Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Bài Mới Nhất trang Văn Học
Điền Email để nhận bài mới

Dịch Kinh Tặng Người

Thursday, October 12, 201708:07(View: 5895)
Dịch Kinh Tặng Người

Dịch Kinh Tặng Người

Nguyên Giác

Duyên khởi bài này vì được bác Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim, một nhà thơ tiền bối và là một học giả đã từng làm việc trong nghề báo từ hơn nửa thế kỷ trước, tặng tập thơ “Vui Đạo, Vui Đời” kèm với một thắc mắc. Rằng bác vốn tin Phật từ xa xưa, nhưng ngay khi còn ở quê nhà rất ngại bước vào cổng chùa, vì hễ mỗi lần bước vào là tâm cứ khởi lên những niệm “tán loạn”… Bác cũng đã hỏi nhiều vị sư từ quê nhà và rồi ở hải ngoại, nhưng không làm tâm bình lặng được. Đó là lý do bác sợ bước vào chùa, và rồi không bước vào chùa nữa từ rất lâu.

Người viết bản thân học ít, căn độn, không có gì siêu việt để giải đáp. Cách hay nhất là xin chọn tóm lược hoặc dịch các đoạn thực dụng cho việc tu học từ nhiều Kinh và Luận để tặng nhà thơ tiền bối và tất cả những trường hợp tương tự. Nhiều links cuối bài sẽ giúp thêm chi tiết các đề tài độc giả quan tâm.

 

Vui Dao Vui Doi

Bìa thi tập “Vui Đạo, Vui Đời”và thi sĩ Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim

----- -----

Kinh AN 5.57. Upajjhatthana Sutta. ĐỀ MỤC CẦN TƯ DUY.

Có 5 sự kiện cần tư duy thường xuyên, cho dù là tu sĩ hay cư sĩ, nam hay nữ. Rằng tôi sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, sẽ từ biệt tất cả mọi người thân thương và tất cả những gì tôi ưa thích. Rằng tôi là chủ của những nghiệp do mình đã làm, là thừa tự nghiệp, sinh ra từ nghiệp… Bất cứ những gì mình làm, tốt hay xấu, đều dẫn tới nghiệp của mình… (1)

----- -----

Thig 12.1. Punnika. HÃY QUY YTHỌ GIỚI

Trưởng lão ni Punnika dạy một Bà La Môn: Nếu ngươi sợ và không ưa khổ đau, thì chớ làm nghiệp xấu nào, dù công khai hay bí mật; nếu ngươi làm hay sẽ làm bất kỳ nghiệp xấu nào, ngươi không thoát nổi khổ đau, ngay cả ngươi có bay lên và phóng đi trốn. Nếu ngươi sợ và ngươi không muốn khổ đau, hãy tới quy y Đức Phật, quy y Phápquy y Tăng. Hãy thọ giới. Như thế sẽ dẫn ngươi tới giải thoát. (2)

 

----- -----

Kinh AN 3.15. Rathakara (Pacetana) Sutta. TỪ BỎ LỖI THÂN KHẨU Ý

Đức Phật dạy: Do vậy, quý vị phải tự huấn luyện, rằng phải từ bỏ các sai trật, lỗi lầm, hư khuyết của thân hành, của khẩu hành, của ý hành… (3)

----- -----

Kinh AN 3.91 Accayika Sutta. TU GIỚI, TU ĐỊNH, TU HUỆ

Đức Phật dạy: Do vậy, quý vị phải tự huấn luyện, rằng ‘Chúng ta có tâm nguyện mạnh mẽ phải tu giới, phải tu định, phải tu huệ… (4)

----- -----

Kinh SN 20.7. Ani Sutta. PHẢI HỌC, NGHIỀN NGẪM, TU HÀNH

Đức Phật dạy: Do vậy, quý vị phải tự huấn luyện, rằng ‘Chúng ta sẽ lắng nghe khi Kinh là lời Phật dạy, nghĩa rất mực sâu thẳm, siêu vượt, liên hệ tới rỗng rang, tới tánh không (connected with emptiness) được tụng lên. Chúng ta sẽ lắng nghe, sẽ chú tâm hiểu kinh, sẽ xem lời dạy trong kinh cần nắm giữ và tu trọn vẹn.’ (Thường viết tắt: văn, tư, tu.) (5)

----- -----

AN 3.134. Dhamma-niyama Sutta. VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ

Cho dù Như Laixuất hiện hay không, đặc tướng của Pháp là: tất cả hành là vô thường,  tất cả hành là khổ,  tất cả các hiện tượng (pháp) là vô ngã (rỗng rang, không tự thể). (6)

----- -----

Kinh AN 5.37. Bhojana Sutta. BỐ THÍ BỮA ĂN

Đức Phật dạy: Khi bố thí một bữa ăn, người cho trao 5 thứ cho người nhận. Đó là mạng sống, nhan sắc, hạnh phúc, sức mạnhtâm trí lanh lợi. Khi đã trao tặng như thế, người bố thí cũng nhận được một phần phước chia sẻ trở lại, dù là trời hay người, sẽ được phần mạng sống, nhan sắc, hạnh phúc, sức mạnhtâm trí lanh lợi.(7)

----- -----

Kinh AN 3.57. Vaccha Sutta. CÔNG ĐỨC BỐ THÍ

Đức Phật dạy: ngay cả nếu một người đổ nước rửa chén hay nước rửa tô vào một vũng hay hồ nước và nghĩ rằng, ‘Xin nguyện bất kỳ loài vật nào sống nơi đây được thọ dụng nước thừa này,’ cũng sẽ là một nguồn công đức, huống chi nói tới bố thí cho người. Nhưng ta nói rằng bố thí (cúng dường) một người giới hạnh sẽ mang tới đại phước đức, hơn xa so với bố thí cho người không giới hạnh. (8)

----- -----

Kinh Pháp Cú, kệ 354. BỐ THÍ PHÁP.

Đức Phật dạy: Bố thí pháp vượt hơn tất cả bố thí, hương vị của Pháp vượt hơn tất cả vị, niềm vui với Pháp vượt hơn tất cả niềm vui, xa lìa tham muốn vượt thắng tất cả khổ đau.

Bản Chú giải Pháp Cú ghi, sau khi dạy như trên, Đức Phật nói thêm rằng mỗi khi làm một thiện pháp nào, hãy khởi tâm chia sẻ công đức đó tới tất cả chúng sinh tất cả các cõi. (9)

----- -----

Kinh AN 5.43. Ittha Sutta. KHÔNG CẦU NGUYỆN MÀ CÓ

Đức Phật dạy cư sĩ Anathapindika: Có 5 điều được ưa thích và khó đạt được. Đó là: thọ mạng, nhan sắc, hạnh phúc, vị thế, và tái sinh vào cõi trời. Cả 5 điều này đều không thể đạt được bằng cầu nguyện hay ước mong. Học trò nào ước muốn các điều đó, hãy theo con đường tu tập dẫn tới các điều đó, phải siêng năng làm phước (making merit) và sẽ lợi mình, lợi người.(10)

----- -----

Kinh AN 8.39. Abhisanda Sutta. TÁM NGUỒN NƯỚC CÔNG ĐỨC

Đức Phật dạy rằng các phước đức như thiện khéo, an lành, hạnh phúc, cơ duyên sinh vào cõi trời, an lạc… là xuất sinh từ 8 nguồn nước công đức: (1) quy y Phật; (2) quy y Pháp; (3) quy y Tăng; (4) không hại sinh mạng; (5) không trộm cắp; (6) không tà dâm; (7) không nói dối; (8) không dùng chất làm say hay chất gây nghiện như rượu… (11)

----- -----

Kinh AN 10.69. Kathavatthu Sutta. CHỈ NÊN NÓI 10 ĐỀ TÀI

Đức Phật dạy rằng không nên nói chuyện ngoài 10 đề tài này: chỉ nói về ít ham muốn, về biết đủ, về viễn ly, về xa lìa tụ hội quần đảng, về tinh tấn tu học, về giới hạnh, về định, về trí huệ, về giải thoát, về biết và thấy giải thoát. Đó là 10 đề tài nói chuyện. Khi nói chuyện liên tục về 10 đề tài này, quý vị có thể chói sáng hơn cả mặt trờimặt trăng, uy lực như thế -- còn nói chi mấy du sĩ ngoại đạo.(12)

----- -----

Kinh AN 2.5. Appativana Sutta. TINH TẤN TẬN LỰC

Đức Phật dạy. Quý vị hãy tự huấn luyện rằng, sẽ ra sức tinh tấn tận lực, nghĩ rằng, ‘Chúng ta sẽ hoan hỷ để cho máu thịt trong thân khô cạn, để chỉ còn da, gân và xương, nhưng nếu chúng ta chưa đạt được những gì có thể đạt được qua quyết tâm, qua kiên trì qua tận lực trong thân người này, chúng ta sẽ không nghỉ ngơi thư giãn’ Quý vị rồi cũng sẽ sớm đạt tới mục tiêu tối hậu trong cuộc đời thánh hạnh, mà quý vị đã xuất gia, rời bỏ nhà để làm vị tu sĩ không nhà, biết và nhận ra trong chính quý vị trong ngay ở đây và bây giờ. (13)

----- -----

SN 56.11. Dhammacakkappavattana Sutta. CHUYỂN PHÁP LUÂN

Kinh này có sự tranh luận xuất phát từ văn phạm từ nhiều học giả. Nơi đây sẽ dịch tổng hợp, dựa theo 4 bản Anh dịch (Thanissaro Bhikkhu, Piyadassi Thera, Peter Harvey, Nanamoli Thera) và bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu. Sẽ ghi cả 5 links cuối bài. Nói ngắn gọn, ý nghĩa minh bạch, rằng người có trí tuệ sẽ nhận ra 4 sự thật: thấy thế gian là khổ (Khổ Đế), thấy nguyên do khổ là tham ái (Tập Đế), thấy khổ diệt khi tham ái diệt (Diệt Đế), thấy Bát Chánh Đạocon đường giải thoát (Đạo Đế).

.

Đây là Thánh Đế về Khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, nhóm năm thủ uẩn chấp giữ là khổ.

Đây là Thánh đế về Khổ tập, cội nguồn của khổ: chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là tham muốn về dục lạc, tham muốn hiện hữu (thí dụ: ưa thích cõi này), tham muốn cõi phi hữu (thí dụ: ưa thích rời cõi hữu đáng ghét bỏ này).

Đây là Thánh đế về Khổ diệt: chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.

Đây là Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt: chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. (14)

----- -----

Kinh MN 136. Maha Kammavibhanga Sutta. CẦN CHÁNH KIẾN KHI CẬN TỬ

Những người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói gây tổn thương, nói hung dữ, nói nhảm, tham lam, sân hận, và có tà kiến khi thân tan rã sau khi chết, sẽ tái hiện trong cõi dữ, nơi đến không vui, trong địa ngục… Nếu người người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói gây tổn thương, nói hung dữ, nói nhảm, tham lam, sân hận, và có tà kiến khi thân tan rã sau khi chết, sẽ tái hiện trong nơi hạnh phúc, trên cõi trời hẳn là nhờ thiện nghiệp người đó đã làm trước đó, hoặc là trong giây phút cận tử người đó khởi lên được chánh kiến đầy đủ… nhưng vì người đó trước đó đã sát sanh… đã có tà kiến, nên sẽ nhận kết quả không tốt đó ngay nơi đây và bây giờ, hay là trong kỳ tái sanh kế tiếp…(15)

----- -----

SN 12.23. Upanisa Sutta. THẤY & BIẾT DUYÊN KHỞI

(Ghi chú. Bài kinh này cả 3 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Maurice O'Connell Walshe và bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu đều tuyệt vời, đều cần đọc để đối chiếu cho rõ nghĩa. Kinh này dạy cách đoạn tận lậu hoặc chỉ bằng cách biết và thấy. Thí dụ, khi nghe một ca khúc trên TV, biết và thấy từng âm thanh [cái được nghe] khởi lên, rồi biết và thấy từng âm thanh biến mất, biết và thấy cảm thọ [nhạc vui, buồn...] khởi lên và rồi biến mất, biết và thấy tưởng [ca sĩ giọng nam/nữ] khởi lên và rồi biến mất... rồi với hành, thức. Hễ biết và thấy pháp khởi lên và biến mất, lậu hoặc sẽ đoạn tận. Khi chỉ cách như thế, Đức Phật nói về duyên khởi sẽ bị đứt xích bằng cách biết và thấy như thế. Cuối bài sẽ có link tới 3 bản Anh dịch và bản Việt dịch.)

HT Thích Minh Châu dịch, trích như sau.

...như thế nào đối với người biết, đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt? Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ … Đây là tưởng … Đây là hành … Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người biết, như vậy đối với người thấy, các lậu hoặc được đoạn diệt.

...này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.(16)

 

----- -----

Kinh MN 118, nhóm Kinh SN 54. NIỆM HƠI THỞ

Đức Phật dạy thở chánh niệm trong nhiều kinh: chi tiết nhất là trong Kinh Trung Bộ MN 118, ngắn hơn có nhóm Kinh Tương Ưng SN 54. Khi hoằng pháp, Thầy Nhất Hạnh tập  trung vào pháp này nhiều nhất, có nhiều hướng dẫn chi tiết bên cạnh lời kinh, và các bài liên hệ trên Làng Mai đều nên đọc. Nơi đây trích bài Thở Chánh Niệm từ Làng Mai vài câu:

...Thở vào, tôi biết tôi biết đây là hơi thở vào

Thở ra, tôi biết tôi nhận diện hơi thở ra

Thở vào, tôi thấy hơi thở vào của tôi đã sâu hơn

Thở ra, tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn... (17)

----- -----

Kinh Pháp Cú. Bài kệ 3-4. GIỮ TÂM KHÔNG SÂN

Bản dịch của HT Thích Minh Châu, bài kệ 3 và 4.

3. “Nó mắng tôi, đánh tôi. Nó thắng tôi, cướp tôi.” Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.      

4. "Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi.” Không ôm hiềm hận ấy, hận thù được tự nguôi. (18)

----- -----

MN 21. Kakacupama Sutta. TỪ BI VÔ LƯỢNG

Đức Phật dạy: Này sư Phagguna, nếu có ai dùng tay đấm ngươi, dùng đất ném ngươi, dùng gậy đập ngươi, dùng đao kiếm tấn công ngươi, ngươi cũng phải buông bỏ những bộc khởi thế gian trong tâm, buông bỏ những niệm thế gian trong tâm. Sư Phagguna, hãy tự huấn luyện thế này, "Tâm của tôi sẽ không bị tác động ảnh hưởng vì việc này, tôi cũng không nói lên một lời hung dữ nào; nhưng tôi sẽ vẫn sống trong niềm quan tâmthương xót, với tâm từ bi, và tôi sẽ không khởi chút nào sân hận." Sư Phagguna, hãy tự huấn luyện như thế.(19)

----- -----

Kinh Sn 1.8. Karaniya Metta Sutta. TU TÂM TỪ BI

(Ghi chú: Pháp tu này cho hạnh phúc tức khắc. Dù vậy một số thiền sư dặn rằng khi tu theo pháp hướng tâm từ sáng ngời khắp hướng nên tránh bị “space out” – tức là mất phương hướng, mất chú tâm.)

Lời Đức Phật dạy, trích dịch theo bản Anh dịch của Piyadassi Thera:

“…7. Quý vị hãy tu tâm yêu thương vô bờ bến hướng về tất cả chúng sinh, y hệt như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của bà bằng chính sinh mạng của bà.

8. Quý vị hãy chiếu sáng ngời tình yêu thương vô bờ bến này hướng về toàn thể thế giới – các cõi trên, coi dưới và khắp các phương hướng cõi này – không ngăn che, không chút sân hận, không chút bực dọc.

9. Trong khi đứng, trong khi đi, trong khi ngồi, trong khi nằm, hễ tỉnh thức, luôn luôn quán sát [chiếu sáng] tâm yêu thương này. Như thế là Sống Thánh Hạnh.

10. Không rơi vào tà kiến – sống giới hạnh, với tỉnh thức [trong tâm từ], buông bỏ tham dục nơi các căn – quý vị chắc chắn sẽ không bao giờ trở về sinh lại trong một bào thai.(20)

----- -----

Kinh AN 5.29. Cankama Sutta. THIỀN ĐI BỘ

Đức Phật dạy rằng có 5 lợi ích khi tập Thiền đi bộ: chịu đựng được khi đi bộ đường xa; chịu đựng được để tinh tấn; xa lìa bệnh; dễ tiêu hóa bất cứ những gì đã ăn, đã uống, đã nhai và nếm; sức định khởi lên từ thiền đi bộ sẽ kéo dài.(21)

Ghi nhận rằng, kinh này không nói cụ thể, cho nên độc giả có thể nêu câu hỏi: tập Thiền đi bộ thế nào? Cách tập phổ biến ở nhiều thiền viện Hoa Kỳ là: nên đi trên lối định sẵn, đã quen thuộc, có thể giữ tay trước  bụng hay thả lỏng bên hông, giữ hơi thở rất dịu dàng, khi nhấc chân phải lên hãy chú tâm vào sức nặng chuyển sang toàn thân phía chân trái và sức nặng trải trên các ngón và mặt bàn chân trái đang tiếp giáp mặt đất, chú tâm vào chân phải đang duỗi ra phía trước, chú tâm khi các ngón và mặt bàn chân phải tiếp giáp mặt đất trong khi chân trái nhấc lên, và tương tự…

----- -----

SN 35.24. Pahanaya Sutta. BUÔNG BỎ THÂN TÂM

(Ghi chú: Ngài Dogen, người lập dòng Tào ĐộngNhật Bản, nói rằng tông yếu Thiền tập là "Buông bỏ thân tâm." Có lẽ từ Kinh SN 35.24.)

Đức Phật dạy rằng phải buông bỏ tất cả các pháp, buông bỏ mắt, buông bỏ cái được thấy, buông bỏ nhãn thức, buông bỏ nhãn xúc, buông bỏ bất cứ những gì khởi lên từ nhãn xúc -- những kinh nghiệm ưa (lạc), ghét (khổ), không ưa không ghét -- cũng phải buông bỏ.

Tương tự, phải buông bỏ tai, buông bỏ cái được nghe...

Tương tự, với mũi, lưỡi, thân, ý... cũng phải buông bỏ.(22)

----- -----

SN 35.80. Avijja Sutta. ƯNG VÔ SỞ TRỤ

(Ghi chú: Kinh này Đức Phật dạy rằng không nên trụ tâm vào bất kỳ pháp nào cả, và như thế cái hiểu biết trực tiếp sẽ hiện lên. Having heard that all things are unworthy of attachment, he directly knows every thing. Cũng có lời dạy “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” từ Kinh Kim Cang.)

Đức Phật dạy rằng khi một nhà sư buông bỏ tâm si (vô minh), cái biết trong trẻo sẽ hiện lên. Đó là khi nghe rằng "tất cả các pháp đều không đáng để chấp thủ," vị này trực tiếp biết mọi thứ. Biết tất cả mọi thứ như thế, vị này hiểu tất cả mọi thứ. Hiểu mọi thứ như thế, vị này thấy tất cả các pháp như những gì rời ra (không dính vào).

Vị này thấy mắt là cái gì rời ra (không dính vào), thấy cái được thấy  là cái gì rời ra (không dính vào), cũng thế với nhãn thức, với nhãn xúc, với cảm thọ nơi mắt... là cái gì rời ra (không dính vào).

Tương tự với tai, với cái được nghe... với mũi, lưỡi, thân, ý...

Đó là cách vô minh đoạn tận và cái biết trong trẻo hiện lên (so that ignorance is abandoned and clear knowing arises). Đọc tới ‘cái biết trong trẻo’ có thể nhớ tới Kinh AN 1.51-60 với ‘Chói sáng là tâm này. Nó xa lìa bụi từ ngoài bám…”(23)

----- -----

SN 36.2 NIỆM THỌ

Đức Phật dạy: “Có 3 cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Dù đó là thọ lạc, hay là thọ khổ, hay trung tính, dù thọ của mình hay của người khác, hay thọ của mọi thứ khác (người dịch ghi chú: trong Kinh SN 36.22, Đức Phật nói chi tiết về 108 thọ của thân và tâm trong 3 thời). Hãy biết tất cả đều là bệnh, là hư vọng, là vô thường. Nhìn thấy cách chúng cài cắm lần nữa, rồi lần nữa, và biến mất, quý vị sẽ tách rời với thọ, không mê đắm.”

Nên ghi nhận rằng Kinh này rất ngắn, chỉ mấy dòng như trên, nhưng rất căn bản. Cảm thọ về khổ cũng nên hiểu là “cảm giác bất như ý” để có nghĩa rộng hơn.  Niệm thọ là là một phần Tứ Niệm Xứ -- Niệm thân, thọ, tâm, pháp. Phần trên bài này đã nói về niệm thân (hơi thở, đi bộ). Nhưng thọ nên là đối trị phần lớn, vì Đức Phật từng nói Ngài chỉ dạy về khổ và về thoát khổ. Trong khi đó, niệm thân hay niệm tâm hay niệm pháp đều có thể khởi lên thọ (thí dụ, đi bộ thấy chân mỏi, nghĩ ngợi về cách sắp xếp truyện ngắn cần phải viết, hay đang phỏng vấn một cô hoa hậu, hay đang ngồi trước TV nghe ca sĩ hát…). Bởi vì, duyên vào sáu căn, xúc sẽ khởi lên; duyên vào xúc, thọ sẽ khởi lên; duyên vào thọ, tham ái sẽ khởi lên…

Có một nhóm chữ thường gặp, và được các dịch giả dịch nhiều cách: quán thân trên thân (bản dịch HT Thích Minh Châu), contemplating the body in the body (bản dịch Bhikkhu Bodhi, có nghĩa: quán thân trong thân), contemplating body as body (bản dịch Andrew Olendzki, có nghĩa: quán thân như là thân), focused on the body in & of itself (bản dịch Thanissaro Bhikkhu, có nghĩa: tập trung vào thân trong thân và của chính thân)... Tương tự với thọ, với tâm, với pháp.

Chúng ta nên đọc thế nào? Có lẽ, có thể tiếp cận nhiều cách. Có thể là, khi quán thân, quán thọ chỉ là quán thân, quán thọ thôi, không lìa sang niệm khác. Có thể nhìn thân như là một tập hợp 32 chi phần hay như vô lượng điểm trong dòng sông chảy xiết của cái hiện tiền, mong manhvô thường như hạt mè đứng trên đầu mũi kim. Thấy hơi thở hay bất kỳ chi phần thân thể nào trong dòng chảy xiết là sẽ thấy thân “rỗng rang, không tự thể” và sẽ không chấp thủ rằng thân có cái gì là “tôi” hay là “của tôi.” Tương tự thấy thọ hiện lên trong dòng chảy xiết hiện tiền sẽ thấy tức khắc vô thường, và giọng ca trên TV không tác động gì mình nữa. Có thể nhìn theo Kinh Bahiya: “trong cái được thấy, cái được nghe, cái được cảm thọ… sẽ chỉ là cái được thấy, là cái được nghe, là cái được cảm thọ…” và lập tức sẽ xa lìa ba thời quá, hiện, vị lai.(24)

----- -----

Kinh Pháp Cú. XA LÌA CẢ HAI BỜ, RỜI TẤT CẢ PHÁP

Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu, trích:

385. "Không bờ này, bờ kia Cả hai bờ không có, Lìa khổ, không trói buộc Ta gọi Bà-la-môn."

412. "Người sống ở đời này Không nhiễm cả thiện ác, Không sầu, sạch không bụi Ta gọi Bà-la-môn."

421 "Ai quá, hiện, vị lai Không một sở hữu gì, Không sở hữu không nắm, Ta gọi Bà-la-môn."

 

 

Bản Anh dịch của Acharya Buddharakkhita, trích:

385. He for whom there is neither this shore nor the other shore, nor yet both, he who is free of cares and is unfettered — him do I call a holy man.

412. He who in this world has transcended the ties of both merit and demerit, who is sorrowless, stainless and pure — him do I call a holy man.

421. He who clings to nothing of the past, present and future, who has no attachment and holds on to nothing — him do I call a holy man. (25)

Trong bài kệ 412, nên nhớ rằng cần giữ giới, nhưng nếu thấy rằng có ta giới hạnh là cũng vướng sinh tử luân hồi. Trong Thiền Việt Nambài kệ viết, “hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô” (có và không đều không lập, ánh mặt trời trí tuệ sẽ lên cao) của Thiền sư Tông Diễn (1640-1711).  

Bát Nhã Tâm Kinh cũng có câu, “Không hề có cái gì gọi là Sắc (cái được thấy), Thanh (cái được nghe), Hương, Vị, Xúc, Pháp…” – tức là, tất cả các pháp là duyên hợp, không tự thể, và vì vô ngãvô thường, nên không gọi là có hay không. Mở TV ra xem, sẽ thấy sắc (cái được thấy) và thanh (cái được nghe) vốn rỗng rang, không tự thể. Trong cái rỗng rang như thế, làm gì có bờ nào, cũng hệt như khi nhìn vào tâm sẽ thấy không màu sắc, không hình dạng   và không tìm được tâm ở đâu hết, nhưng tâm hiện khắp nơi mỗi khi mắt ngó tới, mỗi khi tai nghe tiếng… Và vì tâm rỗng rang nên các pháp mới hình thành, và vì tâm hiện ra khắp nơi [và biến mất] nên mới có câu rằng “tâm dẫn đầu các pháp…” (Kinh Pháp Cú, kệ 1). Và vì tâm rỗng rang, nên vô thường mới chảy xiết không ngưng. Rỗng rang nhưng không phải là không có gì, vì chính nơi đây là cái biết, cái thấy, cái nghe hiện lên… khi cái tâm rỗng rang xa lìa mọi chấp kiến, trí huệ sẽ hiện lên. Như thế, bản tâm xa cả hai bờ.

----- -----

Kinh MN 62. Đối chiếu Kinh Pháp Bảo Đàn. TÂM RỖNG RANG NHƯ HƯ KHÔNG

Trong Phẩm Cơ Duyên Thứ Bảy, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của HT Duy Lực, ghi lời Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Trí Hoàng: "Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy."(26)

Trong Trung Bộ Kinh MN 62, Khi Đức Phật dạy ngài Rahula, bản dịch HT Thích Minh Châu: “Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái không, khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại.”

Ghi nhận: Các chữ “năng sở đều diệt” có nghĩa là, người nghe (thí dụ, nghe tiếng chim, hay nghe tiếng hát) và cái được nghe đều rỗng rang không tự thể, nên không có năng (người nghe) và cũng không có sở (cái được nghe) vì tức khắc là các pháp biến mất trong dòng chảy xiết của vô thường (y hệt hạt mè lơ lửng trên đầu mũi kim, trong dòng chảy xiết của hiện tiền). Các chữ “động tịnh vô tâm” có nghĩa là, Đức Phật dạy “không nắm giữ quá, hiện, vị lai” cho nên trong khi nghe sẽ thấy không một tâm nào khởi lên để nắm giữ hay xua đẩy, và tức khắc lặng lẽ.

----- -----

Kinh AN 1.49-52. BẢN TÁNH CỦA TÂM

Đức Phật dạy: Chói sáng là tâm này; và tâm này bị nhiễm ô vì bụi nhơ từ ngoài vào. Chói sáng là tâm này; và tâm này xa lìa khỏi các bụi nhơ từ ngoài vào… Người kém học không nhận ra rằng tâm này thực sự hiện hữu, do vậy Như Lai nói rằng đối với kẻ kém học kia không tu tập được tâm này…. Bậc Thánh đệ tử nhận ra tâm này thực sự hiện hữu, do vậy Như Lai nói rằng đối với bậc Thánh đệ tử đã có sự tu tập tâm này.(27)

Câu hỏi tới đây là, làm sao nhận ra tâm này? Truyền thống Phật Giáo Tây TạngBắc Tông gọi tâm chói sáng phi ô nhiễm đó là tánh, hay bản tánh của tâm, đôi khi gọi là Phật tánh, đôi khi là Pháp tánh. Nghĩa là, bất kể bụi, tâm chói sáng này vẫn không tăng hay giảm.

Nơi trang 176-177 trong ấn bản giấy tác phẩm “On the Path to Enlightenment” (NXB Shambhala, 2013) tác giả Matthieu Ricard dịch sang Anh văn câu chuyện về nhà sư Patrul Rinpoche (1808–1887) do nhà sư Nyoshul Khen Rinpoche kể lại. Ngài Patrul và học trò là ngài Nyoshul Lungtok đang ở một cánh đồng cỏ ven sông. Ngài Patrul nói, có phải con vẫn chưa nhận ra bản tâm? Lungtok nói, thưa vâng. Ngài Patrul nói, không khó đâu. Ngài Patrul yêu cầu Lungtok nằm ngửa trên cỏ, nhìn lên bầu trời đầy sao. Ngài Patrul nói, con có nghe tiếng chó sủa từ nơi tu viện không? Lungton đáp, vâng. Ngài Patrul hỏi, con có thấy các vì sao chiếu sáng không. Lungtok đáp, vâng. Ngài Patrul nói, bản tánh của tâm là thế đó.

Nơi trang 82 trong ấn bản giấy tác phẩm “Essence of the Heart Sutra” (NXB Wisdom Publications, 2002) tác giả là Ngài Đạt Lai Lạt Ma đời 14, giải thích rằng Phật Tánhđược định nghĩa trong khái niệm về cái rỗng rang, cụ thể, là cái rỗng rang không có hữu thể nội tại nào của tâm. Đó cũng được gọi là bản tánh chói sáng trong trẻo của tâm” (it is defined in terms of emptiness, specifically, the mind's emptiness of intrinsic existence. This is also called the clear-light nature of the mind).

Ngài Hoàng Bá Thiền Sư trong sách "Truyền Tâm Pháp Yếu," bản Việt dịch của HT Thích Duy Lực  giải thích: "Tánh tức là thấy, thấy tức là tánh, chẳng thể lấy tánh thấy thêm tánh. Nghe tức là tánh, chẳng thể lấy tánh nghe thêm tánh. Chỉ vì ngươi cho là có cái tánh thấy, nghe, tánh ấy năng thấy, năng nghe, nên mới có những pháp đồng, dị sanh khởi. Kinh nói rõ ràng cái sở thấy đó chính là tánh ngươi rồi chẳng thể thấy nữa, nếu thấy nữa tức là ngươi ở trên đầu lại sanh thêm đầu."

Lời ngài Hoàng Bácái sở thấy đó chính là tánh ngươi rồi chẳng thể thấy nữa, nếu thấy nữa tức là ngươi ở trên đầu lại sanh thêm đầu” gợi nhớ tới lời Phật dạy rằng trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong khi ngài Huệ Năng nói rằng “không phải gió động, không phải phướn động, nhưng là tâm ngươi động”…

Như thế, thấy tánh là thấy cái rỗng rang không tự thể của tâm, và cùng lúc nhận ra cái chói sáng của tâm này (qua cái được thấy, cái được nghe…). Và tất cả các niệm lành dữ, thiện ác, sân si… đều biến vào bầu trời rỗng rang không tự thể đó.

Thầy Thích Thông Phương (môn đệ của Thiền sư Thích Thanh Từ) trong sách “Năm Tầng Biết Vọng” đã nói rất mực tuyệt vời về các điểm nêu trên, trích: “Cứu cánh năng sở đều bặt, tìm khắp mười phương chẳng thấy một bóng dáng của tâm đâu cả. Luận bàn chẳng đến, quán tưởng chẳng thành, định mà chẳng dừng, động mà chẳng chuyển, mười phương hư không không thể chứa, trăm ngàn mặt trời mặt trăng soi chẳng đến. Ôi! Ai biết được kẻ ấy?(28)

----- -----

BẤT LẬP VĂN TỰ

Theo truyền thuyết của Thiền Tông, Đức Phật truyền pháp Thiền Tông cho ngài Ma-ha Ca Diếp. Tích này gọi là Niêm Hoa Vi Tiếu. Câu chuyện trích từ Wikipedia như sau:

"...trên núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa) trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các thầy tì kheo: "Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh". Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta Phó Chúc cho Ma-ha Ca-diếp". Nếu ngộ được diệu ý này thì gần Đạo không xa." (hết trích) (29)

Câu hỏi nơi đây là, “bất lập văn tự” là pháp gì. Không dựa vào ngôn ngữ văn tự? Thời Đức Phật chưa có chữ viết, cho nên hiểu là không dùng ngôn ngữ. Nên nêu thêm câu hỏi: trước khi có ngôn ngữ thì là gì? Bạn thử làm toán, bạn sẽ phải dựa vào suy nghĩ. Và suy nghĩdựa vào ngôn ngữ hiện ra trong đầu bạn.

Trong một pháp thiền nổi tiếng của Thái Lan, khi thở vào, thấy bụng phồng ra, niệm “phồng,” và khi hơi thở ra, bụng nhỏ lại, niệm “xọp”… Trước khi chữ “phồng, xọp” được niệm, là phải có tưởng. Pháp thiền này và nhiều pháp tương tựdựa vào tưởng để phòng hộ các căn, không để trâu ăn lúa mạ của người.

Tuy nhiên, pháp bất lập văn tựvô tâm, vô niệm, vô tưởng…. mà không phải là không có tâm, hay không có niệm, hay không có tưởng. Đó là cái biết trực tiếp, không qua ngôn ngữ. Thí dụ, khi nghe, sẽ nghe cùng lúc tiếng chim, tiếng gà, tiếng xe lửa… lúc đó chưa có niệm nào hiện lên. Nhưng nếu lúc đó nghe tiếng hát của một ca sĩ ưa thích, lập tức văn tự hiện lên rằng ai hát, và hát bài gì… Lúc đó, khoảnh khắc hiện tiền trượt đi. Tức là, bất lập văn tự cũng có nghĩa là “trong tâm sẽ không khởi lên cả ngôn ngữ văn tự.” Nơi đây, là cái biết không hề hiện lên chữ nào trong tâm. Đó là khi tâm hành xứ diệt, sẽ không hiện ra ngôn ngữ văn tự, sẽ thấy ngay cái ở đây và bây giờ (cái được thấy, cái được nghe...) vốn là rỗng rang không tự thể, Và đó mới thực là Níết Bản đương xứ tức chân. Tức là, pháp này là vô tu vô chứng. Vì hễ nói là có tu, lập tứcvăn tự, có so đo hiện lên.

Trong Kinh MN 18 (bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh ChâuKinh Mật Hoàn), giải thích về duyên khởi ra tâm phan duyên: xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra tưởng, tưởng duyên ra nghĩ ngợi lý luận, rồi duyên ra nhiều tưởng khác và các tâm phan duyên (contact > feeling > perception > thinking > the perceptions & categories of papañca -- theo Thanissaro Bhikkhu) (30)

Chúng ta sẽ thấy Thiền Tông Trung Hoa và Việt Nam là dạy bất lập văn tự, là thấy biết mà không khởi tưởng hay nghĩ ngợi. Đó là cửa không cửa, là vô môn quan, là vách đá không chỗ bấu víu. Vì hễ còn chỗ bấu víu, là còn tưởng.

Thiền sử kể rằng Bách Trượng chỉ tịnh bình nói: "Nếu không gọi cái tịnh bình này là tịnh bình thì gọi nó là cái gì?" Thủ tòa Hoa Lâm đáp: "Tịnh bình này không phải làm bằng cây, bất cứ thế nào cũng không gọi đó là cây".

Lúc đó Bách Trượng quay qua hỏi Linh Hựu: "Ông nói là cái gì ?" Linh Hựu lấy chân đá tịnh bình rớt xuống rồi quay đầu bỏ đi. Bách Trượng hài lòng.

Tại sao? Vì ngài Hoa Lâm còn vướng vào ngôn ngữ văn tự. Trong khi ngài Linh Hựu trực tiếp đối mặt với cái hiện tiền, không qua ngôn ngữ suy luận dù là có hay không, bình cây hay là không cây.

Đó là lý do, chúng ta thường thấy các sư nói rằng Thiền chỉ là lạnh thì run, nóng thì quạt, đói thì ăn, khát thì uống… là chỉ cách sống tỉnh thức với các hiện tiền, với cái bây giờ và ở đây (mà không vướng vào bây giờ và ở đây), và là bất lập văn tự trong tâm. Thực ra, đó cũng là Kinh Bahiya đã nói ở trên. Trong khi đó, Đức Phật trong Kinh AN 11.10 có nói cụ thể về pháp chỉ dạy cho tuấn mã. Đây là pháp khó tin, khó ngộ nhập, nhưng cực kỳ là hạnh phúc. (31)

Hai Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (chư tăng hàng ngày tụng, khi Đức Phật sinh tiền) là Kinh Tập Phẩm 4 và Kinh Tập Phẩm 5 có nói rất nhiều về thiền pháp này. (32) Nơi đây, sẽ trích dịch một số câu.

Thí dụ, trích đoạn cuối Kinh Snp 4.9 (dưới đây viết theo văn xuôi cho gọn).

Khantipalo dịch: For one detached from perception, there exist no ties, for one by wisdom freed, no delusions are there, but those who have grasped perceptions and views, they wander the world stirring up strife.

Thanissaro dịch: For one dispassionate toward perception there are no ties; for one released by discernment, no delusions. Those who grasp at perceptions & views go about butting their heads in the world.

Có thể dịch: Đối với người đã xa lìa tưởng, sẽ không có gì ràng buộc nữa; với người được giải thoát bởi trí tuệ, sẽ không có hư vọng nào còn nữa. Nhưng những người còn nắm lấy tưởng và  kiến, sẽ cứ mãi xung động trong thế giới này.

Độc giả sẽ thấy nhiều bài kệ tương tự. Trong đó nói rằng phải xa lìa tưởng và kiến. Và đó cũng là Thiền Huệ Năng. Thiền của tuấn mã, đó là lời Đức Phật.

GHI CHÚ:

(1) AN 5.57: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an05/an05.057.than.html

(2) Thig 12.1: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/thig/thig.12.01.than.html

(3) AN 3.15. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an03/an03.015.than.html

(4) AN 3.91: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an03/an03.091.than.html

(5) SN 20.7. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn20/sn20.007.than.html  

(6) AN 3.134. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an03/an03.134.than.html

(7) AN 5.37. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an05/an05.037.than.html

(8) AN 3.57. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an03/an03.057.than.html

(9) Pháp Cú 354: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.24.than.html#dhp-354

(10) AN 5.43. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an05/an05.043.than.html

(11) AN 8.39. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an08/an08.039.than.html

(12) AN 10.69. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an10/an10.069.than.html

(13) AN 2.5. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an02/an02.005.than.html 

(14) Thanissaro Bhikkhu (4 bản): http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn56/sn56.011.than.html

HT Thích Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/a728/56-chuong-xii-tuong-ung-su-that

(15)  MN 136. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.136.nymo.html

(16) Ba bản Anh dịch: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn12/sn12.023.bodh.html

Bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/vn/sn12.23

(17) Làng Mai. http://langmai.org/thien-duong/hanh-phuc-la-con-duong/tho-chanh-niem

(18) Pháp Cú 3-4. https://thuvienhoasen.org/p15a7961/pham-01-10

(19) MN 21. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.021x.budd.html

(20) Sn 1.8. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.1.08.piya.html

(21) AN 5.29. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an05/an05.029.than.html

(22) SN 35.24. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.024.than.html

(23) SN 35.80. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn35/sn35.080.than.html

(24) SN 36.2. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn36/sn36.002.nypo.html

 (25) Pháp Cú 385, 412, 421. Việt: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/pham-21-26

Anh: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.26.budd.html

(26) Pháp Bảo Đàn. (https://thuvienhoasen.org/a687/pham-co-duyen-thu-bay)

MN 62. https://suttacentral.net/vn/mn62

(27) AN 1.49.52. http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an01/an01.049.than.html

(28) Hoàng Bá. https://thuvienhoasen.org/a16773/hoang-ba-thien-su-truyen-tam-phap-yeu

Thích Thông Phương. http://thientruclam.info/tt-thich-thong-phuong/nam-tang-biet-vong/5chang-biet-chang-bietan-tam

(29) Niêm Hoa Vi Tiếu. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ni%C3%AAm_hoa_vi_ti%E1%BA%BFu

(30) Kinh MN 18, Anh: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.018.than.html

Bản Việt: https://suttacentral.net/vn/mn18

(31) Bài Kinh Tuấn Mã. https://thuvienhoasen.org/a25964/bai-kinh-tuan-ma-va-thien-tong

(32) Bản dịch Khantipalo (Phẩm 4), Anandajoti (Phẩm 5): https://suttacentral.net/snp

Các bản dịch Ireland, Olendzki, Thanissaro: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/index.html#vagga-4

Bản Varado: http://suttas.net/english/suttas/khuddaka-nikaya/sutta-nipata/atthakavagga%20-%20php%20version%201.4/index.php

 

.

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
(View: 14619)
Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng...
(View: 15753)
Cuộc sống không phải là một mẻ lưới của số phận. Cuộc sống chính là một mối giao hoà bất tận giữa mỗi cá thể đang tồn tại. Và trong mối giao hoà đó...
(View: 15564)
Không và Có tương quan mật thiết với nhau như bóng với hình. Có bao nhiêu cái có thì cũng có bấy nhiêu cái không. Nếu cái có vô cùng vô tận, thì cái không cũng vô tận...
(View: 17536)
Lý tưởng giáo dục và những phương pháp thực hiện lý tưởng này, hiển nhiên Phật giáo đã có một lịch sử rất dài.
(View: 19122)
Bảo Lâm bước chậm lại... ý như để lắng nghe tiếng chim hót líu lo từ phía khu rừng trúc. Vài tia nắng nhẹ vừa xuất hiện phía hừng đông, bầu trời trong xanh văng vắt...
(View: 28478)
Trần Nhân Tông (1258-1308) là con đầu của Trần Thánh Tông. Ông là một vị vua anh minh quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc đánh tan quân Nguyên Mông...
(View: 25103)
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù gió đông cắt da cắt thịt...
(View: 27410)
Nó đưa tay quệt đôi mắt mọng nước giọng đầy kiên quyết nói với cậu Út: - Nếu con thấy người đàn bà ấy xuất hiện ở nhà này lần nữa, con sẽ không tha đâu.
(View: 17686)
Mười năm vườn xưa xanh tốt Hai mươi năm nắng rọi lều tranh Mẹ tôi gọi tôi về Bên bến nước rửa chân
(View: 20304)
Hàn Mặc Tử rất chú trọng về âm nhạc và màu sắc. Đó chính vì tâm hồn Tử có nhiều trạng thái cá biệt, nhiều khi rất bí ẩn u huyền; để diễn tả, phải dùng màu sắc...
(View: 18684)
Người tài xế bặm môi nhíu sát hai lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải rộng, trải dài,...
(View: 14888)
Lịch sử chứng minh cho thấy trong xã hội con người có nhiều phát triển tích cực diễn ra do kết quả của lòng từ bi. Chẳng hạn sự hủy diệt thương vụ buôn bán người nô lệ.
(View: 15535)
Chỉ có những phương tiện mang tinh thần bất bạo độngthấm nhuần lòng từ bi mới có thể giúp con người đạt đến lý tưởng chân chính, đạt đến cứu cánh tốt đẹp...
(View: 15093)
Hình tượng Phật không những xuất hiện trong những không gian lặng lẽ nơi phòng thờ hay bàn thờ gia đình mà còn xuất hiện trên những đỉnh núi cao ngất và hùng vĩ...
(View: 17603)
Life is a gift… accept it. Đời là một món quà, hãy nhận lấy. Life is an adventure… pare it. Đời là một cuộc phiêu lưu, hãy giảm dần.
(View: 25138)
Đến một lúc, mọi giông tố mịt mùng không che nổi sự bừng sáng của con tim và mọi khổ đau buồn tủi không đánh gục được niềm lạc quan tiềm ẩn trong một tinh thần.
(View: 21459)
Phật giáo đã bắt rễ dễ dàng trên mảnh đất Việt Nam. Những người nông dân Việt Nam đang đau khổ và khát vọng sự giải thoát, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên.
(View: 20120)
Ôn hiện thân vào đời năm Đinh Mùi, 1907, tại làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, quận Hương Thủy, Thừa Thiên. Từ đó, Ôn đã mang hành trang của người giác ngộ...
(View: 22588)
Sáng sớm vị sư nữ ra mở cổng Tam Quan quét dọn. Sương mù còn giăng kín ngõ. Thoáng chút se lòng sư cô đứng lặng giữa sân như để tĩnh tâm hít thở,...
(View: 19593)
Ngày nay, tiền có ít nhất bốn chức năng trong việc phục vụ con người. Dù tốt hay xấu, nó là một phương tiện trao đổi không thể thiếu trong xã hội hiện tại.
(View: 20767)
Xung quanh ngôi thạch thất, thầy có trồng dăm loài hoa kiểng, ít cây ổi mận, đu đủ…. Ngày tháng trôi qua, cây trái đã trở nên xum xuê tươi mát, những chậu hoa cũng lấm tấm điểm một vài bông đỏ vàng rực rỡ.
(View: 15676)
Bồ đoàn nguyên nghĩa là cái nệm tròn đan bằng cỏ bồ, dùng để lót ngồi hay quỳ lạy. Cỏ bồ có lẽ giống như cỏ năn cỏ lát của nước mình, một thứ vật liệu đơn giản dễ sử dụng.
(View: 13897)
Chấp trước, mê chấp, chấp thủ là một trong những gông cùm làm khổ con người. Chính vì hiểu được nỗi khổ này mà Đức Phật luôn dạy các hàng đệ tử là phải phá chấp.
(View: 14837)
Nhìn lên bản đồ (kèm theo), ta sẽ thấy Huyền Trang đi theo một đường zigzag rộng lớn, dài hơn nửa đường biên Trung Quốc, vòng quanh nửa nước Ấn Độ...
(View: 14020)
Người hộ trì chánh pháp phải biết nhẫn nhục. Nhẫn nhục là biểu hiện sức mạnh nội tâm. Nhẫn nhục cò là phương thuốc thần hiệu để trị bệnh mình và bệnh người.
(View: 14922)
Tuổi trẻ học Phật không có mục đích trở thành nhà nghiên cứu Phật học, mà học Phật là tự thực tập khả năng tư duy bén nhạy, linh hoạt, để có thể nhìn thẳng vào bản chất sự sống.
(View: 18704)
Mỗi năm, đồng bào Khmer lại tổ chức lễ Sene dolta để con cháu trong gia đình biết ơn bà “chà đôl” và ơn ông “chà ta” đã dày công nuôi dưỡng, sinh thành.
(View: 16469)
Trong vô vàn tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lê Cao Phan, nhất là các tác phẩm âm nhạc Phật giáo, ca khúc Phật giáo Việt Nam ra đời như là một sự kết tinh trọn vẹn nhất...
(View: 15742)
Với chánh niệm, bạn có thể kiến lập bản thân mình trong hiện tại để có thể chạm vào các kỳ diệu của đời sống đang có sẵn trong khoảnh khắc ấy. Có thể sống được hạnh phúc...
(View: 15423)
Với người lạc quan, thế gian này tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng đối với người thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp...
(View: 18807)
Hòa Thượng luôn luôn ý thức về những trở ngại trên bước đường hoằng hóa lợi sinh của mình, nhưng với sự quyết tâm của mình trong tự lợilợi tha Ôn vẫn bước đi...
(View: 22927)
Tôi tình cờ đọc được thơ của Cao Thị Vạn Giả vào lúc còn đang học trung học. Một trong những tiểu thuyết mà tôi từng rất thích là tác phẩm Khung Cửa Hẹp của André Gide, do Bùi Giáng dịch.
(View: 20784)
Ngày nay nhớ lại quãng đời làm điệu mà tôi cảm thấy nuối tiếc. Quãng thời gian để chỏm sao mà quá nhiều kỷ niệm dễ thương. Những kỷ niệm đầy đạo tình, đạo vị trong chốn thiền môn.
(View: 21600)
Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được...
(View: 26098)
Chưa thấy ai/cái gì siêng năng như cái đồng hồ. Gő măi nhịp trường canh đều đặn từ giây này đến giây kế tiếp, từ phút này đến phút kia, từ giờ kia đến giờ nọ… cho đến khi hỏng, hoặc hết năng lượng, hết bin.
(View: 17897)
Hoa sen hay Liên hoa là loài hoa thanh khiết thiêng liêngvị trí tôn quý đặc biệt trong giáo nghĩa cùng với sức phát triển bao trùm trên nền văn hóa Phật giáo.
(View: 16076)
Trong lý tưởng Bồ tát đạo, có hai ý niệm quan hệ: Đại TríĐại Bi (hay Đại Hạnh). Đại Trí chỉ cho khả năng siêu việt soi thấu bản tính của vạn hữu.
(View: 20149)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp Tăng sinh của các Phật Học Viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Ðà - Ðà Nẵng, Hải Ðức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn.
(View: 22822)
Mùa thu lãng đãng trở về đưa theo từng cơn gió nhẹ, dịu mát. Cả bầu trời như trở mình sống lại, để chuyển rơi rụng những chiếc lá vàng.
(View: 21474)
Mở đầu là chuyện thiền sư Khương Tăng Hội từ Việt Nam chống gậy sang miền Giang Tả của Trung Quốc để truyền bá Phật pháp cách đây hơn 1.700 năm (vào năm 247 dương lịch)
(View: 26366)
Ngược xuôi trên dòng đời, đôi lúc nhớ về cội nguồn đã xa, tâm cảm kẻ lưu đày như thiền sư Tuệ Sỹ thoáng chốc bâng khuâng, ngậm ngùi như nhà thơ đã ghi lại trong thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.
(View: 16777)
Cùng với tượng tròn (mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trên tập văn số 10) điêu khắc Phật giáo thời Lý, đặc biệt phải kể đến nhiều bức chạm nổi trên đá mà tinh khéo...
(View: 16456)
Trong đạo Phật thường nói ý là căn bản của hành động và lời nói. Khi suy nghĩ điều thiện thì lời nói sẽ lành và hành động khắc đẹp. Nghiệp là một thói quen...
(View: 21705)
Đọc thi ca chữ Hán và chữ Nôm của Thiền phái Trúc Lâm, có thể nêu lên những cảm hứng sau: Cảm hứng bản thể giải thoát, cảm hứng cõi thiên nhiên Phật nhiệm mầu...
(View: 17988)
Một khi ta cảm nhận được sự rộng lớn của cuộc sống này, và thấy được khả năng kinh nghiệm sự sống của mình là bao la đến đâu, thì chắc chắn ta sẽ hiểu được sự buông bỏ.
(View: 19627)
Trong văn học cũng như trong thực tế, người ta thường đề cập đến mùa thu có lá rơi, nhưng ít ai lại thấy thực tế hơn, chính xác hơn là trong bốn mùa, mùa nào cũng có lá rơi rụng cả.
(View: 20951)
Loại thức ăn thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Chánh kiến cũng là biết phân biệt những đoàn thực có hại và những đoàn thực không có hại.
(View: 40333)
Vào độ thu, khi lúa chín rộ, những cánh đồng bát ngát như một tấm thảm vàng hoe. Nông dân đây đó tụ tập chúc mừng nhau một vụ mùa thắng lợi, và trời đất cũng hòa nhịp trong bầu không khí tràn ngập niềm hạnh phúc ấy.
(View: 32792)
Không có nhà tỷ phú nào không kiêu hãnh về tiền bạc, nhưng chính niềm kiêu hãnh ấy, lại tạo ra những sự lo lắng, sợ hãi, nghi ngờbất hạnh cho họ.
(View: 31631)
Thuở nhỏ cứ mỗi khi đến rằm tháng bảy, hình ảnh Đại Hiếu Mục Kiền Liên luôn hiện về trong tôi với đoản văn Bông Hồng Cài Aó của Thầy Nhất Hạnh.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM