Tôi đang trên đường từ hơn hai tháng nay và bây giờ sắp đến lúc quay về phương trời cũ. Ánh đèn khuya xứ người cứ bắt tôi nghĩ hoài mấy chữ nghe từ nhỏ - mà hình như mãi đến tận giờ vẫn chưa nghĩ suốt. Chỉ là hai chữ Đi với Về mà cứ làm bâng khuâng lạ.
Hai động từ đó nghe qua tưởng dễ hiểu, nhưng ngẫm lại hình như chẳng phải chuyện đơn giản. Cái rắc rối ở đây hình như chính là ý nghĩa quá đơn giản của hai chữ đó so với cái thực tế chẳng đơn giản tí nào.
Có những nơi chốn khi sắp lìa khỏi, người ta có cảm giác như vừa thoát nạn. Có những nơi chốn khi sắp lìa khỏi, người đi có cảm giác như chỉ có đôi chân mình là xê dịch, vì con tim họ đã nằm lại đó. Lúc này bảo là họ đang đi hay sắp về cũng khó nói. Tôi nhớ hoài tâm trạng lúc chia tay Tô Châu, rồi Lệ Giang năm nào. Buổi sáng hôm đó quay nhìn lần cuối mấy nhịp cầu đá rêu phong đang lùi dần sau lưng, tôi chết điếng với một lời tự hỏi: Bao giờ sẽ quay lại và biết đâu đây là lần cuối trong đời nhìn thấy nơi này. Và đổi lại, có những nơi chốn trong đời, nếu ngay lúc vừa rời đi, có ai buộc tôi phải nán lại thêm một tháng nữa, có lẽ tôi sẽ khóc thét như một thằng bé. Vì sao ư? Ai cũng hiểu rồi, không gian đó chưa bao giờ là chỗ cho chút tâm tình nào của tôi hết. Tôi chỉ ghé lại trong giây lát bằng đôi chân của tôi. Tim tôi không ghé lại đó. Nó đang ở một phương trời khác. Vậy thì chỉ cần đôi chân lìa bỏ nơi chốn đó, theo tôi, là người ta đang thực hiện một chuyến về, không phải là một cuộc đi. Người ta RA ĐI nhưng là đang TÌM VỀ một nơi khác. Từ đó, theo tôi thì trong số những người tự xưng con Phật luôn có ít nhất hai trường hợp: Có kẻ đang về với Phật như đứa con lưu lạc về lại mái nhà xưa, nhưng cũng có người quy y Phật theo cách viếng thăm một người lạ, Phật trong lòng họ chưa kịp là một chốn về. Vẫn theo kiểu nói kì cục của tôi, nhiều khi kẻ trở lại trụ xứ sau một chuyến đi dài chưa chắc là hắn đang trở về. Chỉ có hắn và trời mới biết tim hắn bây giờ đang ở đâu. Tim gửi ở đâu thì ở đó mới là chốn về. Và rõ ràng có nhiều gã trượng phu trên đời này chỉ nghe hai chữ về nhà đã muốn bật khóc. Họ y hệt như Từ Hải của nàng Kiều: “Nửa năm hương lửa đương nồng, trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương!”. Tôi từng quen biết một người mang tiếng là có nhà cửa hẳn hoi, khang trang nữa là khác, nhưng suốt bao năm trời, với họ, về chỉ là đến, để rồi ngồi chưa ấm chỗ đã tìm cách khăn gói mà đi. Chốn về thật sự của họ đã là những nơi chốn khác!
Bốn mươi tuổi đời, tôi vẫn tự hỏi mình một câu khó trả lời nhất: Nhà của mình ở đâu? Tại sao đi đâu lâu mấy rồi cũng một bình minh nào đó một mình nghe ra chút gió sớm thổi về từ bao cõi lạ, với tí hơi muối
của trùng dương, một chút mùi rêu rong của sông nước, một chút sương mù của núi cao… Nghe để mà động đậy đôi chân, để mà thấy nơi chốn nào trong cõi nhân gian cũng là một góc tù. Chỉ có rùa già mới nằm chết ở sân đình, chỉ có lão hạc mới bỏ xác ở khe núi. Nằm xuống hay ở lại đâu đó coi như đã có một chốn về. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là, chốn về ấy có phải là một lựa chọn hay chỉ là hoàn cảnh bất lực.
Tôi nhớ từng viết ở đâu đó rằng ai cũng bắt đầu cuộc đời phù du của mình bằng một tuổi thơ trong tay mẹ. Ở tuổi lớn khôn thì người ta ngày một xa mẹ để tìm về đâu đó trong đời, khi mà tình thân và cả quê cha đất tổ hiếm khi là nơi chốn để người ta dung thân trọn đời. Vấn đề không phải chỉ nằm ở chỗ một mảnh đất hay mái nhà náu nương cho tấm thân sinh lý. Lúc này thiên hạ bỗng dưng thấm thía một điều là, thì ra cõi riêng của họ vốn nằm ngoài mấy chục ký lô xương thịt tóc tai này. Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng đụng chuyện thì sẽ thấy rằng cái cõi sống thiết thân nhất hình như phải là cái gì đó không thể sờ chạm…
“Ai đi đấy, ai về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu … cánh buồm”
Hai câu đó của thi sĩ Nguyễn Bính xài thiệt ít chữ, nhưng tuyệt đẹp và thâm hậu, đọc qua rồi đố ai tránh được một nỗi ngậm ngùi khó giải thích. Cuộc đi, cuộc ở, rồi cuộc về. Trong đời người, rồi đời tu, nhìn kỹ lại hình như chỉ là vấn đề của ba cuộc đó. Anh đang đi đâu, về đâu và trụ xứ thật sự của anh là phương trời nào. Và như đã nói, xin đừng bao giờ lầm tưởng mái nhà của anh là chốn về. Người Anh, người Mỹ phân biệt rất rõ chữ Home và House. Thường khi người ta có cả chục cái House mà chưa chắc có nổi một cái Home. Thế đã hết đâu, trong tiếng Anh còn có vài chữ rất lạ mà tôi cho là rất gần với Phật giáo: Habit là thói quen, nghĩa đen là cái mà người ta vẫn sống trong ấy. Từ đó mới có chữ Inhabitant (Cư dân). Và Routine là lề thói, nghĩa đen là con đường (route) nào anh thường lai vãng lui tới nhất. Trong kinh Phật, chữ Vihāri (Dhammavihārī) hay Vihāra (Brahmavihāra) cũng nhằm nghĩa đó!
“Biết tìm đâu một góc trời
Phương ta, hay ở phương người hở em…!?”
Moeriken, cuối tháng 6 năm 2008
TOẠI KHANH
(http://vietheravada.net/van/120vehaydi.htm)
- Tag :
- Toại Khanh
Send comment