Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Đi Cớ Bót

24 Tháng Tư 201520:50(Xem: 9217)
Đi Cớ Bót

ĐI CỚ BÓT

Thích Như Điển

Năm nay 2015 tôi có đến ba mùa Xuân. Đó là mùa Xuân của nước Đức, mùa Xuân của nước Nhật và  mùa Xuân của Hoa Kỳ. Thông thường mùa Xuân bắt  đầu vào cuối tháng 3 dương lịch và kéo dài ba tháng như vậy, để thuận với lẽ tuần hoàn của vạn hữu là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng cũng có nhiều nơi mỗi năm chỉ có hai mùa như quê tôi Việt Nam, là mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó Âu Châu, nhất là vùng Bắc Âu, mỗi năm cũng chỉ có hai mùa. Đó là mùa lạnh kéo dài nhiều khi đến 6 hay 7 tháng và mùa ấm chỉ có chừng 3 đến 4 tháng là cùng. Dĩ nhiên là sẽ không có mùa Hè và trời vào Thu lại nhanh lắm, để đón tiếp một mùa Đông băng giá lạnh lùng.

 

Không biết là thiên nhiên ưu đãi con người hay con người phải bị lệ thuộc vào thiên nhiên, để rồi cùng sống, cùng hít thở với khí trời và muôn vật, nhưng điều căn bảncon người cần phải sống trên quả địa cầu nầy, dầu cho có bao nhiêu mùa Thu qua, Đông lại hay Thu sang Hè đến, con người vẫn phải thích nghi với mọi hoàn cảnh trong mọi không gian để được sống còn và được tồn tại. Nhìn những con vật sống thiếu thốn cỏ, nước khi băng giá phủ kín khắp núi rừng, không có gì để nuôi thân hay những chiếc xe hơi phải gồng mình chịu đựng với nhiệt độ đôi khi trừ dưới cả mấy chục độ Celcus, tôi nghĩ rằng: “Những con vật này và những dụng cụ di chuyển ấy sao mà tài tình thế, chúng phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để sinh tồn và hữu dụng”; nhưng cũng có nhiều người bảo với tôi rằng: “Con người còn giỏi hơn những vật thể kia nữa, vì trời có nóng đến bao nhiêu độ như ở Phi Châu hay lạnh đến bao nhiêu độ như ở Alaska, con người vẫn phải sống và phải phấn đấu để tồn tại”. Nghe ra cũng hữu lý phải không quý vị?

Tôi rời Đức vào sáng ngày 20 tháng 3 năm 2015 từ phi trường Frankfurt để đi Amsterdam và địa điểm cuối cùnggặp nhau tại phi trường Kansai Osaka, Nhật Bản vào ngày 21 tháng 3. Ngày nầy cũng là ngày Ohigan (lễ Bỉ Ngạn) hay nói đúng hơn là lễ Thanh Minh của người Nhật, kéo dài trong một tuần lễ cho đến ngày 28 tháng 3 mỗi năm như thế. Tại Nhật mỗi năm họ có đến hai lễ Thanh Minh. Đó là vào mùa Xuânmùa Thu. Ohigan của mùa Thu bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 cho đến 28 tháng 9 mỗi năm, họ chỉ tính theo dương lịch, chứ không phải âm lịch như chúng ta hoặc Đài Loan. Rời Đức đã vào Xuân, khí trời tương đối ấm áp, nên tôi chỉ khoác thêm một tấm khăn choàng cổ và đội một mũ lain như thường lệ, chứ không mang áo khoác bên ngoài. Vì lẽ những cuộc hành trình tiếp tục của tôi trong những ngày tháng tới, đều bắt đầu từ cái tối đến cái sáng, từ cái lạnh cắt da vào Đông để đi đến những nơi ấm áp hơn là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Cuối cùng rồi tất cả 31 người gồm tám quốc tịch cũng đã gặp nhau qua những câu hỏi, lời chào. Đó là Úc Châu xa xôi trong muôn vạn dặm, Hoa Kỳ và Canada. Bên Âu Châu có đến 5 nước đại diện, đó là Na Uy, Đan Mạch, Đức, Pháp và Thụy Sĩ. Lần nầy số người tham gia hành hương Nhật Bản khiêm tốn hơn lần trước, vì lẽ đi nhiều ngày hơn, nên những người đi làm khó lấy phép trọn vẹn cho 21 ngày như thế. Lần trước vào năm 2013 có đến 84 người và đi cả hai xe Bus, nhưng ở Nhật chỉ được một tuần lễdĩ nhiên là chỉ đi đến được những nơi cần phải đi, còn những nơi quan trọng khác đành phải chờ đến năm 2015 nầy mới thực hiện được trọn vẹn. Ngoài ra một lý do tế nhị khác là tài chánh. Ở Nhật cái gì cũng đắt đỏ, nên càng đi lâu ngày thì số chi phải tăng theo cấp số cộng hay cấp số nhân, nên nhiều người khi muốn đi Nhật phải tự lượng lại sức của mình, nên mới có sự chần chờ do dự là vậy. Ví dụ như dùng sáng ở một khách sạn 4 hay 5 sao phải trả thêm 3.000 đến 3.500 Yen, tương đương với 30 hay 35 USD, mà vốn ở những xứ Âu Mỹ khác, thông thường ăn sáng tại khách sạn đã được tính chung trong tiền thuê phòng rồi. Một củ khoai lang nướng có xuất xứ từ Hokkaido, người mua phải trả đến 8 USD, một trái bắp nướng đôi khi phải trả đến 4 hay 5 USD là chuyện thường. Nếu cứ đứng đó mà so đo giá cả thì chúng ta sẽ bị đánh bật ra ngoài, vì nhiều người khác phải cần mua và cần trả tiền cho người bán hàng. Do vậy những ai đi Nhật phải nên hiểu rằng: Thời gian cấp bách lắm, phải quyết định nhanh cho mọi việc và phải đúng giờ cũng như phải sạch sẽ, ngăn nắp. Đó là lối sống của người Nhật, mà nếu ai là người ngoại quốc sống hay đi du lịch tại Nhật, nhất cử, nhất động phải làm theo. Nếu không, mình sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng sinh hoạt nầy ngay từ thuở ban đầu và chưa chắc gì có thể tham dự suốt chuyến hành hương được.

 

Giá sinh hoạt tại Nhật rất đắt đỏ. Nếu là khách du lịch, mỗi ngày phải trả cho những dịch vụ công cộng như di chuyển, ăn uống, vé vào cổng những nơi danh lam thắng cảnh v.v… ít nhất cũng phải là 100USD. Đó là chưa kể đến tiền khách sạn. Tùy theo loại bao nhiêu sao thì giá tiền cũng theo đó mà lên xuống; nhưng trung bình không dưới 100USD cho mỗi đêm như vậy. Có nhiều người đề nghị rằng: Thôi thì bớt ăn, bớt đi để cho đỡ tốn kém. Nghe ra cũng hữu lý, nhưng như vậy thì đâu còn ý nghĩa của việc đi du lịch nữa. Viết đến đây tôi nhớ một câu chuyện xưa chừng 50 năm hơn về trước, khi còn học đệ thất tại trường Trung Học Bồ Đề Hội An, vào giờ Pháp Văn của Cụ Giáo Sư  Phạm Phú Hưu, trong Cour de Langue của Mauger như sau:

Có một anh chàng người nhà quê lên Paris để đi du lịch. Khi đến Paris anh ta không có người quen, nên anh ta chọn một chiếc Taxi để đi xem phong cảnh. Khi lên xe, anh ta chỉ chăm chú nhìn vào chiếc đồng hồ Taxi nhảy số tiền, chứ chẳng thấy được phong cảnh bên ngoài bao nhiêu. Anh ta nóng ruột quá, nên bảo người tài xế cho anh ta xuống xe. Sau khi thanh toán tiền Taxi, anh ta tìm cách về lại quê với những phương tiện rẻ tiền nhất. Khi trở lại quê xưa, mọi người dân trong làng ùa đến thăm anh và hỏi rằng: “Anh văn minh quá, đã đi được đến thủ đô hoa lệ của nước Pháp chúng ta, đó là Paris muôn màu, là kinh đô của ánh sáng. Vậy anh hãy kể cho chúng tôi nghe, anh đã trông thấy những gì nào?” Người đi Paris du lịch ấy trả lời rằng: “Tôi chỉ thấy Taximètre mà thôi”! Mọi người ồ lên cười, rồi vội vã trở lại công việc nhà của mình…

 Thuở đó ở tuổi 14, 15 khi đọc đến chuyện nầy tôi thấy vui vui và bây giờ sau hơn 43 năm ở ngoại quốc, đi đến cả 73 quốc gia trên 5 châu lục nầy, mỗi lần nhớ đến “chiếc đồng hồ taxi tính tiền” của anh chàng du lịch Paris mà mỉm cười cho chính thân phận của mình.

Phái Đoàn của chúng tôi dùng xe Bus để di chuyển suốt một tuyến đường dài trong 21 ngày ấy tại Nhật. Bắt đầu đi từ Osaka đến Fuchu, nơi có Đức Địa Tạng không đầu (xem thêm quyển Những mẫu chuyện Linh Ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát), kế tiếp đi Hiroshima, rồi xe chạy ngược về Nara để những ngày sau đó đi thăm những ngôi chùa nổi tiếng tại Kyoto và Nara (xem thêm hình ảnh hành hương của Phái Đoàn đã được đăng tải trên các Website như: quangduc.com ở Úc; hoavouo.com ở Hoa Kỳ và viengiac.de ở Đức), sau đó Đoàn đi thăm núi Phú Sĩ, ở tại khách sạn Washingon vùng Kofu. Tại đây tôi vì vội vã nên đã bỏ quên chiếc khăn quàng cổ và cái  mũ lain. Rõ ràng là đã già rồi, tuổi 67 không còn trẻ nữa, nên mới có chuyện để nói. Tôi đem việc nầy nói cho Ông tài xế xe Bus người Nhật nghe, tên Ông ta là Suwabe, tài xế của hãng xe Sawai Kanko. Không ngờ Ông nầy là tín đồ Phật Giáo của chùa Honryuji, nơi tôi đã ở tại Hachioji từ những năm 1973 đến 1977 để đi học. Do vậy mà những đề nghị gì về việc thay đổi chương trình di chuyển của Đoàn về sau nầy đều rất dễ dãithoải mái. Tôi nhờ Ông ta gọi cho khách sạn Washington tại Kofu nói về chiếc mũ và cái khăn choàng cổ bị bỏ quên, sau đó ông mỉm cười và nói: “Thầy đừng lo, ngày mai những vật ấy sẽ được gửi đến khách sạn Mystays tại Haneda”. Đúng như lời hứa ấy, vào chiều ngày 2.4.2015 tôi đã nhận được lại chiếc khăn quàng cổ và cái mũ đã mang đi từ Đức, vì mùa Xuân khí trời vẫn còn lạnh, nếu không có những vật hộ thân nầy thì cũng khốn khổ.

 

Ngày 3 tháng 4 năm 2015 có 4 Phật Tử ở tiểu bang Florida phải về nước trước, vì công ăn việc làm của họ. Phái Đoàn bây giờ còn lại 27 người. Hôm đó chúng tôi đi Kamakura để viếng thăm tượng Phật lớn bằng đồng rất nổi tiếng từ thế kỷ thứ 13, nhưng tượng nầy cũng không cao bằng tượng Ushiku ở Ibaraki do phái Tịnh Độ Tông xây dựng chừng vài chục năm về trước. Tượng cao 120 mét, nghĩa là lớn gấp ba lần tượng nữ thần tự do tại New York. Tất cả đều làm bằng đồng và nếu tính theo lối bình thường thì tượng nầy bằng một tòa lâu đài cao 45 từng (nếu mỗi từng chiều cao độ 2 mét rưỡi).  Thế giới chỉ có một chứ chưa có tượng nào lớn bằng tượng nầy. Tối hôm ấy về lại khách sạn Mercure ở Yokosuka. Đây là một hải cảng quân sự, gần Tokyo, gồm nhiều tàu Hải Quân và kể cả tàu ngầm của Hoa Kỳ đang thả neo tại đó. Do vậy, khách sạn ở đây kiểm soát rất kỹ lưỡng những người khách đến cũng như đi. Tối đó tôi không khỏe lắm, nên không đi ra ngoài dùng tối cùng Đoàn và đây mới là việc chính như đầu đề câu chuyện đã đề cập. Nguyên là có hai Ông Bà người Việt, có Quốc Tịch Hoa Kỳ ở vùng Seattle sau khi dùng tối đã để quên tại nhà hàng một cái ví quan trọng, trong đó có hai Passport Hoa Kỳ và một số hiện kim USD. Khi nhớ ra, trở lại hỏi thì nhân viên nhà hàng bảo rằng không thấy. Kẻ hỏi thì giỏi tiếng Anh mà người nghe không rành, nên đành chỉ chỏ ra dấu rồi trở về lại khách sạn, đêm đó người mất giấy tờ  ngủ không yên chút nào. 

Sáng hôm sau ngày 4 tháng 4 năm 2015 cũng là một ngày được gọi là định mệnh, như  đã được  an bài. Vì số 4 đọc theo tiếng Nhật là Shi, mà Shi của số 4 kia cũng đồng âm với chữ Tử. Do vậy, người Nhật hầu như không dùng đến số 4 ở một số nơi nhạy cảm như bệnh viện, nhà dưỡng lão v.v… thế mà ở vào một sự trùng hợp nào đó, hôm ấy gặp đến hai con số 4, ngày cũng 4 mà tháng cũng 4 nữa. Sáng hôm ấy tôi cũng không dùng sáng được, vì cái bụng nó làm reo. Thầy Hạnh Nguyện đi vào phòng tôi hỏi rằng: “Sư Phụ có biết chuyện gì đã xảy ra vào tối hôm qua không?” dĩ nhiên là tôi trả lời: “Không hay biết gì cả” và Thầy ấy nhờ tôi sang tiệm ăn hôm qua để hỏi bằng tiếng Nhật một lần nữa cho tỏ tường. Tiệm mới mở cửa, có người đến  hỏi chuyện mất đồ tối hôm qua, nhân viên nhìn qua nhìn lại và có người dưới bếp nói với lên rằng: “Hình như hôm qua đã có người nhận được, hãy liên lạc với chỗ Information trong khu buôn bán nầy ở tầng hai để nhận lại”. Khi nghe tôi dịch lại sang tiếng Việt hai chữ “hình như” đã làm cho hai Ông Bà mừng lo lẫn lộn. Tuy nhiên theo lời khuyên của nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Tokyo hôm đó thì nên đi cớ bót cảnh sát để có bằng chứng và thứ hai tuần sau họ sẽ giúp cho việc cấp tạm giấy tờ để trở lại Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 4 nầy. Hôm đó là ngày thứ Bảy (4.4.2015) nên mọi cơ quan công quyền đều không làm việc, nên có đi đến đâu cũng chỉ thế thôi, ngoại trừ đi cớ bót cảnh sát gần đó. Ba Thầy trò đi bộ đến bót cảnh sát. Người trực phiên hôm đó còn rất trẻ, hỏi han tỉ mỉ mọi việc và ghi vào giấy khai báo, đoạn họ đưa cho hai Ông Bà một mảnh giấy nhỏ độ cỡ một bàn tay và bảo rằng: “Nếu vật bị mất mà tìm ra được thì nên giao con số nầy lại cho bất cứ một bót cảnh sát nào đó trên nước Nhật nầy cũng được, để biết rằng việc cớ bót đã hoàn tất”. Chúng tôi cảm ơntrở về lại khách sạn để tiếp tục cuộc đăng trình đi Kamakura để viếng thăm chùa Viên Giác và chùa Tịnh Trí. Xe chạy qua những khu hoa Anh Đào nở rộ, ai nấy trong xe Bus đều trầm trồ, khen ngợi và mỗi người mỗi cách khác nhau để tán dương cho loài hoa đặc biệt ấy. Nào là: Loài hoa quý phái, loài hoa vương giả, loài hoa cao thượng v.v… tất cả vẻ đẹp đều nhắm vào hoa Anh Đào để tán thưởng, mà mọi người quên đi rằng trong xe Bus nầy có hai người đang tím ruột bầm gan vì lẽ giấy tờ cũng như tiền bạc đã bị mất hết rồi. Riêng tôi có an ủi hai Ông Bà và mọi người trong xe rằng: “Không có gì phải lo cả, nếu cái ví ấy được người Nhật nhặt được thì khỏi phải lo, nhưng…(với chữ nhưng nhiều lo ngại lẫn nghi ngờ)…nhưng nếu gặp người Việt Nam hay những người ngoại quốc khác lượm được thì chưa chắc đó…”

Sau khi thăm chùa Viên Giác (Enkakuji) mọi người vui vẻ bảo nhau rằng: “Tại sao hôm nay chúng con về thăm Tổ Đình mà cũng phải trả tiền vé vào cửa”? câu hỏi hơi khó trả lời. Vì tất cả những chùa thuộc danh thắng của Nhật Bản, bất cứ là ai khi đi viếng cảnh đều phải trả tiền vào cổng, ngoại trừ các vị Tăng Sĩ. Điều ấy hình như đã thành lệ tại đây. Còn chùa Viên Giác tại Đức lâu nay được tồn tại và phát triển do sự đóng góp cúng dường tự nguyện chứ không bắt buộc”… Mọi người tỏ vẻ hài lòng và bảo nhau rằng: “Thôi thì nhập gia phải tùy tục vậy”.

Khi đến chùa Tịnh Trí (Jochi), sau khi mua vé vào cửa xong thì có điện thoại từ khách sạn Mercure ở Yokosuka gọi vào máy của Thầy Hạnh Nguyện và tôi đã nghe báo tin bằng tiếng Nhật là “Cái ví của hai Ông Bà khai mất tối hôm qua, bây giờ đã có người đem nộp chỗ Information tại tầng hai của siêu thị ở Yokosuka, vậy ngay từ bây giờ Quý vị có thể đến đó để nhận diệnlấy lại đồ đã bị thất lạc của mình”. Tôi cảm ơntrả lời rằng: “Bây giờ chúng tôi còn phải tiếp tục đi phố người Hoa tại Yokohama, đến chiều chúng tôi sẽ đến nhận lại”- “Vâng! Như thế cũng ổn thôi”.  Sau khi cúp điện thoại, mọi người vỗ tay ầm ỹ, khiến nhiều khách Nhật tham quan chùa hôm đó chẳng biết là chuyện gì đã xảy ra với chúng tôi, và ai trong chúng tôi cũng mỉm cười vui vẻ, chẳng có ai lộ trên nét mặt vẻ u buồn. Vui nhất ngày hôm ấy dĩ nhiên là hai Ông Bà bị mất giấy tờ. Thế  là niềm tin với người Nhật của chúng tôi càng tăng thêm nhiều hơn nữa qua hai sự kiện vừa kể trên.

Đến chỗ Information của siêu thị tại Yokosuka nhận diện đồ mất, ánh  mắt của Bà vui mừng khó tả. Sau khi thấy được cái ví của chính mình đã đánh rơi vào tối hôm qua, Bà nhẹ tay mở ví và lôi ra trước hai cái Passport Hoa Kỳ và một gói tiền USD được bọc kín cẩn thận cùng với những thuốc uống tùy thân. Hầu như chẳng có ai mở ra để xem trong đó có những gì và người nhặt được chỉ có nhiệm vụ đem trả lại, chứ không cần tìm hiểu nội dung trong chiếc ví ấy. Sau khi nói những lời cảm ơn chân thành bằng tiếng Nhật với cô nhân viên ngồi tại quày Information, cả ba chúng tôi đi đến trạm cảnh sát gần đó để trả lại mật mã đã cớ bót và tôi đã cảm ơn những người cảnh sát bằng tiếng Nhật như sau: “Honto ni Watashitachi ga gaikokku kara, Nihon ni kitte, kono Jiken no atode, Watashitachi wa Nihonjin  no mae ni Atama o sagashinakerebanaranai, too iu no wa, doko no Kuni ni kitte mo, Nihonjin no joo ni nittenai. Deskara, honto ni arigatoo gozaimasu” nghĩa là: “Với chúng tôi, những người đến Nhật Bản từ ngoại quốc, sau sự kiện nầy, chúng tôi phải cúi đầu chào người Nhật. Nghĩa là dẫu cho có đến bất cứ một nơi nào trên thế giới, không có nơi đâu giống như nước Nhật nầy cả. Cho nên chúng tôi xin chân thành niệm ân của quý vị.” Đây chắc hẳn không phải là những lời khách sáo, nên cả họ và chúng tôi đều cúi đầu chào nhau như đã từng gặp gỡ từ bấy lâu rồi.

Sau sự kiện Tsunami đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua tại 4 tỉnh miền Đông nước Nhật đã có không biết bao nhiêu bài tường thuật trên báo chí cũng như truyền hình về cung cách của người Nhật, từ người lớn cho đến em bé…tất cả đều trật tự, nhường nhịn nhau, không chen lấn nhau chỉ để được dành  cho phần mình và đặc biệt là có đến 8.000 cái két sắt nhặt được sau cơn địa chấn ấy, nhưng chỉ có 3.000 cái có chủ nhân nhận lại, còn 5.000 cái, mỗi cái trong đó có chứa hằng triệu USD hay tiền Yen, nhưng không có chủ đến tìm, có lẽ họ là những người bất hạnh trong số 17.000 người mất tích ấy và họ cũng không còn thân nhân để đến nhận lại khối tài sản kia, nên các sở cảnh sát địa phương vùng Fukushima vẫn còn lưu giữ những két sắt nầy. Đó là những thông tin chính thức từ nhà nước Nhật Bản, nhưng cũng có nhiều nhà báo Việt Nam ở ngoại quốc không tin và có nhiều ký giả cho rằng: Bộ người Nhật họ thành thật đến như vậy sao? Họ không bị mất cắp hay sao? Họ thánh thiện như vậy hay sao? v.v…và v.v… tôi xem những tin ấy không cải chánh dùm cho người Nhật, nhưng khi quý vị đã đọc hai sự kiện trên rồi, chắc chắn quý vị cũng có thể rõ một điều là tại Nhật, nếu bạn đi đường hay ở khách sạn, nếu lỡ làm rơi một món đồ nào đó mà có xuất xứ rõ ràng thì bạn không nên lo lắng quá đáng. Vì ở Nhật hầu như không bao giờ có việc ăn cắp vặt cũng như ăn cướp ban ngày như ở một số nước khác tại Á Châu. Để chứng minh cho điều nầy, nhân hôm đi Shibuya (thăm tượng con chó bằng đồng gọi là Hachiko {Bát Công} để giải thích cho mọi người về lòng trung thành cũng như đúng giờ của con chó đối với chủ, dầu cho chủ của  nó có chết đi. Và văn hóa ấy đã lấn sang Hoa Kỳ, để tài tử nổi tiếng Hollywood Richard Geere, cũng là một Phật Tử đã đóng bộ Phim nổi tiếng nầy, khiến cho thế giới phải ngợi khen cho sự thẩm thấu về nền văn hóa của Nhật đối với nước Mỹ văn minh ngày nay), tôi vào bưu điện mua một loại bì thư gọi là “Genkin no Futoo” (bao thơ để bỏ tiền mặt vào đó và gửi đi trong nước Nhật). Loại nầy đã có từ khi tôi đến Nhật (1972) và nay vẫn còn. Nghĩa là người gửi bỏ tiền mặt vào bì thư, ghi địa chỉ người nhận và người gửi rõ ràngđặc biệt là phải ghi rõ số tiền mặt trong bao thơ bao nhiêu, để trị giá lệ phí và bảo đảm nếu có mất thì sẽ được bưu điện Nhật đền lại tương đương. Trong xe Bus, tôi giải thích và tặng cho đại diện của 8 nước tham gia chuyến hành hương nầy mỗi nơi một bao thơ gửi tiền mặt như vậy để cho mọi người thấy rằng tại Nhật Bản, độ tin cậy giữa con ngườicon người rất chính xác, không phải sợ trộm cướp và mất mát bất cứ một thứ gì cả. Cho nên người dân ở đây an tâm trong cuộc sống, không phải lo toan như một số dân tộc khác trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam của chúng ta tại quốc nội của mình.

 

Tôi chấm dứt bài viết nầy bằng một tin mới nhất là Nhật Bản đã chế tạo được xe điện từ trường chạy 605 cây số giờ và chính thức sẽ được triển khai ra thị trường vào năm 2027. Không biết lúc ấy tôi có còn sống không, để được đi loại xe điện nầy, nhưng chắc chắn một điều là nhà vệ sinh công cộng của Nhật sạch sẽ hơn nhiều nhà vệ sinh trên thế giới, vì lẽ tại đó mọi người dân đều có ý thức trách nhiệm của mình cho mọi vấn đề của cuộc sống, không chờ đợi ai lo cho mình, mà mỗi người phải tự có bổn phận đối với tự thân, gia đình, quốc giaxã hội. Nếu ai đó bảo rằng: Hoa Anh Đào là loại hoa đẹp nhất tại xứ Nhật, tôi bảo không sai, nhưng cái đẹp nhất của người Nhật trong hiện tại là “nhà vệ sinh công cộng, chứ không phải Hoa Anh Đào”, mà vốn những loại kỹ thuật điện tử nầy người Nhật đã học lại của Âu Châu và Mỹ Châu, nhưng ngày nay họ đã bỏ lại các châu nầy về kỹ thuật số rồi.

 Đừng chờ đợi nữa, mà hãy gắng lên để tiến về phía trước. Đó là lời cầu chúc của riêng tôi đối với những ai có quan tâm về đạo đức, giáo dục cũng như về tương lai của xứ sở mình.

 

Viết xong vào lúc 11 giờ sáng ngày 23 tháng 4 năm 2015 tại chùa Hải Đức vùng Jacksonville thuộc Tiểu Bang Florida Hoa Kỳ nhân Phái Đoàn Hoằng Pháp có mặt tại đây từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 4 năm 2015.

 

 Xem thêm hình ảnh chuyết Hành hương Nhật Bản

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 1251)
Trước đây, vào thời niên thiếu, tôi chưa từng tín ngưỡng bất kỳ một tôn giáo nào. Tôi đang đứng giữa ngã tư đường, không Phật cũng không Đạo.
(Xem: 1559)
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một cái “Tôi” và tính chấp thủ, nhưng có người ý thứcquán chiếu được điều đó
(Xem: 1286)
Cửa vào bất nhị, còn gọi là pháp môn bất nhị, từ xa xưa đã được truyền dạy từ thời Đức Phật, chứ không phải là hậu tác của chư tổ Bắc Tông,
(Xem: 1205)
Nhưng giới khoa học vẫn còn hoang mang trong nhận định thế giới vật chất đời thường là ảo, không có thực thể.
(Xem: 1229)
quan niệm rằng người có danh phận, giàu sang là do phước và cúng dường, hộ trì người có phước thì được phước nhiều hơn?
(Xem: 1318)
Hai từ chiến tranh, không ai trong chúng ta là không nghe đến. Trong quá khứ đã có rất nhiều cuộc chiến tranh xảy ra trên quả địa cầu nầy,
(Xem: 1464)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm có tên gọi đầy đủ là :"Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm",
(Xem: 1384)
Tôi nhớ lần nào gặp Đại sư cũng thấy Ngài mặt mày hồng hào, tinh thần khang kiện.
(Xem: 1347)
Trong rất nhiều phương pháp tu tập thì phương pháp phòng hộ các căn môn được Đức Phật giảng dạy rất chi tiết.
(Xem: 1209)
Kể từ khi con người biết xử dụng tiền bạc làm đơn vị trao đổi mua sắm đến nay, thì không ai là không cần đến tiền!
(Xem: 1315)
Đối trong nhà Phật thì thế gian gồm có khí thế gianchúng sanh thế gian.
(Xem: 1075)
Đây là một trường hợpThiền sư Thích Nhất Hạnhcộng đồng của Thầy đã thay đổi cuộc đời của một người.
(Xem: 1739)
Tam tam-muội là chỉ cho ba loại định, tức là ba loại pháp môn quán hành của Phật giáo, được xem như là nguyên lý thực tiễn của Thiền định. Định có nghĩa là tâm hành giả trụ vào một đối tượng nào đó khiến cho ý không bị tán loạn, dần dần tâm ý trở nên trong sáng và phát sinh trí tuệ.
(Xem: 1294)
Đời tôi gần giống như cuộc đời của cậu bé mồ côi ở Viện Dục Anh trong văn Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi đều sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Từ những ngày còn bé tôi đã không có một cái gì để gọi là riêng tư. Đời tôi gắn liền với tập thể, lớn lên và nương tựa vào tập thể.
(Xem: 1366)
Để giúp người Phật tửđời sống đạo hạnh, đức Thế Tôn đưa ra năm giới căn bản.
(Xem: 2577)
Tinh thần hòa hiệp là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, tinh thần của một khối người biết tôn trọng ý niệm tự tồn, và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng.
(Xem: 1373)
Khi con gái tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường đưa con đến chùa lễ Phật, học tiếng Việt, sinh hoạt văn hóa Việt…
(Xem: 1533)
Điều phi đạo là những việc dẫn đến sự hao tài, thứ nhất đó là đam mê cờ bạc.
(Xem: 1435)
Chu Lợi Bàn ĐặcMa Ha là hai anh em sinh đôi sinh ra trong một gia đình Bà la môn ở thành Xá Vệ (Sravasti - Ấn Độ).
(Xem: 1808)
Nếu có ai đó hỏi Phật Pháp có gì hay thì những người đệ tử Phật sẽ trả lời như thế nào?
(Xem: 1381)
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng cuối thế kỷ 13.
(Xem: 1596)
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trong khoảng cuối thế kỷ 13.
(Xem: 1796)
Trong suốt cả Pháp Bảo Đàn Kinh, là những lời dạy của Lục Tổ, ngài chỉ hai lần nói đến hai chữ “từ bi”:
(Xem: 1998)
Thông thường, người ta thường nghĩ “làm phước” là phải làm điều gì đó to lớn, mang tính cho và nhận bằng những vật phẩm...
(Xem: 1419)
Từ góc độ văn hóa có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh nói riêng, có những giá trị văn hóa tiêu biểu
(Xem: 2423)
Đối với người thế gian, tài sản quý giá nhất của họ chính là gia đình, của cải vật chất, công danh sự nghiệp, nhưng với người xuất gia thì đó là trí tuệ.
(Xem: 1556)
Phàm có sinh thì có tử, đó là lẽ thường trong cuộc đời. Vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật sinh ra, tồn tại, thay đổi, hoại diệt (gọi là sinh, trụ, dị, diệt)
(Xem: 1732)
Nguyễn Du không những là một thi hào lớn của Việt Nam mà còn là nhà Phật học uyên bác. Ông từng viết trong bài thơ “Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” lúc đi sứ sang Tàu vào triều Nguyễn, đầu thế kỷ 19 rằng,
(Xem: 1678)
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa
(Xem: 1405)
Phật giáo trước hết là một tôn giáo, vì thế những tư tưởng của giáo lý Phật giáo không đề cập nhiều tới những vấn đề triết học...
(Xem: 2180)
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi, thấy tâm tịch lặng không người, không ta, ai hỏi thì nhấc cành hoa, thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …”
(Xem: 1599)
Tôi thường thắc mắc tại sao mình dự tính làm điều này thì có khi lại đổi sang làm chuyện khác mà mình không hề suy tính được.
(Xem: 1652)
Sống trong đời này, chúng ta thường hay nghe những ngôn từ bình dị, than thở rằng: “Trần ai - trong cõi tạm, là gì - ra sao?”
(Xem: 1539)
Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn.
(Xem: 1902)
Khi mới vào đạo, điều đầu tiên chúng ta được dạy là không nhìn lỗi của người khác.
(Xem: 1873)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì?
(Xem: 2023)
Ở đời bất cứ sự kiện nào xảy ra cũng có nguyên do của nó. Như bài kinh “Bát Đại Nhân Giác” xuất hiện trên thế gian này cũng không ngoại lệ.
(Xem: 1513)
Hai chữ vô thường rất quen thuộc với mọi người chúng ta, trong đời sống hàng ngày ai ai cũng nghe và nói.
(Xem: 1851)
Tư tưởng nhân quả Phật giáotư tưởng nổi bật trong nhân sinh quan Phật giáo.
(Xem: 1540)
Chúng ta đang chứng kiến những bất ổn xã hội hay thiên tai trên toàn thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ khi gần đây
(Xem: 1544)
Sống phải có niềm tin, nhưng đừng tin quá vào một người, dù người đó là ai, có địa vị như thế nào trong xã hội.
(Xem: 1684)
Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử về mối tương quan và lợi ích của việc thực hành bốn nhiếp pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ,
(Xem: 1686)
Đức Phật Thích Ca Như Lai của chúng ta, lúc mới phát tâm, đã vì ta mà tu Bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ các thứ khổ cực.
(Xem: 1381)
“Không làm các việc ác Siêng làm các việc lành Thanh tịnh hoá tâm ý…”
(Xem: 1550)
Việc khấn nguyện, cầu nguyện là một vấn đề tâm linh rất phổ biến của tín đồ mọi tôn giáo và không cứ gì mùa xuân mà việc khấn nguyện...
(Xem: 1888)
Hồi sáng, lúc đi thiền hành ở Xóm Thượng, tôi đi xuôi xuống chùa Sơn Hạ. Mỗi bước chân giúp tôi tiếp xúc với sự sống rất sâu sắc
(Xem: 1627)
Chế độ ăn kiêng của bạn có thể giúp dự đoán bạn sống được bao lâu.
(Xem: 2152)
Đức Phật dạy “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Biết điều này, khi được là con Phật, ta sẽ thấy mình thật hạnh phúc vì ...
(Xem: 1524)
Không ít Phật tử đến chùa quy y, học Phật pháp, công quả, tham gia các hoạt động Phật sự, thường theo cảm tình đối với người Thầy ở nơi mình đến hơn là...
(Xem: 1550)
Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant