CHỈ và QUÁN
Quảng Tánh
Chúng ta đều biết, đạo Phật có nhiều truyền thống cũng như vô lượng pháp môn tu. Nhưng dù tu theo bất cứ pháp môn nào, cách thức nào thì nội dung tu tập vẫn không ngoài Chỉ và Quán. Nhờ có Chỉ và Quán mà từng bước thành tựu Giới, Định, Tuệ; chứng đắc giải thoát, Niết-bàn.
Đức Phật xưa kia trong quá trình tầm sư học đạo, dù đã hết sức cố gắng tu tập, chứng đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, đỉnh cao thiền chỉ của các bậc thầy đương thời nhưng Ngài thấy rõ chưa hoàn toàn giải thoát. Cho đến khi từ giã tất cả, ngồi một mình dưới cội bồ-đề, phát huy thiền quán, tuệ giác bùng vỡ, quét sạch tham ái và vô minh mới thành tựu đại giải thoát.
Vì thế có thể nói, trọng tâm của mọi pháp tu trong Phật giáo chính là Chỉ và Quán. Nếu thiếu một trong hai pháp này, nhất là Quán, thì đạo nghiệp giải thoát không thể thành tựu.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo tịch tĩnh (A-lan-nhã) nên tu hành hai pháp. Thế nào là hai pháp? Nghĩa là Chỉ và Quán. Nếu Tỳ-kheo tịch tĩnh, được Chỉ, thôi dứt, thì giới luật được thành tựu, chẳng mất oai nghi, chẳng phạm cấm hạnh, tạo các công đức. Nếu Tỳ-kheo tịch tĩnh lại được Quán rồi, liền quán Khổ này, như thật mà biết, quán Khổ tập, quán Khổ tận, quán Khổ xuất yếu, như thật mà biết. Người đó quán như thế xong, tâm dục lậu giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu được giải thoát, liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác quá khứ đều do hai pháp này mà được thành tựu. Vì sao thế? Giống như Bồ-tát lúc ngồi dưới gốc cây thọ vương, trước suy nghĩ pháp Chỉ và Quán này. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát được Chỉ rồi, liền có thể hàng phục ma oán. Nếu Bồ-tát lại được Quán rồi, liền thành tựu tam đạt trí, chứng đắc Vô thượng Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Thế nên, các Tỳ-kheo! Tỳ-kheo tịch tĩnh nên tìm phương tiện hành hai pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr344
)
Chỉ (Sammatha) có nghĩa là dừng, an trụ tâm vào một đối tượng Chánh pháp. Có nhiều đề mục quán niệm, đơn cử như các đề mục niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên (lục niệm) hoặc niệm Dừng nghỉ, niệm Hơi thở, niệm Thân, niệm Chết (thập niệm) sẽ đưa đến tịnh chỉ, tịch tĩnh và nhất tâm. Thiền chỉ đưa đến thành tựu định đồng thời “giới luật được thành tựu, chẳng mất oai nghi, chẳng phạm cấm hạnh, tạo các công đức”.
Trên nền tảng an định của các đề mục thiền chỉ, hành giả tiếp tục phát huy thiền quán (Vipassana). Hành giả để tâm theo dõi một đối tượng và phân tích hay tư duy trên đối tượng ấy, nói cách khác là quán tánh sanh diệt trên đối tượng. Tuy nhiên, hành giả phải để tư duy hoạt động trên cơ sở sự thật về Duyên khởi hoặc Khổ, Vô thường, Vô ngã. Nếu tư duy mênh mang và không phân tích sự vật theo Duyên sinh thì đấy chỉ là vọng tưởng mà không phải minh sát của thiền quán. Chính tuệ giác của thiền quán mới có công năng đoạn trừ hết các kiết sử, thấy biết như thật về Tứ Thánh đế, thành tựu giải thoát sanh tử.
- Tag :
- Quảng Tánh