải nói một cái gì đó để gợi nhớ lại quá khứ đen tối mà nàng muốn quên hẳn chớ. Chắc chắn cậu phải lộ ra một chi tiết để mở cánh cửa ký ức của nàng. Suy nghĩ thêm về chi tiết này nghen. Tôi sẽ gọi lại khi có thêm tin tức.

Suốt quãng đường từ Portland đến Idaho, tôi đã suy nghĩ nhiều về mẩu đối thoại sáng nay với Linh. Chẳng có gì khác lạ cả, hoặc có mà tôi không nhận rạ Với bản năng nghề nghiệp, ông cảnh sát trưởng khuyên tôi nên nhớ lại một lần nữa xem sao. Tôi quay lại khúc phim sáng nay khi đối diện với Linh. Thoạt tiên, nàng tưởng tôi đến đòi tiền nợ xe, tôi tự xưng làm nghề trinh thám tư; Linh bối rối, nghĩ tôi là cảnh sát; tôi cải chính; nàng tỏ vẻ không tin; Linh hỏi tôi muốn gì; tôi nói về con búp bê bị mất; thế là nàng thụt vào trong đóng sầm cửa lại. Khi nghe Linh gọi con bé Kim về nhà tôi nghĩ nàng giận chỉ vì con bé thóc mách với tôi. Nhưng không, Linh không tỏ vẻ giận dữ với con mặc dù có lớn tiếng chỉ vì con bé chậm chạp, thế thôi. Chỉ có vậy mà Linh vơ vội mớ quần áo rồi dẫn con tháo chạy. Thế tôi lỡ lời ở chỗ nào?

Bỗng tôi nhận ra một chi tiết, tuy nhỏ nhưng bây giờ trở thành một chi tiết lớn. Tôi mới gặp Thiên Kim sáng nay. Nó nói là đánh mất An Minh nên tôi muốn hỏi...Tôi không dùng chữ búp bê mà lại dùng tên An Minh. Sở dĩ tôi dùng tên riêng chỉ vì muốn Linh tin tưởng rằng tôi biết rõ câu chuyện và đến hoàn toàn với hảo ý, muốn giúp đỡ con bé Kim. Đúng là cái tên An Minh, cái tên mà con bé Kim nói mẹ nó không thích vì thế nó mới gọi là bé Tỵ

Tại sao Linh không thích cái tên An Minh? Đúng con bé Kim nói như thế không? Ồ! Không phải Linh không thích nhưng đúng ra nàng không thích đứa con gái gọi bằng tên An Minh. Linh cũng không muốn ai nhắc đến tên An Minh trước mặt nàng! Vì thế vừa nghe tôi nói đến tên là nàng đóng sầm cánh cửa lại liền. Tôi suy nghĩ về chi tiết vừa mới khám phá đó nhiều lần, xem lối suy luận của tôi có hợp lý không. Tôi nhận thấy nên bắt đầu từ cái tên An Minh mà suy đi và rất có thể An Minh chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa quá khứ bí mật của Linh. Tôi gọi cho Phi:

Ông có biết mẹ con cô ta sống ở đâu trước đây không?

Vacaville, California nhưng chỉ được 2 tháng. Trước đó nữa thì ở San Jose.

Ông hỏi Vacaville có chuyện gì xảy ra trong thời gian 2 tháng đó không?

Chuyện gì? Cô ta không có phạm một tội gì ở đó, cũng không có một trát toà về bất cứ hành vi nào của nàng cả.

Điều tra coi nàng có bao nhiêu đứa con.

Cái gì? Bao nhiêu con?

Ừ! Ông Phi, khi nói chuyện với nàng tôi dùng tên An Minh chứ không nói búp bệ Con Kim lại gọi là bé Ty vì mẹ nó không thích nó gọi tên An Minh. Có thể cái tên An Minh làm nàng khó chịu? Nhưng khó chịu cái gì? Tôi nhớ câu nói cuối cùng với nàng là tôi biết An Minh bị đánh mất.

Đầu dây bên kia im bặt. Cũng giống như tôi, viên cảnh sát trưởng đang đánh giá xem chi tiết mới đó quan trọng đến chừng nào. Một lúc sau, ông thở ra một hơi dài:

Để tôi gọi Vacaville.

Khoảng tiếng đồng hồ sau, ông cảnh sát trưởng mới gọi lại:

Cậu đang ở đâu?

Vẫn Idaho. Bây giờ thì lên đến miệng vực Sawtooth Mountains rồi. Từ nãy giờ cô ta chạy vòng vòng chớ không có chủ đích nhất định. Nàng giữ xa lộ 75 được một lúc thì đi ra chạy bọc vòng và quay trở lại cùng một xa lộ. Đi một quãng nữa thì cô ta lại đi ra xa lộ rồi lại bọc trở lại. Hình như nàng chạy bông lông để giết thời giờ hoặc mua thời gian để suy tính việc gì đó. Tôi nghĩ không còn bao lâu nữa xe sẽ hết xăng.

OK. Tin tức mới nhất đây, nghe buồn lắm. Cảnh sát ở Vacaville hỏi ông chủ nhà nơi mẹ con nàng cư ngụ. Họ cho biết là nàng có chồng và hai con; cả hai là con gái. Ông chủ nhà không biết tên hai đứa nhỏ nhưng biết đứa em nhỏ hơn con chị khoảng 2, 3 tuổi; nghĩa là con bé đó bây giờ khoảng 4 tuổi. Tôi hỏi thêm bà chủ khu chung cư nàng đang ở thì bà ta không biết gì về đứa nhỏ thứ hai.

Khi đến thuê nhà chỉ có hai mẹ con mà thôi, ngay chồng cũng không thấy. Tôi hỏi thêm những người lối xóm, họ đều khai như thế. Do đó, câu chuyện có thể tóm tắt rằng: ở Vacaville gia đình Linh gồm 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con nhưng khi dọn đến ở đây thì chỉ còn hai mẹ con thôi; không chồng mà cũng không thấy đứa con gái út. Tôi suy đoán có thể người chồng giữ đứa con thứ hai nhưng họ vừa cho tôi biết thêm một chuyện thật đau thương, mặc dù chưa có bằng cớ chính xác Từ khi khám phá ra cái chi tiết bất thường về cái tên, lờ mờ trong tâm trí tôi đã hình dung một thảm cảnh nào đó đã xảy ra trong gia đình Thu Linh, hay nói đúng hơn xảy ra cho An Minh, đứa bé gái 4 tuổi, em của Thiên Kim. Trong tận đáy lòng, tôi vẫn hy vọng ước đoán của tôi sai, hoàn toàn sai nhưng đến khi nghe ông Phi sửa soạn cho tôi biết một chi tiết đau buồn trong gia đình nàng, tôi bỗng cảm thấy đau nhói trong tim, bụng tôi đau quặn như bệnh đau bao tử sắp tái phát; tai tôi ù dần chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng của ông Phi:

Cảnh sát Vacaville có hồ sơ của một bé gái vô danh, khoảng từ 3 đến 4 tuổi, bị bỏ lén trong xe của một y tá ở bãi đậu xe của bệnh viện. Nhà thương này rất gần chỗ Thu Linh cư ngụ. Xác em bé tìm thấy cách đây tám tháng, đúng ngay thời gian mẹ con Linh dọn đến khu chung cự Lý do chết vì..vì bị một viên đạn bắn ngay giữa mặt.

Tôi bàng hoàng khi nghe tin động trời. Cho dù chưa có một bằng chứng nào xác quyết đứa bé gái bị bắn chết là con của Thu Linh nhưng sự việc gần như rõ ràng lắm rồi.

Tôi thẫn thờ nói với ông Phi tôi sẽ gọi lại khi xác định được vị trí. Để cái điện thoại cầm tay xuống, tôi lau vội bàn tay ướt đẫm mồ hôi vào chiếc quần cụt. Tôi chợt nghĩ đến khuôn mặt kinh hoàng của Linh ở ngã tư đèn đỏ khi nhận ra tôi ở ngay phía sau nàng. An Minh chính là lý do làm nàng sợ hãi. Một quá khứ đen tối bị lãng quên (hay bị cố ý quên lãng?) trong thời gian dài 8 tháng bây giờ đã hiện ra rõ nét, đứng sừng sững thách thức nàng phải trả lời những điểm then chốt về sự mất tích của An Minh. Sự rượt đuổi của tôi càng làm cho Linh hốt hoảng và tin rằng đã đến lúc nàng phải đối diện với sự thật, với luật pháp mà người đại diện chính là tôi. Trong thâm tâm, tôi không tin một người mẹ nào trên thế gian lại nhẫn tâm giết con.

Hùm dữ không ăn thịt con thì huống gì con người. Nếu thế thì chỉ còn chồng của nàng. Thằng chồng khốn nạn giết chết đứa bé rồi bỏ vào xe của người y tá ở bệnh viện. Nhưng với tình thương của người mẹ, sao Linh lại có thể để cho thằng chồng chạy thoát mà không khai báo với cảnh sát về cái chết dã man của đứa con. Trời ơi! trái tim của người mẹ ở đâu? Vô lý nàng lại thương yêu thằng chồng hèn nhát đó hơn đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau? Cơn giận trong tôi bỗng nhiên dâng lên ngùn ngụt như nước thủy triều, quai hàm tôi bạnh ra, hai bàn tay nổi rõ gân trắng nắm chặt lấy tay lái. Tôi chỉ muốn vọt lên, túm lấy cô ta, phỉ nhổ vào mặt những lời lẽ thậm tệ nhất mà tôi có thể nghĩ được.

Cô không xứng đáng là một người mẹ. Đó là lời tôi sẽ nói thẳng với Linh ngay khi giáp mặt. Tôi thở dài chợt nhớ đến con bé Kim. Không biết nó có chứng kiến câu chuyện khủng khiếp này không? Tôi hy vọng là không. Con bé quá nhỏ để ghim cái chết thảm khốc của đứa em vào tâm trí. Còn nếu bé Kim là nhân chứng? Ôi! nếu vậy thì cuộc đời con bé quả thật bất hạnh.

Con đường leo dốc chợt ngoằn ngoèo và nhỏ hẳn lại. Phía bên phải là một rừng thông mọc chằng chịt lên đến đỉnh đồi. Phía bên trái là bờ vực dốc đứng nhìn đến chóng mặt. Chiếc Toyota cách tôi khoảng trăm bộ, chạy chầm chậm vì khúc đường có nhiều chỗ ngoặt thật nguy hiểm. Con đường mòn thật vắng vẻ, lâu lâu mới có một chiếc xe chạy đổ dốc ngược chiều.

Hai ngọn đèn đỏ của chiếc Toyota chợt sáng rực. Xe ngừng ngay giữa đường. Cánh cửa bên phải mở và con bé Kim bước ra ngoài. Mẹ nó chồm người sang phải, vói tay đóng cửa rồi rú ga phóng thẳng. Hai bánh xe quay tròn thổi tung bụi sỏi mù mịt về phía sau. Kim xoay người lấy tay che mặt tránh lớp bụi dày đang phun bắn lên như cơn lốc. Lớp bụi vừa lắng xuống thì con bé lủi thủi bước về phía xe tôi, đầu cúi gầm, lọn tóc hai bên đong đưa theo từng bước đi nặng nhọc, hai tay buông xuôi buồn tủi, bàn tay nắm hờ hững con gấu nhồi bông lắc lư trông thiểu não đến tội nghiệp. Tôi tiến xe lên từ từ và ngừng lại ngay bên hông nó. Không nói một lời nào, con bé lặng lẽ mở cửa xe, leo lên, nhẹ nhàng ngồi xuống, ngả đầu vào lưng ghế và đôi mắt nhắm lại mệt mỏi. Tôi chồm người sang bên, gài dây an toàn cho Kim rồi lái xe theo sát Linh. Vẫn nhìn thẳng về phía trước, tôi hỏi:

Mẹ cháu có nói gì không?

Mẹ nói là bác sẽ đưa cháu về nhà.

Được, bác sẽ đưa cháu về nhưng này Kim, chuyện gì xảy ra cho An Minh, nói cho bác biết được không?

Không phải An Minh, bé Ty mà.

Ừ! Thì bé Ty nhưng bác không nói đến con búp bệ Kim ngồi lặng thinh, không nói thêm một lời nào. Con bé đưa đầu lọn tóc vào miệng cắn cắn, ra vẻ đang suy nghĩ. Tôi nhấn ga đuổi sát chiếc Toyota chỉ cách nhau khoảng chiều dài của hai chiếc xe. Tôi gọi Phi cho biết tôi đang giữ bé Kim. Ông hỏi tôi có thấy tiếng trực thăng chưa:

Tôi đã báo cho sở cảnh sát Idaho. Họ đang lái trực thăng để tìm cậu đó. Chắc phải mất thời gian vì không biết chính xác cậu đang ở đâu. Cứ bám sát cô ta nghen. Vừa đặt phôn xuống, tiếng con bé Kim vang lên từ ghế bên cạnh, giọng đều đều:

Nó khóc lâu quá. Khóc quá làm me. Linh nhức đầu luôn đó, bác biết không?

Vậy hả! Vì nhức đầu nên mẹ cháu giận An Minh lắm phải không?

Kim giữ chặt con gấu nhồi bông bằng cả hai tay, tựa sát vào mặt. Trong một thoáng tôi có cảm giác như con bé sợ người khác giựt mất con gấu. Giọng nó vẫn đều đều: Mẹ cứ than nhức đầu. An Minh không chịu nín. Cháu dỗ mãi mà nó cứ khóc.

Gần lên đến đỉnh vực, Linh bỗng thò tay trái ra ngoài thả rơi xuống mặt đường một vật. Một cái xắc tay màu nâu. Tôi đang lưỡng lự không biết nên dừng lại để nhặt cái xắc lên không thì đèn xi nhan bên trái của chiếc Toyota nhấp nháy. Bên trái không có đường rẽ, chỉ là một sườn dốc thẳng đứng như hình thước thợ. Tim tôi đập thình thịch, hai tay nắm chặt lấy vô lăng, mắt trợn tròn không rời chiếc xe trước mặt. Đột nhiên, chiếc xe gia tăng tốc độ, bỏ rơi tôi lại đàng sau một quãng khá xa. Khoảng được nửa dặm đường chiếc xe chao về bên phải và với tốc độ ít nhất 80 dặm một giờ, Thu Linh bẻ quặt tay lái sang bên trái, phía miệng vực và khoảng không vô tận. Chiếc xe lao thẳng ra khỏi triền dốc, lơ lửng trên không khoảng một giây rồi đâm đầu xuống đáy vực như con diều hâu lao mình xuống vồ mồi.

Sự việc xảy ra quá nhanh, nhanh đến nỗi tôi không kịp thở ra một hơi dài. Tất cả mọi diễn tiến xảy ra trong sự nín thở của tôi giữa hai lần hít không khí vào buồng phổi. Khi bám sát chiếc Toyota chờ sự can thiệp của cảnh sát Idaho, ánh mắt tôi vẫn dán chặt vào từng động tác của Thu Linh, và lúc chiếc xe đâm hẳn về bên trái đôi mắt tôi vẫn bị hút theo khối sắt bằng phản xạ, nhưng khi cả thân hình nó nhoài ra khỏi miệng vực, phóng thẳng vào khoảng không thì tôi mới chợt nhớ phía dưới là đáy vực sâu thăm thẳm. Tôi nhìn về phía trước không chớp mắt. Không thể diễn tả tâm rạng tôi lúc đó. Bàng hoàng? Sửng sốt? Có thể cả hai tâm trạng trộn lẫn với nhau. Nó vượt ra khỏi sự tiên liệu và suy đoán của một người bình thường. Tôi khẽ liếc mắt nhìn bé Kim. Nó nghiêng đầu, tựa má vào con gấu, đôi mắt nhìn sang bên phải, hầu như không biết chiếc xe của mẹ nó đã nằm sâu dưới đáy vực.

Tôi dừng xe hẳn lại, đậu sát vào lề phải, cành lá quật lất phất vào kiếng hông. Tôi nhìn sang bé Kim, giọng hấp tấp:

Cháu ngồi đây đợi bác nha.

Tôi chạy băng sang đường, ghé mắt nhìn xuống. Sườn dốc sâu hun hút. Chiếc Toyota nằm ngửa, móp méo như một món đồ chơi bị loại bỏ. Ngọn lửa màu da cam đang liếm dần cả sườn xẹ Tôi thở dài quay trở lại, đứng dựa vào thành xe không nói một lời. Con bé Kim vẫn ngồi bất động, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng không trước mặt. Một giọt nước mắt lăn từ từ trên má. Tôi không biết Kim có thấy cảnh mẹ nó lao đầu xuống đáy vực không và tôi cũng không buồn hỏi. Loáng thoáng có tiếng trực thăng từ xa vọng lại, tiếng cánh quạt vang lên rõ dần và chiếc trực thăng tuần tiễu hiện ra trong tầm mắt, làm náo động cả một góc đồi. Viên phi công nhìn thấy khói bốc lên từ đáy vực và anh lao con chim sắt xuống phía dưới.

Mẹ nói... mẹ nói bác sẽ đưa con về nhà...nhưng còn nhà đâu nữa hả bác.. đâu còn ai ở nhà nữa. Ba đi mất còn An Minh bị đau nặng lắm, mẹ phải bồng em đến nhà thương

Bác hứa sẽ có người săn sóc cho cháu. Chờ bác một chút.

Tôi chạy ngược lại đoạn đường để nhặt cái xắc của Linh. Thò ra ngoài là một túi giấy, thường thấy ở các tiệm bán thực phẩm, được cuộn vội theo chiều dài thành hình ống. Vừa đi tôi vừa trải rộng ống giấy.

Thu Linh đã viết nghuệch ngoạc lên mặt giấy trong khi nàng lái xe, dòng chữ lên xuống không thẳng hàng. Tôi lỡ tay bắn chết An Minh và đem bỏ cháu trong xe đậu ở bệnh viện Vacaville tháng 12 vừa qua. Bé Kim không biết một tí gì về chuyện này. Kim không có mặt lúc xảy ra tai nạn. Linh ký vội phía dưới và cũng không quên đề ngày tháng.

Chiếc trực thăng bỗng chồm lên từ sườn dốc, quay mũi và bay đi xa. Tiếng máy nghe nhỏ dần nhưng tiếng còi hụ lại vang lên rộn ràng từ phía sau. Tôi bước vào xe, ngồi xuống bên cạnh Kim. Hai tay con bé vẫn giữ chặt lấy con gấu, nhướng mắt nhìn lên bầu trời cao, vùng không gian trước đây chiếc trực thăng bay lượn. Một chiếc xe cảnh sát tuần tiễu trờ tới đậu ngay phía sau. Viên cảnh sát mở cửa tiến về phía tôi, cúi thấp người hỏi chuyện. Tôi tóm tắt sự việc, đưa cho anh ta cái xắc của Linh và bao giấy với những giòng chữ cuối cùng của nàng. Anh ta cầm hết những tang chứng trở lại xe, gọi về tổng đài, có lẽ tường trình câu chuyện vừa được nghẹ Tôi quay sang Kim:

Bác sẽ kiếm ba cháu. Người lớn có nhiều nhiệm vụ lắm, phải làm việc, phải đóng thuế, phải nuôi con cái.. những đứa con như cháu vậy đó. Thế ba cháu có thương cháu không?

Bé Kim gật đầu:

Nhưng ba lại giận mẹ.

Vì chuyện của An Minh?

Nó lại gật đầu, một giọt nước mắt nữa rơi trên gò má phinh phính. Giọng con bé buồn se sắt. Tôi cảm thấy thương hại cho con bé, giờ đây côi cút, em chết rồi mẹ cũng ra đi, ba thì bặt tin không biết ở phương trời nào. Kim thì thầm trong tiếng nấc: Ba muốn mẹ phải nói với người ta, mẹ không chịu, rồi ba bỏ nhà đi luôn. Mẹ giận ba nhiều lắm. Mẹ nói là lỗi nơi ba vì mẹ nói đi nói lại là không được để súng trong nhà.

Nói đến đó thì nước mắt con bé tuôn lã chã trên đôi má lốm đốm tàn nhang. Trông dáng Kim thật tội nghiệp. Một đứa con gái mới 7 tuổi đã nhận quá nhiều thương đau, sống côi cút không còn ai thân thích. Cái đau khổ nhất là mất đi một người mẹ. Kim sẽ lớn lên thiếu thốn tình thương và liệu nó đủ sức để sống hồn nhiên như bao đứa trẻ khác may mắncha mẹ trong một gia đình đầy ắp hạnh phúc. Tôi quay mặt đi, không dám nhìn vào khuôn mặt nhạt nhoè nước mắt của bé Kim và cũng để dấu nổi cảm xúc đang đùn lên khoé mắt. Ngoài kia, ngọn khói xám bốc lên từ đáy vực lãng đãng bay lên cao trông vật vờ như hồn thiêng của người mẹ đang luyến tiếc trần gian vì thương xót đứa con côi cút.

Đâm đầu xuống vực để chết. Tại sao lại liều mình đến thế? Có lẽ nàng không đủ can đảm đối chất với pháp luật về cái chết của An Minh. Một tai nạn khủng khiếp không nhân chứng và mấy ai sẽ tin vào lời khai của nàng. Ôi! không ngờ cuộc rượt đuổi hơn 200 dặm đường lại kết thúc một cách thảm khốc đến vậy.

Tiếng bé Kim vẫn đều đều một giọng:

Cháu nói... cháu nói An Minh là nín đi, nín đi đừng làm mẹ nhức đầu nữa, vậy mà An Minh vẫn cứ khóc. Cháu lấy trong hộc tủ cái cục sắt của ba, dọa để cho em nín...

Một luồng hơi lạnh chạy thẳng từ ót đến đốt xương cụt. Thân hình tôi cứng lại. Cháu lấy trong hộc tủ cái cục sắt của ba, dọa để cho em nín. Tôi không biết mình có nghe lầm hay không? Quay sang con bé, tôi nhìn sững nó không chớp mắt. Đột nhiên Kim hỏi:

Thế mẹ có về với cháu không?

Tôi nuốt nước bọt, cố giữ giọng bình tĩnh:

Bác nghĩ mẹ cháu không về nữa đâu... cháu biết không, đôi khị..đôi khi người ta phải ra đi cho dù trong lòng không muốn thế.

Giọng con bé run rẩy:

Thôi cũng được. Em An Minh bị đau nặng, lại chảy máu nữa nên mẹ phải đưa đi nhà thương. Chắc mẹ ở nhà thương với em. Mẹ nói là mẹ phải đi để săn sóc cho em.

Kim cựa người cho đỡ mỏi, thở dài và buông thõng:

Bác biết không? Lỗi tại cháu, mẹ đã nói đi nói lại là cháu không được...không bao giờ được nghịch súng. Thế mà cháu không nghe...

Cổ họng tôi đắng nghét. Tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Người run rẩy, tôi gục đầu xuống tay lái, lòng thổn thức. Tôi đã trách lầm người. Tôi dễ tin vào những lời Linh viết vội trên bao giấy. Nàng không muốn bé Kim lớn lên với mặc cảm giết em, cho dù đó chỉ là tai nạn.

Đồ chơi của người lớn nằm trong tay một đứa bé 7 tuổi thì chuyện tai nạn xảy ra là chuyện dễ hiểu. Tai nạn chết người đã trở thành tai họa cho gia đình Linh.

Có trách là trách phía người lớn, đã gián tiếp tạo ra thảm cảnh. Người mẹ đau khổ khi nhìn đại hoạ đổ ập xuống gia đình, đứa con nhỏ bị bắn ngay giữa mặt và nếu không khéo, Linh có thể mất luôn đứa con đầu lòng, không phải vì bản án của toà án đời nhưng là bản án từ toà án lương tâm của chính nó. Linh nhận hết tội về phần mình để tâm hồn con bé vẫn trong trắng như tờ giấy viết. Sự ngây thơ vô tội của Kim sẽ không mang một chút tỳ vết, mãi mãi vẫn là một ngây thơ tinh khiết như thuở mới lọt lòng. Trái tim của người mẹ quả thật bao la ngút ngàn, không hề có giới hạn. Và có lẽ chưa bao giờ tôi lại thấy thấm thía câu hát của người nhạc sĩ quá cố: Lòng mẹ bao la như biển Thái bình...rạt rào.

Nắng đã dịu dần, cánh rừng thông bạt ngàn đang lả lơi đùa với gió, đong đưa như hình ảnh Thu Linh sáng nay khi tôi gặp đứng trước cửa nhà. Bầu trời xanh trong vắt, lững thững những cụm mây trắng trôi êm đềm. Đáy vực ác độc đã thản nhiên nuốt chửng mạng sống của người mẹ để lại đứa con côi cút, sống bơ vơ giữa dòng đời và bỗng dưng tôi tự hỏi, có phải tôi, chính tôi là thủ phạm cắt đứt một mạng sống oan khiên để đưa đến thảm trạng này chăng?

Nguyên tác: Sacrifice

trích từ Murderous Intent

L. L. Thrasher a

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9938)
Cho, không phải chỉ là làm vui kẻ đón nhận; mà còn là một thái độ, một nghệ thuật sống ở đời để có hạnh phúc...
(Xem: 9591)
Khi đức Phật dạy về Khổ thánh đế, Ngài nói đến năm uẩn; Ngài muốn cho chúng ta biết và thấy năm uẩn...
(Xem: 10203)
... ngài Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu một ngày của mình bằng việc lễ lạy. Từ tư thế đứng, ngài buông dài người ra sàn nhà, với chỉ một tấm đệm mỏng trải trên tấm ván đủ cho phần thân mình.
(Xem: 9465)
Tại một ngôi trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ hôm nay là ngày đầu tiên khai giảng cho năm học mới...
(Xem: 11039)
Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng phúc hạnh mà Ngài cảm nhận được trong khi thiền định hay chăng?
(Xem: 9706)
Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổphiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến.
(Xem: 11740)
Ngủ nghỉ mới thức dậy, xin nguyện cho chúng sanh, có trí giác hoàn toàn, nhìn rõ khắp mười phương...
(Xem: 9510)
Mãi cho đến mấy chục năm sau, Thầy mới tìm ra được hình ảnh của một vị Thầy đích thực, một vị Bổn Sư. Bổn Sư chỉ có nghĩa là "Thầy của tôi" thôi.
(Xem: 21683)
30 năm qua được coi là quá đủ cho một thế hệ tiếp nối. Nếu không được ghi lại, kể lại thì lớp người sau chắc chắn sẽ đi vào quên lãng hay hiểu một cách lờ mờ hoặc qua trung gian một người khác kể...
(Xem: 10043)
Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” như bản tóm lược, hay nói khác thì đây là công trình “Thi Hóa Duy Thức Học” để làm tài liệu tu học. Một môn học quan trọng bậc nhất đối với người học Phật.
(Xem: 9386)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này.
(Xem: 10038)
Đức Phật luôn gợi nhắc cho chúng ta rằng mỗi người chúng ta đều sở hữu các khả năng và phẩm chất tốt đẹp, cần phải biết vận dụng và phát huy để làm cho cuộc sống trở nên giàu sang hiền thiện...
(Xem: 16484)
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
(Xem: 14055)
“Mùa Xuân bỏ vào suối chơi, Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa, Múc bình nước mát về qua, Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa”
(Xem: 10155)
Người tụng kinh lâu ngày sẽ hiểu ý kinh, Người niệm Phật lâu ngày sẽ thấy cảnh Phật...
(Xem: 9069)
Triều Nguyên sinh năm 1953 tại Đại Lộc, Quảng Nam, bên bến sông Thu Bồn lồng lộng gió nắng, ngan ngát hương đồng cỏ nội.
(Xem: 9188)
“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm như cây bám chặt vào đất”.
(Xem: 12888)
Phật giáo đã có ít nhất 2500 năm lịch sử; và có lẽ, cũng đã có chừng ấy lần các thế hệ Phật giáo đồ xao lòng nhớ lại câu chuyện Phật dự hứa ngày viên tịch, báo trước giây phút bỏ lại trần gian.
(Xem: 10763)
Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi.
(Xem: 12225)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giớicõi nầy hay những cõi khác.
(Xem: 10730)
Shunryu Susuki Đại sư (1904-1971) là người sáng lập Trung tâm Thiền San Francisco và là một khuôn mặt chủ chốt trong việc truyền bá đạo Phật sang phương Tây.
(Xem: 12787)
Cuối tuần qua, tại Trại Huấn luyện Huyền Trang V ở Hayward, CA. Vừa lắng nghe và thông dịch lại cho các Trại sinh không hiểu tiếng Việt qua đề tài Thấu đáo về Hiện tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(Xem: 11365)
Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại...
(Xem: 9678)
Trong khuôn viên khu nhà tập thể của quân đội, xe Bus của từng đơn vị lần lượt chuyển bánh rời khỏi vùng Fribourg vào sáng ngày cuối khóa tu học
(Xem: 12727)
Tường thuật lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập chùa Bảo Quang và Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2558
(Xem: 11234)
Suốt bãi biển dài rộng, không ai mong đợi một cái gì trường cửu. Tất cả đều tạm bợ, có đó, rồi để cho sóng vô tình cuốn đi...
(Xem: 12862)
Nó từng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò đối đáp đùa giỡn của chúng tôi quanh chiếc bàn này - vui có, buồn có, thương yêu, giận lẫy cũng có.
(Xem: 12518)
Thế giới của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi người không chỉ chăm lo về lợi ích riêng của mình mà còn chăm lo về lợi ích của người khác nữa.
(Xem: 13246)
"Cơn Dông Giữa Mùa Hạ" là tựa đề bài tường thuật của Trần Thị Nhật Hưng nói lên nỗi niềm bâng khuâng và xúc động cùng những kỷ niệm tràn ngập dội về tâm trí của tác giả khi hay tin Sư Ông Khánh Anh viên tịch.
(Xem: 24925)
Thể theo giáo luật và truyền thống Phật Giáo, mùa An Cư Kiết Hạ lần 26 năm nay của GHPGVNTN Canada được tổ chức tại Tu Viện Phổ Đà Sơn.
(Xem: 12307)
Buổi lễ khai giảng diễn ra trong bầu không khí trang nghiêmtrầm lặng đầy nước mắt, bao trọn hình ảnh của cố Hòa Thượng Minh Tâm trong những lời phát biểu.
(Xem: 12812)
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả.
(Xem: 13608)
Loài cỏ bệnh úa tàn thân xác, Đã gầy hao từ gốc rễ cằn khô, Chắc tại nắng, tại mưa, tại bao điều khác, Nằm co ro đợi chết đến giờ
(Xem: 11072)
Trước khi khởi sự tu tập để phát huy lòng từ bi và tình thương, cũng cần nên tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ấy là gì...
(Xem: 11160)
Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử.
(Xem: 9690)
Phàm những gì có hình tướng thì tất cả đều bị chi phối bởi sự vô thường, mà đã vô thường thì nguyên nhân chính của nó là khổ...
(Xem: 11081)
Lúc ấy Đức Thế Tôn đã ôn tồn mà nói cùng đại chúng: “Này A Nan! sau khi ta diệt độ các ông hãy nương tựa vào chính mình và hãy lấy giới luật làm thầy.”
(Xem: 9027)
Tất cả những giáo lý của Đức Phật căn cứ trên Bốn Chân Lý Cao Quý. Trong giáo lý Bốn Chân Lý Cao Quý chúng ta nhận ra hai tập hợp của nguyên nhân và hệ quả.
(Xem: 9489)
Thầy dìu dắt từ đó tôi được tiếp xúc gần và rất gần Ngài do vậy tôi học ở ngài được nhiều thứ trong cuộc sống, giờ giấc, tinh tấn, chuyên cần , nhất là việc tu tập v.v...
(Xem: 9568)
Một trong bốn chân lýĐức Phật dạy là chân lý về sự khổ, khổ đế trong Tứ diệu đế. Đức Phật dạy bản chất của thế gian là bất toàn, bất toại nguyện, là vô thường, là đau khổ.
(Xem: 13604)
Chẳng có gì đơn độc sinh ra, tồn tại, chuyển động, và biến mất giữa cõi đời. Chẳng có gì gọi là độc hành, độc lập, độc bộ, độc cư, cô thân, cô độc, cô đơn…
(Xem: 9537)
Đâu hay tất cả đều là sự công bằng tuyệt đối khi ta soi vào nhân duyên nghiệp báo không chỉ ở kiếp này mà từ những kiếp quá khứvị lai được giải thích cặn kẽ trong kinh điển nhà Phật.
(Xem: 12637)
Vận nước như dây quấn, Trời Nam mở thái bình, Vô vi ở điện các, Chốn chốn dứt đao binh...
(Xem: 9678)
Trong giáo lý của đạo Phật, “cho sự không sợ hãi” được xem là một hạnh nguyện cao quý gọi là vô úy thí (abhada-dàna), là Thánh hạnh (Ariya-cariyà), thiện hạnh (kusala- cariyà)
(Xem: 10160)
"Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại..."
(Xem: 16845)
Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ - Trôi chảy mãi ngày đêm không ngừng nghỉ như thế này ư?
(Xem: 9083)
"Từ lúc này cho đến hết ngày hôm nay, tôi sẽ đưa vào sự thực tập những gì tôi tin tưởng một cách tối đa như tôi có thể"...
(Xem: 10259)
Khi trải qua một cơn bạo bệnh hay tuổi đã xế chiều thì ý niệm về lão-bệnh-tử, tức phải đối mặt với sự chết hiện ra ngày một rõ ràng hơn...
(Xem: 13973)
Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ (trung Nam Ấn Độ), khi đó Vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt (trung Bắc Ấn Độ)
(Xem: 9738)
Tôi đến chùa Viên Đức, Đức quốc vào thứ 6, tưởng là sớm, tới nơi lúc 22 giờ 30 Phật tử đã đông nghẹt, mọi phòng đều chật cứng nằm xếp lớp...
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant